Bản án 02/2017/HS-ST ngày 15/11/2017 về tội giết người

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH LAI CHÂU

BẢN ÁN 02/2017/HS-ST NGÀY 15/11/2017 VỀ TỘI GIẾT NGƯỜI

Trong ngày 15 tháng 11 năm 2017, tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Lai Châu mở phiên tòa công khai xét xử sơ thẩm vụ án hình sự thụ lý số 03/2017/HSST ngày 18/10/2017, quyết định đưa vụ án ra xét xử số 01/2017/HSST-QĐ ngày 01 tháng 11năm 2017, đối với các bị cáo:

1/- Sùng A V (tên gọi khác Sùng Chanh V) - Sinh năm 1993 tại huyện S, tỉnh L;

Nơi ĐKNKTT và chỗ ở trước khi bị bắt: bản Th, xã T, huyện S, tỉnh L; Dân tộc: Mông; Quốc tịch: Việt Nam; Tôn giáo: không; Trình độ văn hoá: 9/12; Nghề nghiệp: làm ruộng; Tiền án, tiền sự: Không có; Bị cáo bị bắt ngày 17/5/2017 và bị tạm giữ tạm giam từ đó đến nay; bị cáo có mặt tại phiên toà; Bị cáo là con ông Sùng A Kh, sinh năm 1960 (đã chết) và con bà Cháng Thị M, sinh năm 1962; Bị cáo có vợ là Giàng Thị M, sinh năm 1997 và chưa 01 con (đã chết).

2/- Vừ Giống P-Sinh năm 1982 tại huyện T, tỉnh Đ;

Nơi ĐKNKTT: bản Ch, xã S, huyện T, tỉnh Đ; Chỗ ở trước khi bị bắt: bản Th, xã T, huyện S, tỉnh L; Dân tộc: Mông; Quốc tịch: Việt Nam; Tôn giáo: không; Trình độ văn hoá: Không biết chữ; Nghề nghiệp: làm ruộng; Tiền án, tiền sự:

Không có; Bị cáo bị bắt ngày 21/5/2017 và bị tạm giữ tạm giam từ đó đến nay; bị cáo có mặt tại phiên toà; Bị cáo là con ông Vừ Vả V, sinh năm 1955 và con bà Lý Thị Kh, sinh năm 1956; Bị cáo có vợ là Sùng Thị V, sinh năm 1988 và có 03 con, con lớn nhất sinh năm 2011, con nhỏ nhất sinh năm 2015.

3/- Giàng A C - Sinh năm 1975 tại huyện S tỉnh L;

Nơi ĐKNKTT và chỗ ở trước khi bị bắt: bản H, xã T, huyện S, tỉnh L; Dân tộc: Mông; Quốc tịch: Việt Nam; Tôn giáo: không; Trình độ văn hoá: Không biết chữ; Nghề nghiệp: làm ruộng; Tiền án, tiền sự: Không có; Bị cáo bị bắt từ ngày 21/5/2017 và bị tạm giữ tạm giam từ đó đến nay; bị cáo có mặt tại phiên toà; Bị cáolà con ông Giàng A S (đã chết) và con bà Vàng Thị D, sinh năm 1948; Bị cáo có vợ là Lầu Thị L, sinh năm 1975 và có 06 con, con lớn nhất sinh năm 1995 và con nhỏ nhất sinh năm 2012.

* Người tham gia tố tụng khác:

Người bào chữa cho các bị cáo:

Ông Nguyễn Công Hưởng – Trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm TGPLNN tỉnh Lai Châu; (có mặt)

Người đại diện hợp pháp cho người bị hại:

- Anh Sùng Chứ H, sinh năm 1982 (là con đẻ nạn nhân Sùng A Kh. Anh Sùng Chứ H được những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của nạn nhân Sùng A Kh ủy quyền tham gia tố tụng); trú tại: bản Th, xã T, huyện S, tỉnh L. (có mặt)

Người làm chứng:

- Bà Cháng Thị S, sinh năm 1955; trú tại: bản H, xã T, huyện S, tỉnh L; (vắng mặt)

- Anh Giàng A D, sinh năm 1997; trú tại: bản H, xã T, huyện S, tỉnh L; (có mặt)

