Bản án 01/2021/KDTM-PT ngày 15/01/2021 về tranh chấp hợp đồng tín dụng và hợp đồng mua bán, sửa chữa tàu 

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

BẢN ÁN 01/2021/KDTM-PT NGÀY 15/01/2021 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG TÍN DỤNG VÀ HỢP ĐỒNG MUA BÁN, SỬA CHỮA TÀU

Trong các ngày 14, 15 tháng 01 năm 2021, tại trụ sở Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 25/2020/TLPT- KDTM ngày 06 tháng 8 năm 2020 về tranh chấp hợp đồng tín dụng và hợp đồng mua bán, sửa chữa tàu.

Do Bản án kinh doanh, thương mại sơ thẩm số 09/2020/KDTM-ST ngày 16/06/2020 của Tòa án nhân dân huyện T, thành phố Hải Phòng bị kháng cáo và bị kháng nghị.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 129/2020/QĐ-PT ngày 06 tháng 10 năm 2020 và Thông báo thay đổi thời gian mở phiên tòa số 01/TB- TA ngày 04 tháng 01 năm 2021 giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Ngân hàng A; địa chỉ: Số 108 T, quận H, thành phố Hà Nội.

Người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn: Bà Vũ Anh D và ông Đoàn Hữu L (cùng được ủy quyền theo văn bản ủy quyền số 869 ngày 16/11/2018); có mặt - Bị đơn: Công ty Cổ phần B; địa chỉ: xóm 1, xã N, huyện T, thành phố Hải Phòng;

Người đại diện theo ủy quyền của bị đơn: Ông Bùi Văn T; cư trú tại: nhà số 27, tổ 4 T1, phường T2, quận H, thành phố Hải Phòng (được ủy quyền theo Giấy ủy quyền ngày 15/6/2020); văng mặt.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn: Ông Nguyễn Văn T – Luật sư Công ty Luật TNHH MTV Đ- Đoàn Luật sư thành phố Hải Phòng; có mặt - Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. Công ty Cổ phần C; địa chỉ: Khu 12, phường H, thị xã Q, tỉnh Quảng Ninh.

Người đại diện theo pháp luật của Công ty Cổ phần C: Ông Hà Văn H (Giám đốc Công ty); có mặt 2. Bà Phạm Thị L; địa chỉ: thôn 1, xã N, huyện T, thành phố Hải Phòng;

có mặt - Người kháng cáo:

1. Nguyên đơn Ngân hàng A.

2. Bị đơn Công ty B.

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Phạm Thị L.

- Viện Kiểm sát kháng nghị: Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân huyện T, thành phố Hải Phòng.

NỘI DUNG VỤ ÁN

* Theo đơn khởi kiện ngày 06/11/2018 và trong quá trình giải quyết vụ án người đại diện của nguyên đơn Ngân hàng trình bày:

Công ty B có vay vốn tại Ngân hàng A (sau đây viết tắt là Ngân hàng) theo Hợp đồng tín dụng số 0505/2015-HĐTDDA/NHCT161-SM ngày 06/5/2016. Số tiền vay là 06 tỷ đồng; mục đích vay: đầu tư đóng mới 01 tàu hàng chở khô trọng tải 1.653T. Thời hạn vay 60 tháng (từ ngày 06/5/2016 đến ngày 06/5/2021). Lãi suất thả nổi theo quy định của Ngân hàng từng thời kỳ. Sau khi ký kết hợp đồng tín dụng và ký nhận tiền vay tại các giấy nhận nợ cụ thể, Công ty B hoạt động sản xuất kinh doanh gặp khó khăn và không có khả năng trả nợ cho Ngân hàng. Từ ngày 05/12/2016, khoản vay nói trên đã chuyển nợ quá hạn. Tính đến ngày 16/6/2020, Công ty B đã trả số nợ gốc là: 630.112.578 đồng và trả số nợ lãi là:

235.425.000 đồng. Tính hết ngày 14/6/2020 tổng số tiền Công ty B còn nợ là:

7.910.799.186 đồng; trong đó, số tiền gốc là 5.369.887.422 đồng; tiền lãi trong hạn là: 2.141.734.594 đồng và tiền lãi quá hạn là: 399.177.170 đồng.

- Tài sản thế chấp bảo đảm cho khoản vay trên là tàu Sao Mai 68, số đăng ký HP 4129, cấp phương tiện: VR-SI, công dụng chở hành khô; nơi đóng: Quảng Ninh; số lượng, kiểu, công suất máy chính và số máy: 2; YC6MK300C;600; Trọng tải toàn phần: 1653 tấn; giấy tờ tài sản thế chấp: Giấy chứng nhận đăng kí phương tiện thủy nội địa số đăng ký HP 4129 do Sở giao thông vận tải TP Hải Phòng cấp ngày 29/01/2016. Chủ phương tiện là Công ty B. Việc thế chấp tài sản được quy định cụ thể tại Hợp đồng thế chấp tài sản ngày 05/05/2016, số công chứng: 1594. Quyển số: 01/2016.TP/CC-SCC/HĐGD ngày 05/05/2016 giữa bên thế chấp là Công ty B với bên nhận thế chấp là Ngân hàng và đã được đăng ký giao dịch bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật.

Do Công ty B vi phạm nghĩa vụ theo Hợp đồng nên Ngân hàng khởi kiện yêu cầu Công ty B trả số tiền nợ tính hết ngày 14/6/2020 là: 7.910.799.186 đồng; trong đó, số tiền gốc là 5.369.887.422 đồng; tiền lãi trong hạn là: 2.141.734.594 đồng và tiền lãi quá hạn là: 399.177.170 đồng. Công ty B phải tiếp tục trả tiền lãi trong hạn, lãi quá hạn cho Ngân hàng theo mức lãi suất trong hạn và lãi suất phạt quá hạn đã thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng tính theo số nợ gốc thực tế kể từ ngày 15/6/2020 cho đến khi trả xong toàn bộ khoản nợ. Trường hợp Công ty B không trả được nợ thì đề nghị Tòa án tuyên Ngân hàng có quyền yêu cầu Cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền kê biên tài sản đảm bảo là phương tiện giao thông vận tải thủy là con tàu Sao Mai 68 đã nêu trên để thu hồi nợ cho Ngân hàng.

*Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập là Công ty C trình bày: Ngày 12/5/2015, Công ty B đã ký Hợp đồng mua bán số: 25/ HĐKT/2015 với Công ty C “V/v: Mua bán 01 tàu sông SI trọng tải 1.585 tấn, giá trị của Hợp đồng là: 9.800.000.000 đồng. Trong thời gian thực hiện Hợp đồng theo yêu cầu chủ tàu đã chuyển đổi sang để thực hiện Hợp đồng kinh tế số:

14/HĐKT/2016. Ngày 02/3/2016, tổng giá trị Hợp đồng là: 12.800.000.000 đồng. Ngày 06/11/2016, hai bên đã quyết toán theo Hợp đồng kinh tế số 14 HĐKT/2016 đã được hai bên ký kết tổng giá trị quyết toán là: 11.993.976.940 đồng. Ngày 11/5/2016, Công ty B ký phụ lục Hợp đồng kinh tế số: 13/PLHĐKT.2016 với Công ty C “V/v: Sửa chữa điều chỉnh ngăn vách, lắp bong tàu Sao Mai 68, giá trị Phụ Lục Hợp đồng là : 2.200.000.000 đồng. Ngày 11/5/2016, Công ty B lại tiếp tục ký bổ xung Hợpđồng kinh tế số: 13/HĐKT/ 2016 với Công ty C “V/v: Sửa chữa lắp đặt một số hạng mục thành tàu chở cát” tổng giá trị là: 909.116.539 đồng. Ngày 12/6/2019, Công ty B ký với Công ty C một bản thanh toán sửa chữa nhỏ tàu Sao Mai 68 tổng giá trị là: 212.080.000 đồng. Tổng cộng phần thanh toán là: 15.315.173.479 đồng.

Quá trình thực hiện hợp đồng, Công ty B đã chuyển cho công ty C như sau: Từ ngày 25/5/2015 đến 31/10/2016, Công ty Sao Mai đã chuyển cho Công ty C số tiền 14.772.118.000 đồng là chi phí đóng tàu Sao Mai 68. Tuy nhiên, Công ty C đã chuyển lại cho Công ty B vay tổng cộng: 7.845.000.000 đồng. Cụ thể như sau:

- 1.500.000.000 đồng (Phiếu chi ngày 11/5/2016);

- 2.600.000.000 đồng (giấy vay tiền ngày 31/3/2016);

- 1.400.000.000 đồng (Chuyển khoản ngày 10/5/2016);

- 1.380.000.000 đồng(Chuyển khoản ngày 10/5/2016);

- 1.065.000.000 đồng (Chuyển khoản ngày 11/5/2016);

Hàng năm giữa Công ty B và Công ty C thường xuyên đối chiếu công nợ.

- Biên bản đối chiếu công nợ ngày 31/03/2016 thể hiện Công ty B còn nợ Công ty C số tiền: 6.294.562.000 đồng.

- Biên bản đối chiếu công nợ ngày 20/03/2017 thể hiện Công ty B còn nợ Công ty C số tiền: 1.250.000.000 đồng.

- Biên bản đối chiếu công nợ ngày 20/03/2018 thể hiện Công ty B còn nợ công ty C số tiền: 2.014.000.000 đồng.

- Tại bản tự khai ngày 01/8/2019, Công ty B khai nhận còn nợ Công ty C:

1.712.000.000 đồng.

Nay Công ty C yêu cầu Công ty B phải trả số tiền nợ là: 1.712.000.000 đồng và chi phí thuê bảo vệ tàu Sao Mai 68 từ ngày 11/5/2016 đến ngày 30/4/2020 là: 414.000.000 đồng. Tổng cộng Công ty B phải trả cho Công ty C là 2.126.000.000 đồng. Công ty C rút yêu cầu tính số tiền lãi và các chi phí phát sinh khác.

* Bị đơn Công ty B trình bày: Năm 2016, Công ty B có vay vốn tại Ngân hàng thông qua hợp đồng Hợp đồng tín dụng số 0505/2015- HĐTDDA/NHCT/NHCT161-SM ngày 06/5/2016 để vay số tiền 06 tỷ đồng phục vụ mục đích mua tàu chở hàng khô trọng tải 1585 tấn của Công ty C. Tài sản thế chấp đảm bảo cho khoản vay nói trên là tàu Sao Mai 68. Tuy nhiên, tại phiên tòa nguyên đơn là Ngân hàng không cung cấp bản chính hoặc bản sao chứng thực của giấy chứng nhận đăng ký giao dịch bảo đảm nên đề nghị Hội đồng xét xử tuyên Hợp đồng tín dụng số 0505/2015-HĐTDDA/NHCT/NHCT161-SM ngày 06/5/2016 và Hợp đồng thế chấp tài sản ngày 05/05/2016,số công chứng: 1594. Quyển số: 01/2016.TP/CC-SCC/HĐGD ngày 05/05/2016 được ký kết giữa Công ty B với Ngân hàng là vô hiệu và xử lý hợp đồng vô hiệu theo quy định của pháp luật. Công ty B trả số tiền nợ gốc 5.369.887.422 đồng cho Ngân hàng.

