Bản án 01/2019/KDTM-PT ngày 29/01/2019 về tranh chấp hoàn trả vốn góp cho thành viên

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG

BẢN ÁN 01/2019/KDTM-PT NGÀY 29/01/2019 VỀ TRANH CHẤP HOÀN TRẢ VỐN GÓP CHO THÀNH VIÊN

Trong ngày 29 tháng 01 năm 2019 tại Trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh An Giang xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 09/2018/TLPT-KDTM ngày 01 tháng 6 năm 2018 về tranh chấp hợp đồng góp vốn.

Do bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 02/2018/KDTM-ST ngày 14/03/2018 của Toà án nhân dân huyện T, tỉnh An Giang bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 14/2018/QĐ-PT ngày 16 tháng 10 năm 2018 giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Ông Nguyễn Văn K , sinh năm 1956 (có mặt)

Địa chỉ: thị trấn N, huyện T  , tỉnh An Giang

2. Bị đơn: Quỹ tín dụng nhân dân N

Địa chỉ trụ sở: thị trấn N, huyện T, tỉnh An Giang

Người đại diện theo ủy quyền:

- Bà Huỳnh Thị P -Thành viên Hội đồng quản trị. (Theo Giấy ủy quyền số 01/QUQ-QTDNB ngày 15/01/2016) (vắng mặt)

- Bà Nguyễn Thị Việt B, sinh năm 1979, Địa chỉ: phường M, thành phố L, tỉnh An Giang. (Theo Hợp đồng ủy quyền ngày 01/3/2016) (có mặt)

- Ông Nguyễn Hữu L , sinh năm 1978 – Kế toán trưởng Quỹ tín dụng nhân dân N, Địa chỉ: thị trấn N, huyện T, tỉnh An Giang. (Theo Giấy ủy quyền số 01/GUQ ngày 16/3/2018) (có mặt)

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp: Luật sư C – VPLS C

3. Người kháng cáo: Ông Nguyễn Văn K – Nguyên đơn và Quỹ tín dụng nhân dân N – Bị đơn.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện ngày 24/12/2015 của nguyên đơn là ông Nguyễn Văn K  trình bày: Vào năm 1995 khi thành lập Quỹ tín dụng nhân dân N , ông là một trong 17 thành viên sáng lập và góp vốn. Vốn góp ban đầu tính theo cổ phiếu mỗi cổ phiếu là 1.000.000 đồng, tổng vốn góp được là 107.000.000 đồng = 107 cổ phiếu để Quỹ tín dụng nhân dân hoạt động làm thí điểm trong 20 năm. Bản thân ông K  mua 10 cổ phiếu là 10.000.000 đồng và góp vốn thành viên sáng lập 50.000 đồng. Sau đó ông góp vốn thêm đến 30/12/2005 trị giá vốn góp của ông lên đến 190.050.000 đồng. Trong quá trình hoạt động, Quỹ tín dụng N đã thực hiện đầy đủ việc chia lợi tức cũng như các chính sách khác được quy định tại Điều lệ QTDND do Đại hội thành viên hàng năm quyết định. Kể từ năm 2010, ông K   thôi giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT đến nay, tuy nhiên ông vẫn còn là thành viên sáng lập, góp vốn. Thế nhưng ông K không được HĐQT mời tham dự Đại hội cổ đông thường niên hoặc các cuộc họp khác liên quan đến thành viên góp vốn, cũng như không được thông báo bất cứ vấn đề gì có liên quan đến thành viên của QTNND N .

Ngày 12/6/2015, ông K có đơn xin rút vốn góp thành viên và có yêu cầu QTDND N phải trả lại cho ông số vốn góp ban đầu 190.050.000 đồng và trả giá trị vốn góp tính trên giá trị các quỹ được trích lại tính đến thời điểm 31/12/2015 cũng như giá trị tài sản cố định đơn vị đã mua sắm tổng số tiền 800.000.000 đồng.

