TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH GIA LAI
BẢN ÁN 01/2019/HS-PT NGÀY 07/01/2019 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH
Ngày 07 tháng 01 năm 2019, tại Trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự phúc thẩm thụ lý số: 119/2018/TLPT-HS ngày 05 tháng 12 năm 2018, do có kháng cáo của bị cáo Nguyễn Tấn H đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 41/2018/HS-ST ngày 20 tháng 9 năm 2018 của Tòa án nhân dân huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai.
Bị cáo có kháng cáo:
Nguyễn Tấn H, sinh năm 1975 tại huyện M, tỉnh Q; Nơi cư trú: Làng B, xã I, huyện C, tỉnh Gia Lai; nghề nghiệp: Làm nông; trình độ văn hoá (học vấn) 7/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Nguyễn Tấn H, sinh năm 1933 và bà Đoàn Thị T, sinh năm 1941; có vợ là Hồ Thị Thuỳ S, sinh năm 1982 và 02 con; tiền án, tiền sự: Không; bị cáo bị áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú. Có mặt.
Những người tham gia tố tụng khác có liên quan đến kháng cáo:
- Bị hại: Ông Đỗ Quang T, sinh năm 1940 tại huyện N, tỉnh Q; trú tại Thôn X, xã I, huyện C, tỉnh Gia Lai. Có mặt.
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án:
+ Bà Phạm Thị X, sinh năm 1963; trú tại thôn X, xã I, huyện C, tỉnh Gia Lai.
Có mặt.
NỘI DUNG VỤ ÁN
1. Theo các tài liệu có trong hồ sơ và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Khoảng 07 giờ 00 phút ngày 03/3/2016, ông Đỗ Quang T và con trai là Đỗ Tài L đi vào rẫy cà phê thuộc thôn X, xã I, huyện C, tỉnh Gia Lai để tưới cà phê.
Khi đến rẫy, L xuống suối thấy đập nước bị tháo, tấm đanh chắn nước bị vỡ nên bực tức chửi bới. Lúc đó ông T nhìn thấy Nguyễn Tấn H là người có rẫy bên cạnh đang đi đến, sợ H đánh L nên ông T nói L đi về, sau đó ông T đi xuống đập nước lấy đá chặn dòng để lấy nước tưới. Lúc này H đi đến, ông T nói "Mày tháo nước thì mày tưới đi, bây giờ tao đắp lại để tao tưới còn 20 cây nữa là xong". Nói xong ông T cuối xuống đắp nước thì H ở trên bờ ném đá xuống, thấy vậy ông T lên bờ thì H đi lại bóp cổ ông T, Nguyễn Tấn P là anh trai H đang làm gần đó chạy đến và có lời nói đe doạ ông T. Sau đó ông T vùng ra được và bỏ về rẫy ngồi nghỉ ở gốc cà phê.
Khi về đến nhà, L nói với mẹ là bà Phạm Thị X về việc mâu thuẫn tưới nước ở rẫy cà phê. Bà X liền gọi điện báo cho Công an xã I và cùng các con là Trần Thị Thuỳ V, Trần Thị N, Nguyễn Nhật H, Nguyễn Văn T, Trần Anh V đi đến rẫy cà phê, đi cùng còn có anh Nguyễn Văn N và chị Thân Thị T là bạn của V. Khi đến rẫy, thấy trên cổ ông T có vết hằn ngón tay và sưng đỏ, bà X hỏi thì ông T nói " Bị anh em P, H bóp cổ", bà X cùng chị V đỡ ông T lên vườn tiêu của gia đình ngồi đợi Công an đến giải quyết. Khoảng 15 phút sau có các anh Lê Trọng L, Siu H là Công an viên xã và anh Võ Viết D là Chỉ huy phó Ban chỉ huy quân sự xã I đến. Sau khi hỏi thăm tình hình, các anh công an và quân sự xã cùng gia đình bà X đi xuống suối nơi có tranh chấp nước tưới thì gặp gia đình Nguyễn Tấn H gồm có H, Nguyễn Tấn P là anh H, chị