Bản án 01/2021/KDTM-ST ngày 27/05/2021 về tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hoá

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN CỜ ĐỎ, THÀNH PHỐ CẤN THƠ

BẢN ÁN 01/2021/KDTM-ST NGÀY 27/05/2021 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG MUA BÁN HÀNG HOÁ

Trong ngày 27 tháng 5 năm 2021, tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện Cờ Đỏ, thành phố Cần Thơ xét xử sơ thẩm công khai vụ án kinh doanh thương mại thụ lý số: 09/2020/TLVA - KDTM ngày 02 tháng 10 năm 2020 về việc: “Tranh chấp đòi nợ theo hợp đồng mua bán hàng hoá”, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 96/QĐST - KDTM ngày 22 tháng 4 năm 2021; Thông báo đưa vụ án ra xét xử số 107/2021/TBXX.ST ngày 10 tháng 5 năm 2021, giữa các đương sự:

Nguyên đơn: Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại L.

Địa chỉ: 68/14 L, phường ...., Quận ...., TP. H.

Đại diện theo pháp luật: Bà Trần Ngọc L. Chức vụ: Giám đốc.

Đại diện theo ủy quyền: Ông Trần Văn A, sinh năm 1990 (vắng mặt tại phiên tòa) và Nguyễn Sỹ B, sinh năm 1996 (Có mặt tại phiên tòa).

Cùng địa chỉ: 116A T, phường H, quận N, TP. C.

(Có mặt tại phiên tòa).

Bị đơn: Công ty Cổ phần Chế biến Thực phẩm S.

Địa chỉ: Ấp 1, xã T, huyện C, TP. C.

Đại diện theo pháp luật: Ông Nguyễn Tấn T. Chức vụ: Tổng Giám đốc. (Vắng mặt tại phiên tòa).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện, bản tự khai cùng lời khai tại phiên toà, đại diện theo uỷ quyền của Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại L (Công ty L), ông Nguyễn Sỹ B trình bày: Qua quan hệ mua bán, Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại L (Công ty L) và Công ty CP Chế biến thực phẩm S (Công ty S) có ký hợp đồng mua bán số 02A/LH-SH01/2016 với nội dung Công ty L đồng ý bán và bên B (Công ty S) đồng ý mua phụ gia dùng trong chế biến thuỷ sản. Công ty chấp nhận bán cho Công ty S các sản phẩm Aqua555 (Non Phosphate) với quy cách đóng gói 5kg/PE bags/bao; Aqua666 (Mix Phosphate) với quy cách đóng gói 5kg/PE bag x 5bags/bao; Aqua99 (Non Phosphate) với quy cách đóng gói 1kg/PE bag x 25bags/bao với giá cả từng loại được hai bên thống nhất theo từng đơn hàng hoặc B giá bán đã được xác nhận theo từng thời điểm.

Hình thức thanh toán là chuyển khoản, Công ty L cho công ty S gối đầu 01 hoá đơn nhưng không quá 30 ngày (sau khi hai bên đã ký hợp đồng) và không được vượt quá hạn mức 300 triệu cho mỗi hoá đơn phát sinh trong tháng. Bên B có nghĩa vụ thanh toán toàn bộ số tiền theo hoá đơn xuất cho bên A cho đến hạn thanh toán 30 ngày.

Công ty L đã giao đủ số lượng hàng hoá theo đơn đặt hàng, đúng thời hạn, đúng chất lượng, quy cách,.. và Công ty S đã nhận đủ hàng và không có bất kỳ khiếu nại nào về hàng hoá theo hợp đồng mua bán.

Theo biên bản đối chiếu công nợ vào ngày 31/12/2016, Công ty S còn nợ Công ty L số tiền 404.988.500 đồng. Sau nhiều lần hối thúc, thì Công ty S chỉ thanh toán được cho Công ty L số tiền 130.000.000 đồng. Đến ngày 31/12/2019, thì cả hai công ty đối chiếu công nợ thì Công ty S còn nợ Công ty L số tiền 274.988.500 đồng, nhưng qua nhiều tháng, Công ty S vẫn không thanh toán nợ cho công ty L số tiền trên. Do đó, Công ty L khởi kiện buộc Công ty S phải thanh toán số tiền còn nợ gốc là 274.988.500 đồng và tiền lãi ước tính 0,83%/tháng do chậm thanh toán trên khoản nợ gốc từ ngày 01/02/2017 cho đến khi thanh toán dứt điểm toàn bộ số nợ nêu trên.

