Bản án 01/2021/KDTM-PT ngày 20/01/2021 về yêu cầu thực hiện nghĩa vụ trả tiền

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

BẢN ÁN 01/2021/KDTM-PT NGÀY 20/01/2021 VỀ YÊU CẦU THỰC HIỆN NGHĨA VỤ TRẢ TIỀN

Trong ngày 20 tháng 01 năm 2021, tại trụ sở Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 17/2020/TLPT-KDTM ngày 23 tháng 10 năm 2020 về việc “Yêu cầu thực hiện nghĩa vụ trả tiền” do Bản án dân sự sơ thẩm số: 70/2020/DS-ST ngày 11/06/2020 của Tòa án nhân dân quận C, thành phố Đà Nẵng bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 16/2020/QĐXXPT-DS ngày 26 tháng 11 năm 2020 và Quyết định hoãn phiên tòa số: 25/2020/QĐ-PT ngày 07 tháng 12 năm 2020; Quyết định tạm ngừng phiên tòa số: 27/2020/QĐPT-KDTM ngày 25 tháng 12 năm 2020 và Thông báo mở lại phiên tòa số: 03/2021/TB-TA ngày 06 tháng 01 năm 2021 giữa:

-Nguyên đơn: Tổng Công ty S.

Địa chỉ: Số X7 đường T, khu phố X3, phường K, quận X2, thành phố M.

Người đại diện theo ủy quyền (Giấy ủy quyền số 212/UQ/TCT6-PC ngày 04/12/2020):

Ông Nguyễn Anh T-Chuyên viên Phòng Pháp chế.

-Bị đơn: Tổng Công ty N.

Địa chỉ: Số X7 đường D, quận C, thành phố Đà Nẵng.

Người đại diện theo ủy quyền (Giấy ủy quyền số: 1197/GUQ-TC5 ngày 25/12/2020):

1/ Ông Phan Ba Q-Phó Tổng Giám đốc Công ty.

2/ Bà Phan Thị Q-Phụ trách Pháp chế.

-Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, có yêu cầu độc lập: Tổng Công ty T.

Địa chỉ: Số X8 đường D, quận Đ, thành phố N.

Người đại diện theo ủy quyền (theo Giấy ủy quyền số 1019/UQ-TGĐ ngày 25/12/2019):

Ông Hoàng Mạnh H-Phụ trách Pháp chế Công ty.

-Người kháng cáo: Tổng Công ty N.

NỘI DUNG VỤ ÁN

-Tổng Công ty S trình bày:

Sau khi trúng thầu Dự án đường X, Tổng Công ty Xây dựng T, nay là Tổng Công ty T đã thành lập Ban điều hành Dự án đường X (Dự án X3) gồm: Tổng Công ty T, Tổng Công ty Xây dựng S nay là Tổng Công ty S và Tổng Công ty Xây dựng N nay là Tổng Công ty N để tổ chức thực hiện.

Ngày 17/9/2012, 03 thành viên nói trên đã họp thống nhất các nội dung chấm dứt hoạt động của Ban điều hành Dự án X3 và Kế hoạch phân chia kinh phí còn lại để giải thể. Các bên đã thống nhất và cụ thể là Tổng Công ty N phải trả cho Tổng Công ty S số tiền là 503.304.792đ.

Kể từ đó đến nay, Tổng Công ty S nhiều lần nhắc nhở và gửi văn bản yêu cầu hoàn trả khoản nợ nói trên nhưng Tổng Công ty N vẫn chưa thực hiện.

Kế thừa và tiếp tục giải quyết các khoản nợ chuyển giao từ giai đoạn cổ phần hóa doanh nghiệp, chúng tôi đã có văn bản yêu cầu hoàn trả số tiền còn nợ nhưng đến nay phía Tổng Công ty N vẫn không thực hiện. Tổng Công ty S yêu cầu Tổng Công ty N phải trả số tiền 503.304.792đ.

