TOÀ ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
BẢN ÁN 02/2018/HS-PT NGÀY 11/01/2018 VỀ TỘI VÔ Ý GÂY TỔN HẠI CHO SỨC KHỎE CỦA NGƯỜI KHÁC
Ngày 11/01/2018 tại trụ sở Toà án nhân dân thành phố Đà Nẵng mở phiên toà công khai xét xử phúc thẩm vụ án hình sự thụ lý số 218/2017/HSPT ngày 27/10/2017 đối với bị cáo Nguyễn Thị Tố V do có kháng cáo của đại diện hợp pháp người bị hại đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 69/2017/HSST ngày 15/9/2017 của Tòa án nhân dân quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng.
Bị cáo bị kháng cáo: Nguyễn Thị Tố V, sinh năm 1981; Nơi đăng ký hộ khẩu thương trú và chỗ ở hiện nay: Tổ 02 thị trấn H, huyện T, tỉnh Quảng Nam; Chỗ ở khi phạm tội: Tổ 202 phường H, quận L, thành phố Đà Nẵng; Số CMND: 2050667.. do Công an tỉnh Quảng Nam cấp ngày 04/12/2015; Trình độ văn hóa: 12/12; Dân tộc: Kinh; Nghề nghiệp: Nội trợ; Con ông Nguyễn Vĩnh L (chết) và bà Nguyễn Thị B (chết), có chồng là Hầu Thanh L, có 01 con sinh năm 2007; Tiền án, tiền sự: Chưa; Bị cáo tại ngoại. Có mặt.
* Người bị hại: Cháu Lương Công C, sinh ngày 03/7/2015.
* Người đại diện hợp pháp cho bị hại: Ông Lương Công T, sinh năm 1984 và bà Ngô Thị Y, sinh năm 1985 (là cha, mẹ ruột của bị hại; Nơi cư trú: Tổ 16C Khu đô thị P phường H, quận C, thành phố Đà Nẵng. Có mặt.
* Người bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp cho người bị hại: Ông Trần Tuấn L – Luật sư Công tác viên Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước TP Đà Nẵng. Có mặt.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Từ khoảng tháng 8/2015 đến ngày 18/7/2016, Nguyễn Thị Tố V không có chứng chỉ và không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động nghề giữ trẻ theo quy định của pháp luật nhưng vẫn tự phát nhận trông giữ trẻ tại nhà thuê thuộc tổ 202 phường H, quận L, thành phố Đà Nẵng. Khoảng đầu tháng 3/2016, V nhận trông giữ cháu Lương Công C là con anh Lương Công T và chị Ngô Thị Y và một cháu tên Luyn tại nhà với số tiền 1.500.000 đồng/tháng/cháu. Trong thời gian này cháu C nặng khoảng 10kg, cao khoảng 55 cm; có thể tự lật, bò, ngồi dậy và vịn vật cứng để đứng dậy trong thời gian ngắn và đôi lúc tự ngồi dậy trong nôi sau khi thức giấc.
Sáng ngày 18/7/2016, V nhận trông giữ cháu C và cháu Luyn như thường ngày. Đến khoảng 11 giờ 30 phút, sau khi cho cháu C và cháu Luyn ăn trưa xong, V cho mỗi cháu ngủ trong một nôi bằng mây (gồm lồng nôi và giá đỡ nôi, thành nôi cách nền nhà 60cm, đáy nôi cách nền nhà 33cm, lồng nôi có thể đung đưa không cố định) và V thấy hai cháu đã nhắm mắt nên nghĩ hai cháu đã ngủ. V ra phía trước nhà để rửa chén nhưng không có ai để trông nom hai cháu. Khoảng 15 phút sau, V nghe thấy một tiếng “bịch” nên chạy vào nhà xem thì thấy cháu C đang nằm dưới nền nhà ở tư thế nằm ngửa, bất tỉnh, mắt trợn ngược liền gọi điện báo tin cho chị Ngô Thị Y và anh Lương Công T biết sự việc. Sau đó anh T cùng V đưa cháu Châu đi cấp cứu tại Bệnh viện Phụ sản – nhi Đà Nẵng và đến 20 giờ cùng ngày, anh T đến công an phường Hòa Minh trình bày sự việc. Qua điều tra, V đã khai nhận hành vi của mình. Ngày 26/9/2016, anh Lương Công T yêu cầu khởi tố hình sự.
