TOÀ ÁN NHÂN DÂN HUỴÊN YÊN ĐỊNH, TỈNH THANH HÓA
BẢN ÁN 01/2019/KDTM-ST NGÀY 20/02/2019VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG GIA CÔNG HÀNG HÓA
Trong ngày 20/02/2019, tại Trụ sở Toà án nhân dân huyện Yên Định xét xử sơ thẩm công khai vụ án: “Tranh chấp hợp đồng gia công hàng hóa” thụ lý số 04/2018/TLST-KDTM ngày 25 tháng 9 năm 2018, theo quyết định đưa vụ án ra xét xử số 55/2018/QĐXXST-KDTM ngày 24/12/2018, giữa các đương sự:
- Nguyên đơn: Công ty Trách nhiệm hữu hạn A.
Địa chỉ: Khu Công nghiệp làng nghề thị trấn N, huyện N, Thanh Hóa.
Người đại diện theo pháp luật: Ông Kim Jong Beag - Chức vụ: Giám đốc.
Người đại diện theo ủy quyền: Chị Hoàng Thị Nga, sinh năm: 1990 – Chức vụ: Kế toán công ty TNHH A.
Địa chỉ: Thôn K, xã B, huyện N, Thanh Hóa.
- Bị đơn: Công ty Trách nhiệm hữu hạn T
Địa chỉ: Thôn 8, xã L, huyện Yên Định, Thanh Hóa.
Người đại diện theo pháp luật: Ông Sung Tai Sub - Chức vụ: Giám đốc.
Người đại diện theo ủy quyền: Anh Nguyễn Anh Tuấn, sinh năm 1984 - Chức vụ: Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính.
Địa chỉ: xã T, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa.
- Người làm chứng:
+ Chị Lê Thị Thùy Trang, sinh năm 1988, là Kế toán trưởng công ty T.
+ Chị Lê Thị Bình, sinh năm 1990, là Quản lý đơn hàng công ty công ty T.
+ Anh Lê Văn Hiểu, sinh năm 1990, là Tổ trưởng tổ hoàn thiện công ty T.
Tại phiên toà có mặt chị Nga, anh Tuấn, chị Trang, chị Bình, vắng mặt anh Hiểu.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Tại đơn khởi kiện ngày 05/9/2018, bản tự khai ngày 02/10/2018, quá trình làm việc tại Tòa án, phía nguyên đơn trình bày:
Ngày 19/8/2017 Công ty Trách nhiệm hữu hạn A (gọi tắt là công ty A) và Công ty Trách nhiệm hữu hạn T (gọi tắt là công ty T) có thỏa thuận ký kết hợp đồng gia công hàng hóa số 19082017/TS-MSVN, gọi là hợp đồng nguyên tắc chung. Trên cơ sở hợp đồng nguyên tắc này, giữa hai bên công ty thỏa thuận ký kết các phụ lục hợp đồng mỗi khi phát sinh đơn hàng cụ thể. Khi hai bên ký kết và thực hiện phụ lục hợp đồng số 04 thì phát sinh tranh chấp, do công ty T đã chậm giao hàng đối với mã hàng số 0981, 8925, 9268. Theo phụ lục hợp đồng, công ty T phải giao tại xưởng của công ty A vào ngày 14/12/2017, nhưng đến ngày 11/01/2018 công ty T mới giao hàng, công ty A phải đến tận xưởng của công ty T nhận hàng (BL80). Do công ty T giao hàng chậm nên công ty A không thể chuyển hàng cho đối tác bằng đường biển, mà phải chuyển bằng đường hàng không, dẫn đến chi phí vận chuyển tăng thêm 2600.88 USD (Hai nghìn sáu trăm phẩy tám tám đo la) tương ứng với số tiền quy đổi là 58.974.954đ. Như vậy công ty T đã vi phạm Điều 6 của Hợp đồng số 19082017/TS-MSVN mà hai bên đã ký kết quy định về thời gian giao hàng.
