Bản án 02/2018/DS-ST ngày 05/04/2018 về tranh chấp bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN K - TỈNH NINH BÌNH

BẢN ÁN 02/2018/DS-ST NGÀY 05/04/2018 VỀ TRANH CHẤP BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI DO SỨC KHỎE BỊ XÂM PHẠM

Ngày 05 tháng 04 năm 2018, tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện K, tỉnh Ninh Bình. Xét xử sơ thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số 08/2017/TLST-DS ngày 10 tháng 10 năm 2017 về “Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do sức khỏe bị xâm phạm” theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 01/2018/QĐST-DS ngày 18 tháng 01 năm 2018 giữa các đương sự:

Nguyên đơn: Bà Đỗ Thị T1, sinh năm 1973; địa chỉ: xóm 13, xã Q, huyện K, tỉnh Ninh Bình; có mặt.

Người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn: ông Lương Văn C; địa chỉ: phường Đ, thành phố N, tỉnh Ninh Bình; có mặt.

Bị đơn: Ông Trần Văn T2, sinh năm 1968; địa chỉ: xóm 13, xã Q, huyện K, tỉnh Ninh Bình; có mặt.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn: Ông Phạm Đức H, Luật sư; Văn phòng Luật sư Đức H, Đoàn luật sư tỉnh Ninh Bình; có mặt.

Người làm chứng: Anh Đoàn Văn Đ, sinh năm 1973; địa chỉ: xã N, huyện N, tỉnh Nam Định và anh Tạ Minh T3, sinh năm 1983; địa chỉ: thôn Y, xã P, huyện N, tỉnh Ninh Bình; đều vắng mặt .

NỘI DUNG VỤ ÁN

Ngày 20/5/2015 trong khi cán bộ trung tâm kỹ thuật đo đạc và bản đồ tỉnh Ninh Bình về khảo sát đo đạc lại đất của các hộ gia đình trong xã để cấp và đổi bìa đỏ cho các hộ gia đình tại xóm 13, xã Q, huyện K; khi đo đến phần đất giáp ranh giữa nhà bà T1 và ông T2 thì bà T1 với ông T2 có lời qua tiếng lại trong khi chứng kiến việc đo đạc liên quan đến đất đai của hai bên gia đình dẫn đến cãi chửi nhau, đánh nhau. Sau khi sự việc xảy ra, công an xã Q và công an huyện K đã xem xét giải quyết và xác định vụ việc không đủ căn cứ giải quyết về hình sự nên ngày 17/5/2016 Công an huyện K đã xử phạt vi phạm hành chính đối với ông T2, yêu cầu các bên tự hòa giải hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân huyện K.

Theo nguyên đơn bà Đỗ Thị T1 thì bà bị ông T2 dùng tay, chân đấm đá gây thương tích, phải đi bệnh viện đa khoa huyện K điều trị 12 ngày; từ 25/5 đến 06/6/2015 sau đó đi bệnh viện tỉnh Ninh Bình ngày 05/06/2016 và tại bệnh viện Đại học y Hà Nội từ 18/03/2016 đến 28/03/2016. Chi phí điều trị trực tiếp: tiền điều trị và đi lại tại bệnh viện huyện K từ 25/5/2015 đến 06/6/2015 là 5.600.000đ; tiền điều trị và đi lại tại bệnh viện Ninh Bình ngày 05/6/2015 và bệnh viện Đại học y Hà Nội từ 18/03/2016 đến 28/03/2016 là 7.993.000 đồng; tiền mua thuốc điều trị riêng 150.000 đồng; tiền mua dây bạc và lắc bạc bị ông T2 rứt mất là 1.500.000 đồng; tiền áo bị xé rách là 200.000đ. Chi phí gián tiếp tiền công lao động của bà và chồng bà là người đi chăm sóc sức khỏe cho bà (bà làm nghề bán hoa tươi, chồng làm nghề lái xe ôm) trong thời gian điều trị và công không lao động được trong thời gian ba tháng sau khi bị đánh là 48.000.000 đồng; tiền bồi thường sức khỏe và tinh thần cho bà là 9.000.000 đồng. Từ khi xảy ra sự việc đến nay, ông T2 không một lời hỏi han và cũng không bồi thường cho bà khoản tiền nào. Vì vậy bà yêu cầu tòa án buộc ông T2 phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại về sức khỏe đối với bà tổng cộng số tiền là 72.443.000 đồng. Tại phiên tòa bà T1 yêu cầu bổ sung khởi kiện số tiền báo phát các đơn từ gửi tới các cơ quan nhà nước khác trong quá trình yêu cầu giải quyết việc tranh chấp đất với gia đình ông T2 và việc giải quyết sự việc ông T2 đánh bà nhưng không nêu yêu cầu cụ thể.