Đối với yêu cầu độc lập của Công ty C: Công ty B và công ty C đã ký kết 03 hợp đồng mua bán tàu là: Hợp đồng mua bán số: 25/ HĐKT/2015 ngày 12/5/2015, giá trị hợp đồng là: 9.800.000.000 đồng; Hợp đồng kinh tế số:

14/HĐKT/2016 ngày 02/3/2016, giá trị hợp đồng là:12.800.000.000 đồng và Hợp đồng kinh tế số: 13/ HĐKT/2016 ngày 11/5/2016, giá trị hợp đồng là:

909.116.539 đồng và 02 phụ lục hợp đồng. Việc mua một con tàu mà Công ty C ký 3 hợp đồng khác nhau với các số tiền khác nhau là không có căn cứ. Công ty C trình bày chuyển đổi hợp đồng số 25 sang Hợp đồng số 14 nhưng không có tài liệu chứng minh sự thay đổi là không có căn cứ pháp luật. Công ty C bác bỏ hợp đồng số 28/HĐKT/2015 ngày 14/9/2015 khi có nhiều phiếu chi thể hiện thực hiện hợp đồng số 28. Theo lời khai của bà L trước khi ký hợp đồng thì Công ty C không có tàu để đóng, con tàu mà Công ty C nhìn thấy là tàu mang tên bà Hoàng Thị Thúy H. Như vậy đại diện Công ty C ký quá nhiều hợp đồng, vừa bán cho Công ty B vừa bán cho Công ty LPT thể hiện việc giao kết các hợp đồng nói trên là giả tạo. Tạm tính đến ngày 08/01/2020, Công ty B đã chuyển cho Công ty C số tiền 14.772.118.000 đồng. Vì vậy, bị đơn đề nghị Hội đồng xét xử tuyên các hợp đồng đã ký kết giữa Công ty B và Công ty C là vô hiệu và buộc Công ty C phải trả lại Công ty B số tiền 14.772.118 .000 đồng. Công ty B không chấp nhận trả cho Công ty C số tiền 2.126.000.000 đồng.

* Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan bà Phạm Thị L trình bày: Trong thời gian bà L là người đại diện theo ủy quyền của Công ty B, bà L không nhớ chính xác các bản đối chiếu công nợ giữa Công ty B và Công ty C, việc ký hợp đồng và các biên bản đối chiếu công nợ với Công ty C là do ông H bảo bà L ký. Ngoài ra, bà L thống nhất với ý kiến trình bày của bị đơn, yêu cầu Công ty C phải trả lại Công ty B số tiền 14.772.118 .000 đồng. Công ty B không chấp nhận trả cho Công ty C số tiền 2.126.000.000 đồng.

* Tại Bán án sơ thẩm số 09/2020/KDTM-ST, ngày 19/6/2020 của TAND huyện T quyết định: Áp dụng Điều 30; Điều 35, Điều 39, khoản 1 Điều 147 của Bộ luật Tố tụng dân sự; Điều 117; 249; 295; 298; 308, 317; 320; 324; 412; 463; 466 và Điều 688 Bộ luật Dân sự; Điều 306 của Luật Thương mại; Điều 95 Luật các Tổ chức tín dụng; Điều 37; 38; 39 Bộ luật Hàng Hải; Nghị định 11/2012/NĐ-CP ngày 20/02/2012 của Chính Phủ về giao dịch bảo đảm; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của UBTV Quốc Hội về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án. xử:

1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Ngân hàng.

Buộc Công ty B trả cho Ngân hàng số tiền còn nợ tính hết ngày 14/6/2020 là: 7.910.799.186 (…); trong đó, số tiền gốc là 5.369.887.422 đồng; tiền lãi trong hạn là: 2.141.734.594 đồng và tiền lãi quá hạn là: 399.177.170 đồng.

Công ty B phải tiếp tục trả tiền lãi của số nợ gốc cho Ngân hàng theo mức lãi suất đã thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng kể từ ngày 15/6/2020 cho đến khi trả xong toàn bộ khoản nợ.

2. Chấp nhận yêu cầu của Công ty C.

Buộc Công ty B trả cho Công ty C số tiền: 2.126.000.000 (…); trong đó tiền nợ là: 1.712.000.000 đồng; và tiền thuê bảo vệ trông giữ tàu Sao Mai 68 là: 414.000.000 đồng.

Công ty B phải tiếp tục trả tiền lãi của số nợ gốc theo mức lãi suất quy định tại Điều 357 Bộ luật dân sự cho Công ty C kể từ sau ngày xét xử sơ thẩm cho đến khi trả xong toàn bộ khoản nợ.

3. Nếu Công ty B không trả được nợ (bao gồm cả nợ gốc và nợ lãi) thì những bên được thi hành án có quyền yêu cầu Cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền phát mại tài sản sau đây để thu hồi nợ: Tàu Sao Mai 68; số đăng ký HP 4129; Cấp phương tiện: VR-SI, Công dụng chở hành khô; nơi đóng: Quảng Ninh; Số lượng, kiểu, công suất máy chính và số máy: 2; YC6MK300C;600; Trọng tải toàn phần: 1653 tấn; giấy tờ tài sản thế chấp: Giấy chứng nhận đăng kí phương tiện thủy nội địa số đăng ký HP 4129 do Sở giao thông vận tải thành phố Hải Phòng cấp ngày 29/01/2016. Chủ phương tiện là Công ty B.

Ngoài ra, bản án còn quyết định về quyền kháng cáo, quyền và nghĩa vụ thi hành án của các đương sự.

Sau khi xét xử sơ thẩm:

* Ngày 30/6/2020, Viện trưởng VKSND huyện T kháng nghị bản sơ thẩm, nội dung kháng nghị như sau:

- Tòa án cấp sơ thẩm xác định quan hệ tranh chấp trong vụ án: “ tranh chấp kinh doanh thương mại về hợp đồng tín dụng” là chưa đầy đủ.

- Tòa án cấp sơ thẩm vi phạm tố tụng khi không đình chỉ đối với phần yêu cầu mà người có yêu cầu độc lập đã rút.

- Tòa án cấp sơ thẩm tuyên bị đơn phải trả số tiền bảo vệ, trông coi tàu là không đúng vì không có căn cứ.

- Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết vượt quá yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan khi tuyên Công ty C được quyền phát mại tài sản thế chấp là tàu Sao Mai 68. Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết thiếuyêu cầu của Ngân hàng về quyền ưu tiên thanh toán khi phát mại tài sản thế chấp.

- Tòa án cấp sơ thẩm tuyên lãi suất chậm thi hành án của Công ty B với với Công ty C là không đúng với quy định tại điểm b khoản 1 Điều 13 Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC.

- Tòa án cấp sơ thẩm tính sai tiền án phí mà Công ty B phải chịu đối với nghĩa vụ trả nợ của Ngân hàng.

* Cùng ngày 30/6/2020, bị đơn là Công ty B và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà L kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.

- Bị đơn Công ty B và bà L cho rằng việc ký kết hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp Tòa án cấp sơ thẩm chưa làm rõ về thẩm quyền và trách nhiệm của cá nhân và của tập thể nên bản án thiếu tính khách quan.

- Bị đơn Công ty B và bà L cho rằng việc ký kết các hợp đồng giữa Công ty C với Công ty B là có gian dối, giả tạo. Công ty C không tàu để bán nhưng đã ký các hợp đồng với Công ty B, bà L không được ủy quyền để ký các hợp đồng này. Đề nghị Tòa án tuyên vô hiệu các hợp đồng đã ký với Công ty B và buộc Công ty C trả lại số tiền đã chuyển tạm tính là 14.772.118.000đ cho Công ty B.

- Bị đơn Công ty B và bà L cho rằng Tòa án cấp sơ thẩm tuyên Công ty B phải trả Công ty C số tiền 1.712.000.000đ và số tiền 414 triệu trông giữ tàu là không có căn cứ. Vì số tiền 1.712.000.000đ không liên quan đến việc vay nợ sửa chữa tàu. Toàn bộ các giao dịch đều do bà Lý thực hiện không có sự ủy quyền của Công ty B. Tòa án cấp sơ thẩm không làm rõ được khoản vay cá nhân giữa ông H và bà L. Tàu Sao Mai chưa hoàn thiện không sử dụng được và Công ty C không bàn giao tàu cho Công ty B chiếm giữ trái phép nên việc tuyên Công ty B phải trả số tiền trông giữ là không đúng.

- Bị đơn Công ty B và bà L cho rằng Tòa án cấp sơ thẩm không thụ thập tài liệu, chứng cứ và không đưa Công ty LPT tham gia tố tụng và triệu tập bà M (Giám đốc Cty B) để làm rõ việc có ủy quyền cho bà Lý ký hợp đồng và thực hiện các công việc vay nợ với Công ty C không? là vi phạm thủ tục tố tụng.

* Ngày 01/7/2020, nguyên đơn Ngân hàng kháng cáo một phần bản án sơ thẩm đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xét xử theo hướng Ngân hàng được quyền ưu tiên thanh toán trước khi phát mại tài sản thế chấp là tàu Sao Mai 68.

Tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện. Người có yêu cầu độc lập giữ nguyên yêu cầu độc lập. Những người kháng cáo giữ nguyên nội dung kháng cáo. Đại diện Viện Kiểm sát tham gia phiên tòa giữ nguyên nội dung kháng nghị. Các đương sự không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án.

Đại diện Viện Kiểm sát tham gia phiên tòa đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận nội dung kháng cáo của nguyên đơn, bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà L; chấp nhận một phần yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là Công ty C đối với yêu cầu đòi Công ty B phải trả số tiền trông giữ là 362.480.000đ kể từ khi có thông báo thu giữ tàu số 30/TB-SC ngày 29/10/2016 đến ngày xét xử sơ thẩm; ngày 14/7/2020, Tòa án cấp sơ thẩm đã ra Quyết định sửa chữa số 20/2020/QĐ-SCBSBA về việc sửa chữa số tiền án phí mà Công ty B phải chịu đối với yêu cầu của Ngân hàng nên nội dung kháng nghị này của VKSND huyện T đã được Tòa án cấp sơ thẩm khắc phục, những nội dung kháng nghị khác đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa, căn cứ kết quả tranh luận tại phiên tòa và ý kiến của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân, Hội đồng xét xử nhận định:

- Về tố tụng:

[1]. Xét sự vắng mặt của đương sự: Tại phiên tòa, người kháng cáo là Công ty B vắng mặt nhưng có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Căn cứ khoản 2 Điều 296 của BLTTDS, Tòa án vẫn tiến hành xét xử vụ án.

[2]. Xét về quan hệ pháp luật tranh chấp: Theo đơn khởi kiện của nguyên đơn Ngân hàng yêu cầu Tòa án giải quyết buộc bị đơn Công ty B phải trả số tiền vay theo Hợp đồng tín dụng số 0505/2015-HĐTDDA/NHCT161-SM ngày 06/5/2016. Tòa án cấp sơ thẩm xác định quan hệ pháp luật là tranh chấp hợp đồng tín dụng theo quy định tại Điều 30 của BLTTDS là đúng. Tuy nhiên, sau khi thụ lý vụ án người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là Công ty C có yêu cầu độc lập đề nghị Tòa án buộc bị đơn Công ty B phải trả số tiền còn nợ theo Hợp đồng mua bán số 25/HĐKT/2015 ngày 12/5/2015, Hợp đồng kinh tế số 13/HĐKT/2016 ngày 11/5/2016 và theo văn bản sửa chữa tàu ngày 12/6/2019. Như vậy, Tòa án cấp sơ thẩm đã thụ lý giải quyết đồng thời hai quan hệ pháp luật tranh chấp; một là tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa Ngân hàng với Công ty B; hai là tranh chấp hợp đồng mua bán, sửa chữa tàu sông. Tòa án cấp sơ thẩm chỉ xác định một quan hệ pháp luật tranh chấp là chưa đầy đủ. Vì vậy, nội dung kháng nghị này của VKS là có căn cứ nên được chấp nhận.

