TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN TIÊN DU, TỈNH BẮC NINH
BẢN ÁN 01/2018/DS-ST NGÀY 18/01/2018 VỀ TRANH CHẤP BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI NGOÀI HỢP ĐỒNG
Hôm nay, ngày 18 tháng 01 năm 2018, tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện Tiên Du tiến hành xét xử sơ thẩm vụ án dân sự thụ lý số: 18/2003/TLST-DS ngày 10/6/2003; Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 03/2017/QĐXX-DS ngày 06/12/2017; giữa các đương sự:
Nguyên đơn: Bà Phùng Thị T, sinh năm 1952, Có mặt;
Bị đơn: Ông Đỗ Khắc P, sinh năm 1952, Vắng mặt;
Người có quyền lợi liên quan đến vụ án:
1- Bà Đỗ Thị T1, sinh năm 1954, Vắng mặt;
2- Ông Ngô Phương Đ, sinh năm 1948, Vắng mặt
(Đề nghị giải quyết vắng mặt)
3- Anh Ngô Văn K, sinh năm 1978, Có mặt.
Các đương sự có cùng địa chỉ: Thôn G, xã P, huyện T, tỉnh Bắc Ninh.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo đơn khởi kiện, bản tự khai và các tài liệu khác, nguyên đơn bà Phùng Thị T trình bày:
Tháng 01/2002, bà T được thôn G, xã P giao nhiệm vụ làm tổ trưởng tổ đo đạc và giao ruộng trực tiếp cho các hộ gia đình thuộc Đội 4 của thôn để thực hiện kế hoạch chuyển đổi ruộng đất từ ô thửa nhỏ sang ô thửa lớn. Quá trình giao ruộng, bà T đã chia nhầm ruộng cho 6 hộ gia đình trong đó có hộ gia đình ông Đỗ Khắc P. Để khắc phục việc nhầm lẫn trên, bà và một số cán bộ trong thôn đã đến xin lỗi, vận động và giao lại ruộng cho 06 hộ gia đình sang khu đất khác thì có 5/6 hộ nhất trí. Riêng hộ ông P không nhất trí. Vì không giải quyết được dứt điểm nên dẫn đến mâu thuẫn giữa bà và gia đình ông P.
Vào khoảng 14 giờ 30 phút ngày 24/02/2003, bà T1 là vợ của ông P đến nhà bà trình bày về việc làm trên. Bà T có giải thích nhưng bà T1 không nghe. Hai bên lời qua tiếng lại dẫn đến xô xát. Một lúc sau, ông P tay cầm gậy tre cùng con trai là Đỗ Khắc T2 đi xe máy đến. Vừa nhìn thấy bà T, ông P lao vào dùng gậy tre vụt tới tấp vào người bà T gây thương tích ở các vị trí: Cánh tay phải, 02 đùi, thắt lưng, bụng bên phải, mông và bàn chân trái.
Bà T khẳng định chỉ có ông P là người gây thương tích cho bà, anh T2 không tham gia. Sau khi dùng gậy tre vụt vào người bà, được mọi người can ngăn, ông P bỏ ra về. Bà T được mọi người đưa sang Trạm y tế xã P sơ cứu và chuyển đến Bệnh viện huyện T điều trị từ ngày 25/02/2003 đến ngày 11/3/2003 được ra viện. Trong thời gian điều trị ở bệnh viện, ông Đ (chồng bà) là người trực tiếp chăm sóc cho bà. Từ khi ông P gây thương tích cho bà đến nay, ông P không đến xin lỗi, động viên hay thăm hỏi bà.
Bà T khởi kiện yêu cầu Tòa án nhân dân huyện Tiên Du buộc ông Đỗ Khắc P phải bồi thường cho bà toàn bộ tiền thuốc men, viện phí, tiền bồi dưỡng phục hồi sức khỏe, thu nhập bị mất của bà và ông Đ chăm sóc bà trong thời gian nằm viện điều trị; Nghỉ dưỡng sức trong 06 tháng đầu không lao động được; Giảm sút sức khỏe trong 02 năm đầu; chi phí đi lại... với tổng số tiền là 64.305.000đ; Ông P công khai xin lỗi bà trước tập thể để bồi thường danh dự, nhân phẩm cho bà.