Bị đơn ông Trần Văn T2 cho rằng: khi tổ đo đạc đo thửa đất của nhà ông thì bà T1 không cho họ đo và nhận sang phần đất của gia đình ông giáp với đất nhà bà T1. Bà T1 đã xỉa xói vào mặt ông và chửi bố mẹ ông rất tục tĩu, bậy bạ. Biết bà T1 là người đanh đá, chua ngoa nên ông không thèm chấp lời với bà mà chỉ đứng đó nói chuyện với hai cán bộ đo đất là cứ tiến hành đo đất cho gia đình ông theo mốc giới đang sử dụng thì bất ngờ bà T1 chạy đến bóp bộ hạ ông, bị bất ngờ nên ông không kịp chống đỡ. Thấy vậy hai cán bộ đo đất đã can và đẩy bà T1 ra nhưng bà T1 vẫn hung hăng chửi bới và xé rách áo lót của ông đang mặc. Đến lúc ấy ông không thể nhịn được nữa và đã tát bà T1 vài cái không biết trúng vào chỗ nào, sau đó ông vào nhà kệ cho bà T1 đứng chửi bới. Theo ông bà T1 trình bày là ông đánh bà T1 gây thương tích, làm bà T1 ốm yếu phải nghỉ ở nhà để chồng chăm sóc là bịa đặt, không đúng sự thật, vu vạ cho ông. Còn việc bà T1 05 ngày sau mới đến bệnh viện K khám và kéo dài thời gian nằm viện 12 ngày rồi sau đó còn cố tình tạo ra mọi cớ, mọi lý do để bắt ông phải bồi thường là hết sức vô lý, không có căn cứ chấp nhận. Do vậy ông đề nghị tòa án huyện K xem xét bác yêu cầu khởi kiện đòi ông phải bồi thường cho bà T1 tổng số tiền là 72.443.000đ. Ông bị bà T1 bóp bộ hạ bị phát hạch phải điều trị ở bệnh viện Hợp Lực - Ninh Bình nhưng ông không có yêu cầu bà T1 phải bồi thường.

Người bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp cho ông T2 tại phiên tòa có quan điểm: bà T1 bị đánh từ ngày 20 đến ngày 25 tháng 5/2015 mới đi điều trị nên trong khoảng thời gian đó bà T1 có thể bị ngã hoặc bị ai đánh không có cơ sở chứng minh các vết thương đó do ông T2 gây ra cho bà T1 nên đề nghị Tòa án bác yêu cầu đòi bồi thường của bà T1 đối với ông T2.

Quan điểm của đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện K tại phiên tòa: Về tố tụng Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa và của nguyên đơn trong quá trình giải quyết vụ án đã tuân theo đúng quy định của pháp luật; bị đơn chưa thực chấp hành quy định của pháp luật về quyền và nghĩa vụ của mình. Về nội dung: áp dụng các Điều 604, 605, 606, 607, 609 BLDS năm 2005 và đề nghị HĐXX giải quyết vụ án theo hướng chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc bị đơn phải bồi thường cho nguyên đơn số tiền 7.637.688đ; buộc bị đơn phải chịu án phí theo quy định của pháp luật.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa, căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa. HĐXX nhận định:

[1] Bà Đỗ Thị T1 khởi kiện yêu cầu ông Trần Văn T2 bồi thường thiệt hại do ông T2 dùng tay đánh bà ngày 20/5/2015. Sự việc ông T2 đánh bà gây thương tích đã được Cơ quan công an huyện K giải quyết, nhưng do bà T1 từ chối giám định thương tích nên ngày 17/5/2016 Công an huyện K đã xử phạt vi phạm hành chính đối với ông T2. Ngày 10/10/2017 bà Đỗ Thị T1 khởi kiện đòi bồi thường, căn cứ quy định tại khoản 6 Điều 26 BLTTDS thì quan hệ pháp luật được xác định khi giải quyết là “Tranh chấp bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm”. Bị đơn Trần Văn T2 có địa chỉ cư trú tại xóm 13, xã Q, huyện K, tỉnh Ninh Bình, căn cứ điều 39 BLTTDS vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND huyện K. Sự việc xảy ra năm 2015 nên việc giải quyết yêu cầu của bà T1 căn cứ BLDS năm 2005.

