TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG
BẢN ÁN 02/2018/DSPT NGÀY 16/01/2018 VỀ TRANH CHẤP KIỆN ĐÒI TÀI SẢN
Trong các ngày 11 tháng 01 và 16 tháng 01 năm 2018, tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Hải Dương xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số 14/2017/DS-PT ngày 04/4/2017 về việc “Kiện đòi tài sản”.
Do bản án dân sự sơ thẩm số 01/2017/DS-ST ngày 08/02/2017 của Tòa án nhân dân huyện K bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 25/2017/QĐXXPT – DS ngày 05/7/2017; Quyết định hoãn phiên tòa số 24/2017/QĐ – PT ngày 25/8/2017; Thông báo mở lại phiên tòa số 491/TB – TA ngày 15/12/2017 giữa các đương sự:
1. Nguyên đơn: Ban quản lý Đình làng thôn X, xã Đ, huyện K, tỉnh Hải Dương.
Địa chỉ: Thôn X, xã Đ, huyện K, tỉnh Hải Dương.
Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn: Ông Phạm Anh T, sinh năm 1956 - Trưởng ban quản lý đình làng thôn X.(có mặt)
Địa chỉ: Thôn X, xã Đ, huyện K, tỉnh Hải Dương.
2. Bị đơn: Ông Nguyễn Ngọc S, sinh năm 1972; (có mặt) Địa chỉ: Thôn X, xã Đ, huyện K, tỉnh Hải Dương.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn: Ông Vũ M - Luật sư văn phòng luật sư H - Đoàn luật sư tỉnh Hải Dương. (có mặt)
3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
+ Ông Nguyễn Văn H, sinh năm 1964. (có mặt) Địa chỉ: Thôn X, xã Đ, huyện K, tỉnh Hải Dương.
+ Ông Vũ Văn N, sinh năm 1943. (có mặt) Địa chỉ: Thôn X, xã Đ, huyện K, tỉnh Hải Dương.
4. Người kháng cáo: Ông Nguyễn Ngọc S (Bị đơn).
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo đơn khởi kiện, bản tự khai, hòa giải, tại phiên tòa người đại diện hợp pháp của nguyên đơn trình bày:
Năm 2007-2008 nhân dân thôn Thôn X, xã Đ, huyện K đóng góp tiền xây dựng đình làng X. Năm 2010 đình làng được hoàn thiện và bàn giao, nhân dân đã họp thống nhất thành lập Ban quản lý đình làng X. Ban quản lý làm việc trên tinh thần tự nguyện, không hưởng bất cứ thù lao gì. Đình làng X thành lập và hoạt động từ nguồn tiền do nhân dân đóng góp và công đức. Việc chi tiêu của đình do Ban quản lý họp và quyết định như chi xây dựng, kiến thiết, lễ hội, quản lý tiền công đức…và chịu trách nhiệm trước nhân dân thôn X. Ban quản lý đình làng X gồm Trưởng thôn là Trưởng ban, 1 phó thôn là phó ban và 13 người trong thôn là ủy viên. Trong ban phân công ông Vũ Văn N ghi sổ sách thu, chi (gọi là Kế Toán), ông Nguyễn Ngọc S quản lý tiền (gọi là Thủ quỹ) từ tháng 8/2011.
Tháng 8/2011 ông Nguyễn Văn H bàn giao cho ông Nguyễn Ngọc S là thủ quỹ số tiền mặt 2.504.000đ. Quỹ đình còn có 50.000.000đ gửi tại Quỹ tín dụng nhân dân xã Đ chưa rút và 10.000.000đ bà Nguyễn Thị Đ vay chưa trả. Việc bàn giao lập biên bản và ghi vào sổ của ông S. Từ tháng 8/2011 đến cuối năm 2013 ông S làm thủ quỹ, ông N làm kế toán thực hiện việc ghi chép sổ sách, viết phiếu thu - chi.
