Bản án 01/2018/HNGĐ-ST ngày 05/01/2018 về tranh chấp thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

TOÀ ÁN NHÂN DÂN HUYỆN LĂK, TỈNH ĐẮK LẮK

BẢN ÁN 01/2018/HNGĐ-ST NGÀY 05/01/2018 VỀ TRANH CHẤP THAY ĐỔI NGƯỜI TRỰC TIẾP NUÔI CON SAU LY HÔN  

Ngày 05 tháng 01 năm 2018 tại Hội trường A trụ sở Toà án nhân dân huyện Lăk, tỉnh Đắk Lắk xét xử sơ thẩm công khai vụ án hôn nhân và gia đình thụ lý số: 66/2017/TLST-HNGĐ ngày 06 tháng 7 năm 2017 về tranh chấp “Thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn” theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 14/2017/QĐXXST-HNGĐ ngày 16 tháng 11 năm 2017, theo quyết định hoãn phiên tòa số: 10/2017/QĐST-HNGĐ ngày 15 tháng 12 năm 2017 giữa các đương sự:

1.Nguyên đơn: Chị Phạm Thị T; sinh năm: 1993; nghề nghiệp: Quản lý Khách sạn; địa chỉ: Thôn X, xã Đ, huyện L, tỉnh Đắk Lắk.

Địa chỉ tạm trú tại: Khách sạn Ly Ly; Số 103 D - Bờ Bao T, quận T, thành phố Hồ Chí Minh.

Chỗ ở hiện nay: Khách sạn Ly Ly - Chi nhánh tại xã D, huyện D, thành phố Đà Nẵng. Có mặt

2. Bị đơn: Anh Vũ A, sinh năm 1987; địa chỉ: Buôn D, xã Đ, huyện L, tỉnhĐắk Lắk. Có mặt

 3. Người làm chứng:

3.1. Anh Đỗ Thế A, sinh năm: 1985; địa chỉ: Thôn L, xã Đ, huyện L, tỉnh Đắk Lắk. Vắng mặt. 3.2. Anh Đỗ Đức T, sinh năm: 1985. Vắng mặt. 3.3. Anh Đỗ Đức C, sinh năm: 1992. Vắng mặt; cùng địa chỉ: Buôn T, xã Đ, huyện L, tỉnh Đắk Lắk. 3.4. Anh Phạm Đình D, sinh năm: 1986. Vắng mặt. 3.5. Anh Nguyễn Văn L, sinh năm: 1986. Vắng mặt. 3.6. Bà Hoàng Thị C, sinh năm: 1966. Vắng mặt. 3.7. Ông Phạm Bá Đ, sinh năm: 1959. Vắng mặt. 3.8. Bà Đặng Thị L, sinh năm: 1963. Có mặt. 3.9. Bà Đinh Thị T, sinh năm: 1958. Vắng mặt; cùng địa chỉ: Thôn X, xã Đ, huyện L, tỉnh Đắk Lắk. 3.10. Chị Lê Thị N, sinh năm: 1976. Vắng mặt. 3.11. Ông Nơ Du L, sinh năm: 1944. Vắng mặt. 3.12. Anh Y K Tơr, sinh năm: 1979. Vắng mặt; cùng địa chỉ: Buôn D, xã Đ, huyện L, tỉnh Đắk Lắk.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Qua đơn khởi kiện ngày 06/7/2017, bản tự khai, biên bản mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải chị Phạm Thị T trình bày: Vào năm 2017 giữa chị Phạm Thị T và anh Vũ A đã thuận tình ly hôn; căn cứ Quyết định công nhận thuận tình ly hôn số: 05/2017/QĐST-HNGĐ ngày 24/01/2017 của Tòa án nhân dân huyện L, tỉnh Đắk Lắk quyết định. Về con chung giao hai cháu Vũ Phạm Tường V, sinh ngày 30 tháng 7 năm 2011 và Vũ Phạm Đình N, sinh ngày 09 tháng 5 năm 2014 cho anh Vũ A trực tiếp trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục cho đến tuổi trưởng thành. Chị Phạm Thị T có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi một cháu Vũ Phạm Tường V theo hàng tháng với mức là 1.500.000 đồng (một triệu năm trăm nghìn đồng)/tháng cho đến khi cháu Tường V đủ 18 tuổi, bắt đầu thực hiện việc cấp dưỡng từ tháng 2/2017. Sau khi ly hôn với anh Vũ A thì chị T đã thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi cháu V được bốn tháng từ ngày 30/02/2017 - 30/5/2017, từ tháng 6/2017 cho đến nay chị T chưa thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi cháu Vũ Phạm Tường V. Tuy nhiên, theo chị T cho rằng trong thời gian anh Vũ A nuôi con là không đảm bảo, thường xuyên rượu chè say xỉn, không quan tâm chăm sóc con cái ăn uống đầy đủ, tiền cấp dưỡng nuôi cháu Tường V chị T gửi về cho anh Vũ A thì anh A cũng cắt bớt đi không mua sữa cho con cái uống. Mặt khác, chị T đi làm ăn xa ở tại Sài Gòn, mỗi lần chị T về nhà muốn vào thăm nom con cái nhưng anh Vũ A vẫn không cho thăm; không những không cho thăm nom gặp con cái mà anh A và cả mẹ chồng là bà Phạm Thị N cũng bực tức, chửi bới, xúc phạm, đánh đập cả xe chị T không cho thăm gặp con cái. Vì vậy, để đảm bảo quyền lợi chính đáng về quyền nuôi con nên chị T đã làm đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết “Thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn” và buộc anh Vũ A phải giao cháu Vũ Phạm Tường V, sinh ngày 30/7/2011 cho chị T được trực tiếp trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục cho đến tuổi trưởng thành. Ngoài ra chị Phạm Thị T không có yêu cầu gì khác.

