Bản án 02/2017/DS-ST ngày 22/11/2017 về tranh chấp lối đi chung

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN PHÚ RIỀNG, TỈNH BÌNH PHƯỚC

BẢN ÁN 02/2017/DS-ST NGÀY 22/11/2017 VỀ TRANH CHẤP LỐI ĐI CHUNG

Ngày 22 tháng 11 năm 2017, tại Tòa án nhân dân huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước xét xử sơ thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số: 64/2017/TLST-DS ngày 31/7/2017 về việc “Tranh chấp lối đi chung” theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 02/2017/QĐXXST-DS ngày 10/11/2017, giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn:

- Bà Nguyễn Thị L, sinh năm 1969

- Ông Đỗ Văn M, sinh năm 1960

- Ông Trần Hồng Th1, sinh năm 1961

- Ông Phạm Trọng Th2, sinh năm 1958

Cùng địa chỉ: Thôn TP, xã BN, huyện PR, tỉnh Bình Phước.

- Bà Nguyễn Thị C, sinh năm 1976

- Ông Nguyễn Văn D, sinh năm 1973

Cùng địa chỉ: Thôn 3, xã LT, huyện PR, tỉnh Bình Phước.

Người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn: Bà Nguyễn Thị L, sinh năm 1969 (Hợp đồng ủy quyền số 00001151 ngày 10/8/2017). (Có mặt)

Địa chỉ: Thôn TP, xã BN, huyện PR, tỉnh Bình Phước.

2. Bị đơn: Ông Phan Văn Th, sinh năm 1975 và bà Trần Thị M, sinh năm 1984 (Có mặt)

Cùng địa chỉ: Thôn TP, xã BN, huyện PR, tỉnh Bình Phước.

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

- Ông Trần Văn Đ, sinh năm 1957. (Có mặt)

Địa chỉ: Tổ 6, Thôn 3, xã LT, huyện PR, tỉnh Bình Phước.

- Ông Nguyễn Văn A, sinh năm 1965

- Ông Nguyễn Thành L, sinh năm 1994

Cùng địa chỉ: Thôn TP, xã BN, huyện PR, tỉnh Bình Phước

Người đại diện theo ủy quyền của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông A, ông L: Bà Nguyễn Thị L, sinh năm 1969 (Hợp đồng ủy quyền ngày 28/4/2017). (Có mặt)

Địa chỉ: Thôn TP, xã BN, huyện PR, tỉnh Bình Phước.

- Bà Trương Thị S1, sinh năm 1962

Địa chỉ: Thôn TP, xã BN, huyện PR, tỉnh Bình Phước

- Bà Nguyễn Thị H, sinh năm 1982

Địa chỉ: Tổ 6, thôn 3, xã LT, huyện PR, tỉnh Bình Phước

- Bà Nguyễn Thị D, sinh năm 1969

- Bà Nguyễn Thị S2, sinh năm 1960

- Bà Đỗ Thị H, sinh năm 1991

- Ông Trần Tuấn T, sinh năm 1984

- Bà Phạm Thị Hồng Th, sinh năm 1999

- Bà Phạm Thị Hoài Th, sinh năm 1996

Cùng địa chỉ: Thôn TP, xã BN, huyện PR, tỉnh Bình Phước.

(Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Bà S1, bà D, bà S2, bà H, ông T, bà Th1, bà Th2 có đơn xin vắng mặt).

NỘI DUNG VỤ ÁN

1. Theo đơn khởi kiện ngày 15/6/2017, bản tự khai và lời trình bày tại phiên tòa của nguyên đơn và người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn bà Nguyễn Thị L trình bày:

