TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN BÌNH LIÊU – TỈNH QUẢNG NINH
BẢN ÁN 01/2018/DS-ST NGÀY 02/08/2018 VỀ TRANH CHẤP VỀ QUYỀN SỞ HỮU TÀI SẢN (VẬT NUÔI)
Ngày 02 tháng 8 năm 2018 tại Trụ sở Tòa án nhân dân huyện Bình Liêu xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số: 01/2017/TLST-DS ngày 27 tháng 11 năm 2017 về tranh chấp về quyền sở hữu tài sản (Vật nuôi). Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 01/2018/QĐXX-ST ngày 24 tháng 5 năm 2018.
1. Nguyên đơn:
-Ông Sái Thím S (Sinh năm 1971); Nơi cư trú: Thôn C, xã T, huyện B, tỉnh Quảng Ninh (Có mặt).
- Bà Hoàng Thị Q (Sinh năm 1976); Nơi cư trú: Thôn C, xã T, huyện B, tỉnh Quảng Ninh (Vắng mặt, có giấy ủy quyền hợp pháp cho ông Sái Thím S).
2. Bị đơn:
-Bà Mạ Thị N (Sinh năm 1985); Nơi cư trú: Thôn N1, xã T, huyện B, tỉnh Quảng Ninh (Có mặt).
- Ông Sái Thiêm C (Sinh năm 1982); Nơi cư trú: Thôn N1, xã T, huyện B, tỉnh Quảng Ninh (Vắng mặt, có giấy ủy quyền hợp pháp cho bà Mạ Thị N).
3. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn: Bà Vũ Thị Uyên là Trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Quảng Ninh.
4. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn: Bà Phạm Thị Lan là Luật sư, Đoàn luật sư tỉnh Quảng Ninh – cộng tác viên củaTrung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Quảng Ninh.
5. Người làm chứng:
-Ông Sái Tiến S (Sinh năm 1965); Ông Lô Đức M (Sinh năm 1964); Ông Lô Tiến X (Sinh năm 1982); Ông Sái Quảng B (Sinh năm 1956); Bà Lô Thị Q (Sinh năm 1968); Bà Hoàng Thị P (Sinh năm 1971); Bà Chu Thị T (Sinh năm 1957); Bà Bế Thị S (Sinh năm 1972); Đều trú tại: Thôn N1, xã T, huyện B, tỉnh Quảng Ninh.
-Ông Chu Quốc P (Sinh năm 1982); Bà Lài Thị C (Sinh năm 1959); Ông Chu Văn V (Sinh năm 1966); Đều trú tại: Thôn N2, xã V, huyện B, tỉnh Quảng Ninh.
-Ông Hồ Văn D (Sinh năm 1960); Ông Vương Tiến T (Sinh năm 1966); Chị Nông Thị H (Sinh năm 1993); Đều trú tại: Thôn C, xã T, huyện B, tỉnh Quảng Ninh.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo đơn khởi kiện ngày 23/11/2017 và bản tự khai nguyên đơn Ông Sái Thím S và bà Hoàng Thị Q trình bày: Gia đình ông S, bà Q có nuôi 04 (Bốn) con bò thường chăn thả ở bãi chăn thả K (thuộc thôn N2, xã V, huyện B, tỉnh Quảng Ninh); Trong đó có 01 con bò gia đình ông bà được hỗ trợ theo Quyết định số: 1224/QĐ-UBND, ngày 26/5/2015 về việc phê duyệt danh sách hộ gia đình nghèo xã biên giới đề nghị hỗ trợ bò giống theo Chương trình “Chung tay vì cộng đồng – Bò giống giúp người nghèo biên giới” của Ủy Ban nhân dân huyện Bình Liêu (gọi là bò viettel) được cấp tháng 6/2015; Con bò được cấp là giống bò lai Sind, bò cái, có màu đỏ sẫm và gia đình tôi có đánh dấu giống như 03 con bò có trước đây bằng cây