Bị đơn anh Vũ A trình bày: Anh vẫn thống nhất với ý kiến của chị Phạm Thị T đã trình bày trên đây về quan hệ hôn nhân và gia đình. Về con chung giao hai cháu Vũ Phạm Tường V, sinh ngày 30 tháng 7 năm 2011 và Vũ Phạm Đình N, sinh ngày 09 tháng 5 năm 2014 cho anh A trực tiếp trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục cho đến tuổi trưởng thành. Chị T có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi một cháu Vũ Phạm Tường V theo hàng tháng với mức là 1.500.000 đồng (một triệu năm trăm nghìn đồng)/tháng, anh A vẫn công nhận chị T đã thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi cháu V được 04 tháng, từ tháng 02 đến tháng 5/2017. Sau khi ly hôn với chị T, từ khi giao 02 đứa con cho anh A trực tiếp trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc thì anh A mặc dù bận công việc đi làm nghề thợ xây, làm rẫy cà phê, phụ thêm nuôi gà và vịt để bán lấy tiền chi tiêu sinh hoạt trong gia đình hoặc đóng tiền ăn học cho các cháu; nhìn chung thu nhập cũng khá ổn định. Hiện nay cháu Vũ Phạm Tường V đang học lớp 1 trường tiểu học Nguyễn Chí Thanh thuộc thôn L, xã Đ và cháu Vũ Phạm Đình N đang học lớp Mầm tại trường mần non Hoa Hồng của xã Đ, trước đây hàng ngày anh A đi làm thì hay gửi cháu N vào nhà trẻ tư nhân của bà Hoàng Thị C tại thôn X, xã Đ để trông giữ cả ngày, gửi ngày 20.000 đồng/cháu (cơm ăn bữa trưa và bữa chiều), hết ngày thì anh A đi đón cháu N về nhà. Từ khi anh A trực tiếp trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, thì trong quá trình sinh hoạt gia đình, anh A và bà nội là bà Phạm Thị N vẫn thường xuyên quan tâm, dành tình cảm thương yêu các cháu, trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, chăm lo cho các cháu Tường V cũng như cháu Đình N ăn uống, học hành đầy đủ; căn cứ (02 giấy khám sức khỏe của hai cháu Vũ Phạm Tường V và cháu Vũ Phạm Đình N kèm theo), các cháu đều có sức khỏe tốt, nuôi dưỡng các cháu khôn lớn, ít khi ốm đau bệnh tật. Mặt khác, trong quá trình nuôi dưỡng hai cháu không có xảy ra trường hợp anh A bỏ bê con cái, bỏ đói hoặc có hành vi dùng bạo lực, hành hạ, ngược đãi, nhục hình và đánh đập đối với con cái. Thời gian vừa qua anh A vẫn thừa nhận là chị T từ Sài Gòn về nhà có một lần đi thăm nom các cháu và có xin phép anh A muốn dẫn các cháu đi chơi, nhưng anh A nói với chị T là cháu Tường V đang bị ốm (đau Quai bị) nên không thể chở cháu đi chơi được, đi ra ngoài sợ bị gió lạnh; do đó chị T bực tức cho rằng anh A không cho thăm nom con cái, số tiền cấp dưỡng nuôi con gửi về không mua sữa cho con uống, nuôi dưỡng chăm sóc con cái không đảm bảo và cho các con ăn uống không đầy đủ, chị T đã viện ra những lý do đó nên làm đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết “Thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn” thì anh Vũ A không chấp nhận giao cháu Vũ Phạm Tường V cho chị T trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc; hơn nữa chị T đang đi làm ăn xa, thay đổi liên tục chỗ ở nơi sinh sống và nơi làm việc, có lúc ở trong thành phố Hồ Chí Minh và có lúc thì ở thành phố Đà Nẵng, vậy tại sao chị T có thời gian trực tiếp trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục cho cháu Tường V ăn học đầy đủ được. Mặt khác, không thể tách rời ra được tình cảm của hai chị em cháu đã sống quen gắn bó, mật thiết với nhau được hơn môt năm nay. Nếu chị T cho rằng, thực tế anh A không quan tâm đến con cái, trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc con cái không được đảm bảo hoặc cho các cháu ăn uống, học hành không đầy đủ, ảnh hưởng đến cuộc sống của các cháu sau này, thì anh A yêu cầu chị T cung cấp đầy đủ căn cứ, bằng chứng cụ thể để chứng minh cho Tòa án xem xét giải quyết việc yêu cầu xin “Thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn” của chị T đã phù hợp với quy định của pháp luật hay chưa?. Ngoài ra anh Vũ A không có ý kiến gì khác.

