TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN N, TỈNH ĐỒNG NAI
BẢN ÁN 01/2020/LĐ-ST NGÀY 16/06/2020 VỀ TRANH CHẤP TIỀN LƯƠNG VÀ TIỀN TRỢ CẤP THÔI VIỆC
Trong các ngày 10 tháng 6 năm 2020 và ngày 16 tháng 6 năm 2020 tại Trụ sở Tòa án nhân dân huyện N, tỉnh Đồng Nai xét xử sơ thẩm công khai vụ án lao động thụ lý số 02/2019/TLST-LĐ ngày 15 tháng 02 năm 2019 về việc “Tranh chấp tiền lương, tiền bảo hiểm thất nghiệp và tiền trợ cấp thôi việc” theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 127/2020/QĐXXST-LĐ ngày 10 tháng 3 năm 2020; Thông báo về việc thay đổi thời gian xét xử số 275/TB-TA ngày 10/4/2020; Quyết định tạm ngừng phiên tòa số 325/2020/QĐST-LĐ ngày 11/5/2020 và Thông báo về việc mở lại phiên tòa số 447/TB-TA ngày 26/5/2020 giữa các đương sự:
- Nguyên đơn: Ông Tôn Đức D, sinh năm 1969. Địa chỉ: Ấp B, xã P, huyện N, tỉnh Đồng Nai.
- Bị đơn: Công ty cổ phần L 45.1 Địa chỉ trụ sở chính: 138-140 Đ, phường Đ1, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh.
Đại diện theo Pháp luật của công ty: Ông Nguyễn Bá S, sinh năm 1967- Tổng giám đốc công ty.
Địa chỉ: Số nhà 11, Lô D, cư xá 30-4, phường 25, quận B, thành phố Hồ Chí Minh. Chỗ ở hiện tại: Số nhà A12 -3, cao ốc T, phường 26, quận B, thành phố Hồ Chí Minh.
Người đại diện theo ủy quyền: Ông Phạm Đình L, sinh năm 1978.
Địa chỉ: Tổ 14, ấp X, xã L, huyện L1, tỉnh Đồng Nai (theo văn bản ủy quyền ngày 26/3/2019) - Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Bảo hiểm xã hội tỉnh Đồng Nai.
Đại diện theo pháp luật: Ông Phạm Minh T – Giám đốc.
Đại diện theo ủy quyền: Bà Đinh Thị Phương H, sinh năm 1976 – chức vụ: Phó Chánh văn phòng Bảo hiểm xã hội tỉnh Đồng Nai. (Văn bản ủy quyền ngày 28/6/2019) (Ông D, ông L có mặt, bà H vắng mặt)
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo đơn khởi kiện 13/01/2019, các lời khai tại hồ sơ vụ án, nguyên đơn – ông Tôn Đức D trình bày:
Ông vào làm việc tại Xí nghiệp lắp máy 45 Tngày 08/8/1988. Đến năm 1991, xí nghiệp đổi thành Công ty lắp máy xây dựng 45.1. Năm 2007, nhà nước cổ phần hóa gọi là công ty cổ phần L 45.1.
Trong thời gian làm việc, ông D và Công ty cổ phần L 45.1 có ký kết Hợp đồng lao động số 478 ngày 21/3/2000. Hợp đồng là loại hợp đồng không xác định thời hạn. Công việc của ông D là vận hành xe tải gắn cẩu 10 tấn, biển số 51C – 58356.
Ông D làm việc liên tục tại công ty, có thời gian ông D nghỉ làm việc không hưởng lương từ tháng 11/2017 đến tháng 01/2018.
Công ty cổ phần L 45.1 đã đóng bảo hiểm xã hội cho ông từ tháng 8/1988 đến tháng 11/2018 là 29 năm 07 tháng (gián đoạn từ tháng 11/2017 đến tháng 01/2018 do nghỉ làm việc không hưởng lương và từ tháng 6/2018 đến tháng 11/2018 vẫn làm việc nhưng không được hưởng lương).
Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp từ tháng 01/2009 đến tháng 10/2017 và từ tháng 02/2018 đến tháng 5/2018 là 09 năm 02 tháng.