[2] Về lỗi và quan hệ nhân quả: Theo bà T1 khai trong lúc hai bên có lời qua tiếng lại thì ông T2 dùng tay tát, đấm vào vùng mặt, vùng ngực của bà. Ông T2 khai trong lúc cãi chửi nhau bà T1 lao vào bóp vào bộ hạ ông, do bị đau nên ông đã dùng tay tát bà T1 vài cái nhưng không biết trúng vào đâu. Người bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của bị đơn cho rằng bà T1 bị đánh từ ngày 20 đến ngày 25 tháng 5/2015 mới đi điều trị nên trong khoảng thời gian đó bà T1 có thể bị ngã hoặc bị ai đánh không có cơ sở chứng minh các vết thương đó do ông T2 gây ra cho bà T1 nhưng không đưa ra chứng cứ chứng minh được điều này. Căn cứ tài liệu thu thập tại công an huyện K đã giải quyết vụ việc ban đầu là lời khai của người làm chứng là anh Tạ Minh T3 và anh Đoàn Văn Đ là cán bộ trung tâm kỹ thuật đo đạc và bản đồ tỉnh Ninh Bình xác định bà T1 chửi ông T2 và do bức xúc, ông T2 đã đến tát bà T1 vào vùng đầu mặt, sau đó thì bà T1 lao vào bóp bộ hạ ông T2. Theo giấy nhập viện ngày 20/5/2015 của bệnh viện đa khoa huyện K thể hiện tình trạng lúc bà T1 nào viện: sưng đau vùng mặt, tức ngực. Bà T1 xác định tự điều trị tại nhà nhưng không đỡ nên sau đó mới đi điều trị tại bệnh viện bà không bị ngã hoặc bị ai đánh trong khoảng thời gian đó.

Từ những căn cứ nêu trên có cơ sở khẳng định các vết thương sưng đau vùng mặt, tức ngực của bà T1 là do ông T2 gây nên; ông T2 đã có hành vi xâm phạm sức khỏe của bà T1, do đó ông T2 phải có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại xảy ra theo quy định tại Điều 604, 605, 606, 609 BLDS 2005.

[3] Xét các khoản đòi bồi thường chi phí trực tiếp của bà T1 đối với ông T2 thì thấy rằng:

Sau khi bị ông T2 đánh bà T1 đã điều trị tại bệnh viện đa khoa huyện K từ ngày 25/05/ đến 05/06/ 2015 căn cứ vào báo cáo số 718/CV-BVĐK ngày 04/12/2017 của bệnh viện huyện K cung cấp thì chi phí cho quá trình điều trị tại bệnh viện huyện K chỉ hết 593.000đ. Khi điều trị ở bệnh viện huyện K kết thúc tại giấy ra viện ngày 05/6/2015 ghi điều trị mới tạm ổn định nên bà T1 đã lên bệnh viện tỉnh Ninh Bình tái khám kiểm tra; Tại công văn số 469/KHTH-BVĐK ngày 21/ 12/ 2017 của Bệnh viện đa khoa tỉnh Ninh Bình: xác định ngày 05/6/2015 bà T1 khám bệnh, chụp phim sọ não; được chẩn đoán: Viêm xoang hàm cấp, kê đơn điều trị ngoại trú, thanh toán viện phí và kết thúc trong ngày; tổng chi phí hết 994.000 trong đó chi phí khám là 467.000đ và tiền thuốc là 527.000đ điều trị bệnh lý; do đó chi phí tại bệnh viện tỉnh Ninh Bình được chấp nhận là 467.000đ cho các khoản khám chữa bệnh còn khoản chi phí tiền thuốc điều trị 527.000đ không được chấp nhận. Ngoài chi phí khám chữa bệnh tại hai bệnh viện nêu trên bà T1 còn yêu cầu thanh toán chi phí xe đi khám điều trị tại bệnh viện K và bệnh viện tỉnh Ninh Bình là 900.000đ. Tổng ba khoản chi phí trực tiếp là 1.960.000đ đây là những chi phí hợp lý và có căn cứ chấp nhận số tiền này.

Đối với khoản tiền xe và tiền khám tại bệnh viện Đại học y Hà Nội của bà T1 phát sinh sau thời điểm từ ngày 06/6/2016 các chứng cứ bà T1 cung cấp xác định bà T1 khám và điều trị theo bệnh lý chứ không phải điều trị vết thương do người khác đánh vì vậy các khoản chi phí này không được chấp nhận.

[4] Xét các khoản đòi bồi thường chi phí gián tiếp của bà T1 đối với ông T2 thì thấy rằng:

Đối với số tiền công lao động của bà T1 và chồng bà người đi chăm sóc bà yêu cầu ông T2 phải bồi thường; thực tế bà T1 phải nằm viện điều trị tại bệnh viện huyện K 12 ngày đối với các vết thương do ông T2 gây nên không thể lao động được và quá trình điều trị cần phải có người chăm sóc; còn thời gian điều trị tại Bệnh viện Đại học Y là chữa trị bệnh lý không liên quan đến điều trị hậu quả do ông T2 gây nên vì vậy chỉ có thể chấp nhận buộc ông T2 phải thanh toán tiền công lao động cho 12 ngày điều trị tại bệnh viện huyện K.