Cụ thể: “…Nếu bên B giao hàng không đúng thời gian dẫn đến việc bên A không bắt kịp ngày xuất hàng thông thường bằng đường biển và phải xuất hàng bằng hàng không (máy bay), thì bên B có trách nhiệm thanh toán toàn bộ chi phí vận chuyển bằng hàng không…”
Sau khi xảy ra sự việc, công ty A đã nhiều lần yêu cầu công ty T thanh toán khoản tiền vi phạm hợp đồng này nhưng phía công ty T không chấp nhận.
Do vậy đại diện công ty A đã yêu cầu khởi kiện công ty T thanh toán cho
công ty các khoản sau:
+ Bồi thường chi phí phát sinh do công ty T chậm giao hàng với số tiền 2600.88 USD, quy đổi là 58.974.954đ.
+ Tiền lãi chậm trả đối của số tiền 58.974.954đ tính từ ngày 11/01/2018 đến khi công ty T thanh toán hết khoản nợ cho công ty A.
Tại phiên tòa, đại diện nguyên đơn đề nghị được rút yêu cầu đòi tiền lãi chậm trả, chỉ yêu cầu công ty T thanh toán số tiền chi phí phát sinh do chậm giao hàng là 58.974.954đ.
Tại bản tự khai ngày 22/10/2018, quá trình làm việc tại Tòa án và tại phiên tòa hôm nay, phía bị đơn trình bày:
Ngày 19/8/2017 Công ty T và công ty A có ký kết hợp đồng gia công hàng hóa số 19082017/TS-MSVN, kèm theo hợp đồng này là phụ lục hợp đồng số 04 ngày 25/11/2017 để gia công hàng may mặc. Quá trình thực hiện hợp đồng do công ty A không chịu chuyển tiền trước như theo điều 9 của hợp đồng, đó là: “- Thời hạn thanh toán: Bên A sẽ thanh toán tiền hàng cho bên B trước khi xuất hàng…”, nên công ty T không chấp nhận giao hàng.
Công ty T cũng đưa ra số liệu thể hiện việc công ty A đã chuyển tiền chậm rất nhiều lần, cụ thể:
Giao hàng ngày 14/12/2017 thì MS thanh toán ngày 19/12/2017;
Giao hàng các ngày 19, 20, 25/12/2017 thì MS thanh toán ngày 26/12/2017; Giao hàng ngày 11/01/2018 thì MS thanh toán cùng ngày 11/01/2018 (Đây là lần giao hàng phát sinh tranh chấp).
Việc chậm giao tiền hàng của công ty A diễn ra nhiều, nhưng công ty T vẫn tạo điều kiện để cho xuất hàng và nhận tiền sau. Nhưng do đơn hàng giao ngày 11/01/2018 giao với số lượng nhiều, tiền hàng lớn, lại là đơn hàng cuối cùng giữa hai bên, nên lãnh đạo công ty đã chỉ đạo phải thực hiện đúng hợp đồng đã ký, nhận tiền trước rồi mới cho xuất hàng.
Theo quy định tại Điều 9 và các điều khoản liên quan trong hợp đồng, căn cứ tình hình thực tế thanh toán đơn hàng của công ty A với công ty T, đại diện công ty T khẳng định: Công ty T không vi phạm hợp đồng, mà chính là công ty A vi phạm nghiêm trọng điều khoản trong hợp đồng đã ký kết, nên phải tự gánh chịu rủi ro, công ty T không chấp nhận bồi thường theo yêu cầu của công ty A.
- Quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa hôm nay, người làm chứng- chị Lê Thị Thùy Trang khai: Chị là nhân viên kế toán của công ty T, trực tiếp giao dịch thanh toán đơn hàng và hóa đơn với công ty A. Theo hợp đồng đã ký kết, bên MS phải thanh toán tiền trước ngày xuất hàng thì TS mới giao hàng. Trong quá trình thực hiện hợp đồng, do tin tưởng nhau nên các lần xuất hàng với số lượng ít công ty T không yêu cầu công ty A phải thanh toán trước vẫn xuất hàng, nhưng có 03 đơn hàng với số lượng lớn, trong đó có đơn hàng xuất ngày 11/01/2018, công ty T đã yêu cầu công ty A phải thanh toán trước thì mới xuất hàng.
