Bản án 02/2013/LĐ-PT ngày 11/12/2013 về tranh chấp trợ cấp thôi việc

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH HÒA BÌNH

BẢN ÁN 02/2013/LĐ-PT NGÀY 11/12/2013 VỀ TRANH CHẤP TRỢ CẤP THÔI VIỆC 

Ngày 11 tháng 12 năm 2013 tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Hòa Bình xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 02/2013/TLPT- LĐ ngày 22 tháng 7 năm 2013 về tranh chấp trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động. Do bản án lao động sơ thẩm số 03/2013/LĐ-ST ngày 30 tháng 5 năm 2013 của Toà án nhân dân thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 02/2013/QĐPT-LĐ ngày 12 tháng 9 năm 2013 giữa các đương sự:

1. Các nguyên đơn:

Ông Hà Văn T1; địa chỉ tổ 6 phường Tân Thịnh, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình.

Ông Trần Quang L; địa chỉ tổ 14, phường Hữu Nghị, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình.

Vũ Thị Hải Y; địa chỉ tổ 17, phường Hữu Nghị, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình.

Ông Đinh Minh T2; địa chỉ tổ 1, phường Thịnh Lang, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình.

Ông Dương Văn K; địa chỉ tổ 13, phường Hữu Nghị, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình.

Ông Mai Văn T3; địa chỉ tổ 12 phường Hữu Nghị, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình.

Ông Vũ Đình V; địa chỉ tổ 15, phường Phương Lâm, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình.

Ông Phùng Đức N; địa chỉ: tổ 5, phường Hữu Nghị, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình.

2. Bị đơn: Công ty cổ phần xi măng Sông Đ ; địa chỉ: Phường Tân Hòa, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình.

Người đại diện theo pháp luật: Ông Đào Quang D -chức vụ giám đốc

Người đại diện theo ủy quyền: ông Nguyễn Văn T4 ; Chức vụ Quyền trưởng tổ chức hành chính; Văn bản ủy quyền ngày 09/12/2013.

3. Người kháng cáo: Công ty cổ phần xi măng Sông Đ và các đồng nguyên đơn

NHẬN THẤY

Các nguyên đơn cho rằng do không tạo được công ăn việc làm cho người lao động, nên Công ty đã ra danh sách dôi dư kèm theo thông báo chấm dứt hợp đồng lao động và cam đoan sẽ thanh toán chế độ theo đúng luật. Tuy nhiên Công ty không chịu thanh toán trợ cấp mất việc làm và cố tình tránh trách nhiệm thanh toán cho các nguyên đơn khoản tiền trợ cấp mất việc làm cho từng người cụ thể:

Ông T1: 86.679.750đ thời gian tính trợ cấp 23,5 năm; ông L 73.345.052, thời gian tính trợ cấp 22 năm; bà Y 59.016.000đ, thời gian tính trợ cấp 16 năm; ông T2 39.393.325đ, thời gian tính trợ cấp 12,5 năm; ông K 105.122.250đ, thời gian tính trợ cấp 28,5 năm; ông T3 90.368.250đ, thời gian tính trợ cấp 24,5 năm; ông V 62.704.500đ, thời gian tính trợ cấp 17 năm; ông N 82.738.659đ, thời gian tính trợ cấp 23 năm.

Tại phiên tòa sơ thẩm các nguyên đơn đề nghị tòa buộc bị đơn thanh toán khoản tiền lãi theo mức lãi phạt chậm trả đối với số tiền trợ cấp thôi việc lẽ ra họ được hưởng.

Ngày 08/10/2012 Giám đốc, Công ty cổ phần xi măng Sông Đ (nay gọi là Công ty) ra quyết định chấm dứt hợp đồng lao động đối với các nguyên đơn kể từ ngày 08/10/2012. Tại điều 2 của Quyết định thì các nguyên đơn có trách nhiệm và quyền lợi theo biên bản thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động ngày 08/10/2012.