Từ ngày 01/6/2018, ông D nhận được Lệnh điều động số: 09/QLM-LĐĐ ngày 28/5/2018 của công ty cổ phần L 45.1 điều động xe tải gắn cẩu 10 tấn biển số 51C -58356, người vận hành: Tôn Đức D từ công ty Long P 1 đến công ty S (Sóc Trăng). Ngày 01/6/2018, ông D có văn bản đề xuất công ty cấp kinh phí như xăng, dầu, vé cầu đường số tiền 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng để ông D thực hiện di chuyển phương tiện xe cẩu, văn bản đề xuất ngày 29/5/2018 (bút lục 149) nhưng công ty không phê duyệt. Việc đề xuất của ông D thực hiện đúng theo quy định và điều lệ của công ty. Do không phê duyệt kinh phí nên ông D không thực hiện theo lệnh điều động số 09/QLM-LĐĐ ngày 28/5/2018 của công ty cổ phần L 45.1. Thời gian từ tháng 6,7,8/2018 xe và người nằm đậu ngoài công ty (nhà dân), không có bộ phận nào chấm lương cho ông D. Ông D có đơn đề nghị chấm lương tháng 6,7,8/2018 nhưng công ty không thực hiện việc chấm công cho ông. Tháng 5/2018, ông D có nhận văn bản thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động số 01/CT-TCHC/2019 ngày 25/5/2018 của công ty cổ phần L 45.1 thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động giữa công ty và ông D kể từ ngày 01/6/2018 đến hết ngày 31/10/2018. Ông D không đồng ý ký vào văn bản thỏa thuận vì văn bản đó ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của ông.
Đến ngày 01/10/2018 công ty cổ phần L 45.1 ra Thông báo về việc nghỉ không lương đối với ông D. Thời gian nghỉ không lương kể từ ngày 20/8/2018 đến khi công ty sắp xếp, bố trí được việc.
Ngày 05/10/2018, công ty có làm việc với ông D bố trí công việc thợ phụ mài, phụ hàn nhưng ông D không đồng ý vì không đúng ngành nghề của ông, chỉ thỏa thuận bằng lời nói, không L văn bản.
Ngày 06/11/2018, ông D làm đơn xin chấm dứt hợp đồng lao động.
Ngày 30/11/2018, công ty ra Quyết định số 300/CT-TCHC/2018 về việc cho thôi hợp đồng lao động đối với cán bộ công nhân viên là ông D.
Tuy nhiên, sau khi chấm dứt Hợp đồng lao động, đến ngày 24/01/2019 công ty mới mời ông D lên nhận sổ bảo hiểm xã hội. Sau khi ông D đi làm thủ tục để hưởng tiền trợ cấp thất nghiệp thì phát hiện sổ bảo hiểm xã hội bị đóng gián đoạn, ông không được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Do quyền và lợi ích bị xâm hại nên ông D khởi kiện công ty cổ phần L 45.1 yêu cầu công ty cổ phần L 45.1 phải trả:
1/ Trả tiền lương cho ông D trong thời gian làm việc từ ngày 01/6/2018 đến ngày 20/8/2018 là 2 tháng 20 ngày x 11.000.000 đồng/tháng = 29.000.000 đồng.
2/ Tiền lương từ ngày 01/9/2018 đến ngày 30/11/2018 (ngày ra Quyết định số 300/CT-TCHC/2018) được hưởng 75% của tiền lương cơ bản trên 01 tháng x 03 tháng = 11.900.000 đồng.
3/ Tiền bảo hiểm thất nghiệp từ tháng 01/2009 đến ngày 30/11/2018 là 09 năm được hưởng 09 tháng là 5.300.000 đồng x65%x9 tháng =31.000.000 đồng.
4/ Tiền trợ cấp thôi việc từ tháng 8/1988 đến 30/12/2008 là 20 năm 04 tháng tính theo mức bình quân 06 tháng liền kề trước khi nghỉ việc là 5.300.000 đồng x(1/2)x 20 năm 04 tháng =55.000.000 đồng.
Tổng cộng ông D yêu cầu công ty cổ phần L 45.1 phải trả là 126.900.000 đồng.
Tại phiên tòa hôm nay, ông D yêu cầu công ty cổ phần L 45.1 trả ông tiền lương từ thời gian 01/6/2018 đến 20/8/2018 là 02 tháng 20 ngày x 5.373.000 đồng = 14.879.000 đồng (mức lương 5.373.000 đồng/tháng là mức lương cơ bản công ty đóng bảo hiểm xã hội cho ông D); tiền lương từ ngày 01/9/2018 đến 30/11/2019 = 3 tháng x 5.373.000 đồng/tháng x 75%=12.089.000 đồng và tiền trợ cấp thôi việc từ tháng 8/1988 đến ngày 30/12/2018 là 20 năm 04 tháng x (1/2) x 5.337.000 đồng = ½ x 5.373.000 đồng (lương 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc) x 20 năm = 53.730.000 đồng. Tổng số tiền ông D yêu cầu công ty cổ phần L phải trả là 80.898.000 đồng.
