TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH HÀ TĨNH
BẢN ÁN 01/2018/KDTM-PT NGÀY 09/03/2018 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG TÍN DỤNG, HỢP ĐỒNG THẾ CHẤP
Ngày 09 tháng 3 năm 2018 tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh xét xử phúc thẩm công khai vụ án kinh doanh thương mại thụ lý số 03/2017/TLPT- KDTM, ngày 01 tháng 12 năm 2017 về ''Tranh chấp hợp đồng tín dụng, Hợp đồng thế chấp''. Do bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 03/2017/KDTM-ST, ngày 20/09/2017 của Tòa án nhân dân thành phố H, tỉnh Hà Tĩnh bị kháng cáo, kháng nghị.Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 01/2018/QĐPT-KDTM ngày 10 tháng 01 năm 2018 giữa các đương sự:
1. Nguyên đơn: Ngân hàng T; địa chỉ: Tầng T, tòa nhà V, số B, đường L, quận M, thành phố H.
Người đại diện theo pháp luật của nguyên đơn: Ông Lê Văn Q - Chức vụ Tổng giám đốc;
Người đại diện theo ủy quyền khởi kiện: ông Nguyễn Văn N- Chức vụ: Giám đốc ngân hàng T, chi nhánh thành phố V.
Người đại diện theo ủy quyền tham gia tố tụng: Ông Nguyễn Hoàng D - Chuyên viên cấp 2 Tổ xử lý nợ E khu vực miền Bắc.
2. Bị đơn: Ông Nguyễn Duy T và bà Vương Thị C; địa chỉ: Tổ H, phường T, thành phố H, tỉnh Hà Tĩnh.
3. Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan: Bà Hoàng Thị V; địa chỉ: Khối M, phường L, thành phố V, Nghệ An.
Người đại diện theo ủy quyền của bà Hoàng Thị V: Bà Vương Thị N, địa chỉ: Số nhà K, ngách B, ngõ M, đường T, tổ B phường T, thành phố H.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo đơn khởi kiện và bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân thành phố H vụ án có nội dung như sau:
- Người đại diện hợp pháp cho nguyên đơn trình bày: Ngày 01/10/2011, Ngân hàng T chi nhánh Vinh ký hợp đồng tín dụng số 1602-LAV-2011016XX cho ông Nguyễn Duy T và bà Vương Thị C vay số tiền 600.000.000 đồng; thời hạn vay 12 tháng; mục đích vay để kinh doanh cửa hàng ăn uống; lãi suất 22.5%/năm, lãi suất được điều chỉnh theo từng thời kỳ; lãi suất quá hạn bằng 150% lãi suất trong hạn. Ngân hàng đã giải ngân, ông T và bà C đã nhận nợ theo Khế ước nhận nợ số 1602-LDS-2011017XX ngày 01/10/2011 số tiền nhận nợ 600.000.000 đồng. Hợp đồng tín dụng trên được bảo đảm bằng Quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất thửa số 20, tờ bản đồ số 36 tại Khối M, phường L, thành phố V, tỉnh Nghệ An, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số W6799XX ngày 20/01/2003 do Ủy ban nhân dân thành phố V, tỉnh Nghệ An cấp cho bà Hoàng Thị V theo Hợp đồng thế chấp số 0254/EIBV-TD/BĐTS/XX ngày 16/9/2008.
Quá trình thực hiện hợp đồng tín dụng ông T, bà C đã thanh toán 141.500.000 đồng tiền lãi. Từ ngày 02/10/2012, ông T và bà C vi phạm nghĩa vụ trả nợ gốc và lãi quá hạn theo thỏa thuận trong hợp đồng. Phía ngân hàng đã gửi thông báo thu hồi nợ vay nhưng ông T, bà C không trả nợ. Tính đến ngày 14/9/2017, ông T và bà C còn nợ ngân hàng ngân hàng Tximbank số tiền 1.260.630.000 đồng trong đó nợ gốc là 600.000.000 đồng và lãi quá hạn là 660.630.000 đồng. Vì vậy Nguyên đơn khởi kiện yêu cầu ông Nguyễn Duy T, bà Vương Thị C thanh toán cho Ngân hàng T toàn bộ số nợ gốc và lãi là 1.260.630.000 đồng và toàn bộ lãi phát sinh theo hợp đồng tín dụng đã ký từ ngày 15/9/2017 cho đến khi thanh toán xong nợ. Trong trường hợp ông T, bà C không thực hiện nghĩa vụ trả nợ hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ trả nợ thì ngân hàng TMCP xuất ngập khẩu Việt Nam được quyền yêu cầu cơ quan thi hành án phát mại tài sản thế chấp nêu trên để thu hồi nợ.