Phía Công ty cho rằng: Công ty và người lao động đã thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động và công ty đã thanh toán trợ cấp thôi việc cho người lao động theo đúng nghị quyết của Hội đồng quản trị Công ty và thỏa thuận với người lao động, cụ thể: Ông Hà Văn T: Thời gian làm việc tại Công ty làm tròn 15 năm. Tiền lương bình quân 6 tháng 838.136đ; tiền trợ cấp 6.286.020đ; Ông Trần Quang L: Thời gian làm việc tại Công ty làm tròn 15 năm. Tiền lương bình quân 6 tháng 430.781đ, tiền trợ cấp 6.225.000đ. Ông L đã nhận 6.225.000đ; Bà Vũ Thị Hải Y: Thời gian làm việc tại Công ty làm tròn 15 năm; lương bình quân 6 tháng 1.204.861đ, tiền trợ cấp 9.036.121đ. Bà Y đã nhận 9.036.121đ; Ông Đinh Minh T2: Thời gian làm việc tại Công ty làm tròn 8 năm. Tiền lương bình quân 6 tháng 159.361đ, tiền trợ cấp 3.320.000đ. Ông T2 đã nhận 3.320.000đ; Ông Dương Văn K: Thời gian tính trợ cấp 14,5 năm, lương bình quân 6 tháng 0 đồng, tiền trợ cấp 6.017.500đ. Ông K đã nhận 6.017.500đ; Ông Mai Văn T3 : Thời gian tính trợ cấp làm tròn 15 năm, lương bình quân 6 tháng 1.143.055đ, tiền trợ cấp 8.572.916đ; Ông Vũ Đình V : Thời gian tính trợ cấp làm tròn 15 năm, tiền lương bình quân 6 tháng 1.123.881đ, tiền trợ cấp 8.429.111đ. Ông V đã nhận 8.429.111đ; Ông Phùng Đức N: Thời gian hưởng trợ cấp 14,5 năm, lương bình quân 6 tháng 2.500.985đ, tiền trợ cấp 18.132.147đ. Ông N đã nhận 18.132.147đ.

Theo nội dung thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động thì các nguyên đơn được hưởng chế độ chấm dứt hợp đồng lao động đối với thời gian làm việc tại Công ty. Thời gian công tác ở các đơn vị khác nhưng chưa được trợ cấp thôi việc Công ty sẽ gửi thông báo thanh toán trợ cấp thôi việc đến các đơn vị mà người lao động đã làm việc, khi nào nhận được tiền ở các đơn vị chi trả thì Công ty báo cho người lao động lĩnh tiền, do vậy không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn.

Tại bản án lao động sơ thẩm số 03/2013/LĐST ngày 30/5/2013 của Tòa án nhân dân thành phố Hòa Bình đã Căn cứ vào Điều 42 Bộ luật lao động, Điều 14 Nghị định 44/2003/NĐ-CP ngày  09/5/2003 của Chính Phủ; Điều 2 Thông tư 17/2009/TT-BLĐTBXH ngày 26/5/2009 của Bộ lao động thương binh xã hội; Khoản 3 Điều 2 Nghị định 70/2011/NĐ-CP ngày 22/8/2011 của Chính phủ và mục 3 của phụ lục ban hành theo nghị định này; Nghị định số 127/2008/NĐ-CP ngày 12/12/2008 của Chính Phủ; Khoản 2 Điều11, Khoản 4 Khoản 14 Điều 27 Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án. Quyết định:

Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của các nguyên đơn, buộc Công ty Cổ phần xi măng Sông Đ thanh toán cho: Ông Hà Văn T1 66.293.500đ trợ cấp thôi việc và 3.364.386đ tiền lãi chậm thực hiện nghĩa vụ, tổng cộng 69.675.886đ; Ông Trần Quang L 49.869.500 trợ cấp thôi việc còn thiếu và 2.530.876đ tiền lãi chậm thực hiện nghĩa vụ, tổng cộng 52.400.376đ; bà Vũ Thị Hải Y 36.099.879đ trợ cấp thôi việc còn thiếu và 2.530.876đ tiền lãi do chậm thực hiện nghĩa vụ, tổng cộng 37.931.879đ; ông Đinh Minh T2 15.962.000đ trợ cấp thôi việc còn thiếu và 810.000đ tiền lãi do chậm thực hiện nghĩa vụ, tổng cộng 16.772.000đ; Ông Dương Văn K 74.381.000đ trợ cấp còn thiếu và 3.774.835đ tiền lãi do chậm thực hiện nghĩa vụ, tổng cộng 78.155.835đ; Ông Mai Văn T3 69.114.500đ tiền trợ cấp thôi việc và 3.507.555đ tiền lãi do chậm thực hiện nghĩa vụ, tổng cộng 72.622.055đ; ông Vũ Đình V 47.990.889đ trợ cấp thôi việc còn thiếu và 2.435.533đ tiền lãi do chậm thực hiện nghĩa vụ, tổng cộng 50.426.422đ; Ông Phùng Đức N 45.146.603đ trợ cấp thôi việc còn thiếu và 2.291.186đ tiền lãi do chậm thực hiện nghĩa vụ, tổng cộng 47.437.789đ.

