Bản án 01/2018/LĐ-PT ngày 16/01/2018 về khiếu kiện bồi thường trợ cấp thương binh, khôi phục tiền lương hưu, trợ cấp tai nạn lao động và hủy quyết định cá biệt

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

BẢN ÁN 01/2018/LĐ-PT NGÀY 16/01/2018 VỀ KHIẾU KIỆN BỒI THƯỜNG TRỢ CẤP THƯƠNG BINH, KHÔI PHỤC TIỀN LƯƠNG HƯU, TRỢ CẤP TAI NẠN LAO ĐỘNG VÀ HỦY QUYẾT ĐỊNH CÁ BIỆT

Ngày 16 tháng 01 năm 2018, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Ninh Thuận xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 04/2017/TLPT-LĐ ngày 05 tháng 4 năm 2017 về việc “Tranh chấp về bồi thường trợ cấp thương binh, khôi phục tiền lương hưu và trợ cấp tai nạn lao động, hủy quyết định cá biệt”.

Do Bản án lao động sơ thẩm số: 01/2017/HC-ST ngày 27 tháng 02 năm 2017 của Tòa án nhân dân tỉnh Ninh Thuận bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 494/2017/QĐPT-LĐ ngày 14 tháng 9 năm 2017, giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Ông Ngô Xuân T, sinh năm 1951; Địa chỉ: Thôn T 2, xã T, thành phố P, tỉnh Ninh Thuận (có mặt).

- Bị đơn:

1. Giám đốc Sở L T tỉnh N

Địa chỉ: Đường 16/4, thành phố P, tỉnh Ninh Thuận

Người đại diện theo ủy quyền: Bà Đặng Thị P, chức vụ: Phó Giám đốc Sở (Văn bản ủy quyền số 1970/GUQ-GĐSLT ngày 30/8/2016) (có mặt)

2. Ủy ban nhân dân thị xã P (nay là Ủy ban nhân dân thành phố P)

Người đại diện theo pháp luật: Ông Dương Ái Q, chức vụ: Chủ tịch UBND TP. P

Người đại diện theo ủy quyền: Ông Bùi Văn P, chức vụ: Phó Chủ tịch UBND TP. P (văn bản ủy quyền ngày 25/11/2016, ông P vắng mặt, có đơn xin xét xử vắng mặt)

- Người kháng cáo: Nguyên đơn ông Ngô Xuân T.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Nguyên đơn ông Ngô Xuân T trình bày:

Tôi yêu cầu Giám đốc Sở L T tỉnh N (Sau đây viết tắt Giám đốc Sở LĐTBXH) bồi thường các khoản sau:

- Tiền lương hưu mất sức:

Theo quy định tại Điều 52 Luật Bảo hiểm xã hội 2006 khi người lao động làm việc đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, đủ 60 tuổi đối với lao động nam, nếu chưa đủ 60 tuổi nhưng mất khả năng lao động 61% trở lên thì được hưởng lương hưu mất sức. Ôn T tham gia cách mạng ngày 12/01/1968 đến ngày 18/07/1991. Như vậy, thời gian công tác liên tục 23 năm 7 tháng nếu cộng thêm hệ số chiến trường B2, B4 và truy quét Pulro tại Lâm Đồng 1975-1977 là 3 năm 4 tháng =26 năm 11 tháng. Lỗi sai thuộc UBND thị xã P khi ra Quyết định số 1163/QĐ-UBND ngày 05/8/1989 và cắt lương từ tháng 7/1989 lúc ông còn điều trị, đến tháng 7/1991 ông lành bệnh. Vì cắt biên chế ở Hội nông dân và cắt luôn trợ cấp thương binh, từ tháng 7/1989 đến tháng 7/2016 là tròn 27 năm x 12 tháng = 329 tháng lương chưa được nhận, về lãi suất Ngân hàng Nhà nước hiện nay 1%/tháng, nếu tính lãi suất 1% thì sau 12 tháng tính lãi cộng dồn theo công thức cấp số cộng 0,1 % thì cuối năm lãi tích lũy 1,55% x 329 tháng = 500,995%. Trong trường hợp lương có hai giai đoạn: Từ tháng 7/1989 đến tháng 7/1991 giai đoạn chưa lành bệnh là hưởng 100% lương; (24 tháng lương chưa chi trả + 3 tháng điều dưỡng là 27 tháng). Từ tháng 7/1991 đến nay là 305 tháng, hưởng lương hưu mất khả năng lao động 85% thời gian công tác 27 năm, theo Điều 52 Luật Bảo hiểm xã hội quy định là 69% trên mức lương 359 đồng/tháng. Mức lương quy đổi hiện nay là hệ số 4,7 x 1.210.000đ = 5.687.000đ. Như vậy, 24 tháng lương chưa nhận x 5.687.000đ = 136.488.000đ

(1). Mức lương hưu mất sức 306 tháng x 69% x 5.687.000đ = 1.200.753.000đ

(2). Cộng (1) + (2) =1.337.241.000đ. Tổng tiền lời (330 tháng) x 511% = 6.891.291.000đ nhập chung chế độ hưu 8.156.532.000đ Khôi phục tiền lương hưu mất sức theo quyết định số 84/QĐ-HĐGĐYKSK cho nguyên đơn kể từ ngày tòa xét xử

- Tiền trợ cấp thương binh 4/4 tỷ lệ mất sức khỏe 21 %.

