TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN LONG THÀNH, TỈNH ĐỒNG NAI
BẢN ÁN 01/2018/LĐ-ST NGÀY 21/03/2018 VỀ TRANH CHẤP CHẤM DỨT HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG TRÁI PHÁP LUẬT
Ngày 21 tháng 03 năm 2018, tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện Long Thành công khai xét xử sơ thẩm vụ án lao động thụ lý số: 15/2017/TLST-LĐ ngày 07 tháng 11 năm 2017 về việc “tranh chấp chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật” theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 01/2018/QĐXXST-LĐ ngày 02/3/2018 giữa các đương sự:
- Nguyên đơn: Chị Võ Thị H, sinh năm: 1980.
Địa chỉ: Tổ A, ấp B, xã AP, huyện LT, tỉnh Đồng Nai.
- Bị đơn: Công ty TNHH DMC (Việt Nam).
Người đại diện theo ủy quyền: Anh Hoàng Bá H, sinh năm: 1991. Địa chỉ: Số F257, VTS, phường TN, TP BH, tỉnh Đồng Nai.
(Nguyên đơn, bị đơn có mặt).
NỘI DUNG VỤ ÁN
- Trong đơn khởi kiện ngày 17 tháng 7 năm 2017, các lời khai trong quá trình giải quyết vụ án cũng như tại phiên tòa sơ thẩm nguyên đơn chị Võ Thị H trình bày:
Chị H làm việc cho công ty TNHH DMC Việt Nam (gọi tắt Công ty) từ năm 2004. Đến ngày 26/5/2016 ký hợp đồng lao động số TV001/2016/DMC/HĐLĐ, loại hợp đồng không xác định thời hạn tính từ ngày 01/1/2016 với mức lương cơ bản là 12.270.867 đồng, công việc chính là làm nhân viên tổng vụ, cụ thể là tính lương, tính bảo hiểm xã hội.
Tháng 3/2016, chị H nghỉ thai sản đến tháng 9/2016 vào làm việc lại, Công ty bố trí công việc khác mang tính chất nặng nhọc, độc hại, vì ngoài công việc chính là làm lương và tính bảo hiểm xã hội Công ty còn yêu cầu chị làm thêm chấm công, thực hiện theo phần mềm mới, chị vẫn đồng ý làm. Việc phân công làm thêm công việc chị có trình bày với quản lý chính nhưng được trả lời là không làm được thì nghỉ. Do áp luật công việc, nên đến ngày 14/3/2017 chị có ký biên bản “thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn” với công ty. Sau khi ký biên bản ngày 14/3/2017 chị đã nhận được các chế độ thanh toán khi nghỉ việc bao gồm: 02 tháng tiền lương cơ bản, tiền của những ngày phép năm chưa sử dụng, tiền lương tháng 3/2017 tính đến ngày 25/3/2017, trợ cấp thôi việc từ ngày 16/3/2004 đến ngày 31/12/2008 là 30.983.940 đồng, tổng cộng hơn 70.000.000 đồng.
Đến ngày 15/3/2017 công ty ra quyết định số 01-04/2017 QĐTV cho tôi thôi việc.
Việc chị ký biên bản “thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn” với công ty là do chị bị ép buộc. Vì vậy, Công ty ra quyết định số 01- 04/2017 QĐTV ngày 15/3/2017 cho chị thôi việc là trái pháp luật nên chị yêu cầu như sau:
1/ Yêu cầu hủy “Biên bản thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn” đề ngày 14/3/2017.
2/ Yêu cầu Công ty Trả lương từ tháng 4/2017 đến khi Tòa xét xử là tháng 3/2018 là 144.000.000 đồng (12.000.000 đ x 12 tháng), trả tiền bảo hiểm xã hội từ tháng 4/2017 đến tháng 3/2018 là 31.000.000 đồng (144.000.000 đ x 22% phần công ty phải đóng), vì công ty đã chốt sổ bảo hiểm trả lại cho chị xong; bồi thường hai tháng tiền lương theo quy định tại Điều 42 Luật lao động là 24.000.000 đồng. Tổng số tiền yêu cầu Công ty bồi thường cho chị là 199.000.000 đồng (Một trăm chín mươi chín triệu đồng). Chị không yêu cầu nhận chị lại làm việc.