- Ông Điêu Văn Ch, sinh năm 1976; trú tại: bản Ch 2, xã Ch, huyện S, tỉnh L; (có mặt)

- Chị Giàng Thị M, sinh năm 1997; trú tại: bản Th, xã T, huyện S, tỉnh L; (có mặt)

- Chị Sùng Thị V, sinh năm 1988; trú tại: bản Th, xã T, huyện S, tỉnh L; (cómặt)

- Bà Lầu Thị L, sinh năm 1975; trú tại: bản H, xã T, huyện S, tỉnh L; (có mặt)

Người có nghĩa vụ liên quan:

- Anh Sùng Hiệu T; trú tại: bản Th, xã T, huyện S, tỉnh L; (có mặt)

Người phiên dịch:

- Ông Giàng A Đ; Nơi công tác: Ủy ban nhân dân xã T, huyện S, tỉnh L; (có mặt)

Người giám định:

Ông Trần Vĩnh Giang – Giám định viên, Trung tâm Pháp y – Sở Y tế tỉnh LaiChâu; (có mặt)

NỘI DUNG VỤ ÁN

Qua các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và quá trình xét hỏi, tranh luận tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Về hành vi phạm tội của các bị cáo

Sùng A V là con đẻ và Vừ Giống P là con rể của ông Sùng A Kh, do nghĩ ông Kh làm ma chài hại chết con gái của V và khiến cho V, P bị bệnh chữa mãi không khỏi nên ngày 11/5/2017 tại nhà Cháng Thị D (bà D là người lấy thuốc nam chữa bệnh cho V, P) ở bản H, xã T, huyện S, tỉnh L, V bàn với P về việc giết ông Kh để cả hai khỏi bệnh thì P đồng ý. Sau đó, V, P bàn với Giàng A C (C là bố vợ V) về việc giết ông Kh, C cũng nghĩ ông Kh làm ma chài hại V, P nên đồng ý. Để đi đến lán ruộng ông Kh, C gọi điện thoại hỏi mượn thuyền của anh Điêu Văn Ch nói là mượn thuyền đi mua trâu nên được anh Ch đồng ý. Đến khoảng 17 giờ cùng ngày, V, C, P đi 02 xe mô tô của C và P từ xã T đến nhà anh Ch ở xã Ch, huyện S. Đến nơi, V đứng đợi ở ngã ba Ch còn C, P vào nhà anh Ch và cùng ăn tối ở đó. Sau đó, anh Ch cho C mượn can để đi mua xăng, mượn dao, thuyền. Mượn thuyền xong, V điều khiển thuyền đưa C, P đến cách lán nương của ông Kh khoảng 100m thì dừng lại, V dùng dao chặt một cây có hai cành lấy 02 đoạn gậy, đường kính khoảng 03 – 04cm, dài khoảng 80cm rồi đưa cho P 01 đoạn, còn V cầm 01 đoạn để đi đánh ôn Kh. Cả 03 cùng đi vào khu vực lán ông Kh, khi cách lán khoảng 30m thì V bảo P vào đánh trước, còn V vào đánh sau. P đồng ý và vào lán thấy ông Kh nhổm người dậy hỏi ai đấy? P không nói gì và cầm gậy vụt liên tiếp nhiều nhát vào người, đầu, ngực của ông Kh. Ông Kh ngã xuống và nói “tao có làm gì mày đâu mà mày đánh tao”. Lúc này chiếc màn mắc trên chỗ ngủ bị đứt và trùm lên người ông Kh. Khi P đang đánh ông Kh thì V vào trong lán cầm gậy vụt nhiều nhát vào người ông Kh. Tiếp đến, C cũng vào trong lán nhưng không tham gia đánh ông Kh. Khi thấy ông Kh nằm im không cử động nữa, nghĩ ông Kh đã chết nên V nói mang xác vứt xuống sông để không cho ai biết. P vứt gậy gỗ trong lán, lấy chiếc màn quấn trên người ông Kh rồi túm lại, cầm phần màn dưới chân ông Kh kéo xuống đất trước cửa lán, còn V đi sau vứt gậy gỗ trước cửa lán rồi cùng P khiêng ông Kh ra bờ sông Đà đoạn chảy qua khu vực V, bản Th. xã T, huyện S, tỉnh L. V nói với C kiểm tra xem trong lán có máu ông Kh không, C thấy có nhiều vết máu trên chăn, sàn lán nên lấy một chiếc vỏ chăn ở đầu giường lau sạch các vết máu rồi cầm vỏ chăn ra khỏi lán được một đoạn thì vứt xuống đất. Khi khiêng xác ông Kh đến cách bờ sông khoảng 02m thì V, P đặt xuống đất để cho xác ông Kh lăn xuống sông làm chiếc màn quấn người ông Kh tụt ra chìm xuống dưới nước. V quay lại nhặt chiếc vỏ chăn mà C dưới đất ném lên trên thuyền và nhặt 03 hòn đá lần lượt có kích thước 42cm x 38cm x 7,5cm; 40,5cm x 20cm x 10cm; 35cm x 25,5cm x 10cm cho lên thuyền. Sau đó dùng dao cắt 02 đoạn dây trong cuộn dây có sẵn trên thuyền đưa cho C 01 đoạn, V cầm 01 đoạn rồi mỗi người buộc một đầu dây vào 01 hòn đá. Tiếp đó, V cắt lấy 01 đoạn dây, 01 đầu có buộc 02 hòn đá kích thước 29cm x 11cm x 6cm và 22cm x 11cm x 5cm có sẵn trên thuyền rồi V lấy 03 đoạn dây một đầu đã buộc đá buộc vào cổ ông Kh. Buộc xong, V lấy chiếc vỏ chăn gói hòn đá còn lại ném xuống sông rồi điều khiển thuyền ra xa cách bờ khoảng 50m. Lúc này, P và C bê các hòn đá đã buộc cổ ông Kh từ trên thuyền ném xuống sông để kéo xác ông Kh chìm xuống. Sau đó, V điều khiển thuyền quay về. Khoảng 02 giờ sáng ngày 12/5/2017,C, P, V quay về đến nhà anh Ch trả thuyền rồi cả 03 quay lại nhà Cháng Thị D lúc khoảng 04 giờ sáng cùng ngày để ngủ. Đến khoảng 15 giờ ngày 12/5/2017 thì C, P, V từ nhà D trở về nhà mình.