Đồng thời, tại phiên tòa, ông D xin rút yêu cầu khởi kiện đối với việc buộc công ty cổ phần L 45.1 trả tiền trợ cấp thất nghiệp từ tháng 01/2009 đến ngày 30/11/2018 là 09 năm được hưởng 09 tháng là 5.300.000 đồng/tháng x65%x9 tháng =31.000.000 đồng. Việc rút một phần yêu cầu khởi kiện của ông D là hoàn toàn tự nguyện.
Ngoài ra, ông D không yêu cầu gì thêm.
Bị đơn – công ty cổ phần L 45.1 do đại diện theo ủy quyền ông Phạm Đình L trình bày:
Về thời gian bắt đầu làm việc, ký hợp đồng lao động giữa công ty cổ phần L 45.1 và ông D như ông D trình bày là đúng.
Ông D làm việc liên tục tại công ty, có thời gian ông D nghỉ làm việc không hưởng lương từ tháng 11/2017 đến tháng 01/2018.
Công ty đã đóng bảo hiểm xã hội từ tháng 8/1988 đến tháng 11/2018, gián đoạn từ tháng 11/2017 đến tháng 01/2018 và từ tháng 6/2018 đến tháng 11/2018 do nghỉ làm việc không hưởng lương.
Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp từ tháng 01/2009 đến tháng 10/2017 và từ tháng 02/2018 đến tháng 5/2018.
Ngày 28/5/2018, công ty có lệnh điều động số 09/QLM-LĐĐ điều động xe tải gắn cẩu 10 tấn biển số 51C-58356, người vận hành Tôn Đức D từ công ty Long P 1 đến công ty S. Thời gian từ ngày 01/6/2018, ông D không có văn bản đề nghị tạm ứng kinh phí hay yêu cầu gì đối với công ty nên công ty không xem xét. Theo quy định của công ty, khi ông D được lệnh điều động thì ông D phải thực hiện theo lệnh. Ông D trình bày do Công ty và Đội công trình không tạm ứng kinh phí cho ông nên ông không thực hiện lệnh điều động là không đúng. Việc đề nghị tạm ứng kinh phí theo yêu cầu của người được điều động là yêu cầu cá nhân không có quy định trong quy chế, điều lệ công ty.
Thời gian từ ngày 01/6/2018 đến tháng 8/2018, ông D không có làm việc tại công ty, không vận hành xe nên công ty không chấm lương cho ông D.
Ngày 25/5/2018, công ty có văn bản thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động số 01/CT-TCHC/2019 giữa công ty cổ phần L 45.1 với ông D là đúng theo thỏa thuận giữa công ty và ông D, văn bản này nhằm hợp thức hóa để cho ông D hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Đến tháng 9/2018, công ty có sắp xếp bố trí cho ông D công việc phụ cẩu tại nhà máy cơ khí L 45.1, địa chỉ: Lô 11, đường T, khu công nghiệp 1 N, huyện N, tỉnh Đồng Nai nhưng ông D không đồng ý.
Ngày 01/10/2018, công ty ra Thông báo về việc giải quyết nghỉ không lương đối với cán bộ công nhân viên ông D. Thời gian nghỉ không lương từ ngày 20/8/2018 đến khi công ty sắp xếp, bố trí được việc.
Đến ngày 06/11/2018, ông D làm đơn xin chấm dứt Hợp đồng. Ngày 30/11/2018, công ty ra Quyết định số 300/CT-TCHC/2018 về việc cho thôi hợp đồng lao động đối với cán bộ công nhân viên là ông D.
Tại đơn khởi kiện, ông D yêu cầu công ty cổ phần L 45.1 phải trả các khoản tiền cụ thể:
1/ Trả tiền lương cho ông D trong thời gian làm việc từ ngày 01/6/2018 đến ngày 20/8/2018, cụ thể 01 tháng =11.000.000 đồng x 2 tháng 20 ngày = 29.000.000 đồng. Công ty không đồng ý vì: Ông D căn cứ mức lương 11.000.000 đồng/tháng là không có căn cứ, công ty không chấp nhận.