Bản án còn tuyên về biện pháp thi hành án, án phí và quyền kháng cáo của các đương sự.

Ngày 6/6/2013 Công ty cổ phần xi măng Sông Đ kháng cáo toàn bộ bản án đề nghị tòa xét xử phúc thẩm theo hướng: Công nhận thỏa thuận giữa các ông (bà) Hà Văn T1, Trần Quang L, Vũ Thị Hải Y, Đinh Minh T2, Dương Văn K, Mai Văn T3, Vũ Đình V, Phùng Đức N với Công ty cổ phần xi măng Sông Đ.

Ngày 10/6/2013 các nguyên đơn kháng cáo đề nghị xử phúc thẩm buộc Công ty cổ phần xi măng Sông Đ thanh toán trợ cấp mất việc làm cho từng người, cụ thể: ông Hà Văn T1 132.587.000đ trợ cấp mất việc làm và 6.728.772đ lãi suất quá hạn; ông Trần Quang L 104.800.752đ trợ cấp mất việc và 5.061.752đ tiền lãi; bà Vũ Thị Hải Y 72.199.758đ trợ cấp mất việc và 5.061.752đ tiền lãi; ông Đinh Minh T2 31.924.000đ trợ cấp mất việc và 3.664.000đ tiền lãi; ông Dương Văn K 148.762.000đ trợ cấp mất việc và 7.594.670đ tiền lãi; ông Mai Văn T3 138.229.000đ trợ cấp mất việc và 4.871.066đ tiền lãi; ông Vũ Đình V 95.981.778đ trợ cấp mất việc và 4.871.066đ tiền lãi; ông Phùng Đức N 90.293.206đ trợ cấp mất việc và 4.582.372đ tiền lãi.

Ngày 02/08/2013 Các đồng nguyên đơn có đơn kháng cáo bổ sung cho rằng Công ty đã vi phạm khoản 4 Điều 41 Bộ luật lao động , do đó đề nghị buộc trả 45 ngày không báo trước, cụ thể: Ông Hà Văn T1 9.765.000đ; ông Trần Quang L 8.826.075đ; bà Vũ Thị Hải Y 9.765.000đ; ông Đinh Minh T2 8.343.173; ông Dương Văn K 9.765.000đ; ông Mai Văn T3 9.764.000đ; ông Vũ Đình V 9.765.000đ; ông Phùng Đức N 9.523.557đ.

Ngày 01/10/2013 các nguyên đơn, thay đổi bổ sung kháng cáo. Cụ thể: Đề nghị buộc Công ty phải trả trợ cấp mất việc làm cho 08 nguyên đơn theo khoản 1 Điều 17 Luật Lao động. Tính đúng, tính đủ theo quy định của pháp luật vì khi khởi kiện các nguyên đơn chưa hiểu pháp luật nên tính chưa đúng.Tiền lương và thời gian công tác được tính như bản án sơ thẩm; Buộc trả tiền lương do vi phạm thời hạn báo trước và trả tiền lãi trên nợ gốc như tòa sơ thẩm tính, kể từ ngày 16/10/2012.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hòa Bình phát biểu quan điểm về việc giải quyết vụ án tại cấp phúc thẩm: Hội đồng xét xử đã tuân thủ đúng trình tự tố tụng theo quy định của pháp luật. Về nội dung: Đề nghị sửa bản án sơ thẩm về việc tính trợ cấp cho các nguyên đơn; Bác yêu cầu về việc tính lãi và tiền lương do vi phạm thời hạn báo trước khi chấm dứt hợp đồng lao động.

