Bản án 01/2020/KDTM-ST ngày 24/06/2020 về tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hoá

    TOÀ ÁN NHÂN DÂN HUYỆN CHƠN THÀNH, TỈNH BÌNH PHƯỚC  

BẢN ÁN 01/2020/KDTM-ST NGÀY 24/06/2020 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG MUA BÁN HÀNG HOÁ

Trong ngày 24/6/2020, tại Hội trường xét xử Tòa án nhân dân huyện Chơn Thành tiến hành xét xử sơ thẩm công khai vụ án kinh doanh thương mại thụ lý số: 01/2020/TLST-KDTM ngày 08/01/2020 về việc “Tranh chấp hợp đồng kinh tế” theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 42/QĐXXST - DS ngày 25/5/2020 giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Công ty trách nhiệm hữu hạn Xuất nhập khẩu C; Địa chỉ: phường 14, quận M, Thành phố Hồ Chí Minh.

Người đại diện theo pháp luật: Ông Trần Văn Thiên C - Giám đốc

Người đại diện theo ủy quyền: Bà Lại Thị Phương T - Trưởng phòng pháp lý. Theo giấy ủy quyền ngày 11/11/2019 của giám đốc công ty ông Trần Văn Thiên C.

2. Bị đơn: Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Dịch vụ S; Địa chỉ: , xã T, huyện C, tỉnh B.

Người đại diện theo pháp luật: Ông Nguyễn Đoàn Huy V - Giám đốc công ty.

NỘI DUNG VỤ ÁN

* Theo đơn khởi kiện và trong quá trình giải quyết vụ án, người đại diện ủy quyền của nguyên đơn - Công ty trách nhiệm hữu hạn Xuất nhập khẩu C (sau đây viết tắt là công ty C) trình bày:

Theo đại diện nguyên đơn thì giữa công ty C và Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Dịch vụ S (sau đây viết tắt là công ty S) có ký kết hợp đồng nguyên tắc bán hàng, phụ lục hợp đồng nguyên tắc về việc thực hiện giao dịch bán lốp xe tải nhãn hiệu Continental cho công ty S. Công ty C đã thực hiện việc giao hàng đầy đủ, đúng chất lượng theo yêu cầu đặt hàng. Tuy nhiên công Ty S lại chậm trong việc thanh toán với số tiền gốc chậm thanh toán là 278,660,000 đồng tính từ ngày 12/7/2018. Số tiền lãi phát sinh chậm thanh toán công nợ quá hạn theo thỏa thuận khoản 2.2 Điều 2 Phụ lục số: 05/PL-HĐNT-TYRE/2018 ngày 26/5/2018 theo mức lãi bằng 150% lãi suất vay tại ngân hàng Vietcombank (lãi suất vay được xác định = lãi suất tiền gửi 03 tháng + 2.7%) tương đương mức lãi suất 11,25%/ năm.

Công ty C tiến hành khởi kiện vụ án và yêu công ty S thanh toán một lần cho Công ty C số tiền: 164.881.000 đồng (Một trăm sáu mươi bốn triệu, tám trăm tám mươi mốt nghìn đồng) trong đó bao gồm số tiền hàng chưa thanh toán 128,660,000 đồng (một trăm hai mươi tám triệu, sáu trăm sáu mươi nghìn đồng) và tiền lãi suất chậm thanh toán: 36.221.000 đồng (Ba mươi sáu triệu, hai trăm hai mươi mốt nghìn đồng) lãi tính đến ngày 30/12/2019. Ngoài ra không có yêu cầu khởi kiện nào khác.

* Người đại diện của bị đơn - Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại và Dịch vụ S trình bày:

Ông V thừa nhận giữa công ty S và Công ty C có làm ăn chung với nhau trong đó phía công ty C là bên cung cấp lốp xe ô tô còn bên công ty S là bên đại lý mua lại để bán cho khách theo dạng ký gửi. Việc mua bán qua lại có hợp đồng, thực hiện bình thường cho đến thời gian cuối năm 2019 thì phát sinh mâu thuẫn do phía công ty C cung cấp mặt hàng lốp xe không đảm bảo chất lượng. Cụ thể trong số lốp xe đã nhận khi lắp bán cho khách hàng thì bị nổ 03 lốp xe, công ty S phải đền bảo hành cho khách hàng 03 lốp nhưng phía Công ty C đưa nhân viên kỹ thuật lên xem xét chỉ đồng ý bảo hành 01 lốp xe. Do do đó công ty S đã yêu cầu công ty C nhận về 13 lốp xe 11R22.5 nhưng công ty Ctừ chối, không đến nhận lại hàng.

