TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH SÓC TRĂNG
BẢN ÁN 01/2021/HS-PT NGÀY 11/01/2021 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH
Trong ngày 11-01-2021, tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Sóc Trăng xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số 78/2020/TLPT-HS ngày 29-10- 2020 đối với bị cáo Thạch S do có kháng cáo của bị cáo đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 38/2020/HS-ST ngày 22-9-2020 của Tòa án nhân dân huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng.
- Bị cáo có kháng cáo: Thạch S; Sinh năm: 1969; Nơi sinh: Huyện C, tỉnh Sóc Trăng; Nơi cư trú: Ấp P, xã A, huyện C, tỉnh Sóc Trăng; Nghề nghiệp: Làm thuê; Trình độ học vấn: Không biết chữ; Dân tộc: Khmer; Giới tính: Nam; Tôn giáo: Không; Quốc tịch: Việt Nam; Con ông Thạch P và bà Lý Thị T; Có vợ là Lâm Thị Sl, sinh năm 1964 và 05 người con, lớn nhất sinh năm 1990, nhỏ nhất sinh năm 2007; Tiền án: Không; Tiền sự: Không; Nhân thân: Tại Bản án số 03/2007/HS-ST ngày 05-02-2007 của Tòa án nhân dân huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng, Thạch S bị xử phạt 02 năm 06 tháng tù về tội “Trộm cắp tài sản” (đã chấp hành xong bản án và đã được xóa án tích); Bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú từ ngày 07-5-2020 cho đến nay. (có mặt) - Người bào chữa: Ông Nguyễn Văn N-luật sư cộng tác viên thực hiện trợ giúp pháp lý thuộc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Sóc Trăng; Địa chỉ Trung tâm: Số A, đường H, Phường D, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng. (có mặt) - Người phiên dịch tiếng Khmer: Bà Sơn Hồng V; Sinh năm: 1964; Dân tộc: Khmer; Nơi cư trú: Số A, đường L, Khóm D, Phường C, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng. (có mặt) - Những người không kháng cáo, không liên quan đến kháng cáo, Hội đồng xét xử phúc thẩm không triệu tập gồm: Bị hại Tăng Thái T; Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án Lâm Thị Sl; Người làm chứng NLC1, NLC2; Người báo tin về tội phạm Tăng Thái Q.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Vào ngày 05-3-2020, bị cáo Thạch S cùng vợ là bà Lâm Thị Sl đến nhà bà C ở ấp M, xã T, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng để phụ đám tang. Đến khoảng 02 giờ ngày 06-3-2020, Tăng Thái T đến đám tang và ngồi nhậu cùng bàn với Thạch S, NLC1, NLC2, Yên Kim H. Do mệt nên Thạch S nghỉ nhậu rồi đi nằm võng. Trong lúc nhậu Tăng Thái T và NLC1 nói đùa với nhau, Tăng Thái T đòi đánh NLC1 nên NLC1 nói “T ăn cứt được thì đánh NLC1”, thì bà Lâm Thị Sl nói lại câu nói của NLC1 nhiều lần. Nghe vậy, Tăng Thái T tức giận đạp ghế bà Sl đang ngồi, làm bà Sl té ngã xuống đất. Lúc này, Thạch S nói với T “Sao mày đánh đàn bà vậy?”, S lấy trong yên xe của S 01 cây dao dài 21cm, cán bằng nhựa đen dài 11cm, lưỡi bằng kim loại dài 10cm, S cầm dao trên tay phải, T xông tới cầm ghế nhựa đánh S, S đỡ và cầm dao đâm một cái trúng vào lưng T, T tiếp tục đánh S cái thứ hai thì S cầm dao đâm trúng hỏm nách trái của T làm dao gãy, lưỡi dao dính vào người T. Sau đó, T bỏ chạy ra ngoài thì gặp NLC2, SM đưa T đi cấp cứu, điều trị đến ngày 12-3-2020 thì xuất viện.