- Bị đơn ông Nguyễn Duy T và bà Vương Thị C trình bày: Năm 2008 vợ chồng ông bà có ký hợp đồng tín dụng với Ngân hàng T vay số tiền 280.000.000 đồng, khoản vay được bảo đảm bằng quyền sử dụng đất và tài sản trên đất của bà Hoàng Thị V. Năm 2011vợ chồng bà đã tất toán khoản vay trên và ký kết hợp đồng tín dụng khác với với số tiền vay 600.000.000 đồng như đại diện ngân hàng trình bày. Nay phía ngân hàng yêu cầu vợ chồng bà trả nợ và xử lý tài sản thế chấp của bà Hoàng Thị V thì ông bà đề nghị giải quyết theo quy định của pháp luật.
- Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan bà Hoàng Thị V và người đại diện theo ủy quyền của bà Hoàng Thị V trình bày: Năm 2008 bà có thế chấp tài sản bảo lãnh cho anh T, chị C vay số tiền 280.000.000 đồng và đã được ông T, bà C tất toán, còn khoản vay 600.000.000 đồng bà không đồng ý dùng tài sản của mình để bảo đảm mặc dù bà có ký vào hợp đồng tín dụng năm 2011, nay ngân hàng yêu cầu phát mại tài sản thế chấp bà không đồng ý và yêu cầu Ngân hàng trả lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà.
Với nội dung vụ án trên, ngày 20/9/2017, Tòa án nhân dân thành phố H, tỉnh Hà Tĩnh đã đưa ra xét xử: Căn cứ các điều 471, 474, 476, 342, 343, 351, 355, 721 Bộ luật dân sự năm 2005; Điều 91, 95 Luật tổ chức tín dụng; Điểm c, d khoản 2 điều 24; điểm d, đ, e khoản 1 điều 25 Quy chế cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng ban hành kèm theo Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN ngày 31/12/2001 của thống đốc ngân hàng nhà nước Việt Nam; khoản 2 Điều 92, điểm b, khoản 2 Điều 217, khoản 1 Điều 147 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015; khoản 2 điều 27 Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án; xử:
1. Buộc ông Nguyễn Duy T và bà Vương Thị C phải thanh toán cho Ngân hàng XNK số tiền nợ gốc 600.000.000 đồng, lãi quá hạn 660.630.000 đồng, tổng cộng là 1.260.630.000đ.
Kể từ ngày 15/9/2017 ông Nguyễn Duy T và bà Vương Thị C còn phải tiếp tục chịu khoản tiền lãi quá hạn của số tiền nợ gốc chưa thanh toán theo mức lãi suất mà các bên thỏa thuận trong hợp đồng cho đến khi thanh toán xong khoản nợ gốc này.Trường hợp trong hợp đồng tín dụng, các bên có thỏa thuận về việc điều chỉnh lãi suất cho vay theo từng thời kỳ của Ngân hàng xuất nhập khẩu thì lãi suất mà ông Nguyễn Duy T và bà Vương Thị C phải tiếp tục thanh toán cho ngân hàng xuất nhập khẩu theo quyết định của tòa án cũng sẽ được điều chỉnh cho phù hợp với sự điều chỉnh lãi suất của Ngân hàng xuất nhập khẩu.