-Tổng Công ty N trình bày:

Dự án này đã được hoàn thành cách đây một thời gian dài, do đó hiện nay chúng tôi không ghi nhận số liệu công nợ này trong sổ sách kế toán.

-Tổng Công ty T có yêu cầu độc lập, trình bày:

Theo kế hoạch phân chia kinh phí còn lại để giải thể ban Điều hành Dự án X3, các bên đã thống nhất việc Tổng Công ty N có nghĩa vụ hoàn trả cho Tổng Công ty T số tiền là 462.843.843đ kể từ ngày lập Biên bản là 17/9/2012 nhưng cho đến nay Tổng Công ty N vẫn chưa thực hiện việc thanh toán cho chúng tôi.

Sau cổ phần hóa, Tổng Công ty T kế thừa toàn bộ quyền và nghĩa vụ từ Tổng Công ty Xây dựng T, do đó chúng tôi yêu cầu Tổng Công ty N phải trả số tiền 462.843.843đ và tiền lãi do chậm thực hiện nghĩa vụ thanh toán theo lãi suất 9%/năm, tính từ ngày 17/9/2012 đến ngày 18/5/2020 là 319.362.251đ.

Với nội dung trên, án sơ thẩm đã xét xử và quyết định.

Áp dụng khoản 4 Điều 196 của Luật Doanh nghiệp; Điều 468 của Luật dân sự; các Điều 30, điểm b khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39, khoản 4 Điều 74, khoản 1 Điều 147, Điều 227, Điều 235, Điều 266 và Điều 273 của Luật tố tụng dân sự; Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án, tuyên xử:

1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện về việc “Yêu cầu thực hiện nghĩa vụ trả tiền” của Tổng Công ty S đối với Tổng Công ty N:

Buộc Tổng Công ty N phải trả cho Tổng Công ty S số tiền 503.304.792đ.

2. Chấp nhận yêu cầu độc lập về việc“Yêu cầu thực hiện nghĩa vụ trả tiền” của Tổng Công ty T đối với Tổng Công ty N:

Buộc Tổng Công ty N phải trả cho Tổng Công ty T số tiền 462.843.843đ và tiền lãi do chậm thực hiện nghĩa vụ thanh toán theo lãi suất 9%/năm, tính từ ngày 17/9/2012 đến ngày 18/5/2020 là 319.362.251đ.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn tuyên về án phí, xử lý tạm ứng án phí và quyền kháng cáo của các đương sự, thi hành án dân sự.

Ngày 10/5/2019 Tổng Công ty N kháng cáo đề nghị cấp phúc thẩm không chấp nhận khởi kiện của Tổng Công ty S và Tổng Công ty T.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và kết quả tranh luận tại phiên tòa; Sau khi đại diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố Đà Nẵng phát biểu; Sau khi thảo luận và nghị án, Hội đồng xét xử nhận thấy:

[1] Về tố tụng:

[1.1] “Thông báo Kết luận cuộc họp Hội đồng Quản lý Liên Doanh” “Kế hoạch phân chia kinh phí còn lại để giải thể Hợp đồng X3-Dự án X” cùng ngày 17/9/2012 xác định số tiền Tổng Công ty N phải trả cho Tổng Công ty S và Tổng Công ty T. Tuy hai khoản nợ này được xác định trong cùng các văn bản nói trên nhưng việc Tổng Công ty S khởi kiện Tổng Công ty N không liên quan đến khoản tiền Tổng Công ty N nợ Tổng Công ty T.