Công ty S không đồng ý trả nợ theo yêu cầu khởi kiện của công ty C. Để giải quyết vụ việc, Công ty S yêu cầu công ty C nhận lại sản phẩm của mình là 13 lốp xe 11R22.5, HS HYBRID hãng Continetal, thực hiện bảo hành cho công ty S 01 lốp xe, còn lại bao nhiêu nợ công ty S sẽ thanh toán đầy đủ cho phía công ty C.

* Tại phiên tòa:

Các đương sự cung cấp Hợp đồng phân phối (Lốp xe xontinental - thương hiệu Đức từ 1971) ký ngày 25/9/2017. Phía nguyên đơn cung cấp các bản sao chứng thực hóa đơn giá trị gia tăng các lần mua bán hàng, báo cáo công nợ thu của công ty C với công ty S. Bảng lãi suất của ngân hàng Vietcombank, bảng thanh công nợ và lãi suất phạt quá hạn của công ty S với số tiền thanh toán , thời gian chậm thanh toán sau khi nhận hàng vào ngày 11/6/2017 như sau.

Nguyên đơn tiếp tục giữ nguyên yêu cầu khởi kiện đề nghị Tòa án buộc công ty S có trách nhiệm trả nợ cho công ty C 128,660,000 đồng nợ gốc, yêu cầu trả tiền lãi do quán hạn thanh toán tính từ ngày 12/7/2018 cho đến ngày 30/12/2019 với số tiền lãi là 34.368.528 đồng. Đồng ý khấu trừ 01 lốp xe bị hỏng phải bảo hành đền cho khách là 6.102.727 đồng, còn lại yêu cầu công ty S phải thanh toán là 156.925.801 đồng.

Bị đơn giữ nguyên ý kiến trình bày của mình trong quá trình giải quyết vụ án , không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn

Ý kiến của Kiểm sát viên tham gia phiên tòa:

Việc chấp hành theo quy định của pháp luật của Thẩm phán: Quá trình giải quyết vụ án, từ khi thụ lý cho đến nay nhận thấy Thẩm phán đã chấp hành đúng quy định tại Điều 41 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015;

Về việc chấp hành theo quy định pháp luật của Hội đồng xét xử: Hội đồng xét xử đã chấp hành đúng quy định của pháp luật về phiên tòa sơ thẩm;

Về việc chấp hành theo quy định của pháp luật của các đương sự: Trong quá trình giải quyết vụ án nguyên đơn Công ty C, bị đơn là công ty S đã chấp hành đúng các quy định của pháp luật tố tụng dân sự năm 2015.

Về nội dung giải quyết vụ án đề nghị Hội đồng xét xử:

Căn cứ vào khoản 1 Điều 30, điểm a, khoản 1 Điều 35; điểm a khoản 1 Điều 39; Điều 147, Điều 271 và Điều 273 Bộ luật tố tụng dân sự;

Điều 50, Điều 306 Luật thương mại 2005; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của công ty C. Buộc công ty S phải trả cho Công ty C số tiền 156.925.801 đồng nợ gốc và tiền lãi do chậm thanh toán phát sinh từ ngày 12/7/2018 cho đến ngày 30/12/2019 (sau khi đã trừ 01 lốp xe thực hiện bảo hành cho công ty S).

Buộc công ty s phải chịu án phí theo quy định của pháp luật.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

[1]. Về quan hệ pháp luật tranh chấp: Theo nội dung vụ án cho thấy Công ty C khởi kiện S về việc công ty S mua hàng nhưng chậm thanh toán cho công ty C.

Do các bên đương sự đều thống nhất việc mua bán hàng hóa nhằm mục đích bán lại cho người thứ 3 nhằm thu về lợi nhuận cho các bên. Vì vậy, Hội đồng xét xử xác định đây là tranh chấp về kinh doanh thương mại trong đó quan hệ pháp luật các bên tranh chấp là “Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa”. Căn cứ pháp luật để giải quyết tranh chấp này được quy định quy định tại Luật thương mại 2005 và các luật khác có liên quan.

