Bản án 01/2018/DS-PT ngày 17/01/2018 về tranh chấp sử dụng lối đi chung

TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH YÊN BÁI

BẢN ÁN 01/2018/DS-PT NGÀY 17/01/2018 VỀ TRANH CHẤP SỬ DỤNG LỐI ĐI CHUNG

Ngày 17 tháng 01 năm 2018, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Yên Bái, xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số: 25/2017/TLPT-DS ngày 30 tháng 10 năm 2017 về Tranh chấp về sử dụng lối đi chung”.

Do bản án dân sự sơ thẩm số: 04/2017/DS-ST ngày 19 tháng 9 năm 2017của Tòa án nhân dân huyện VănYên, tỉnh Yên Bái bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 03/2018/QĐ-PT ngày 02 tháng 01 năm 2018, giữa các đương sự:

- Đng nguyên đơn: - Ông Đặng Văn N, sinh năm 1948

- Bà Nguyễn Thị S, sinh năm 1950

Địa chỉ: Thôn 3, xã B, huyện Y, tỉnh Yên Bái; có mặt.

- Đồng bị đơn: - Ông Nguyễn Trọng Đ, sinh năm 1959

- Bà Trần Thị M, sinh năm 1969

Địa chỉ: Thôn 3, xã B, huyện Y, tỉnh Yên Bái; có mặt.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Ủy ban nhân dân xã B, huyện Y, tỉnh Yên Bái

Đại diện theo ủy quyền: Ông Lê Cao T - Phó Chủ tịch; có mặt.

- Người kháng cáo: Ông Nguyễn Trọng Đ và bà Trần Thị M là đồng bị đơn.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo bản án sơ thẩm của Toà án nhân dân huyện Y, tỉnh Yên Bái thì vụ áncó nội dung như sau:

Tại đơn khởi kiện và các lời khai tiếp theo đồng nguyên đơn là ông Đặng Văn N và bà Nguyễn Thị S trình bày: Tháng 02-1979 gia đình ông bà có mua một thửa đất của người Hoa ở thôn 3, xã B, huyện Y, tỉnh Yên Bái để làm ăn, sinh sống. Thửa đất có ranh giới được xác định như sau: Phía Bắc và phía sau giáp đất nhà ông N1; một phía giáp đất nhà bà D, phía trước giáp ruộng. Từ thửa đất có lối đi rộng khoảng 3m ra đường lớn. Vào những năm 1988 trở đi gia đình thường xuyên chạy xe công nông đi xay xát di động phục vụ bà con theo lối đi này. Khi tỉnh có Nghị quyết di dời các hộ dân để khai hoang ruộng nước, năm 1990 gia đình ông bà chuyển đến nơi ở mới. Khu đất hoang đó được hợp tác xã chia cho các hộ theo khẩu trong đó có gia đình ông và gia đình ông Đ. Năm 2005 gia đình ông bà không thường xuyên trực tiếp ở trên diện tích đất đó mà đi lại với các con bên Thái Nguyên. Năm 2011 gia đình ông Đ đã dùng đất ở lối đi của nhà ông lấp xuống ao và lấn chiếm phần lối đi này. Do không còn lối đi vào canh tác khu ruộng trên, gia đình ông đã làm đơn đề nghị, Ủy ban nhân dân xã B đã tiến hành hòa giải nhưng không thành. Nay ông bà yêu cầu Tòa án buộc vợ chồng ông Đ, bà M phải trả lại diện tích đất mà trước đây là lối đi của gia đình ông bà.