[3]. Xét về người tham gia tố tụng và yêu cầu thu thập tài liệu, chứng cứ:

[3.1]. Theo đơn khởi kiện nguyên đơn yêu cầu Tòa án giải quyết buộc bị đơn Công ty B phải thực hiện nghĩa vụ theo Hợp đồng tín dụng và Hợp đồng thế chấp được ký giữa Ngân hàng với Công ty B. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập đề nghị Tòa án buộc bị đơn Công ty B phải thực hiện nghĩa vụ theo Hợp đồng mua bán và Hợp đồng sửa chữa được ký giữa Công ty B với Công ty C. Tài sản thế chấp là tài sản của Công ty B. Vì vậy, việc giải quyết các yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không liên quan đến Công ty LPT nên Tòa án cấp sơ thẩm không đưa Công ty LPT tham gia vào tố tụng là có căn cứ.

[3.2]. Bị đơn Công ty B và bà L cho rằng Tòa án cấp sơ thẩm không thu thập tài liệu, chứng cứ và không triệu tập bà M (Giám đốc Công ty B) để làm rõ việc có ủy quyền cho bà L ký hợp đồng và thực hiện các công việc vay nợ với Công ty C là vi phạm thủ tục tố tụng. Tuy nhiên, tại thời điểm bà L được bà M ủy quyền với tư cách là đại diện của bị đơn bà L cũng đã thừa nhận có việc Công ty B ký kết Hợp đồng tín dụng với Ngân hàng và các Hợp đồng mua bán, sửa chữa tàu với Công ty C và bà L đã tham gia với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Hơn nữa, tại phiên tòa phúc thẩm, bà L cũng thừa nhận là có nhận được sự ủy quyền của bà M trong việc ký kết các hợp đồng với Công ty C. Căn cứ khoản 1 Điều 6 và khoản 2, 4 Điều 91 BLTTDS, thì đương sự phải có nghĩa vụ thu thập tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ, trường hợp không đưa ra được hoặc không đưa ra đủ thì Tòa án giải quyết theo những tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ việc. Mặt khác, bà L ký các Hợp đồng kinh tế số 13, Hợp đồng sửa chữa số 13 và các bản quyết toán cũng như giấy nhận nợ giữa Công ty B và Công ty C thì theo bà L trình bày thì đã được sự ủy quyền của người đại diện theo pháp luật của Công ty B ủy quyền nhưng chỉ ủy quyền bằng miệng, không ủy quyền bằng văn bản nhưng tất cả các công việc bà L đã nhân danh Công ty B ký kết và quyết toán với Công ty C thì bà M là người đại diện hợp pháp của Công ty B đều biết vì bà M là con gái của bà L. Vì vậy, nội dung kháng cáo này của bị đơn Công ty B và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà L là không có căn cứ chấp nhận.

[4]. Trong quá trình giải quyết vụ án, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập rút một phần yêu cầu khởi kiện đối với yêu cầu trả số tiền lãi là 647.755.000đ và các chi phí phát sinh là 757.641.000đ. Tuy nhiên, Tòa án cấp sơ thẩm không xem xét giải quyết để đình chỉ việc rút yêu cầu này của người có yêu cầu độc lập là vi phạm quy định tại Điều 244 của BLTTDS. Do vậy, kháng nghị này của VKSND là có căn cứ chấp nhận.

[5]. Xét nội dung kháng nghị của VKSND cho rằng Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết thiếu yêu cầu của Ngân hàng về quyền ưu tiên thanh toán khi phát mại tài sản thế chấp. Tòa án cấp sơ thẩm đã giải quyết vượt quá yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan khi tuyên Công ty Sông Chanh được quyền phát mại tài sản thế chấp là tàu Sao Mai 68.

[5.1]. Theo đơn khởi kiện và tại các phiên họp tiếp cận chứng cứ và hòa giải người đại diện của Nguyên đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện tức không có yêu cầu về việc tuyên quyền ưu tiên thanh toán khi phát mại tài sản thế chấp. Do vậy, VKSND kháng nghị cho rằng Tòa án cấp sơ thẩm chưa giải quyết hết yêu cầu của nguyên đơn không tuyên thứ tự ưu tiên thanh toán là không có căn cứ.

[5.2]. Tại phần 3 Quyết định của Bản án có tuyên: “3. Nếu Công ty ...Sao Mai không trả được nợ (…) thì những bên được thi hành án có quyền yêu cầu Cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền phát mại tài sản sau đây để thu hồi nợ:…”, sẽ dẫn tới hiểu theo nghĩa như VKSND là có cả Công ty C được quyền yêu cầu thi hành án. Tuy nhiên, theo đơn yêu cầu độc lập và trong quá trình giải quyết vụ án Công ty C không có yêu cầu được quyền phát mại tài sản thế chấp. Vì vậy, VKSND cho rằng Tòa án cấp sơ thẩm đã giải quyết vượt quá yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là có căn cứ.

- Về nội dung:

[6]. Xét Hợp đồng thế chấp và Hợp đồng tín dụng được ký giữa Ngân hàng với Công ty B: Hợp đồng tín dụng số 0505/2015-HĐTDDA/NHCT161-SM ngày 06/5/2016 và Hợp đồng thế chấp ngày 05/5/2016 được người đại diện hợp pháp của Ngân hàng và Công ty B ký kết trên tình thần tự nguyện, mục đích và nội dung của hợp đồng không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội phù hợp với quy định tại Điều 17 của Quy chế cho vay của Tổ chức Tín dụng đối với khách hàng kèm theo Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN ngày 31/12/2001 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước; Điều 122, Điều 123 và Điều 124 BLDS năm 2005;Điều 9, 10 và Điều 12 Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 (sửa đổi, bổ sung Nghị định số 11/2011/NĐ-CP ngày 22/02/2012) của Chính phủ; điểm b khoản 1 Điều 3 Nghị định số 83/2010/NĐ-CP ngày 23/7/2010 (sửa đổi, bổ sung Nghị định số 05/2012/NĐ-CP ngày 02/02/2012) nên có hiệu lực pháp luật. Trong quá trình giải quyết vụ án tại cấp phúc thẩm, đại diện của bị đơn là Công ty B thừa nhận có ký các Hợp đồng tín dụng, Hợp đồng thế chấp và còn nợ số tiền như Ngân hàng trình bày. Căn cứ vào tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và sự thừa nhận của đương sự, Tòa án cấp sơ thẩm tuyên buộc bị đơn phải trả số tiền còn nợ theo Hợp đồng tín dụng các bên đã ký và phát mại tài sản thế chấp trong trường hợp không thực hiện được nghĩa vụ trả nợ là đúng theo sự thỏa thuận và phù hợp với pháp luật.