sắt (cán ô) đột lỗ tai bên trái bằng cán ô (lỗ to bằng ngón tay trỏ). Cùng đợt cấp bò giống các gia đình được cấp tại thời điểm đó bò có đặc điểm không giống nhau. Ngày 08/10/2017 gia đình ông bà kiểm tra vẫn còn thấy 04 con bò nhưng do bận làm nhà không đuổi về được, khoảng đến cuối tháng 10/2017 thì không thấy 02 con bò trong đó có con bò viettel, sau đó gia đình thấy người dân N2 nói có 02 con bò về thôn N2, xã V, gia đình ông S, bà Q xuống tìm khi đến nhà ông Chu L, tả đặc điểm con bò nhà ông bà như đột lỗ tai ở bên trái; con trai ông Chu L nói thế đúng bò nhà ông bà rồi nhưng mấy ngày trước có người trong thôn N1, xã T đến dắt đi 01con bò viettel, còn 01 con bò gia đình ông bà đã đuổi về nhà, sau đó ông S, bà Q có tìm đến gia đình ông Sái Thiêm C và bà Mạ Thị N thì nhận ra con bò của gia đình ông bà nhưng ông C và bà N bảo là bò nhà em và không cho dắt về. Sự việc trên gia đình đã báo chính quyền địa phương và ngày 15/11/2017 Công an xã T đã mời hai bên gia đình để giải quyết nhưng không có kết quả; Con bò đến nay khoảng 04 năm tuổi có, trị giá khoảng 13.000.000 đồng. Nay ông S, bà Q đề nghị Tòa án xem xét giải quyết buộc gia đình bà N, ông C trả con bò (Chương trình hỗ trợ của viettel) cho gia đình ông bà.
Bị đơn ông Sái Thiêm C và bà Mạ Thị N trình bày: Gia đình ông bà có nuôi 03(Ba) con bò; trong đó có 01 con bò được cấp hỗ trợ cho hộ gia đình cận nghèo năm 2015 và đã sinh được một con bê, 01 con bò lai Sind thoát nghèo năm 2016, bò có đặc điểm là con bò cái thuộc giống bò lai chưa mọc sừng, tai to, đuôi dài, thân dài to, đỉnh đầu có xoáy, phần ở dưới rốn lòi ra như bộ phận sinh dục của con bò đực. Khi được cấp con bò đã được đơn vị cấp đục lỗ tai trái để đeo biển và khi nhận về gia đình đã cắt đi và đeo một vòng nhỏ bằng kim loại, đặc điểm con bò là không sợ người. Gia đình ông bà phát hiện mất bò khoảng tháng 9/2017, ngày 20/10/2017 ông Chu Văn V ở thôn N2, xã V báo cho gia đình biết có bò về dưới thôn N2 tầm 18 giờ 00 phút nhưng khi sang đến nơi thì không thấy. Vào lúc 06 giờ 30 phút ngày 21/10/2017 xuống thì thấy đúng là bò gia đình, hai vợ chồng ông bà dắt bò về nhà, các gia đình được cấp cùng gia đình nhà ông bà và các con bò được cấp tại thời điểm đó có giống bò không giống nhau, hiện nay chỉ còn con bò nhà ông Coóc còn sống còn các gia đình khác ông bà không biết, ông C, bà N khẳng định đó là con bò của gia đình ông bà. Bản thân bà N có ý kiến trình bày bổ sung là đồng ý phương án hòa giải của Tòa án (vào ngày 16/3/2018) mỗi gia đình đều bị mất bò trong quá trình chăn thả đều do lỗi của các bên và xác định cho mỗi bên hưởng 50% giá trị con bò; nếu phía nguyên đơn không đồng ý đề nghị Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.