Tại Bản kết luận giám định pháp y về thương tích số 128/TgT-PY ngày 20- 4-2020 của Trung tâm Pháp y tỉnh Sóc Trăng kết luận đối với Tăng Thái T như sau: Tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên hiện tại là 49%. Tổn thương do vật sắc nhọn gây nên. Tổn thương nằm ở vùng gây nguy hiểm đến tính mạng. Trong đó: Vết thương hỏm nách trái gây thủng cơ tim, thủng thùy lưỡi phổi trái, tràn dịch màng phổi đã được phẩu thuật, khâu vết thương đường nách trước khoang liên sườn 2-3 bên trái, kích thước 3,5cm x 0,5cm và sẹo ngang ngực trái khoang liên sườn 4-5 bên trái, kích thước 17cm x 0,5cm. Tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên là 48%; Sẹo kích thước nhỏ vùng lưng trái, kích thước 02cm x 0,3cm, tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên hiện tại là 01%.
* Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 38/2020/HS-ST ngày 22-9-2020 của Tòa án nhân dân huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng QUYẾT ĐỊNH
- Căn cứ vào điểm c khoản 3 Điều 134; điểm b, điểm s khoản 1 Điều 51, khoản 2 Điều 51 và khoản 1 Điều 38 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
- Tuyên bố bị cáo Thạch S phạm tội “Cố ý gây thương tích”.
- Xử phạt bị cáo Thạch S 05 năm tù, thời gian chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt bị cáo đi thi hành án.
- Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn tuyên về xử lý vật chứng, trách nhiệm dân sự, án phí và quyền kháng cáo theo quy định pháp luật.
* Ngày 05-10-2020, bị cáo Thạch S kháng cáo xin giảm hình phạt.
* Tại phiên tòa phúc thẩm:
- Bị cáo Thạch S giữ nguyên kháng cáo xin giảm hình phạt, bổ sung kháng cáo xin hưởng án treo và xin miễn án phí sơ thẩm. Đồng thời, bị cáo xin miễn án phí phúc thẩm.
- Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Sóc Trăng đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm căn cứ vào Điều 356 và Điều 357 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, không chấp nhận phần kháng cáo của bị cáo Thạch S về việc xin giảm hình phạt và xin hưởng án treo, chấp nhận phần kháng cáo của bị cáo Thạch S về việc xin miễn án phí sơ thẩm, sửa bản án sơ thẩm đối với phần án phí.
- Người bào chữa trình bày: Bị cáo Thạch S là cá nhân thuộc hộ cận nghèo nên đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận kháng cáo của bị cáo về việc xin miễn án phí sơ thẩm. Hội đồng xét xử sơ thẩm đã áp dụng đầy đủ các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo nhưng hình phạt áp dụng đối với bị cáo là quá nghiêm khắc. Trong vụ án này, bị cáo Thạch S có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) nên đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm căn cứ vào khoản 1 Điều 54 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) để giảm hình phạt cho bị cáo.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận định như sau:
[1] Về tính hợp pháp của đơn kháng cáo và phạm vi xét xử phúc thẩm: Đơn kháng cáo của bị cáo Thạch S nộp trực tiếp cho Tòa án nhân dân huyện Trần Đề vào ngày 05-10-2020 là đúng quy định về người kháng cáo, thời hạn kháng cáo, hình thức, nội dung kháng cáo theo quy định tại các điều 331, 332 và 333 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Đồng thời, tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Thạch S bổ sung kháng cáo xin hưởng án treo và xin miễn án phí sơ thẩm là phù hợp với quy định của khoản 1 Điều 342 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Do đó, Hội đồng xét xử phúc thẩm xem xét nội dung kháng cáo của bị cáo Thạch S, về việc xin giảm hình phạt, xin hưởng án treo và xin miễn án phí sơ thẩm theo trình tự, thủ tục phúc thẩm.
