Bản án 01/2019/DSST-TC ngày 10/05/2019 về bồi thường thiệt hại do tài sản bị xâm phạm

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN TAM ĐƯỜNG, TỈNH LAI CHÂU

BẢN ÁN 01/2019/DSST-TC NGÀY 10/05/2019 VỀ BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI DO TÀI SẢN BỊ XÂM PHẠM

Ngày 10/5/2019, tại Trụ sở Toà án nhân dân huyện T, tỉnh Lai Châu, xét xử sơ thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số 01/2019/TLST-DS, ngày 03 tháng 01 năm 2019, về việc Bồi thường thiệt hại do tài sản bị xâm phạm, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 01/2019/QĐXXST-DS ngày 25 tháng 4 năm 2019 giữa các đương sự:

Nguyên đơn: Ông Ma A G, sinh năm 1965

Địa chỉ: Bản M1, xã K huyện T, tỉnh Lai Châu (Có mặt).

Bị đơn: Anh Chư A Thào, sinh năm 1985.

Địa chỉ: Bản M1, xã K huyện T, tỉnh Lai Châu (Có mặt).

Người làm chứng 1: Ông Ma A K, sinh năm 1959.

Địa chỉ: Bản M1, xã K huyện T, tỉnh Lai Châu

Người làm chứng 2: Ông Ma A K, sinh năm 1979.

Địa chỉ: Bản M1, xã K huyện T, tỉnh Lai Châu

(Cả hai người làm chứng đều vắng mặt không có lý do)

NỘI DUNG VỤ ÁN

Đơn khởi kiện ngày 03/01/2019, các lời khai tại Tòa án nhân dân huyện T, tỉnh Lai Châu, nguyên đơn ông Ma A G trình bày: Tháng 8 năm 2015 ông trồng một số cây thảo quả trên diện tích đất nương do ông nội ông là cụ Ma A L khai hoang năm 1985, sau đó để lại cho bố ông sử dụng để trồng ngô tại bản M1, xã K, huyện T, tỉnh Lai Châu. Tại biên bản lấy lời khai ngày 03/01/2019 ông G trình bày: Đến khoảng tháng 7 năm 2017 ông tiếp tục trồng mới tổng số 89 cây thảo quả trên diện tích đất này, tuy nhiên ngay sau khi ông vừa trồng xong được khoảng 01 tháng thì bị anh Chư A T là người cùng bản nhổ mất tổng cộng 34 gốc, ông đã đề nghị bản M1 và UBND xã K giải quyết, hòa giải nhiều lần nhưng anh T không đồng ý bồi thường cho ông. Số cây thảo quả bị hủy hoại nêu trên ông chỉ trồng và chăm sóc khoảng 01 tháng, chưa đầu tư phân bón cho cây hay chi phí gì khác. Nay ông yêu cầu Tòa án buộc anh Chưa A T phải bồi thường cho ông giá trị 200.000 đồng/01 gốc thảo quả bị hủy hoại, tương đương số tiền 6.800.000 đồng.

Biên bản lấy lời khai ngày 07/01/2019 bị đơn Chư A T trình bày: Vào khoảng tháng 8/2017 anh đi thăm bãi thả trâu của anh tại bản Bản M1, xã K , huyện T thì phát hiện có người trồng thảo quả trên bãi đất thả trâu của anh, số lượng khoảng 90 cây thảo quả, anh đã nhổ 34 cây, sau khi nhổ cây thảo quả anh đã báo cho Trưởng bản và người đã trồng cây thảo quả trên bãi đất thả trâu của anh để nhận lại cây. Diện tích đất anh dùng làm bãi thả trâu đã được bố anh là ông Chư A L để lại cho anh sử dụng từ năm 2000 chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất Bản tự khai ngày 15/01/2019 anh Chư A T trình bày: Khu đất ông Ma A G trồng cây thảo quả nói trên có nguồn gốc do ông nội anh để lại cho bố anh là ông Chư A L canh tác từ năm 1994, bố anh đã canh tác, trồng ngô, đến năm 2002, anh và bố anh đã cải tạo để làm ruộng từ năm 2003 đến năm 2011. Trong thời gian canh tác lúa do đất không thích hợp cho cây lúa nên anh đã dùng diện tích đất này để làm bãi thả trâu của gia đình mình. Khi sử dụng diện tích đất này anh đã làm bờ kè đá xung quanh. Ông Ma A G đã tự ý trồng thảo quả lên khoảng 1000 m2 đất với 34 cây thảo quả trên diện tích đất bãi thả trâu của gia đình anh nên anh đã nhổ hết 34 cây thảo quả của ông G. Trước khi nhổ thảo quả của ông G, anh đã thông báo cho lãnh đạo bản.