Những người làm chứng trình bày:

Chị H T R’Yam là Buôn Trưởng Buôn D, xã Đ, huyện L: Sau khi anh Vũ A đã ly hôn với chị Phạm Thị T vào năm 2017 và giao hai cháu Vũ Phạm Tường V, sinh ngày 30 tháng 7 năm 2011 và Vũ Phạm Đình N, sinh ngày 09 tháng 5 năm 2014 cho anh Vũ A trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục cho đến tuổi trưởng thành. Mặc dù anh Vũ A thường xuyên bận đi làm nghề thợ xây hoặc đi làm rẫy cà phê gì đó, nhưng anh Vũ A vẫn quan tâm thương yêu, quý mến, chăm lo chu đáo trong việc ăn ở, học hành của cháu Vũ Phạm Tường V, không có xảy ra hiện tượng bạo lực, hành hạ, ngược đãi, nhục hình hoặc đánh đập đối với cháu V cũng như cháu Vũ Phạm Đình N trong gia đình, chưa có điều tiếng gì đến bà con lối xóm láng giềng. Mặt khác, về thu nhập thì ban tự quản Buôn thấy anh Vũ A cần cù, siêng năng, đi làm nghề thợ xây và làm thêm rẫy cà phê, chăn nuôi gà, vịt; vì vậy thu nhập cũng tương đối khá ổn định, đảm bảo, đầy đủ điều kiện để nuôi dưỡng, chăm sóc cho các cháu Vũ Phạm Tường V và cháu Vũ Phạm Đình N nên người.