XÉT THẤY

Từ đầu năm 2011 Công ty cổ phần xi măng Sông Đ gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm xi măng, đời sống cán bộ, công nhân viên gặp khó khăn, thu nhập không ổn định. Công ty buộc phải thu hẹp sản xuất, dừng nung luyện Clanhke lò nung, dừng cung cấp đá xưởng, đá chẹ cho Công ty, thay đổi công đoạn nghiền phối liệu thành nghiền xi măng, tiến tới Nhà máy chuyển thành trạm nghiền xi măng Sông Đ (theo quyết định số 1488/QĐ-TTg ngày 28/8/2011 của Chính phủ tiến tới dừng hoạt động công nghệ nung luyện xi măng lò đứng). Công ty đã tìm mọi biện pháp khắc phục, tìm kiếm việc làm khác nhưng vẫn buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc. Số cán bộ công nhân viên không bố trí được việc làm lên đến 80 đến 100 người (BL 162; 163). Ngày 30/7/2012 Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty ký quyết định giải thể cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của xưởng nguyên liệu và xưởng lò nung. Sửa đổi tổ chức quản lý, tổ chức sản xuất và phân cấp quản lý (BL 164,165) Trên cơ sở đó cắt giảm nhân lực ở các phòng ban, xưởng 100 người đồng thời vận động CBCNV có đủ điều kiện hưởng hưu trí hàng tháng và tìm được việc ở các đơn vị khác đăng ký hết ngày 10/8/2012 (BL 168). Thông báo về việc thực hiện chế độ chấm dứt lao động (BL 12) Danh sách thuộc diện dôi dư gồm 82 người (BL 14). Danh sách CBCNV thuộc diện chấm dứt hợp đồng lao động (BL 15) trong đó có các nguyên đơn.

Như vậy việc chấm dứt hợp đồng lao động đối với các nguyên đơn thuộc trường hợp Công ty cổ phần xi măng Sông Đ có sự thay đổi cơ cấu được quy định tại khoản 1, 2 Điều 17 Bộ luật lao động năm 1994 sửa đổi bổ sung các năm 2002, 2006, 2007 và Nghị định số 39/2003/NĐ-CP ngày 18/4/2003 của Chính phủ do đó Công ty có trách nhiệm thanh toán trợ cấp mất việc cho các nguyên đơn cứ mỗi năm làm việc tại Công ty phải trả một tháng lương, nhưng thấp nhất cũng bằng hai tháng lương. Thời gian để tính trợ cấp mất việc làm là thời gian làm việc thực tế cho người sử dụng lao động đó đến khi bị mất việc làm và được quy định tại Điều 12 Nghị định 39/2003/NĐ-CP ngày 18/4/2003 của Chính phủ.

Tại khoản 2 điều 12 Nghị định số 39/2003/NĐ-CP ngày 18/4/2003 của Chính phủ quy định “ Thời gian để tính trợ cấp mất việc làm là thời gian làm việc thực tế cho người sử dụng lao động đó đến khi bị mất việc làm. Trường hợp, người lao động trước đó có thời gian làm việc ở khu vực nhà nước mà chưa được nhận trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp mất việc làm, thì thời gian đó chỉ được tính để nhận trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 42 của Bộ Luật Lao động. Khoản trợ cấp thôi việc này do Quỹ dự phòng về trợ cấp mất việc làm của đơn vị mà người lao động mất việc làm trả cùng trợ cấp mất việc làm.

Xét kháng cáo của Công ty cổ phần xi măng Sông Đ về việc Công nhận thỏa thuận giữa các ông (bà) Hà Văn T1, Trần Quang L, Vũ Thị Hải Y, Đinh Minh T2, Dương Văn K, Mai Văn T3, Vũ Đình V, Phùng Đức N với Công ty. thấy: Căn cứ quy định của pháp luật như đã viện dẫn cũng như Tại Quyết định số 117/QĐ- HĐQT ngày 01/8/2012 của Công ty cổ phần xi măng Sông Đ thể hiện Công ty chỉ giải quyết chế độ cho người lao động “Từ nguồn quỹ dự phòng mất việc làm”. Như vậy thỏa thuận giữa Công ty và người lao động về việc Công ty trả trợ cấp thôi việc cho người lao động cứ mỗi năm làm việc trả ½ tháng lương cũng như thỏa thuận giữa công ty và người lao động về việc “ Công ty sẽ gửi thông báo thanh toán trợ cấp thôi việc đến các đơn vị mà người lao động đã làm việc khi nào nhận được tiền các đơn vị chi trả thì Công ty báo cho người lao động lĩnh là trái pháp luật, nên không có căn cứ chấp nhận kháng cáo này.

Tại phiên tòa Công ty cổ phần xi măng Sông Đ cho rằng bình quân 6 tháng lương liền kề trước khi bị mất việc làm là 6 tháng lương thực lĩnh; qua xem xét thấy rằng: Do không bố trí được công ăn việc làm nên thực tế người lao động nhận lương thấp hơn so với hệ số lương, phụ cấp theo hợp đồng cũng như diễn biến tiền lương của người lao động ghi trong sổ Bảo hiểm xã hội, đây là căn cứ đóng bảo hiểm của người lao động, do vậy phải áp dụng mức lương tối thiểu vùng tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động. Trong hợp đồng lao động của Công ty ký kết với các nguyên đơn có ghi: Tiền lương và quyền lợi: “ Hưởng theo khối lượng sản phẩm thực hiện”, nhưng trong quá trình thực hiện hợp đồng lao động và tại phiên tòa Công ty không xuất trình được định mức sản phẩm mà người lao động phải thực hiện nên không có cơ sở để tính theo lương thực lĩnh.