Bị đơn – Quỹ tín dụng nhân dân N do bà Huỳnh Thị P và bà Nguyễn Thị Việt B là đại diện theo ủy quyền trình bày: QTDND N thành lập năm 1995, ông Nguyễn Văn K là thành viên sáng lập đã góp vốn từ năm 1995 đến 2003 là 80.000.000 đồng và góp vốn thành viên sáng lập 50.000.000 đồng, cộng chung là 80.050.000 đồng (mã số thành viên A00005). Từ ngày 15/10/2004 đến ngày 30/12/2005 ông K  có góp vốn thêm 110.000.000 đồng. Tổng số vốn góp của ông K  từ năm 1995 đến 31/12/2005 là 190.050.000 đồng. Trong quá trình hoạt động, QTDND N luôn đảm bảo chi trả lợi tức cho ông K  theo tỷ lệ vốn góp hàng năm.

Vào ngày 12/6/2015 ông K có đơn xin rút vốn góp thành viên, đề nghị QTDND N phải hoàn trả vốn góp cho ông gấp 05 lần với số tiền là 950.000.000 đồng. Tại cuộc họp HĐQT ngày 16/6/2015, sau khi có ý kiến của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam – chi nhánh An , HĐQT xem xét và căn cứ vào khoản 3

Điều 11 của Điều lệ QTDND N thì yêu cầu rút vốn của ông K  hoàn toàn không đủ cơ sở để thực hiện hoàn trả vốn góp 05 lần so với vốn thực góp như yêu cầu của ông K .

Nay ông K  khởi kiện yêu cầu QTDND N phải trả lại cho ông số vốn góp ban đầu 190.050.000 đồng và trả giá trị vốn góp tính trên giá trị các quỹ được trích đến thời điểm 31/12/2015 cũng như giá trị tài sản cố định đơn vị đã mua sắm theo quy định của pháp luật. Đối với vấn đề này, việc chi trả vốn góp cho ông K, QTDND N chi trả thực tế như sau:

- Căn cứ Điều lệ QTDND N, Nghị định số 57/2012/NĐ-CP ngày 20/7/2012 về chế độ tài chính đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh Ngân hàng nước ngoài; Thông tư số 04/2015/NĐ-CP ngày 20/7/2015 thì QTDND N chỉ hoàn trả vốn góp cho ông K đến thời điểm này với số tiền là 277.471.912 đồng. Cách tính:

- Vốn điều lệ: 7.859.280.000 đồng;

- Các quỹ: 4.238.793.000 đồng, gồm:

+ Quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ: 1.216.067.000 đồng;

+ Quỹ đầu tư phát triển: 1.414.269.000 đồng;

+ Quỹ dự phòng tài chính: 1.392.457.000 đồng;

+ Lợi nhuận chưa phân phối: 216.000.000 đồng

- Xác định tỷ lệ vốn góp của thành viên: 190.050.000 đồng/ 7.859.280.000 đồng x 100 = 2,418%

- Xác định giá trị thực vốn điều lệ: 7.859.280.000 đồng + 4.238.793.000 đồng = 12.098.073.000 đồng 12.098.073.000 đồng x 2,418% = 292.531.000 đồng

Tại bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện T  tuyên xử:

- Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Văn K . Buộc QTDND N hoàn trả vốn góp cho ông Nguyễn Văn K  số tiền: 387.268.000 đồng

Ngoài ra, bản án còn tuyên về án phí và quyền kháng cáo của các đương sự.

Ngày 26/3/2018 QTDND N kháng cáo không đồng ý với bản án sơ thẩm vì cho rằng việc Tòa án sơ thẩm chia tài sản cố định là không có căn cứ và chia lợi nhuận khi chưa khấu hao các quỹ là không đúng quy định.

Ngày 28/3/2018 ông Nguyễn Văn K có đơn kháng cáo không đồng ý với bản án sơ thẩm vì cho rằng Tòa án sơ thẩm không xem xét giá trị thực của tài sản cố định mặc dù đã được khấu hao hết theo quy định nhưng thực tế giá trị còn lại sau khi khấu hao hết vẫn cao. Hơn nữa, ông là thành viên sáng lập nhưng Tòa án lại lấy các quỹ chia đều cho 02 nguồn vốn sáng lập và xác lập là không công bằng gây thiệt hại quyền lợi của ông nên ông yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm xem xét các nội dung sau:

- Xác định giá trị thực của tài sản cố định còn đang hiện hữu trên thực tế;

- Xem xét lại vốn sáng lập và xác lập;

- Xem lại biên bản quy chế hoạt động khi mới thành lập.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

- Ông K  yêu cầu trực tiếp tham gia phiên tòa, không tiếp tục ủy quyền cho ông Nguyễn Văn C  và không tiếp tục yêu cầu người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông là luật sư Nguyễn Hoàng Ch .