Bà Hoàng Thị C ở thôn X, xã Đ, huyện L: Bà C là bác dâu của chị Phạm Thị T, còn anh Vũ A trước đây là cháu rể nhưng hiện nay các cháu đã ly hôn. Thời gian trước đây khi chưa ly hôn thì vợ chồng cháu A và T đã thường xuyên gửi một cháu Vũ Phạm Đình N cho bà C trông giữ trẻ, nhưng đến khi vợ chồng A và T ly hôn thì có lúc Vũ A gửi cả hai cháu Vũ Phạm Tường V và cháu Vũ Phạm Đình N cho bà C trông giữ cả ngày, sáng từ 07 giờ đưa cháu đến và chiều 17 giờ đón các cháu về nhà; bà C cho biết Vũ A vẫn thương yêu con cái, quan tâm chăm sóc cho các cháu, nuôi dưỡng các cháu có sức khỏe tốt, phát triển bình thường, ít khi các cháu bị ốm đau vặt và đảm bảo đủ điều kiện nuôi dưỡng các cháu ăn học đầy đủ. Mặt khác, thời gian qua bà C vẫn thừa nhận, sau ly hôn thì cháu T từ Sài Gòn về nhà cũng có đến thăm các con, chỉ có một lần mẹ của Vũ A bực tức ngăn cản không cho T thăm con; sau đó có lần Vũ A cũng không cho thăm con, vì ông bà ngoại và T không điện thoại cho Vũ A biết trước mà trực tiếp đến nhà trẻ đón các cháu về chơi, nên Vũ A dặn dò bà C là khi nào có ý kiến đồng ý của Vũ A thì mới cho đi chơi cùng mẹ và ông bà ngoại. Ngoài lời khai trên bà Hoàng Thị C không biết gì thêm.

Anh Phạm Đình D; anh Nguyễn Văn L, bà Đinh Thị T đều cùng trú tại thôn X; anh Đỗ Thế A trú tại thôn L; anh Đỗ Đức T và anh Đỗ Đức C cùng trú tại Buôn T, chị Lê Thị N, anh Y K Tơr; ông Nơ Du L đều cùng trú tại Buôn D, xã Đ, huyện L: Sau khi anh Vũ A ly hôn với chị Phạm Thị T, các anh chị gần nhà anh Vũ A đều thừa nhận là bạn bè thân thiết, vừa là người cùng đi làm nghề thợ xây với anh Vũ A và vừa là người trú cùng Buôn, thường xuyên đến nhà anh Vũ A chơi, ít thấy người đàn ông như anh Vũ A là rất cần cù, siêng năng; mặc dù anh Vũ A thường xuyên bận công việc đi làm nhưng vẫn quan tâm trông nom, chăm sóc chu đáo, thương yêu, quý mến, chăm lo cuộc sống cho các cháu Vũ Phạm Tường V và cháu Vũ Phạm Đình N ăn uống, học hành đầy đủ và ít khi ốm đau bệnh tật; ngoài ra không có xảy ra hiện tượng anh Vũ A có hành vi bạo lực, hành hạ, ngược đãi hoặc đánh đập đối với các cháu cả; vì vậy anh Vũ A vẫn đảm bảo đủ điều kiện để nuôi dưỡng các cháu ăn học nên người.

Sau khi thụ lý vụ kiện, mặc dù Tòa án đã mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải nhiều lần nhưng các đương sự vẫn không thống nhất được với nhau về việc giải quyết vụ án tranh chấp “Thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn”.

Ngày 15 tháng 12 năm 2017, Tòa án nhân dân huyện L tiến hành mở phiên tòa xét xử vụ án, nhưng xét thấy nguyên đơn chị Phạm Thị T vắng mặt tại phiên tòa nên Hội đồng xét xử phải hoãn phiên tòa.