Để chứng minh cho yêu cầu khởi kiện, bà đã cung cấp toàn bộ hóa đơn, biên lai trong thời gian điều trị ở bệnh viện, phòng khám đa khoa Đ.
Bị đơn ông Đỗ Khắc P là trình bày: Ông thừa nhận một phần về lời trình bày của bà T về nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn giữa gia đình ông và bà T. Ông thừa nhận: Ngày 24/02/2003 anh T2 (con trai ông) dùng xe máy chở ông đến nhà bà T để ông hỏi về việc bà T1 với bà T cãi nhau. Khi đi, ông có cầm theo một gậy tre dài khoảng 60cm, dầy 02cm, bản to 05cm ông thường dùng làm chân chống phụ cho xe thồ. Đến nhà bà Tiện, giữa ông và bà T có lời qua, tiếng lại với nhau. Sau đó, ông nhặt được một gậy tre khác bên vệ đường dài khoảng gần 2m, vụt ngang người bà T. Ông đã vụt bà T 2-3 cái, được mọi người can ngăn, ông đã bỏ ra về. Ông P khẳng định, chỉ có ông dùng gậy tre vụt vào người bà T, anh T2 không tham gia đánh bà T.
Nhưng ông cho rằng nguyên nhân dẫn đến việc làm trên của ông là do lỗi của bà T vì đã giao nhầm ruộng cho gia đình ông. Do vậy, ông không đồng ý bồi thường thiệt hại cho bà T và không chấp nhận việc xin lỗi bà trước tập thể.
Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án trình bày:
Bà Đỗ Thị T2: Bà là vợ của ông P. Bà thừa nhận sự việc giữa bà và bà T xảy ra xô xát vào ngày 24/02/2003. Anh K (con trai bà T) dùng mũ cối đập vào mồm bà gây chảy máu. Sau đó, thì chồng và con trai bà có đi xe máy đến nhà bà T. Do lo sợ bị anh K đánh, ông P có dùng một gậy tre khua khoắng để tự vệ. Bà không biết có trúng vào người bà T không. Sự việc được mọi người can ngăn thì bà, ông P và con trai đều bỏ ra về. Vết thương của bà do anh K gây lên không nghiêm trọng nên bà chỉ sơ cứu tại nhà. Bà không yêu cầu anh K phải bồi thường mà phải xin lỗi bà. Quá trình giải quyết vụ án, bà đã rút yêu cầu về việc buộc anh K xin lỗi.
Anh Ngô Văn K : Anh là con trai của bà T. Sự việc như mẹ anh trình bày là đúng. Anh khẳng định không gây thương tích cho bà T1. Do vậy, anh không có nghĩa vụ phải xin lỗi bà T1. Nay bà T1 rút yêu cầu buộc anh phải xin lỗi bà, anh không có ý kiến gì.
Ông Ngô Phương Đ: Ông là chồng của bà T. Thời gian bà T điều trị tại bệnh viện huyện T là 15 ngày, chính ông là người đã trực tiếp chăm sóc cho bà tại bệnh viện. Bản thân ông là cán bộ hưu trí, được nhận lương hưu hàng tháng theo chế độ bảo hiểm xã hội. Mặc dù nghỉ hưu, nhưng ông vẫn đi làm thợ xây để tăng thu nhập cho gia đình. Thu nhập của thợ xây vào năm 2003 khoảng 180.000đ/ngày. Ông không có yêu cầu riêng gì mà đồng ý để bà Tiện yêu cầu về khoản thu nhập bị mất cho người chăm sóc.
