Bản án về tranh chấp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động số 01/2020/LĐ-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH DƯƠNG

BẢN ÁN 01/2020/LĐ-PT NGÀY 14/01/2020 VỀ TRANH CHẤP ĐƠN PHƯƠNG CHẤM DỨT HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG

Ngày 14 tháng 01 năm 2020, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương mở phiên tòa xét xử phúc thẩm công khai vụ án lao động thụ lý số 14/2019/TLPT-LĐ ngày 02/12/2019 về việc “tranh chấp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động”.

Do Bản án lao động sơ thẩm số 02/2019/LĐ-ST ngày 21/8/2019 của Tòa án nhân dân thị xã BC, tỉnh Bình Dương bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 14/2019/QĐXXPT-LĐ ngày 18/12/2019, giữa:

1. Nguyên đơn: Bà Dương Hồng Ph, sinh năm 1978; địa chỉ: Đường Thích Quảng Đức, tổ 9, khu 2, phường PC, thành phố TDM, tỉnh Bình Dương.

Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn: Ông Lưu Văn B, sinh năm 1977; địa chỉ: Ấp 2, xã PVT, huyện CG, tỉnh Long An; địa chỉ liên hệ: Khu phố TL, phường AT, thị xã TA, tỉnh Bình Dương (theo Giấy ủy quyền ngày 14/8/2019); có mặt.

2. Bị đơn: Công ty Trách nhiệm hữu hạn S Vina; trụ sở: Khu Công nghiệp MP, phường TH, thị xã BC, tỉnh Bình Dương.

Người đại diện hợp pháp của bị đơn: Ông Hong Sung W, sinh năm 1981; địa chỉ: Khu Công nghiệp MP, phường TH, thị xã BC, tỉnh Bình Dương (theo Giấy ủy quyền ngày 13/3/2019); có đơn xin vắng mặt.

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Ông Hong Sung W, sinh năm 1981; địa chỉ: Khu Công nghiệp MP, phường TH, thị xã BC, tỉnh Bình Dương; có đơn xin vắng mặt.

4. Người kháng cáo: Bà Dương Hồng Ph, sinh năm 1978; địa chỉ: Đường Thích Quảng Đức, tổ 9, khu 2, phường PC, thành phố TDM, tỉnh Bình Dương là nguyên đơn trong vụ án.

NỘI DUNG VỤ ÁN

* Theo đơn khởi kiện đề ngày 19/02/2019, Đơn sửa đổi, bổ sung nội dung yêu cầu khởi kiện đề ngày 17/5/2019 và trong quá trình giải quyết vụ án, phía nguyên đơn bà Dương Hồng Ph (sau đây gọi tắt là bà Ph) trình bày: Bà Ph vào làm việc tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn S Vina (sau đây gọi tắt là Công ty) từ ngày 15/10/2018. Sau khi hết thời gian thử việc 02 tháng, Công ty với bà Ph ký kết Hợp đồng lao động ngày 15/12/2018 với thời hạn 01 năm (từ ngày 15/12/2018 đến ngày 14/12/2019); chức vụ là Trưởng phòng nhân sự với mức lương là 18.010.000 đồng/tháng. Ngày 27/12/2018, bà Ph bị ốm nên gửi email cho ông Hong Sung W, chức vụ là Giám đốc quản lý điều hành để xin nghỉ từ ngày 27/12/2018 đến ngày 10/01/2019. Ngày 11/01/2019, bà Ph quay trở lại Công ty làm việc. Tuy nhiên, khi vào Công ty làm việc, ông Hong Sung W đã ép buộc, gây áp lực để bà Ph viết đơn xin nghỉ việc, nếu không viết đơn xin nghỉ việc thì Công ty sẽ chuyển bà Ph xuống làm tổng vụ hoặc nhân viên vệ sinh. Vì vậy, bà Ph phải viết đơn xin nghỉ việc vào ngày 11/01/2019. Theo Đơn xin nghỉ việc ngày 11/01/2019, bà Ph xin nghỉ việc từ ngày 01/3/2019 nhưng Công ty đã ban hành quyết định cho bà Ph nghỉ việc ngay trong ngày 11/01/2019 là trái pháp luật và trái với ý chí tự nguyện của bà Ph. Do đó, bà Ph khởi kiện yêu cầu Công ty phải bồi thường cho bà Ph các khoản gồm:

- 06 tháng tiền lương (tạm tính từ ngày 11/01/2019 đến ngày 12/7/2019) x 18.010.000 đồng/tháng = 108.060.000 đồng;

- 02 tháng tiền lương do đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật là 36.020.000 đồng;

- Yêu cầu Công ty nhận bà Ph trở lại làm việc. Nếu Công ty không đồng ý thì phải bồi thường 02 tháng tiền lương để chấm dứt hợp đồng là 36.020.000 đồng.