Tại kết luận giám định pháp y về tử thi số 72/BKL-TTPY, ngày 25/5/2017 của Trung tâm pháp y thuộc sở Y tế tỉnh Lai Châu đối với tử thi Sùng A Kh đã kết luận:

1. Nguyên nhân chết: Suy hô hấp cấp không hồi phục do ngạt nước; 2. Cơ chế: Do nước -> Tràn vào khí quản, phổi, phế nan -> Ngạt -> Tử vong.

Tại phiên tòa, các bị cáo Sùng A V, Vừ Giống P, Giàng A C đều thừa nhận hành vi phạm tội của bản thân, lời nhận tội của các bị cáo phù hợp với lời khai của những người làm chứng, kết luận giám định pháp ý về tử thi, kết quả thực nghiệm điều tra cùng các tài liệu chứng cứ được thu thập hợp pháp trong quá trình điều tra, cụ thể như sau: Sùng A V và Vừ Giống P bị bệnh chữa mãi không khỏi và đang chữa bệnh bằng thuốc nam tại nhà Cháng Thị D ở bản H, xã T, huyện S, tỉnh L. Do nghĩ ông Sùng A Kh (là bố đẻ Sùng A V) làm ma chài hại chết con gái (cháu Sùng Thị G, sinh 19/11/2016) vào tháng 02/2017 và làm Sùng A V bị bệnh ốm đau, chữa mãi không khỏi nên vào khoảng 9 giờ ngày 11/5/2017, tại nhà của Cháng Thị D, Sùng A V đã bàn với Vừ Giống P về việc giết ông Kh để cả hai khỏi bệnh, P đồng ý. Ngay sau đó, V và P bàn với Giàng A C về việc giết ông Kh vì lý do trên, C cũng nghĩ ông Kh làm ma chài hại V và P nên đồng ý. Đến khoảng 17 giờ cùng ngày, cả ba đi 02 xe mô tô của P, C từ xã T huyện S xuống xã Ch huyện S và vào nhà anh Điêu Văn Ch mượn thuyền đi trên lòng hồ thủy điện Sơn La đến nương ông Kh bên bờ sông Đà ở khu vực V, bản Th, xã T, huyện S, tỉnh L. Tại lán nương ông Kh, lần lượt P, V vào lán nương và dùng gậy đánh ông Kh, khi thấy ông Kh không cử động nữa và nghĩ là ông Kh đã chết nên V cùng P và C đưa xác ông Kh ném xuống sông Đà nhằm để không cho ai biết. Sau đó, cả ba quay lại nhà anh Ch trả thuyền và về nhà Cháng Thị D lúc 04 giờ sáng ngày 12/5/2017 để ngủ.