Từ tháng 10/1989 đến tháng 4/2006 là 198 tháng trợ cấp thương binh bị cắt. Ngày 04/02/2016  ông được bồi thường 175.824.000đ. Việc cắt chế độ thương binh lúc ông đang chữa bệnh là trái pháp luật. Người thi hành công vụ làm sai thì phải bồi thường theo Điều 608 Bộ luật dân sự năm 2005. Số tiền bồi thường 324 tháng x 1,55 % x 175.824.000đ = 879.120.000đ tiền lời phải chi trả. Ông bổ sung thêm nội dung yêu cầu mới: áp dụng khoản 3 Điều 19 Pháp lệnh người cócông thì kể từ ngày 01/10/2005 tôi được hưởng thêm khoản trợ cấp 10 năm 02 tháng-122 tháng x 3.350.000đ = 408.700.000đ x 183 tháng tiền lời 747.921.000đ, cộng cả gốc và lời = 1.156.621.000đ Các chế độ thương binh và như thương binh cộng lại hai khoản 2.035.741.000đ

- Các khoản tiền trợ cấp tai nạn lao động:

Quyết định số 50 QĐ-TT do Liên đoàn lao động tỉnh T ký ngày 19/9/1991 nhưng ngày 06/6/1992 Phòng Tổ chức, Lao động Thương binh Xã hội thị xã P mới triển khai giao quyết định có cả tem phiếu nguyên đơn chưa được trả trợ cấp. Do vậy, tem phiếu được hưởng từ 01/7/1988 chưa cấp phát. Mãi đến ngày 15/9/1992 Giám đốc Sở LT mới ký quyết định cho hưởng trợ cấp tai nạn theo ủy quyền của Liên đoàn lao động tỉnh Quyết định số 02/QĐ-SLT không bàn giao cho  tôi, không cho truy lĩnh từ 01/7/1988 khi Thanh tra có kết luận ngày 03/7/2013 tôi mới tận mắt nhìn thấy bản sao Quyết định số 890/QĐ-UB và Quyết định số 02/QĐ HCĐTNLĐ và quyết định này lại có một số chi tiết như: Mức lương phó phòng bậc ba 359đ/tháng xuống còn 333đ/tháng và chỉ hưởng từ 9/1992. Như vậy, phải tính lại định mức lương đúng theo chế độ và chứng cứ hiện có. Mức lương 359đ/tháng hiện quy đổi là hệ số 4,7 x 1.150.000 đ/tháng = 5.405.000 đ/tháng x 55% = 2.972.750đ lâu nay tôi nhận hàng tháng 1.265.800đ chênh lệch 1.706.950đ. Từ 01/7/1988 đến tháng 9/1992 là 50 tháng chưa nhận x 3.127.850đ = 156.329.250đ; từ tháng 9/1992 đến tháng 12/2016 là 171 x 55% x 5.687.000đ = 534.862.350đ. Trợ cấp tai nạn theo luật bảo hiểm xã hội 2006 là 818.928.000đ.

Như vậy, tiền trợ cấp tai nạn tôi yêu cầu bồi thường: 156.329.250đ+ 534.862.350đ+ 818.928.000đ = 1.510.119.600đ. Khoản trợ cấp tai nạn thực tế đã nhận 24 năm 03 tháng x 1.331.900đ = 387.582.900đ. Lấy tổng số tiền trợ cấp tai nạn bảo hiểm xã hội quy định trừ cho khoản tiền đã nhận = 1.122.536.700đ x 511% = 5.724.937.170đ. Cộng chung vào lãi qua 27 năm 6.847.473.870đ, đối với số tiền này tôi yêu cầu UBND thành phố P bồi thường. Chi phí đi kiện, gửi đơn, không có công ăn việc làm và các khoản chi phí khác 594.000.000đ (năm trăm chín mươi bốn triệu đồng), số tiền này tôi yêu cầu UBND thành phố P và Giám đốc Sở L T liên đới bồi thường. Tổng cộng: 8.156.532.000đ tiền lương hưu+2.035.741.000đ trợ cấp thương binh + 6.847.473.870đ Tiền tai nạn lao động+594.000.000đ các khoản chi phí khác= 17.633.746.000đ (mười bảy tỷ, sáu trăm ba mươi ba triệu, bảy trăm bốn mươi sáu ngàn đồng).

- Ông Ngô Xuân T yêu cầu Tòa án hủy các quyết định:

Hủy Quyết định số 227/QĐ-SLT ngày 03/02/2016 của Giám đốc Sở L T tỉnh N (sau đây viết tắt là Quyết định 227), về việc giải quyết khiếu nại của ông Ngô Xuân T.

Hủy Quyết định số 02/QĐNTNLĐ ngày 15/9/1992 của Giám đốc Sở L T tỉnh N (sau đây viết tắt là Quyết định 02) ( nay là Sở L T tỉnh N).

Hủy Quyết định số 890/QĐ-UB ngày 17/9/1992 của UBND thị xã P (nay là UBND thành phố P) (sau đây viết tắt là Quyết định 890) về việc thay đổi hưởng trợ cấp mất sức lao động sang hưởng chế độ thôi việc một lần đối với ông Ngô Xuân T

Bà Đặng Thị P là người đại diện theo ủy quyền của bị đơn - Giám đốc Sở L T tỉnh N trình bày:

1/ Đối với yêu cầu hủy Quyết định số 227/QĐ-SLĐTPXH ngày 03/02/2016 của Sở L T. Ngày 23/10/2015 ông Ngô Xuân T có đơn khiếu nại gửi Sở LĐTBXH. Trong đơn ông T đưa ra nhiều nội dung khiếu nại đề nghị giải quyết, trong đó có nội dung: “không đồng ý theo chế độ bồi thường, truy lĩnh 198 tháng trợ cấp tiền thương binh theo Quyết định số 56/QĐ-SLT ngày 29/01/2015 của Giám đốc Sở LT về truy lĩnh chế độ thương binh cho ông Ngô Xuân T, thời gian truy lĩnh 198 tháng, số tiền 14.702.988đ.