Tại phiên tòa sơ thẩm, nguyên đơn yêu cầu Hội đồng xét xử giải quyết gồm:

- Buộc Công ty bồi thường 07 tháng tiền lương (tính từ ngày 11/01/2019 đến12/8/2019) x 18.010.000 đồng/tháng = 126.070.000 đồng;

- Buộc Công ty bồi thường 02 tháng tiền lương do đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật là 36.020.000 đồng;

- Yêu cầu Công ty nhận bà Ph trở lại làm việc. Nếu Công ty không đồng ý thì phải bồi thường 02 tháng tiền lương là 36.020.000 đồng;

- Buộc Công ty bồi thường 01 tháng tiền lương do vi phạm thời hạn báo trước

là 18.010.000 đồng.

- Buộc Công ty bồi thường 0,5 tháng tiền lương trợ cấp thôi việc là 9.005.000 đồng.

- Buộc Công ty tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho bà Ph kể từ ngày 12/01/2019 đến ngày 12/8/2019.

- Yêu cầu hủy Quyết định số 01/QĐNV-SJF ngày 11/01/2019 và Quyết định số 01/QĐĐC-SJF ngày 18/01/2019 của Công ty.

* Tại bản tự khai ngày 17/6/2019 và trong quá trình giải quyết vụ án, bị đơn Công ty Trách nhiệm hữu hạn S Vina (sau đây gọi tắt là Công ty) trình bày: Bà Ph vào làm việc tại Công ty theo Hợp đồng lao động số VN10565/HĐCT1 ngày 15/12/2018 với thời hạn 01 năm, từ ngày 15/12/2018 đến ngày 14/12/2019; chức vụ là Trưởng phòng nhân sự, mức lương 18.010.000 đồng/tháng và 50.000 đồng tiền thâm niên mỗi tháng. Tổng mức lương thực lãnh hàng tháng của bà Ph là 18.060.000 đồng. Từ ngày 27/12/2018 đến ngày 10/01/2019, bà Ph tự ý nghỉ việc không xin phép Công ty. Ngày 11/01/2019, bà Ph quay trở lại Công ty làm việc. Khi bà Ph quay trở lại Công ty làm việc, ông Hong Sung W cùng với bà Ph, bà N kế toán có cuộc họp về việc bà Ph nghỉ việc nhiều ngày mà không xin phép. Tại cuộc họp, ông Hong Sung W chỉ hỏi bà Ph về trách nhiệm công việc và trách nhiệm Trưởng phòng nhân sự của bà Ph khi nghỉ việc nhiều ngày đã gây ảnh hưởng đến việc trả lương cho toàn bộ công nhân tại Công ty. Sau đó, cuộc họp kết thúc. Tại cuộc họp, ông Hong Sung W không có lời nói hay bất kỳ hành vi nào gây áp lực để buộc bà Ph phải nghỉ việc. Cùng ngày, bà Ph làm đơn xin nghỉ việc kể từ ngày 01/3/2019, đồng thời xin không hưởng lương từ ngày 11/01/2019 đến hết ngày 28/02/2019. Ngày 11/01/2019, Công ty đã ban hành Quyết định thanh lý hợp đồng lao động với bà Ph theo đơn xin nghỉ việc của bà Ph. Khi bà Ph nghỉ việc, Công ty đã thanh toán cho bà Ph đủ tiền lương tháng 12 năm 2018, tiền thưởng năm 2018 và đã đóng tiền bảo hiểm xã hội cho bà Ph đến hết ngày 28/02/2019. Quyết định thanh lý hợp đồng lao động ngày 11/01/2019 của Công ty là dựa vào nguyện vọng theo đơn xin nghỉ việc của bà Ph. Việc Công ty ban hành quyết định là đúng quy định của pháp luật, không có việc Công ty ép buộc hay gây áp lực để chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật đối với bà Ph. Công ty đã giải quyết xong tất cả các quyền lợi cho bà Ph nên Công ty không đồng ý với toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bà Ph.

* Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Hong Sung W, đồng thời là người đại diện theo ủy quyền của Công ty: Thống nhất theo lời trình bày của Công ty, đồng thời xác định ông không thường xuyên kiểm tra email đến và ông cũng không quyết định được việc đồng ý hay không đồng ý cho nhân viên nghỉ phép, vì không thuộc thẩm quyền của ông; đơn xin nghỉ việc là do bà Ph tự viết và ký tên, ông không ép buộc bà Ph viết

* Tại Bản tự khai ngày 05/7/2019, Biên bản lấy lời khai ngày 05/7/2019 và quá trình giải quyết vụ án tại Tòa án cấp sơ thẩm, người làm chứng bà Trần Thị T N trình bày: Trước đây bà N là kế toán và làm chung với bà Ph tại Công ty. Ngày 11/01/2019, bà N với bà Ph, ông Hong Sung W có họp tại phòng họp của Công ty. Nội dung cuộc họp bàn về việc bà Ph nghỉ việc từ ngày 27/12/2018 đến ngày 10/01/2019 mà không xin phép. Vì bà Ph nghỉ nhiều ngày không xin phép nên ông Hong Sung W có nói bà Ph xem lại trách nhiệm của Trưởng phòng nhân sự rồi bỏ về phòng làm việc và không nói gì thêm, ông Hong Sung W không có lời lẽ hay hành động nào gây áp lực hoặc buộc bà Ph phải nghỉ việc trái với ý chí và mong muốn của bà Ph.

* Tại Bản tường trình ngày 02/7/2019, Biên bản lấy lời khai ngày 02/7/2019 và quá trình giải quyết vụ án tại Tòa án cấp sơ thẩm, người làm chứng bà Đặng Thị H trình bày: Trước đây bà H là nhân viên Phòng nhân sự, làm chung với bà Ph tại Công ty. Ngày 11/01/2019, bà Ph vào Công ty làm việc và giữa bà Ph với bà H có cuộc nói chuyện khoảng 02 giờ tại phòng họp của Công ty. Cuộc nói chuyện giữa bà H với bà Ph có nhiều nội dung, trong đó có nội dung bà Ph tâm sự rằng bà Ph hiện đang bị ung thư dạ dày và nguyện vọng xin nghỉ việc tại Công ty vào ngày 11/01/2019. Nhưng nếu Công ty chấm dứt hợp đồng lao động vào ngày 11/01/2019, bà Ph sẽ không có thẻ bảo hiểm y tế để đi khám bệnh trong thời gian này nên bà Ph gợi ý bà H, để nhờ bà H xin Công ty đóng bảo hiểm xã hội cho bà Ph đến hết tháng 02/2019 và đồng ý không hưởng lương kể từ ngày 11/01/2019 đến ngày 28/02/2019. Bà Ph có nhờ bà H đến gặp ông Hong Sung W để truyền đạt lại nguyện vọng của mình. Sau khi nghe bà Ph tâm sự, bà H có lên trình bày lại toàn bộ sự việc và nguyện vọng của bà Ph cho ông Hong Sung W. Ông Hong Sung W sau khi nghe xong sự việc, đồng ý cho bà Ph nghỉ việc và đồng ý đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho bà Ph đến hết ngày 28/02/2019. Được ông Hong Sung W đồng ý, bà H đến gặp bà Ph báo lại cho bà Ph biết việc ông Hong Sung W đồng ý cho bà Ph nghỉ việc. Sau đó, bà H đưa mẫu đơn xin nghỉ việc cho bà Ph tự viết và ký tên vào đơn. Trong ngày, Công ty đã ra quyết định thanh lý hợp đồng lao động với bà Ph, đồng thời thanh toán các chế độ tiền lương trong thời gian bà Ph làm việc tại Công ty, rồi bà Ph bàn giao công việc và ra về. Việc bà Ph cho rằng: Công ty đã đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật là hoàn toàn vô lý, vì bà H là người chứng kiến và biết rõ nguyên nhân bà Ph nghỉ việc, ý nguyện của bà Ph là muốn nghỉ việc vào ngày 11/01/2019 chứ không phải ngày 01/3/2019, nhưng do bà Ph trình bày hoàn cảnh khó khăn và bệnh nan y nên bà H là người đã hướng dẫn cho bà Ph ghi ngày bắt đầu nghỉ việc là ngày 01/3/2019 để bà Ph được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong thời gian này để đi khám bệnh. Công ty không có lời nói hay hành vi nào gây sức ép hoặc ép buộc bà Ph nghỉ việc trái với ý chí của bà Ph.

Tại Bản án lao động sơ thẩm số 02/2019/LĐ-ST ngày 21/8/2019 của Tòa án nhân dân thị xã BC đã áp dụng điểm a khoản 1 Điều 32, điểm c khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39, Điều 147, Điều 228, Điều 266, Điều 273, Điều 280 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; Điều 15, Điều 22, khoản 3 Điều 36, khoản 2 và khoản 3 Điều 47, khoản 1 Điều 48 và Điều 202 của Bộ luật Lao động năm 2012; Điều 26 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014; điểm c khoản 1 Điều 22 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12/01/2015 của Chính phủ và điểm a khoản 1 Điều 12 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí của Tòa án.