Đồng bị đơn là ông Nguyễn Trọng Đ và bà Trần Thị M trình bày: Năm1996 gia đình ông bà đã nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của bà Vũ Thị D để cấy lúa  nước và hoa mầu. Diện tích đất này có ranh giới được xác định như sau: Phía Bắc giáp ruộng hợp tác xã; phía Tây giáp đường An Bình đi Lâm Giang; phía Nam giáp đất anh H; phía Đông giáp đất ông N. Năm 2000, ông bà đã được Ủy ban nhân dân huyện Y cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích đất trên, cụ thể diện tích là 1.020m2 trong đó có 200m2 đất ở; 820m2 đất vườn. Khi ông bà mua đất của bà D thì gia đình ông N đã bán phần đất đó. Đến tháng 01-2015 xảy ra tranh chấp , ông N đã ngang nhiên đem máy xúc đến phá rào, đổ đất vào đám ruộng cấy làm mất hiện trạng diện tích đất của gia đìnhông bà. Nay ông N, bà S yêu cầu ông bà trả lại phần diện tích đất trên ông bà không nhất trí vì gia đình đã sử dụng ổn định 19 năm nay và đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Người đại diện theo ủy quyền của Ủy ban nhân dân xã B, huyện Y, tỉnh Yên Bái trình bày: Trước năm 1979 diện tích đất đang tranh chấp thuộc lối đi riêng của hộ gia đình ông A. Từ năm 1979 đến năm 1983 là lối đi riêng của hộ gia đình ông Đặng Văn N (mua lại của ông Trúng Hoa P). Vào khoảng năm1984-1986, ông N chuyển đi nơi khác theo quy hoạch khai hoang ruộng nước (cóhỗ trợ công khai phá) thì lối đi đó thuộc UBND xã B quản lý. Nhóm các hộ gia đình bà Trần Thị P1, bà Trần Thị B1, ông Nguyễn Xuân T, ông Đặng Xuân V1(nhận chuyển nhượng của ông Đặng Xuân K), ông Nguyễn Xuân T1, bà Lầu Thị Đ1, ông Đặng Văn N cùng đi lại, không thuộc quyền quản lý, sử dụng riêng của hộ gia đình, cá nhân nào.Trong thời gian ở đó gia đình ông N có kinh doanh máy xát gạo nên người dân thường xuyên đi lại trên lối đi này, hiện trạng là đường đất chiều rộng khoảng 3m xe con có thể đi vào được.

Tại bản án số: 07/2016/DS-ST ngày 29-9-2016 của Tòa án nhân dân huyện Y, tỉnh Yên Bái quyết định: Áp dụng điểm b khoản 2 Điều 203 Luật Đất đai; các Điều 255; 256; khoản 1 Điều 599 Bộ luật Dân sự. Tuyên xử:

Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của các nguyên đơn;

Buộc ông Nguyễn Trọng Đ, bà Trần Thị M có nghĩa vụ phải thu dọn cây cối hoa mầu và hoàn trả cho ông Đặng Văn N, bà Nguyễn Thị S diện tích đất63m2 với ranh giới như sau: Phía Bắc giáp đất lúa của ông Kcó chiều dài là 3m;phía Nam giáp đất hàng năm của ông N có chiều dài là 3m; phía Đông giáp đất ông Đ có chiều dài là 21m; phía Tây có 10m giáp đất hàng năm của ông N và11m giáp đất lúa của bà D1.

Ngoài ra, án sơ thẩm còn tuyên về án phí, chi phí xem xét thẩm định tại chỗ và quyền kháng cáo, quyền yêu cầu thi hành án cho các đương sự theo luật định.

Ngày 10-10-2016 đồng bị đơn là ông Nguyễn Trọng Đ, bà Trần Thị M kháng cáo với nội dung: Kháng cáo toàn bộ nội dung bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện Y, tỉnh Yên Bái.

Tại Quyết định số: 01/ 2017/QĐ-PT ngày 19-01-2017 của Toà án nhân dân tỉnh Yên Bái đã huỷ án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án đình chỉ do người kháng cáo ông Đ, bà M rút đơn kháng cáo, đồng nguyên đơn ông N, bà S rút đơn khởi kiện.

Ngày 04-4-2017, Toà án nhân dân huyện Y thụ lý lại vụ án " Tranh chấp lối đi chung" giữa đồng nguyên đơn ông N, bà S và đồng bị đơn ông Đ, bà M.