Quá trình giải quyết vụ án, mặc dù đã được Toà án triệu tập nhiều lần để làm việc, tham gia phiên họp về kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hoà giải, nhưng bị đơn Công ty Cổ phần Chế biến Thực phẩm S vắng mặt không lý do; nguyên đơn Công ty L có đơn đề nghị vắng mặt tại phiên họp về kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và đề nghị không tiến hành hoà giải. Nên, vụ án không tiến hành hoà giải được. Toà án đưa vụ án ra xét xử theo quy định.

Bị đơn vắng mặt tại phiên toà nên, không có ý kiến trình bày.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Cờ Đỏ phát biểu ý kiến: Về việc tuân theo pháp luật tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án của Thẩm phán, Hội thẩm, Thư ký thực hiện đúng theo qui đinh của Bộ luật Tố tụng dân sự. Bị đơn chưa thực hiện đúng qui định về việc có mặt khi được Tòa án triệu tập. Hồ sơ giao cho Viện kiểm sát nghiên cứu đúng thời gian qui định. Tòa án thụ lý đúng thẩm quyền và xác định quan hệ pháp luật “Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa” là đúng qui định.

Về nội dung vụ án:

Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại L đối với Công ty Cổ phần Chế biến Thực phẩm S. Buộc Công ty Cổ phần Chế biến Thực phẩm S có nghĩa vụ thanh toán cho Công ty TNHH Đầu tự và Thương mại L số tiền nợ là 393.369.216 đồng (nợ gốc 274.988.500 đồng và tiền lãi 118.380.716 đồng).

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên Tòa hôm nay, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Xét về quan hệ pháp luật và thẩm quyền giải quyết tranh chấp: Giữa nguyên đơn Công ty L và bị đơn Công ty S có xác lập hợp đồng mua bán hàng hoá, sau khi đối chiếu công nợ Công ty S không thanh toán tiền mua hàng hoá, nên Công ty L khởi kiện buộc Công ty S phải thanh toán số tiền còn nợ cùng tiền lãi phát sinh. Do đó, xác định mối quan hệ tranh chấp giữa các đương sự là “Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hoá”, cả nguyên đơn và bị đơn đều là pháp nhân có đăng ký kinh doanh và cùng có mục đích phát sinh lợi nhuận, nên quan hệ tranh chấp giữa các đương sự chịu sự điều chỉnh của Luật thương mại. Do bị đơn có trụ sở tại huyện Cờ Đỏ, thành phố Cần Thơ, nên vụ kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân huyện Cờ Đỏ theo khoản 1 Điều 30; điểm b khoản 1 Điều 35 và điểm a khoản 1 Điều 39 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

[2] Về thủ tục tố tụng: Tòa án tiến hành triệu tập hợp lệ đối bị đơn Công ty S, nhưng Công ty S vẫn vắng mặt tại phiên toà lần thứ hai. Do đó, Hội đồng xét xử tiến hành xét xử vắng mặt đối bị đơn theo qui định tại Điều 227 và Điều 228 Bộ luật Tố tụng dân sự.

[3] Về nội dung tranh chấp:

Xét yêu cầu của nguyên đơn về việc yêu cầu bị đơn thanh toán số tiền nợ gốc:

Giữa Công ty L và Công ty S có giao kết hợp đồng mua bán hàng hoá số 02A/LH-SH01/2016 với nội dung Công ty L đồng ý bán và bên B (Công ty S) đồng ý mua phụ gia dùng trong chế biến thuỷ sản. Công ty S đã nhận toàn bộ số hàng hoá do Công ty L cung cấp, nhưng Công ty S thanh toán chưa đủ tiền mua hàng cho Công ty L.

Căn cứ vào các hoá đơn giá trị gia tăng và các biên bản đối chiếu công nợ tính đến ngày 31/12/20216 Công ty S còn nợ Công ty L số tiền 404.988.500 đồng và biên bản đối chiếu công nợ tính đến ngày 31/12/2019 Công ty S còn nợ số tiền 274.988.500 đồng. Các biên bản đối chiếu công nợ đều có sự xác nhận của Công ty S. Do đó, Công ty L yêu cầu Công ty S thanh toán số tiền nợ chưa thanh toán là có cơ sở. Nên căn cứ vào Điều 50 của Luật thương mại, Công ty S phải có nghĩa vụ thanh toán số nợ còn thiếu cho Công ty L.