Tại phiên tòa hôm nay: Bà T, anh K có mặt vẫn giữ nguyên lời trình bày, không cung cấp thêm tài liệu, chứng cứ gì. Bà T yêu cầu ông P phải bồi thường do hành vi gây thương tích cho bà số tiền là 64.305.000đ; Bao gồm các khoản sau:
- Tiền chi phí thuốc men, chụp chiếu điều trị vết thương theo hóa đơn đã nộp
- Tiền mất thu nhập trong 15 ngày điều trị tại bệnh viện cùng với việc mất thu nhập của ông Đông phải nghỉ việc để chăm sóc là 4.500.000đ;
- Tiền nghỉ dưỡng sức trong 6 tháng không lao động được: 27.000.000đ;
- Giảm sút sức khỏe trong 02 năm đầu: 32.850.000đ;
- Tổn thất về tinh thần;
- Chi phí đi lại và theo kiện.
Ngoài ra, ông P phải công khai xin lỗi trước tập thể về việc xúc phạm, danh dự, nhân phẩm.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Tiên Du tiến hành tố tụng tại phiên tòa. Sau khi phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng của Thẩm phán,
Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa và của người tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án kể từ khi thụ lý cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án đã phát biểu quan điểm giải quyết vụ án: Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà T: buộc ông P phải bồi thường thiệt hại cho bà T do xâm hại đến sức khỏe, số tiền từ 11 – 13 triệu đồng, không chấp nhận yêu cầu buộc ông P phải công khai xin lỗi.
Căn cứ vào các chứng cứ và tài liệu đã được thẩm tra tại phiên tòa; căn cứ vào kết quả tranh luận; trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên, các đương sự;
NHẬN ĐỊNH CỦA HỘI ĐỒNG XÉT XỬ
1. Về tố tụng:
Hành vi gây thương tích của ông Đỗ Khắc P gây ra cho bà Phùng Thị T xảy ra vào ngày 24/3/2003. Sau khi lập hồ sơ vụ án, xét thấy chưa đến mức phải xử lý về hình sự, Viện kiểm sát nhân dân huyện Tiên Du đã chuyển đến Tòa án nhân dân để giải quyết vụ án dân sự. Ngày10/6/2003, Tòa án nhân dân huyện Tiên Du đã tiến hành thụ lý vụ án dân sự với quan hệ pháp luật tranh chấp là :“Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng”. Quá trình giải quyết vụ án, bà T không chấp nhận kết luận giám định ngày 17/4/2003 của Tổ chức giám định y pháp tỉnh Bắc Ninh mà yêu cầu được giám định lại tỷ lệ thương tật.
Tòa án nhân dân huyện Tiên Du đã ra Quyết định trưng cầu giám định số: 19/QĐ-GĐ Ngày 08/9/2003 yêu cầu Viện giám định pháp y trung ương tiến hành việc giám định lại tỉ lệ giảm sút sức khỏe cho bà T. Tại quyết định số 03/QĐ-TĐC ngày 18/9/2003, Tòa án ra quyết định tạm đình chỉ vụ án với lý do: Chờ kết quả giám định lại về tỷ lệ thương tích của bà T. Trong suốt thời gian từ tháng 9/2003 đến tháng 6/2017 không có kết quả giám định lại theo yêu cầu của bà T. Ngày 28/6/2017, bà T yêu cầu Tòa án nhân dân huyện Tiên Du tiếp tục giải quyết vụ án và không yêu cầu việc giám định sức khỏe. Bà T yêu cầu ông Đỗ Khắc P phải bồi thường thiệt hại cho bà căn cứ vào các tài liệu cơ quan điều tra đã thu thập. Do vậy, Tòa án nhân dân huyện Tiên Du ban hành quyết định số 21/QĐ-TA, ngày 28/6/2017 để tiếp tục giải quyết vụ án theo yêu cầu khởi kiện của bà Phùng Thị T.
Quá trình giải quyết vụ án, những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án là ông Đ, anh K(chồng và con trai của bà T) có đơn xin giải quyết vắng mặt. Tại phiên tòa hôm nay, anh K có mặt.
