TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM
BẢN ÁN 02/2017/LĐPT NGÀY 17/03/2017 VỀ TRANH CHẤP BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI PHÁT SINH TỪ HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG
Ngày 17 tháng 3 năm 2017, tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Quảng Nam, xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 04/2016/TLPT-DS ngày 09/11/2016 về việc “Tranh chấp bồi thường thiệt hại phát sinh từ hợp đồng lao động”, do bản án lao động sơ thẩm số 17/2016/LĐ-ST ngày 23/09/2016 của Toà án nhân dân thành phố T bị kháng cáo, theo quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 115/2016/QĐ-PT ngày 26/12/2016, giữa các đương sự:
- Nguyên đơn: Công ty cổ phần G
Địa chỉ: Số 18 L, phường T, thành phố P, tỉnh Gia Lai.
Người đại diện theo pháp luật: Ông Đặng Thanh T, chức vụ: Giám đốc. Người đại diện theo ủy quyền: Ông Vũ Minh T, sinh năm 1977, trú tại: Khối phố 1, phường A, thành phố T, tỉnh Quảng Nam.
- Bị đơn: Ông Nguyễn Ngọc T, sinh năm 1985
Trú tại: Khối phố H, phường H, thành phố T, tỉnh Quảng Nam.
Người kháng cáo: Nguyên đơn Công ty cổ phần G.
NHẬN THẤY
Theo đơn khởi kiện, các văn bản có trong hồ sơ vụ án cũng như tại phiên tòa người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn là ông Vũ Minh T trình bày:
Công ty cổ phần G ký hợp đồng lao động với ông Nguyễn Ngọc T ngày 15/5/2013, loại hợp đồng có thời hạn (từ ngày 20/5/2013 đến ngày 20/5/2016), thỏa thuận ông Nguyễn Ngọc T làm việc tại nhà sách siêu thị G thành phố T với chức danh chuyên môn là Giám đốc.
Theo hợp đồng, ông T làm việc từ ngày hợp đồng lao động có hiệu lực và trực tiếp chịu trách nhiệm quản lý nhà sách siêu thị G thành phố T . Hàng hóa, vốn, thiết bị liên quan đến hoạt động của nhà sách đã được giao rõ ràng giữa công ty với quản lý nhà sách và nhân viên. Từ cuối năm 2013, nhà sách do ông T quản lý, kinh doanh không có hiệu quả. Qua công tác kiểm kê nguồn vốn quản lý kinh doanh và tài sản tại nhà sách từ giai đoạn ông T làm Giám đốc đến ngày 15/10/2014 để thất thoát hàng hóa sau khi trừ đi hao hụt cho phép với số tiền là 315.446.233 đồng. Nguyên nhân để xảy ra việc mất mát hàng hóa số lượng lớn là do ông T buông lỏng quản lý, vi phạm các cam kết với công ty. Hiện nhà sách siêu thị G thành phố T đã đóng cửa, gây thiệt hại nghiêm trọng đến người lao động khác và thương hiệu của công ty.
Căn cứ vào nội dung thỏa thuận tại hợp đồng lao động và nội quy, công ty cổ phần G xác định nghĩa vụ bồi thường trên là của ông Nguyễn Ngọc T. Căn cứ vào Điều 130 Bộ luật Lao động, Công ty yêu cầu Tòa án giải quyết buộc ông T phải bồi thường số tiền 315.446.233 đồng. Căn cứ vào biên bản kiểm kê ngày 22/10/2014 thì thiệt hại là 315.446.233 đồng, bao gồm các khoản: 60% giá trị tài sản bị thất thoát cá nhân ông T chịu trách nhiệm bồi thường là 236.770.992 đồng + số tiền còn lại chưa thu hồi được của cán bộ công nhân viên toàn chi nhánh là 50.439.423 đồng + hàng xuất trả nhà cung cấp không có xác nhận là 28.235.817 đồng. Căn cứ vào nội dung thỏa thuận tại hợp đồng lao động và nội quy công ty và Điều 130 Bộ luật lao động thì Công ty cổ phần G xác định nghĩa vụ bồi thường trên là của ông T. Tuy nhiên, nay Công ty cổ phần G chỉ yêu cầu ông Nguyễn Ngọc T phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại tài sản bị hao hụt, mất mát với giá trị 60%, tương ứng số tiền 236.770.992 đồng.