[2] Về hành vi phạm tội của bị cáo Thạch S: Tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo Sơn khai nhận, vào lúc khoảng 02 giờ ngày 06-3-2020, tại nhà của bà C ở ấp M, xã T, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng, trong lúc nhậu Tăng Thái T và NLC1 có nói đùa thiếu tế nhị với nhau, thì bà Sl là vợ bị cáo S lập lại câu nói của NLC1 nhiều lần, nên T tức giận đạp ghế bà Sl đang ngồi làm bà Sl té ngã xuống đất. Lúc này, bị cáo S nói với T “Sao mày đánh đàn bà vậy?” và S lấy trong yên xe của S 01 cây dao dài 21cm, cán bằng nhựa đen dài 11cm, lưỡi bằng kim loại dài 10cm, S cầm dao trên tay phải, T xông tới cầm ghế nhựa đánh S, S đỡ và cầm dao đâm một cái trúng vào lưng T, T tiếp tục đánh S cái thứ hai thì S cầm dao đâm trúng hỏm nách trái của T làm dao gãy, lưỡi dao dính vào người T. Theo kết luận giám định, tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của bị hại T do thương tích gây nên hiện tại là 49%. Lời khai nhận của bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm là phù hợp với lời khai của bị cáo tại giai đoạn sơ thẩm, phù hợp lời khai của bị hại, phù hợp với lời khai của người làm chứng và các tài liệu, chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án. Xét bị cáo S gây thương tích cho bị hại T với tỷ lệ tổn thương cơ thể là 49% nên đã phạm tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 134 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Đồng thời, trong vụ án này, bị cáo S dùng cây dao có lưỡi bằng kim loại sắc bén gây thương tích cho bị hại T nên bị cáo phạm tội phạm tội thuộc trường hợp “Dùng hung khí nguy hiểm” theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 134 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Do đó, Hội đồng xét xử sơ thẩm kết luận bị cáo phạm tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 134 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) là có căn cứ và đúng quy định của pháp luật.
[3] Xét kháng cáo của bị cáo Thạch S, về việc xin giảm hình phạt: Khi lượng hình, Hội đồng xét xử sơ thẩm xác định bị cáo không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự và áp dụng đối với bị cáo các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự là bị cáo tự nguyện bồi thường thiệt hại cho bị hại; bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; bị cáo là người dân tộc Khmer, không biết chữ, gia đình thuộc hộ cận nghèo; bị hại có một phần lỗi; tại phiên tòa sơ thẩm, bị hại xin giảm hình phạt cho bị cáo, theo quy định tại điểm b, điểm s khoản 1 Điều 51 và khoản 2 Điều 51 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) là có căn cứ, đúng quy định pháp luật. Xét về mức hình phạt, Hội đồng xét xử sơ thẩm xử phạt bị cáo mức án 05 năm tù là phù hợp, đã tương xứng với mức độ, tính chất hành vi phạm tội, đặc điểm nhân thân của bị cáo, các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được áp dụng đối với bị cáo. Bị cáo kháng cáo xin giảm hình phạt nhưng tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo không cung cấp được tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự nào mới mà lẽ ra bị cáo được hưởng nhưng cấp sơ thẩm chưa áp dụng cho bị cáo. Do đó, Hội đồng xét xử phúc thẩm không chấp nhận đề nghị của người bào chữa, không chấp nhận phần kháng cáo xin giảm hình phạt của bị cáo.
[4] Xét kháng cáo của bị cáo Thạch S, về việc xin hưởng án treo: Xét bị cáo S bị xử phạt 05 năm tù. Vì vậy, bị cáo không đủ điều kiện để được xét cho hưởng án treo theo quy định tại Điều 65 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) và hướng dẫn tại Điều 2 của Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15-5- 2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Do đó, Hội đồng xét xử phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo xin hưởng án treo của bị cáo S.