Xét kháng cáo của các Nguyên đơn buộc Công ty cổ phần xi măng Sông Đ chi thanh toán trợ cấp mất việc thấy: Việc các nguyên đơn yêu cầu Công ty cổ phần xi măng Sông Đ trả trợ cấp mất việc, cũng như cấp sơ thẩm chỉ tính trợ cấp thôi việc cho người lao động đối với thời gian lao động tại Công ty cũng như thời gian làm việc ở khu vực nhà nước mà chưa được nhận trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp mất việc làm là không đúng theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Nghị định 39/2003/NĐ-CP ngày 18/4/2003 của chính phủ, do vậy cần tính lại.

Theo đó, tiền lương làm căn cứ tính trợ cấp mất việc làm là tiền lương, tiền công theo hợp đồng lao động, được tính bình quân của 06 tháng liền kề trước khi bị mất việc làm, bao gồm: tiền công hoặc tiền lương cấp bậc, chức vụ, phụ cấp khu vực, phụ cấp chức vụ (nếu có). Mức trợ cấp mất việc làm thấp nhất bằng 02 tháng lương, trừ trường hợp thời gian để tính trợ cấp mất việc làm của người lao động làm dưới 01 tháng. Tiền trợ cấp mất việc làm bằng số năm được tính hưởng trợ cấp mất việc làm nhân với tiền lương làm căn cứ tính trợ cấp mất việc làm và nhân với 01. Trong đó, số năm được tính hưởng trợ cấp mất việc làm được xác định là tổng thời gian người lao động làm việc liên tục cho người sử dụng lao động đó được tính từ khi bắt đầu làm việc đến khi người lao động bị mất việc làm, trừ đi thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại Điều 41 của Nghị định số 127/2008/NĐ-CP ngày 12/12/2008 của Chính phủ.

Cách tính trả trợ cấp thôi việc được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 44/2003/NĐ-CP ngày 09/5/2003, Nghị định số 127/2008/NĐ-CP ngày 12/12/2008 của Chính phủ và thông tư số 17/2009/TT-BLĐTBXH ngày 26/5/2009 của Bộ lao động thương binh xã hội. Theo đó: Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc được tính theo quy định tại khoản 3 Điều 14 Nghị định số 44/2003/NĐ-CP ngày 09/5/2003 và điều 41 Nghị định số 127/2008/NĐ-CP ngày 12/12/2008 của Chính Phủ.

Căn cứ vào các quy định nêu trên qua xem xét quá trình công các của các Nguyên đơn thì Công ty cổ phần xi măng Sông Đ phải thanh toán tiền trợ cấp cho từng trường hợp. Cụ thể:

1. Ông Hà Văn T1: Từ tháng 12/1985 đến tháng 30/7/1987 Công tác tại Xí Nghiệp Thủy Công III- Công ty thủy công (2 năm); Từ 7/1987 đến 12/1987 Thủy Công VII- Công ty xây dựng Trị An (0,5 năm); từ 12/1987 đến 7/1992 công tác tại Xí nghiệp Ngầm II, Công ty công trình ngầm (5 năm); Từ 7/1992 đến 3/1993 công tác tại Xí nghiệp bê tông nghiền sàng thủy điện Vĩnh Sơn (1 năm); Từ 3/1993 đến 7/1994 Xí nghiệp Cơ khí thủy công (1,5 năm); Từ 7/1994 đến 31/12/2008 công tác tại Công ty cổ phần xi măng Sông Đ (15 năm).

Hệ số lương 6 tháng trước khi nghỉ 3,54; hệ số khu vực 0,1. Bình quân lương 6 tháng trước khi nghỉ (3,54+0,1)x 1.550.000đ =5.642.000đ.

Mức hưởng trợ cấp thôi việc (10 năm x 5.642.000đ)x1/2 = 28.210.000đ. Mức hưởng trợ cấp mất việc (15 năm x 5.642.000đ)x1= 84.630.000đ Tổng cộng: 28.210.000 đ + 84.630.000đ =112.840.000đ.