Nay ông G khởi kiện yêu cầu anh bồi thường cho ông G số tiền 6.800.000 đồng giá trị của 34 cây thảo quả anh không đồng ý, đồng thời yêu cầu ông G phải trả lại diện tích đất khoảng 1000 m2 mà ông G đã trồng thảo quả lại cho anh.

Ngày 28/02/2019 bị đơn Chư A T có đơn yêu cầu phản tố theo đó anh T yêu cầu ông Ma A G phải nhổ hết số cây thảo quả còn lại và yêu cầu ông G không được tranh chấp đất với anh nữa.

Lời khai của những người làm chứng:

Ông Ma A K khai: Ông sinh ra, sinh sống tại Bản M1, xã K , huyện T. Khu vực đất ông Ma A G trồng cây thảo quả là do bố ông là cụ Ma A T và bố đẻ ông Ma A G là cụ Ma A T khai hoang từ trước, tuy nhiên việc sử dụng đất là không liên tục, khoảng 6, đến 7 năm mới trồng ngô một lần. Ông Ma A G khi được bố đẻ cho đất đã sử dụng để trồng cây thảo quả, việc trồng cây thảo của ông G nhiều người biết và không ai có ý kiến phản đối gì. Ông được biết thời gian gần đây anh Chư A T có thả trâu và khu vực trồng thảo quả của ông G, hai bên có xảy ra xô xát, bản M đã giải quyết nhưng không thành, vụ việc được chuyển lên xã K để giải quyết.

Ông Ma A K khai: Ông sinh ra và lớn lên tại bản M1, xã K, từng làm trưởng bản M1 từ năm 2013 đến đầu năm 2019, năm 2017 khi nhổ cây thảo quả của ông G, anh Chư A T đã báo cho ông, ông đã báo cho ông G là chủ nương thảo quả và đã tiến hành hòa giải cho hai bên nhưng không thành. Diện tích đất ông G trồng thảo quả là do bố ông G khai hoang, sau đó để lại cho ông G sử dụng. Khoảng 6 đến 7 năm nay anh Chư A T thả trâu vào diện tích đất trên. Khi ông G trồng thảo quả nhiều người dân trong bản đều biết nhưng biết diện tích đất trên là do bố ông G để lại cho ông G nên không ai có ý kiến phản đối gì.

Biên bản xem xét thẩm định tại chỗ ngày 22/01/2019 thể hiện: “Diện tích đất trồng thảo quả của hộ gia đình ông Ma A G tọa lạc tại khu 266, khoảnh 1, lô 17 khu vực rừng phòng hộ thuộc bản Bản M1, xã K huyện T, tỉnh Lai Châu (Đất rừng phòng hộ đã giao cho cộng đồng bản M1 khoanh nuôi, bảo vệ và nhận tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng), thuộc trạng thái DT2 (Đất trống và cây gỗ tái sinh). Tại vị trí 1 diện tích 231 m2 xác định được 20 cây thảo quả bị hủy hoại (Hiện không còn vết tích của việc hủy hoại). Tại vị trí 2 cách vị trí 1 khoảng 15 mét theo hướng bắc, diện tích 164 m2 xác định được 14 cây thảo quả bị hủy hoại. Tình trạng, độ tuổi số lượng 34 cây thảo quả bị hủy hoại tại thời điểm hủy hoại đang trong thời kỳ phát triển, độ tuổi của cây thảo quả tại thời điểm bị hủy hoại là khỏng 01 tháng tuổi. Hiện tại trên vị trí 1, vị trí 2 khu 266, khoảnh 1, lô 17 còn tồn tại một số cây thảo quả trưởng thành không xác định số lượng, độ tuổi chính xác có chiều cao trung bình khoảng 01 mét”.

Biên bản xác minh ngày 20/3/2019 tại UBND xã K, huyện T, tỉnh Lai Châu thể hiện: “Diện tích đất trồng cây thảo quả của hộ gia đình ông Ma A G chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và chưa giao cho hộ gia đình nào. Hiện trạng khu đất trên bản đồ đất đai của xã đang là đất rừng phòng hộ, được xã và Ban quản lý rừng phòng hộ giao cho bản M1 bảo vệ, quản lý và hưởng dịch vụ môi trường rừng. Hiện tại khu vực này đang là đất rừng phòng hộ, không thể cấp quyền sử dụng đất rừng này cho cá nhân, tập thể nào”.