Theo Bản kết luận giám định pháp y về thương tích số 260/TgT ngày 22/9/2016 của Trung tâm pháp y Sở y tế thành phố Đà Nẵng xác định: Cháu Lương Công C bị chấn thương sọ não; phù não, tăng áp lực nội sọ, nứt vỡ xương sọ, tụ máu nội sọ. Tỷ lệ tổn thương cơ thể là 74%.
Tại Bản án sơ thẩm số 69/2017/HSST ngày 15/9/2017 Tòa án nhân dân quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng đã quyết định:
Áp dụng: Khoản 1 Điều 108; Điểm b, h, p Khoản 1, Khoản 2 Điều 46; Điều 31 Bộ luật Hình sự năm 1999 Nghị quyết 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội; khoản 3 Điều 7; khoản 2 Điều 38 Bộ luật Hình sự 2015.
Xử phạt: Nguyễn Thị Tố V 18 (Mười tám) tháng cải tạo không giam giữ về tội "Vô ý gây tổn hại cho sức khỏe của người khác". Thời hạn chấp hành hình phạt tính từ ngày giao bị cáo cho chính quyền địa phương nơi bị cáo cư trú, giáo dục.
Giao bị cáo Nguyễn Thị Tố V về UBND phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng giám sát, giáo dục bị cáo trong thời gian chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ.
2. Về trách nhiệm dân sự: Áp dụng: Điều 42 Bộ luật Hình sự 1999; Điều 584; Điều 590 Bộ luật Dân sự 2015.
Buộc bị cáo Nguyễn Thị Tố V phải bồi thường cho cháu Lương Công C số tiền 472.672.611 đồng.
Kể từ khi Bản án có hiệu lực pháp luật người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án nếu bên có nghĩa vụ chậm bồi thường thì phải chịu lãi suất đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả theo quy định tại Điều 357, Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015. Án phí dân sự sơ thẩm: Bị cáo Nguyễn Thị Tố V phải chịu 22.906.904 đồng.
Ngoài ra, Bản án còn quyết định về phần xử lý vật chứng, án phí hình sự sơ thẩm và thông báo quyền kháng cáo bản án.
Ngày 26/9/2017 đại diện hợp pháp người bị hại ông Lương Công T và bà Ngô Thị Y có đơn kháng cáo cho rằng các cơ quan tiền hành tố tụng sơ thẩm chưa thực hiện đầy đủ các biện pháp điều tra như: Chưa tiến hành đối chất giữa bị cáo và ông Ngô Minh T, bà Châu Thị K; chưa thực nghiệm hiện trường; chưa tiến hành đo độ siben để xác định lực tác động; đại diện người bị hại nghi ngờ bị cáo đã dùng vũ lực gây ra thương tích cho bị hại. Do đó đề nghị hủy án sơ thẩm hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại đối với bị cáo Nguyễn Thị Tố V về tội “Cố ý gây thương tích”. Ngoài ra đại diện hợp pháp bị hại còn đề nghị xem xét lại phần bồi thường thiệt hại để đảm bảo quyền lợi cho gia đình người bị hại.
Đại diện Viện kiểm sát tham gia phiên tào có quan điểm về việc giải quyết vụ án như sau:
Đại diện hợp pháp người bị hại kháng cáo đề nghị hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại vì nghi ngờ bị cáo có hành vi dùng vũ lực gây thương tích cho bị hại và đề nghị xem xét lại phần bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên quá trình tiến hành tố tụng vụ án này ở cấp sơ thẩm đã được trả hồ sơ điều tra bổ sung nhiều lần, cơ quan điều tra đã thực hiện đầy đủ các hoạt động điều tra theo quy định của pháp luật để xác định hành vi, nguyên nhân sự việc. Ngoài nguyên nhân gây tổn hại sức khỏe cho người bị hại như bị cáo Nguyễn Thị Tố V đã khai nhận thì cơ quan tiến hành tố tụng không có cơ sở xác định nguyên nhân nào khác gây nên tổn hại cho sức khỏe của người bị hại. Hơn nữa lời khai của bị cáo phù hợp với kết luận giám định và giải thích của Giám định viên tại phiên tòa sơ thẩm “Thương tích của cháu C có thể được tạo ra khi đầu cháu Châu đang di chuyển va đập với vật tày, diện tác động không góc cạnh”. Về yêu cầu đo độ siben vấn đề này theo như bị hại trình bày thì cũng chỉ để xác định lực tác động chứ không thể khẳng định nguyên nhận do đâu. Do đó có cơ sở khẳng định bản án sơ thẩm đã xét xử bị cáo Nguyễn Thị Tố V về tội “Vô ý gây tổn hại cho sức khỏe của người khác” theo Khoản 1 Điều 108 Bộ luật Hình sự là có căn cứ, đúng tội. Việc thực nghiệm hiện trường không thể thực hiện được vì không thể sử dụng cháu bé có cùng độ tuổi, trọng lượng, kích cỡ để thực nghiệm (vì nếu thực nghiệm có thể gây nguy hiểm đến tính mạng người khác và đây là hành vi vi phạm pháp luật) vấn đề này cơ quan điều tra cũng đã có văn bản trả lời cho gia đình bị hại. Đối với ông Ngô Minh T và bà Châu Thị K cũng chỉ là người nghe bị cáo V kể lại sự việc, không trực tiếp chứng kiến, hơn nữa nội dung ông T, bà K nghe kể cũng thể hiện bị cáo V không tác động ngoại lực đến bị hại. Do đó đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo đề nghị hủy án sơ thẩm của đại diện hợp pháp người bị hại.