[2] . Về thẩm quyền giải quyết: Do tranh chấp về kinh doanh thương mại nên căn cứ khoản 1 Điều 30, điểm a khoản 1 Điều 35 của Bộ luật tố tụng dân sự thì vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo thủ tục tố tụng dân sự và khi giải quyết Tòa án có quyền giải quyết là Tòa án nhân dân cấp huyện; Bị đơn công ty C có nơi cư trú tại huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước. Căn cứ vào điểm a khoản 1 Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự, Hội đồng xét xử xác định vụ án “Tranh chấp về hợp đồng mua bán hàng hóa ” giữa công ty C với công ty S thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước.

[3]. Về thực hiện quyền nghĩa vụ của các đương sự: Do Công ty C có đơn khởi kiện, công ty S là người bị Công ty C khởi kiện tranh chấp nên Tòa án xác định công ty C là nguyên đơn, công ty S là bị đơn theo khoản 2, khoản 3 Điều 68 của Bộ luật tố tụng dân sự. Trong quá trình giải quyết vụ án, nguyên đơn, bị đơn đã được Tòa án thông báo, triệu tập đến làm việc, lấy lời khai trình bày ý kiến, cung cấp chứng cứ, họp, hóa giải. Các đương sự đã thực hiện đúng và đầy đủ các quy định của pháp luật tố tụng dân sự.

Đối với nhân viên kinh doanh tên G là nhân viên kinh doanh của công ty C, người thường xuyên và trực tiếp tiến hành liên hệ đàm phán , thực hiện các thỏa thuận có trong hợp đồng giữa hai bên . Tòa án đã yêu cầu các bên đương sự cung cấp các thông tin cần thiết về anh G để Tòa án mời làm việc thu thập thông tin nhưng cả hai bên nguyên đơn, bị đơn đều không cung cấp được . Do đó Tòa án không thể mời anh Giang vào tham gia tố tụng với vai trò là người làm chứng trong vụ án.

[4]. Về chứng cứ: Trong quá trình giải quyết vụ án cũng như tại phiên tòa hôm nay nguyên đơn Công ty C và công ty S cùng thống nhất các bên có ký kết Hợp đồng phân phối (Lốp xe xontinental - thương hiệu Đức từ 1971) ký ngày 25/9/2017; Hợp đồng nguyên tắc bán hàng số 05/HDNT -TYRE2018 ký ngày 19/5/2018; Phụ lục hợp đồng số 05/HDNT -TYRE 2018 ngày 26/5/2018; bảng đối chiếu công nợ ngày 26/10/2019; phiếu giao hàng ngày 11/6/2018. Bản chính sách bảo hành có hiệu lực từ ngày 01/01/2015; Báo cáo kết quả kiểm tra lốp xe ngày 05/12/2019; bản đề xuất trả bảo hành ngày 04/12/2019. Nên đây là các tài liệu chứng cứ có giá trị chứng minh.

[5] Về yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Công ty C Tòa án nhận thấy:

[5.1]. Căn cứ vào vào các tài liệu chứng cứ do Công ty C cung cấp có chữ ký xác nhận của công ty S cho thấy giữa Công ty C và công ty S có ký kết hợp đồng hợp tác kinh doanh với nhau từ năm 2017. Phía công ty S cho rằng mình là Đại lý, thực hiện bán hàng theo dạng ký gửi cho công ty C trong khi đó công ty C cho rằng công ty S là bên mua hàng về bán lại cho bên thứ 3 nhằm kiếm lời. Hợp đồng hợp tác với nhau là hợp đồng mua bán hàng hóa theo dạng đứt đoạn mua đến đâu thanh toán đến đó. Chứng cứ các bên đưa ra là các Hợp đồng phân phối (Lốp xe Continental - thương hiệu Đức từ 1971) ký ngày 25/9/2017; Hợp đồng nguyên tắc bán hàng số 05/HDNT -TYRE2018 ký ngày 19/5/2018; Phụ lục hợp đồng số 05/HDNT -TYRE 2018 ngày 26/5/2018. Căn cứ vào các hợp đồng do các bên đương sự cung cấp thừa nhận, Tòa án nhận thấy:

Hợp đồng phân phối (Lốp xe xontinental - thương hiệu Đức từ 1971) ký ngày 25/9/2017 đã được các bên ký kết thực hiện với nhau và không có tranh chấp. Hợp đồng này đã hết hiệu lực và kết thúc thực hiện vào ngày 31/12/2017 do đó phía bị đơn cho rằng các bên vẫn đang áp dụng, sử dụng hợp đồng trong hoạt động mua bán hàng hóa là không có cơ sở.