Tại bản án số: 04/2017/DS-ST ngày 19-9-2017 của Tòa án nhân dân huyện Y, tỉnh Yên Bái quyết định: Áp dụng Điều 171 của Luật Đất đai; Điều 254 của Bộ luật Dân sự. Tuyên xử:

Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của đồng nguyên đơn: Buộc ông Nguyễn Trọng Đ, bà Trần Thị M có nghĩa vụ phải thu dọn các cây cối hoa mầu và trả lại diện tích đất 63m2    với ranh giới như sau: Phía Bắc giáp đất lúa của ông Kcó chiều dài là 3m; phía Nam giáp đất hàng năm của ông N có chiều dài là 3m; phía Đông giáp đất ông Đ có chiều dài là 21m; phía Tây có 10m giáp đất hàng năm của ông N và 11m giáp đất lúa của bà D1 H1để sử dụng làm lối đi chung. Tạmgiao cho Uỷ ban nhân dân xã B, huyện Y, tỉnh Yên Bái quản lý lối đi chung này. Không bên nào được cản trở bên nào sử dụng lối đi chung đó.

Ngoài ra, án sơ thẩm còn tuyên về án phí và quyền kháng cáo, quyền yêu cầu thi hành án cho các đương sự theo luật định.

Ngày 03-10-2017 đồng bị đơn là ông Nguyễn Trọng Đ, bà Trần Thị M kháng cáo với nội dung: Kháng cáo toàn bộ nội dung bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện Y, tỉnh Yên Bái.

Trong quá trình giải quyết tại cấp phúc thẩm và tại phiên tòa phúc thẩm, đồng nguyên đơn ông N, bà S vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện, đồng bị đơn ông Đ, bà M vẫn giữ nguyên nội dung kháng cáo.

Đại diện Viện kiểm sát phát biểu ý kiến việc tuân theo pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án dân sự ở giai đoạn phúc thẩm: Việc tuân theo pháp luật của Thẩm phán được phân công làm Chủ tọa phiên tòa, những người tiến hành tố tụng khác và những người tham gia tố tụng từ khi thụ lý vụ án phúc thẩm đến quá trình xét xử phúc thẩm đã thực hiện đúng quy định của pháp luật. Về nội dung vụ án, đại diện Viện kiểm sát cho rằng: Toà án cấp sơ thẩm đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng về xem xét, thẩm định tại chỗ, về áp dụng pháp luật và đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm áp dụng: Khoản 3 Điều 308, khoản 1 Điều 310 của Bộ luật Tố tụng dân sự, chấp nhận kháng cáo của đồng bị đơn ông Đ, bà M; huỷ án sơ thẩm số: 04/2017/DS-ST ngày 19-9-2017 của Toà án nhân dân huyện Y để giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra công khai tại phiên tòa phúc thẩm và kết quả tranh luận tại phiên tòa, sau khi thảo luận và nghị án Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận định:

[1] Về quan hệ tranh chấp: Toà án cấp sơ thẩm đã xác định đúng quan hệ tranh chấp của vụ án là "Tranh chấp về sử dụng lối đi chung".

[2] Về tư cách người tham gia tố tụng: Diện tích đất tranh chấp giữa các đương sự là lối đi chung của 09 hộ gia đình, gồm: Hộ gia đình bà Trần Thị P1, bà Trần Thị B1, ông Nguyễn Xuân T, ông Đặng Xuân V1(nhận chuyển nhượng của ông Đặng Xuân K), ông Nguyễn Xuân A1, bà Nguyễn Thị E (E1), ông Nguyễn Xuân T1, bà Lầu Thị Đ1, ông Đặng Văn N cùng đi lại, không thuộc quyền quản lý, sử dụng riêng của hộ gia đình, cá nhân nào và hiện nay do Uỷ ban nhân dân xã B đang trực tiếp quản lý (Công văn số: 34/CV-UBND ngày 24-8-2017 của Uỷ ban nhân dân xã B). Tòa án cấp sơ thẩm đã không xác minh để đưa các hộ gia đình nêu trên tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án là thiếu người tham gia tố tụng.

[3] Về thủ tục tố tụng: Tòa án cấp sơ thẩm đã có nhiều sai sót về thủ tục tố tụng như:

Hồ sơ vụ án không có bản tự khai cũng như biên bản lấy lời khai của đồng bị đơn ông Đ, bà M.

Ngày 05-7-2017, Tòa án nhân dân huyện Y đã ra Thông báo về phiên họp về kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải số 21/TB-TA, thời gian mở phiên hòa giải là ngày 11-7-2017, nhưng trong Thông báo hòa giải Tòa án chỉ thông báo cho đồng nguyên đơn và đồng bị đơn mà không thông báo cho các đương sự khác để tham gia phiên hòa giải (Bút lục 64) và nội dung Biên bản về kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ không công bố rõ các đương sự đã nộp các chứng cứ, tài liệu cụ thể nào là vi phạm quy định tại Điều210, Điều 211 của Bộ luật Tố tụng dân sự.