[7]. Xét yêu cầu độc lập Công ty C: Hợp đồng mua bán số 25/ HĐKT/2015 ngày 12/5/2015 do người đại diện hợp pháp của Công ty B và người đại diện của Công ty C ký kết trên tinh thần tự nguyện và các bên đã thực hiện việc quyết toán, xuất hóa đơn bán hàng GTGT và các bên đã nhiều lần thanh toán cho nhau nên Hợp đồng có hiệu lực pháp luật. Đối với các Phụ lục Hợp đồng số 13 ký ngày 11/5/2016 người ký Hợp đồng của bên Công ty B là bà L. Tuy không có tài liệu, chứng cứ thể hiện bà L được sự ủy quyền của người đại diện hợp pháp của Công ty B ký Phụ lục Hợp đồng nhưng trong bản tự khai ngày 01/8/2019 bà L với tư cách là người đại diện theo ủy quyền của Công ty B thừa nhận có ký Phụ lục Hợp đồng và tại phiên tòa phúc thẩm bà L cũng thừa nhận có được sự ủy quyền của bà M nên có căn cứ cho rằng việc bà L ký Phụ lục Hợp đồng với tư cách đại diện của Công ty B. Do vậy, nội dung kháng cáo của bị đơn và người liên quan là bà L cho rằng Hợp đồng số 25 và các Phụ lục vô hiệu do bà L không không được ủy quyền ký kết là không có căn cứ.

[8]. Xét yêu cầu đòi số tiền còn nợ của Công ty C: Tại đơn yêu cầu độc lập thể hiện Công ty C yêu cầu Tòa án giải quyết buộc Công ty B phải trả số tiền 3.303.045.000đ là số tiền trên cơ sở của: Hợp đồng mua bán số 25/HĐKT/2015 ngày 12/5/2015 với giá trị là 9,8 tỷ đồng; Hợp đồng bổ sung để sửa chữa tàu ngày 11/5/2016 với giá trị là 909.116.539đ và Bảng thanh toán sửa chữa ngày 12/6/2019 với giá trị là 212.080.000đ. Tổng trị giá là 10.921.196.539đ, bị đơn đã trả được số tiền 9.209.116.539đ. Bị đơn còn nợ số tiền là 1.712.080.000đ và số tiền lãi, trông giữ neo đậu. Trong quá trình giải quyết vụ án, Công ty C rút một phần yêu cầu khởi kiện chỉ yêu cầu Công ty B trả số tiền còn nợ là 1.712.000.000đ và chi phí trông giữ là 414.000.000đ(từ ngày 11/5/2016 đến ngày 30/4/2020). Xét thấy;

- Theo Công ty C thì Công ty B phải trả tổng số tiền là 20.226.196.539đ;

trong đó bao gồm các khoản:

1.Hợp đồng số 25 giá trị là 9,8 tỷ đồng (Hai bên đã quyết toán và có hóa đơn GTGT);

2.Hợp đồng kinh tế số 13 ngày 11/5/2016 là 909.116.539đ (hồ sơ có 02 Hợp đồng khác nhau);

3.Phụ lục Hợp đồng kinh tế số 13ngày 11/5/2016 là 2,2 tỷ đồng (hồ sơ có 03 Hợp đồng khác nhau) (có hóa đơn GTGT ngày 08/9/2016 và có quyết toán);

4.Ngày 31/3/2016, Cty B vay 2,6 tỷ đồng (BL 339 bà Lý ký nhận tiền) 5.Ngày 10/5/2016, Cty B vay 10 triệu (BL 337 ông Phương ký nhận tiền) 6.Ngày 10/5/2016, Cty B vay 1,4 tỷ đồng + 1,380 tỷ đồng (chuyển khoản cho Cty B) 7.Ngày 11/5/2016, Cty B vay 1,065 tỷ đồng (chuyển khoản cho Cty B) 8.Ngày 11/5/2016, Cty B vay 650 triệu (BL 333a bà Lý ký nhận tiền) 9.Ngày 12/6/2019, thanh toán sửa chữa 212.080.000đ (có bảng thanh quyết toán giữa hai bên).

- Theo Công ty C thì Công ty B đã thanh toán được số tiền tính đến ngày 11/5/2016 là 14.772.118.000đ.

Nhưng căn cứ trên phiếu thu và giấy nhận tiền thể hiện Cty B đã nhận của Công ty B tổng số tiền 16.072.118.000đ (thêm số tiền 1,1 tỷ đồng ông Hiến nhận của bà Lý ngày 29/10/2016 (BL397) và 200 triệu theo phiếu thu ngày 06/12/2015 (BL 430)).

Như vậy, sau khi bù trừ số tiền Công ty B trả cho Công ty C thì tổng số tiền Công ty B còn nợ là 20.226.196.539đ - 16.072.118.000đ = 4.154.078.539đ.

Sau đó ngày 20/3/2018, bà Lý với tư cách đại diện Công ty B ký biên bản đối chiếu công nợ với Công ty B thể hiện Công ty B còn nợ Công ty C số tiền là 2.014.000.000đ (BL401). Ngày 01/8/2019 (BL 146), bà L là người đại diện hợp pháp của Công ty B thừa nhận còn nợ Công ty C tổng số tiền 1.712.000.000đ.