Về phía bị đơn là ông Đỗ Khắc P và người có quyền lợi liên quan đến vụ án là bà Đỗ Thị T1, đã được Tòa án triệu tập hợp lệ, nhưng vẫn vắng mặt lần thứ 2 mà không có lý do chính đáng. Do vậy, Tòa án tiến hành việc xét xử vắng mặt ông P, bà T1 theo quy định của khoản 2 Điều 227 – BLTTDS.
2. Về nội dung vụ án:
Trên cơ sở các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ và quá trình tranh luận tại phiên tòa, HĐXX xét thấy: Vào khoảng 14 giờ 30 phút ngày 24/02/2003, bà T1 là vợ của ông P có đến nhà bà T chửi bới về việc chia nhầm ruộng canh tác. Hai bên xảy ra xô xát, khoảng 05 phút sau thì ông Pg cùng con trai là anh Ngô Khắc T2 đi đến nhà bà T. Khi đi ông P cầm theo 01 gậy tre dài khoảng 60cm; dầy 1cm thường dùng làm chân chống phụ của xe thồ. Đến nhà bà T, hai bên có lời qua, tiếng lại. Ông P đã nhặt một gậy tre khác, vụt liên tiếp vào người bà T. Các đương sự là bà T, ông P đều thừa nhận chỉ có ông P cầm gậy vụt bà T. Anh T2 chỉ chở ông P đến mà không tham gia việc gây thương tích cho bà T.
Bà T bị đánh đã phải điều trị tại bệnh viện đa khoa huyện Tiên Du từ ngày 25/2/2003 đến ngày 11/3/2003 được ra viện. Kết luận giám định số 27/2003/GĐPY ngày 17/4/2003 đã kết luận: Tỷ lệ thương tật toàn bộ của bà T là 5%; Xếp hạng thương tật: vĩnh viễn 2%, tạm thời 3%
Tại bản kết luận số 01/KLDS Ngày 27/5/2003, Công an huyện T kết luận: Xét tính chất, mức độ hành vi cố ý gây thương tích của ông Đỗ Khắc P không nghiêm trọng, chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Công an xã P đã quyết định xử lý hành chính đối với ông P hình thức phạt tiền là 200.000đ về hành vi đánh người gây thương tích, cảnh cáo đối với hành vi gây rối trật tự công cộng và chuyển hồ sơ đến Tòa án nhân dân huyện Tiên Du để giải quyết vụ án dân sự.
Sự việc ông P gây thương tích cho bà T xảy ra từ năm 2003, bà T có quyền yêu cầu ông P phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại về sức khỏe bị xâm phạm.
Ông P là người thực hiện hành vi gây thiệt hại phải có nghĩa vụ bồi thường cho bà T; Xét hành vi trái pháp luật của ông P đã làm phát sinh quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại của bà T và nghĩa vụ phải bồi thường thiệt hại đối với ông P. Về nguyên tắc việc áp dụng pháp luật là các quy định của Bộ luật dân sự 1995 về việc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, tại thời điểm xày ra hành vi vi phạm.
Tuy nhiên, cho đến nay, quyền và nghĩa vụ của các đương sự trong vụ án xuất phát từ hành vi của ông P gây thương tích cho bà T, vẫn chưa được giải quyết; Căn cứ Điều 116 – Bộ luật dân sự năm 2015 thì đây là giao dịch dân sự. Mặt khác, theo quy định của khoản 2 Điều 688 – BLDS 2015 thì giao dịch dân sự này có nội dung và hình thức phù hợp với những quy định của BLDS 2015, nên khi giải quyết vụ án, HĐXX sẽ áp dụng các quy định của BLDS 2015.
Xét yêu cầu bồi thường thiệt hại của bà T đối với ông P là hoàn toàn có căn cứ. Vì ông P là người đã thực hiện hành vi dùng gậy tre tác động trực tiếp vào thân thể, gây thương tích cho bà T. Hành vi này là hoàn toàn có lỗi, có mối liên hệ với hậu quả xảy ra. Nên ông Phong ngoài việc bị xử lý về vi phạm hành chính, còn phải có trách nhiệm dân sự để bồi thường cho bà T những thiệt hại bao gồm: Những chi phí trong việc điều trị, phục hồi vết thương cũng như thu nhập bị mất trong thời gian điều trị, phục hồi vết thương…theo quy định của Điều 590 – Bộ luật Dân sự 2015.