Hồ Thị Thuỳ S là vợ của H, chị Trần Thị Kim H là vợ của P, chị Nguyễn Thị H là em của H và anh Võ Duy H là chồng của chị H, mỗi người cầm một khúc cây đang đứng bên bờ suối phía rẫy nhà H. Thấy vậy bà Xlấy máy điện thoại ra chụp hình, còn ông T cùng với mọi người đi xuống bờ đập nước gần chỗ H đứng. Khi đến nơi anh L lập biên bản, anh H đứng ở bờ suối can ngăn, còn anh D đi đến nói chuyện với Nguyễn Tấn H, lúc này H đang cầm trên tay cây gỗ tròn có đường kính to nhất 4cm, đầu nhỏ nhất 3,2cm, dài 1,1m, trên đầu có đinh lòi ra. Ông T nói "Bây giờ có chính quyền ở đây tôi đắp nước lại tôi tưới, của tôi còn 100 cây nữa". Nói xong ông T cuối xuống lấy đá đắp nước lại, thì bị Hồ Thị Thuỳ S vợ của H chạy xuống tát ông T một cái và dùng tay hất đá ra, thấy vậy chị V chạy đến nói "Sao mày đánh ba tao", sau đó gằng co xô xát với S, ông T dùng tay túm tóc chị S kéo ra. H đang đứng nói chuyện với anh D thì nhìn thấy liền cầm cây gậy gỗ chạy lại chỗ mọi người đang xô xát, H đứng trên bờ vung gậy lên đánh về phía ông T theo hướng từ trên xuống thì ông T quay mặt về phía H và bị cây đánh trúng vào vùng trán bên trái. H tiếp tục đánh thêm một phát nữa trúng vào sườn trái ông T thì đinh ở đầu cây gậy mắc vào áo ông T. H giằng cây ra không được nên cầm cây gậy kéo lê ông T dọc theo bờ suối khoảng 05m rồi thả ra. Chị v cùng với các anh T, L và anh D chạy lại đỡ ông T dậy thì thấy trán ông T chảy máu, cây gậy H dùng đánh ông T vẫn còn dính ở áo. Cùng lúc này bà X kêu to "H ơi mày đánh tao gãy tay rồi". Sau đó anh T, anh V và chị V đưa ông T lên rẫy của gia đình thì bà X cũng đi về. Ông T được đưa đi cấp cứu và điều trị tại Bệnh viện huyện C đến chiều ngày 03/3/2016 thì xuất viện.
Tại bản kết luận giám định pháp y về thương tích số 142/TTPY ngày 04/7/2016, Trung tâm giám định pháp y tỉnh Gia Lai kết luận thương tích của ôngT như sau: Một sẹo vết thương phần mềm nằm ngang nếp lằn trán trái kích thước 1,5cm x 0,1cm, sẹo liền mờ 3%; vùng sườn trái có vết sây sát da sau khi điều trị đã hết: 0 %.
Tại bản kết luận giám định pháp y về thương tích số 143/TTPY ngày 04/7/2016, Trung tâm giám định pháp y tỉnh Gia Lai kết luận thương tích của bà Phạm Thị X như sau: Gãy đầu dưới xương quay phải, xương can liền tốt: 9%; cơ chế hình thành dấu vết và vật gây ra thương tích là do vật tày tác động trực tiếp gây ra.
Ngày 26/9/2016 bà Phạm Thị X và ông Đỗ Quang T có đơn yêu cầu khởi tố vụ án.
Ngày 19/4/2018 Trung tâm giám định pháp y tỉnh Gia Lai có công văn giải thích cơ chế hình thành thương tích của bà Phạm Thị X như sau: Thương tích của bà X là do cơ chế ngã trực tiếp chống tay xuống nền cứng, vật cứng gây nên gãy xương bên trong. Bên ngoài phần mềm không có dấu vết thương tích vì cấu trúc giải phẩu đầu dưới xương quay xoắn nên lực ngã và trọng lượng cơ thể đề nên gây gãy. Nếu thương tích của bà X là do cây gậy gây nên thì bên ngoài sẽ có thương tích như vết hằn bầm tím hoặc vết thương của vật gây thương tích, bên trong xương gãy sẽ tương ứng với vết thương bên ngoài.