Đối với đơn hàng đang tranh chấp, trước đó ngày 29/12/2017 chị Bình đã gửi email cho bên công ty A yêu cầu thanh toán tiền để công ty T xuất hàng, nhưng đến ngày 09/01/2018, đại diện công ty A là chị Nga – Kế toán công ty A đến nhận hàng nhưng lại không chuyển tiền trước cho công ty T. Mặc dù công ty T đã chủ động gọi xe và bốc hàng lên xe sẵn sàng giao hàng, nhưng do chờ đến khoảng 16 giờ 30 phút cùng ngày mà công ty A vẫn không chuyển tiền, nên công ty T buộc phải cho dỡ hàng xuống. Đến ngày 11/01/2018 bên công ty A chuyển tiền, công ty T đã giao hàng đầy đủ. Do đó chị Trang cho rằng phía công ty T không vi phạm hợp đồng nên không phải bồi thường.
- Quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa hôm nay, người làm chứng- chị
Lê Thị Bình khai:
Chị là nhân viên của công ty T, chịu trách nhiệm quản lý đơn hàng với công ty A. Theo hợp đồng, tại Điều 3 quy định: “ Trong quá trình sản xuất, bên A có trách nhiệm quyết định nhanh và kịp thời các vấn đề kỹ thuật phát sinh để bảo đảm cho sản xuất được liên tục, không ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất của bên B”, Điều 10 quy định: “Trong quá trình thực hiện, hai bên tích cực giải quyết những vấn đề phát sinh trên tinh thần hợp tác và giúp đỡ”. Hơn nữa trước khi ký kết hợp đồng, lãnh đạo của 2 công ty có thỏa thuận bên MS sẽ cho TS mượn máy để sản xuất. Khi thực hiện hợp đồng, công ty T không có máy để may phần ngực và phần cánh tay, đã yêu cầu bên MS cho mượn máy (gọi là máy Smocking). Nhưng số lượng máy và thời gian sử dụng máy không đáp ứng nhu cầu, ảnh hưởng không nhỏ đến việc sản xuất của công ty T, nên đến ngày 29/12/2017 công ty T mới thực hiện xong đơn hàng, quá trình thực hiện công ty đều thường xuyên liên lạc, thông báo với công ty A về tiến độ sản xuất.
Chị cũng công nhận ngày 09/01/2018 công ty A có đến nhận hàng, nhưng do công ty A không chuyển tiền trước như đã thỏa thuận nên công ty T không chấp nhận giao hàng. Đến ngày 11/01/2018 công ty A chuyển tiền đến thì công ty T đã giao hàng đầy đủ. Chị nhận thấy công ty T không vi phạm hợp đồng nên không có trách nhiệm bồi thường cho công ty A.
- Quá trình giải quyết vụ án người làm chứng- anh Lê Văn Hiểu khai:
Anh là nhân viên của Công ty T, ngày 09/01/2018 anh là người trực tiếp cùng một số công nhân của công ty T bốc hàng lên xe để giao cho công ty A, nhưng do công ty A không chuyển tiền nên khoảng 16 giờ 30 phút, chị Bình là người quản lý đơn hàng đã yêu cầu các anh dỡ hàng xuống, không cho đại diện công ty A nhận hàng. Ngoài ra anh không khai báo thêm gì.
Ý kiến của Kiểm sát viên tại phiên tòa:
Về việc tuân theo pháp luật: Trong quá trình giải quyết vụ án, Thẩm phán, đã xác định đúng quan hệ tranh chấp, thực hiện việc giải quyết vụ án đúng trình tự, thủ tục tố tụng. Tại phiên tòa, HĐXX, Thư ký phiên tòa đã tiến hành xét xử đúng quy định của pháp luật, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của các đương sự trong vụ án.
Đề nghị giải quyết vụ án: Đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng các điều 24, 179, 181, 182, 302, 303 và 306 Luật thương mại năm 2005; Các điều 8, 11, 542, 544, 545, 546, 547, 549, 550, 552, 553, 468 Bộ luật dân sự; Các điều 30, 35, 203, 147, 220, 266 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015; Điều 3, Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội.