[4] Về việc thu thập chứng cứ:

Trong vụ án này, đồng bị đơn là ông Đ và bà M đều khai nguồn gốc đất là do nhận chuyển nhượng từ bà Vũ Thị D từ năm 1996. Tuy nhiên, Tòa án cấp sơ thẩm không tiến hành biện pháp thu thập chứng cứ: Không có lời khai của bà D về nguồn gốc đất chuyển nhượng cho ông Đ, khi chuyển nhượng đất cho ông Đ, bà có chuyển nhượng cho ông Đ cả phần lối đi nhà ông N hay không? Hiện trạng con đường đi tại thời điểm bà chuyển nhượng đất cho gia đình ông Đ? Tại Tòa án cấp sơ thẩm đồng bị đơn chỉ xuất trình giấy tờ chuyển nhượng viết tay, không có chứng thực của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để làm rõ nguồn gốc đất đang tranh chấp.

Đồng nguyên đơn ông N, bà S khai nguồn gốc đất là do ông bà mua lại của người Hoa để sinh sống, làm ăn. Tại thời điểm mua đất vẫn có lối đi vào khu đất đó. Năm 1997 gia đình ông bà đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng960m2 đất để trồng lúa và kết quả thẩm định, xem xét tại chỗ của Tòa án cấp sơthẩm thì diện tích đất tranh chấp không nằm trong phần đất của ông Đ đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông N, bà S được cấp 960m2 đất, nhưng thời hạn sử dụng đất đã hết từ năm 2014. Mặt khác, Ủy ban nhân dân xã B, huyện Y là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cũng không cung cấp cho Tòa án bản đồ giải thửa hoặc hồ sơ kỹ thuật của thửa đất đang tranh chấp (nếu có) để có căn cứ  chứng minh rằng quyền sử dụng đất của ông N, bà S có liên quan đến lối đi chung.

Tại Biên bản hoà giải ngày 11-7-2017, đồng bị đơn ông Đ, bà M không nhất trí với yêu cầu của ông N, bà S về con đường đi rộng 3m và có yêu cầu ông N, bà S phải dọn hết số đất ông bà đã đổ xuống ruộng nhà ông Đ để tạo mặt bằng cho ông bà trồng cấy. Toà án cấp sơ thẩm chưa làm rõ yêu cầu này của ông Đ, bà M có phải là yêu cầu phản tố hay không để đưa vào giải quyết triệt để trong cùng một vụ án.

Về xem xét, thẩm định tại chỗ: Toà án cấp sơ thẩm không tiến xem xét thẩm định tại chỗ diện tích đất có tranh chấp để xác định cụ thể diện tích đất tranh chấp hiện nay là bao nhiêu mà lại sử dụng kết quả xem xét, thẩm định tại chỗ của vụ án sơ thẩm (đã bị đình chỉ xét xử phúc thẩm và huỷ án sơ thẩm) khi chưa được sự nhất trí của các đương sự. Mặt khác, việc sử dụng kết quả xem xét thẩm định ngày 10-8-2016 (gọi tắt là cũ) không được thu thập theo đúng trình tự tố tụng, vi phạm quy định tại Điều 106 của Bộ luật Tố tụng dân sự.

Về kết quả xem xét, thẩm định (cũ) có sự mâu thuẫn với hiện trạng sử dụng và lời khai của các đương sự trong vụ án. Tại Biên bản phiên toà sơ thẩm ngày19-9-2017 (Bút lục số 107-118), ông Đặng Xuân V1là người làm chứng đã xác nhận: "Đất nhà tôi sử dụng từ năm 1993, phía ngoài đường có 01 hố vôi, chiều dài 6m, rộng 4m. Bên trong là ruộng cấy (đám trũng) bên cạnh có 01 con đường vào khoảng 1m, cao 80cm so với ruộng nhà bà D1. Bề mặt đất con đường to dần vào phía trong bụi tre là 1,2m, chiều dài khoảng 15m. Gia đình tôi vẫn sử dụng con đường đó làm lối đi vào ruộng".