Đối với phần kháng cáo của đại diện hợp pháp người bị hại đề nghị xem xét lại phần trách nhiệm dân sự và yêu cầu bồi thường thêm các khoản chi phí điều trị, chăm sóc người bị hại từ sau khi xét xử sơ thẩm đến nay. Vấn đề này nếu đại diện người bị hại cung cấp đầy đủ hóa đơn chứng từ đúng quy định của pháp luật thì đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận buộc bị cáo bồi thường.
Tại phiên tòa đại diện hợp pháp người bị hại và người bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp cho người bị hại đề nghị Hội đồng xét xử hủy án sơ thẩm để điều tra lại xác định rõ nguyên nhân, bản chất sự việc. Ngoài ra, còn đề nghị Hội đồng xét xử buộc bị cáo bồi thường các khoản chi phí điều trị, chăm sóc cho người bị hại phát sinh từ sau khi xử sơ thẩm đến nay.
Tại phiên tòa bị cáo Nguyễn Thị Tố V cũng đã khai nhận hành vi phạm tội của mình như nội dung bản án sơ thẩm. Bị cáo nhận thực được cháu Châu còn nhỏ chưa có khả năng bảo vệ bản thân, hậu quả cháu Châu bị tổn hại sức khỏe trong thời gian bị cáo trông giữ thì bị cáo phải chịu trách nhiệm, nhưng việc này bị cáo hoàn toàn không mong muốn. Hiện hoàn cảnh bị cáo cũng đang rất khó khăn, bị cáo đang mang thai nên chưa có điều kiện bồi thường cho gia đình người bị hại. Mong Hội đồng xét xử xem xét cho bị cáo.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:
[1] Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Nguyễn Thị Tố V đã khai nhận hành vi phạm tội của mình, lời khai nhận tội của bị cáo phù hợp với kết luận giám định, ý kiến của Giám định viên và các tài liệu khác có trong hồ sơ vụ án, thể hiện: Bị cáo Nguyễn Thị Tố Vững hành nghề trông trẻ tự phát, không có chứng chỉ nghiệp vụ, không được cấp phép hoạt động trông giữ trẻ. Trên cơ sở các bên tự nguyện thỏa thuận, ông Lương Công T và bà Ngô Thị Y đã giao cháu Lương Công C cho bị cáo V trông giữ. Trong quá trình giữ cháu C, đến trưa ngày 18/7/2016, V cho cháu C vào nằm trong một cái nôi bằng mây (gồm lồng nôi và giá đỡ nôi, thành nôi cách nền nhà 60cm, đáy nôi cách nền nhà 33cm, lồng nôi có thể đung đưa không cố định). Khi thấy cháu C nhắm mắt nên nghĩ cháu đã ngủ. V ra phía trước nhà để rửa chén mà không có ai trông nom cháu C. Khoảng 15 phút sau, V nghe thấy một tiếng “bịch” nên chạy vào nhà xem thì thấy cháu C đang nằm dưới nền nhà ở tư thế nằm ngửa, bất tỉnh, mắt trợn ngược liền gọi điện báo tin cho chị Ngô Thị Y và anh Lương Công T biết sự việc. Theo kết luận giám định phát y về thương tích thì cháu Trương Công C bị chấn thương sọ não; phù não, tăng áp lực nội sọ, nứt vỡ xương sọ, tụ máu nội sọ. Tỷ lệ tổn thương cơ thê là 74%.