Quan điểm của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn: Hai bên gia đình tranh chấp đều bị mất bò có cùng đặc điểm như: là bò cái, giống bò lai, có lông màu vàng sậm. Tuy nhiên, Gia đình ông S, bà Q đã đánh dấu đàn bò bằng cách đột lỗ tai bên trái cho những con bò của nhà mình bằng que sắt cán ô. Còn gia đình bà N khai rằng không đánh dấu bò, 2 con bò trong đàn của gia đình bà được nhận đều có lỗ tai từ khi nhận về. Theo bà N thì khi bà nhận bò, con bò đã có lỗ tai như hiện nay để đeo biển. Nhưng theo lời khai của bà Bế Thị S, bà Hoàng Thị P, là những người nhận bò cùng đợt, thì các con bò được phát trong đợt đó chỉ được xuyên qua tai to bằng đũa xe máy để đeo biển. Nếu con bò nhà bà N cũng được phát trong đợt đó, và lỗ trên tai không thay đổi thì không thể có đường kính khoảng 1 cm như con bò đang tranh chấp được. Bên cạnh đó, đại diện UBND xã T cũng đã xác nhận lỗ ghim gắn thẻ cho các con bò khi phát cũng chỉ to bằng đũa xe máy; chứ không phải lỗ to tròn như trong ảnh chụp con bò đang tranh chấp giữa hai gia đình. Quá trình thẩm định, xem xét con bò tại nhà ông S, cụ thể là con bò được đục lỗ tai trái đường kính khoảng 1 cm (giống với lỗ trên tai con bò đang tranh chấp). Bên cạnh đó, việc đột lỗ tai bò cũng có người chứng kiến là cháu ông S, dấu vết đột lỗ tai bò vẫn còn trên cây vải tại nhà chị gái ông S cũng đã được Hội đồng thẩm định xem xét. Hơn nữa, Trong thời gian 2 con bò đi lạc tại thôn N2, con bò đang tranh chấp cùng với con bò đực nhà ông S thường xuyên đi cùng nhau (theo lời khai của ông Chu Quốc P và lời khai của bà Lài Thị C vào ngày 18/6/2018).Như vậy, có căn cứ để khẳng định rằng 2 con bò này thuộc cùng một đàn bò, cụ thể là đàn bò nhà ông S.Vì vậy, căn cứ quy định tại khoản 1 điều 166 Bộ luật Dân sự 2015, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét, quyết định chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn, buộc bị đơn trả lại con bò cho gia đình ông Sái Thím S, bà Hoàng Thị Q.
Quan điểm của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn: Xuất xứ con bò của nhà bà Mạ Thị N là bò thoát nghèo do Viettel tài trợ cuối năm 2016, khi nhận bò có đặc điểm là con bò cái thuộc giống bò lai chưa mọc sừng, tai to, đuôi dài, thân dài to, đỉnh đầu có xoáy, phần ở dưới rốn dài ra như bộ phận sinh dục. Khi được cấp con bò đã được đơn vị cấp đục lỗ tai trái và đeo biển. Lúc gia đình bà N nhận bò về đã cắt biển đi và đeo một vòng nhỏ bằng kim loại vào tai bò và chăn thả với đàn bao gồm 01 con bò cận nghèo được hỗ trợ cuối năm 2015 và một con bê do con bò cận nghèo sinh ra. Theo tập tục, ba con bò cũng được chăn thả tự do, khi con bò đi lạc được tìm về và xảy ra tranh chấp với nhà anh Sinh thì chị N mới chăn thả tại chuồng. Các đặc điểm của bò cũng được miêu tả rất rõ nét và chuẩn xác. Bò vẫn ở tại chuồng và được đánh dấu bằng khuyên tai nhỏ ở tai trái, không hề có dấu hiệu sợ đàn hay tránh đàn do đi lạc.