Ngày 24/12/2015 Giám đốc Sở LT, Chánh Văn phòng Sở LT làm việc trực tiếp với ông T và hai bên thỏa thuận, thống nhất phương án tính truy lĩnh chế độ thương binh cho ông T, tại buổi làm việc ông T yêu cầu trả theo chế độ thương binh hiện hành của ông T, tỷ lệ thương tật 21% mức trợ cấp  hàng tháng 888.000đ/tháng, số tiền: 198 tháng x 888.000đ = 175.824.000đ.

Ông Ngô Xuân T khiếu nại Quyết định số 56/QĐ-SLT ngày 29/01/2015 của Sở LT là đúng nhưng kinh phí để chi trả giải quyết, khiếu nại vượt quá 14.702.988đ Sở LT không có nguồn chi trả, mặt khác nếu chi trả không đúng quy định của Nhà nước sẽ tạo tiền lệ cho những trường hợp tương tự và không thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở LT. Do đó, Sở LT có văn bản số 3894/SLT- Ttra ngày 25/12/2015 gửi Bộ LĐTBXH xin ý kiến giải quyết chế độ trợ cấp cho ông Ngô Xuân T, nội dung thể hiện: “Sở LT nhận thấy việc cắt chế độ thương binh của ông Ngô Xuân T từ tháng 10/1989 của Phòng Tổ chức-Lao động Xã hội thị xã P là không có cơ sở gây thiệt hại do thu nhập thực tế của ông Ngô Xuân T bị mất. Cách tính truy lĩnh theo Quyết định số 56/QĐ-SLT ngày 29/01/2015 về truy lĩnh chế độ thương binh đối với ông Ngô Xuân T với số tiền là 14.702.988đ là quá thiệt thòi cho thương binh và đề nghị áp dụng khoản 1 Điều 46 Luật bồi thường Nhà nước năm 2009 để tính truy lĩnh cho ông Ngô Xuân T.

Cục người có công có văn bản số 318/LĐTBXH-NCC ngày 28/01/2016 về việc giải quyết truy lĩnh trợ cấp thương tật của ông Ngô Xuân T, phúc đáp công văn số 3894/SLT-Ttra ngày 25/12/2015 của Sở LT, nội dung thể hiện: “nhất trí mức trợ cấp (truy lĩnh) đối với ông Ngô Xuân T theo đề nghị của Sở LT tỉnh N số tiền 175.824.000đ, nguồn kinh phí đề nghị Sở LT báo cáo UBND tỉnh N giải quyết truy lĩnh đối với ông T từ nguồn ngân sách địa phương”.

UBND tỉnh có văn bản số 433/UBND-XV ngày 04/02/2016 về việc giải quyết truy lĩnh trợ cấp thương tật đối với ông Ngô Xuân T, nội dung chính đồng ý sử dụng ngân sách địa phương để thanh toán truy lĩnh trợ cấp cho ông Ngô Xuân T theo đề nghị của Sở LT tại Công văn số 215/SLT-Ttra ngày 01/02/2016.

Từ cơ sở trên Giám đốc Sở LT ban hành Quyết định số 227 về việc giải quyết khiếu nại của ông Ngô Xuân T.

Ngày 05/02/2016 ông Ngô Xuân T đã đến Phòng LT thành phố P nhận số tiền 175.824.000đ (theo phiếu chi số 26 ngày 04/02/2016).

Việc ông Ngô Xuân T khởi kiện đề nghị hủy quyết định 227 của Giám đốc Sở LT là không có cơ sở vì quyết định đã được ông Ngô Xuân T thực hiện.

2/ Hủy Quyết định số 02/QĐTNLĐ ngày 15/9/192 của Giám đốc Sở Thương binh và Xã hội tỉnh N (nay là Sở L T tỉnh N).

Năm 1991 chế độ tai nạn lao động của cán bộ, viên chức và người lao động đương chức do Liên đoàn lao động tỉnh quản lý và thực hiện chi trả tại cơ quan của người bị tai nạn lao động công tác, do đó khi ông Ngô Xuân T bị tai nạn giao thông Liên đoàn lao động tỉnh T căn cứ vào hồ sơ tai nạn giao thông được xem là tai nạn lao động để làm thủ tục cho ông Ngô Xuân T hưởng chế độ tai nạn lao động theo Quyết định số 50/QĐ-TT ngày 19/9/1991 cấp giấy chứng nhận tai nạn lao động cho ông T, tỷ lệ thương tật 72%, mức lương để được chế độ là 359đ và được chế độ hàng tháng 6.058đ kể từ ngày 01/7/1988, số tiền trên được nhận hàng tháng lĩnh ở đơn vị đang công tác do quỹ BHXH (5%) đài thọ.

Chế độ tai nạn lao động của cán bộ, viên chức, người lao động đã nghỉ việc, về mất sức, về lương hưu do Sở Thương binh và Xã hội quản lý; do đó, khi ông T nghỉ việc về mất sức, Liên đoàn lao động tỉnh bàn giao hồ sơ cho Sở Thương binh và Xã hội quản lý.

Căn cứ vào các quy định của pháp luật hiện hành, Sở Thương binh và Xã hội tỉnh N ban hành Quyết định 02 cho ông T hưởng trợ cấp tai nạn lao động từ 01/9/1992 và do Phòng Thương binh và Xã hội thị xã P chi trả. Mức lương để tính hưởng chế độ tai nạn lao động 333đ, trợ cấp hàng tháng 55% lương, nhận trợ cấp hàng tháng 18.731đ. Mức lương để hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng trong Quyết định số 02 là 333đ khác với mức lương để hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng trong Quyết định số 50/QĐ-TT ngày 19/9/1991 của Liên đoàn lao động tỉnh T 359đ là do điều chỉnh theo mức lương thực tế tại thời điểm ông T bị tai nạn lao động và theo xác nhận ngày 16/9/1991 của thường trực Hội nông dân thị xã P.