- Ông L  đại diện Qũy tín dụng nhân dân N trình bày: Việc cấp sơ thẩm cộng phần tài sản cố định vào giá trị thực tế của vốn điều lệ để tính chia cho ông K, yêu cầu cấp phúc thẩm xem xét lại phần này. Đối với lợi nhuận chưa phân phối 216.000.000 đồng, phần này chưa phân phối các quỹ nên không thể cộng chia.

- Ông K  trình bày: Nghị định 42 năm 1997 của Chính phủ có xác định vốn sáng lập, vốn xác lập. Ông là thành viên sáng lập, tỷ lệ góp vốn sáng lập của ông là 10.000.000đ trên tổng số 107.000.000đồng. Do đó, nếu tính để chia thì phải chia trên tỷ lệ này chứ không thể tính trên tỷ lệ của những người góp vốn xác lập mỗi người 50.000 đồng là không phù hợp. Tài sản cố định tính trên giá trị sổ sách là không đúng, phải xác định giá trị thực vì giá trị hiện nay của tài sản cố định đã tăng.

Phần tranh luận tại phiên tòa:

- Luật sư C trình bày: Ông K  yêu cầu không phải chia theo tỷ lệ của thành viên sáng lập chỉ là suy nghĩ của cá nhân ông K , theo ý kiến của Ngân hàng nhà nước thì việc rút vốn phải theo đúng quy định pháp luật. Đề nghị HĐXX xem xét khoản tài sản cố định không phải là khoản không được tính và khoản lợi nhuận 216.000.000 đồng không đưa vào để tính thành giá trị thực của vốn điều lệ. theo Công văn số 287 của Ngân hàng Nhà nước thì vốn đầu tư xây dựng cơ bản và mua sắm tài sản cố định không được tính vào giá trị thực của vốn điều lệ. Đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ văn bản của cơ quan chuyên môn này. Đối với số tiền 216.000.000 đồng  đây không phải là khoản lợi nhuận chưa phân phối của năm đó, mà số tiền này thuộc về đối tượng khác không được chia cho thành viên sáng lập mà của thành viên xác lập, nhưng nhỏ quá nên không chia. Lẽ ra, phải từ đầu năm 2016 Hội đồng thành viên đã thống nhất cho ông K  rút vốn, thì thời điểm xét hoàn trả phải tính từ năm 2016 nhưng Tòa án cấp sơ thẩm tính đến năm 2018. Tuy nhiên,  Qũy tín dụng nhân dân N  không kháng cáo xem xét lại thời điểm hoàn trả. Đối với kháng cáo của nguyên đơn là không có cơ sở để chấp nhận theo quy định của pháp luật. Ông K cho rằng ông bị thiệt hại và chưa tính các khoản thỏa đáng cho ông, nhưng thực tế thì ông K  cũng đã được hưởng tất cả các quyền lợi hàng năm.

- Ông L và bà B cùng trình bày: Thống nhất với nội dung tranh luận của luật sư C bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn, không bổ sung gì thêm.

- Ông K trình bày: Đề nghị HĐXX phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ để Tòa án huyện T giải quyết lại vụ án, vì cần phải xác minh và làm rõ lại tất cả các nội dung liên quan đến yêu cầu của ông.

- Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh An Giang phát biểu ý kiến: Về việc tuân thủ pháp luật tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án ở giai đoạn phúc thẩm và tại phiên tòa phúc thẩm: Thẩm phán, Thư ký và Hội đồng xét xử và những người tham gia tố tụng khác đã tuân thủ đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Về nội dung: Số tiền 216.000.000 đồng là lợi nhuận chưa phân phối; số tiền 3.918.000.000 đồng là tài sản cố định chứ không phải là quỹ tài sản cố định. Theo quy định của pháp luật tại thời điểm Hội đồng thành viên quyết định việc rút vốn thì Nghị định 57/2012/NĐ-CP ngày 20/7/2012, Thông tư 04/2015/TT-NHNN ngày 31/3/2015 quy định về quỹ tín dụng nhân dân là căn cứ pháp luật để tính số tiền hoàn trả cho ông K. Theo đó, lẽ ra phải căn cứ vào báo cáo tài chính năm 2015 để tính. Tuy nhiên, cấp sơ thẩm tính vào thời điểm xét xử là nhiều hơn năm 2015 là có lợi cho ông K  và quỹ tín dụng không kháng cáo về thời điểm tính hoàn trả vốn cho ông K, mà chỉ kháng cáo nộ dung giá trị tài sản cố định và khoản tiền 216.000.000 đồng nên chỉ xét các khoản có kháng cáo. Đối với tài sản cố định 3.918.000.000 đồng cấp sơ thẩm cộng  vào  giá trị  thực  của vốn  điều  lệ là không  đúng.  Đối  với  khoản  tiền 216.000.000 đồng là lợi nhuận với tên gọi là lợi nhuận chưa phân phối và theo trình bày số tiền 216.000.000 đồng sẽ xem xét sau. Do đó, cấp sơ thẩm chấp nhận khoản tiền 216.000.000 đồng là có cơ sở. Ông K  cho rằng tỷ lệ ông được nhận là nhiều hơn, khoảng hơn 800.000.000 đồng chỉ là suy nghĩ của các nhân ông, không có cơ sở pháp lý. Đối với yêu cầu của ông K  yêu cầu xác định lại giá trị thực của tài sản cố định thì thấy rằng pháp luật không có quy định khi rút vốn của thành viên phải xác định lại giá trị thực của tài sản cố định. Do đó, kháng cáo của ông K  là không có cơ sở chấp nhận. Đề nghị, Hội đồng xét xử phúc thẩm Tòa án nhân dân tỉnh An Giang căn cứ Khoản 2 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, sửa bản án sơ thẩm. Chấp nhận một phần kháng cáo của Qũy tín dụng nhân dân N. Không tính tài sản cố định vào giá trị thực của vốn điều lệ, chia tỷ lệ 2,418% cho ông K; phần kháng cáo đối với số tiền 216.000.000 đồng không chấp nhận. Không chấp nhận kháng cáo của ông K .

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án đã được xem xét tại phiên tòa và căn cứ kết quả tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Ông Nguyễn Văn K và Qũy tín dụng nhân dân N kháng cáo trong hạn luật định và có đóng tạm ứng án phí đầy đủ nên được Hội đồng xét xử xem xét giải quyết yêu cầu kháng cáo.

[2] Một trong số những người đại diện của Qũy tín dụng nhân dân N  B vắng mặt tại phiên tòa, đã được tòa án triệu tập hợp lệ hai lần tham gia phiên tòa, tại phiên tòa còn có người đại diện khác của Qũy tín dụng nhân dân N  nên Hội đồng xét xử tiến hành xét xử vụ án.

[3] Xét về quan hệ pháp luật tranh chấp, Tòa án cấp sơ thẩm xác định đây là tranh chấp hợp đồng góp vốn là không chính xác mà cần xác định là tranh chấp về việc hoàn trả vốn góp cho thành viên theo quy định tại khoản 4 Điều 30 của BLTTDS. Tuy nhiên, quá trình giải quyết vụ án, cấp sơ thẩm giải quyết về nội dung đúng với bản chất của tranh chấp nên Hội đồng xét xử phúc thẩm xác định lại tên quan hệ pháp luật tranh chấp cho chính xác, cấp sơ thẩm cần rút kinh nghiệm.