2. Trường hợp bản án có hiệu lực pháp luật mà ông Nguyễn Duy T và bà Vương Thị C không trả hoặc trả không đầy đủ các khoản nợ gốc và tiền lãi phát sinh theo hợp đồng tín dụng nêu trên thì Ngân hàng thương mại cổ phần xuất nhập khẩu Việt Nam có quyền phát mãi tài sản bảo đảm là Quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất thửa số 20, tờ bản đồ số 36 tại khối 13, phường L, thành phố V, tỉnh Nghệ An, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số W679991 ngày 20/01/2003 do UBND thành phố V, tỉnh Nghệ An cấp cho bà Hoàng Thị V theo hợp đồng thế chấp số 0254/EIBV-TD/BĐTS/08 ngày 16/9/2008, phụ lục hợp đồng thế chấp số 0254 ngày 21/9/2010 để thu hồi số tiền 280.000.000 đồng. Ông Nguyễn Duy T và bà Vương Thị C tiếp tục có nghĩa vụ thanh toán số tiền nợ còn lại cho đến khi trả xong nợ.
Ngoài ra án sơ thẩm còn tuyên về án phí, quyền kháng cáo, kháng nghị.
Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 27/9/2017, bà Vương Thị N đại diện theo ủy quyền của bà Hoàng Thị V có đơn kháng cáo đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xét xử buộc Ngân hàng T phải trả lại Giấy CNQSD đất cho bà Hoàng Thị V, bà V không đồng ý dùng quyền sử dụng đất của mình để bảo đảm nghĩa vụ trả nợ cho ông Nguyễn Duy T và bà Vương Thị C;
Ngày 02/10/2017, Ngân hàng T có đơn kháng cáo, nội dung yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm theo hướng: Tiếp tục bảo thủ biện pháp thế chấp tài sản là QSD đất và tài sản gắn liền với đất của bà Hoàng Thị V tại địa chỉ khối 13, phường L, thành phố V, Nghệ An để đảm bảo cho toàn bộ khoản vay của ông Nguyễn Duy T và bà Vương Thị C tại E Vinh. Trường hợp ông Nguyễn Duy T và bà Vương Thị C không thanh toán hoặc thanh toán không đủ nợ thì E được quyền yêu cầu cơ quan thi hành án phát mại tài sản đảm bảo này để thu hồi nợ cho E Vinh.
Ngày 16/10/2017, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Tĩnh có Quyết định kháng nghị số 36/QĐKN-VKS-KDTM, kháng nghị bản án sơ thẩm số 03/2017/KDTM- ST ngày 20 tháng 09 năm 2017 của TAND thành phố H về phần quyết định xử lý tài sản đảm bảo, lý do: “khi quyết định về việc xử lý tài sản bảo đảm, Bản án sơ thẩm không tuyên về trách nhiệm bảo lãnh đối với số tiền lãi phát sinh từ khoản tiền vay 280.000.000 đồng, không tính toán cụ thể về tiền lãi phát sinh mà Ngân hàng T (E) có quyền thu hồi cùng với số tiền gốc 280.000.000 đồng khi phát mãi tài sản thế chấp là trái với thỏa thuận của các bên tại Điều 1 của Hợp đồng thế chấp số 0254/EIBV-TD/BĐTS/08 ngày 16/9/2008, làm ảnh hưởng tới quyền lợi hợp pháp của Ngân hàng T, không đảm bảo giải quyết vụ án chính xác, triệt để, toàn diện và gây khó khăn cho việc thi hành án khi bản án có hiệu lực thi hành”.
Tại phiên tòa phúc thẩm nguyên đơn vẫn giữ nguyên nội dung khởi kiện và nội dung kháng cáo, người đại diện theo ủy quyền của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan vẫn giữ nguyên nội dung kháng cáo. Các đương sự không hòa giải được với nhau về việc giải quyết vụ án. Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Tĩnh vẫn giữ nguyên quyết định kháng nghị.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Tĩnh sau khi phát biểu về việc tuân theo pháp luật của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, thư ký phiên tòa và các đương sự, đã phân tích đánh giá các chứng cứ của vụ án, quyết định của bản án sơ thẩm, nội dung đơn kháng cáo của nguyên đơn và người đại diện theo ủy quyền của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan và đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng khoản 2 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, không chấp nhận nội dung kháng cáo của nguyên đơn, người đại diện theo ủy quyền của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Tĩnh sửa một phần bản án sơ thẩm số 03/2017/KDTM-ST ngày 20/9/2017 của Tòa án nhân dân thành phố H, tỉnh Hà Tĩnh.