2/ Trả tiền lương từ ngày 01/9/2018 đến ngày 30/11/2018 (ngày ra Quyết định số 300/CT-TCHC/2018) được hưởng 75% của tiền lương cơ bản trên 01 tháng x03 tháng = 11.900.000 đồng là không có căn cứ nên công ty không chấp nhận.
3/ Trả tiền bảo hiểm thất nghiệp từ tháng 01/2009 đến ngày 30/11/2018 là 09 năm được hưởng 09 tháng là 5.300.000 đồng x65%x9 tháng =31.000.000 đồng. Công ty không đồng ý với yêu cầu này vì tiền bảo hiểm thất nghiệp người sử dụng lao động không phải chi trả mà do cơ quan bảo hiểm chi trả.
4/ Trả tiền trợ cấp thôi việc từ tháng 8/1988 đến 30/12/2008 là 20 năm 04 tháng tính theo mức bình quân 06 tháng liền kề trước khi nghỉ việc là 5.300.000 đồng x(1/2)x 20 năm 04 tháng =55.000.000 đồng.
Cách tính trợ cấp thôi việc của ông D là chưa chính xác vì tại Hợp đồng lao động số 478 ngày 21/3/2000, trong hợp đồng ghi từ thời gian làm việc tính từ ngày 01/01/1995, ông D làm việc theo loại hợp đồng lao động không xác định thời hạn. Do đó, trợ cấp thôi việc được tính từ ngày 01/01/1995 cho đến ngày 31/12/2008.Tổng số năm tính trợ cấp thôi việc là 14 năm.
Mức bình quân lương 06 tháng liền kề trước khi nghỉ việc là 5.373.000 đồng.
Yêu cầu của ông D buộc công ty trả tiền trợ cấp thôi việc việc từ tháng 8/1988 đến 30/12/2008 là 20 năm 04 tháng tính theo mức bình quân 06 tháng liền kề trước khi nghỉ việc là 5.300.000 đồng x(1/2)x 20 năm 04 tháng =55.000.000 đồng là không có căn cứ, công ty không chấp nhận.
Tại phiên tòa, công ty cổ phần L 45.1 đưa ra phương án thỏa thuận trả ông D số tiền tổng cộng là 50.000.000 đồng, chia làm 02 đợt, đợt 1 trả 25.000.000 đồng vào ngày 31/7/2020, đợt 2 trả số tiền còn lại vào ngày 31/12/2020 nhưng ông D không đồng ý. Ông D đồng ý thỏa thuận nhận số tiền 50.000.000 đồng nhưng công ty phải trả cho ông một lần ngay trong tháng. Do đó, việc thỏa thuận giữa hai bên không T, ông D vẫn yêu cầu công ty cổ phần L trả tiền lương và trợ cấp thôi việc tổng cộng là 80.898.000 đồng.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Bảo hiểm xã hội tỉnh Đồng Nai có đại diện theo ủy quyền bà Đinh Thị Phương H có ý kiến trình bày:
Căn cứ vào quá trình tham gia bảo hiểm xã hội, đóng bảo hiểm thất nghiệp của ông Tôn Đức D tại công ty cổ phần L 45.1, bảo hiểm xã hội tỉnh Đồng Nai xác nhận như sau:
Ông Tôn Đức D, sinh năm 1969, mã số BHXH 4797098086:
- Có quá trình tham gia đóng bảo hiểm xã hội từ tháng 8/1988 đến tháng 11/2018 là 29 năm 07 tháng (gián đoạn từ tháng 11/2017 đến tháng 01/2018 và từ tháng 6/2018 đến tháng 11/2018 do nghỉ làm việc không lương).
- Có thời gian tham gia đóng bảo hiểm thất nghiệp từ tháng 01/2009 đến tháng 10/2017 và từ tháng 02/2018 đến tháng 05/2018 là 09 năm 02 tháng (Kèm theo Bản ghi quá trình đóng BHXH, BHTN của ông D). Chế độ bảo hiểm thất nghiệp của ông D: Ông Tôn Đức D có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp nhưng chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp là 09 năm 02 tháng.
Thời gian chưa hưởng được bảo lưu làm căn cứ để tính thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp cho lần hưởng trợ cấp thất nghiệp tiếp theo khi đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định.