Tuyên xử:

1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bà Dương Hồng Ph về việc buộc Công ty thanh toán tiền lương từ ngày 11/01/2019 đến ngày 28/02/2019. Buộc Công ty Trách nhiệm hữu hạn S Vina về việc thanh toán cho bà Dương Hồng Ph số tiền 22.280.337 đồng (hai mươi hai triệu, hai trăm tám mươi nghìn, ba trăm ba mươi bảy đồng).

Kể từ ngày người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án, nếu người phải thi hành án chưa thi hành án thì còn phải chịu khoản lãi suất tương ứng với khoản tiền và thời gian chưa thi hành án xong theo quy đinh tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự.

2. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bà Ph đối với các yêu cầu sau:

- Yêu cầu hủy Quyết định số 01/QĐNV-SJF ngày 11/01/2019 và Quyết định số 01/QĐĐC-SJF ngày 18/01/2019 của Công ty;

- Yêu cầu Công ty bồi thường tiền lương tính từ ngày 01/3/2019 đến ngày 12/8/2019;

- Yêu cầu Công ty bồi thường 02 tháng tiền lương do đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật là 36.020.000 đồng;

- Yêu cầu Công ty nhận trở lại làm việc. Nếu Công ty không đồng ý nhận trở lại làm việc thì yêu cầu bồi thường 02 tháng tiền lương là 36.020.000 đồng;

- Yêu cầu Công ty bồi thường 01 tháng tiền lương do vi phạm thời hạn báo trước là 18.010.000 đồng;

- Yêu cầu Công ty bồi thường 0,5 tháng tiền trợ cấp thôi việc là 9.005.000 đồng.

- Yêu cầu Công ty tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho bà Ph từ ngày 12/01/2019 đến ngày 12/8/2019.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn tuyên về phần án phí lao động sơ thẩm và quyền kháng cáo cho các đương sự.

Ngày 04/9/2019, nguyên đơn bà Dương Hồng Ph có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm với lí do: Bản án sơ thẩm tuyên không đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn, yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm theo hướng chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc bị đơn phải bồi thường và trả trợ cấp cho nguyên đơn số tiền tương đương 12,5 tháng lương theo hợp đồng.

Tại phiên tòa phúc thẩm, người đại diện hợp pháp của nguyên đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện và yêu cầu kháng cáo của mình; đồng thời cho rằng: Không có chứng cứ nào thể hiện việc Công ty đã tống đạt Quyết định số 01/QĐĐC-SJF ngày 18/01/2019 “về việc điều chỉnh quyết định” cho bà Ph, lời khai của người làm chứng là bà H, bà N không có cơ sở vì chỉ là lời nói phiến diện nhưng không cung cấp thêm tài liệu, chứng cứ nào mới. Người đại diện hợp pháp của bị đơn có đơn xin vắng mặt nên hai bên đương sự không thể tự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương phát biểu ý kiến: Quá trình thụ lý giải quyết vụ án theo trình tự phúc thẩm, những người tiến hành tố tụng và những người tham gia tố tụng đã thực hiện đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự. Về hướng giải quyết vụ án: Bà Ph khởi kiện cho rằng Công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật nên yêu cầu Công ty phải bồi thường thiệt hại số tiền 225.125.000 đồng. Bản án sơ thẩm xác định Công ty không đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, nhưng chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà Ph về việc buộc Công ty phải trả tiền lương từ ngày 12/01/2019 đến hết tháng 02/2019 cho bà Ph là phù hợp. Bà Ph kháng cáo yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm theo hướng chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bà Ph, nhưng bà Ph không cung cấp được tài liệu, chứng cứ để chứng minh. Do đó, đề nghị Hội đồng xét xử bác yêu cầu khởi kiện của bà Ph, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, ý kiến trình bày của các bên đương sự và quan điểm của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương về việc giải quyết vụ án;

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Về quan hệ pháp luật tranh chấp và thẩm quyền giải quyết: Đây là vụ án tranh chấp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân thị xã BC theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 32, điểm c khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39 của Bộ luật Tố tụng dân sự. Do ông Hong Sung W nghe, nói, viết, đọc hiểu được tiếng Việt Nam nên quá trình giải quyết vụ án Tòa án cấp sơ thẩm không yêu cầu cử người phiên dịch là phù hợp.