[4] Đối với yêu cầu kháng cáo của ông K thấy rằng: Theo Thông tư 04/2015/TT-NHNN ngày 31/3/2015 quy định về Quỹ Tín dụng nhân dân, Nghị định 57/2012/NĐ-CP ngày 20/7/2012 về chế độ tài chính đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nêu trên thì trường hợp của ông K  đủ điều kiện để được hoàn trả vốn góp khi chấm dứt tư cách thành viên của Quỹ Tín dụng. Và theo các Văn bản quy phạm pháp luật này thì không phân biệt là thành viên sáng lập hay thành viên xác lập có sự xác định hoàn trả vốn góp khác nhau. Do đó, yêu cầu của ông K  cho rằng ông là thành viên sáng lập nên phải tính phần vốn được hoàn trả của ông là khác, bằng số cổ phần của ông đã mua là tương đương 10% vốn góp khi thành lập Qũy tín dụng là không có cơ sở chấp nhận, cấp sơ thẩm tính phần vốn hoàn trả của ông trên cơ sở vốn góp của thành viên là ông so với vốn điều lệ thực góp là đúng với quy định tại Khoản 2 Điều 30 của Thông tư 04/2015/TT-NHNN ngày 31/3/2015. Do đó, HĐXX cấp phúc thẩm không có cơ sở chấp nhận yêu cầu kháng cáo này của ông.

[5] Đối với kháng cáo của ông Khấn về việc đánh giá lại giá trị thực của tài sản cố định. Theo quy định, các trường hợp Qũy tín dụng phải đánh giá lại tài sản  khi  thuộc  các  trường  hợp  quy  định  tại  khoản  2  Điều  9  Nghị  định 57/2012/NĐ-CP ngày 20/7/2012 về chế độ tài chính đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Trường hợp hoàn vốn cho thành viên chấm dứt tư cách thành viên của Qũy tín dụng không phải là trường hợp pháp luật quy định phải  đánh giá lại tài sản cố định của Qũy tín dụng. Do đó, cấp phúc thẩm không chấp nhận yêu cầu kháng cáo này của ông.

[6] Đối với kháng cáo của Qũy tín dụng, trong thời hạn kháng cáo, Qũy tín dụng chỉ kháng cáo liên quan đến nội dung khoản giá trị tài sản cố định cấp sơ thẩm nhận định là Quỹ và khoản lợi nhuận chưa chia để cộng vào giá trị thực của vốn điều lệ để chia tỉ lệ và hoàn trả cho ông K . Đến ngày 29/6/2018, Qũy tín dụng có văn bản yêu cầu xem xét lại mốc thời gian tính giá trị thực của vốn điều lệ để xác định lại số vốn góp hoàn trả cho ông Nguyễn Văn K  theo quy định của pháp Luật,  yêu cầu này của Qũy tín dụng đã vượt quá yêu cầu kháng cáo ban đầu chỉ xem xét phần giá trị tài sản cố định và phần lợi nhuận chưa chia. Theo quy định tại Khoản 2 Điều 284 của Bộ Luật tố tụng dân sự năm 2015 thì phần kháng cáo vượt quá nội dung kháng cáo trong hạn không được Hội đồng xét xử phúc thẩm xem xét. Tại phiên tòa phúc thẩm hôm nay Qũy tín dụng chỉ kháng cáo theo đúng nội dung của đơn kháng cáo ban đầu. Nên HĐXX phúc thẩm chỉ xem xét trong phạm vi này.

[7] Xét đối với nội dung kháng cáo về việc cho rằng bản án sơ thẩm tính giá trị phần tài sản cố định không phải là Quỹ để tính vào giá trị thực của vốn điều lệ. Xét thấy, theo các bản Báo cáo tài chính từ năm 2015 đến năm 2017 của Qũy tín dụng (Báo cáo này đã được kiểm toán theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng và đã được gửi cho Ngân hàng Nhà nước) thì giá trị tài sản cố định và vốn điều lệ là hai khoản riêng và các Quỹ của Qũy tín dụng không bao gồm tài sản cố định. Theo công văn số 905/ANG-TTGSNH ngày 24/12/2018 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh A thì tài sản cố định không nằm trong phần vốn điều lệ. Do đó, Việc Tòa án cấp sơ thẩm cho rằng giá trị tài sản cố định là Quỹ và được cộng vào giá trị thực để chia tỉ lệ và hoàn trả vốn góp cho ông K  là không chính xác, kháng cáo của Qũy tín dụng đối với việc trừ khoản giá trị này ra khỏi giá trị thực của vốn điều lệ để chia là có cơ sở, cấp phúc thẩm trừ khoản tiền này ra khỏi giá trị thực của vốn điều lệ mà cấp sơ thẩm đã xác định. Và theo Công văn số 287/NHNN-TTGSNH ngày 11/01/2019 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thì khoản vốn đầu tư xây dựng cơ bản cũng không được tính vào giá trị thực của vốn điều lệ để hoàn trả vốn góp cho thành viên nên khoản tiền 1.487.973.200 đồng  vốn đầu tư mua sắm tài sản cố định theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán của Qũy tín dụng nhân dân N cho năm tài chính 2017 không được tính vào giá trị thực của vốn điều lệ.