[5] Xét kháng cáo của bị cáo Thạch S, về việc xin miễn án phí sơ thẩm: Hội đồng xét xử sơ thẩm không miễn án phí cho bị cáo là đúng quy định của pháp luật vì mặc dù bị cáo S là cá nhân thuộc hộ cận nghèo nhưng bị cáo không yêu cầu miễn án phí. Sau khi xét xử sơ thẩm, bị cáo S có đơn xin miễn án phí với lý do bị cáo là cá nhân thuộc hộ cận nghèo. Xét yêu cầu của bị cáo là phù hợp với quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 12, Điều 14 và khoản 6 Điều 15 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án, Hội đồng xét xử phúc thẩm miễn án phí hình sự sơ thẩm là 200.000 đồng và án phí dân sự sơ thẩm là 2.100.000 đồng cho bị cáo S.
[6] Từ những nhận định trên, Hội đồng xét xử phúc thẩm căn cứ vào Điều 357 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, chấp nhận đề nghị của đại diện Viện kiểm sát, chấp nhận một phần đề nghị của người bào chữa, không chấp nhận phần kháng cáo của bị cáo Thạch S về việc xin giảm hình phạt và xin hưởng án treo, chấp nhận phần kháng cáo của bị cáo Thạch S về việc xin miễn án phí sơ thẩm, sửa bản án sơ thẩm đối với phần án phí.
[7] Về án phí hình sự phúc thẩm: Căn cứ vào khoản 2 Điều 135, khoản 2 Điều 136 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015; điểm a khoản 2 Điều 23, điểm đ khoản 1 Điều 12, Điều 14 và khoản 6 Điều 15 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án. Do Hội đồng xét xử phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Thạch S về hình sự của bản án sơ thẩm nên bị cáo phải chịu án phí hình sự phúc thẩm là 200.000 đồng. Tuy nhiên, bị cáo S là cá nhân thuộc hộ cận nghèo và có đơn xin miễn án phí nên Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận miễn án phí hình sự phúc thẩm cho bị cáo Sơn.
[8] Các phần khác của bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
1. Căn cứ vào Điều 357 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
Không chấp nhận phần kháng cáo của bị cáo Thạch S, về việc xin giảm hình phạt và xin hưởng án treo. Chấp nhận phần kháng cáo của bị cáo Thạch S, về việc xin miễn án phí sơ thẩm.
Sửa phần án phí của Bản án hình sự sơ thẩm số 38/2020/HS-ST ngày 22-9- 2020 của Tòa án nhân dân huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng.
2. Căn cứ vào điểm c khoản 3 Điều 134; điểm b, điểm s khoản 1 Điều 51, khoản 2 Điều 51 và khoản 1 Điều 38 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Xử phạt bị cáo Thạch S 05 (Năm) năm tù về tội “Cố ý gây thương tích”, thời gian chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bị cáo tự nguyện đi chấp hành án hoặc ngày bắt bị cáo đi chấp hành án.
2. Về án phí sơ thẩm:
- Căn cứ vào khoản 2 Điều 135, khoản 2 Điều 136 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015; khoản 1 Điều 23, khoản 2 Điều 26, điểm đ khoản 1 Điều 12, Điều 14 và khoản 6 Điều 15 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12- 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
- Bị cáo Thạch S được miễn án phí hình sự sơ thẩm và án phí dân sự sơ thẩm.
3. Về án phí hình sự phúc thẩm:
- Căn cứ vào khoản 2 Điều 135, khoản 2 Điều 136 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015; điểm a khoản 2 Điều 23, điểm đ khoản 1 Điều 12, Điều 14 và khoản 6 Điều 15 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
- Bị cáo Thạch S được miễn án phí hình sự phúc thẩm.
4. Các phần quyết định khác của bản án hình sự sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
5. Bản án phúc thẩm này có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án 01/2021/HS-PT ngày 11/01/2021 về tội cố ý gây thương tích
Số hiệu: | 01/2021/HS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Sóc Trăng |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 11/01/2021 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về