- Tại bản tự khai đề ngày 20/9/2016 và các lời khai trong quá trình giải quyết vụ án cũng như tại phiên tòa sơ thẩm bị đơn công ty TNHH DMC Việt Nam do anh Hoàng Bá H đại diện trình bày:
Công ty TNHH DMC Việt Nam (gọi tắt Công ty) đã tuyển dụng chị Võ Thị H vào làm việc của Công ty từ năm 2004. Đến ngày 26/5/2016 ký hợp đồng lao động số TV001/2016/DMC/HĐLĐ, loại hợp đồng không xác định thời hạn tính từ ngày 01/1/2016, công việc của chị H là nhân viên tổng vụ, lương cơ bản 12.270.867 đồng. Tuy nhiên sau một thời gian gắn bó đến ngày 14/3/2017 hai bên có ký “Biên bản thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn”, theo thỏa thuận này hợp đồng lao động giữa công ty và chị H sẽ chấm dứt vào ngày 15/3/2017, ngày 15/3/2017 Công ty ra Quyết định thôi việc số 01-04/2017 QĐTV chấm dứt hợp đồng lao động với chị H. Sau khi chấm dứt hợp đồng thì ngoài các khoản tiền mà chị H được hưởng theo quy định của pháp luật thì chị H được hưởng thêm 02 tháng lương cơ bản theo như hợp đồng lao động đã ký kết ngày 26/5/2016. Khi ký biên bản thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn 14/3/2017, chị H hoàn toàn đồng ý, tự nguyện, Công ty không có hành vi ép buộc chị H.
Việc Công ty cho chị H thôi việc là phù hợp với quy định của pháp luật do hai bên tự nguyện thỏa thuận với nhau. Vì vậy, Công ty không đồng ý toàn bộ yêu cầu khởi kiện của chị H.
- Ý kiến của đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Long Thành:
+ Về tố tụng: Từ khi thụ lý vụ án đến khi xét xử, Thẩm phán và Hội đồng xét xử đã thực hiện đúng nhiệm vụ, quyền hạn, thủ tục tố tụng đúng theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Hội đồng xét xử đúng thành phần theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử. Nguyên đơn, bị đơn thực hiện quyền và nghĩa vụ theo luật định.
+ Về nội dung giải quyết vụ án: Căn cứ các chứng cứ, lời khai của các đương sự có trong hồ sơ vụ án cũng như tại phiên Tòa thể hiện giữa chị H và Công ty TNHH DMC Việt Nam có ký biên bản thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn 14/3/2017, việc ký kết là hoàn toàn tự nguyện, chị H cho rằng bị Công ty ép buộc nhưng chị không có chứng cứ chứng minh. Vì vậy, việc chị H khởi kiện yêu cầu Công ty bồi thường do chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật đối với chị là không có cơ sở chấp nhận. Đề nghị Tòa không chấp nhận đơn khởi kiện của chị H.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa, căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:
[1] Về thẩm quyền: Nguyên đơn khởi kiện bị đơn về việc “Tranh chấp chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật”. Bị đơn có địa chỉ tại đường C, khu Công nghiệp LT, huyện LT nên xác định loại tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án được quy định tại khoản 5 Điều 32 Bộ luật Tố tụng dân sự và thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân huyện Long Thành được quy định tại điểm a, khoản 1 Điều 35 và điểm a, khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự.
[2] Về thời hiệu: Ngày 15/3/2017 Công ty ra quyết định số 01-04/2017 QĐTV ngày 15/3/2017 về việc chấm dứt hợp đồng lao động với chị H, cho rằng công ty chấm dứt hợp đồng là trái pháp luật, 17/7/2017 chị H nộp đơn khởi kiện tại Tòa án là còn thời hiệu khởi kiện theo quy định phápluật.