Biên bản xác minh ngày 22/3/2019 tại Ban quản lý rừng phòng hộ huyện T thể hiện: “Diện tích đất tại tiểu khu 266, khoảnh 1, lô 17 thuộc quy hoạch đất rừng phòng hộ, trạng thái DT2 (Đất trống có cây gỗ tái sinh rải rác), diện tích đất trên năm 2017 UBND xã K và Ban quản lý rừng phòng hộ huyện T đã khoán cho nhân dân bản M1 và M2 để khoanh nuôi rái sinh rừng tự nhiên. Đất chưa thuộc đối tượng được chi trả dịch vụ môi trường rừng. Đối với diện tích đất trên Ban quản lý rừng phòng hộ đề nghị giữ nguyên hiện trạng sử dụng đất” Công văn số 291/UBND-BQLR ngày 04/4/2019 của UBND huyện T, tỉnh Lai Châu về việc trả lời Công văn số 10/2019/CV-TA ngày 29/3/2019 của Tòa án nhân dân huyện T thể hiện: “Theo hồ sơ địa chính diện tích đất tại tiểu khu 266, khoảnh 1, lô 17 thuộc thửa đất số 17, tờ bản đồ số 1, xã K đã được UBND huyện T cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Nghị định 163/1999/NĐ-CP tại Quyết định số 16/QĐ-UBND ngày 22/10/2002 cho nhóm hộ M2(17 hộ) đồng sử dụng và đứng tên. Diện tích đất đã được UBND huyện T cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhóm hộ (17 hộ) bản M2 từ năm 2002 trong đó không có ông Chư A T”.

Ngày 01/4/2019 nguyên đơn Ma A G làm đơn yêu cầu định giá tài sản đối với 34 cây thảo quả bị anh Chư A T hủy hoại, đồng thời nộp tạm ứng chi phí tố tụng Tòa án với số tiền 600.000 đồng. Tại Kết luận định giá tài sản ngày 18/4/2019 của Hội đồng định giá tài sản huyện T kết luận: “Hội đồng thống nhất xác định kết quả định giá 34 cây thảo quả đã trồng được khoảng 01 tháng tuổi là: 34 cây x 24.000đ = 816.000 đồng”.

Nguyên đơn Ma A G không nhất trí với kết quả định giá của Hội đồng định giá tài sản huyện T nên không ký vào Biên bản định giá tài sản.

Tòa án nhân dân huyện T đã tiến hành hòa giải cho các đương sự nhưng không thành, nguyên đơn Ma A Gvẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện yêu cầu Tòa án buộc bị đơn phải bồi thường cho mình số tiền 6.800.000 đồng của 34 cây thảo quả bị hủy hoại. Bị đơn Chư A T không nhất trí với yêu cầu của nguyên đơn, đồng thời yêu cầu nguyên đơn, yêu cầu nguyên đơn phải trả lại diện tích 1000 m2 đất nguyên đơn đang trồng cây thảo quả tại bản M1, xã K, huyện T, tỉnh Lai Châu Đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện T phát biểu quan điểm: Về thủ tục tố tụng: Từ khi thụ lý đến giai đoạn vụ án được đưa ra xét xử, Thẩm phán và Hội đồng xét xử đã tuân thủ đầy đủ, chính xác trình tự thủ tục tố tụng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự, cũng như các văn bản pháp lý liên quan.

Về nội dung vụ án: Đề nghị HĐXX căn cứ vào các chứng cứ, tài liệu thu thập được trong quá trình giải quyết vụ án, căn cứ vào quy định của pháp luật chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn để buộc bị đơn có nghĩa vụ bồi thường cho nguyên đơn số tiền thiệt hại do số lượng 34 cây thảo quả bị đơn đã hủy hoại của nguyên đơn theo Kết luận của Hội đồng định giá. Không chấp nhận yêu cầu của bị đơn về việc yêu cầu nguyên đơn trả lại diện tích 1000 m2 đất nguyên đơn đã trồng cây thảo quả vì đây là đất rừng phòng hộ đồng sử dụng nên không hộ gia đình nào được quyền sử dụng riêng (các đề nghị cụ thể có bài phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa sơ thẩm).