2. Ông Trần Quang L: Từ 2/1987 đến 7/1994 công tác tại Tổng đội 5 Công ty xây dựng Thủy Công (8 năm); từ 7/1994 đến 31/12/2008 Công tác tại Công ty cổ phần xi măng Sông Đ (15 năm) Hệ số lương 6 tháng trước khi nghỉ 3,19, hệ số khu vực 0,1.

Bình quân lương 6 tháng trước khi nghỉ (3,19+0,1)x1.550.000đ = 5.099.500đ.

Mức hưởng trợ cấp thôi việc là (8 năm x 5.099.500đ) x ½ = 20.398.000đ

Trợ cấp mất việc làm của ông L là: (15năm x 5.099.500)x1= 76.492.500đ

Tổng cộng trợ cấp là 20.398.000đ + 76.492.500đ = 96.890.500đ, Ông Lực đã nhận 6.225.000đ, còn thiếu 90.665.500đ.

3. Bà Vũ Thị Hải Y: Từ tháng 7/1993 đến 4/1994 công tác tại Công ty xây dựng Thủy công (1 năm); từ 4/1994 đến 31/12/2008 công tác tại Công ty cổ phần xi măng Sông Đ (15 năm). Hệ số lương 6 tháng trước khi nghỉ việc 3,54, hệ số khu vực 0,1. Lương bình quân 6 tháng trước khi nghỉ việc (3,54+0,1) x 1.550.000đ = 5.642.000đ.

Trợ cấp mất việc làm của bà Y là: (15 năm x 5.642.000)x1 = 84.630.000đ. Trợ cấp thôi việc làm là (1 năm x 5.642.000)x1/2 =2.821.000đ

Tổng cộng: 84.630.000+2.821.000đ = 87.451.000đ

Đã nhận 9.036.121đ, Còn thiếu 78.414.879đ.

4. Ông Đinh Minh T2: Từ 01/1999 đến 12/1999 Công ty lắp máy Sông Đ 21 (1 năm); Từ 04/2001 đến 31/12/2008 Công ty cổ phần xi măng Sông Đ (8 năm). Do đến tháng 4/2001 mới chuyển về Công ty cổ phần xi măng Sông Đ (sau ngày 1/1/1995) do vậy thời gian tính trợ cấp mất việc của ông Tân từ 4/2001 đến 31/12/2008 (8 năm). Thời gian trước đó không được tính trợ cấp thôi việc. Hệ số lương 6 tháng cuối 3,01 hệ  số khu vực 0,1. Lương bình quân 6 tháng cuối (3,01+0,1) x1.550.000đ = 4.820.500đ.

Trợ cấp mất việc làm của ông T2 là: (8năm x 4.820.500đ)x1 = 38.564000đ. Đã nhận 3.320.000đ còn thiếu 35.244.000đ.

5. Ông Dương Văn K: Từ 9/1980 đến 1/1990 công tác tại Công ty cung ứng vật tư (9,5 năm) Từ 1/1990 đến 31/12/2008 công tác tại Công ty cổ phần xi măng Sông Đ (19 năm). Hệ số lương 6 tháng cuối 3,54, phụ cấp khu vực 0,1, lương bình quân 6 tháng cuối (3,54+0,1)x1.550.000đ =5.642.000đ.

Trợ cấp mất việc làm của ông K: (19 năm x 5.642.000đ)x1 = 107.108.000đ.

Trợ cấp thôi việc: (9,5 năm x 5.642.000đ)x1/2 = 26.799.500đ

Tổng cộng 107.198.000đ + 26.799.500đ=133.997.500đ, Đã nhận 6.017.500đ, Còn thiếu 127.980.000đ.

6. Ông Mai Văn T3: từ 12/1984 đến 6/1989 công tác tại Công ty thủy công (5 năm); từ 6/1989 đến 6/1991 Lao động hợp tác tại Bun-Ga-Ri (không tính); Từ 6/1991 đến 4/1993 Xí nghiệp Thủy Công III, Công ty Thủy Công (2 năm); từ 4/1993 đến 12/ 1993 Công ty năng lượng (1 năm); từ 12/1993 đến 7/1994 công tác tại Công ty thủy công (1 năm); Từ 7/1994 đến 31/12/2008 công tác tại Công ty cổ phần xi măng Sông Đ (15 năm). Hệ số lương 6 tháng cuối 3,54 phụ cấp khu vực 0,1.

Lương bình quân 6 tháng cuối (3,54+0,1)x1.550.000đ = 5.642.000đ. Trợ cấp mất việc làm của ông T3: (15 năm x 5.642.000)x1 = 84.630.000đ. Trợ cấp thôi việc(09 năm x 5.642.000)x1/2 = 25.389.000đ

Tổng cộng: 84.630.000đ + 25.380.000đ = 110.019.000đ.