Hợp đồng nguyên tắc bán hàng số 05/HDNT -TYRE2018 ký ngày 19/5/2018; Phụ lục hợp đồng số 05/HDNT -TYRE 2018 ngày 26/5/2018. Các hợp đồng này được ký kết thực hiện sau khi Hợp đồng phân phối (Lốp xe Continental - thương hiệu Đức từ 1971) ký ngày 25/9/2017 hết hiệu lực. Nội dung hợp đồng nguyên tắc và phụ lục hợp đồng nguyên tắc đều thể hiện rõ ràng đây là hợp đồng mua bán hàng hóa trong đó có quy định rất rõ ràng các điều khoản quy định về bên mua, bên bán, đơn hàng, hàng hóa mua bán, giao nhận, giá cả, phương thức thanh toán,.... thực hiện hợp đồng. Các nội dung này đã đáp ứng đầy đủ các nội dung được quy định theo Điều 24 Mục 1, Mục 2 Chương II Mua bán hàng hóa của Luật thương mại. Nội dung tranh chấp giữa các bên là việc thực hiện hợp đồng mua bán hàng hóa được thực hiện theo phiếu giao hàng ngày 11/6/2018. Tại phiên tòa bị đơn cũng thừa nhận mua hàng về bán giá bao nhiêu là do phía bị đơn tự quyết , sau khi có tham khảo ý kiến của nhân viên kinh doanh bên bán và thị trường địa phương. Lợi nhuận sau khi bán hàng thuộc về bên mua (công ty S mà không trả về bên bán. Bên bán là công ty C cũng không quy định về giá bán, áp đặt doanh số bán hàng cho bên mua. Mặt khác trong hợp đồng , phụ lục hợp đồng cũng không có điều khoản nào thể hiện hàng hóa vẫn thuộc về chủ sở hữu là công ty C (bên bán) sau khi đã xuất bán cho bên mua là công ty Sơn Vũ , không có điều khoản cho phép bên mua trả hàng khi không bán được (trừ trường hợp khách quan, bất khả kháng được quy định tại mục 6.3, Điều 6). Vì vậy yêu cầu được trả hàng sau khi không bán được của công ty S là không có cơ sở để được Tòa án chấp nhận

Từ những nhận định trên , Tòa án có cơ sở để kết luận Hợp đồng nguyên tắc bán hàng số 05/HDNT -TYRE2018 ký ngày 19/5/2018; Phụ lục hợp đồng số 05/HDNT -TYRE 2018 ngày 26/5/2018 giữa công ty C và công ty S là hợp đồng mua bán hàng hóa, không phải là hợp đồng làm đại lý hay phân phối hàng hóa theo như trình bày của bị đơn là công ty S.

[5.2]. Công ty C khởi kiện cho rằng công ty S còn nợ công ty C128.660.000 đồng nợ gốc tiền mua hàng chưa thanh toán theo đơn đặt hàng đã giao ngày 11/6/2018. Yêu cầu khởi kiện của công ty C phù hợp với bản tóm tắt sao kê thanh Toán của Công ty C trong đó thể hiện công ty S đã mua hàng của công ty C nhiều lần với tổng số tiền hàng đã mua là 565.660.000 đồng. Công ty S đã thanh toán cho công ty C437.000.000 đồng nợ gốc. Hiện còn nợ 128.660.000 đồng nợ gốc chưa thanh toán. Phù hợp với hóa đơn giá trị gia tăng công ty C xuất bán hàng cho công ty S, phù hợp với bản đối chiếu công nợ ngày 26/10/2019 các bên đã ký kết xác nhận. Do đó Tòa án có cơ sở để kết luận việc công ty C khởi kiện yêu cầu công ty S hoàn trả nợ trong hợp đồng mua bán hàng hóa theo hóa đơn bán hàng xuất ngày 13/6/2018, phiếu giao hàng ngày 11/6/2018 với số tiền nợ gốc 128.660.000 đồng là hoàn toàn có cơ sở, phù hợp với các quy định của pháp luật.