Bà T yêu cầu ông P phải bồi thường thiệt hại tổng số tiền là 64.305.000đ và xin lỗi bà trước tập thể dân làng. Trên cơ sở các tài liệu, chứng cứ thì những thiệt hại do sức khỏe của bà Tiện bị xâm hại sẽ được HĐXX chấp nhận bao gồm:
- Tiền chi phí cho việc cứu chữa, điều trị vết thương theo các hóa đơn, chứng từ bà Tiện đã cung cấp, gồm: Việc siêu âm, xét nghiệm, viện phí tại bệnh viện đa khoa huyện Tiên Du và đơn thuốc của Phòng khám đa khoa Đ, tổng cộng là 1.171.000đ;
- Tiền chi phí cho việc bồi dưỡng, phục hồi vết thương trong thời gian điều trị tại bệnh viện: 100.000đ x15 ngày = 1.500.000đ
- Tiền mất thu nhập của bà T trong thời gian nằm viện: Bà T có công việc chính là làm ruộng, ngoài ra không làm thêm nghề phụ gì khác. Bà Tiện có thu nhập thực tế, nhưng không ổn định và không xác định được, nên áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại tại địa phương: Qua xác minh tại địa phương thì thu nhập của một người làm nông nghiệp vào năm 2003 là 70.000đ/ngày. Đến thời điểm cuối năm 2017, thì thu nhập của những người làm nông nghiệp thực tế đã bị giảm sút rất nhiều, do những chi phí về giống, thủy lợi, làm đất, bảo vệ thực vật ngày càng tăng lên, trong khi năng suất lúa thu hoạch không tăng. Thu nhập thực tế của một người sống bằng việc làm ruộng chỉ còn khoảng 19.000đ/ngày. Thu nhập từ làm ruộng thấp nên người lao động phải làm thêm nghề phụ như trồng cây cảnh, chăn nuôi, thợ phụ hồ…mới đảm bảo cuộc sống. Thu nhập trung bình của lao động cùng loại tại địa phương, nơi bà Tiện sinh sống, đối với người không có nghề nghiệp ổ định, tại thời điểm này là 150.000đ/ngày. HĐXX căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 585 – BLDS 2015, áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại tại thời điểm giải quyết vụ án. Do vậy, số tiền mất thu nhập của bà Tiện trong những ngày nằm viện được xác định là: 15 ngày x 150.000đ =2.250.000đ;
-Tiền mất thu nhập trong thời gian phục hồi sức khỏe: Bà T yêu cầu khoản mất thu nhập trong thời gian 6 tháng. Tuy nhiên, thương tích của bà T chỉ vào phần mềm, tỷ lệ thương tích không lớn. Trong thời gian, sinh hoạt của bà T không cần đến sự hỗ trợ về y tế hoặc sự giúp đỡ của người thân trong gia đình. Do vậy, HĐXX chỉ chấp nhận việc bà T phục hồi sức khỏe trong thời gian là một tháng sau khi ra viện là: 150.000đ x 30 ngày = 4.500.000đ.
Tổng cộng: Ông Đỗ Khắc P phải bồi thường cho bà Phùng Thị T số tiền là: 9. 421.000đ
* Không chấp nhận yêu cầu của bà T đối với những khoản sau:
- Tiền mất thu nhập của ông Đ trong thời gian chăm sóc bà điều trị tại bệnh viện. Ông Đ là cán bộ hưu trí, trong thời gian chăm sóc bà T tại bệnh viện vẫn được hưởng tiền lương hưu do bảo hiểm xã hội chi trả, nên được xác định là không bị mất thu nhập thực tế; Do đó không được bồi thường.