7. Ông Vũ Đình V: Từ 8/1985 đến tháng 30/12/1991 Bộ đội đoàn 56 xuất ngũ

(Không tính vì không thuộc trường hợp bộ đội chuyển ngành); Từ 1/1992 đến 6/1994 Nhà máy cơ khí 3/2 (2,5 năm); từ 6/1994 đến 31/12/2008 Công ty cổ phần xi măng Sông Đ (15 năm). Hệ số lương 6 tháng cuối 3,54; phụ cấp khu vực 0,1. Lương bình quân 6 tháng cuối (3,54+0,1)x1.550.000đ = 5.642.000đ.

Trợ cấp mất việc (15 năm x 5.642.000đ) x1 = 84.630.000đ

Trợ cấp thôi việc của ông V: (2,5 năm x 5.642.000đ)x1/2= 7.052.500đ.

Tổng cộng: 84.630.000đ + 7.052.500đ= 91.682.500đ.

Đã nhận 8.429.111, còn thiếu 83.253.398đ.

8. Ông Phùng Đức N: từ 2/1986 đến 1/1994 Công ty công trình ngầm (8 năm); từ 1/1994 đến 12/1995 Công ty thủy công, Sông đà VI (2 năm); từ 1/1996 đến 6/1997 Chi nhánh công ty xây lắp vật tư vận tải Sông Đà 12 (2 năm); từ 01/7/1997 đến 31/12/2008 Công ty cổ phần xi măng Sông Đ (12 năm). Hệ số lương 6 tháng cuối  3,45; Phụ cấp khu vực 0,1. Lương bình quân 6 tháng cuối (3,45+0,1) x 1.550.000đ = 5.502.500đ.

Trợ cấp thôi việc của ông N không được tính vì chuyển về Công ty xi măng Sông Đ sau 01/01/1995.

Trợ cấp mất việc của ông N (12năm x5.502.500đ)x1 = 66.030.000đ. Đã nhận 18.132.147đ, Còn thiếu  47.897.853đ.

Xét kháng cáo của các nguyên đơn về việc tính lãi chậm thanh toán các khoản trợ cấp thấy: Tại khoản 4 Điều 12 Nghị định số 39/2003/NĐ-CP ngày 18/4/2003 của Chính phủ quy định: “Trợ cấp mất việc làm và trợ cấp thôi việc được trả trực tiếp một lần cho người lao động tới nơi làm việc hoặc tại nơi thuận lợi nhất cho người lao động và chậm nhất không quá 7 ngày, kể từ ngày người lao động mất việc làm” Yêu cầu này của các Nguyên đơn là chính đáng nhưng tại phiên tòa sơ thẩm các nguyên đơn mới đưa ra yêu cầu này đã vượt quá yêu cầu khởi kiện ban đầu. Cấp sơ thẩm chưa điều tra, hòa giải lại áp dụng điều 305 Bộ luật dân sự áp dụng lãi suất cơ bản để tính lãi buộc bị đơn thanh toán cho nguyên đơn là vượt quá phạm vi khởi kiện ban đầu, do đó cần phải sửa phần bản án này. Các Nguyên đơn có quyền khởi kiện bằng vụ án khác.

Xét kháng cáo của các nguyên đơn yêu cầu buộc bị đơn bồi thường khoản tiền do không thông báo trước 45 ngày theo quy định khoản 4 Điều 41 Bộ luật lao động không báo trước, thấy: Quy định tại khoản 4 Điều 41 Bộ luật lao động là quy định đối với trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, không thuộc trường hợp mất việc làm theo quy định tại khoản 1 Điều 17 do vậy Công ty không có nghĩa vụ phải thông báo trước cho người lao động. Hơn nữa yêu cầu này vượt quá phạm vi khởi kiện ban đầu, do vậy không có căn cứ xem xét đề nghị này của các nguyên đơn.

Công ty cổ phần xi măng Sông Đ phải chịu án phí lao động sơ thẩm. Công ty và các nguyên đơn không phải chịu án phí phúc thẩm.