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên toà và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên toà, trên cơ sở xem xét khách quan, toàn diện ý kiến của các bên đương sự Hội đồng xét xử có cơ sở nhận định:

[1]. Về trình tự, thủ tục tố tụng: Đây là vụ án tranh chấp về bồi thường thiệt hại do tài sản bị xâm phạm, bị đơn là anh Chư A T cư trú tại bản M1, xã K, huyện T, tỉnh Lai Châu, theo quy định tại khoản 6 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35 và điểm a khoản 1 Điều 39/Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân huyện T

[2]. Về hành vi hủy hoại 34 cây thảo quả của nguyên đơn mà bị đơn đã thực hiện và nghĩa vụ bồi thường thiệt hại:

Nguyên đơn Ma A G đưa ra được các căn cứ chứng minh bị đơn Chư A T đã có hành vi hủy hoại 34 cây thảo quả khoảng 01 tháng tuổi của mình, bị đơn cũng thừa nhận hành vi hủy hoại tài sản của nguyên đơn, tuy nhiên không đồng ý bồi thường thiệt hại cho nguyên đơn vì cho rằng nguyên đơn đã trồng bất hợp pháp số cây thảo quả nói đó trên diện tích đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của mình. Hành vi hủy hoại tài sản là 34 cây thảo quả của nguyên đơn mà bị đơn đã thực hiện là trái với quy định của pháp luật, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền sở hữu hợp pháp về tài sản của nguyên đơn, vì vậy bị đơn phải có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại về tài sản mình đã hủy hoại của nguyên đơn tương đương với giá trị thực tế của tài sản bị hủy hoại quy định tại Điều 275/Bộ luật dân sự.

Hành vi hủy hoại tài sản của nguyên đơn do bị đơn thực hiện và hậu quả gây ra có mối quan hệ nhân quả nên bị đơn phải có nghĩa vụ bồi thường cho nguyên đơn tương đương với giá trị tài sản bị hủy hoại theo kết luận định giá tài sản của Hội đồng định giá tài sản.

[3]. Về số tiền yêu cầu bồi thường thiệt hại của nguyên đơn đối với bị đơn:

Quá trình giải quyết vụ án, qua hòa giải nguyên đơn Ma A G vẫn giữ nguyên quan điểm yêu cầu Tòa án buộc bị đơn Chư A T phải bồi thường cho mình số tiền 6.800.000 đồng giá trị 34 cây thảo quả đã hủy hoại (tương đương mỗi cây 200.000 đồng). Tuy nhiên kết luận định giá tài sản của Hội đồng định giá tài sản đưa ra đối với tổng cộng 34 cây thảo quả khoảng 01 tháng tuổi là 24.000 đồng/01 cây, tương đương với số tiền 816.000 đồng, nguyên đơn không chấp nhận kết quả định giá tài sản nhưng không đưa ra được căn cứ nào để chứng minh giá trị của 34 cây thảo quả bị đơn đã hủy hoại có giá trị 6.800.000 đồng nên HĐXX không có căn cứ chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

[4]. Về yêu cầu phản tố của bị đơn:

Ngày 28/02/2019 bị đơn Chư A T có đơn yêu cầu phản tố với nội dung diện tích đất nguyên đơn Ma A G trồng thảo quả là thuộc quyền sử dụng hợp pháp của mình, có nguồn gốc là do ông nội anh là ông Chư A C khai hoang, đến năm 1994 ông nội anh giao lại cho bố anh là ông Chư A L sử dụng, đến năm 2000 thì anh sử dụng, đến tháng 7/2018 ông Ma A G đã trồng trái phép cây thảo quả lên diện tích đất này. Nay anh yêu cầu ông G phải nhổ hết số cây thảo quả còn lại và không tranh chấp diện tích đất này. Sau khi xem xét đơn phản tố của bị đơn, xét thấy nội dung đơn của bị đơn không phải là yêu cầu phản tố bởi nội dung đơn này nếu được Tòa án chấp nhận sẽ không thỏa mãn 04 trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 200/Bộ luật tố tụng dân sự. Do xác định đơn phản tố của anh Chư A T không thuộc trường hợp Quyền phản tố của bị đơn nên Tòa án không yêu cầu anh T phải nộp tiền tạm ứng án phí phản tố.