Hiện nay, ông T đang hưởng chế độ tai nạn lao động do Bảo hiểm Xã hội tỉnh N quản lý và do Phòng LĐTBXH thành phố P chi trả. Mức trợ cấp đang hưởng 1.331.900đ/tháng.

Khởi kiện bổ sung của ông Ngô Xuân T đề nghị hủy bỏ Quyết định 02 là không thực hiện được vì đây là chế độ chính sách quy định cho người bị tai nạn lao động hưởng hàng tháng theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 và ông T hưởng từ năm 1992 đến nay nên thời hiệu khởi kiện quyết định này đã hết. Việc ông Ngô Xuâ T yêu cầu Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh N bồi thường:8.156.532.000đ tiền lương hưu, 2.035.741.000đ trợ cấp thương binh, 594.000.000đ chi phí đi kiện, gửi đơn, không có công ăn việc làm và các khoản chi phí khác Giám đốc Sở LĐTBXH không chấp nhận vì không có căn cứ, đề nghị Tòa án xem xét theo quy định của pháp luật.

Đại diện theo ủy quyền của Chủ tịch UBND TP. P, ông Bùi Văn P - Phó chủ tịch UBND TP. P có văn bản trình bày:

Ông Ngô Xuân T công tác tại Hội Nông dân thị xã P, ông bị tai nạn lao động 10/01/1987, tỷ lệ thương tật do tai nạn được giám định là 72%.

Căn cứ tình hình sức khỏe của ông T, căn cứ biên bản cuộc họp giữa Ban Thường vụ thị ủy và Ban tổ chức thị ủy ngày 01/12/1988. Ban Tổ chức thị ủy P có thông báo ngày 31/12/1988 và ủy nhiệm cho Hội Nông dân thị xã ban hành Quyết định cho ông T nghỉ việc hưu trí, mất sức.

Căn cứ theo quyết định số 27/QĐQĐ-HND ngày 31/12/1988 của Ban thường vụ Hội nông dân thị xã P về việc giải quyết chế độ nghỉ việc hưu trí mất sức đối với ông Ngô Xuân T (nguyên Phó Chủ tịch Hội Nông dân thị xã) được nghỉ 3 tháng chờ chế độ nghỉ việc hưu trí, mất sức kể từ ngày 01/01/1989.

Căn cứ Nghị định 236/HĐBT ngày 18/9/1985 của Hội đồng Bộ trưởng về bổ sung, sửa đổi một số chế độ, chính sách về thương binh và xã hội. Điều 1 Nghị định này quy định nam công nhân viên chức đủ 60 tuổi và có đủ 30 năm công tác thì được hưởng lương hưu, thời gian công tác của ông T từ 8/1971-12/1989, vì vậy ông T không đủ điều kiện được giải quyết chế độ hưu trí tại thời điểm lúc bấy giờ. Điều 14 của Nghị định này quy định công nhân viên chức ốm đau (không phải do bệnh nghề nghiệp), vì tai nạn (không phải do tai nạn lao động) mà mất sức khỏe từ 61% trở lên và có thời gian công tác đủ 15 năm trở lên thì được hưởng chế độ trợ cấp mất sức lao động hàng tháng.

Trên cơ sở đó, UBND thị xã P ban hành Quyết định 1163/HTMS ngày 03/12/1989 cho ông T nghỉ việc và hưởng chế độ trợ cấp mất sức lao động hàng tháng kể từ 01/1990 (do bị suy giảm sức khỏe 72%).

Ông T hưởng chế độ mất sức lao động theo Quyết định 1163 QĐ/HTMS từ 01/1990 đến 09/1992. Ngày 15/9/1992 ông liên hệ với phòng TC-LĐTBXH thị xã đề nghị chuyển từ hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng sang trợ cấp thôi việc một lần và thống nhất ký vào biên bản làm việc. Trên cơ sở đó ngày 17/9/1992 UBND thị xã P ban hành Quyết định số 890/QĐ-UB, về việc thay đổi trợ cấp mất sức lao động sang hưởng chế độ thôi việc một lần đối với ông Ngô Xuân T.

Ngày 21/9/1992 Phòng Tài chính - Kế hoạch thị xã cấp Thông báo hạn mức số 185/TV HCVX cho Phòng TC-LĐTBXH với tiểu mục 97 chi khác với số tiền 1.159.000đ (trợ cấp thôi việc) gồm ông Ngô Xuân T 743.300đ và ông Nguyễn Văn N 424.565đ. Căn cứ theo báo cáo quyết toán tài chính năm 1992 của Phòng TC- LĐTBXH thị xã gửi Phòng Tài chính - Kế hoạch thị xã thì tiểu mục 97 chi khác (trợ cấp thôi việc) số dư hạn mức thể hiện 0 đồng, điều này chứng minh việc trợ cấp thôi việc một lần đối với ông Ngô Xuân T đã được thực hiện.

Việc UBND thị xã P ban hành Quyết định số 890/QĐ- UB ngày 17/9/1992, về việc thay đổi trợ cấp mất sức lao động sang hưởng chế độ thôi việc một lần đối với ông Ngô Xuân T là đúng theo quy định pháp lý hiện hành lúc bấy giờ và theo nguyện vọng của ông T.