Xét yêu cầu của nguyên đơn về việc yêu cầu bị đơn thanh toán số tiền lãi chậm thanh toán:

Trong hợp đồng mua bán hàng hoá của các đương sự không có sự thoả thuận về mức lãi suất áp dụng cho việc chậm thanh toán tiền hàng. Tuy nhiên, căn cứ vào án lệ số 09/2016/AL ngày 17/10/2016/AL quy định trong trường hợp “Hợp đồng mua bán hàng hóa bị vi phạm do bên bán không giao hoặc không giao đủ hàng cho bên mua, dẫn đến việc bên bán có nghĩa vụ hoàn trả số tiền ứng trước và tiền lãi do chậm thanh toán” thì giải pháp pháp lý trong trường hợp này là “tiền lãi do chậm thanh toán được tính theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường B mức lãi suất nợ quá hạn trung bình của ít nhất ba Ngân hàng tại địa phương tại thời điểm thanh toán (xét xử sơ thẩm), trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”.

Theo mức lãi suất nợ quá hạn trung bình của 03 Ngân hàng Viettinbank - Chi nhánh Cần Thơ, Ngân hàng Vietcombank - Chi nhánh Cần Thơ và Ngân hàng Agribank - Chi nhánh Cờ Đỏ - Cần Thơ II công bố năm 2021 là 14,99%/năm (1,25%/tháng). Tại phiên toà, đại diện Công ty L chỉ yêu cầu Công ty S thanh toán tiền lãi suất do chậm thanh toán với mức lãi suất là 0.83%/tháng là có lợi cho Công ty S và phù hợp với quy định của pháp luật, nên Hội đồng xét xử công nhận. Về thời điểm tính lãi suất theo Điều 4 của Hợp đồng mua bán thì các bên có thoả thuận hình thức thanh toán là chuyển khoản, Công ty L cho công ty S gối đầu 01 hoá đơn nhưng không quá 30 ngày (sau khi hai bên đã ký hợp đồng) và không được vượt quá hạn mức 300 triệu cho mỗi hoá đơn phát sinh trong tháng. Ngày 31/12/2016 các bên đối chiếu công nợ Công ty S còn nợ 404.988.500 đồng, sau đó Công ty S chỉ thanh toán được 130.000.000 đồng và tính đến 31/12/2019 các bên đối chiếu công nợ thì Công ty S còn nợ 274.988.500 đồng. Nên, Công ty L yêu cầu thời điểm tính nợ lãi chậm thanh toán từ ngày 01/02/2017 trên số dư nợ gốc còn thiếu là phù hợp. Do đó, buộc Công ty S thanh toán cho Công ty L số tiền lãi tính từ ngày 01/02/2017 đến khi xét xử (27/5/2021) tương đương (274.988.500 đồng x 0,83% ) x 51 tháng 26 ngày = 118.380.716 đồng.

Do đó, buộc Công ty S phải có trách nhiệm thanh toán cho Công ty L số tiền 393.369.216 đồng (nợ gốc là 274.988.500 đồng cùng tiền lãi tính từ ngày 01/02/2021 đến ngày 27/5/2021 là 118.380.716 đồng).

[5] Về án phí: Bị đơn phải chịu án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm theo qui định tại khoản 2 Điều 26 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án; Nguyên đơn được nhận lại tiền tạm ứng án phí đã nộp.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ:

Khoản 1 Điều 30; điểm b khoản 1 Điều 35 và điểm a khoản 1 Điều 39; Điều 273, Điều 227, Điều 228 Bộ luật tố tụng dân sự 2015.

Áp dung: Các Điều 24, 50, 306 Luật thương mại; Án lệ số 09/2016/AL ngày 17/10/2016;

Khoản 2 Điều 26 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Tuyên xử :

Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại L. Buộc Công ty Cổ phần Chế biến Thực phẩm S có trách nhiệm thanh toán cho Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Lệ Huy số tiền nợ là 393.369.216 đồng (nợ gốc là 274.988.500 đồng, tiền lãi là 118.380.716 đồng).

Kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm (ngày 28/5/2021) cho đến khi thi hành án xong, Công ty Cổ phần Chế biến Thực phẩm S còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán.

Về án phí: Công ty Cổ phần Chế biến Thực phẩm S phải chịu 19.668.000 đồng (tròn số) án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm. Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại L được nhận lại tiền tạm ứng án phí đã nộp 6.874.000 đồng theo biên lai số 013310 ngày 02/10/2020 tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Cờ Đỏ

Về quyền kháng cáo: Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại L có quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày tuyên án; Công ty Cổ phần Chế biến Thực phẩm S có quyền kháng cáo Bản án trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được Bản án hoặc Bản án được niêm yết.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo qui định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6; Điều 7 và Điều 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

419
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 01/2021/KDTM-ST ngày 27/05/2021 về tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hoá

Số hiệu:01/2021/KDTM-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Cờ Đỏ - Cần Thơ
Lĩnh vực:Kinh tế
Ngày ban hành: 27/05/2021
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về