Xử chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty A, buộc công ty T bồi thường cho công ty A số tiền bị thiệt hại là 58.975.000đ.
Về án phí: Công ty T phải chịu án phí KDTM sơ thẩm theo quy định của pháp luật.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:
[1] Về thẩm quyền giải quyết vụ án: Tại điều 10 của Hợp đồng mà các bên ký kết thể hiện: nếu phát sinh tranh chấp mà các bên không tự thương lượng được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.
Công ty T là bị đơn trong vụ án, có địa chỉ trụ sở tại xã Định Liên, huyện Yên Định, Thanh Hóa, giữa công ty A và Công ty T đều có tư cách pháp nhân, là doanh nghiệp Việt Nam, trong quá trình kinh doanh đã thực hiện giao kết, thỏa thuận bằng hợp đồng. Do vậy tranh chấp giữa công ty A và Công ty T là tranh chấp về kinh doanh và thương mại, thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân huyện Yên Định, theo quy định tại khoản 1 Điều 30, điểm b khoản 1 Điều 35, Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.
[2] Về tố tụng: Quá trình giải quyết vụ án Tòa án đã tiến hành tống đạt các văn bản tố tụng cho đương sự, tiến hành thu thập chứng cứ, lấy lời khai, tổ chức phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải cho đương sự theo đúng trình tự, thủ tục do pháp luật quy định.
[3] Về nội dung:
Công ty A và công ty T thống nhất được các nội dung sau:
+ Các bên đã thỏa thuận, ký kết hợp đồng gia công hàng may mặc số 19082017/TS-MSVN. Trên cơ sở hợp đồng nguyên tắc này, hai bên công ty đã thỏa thuận ký kết và thực hiện 04 phụ lục hợp đồng, nhưng chỉ có phụ lục hợp đồng số 04 là phát sinh tranh chấp về điều khoản giao hàng và điều khoản về thanh toán, các điều khoản khác của hợp đồng các bên không tranh chấp.
+ Quá trình thực hiện phụ lục hợp đồng số 04, ngoài thiệt hại phát sinh mà bên MS đang yêu cầu khởi kiện, các thiệt hại khác của hai bên như chi phí vận chuyển phát sinh, chi phí thuê nhân công bốc xếp, các bên đều không yêu cầu.
+ Số lượng, chất lượng hàng hóa giao nhận, các bên không có tranh chấp, cũng không có ý kiến gì và đều khai thống nhất như nhau.
+ Trong quá trình giải quyết vụ án, các bên cũng đều xác định lời khai của các bên là phù hợp với các sự kiện đã diễn ra, ngày tháng diễn ra sự kiện, diễn biến của các sự kiện đó, nên thống nhất không cần phải đối chất tại tòa mà đề nghị Tòa án căn cứ vào các chứng cứ, tài liệu các bên đã cung cấp, cũng như nội dung vụ án để xác định lỗi của các bên trong việc thực hiện nghĩa vụ giao hàng và thanh toán, xét xử vụ án theo đúng quy định của pháp luật.
Đây là các tình tiết của vụ án đã được các bên thống nhất xác nhận, không cần phải nhận định, chứng minh, được sử dụng làm cơ sở để xem xét các vấn đề có liên quan trong vụ án.
Ngoài hợp đồng và phụ lục hợp đồng, các bên còn căn cứ trên tình hình thực tế, trao đổi qua điện thoại và thư điện tử (email) để thực hiện hợp đồng. Quá trình giải quyết các bên đều cung cấp cho Tòa án các email trao đổi giữa hai bên, được Tòa án công bố công khai, các bên không có ý kiến gì. Vì vậy các chứng emai mà các bên đã cung cấp được xem là nguồn chứng cứ để xem xét nội dung của vụ án.
Quá trình giải quyết vụ án, các bên đều cho rằng mình không có lỗi. Công ty A xác định lỗi thuộc về công ty T vì đã giao hàng chậm, còn công ty T lại xác định lỗi thuộc về công ty A vì không chịu giao tiền, nên công ty T không xuất hàng, chứ không phải công ty T cố tình giao hàng chậm, nên công ty T không chấp nhận bồi thường khoản chi phí phát sinh mà công ty A đã yêu cầu.