Về mức ngày công lao động của bà T1 đề xuất là 200.000đ/ ngày/một người nhưng không có chứng cứ chứng minh rõ ràng, xác minh tại địa phương ngày công lao động của người dân ở xã Q, huyện K có mức thu nhập khoảng từ 80.000đ đến 100.000đ/ ngày; thực tế lao động phổ thông không tay nghề theo thời vụ tại huyện huyện K chỉ ~ 150.000đ/ ngày công vì vậy yêu cầu ngày công của bà đòi bồi thường cao so với lao động phổ thông tại địa phương trung bình tại địa phương. Do đó căn cứ điểm c, khoản 1, Điều 609 BLDS năm 2005 thì tiền công lao động được chấp nhận là 150.000đ/ ngày x 12 ngày x 2 người = 3.600.000đ và buộc ông T2 phải có nghĩa vụ bồi thường công lao động cho bà T1 và chồng bà người đi chăm sóc số tiền này.

[5] Đối với yêu cầu bồi thường sức khỏe và tinh thần của bà T1 đối với ông T2 là 9.000.000đ vấn đề này thấy rằng ông T2 có hành vi xâm phạm sức khỏe của bà T1 nhưng thương tích và hậu quả để lại không đáng kể nên yêu cầu này của bà T1 căn cứ khoản 2 Điều 609 BLDS năm 2005 được chấp nhận ở mức là 3.000.000đ.

[6] Đối với tiền mua thuốc riêng 150.000 đồng là thuốc tự mua không có chỉ định của bác sỹ nên không chấp nhận; tiền mua dây bạc và lắc bạc bị mất là 1.500.000 đồng; tiền áo bị xé rách là 200.000 đồng bà T1 không có căn cứ chứng minh, các anh Tạ Minh T3 và anh Đoàn Văn Đ trong lời khai tại cơ quan điều tra xác nhận không thấy ông T2 xé áo bà T1 hay lấy vật gì của bà T1, sau khi xô xát không thấy bà T1 kêu mất tài sản gì, nên yêu cầu này của bà không được chấp nhận.

[7] Đối với yêu cầu bổ sung khởi kiện của bà T1 tại phiên tòa về số tiền báo phát các đơn từ gửi tới các cơ quan nhà nước khác trong quá trình yêu cầu giải quyết việc tranh chấp đất với gia đình ông T2 và việc giải quyết sự việc ông T2 đánh bà nhưng không nêu yêu cầu cụ thể và không nằm trong quy định tại Điều 609 BLDS 2005 nên không được xem xét chấp nhận.

[8] Ông Trần Văn T2 trình bày khi xảy ra xô xát có bị bà T1 bóp vào bộ hạ và phải đi điều trị. Tuy nhiên quá trình giải quyết vụ án Tòa án đã giải thích cho ông T2 biết nêu có yêu cầu phản tố thì phải có đơn yêu cầu và cung cấp tài liệu chứng cứ để tòa xem xét giải quyết theo quy định tại điều 200 BLTTDS, nhưng ông T2 không thực hiện nên hội đồng xét xử không xem xét vấn đề này.

[9] Về án phí: yêu cầu khởi kiện của bà T1 được chấp nhận nên ông T2 phải chịu án phí dân sự đối với phần bồi thường được chấp nhận; bà T1 không phải chịu án phí phần yêu cầu không được chấp nhận theo quy định tại Nghị quyết 326/2016/NQUBTVQH14

Vì các lẽ trên

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ các Điều 604, 605, 606, 609 Bộ luật dân sự 2005;

Căn cứ Điều 147 Bộ luật tố tụng dân sự 2015; Nghị quyết 326 /2016/NQUBTVQH14 quy định về án phí, lệ phí tòa án.

1/ Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện “Đòi bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm” của bà Đỗ Thị T1 đối với ông Trần Văn T2.

Buộc ông Trần Văn T2 bồi thường thiệt hại về sức khỏe cho bà Đỗ Thị T1 số tiền 8.560.000đ (tám triệu năm trăm sáu mươi ngàn đồng).

2/. Án phí dân sự sơ thẩm ông T2 phải nộp 428.000đ.

Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật và người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án, nếu người phải thi hành án không thi hành khoản tiền phải thi hành nêu trên thì hàng tháng người phải thi hành án còn phải chịu lãi suất chậm trả đối với số tiền phải thi hành tương ứng với thời gian chưa thi hành án theo quy định tại Điều 357 và Điều 468 Bộ luật dân sự 2015..

Trường hợp bản án được thực hiện theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì các đương sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6,7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; Thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Án xử sơ thẩm công khai, các đương sự có mặt có quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

684
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 02/2018/DS-ST ngày 05/04/2018 về tranh chấp bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm

Số hiệu:02/2018/DS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Kim Sơn - Ninh Bình
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 05/04/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về