Căn cứ Điều 49 Luật Việc làm và căn cứ khoản 2 Điều 12 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số Điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp, căn cứ vào vào thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp của ông D, tháng 11/2018 là tháng liền kề trước khi ông chấm dứt hợp đồng lao động – ông nghỉ làm việc không lương – không thuộc đối tượng phải đóng bảo hiểm thất nghiệp nên ông không phải là người đóng bảo hiểm thất nghiệp trước khi chấm dứt hợp đồng lao động. Vì vậy, ông D không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Trong trường hợp nếu Tòa án xác định và tuyên công ty cổ phần L 45.1 phải chấm công và trả lương từ ngày 01/6/2018 đến ngày 19/8/2018 và phải trả tiền lương ngừng việc do công ty chưa sắp xếp, bố trí được việc từ ngày 20/8/2018 đến ngày 30/11/201 cho ông Tôn Đức D thì công ty phải truy đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp cho người lao động các tháng 6,7,8 năm 2018 theo mức tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của ông D, truy đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp các tháng 9, 10, 11 năm 2018 theo mức tiền lương ông D được hưởng trong thời gian ngừng việc và tiền lãi truy thu theo quy định.
Về chi trả bảo hiểm thất nghiệp, quy định tại Luật Việc làm số 38/2013/QH13 và các văn bản thi hành, đối với trường hợp của ông D, nếu do lỗi của công ty và công ty phải đóng bảo hiểm thất nghiệp cho ông D từ tháng 6/2018 đến tháng 11/2018, thì khi chấm dứt hợp đồng lao động ông thuộc đối tượng đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Tuy nhiên, về thời gian nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp của ông đã quá thời hạn nên ông không thể thực hiện nộp hồ sơ để hưởng trợ cấp thất nghiệp. Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp của ông D nhưng chưa được hưởng trợ cấp thất nghiệp được bảo lưu, sau này khi có đủ điều kiện theo quy định tại Điều 49 Luật Việc làm thì yêu cầu hưởng.
Bà H có đơn xin vắng mặt tại phiên tòa xét xử đề ngày 28/6/2019.
Ý kiến của đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện N:
- Trong quá trình thụ lý giải quyết vụ án và tại phiên tòa, Thẩm phán, Hội đồng xét xử và Thư ký phiên tòa đã tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về tố tụng. Nguyên đơn và bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự. Tuy nhiên, vụ án vẫn chưa đảm bảo về thời hạn chuẩn bị xét xử.
- Về nội dung vụ án: Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và lời trình bày của các đương sự tại phiên tòa, đề nghị Hội đồng xét xử:
+ Đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu buộc công ty cổ phần L 45.1 phải trả tiền bảo hiểm thất nghiệp từ tháng 01/2009 đến ngày 30/11/2018 là 09 năm được hưởng 09 tháng là 5.300.000 đồng x 65% x 9 tháng =31.000.000 đồng cho ông D do nguyên đơn ông Tôn Đức D rút đơn khởi kiện đối với yêu cầu này tại phiên tòa, việc rút đơn của ông D là hoàn toàn tự nguyện.
+ Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông D buộc công ty cổ phần L 45.1 phải trả tiền lương và trợ cấp thôi việc là 80.898.000 đồng.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa; sau khi nghe các đương sự trình bày, căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:
[1] Về quan hệ pháp luật tranh chấp và thẩm quyền giải quyết của Tòa án: Nguyên đơn ông Tôn Đức D khởi kiện yêu cầu công ty cổ phần L 45.1 phải trả tiền lương trong những ngày làm việc tại công ty nhưng không được chấm công và tiền trợ cấp thôi việc nên xác định quan hệ pháp luật trong vụ án này là: “Tranh chấp tiền lương và tiền trợ cấp thôi việc”.
Căn cứ theo quy định tại Điều 32; Điều 35 và điểm đ khoản 1 Điều 40 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 xác định vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân huyện N, tỉnh Đồng Nai.
[2] Về tố tụng: Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là Bảo hiểm xã hội tỉnh Đồng Nai có đại diện theo ủy quyền là bà Đinh Thị Phương H có đơn xin xét xử vắng mặt. Do đó, Hội đồng xét xử áp dụng Điều 227 và khoản 1 Điều 228 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 xét xử vắng mặt người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
[3] Về thời hiệu khởi kiện: Ngày 30/11/2018, Công ty ban hành Quyết định về việc cho thôi Hợp đồng lao động đối với cán bộ công nhân viên số :
300/CT –TCHC/2018, ngày 13/01/2019 ông Tôn Đức D nộp đơn khởi kiện về việc “ Tranh chấp tiền lương, tiền bảo hiểm thất nghiệp và trợ cấp thôi việc” với công ty cổ phần L 45.1, như vậy theo quy định tại khoản 2 Điều 202 Bộ luật lao động năm 2012, vụ án vẫn còn trong thời hiệu khởi kiện.