Tại các văn bản có trong hồ sơ vụ án cũng như tại phiên tòa, bị đơn ông Nguyễn Ngọc T trình bày:
Ông không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn vì kể từ thời điểm ông nhận công việc tại nhà sách siêu thị G thành phố T từ ngày 20/5/2013 đến khi xảy ra sự việc kiểm kê thì ông thừa nhận là có thất thoát nhưng nằm trong tỷ lệ hao hụt cho phép của công ty là 0,5%, không có chuyện thất thoát số tiền 315.446.233 đồng. Khi kiểm kê, ông không đồng ý ký biên bản nhưng ông Hoàng Trung H - Phó Giám đốc nói “Đây chỉ là ký bàn giao vốn chứ không phải ký nhận hao hụt”. Do đó, ông không xác định được số tiền thất thoát là bao nhiêu vì không có cơ sở nhưng do trong biên bản kiểm kê ông có ký nên Công ty căn cứ vào đây để yêu cầu ông bồi thường. Trước khi ông nghỉ việc thì Công ty đã thu hết sổ sách và giấy tờ của cá nhân cũng như của Chi nhánh nhà sách siêu thị G thành phố T nên không còn sổ để kiểm tra số hao hụt nên đề nghị Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.
Với nội dung như trên, tại bản án sơ thẩm số 17/2016/LĐ-ST ngày 23/9/2016 của Toà án nhân dân thành phố T đã căn cứ vào điểm b khoản 1 Điều 32 Bộ luật Tố tụng dân sự; điểm b khoản 1 Điều 201 Bộ luật Lao động năm 2012 và áp dụng Điều 15, Điều 123, Điều 124, Điều 130, Điều 131 Bộ luật Lao động năm 2012. Xử:
Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty cổ phần G đối với ông Nguyễn Ngọc T về việc “Tranh chấp bồi thường thiệt hại phát sinh từ hợp đồng lao động”.
Ngoài ra bản án sơ thẩm còn quyết định về án phí, nghĩa vụ thi hành án và quyền kháng cáo của các đương sự.
Sau khi xét xử sơ thẩm, nguyên đơn Công ty cổ phần G có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm xem xét lại.
Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Nam phát biểu: Việc tuân theo pháp luật của Thẩm phán, Hội đồng xét xử và các bên đương sự được thực hiện đúng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Về hướng giải quyết vụ án: Đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự, không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn Công ty cổ phần G, giữ nguyên quyết định của bản án lao động sơ thẩm số 17/2016/LĐ-ST ngày 23/9/2016 của Toà án nhân dân thành phố T, tỉnh Quảng Nam.
XÉT THẤY
Sau khi nghiên cứu tài liệu có trong hồ sơ vụ án, thẩm tra các chứng cứ tại phiên tòa, trên cơ sở tranh tụng tại phiên tòa. Sau khi nghe ý kiến đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Nam phát biểu về quan điểm giải quyết vụ án, Hội đồng xét xử xét thấy:
Tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn Công ty cổ phần G không rút đơn khởi kiện cũng như đơn kháng cáo mà cho rằng việc Tòa án cấp sơ thẩm xử không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty cổ phần G là không đúng, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của Công ty, do đó Công ty cổ phần G yêu cầu Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm xem xét lại toàn bộ bản án sơ thẩm.