Tòa án cấp sơ thẩm căn cứ theo yêu cầu độc lập của Công ty C và sự thừa nhận của người đại diện hợp pháp của Công ty B chấp nhận yêu cầu của Công ty C buộc Công ty B phải trả số tiền 1.712.000.000đ là có căn cứ.

[9]. Đối với yêu cầu đòi số tiền phát sinh do trông giữ tàu từ ngày 11/5/2016 đến ngày 30/4/2020 của Công ty C, xét thấy:

Ngày 11/5/2016, các bên ký tiếp Phụ lục HĐ và Hợp đồng sửa chữa với thời hạn là 45 ngày kể từ ngày thi công chính thức và ngày 08/9/2016 Công ty C xuất hóa đơn GTGT. Ngày 29/10/2016, Công ty C mới có thông báo số 30/TB-SC về việc thu giữ tàu Sao Mai 68 với lý do là Công ty B chưa thanh toán tiền cho Công ty C. Căn cứ khoản 2 Điều 347 BLDS về thời điểm phát sinh hiệu lực đối kháng là kể từ thời điểm cầm giữ, chiếm giữ tài sản, khoản 2 Điều 348 BLDS, khoản 2 Điều 416 BLDS năm 2005 về quyền của bên cầm giữ (Công ty C) nên HĐXX chỉ chấp nhận yêu cầu của Công ty C kể từ ngày có thông báo thu giữ tàu cho đến ngày 30/4/2016(theo yêu cầu của C). Công ty C chỉ yêu cầu số tiền trông giữ là 414.000.000đ và thời gian không được chấp nhận là từ ngày 11/5/2016 đến ngày 28/10/2016 là 05 tháng 18 ngày với số tiền trông giữ tương ứng là 51.520.000đ. Số tiền trông giữ được chấp nhận là 414.000.000-51.520.000đ = 362.480.000đ.

[10]. Xét về thứ tự thanh toán khi phát mại tài sản thế chấp: Do Công ty B chưa thanh toán đủ số tiền còn nợ theo Hợp đồng mua bán tàu, các Phụ lục Hợp đồng sửa chữa tàu và các chi phí khác liên quan nên Công ty C cầm giữ tàu là đúng theo quy định tại Điều 416 BLDS năm 2005 và Điều 346 BLDS năm 2015.

Theo khoản 10 Điều 1 Nghị định số 11/2012/NĐ-CP ngày 22/02/2012 của Chính Phủ quy định: “Trong trường hợp tài sản thế chấp đang bị cầm giữ theo quy định tại Điều 416 Bộ luật Dân sự thì bên cầm giữ có trách nhiệm giao tài sản mà mình đang cầm giữ cho bên nhận thế chấp để xử lý theo quy định của pháp luật sau khi bên nhận thế chấp hoặc bên có nghĩa vụ đã hoàn thành nghĩa vụ đối với bên cầm giữ”. Vì vậy, trong trường hợp này thì khi Ngân hàng hoặc Công ty B thanh toán hết số tiền còn nợ cho Công ty C thì Công ty C có nghĩa vụ giao tàu Sao Mai 68 cho Ngân hàng để phát mại thu hồi vốn cho vay.

[11]. Xét việc tuyên lãi suất trong quá trình thi hành án của Công ty B đối với Công ty C: tại đoạn hai phần (2) tron bản án có tuyên: “Công ty B phải tiếp tục trả tiền lãi của số nợ gốc theo mức lãi suất quy định tại Điều 357 Bộ luật dân sự cho Công Ty C kể từ sau ngày xét xử sơ thẩm cho đến khi trả xong toàn bộ khoản nợ.” là không đúng với quy định tại điểm b khoản 1 Điều 13 của Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC. Do vậy, nội dung kháng nghị của Viện Kiểm sát là có căn cứ nên Tòa án cấp phúc thẩm sửa chữa lại bản án sơ thẩm theo nội dung kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân.

[12]. Xét về án phí:

[12.1]. Xét về án phí sơ thẩm: Tại mục (4) của quyết định Tòa án cấp sơ thẩm có tuyên: “Công ty B phải nộp số tiền án phí dân sự sơ thẩm đối với khoản nợ của Ngân hàng A là: 117.910.799 đồng”. Căn cứ điểm e mục 1.4 của Danh mục án phí, lệ phí Tòa án ban hành kèm theo Nghị quyết số 326/2016/NQ- UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì số tiền án phí mà Công ty B phải chịu tương ứng đối với số tiền mà Tòa án chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn là 115.910.799đ nên số tiền án phí Tòa án cấp sơ thẩm tuyên là không đúng. Do vậy, nội dung kháng nghị của VKSND là có căn cứ. Tuy nhiên, ngày 14/7/2020 Tòa án cấp sơ thẩm đã ra Quyết định sửa chữa số 20/2020/QĐ- SCBSBA đối với nội dung này nên sai sót này đã được Tòa án cấp sơ thẩm khắc phục.

Do Hội đồng xét cấp phúc thẩm chỉ chấp nhận một phần yêu cầu độc lập của Công ty C đối với số tiền 2.074.480.000đ; bao gồm: 1.712.000.000đ (số tiền còn nợ) + 362.480.000đ (số tiền trông giữ) nên số tiền án phí sơ thẩm bị đơn Công ty B phải chịu tương ứng là 72.000.000đ + (2% x (2.074.480.000đ – 2.000.000.000đ)) = 73.489.600đ. Công ty B phải chịu án phí đối với số tiền yêu cầu không được Tòa án chấp là 2.126.000.000đ – 2.074.480.000đ = 51.520.000đ. Số tiền án phí Công ty C phải chịu là 3.000.000đ theo quy định tại khoản 1 Điều 47 BLTTDS và khoản 4 Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/NQ-UBTVQH14 ngày 30/12/2016.