Ngày 29/5/2018 Trung tâm giám định pháp y tỉnh Gia Lai có công văn số 30/CV-TTPY giải thích bổ sung như sau: Sự hình thành thương tích của bà Phạm Thị X là do vật tày tác động trực tiếp gây nên theo hai cơ chế: (1) Trong quá trình hai bên va chạm nạn nhân bị té ngã va đập tay hoặc chống tay xuống nền cứng, vậtcứng như nền, sàn nhà cứng, hòn đá, hòn gạch hoặc cạnh cửa, cạnh bàn…(2)
Trong quá trình va chạm nạn nhân bị vật tày đánh trực tiếp vào tay nạn nhân gây thương tích. Tuy nhiên nếu thương tích do hung khí là cây gậy tác động gây nên thì bên ngoài sẽ có thương tích như vết hằn bầm tím hoặc có vết thương phần mềm của vật gây thương tích tương ứng với xương gãy bên trong. Nếu thương tích do trực tiếp té ngã chống tay xuống nền cứng, vật cứng gây nên gãy xương bên trong thì phần bên ngoài phầm mềm sẽ không có dấu vết thương tích ở phần mềm.
Vật chứng được đưa ra xem xét tại phiên toà là 01 cây gỗ tròn dài 1,1m, đường kính đầu lớn là 04cm, đầu nhỏ là 3,2cm. Trên thân cây gỗ có 07 cây đinh bằng kim loại đã cũ đóng vào. Ở vị trí cách đầu nhỏ 08cm có một đầu đinh nhọn lòi.
Cáo trạng số 20/CT-VKS ngày 20 tháng 5 năm 2018 của Viện kiểm sát Nhân dân huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai truy tố bị cáo Nguyễn Tấn H về tội “Cố ý gây thương tích” theo điểm a và c khoản 1 Điều 134 Bộ luật hình sự; đồng thời cáo trạng cũng xác định thương tích của bà X không phải do bị cáo H gây ra.
Bị cáo Nguyễn Tấn H khai như sau: Sáng ngày 03/3/2016 bị cáo có mâu thuẫn với gia đình ông Đỗ Quang T trong việc sử dụng nguồn nước tưới cây cà phê. Trong khi đang đứng nói chuyện với các anh Công an xã thì thấy ông T đánh vợ bị cáo là chị Hồ Thị Thuỳ S nên bị cáo có bức xúc sử dụng cây gỗ tròn như đã mô tả ở trên để đánh ông T. Bị cáo chỉ đánh một cái vào vai ông T chứ không đánh vào trán của ông T. Thương tích ở trán ông T không phải do bị cáo gây ra. Ngoài ra bị cáo không đánh ai nữa.
Ông Đỗ Quang T khai: Khi có các anh Công an xã xuống làm việc thì ông đi xuống suối đắp lại đập nước để tưới thì bị chị S tát ông một cái, sau đó con gái ông là chị V chạy đến xô xát với chị S, thấy vậy ông có túm tóc chị S kéo ra. Ngay lúc đó Nguyễn Tấn H từ trên chạy đến sử dụng cây gỗ tròn như đã mô tả ở trên đánh ông từ trên xuống, đúng lúc đó ông quay mặt về phía H thì bị cây đánh trúng vào trán. Sau đó H tiếp tục vung gậy lên đánh ông một cái nữa ở bên sườn trái và cây bị mắc vào áo của ông, ông túm cây thì H kéo lê ông dưới nước khoảng 05m thì thả ra. Sự việc đó các các anh công an xã đứng gần chứng kiến.
Bà Phạm Thị X khai: Sau khi H đánh ông T xong, bà cuối xuống kéo con gái bà là chị V lên thì bị H dùng một khúc cây cà phê tươi đánh chị V. Thấy vậy bà giơ tay phải lên đỡ thì H đánh trúng vào cổ tay phải của bà gây gãy tay.
Những người làm chứng khai như sau:
Tại phiên toà, sau khi cách ly với nhau, lần lượt anh Siu H là công an viên làng Hle và anh Võ Viết D là chỉ huy phó Ban quân sự xã I đều khai như sau: Sáng ngày 03/3/2016 các anh H, D và anh Lê Trọng L là Công an viên thôn 4 được Trưởng công an xã I phân công cùng nhau đi đến khu vực rẫy của ông Đỗ Quang T để giải quyết việc mâu thuẫn giữa gia đình Nguyễn Tấn H với gia đình ông Đỗ Quang T. Khi đến nơi thì thấy gia đình Nguyễn Tấn H và gia đình ông Đỗ Quang T đang tranh chấp với nhau về nước tưới cây cà phê, hai bên chửi bới và có dấu hiệu đánh nhau. Ông T đang cùng gia đình đứng trên rẫy không bị thương tích gì.