Xét kháng cáo của Công ty cổ phần G thì thấy:
Ngày 15/5/2013, Công ty cổ phần G ký hợp đồng lao động số 06/HĐ-CT CTC với ông Nguyễn Ngọc T, loại hợp đồng có thời hạn từ 20/5/2013 đến 20/5/2016, chức danh chuyên môn: Quản lý nhà sách siêu thị G T, công việc đảm trách: trực tiếp quản lý, điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh nhà sách siêu thị G T, trong đó thỏa thuận về nghĩa vụ bồi thường thiệt hại nếu ông Nguyễn Ngọc T vi phạm các quy định của công ty về quản lý kinh tế, làm thiếu hụt, hư hỏng, mất mát về tài sản, hàng hóa, công cụ dụng cụ tại nhà sách siêu thị G T.
Căn cứ Biên bản kiểm kê ngày 22/10/2014 Công ty cổ phần G cho rằng: Từ ngày 20/5/2013 đến ngày 22/10/2014, số tài sản thất thoát tại nhà sách siêu thị G Quảng Nam là 315.446.000 đồng (đã trừ hao hụt 0,5% cho phép theo quy định), nguyên nhân để xảy ra thất thoát là do lỗi của ông Nguyễn Ngọc T buông lỏng quản lý, vi phạm các cam kết với công ty nên khởi kiện yêu cầu ông Nguyễn Ngọc T bồi thường 60% giá trị tài sản bị hao hụt thất thoát là 236.770.992 đồng.
Hội đồng xét xử xét thấy: Lần kiểm kê nhà sách siêu thị G Quảng Nam ngày 16/4/2014 lập biên bản có đầy đủ các thành phần tham gia kiểm kê theo nguyên tắc kiểm tra chéo của công ty và đại diện nguyên đơn cũng thừa nhận kết quả kiểm kê là khách quan, nhưng lý do tại sao kết quả kiểm kê của biên bản kiểm kê ngày 22/10/2014 lại không kế thừa kết quả của biên bản kiểm kê ngày 16/4/2014, mà xác định lại toàn bộ tài sản hoạt động kinh doanh phát sinh từ ngày ông T thực hiện hợp đồng lao động đến ngày 15/10/2014. Số liệu kiểm kê của hai lần kiểm kê này có sự mâu thuẫn; cụ thể: Bảng kiểm kê ngày 16/4/2014 thể hiện số liệu được xác định trong kỳ kiểm kê từ ngày 21/5/2013 đến ngày 09/4/2014 với số tiền bán sỉ của quầy sách là 155.324.604 đồng; xuất điều chỉnh của quầy sách là 143.030.011 đồng; xuất điều chỉnh của quầy siêu thị là 190.349.067 đồng; xuất điều chỉnh của quầy văn phòng phẩm là 192.746.781 đồng. Nhưng tại biên bản kiểm kê ngày 22/10/2014 thể hiện số liệu kiểm kê được xác định trong kỳ kiểm kê từ ngày 20/5/2013 đến 15/10/2014 có thời gian dài hơn và bao gồm cả khoảng thời gian của kỳ kiểm kê trước nhưng lại ghi nhận số liệu ít hơn: Xuất bán sỉ của quầy sách chỉ còn 60.907.305 đồng; xuất điều chỉnh của quầy sách chỉ còn: 4.905.406 đồng; xuất điều chỉnh của quầy siêu thị chỉ còn 2.167.812 đồng; xuất điều chỉnh của quầy văn phòng phẩm chỉ còn 1.245.386 đồng. Ông T cũng không thừa nhận kết quả của bản kiểm kê ngày 22/10/2014. Đại diện Công ty cổ phần G không rõ nguyên nhân mâu thuẫn số liệu của hai lần kiểm kê này và cho rằng số liệu kiểm kê đó là do kế toán lập.