[8]  Đối với khoản lợi nhuận chưa chia 216.000.000đ, Qũy tín dụng cho rằng đây là lợi nhuận chưa chia của cổ đông xác lập nên dù hạch toán lợi nhuận chưa chia nhưng không thể chia. Xét thấy, khoản lợi nhuận chưa phân phối này theo sự thừa nhận của Qũy tín dụng vẫn còn tồn tại và được tính vào lợi nhuận chưa phân phối. Do đó, cấp sơ thẩm tính khoản lợi nhuận này cộng vào giá trị thực của vốn điều lệ để phân chia tỉ lệ và hoàn trả vốn góp cho thành viên rút vốn cho ông Khấn là có cơ sở. Yêu cầu kháng cáo của Qũy tín dụng không tính khoản tiền này là không có cơ sở chấp nhận.

[9]  Vì vậy, cấp phúc thẩm sửa lại bản án sơ thẩm về giá trị thực của vốn điều lệ như sau:

- Vốn điều lệ: 7.859.000.000đ

- Các Quỹ:

+ Quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ: 1.216.067.000đ

+ Quỹ đầu tư phát triển: 1.414.269.000đ

+ Quỹ dự phòng tài chính: 1.392.457.000đ

- Lợi nhuận chưa phân phối: 216.000.000đ

Tổng cộng là 12.098.073.000đ. Tỷ lệ vốn góp của ông K là: 190.050.000đ/7.859.280.000đ x 100% = 2.418%

Số tiền phải hoàn trả cho ông K là: 12.098.073.000đ x 2.418% = 292.531.000đ

Về án phí sơ thẩm: Điều chỉnh lại án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm của QTD theo số tiền phải trả cho ông K .

Ông K là người trên 60 tuổi, có đơn xin miễn án phí, nên được miễn án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm

Về án phí phúc thẩm: do sửa án sơ thẩm nên các đương sự không phải chịu án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào khoản 2 Điều 308, khoản 2 Điều 148 và Điều 313 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Xử:

- Sửa bản án sơ thẩm số 02/2018/KDTM-ST ngày 04 tháng 3 năm 2018 của Toà án nhân dân huyện Tị , tỉnh An Giang. Buộc Qũy tín dụng nhân dân N hoàn trả vốn góp cho ông Nguyễn Văn K  số tiền: 292.531.000đ (hai trăm chín mươi hai triệu năm trăm ba mươi mốt ngàn đồng)

- Án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm: ông Nguyễn Văn K  không phải chịu án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm, được nhận lại 18.000.000đ tiền tạm ứng án phí theo biên lai thu số 0006366 ngày 07/01/2016 của Chi Cục  Thi hành án dân sự huyện T .

Qũy tín dụng nhân dân N phải chịu 14.626.000đ án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm.

Ông Nguyễn Văn K không phải chịu án phí phúc thẩm, được nhận lại số tiền tạm ứng án phí 2.000.000 đồng theo biên lai thu số 0004107 ngày 02/4/2018 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện T, tỉnh An Giang. Qũy Tín dụng nhân dân N không phải chịu án phí phúc thẩm, được nhận lại số tiền tạm ứng án phí 2.000.000 đồng theo biên lai thu số 0004086 ngày 26/3/2018 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện T, tỉnh An Giang.

Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật nếu bên được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án, mà bên phải thi hành án chưa thanh toán số tiền nêu trên thì hàng tháng còn phải chịu lãi đối với số tiền phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6,7 và 9 Luật Thi hành án dân sự, thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

987
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 01/2019/KDTM-PT ngày 29/01/2019 về tranh chấp hoàn trả vốn góp cho thành viên

Số hiệu:01/2019/KDTM-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân An Giang
Lĩnh vực:Kinh tế
Ngày ban hành:29/01/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về