Năm 1985, các hộ dân gồm hộ bà Nguyễn Thị L, ông Trần Hồng Th, ông Đỗ Văn M khai hoang thửa đất tại tổ 6, thôn 3, xã LT, huyện PR, tỉnh Bình Phước. Khi khai phá, tại khu vực đất có một con đường be chạy qua thửa đất nhà ông Đ, ông M, ông Th1 đến thửa đất nhà ông Th2. Con đường be là đường đất, lầy lội rộng khoảng 7-8m. Do không thuận tiện cho việc sinh hoạt, lấy nước canh tác nên các hộ dân mở thêm một con đường đất chạy liền kề đất của ông Trần Văn Đ vào đất của bà Nguyễn Thị L. Thời gian đầu mới khai phá, các hộ dân trồng mì, trồng lúa, trồng bắp thường xuyên canh tác nên sử dụng cả hai con đường. Thời gian sau, các hộ chuyển sang trồng điều, cà phê, cao su chỉ chăm sóc, thu hoạch theo mùa vụ nên ít đi lại qua con đường be, một phần do đường lầy lội, một phần do gia đình ông Trần Văn Đ trồng cao su kín con đường và chuyển sang sử dụng con đường mòn đi từ đường thôn qua ranh đất ông Đ vào đất bà L rồi đi vào đất của các hộ ông Th2, ông Th1, ông D, bà C, ông M.

Năm 1999, theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho hộ ông Trần Văn Đ, bà Nguyễn Thị L không thể hiện con đường mòn nhưng thực tế các hộ bà L, bà C, ông Th2, ông Th1, ông M, ông D vẫn sử dụng ổn định con đường mòn là đường duy nhất để đi vào đất của mình. Thời điểm đó, các hộ sinh sống tại khu vực không xác định được độ rộng cụ thể của con đường mà chỉ biết con đường đủ để xe máy cày, xe xịt thuốc đi vừa. Quá trình sử dụng, các hộ dân có đất tiếp giáp con đường mòn là ông Đậu Minh Q và ông Trần Văn Đ thống nhất mỗi bên trừ ra 1,5m đất, chiều dài chạy dọc theo phần đất của mình để các hộ dân mở rộng con đường. Việc thống nhất ý kiến của ông Đ, ông Q không có văn bản nhưng thực tế các hộ sử dụng ổn định con đường mòn rộng khoảng 3m.

Năm 2006, do mâu thuẫn với gia đình bà L nên ông Đ đã đào một hố để ngăn cản hộ bà L và các hộ dân không cho đi phần đường 1,5m tiếp giáp với đất của ông Đ trong tổng thể con đường mòn. 06 hộ dân liên quan đến con đường mòn yêu cầu chính quyền địa phương giải quyết. Tại biên bản xác minh ngày 11/7/2006 của Ủy ban nhân dân xã LT, ông Đ tiếp tục đồng ý trừ ra 1,5m phần đất tiếp giáp về hướng đất của mình để làm đường đi chung. Các hộ bà L, ông Th2, ông Th1, ông M, ông D tiếp tục sử dụng ổn định con đường mòn từ đó cho đến tháng 02/2017, ông Th, bà M (là con rể và con gái ông Đ) đào hai hố đất sâu, phần đường 1,5m tiếp giáp đất của ông Th, bà M gây cản trở việc đi lại của các hộ. Vì vậy, con đường bị thu hẹp còn phần đường tiếp giáp với đất ông Q nên không đảm bảo điều kiện cho việc đưa xe vào canh tác, chăm sóc cây trồng của các hộ có đất phía trong.

Ngày 15/6/2017, bà Nguyễn Thị L, bà Nguyễn Thị C, ông Nguyễn Văn D, ông Phạm Trọng Th2, ông Đỗ Văn M, ông Trần Hồng Th1 khởi kiện yêu cầu Tòa án buộc ông Phan Văn Th, bà Trần Thị M hoàn trả con đường có chiều ngang 1,5m x chiều dài 159m. Quá trình giải quyết vụ án các nguyên đơn yêu cầu ông Th, bà M trả lại con đường qua đo đạc thực tế, phần đầu đường tiếp giáp với đường thôn, rộng là 2,01m, phần cuối con đường tiếp giáp đi vào đất của bà Nguyễn Thị L rộng là 1,41m; chiều dài cạnh tiếp giáp với đất ông Phan Văn Th là 153,02m; chiều dài con đường đi tiếp giáp với phần đường không tranh chấp là 152,20m. Diện tích đất của phần đường đi tranh chấp là 252,3m2

2. Trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa bị đơn ông Phan Văn Th và bà Trần Thị M trình bày:

Năm 2000, ông Phan Văn Th, bà Trần Thị M tiếp nhận, quản lý và sử dụng thửa đất tại thôn 3, xã LT, huyện PR, tỉnh Bình Phước. Nguồn gốc thửa đất do chuyển nhượng của ông Trần Văn Đ (bố đẻ bà M), thửa đất có tứ cận: Hướng bắc tiếp giáp con đường mòn, hướng nam giáp giáp đất ông Trần Văn Đ, hướng tây giáp đất bà L, hướng đông giáp đường thôn. Thời điểm nhận chuyển nhượng thửa đất, tiếp giáp với thửa đất về hướng bắc có một con đường mòn đi vào đất của bà Nguyễn Thị L và một số hộ dân. Năm 2006, vợ chồng ông Th, bà M làm thủ tục đăng ký quyền sử dụng đất đối với thửa đất này. Thửa đất được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 1872/CN-CQ ngày 27/9/2006 do Uỷ ban nhân dân huyện PL (nay là huyện PR) cấp. Thời điểm nhận chuyển nhượng đất từ ông Đ, ông Th, bà M biết việc ông Đ trừ đất để cho các hộ dân phía trong làm đường đi chung nhưng ông Th, bà M không có ý kiến gì vì nghĩ rằng việc trừ đất là cho mượn, khi nào cần sẽ lấy lại.

Đầu năm 2017, gia đình bà L hai lần gom lá đốt làm cháy các cây cao su của ông Th, bà M không chăm sóc, đền bù nên giữa gia đình bà L và gia đình ông Th, bà M xảy ra mâu thuẫn. Ông Th, bà M đã đào 02 hố sâu trên phần đường 1,5m tiếp giáp với đất của vợ chồng ông, không cho gia đình bà Lành và các hộ dân có đất phía trong đi. Trước yêu cầu khởi kiện của các nguyên đơn, ông Th và bà M không đồng ý, vì nguồn gốc phần đường 1,5m tiếp giáp với đất của ông Th là do ông Trần Văn Đ cho các hộ dân mượn, nay ông Th, bà M lấy lại.

3. Quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Trần Văn Đ trình bày:

Năm 1991, ông Đ khai phá diện tích đất khoảng 3,3ha tại tổ 6, thôn 3, xã LT, huyện PR. Năm 1992, ông Đ mua thêm một phần đất tiếp giáp thửa đất của ông với diện tích khoảng 1,5ha tạo thành một thửa đất thống nhất với tổng diện tích 4,8ha.

Khoảng năm 1994, ông Đ chuyển nhượng cho ông Nguyễn Đức Th 0,5ha, cũng thời điểm đó ông Đ thống nhất trừ phần đất rộng 1,5m, dài khoảng 160m (kéo dài từ đường thôn vào đất bà L) để các hộ có đất phía trong làm đường đi chung. Năm 2000, ông Đ chuyển nhượng cho ông Th, bà M diện tích đất khoảng 5000m2. Các hộ dân vẫn sử dụng ổn định con đường đi từ năm 1994. Đến năm 2006, gia đình bà L nhiều lần gom lá cây ra đường đốt làm cháy hàng cây cao su ven đường của gia đình ông nhưng không chăm sóc, đền bù thiệt hại đối với những cây cao su bị cháy, dẫn đến việc ông Đ đào hố đất trên phần đường tiếp giáp với đất của ông Đ, không cho gia đình bà L đi phần đường này. Tại buổi hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã LT ngày 11/7/2006, ông Đ tiếp tục thống nhất chừa phần đất rộng 1,5m dài 159m phần đất tiếp giáp đất nhà ông Đ để cho các hộ dân có đất phía trong làm đường đi. Từ đó, các hộ dân tiếp tục sử dụng con đường đi. Đến đầu năm 2017, gia đình bà L lại tiếp tục đốt lá cây gây cháy hàng cây cao su của ông Th, bà M. Vì vậy, ông Th, bà M đã đào hai hố đất sâu để ngăn cản không cho các hộ dân sử dụng phần đường này để làm lối đi.