Cũng tại Biên bản phiên toà, khi được hỏi về "Hiện nay diện tích bề mặt con đường là bao nhiêu?" ông N đã trình bày "Chiều rộng là 40cm đến 50cm". Như vậy, về chiều rộng lối đường đi chung có tranh chấp chỉ là 2,5m, chứ không phải là 3m như kết quả thẩm định ngày 10-8-2016. Toà án cấp sơ thẩm không tiến hành xem xét, thẩm định tại chỗ lại diện tích lối đi chung có tranh chấp theo hiện trạng thực tế mà lại sử dụng kết quả xem xét thẩm định (cũ) thiếu chính xác để tuyên buộc ông Đ, bà M phải trả lại diện tích đất 63m2 có vị trí nêu trên là không có căn cứ, dẫn đến khó khăn cho thi hành án. Mặt khác, việc Toà án cấp sơ thẩm quyết định tạm giao lối đi chung cho Uỷ ban nhân dân xã B quản lý, sử dụng là không đúng. Vì lối đi chung này đương nhiên thuộc quyền quản lý sử dụng của Uỷ ban nhân dân xã B, huyện Y.

Ngoài ra, Toà án cấp sơ thẩm còn một số sai sót khác cần khắc phục như: Trong phần thủ tục phiên toà (Bút lục số 86) về sự vắng mặt của đồng bị đơn, ngoài ý kiến của các đương sự có mặt tại phiên toà, cần phải có ý kiến đại diện Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp; về Thông báo mở lại phiên toà (Bút lục số 87) Toà án nhân dân huyên Văn Yên yêu cầu ông bà nào? có mặt.. cần cụ thể hơn nữa; về thời gian: Biên bản nghị án (Bút lục 95) có sự mâu thuẫn với Biên bản phiên toà sơ thẩm (Bút lục 107-118).

[5] Về áp dụng pháp luật: Đây là vụ án tranh chấp về sử dụng lối đi chung không phải là tranh chấp quyền sử dụng đất, chủ sở hữu có bất động sản không bị vây bọc bởi bất động sản khác nên việc Toà án cấp sơ thẩm áp dụng Điều 245 của Bộ luật Dân sự để giải quyết vụ án là không chính xác.

Từ những nhận định trên, thấy rằng Toà án cấp sơ thẩm khi giải quyết vụ án không xác định đầy đủ tư cách của người tham gia tố tụng, thiếu người tham gia tốtụng là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.Việc thu thập chứng cứ và chứng minh chưa được thực hiện đầy đủ mà tại phiên toà phúc thẩm không thể thực hiện bổ sung được, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự có liên quan. Vì vậy, kháng cáo của các đồng bị đơn ông Đ, bà M là có căn cứ cần được chấpnhận.

[6] Do yêu cầu kháng cáo của các đồng bị đơn ông Đ, bà M được chấp nhậnnên ông Đ, bà M không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.

Vì các lẽ trên;

Căn cứ vào khoản 3 Điều 148, khoản 3 Điều 308, Điều 310 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; khoản 3 Điều 29 Nghị quyết 326/2016 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

QUYẾT ĐỊNH

1. Chấp nhận yêu cầu kháng cáo của các đồng bị đơn: Ông Nguyễn Trọng Đ, bà Trần Thị M. Huỷ toàn bộ bản án dân sự sơ thẩm số: 04/2017/DS-ST ngày 19-9-2017 của Toà án nhân dân huyện Y, tỉnh Yên Bái và chuyển hồ sơ vụ án cho Toà án nhân dân huyện Y giải quyết lại vụ án.

2. Về án phí phúc thẩm: Các đồng bị đơn ông Nguyễn Trọng Đ, bà Trần Thị M không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm được hoàn lại số tiền tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp tại  Biên lai thu tiền tạm ứng án phí số: AA/2013/04577 ngày 17-10-2017 của Chi cục thi hành án dân sự huyện Y.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

2232
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 01/2018/DS-PT ngày 17/01/2018 về tranh chấp sử dụng lối đi chung

Số hiệu:01/2018/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Yên Bái
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 17/01/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về