Việc chuyển hưởng chế độ trợ cấp mất sức lao động hàng tháng của ông T theo Quyết định 1163 QĐ/HTMS sang hưởng trợ cấp thôi việc một lần theo Quyết định số 890/QĐ-UB từ năm 1992 đến 2013 (21 năm), ông không khiếu nại, khiếu kiện gì điều này chứng minh là ông biết UBND thị xã có ban hành Quyết định số 890/QĐ-UB và có hiệu lực thi hành, cho đến nay ông T mới khởi kiện đề nghị Tòa án giải quyết theo quy định pháp luật. Do vậy, UBND TP. P không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông T về việc yêu cầu Tòa hủy quyết định 890 và yêu cầu bồi thường tiền tai nạn lao động 3.841.343.100đ

Tại Bản án lao động sơ thẩm số: 01/2017/LĐ-ST ngày 27 tháng 02 năm 2017 của Tòa án nhân dân tỉnh Ninh Thuận, quyết định:

Áp dụng: Điều 32; Điều 147, Điều 271 Bộ Luật Tố tụng dân sự; khoản 2 Điều 11 Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án 2009.

Bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Ngô Xuân T về việc:

- Hủy Quyết định số 227/QĐ- SLĐTBXH ngày 03/02/2016 của Giám đốc Sở Lao động TBXH tỉnh N về việc giải quyết khiếu nại của ông Ngô Xuân T.

- Hủy Quyết định số 02/QĐNTNLĐ ngày 15/9/1992 của Giám đốc Sở thương binh và xã hội (nay là Sở Lao động TBXH tỉnh N).

- Hủy Quyết định số 890/QĐ-UB ngày 17/9/1992 của UBND thị xã (nay là thành phố P) về việc thay đổi trợ cấp mất sức lao động sang chế độ thôi việc một lần đối với ông T.

- Yêu cầu Giám đốc Sở Lao động TBXH tỉnh N bồi thường các khoản: 8.156.532.000đ tiền lương hưu; 2.035.741.000đ trợ cấp thương binh và người có công; 6.847.473.870đ tiền trợ cấp tai nạn lao động; 594.000.000đ tiền chi phí đi kiện và các chi phí khác = 17.633.746.000đ.

Ngoài ra án sơ thẩm còn tuyên án phí và quyền kháng cáo.

Ngày 06/3/2017, Ông T có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, yêu cầu cấp phúc thẩm xử lại theo hướng chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông.

Tại phiên tòa hôm nay, ông T vẫn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo.

Trong phần tranh luận, các đương sự trình bày: Ông T trình bày: Ông được hưởng 3 chế độ gồm mất sức lao động, chế độ hưu, chế độ thương binh. Chế độ thương binh đến năm 2006 mới được phục hồi, còn lại chưa được phục hồi, đề nghị buộc bị đơn cho ông hưởng đủ 3 chế độ và bồi thường cho ông, ông T giữ nguyên yêu cầu kháng cáo, yêu cầu khởi kiện.

Người đại diện giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh N trình bày: Về yêu cầu bồi thường tiền hưởng chế độ thương binh: Căn cứ Điều 7 Luật bồi thường Nhà nước thì giám đốc Sở L T tỉnh N và ông T đã thương lượng, thống nhất số tiền bồi thường là 198 tháng trợ cấp thương binh, Giám đốc Sở L T tỉnh N đã ban hành quyết định số 227 và đã bồi thường cho ông T từ năm 2006. Do vậy, ông T không còn quyền khởi kiện quyết định số 227 cũng nhưng không có quyền yêu cầu giải quyết bồi thường do hết thời hiệu và các bên đã thương lượng thành công theo Luật bồi thường nhà nước.

Về yêu cầu hủy quyết định số 02 của Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh N: Căn cứ quy định của pháp luật thì mức lương để tính trợ cấp tai nạn lao động là mức lượng tại thời điểm bị tai nạn. Theo xác nhận của ông T1 (công tác tại hội nông dân năm 1987) thì mức lương của ông T vào thời điểm xảy ra tai nạn lao động năm 1987 là 333 đồng.

Việc ban hành các quyết định về giải quyết chế độ thương binh và chế độ trợ cấp tai nạn lao động cho ông T là đúng.

Đại diện Viện kiểm sát phát biểu quan điểm giải quyết vụ án:

Về tố tụng, Hội đồng xét xử và những người tiến hành tố tụng, đương sự thực hiện đúng các quy định, không vi phạm tố tụng.

Về nội dung: Đối với yêu cầu bồi thường chế độ trợ cấp thương binh đã được Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh N giải quyết đúng quy định, ông T đã thỏa thuận và nhận tiền từ năm 2006. Về chế độ mất sức lao động, ông T đã yêu cầu chuyển chế độ từ hưởng trợ cấp hàng tháng sang hưởng trợ cấp thôi việc một lần nên UBND thành phố P đã ban hành quyết định số 890 cho ông T hưởng chế độ trợ cấp thôi việc một lần là đúng, đồng thời đã trả chế độ thôi việc một lần cho ông T là 743.000đ. Án sơ thẩm xử bác yêu cầu của ông T về các nội dung khởi kiện này là đúng.