[1.2] Trong quá trình giải quyết vụ án, Tổng Công ty T yêu cầu Tổng Công ty N trả tiền thì lẽ ra phải thụ lý vụ án độc lập, theo đó nguyên đơn là Tổng Công ty T bị đơn là Tổng Công ty N nhưng cấp sơ thẩm xác định Tổng Công ty T là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án do Tổng Công ty S khởi kiện là vi phạm quy định tại Điều 68 Bộ luật tố tụng dân sự. Tuy nhiên, quyết định bản án của cấp sơ thẩm đã giải quyết triệt để các nội dung, yêu cầu của Tổng Công ty S và Tổng Công ty T, đảm bảo quyền lợi của các bên khi tham gia tố tụng. Do đó, không cần thiết phải áp dụng Điều 310 Bộ luật tố tụng dân sự để xử lý mà cấp sơ thẩm cần nghiêm túc rút kinh nghiệm.

[2] Về nội dung:

[2.1] Trong quá trình giải quyết vụ án và tại cấp phúc thẩm các bên không tranh chấp số tiền mà Tổng Công ty N phải trả cho Tổng Công ty S và Tổng Công ty T, do đó HĐXX chỉ xem xét Tổng Công ty N có phải là đơn vị có trách nhiệm thanh toán các khoản nợ cho Tổng Công ty S và Tổng Công ty T hay không. Tại cấp phúc thẩm Tổng Công ty T chỉ yêu cầu Tổng Công ty N trả số tiền theo Kế hoạch phân chia kinh phí ngày 17/9/2012, không yêu cầu tiền lãi.

[2.2] Xét thấy: Trên cơ sở trúng thầu Xây lắp Dự án đường X, Ban Điều hành Dự án đường X được thành lập, gồm 03 thành viên là: Tổng Công ty Xây dựng T nay là Tổng Công ty T; Tổng Công ty Xây dựng S, nay là Tổng Công ty S và Tổng Công ty Xây dựng N, nay là Tổng Công ty N.

[2.3] Sau khi hoàn thành Dự án và để chuẩn bị thực hiện thủ tục giải thể, ngày 17/9/2012 Ban Điều hành Dự án X3 gồm 03 thành viên nói trên đã họp, thống nhất các nội dung chấm dứt hoạt động của Ban Điều hành Dự án X3 và Kế hoạch phân chia kinh phí còn lại. Theo đó, các bên đã thống nhất là Tổng Công ty N phải có trách nhiệm trả cho Tổng Công ty S số tiền là 503.304.792đ và trả cho Tổng Công ty T số tiền là 462.843.843đ.

[2.4] Tại Bản án số: 07/2020/ KDTM-ST ngày 11 tháng 6 năm 2020 của Tòa án nhân dân quận C, thành phố Đà Nẵng đã chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Tổng Công ty S và yêu cầu độc lập của Tổng Công ty T.

[2.5] Xem xét yêu cầu khởi kiện của Tổng Công ty S, Tổng Công ty T và kháng cáo của Tổng Công N thì thấy:

[2.6] Về căn cứ khởi kiện của Tổng Công ty S và Tổng Công ty T:

[2.6.1] Tổng Công ty S và Tổng Công ty T yêu cầu Tổng Công ty N trả tiền là căn cứ “Thông báo Kết luận cuộc họp Hội đồng Quản lý Liên Doanh” ngày 17/9/2012 và “Kế hoạch phân chia kinh phí còn lại để giải thể Hợp đồng X3-Dự án X”. Tại thông báo Kết luận và Kế hoạch phân chia kinh phí xác định tính đến ngày 31 tháng 7 năm 2012, Tổng Công ty Xây dựng N phải trả cho Tổng Công ty S số tiền:

503.304.792đ và Tổng Công ty T, số tiền: 462.843.848đ.