Trước yêu cầu khởi kiện của các nguyên đơn với ông Th, bà M, ông Đ khôngđồng ý do phần đường 1,5m này là ông cho các hộ dân mượn nay gia đình ông lấy lại

Những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan:

- Ông Nguyễn Văn A, sinh năm 1965 và ông Nguyễn Thành L, sinh năm 1994 có văn bản ủy quyền cho bà Nguyễn Thị L tham gia tố tụng. Bà Trương Thị S1, bà

Nguyễn Thị D, bà Nguyễn Thị S2 và bà Nguyễn Thị H có văn bản trình bày: Thống nhất với ý kiến trình bày của người đại diện theo ủy quyền cho các nguyên đơn bà

Nguyễn Thị L về nguồn gốc, quá trình sử dụng phần đường 1,5m tranh chấp. Đồng thời thống nhất yêu cầu ông Th, bà M trả lại phần đường như hiện trạng từ trước các hộ dân vẫn sử dụng.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Phú Riềng tham gia phiên tòa phát biểu:

Về tố tụng: Trong quá trình thụ lý, xét xử vụ án Thẩm phán, Hội đồng xét xử và các đương sự đã tuân theo đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự về thẩm quyền thụ lý vụ án, xác định tư cách tố tụng, thu thập chứng cứ và yêu cầu đương sự cung cấp chứng cứ; thủ tục mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải; việc giao nhận thông báo thụ lý cho Viện kiểm sát và đương sự; về thời hạn chuẩn bị xét xử và thủ tục tố tụng tại phiên tòa.

Về nội dung: Đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc bị đơn trả con đường đi chung theo hiện trạng ban đầu.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án đã được xem xét tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh tụng, Tòa án nhận định như sau:

[1] Về quan hệ tranh chấp và thẩm quyền giải quyết: Ngày 15/6/2017 nguyên đơn bà Nguyễn Thị L, ông Đỗ Văn M, ông Trần Hồng Th1, ông Phạm Trọng Th2, bà Nguyễn Thị C, ông Nguyễn Văn D khởi kiện ông Th, bà M trả phần đường đi rộng 1,5m, dài 159m có địa chỉ tại tổ 6, thôn 3, xã LT, huyện PR, tỉnh Bình Phước. Đây là quan hệ pháp luật về “Tranh chấp lối đi chung” theo quy định tại khoản 9 Điều 26 Bộ luật tố tụng dân sự. Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 35 và điểm c khoản 1 Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân huyện PR, tỉnh Bình Phước.

Những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là bà Đỗ Thị H, ông Trần Tuấn T, bà Phạm Thị Hồng Th1 và bà Phạm Thị Hoài Th2 có đơn đề nghị giải quyết vắng mặt. Căn cứ khoản 1 Điều 228 Bộ luật tố tụng dân sự, Hội đồng xét xử tiến hành xét xử vắng mặt những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trên.

[2] Xét yêu cầu khởi kiện của các nguyên đơn:

2.1. Về nguồn gốc hình thành, quá trình sử dụng và hiện trạng thực tế của phần đường tranh chấp:

Trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa, các đương sự, người làm chứng đều thừa nhận thực tế có tồn tại hiện hữu một con đường đi chung từ khoảng năm 1990, con đường nối từ đường thôn chạy tiếp giáp đất ông Phan Văn Th vào đất bà Nguyễn Thị L và các hộ ông M, Th1, Th2, D và bà C. Ban đầu con đường rộng đủ cho người đi bộ, xe máy chở củi đi, đến khoảng năm 1995 -1996, các hộ tiếp giáp với con đường là ông Đ, ông Q thống nhất trừ ra mỗi bên 1,5m đất để mở rộng con đường làm lối đi chung. Từ đó con đường được mở rộng khoảng 3m. Các hộ bà L, ông M, ông Th1, ông Th2, bà C, ông D sử dụng ổn định con đường này. Năm 2006, gia đình bà L và gia đình ông Đ có mâu thuẫn nên xảy ra tranh chấp về phần lối đi tiếp giáp với đất của ông Đ. Ủy ban nhân dân xã LT đã tiến hành giải quyết tranh chấp và lập biên bản xác minh về con đường ngày 11/7/2006, theo biên bản ông Đ vẫn thống nhất chừa ra 1,5m để làm lối đi chung cho các hộ dân. Phần ông Đậu Minh Q không có tranh chấp. Vì vậy, từ năm 2006 đến đầu năm 2017, những nguyên đơn vẫn sử dụng ổn định con đường đi chung này.