Đối với yêu cầu hủy Quyết định số 02 về trợ cấp tai nạn lao động và yêu cầu bồi thường liên quan đến quyết định này: Xét thấy cấp sơ thẩm chưa thu thập, làm rõ mức lương của ông T tại thời điểm xảy ra tai nạn lao động. Đề nghị chấp nhận một phần kháng cáo, hủy một phần bản án sơ thẩm liên quan đến nội dung khởi kiện này để xét xử lại từ cấp sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

- Về yêu cầu bồi thường 2.035.741.000đ trợ cấp thương binh và yêu cầu hủy Quyết định số 227/QĐ-SLĐTBXH ngày 03/02/2016 của Giám đốc Sở L T tỉnh N

[1]- Theo các chứng cứ có trong hồ sơ vụ án thể hiện ông T là thương binh tỷ lệ thương tật 21%, thương binh loại 4/4 được hưởng trợ cấp hàng tháng. Do ông T được hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng từ ngày 01/01/1989 nên Phòng Tổ chức-Lao động xã hội thị xã P đã ngưng chi trả trợ cấp thương binh của ông từ tháng 10/1989 đến tháng 4/2006 thì được khôi phục lại. Lý do ông T được khôi phục lại tiền trợ cấp thương binh là do tháng 9/1992, ông T có yêu cầu được chuyển trợ cấp mất sức lao động hàng tháng sang trợ cấp thôi việc hưởng trợ cấp một lần nên tại Quyết định số 890/QĐ-UB ngày 17/9/1992 của UBND thị xã P đã quyết định chuyển sang trả trợ cấp thôi việc chi trả một lần cho ông T nhưng khi chuyển sang trả chế độ trợ cấp thôi việc một lần cho ông T thì không khôi phục và cho ông T truy lĩnh trợ cấp thương binh từ tháng 1/1989. Như vậy, ông T chưa được chi trả 198 tháng trợ cấp thương binh. Ngày 29/01/2015, Giám đốc Sở Lao động–Thương binh và Xã hội tỉnh N đã ban hành Quyết định số 56/QĐ-SLT bồi thường, truy lĩnh cho ông T 198 tháng trợ cấp thương binh là 14.702.988đ.

[2]- Không đồng ý với mức bồi thường, truy lĩnh theo Quyết định số 56/QĐ-SLT, ông T khiếu nại. Tại biên bản làm việc ngày 24/12/2015 giữa Giám đốc Sở L T với ông T, hai bên đã thống nhất, thỏa thuận bồi thường theo yêu cầu của ông T, cụ thể ông T yêu cầu bồi thường mức 888.000đ/tháng x 198 tháng = 175.824.000đ. Sau khi có sự thống nhất, thỏa thuận này, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh N có văn bản số 3894/SLT-Ttra ngày 25/12/2015 đề nghị áp dụng khoản 1 Điều 46 Luật bồi thường Nhà nước năm 2009 để tính truy lĩnh cho ông T, không để thương binh thiệt thòi. Được sự đồng ý của Cục người có công – Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và UBND tỉnh N về việc đồng ý mức trợ cấp (truy lĩnh) cho ông T là 175.824.000đ và lấy nguồn ngân sách địa phương chi trả, Giám đốc Sở LT đã ban hành Quyết định số 227/QĐ-SLĐTBXH ngày 03/02/2016 bồi thường 175.824.000đ cho ông T.

Tại khoản 2 Điều 7 Luật trách nhiệm bồi thường Nhà nước năm 2009 quy định nguyên tắc bồi thường Nhà nước: “Được tiến hành trên cơ sở thương lượng giữa cơ quan có trách nhiệm bồi thường với người bị thiệt hại hoặc đại diện hợp pháp của họ”

 Tại khoản 5 Điều 19 Luật trách nhiệm bồi thường Nhà nước năm 2009 về thương lượng việc bồi thường quy định: “Kết quả thương lượng là cơ sở để quyết định việc bồi thường”

[3]- Như vậy, việc bồi thường cho ông T 198 tháng tiền trợ cấp thương binh số tiền theo kết quả thương lượng, thỏa thuận là 175.824.000đ (mức trợ cấp thương binh tại thời điểm thương lượng) là đúng với quy định của Luật trách nhiệm bồi thường Nhà nước năm 2009. Ông T đã nhận 175.824.000đ. Do đó, không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của ông T về yêu cầu bồi thường 2.035.741.000đ trợ cấp thương binh và yêu cầu hủy Quyết định số 227/QĐ- SLĐTBXH ngày 03/02/2016 của Giám đốc Sở Lao động TBXH.

- Đối với yêu cầu khởi kiện và yêu cầu kháng cáo về yêu cầu bồi thường 8.156.532.000đ tiền lương hưu và yêu cầu hủy Quyết định số 890/QĐ-UB ngày 17/9/1992 của UBND thị xã (nay là thành phố) P về việc thay đổi trợ cấp mất sức lao động sang chế độ thôi việc một lần đối với ông T:

[4]- Ông T công tác tại Hội nông dân thị xã P, ông bị tai nạn lao động ngày 10/01/1987, tỷ lệ thương tật là 72% và được cho nghỉ hưởng chế độ mất sức hàng tháng tại Quyết định 1163/HTMS ngày 03/12/1989 của UBND thị xã P.

[5]- Ông T đi tham gia cách mạng từ 12/01/1968 đến ngày 01/01/1990 thì được nghỉ theo chế độ mất sức lao động. Thời gian công tác thực tế của ông là 21 năm 11 tháng 19 ngày. Theo ông T thì ông còn được cộng theo hệ số chiến trường B2, B4 và truy quét Pulro tổng cộng là 03 năm 04 tháng. Như vậy, tổng thời gian công tác để tính chế độ bảo hiểm xã hội cho ông là 25 năm 03 tháng 19 ngày.

[6]- Điều 1 Nghị định số 236/HĐBT ngày 18/9/1985 của Hội đồng bộ trưởng quy định: “Nam công nhân viên chức đủ 60 tuổi (nếu là quân nhân thì đủ 55 tuổi) và có đủ 30 năm công tác, nữ công nhân, viên chức đủ 55 tuổi (nếu là quân nhân thì đủ 50 tuổi) và có đủ 25 năm công tác thì được hưởng lương hưu”.