[2.6.2] Còn Tổng Công ty N thì cho rằng “Thông báo Kết luận cuộc họp Hội đồng Quản lý Liên Doanh” “Kế hoạch phân chia kinh phí còn lại để giải thể Hợp đồng X3-Dự án X” đều do các Phó Tổng Giám đốc ký, về phía Tổng Công ty Xây dựng N cũng không ủy quyền cho Phùng Xuân B-Phó Tổng Giám đốc tham gia ký các văn bản nói trên nên Thông báo kết luận và Kế hoạch phân chia kinh phí không có giá trị pháp lý. Đồng thời vào thời điểm có chủ trương của Chính phủ cổ phần hóa các doanh nghiệp thì tại “Bản kê công nợ phải thu” ngày 07/10/2013 của Tổng Công ty Xây dựng S không có khoản nợ phải thu của Tổng Công ty Xây dựng N với số tiền là 503.304.792đ và tại “Bản kê công nợ phải thu ngắn hạn”, Bản kê công nợ phải thu ngắn hạn chưa có đối chiếu xác nhận” của Tổng Công ty Xây dựng T cũng không có khoản nợ phải thu của Tổng Công ty Xây dựng N với số tiền là 462.843.848đ.

[2.6.3] HĐXX thấy: Tại “Thông báo Kết luận cuộc họp Hội đồng Quản lý Liên Doanh” “Kế hoạch phân chia kinh phí còn lại để giải thể Hợp đồng X3-Dự án X” mặc dù các bên tham gia ký các văn bản đều là Phó Tổng Giám đốc. Tuy nhiên Thông báo Kết luận và Kế hoạch phân chia kinh phí đã được 4 thành viên của Ban Điều hành Dự án X3 và các bên liên doanh là Tổng Công ty Xây dựng T, Tổng Công ty Xây dựng N và Tổng Công ty Xây dựng S ký tên và đóng dấu nên có giá trị pháp lý.

[2.6.4] Mặt khác, số tiền mà Tổng Công ty Xây dựng N có trách nhiệm trả cho Tổng Công ty Xây dựng S và Tổng Công ty Xây dựng T không phải tiền nợ phát sinh giữa các liên doanh hay nợ phát sinh từ Hợp đồng X3 mà là khoản tiền do Tổng Công ty Xây dựng N “có khối lượng thanh toán vượt theo kế hoạch và có trách nhiệm hoàn trả cho Liên doanh để thanh toán cho các bên khác” đã được ghi nhận tại Tiểu mục 3.4; Mục 3 của “Thông báo Kết luận cuộc họp Hội đồng Quản lý Liên Doanh” ngày 17 tháng 9 năm 2012. Tổng Công ty N cho rằng do chưa thanh lý, quyết toán Hợp đồng X3 nên Thông báo Kết luận và Kế hoạch phân chia kinh phí ngày 17/9/2012 không phải là căn cứ xác nhận nợ, là không có cơ sở. Ngoài việc xác định khối lượng thanh toán vượt và phải trả lại của Tổng Công ty Xây dựng N, Thông báo kết luận còn đề cập đến nhiều nội dung của Dự án. Đây là Dự án do Bộ Giao thông Vận tải thực hiện trên cơ sở chủ trương của Chính phủ trong thời điểm trước khi các doanh nghiệp cổ phần hóa. Dó đó, suy cho cùng đây là khoản tiền thuộc ngân sách Nhà nước, các thành viên Ban Điều hành Dự án X3 và các bên liên doanh là Tổng Công ty Xây dựng T, Tổng Công ty Xây dựng S và Tổng Công ty Xây dựng N do các Phó Tổng Giám đốc ký, không thể lập khống các văn bản này như lời trình bày của đại diện Tổng Công N tại phiên tòa phúc thẩm.