Theo thỏa thuận giữa các bên, mã hàng 8925 số lượng 220 chiếc, mã hàng 9268 số lượng 200 chiếc và mã hàng 0981 số lượng 848 chiếc (BL 165) bên công ty T phải gia công xong và giao cho bên công ty A vào ngày 14/12/2017, trên thực tế công ty A đã chấp nhận cho công ty T giao hàng chậm nhất vào ngày 18/12/2017 tại kho công ty A (BL 43), nhưng đến ngày 29/12/2017 công ty T mới hoàn thành đơn hàng (BL 151) và đến ngày 11/01/2018 công ty T mới giao toàn bộ số hàng trên tại kho của công ty T. Điều này chứng tỏ việc giao hàng chậm của công ty T cho công ty A là đúng thực tế, đã vi phạm điều 6 của Hợp đồng nguyên tắc mà các bên đã ký kết.
Xét về lỗi dẫn đến thiệt hại, Hội đồng xét xử xét thấy:
Khi phát sinh các vấn đề trong sản xuất có khả năng ảnh hưởng đến tiến độ giao hàng, bên TS có trao đổi với bên MS hỗ trợ. Trong khả năng của mình bên MS đã cho bên TS mượn địa điểm, mượn máy Smocking để sản xuất, tuy nhiên công ty T vẫn không thể gia công kịp tiến độ giao hàng. Do đây là đơn hàng theo đặt hàng gia công từ bên nước ngoài của công ty A, được công ty A thuê công ty T gia công lại, nên việc điều chỉnh thời gian giao hàng phụ thuộc hoàn toàn vào phía đối tác của công ty A có chấp nhận hay không. Khi tiếp nhận thông tin về việc có khả năng giao hàng chậm từ công ty T, đại diện công ty A đã có sự liên lạc cần thiết với đối tác của mình yêu cầu gia hạn thêm thời gian, tuy nhiên chỉ gia hạn được thêm 4 ngày, tức là ngày 18/12/2017 công ty T phải giao hàng cho công ty A. Đại diện công ty A đã thông báo cho đại diện công ty T và không chấp nhận gia hạn thêm. Nhưng công ty T không có cách nào để đẩy nhanh tiến độ sản xuất. Việc thiếu máy làm một số công đoạn để hoàn thiện sản phẩm, hay thiếu nhân công dẫn đến chậm tiến độ sản xuất, chậm thời hạn giao hàng của công ty T không phải lỗi của công ty A, vì trước khi ký kết hợp đồng bên TS phải lường trước được những vấn đề này, không thuộc trường hợp bất khả kháng hay sự kiện bất ngờ. Do vậy, việc chậm giao hàng cho MS là lỗi của công ty T.
Đến ngày giao hàng 18/12/2017 (ngày cuối cùng được gia hạn), công ty T vẫn chưa sản xuất kịp hàng để giao cho công ty A. Điều đó chứng tỏ công ty T đã vi phạm hợp đồng về điều khoản giao hàng trước.
Bên phía công ty T cho rằng công ty mình không có lỗi mà do công ty A có lỗi vi phạm điều khoản thanh toán. Tuy nhiên trong suốt thời gian thực hiện hợp đồng, công ty T chỉ yêu cầu công ty A gia hạn thêm thời hạn giao hàng, hoặc yêu cầu được mượn máy, mà không đề cập đến yêu cầu phải chuyển tiền trước, chỉ đến khi bên MS đã thông báo cho bên TS về số hàng giao chậm lần này phải thực hiện vận chuyển bằng đường hàng không, và yêu cầu bên TS chịu toàn bộ thiệt hại phát sinh (BL 171) thì đại diện công ty T mới yêu cầu công ty A phải thanh toán tiền trước khi nhận hàng, trong khi thời điểm này, công ty T đã chậm giao hàng. Quá trình thực hiện hợp đồng, bên công ty T không cung cấp đầy đủ thông tin về chi phí cũng như không cung cấp bản sao hóa đơn và các giấy tờ khác để thanh toán nên cũng là lý do công ty A chưa có cơ sở để chuyển tiền thanh toán cho bên TS. Nên công ty A không có lỗi trong việc thanh toán tiền cho công ty T.