Bị đơn yêu cầu nguyên đơn nhổ hết số cây thảo quả còn lại trên đất và không tranh chấp đất với bị đơn: HĐXX thấy rằng diện tích đất ông Ma A G trồng cây thảo quả thuộc tiểu khu 266, khoảnh 1, lô 17 thuộc thửa đất số 17, tờ bản đồ số 1, xã K theo khẳng định của UBND huyện T tại Công văn số 291/UBND-BQLR ngày 04/4/2019 thì diện tích đất này là đất quy hoạch rừng phòng hộ, đã được UBND huyện Tam Đường cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Nghị định 163/1999/NĐ-CP tại Quyết định số 16/QĐ-UBND ngày 22/10/2002 cho nhóm hộ M2 (17 hộ) đồng sử dụng và đứng tên. Diện tích đất đã được UBND huyện T cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhóm hộ (17 hộ) bản M2 từ năm 2002 trong đó không có hộ gia đình anh Chư A T. Đại diện UBND xã K, Ban quản lý rừng phòng hộ huyện T đều có yêu cầu giữ nguyên hiện trạng sử dụng đất, không giao cho hộ gia đình cá nhân nào sử dụng riêng.

Bản sao Sổ mục kê đất đai của Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện T thể hiện ông Chư A L (Bố của anh Chư A T) được cấp 4952 m2 đất tại thửa đất số 22, tờ bản đồ số 1 trong tổng diện tích 94096 m2, cấp theo Nghị định 163/1999/NĐ-CP từ năm 2002 cho nhóm 19 hộ gia đình bản M1, xã K đồng sử dụng. Như vậy HĐXX có cơ sở khẳng định anh Chư A T đang sử dụng đất không đúng với thửa đất đã được UBND huyện cấp cho nhóm hộ 19 hộ gia đình bản M1, xã K trong đó có ông Chư A L là bố anh. (Ông Chư A L được cấp đất tại thửa đất số 22 trong lúc anh Chư A T đang sử dụng đất làm bãi chăn thả trâu tại thửa đất số 17). Bên cạnh đó lời khai của những người làm chứng thể hiện diện tích đất mà ông G trồng cây thảo quả là do bố ông G để lại cho ông G sử dụng, khoảng 6 đến 7 năm nay anh T mới thả trâu vào diện tích đất này và hai bên đã xảy ra xô xát. Quá trình giải quyết vụ án bị đơn Chư A T không xuất trình được bất cứ tài liệu, chứng cứ nào chứng minh quyền sử dụng đối với diện tích khoảng 1000 m2 đất tại tiểu khu 266, khoảnh 1, lô 17 thuộc thửa đất số 17, tờ bản đồ số 1, xã K. Nhóm hộ (17 hộ) gia đình bản M1, xã K cũng không biết mình được cấp quyền sử dụng đất tại thửa đất số 17, tờ bản đồ số 1 nên đã không sử dụng đúng phần đất đã được cấp quyền sử dụng. UBND xã K cũng không biết việc UBND huyện T đã cấp quyền sử dụng đất tại thửa đất số 17, tờ bản đồ số 1 (thuộc địa giới hành chính bản M1) cho nhóm 17 hộ gia đình tại bản M2. Hiện tại không có quy định nào cấm việc trồng cây thảo quả trên diện tích đất rừng phòng hộ, việc trồng cây thảo quả của nguyên đơn Ma A G là không bị nghiêm cấm, ông mặc dù không có tên trong nhóm 17 hộ gia đình bản M2 được cấp đất tại tiểu khu 266, khoảnh 1, lô 17 thuộc thửa đất số 17, tờ bản đồ số 1, xã K (Ông G được cấp quyền sử dụng 3262 m2 đất rừng tại thửa đất số 20, tờ bản đồ số 1, xã K) nhưng ông G đã trồng cây thảo quả trên đất nên có quyền sở hữu số cây thảo quả đã trồng để hưởng hoa lợi. Vì vậy việc bị đơn Chư A T yêu cầu nguyên đơn Ma A G phải nhổ hết số cây thảo quả hiện còn trên diện tích khoảng 1000 m2 đất tại tiểu khu 266, khoảnh 1, lô 17, thửa số 17, tờ bản đồ số 1 tại bản M1, xã K, huyện T và không tranh chấp đất với mình là không có căn cứ chấp nhận.

[5]. Về chi phí tố tụng: Quá trình giải quyết vụ án, theo yêu cầu của nguyên đơn Tòa án nhân dân huyện đã tiến hành xem xét thẩm định tại chỗ và thành lập Hội đồng định giá tài sản, tổng chi phí định giá tài sản là 600.000 đồng. Do yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn được Tòa án chấp nhận một phần nên bị đơn phải chịu chi phí tố tụng. Nguyên đơn đã nộp số tiền tạm ứng chi phí tố tụng Tòa án, nay cần buộc bị đơn phải trả lại số tiền chi phí tố tụng cho nguyên đơn.