Qua xác minh tại địa phương: Đại diện chính quyền địa phương cũng như những người dân sống lâu năm tại thôn 3, xã LT xác nhận con đường có phần đường đang tranh chấp giữa các nguyên đơn với ông Th, bà M đã hình thành, tồn tại từ khoảng những năm 1990. Con đường mòn hiện hữu rộng khoảng 3m, có chiều dài chạy tương ứng với đất của ông Đ và ông L. Các hộ dân gồm bà L, ông Th1, ông Th2, ông M, ông D và bà C sử dụng ổn định, liên tục con đường này làm lối đi chung đi từ đường thôn vào đất của mình.

Lời trình bày của các đương sự, người làm chứng và kết quả xác minh tại địa phương phù hợp với kết quả xem xét, thẩm định tại chỗ: Xác định hiện trạng thực tế có tồn tại một con đường mòn rộng khoảng 03m, dài khoảng 153m, đầu đường tiếp nỗi với đường thôn, con đường chạy tiếp giáp qua đất ông Phan Văn Th, bà Trần Thị M và đất của ông Đậu Minh Q vào thửa đất của bà Nguyễn Thị L, với vị trí tứ cận:

- Phía Bắc phần đường là tâm đường đi chung tiếp giáp với phần đường không tranh chấp về phía đất của ông Đậu Minh Q dài 152,20m, ranh giới có 09 cọc trụ bê tông.

- Phía Nam giáp đất ông Phan Văn Th, dài là 153,2m, ranh giới có 03 cọc trụ bên tông.

- Phía Đông giáp đường liên thôn rộng 2,01m.

- Phía Tây giáp đất bà Nguyễn Thị L rộng 1,41m.

2.2. Về căn cứ pháp lý:

Theo bản đồ địa chính năm 2003 của Ủy ban nhân dân xã LT tại khu vực tranh chấp thể hiện có một con đường mòn, chạy từ đường thôn tiếp giáp với thửa đất số 99 của ông Phan Văn Th đi vào thửa đất số 95 mang tên bà Nguyễn Thị L đồng thời cũng là con đường duy nhất đi từ đường thôn vào thửa đất của bà Nguyễn Thị L. Kết quả xác minh tại Chi nhánh văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, con đường mòn trên bản đồ chính quy có phần đầu đường tiếp giáp đường thôn với độ rộng 4,02m; phần đường tiếp giáp giữa con đường đi với đất của bà Nguyễn Thị L rộng 2,82m. Như vậy, việc tồn tại con đường mòn trên bản đồ chính quy phù hợp với con đường mòn thực tế như lời khai của các đương sự, biên bản xác minh và kết quả xem xét thẩm định, tại chỗ.

Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho người sử dụng đất mang tên hộ bà Nguyễn Thị L số AB166069 cấp ngày 13/04/2005; giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho người sử dụng đất mang tên ông Phan Văn Th số AĐ657702 cấp ngày 27/9/2006; giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho hộ ông Đậu Minh Q số CI270326 cấp đổi ngày 27/9/2017 đều thể hiện con đường mòn đi từ đường thôn đi tiếp giáp đất ông Th, ông Q chạy vào đất của bà Nguyễn Thị L phù hợp đúng như trên bản đồ chính quy. Ông Phan Văn Th trình bày thời điểm được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên ông Phan Văn Th vào năm 2006, ông không biết trong giấy chứng quyền sử dụng đất được cấp thể hiện con đường đi, khi xảy ra tranh chấp ông mới biết. Về phía bà Trần Thị M trình bày, bà biết trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thể hiện con đường đi hiện đang tranh chấp nhưng bà Mơ nghĩ đây là con đường mà trước đó ông Đ cho các hộ dân mượn, hơn nữa thời điểm đó không xảy ra tranh chấp nên bà không có ý kiến gì. Qua xác minh tại Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện PR về căn cứ ghi nhận con đường mòn trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông Phan Văn Th và hộ bà Nguyễn Thị L là căn cứ trên bản đồ địa chính do Trung tâm kỹ thuật địa chính tỉnh Bình Phước đo đạc thực tế hiện trạng sử dụng đất được cơ quan thẩm quyền phê duyệt năm 2003. Bản đồ này được công bố công khai, rộng rãi. Ông Th, bà M cho rằng phần đường tranh chấp là do bố đẻ của bà M cho các hộ dân mượn để làm đường đi nhưng không có căn cứ gì chứng minh việc cho mượn đất để làm lối đi. Đến thời điểm giải quyết vụ án này ông Phan Văn Th và bà Trần Thị M cũng không có ý kiến, thắc mắc, khiếu nại gì thủ tục hành chính về đất đai đối với việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông bà. Do đó, ông Phan Văn Th và bà Trần Thị M phải thực hiện đúng nghĩa vụ của người sử dụng đất theo quy định tại Điều 79 Luật đất đai năm 1993; Điều 107 Luật đất đai năm 2003 và Điều 170 Luật đất đai năm 2013 là “sử dụng đúng mục đích thửa đất, đúng ranh giới thửa đất, đúng quy định về sử dụng độ sâu trong lòng đất và chiều cao trên không, bảo vệ các công trình công cộng trong lòng đất và tuân theo các quy định khác của pháp luật”.

Xét thấy, con đường mòn thể hiện trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho các hộ tiếp giáp (bà L, ông Th và ông Q) là thống nhất, phù hợp với con đường thể hiện trên bản đồ chính quy và trên thực tế hiện hữu. Từ những căn cứ thực tế và pháp lý nêu trên có đủ cơ sở khẳng định có sự tồn tại, hiện hữu của con đường mòn có phần đường đang tranh chấp là có thực; đã được các hộ sử dụng ổn định, lâu dài, liên tục; được ghi nhận tại bản đồ địa chính, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của các hộ tiếp giáp con đường. Do đó yêu cầu khởi kiện của các nguyên đơn về việc yêu cầu ông Phan Văn Th, bà Trần Thị M trả lại con đường theo đo đạc thực tế có phần đầu đường tiếp giáp với đường thôn rộng 2,01m, phần cuối con đường tiếp giáp đi vào đất của bà Nguyễn Thị L rộng 1,41m; chiều dài cạnh tiếp giáp với đất ông Phan Văn Th là 153,02m; chiều dài con đường đi tiếp giáp với phần đường không tranh chấp là 152,20m. Diện tích đất của phần đường đi tranh chấp là 252,3m2 là có căn cứ, được Hội đồng xét xử chấp nhận.

Tại phiên tòa, các nguyên đơn tự nguyện san lấp 02 hố đất sâu mà bị đơn đã đào trên phần đường tranh chấp và không có yêu cầu về chi phí san lấp. Xét việc tự nguyện san lấp này là không trái quy định pháp luật nên Hội đồng xét xử ghi nhận.

Về phần đường tiếp giáp với đất của ông Đậu Minh Q, các đương sự cùng người làm chứng Nguyễn Đình L xác định ranh giới con đường, ranh giới thửa đất đã được xác định rõ ràng, được sử dụng ổn định, lâu dài, không có ai tranh chấp về phần này.

Ngày 01/9/2017, ông Đậu Minh Q có văn bản gửi UBND xã LT về việc tự nguyện trừ 1,5m để làm đường đi chung, phần tiếp giáp với đất của ông Q và ngày 27/9/2017, ông Q được cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có thể hiện con đường. Các đương sự không có tranh chấp về phần đường này nên Hội đồng xét xử không xem xét.

Quan điểm của Đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Phú Riềng tại phiên tòa là có căn cứ, được Hội đồng xét xử chấp nhận.