Căn cứ vào các chứng cứ và tài liệu có trong hồ sơ đã được thẩm tra tại phiên tòa, căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên, người đại diện và các đương sự, Hội đồng xét xử nhận đinh:
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
{1} Về thủ tục tố tụng: Tòa án cấp sơ thẩm xác định đây là vụ kiện tranh chấp Hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp quy định tại điều 30 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 và thụ lý giải quyết là đúng quy định và thẩm quyền giải quyết.
Đơn kháng cáo của nguyên đơn, người đại diện theo ủy quyền của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, quyết định kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Tĩnh làm trong hạn luật định nên được chấp nhận xem xét.
{2} Về nội dung kháng cáo của nguyên đơn, người đại diện theo ủy quyền của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, quyết định kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Tĩnh, Hội đồng xét xử nhận định:
{2.1} Xét kháng cáo của nguyên đơn về việc yêu cầu Hội đồng xét xử sửa bản án sơ thẩm theo hướng tiếp tục bảo thủ biện pháp thế chấp tài sản là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất của bà Hoàng Thị V tại địa chỉ khối M, phường L, thành phố V, tỉnh Nghệ An để đảm bảo cho toàn bộ khoản vay của ông Nguyễn Duy T và bà Vương Thị C tại Ngân hàng T chi nhánh Vinh. Trường hợp ông T và bà C không thanh toán hoặc thanh toán không đủ thì ngân hàng được quyền yêu cầu cơ quan thi hành án phát mại tài sản đảm bảo của bà V để thu hồi nợ, Hội đồng xét xử nhận định: Năm 2008 ông Nguyễn Duy T, bà Vương Thị C ký kết hợp đồng tín dụng với Ngân hàng T chi nhánh Vinh vay với số tiền 280.000.000 đồng được bảo đảm thế chấp bằng quyền sử dụng đất và tài sản trên đất của bà Hoàng Thị V, đến năm 2011 ông T và bà C tất toán khoản vay trên và ký kết hợp đồng tín dụng khác với số tiền vay là 600.000.000 đồng và bà V tiếp tục ký vào hợp đồng tín dụng số 1602-LAV-201101628 ngày 01/10/2011 cho ông T, bà C vay số tiền 600.000.000 đồng là có căn cứ để khẳng bà V tiếp tục dùng tài sản của mình để đảm bảo thế cho ông T, bà C vay tiền tại Ngân hàng T chi nhánh Vinh nhưng tại điều 7 Hợp đồng tín dụng số 1602-LAV- 2011016XX ngày 01/10/2011, quy định: “7.1 Để bảo đảm cho khoản nợ vay, khách hàng và bên bảo đảm cam kết thế chấp cho E là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất của bà Hoàng Thị V do Ủy ban nhân dân thành phố V cấp tại khối M, phường L, thành phố V, tỉnh Nghệ An. 7.2 Việc thế chấp tài sản bảo đảm cho khoản vay này theo hợp đồng thế chấp số 0254 EIBV- TDCN/BDTS/XX”. Ngày 21/9/2010 Ngân hàng T Vinh, ông Nguyễn Duy T, bà Vương Thị C và bà Hoàng Thị V đã ký kết phụ lục hợp đồng thế chấp số 0254 EIBV-TDCN/BDTS/XX, sửa đổi Điều 3 của hợp đồng thế chấp số 0254/EIBV- TD/BDTS/XX ngày 16/9/2008 về giá trị tài sản thế chấp, định giá lại giá trị tài sản đảm bảo thế chấp là 1.034.000.000 đồng để làm cơ sở xác định mức cho vay, còn các điều khoản khác của hợp đồng thế chấp số 0254 EIBV- TD/BDTS/XX vẫn được giữ nguyên không thay đổi. Tại Điều 3 của hợp đồng thế chấpsố 0254 EIBV-TD/BDTS/XX ghi rõ “Tài sản này dùng để đảm bảo cho số tiền vay tối đa tại E Vinh là 280.000.000 đồng”. Do vậy việc Tòa án cấp sơ thẩm tuyên như vậy là có sơ sở, đúng pháp luật.