Ông S cho rằng bò của nhà ông nhưng ông chỉ có chứng cứ duy nhất chứng minh đó là con bò được đục lỗ tai bên trái to bằng ngón tay trỏ. Ngoài ra ông còn đề nghị các ông Thanh, Dường…làm chứng cho ông nhưng đều không làm rõ được chính xác đó có phải là bò nhà ông hay không. Có thể thấy rằng tất cả các lời khai của những người làm chứng và UBND xã T đều chỉ làm rõ được các vấn đề sau: Con bò mà cả hai gia đình đang tranh chấp là bò được tài trợ của Viettet đặc điểm là con bò cái thuộc giống bò lai chưa mọc sừng, tai to, đuôi dài, thân dài to, đỉnh đầu có xoáy, phần ở dưới rốn dài ra như bộ phận sinh dục. Khi được cấp con bò đã được đơn vị cấp đục lỗ tai trái và đeo biển. Cả hai gia đình đầu mất bò và gia đình bà N đã tìm thấy bò mang về chuồng nuôi từ cuối năm 2017 đến nay.
Ngoài ra các lời khai đều cho rằng con bò được cấp năm 2016 đều đục lỗ tai, đa số khai đục tai bên trái. Tuy nhiên không ai khẳng định lỗ to hay nhỏ bé hay lớn. Kể cả UBND xã T cho rằng lỗ ghim chỉ to bằng đũa xe máy cũng không có hình ảnh của bất cứ con bò nào cấp cùng đợt để so sánh, cũng như UBND xã T không đưa ra bất cứ một tài liệu nào chứng minh về lỗ tai của con bò có kích thước ra sao. Tại các bản khai ông S cho rằng ông đục lỗ đánh dấu bên cạnh lỗ do bên tài trợ bò đục nhưng không thấy dấu vết lỗ đục của bên tài trợ.
Gia đình bà N đã chứng minh gia đình không đục lỗ tai mà xâu khuyên bằng lỗ tai có sẵn của nhà tài trợ. Điều đó có cơ sở vững chắc vì tôi xin cung cấp bản ảnh các con bò nhà bà N, thì ngoài con bò đang tranh chấp đục lỗ tai trái, con bò cận nghèo năm 2015 đục lỗ tai phải có lỗ tai cũng tương đương. Chứng tỏ đàn bò nhà bà N được cấp được giữ nguyên vẹn hiện trạng lỗ tai mà nhà bà N không can thiệp đục lỗ. Có thể trong khoảng thời gian đeo khuyên nặng lỗ tai bị co giãn sẽ rộng ra hơn với thời điểm đeo biển được cấp.
Từ những phân tích trên đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng điều 191 BLTTDS 2015 không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Sái Thím S về việc đòi lại bò do gia đình nhà chị Mạ Thị N đang nuôi giữ.
Quá trình giải quyết vụ án: Các đương sự đã thống nhất phương pháp giải quyết (Tại buổi hòa giải ngày 21/12/2017) như sau: Gia đình ông S và gia đình bà N đưa hai đàn bò của hai gia đinh đang nuôi (Trong đó có con bò đang tranh chấp gia đình bà N đang nuôi giữ) đến địa điểm gần trụ sở UBND xã T; Sau đó hai gia đình dắt đàn bò về mà con bò đang tranh chấp theo đàn bò nào về, thì con bò sẽ là của gia đình đó. Nhưng khi Tòa án thực hiện phương án thỏa thuận của các bên thì phía gia đình bà N đã không chấp hành, ngăn cản, phản ứng rất gay gắt và cũng không cho ai lại gần đàn bò. Vì vậy việc thỏa thuận đã không thực hiện được.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Bình Liêu có quan điểm:
-Về việc tuân theo pháp luật tố tụng: trong quá trình thụ lý, giải quyết vụ án và xét xử đã đảm bảo đầy đủ, đúng quy định của pháp luật tố tụng dân sự. Tuy nhiên, đối với các biên bản ghi lời khai được lập thành nhiều trang rời nhau nhưng người khai không ký đầy đủ từng trang mà chỉ ký vào trang đầu tiên và trang cuối cùng của biên bản là không đúng quy định tại khoản 2, Điều 98 Bộ luật Tố tụng Dân sự.