Vì các lẽ trên:

Căn cứ Khoản 2 Điều 275 Bộ luật tố tụng dân sự

QUYẾT ĐỊNH

Sửa bản án lao động sơ thẩm của Tòa án nhân dân thành phố Hòa Bình. Cụ thể:

1. Áp dụng: Điều 17; Điều 42 Bộ luật lao động năm 1994 được sửa đổi bổ sung  các năm 2002,2006,2007;  2 điều  12  Nghị định số 39/2003/NĐ-CP ngày 18/4/2003 của Chính phủ; Điều 41 của Nghị định số 127/2008/NĐ-CP ngày 12/12/2008 của Chính phủ;  Nghị định  số 44/2003/NĐ-CP ngày 09/5/2003, và thông tư số 17/2009/TT-BLĐTBXH ngày 26/5/2009 của Bộ lao động thương binh xã hội. Xử:

Buộc Công ty cổ phần xi măng Sông Đ thanh toán trợ cấp mất việc và trợ cấp thôi việc cho các nguyên đơn số tiền: 686.314.621đ, Cụ thể:

- Ông Hà Văn T1: 84.630.000đ trợ cấp mất việc làm, 28.210.000đ trợ cấp thôi việc. Tổng cộng:112.840.000đ (một trăm mười hai triệu, tám trăm bốn mươi ngàn đồng).

- Ông Trần Quang L: 76.492.500đ trợ cấp mất việc làm, 20.398.000đ cấp thôi việc. Tổng cộng 96.890.500đ, được đối trừ 6.225.000đ ông L đã nhận. Còn phải trả 90.665.500đ (chín mươi triệu, sáu trăm sáu mươi năm ngàn, năm trăm đồng).

- Bà Vũ Thị Hải Y: 84.630.000đ trợ cấp mất việc làm, trợ cấp thôi việc làm 2.821.000đ. Tổng cộng 87.451.000đ, được đối trừ 9.036.121đ bà Y đã nhận. Còn phải trả 78.414.879đ (bẩy mươi tám triệu, bốn trăm mười bốn ngàn, tám trăm bẩy mươi chín đồng).

- Ông Đinh Minh T2: 38.564000đ trợ cấp mất việc làm, được trừ vào 3.320.000đ ông T2 đã nhận. Còn phải trả 35.244.000đ (ba mươi năm triệu, hai trăm bốn mươi bốn ngàn đồng).

- Ông Dương Văn K: 107.198.000đ trợ cấp mất việc làm, 26.799.500đ trợ cấp thôi việc. Tổng cộng 113.997.500đ, được đối trừ vào 6.017.500đ ông K đã nhận. Còn phải trả 127.980.000đ (một trăm hai mươi bẩy triệu, chín trăm tám mươi ngàn đồng).

- Ông Mai Văn T3: 84.630.000đ trợ cấp mất việc làm, 25.389.000đ trợ cấp thôi việc. Tổng cộng 110.019.000đ (t tr¨m m•êi triÖu, không trăm mười chín ngàn đồng).

- Ông Vũ Đình V: 84.630.000đ trợ cấp mất việc, 7.052.500đ trợ cấp thôi việc. Tổng cộng 91.682.500đ, được trừ vào 8.429.111đ ông V đã nhận. Còn phải trả 83.253.389 đồng (Tám mươi ba triệu, hai trăm năm mươi ba ngàn ba trăm tám mươi chín đồng)

- Ông Phùng Đức N: 66.030.000đ trợ cấp mất việc, được đối trừ vào 18.132.147đ ông N đã nhận, còn phải trả 47.897.853đ. (bốn mươi bảy triệu, tám trăm chín mười báy nghìn, tám trăm năm mươi ba đồng).

Kể từ khi có đơn yêu cầu thi hành án, Nếu Công ty cổ phần xi măng Sông Đ không thanh toán khoản tiền trên cho các nguyên đơn, thì Công ty phải trả lãi đối với số tiền chậm trả theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà Nước công bố tương ứng với thời gian chậm trả tại thời điểm thanh toán.

2. Án phí: áp dụng điều 131 Bộ luật tố tụng dân sự; Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án, Công ty cổ phần xi măng Sông Đ phải nộp 17.726.292đ án phí lao động sơ thẩm. Không phải nộp án phí phúc thẩm. Được đối trừ vào 200.000đ tiền tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp theo biên lai thu tiền số 00332 ngày 17/6/2013 của Chi cục thi hành án dân sự thành phố Hòa Bình. Còn phải nộp 17.526.292đ (mười bảy triệu, năm trăm hai mươi sáu ngàn, hai trăm chín mươi hai đồng).

3. Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự ; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

1453
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 02/2013/LĐ-PT ngày 11/12/2013 về tranh chấp trợ cấp thôi việc

Số hiệu:02/2013/LĐ-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hoà Bình
Lĩnh vực:Lao động
Ngày ban hành:11/12/2013
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về