Thấy tổ công tác đến thì ông T đi theo xuống khu vực suối, khi đến suối thì thấy Nguyễn Tấn H, Nguyễn Tấn P, Nguyễn Thị Thuỳ S và một số người khác phía bên gia đình Nguyễn Tấn H đang đứng bên bờ suối, mỗi người cầm một khúc cây. Anh H đứng sát bờ suối giữa hai bên đang cãi nhau để can ngăn, anh L lập biên bản sự việc còn anh D đi đến đứng nói chuyện và can ngăn Nguyễn Tấn H, vì khi đó H đang cầm một khúc cây đầu có đóng các cây đinh bằng kim loại. Nguyễn Tấn H trình bày với anh D về nguyên nhân xảy ra cãi vả nhau. Khi đang nói chuyện với H thì anh D nghe ồn ào và nhìn xuống suối thì thấy chị V và chị S đang đánh nhau, ông T đang túm tóc chị S. H nói với anh D là ông T đang đánh vợ H, sau đó H cầm cây gỗ tròn như đã mô tả ở trên chạy đến vung lên đánh ông T hai phát. Phát thứ nhất trúng vào trán làm chảy máu, phát thứ hai trúng vào sườn trái ông T nhưng cây gỗ có đầu đinh dính vào áo ông T. H kéo lê ông T một đoạn rồi bỏ cây ra đi lên bờ. Khi đó anh H và anh D đứng cách ông T và H chỉ khoảng 03m đến 04m nên nhìn rất rõ. Sau đó anh D và anh H chạy đến can ngăn, đỡ ông T lên bờ để đưa đi cấp cứu, yêu cầu mọi người giải tán. Bà X la hét chửi bới các anh vì sao đứng đó mà để H đánh ông T chảy máu. Anh H và anh D đều khẳng định thương tích ở trán và sườn ông T là do Nguyễn Tấn H dùng cây gậy gỗ như đã xem xét tại phiên toà gây ra. Sự việc lúc đó diễn ra rất nhanh nên các anh không kịp phản ứng. Sau khi đánh ông T xong H bỏ lên bờ và đi về phía rẫy nhà H, không thấy H đánh bà X.
Tại "Bản tường trình" và các biên bản lấy lời khai (bút lục số 207-211 và 324), anh Lê Trọng L trình bày: Khi anh đang lập biên bản sự việc thì nghe Nguyễn Tấn H nói "Đứa nào chặn cái cống lại thì tao đập cho gãy tay". Thấy hai bên nhào vào đánh nhau thì anh đứng ra can ngăn ông P là anh H, khi quay lại thì thấy ông T nằm giữa suối. Anh đưa ông T lên bờ thì thấy gần xương sườn ông T có nhiều vết bầm, trên trán có vệt máu chảy ra. Sau đó nghe bà X nói bị đánh gãy tay.
Anh Nguyễn Văn N khai tại bút lục số 121 - 130: Anh là bạn của anh Trần Văn V, con của bà X. Sáng ngày 03/3/2016 anh đang đi bốc đá cùng với V và T thì nghe V nói nhà đánh nhau nên về chiều làm tiếp. Sau đó V lấy xe máy chở anh cùng với chị T vào trong rẫy của bà X. Khi đến nơi anh thấy gia đình Nguyễn Tấn H với gia đình bà X đang cãi nhau. Gia đình nhà H ai cũng cầm cây, lúc này các anh bên T tự quản an toàn giao thông của xã đang can ngăn nhưng gia đình hai bên vẫn chửi nhau. Lúc sau anh thấy ông T bước xuống đập nước, anh quay lại nhìn về phía H thì thấy H đang nói chuyện với anh Công an xã, khi quay lại thì thấy chị V và chị S đang đánh nhau dưới đập nước thì H cầm cây có đinh chạy lại đánh ông T trúng vào trán chảy máu. Sau đó anh thấy một người phụ nữ bên gia đình H cầm một cành cà phê định đánh bà X nhưng anh đến can ngăn và họ đã bỏ cây xuống. Bà X cầm cục đất định ném nhưng sau đó lại bỏ xuống. Trong quá trình xô xát, anh chỉ thấy H dùng cây đánh ông T chảy máu ở trán và thấy một phụ nữ giơ cây định đánh bà X nhưng anh đã can ngăn. Ngoài ra anh không thấy ai dùng cây đánh bà X gãy tay.
Người giám định trình bày:
- Cơ chế hình thành thương tích ở trán ông T là do vật tày tác động trực tiếp gây ra theo hướng từ trên xuống. Cây gỗ tròn được đưa ra xem xét, kiểm chứng tại phiên toà là phù hợp với vật gây ra thương tích ở trán ông T.