[4] Về điều kiện khởi kiện: Tại đơn khởi kiện ban đầu, tranh chấp giữa nguyên đơn và bị đơn liên quan đến tiền lương, tuy chưa hòa giải nhưng ngày 11/5/2020, Tòa án đã tạm ngừng phiên tòa để yêu cầu bổ sung thủ tục hòa giải và tranh chấp trên đã thông qua thủ tục hòa giải của Hòa giải viên lao động theo Biên bản hòa giải vụ tranh chấp lao động ngày 26/5/2020 của Phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện N theo quy định tại khoản 1 Điều 201 của Bộ luật lao động năm 2012 và khoản 1 Điều 32 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.
[5] Xét yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Tôn Đức D:
[5.1] Đối với yêu cầu khởi kiện buộc công ty cổ phần L 45.1 phải trả tiền lương cho ông D trong thời gian làm việc từ ngày 01/6/2018 đến ngày 20/8/2018 là 02 tháng 20 ngày x 5.373.000 đồng/tháng = 14.879.000 đồng (mức lương 5.373.000 đồng/tháng là mức lương cơ bản công ty đóng bảo hiểm xã hội cho ông D).
Căn cứ vào sự thừa nhận của các đương sự và Điều 92 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, Tòa án khẳng định giữa ông Tôn Đức D và công ty cổ phần L 45.1 đã ký hợp đồng không xác định thời hạn, phù hợp với quy định tại Điều 16 và điểm a khoản 1 Điều 22, Điều 23 Bộ luật lao động năm 2012.
Hội đồng xét xử nhận thấy: Ngày 28/5/2018, công ty cổ phần L 45.1 có Lệnh điều động số 09/QLM-LĐĐ ngày 28 tháng 05 năm 2018 điều động xe tải Sino 10 tấn gắn cẩu Sany, biển số 51C-58356, người vận hành Tôn Đức D, điều động xe từ CT Long Phú 1 đến CT Sông Hậu 1 (Sóc Trăng), thời gian thực hiện từ 01/6/2018. Tại đơn khởi kiện; bản tự khai; các biên bản làm việc và tại phiên tòa cho thấy ông Tôn Đức D mặc dù không vận hành xe từ công ty Long Phú 1 đến công ty Sông Hậu 1 theo Lệnh điều động của công ty nhưng trong thời gian từ ngày 01/6/2018 đến ngày 30/8/2018, ông D vẫn trông coi, quản lý xe tại khu vực ngoài nhà dân, nghĩa là vẫn làm việc cho công ty cổ phần L 45.1và là công nhân của công ty cổ phần L 45.1.
Lý do ông D không vận hành xe từ công ty Long P1 đến công ty S 1 là do ông D đã có đơn tường trình và đề nghị gửi Tổng giám đốc và ban lãnh đạo công ty đề nghị công ty tạm ứng tiền chi phí cho việc vận hành di chuyển phương tiện từ công trình Sóc Trăng đến công trình sông Hậu, đồng thời có tiền để mua nhiên liệu phục vụ sản xuất tại công trình mới nhưng phía công ty không chấp nhận đề nghị của ông D, bản thân ông D và phương tiện vẫn nằm chờ tại nhà máy điện Sóc Trăng. Đến ngày 13 /8/2018, ông D, sau khi được công ty cấp kinh phí điều động di chuyển xe cẩu từ công trình Long Phú 1 về nhà máy cơ khí L 45.1 tại N, ông D đã thực hiện lệnh điều động ngày 13/8/2018.
Đại diện công ty L 45.1 cho rằng ông D không có văn bản đề nghị tạm ứng kinh phí hay yêu cầu gì đối với công ty nên công ty không xem xét và theo quy định, ông D phải thực hiện lệnh điều động. Do thời gian từ 01/6/2018 đến 30/8/2018 ông D không làm việc tại công ty, không vận hành xe nên công ty không chấm lương cho ông D. Việc đề nghị tạm ứng kinh phí theo yêu cầu của người được điều động không có trong quy định, nội quy và thỏa ước tập thể cũng như điều lệ công ty.
