Bản án 01/2017/ST-DS ngày 22/11/2017 về tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN YÊN CHÂU, TỈNH SƠN LA

BẢN ÁN 01/2017/ST-DS NGÀY 22/11/2017 VỀ TRANH CHẤP VỀ BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI NGOÀI HỢP ĐỒNG

Ngày 22 tháng 11 năm 2017, tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La mở phiên tòa xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số: 102/2017/TLST-DS, ngày 29/6/2017 về việc “Tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng” theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 01/2017/QĐXXST- DS ngày 27/10/2017 giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Ông Đỗ Văn H, sinh năm 1978; Địa chỉ Bản K xã Y, huyện Y, tỉnh Sơn La; Có mặt.

- Bị đơn:

+ Bà Đỗ Thị N, sinh năm 1968.

Địa chỉ: Trú tại bản K, xã Y, huyện Y, tỉnh Sơn La. Có mặt.

+ Anh Phạm Bá D, sinh 1996.

Địa chỉ: Trú tại bản K, xã Y, huyện Y, Tỉnh Sơn La. Có mặt.

-Người có quyền, lợi ích liên quan:

Đỗ Văn T, sinh năm 1983.

Địa chỉ: Trú tại bản K, xã Y, huyện Y, tỉnh Sơn La. Có mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện đề ngày 16/5/2017 và ở những lời khai thể hiện trong hồ sơ vụ án, nguyên đơn ông Đỗ Văn H trình bày:

Vào khoảng 5 giờ sáng ngày 23/8/2016, trong lúc gia đình ông đang ngủ, thì nghe tiếng chửi ngoài cổng, nghe chửi tên mình ông H ra ngoài cổng xem thì thấy nhà ông D’’ 4 người kéo nhau sang ngõ nhà ông chửi bới và ném đã vào nhà ông. Trong lúc này có vợ và 03 con của ông đang đứng ở sân, ông nói là đừng ném nữa, nhưng họ vẫn vẫn cố tình ném. Ông cầm mảnh ngói ở dưới chân ném xuống đường để dọa nhưng không trúng vào ai. Cùng lúc này D con bà N cúi xuống và cầm vật gì đó ném thẳng vào đầu ông H, ông giơ tay lên che đầu và chúng vào cổ tay ông và thấy rất đau và chảy nhiều máu. Sau đó Công an bản, xã làm việc và bảo ông đi khám kiểm tra vết thương, ông đã đi kiểm tra và kết quả là ông đã bị gẫy xương trụ tay phải. Ông đã phải nằm viện Đa khoa Y bó bột và điều trị trong thời gian 06 ngày và về nhà vẫn bó bột ở tay phải không lao động được 02 tháng. Trong thời gian đó ông đã phải bỏ một số chi phí như:

-Chi phí khám và điều trị tại phòng khám Ngọc Châu 900.000đồng;

-Tiền tàu xe đi viện Y và về nhà 600.000đồng;

-Tiền thuốc điều trị tại bệnh Viện và chi phí khác 2.000.000đồng;

-Tiền ăn uống của ông và vợ ông trong thời gian nằm viện 6 ngày mỗi ngày 300.000đồng là 1.800.000đồng;

-Tiền thuốc nam 03 đợt là 1.200.000đồng;

- Tiền thuê người làm trong thời gian ông không lao động được 60 ngày mỗi ngày 150.000đồng là 9.000.000đồng.

Tổng cộng ông H đề nghị bà Đỗ Thị N và anh Phạm Bá D phải bồi thường các khoản trên là 15.500.000đồng (Mười lăm triệu năm trăm nghìn đồng)

Bị đơn bà Đỗ Thị N trình bày và đề nghị:

Vào sáng sớm ngày 23/8/2016 khi gia đình bà đang ngủ thì có bà Lê Thị T là mợ của nhà ông H, bà L sang nhà bà gọi bà dậy sang nhà H, L để nói chuyện cho rõ ràng về việc hôm trước gia đình H, L cho là anh Phạm Bá D con trai của bà bắn con ngan của H, L chết. Bà đã dậy mở cổng ra cùng bà T sang ngõ nhà H, L đứng ngoài đường nhựa thì thấy bà L đứng trong sân chửi ra, còn ông H đã chuẩn bị sãn 01 cái gậy to, dài 01m đi thẳng ra cổng về phía bà đang đứng ở ngoài đường nhựa. 02 đứa con gái mỗi đứa chuẩn bị 01 cái điện thoại để quay và chụp ảnh. Hai bên cãi chửi nhau một lúc, ông H cầm gậy tiến sát ra ngõ chỗ bà đứng giơ gậy để đập bà, bà đã kêu lên nói là: “ Thằng H kia mày cầm gậy để đánh tao à ...” lúc đó ông H mới bỏ gậy xuống và cúi xuống bê lên 01 viên ngói đỏ ném thẳng về phía bà, nhưng bà đã tránh được. Xong ông H lại cúi xuống nhạt tiếp 01 viên gạch Ba vanh to, hai tay đưa lên để choảng thẳng vào đầu bà, lúc này bà để tự vệ đã nhìn qua rìa đường bờ rào cầm được đoạn tre quay lại vụt 02 – 03 cái về phía ông H đang cầm viên gạch lên để choảng vào bà thì ông H mới chịu bỏ viên gạch xuống.