Ngày 28/11/2011 ông H rút tiền tiết kiệm tại Quỹ tín dụng Đ số tiền 20.000.000đ tiền gốc và 5.091.000đ tiền lãi của cả 50.000.000đ, ông H đưa cho ông S số tiền trên tại gia đình nhà ông N, ông N ghi phiếu thu số tiền trên và cả ba người gồm Trưởng ban, Kế toán, Thủ quỹ ký tên, xé liên 2 giao cho ông S. Sau đó ông S cho rằng số tiền gốc không xuất ra bằng phiếu chi thì cũng không nhập về bằng phiếu thu được, nếu như vậy sẽ thành “Gà hai mề” nên ông S đề nghị chỉ ghi số tiền lãi nhập về quỹ, còn số tiền gốc 20.000.000đ đã ghi trong sổ rồi nên không ghi lại nữa. Ông N đã ghi thêm dòng chữ ghi chú bằng mực màu xanh đen ở dưới phiếu thu ngày 28/11/2011 là: Chỉ thu tiền lãi 5.091.000đ. Còn liên 2 của ông S không ghi dòng chữ này vì đã xé giao cho Ông S. Ông S, ông H, ông N đều đồng ý như vậy.
Lần nhập quỹ thứ hai cũng như vậy, ngày 25/4/2012 ông H rút 30.000.000đ tiền gửi tại Quỹ tín dụng nhân dân xã Đ về để xây cầu, hút bùn kiến thiết đình, số tiền này ông H đưa cho ông S tại gia đình ông N để nhập vào quỹ, vì tiền xuất ra không ghi vào phiếu chi thì tiền nhập về cũng không ghi vào phiếu thu nên chỉ ghi tiền lãi là 1.192.000đ. Như vậy cả hai lần chỉ ghi tiền lãi và không ghi tiền gốc nhập về, nhưng thực tế số tiền này đã giao cho ông S nhận và nhập vào quỹ.
Ban quản lý đình làng X cho bà Nguyễn Thị Đ ở Thôn X, xã Đ, huyện K, vay số tiền 10.000.000đ, khi cho bà Đ vay hai bên không có giấy biên nhận, việc xuất tiền cho bà Đ vay không thể hiện bằng phiếu chi nên số tiền vẫn còn nằm trong sổ sách. Ngày 01/10/2011 bà Đ đến nhà ông N trả tiền trong đó có mặt ông H, ông N, ông S và thống nhất chỉ ghi tiền lãi phát sinh nhập vào quỹ, còn tiền gốc không ghi vì trong sổ sách đã ghi rồi, nên tại phiếu thu ngày 01/10/2011 chỉ ghi thu tiền lãi của bà Đ số tiền 840.000đ.Tất cả các lần giao nhận tiền tại gia đình ông N có bà V là vợ ông N biết.
Ban quản lý đình làng còn cho bà Phạm Thị A vay 90.000.000đ, sau khi vay bà A trả 20.000.000đ còn 70.000.000đ tiền gốc bà A trả ngày 30/3/2012, lãi là 2.620.000đ. Việc trả tiền thực hiện tại nhà ông N, có mặt ông H, ông N kế toán ghi phiếu thu, ông S nhận tiền và các bên đã ký vào phiếu thu. Do đã thống nhất từ trước là khi xuất tiền ra không trừ số liệu trong sổ nên khi nhập vào cũng không ghi số tiền nhập mà chỉ ghi lãi phát sinh nên phiếu thu của bà A chỉ ghi tiền lãi.
Như vậy, số tiền ông H rút 2 lần từ Quỹ tín dụng nhân dân xã Đ; bà Đ, bà A vay và trả đều chỉ ghi tiền lãi không ghi tiền gốc. Ngày 25/4/2012 ông H, ông S, ông N đã cùng chốt sổ tiền nhập vào là 221.341.000đ, tiền chi ra là 212.486.000đ, còn thừa 8.855.000đ và đã ký xác nhận vào sổ.
Cuối năm 2013 Ban quản lý đình làng xin nghỉ, đề nghị bàn giao tiền cho Ban quản lý mới. Ông N, ông S làm sổ sách, ngày 13/2/2014 các bên lập biên bản bàn giao, trong đó ghi rõ số tiền của từng năm và số tiền còn thiếu là 60.766.000đ. Toàn bộ sổ sách, các phiếu thu - chi ông S đều thừa nhận nhưng không ký biên bản.