[3] Về chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ; đo đạc và định giá tài sản: Do yêu cầu khởi kiện của các nguyên đơn được Hội đồng xét xử chấp nhận nên căn cứ khoản 1 Điều 157 và khoản 1 Điều 165 Bộ luật tố tụng dân sự 2015, bị đơn ông Phan Văn Th và bà Trần Thị M phải chịu chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ; đo đạc và định giá tài sản. Đại diện theo ủy quyền của các nguyên đơn là bà Nguyễn Thị L đã nộp tạm ứng số tiền 7.315.423đ (Bảy triệu ba trăm mười lăm nghìn bốn trăm hai mươi ba đồng) nên buộc ông Phan Văn Th, bà Trần Thị M hoàn trả cho các nguyên đơn số tiền 7.315.423đ.

[4] Án phí dân sự sơ thẩm: Do yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn được Tòa án chấp nhận nên bị đơn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo quy định tại Điều 147 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015; khoản 3 Điều 26 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 9 Điều 26; điểm a khoản 1 Điều 35; điểm c khoản 1 Điều 39; Điều 228 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015; Điều 256 Bộ luật dân sự năm 2005; Điều 79 Luật đất đai năm 1993, Điều 107 Luật đất đai năm 2003 và Điều 170 Luật đất đai năm 2013; các Điều 147; khoản 1 Điều 157; khoản 1 Điều 165 của Bộ luật tố tụng dân sự 2015; khoản 2 Điều 26 Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Tuyên xử:

1/ Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của các nguyên đơn bà Nguyễn Thị L, ông Đỗ Văn M, ông Trần Hồng Th1, ông Phạm Trọng Th2, bà Nguyễn Thị C, ông Nguyễn Văn D.

Buộc ông Phan Văn Th và bà Trần Thị M giao trả phần đường đi chung có diện tích 252,3m2, địa chỉ tại tổ 6, thôn 3, xã LT, huyện PR, tỉnh Bình Phước, phần đường đi có vị trí tiếp giáp như sau:

- Phía Bắc tiếp giáp với phần đường không tranh chấp về phía đất của ông Đậu Minh Q, dài 152,20m, ranh đường có 09 cọc trụ bê tông.

- Phía Nam tiếp giáp thửa đất số 99 của ông Phan Văn Th, dài 153,02m, ranh đường có 03 cọc trụ bê tông.

- Phía Đông tiếp giáp đường liên thôn, rộng 2,01m.

- Phía Tây tiếp giáp thửa đất số 95 của bà Nguyễn Thị L, rộng 1,41m.

Ghi nhận sự tự nguyện san lấp 02 hố đất sâu nằm trên phần đường tranh chấp của các nguyên đơn bà L, ông M, ông Th1, ông Th2, ông D và bà C.

Ông Phan Văn Th và bà Trần Thị M có nghĩa vụ dỡ bỏ 09 trụ cọc bê tông giữa con đường chung và hoàn trả chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ, đo đạc và định giá tổng số tiền là 7.315.423đ (Bảy triệu ba trăm mười lăm nghìn bốn trăm hai mươi ba đồng) cho người đại diện theo ủy quyền của các nguyên đơn là bà Nguyễn Thị L.

2/ Án phí dân sự sơ thẩm: Ông Phan Văn Th và bà Trần Thị M phải nộp 300.000đ (Ba trăm nghìn đồng) án phí dân sự sơ thẩm.

Hoàn trả cho bà Nguyễn Thị L, ông Đỗ Văn M, ông Trần Hồng Th1, ông Phạm Trọng Th2, bà Nguyễn Thị C, ông Nguyễn Văn D mỗi người 300.000 đ (Ba trăm nghìn đồng) lần lượt theo các biên lai thu tiền tạm ứng án phí số: 025966; 025972; 025971; 025970; 025968; 025967 ngày 31/7/2017 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện PR.

3/ Các đương sự có mặt tại phiên tòa được quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày tuyên án. Các đương sự vắng mặt tại phiên tòa được quyền kháng cáo bản án này trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc niêm yết theo quy định của pháp luật.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

2225
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 02/2017/DS-ST ngày 22/11/2017 về tranh chấp lối đi chung

Số hiệu:02/2017/DS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Phú Riềng - Bình Phước
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành:22/11/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về