[2] Về thời hạn kháng cáo: Ngày 21/8/2019, Tòa án nhân dân thị xã BC tuyên án. Ngày 04/9/2019, nguyên đơn bà Dương Hồng Ph có đơn kháng cáo toàn bộ Bản án số 02/2019/LĐ-ST ngày 21/8/2019 của Tòa án nhân dân thị xã BC là còn trong thời hạn luật định nên hợp lệ.

[3] Về nội dung: Bà Ph vào Công ty làm việc từ ngày 15/10/2018. Sau khi hết 02 tháng thử việc, ngày 15/12/2018 Công ty với bà Ph ký kết Hợp đồng lao động có thời hạn 01 năm (từ ngày 15/12/2018 đến ngày 14/12/2019); chức vụ là Trưởng phòng nhân sự; mức lương là 18.010.000 đồng/tháng (bút lục 06-07). Từ ngày 27/12/2018 đến ngày 10/01/2019, bà Ph nghỉ không xin phép; ngày 11/01/2019, Công ty ban hành Quyết định số 1/QĐNV-SJF “về việc thanh lý hợp đồng lao động” với bà Ph kể từ ngày 11/01/2019 (bút lục 94). Bà Ph cho rằng: Bà Ph bị “té” (ngã) xe nên có gửi email cho ông Hong Sung W là Giám đốc quản lý điều hành để xin nghỉ từ ngày 27/12/2018 đến ngày 10/01/2019; đồng thời đã gửi giấy nghỉ ốm cho Công ty vào ngày đầu tiên đi làm là ngày 11/01/2019. Tuy nhiên, ông Hong Sung W ép buộc, gây áp lực buộc bà Ph viết đơn xin nghỉ việc, nếu không viết đơn sẽ chuyển bà Ph xuống làm tổng vụ hoặc nhân viên vệ sinh nên bà Ph buộc phải viết đơn. Theo Đơn xin nghỉ việc ngày 11/01/2019, bà Ph xin nghỉ từ ngày 01/3/2019, nhưng Công ty đã ban hành Quyết định số 1/QĐNV-SJF ngày 11/01/2019 “về việc thanh lý hợp đồng lao động” với bà Ph kể từ ngày 11/01/2019 (bút lục 94) là trái pháp luật và trái với ý chí tự nguyện của bà Ph. Do đó, bà Ph khởi kiện yêu cầu Công ty phải bồi thường tổng cộng là 12,5 tháng lương tương đương số tiền 225.125.000 đồng. Công ty cho rằng: Công ty ban hành Quyết định số 1/QĐNV-SJF ngày 11/01/2019 “về việc thanh lý hợp đồng lao động” là dựa trên nguyện vọng của bà Ph tại “Đơn xin nghỉ việc” ngày 11/01/2019; đơn là do bà Ph tự nguyện viết, ký tên và xin nghỉ không hưởng lương từ ngày 11/01/2019 đến ngày 28/02/2019, ông Hong Sung W không ép buộc bà Ph phải viết đơn; thực tế bà Ph nghỉ việc tại Công ty từ ngày 01/3/2019, vì Công ty vẫn trả lương những ngày nghỉ tết (ngày 01/01/2019 và từ ngày 04/02/2019 đến ngày 08/02/2019) và đóng bảo hiểm cho bà Ph đến hết tháng 02 năm 2019. Sau khi ra Quyết định số 1/QĐNV-SJF ngày 11/01/2019, Công ty thấy có sai sót do lỗi đánh máy nên đã ban hành Quyết định số 01/QĐĐC-SJF ngày 18/01/2019 “về việc điều chỉnh quyết định” để xác định lại thời gian thôi việc kể từ ngày 01/3/2019 (bút lục 97); Công ty nhiều lần liên lạc bằng điện thoại để thông báo cho bà Ph biết, nhưng bà Ph không nghe máy. Việc bà Ph khởi kiện yêu cầu bồi thường Công ty không đồng ý. Ông Hong Sung W cho rằng: Ông không thường xuyên kiểm tra email đến và ông không quyết định được việc đồng ý hay không đồng ý cho nhân viên nghỉ phép, vì không thuộc thẩm quyền của ông; đơn xin nghỉ việc là do bà Ph tự viết và ký tên, ông không ép buộc bà Ph viết (bút lục 104).