Tại phiên tòa, chị Giàng Thị M (là vợ bị cáo V) trình bày: vợ chồng V và M sinh con gái Sùng Thị G, sau đó đến tháng 02/2017 con chết, còn V liên tục bị ốm đau, đi chữa bệnh mãi không khỏi, chị M cho rằng bố chồng (ông Kh) làm ma chài hại chết con gái và làm chồng bị bệnh.

Tại phiên tòa, chị Sùng Thị V (là vợ bị cáo P) trình bày: chồng chị bị ốm đau lâu ngày, chữa mãi không khỏi và chị cho rằng bố đẻ chị (ông Kh) là thầy mo (thầy cúng) nhưng không biết làm ma chài.

Tại phiên tòa, các anh Sùng Chứ H, Sùng Hiệu T (đều là con đẻ nạn nhân Sùng A Kh) trình bày: bố đẻ (ông Kh) của các anh làm thầy mo (thầy cúng). Anh H còn cho rằng bố đã đốt hương, đốt giấy bạc làm lý cho con V chết, còn việc V, P ốm đau thì không phải do bố làm ma chài. Anh T cho rằng bố không biết làm ma chài.

Về các vấn đề khác của vụ án

Tại phiên tòa, Đại diện hợp pháp cho người bị hại (anh Sùng Chứ H được các vợ, các con ông Sùng A Kh ủy quyền tham gia tố tụng – BL 471), anh H cùng với các bị cáo thỏa thuận về bồi thường thiệt hại về tính mạng với tổng số tiền là 150 triệu đồng, trong đó trách nhiệm bồi thường của mỗi bị cáo là 50 triệu đồng.

Vật chứng thu giữ được trong quá trình điều tra, bao gồm: 01 chiếc chăn, 01 vỏ chăn bông, 03 đoạn dây, 05 hòn đá thu giữ tại hiện trường nơi xảy ra vụ án; 01 con dao, 02 can nhựa do anh Điêu Văn Ch giao nộp là của anh Ch cho các bị cáo mượn trong quá trình thực hiện tội phạm; 02 xe máy cùng giấy tờ đăng ký xe là những xe máy của Vừ Giống P, Giàng A C dùng để đi lại; 01 điện thoại di động của Giàng A C. Đối với 02 đoạn gậy gỗ dùng đánh ông Kh như các bị cáo khai nhận, quá trình điều tra, cơ quan cảnh sát điều tra đã tổ chức lực lượng và tiến hành truy tìm vật chứng nhưng không tìm thấy.

Tại bản cáo trạng số 15A/KSĐT-TA ngày 17/10/2017 của VKSND tỉnh Lai Châu truy tố đối với Sùng A V, Vừ Giống P về tội "Giết người” theo điểm đ, n khoản 1 Điều 93 của Bộ luật hình sự, đối với Giàng A C về tội “Giết người” theo điểm n khoản 1 Điều 93 của Bộ luật hình sự. Tại phiên toà, vị đại diện Viện kiểm sát vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố và đề nghị Hội đồng xét xử: áp dụng điểm đ, n khoản 1 Điều 93 và điểm p, k khoản 1 và khoản 2 Điều 46, Điều 20, Điều 53 của Bộ luật Hình sự, xử phạt bị cáo Sùng A V từ 14 – 15 năm tù, Vừ Giống P từ 13 –14 năm tù; áp dụng điểm n khoản 1 Điều 93 và điểm p, k khoản 1 khoản 2 Điều 46, Điều 47, Điều 20, Điều 53 của Bộ luật Hình sự năm 1999 và khoản 3 Điều 7, điểm t khoản 1 Điều 51, khoản 2 Điều 54 Bộ luật hình sự năm 2015, Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc Hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, xử phạt Giàng A C từ 3 – 4 năm tù; công nhận sự thỏa thuận bồi thường thiệt hại về tính mạng giữa các bị cáo với Đại diện hợp pháp cho người bị hại; xử lý vật chứng theo quy định của pháp luật.