-Về việc giải quyết vụ án: Căn cứ các điều 158, 163, 164, 166 của Bộ luật dân sự; Đề nghị Hội đồng xét xử: chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông S, bà Q buộc bà N, ông C trả lại con bò đang tranh chấp cho gia đình ông S, bà Q .
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
[1] Về pháp luật tố tụng: Căn cứ vào đơn khởi kiện của ông Sái Thím S, bà Hoàng Thị Q cùng các tài liệu chứng cứ kèm theo, Hội đồng xét xử đủ căn cứ để xác định quan hệ pháp luật tranh chấp là: “Tranh chấp về quyền sở hữu tài sản (Vật nuôi)”; Bị đơn ông Sái Thiêm C và bà Mạ Thị N có địa chỉ nơi cư trú: Thôn N1, xã T, huyện B, tỉnh Quảng Ninh; Nên vụ án thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh. Việc thụ lý, thông báo thụ lý, mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải, quyết định đưa vụ án ra xét xử và các thủ tục tố tụng khác đã đảm bảo đúng quy định của pháp luật tố tụng dân sự.
[2]Theo Quyết định số: 1224/QĐ-UBND, ngày 26/5/2015 của UBND huyện B về việc “Phê duyệt danh sách hộ gia đình nghèo xã biên giới để hỗ trợ bò theo chương trình chung tay vì cộng đồng - bò giống giúp hộ nghèo biên giới” Trong đợt phát bò giống có 60 hộ trong xã T được cấp phát bò, trong đó hộ gia đình ông Sái Thím S và bà Hoàng Thị Q đơn vị hỗ trợ bò giống giúp người nghèo biên giới cấp phát bò theo quyết định là Tập đoàn viễn thông quân đội viettel; Và theo Quyết định số: 3883/QĐ-UBND, ngày 26/12/2016 về việc “Phê duyệt các dự án hỗ trợ kinh phí phát triển sản xuất cho các hộ nghèo, cận nghèo tại các thôn, bản xã T, huyện B từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất chương trình 135 năm 2016” Theo danh sách các hộ dân được cấp bò trong xã T đó có gia đình ông Sái Thiêm C và bà Mạ Thị N; Như vậy gia đình ông S bà Q và gia đình ông C bà N đều là những hộ gia đình được hỗ trợ bò giống vào năm 2015 và năm 2016. Sau khi nhận bò giống về chăn nuôi, thì theo phương thức chăn nuôi tại địa phương là người dân thả bò vào bãi chăn thả K (khu vực chăn thả gia súc chung thuộc địa phận xã V, huyện B) để bò tự kiếm ăn, khoảng 1 đến 2 tháng mới vào kiểm tra bò một lần; Đến khoảng tháng 10/2017 thì gia đình ông S, bà Q và gia đình ông C bà N mới phát hiện bị mất bò và đi tìm. Khi được tin ở dưới thôn N2, xã V có 02 con bò theo đàn bò nhà ông Chu Quốc P, gia đình bà N đã đến và nhận 01 con bò của gia đình bà và dắt về, còn gia đình ông S đến sau khi đến nhận thấy đúng là bò của gia đình nên ông bà đã dắt về nhưng còn thiếu một con, khi đó ông S bà Q có hỏi thì được biết trước đó gia đình bà N đã nhận và dắt 01 con bò về. Sau đó ông S, bà Q có tìm đến gia đình ông C bà N thì nhận ra con bò của gia đình ông bà nhưng ông C và bà N bảo là bò gia đình họ nên không cho dắt về. Sau khi sự việc xảy ra, gia đình ông S báo chính quyền địa phương và ngày 15/11/2017 Công an xã T đã mời hai bên gia đình để giải quyết nhưng không có kết quả;
[3]Về đặc điểm của con bò đang tranh chấp giữa hai gia đình: Ngày 23/5/2018 Hội đồng xem xét, thẩm định đã tiến hành xem xét đặc điểm con bò đang tranh chấp giữa hai gia đình: Con bò thuộc giống bò lai Sind, bò có lông màu vàng sẫm (hung đỏ), đuôi dài, bò nhìn tổng thể thì phát triển bình thường, thân bò dài khoảng 2m, chiều cao khoảng 1,1m, bò chưa mọc sừng, tai bò to được đục 01 lỗ ở bên trái có đường kính 01cm, bò có 01 xoáy ở đỉnh đầu, bò có rốn to như bộ phận sinh dục của con bò đực; Hiện chưa xác định con bò có chửa và chưa xác định được độ tuổi của con bò (có ảnh kèm theo biên bản xem xét, thẩm định tại chỗ). Đồng thời cũng xem xét con bò gia đình ông S hiện đang nuôi có đặc điểm: Con bò được đục lỗ ở tai bên trái có đường kính 01cm; Ông S đục lỗ tai bò ở cây vải hiện vẫn còn vết có đường kính 1cm .