{2.2} Xét kháng cáo của người đại diện theo ủy quyền của bà Hoàng Thị V về việc đề nghị Hội đồng xét xử buộc Ngân hàng T chi nhánh Vinh trả lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà Hoàng Thị V, bà không đồng ý việc cấp sơ thẩm buộc bà dùng quyền sử dụng đất của mình để bảo đảm nghĩa vụ trả nợ cho ông T, bà C, Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận định: Năm 2008 bà sử dụng quyền sử dụng đất và tài sản trên đất của mình để đảm bảo cho anh T và chị C ký kết hợp đồng vay tín dụng tại Ngân hàng T theo hợp đồng thế chấp số 0254 EIBV-TD/BDTS/XX và phụ lục hợp đồng thế chấp số 0254 EIBV- TDC/BDTS/XX ngày 21/9/2010 được ký kết phù hợp với các quy định của pháp luật. Xét thấy tài sản thế chấp thuộc quyền sở hữu, sử dụng hợp pháp của người thế chấp, hợp đồng được công chứng, có đăng ký giao dịch bảo đảm tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật nên hợp đồng thế chấp này là hợp pháp. Tuy nhiên sau khi hợp đồng thế chấp năm 2008 được tất toán, bà Hoàng Thị V không tiến hành giải chấp, không làm thủ tục xóa đăng ký bảo đảm nên theo quy định tại điều 6 Nghị định số 83/2010/NĐ-CP thì giao dịch này vẫn chưa hết hiệu lực. Mặt khác ngày 01/10/2011, bà V lại là người trực tiếp, tự nguyện ký vào hợp đồng tín dụng và phụ lục hợp đồng tín dụng số 1602-LAV- 2011016XX ngày 01/10/2011 thể hiện bà V đồng ý tự nguyện tiếp tục dùng tài sản của mình để bảo đảm thế chấp cho ông T, bà C ký kết hợp đồng tín dụng với Ngân hàng T. Do vậy việc Tòa án cấp sơ thẩm buộc như vậy là có căn cứ.
{2.3} Về kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Tĩnh, Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận định: Tại Điều 1, Hợp đồng thế chấp số 0254/EIBV- TD/BĐTS/XX ngày 16/9/2008 được ký kết giữa Chi nhánh Ngân hàng T tại thành phố V, tỉnh Nghệ An với bên thế chấp là bà Hoàng Thị V, bên vay tài sản là ông Nguyễn Duy T, bà Vương Thị C, đã quy định: “đối tượng bảo đảm là các nghĩa vụ trả nợ vay, bảo lãnh và các khoản lãi, phí (nếu có) của bên C (bên vay) tại bên A (bên nhận thế chấp)”. Tại mục 5.2 Điều 5 “Bên B có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ trả nợ lãi, tiền phạt (nếu có) thay cho Bên C khi đến hạn trả nợ mà Bên C không trả toàn bộ hoặc trả không đủ nợ cho Bên A.
- Tại Điều 7 Hợp đồng tín dụng số 1602-LAV-2011016XX ngày01/10/2011 được ký kết giữa Ngân hàng T chi nhánh Vinh, tỉnh Nghệ An với bên vay tài sản là ông Nguyễn Duy T, bà Vương Thị C, bà Hoàng Thị V đã ký vào Hợp đồng, quy định: “7.2 Việc thế chấp, cầm cố (các) tài sản bảo đảm cho bên vay này theo Hợp đồng thế chấp và (hoặc) Hợp đồng cầm cố (gọi C là Hợp đồng bảo đảm) số 0254/EIBV-TD/BĐTS/XX chứng thực tại UBND phường L, thành phố V ngày 16/9/2011 (đã có giải trình về việc ghi sai ngày của Hợp đồng này, chính xác là ngày 16/9/2008, nội dung này Tòa án đã xác minh), phụ lục hợp đồng thế chấp số 0254 ngày 21/9/2010 tại phòng Công chứng Vinh và đăng ký giao dịch bảo đảm số 16 ngày 18/09/2008 tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất UBND thành phố V”.