Điều 14 Nghị định này quy định: “Công nhân, viên chức vì ốm đau (không phải do bệnh nghề nghiệp), vì tai nạn (không phải do tai nạn lao động) mà mất sức lao động từ 61% trở lên, hoặc vì già yếu hết tuổi lao động được nghỉ việc thì hưởng chế độ trợ cấp mất sức lao động như sau:

1- Nếu có thời gian công tác đủ 15 năm trở lên (năm công tác tính theo hệ số nói ở Điều 1) thì được hưởng trợ cấp hàng tháng”.

Căn cứ các quy định viện dẫn trên thì trường hợp của ông T không đủ điều kiện để hưởng chế độ hưu mà chỉ được hưởng chế độ trợ cấp mất sức lao động hàng tháng. Ngày 03/12/1989, Chủ tịch UBND thị xã P ban hành Quyết định số 1163-QĐ/HTMS cho ông T được về nghỉ hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng là đúng quy định tại thời điểm nghỉ chế độ.

[7]- Do ông T có yêu cầu được chuyển từ chế độ hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng sang chế độ trợ cấp thôi việc một lần nên ngày 15/9/1992, giữa ông T và Phòng Tổ chức- Lao động- TBXH thị xã P đã lập biên bản thống nhất chuyển chế độ trợ cấp theo nguyện vọng của ông T, phù hợp với quy định tại Quyết định 227/HĐBT ngày 29/12/1987 của Hội đồng bộ trưởng (BL: 336). Trên cơ sở này, UBND thị xã P ban hành Quyết định số 890/QĐ- UB ngày 17/9/1992 cho ông T thôi hưởng chế độ trợ cấp mất sức lao động hàng tháng sang hưởng chế độ trợ cấp một lần. Mức lương hưởng trợ cấp thôi việc một lần theo Quyết định số 890/QĐ- UB ngày 17/9/1992 là 359 đồng. Ngày 21/9/1992, Phòng tài chính- kế hoạch đã cấp thông báo hạn mức số 185/TV-HCVX cho Phòng Lao động- TBXH tiểu mục 97 chi khác với số tiền 159.000đ (trợ cấp thôi việc) gồm ông T là 743.300đ, ông N 424.565đ và đã trả trợ cấp cho ông T.

[8]- Như vậy, ông T đã ngưng nhận trợ cấp mất sức lao động hàng tháng từ tháng 9/1992 và đã nhận trợ cấp mất sức lao động một lần đến nay đã hơn 20 năm nhưng ông T không khiếu nại gì. Do đó, yêu cầu khởi kiện và yêu cầu kháng cáo của ông T về yêu cầu bồi thường 8.156.532.000đ tiền lương hưu và yêu cầu hủy Quyết định số 890/QĐ-UB ngày 17/9/1992 của UBND thị xã (nay là thành phố) P là không có căn cứ nên không được chấp nhận.

- Về yêu cầu khởi kiện và yêu cầu kháng cáo về yêu cầu hủy Quyết định số 02/QĐNTNLĐ ngày 15/9/1992 của Giám đốc Sở LT tỉnh N và bồi thường 6.847.473.870đ tiền trợ cấp tai nạn lao động.

[9]- Theo ông T trình bày thì mức lương của ông để tính trợ cấp tai nạn lao động hàng tháng là 359đ, hiện ông T không còn giữ các quyết định lương của ông. Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án: Quyết định số 1163 QĐ/HTMS ngày 03/12/1989 của UBND thị xã P (BL: 03); Quyết định số 890/QĐ-UB ngày 17/9/1992 của UBND thị xã P (BL: 500); Phiếu chứng nhận lương hưu và trợ cấp ngày 01/6/1992 của Sở Lao động TBXH (BL: 08), Phiếu lĩnh trợ cấp tai nạn lao động ngày 19/9/1991 của Liên đoàn lao động tỉnh T (BL: 279) đều ghi lương của ông T là 359đ. Mức lương để tính trợ cấp tai nạn lao động cho ông T theo Quyết định số 02 lại ghi mức lương là 333đ. Đại diện Giám đốc sở trình bày mức lương điều chỉnh lại theo Quyết định số 02 là căn cứ vào giấy xác nhận của ông T công tác tại hội nông dân. Tuy nhiên, nội dung xác nhận của ông T lại không ghi cụ thể quyết định lương nào ghi mức lương của ông T là 333đ vào thời điểm năm 1987. Tại phiên tòa hôm nay, các bên không cung cấp được chứng cứ xác thực nào về mức lương của ông T năm 1987.

[10]- Như vậy, có sự mâu thuẫn giữa các văn bản trên với nội dung xác nhận  của ông  Nguyễn  Đức T là thường  trực Hội nông dân  thị  xã P ngày 16/9/1991 và quyết định số 02 nêu trên. Cấp sơ thẩm chưa thu thập các chứng cứ tại Thành ủy Thành phố P mà chỉ căn cứ vào xác nhận của ông T1 để kết luận mức lương của ông T khi nghỉ hưởng chế độ tai nạn lao động là 333đ là chưa có căn cứ vững chắc, ảnh hưởng quyền lợi của ông T. Tại văn bản số 2449/SLT-Ttra ngày 15/11/2017 của Sở LT gửi Tòa án có nếu: Ông T được bổ nhiệm làm Viện phó Viện kiểm sát nhân dân thị xã P vào tháng 7/1982 (theo trích lục lý lịch trong Quyết định 116 QĐ/HTMS ngày 03/12/1989).Theo thông tư 11-LĐ/TT ngày 18/9/1985 hướng dẫn xếp bậc lương cho công nhân viên chức khu vực Nhà nước thì ông T được xếp theo bảng lương 235D3.2.2.30, bảng lương của Phó phòng, ban kỹ thuật, nghiệp vụ cấp huyện có các bậc: Bậc 1 là 310 đồng, bậc 2 là 333 đồng, bậc 3 là 359 đồng.