- Cơ chế gây ra thương tích của bà X được hình thành theo hai trường hợp như đã trình bày tại công văn giải thích. Tuy nhiên căn cứ vào quá trình nhập viện, hồ sơ bệnh án và các tài liệu khác thì Hội đồng chuyên môn của Trung tâm giám định nghiên về khả năng: Trong quá trình xô xát nạn nhân chống nay xuống nền cứng, vật cứng gây ra gãy xương; cũng có thể trong khi duỗi tối đa, đầu dưới xương quay bị ép giữa bề mặt của nền cứng, vật cứng và trọng lượng cơ thể, đặc biệt là với người già, người bị loãng xương. Còn nếu bị hung khí là cây tác động thì phần mềm sẽ có thương tích tương ứng, nhưng hồ sơ bệnh án đều thể hiện cổ tay phải của bà X chỉ bị sưng chứ không có dấu vết thương tích phần mềm. Do vậy khả năng trong quá trình xô xát, nạn nhân chống tay xuống nền cứng, vật cứng gây nên gãy tay là điều có thể xảy ra.
2. Giải quyết của Tòa án cấp sơ thẩm: Tại bản án hình sự sơ thẩm số 41/2018/HSST ngày 20/9/2018, Tòa án nhân dân huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai đã quyết định:
Tuyên bố bị cáo Nguyễn Tấn H phạm tội “Cố ý gây thương tích”.
- Áp dụng điểm a, c khoản 1 Điều 134; điểm e, i khoản 1 Điều 51; Điều 38 Bộ luật hình sự năm 2015;
- Áp dụng Điều 584 và Điều 590 Bộ luật dân sự;
- Căn cứ vào điểm a khoản 1 Điều 106; Điều 135 Bộ luật tố tụng hình sự và Điều 23 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội:
Xử phạt: Bị cáo Nguyễn Tấn H 07 (bảy) tháng tù, thời hạn tù tính từ ngày đi thi hành án.
Về trách nhiệm dân sự:
Buộc bị cáo Nguyễn Tấn H phải bồi thường thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm cho ông Đỗ Quang T số tiền 1.040.000đ và bù đắp tổn thất tinh thần cho ông Đỗ Quang T là 19.460.000đ, tổng cộng các khoản là 20.500.000đ (hai mươi triệu năm trăm ngàn đồng).
Ngoài ra bản án sơ thẩm còn tuyên bố án phí, tuyên quyền kháng cáo của các bị cáo và những người tham gia tố tụng khác theo quy định của pháp luật.
3. Kháng cáo của bị cáo, bị hại: Trong thời hạn luật định, bị cáo Nguyễn Tấn H kháng cáo xin được hưởng án treo.
Người bị hại là ông Đỗ Quang T và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Phạm Thị X kháng cáo xin rút yêu cầu khởi tố vụ án hình sự.
4. Diễn biến tại phiên tòa:
Bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội như bản cáo trạng và như bản án sơ thẩm, bị cáo xin bị hại khoan dung đối với bị cáo, mong được bị hại rút đơn yêu cầu khởi tố vụ án. Được vậy, bị cáo xin rút đơn kháng cáo. Trường hợp bị hại không đồng ý rút đơn thì bị cáo xin Hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt. Bị cáo không có yêu cầu gì khác.
Người bị hại ông Đỗ Quang T cho rằng, bản thân ông đang bị đau phải nằm viện, ông nhờ vợ là bà Phạm Thị X đưa đến tham gia phiên tòa này. Ông thấy rằng sau khi Tòa xét xử sơ thẩm, bị cáo đã biết ăn năn hối hận, xin lỗi gia đình ông và bồi thường toàn bộ cho ông nên ông đã tự nguyện làm đơn xin rút đơn yêu cầu khởi tố vụ án. Tại phiên tòa hôm nay, ông giữ nguyên nội dung đơn này.
Bà Phạm Thị X xác nhận ông T là chồng bà, ông T đủ sức khỏe và khả năng nhận thức được hành vi của mình và lời khai của ông tại phiên tòa này là đúng. Bà cũng nhất trí với ý kiến ông T về việc ông T tự nguyện rút đơn yêu cầu khởi tố, bản thân bà cũng rút tất cả các đơn trước đây đã gửi và không yêu cầu xem xét gì.