Căn cứ các điều khoản nêu trên thì việc bà V dùng tài sản đảm bảo cho khoản vay của ông Nguyễn Duy T, bà Vương Thị C tại E với khoản vay tối đa 280.000.000đ thì cũng phải bảo đảm cho các khoản lãi phát sinh từ khoản vay này. Do đó, bản án sơ thẩm chỉ tuyên: “Trường hợp bản án có hiệu lực pháp luật mà ông Nguyễn Duy T và bà Vương Thị C không trả hoặc trả không đầy đủ các khoản nợ gốc và tiền lãi phát sinh theo hợp đồng tín dụng nêu trên thì Ngân hàng T có quyền phát mại tài sản bảo đảm là Quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất thửa số 20, tờ bản đồ số 36 tại khối M, phường L, thành phố V, tỉnh Nghệ An. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số W6799XX ngày 20/01/2003 do UBND thành phố V, tỉnh Nghệ An cấp cho bà Hoàng Thị V theo hợp đồng thế chấp số 0254/EIBV-TD/BĐTS/XX ngày 16/9/2008, phụ lục hợp đồng thế chấp số 0254 ngày 21/9/2010 để thu hồi số tiền 280.000.000 đồng” mà không tuyên nghĩa vụ thanh toán số tiền lãi phát sinh từ khoản tiền 280.000.000 đồng nợ gốc phải thu hồi khi xử lý tài sản thế chấp là đã tuyên không đầy đủ, gây khó khăn cho việc thi hành án và ảnh hưởng tới quyền lợi của người được thi hành án khi bản án có hiệu lực.
Xét thấy Ngân hàng T chưa làm hết trách nhiệm của mình, sau khi cho vay phía Ngân hàng không kiểm tra mục đích sử dụng vốn vay cũng như quá trình sử dụng vốn vay để cho người vay sử dụng vốn vay một cách tùy tiện, không đúng mục đích. Mặt khác sau khi xác định bên vay không chịu thanh toán khoản nợ như đã ký Hợp đồng tín dụng nhưng phía ngân hàng cũng không kịp thời tìm cách cứu vãn để thu hồi nợ sớm dẫn đến lãi phát sinh lớn vượt quá số tiền gốc đã vay, gây nhiều khó khăn cho người sử dụng vốn vay cũng như bên có tài sản thế chấp. Đối với bà Vương Thị V đã tự nguyện dùng tài sản của mình để bảo đảm thế chấp cho anh T, chị C ký hợp đồng tín dụng tại Ngân hàng T chi nhánh Vinh nên bà V phải chịu trách nhiệm về số tiền 280 triệu đồng nợ gốc và lãi phát sinh là có cơ sở như kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Tĩnh, tuy nhiên do hoàn cảnh của bà tuổi đã cao không còn khả năng lao động, chồng mất, con cái khó khăn không có nơi nương tựa và phía ngân hàng cũng có lỗi như đã nêu trên nên buộc bà phải chịu một phần lãi suất trên số tiền 280.000.000 đồng mà bà đã dùng tài sản của mình để bảo đảm cho khoản vay của anh T và chị C. Do đó, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Tĩnh Kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm đối với Bản án số 03/2017/KDTM-ST ngày 20 tháng 09 năm 2017 của Tòa án nhân dân thành thành phố H, để đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh xét xử phúc thẩm, sửa bản án sơ thẩm về phần xử lý tài sản bảo đảm là có căn cứ, vì vậy Hội đồng xét xử phúc thẩm cần chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Tĩnh, sửa một phần bản án hình sự sơ thẩm số 03/2017/KDTM-ST ngày 20/9/2017 của Tòa án nhân dân thành phố H.
Từ những phân tích và nhận định trên, có đủ cơ sở không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn, người đại diện theo ủy quyền của bị đơn và chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Tĩnh.
{3} Về án phí: Nguyên đơn, người đại diện theo ủy quyền của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan kháng cáo không được chấp nhận nên phải chịu án phí dân sự phúc thẩm theo quy định.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ vào khoản 2 điều 308 BLTTDS năm 2015.