Tại phiên tòa hôm nay, các đương sự vẫn giữ nguyên quan điểm, yêu cầu của mình cũng như đã khai trong bản tự khai, trong biên bản phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải. Các đương sự không có xuất trình chứng cứ mới hoặc phát sinh những tình tiết mới của vụ án tại phiên tòa.

Tại phiên tòa, Kiểm sát viên đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện L phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật như sau:

- Về quan hệ pháp luật và thẩm quyền giải quyết: Chị Phạm Thị T khởi kiện bị đơn anh Vũ A có hộ khẩu thường trú tại huyện L. Đây là quan hệ tranh chấp “Thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn” nên thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân huyện L, tỉnh Đắk Lắk. Do đó, Tòa án căn cứ vào khoản 3 Điều 28, điểm a Khoản 1 Điều 35; điểm a Khoản 1 Điều 39 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 để thụ lý và giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật. Trong quá trình giải quyết vụ án cũng như tại phiên tòa: Thẩm phán, Hội đồng xét xử, thư ký phiên tòa đã chấp hành đầy đủ, đúng thành phần và đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015. Về người tham gia tố tụng: Đã xác định đúng tư cách của người tham gia tố tụng; các bên đương sự trong vụ án tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án cũng như tại phiên tòa được thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của mình, được đảm bảo đúng quy định của pháp luật tố tụng dân sự năm 2015. Về việc xác minh, thu thập chứng cứ, lấy lời khai của các đương sự, đã thực hiện đầy đủ việc mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải; việc cấp, tống đạt các giấy tờ văn bản tố tụng cho những người tham gia tố tụng, cho Viện kiểm sát đảm bảo đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 và chuyển hồ sơ vụ án cho Viện kiếm sát nghiên cứu được đảm bảo đúng thời hạn quy định. Về điều luật áp dụng: Đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ vào Điều 58, 81, 82, 83, 84 của Luật hôn nhân và gia đình năm 2014Khoản 3 Điều 28; điểm a Khoản 1 Điều 35; điểm a Khoản 1 Điều 39; Điều 144, 147, 262 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015; điểm a Khoản 1 Điều 24; Khoản 3Điều 26 Nghị quyết 326/2016/NQ-UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội khóa 14, quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án. Đề nghị Hội đồng xét xử giải quyết vụ án theo hướng:

1. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của chị Phạm Thị T về việc “Thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn” đối với anh Vũ A.

 2. Anh Vũ A vẫn trực tiếp trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục cháu Vũ Phạm Tường V, sinh ngày 30 tháng 7 năm 2011. Anh Vũ A không được quyềncản trở chị Phạm Thị T thăm nom, chăm sóc con chung.

3. Về án phí: Do không chấp nhận đơn yêu cầu khởi kiện của chị Phạm Thị T nên chị T phải chịu án phí. Anh Vũ A không phải chịu án phí.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã được xem xét tại phiên toà, kết quả tranh tụng tại phiên tòa, các quy định của pháp luật; Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về tố tụng và thẩm quyền giải quyết: Nguyên đơn chị Phạm Thị T khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết buộc anh Vũ A phải giao cháu Vũ Phạm Tường V, sinh ngày 30 tháng 7 năm 2011 cho chị Phạm Thị T trực tiếp trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục. Đây là quan hệ tranh chấp “Thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn”. Do bị đơn anh Vũ A có hộ khẩu thường trú tại huyện L nên thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân huyện L, tỉnh Đắk Lắk. Vì vậy, Tòa án căn cứ vào Khoản 3 Điều 28; điểm a Khoản 1 Điều 35; điểm a Khoản1 Điều 39 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 để thụ lý và giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật..