Ban quản lý đình làng do ông Nguyễn Văn H là người đại diện đã khởi kiện đề nghị Tòa án giải quyết: Buộc ông Nguyễn Ngọc S phải có trách nhiệm trả Ban quản lý đình làng X số tiền tính tròn là 60.000.000đ.Trong quá trình giải quyết vụ án, ông H đã nghỉ. Ban quản lý đình làng mới do ông Phạm Anh T là trưởng thôn là người đại diện hợp pháp giữ nguyên yêu cầu khởi kiện ban đầu và các lời khai mà ông H đại diện đã khai trước. Đề nghị Tòa án xem xét ai là người cầm tiền của đình làng thì phải có trách nhiệm trả lại. Trường hợp số tiền cộng lại ít hơn yêu cầu khởi kiện thì cũng chấp nhận.
*Bị đơn ông Nguyễn Ngọc S trình bày: Tháng 8/2011 ông làm thủ quỹ và nhận bàn giao từ ông H số tiền mặt 2.504.000đ, hai bên đã lập biên bản bàn giao, ghi sổ. Ông H nói quỹ đình còn có 60.000.000đ đang cho vay và gửi tiết kiệm nên ông đã ghi 62.504.000đ vào sổ để tiện theo dõi chứ không có 60.000.000đ tiền mặt bàn giao. Trong quá trình hoạt động việc thu và chi được viết bằng phiếu thu – chi đầy đủ, đúng như các chứng cứ đã cung cấp cho Tòa án. Ngày 25/4/2012 ông N và ông đã tạm khớp sổ và xác nhận tổng thu là 221.341.000đ, tổng chi là 212.486.000đ, còn lại 8.855.000đ. Đây là giấy nháp hai bên tạm ký nhận. Ông xác định số tiền cho bà Đ vay 10.000.000đ và số tiền 50.000.000đ ông H gửi tiết kiệm tại Quỹ tín dụng, ông H chưa bàn giao cho ông để nhập quỹ.
Ban quản lý đình làng X khởi kiện yêu cầu ông phải trả 60.000.000đ ông không chấp nhận vì ông chưa nhận số tiền do ông H bàn giao. Việc ông H chưa giao tiền cho ông đã được Công an huyện K kết luận. Nếu ông H khai đã giao cho ông số tiền trên thì yêu cầu ông H phải xuất trình căn cứ giấy giao tiền cho ông hoặc phiếu thu tiền.
* Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
Ông Nguyễn Văn H trình bày: Trong thời gian từ tháng 8/2011 đến năm 2014 ông là Trưởng ban quản lý đình làng X. Ông đã đứng tên để gửi số tiền 50.000.000đ của đình làng tại quỹ tín dụng xã Đ và cho bà Đ vay 10.000.000đ. Tháng 8/2011 ông đã bàn giao quỹ cho ông S số tiền mặt 2.504.000đ. Trong quá trình thực hiện việc sửa chữa và chi tiêu của đình làng ông đã rút tiền từ quỹ tín dụng 2 lần: Lần 1 là 20.000.000đ, lần 2 là 30.000.000đ, tổng là 50.000.000đ tiền gốc và 5.091.000đ tiền lãi, do khi chi ra để cho vay và gửi tiết kiệm không viết phiếu chi, nên khi rút về cũng không viết phiếu thu. Số tiền ông rút đã giao cho ông S cùng ngày viết phiếu thu tiền lãi, bà Đ đã trả 10.000.00đ tiền gốc cùng ngày viết phiếu thu tiền lãi. Việc giao tiền gốc và lãi cho ông S tại nhà ông N đều có sự chứng kiến của bà V là vợ ông N. Quá trình hoạt động của đình làng đều diễn ra bình thường, không phải vay mượn của ai nhưng khi kết sổ để bàn giao thì quỹ đình còn thiếu 60.766.000đ nên ông S phải có trách nhiệm trả cho đình làng số tiền trên.