[4] Xét yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn bà Dương Hồng Ph, nhận thấy: Theo các “Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội” thể hiện: Từ ngày 27/12/2018 đến ngày 29/12/2018, Bác sĩ chẩn đoán bà Ph bị “vết thương chân”, số ngày nghỉ 03 ngày; từ ngày 02/01/2019 đến ngày 04/01/2019, bà Ph bị “vết thương chân”, số ngày nghỉ 03 ngày (bút lục 151); từ ngày 05/01/2019 đến ngày 07/01/2019, Bác sĩ chẩn đoán bà Ph bị “đau cơ lưng; thoái hóa cột sống thắt lưng (M54); viêm dạ dày  và  trá  tàng  (K29)”,  số  ngày  nghỉ  03  ngày;  từ  ngày  08/01/2019  đến  ngày 10/01/2019, bà Ph bị “đau dây thần kinh tọa”, số ngày nghỉ 03 ngày (bút lục 150). Cho thấy, việc bà Ph bị ngã xe bị thương không nghiêm trọng đến mức không thể đi lại hoặc không thể liên hệ được với Công ty để xin nghỉ phép; từ ngày 05/01/2019 đến ngày 10/01/2019 bà Ph nghỉ không đến Công ty làm việc là do các bệnh lý khác chứ không phải do bị ngã xe theo như bà Ph trình bày trong đơn khởi kiện. Quá trình giải quyết vụ án tại cấp sơ thẩm, bà Ph thừa nhận “đơn xin nghỉ việc” là do bà Ph viết và ký tên. Tại Biên bản đối chất ngày 12/7/2019, bà Ph cũng thừa nhận: “sau khi nghe chị H vận động một thời gian khoảng 30 phút thì tôi quyết định viết đơn xin thôi việc”; những người làm chứng là bà Trần Thị T N - nguyên là Kế toán và bà Đặng Thị H - nguyên là Nhân viên Phòng nhân sự (hiện không còn làm việc tại Công ty) cũng xác định: Bà Ph tự nguyện viết đơn xin nghỉ việc và ký tên, ông Hong Sung W không ép buộc hoặc gây áp lực buộc bà Ph phải viết đơn xin nghỉ việc. Do đó, việc bà Ph cho rằng ông Hong Sung W - Giám đốc quản lý của Công ty ép buộc, gây áp lực buộc bà Ph phải viết đơn là không có căn cứ. Chứng cứ thể hiện là Biên bản đối chất ngày 12/7/2019 giữa bà Ph với ông Hong Sung W, bà H, bà N (bút lục 136-142); Biên bản lấy lời khai của người làm chứng, Bản tường trình và Bản tự khai (bút lục 107-117).

[5]  Xét  thấy,  việc  Công  ty  ban  hành  Quyết  định  số  1/QĐNV-SJF  ngày 11/01/2019 “về việc thanh lý hợp đồng lao động” với bà Ph là thực hiện theo nguyện vọng của bà Ph tại “Đơn xin nghỉ việc” ngày 11/01/2019; theo nội dung quyết định thì Công ty giải quyết cho bà Ph “được thôi việc kể từ ngày 11/01/2019; (Thời gian nghỉ không hưởng lương từ ngày 02/01/2019 đến hết ngày 28/02/2019)…bà Dương Hồng Ph được chi trả tiền BHXH, được hưởng 6 ngày nghỉ lễ tết (ngày 01/01/2019 và 5 ngày tết nguyên đán); Công ty chịu trách nhiệm tham gia BHXH, BHYT, BHTN cho bà Dương Hồng Ph đến hết tháng 02/2019” (bút lục 96). Tuy nhiên, theo “Đơn xin nghỉ việc” thì bà Ph xin nghỉ từ ngày 01/3/2019 (bút lục 98), việc Công ty giải quyết cho bà Ph “được nghỉ việc kể từ ngày 11/01/2019” là trái với ý chí của Ph. Nhưng sau đó, Công ty phát hiện quyết định trên có sai sót nên đã ban hành Quyết định số 01/QĐĐC- SJF ngày 18/01/2019 “về việc điều chỉnh quyết định” để điều chỉnh lại thời gian “được thôi việc kể từ ngày 01/3/2019” là có căn cứ, phù hợp với quy định tại khoản 3 Điều 36 của Bộ luật Lao động và ý chí tự nguyện của bà Ph (bút lục 97); chứng cứ thể hiện có việc sai sót, nhầm lẫn trên là Công ty vẫn “tham gia BHXH, BHYT, BHTN cho bà Dương Hồng Ph đến hết tháng 02/2019” (bút lục 152); trả tiền nghỉ tết dương lịch 01/01/2019, 05 ngày nghỉ tết nguyên đán (từ ngày 04/02/2019 đến ngày 08/02/2019) và trả lại Sổ bảo hiểm cho bà Ph theo quy định (bút lục 144). Do đó, việc bà Ph cho rằng: Công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật với bà Ph, vi phạm thời gian báo trước để yêu cầu Công ty hủy Quyết định số 1/QĐNV-SJF ngày 11/01/2019 “về việc thanh lý hợp đồng lao động” với bà Phương và Quyết định số 01/QĐĐC-SJF  ngày  18/01/2019  “về  việc  điều  chỉnh  quyết  định  Quyết  định  số 1/QĐNV-SJF ngày 11/01/2019”; buộc Công ty phải nhận bà Ph trở lại làm việc theo hợp đồng lao động đã ký là không có căn cứ.