[2] Về quan hệ pháp luật tranh chấp: Vào năm 2017 giữa nguyên đơn chị Phạm Thị T và bị đơn anh Vũ A đã thuận tình ly hôn, về con chung giao hai cháu Vũ Phạm Tường V, sinh ngày 30 tháng 7 năm 2011 và Vũ Phạm Đình N, sinh ngày 09 tháng 5 năm 2014 cho anh Vũ A trực tiếp trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục cho đến tuổi trưởng thành. Chị Phạm Thị T có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi một cháu Vũ Phạm Tường V, sinh ngày 30 tháng 7 năm 2011 theo hàng tháng với mức là 1.500.000 đồng (một triệu năm trăm nghìn đồng)/tháng, bắt đầu thực hiện việc cấp dưỡng nuôi con từ tháng 2/2017 cho đến khi cháu V đủ 18 tuổi, nhưng chị T đã thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho cháu V được bốn tháng. Nay chị Phạm Thị T đã làm đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết muốn “Thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn” đối với anh Vũ A, quy định tại Điều 84 của Luật hôn nhân và gia đình năm 2014.

[3] Vậy, căn cứ để “Thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn” được quy định điểm a, b khoản 2 và khoản 3 Điều 84 của Luật hôn nhân gia đình năm 2014 quy định: “2. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ sau đây: a) Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con. b) Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con. Đối với các trường hợp trên thì Tòa án mới quyết định việc “Thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn”.

[4] Vì thế, xét yêu cầu khởi kiện của chị Phạm Thị T về việc yêu cầu Tòa án giải quyết muốn “Thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn”; buộc anh Vũ A phải giao cháu Vũ Phạm Tường V, sinh ngày 30 tháng 7 năm 2011 cho chị Phạm Thị T trực tiếp trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục là hoàn toàn chưa có căn cứ pháp luật để chấp nhận. Bởi vì, thực tế cháu Vũ Phạm Tường V đang sinh sống cùng với anh Vũ A và đang đi học lớp 1 tại Trường tiểu học Nguyễn Chí Thanh của xã Đ, huyện L ổn định; thời gian qua anh Vũ A nuôi dưỡng cháu V vẫn có sức khỏe tốt, ít khi ốm đau bệnh tật, bản thân cháu V đang phát triển bình thường, anh Vũ A và cả bà nội là bà Phạm Thị N đều luôn quan tâm, thương yêu, quý mến cháu V cũng như cháu Vũ Phạm Đình N; thường xuyên chăm sóc và chăm lo cho các cháu ăn uống, học hành đầy đủ, căn cứ (02 giấy khám sức khỏe của hai cháu Vũ Phạm Tường V và cháu Vũ Phạm Đình N kèm theo). Trong quá trình anh Vũ A nuôi dưỡng cháu Tường V cũng như nuôi dưỡng cháu Đình N, thì không có xảy ra hiện tượng anh Vũ A có hành vi bạo lực, hành hạ, ngược đãi, đánh đập đối với các con, chưa làm tổn thương, ảnh hưởng về mặt tâm lý hoặc hạn chế về khả năng sự phát triển bình thường đối với cháu V, không có ý kiến của dư luận phản ánh từ phía người dân, bà con hàng xóm láng giềng, ở trong thôn, buôn, xã, huyện và đến mức xã hội phải lên tiếng về việc anh A nuôi dưỡng cháu V. Mặt khác, nếu trường hợp giao cháu Vũ Phạm Tường V cho chị Phạm Thị T trực tiếp trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục thì sẽ không đảm bảo, vì hiện nay chị T đang đi làm ăn xa, thay đổi liên tục chỗ ở nơi sinh sống và nơi làm việc, có lúc thì ở (Khách sạn Ly Ly tại thành phố Hồ Chí Minh) và có lúc thì ở (Khách sạn Ly Ly - Chi nhánh tại thành phố Đà Nẵng). Do đó, thời gian để dành chăm sóc nuôi dưỡng cho cháu V hàng ngày, hàng tháng của chị T sẽ bị hạn chế nhất định và không đảm bảo quyền lợi của cháu V được. Việc chị Phạm Thị T muốn yêu cầu “Thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn” là do một lần bực tức anh Vũ A không cho thăm nom con cái; ngoài ra chị T để nhằm mục đích muốn thôi nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi cháu Vũ Phạm Tường V theo hàng tháng với mức 1.500.000 đồng/tháng. Do đó, Tòa án không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của chị Phạm Thị T về việc “Thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn” đối với anh Vũ A là phù hợp. Anh Vũ A vẫn tiếp tục trực tiếp trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục cháu Vũ Phạm Tường V, sinh ngày 30 tháng 7 năm 2011 là hợp lý.