Ngày 15/10/2018, ông D có làm đơn gửi Ban lãnh đạo công ty kiến nghị và yêu cầu được chấm công thời gian tháng 6,7,8/2018 để được hưởng lương theo quy định nhưng Ban lãnh đạo công ty cho rằng việc chấm lương là không có căn cứ do ông D đã không tuân thủ lệnh điều động của công ty.
Xét, yêu cầu của ông Tôn Đức D là có căn cứ, bởi lẽ trong thời gian từ 01/6/2018 đến 30/8/2018, tuy ông D nằm ngoài công trường trông coi xe và quản lý thiết bị đối với xe cẩu biển số 51C-58356 nhưng ông D vẫn là công nhân công ty cổ phần L 45.1. Đại diện công ty cũng thừa nhận việc đề nghị tạm ứng kinh phí theo yêu cầu của người được điều động không có trong quy định, nội quy và thỏa ước tập thể cũng như điều lệ công ty, như vậy công ty phải có nghĩa vụ cấp kinh phí xăng xe, chi phí vé cầu đường cho ông D, nhưng phía công ty không thực hiện. Do đó, Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông D về việc yêu cầu công ty thanh toán tiền lương tháng 6,7,8/2018 cho ông D. Buộc công ty cổ phần L 45.1 phải trả cho ông D tiền lương tháng 6,7,8 là 5.373.000 đồng x 2 tháng 20 ngày = 14.879.000 đồng.
[5.2] Đối với yêu cầu buộc công ty cổ phần L 45.1 trả tiền lương cho ông D thời gian từ ngày 01/9/2018 đến ngày 30/11/2018 (ngày ra Quyết định số 300/CT-TCHC/2018) là 3 tháng x 5.373.000 đồng/tháng x 75% = 12.089.000 đồng.
Theo quy định tại Điều 31 Bộ luật lao động năm 2012 và Điều 8 Nghị định 05/2015/NĐ-CP ngày 12/01/2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật lao động thì người sử dụng lao động chuyển người lao động sang làm công việc khác so với hợp đồng trong các trường hợp sau:
a) Thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh;
b) Áp dụng biện pháp ngăn ngừa, khắc phục tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
c) Sự cố điện, nước;
d) Do nhu cầu sản xuất, kinh doanh.
Và người sử dụng lao động phải báo trước cho người lao động ít nhất 03 ngày làm việc, thông báo rõ thời hạn làm tạm thời và bố trí công việc phù hợp với sức khỏe của người lao động.
Tại các biên bản có trong hồ sơ vụ án và tại phiên tòa thể hiện giữa công ty cổ phần L 45.1 và ông D có trao đổi với nhau về việc sắp xếp ông D sang làm công việc khác tại công ty nhưng ông D không đồng ý. Việc trao đổi trên không được hai bên thống nhất, đồng thời công ty không thông báo công việc cụ thể ông D phải làm tạm thời và cũng không L thành văn bản. Ngày 31/10/2018, ông D mới nhận được thông báo ngày 01/10/2018 của công ty về thời gian nghỉ không lương từ 20/8/2018 đến khi công ty sắp xếp, bố trí được việc. Ông D không đồng ý với Thông báo trên. Trong thời gian từ 20/8/2018 đến 30/11/2018 ông D không được trả lương.
Như vậy, Hội đồng xét xử xét thấy có cơ sở chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông D đối với việc buộc công ty phải thanh toán tiền lương trong thời gian từ 01/9/2018 đến 30/11/2018 là 5.373.000 đồng x 3 tháng x 75% = 12.089.000 đồng.
[5.3] Đối với yêu cầu buộc công ty cổ phần L 45.1 phải trả tiền bảo hiểm thất nghiệp cho ông D từ tháng 01/2009 đến ngày 30/11/2018 là 09 năm được hưởng 09 tháng là 5.300.000 đồng x 65%x9 tháng =31.000.000 đồng.
Tại phiên tòa, nguyên đơn ông Tôn Đức D rút yêu cầu về việc yêu cầu công ty phải trả tiền bảo hiểm thất nghiệp, việc ông D rút yêu cầu là hoàn toàn tự nguyện và đúng quy định pháp luật do đó Hội đồng xét xử đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu này.