[6] Về án phí: Theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự và Nghị quyết số 326/NQ-UBTVQH 13 của Quốc hội về án phí lệ phí Tòa án thì bị đơn phải chịu án phí đối với yêu cầu của nguyên đơn được Tòa án chấp nhận và án phí không có giá ngạch đối với yêu cầu của mình không được Tòa án chấp nhận. Nguyên đơn phải chịu án phí đối với phần yêu cầu không được Tòa án chấp nhận. Tuy nhiên cả nguyên đơn và bị đơn đều là những người dân tộc thiểu số, sinh sống tại bản M1, xã K, huyện T, tỉnh Lai Châu là địa phương có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, tại phiên tòa đều đề nghị được miễn án phí nên sẽ được miễn các loại án phí. Đối với số tiền tạm ứng án phí nguyên đơn đã nộp nay cần trả lại cho nguyên đơn.

[7]. Về kiến nghị, đề xuất: Thông qua vụ án này cũng như quá trình thụ lý, giải quyết các vụ án dân sự về tranh chấp quyền sử dụng đất đai, đặc biệt là tranh chấp quyền sử dụng đất rừng, HĐXX nhận thấy có nhiều điểm bất cập trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trong những bất cập còn tồn tại thì việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rừng theo Nghị định 163/1999/NĐ-CP ngày 16/11/1999 của Chính phủ tồn tại nhiều bất cập như việc người được cấp quyền sử dụng đất không biết mình được cấp quyền sử dụng đất tại vị trí nào, dẫn đến tình trạng sử dụng không đúng vị trí đất mình được cấp; Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không hoàn toàn đúng so với hiện trạng sử dụng đất và diện tích đất có tại thực địa của người sử dụng đất ..Những bất cập nêu trên đã ảnh hưởng trực tiếp đến người sử dụng đất, đã và đang phát sinh nhiều vụ việc tranh chấp về quyền sử dụng đất đồng thời dự kiến sẽ phát sinh nhiều vụ việc tranh chấp quyền sử dụng đất rừng trong thời gian tới.

Để hoạt động quản lý về đất đai tại địa phương được đi vào nề nếp nay HĐXX Tòa án nhân dân huyện T kiến nghị UBND huyện T có biện pháp khắc phục những bất cập trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tăng cường hoạt động quản lý hành chính Nhà nước về đất đai tại địa phương để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất.

Vì các lẽ trên

QUYẾT ĐỊNH

Áp dụng: Điều 274, Điều 275, Điều 280, Điều 468, Điều 589/Bộ luật dân sự; Khoản 6 Điều 26, Điều 35, Điều 39, khoản 5 Điều 147, Điều 157, Điều 165, khoản 1 Điều 166, Điều 271, Điều 273/Bộ luật Tố tụng dân sự. Điểm đ, khoản 1 Điều 12/Nghị quyết số 326 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội án phí, lệ phí Tòa án.

Xử

1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông Ma A G. Không chấp nhận yêu cầu của anh Chư A T.

Buộc anh Chư A T phải bồi thường cho ông Ma A G số tiền thiệt hại do tài sản bị xâm phạm là 816.000đ (Tám trăm mười sáu nghìn đồng).

Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án mà người phải thi hành án không thi hành thì còn phải chịu lãi suất theo lãi suất chậm trả của Ngân hàng Nhà nước, tương ứng với số tiền và thời gian chậm thi hành án.

"Trường hợp Bản án, Quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2, Luật thi hành án dân sự, thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, Điều 7, Điều 7a và Điều 9, Luật thi hành án dân sự, thời hiệu thi hành được quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự".

2. Về án phí: Miễn toàn bộ án phí dân sự sơ thẩm cho nguyên đơn, bị đơn. Trả lại cho nguyên đơn Ma A Gsố tiền 300.000 đồng tạm ứng án phí đã nộp theo Biên lai số AA/2010/0003764 ngày 03/01/2019 tại Chi cục thi hành án dân sự huyện T.

3. Về chi phí tố tụng: Buộc anh Chư A T phải trả cho ông Ma A G 600.000đ (Sáu trăm nghìn đồng) chi phí tố tụng.

4. Quyền kháng cáo: Nguyên đơn, bị đơn có quyền kháng cáo bản án trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

828
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 01/2019/DSST-TC ngày 10/05/2019 về bồi thường thiệt hại do tài sản bị xâm phạm

Số hiệu:01/2019/DSST-TC
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Tam Đường - Lai Châu
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành:10/05/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về