Các bên được quyền đi lại thăm nom con chung, không ai được cản trở. Vì lợi ích của con, theo yêu cầu của một trong hai bên Tòa án có thể quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con.

[5] Xét lời khai của những người làm chứng cung cấp thông tin về thực tế đã thừa nhận việc anh Vũ A trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục cháu Vũ Phạm Tường V, sinh ngày 30 tháng 7 năm 2011 đều có sức khỏe tốt và đảm bảo đủ điều kiện để nuôi dưỡng cháu Vũ Phạm Tường V nên người.

[6] Xét ý kiến phát biểu của Kiểm sát viên đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện L về việc tuân theo pháp luật: Về tố tụng, xác định về thẩm quyền, quan hệ pháp luật tranh chấp; Thẩm phán - Chủ tọa phiên tòa, thành phần Hội đồng xét xử; Hội thẩm nhân dân, thư ký phiên tòa, các đương sự trong vụ án, việc xác minh, thu thập chứng cứ, việc cấp, tống đạt các giấy tờ cho Viện kiểm sát, những người tham gia tố tụng đã chấp hành đúng theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.

Việc đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ các điều luật áp dụng và đề nghị hướng xử lý vụ án là phù hợp.

[7] Về án phí: Do không chấp nhận đơn khởi kiện của chị Phạm Thị T nên chị T phải chịu án phí theo quy định của pháp luật. Anh Vũ A không phải chịu án phí.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ Điều 58, 81, 82, 83, 84 của Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 và Khoản 3 Điều 28; điểm a Khoản 1 Điều 35; điểm a Khoản 1 Điều 39; Điều 144, 147, 211; Khoản 1 Điều 235; điểm c Khoản 2 Điều 266 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015. Điểm a Khoản 1 Điều 24; Khoản 3 Điều 26 Nghị quyết 326/2016/NQ-UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hộikhóa 14, quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Tuyên xử:

1. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của chị Phạm Thị T về việc “Thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn” đối với anh Vũ A.

2. Anh Vũ A vẫn tiếp tục trực tiếp trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dụccháu Vũ Phạm Tường V, sinh ngày 30 tháng 7 năm 2011.

Các bên được quyền đi lại thăm nom con chung, không ai được cản trở. Vì lợi ích của con, theo yêu cầu của một trong hai bên thì Tòa án có thể quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con.

3. Về án phí: Chị Phạm Thị T phải chịu 300.000 đồng (Ba trăm nghìn đồng) tiền án phí dân sự sơ thẩm. Nhưng được khấu trừ 300.000 đồng (Ba trăm nghìn đồng) tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm mà chị Phạm Thị T đã nộp theo biên lai số: AA/2014/0035174 ngày 06 tháng 7 năm 2017 của Chi cục thi hành án dân sự huyện L, tỉnh Đắk Lắk. Anh Vũ A không phải chịu án phí

Các đương sự có mặt tại phiên toà được quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

805
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 01/2018/HNGĐ-ST ngày 05/01/2018 về tranh chấp thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

Số hiệu:01/2018/HNGĐ-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Lắk - Đăk Lăk
Lĩnh vực:Hôn Nhân Gia Đình
Ngày ban hành: 05/01/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về