Trong bảng chi tiết đền bù thất thoát, Hội đồng quản trị đã xem xét trách nhiệm và quyết định số hao hụt (60%) là 236.770.991,86 đồng và chỉ yêu cầu đền bù số hao hụt này, nhưng đợt kiểm kê từ ngày 20/5/2013 đến ngày 15/10/2014 còn xác định trách nhiệm đền bù của ông T và các cá nhân có trách nhiệm là 157.847.328 đồng mà đã xác định được tổng số tiền đền bù thu được là 107.407.904,37 đồng. Trong quá trình giải quyết vụ án tại cấp sơ thẩm thì Công ty Cổ phần G cũng có văn bản số 36A-2016/CV-CTC ngày 27/7/2016 về việc đề nghị thu hồi thất thoát hàng hóa cũng nêu là bảng chi tiết đền bù thất thoát đợt kiểm kê 20/5/2013 đến 15/10/2014 đã xem xét hoàn cảnh gia đình ông Nguyễn Ngọc T và giảm 40% giá trị đền bù thiệt hại, còn phải đền bù 60%. Như vậy là Công ty cổ phần Gia Lai đã xác định ông T bồi thường chồng chéo của hai khoản mà ông T phải bồi thường.
Trong quá trình giải quyết vụ án cũng như tại phiên tòa, người đại diện của nguyên đơn thừa nhận Công ty cổ phần G đã không tuân thủ trình tự thủ tục theo quy định tại các Điều 123, 124, 131 Bộ luật lao động khi xử lý bồi thường thiệt hại đối với ông Nguyễn Ngọc T, cụ thể như không lập biên bản phiên họp, không có biên bản xử lý trách nhiệm bồi thường... và cho rằng việc lập biên bản thanh lý hợp đồng và quyết định chấm dứt hợp đồng lao động đối với ông T là thực hiện không đúng. Mặc dù người đại diện của nguyên đơn khai rằng Công ty cổ phần G có tổ chức cuộc họp và căn cứ vào cuộc họp này để ngày 06/12/2014 lập bảng chi tiết đền bù thất thoát đợt kiểm kê 20/5/2013 đến 15/10/2014, có quy trách nhiệm bồi thường của từng nhân viên công ty trong đó có ông Nguyễn Ngọc T, nhưng cũng không đưa ra được chứng cứ gì chứng minh là Công ty đã thực hiện đảm bảo trình tự, thủ tục khi xử lý bồi thường thiệt hại người lao động và ông Nguyễn Ngọc T cũng không thừa nhận. Công ty cổ phần G cũng không cung cấp biên bản họp Hội đồng quản trị theo yêu cầu của Tòa án để xác định Công ty cổ phần G có tổ chức họp hay không để xác định lỗi của từng cá nhân trên cơ sở đó phân định trong bảng chi tiết đền bù thất thoát đợt kiểm kê 20/5/2013 đến 15/10/2014. Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc T không thừa nhận lỗi của mình trong việc làm thất thoát tài sản tại nhà sách siêu thị G Quảng Nam.
Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty cổ phần G về việc buộc ông Nguyễn Ngọc T phải bồi thường thiệt hại là có cơ sở và đúng quy định của pháp luật.
Tại phiên tòa phúc thẩm, Công ty cổ phần G không cung cấp được chứng cứ gì mới để chứng minh cho yêu cầu của mình nên Hội đồng xét xử không có cơ sở chấp nhận yêu cầu kháng cáo của Công ty.
Án phí lao động phúc thẩm: Do yêu cầu kháng cáo của Công ty cổ phần G không được chấp nhận nên Công ty phải chịu theo quy định của pháp luật.
Vì các lẽ trên;
Căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự.
QUYẾT ĐỊNH
Không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn Công ty cổ phần G, giữ nguyên quyết định của bản án lao động sơ thẩm số 17/2016/LĐ-ST ngày 23/9/2016 của Toà án nhân dân thành phố T, tỉnh Quảng Nam.
Án phí lao động phúc thẩm: Công ty cổ phần G phải chịu là 200.000 đồng, được trừ vào số tiền 200.000 đồng tạm ứng án phí lao động phúc thẩm Công ty cổ phần G đã nộp theo biên lai thu số 0002377 ngày 13/10/2016 của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố T.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án (17/3/2017).
Bản án 02/2017/LĐPT ngày 17/03/2017 về tranh chấp bồi thường thiệt hại phát sinh từ hợp đồng lao động
Số hiệu: | 02/2017/LĐPT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Quảng Nam |
Lĩnh vực: | Lao động |
Ngày ban hành: | 17/03/2017 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về