Ông Vũ Văn N trình bày: Ông làm Kế toán và thực hiện việc ghi chép thu, chi cho Ban quản lý đình làng X. Tháng 8/2011 bàn giao sổ sách thu, chi tiền của đình làng. Cụ thể: Giao cho ông S 62.504.000đ, trong đó có 2.504.000đ tiền mặt, 10.000.000đ bà Đ vay chưa trả, 50.000.000đ ông H gửi Quỹ tín dụng nhân dân xã Đ chưa rút về. Bà Đ đã trả số tiền gốc 10.000.000đ và tiền lãi ngày 01/10/2011 tại gia đình ông có sự chứng kiến của ông H, ông S và bà V (vợ ông). Số tiền 20.000.000đ tiền gốc và hơn 5.000.000đ tiền lãi ông H rút, ngày 28/11/2011 đã giao cho ông S nhận tại gia đình ông. Số tiền 30.000.000đ ông H rút ngày 25/4/2012 và giao cho ông S tại gia đình ông. Tuy nhiên các lần nhập quỹ các bên chỉ ghi tiền lãi chứ không ghi tiền gốc vì cả ba người thống nhất, trước đây rút tiền ra cho vay, gửi tiết kiệm không ghi phiếu chi, nay nhập về cũng không ghi phiếu thu số tiền gốc mà chỉ ghi số tiền lãi, nếu ghi cả tiền gốc và tiền lãi thì thành hai lần. Số tiền trên đã rút về để chi tiêu phục vụ cho hoạt động của đình làng như lễ hội, kè ao, làm cầu, làm sân,…Như vậy toàn bộ số tiền cho vay và gửi tiết kiệm đã rút về giao cho ông S nhập quỹ để chi tiêu. Ông S bàn giao còn thiếu nên ông S phải có trách nhiệm trả số tiền trên.
Tại bản án dân sự sơ thẩm số 01/2017/DS – ST ngày 08/02/2017 của Tòa án nhân dân huyện K đã áp dụng Điều 255, 256, khoản 2 Điều 305 của Bộ luật dân sự năm 2005, khoản 1 Điều 147 Bộ luật tố tụng dân sự, khoản 1 và khoản 2 Điều 27 Pháp lệnh số 10/2009/PL – UBTVQH12 ngày 27/02/2009 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về án phí, lệ phí Tòa án:
Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Ban quản lý đình làng thôn X, xã Đ, huyện K.
Buộc ông Nguyễn Ngọc S phải trả Ban quản lý đình làng thôn X, xã Đ, huyện K số tiền là 58.515.000 đồng.
Ngoài ra Toà án cấp sơ thẩm còn quyết định về án phí và quyền kháng cáo của các đương sự.
Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 12/2/2017 bị đơn ông Nguyễn Ngọc S kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.
Tại phiên tòa, ông S vẫn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo, đại diện Ban quản lý đình làng thôn X – ông Phạm Anh T giữ nguyên yêu cầu khởi kiện.
Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn có quan điểm: Căn cứ vào sổ sách thực tế có trong hồ sơ cho thấy tại thời điểm bàn giao ông S chỉ nhận số tiền mặt là 2.504.000đ còn 60.000.000đ trong đó có 50.000.000đ vẫn gửi trong quỹ tín dụng, 10.000.000đ cho bà Đ vay chưa nhập vào quỹ đình. Đối với số tiền 90.000.000đ bà A vay, tại giấy cho bà A vay tiền đã thể hiện rõ chỉ có 20.000.000đ là tiền của quỹ đình còn 70.000.000đ là tiền riêng của ông S, việc này đã được ông H, ông N xác nhận. Ngoài ra, cơ quan điều tra – Công an huyện K đã xác định không có căn cứ việc ông H đưa tiền cho ông S. Do vậy đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo của bị đơn.
Đại diện Viện kiểm sát nhân tỉnh Hải Dương phát biểu ý kiến:
Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký thực hiện đúng các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự. Đối với nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự thực hiện đúng các quyền và nghĩa vụ của đương sự quy định tại Điều 70, 71, 72, 75, 85 và khoản 1 Điều 173 của Bộ luật tố tụng dân sự.