Như vậy, cần phải thu thập chứng cứ xác định khi ông T được bổ nhiệm làm Phó viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân thị xã P thì được hưởng lương bậc mấy, khi chuyển sang làm hội phó hội nông dân thì ông hưởng mức lương cấp phó bậc mấy để làm cơ sở giải quyết vụ án.

Thiếu sót trên của cấp sơ thẩm không khắc phục được tại phiên tòa phúc thẩm nên cần hủy một phần án sơ thẩm về nội dung này để chuyển hồ sơ cho cấp sơ thẩm giải quyết lại.

- Về thời hiệu khởi kiện các quyết định giải quyết chế độ cho ông T:

[11]- Việc xem xét yêu cầu khởi kiện của ông T về yêu cầu bồi thường, khôi phục các chế độ thương binh, lương hưu và trợ cấp tai nạn lao động phải xem xét đến tính hợp pháp và tính có căn cứ của các quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền liên quan đến chế độ đối với ông T. Việc xem xét các quyết định này là cơ sở để xem xét yêu cầu khởi kiện của ông T có căn cứ hay không. Hơn nữa, Quyết định số 02/QĐNTNLĐ ngày 15/9/1992 hiện nay vẫn đang được thực hiện để chi trả trợ cấp tai nạn lao động cho ông T nên thời hiệu khởi kiện đối với quyết định này vẫn còn.

[12]- Mặt khác, tại Điều 5 Thông tư liên tịch 01/2014/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP ngày 06 tháng 01 năm 2014 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp có hướng dẫn về việc giải quyết yêu cầu hủy quyết định cá biệt trong vụ án dân sự: “Tòa án không áp dụng thời hiệu quy định trong pháp luật tố tụng hành chính khi xem xét yêu cầu hủy quyết định cá biệt rõ ràng trái pháp luật”. Tại điểm 5 mục IV công văn số 01/2017 của TANDTC cũng hướng dẫn lại nội dung này.

[13]- Áp dụng tương tự hướng dẫn trên, trong trường hợp cụ thể yêu cầu khởi kiện của ông T thì không áp dụng thời hiệu theo quy định của Bộ luật lao động khi xem xét yêu cầu hủy các quyết định giải quyết chế độ cho ông T để đảm bảo giải quyết toàn diện, triệt để vụ án. Hơn nữa, hiện nay quyết định số 02 vẫn đang được thực hiện để chi trả trợ cấp tại nạn lao động hàng tháng cho ông T nên thời hiệu khởi kiện quyết định này vẫn còn.

Cấp sơ thẩm nhận định cho rằng yêu cầu khởi kiện của ông T về việc hủy Quyết định số 02/QĐ-HCĐTNLĐ là hết thời hiệu khởi kiện theo Điều 202 Bộ luật lao động là chưa có căn cứ vững chắc.

Đối với yêu cầu bồi thường về chi phí đi khiếu kiện của ông T là không có cơ sở pháp luật nên không được chấp nhận.

Về án phí lao động phúc thẩm: Ông T được miễn nộp.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào khoản 3 Điều 308, Điều 310 Bộ luật tố tụng dân sự, chấp nhận một phần yêu cầu kháng cáo của ông Ngô Xuân T, hủy một phần Bản án số 01/2017/LĐ-ST ngày 27/2/2017 của Tòa án nhân dân tỉnh N như sau: Áp dụng Điều 32, 34 Bộ luật tố tụng dân sự; khoản 2 Điều 7, khoản 5 Điều 19 Luật trách nhiệm bồi thường Nhà nước năm 2009; Điều 1, 14 Nghị định 236/HĐBT ngày 18/9/1985 của Hội đồng Bộ trưởng,

1- Không chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông Ngô Xuân T về các yêu cầu sau:

- Hủy Quyết định số 227/QĐ- SLĐTBXH ngày 03/02/2016 của Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh N về việc giải quyết khiếu nại của ông Ngô Xuân T.

- Hủy Quyết định số 890/QĐ-UB ngày 17/9/1992 của UBND thị xã (nay là thành phố) P về việc thay đổi trợ cấp mất sức lao động sang chế độ thôi việc một lần đối với ông T.

- Yêu cầu Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh N và Ủy ban nhân thành phố P bồi thường các khoản: 8.156.532.000đ tiền lương hưu; 2.035.741.000đ trợ cấp thương binh và người có công; 594.000.000đ tiền chi phí đi kiện và các chi phí khác = 10.786.273.000đ.

2- Hủy một phần bản án sơ thẩm về giải quyết đối với yêu cầu hủy Quyết định số 02/QĐNTNLĐ ngày 15/9/1992 của Giám đốc Sở Thương binh và Xã hội (nay là Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh N) và yêu cầu Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh N bồi thường 6.847.473.870đ tiền trợ cấp tai nạn lao động. Chuyển hồ sơ vụ án cho tòa cấp sơ thẩm giải quyết lại phần này.

3- Về án phí:

 -Án phí lao động sơ thẩm: Miễn toàn bộ án phí lao động sơ thẩm cho ông Ngô xuân t đối với các yêu cầu khởi kiện không được chấp nhận.

- Án phí lao động phúc thẩm: Ông Ngô Xuân T được miễn nộp án phí lao động phúc thẩm.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

1988
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 01/2018/LĐ-PT ngày 16/01/2018 về khiếu kiện bồi thường trợ cấp thương binh, khôi phục tiền lương hưu, trợ cấp tai nạn lao động và hủy quyết định cá biệt

Số hiệu:01/2018/LĐ-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Lao động
Ngày ban hành:16/01/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về