[12.2]. Xét về án phí phúc thẩm: Do Tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm nên những người kháng cáo không phải chịu án phí phúc thẩm theo quy định tại khoản 2 Điều 148 BLTTDS.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào khoản 2 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự;

Áp dụng khoản 2 Điều 91, 95 Luật các Tổ chức tín dụng; Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN ngày 31/12/2001 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước; khoản 1 Điều 17 của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016; Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 (sửa đổi, bổ sung Nghị định số 11/2012/NĐ-CP ngày 22/02/2012) của Chính phủ về giao dịch bảo đảm; Nghị định số 83/2010/NĐ-CP ngày 23/7/2010 (sửa đổi, bổ sung Nghị định số 05/2012/NĐ-CP ngày 02/02/2012) của Chính phủ về đăng ký giao dịch bảo đảm; Điều 416 Bộ luật Dân sự năm 2005; Điều 346, 347, 348, 349 và Điều 350 của Bộ luật dân sự năm 2015; Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC; Nghị quyết số 326/2016/NQ-UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án, Tuyên xử: Sửa Bản án số 09/2020/KDTM-ST ngày 16/6/2020 của Tòa án nhân dân huyện T, thành phố Hải Phòng.

1. Buộc Công ty B có nghĩa vụ trả cho Ngân hàng A số tiền tính hết ngày 14/6/2020 là: 7.910.799.186đ (bẩy tỷ, chín trăm mười triệu, bẩy trăm chính mươi chín nghìn, một trăm tám sáu đồng); trong đó; nợ gốc là 5.369.887.422đ, nợ lãi trong hạn là 2.141.734.594đ và nợ lãi quá hạn là 399.177.170đ.

Công ty B phải tiếp tục trả tiền lãi của số nợ gốc cho Ngân hàng A theo mức lãi suất đã thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng kể từ ngày 15/6/2020 cho đến khi trả xong toàn bộ khoản nợ.

2. Buộc Công ty B trả cho Công ty C số tiền: 2.074.480.000đ(hai tỷ, không trăm bảy tư triệu, bốn trăm tám mươi nghìn đồng); trong đó; tiền nợ chưa thanh toán là 1.712.000.000đ và tiền thuê bảo vệ trông giữ tàu Sao Mai 68 là 362.480.000đ.

Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, Điều 468 của Bộ luật Dân sự.

3. Trường hợp Công B không trả được nợ thì Ngân hàng A có quyền yêu cầu Cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền phát mại tàu Sao Mai 68; số đăng ký HP 4129; cấp phương tiện: VR-SI, công dụng chở hành khô; nơi đóng: Quảng Ninh; số lượng, kiểu, công suất máy chính và số máy: 2; YC6MK300C;600; trọng tải toàn phần: 1653 tấn; giấy tờ tài sản thế chấp: Giấy chứng nhận đăng kí phương tiện thủy nội địa số đăng ký HP 4129 do Sở giao thông vận tải thành phố Hải Phòng cấp ngày 29/01/2016. Chủ phương tiện là Công ty B để thu hồi nợ.

Công ty C có nghĩa vụ giao tài sản thế chấp là tàu Sao Mai 68 cho Ngân hàng A sau khi Ngân hàng A hoặc Công ty B đã hoàn thành nghĩa vụ trả số tiền mà Công ty B đối với Công ty C để Cơ quan thi hàn án dân sự phát mại tài sản theo yêu cầu của Ngân hàng A.

4. Đình chỉ một phần yêu cầu độc lập của Công C đối với yêu cầu đòi Công ty B phải trả số tiền lãi phát sinh 647.755.000đ và các chi phí phát sinh là 757.641.000đ.

5. Về án phí:

5.1. Án phí sơ thẩm:

- Trả lại cho Ngân hàng A số tiền tạm ứng là 57.400.000 đồng (Năm mươi bảy triệu bốn trăm nghìn đồng) theo Biên lai số: 0000509 ngày 03/4/2019 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện T, thành phố Hải Phòng.

- Công ty B phải chịu 115.910.799đ (Một trăm mười lăm triệu, chín trăm mười nghìn, bảy trăm chín mươi chín đồng) án phí sơ thẩm đối với yêu cầu của Ngân hàng A.

- Công ty B phải chịu 73.489.600đ (bẩy mươi ba triệu, bốn trăm tám mươi chín nghìn, sáu trăm đồng) án phí sơ thẩm đối với yêu cầu của Công ty C.

- Công ty C phải chịu 3.000.000đ(ba triệu đồng) án phí sơ thẩm, nhưng được trừ vào số tiền 49.000.000đ đã nộp tạm ứng theo Biên lai số 0002847 ngày 6/8 /2019 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện T, thành phố Hải Phòng. Trả lại cho Công ty C số tiền 46.000.000đ (bốn mươi sáu triệu đồng).

5.2. Án phí phúc thẩm:

- Trả lại cho Công ty Cổ B số tiền 2.000.000đ(hai triệu đồng) đã nộp tạm ứng theo Biên lai số 0002106, ngày 08/7/2020 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện T, thành phố Hải Phòng.

- Trả lại cho bà Phạm Thị L số tiền 2.000.000đ(hai triệu đồng) đã nộp tạm ứng án phí theo Biên lai số 002105, ngày 08/7/2020 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện T, thành phố Hải Phòng.

- Trả lại cho Ngân hàng A số tiền 2.000.000đ(hai triệu đồng) đã nộp tạm ứng án phí theo Biên lai số 002098, ngày 07/7/2020 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện T, thành phố Hải Phòng.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Trường hợp Bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tai các Điều 6, 7 và Điều 9 của Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

673
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 01/2021/KDTM-PT ngày 15/01/2021 về tranh chấp hợp đồng tín dụng và hợp đồng mua bán, sửa chữa tàu 

Số hiệu:01/2021/KDTM-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hải Phòng
Lĩnh vực:Kinh tế
Ngày ban hành:15/01/2021
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về