Đại diện Viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm: Căn cứ khoản 2 Điều 155 và Điều 359 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, hủy bản án hình sự sơ thẩm số 41/2018/HSST ngày 20/9/2018 của Tòa án nhân dân huyện C, tỉnh Gia Lai và đình chỉ vụ án hình sự.
NHẬN ĐỊNH CỦA HỘI ĐỒNG XÉT XỬ
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1] Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan và người có thẩm quyền tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử đã thực hiện đúng
về thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Tại phiên tòa bị cáo Hiệp không có ý kiến khiếu nại gì đối với các hành vi, quyết định tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm đã thực hiện là hợp pháp.
[2] Về hành vi phạm tội của bị cáo: Bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội như nội dung bản Cáo trạng và phù hợp với các chứng cứ có tại hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm xét xử bị cáo về tội “Cố ý gây thương tích” theo điểm a, c khoản 1 Điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015 là có căn cứ, đúng tội.
[3] Về việc rút đơn yêu cầu khởi tố vụ án hình sự của ông T: Xét ông Đỗ Quang T là người bị hại trong vụ án có bị cáo Nguyễn Tấn H bị Tòa án cấp sơ thẩm xét xử về tội “Cố ý gây thương tích” theo điểm a, c khoản 1 Điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015, vụ án khởi tố theo yêu cầu của bị hại. Sau khi Tòa án cấp sơ thẩm xử, ông T đã có đơn xin rút đơn yêu cầu khởi tố. Tại phiên tòa phúc thẩm, ông T đã xác nhận việc này là tự nguyện, bà Phạm Thị X xác nhận ông T là chồng bà, ông T đủ sức khỏe và khả năng nhận thức được hành vi của mình và lời khai của ông tại phiên tòa này là đúng. Bà cũng nhất trí với ý kiến ông T về việc ông T tự nguyện rút đơn yêu cầu khởi tố, bản thân bà cũng rút tất cả các đơn trước đây đã gửi và không yêu cầu xem xét gì.
Căn cứ Điều 155 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 và hướng dẫn tại công văn số 254/TANDTC-PC ngày 26 tháng 11 năm 2018 của Tòa án nhân dân tối cao về việc người đã yêu cầu khởi tố vụ án hình sự rút yêu cầu theo quy định tại Điều 155 của Bộ luật tố tụng hình sự. Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy bản án hình sự sơ thẩm số 41/2018/HSST ngày 20/9/2018 của Tòa án nhân dân huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai và đình chỉ vụ án hình sự.
[4] Về án phí: Căn cứ Điều 136 của Bộ luật tố tụng hình sự 2015, Điều 23 của Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Toà án. Bị cáo H phải chịu án phí dân sự sơ thẩm; bị cáo H không phải chịu án phí Hình sự sơ thẩm, phúc thẩm.
Người bị hại ông Nguyễn Hữu T phải chịu án phí hình sự sơ thẩm. Tại phiên tòa, bị cáo H tự nguyện nộp thay tiền án phí hình sự sơ thẩm là 200.000đ (Hai trăm nghìn đồng) cho người bị hại là ông T. Xét thấy việc tự nguyện nộp thay là không trái với luật và được Hội đồng xét xử chấp nhận.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ khoản 2 Điều 155 và Điều 359 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015;
1. Hủy bản án hình sự sơ thẩm số 41/2018/HSST ngày 20/9/2018 của Tòa án nhân dân huyện C, tỉnh Gia Lai và đình chỉ vụ án hình sự thụ lý số 119/2018/TLPT-HS ngày 05 tháng 12 năm 2018 Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai.
2. Căn cứ Điều 136 của Bộ luật tố tụng hình sự 2015, Điều 23 của Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Toà án:
Bị cáo Nguyễn Tấn H phải chịu 1.025.000đ (Một triệu không trăm hai mươi lăm nghìn đồng) án phí dân sự sơ thẩm.
Bị cáo Nguyễn Tấn H nộp thay ông Đỗ Quang T 200.000đ (Hai trăm nghìn đồng) án phí hình sự sơ thẩm.
Bị cáo Nguyễn Tấn H không phải chịu án phí hình sự sơ thẩm và phúc thẩm. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.
Bản án 01/2019/HS-PT ngày 07/01/2019 về tội cố ý gây thương tích
Số hiệu: | 01/2019/HS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Gia Lai |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 07/01/2019 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về