Tại phiên tòa, người bào chữa đề nghị Hội đồng xét xử khi xem xét quyết định hình phạt cần lưu ý đến nhân thân chưa có tiền án tiền sự của các bị cáo, sinh sống ở vùng sâu vùng xa, không được học hành nên nhận thức pháp luật có phần hạn chế; các bị cáo phạm tội do lạc hậu; quá trình điều tra và xét xử, các bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải về hành vi phạm tội của bản thân.

Tại lời nói sau cùng, các bị cáo đề nghị Hội đồng xét xử xem xét cho bị cáo được hưởng lượng khoan hồng của pháp luật để sớm trở về với gia đình và xã hội.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra, xét hỏi, tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận thấy như sau:

[1] Về hành vi, quyết định tố tụng của cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Lai Châu, Điều tra viên, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Lai Châu, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Quá trình chuẩn bị xét xử và xét xử tại phiên tòa, các bị cáo và những người tham gia tố tụng khác đều không có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.

[2] Về tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội:

Sáng ngày 11/5/2017 tại nhà Cháng Thị D (là người lấy thuốc nam chữa bệnh cho Sùng A V, Vừ Giống P) ở bản H, xã T, huyện S, tỉnh L, do nghĩ ông Sùng A Kh (là bố đẻ Sùng A V) làm ma chài hại chết con gái của Sùng A V và làm bản thân V bị bệnh ốm đau, chữa mãi không khỏi nên V bàn với Vừ Giống P (là anh rể V và cũng là con rể ông Kh) cũng đang bị ốm đau, chữa mãi không khỏi về việc giết ông Kh để cả hai khỏi bệnh, P đồng ý. Ngay sau đó, V và P bàn với Giàng A C (là bố vợ Sùng A V) về việc giết ông Kh vì lý do trên, C cũng nghĩ ông Kh làm ma chài hại V và P nên cũng đồng ý. Đến khoảng 17 giờ cùng ngày, cả ba đi xe mô tô từ xã T xuống xã Ch và mượn thuyền để đi trên lòng hồ thủy điện Sơn La đến lán nương ông Kh bên bờ sông Đà ở khu vực V, bản Th, xã T, huyện S, tỉnh L. Tại lán nương ông Kh, lần lượt P, V vào lán nương và dùng gậy đánh ông Kh, khi thấy ông Kh không cử động được nữa và nghĩ là ông Kh đã chết nên V cùng P và C đưa xác ông Kh ném xuống sông Đà nhằm phi tang, khiến ông Kh tử vong do ngạt nước.

Tại kết luận giám định pháp y về tử thi số 72/BKL-TTPY, ngày 25/5/2017 của Trung tâm pháp y thuộc sở Y tế tỉnh Lai Châu đối với tử thi Sùng A Kh đã kết luận:

1. Nguyên nhân chết:Suy hô hấp cấp không hồi phục do ngạt nước; 2. Cơ chế: Do nước -> Tràn vào khí quản, phổi, phế nan -> Ngạt -> Tử vong.