[5.4] Đối với yêu cầu buộc công ty cổ phần L 45.1 phải trả tiền trợ cấp thôi việc từ tháng 8/1988 đến 30/12/2008 cho ông D thời gian là 20 năm 04 tháng tính theo mức bình quân 06 tháng liền kề trước khi nghỉ việc là ½ x 5.373.000 đồng/tháng x 20 năm = 53.730.000 đồng Thời gian từ 01/01/2009, người sử dụng đã đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động nên người lao động không được hưởng trợ cấp thôi việc. Do đó, căn cứ theo quy định tại Điều 48 Luật Lao động và Nghị định 05/2015/NĐ-CP ngày 12/01/2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật lao động thì công ty cổ phần L 45.1 phải trả tiền trợ cấp thôi việc cho ông D thời gian từ tháng 8/1988 đến ngày 30/12/2018 là 20 năm 04 tháng, làm tròn là 20 năm x (1/2) x 5.337.000 đồng (lương 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc) = 53.730.000 đồng.
Việc công ty chỉ đồng ý trả tiền trợ cấp cho ông D từ thời điểm 01/01/1995 theo hợp đồng lao động đã ký kết là không đúng vì trên thực tế ông D đã vào làm việc cho công ty từ tháng 8/1988 và được công ty thừa nhận, đồng thời công ty cũng đóng bảo hiểm xã hội cho ông Tôn Đức D từ tháng 8/1988.
Do đó, Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông D, buộc công ty cổ phần L 45.1 phải trả số tiền trợ cấp thôi việc cho ông D là 53.730.000 đồng.
[6] Về án phí: Nguyên đơn không phải nộp án phí lao động; bị đơn công ty cổ phần L 45.1 phải chịu án phí lao động theo quy định của pháp luật.
[7] Ý kiến của đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện N phù hợp với nhận định của Hội đồng xét xử nên chấp nhận.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ Điều 32; Điều 35 và điểm đ khoản 1 Điều 40 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015; Điều 147, Điều 227, khoản 1 Điều 228, Điều 271 và Điều 273 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;
Áp dụng Điều 15, 22, 31, 48, 90, 201 Luật Lao động năm 2012; Nghị định 05/2015/NĐ-CP ngày 12/01/2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật lao động năm 2012; Nghị quyết số 326/2016/NQ- UBTVQH14 ngày 30-12-2016, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Toà án.
Tuyên xử:
1. Đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Tôn Đức D đối với bị đơn công ty cổ phần L 45.1 về việc “Tranh chấp tiền bảo hiểm thất nghiệp”. Ông D được quyền khởi kiện lại yêu cầu trên theo quy định của pháp luật.
2. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Tôn Đức D đối với bị đơn công ty cổ phần L 45.1 về việc “ Tranh chấp tiền lương và tiền trợ cấp thôi việc”.
Xử buộc công ty cổ phần L 45.1 có nghĩa vụ thanh toán cho ông D tiền lương từ ngày 01/6/2018 đến ngày 20/8/2018 là 14.879.000 đồng (mười bốn triệu, tám trăm bảy mươi chín nghìn đồng) và tiền lương từ ngày 01/9/2018 đến ngày 30/11/2018 là 12.089.000 đồng (mười hai triệu, không trăm tám mươi chín nghìn đồng); tiền trợ cấp thôi việc là 53.730.000 đồng (năm mươi ba triệu, bảy trăm ba mươi nghìn đồng).
Tổng số tiền công ty cổ phần L 45.1 phải có nghĩa vụ thanh toán cho ông D là 80.898.000 đồng (tám mươi triệu, tám trăm chín mươi tám nghìn đồng).
Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật (đối với các trường hợp cơ quan thi hành án có quyền chủ động ra quyết định thi hành án hoặc kể từ ngày có đơn thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự 2015.
3. Về án phí: Công ty cổ phần L 45.1 phải chịu 2.420.940 đồng (hai triệu, bốn trăm hai mươi nghìn, chín trăm bốn mươi đồng) án phí lao động sơ thẩm.
4. Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.
5. Các đương sự có mặt được quyền kháng cáo bản án trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Các đương sự vắng mặt được quyền kháng cáo bản án trong hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc tống đạt hợp lệ bản án.
Bản án 01/2020/LĐ-ST ngày 16/06/2020 về tranh chấp tiền lương và tiền trợ cấp thôi việc
Số hiệu: | 01/2020/LĐ-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Huyện Nhơn Trạch - Đồng Nai |
Lĩnh vực: | Lao động |
Ngày ban hành: | 16/06/2020 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về