[3] Về nội dung:
Về thời hạn ký kết hợp đồng lao động giữa chị H và Công ty DMC Việt Nam (gọi tắt Công ty) được các bên xác nhận thống nhất, phù hợp lời trình bày của các bên. Đến ngày 26/5/2016, chị H có ký kết hợp đồng lao động số TV001/2016/DMC/HĐLĐ với công ty, loại hợp đồng không xác định thời hạn tính từ ngày 01/1/2016, theo đó công việc chính của chị H là nhân viên tổng vụ (tính lương và tính bảo hiểm xã hội), lương cơ bản 12.270.867 đồng. Đến ngày 14/3/2017 hai bên có ký “Biên bản thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn”, theo thỏa thuận thì hợp đồng lao động giữa công ty và chị H sẽ chấm dứt vào ngày 15/3/2017, Công ty đã thanh toán các khoản thôi việc cho chị H bao gồm: 02 tháng tiền lương cơ bản, tiền của những ngày phép năm chưa sử dụng, tiền lương tháng 3/2017 tính đến ngày 25/3/2017, trợ cấp thôi việc từ ngày 16/3/2004 đến ngày 31/12/2008 là 30.983.940 đồng, tổng cộng hơn 70.000.000 đồng và đã chốt sổ bảo hiểm giao cho chị H, chị H đã nhận đầy đủ.
Ngày 15/3/2017 Công ty ra Quyết định thôi việc số 01-04/2017 QĐTV chấm dứt hợp đồng lao động với chị H. Như vậy, việc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn giữa chị H và Công ty là hoàn toàn phù hợp quy định tại khoản 3, Điều 36 Bộ luật Lao động.
[4] Việc chị H cho rằng sau khi chị Nghỉ thai sản 6 tháng trở lại làm việc, thì ngoài công việc tính lương và tính bảo hiểm, Công ty đã giao cho chị làm thêm việc có tính nặng nhọc như: chấm công, thực hiện theo phần mềm mới, chị đồng ý làm nhưng vì quá nhiều việc nên chị có sai sót là tính thiếu lương của công nhân, vì vậy Công ty gây áp lực buộc chị phải thôi việc.
Tuy nhiên, chị H không có chứng cứ gì chứng minh việc Công ty ép buộc chị ký biên bản thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn. Mặt khác, trong quá trình Công ty giao thêm việc cho chị H, chị H vẫn đồng ý làm không có ý kiến khiếu nại gì, chị H đã nhận đầy đủ các khoản trợ cấp thôi việc và bảo lưu sổ bảo hiểm xã hội. Tại phiên Tòa, chị H cũng xác định việc ký biên bản ngày 14/3/2017 là hoàn toàn tự nguyện. Vì vậy, Ngày 15/3/2017 Công ty ra Quyết định thôi việc số 01-04/2017 QĐTV chấm dứt hợp đồng lao động với chị H theo biên bản thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động là không trái quy định tại Điều 55 Luật lao động. Vì vậy, chị H khởi kiện yêu cầu Công ty TNHH DMC Việt Mam bồi thường 199.000.000 đồng do chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật là không có cơ sở chấp nhận.
[5] Về án phí: Trường hợp của chị H không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm.
[6] Quan điểm và đề nghị của đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Long Thành là phù hợp với nhận định của Hội đồng xét xử nên chấp nhận.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ khoản 5 Điều 32, điểm a khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39 và Điều 147 Bộ luật Tố tụng dân sự.
Áp dụng khoản 3 Điều 36, Điều 55 Bộ luật lao động; Pháp lệnh số 10/2009/PL-UBTVQH12 ngày 27/02/2009 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về án phí, lệ phí Tòa án; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án.
Tuyên xử:
1/ Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn chị Võ Thị H về việc “Tranh chấp việc chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật” đối với bị đơn Công ty TNHH DMC Việt Mam.
2/ Về án phí: Chị H không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm.
3/ Các đương sự có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án.
Bản án 01/2018/LĐ-ST ngày 21/03/2018 về tranh chấp chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật
Số hiệu: | 01/2018/LĐ-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Huyện Long Thành - Đồng Nai |
Lĩnh vực: | Lao động |
Ngày ban hành: | 21/03/2018 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về