Các bị cáo Sùng A V, Vừ Giống P, Giàng A C đều là người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự, đạt độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, từ suy nghĩ mê tín cho rằng ông Kh làm ma chài gây hại cho thân nhân và bản thân các bị cáo nên các bị cáo bàn bạc và giết ông Kh. Ông Kh là bố đẻ bị cáo V, là bố vợ của bị cáo P, khi V bàn bạc với P, C về việc giết bố mình được sự đồng tình nhất trí của P, C. Sau khi đánh ông Kh bất tỉnh, cả ba đưa và buộc đá ném ông Kh xuống sông Đà, gây tử vong cho ông Kh nên hành vi của các bị cáo V, P, C có tính chất côn đồ được thể hiện qua sự hung hãn, coi thường tính mạng của người khác, bất chấp pháp luật và đạo lý làm người, các bị cáo đã tước bỏ quyền được sống của người khác; đối với các bị cáo V, P còn thỏa mãn ở tình tiết định khung là giết cha, mẹ của mình. Như vậy, các bị cáo đã cố ý thực hiện hành vi tước đoạt tính mạng của người khác một cách trái pháp luật, hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, với tính chất đặc biệt nghiêm trọng, xâm phạm quyền được sống của người khác. Hành vi đó của các bị cáo đã đủ các yếu tố cấu thành tội phạm và đã phạm vào tội “Giết người” – tội phạm và hình phạt đối với các bị cáo Sùng A V, Vừ Giống P được quy định tại Điểm đ, n Khoản 1 Điều 93 của Bộ luật hình sự, đối với bị cáo Giàng A C được quy định tại Điểm n Khoản 1 Điều 93 của Bộ luật hình sự.

Hành vi phạm tội của các bị cáo cần bị trừng trị nghiêm khắc và bị dư luận xã hội lên án mạnh mẽ, bởi lẽ xuất phát từ nhận thức lạc hậu các bị cáo đã nhẫn tâm ra tay sát hại người ruột thịt thân thích của mình. Trong vụ án này nạn nhân là bố đẻ của bị cáo V, là bố vợ của bị cáo P, là thông gia của bị cáo C, song do tập quán lạc hậu về khám chữa bệnh và tín ngưỡng lạc hậu, mù quáng về nguyên nhân của những rủi ro về tính mạng, sức khỏe nên các bị cáo đã thực hiện hành vi phạm tội.

Do đó, quan điểm xử lý trách nhiệm hình sự của vị đại diện Viện kiểm sát tại phiên tòa đối với các bị cáo là hoàn toàn có cơ sở, không oan sai, đúng người, đúng tội và đúng pháp luật.

Tuy nhiên, việc Viện kiểm sát đề nghị áp dụng khoản 3 Điều 7, điểm t khoản 1 Điều 51, khoản 2 Điều 54 Bộ luật hình sự năm 2015, Nghị quyết 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc Hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đối với bị cáo C là chưa có cơ sở và thiếu tính thuyết phục. Bởi lẽ, quá trình điều tra chưa có căn cứ cho rằng bị cáo C đã tích cực hợp tác với với cơ quan có trách nhiệm trong phát hiện và điều tra tội phạm; vai trò giúp sức của bị cáo trong vụ này là đáng kể được thể hiện qua việc đồng ý với đề xuất ý định phạm tội của V, củng cố quyết tâm thực hiện tội phạm của V. Bên cạnh đó, bị cáo đã mượn thuyền để cùng các bị cáo khác đến lán nương nạn nhân thực hiện hành vi phạm tội và cùng các bị cáo khác buộc đá, ném nạn nhân xuống sông Đà gây tử vong cho nạn nhân.

[3] Về nhân thân và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với các bị cáo:

Các bị cáo Sùng A V, Vừ Giống P, Giàng A C từ nhỏ được gia đình nuôi dưỡng và các bị cáo P, C không được học hành, lớn lên làm ruộng và sinh sống tại địa phương, bản thân chưa có tiền án tiền sự. Trong quá trình điều tra và xét xử các bị cáo đều đã thể hiện sự ăn năn hối cải, thành khẩn khai báo, phạm tội do lạc hậu, đây là các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho các bị cáo - theo Điểm p, k Khoản 1 Điều 46 của Bộ luật hình sự. Bên cạnh đó bị cáo sinh sống ở vùng sâu vùng xa có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, nhận thức pháp luật có phần hạn chế và tại phiên tòa Đại diện hợp pháp cho người bị hại đề nghị Tòa xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho các bị cáo nên tòa cần coi đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho các bị cáo theo Khoản 2 Điều 46 của Bộ luật hình sự.