[2.6.5] Trong quá trình giải quyết tại cấp phúc thẩm, Tổng Công ty T xuất trình Công văn số: 7408/BGTVT-QLDN ngày 4 tháng 7 năm 2013 của Bộ Giao thông Vận tải về “Tỷ lệ đối chiếu công nợ để cổ phần hóa các doanh nghiệp thuộc Bộ Giao thông” trong đó xác định khoản nợ phải thu và nợ phải trả của các doanh nghiệp khi thực hiện cổ phần hóa. Tại Công văn số: 7408/BGTVT-QLDN ngày 4 tháng 7 năm 2013 gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải xác định: “Trong thực tế hầu hết các doanh nghiệp thuộc Bộ Giao thông Vận tải mặc dù rất tích cực nhưng không thể đối chiếu được 100% công nợ theo quy định”. Tại Số thứ tự 7, Mục 3 của Công văn số: 7408/BGTVT-QLDN ngày 4 tháng 7 năm 2013, Bộ Giao thông Vận tải xác định nợ phải trả của Tổng Công ty Xây dựng N trên 50%; Tại Số thứ tự 8, Mục 3 của Công văn nợ phải thu của Tổng Công ty Xây dựng S chỉ mới được 93,7% và tại Số thứ tự 9, Mục 3 của Công văn nợ phải thu của Tổng Công ty Xây dựng T chỉ mới được trên 75%. Tại buổi làm việc ngày 06 tháng 01 năm 2021 do Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng tiến hành, đại diện Tổng Công ty N cũng xác nhận “Công ty Tổng Công ty Xây dựng N đối chiếu được trên 50% công nợ phải thu và trên 50% công nợ phải trả là nhằm mục đích của Bộ Giao thông Vận tải để trình Chính phủ phê duyệt giá trị doanh nghiệp khi các khoản nợ phải thu và phải trả chưa được đối chiếu 100%.” Ngày 23 tháng 8 năm 2013 Văn phòng Chính phủ có Công văn số 7090/VPCP-ĐMDN về việc “Đối chiếu công nợ cổ phần hóa” trả lời, đồng ý với đề nghị của Bộ Giao thông Vận tải theo Công văn số: 7408/BGTVT-QLDN ngày 4 tháng 7 năm 2013 của Bộ Giao thông Vận tải. Như vậy, đối chiếu tỷ lệ nợ phải trả của Tổng Công ty N tương ứng và phù hợp với tỷ lệ nợ phải thu của Tổng Công ty S và của Tổng Công ty T. Do đó việc Tổng Công ty N căn cứ vào “Bản kê công nợ phải thu” của Tổng Công ty S và “Bản kê công nợ phải thu ngắn hạn”, Bản kê công nợ phải thu ngắn hạn chưa có đối chiếu xác nhận” của Tổng Công ty T để cho rằng Tổng Công ty N không nợ tiền của hai công ty là không có cơ sở.

[2.7] Về tính kế thừa của doanh nghiệp khi cổ phần hóa:

[2.7.1] Tổng Công ty Xây dựng N được thành lập năm 1993. Sau khi cổ phần hóa, Tổng Công ty Xây dựng N có tên gọi là Tổng Công ty N. Như vậy, tiền thân của Tổng Công ty N là Tổng Công ty Xây dựng N. Tổng Công ty N cho rằng, khi cổ phần hóa thì số nợ của Tổng Công ty S và số nợ Tổng Công ty T không đưa vào công nợ mà Tổng Công ty N có trách nhiệm thanh toán, do đó Tổng Công ty N không phải trả. Xét thấy: Tại khoản 3, Điều 10 (Nguyên tắc kế thừa quyền và nghĩa vụ của công ty cổ phần được chuyển đổi từ doanh nghiệp 100% vốn nhà nước) Nghị định 59/2011/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2011 của Chính phủ “Về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần” quy định “Công ty cổ phần ...kế thừa mọi quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của doanh nghiệp cổ phần hóa đã bàn giao và có các quyền, nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật”. Tại Khoản 2, Điều 1, Quyết định số: 24/QĐ-TTg ngày 06 tháng 01 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về “Phê chuẩn Phương án cổ phần hóa Công ty mẹ-Tổng Công ty Xây dựng N”, Thủ tướng Chính phủ đã xác định: “Tổng Công ty N kế thừa các quyền, nghĩa vụ, lợi ích hợp pháp của Tổng Công ty Xây dựng N trước khi chuyển đổi”. Do đó cấp sơ thẩm buộc Tổng Công ty N phải có trách nhiệm thanh toán số tiền cho Tổng Công ty S và Tổng Công ty T là có cơ sở. HĐXX không chấp nhận toàn bộ kháng cáo của Tổng Công ty N. Do Tổng Công ty T không yêu cầu tiền lãi, HĐXX sửa bản án sơ thẩm về phần lãi và điều chỉnh án phí sơ thẩm như đề nghị của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Đà Nẵng.