Sau khi sự việc xẩy ra có hàng xóm, dân bản đến xem và báo cáo chính quyền bản và công an bản đến kiểm tra hiện trường và Công an viên là ông Bùi Văn T đã thu gom nhặt số ngói vỡ mà ông H đã ném vào bà để làm tang vật gửi ra Công an xã và huyện. Sau đó hai bên không có ý kiến gì, sự việc chỉ dừng lại ở việc cãi vã chửi nhau, gây rối trị an ở xóm, không có văn bản giấy tờ gì về việc đánh nhau gây thương tích.....Không hiểu vì lý do gì mà hai, ba ngày sau ông H đi kiểm tra vết thương cho rằng gẫy xương do bị bà và anh D đánh và đề nghị bồi thường đến 15.500.000đồng ( Mười lăm triệu năm trăm nghìn đồng) bà N không chấp nhận với lý do là ngay sau khi xẩy ra sự việc ông H không báo Công an, trưởng bản, Công an xã đến làm việc lập biên bản xác định mình bị đánh gây thương tích có xác nhận của bản, người làm chứng mà đến hai, ba ngày sau mới báo xã và đi khám. Ngoài ra bà N đề nghị giải quyết việc gia đình ông H vu khống cho con trai bà là Phạm Bá D cầm súng bắn trộm ngan và việc bà T sáng sớm gọi bà dậy đi sang nhà ông H là có mục đích gì.

Bị đơn anh Phạm Bá D trình bày và đề nghị:

Sáng sớm ngày 23/8/2016 khi trời chưa sáng anh D vẫn còn đang ngủ thì thấy tiếng cãi nhau ầm ầm, anh D dậy ra xem thì thấy mẹ cùng vợ anh và mấy người hàng xóm trong đó thấy bà T đang đứng ngoài đường đối diện cổng nhà H, L, anh thấy ông H đứng trong cổng bê viên ngói ném mẹ anh, xong lại cúi xuống bê gạch Ba vanh để choảng lên đầu mẹ anh. Thấy thế anh cũng đi lại gần cũng giả vờ cúi xuống nhặt bằng tay không giả vờ ném dọa cho ông H sợ, sau đó Công an, trưởng bản và nhiều người dân đến thì anh đi về. Ông H đề nghị bà N và anh phải bồi thường số tiền 15.500.000đồng ( Mười lăm triệu năm trăm nghìn đồng) anh không chấp nhận vì anh không gây ra thương tích cho ông H.

Người có quyền, lợi ích liên quan trong vụ án ông Đỗ Văn T trình bày:

Anh là em trai ông H, ông H bị đánh gây thiệt hại, anh là người trực tiếp đưa ông H đi khám và điều trị, cụ thể ông H nằm viện tại Bệnh viện Y 06 ngày từ ngày 25/8/2016 đến ngày 31/8/2016 anh là người trực tiếp ở lại chăm sóc anh trai là ông H. Tại phiên tòa anh T không yêu cầu bà N phải bồi thường tiền công thu nhập bị mất và các khoản tiền khác trong thời gian anh nghỉ việc chăm sóc anh trai là ông H.

Ý kiến của đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Yên Châu tham gia phiên tòa:

Kiểm sát viên phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng dân sự trong quá trình giải quyết vụ án của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký tòa án và việc chấp hành pháp luật của người tham gia tố tụng; Thẩm phán đã thụ lý vụ án, thu thập chứng cứ, quyết định đưa vụ án ra xét xử đúng quy định về thẩm quyền, thời hạn, trình tự, thủ tục tố tụng; phiên tòa được mở đúng thời hạn, Hội đồng xét xử thực sự thực hiện đúng quy định của Bộ Luật Tố tụng Dân sự 2015. Thư ký Tòa án tiến hành đúng nhiệm vụ của Thư ký theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự. Nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi liên quan trong vụ án đã thực hiện đầy đủ, đúng các quyền và nghĩa vụ của đương sự theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.