[4] Về vai trò của các bị cáo:

Hội đồng xét xử nhận thấy đây là vụ án đồng phạm giản đơn, các bị cáo cùng nhau bàn bạc và trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội. Tuy nhiên bị cáo Sùng A V có vai trò cao nhất, bị cáo là người đề xuất ý định phạm tội và rủ rê, lôi kéo các bị cáo khác vào con đường phạm tội, bị cáo thực hiện tội phạm rất quyết liệt từ việc dùng gậy đánh đến buộc đá để ném nạn nhân xuống sông; bị cáo P có vai trò tương đối tích cực, bị cáo dùng gậy đánh nạn nhân trước và cùng các bị cáo khác ném nạn nhân xuống sông; còn bị cáo C có vai trò thấp nhất, bị cáo a dua theo các bị cáo khác, khi nghĩ nạn nhân đã bị P, V đánh chết nên để dấu xác phi tang bị cáo đã cùng P, V buộc đá ném nạn nhân xuống sông, hành vi này là nguyên nhân trực tiếp gây tử vong cho nạn nhân.

Việc xem xét vai trò của các bị cáo trong vụ án này có ý nghĩa phân hóa trách nhiệm hình sự nhằm quyết định hình phạt tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội mà các bị cáo đã gây ra, đồng thời cũng thể hiện sự răn đe, giáo dục, phòng ngừa riêng cũng như phòng ngừa chung.

[5] Về vật chứng của vụ án:

Căn cứ vào các Điều 41/BLHS và Điều 76/BLTTHS, Hội đồng xét xử cần tịch thu để tiêu hủy những vật không có giá trị sử dụng đã thu giữ trong quá trình điều tra, bao gồm: 01 chăn bông, 01 vỏ chăn bông, 03 đoạn dây, 05 hòn đá, 01 con dao, 02 can nhựa; trả lại cho các bị cáo vật không liên quan đến hành vi phạm tội được thu giữ trong quá trình điều tra, bao gồm: 02 xe máy cùng giấy chứng nhận đăng ký xe, 01 điện thoại di động.

[6] Về vấn đề bồi thường thiệt hại:

Tại phiên tòa anh Sùng Chứ H (được những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của nạn nhân Sùng A Kh ủy quyền tham gia tố tụng) đã thỏa thuận với các bị cáo về việc bồi thường thiệt hại về tính mạng là 150 triệu đồng, trong đó trách nhiệm của mỗi bị cáo là 50 triệu đồng. Đây là sự thỏa thuận tự nguyện không trái pháp luật, không trái đạo đức xã hội nên tòa cần công nhận sự thỏa thuận này.

[7] Về án phí hình sự: Áp dụng Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy Ban thường vụ Quốc Hội và Điều 99/BLTTHS, Hội đồng xét xử cần quyết định mỗi bị cáo phải chịu 200.000 đồng tiền án phí HSST. Xét thấy, hoàn cảnh gia đình của các bị cáo rất khó khăn, thu nhập từ sản xuất nông nghiệp thấp nên cần miễn án phí dân sự có giá ngạch cho các bị cáo.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

1/- Tuyên bố các bị cáo Sùng A V, Vừ Giống P, Giàng A C phạm tội “Giết người”.

- Áp dụng điểm đ, n khoản 1 Điều 93, điểm p, k khoản 1 và khoản 2 Điều 46, Điều 20, Điều 53 của Bộ luật hình sự đối với các bị cáo Sùng A V, Vừ Giống P, xử phạt:

+ Bị cáo Sùng A V 15 năm tù, thời hạn tù tính từ ngày bị bắt 17/5/2017.

+ Bị cáo Vừ Giống P 14 năm tù, thời hạn tù tính từ ngày bị bắt 21/5/2017.

- Áp dụng điểm n khoản 1 Điều 93, điểm p, k khoản 1 và khoản 2 Điều 46, Điều 47, Điều 20, Điều 53 của Bộ luật hình sự đối với bị cáo Giàng A C, xử phạt:

+ Bị cáo Giàng A C 08 năm tù, thời hạn tù tính từ ngày 21/5/2017.