Về dụng cụ mà ông S trình bày đã dùng để đục lỗ tai con bò là một cây sắt có lỗ (Cán ô), ông S đã nộp tại Tòa án, qua xem xét cây sắt lỗ, có đường kính 1,2cm.
[4] Việc ông S đục lỗ tai con bò có chị Nông Thị H là người chứng kiến vì ông S bà Q dắt bò sang cây vải của gia đình chị để đục lỗ tai (Hiện vẫn còn dấu vết đục trên cây nhãn của gia đình chị); Đồng thời người làm chứng gồm anh Phương, chị Chìu (là những gia đình chăn thả bò cùng gia đình ông S) xác nhận thời điểm tháng 9-10/2017 có 02 con bò lạc về thôn cùng thời điểm, đi cùng nhau và đi với đàn bò gia đình anh Phương, tai trái đều được đục 01 lỗ tròn to giống nhau. Trong thời gian 2 con bò đi lạc tại thôn N2, con bò đang tranh chấp cùng với con bò đực nhà ông S thường xuyên đi cùng nhau (theo lời khai của ông Chu Quốc P và lời khai của bà Lài Thị C vào ngày 18/6/2018).
Về lời trình bày của bà N, ông C: Ngoài các đặc điểm của con bò như ông bà đã trình bày, thì bà N còn xác định: Khi nhận bò thì tai trái của bò cũng đã được đơn vị cấp bò đục lỗ tai để ghim thẻ, từ đó đến nay gia đình chị không tác động gì đến lỗ ghim thẻ này. Tuy nhiên, theo lời trình bày của bà Bế Thị S, bà Hoàng Thị P, cùng trú tại thôn N1, xã T, là những người nhận bò cùng đợt với bà N, thì các con bò được phát trong đợt đó chỉ được xuyên qua tai với que sắt to bằng đũa xe máy để đeo biển.
Quá trình làm việc với UBND xã T đã xác định: Các con bò giống cấp cho dân (Trong đó có hộ gia đình ông S, gia đình bà N) đều ghim thẻ ở tai, tuy nhiên lỗ ghim thẻ chỉ to bằng chiếc đũa xe máy chứ không phải to tròn như lỗ tai của con bò đang tranh chấp. Đồng thời ông Lô Tiến X (Trưởng thôn N1, xã T) tại phiên tòa trình bày: Ông là người trực tiếp tham gia khi các hộ dân của Thôn được cấp bò giống, bò giống cấp đều được đục lỗ đeo thẻ ở tai trái hoặc tai phải, lỗ đực có đường kính khoảng từ 0,2cm đến 0,3cm.