- Giảm sút sức khỏe trong 02 năm đầu với số tiền 32.850.000đ. Theo kết luận giám định pháp y thì tỷ lệ thương tật của bà T tại thời điểm giám định là 5% (trong đó vĩnh viến: 2%, tạm thời 3%), nên không có căn cứ để chấp nhận
- Khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần do sức khỏe bị xâm hại: Xét thương tích của bà T không ảnh hưởng đến thẩm mỹ, nghề nghiệp, giao tiếp xã hội cũng như sinh hoạt gia đình và cá nhân. Do vậy, không có căn cứ chấp nhận.
- Chi phí đi lại và theo kiện: Bà T không cung cấp được các tài liệu, chứng cứ để chứng minh về chi phí này nên HĐXX không có căn cứ để xem xét.
* Đối với yêu cầu của bà T buộc ông P phải công khai xin lỗi bà trước tập thể dân làng trên phương tiện thông tin đại chúng tại địa phương: Xét hành vi của ông P gây hậu quả không lớn, không xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của bà T. Do vậy, không có căn cứ để chấp nhận.
Về vật chứng của vụ án: Tịch thu tiêu hủy: 01 gậy tre dải 1,5m, rộng 1,4cm, dầy 1,5cm; 01 gậy tre dài 70cm, rộng 01cm, dầy 01cm
3.Về án phí:
Bà T được miễn toàn bộ tiền án phí dân sự sơ thẩm theo quy định của khoản 6 Điều 11 Pháp lệnh về án phí, lệ phí Tòa án năm 2009. Ồng P phải chịu án phí dân sự sơ thẩm tương ứng với phần yêu cầu của bà T đã được HĐXX chấp nhận.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Áp dụng Điều 26, Điều 35, Điều 147; Khoản 2 Điều 227; Điều 271 và Điều 273 - Bộ luật tố tụng dân sự 2015;
Điều 116; điểm b khoản 2 Điều 688; Điều 584; Điều 585 và Điều 590 - Bộ luật dân sự năm 2015
Điều 48 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 quy định về án phí, lệ phí tòa án; Khoản 6 Điều 11 và Khoản 4 Điều 27 Pháp lệnh về án phí, lệ phí Tòa án năm 2009;
Tuyên xử:
1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà Phùng Thị T: Buộc ông Đỗ Khắc P phải bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm cho bà Phùng Thị T số tiền là : 9.421.000đ (Chín triệu bốn trăm hai mươi mốt ngàn) đồng.
Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án, nếu người phải thi hành án không tự nguyện thi hành số tiền trên thì phải trả lãi đối với số tiền chậm trả theo mức lãi suất bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại thời điểm thanh toán tương ứng với số tiền và thời gian chậm thi hành án.
Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại điều 2 - Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6,7 và 9 - Luật thi hành án dân sự. Thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại điều 30 - Luật thi hành án dân sự.
2. Không chấp nhận yêu cầu của bà Phùng Thị T: buộc ông Đỗ Khắc P phải công khai xin lỗi trên phương tiện thông tin đại chúng tại địa phương.
3. Về vật chứng: Tịch thu tiêu hủy: 01 gậy tre dài 1,5m, rộng 1,4cm, dầy 1,5cm; 01 gậy tre dài 70cm, rộng 01cm, dầy 01cm (theo biên bản giao nhận ngày 10/6/2003 giữa Viện kiểm sát nhân dân huyện Tiên Du và Tòa án nhân dân huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh)
4. Án phí: Ông Đỗ Khắc P phải chịu 470.000đ (Bốn trăm bảy mươi ngàn đồng) án phí dân sự sơ thẩm.
Nguyên đơn, người có quyền lợi liên quan đến vụ án có mặt, có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày tuyên án
Bị đơn, người có quyền lợi liên quan vắng mặt có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận tống đạt hoặc niêm yết bản án hợp lệ./.
Bản án 01/2018/DS-ST ngày 18/01/2018 về tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng
Số hiệu: | 01/2018/DS-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Huyện Tiên Du - Bắc Ninh |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 18/01/2018 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về