Bị cáo Nguyễn Thị Tố V là người có trách nhiệm trông giữ cháu C, bị cáo nhận thức rõ cháu C đang còn rất nhỏ, chưa có khả năng tự bảo vệ bản thân, nếu không có người trong giữ có thể sẽ gặp nguy hiểm. Nhưng do bị cáo chủ quan nghĩ rằng cháu C đang ngủ sẽ không có vấn đề gì nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng, nên bị cáo đã bỏ mặc không trông giữ cháu C. Mặc dù hậu quả xảy ra bị cáo hoàn toàn không mong muốn nhưng xuất phát từ hành vi bỏ mặc không trông giữ cháu C dẫn đến cháu C bị tổn hại sức khỏe 74%, đây là hậu quả do lỗi vô ý của bị cáo gây ra. Vì vậy, bản án sơ thẩm số 69/2017/HSST ngày 15/9/2017 của Tòa án nhân dân quận Liên Chiểu đã xét xử bị cáo Nguyễn Thị Tố V về tội “Vô ý gây tổn hại cho sức khỏe của người khác” theo Khoản 1 Điều 108 Bộ luật Hình sự 1999 là có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng quy định của pháp luật.
Đại diện hợp pháp người bị hại kháng cáo cho rằng có thể bị cáo đã dùng vũ lực tác động gây thương tích cho bị hại, nhưng đây chỉ là sự suy diễn, nghi vấn của đại diện người bị hại, không có cơ sở pháp lý để chấp nhận. Về đề nghị thực nghiệm hiện trường là không thể thực hiện được vì không thể sử dụng một cháu bé có cùng độ tuổi, trọng lượng, kích thước để thực nghiệm (việc thực nghiệm này nếu được thực hiện có thể gây nguy hiểm đến tính mạng người khác). Đối với lời khai của ông Ngô Minh T và bà Châu Thị K thì ông T, bà K chỉ là người nghe bị cáo V kể lại sự việc, không trực tiếp chứng kiến, hơn nữa nội dung ông T, bà K được nghe kể cũng thể hiện bị cáo V không tác động ngoại lực đến bị hại. Qúa trình giải quyết vụ án, các cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm đã trả hồ sơ điều tra bổ sung nhiều lần, cơ quan điều tra cũng đã tiến hành các hoạt động điều tra làm rõ các vấn đề gia đình người bị hại yêu cầu, đúng theo quy định của pháp luật và đã xác định được nguyên nhân xảy ra vụ án như lời khai nhận của V là khách quan phù hợp với các tài liệu, chứng cứ khác có tại hồ sơ vụ án. Ngoài ra không có bất kỳ tài liệu, chứng cứ nào để khẳng định hậu quả dẫn đến tổn hại sức khỏe của cháu C là do hành vi cố ý của bị cáo Nguyễn Thị Tố V gây ra. Do đó, Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của đại diện hợp pháp người bị hại cũng như ý kiến của Luật sư bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp cho người bị hại đề nghị hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại, mà giữ nguyên tội danh, hình phạt đối với bị cáo như đề nghị của đại diện Viện kiểm sát. Do sau khi xử sơ thẩm, bị cáo thay đổi nơi cư trú nên giao bị cáo về chính quyền địa phương nơi cư trú mới để giám sát giáo dục trong thời gian chấp hành án.