1. Không chấp nhận nội dung kháng cáo của nguyên đơn Ngân hàng T chi nhánh Vinh và kháng cáo của người đại diện theo ủy quyền của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan; chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Tĩnh sửa một phần bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 03/2017/KDTM-ST, ngày 20/9/2017 của Tòa án nhân dân thành phố H, tỉnh Hà Tĩnh
2. Căn cứ các điều 471, 474, 476, 342, 343, 351, 355, 721 Bộ luật dân sự năm 2005; Điều 91, 95 Luật tổ chức tín dụng; Điểm c, d khoản 2 điều 24; điểm d, đ, e khoản 1 điều 25 Quy chế cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng ban hành kèm theo Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN ngày 31/12/2001 của thống đốc ngân hàng nhà nước Việt Nam; khoản 2 Điều 92, điểm b, khoản 2 Điều 217, khoản 1 Điều 147 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015; khoản 2 điều 27 Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án; xử:
Buộc ông Nguyễn Duy T và bà Vương Thị C phải thanh toán cho Ngân hàng XNK số tiền nợ gốc 600.000.000đ, lãi quá hạn 660.630.000đ, tổng cộng là1.260.630.000đ.
Kể từ ngày 15/9/2017 ông Nguyễn Duy T và bà Vương Thị C còn phải tiếp tục chịu khoản tiền lãi quá hạn của số tiền nợ gốc chưa thanh toán theo mức lãi suất mà các bên thỏa thuận trong hợp đồng cho đến khi thanh toán xong khoản nợ gốc này. Trường hợp trong hợp đồng tín dụng, các bên có thỏa thuận về việc điều chỉnh lãi suất cho vay theo từng thời kỳ của Ngân hàng XNK thì lãi suất mà ông Nguyễn Duy T và bà Vương Thị C phải tiếp tục thanh toán cho ngân hàng XNK theo quyết định của tòa án cũng sẽ được điều chỉnh cho phù hợp với sự điều chỉnh lãi suất của Ngân hàng XNK.
Trường hợp bản án có hiệu lực pháp luật mà ông Nguyễn Duy T và bà Vương Thị C không trả hoặc trả không đầy đủ các khoản nợ gốc và tiền lãi phát sinh theo hợp đồng tín dụng nêu trên thì Ngân hàng XNK có quyền phát mãi tài sản bảo đảm là Quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất thửa số 20, tờ bản đồ số 36 tại khối M, phường L, thành phố V, tỉnh Nghệ An, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số W6799XX ngày 20/01/2003 do UBND thành phố V, tỉnh Nghệ An cấp cho bà Hoàng Thị V theo hợp đồng thế chấp số 0254/EIBV- TD/BĐTS/XX ngày 16/9/2008, phụ lục hợp đồng thế chấp số 0254 ngày 21/9/2010 để thu hồi số tiền 280.000.000đ và 60.000.000 đồng tiền lãi tính đến ngày 09/3/2018 và lãi phát sinh chậm trả sau ngày 09/3/2018. Ông Nguyễn Duy T và bà Vương Thị C tiếp tục có nghĩa vụ thanh toán số tiền nợ còn lại cho đến khi trả xong nợ.
3. Về án phí, lệ phí:
- Án phí sơ thẩm: Buộc ông Nguyễn Duy T và bà Vương Thị C phải chịu 49.818.000 đồng. Trả lại cho Ngân hàng T số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 22.300.000 đồng theo biên lai số AA/2016/0000509 ngày 23 tháng 11 năm 2016 của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố H, tỉnh Hà Tinh.
- Án phí phúc thẩm: Áp dụng khoản 2 điều 148 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015; khoản 1 Điều 29 Nghị quyết 326/2016/UBNTQH buộc Ngân hàng T phải nộp 2.000.000 đồng tiền án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm được trừ vào tiền tạm ứng án phí đã nộp tại Chi cục Thi hành án dân sự Thành phố H theo Biên lai số AA/2016/0000822 ngày 06/10/2017 và buộc bà Vương Thị N phải nộp 2.000.000 đồng án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm được trừ vào tiền tạm ứng án phí đã nộp tại Chi cục Thi hành án dân sự Thành phố H theo Biên la isố AA/2016/0000824 ngày 09/10/2017
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án 01/2018/KDTM-PT ngày 09/03/2018 về tranh chấp hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp
Số hiệu: | 01/2018/KDTM-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Hà Tĩnh |
Lĩnh vực: | Kinh tế |
Ngày ban hành: | 09/03/2018 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về