2/- Về trách nhiệm dân sự: Áp dụng các Điều 42 của Bộ luật hình sự; Điều 584, 585, 586, 587, 591, 593 của Bộ luật dân sự; Điều 246 của Bộ luật tố tụng dân sự: Công nhận sự thỏa thuận giữa Đại diện hợp pháp cho người bị hại với các bị cáo về việc bồi thường thiệt hại về tính mạng là 150.000.000đ (Một trăm năm mươi triệu đồng). Trong đó, trách nhiệm bồi thường của mỗi bị cáo cụ thể như sau:

- Sùng A V là 50.000.000đ (Năm mươi triệu đồng);

- Vừ Giống P là 50.000.000đ (Năm mươi triệu đồng);

- Giàng A C là 50.000.000đ (Năm mươi triệu đồng). 

Áp dụng các Điều 274, 275, 357, 468/BLDS: Kể từ ngày án có hiệu lực pháp luật và có đơn yêu cầu thi hành án của bên được thi hành án, bên phải thi hành án chậm trả tiền thì phải trả lãi đối với số tiền chậm trả theo lãi suất 10%/năm tương ứng với thời gian chậm trả tại thời điểm thanh toán. Áp dụng điều 26 của Luật Thi hành án dân sự: Trong thời hạn 05 năm kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan Thi hành án dân sự có thẩm quyền ra quyết định thi hành án. Người có nghĩa vụ thi hành án phải chấp hành việc thi hành án.

3/-Về vật chứng của vụ án: Áp dụng Điều 41/BLHS và Điều 76/BLTTHS:

- Trả lại những vật không liên quan đến hành vi phạm tội, cụ thể:

+ Trả lại cho Giàng A C 01 (một) xe máy nhãn hiệu Yamaha Sirius màu đỏ, đen, biển kiểm soát 25S1-004.24, số máy: 5C63592425, số khung: RLCS 5C630 CY 592369, xe cũ đã qua sử dụng cùng 01 (một) giấy chứng nhận đăng ký xe mô tô, xe máy số 000354 mang tên Giàng A C, biển kiểm soát 25S1-004.24 do Công an huyện S cấp ngày 06/2/2012; 01 (một) điện thoại di động nhãn hiệu Q.mobile QQ115 màu xanh đen, điện thoại có 02 sim, điện thoại cũ đã qua sử dụng.

Trả lại cho Vừ Giống P 01 (một) xe máy nhãn hiệu HONDA WAVE S màu sơn đen xám  xanh, biển kiểm soát: 25S1-002.46, số khung: RLHJC 4318AY617284,số máy:JC43E-1272048,xe cũ đã qua sử dụng cùng 01 (một)giấy chứng nhận đăng ký xe mô tô, xe máy số 001802 mang tên Vàng A H, biển kiểm soát 25S1-002.46 do Công an huyện S cấp ngày 28/7/2011;

Tịch thu để tiêu hủy những vật không có giá trị sử dụng sau: 01 (một) chiếc chăn bông, cũ đã qua sử dụng; 01 (một) vỏ chăn bông màu đỏ, cũ đã qua sử dụng; 03 (ba) đoạn dây dù đường kính 0,2cm; 05 (năm) hòn đá; 01 (một) con dao nhọn dài 40cm; 01 (một) can nhựa màu vàng loại can 05 lít; 01 (một) can nhựa màu xanh loại can 05 lít. (Tình trạng vật chứng được mô tả chi tiết như trong Biên bản giao, nhận vật chứng giữa cơ quan CSĐT Công an tỉnh (PC45) với Cục Thi hành án dân sự tỉnh lập hồi 16 giờ 30’ ngày 19/10/2017)

4/- Án phí: Áp dụng Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy Ban thường vụ Quốc Hội và Điều 99/BLTTHS: mỗi bị cáo phải chịu 200.000đ tiền án phí HSST. Miễn án phí dân sự có giá ngạch cho các bị cáo.

Báo cho các bị cáo, đại diện hợp pháp cho người bị hại, người có nghĩa vụ liên quan biết được quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

602
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 02/2017/HS-ST ngày 15/11/2017 về tội giết người

Số hiệu:02/2017/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Lai Châu
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành:15/11/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về