[6] Xét yêu cầu khởi kiện của bà Ph về việc buộc Công ty bồi thường, nhận thấy: Như đã phân tích tại mục [4] và [5] nêu trên, không có căn cứ xác định Công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật với bà Ph. Do đó, việc bà Ph yêu cầu Công ty phải nhận bà Ph trở lại làm việc; buộc Công ty phải bồi thường cho bà Ph 12 tháng lương, gồm: 07 tháng lương do không được làm việc kể từ ngày 12/01/2019 đến 12/8/2019; 02 tháng lương do đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật; 02 tháng lương để thỏa thuận chấm dứt hợp đồng; 01 tháng lương do vi phạm thời gian báo trước với tổng số tiền 216.120.000 đồng; đồng thời, phải tiếp tục đóng bảo hiểm bà Ph kể từ tháng 3/2019 cho đến ngày 12/8/2019 là không có căn cứ.

[7] Tuy nhiên, theo “Đơn xin nghỉ việc” ngày 11/01/2019 thì bà Ph xin nghỉ việc kể từ ngày 01/3/2019, hồ sơ vụ án không có tài liệu, chứng cứ nào thể hiện việc bà Ph xin nghỉ không hưởng lương kể từ ngày 11/01/2019 đến ngày 28/02/2019. Việc Công ty giải quyết cho bà Ph được nghỉ việc kể từ ngày 11/01/2019 cho đến hết ngày 28/02/2019 là ý chí tự nguyện của Công ty, nhưng Công ty không trả lương cho bà Ph trong thời gian trên là trái với quy định của Bộ luật Lao động. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm  xử  buộc  Công  ty  phải  có  trách  nhiệm  thanh  toán  tiền  lương  kể  từ  ngày 11/01/2019 đến hết ngày 28/02/2019 cho bà Ph theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 22 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12/01/2015 của Chính phủ là có căn cứ. Theo đó, từ ngày 11/01/2019 đến ngày 31/01/2019 có 18 ngày làm việc, Công ty phải thanh toán tiền lương cho bà Ph là 18.060.000 đồng/26 ngày x 18 ngày = 12.503.076 đồng, khấu trừ số tiền 10,5% lương người lao động (bà Ph) phải có nghĩa vụ trích đóng BHXH, BHYT,  BHTN (theo  mức  lương  16.810.000 đồng)  tương  đương số  tiền 1.765.050 đồng, Công ty đã thanh toán lương tháng 01/2019 là 1.000.556 đồng (bút lục 44, 51), số tiền lương tháng 01/2019 còn lại Công ty phải thanh toán cho bà Ph là 9.737.470 đồng (1). Từ ngày 01/02/2019 đến ngày 28/02/2019 có 24 ngày làm việc, Công ty phải thanh toán tiền lương tháng 2/2019 cho bà Ph là 18.060.000 đồng, khấu trừ số tiền 10,5% lương người lao động phải trích đóng BHXH, BHYT, BHTN là 1.765.050 đồng, Công ty đã thanh toán lương tháng 02/2019 cho bà Ph là 3.752.083 đồng (bút lục 59), số tiền lương tháng 02/2019 còn lại Công ty phải thanh toán cho bà Ph là 12.542.867 đồng (2). Tổng cộng (1) + (2) thì Công ty phải thanh toán lương còn lại của tháng 01 và tháng 02 năm 2019 cho bà Ph là 22.280.337 đồng, Tòa án cấp sơ thẩm buộc Công ty phải thanh toán cho bà Ph số tiền trên là có căn cứ.

[8] Trong khoảng thời gian từ ngày 27/12/2018 đến ngày 10/01/2019 (không tính ngày nghỉ tết dương lịch 01/01/2019), bà Ph nghỉ bệnh không đến Công ty làm việc và đã được Bảo hiểm Xã hội thị xã BC, tỉnh Bình Dương chi trả trợ cấp ốm đau với tổng số tiền 5.778.439 đồng (bút lục 146, 152); bà Ph không yêu cầu Công ty phải thanh toán tiền lương trong khoảng thời gian này nên Tòa án cấp sơ thẩm không đề cập là phù hợp.