[2] Đối với phần kháng cáo đề nghị xem xét lại phần trách nhiệm dân sự của bản án sơ thẩm và yêu cầu bồi thường những chi phí phát sinh sau khi xét xử sơ thẩm đến nay, Hội đồng xét xử thấy: Tại phiên tòa sơ thẩm đại diện hợp pháp người bị hại yêu cầu bị cáo bồi thường tổng số tiền 758.434.300 đồng. Bản án sơ thẩm đã chấp nhận các khoản chi phí thuốc men điều trị,vật lý trị liệu, phục hồi chức năng, chi phí đi lại, ăn uống, tiền mất thu nhập, tổn thất tinh thần tổng cộng 492.672.611 đồng (Bị cáo đã bồi thường được 20.000.000 đồng). Riêng đối với yêu cầu bồi thường chi phí ghép tế bào gốc 221.671.669 đồng do thực tế chưa thực hiện nên cấp sơ thẩm không chấp nhận là hoàn toàn đúng quy định của pháp luật.Sau khi xét xử sơ thẩm gia đình bị hại tiếp tục đưa cháu C đi điều trị và các chi phí thực tế khác với số tiền 117.579.000 đồng bao gồm: Chí phí chăm sóc cháu C:5.000.000 đồng/1 tháng x 4 tháng = 20.000.000đồng; Tiền mất thu nhập: 6.124.000 đồng/1 tháng x 4 tháng = 24.496.000 đồng; Chi phí điều trị: 73.083.005 đồng, nên gia đình bị hại yêu cầu buộc bị cáo tiếp tục bồi thường thêm các khoản chi phí này. Xét thấy yêu cầu của đại diện hợp pháp người bị hại là phù hợp và có hóa đơn chứng từ kèm theo nên Hội đồng xét xử chấp nhận và buộc bị cáo tiếp tục bồi số tiền 117.579.000 đồng chi phí điều trị, chăm sóc cháu C phát sinh từ khi xét xử sơ thẩm đến nay. Như vậy, tổng số tiền buộc bị cáo Nguyễn Thị Tố V phải bồi thường cho bị hại Lương Công C là (492.672.611 đồng + 117.579.000 đồng) 610.251.611 đồng, bị cáo đã bồi thường được 20.000.000 đồng, còn lại buộc bị cáo phải tiếp tục bồi thường là 590.251.611 đồng.
Do cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm về phần trách nhiệm dân sự nên phần án phí dân sự sơ thẩm sẽ được tính lại.
Các quyết định khác của Bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
1. Căn cứ vào: Điểm a khoản 1 Điều 355 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015; Khoản 1 Điều 108; Điểm b, h, p Khoản 1, Khoản 2 Điều 46; Điều 31 Bộ luật Hình sự 1999; khoản 3 Điều 7, khoản 2 Điều 38 Bộ luật Hình sự 2015.
Không chấp nhận kháng cáo của đại diện hợp pháp người bị hại về đề nghị hủy bản án sơ thẩm đề điều tra lại, giữ nguyên bản án sơ thẩm về phần tội danh, hình phạt đối với bị cáo.
Xử phạt: Nguyễn Thị Tố V 18 (mười tám) tháng cải tạo không giam giữ về tội "Vô ý gây tổn hại cho sức khỏe của người khác". Thời gian chấp hành hình phạt tính từ ngày cơ quan, tổ chức được giao giám sát giáo dục bị cáo nhận được quyết định thi hành án và bản sao bản án.
Giao bị cáo Nguyễn Thị Tố V về ủy ban nhân dân thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam giám sát, giáo dục trong thời gian chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ.
2. Căn cứ vào: Điểm b khoản 1 Điều 355; Điểm b khoản 2 Điều 357 Bộ luật tố tụng hình sự 2015; Điều 42 Bộ luật Hình sự 1999; Điều 584; Điều 590 Bộ luật Dân sự 2015.
Chấp nhận một phần kháng cáo của đại diện hợp pháp người bị hại, sửa bản án sơ thẩm về phần trách nhiệm dân sự.Buộc bị cáo Nguyễn Thị Tố V phải bồi thường cho gia đình người bị hại cháu Lương Công C (do ông Lương Công T và bà Ngô Thị Y là cha, mẹ ruột của người bị hại làm đại diện) số tiền 610.251.611 đồng (sáu trăm mười triệu hai trăm năm mươi mốt nghìn sáu trăm mười một đồng), bị cáo đã bồi thường được 20.000.000 đồng (hai mươi triệu đồng), còn lại buộc bị cáo phải tiếp tục bồi thường là 590.251.611 đồn (năm trăm chín mươi triệu hai trăm năm mươi mốt nghìn sáu trăm mười một đồng).
Kể từ khi Bản án có hiệu lực pháp luật người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án nếu bên có nghĩa vụ chậm bồi thường thì phải chịu lãi suất đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả. Lãi suất chậm trả được xác định theo thỏa thuận của các bên nhưng không được vượt quá mức lãi suất được quy định tại khoản 1 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015; Nếu không có thỏa thuận thì thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015.
3. Về án phí: Áp dụng Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, buộc bị cáo Nguyễn Thị Tố V phải chịu 27.610.064 đồng (hai mươi bảy triệu sáu trăm mười nghìn không trăm sáu bốn đồng) án phí dân sự sơ thẩm.
4. Các quyết định khác của Bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
5. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.
Bản án 02/2018/HS-PT ngày 11/01/2018 về tội vô ý gây tổn hại cho sức khỏe của người khác
Số hiệu: | 02/2018/HS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Đà Nẵng |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 11/01/2018 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về