[5.3]. Về thời điểm xác định nợ quá hạn số nợ gốc quá hạn và số tiền quá hạn qua từng thời điểm là : Các bên đương sự thống nhất thừa nhận ngày 11/6/2018 là ngày công ty C giao hàng cho công ty S. Tại mục 1.1 Điều 1 của Phụ lục hợp đồng số 05/HDNT -TYRE 2018 ngày 26/5/2018 có quy định bên B (bên mua) có nghĩa vụ thanh toán công nợ mua hàng cho bên A tối đa 30 ngày tình từ ngày mua hàng. Như vậy, ngày 11/6/2018 là ngày giao hàng thì ngày cuối cùng của thời hạn thanh toán sẽ là ngày 11/7/2018, kể từ ngày 12/8/2018 được tính là quá thời hạn thanh toán.

[5.4]. Căn cứ vào hợp đồng nguyên tắc bán hàng và phụ lục hợp đồng giữa công ty S với công ty C Tại mục 2.2 Điều 2 của Phụ lục hợp đồng số 05/HDNT - TYRE 2018 ngày 26/5/2018 có quy định bên B (bên mua) có công nợ quá hạn sẽ bị áp dụng mức lãi phạt = 150% lãi suất vay tại ngân hàng Việt Combank (lãi suất vay được xác định = lãi suất tiền gửi 3 tháng + 2.7%). Phía nguyên đơn đề nghị áp dụng mức lãi 4,60%/năm. Căn cứ vào bảng lãi suất hàng tháng được ngân hàng Vietcombank áp dụng tương ứng với thời điểm chậm thanh toán cho thấy mức lãi suất tiền gửi VND với thời hạn 3 tháng 4,60% năm là mức lãi thấp nhất được áp dụng với mức tiền gửi tiết kiệm 3 tháng, áp dụng mức lãi này có lợi cho phía bị đơn nên được Tòa án chấp nhận . Như vậy mức lãi do chậm thanh toán được tính là (4,60% + 2,7%) X 150% = 10.95%/năm, tương ứng với 0.03%/ngày. Thỏa thuận này phù hợp với Điều 306 Luật thương mại về quyền yêu cầu tiền lãi do chậm thanh toán. Do đó thỏa thuận lãi chậm thanh toán giữa Công ty C và công ty S có giá trị thi hành đối với các bên đương sự. Công ty C chỉ yêu cầu công ty S thanh toán tiền lãi từ ngày 12/7/2018 đến ngày 30/12/2019 do đó Tòa án ghi nhận, chấp nhận thời gian tính lãi của công ty C.

Sau khi mua hàng, công ty S đã thực hiện một số hoạt động thanh toán nợ gốc do đó dẫn đến số lượng lợ gốc để tính lãi quá hạn qua từng thời gian là khác nhau , căn cứ vào các thời điểm thanh toán nợ gốc , Tòa án có cơ sở để kết luận số nợ lãi do chậm thanh toán qua từng thời kỳ là:

Ngày tính lãi quá hạn

Nợ

Thanh toán

Số ngày tính lãi

Dư nợ

Tiền lãi (VNĐ)

12/7/2018

278,660,000

0

 

278,660,000

 

09/11/2018

278,660,000

50,000,000

120

228,660,000

10,031,760

4/5/2019

228,660,000

50,000,000

176

178,660,000

12,073,248

20/11/2019

178,660,000

50,000,000

200

128,660,000

10,719,600

30/12/2019

128,660,000

0

40

128,660,000

1,543,920

DƯ NỢ HIỆN CÒN

128,660,000

34,368,528

Như vậy, Tòa án có đủ cơ sở để kết luận việc công ty C yêu cầu công ty S phải trả lãi do quá hạn thanh toán tính từ ngày 12/7/2018 đến 30/12/2019 với số tiền lãi chậm thanh toán 34.368.528 đồng là có cơ sở, phù hợp với quy định của pháp luật nên được chấp nhận.