Công ty T cũng nại ra vấn đề trong quá trình thực hiện hợp đồng, lãnh đạo của 2 công ty có trao đổi qua lại với nhau bằng điện thoại để thỏa thuận về việc thực hiện đơn hàng, các vấn đề phát sinh trong đó có việc giao hàng và thanh toán giữa các bên cũng đã được lãnh đạo hai bên thương lượng, giải quyết xong. Nhưng công ty T không đưa ra được các chứng cứ, tài liệu chứng minh cho vấn đề này, bên công ty A không công nhận nên không có cơ sở xem xét.
Từ những phân tích ở trên Hội đồng xét xử xét thấy lỗi dẫn đến thiệt hại của công ty A với số tiền 58.974.954đ là do công ty T đã giao chậm hàng, vi phạm điều 6 của hợp đồng số 19082017/TS-MSVN mà các bên đã ký kết. Do vậy yêu cầu khởi kiện của công ty A được chấp nhận và buộc công ty T phải bồi thường thiệt hại cho công ty A là phù hợp.
Căn cứ vào các chứng cứ, tài liệu là hợp đồng gia công với đối tác nước ngoài của công ty A, tờ khai hàng hóa xuất khẩu của từng lần đã thể hiện thiệt hại mà bên MS phải chịu từ việc giao hàng chậm của công ty T là thực tế, phù hợp với lời khai của các bên, phù hợp với yêu cầu khởi kiện của MS. Cần buộc công ty T bồi thường cho công ty A toàn bộ thiệt hại với số tiền như đã khởi kiện là 58.974.954đ (được làm tròn thành 58.975.000đ).
[4] Về lãi chậm trả: Tại phiên tòa đại diện của nguyên đơn không yêu cầu về lãi chậm trả đối với khoản tiền đang yêu cầu công ty T phải trả, do vậy cần đình chỉ đối với yêu cầu về lãi chậm trả này của nguyên đơn.
[5] Về án phí: Công ty T phải chịu án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm theo quy định của pháp luật. Mức án phí mà công ty T phải chịu bằng mức án phí kinh doanh thương mại không có giá ngạch. Trả lại công ty A số tiền tạm ứng án phí đã nộp.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ vào các điều 179, 181, 182, 302, 303 và 304 Luật thương mại năm 2005; Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015, Các điều 30, 35, 39, 147, 244, 266, khoản 1 Điều 273 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015; Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội.
Tuyên xử:
1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty TNHH A.
Buộc công ty TNHH T bồi thường cho công ty TNHH A số tiền bị thiệt hại do vi phạm hợp đồng là 2600.88 USD, tương đương 58.975.000đ.
Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, Công ty TNHH A có đơn yêu cầu thi
hành án mà công ty TNHH T chậm thi hành, thì hàng tháng còn phải chịu lãi của số tiền còn phải thi hành theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015 tương ứng với thời gian chậm thi hành.
2. Đình chỉ xét xử đối với yêu cầu của công ty TNHH A về lãi chậm trả.
3. Về án phí: Công ty TNHH T phải chịu 3.000.000đ án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm nộp ngân sách nhà nước.
Chi cục Thi hành án dân sự huyện Yên Định hoàn trả lại cho đại diện Công ty TNHH A số tiền 1.500.000đ tạm ứng án phí đã nộp, theo biên lai thu số AA/2014/0004405 ngày 21/9/2018 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Yên Định.
4. Về quyền kháng cáo: Các đương sự được quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án.
Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7, 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.
Bản án 01/2019/KDTM-ST ngày 20/02/2019 về tranh chấp hợp đồng gia công hàng hóa
Số hiệu: | 01/2019/KDTM-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Huyện Yên Định - Thanh Hoá |
Lĩnh vực: | Kinh tế |
Ngày ban hành: | 20/02/2019 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về