Về đường lối giải quyết vụ án: Đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng khoản 1 Điều 308, khoản 1 Điều 148 Bộ luật tố tụng dân sự; Luật phí và lệ phí năm 2015, khoản 1 Điều 29 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội: Không chấp nhận toàn bộ kháng cáo của ông S, giữ nguyên bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện K.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
[1] Về tố tụng: Ông S kháng cáo trong thời hạn luật định và đã nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm nên là kháng cáo hợp lệ.
[2] Về nội dung kháng cáo ông S cho rằng số tiền 50.000.000đ gửi ở Quỹ tín dụng và 10.000.000đ cho bà Đ vay vẫn chưa được nhập quỹ. Về nội dung này, Hội đồng xét xử nhận thấy:
[3] Tại thời điểm bàn giao quỹ của Đình làng vào tháng 8/2011, giữa các bên đã thống nhất tổng quỹ của Đình làng hiện có 62.504.000đ trong đó ông S nhận tiền mặt là 2.504.000đ, còn số tiền 60.000.000đ thì 50.000.000đ gửi tại Quỹ tín dụng nhân dân xã Đ chưa rút và 10.000.000đ cho bà Đ vay chưa trả. Sau đó, vì cần tiền để chi tiêu cho một số hoạt động của đình làng nên ngày 01/10/2011, tại nhà ông N, bà Đ đã giao trực tiếp cho ông S tiền gốc và lãi của số tiền 10.000.000đ để nhập vào quỹ Đình làng, việc này có sự xác nhận của bà Đ và chứng kiến của ông H, ông N và bà V. Đối với số tiền 50.000.000đ, ông H nhập quỹ đình 02 lần: Lần 1 vào ngày 28/11/2011, ông H đã nhập vào quỹ đình 20.000.000đtiền gốc và 5.091.000đ tiền lãi. Lần 2 ông H rút nốt số tiền 30.000.000đ để nhập quỹ đình vào ngày 25/4/2012. Cả hai lần ông H rút tiền về đều đưa cho ông S nhập vào quỹ đình làng tại nhà ông N có sự chứng kiến của ông N, bà V. Vì trước đó giữa các bên do đã thống nhất tổng tiền quỹ là 62.504.000đ nên khi rút tiền về, các bên chỉ ghi tiền lãi mà không ghi tiền gốc nữa. Việc này phù hợp với ngày 25/4/2012 là ngày ông H rút số tiền gốc và lãi còn lại của 30.000.000đ thì cũng ngày 25/4/2012 giữa các bên mới chốt sổ thể hiện tổng số quỹ có 221.341.000đ. Nếu ông S chưa nhận số tiền 60.000.000đ để nhập vào quỹ thì ông không thể ký xác nhận vào Sổ theo dõi thu chi của Đình làng với tổng số tiền 221.341.000đ tại thời điểm ngày 25/4/2012. Như vậy phải có số tiền 60.000.000đ đã nhập vào quỹ thì tổng quỹ của đình mới có số tiền là 221.341.000đ như ông S đã ký xác nhận.
[4] Đối với nội dung ông S cho rằng trong tổng số tiền cho bà A vay 90.000.000đ, quỹ Đình làng chỉ có 20.000.000đ còn 70.000.000đ là tiền của riêng ông. Về nội dung này Hội đồng xét xử nhận thấy:
[5] Tại phiên tòa phúc thẩm, ông S và luật sư xác định theo giấy ký nhận giữa các bên nhận đối với số tiền 90.000.000đ trong đó tiền của ông S có 70.000.000đ, quỹ của đình chỉ có 20.000.000đ. Giấy này do ông S giữ và ông S xác định ông đã ghi thêm phần “Đã trả 20.000.000 ngày 26-12, còn 70.000.000” khi bà A trả tiền.
Xét thấy giấy này đã có nội dung được viết thêm sau thời điểm ký nhận của các bên và theo lời khai của bà A thì bà không vay tiền của ông S mà số tiền 90.000.000đ bà vay là tiền quỹ của Đình làng. Ngoài ra, nếu 70.000.000đ là tiền riêng của ông S thì tiền lãi bà A trả phải của ông S, không thể nhập số tiền lãi đó vào quỹ đình làng được. Như vậy không có căn cứ xác định ông S cho bà A vay 70.000.000đ.