[3] Về án phí: Tổng Công ty N phải chịu án phí KDTM sơ thẩm đối với số tiền 503.304.792đ phải trả cho Tổng Công ty S là: 20.000.000đ + (103.304.792 x 4%)= 24.132.191đ và phải chịu án phí đối với số tiền 462.843.843đ phải trả cho Tổng Công ty T là 20.000.000.đ + (62.843.843 x 4%) = 22.513.753đ.

[4] Do không chấp nhận kháng cáo nên Tổng Công ty N phải chịu 2.000.000đ án phí KDTM phúc thẩm và được trừ vào 2.000.000đ tạm ứng án phí đã nộp (biên lai số: 0009332 ngày 21 tháng 8 năm 2020.

[5] Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 1 Điều 308 và Điều 147 Bộ luật tố tụng dân sự; Nghị định 59/2011/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2011 của Chính phủ; Điều 468 của Bộ Luật dân sự; Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí tòa án.

1/ Không chấp nhận kháng cáo của Tổng Công ty N.

1.1 Sửa Bản án dân sự sơ thẩm số: 70/2020/DS-ST ngày 11 tháng 6 năm 2020 của Tòa án nhân dân quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng.

1.2 Chấp nhận đơn khởi kiện của Tổng Công ty S về việc yêu cầu Tổng công ty N “Thực hiện nghĩa vụ trả tiền”.

-Buộc Tổng Công ty Xây dựng N phải trả cho Tổng Công ty S, số tiền:

503.304.792.

1.3 Chấp nhận yêu cầu độc lập của Tổng Công ty T về việc buộc Tổng Công ty N “Thực hiện nghĩa vụ trả tiền”.

-Buộc Tổng Công ty N phải trả cho Tổng Công ty T số tiền: 462.843.843đ.

1.4 Kể từ khi người được thi hành án yêu cầu thi hành án cho đến khi thi hành án xong tất cả các khoản tiền, hàng tháng người phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự.

1.5 Án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm: Tổng Công ty N phải nộp số tiền 46.645.944đ.

1.6 Hoàn cho Tổng Công ty S 12.066.096đ tạm ứng án phí đã nộp (biên lai thu số: 0008527 ngày 02/10/2019 tại Chi cục Thi hành án dân sự quận C, thành phố Đà Nẵng).

1.7 Hoàn cho Tổng Công ty T 17.256.877đ tạm ứng án phí đã nộp (biên lai thu số: 0008786 ngày 06/01/2020 tại Chi cục Thi hành án dân sự quận C, thành phố Đà Nẵng).

2/ Án phí KDTM phúc thẩm: Tổng Công ty N phải chịu 2.000.000đ, được trừ vào 2.000.000đ tạm ứng án phí đã nộp (biên lai số: 0009332 ngày 21 tháng 8 năm 2020 của Chi cục Thi hành án dân sự quận C, thành phố Đà Nẵng.

3/ Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên và được thi hành theo quy định tại Điều 02 luật thi hành án dân sự, người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự. Thời hiệu thi hành án dân sự được thực hiện theo quy định tại điều 30 luật thi hành án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

915
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 01/2021/KDTM-PT ngày 20/01/2021 về yêu cầu thực hiện nghĩa vụ trả tiền

Số hiệu:01/2021/KDTM-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Đà Nẵng
Lĩnh vực:Kinh tế
Ngày ban hành:20/01/2021
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về