[5] Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ đã phân tích nêu trên, Hội đồng xét xử xét thấy, lời trình bày của gia đình ông S là phù hợp, có căn cứ; Còn gia đình ông C bà N khi bị mất bò đã đi tìm, nhưng do nhầm lẫn đã nhận con bò thất lạc của gia đình ông S bà Q là của gia đình mình, việc chiếm hữu con bò đang tranh chấp của gia đình ông C bà N là không có căn cứ theo quy định của pháp luật; Như vậy có cơ sở xác định con bò đang tranh chấp là của gia đình ông S nên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông S, bà Q buộc ông C, bà N trả lại con bò đang tranh chấp cho gia đình ông S, bà Q. Phù hợp với quy định tại Điều 158; Khoản 1, Điều 163; Điều 164; Điều 165 và Khoản 1, Điều 166 của Bộ luật dân sự (2015).
[6] Trong quá trình giải quyết vụ án, phía gia đình bà N đã được Tòa án giải thích đầy đủ về quyền, nghĩa vụ của bị đơn theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự, nhưng bà N, ông C không có yêu cầu (phản tố) đối với gia đình ông S bà Q về chi phí công sức chăn nuôi bò; Vì vậy không có căn cứ để xem xét, giải quyết trong vụ án này; Nếu có căn cứ và khi có yêu cầu thì ông C bà N có quyền khởi kiện bằng một vụ án dân sự khác.
[7]Về án phí: Do yêu cầu khởi kiện của ông S bà Q được chấp nhận, nên trả lại tiền tạm ứng án phí mà ông S bà Q đã nộp; Ông C, bà N phải chịu án phí dân sự sơ thẩm, tuy nhiên ông C, bà N là người dân tộc thiểu số ở xã có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn và đã có đơn xin miễn án phí; Vì vậy căn cứ: Điểm đ, Khoản 1, Điều 12 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án; Ông C, bà N được miễn nộp án phí dân sự sơ thẩm .
Vì các lẽ trên
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ vào: Khoản 2, Điều 26; Điểm a, khoản 1, Điều 35; Điểm a, Khoản 1, Điều 39 của Bộ luật tố tụng dân sự; Điều 158; Khoản 1, Điều 163; Điều 164; Điều 165 và Khoản 1, Điều 166 của Bộ luật dân sự (2015). Điểm đ, Khoản 1, Điều 12 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án;
Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Sái Thím S và bà Hoàng Thị Q.
Xử: Buộc ông Sái Thiêm C và bà Mạ Thị N phải trả lại 01 (Một) con bò (Hiện gia đình ông C, bà N đang nuôi giữ) cho gia đình ông Sái Thím S và bà Hoàng Thị Q; Con bò có đặc điểm: Thuộc giống bò lai Sind, bò cái, có lông màu đỏ sẫm (hung đỏ), đuôi dài, bò nhìn tổng thể thì phát triển bình thường, thân bò dài khoảng 2m, chiều cao khoảng 1,1m, bò chưa mọc sừng, tai bò to được đục 01 lỗ ở bên trái có đường kính 1cm, bò có 01 xoáy ở đỉnh đầu, bò có rốn to như bộ phận sinh dục của con bò đực;
-Về án phí: Trả lại cho ông Sái Thím S và bà Hoàng Thị Q số tiền đã nộp tạm ứng án phí là 325.000đ (Ba trăm, hai mươi năm ngàn đồng) theo biên lai thu tiền tạm ứng số 0006224 ngày 24/11/2017 của Chi cục thi hành án dân sự huyện B; Ông Sái Thiêm C và bà Mạ Thị N được miễn án phí dân sự sơ thẩm.
Án xử công khai sơ thẩm có mặt nguyên đơn, bị đơn, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn, của bị đơn Báo cho những người có mặt biết quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án.
Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 của Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 của Luật Thi hành án dân sự; Thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 củaLuật Thi hành án dân sự./.
Bản án 01/2018/DS-ST ngày 02/08/2018 về tranh chấp về quyền sở hữu tài sản (vật nuôi)
Số hiệu: | 01/2018/DS-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Thành phố Hạ Long - Quảng Ninh |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 02/08/2018 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về