[5.5]. Về tranh chấp bảo hành sản phẩm: Quá trình kinh doanh sản phẩm, công ty S yêu cầu công ty C thực hiện bảo hành 03 lốp xe loại 11R22.5 bị hư hỏng. Công ty C chấp nhận 01 lốp xe, không chấp nhận bảo hành cho hai lốp xe còn lại . Tại phiên tòa bị đơn không chứng minh được 02 lốp xe không được công ty C đã được bán cho khách hàng nào , bán vào thời gian nào , 02 lốp này được nhập từ lô hàng nào của công ty C. Cũng không có văn bản hay giấy tờ mua bán , xác nhận việc đã phải đền bù, bảo hành cho khách hàng nào, vào thời gian nào. Do đó việc xác định công ty S đã lắp đặt bảo hành lốp xe và buộc công ty C thực hiện bảo hành lại cho mình là chưa thuyết phục . Mặt khác căn cứ vào Bản chính sách bảo hành có hiệu lực từ ngày 01/01/2015 được các bên đương sự cung cấp và thống nhất áp dụng , Báo cáo kết quả kiểm tra lốp xe ngày 05/12/2019; bản đề xuất trả bảo hành ngày 04/12/2019 cho thấy 02 lốp xe 11R22.5 HSC1ED không thuộc diện được bảo hành theo chính sách bảo hành do phía nguyên đơn đưa ra như chỉ thị mòn giai lốp -1.6 mm độ sâu gai còn lại, lốp bị hỏng do lỗi người sử dụng. Sau khi không được công ty C chấp nhận bảo hành công ty S cũng không có động thái khiếu nại đề nghị xem xét lại hay chứng minh kết luận của phía công ty C là không có cơ sở. Do đó Tòa án chấp nhận ý kiến của công ty C về việc công ty C sẽ khấu trừ giá trị 01 lốp xe cho công ty S để thực hiện việc bảo hành. Với giá trị khấu trừ bảo hành là 6.102.727 đồng.

Căn cứ vào các mục [5.2], [5.3], [5.4], [5.5] Tòa án xác định tổng số tiền công ty S phải thanh toán cho Công ty C (tính đến ngày 30/12/2019) là 128.660.000 đồng (tiền gốc chưa thanh toán ) + 34.368.528 đồng (tiền lãi do chậm thanh toán) - 6.102.727 đồng (tiền trừ cho 01 lốp bị hư hỏng phải bảo hành)= 156.925.801 đồng.

[6]. Về án phí dân sự sơ thẩm: Do yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn -Công ty C được Hội đồng xét xử chấp nhận, nên Công ty C không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm. Hoàn trả lại cho công ty C số tiền tạm ứng án phí đã nộp. Công ty S phải chịu án phí theo quy định. Cụ thể: 156.925.801 đồng x 5% = 7.846.290 đồng.

Vì các lẽ nêu trên,

QUYẾT ĐỊNH

- Căn cứ vào khoản 1 Điều 30, điểm a, khoản 1 Điều 35; điểm a khoản 1 Điều 39; Điều 147, Điều 271 và Điều 273 Bộ luật tố tụng dân sự;

- Áp dụng Điều 24, Điều 49, Điều 50, Điều 306 Luật thương mại năm 2005;

- Áp dụng Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tuyên xử:

1. Chấp nhận Toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Công ty C.

Buộc Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Dịch vụ S có trách nhiệm trả cho Công ty trách nhiệm hữu hạn Xuất nhập khẩu C; số tiền 156.925.801 đồng (một trăm năm mươi sáu triệu chín trăm hai mươi năm nghìn tám trăm lẻ một đồng).

Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành án xong, tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015.

2. Về án phí dân sự sơ thẩm:

- Hoàn trả lại cho Công ty C số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 4.122.000 đồng (bốn triệu một trăm hai mươi hai nghìn đồng) đã nộp theo biên lai thu tiền số 0003997 ngày 08/01/2020 tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước.

- Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Dịch vụ S phải chịu số tiền án phí là 7.846.290 đồng (bảy triệu tám trăm bốn mươi sáu nghìn hai trăm chín mươi đồng).

3. Các đương sự được quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày tuyên án.

4. Trong trường hợp bản án được thi hành theo Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.     

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

346
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 01/2020/KDTM-ST ngày 24/06/2020 về tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hoá

Số hiệu:01/2020/KDTM-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Chơn Thành - Bình Phước
Lĩnh vực:Kinh tế
Ngày ban hành: 24/06/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về