[6] Tại phiên tòa phúc thẩm ông S cho rằng một số phiếu chi viết ngày trước, khi nào quỹ có tiền mới chi sau nhưng ông không xuất trình được chứng cứ chứng minh nên không có căn cứ để Hội đồng xét xử xem xét. Một số nhân chứng được mời theo yêu cầu của luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông S phát biểu theo suy đoán cá nhân cho rằng số tiền 60.000.000đ chưa nhập quỹ nhưng không cung cấp thêm được chứng cứ nào mới.
[7] Trong thời gian Hội đồng xét xử nghị án, Hội đồng xét xử có nhận được đơn tố cáo của ông S, xét thấy những nội dung trong đơn của ông không liên quan đến nội dung vụ án. Nếu ông có đủ căn cứ về sai phạm của những người tiến hành tố tụng ở hai cấp xét xử thì ông gửi đơn đến cơ quan có thẩm quyền để giải quyết.
[8] Từ những phân tích trên, xét thấy kháng cáo của ông S không có căn cứ chấp nhận nên cần giữ nguyên bản án sơ thẩm.
[9] Về án phí: Ông S kháng cáo không được chấp nhận nên phải chịu án phí dân sự phúc thẩm theo quy định tại khoản 1 Điều 148 Bộ luật tố tụng dân sự.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
- Áp dụng Điều 255, 256, khoản 2 Điều 305 của Bộ luật dân sự năm 2005, khoản 1 Điều 147, khoản 1 Điều 148 Bộ luật tố tụng dân sự, khoản 1 Điều 29 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
- Không chấp nhận kháng cáo của ông Nguyễn Ngọc S, giữ nguyên bản án sơ thẩm số 01/2017/DS – ST ngày 08/02/2017 của Tòa án nhân dân huyện K:
1.Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Ban quản lý đình làng thôn X, xã Đ, huyện K.
Buộc ông Nguyễn Ngọc S phải trả Ban quản lý đình làng thôn X, xã Đ, huyện K số tiền là 58.515.000 đồng (Năm mươi tám triệu năm trăm mười lăm nghìn đồng).
Kể từ khi bản án có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án có đơn đề nghị thi hành các khoản tiền như đã tuyên, nếu người phải thi hành án không thi hành thì hàng tháng còn phải chịu khoản tiền lãi đối với số tiền chậm trả theo lãi suất cơ bản của Ngân hàng nhà nước công bố tương ứng với thời gian chậm trả tại thời điểm thanh toán.
2.Về án phí:
- Ông Nguyễn Ngọc S phải chịu 2.926.000đ (đã làm tròn) (Hai triệu chín trăm hai mươi sáu nghìn đồng) án phí dân sự sơ thẩm.
- Trả lại Ban quản lý đình làng X, xã Đ, huyện K số tiền tạm ứng án phí do Trưởng ban quản lý đình làng X đã nộp là 1.500.000đ (Một triệu năm trăm nghìn đồng) theo biên lai thu tiền tạm ứng án phí số AB/2014/006786, ngày 07/6/2016 của Chi cục thi hành án dân sự huyện K, tỉnh Hải Dương.
- Ông S phải chịu 300.000đ (Ba trăm nghìn đồng) án phí dân sự phúc thẩm, đối trừ với số tiền 300.000đ (Ba trăm nghìn đồng) ông S nộp theo biên lai thu tiền tạm ứng số AB/2014/006976 ngày 21/02/2017 tại Chi cục thi hành án dân sự huyện K. Ông S đã thi hành xong án phí dân sự phúc thẩm.
Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự./.
Bản án có hiệu lực kể từ ngày tuyên án, ngày 16/01/2018.
Bản án 02/2018/DS-PT ngày 16/01/2018 về tranh chấp kiện đòi tài sản
Số hiệu: | 02/2018/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Hải Dương |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 16/01/2018 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về