[9] Đối với yêu cầu buộc Công ty trả trợ cấp thôi 0,5 tháng lương là 9.005.000 đồng, nhận thấy: Bà Ph vào làm việc tại Công ty từ ngày 15/10/2018 đến ngày 01/3/2019 bà Ph nghỉ việc. Đối chiếu với quy định tại khoản 1 Điều 48 của Bộ luật Lao động thì bà Ph chưa đủ thời gian hưởng trợ cấp thôi việc và bà Ph đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội nên việc Tòa án cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu này của bà Ph là có căn cứ.

[10] Từ những phân tích và lập luận nêu trên, xét thấy: Bà Ph kháng cáo yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm theo hướng chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Ph, nhưng bà Ph không cung cấp được tài liệu, chứng cứ mới để chứng minh Công ty đã đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật nên không có căn cứ chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bà Ph; các phần khác của bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị đã phát sinh hiệu lực. Quan điểm của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương về việc giải quyết vụ án là có căn cứ, phù hợp với quy định của pháp luật nên chấp nhận.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 1 Điều 148, khoản 1 Điều 308 và Điều 313 của Bộ luật Tố tụng dân sự;

1. Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn bà Dương Hồng Ph. Giữ nguyên Bản án lao động sơ thẩm số 02/2019/LĐ-ST ngày 21/8/2019 của Tòa án nhân dân thị xã BC, tỉnh Bình Dương như sau:

Áp dụng điểm a khoản 1 Điều 32, điểm c khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39, Điều 147, Điều 228, Điều 266, Điều 273, Điều 280 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; Điều 15, Điều 22, khoản 3 Điều 36, khoản 2 và khoản 3 Điều 47, khoản 1 Điều 48 và Điều 202 của Bộ luật Lao động năm 2012; Điều 26 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014; điểm c khoản 1 Điều 22 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12/01/2015 của Chính phủ và điểm a khoản 1 Điều 12 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí của Tòa án. Tuyên xử:

1. 1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bà Dương Hồng Ph về việc buộc Công ty Trách nhiệm hữu hạn S Vina thanh toán tiền lương từ ngày 11/01/2019 đến ngày 28/02/2019. Buộc Công ty thanh toán cho bà Dương Hồng Ph số tiền 22.280.337 đồng (hai mươi hai triệu, hai trăm tám mươi nghìn, ba trăm ba mươi bảy đồng).

Kể từ ngày người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án, nếu người phải thi hành án chưa thi hành án thì còn phải chịu khoản lãi suất tương ứng với khoản tiền và thời gian chưa thi hành án xong theo quy đinh tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự.

1. 2. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bà Ph đối với các yêu cầu sau:

- Yêu cầu hủy Quyết định số 01/QĐNV-SJF ngày 11/01/2019 và Quyết định số 01/QĐĐC-SJF ngày 18/01/2019 của Công ty;

- Yêu cầu Công ty bồi thường tiền lương tính từ ngày 01/3/2019 đến ngày 12/8/2019;

- Yêu cầu Công ty bồi thường 02 tháng tiền lương do đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật là 36.020.000 đồng;

- Yêu cầu Công ty nhận trở lại làm việc. Nếu Công ty không đồng ý nhận trở lại làm việc thì yêu cầu bồi thường 02 tháng tiền lương là 36.020.000 đồng;

- Yêu cầu Công ty bồi thường 01 tháng tiền lương do vi phạm thời hạn báo trước là 18.010.000 đồng;

- Yêu cầu Công ty bồi thường 0,5 tháng tiền trợ cấp thôi việc là 9.005.000 đồng.

- Yêu cầu Công ty tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho bà Ph từ ngày 12/01/2019 đến ngày 12/8/2019.

1. 3. Án phí lao động sơ thẩm: Nguyên đơn bà Dương Hồng Ph được miễn theo quy định của pháp luật.

Bị đơn Công ty Trách nhiệm hữu hạn S Vina phải chịu 688.410 đồng (sáu trăm tám mươi tám nghìn, bốn trăm mười nghìn đồng) án phí lao động sơ thẩm.

2. Án phí lao động phúc thẩm: Nguyên đơn bà Dương Hồng Ph được miễn theo quy định của pháp luật.

Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 của Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 của Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 của Luật Thi hành án dân sự.

3. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

2599
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động số 01/2020/LĐ-PT

Số hiệu:01/2020/LĐ-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Bình Dương
Lĩnh vực:Lao động
Ngày ban hành: 14/01/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về