Về đường lối giải quyết vụ án:

Kiểm sát viên đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ vào khoản 1 Điều 604; khoản 1 Điều 609; Điều 617 Bộ Luật Dân sự 2005; Căn cứ Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35; Điều 147 Bộ luật tố tụng dân sự; Căn cứ Nghị quyết số: 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08 tháng 7 năm 2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

Chấp nhận một phần nội dung đơn khởi kiện của ông Đỗ Văn H, buộc bà Đỗ Thị N phải bồi thường các khoản chi phí hợp lý cho ông H. Căn cứ Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, buộc bà Đỗ Thị N phải chịu án phí sơ thẩm theo quy định của pháp luật.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ đã được xem xét tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

[1]Về thủ tục tố tụng: Đây là vụ án có dấu hiệu về hình sự, sau khi có tin báo Cơ quan Điều tra Công an huyện Y đã tiến hành điều tra, xác minh làm rõ và trưng cầu giám định xác định thương tích của ông Đỗ Văn H 7% không đủ yếu tố cấu thành tội cố ý gây thương tích đối với Đỗ Thị N nên Cơ quan Điều tra đã xử lý hành chính đối với bà N và chuyển hồ sơ theo yêu cầu của ông H đến Tòa án để giải quyết về bồi thường dân sự là đúng pháp luật.

[2] Về thẩm quyền: Anh Đỗ Văn H khởi kiện chị Đỗ Thị N và anh Phạm Bá D tại Tòa án nhân dân huyện Y phải bồi thường thiệt hại về sức khỏe. Tòa án huyện Y thụ lý và giải quyết việc kiện trên là tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo quy định tại khoản 6 Điều 26 Bộ luật tố tụng dân sự. Tòa án nhân dân huyện Y giải quyết việc kiện trên là đúng thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

[3] Về áp dụng luật về nội dung: Theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 688 Bộ Luật Dân sự 2015 thì: Giao dịch dân sự được thực hiện xong trước ngày Bộ luật này có hiệu lực mà có tranh chấp thì áp dụng quy định của Bộ luật dân sự số: 33/2005/QH11 và các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết Bộ luật dân sự số: 33/2005/QH11 để giải quyết. Đối với vụ án này, sự kiện pháp lý xẩy ra trước khi bộ luật dân sự năm 2015 có hiệu lực, nay có tranh chấp thì cần áp dụng quy định của Bộ luật dân sự năm 2005 để giải quyết.

[4] Về nội dung:

Căn cứ vào kết quả điều tra do công an huyện Y tiến hành và qua kết quả điều tra, xác minh của Tòa án trong quá trình giải quyết vụ án và kết quả tranh tụng tại phiên tòa xác định vào khoảng 5 giờ sáng ngày 23/8/2016, bà Lê Thị T có gọi bà Đỗ Thị N sang nhà ông H, bà L để làm rõ chuyện anh Phạm Bá D ( là con trai bà N) dùng súng côn bắn chết con ngan nhà ông H. Sau đó bà N đã dậy đi theo bà T đến cổng nhà ông H gọi bà Đào Thị L ra nói chuyện, bà L không ra mà đứng trong nhà chửi, bà N cũng chửi bà L. Thấy vậy ông H cầm 01 đoạn gậy là cán cuốc đi ra và để đoạn gậy ở giữa sân nhà và đi ra trước cổng nhà hỏi xem có chuyện gì, sau đó hai bên có gây gổ xô sát với nhau, cụ thể là:

Bà Đỗ Thị N liên tục nhặt gạch đá vụn ở lề đường ném vào trong sân nhà ông H và chửi nhau với bà L, ông H cũng nhặt mảnh ngói ở trong sân ném ra đường nhưng không trúng vào ai. Sau đó ông H đứng ở góc cổng bên phải ( Hướng từ ngoài đường vào trong nhà) nhặt 01 viên gạch Ba vanh bê lên trên đầu dọa ném, khi ông H vừa đặt viên gạch xuống thì bị bà N dùng 01 thanh tre dài khoảng 01m, dầy 03 cm vụt vào ông H, ông H giơ tay phải lên ngang đầu để đỡ nên gậy tre đã trúng vào cánh tay phải ông H. Cùng lúc đó Phạm Bá D con bà N cũng cúi xuống giả vờ nhặt một vật gì đó và giơ tay không lên làm động tác ném về phía ông H nhằm mục đích dọa cho ông H sợ. Sau khi ông H bị bà N vụt thanh tre vào tay thì ông H giơ tay lên cho mọi người xem và nói: “ Thằng D mày ném vào tay tao nhé”.

Đến chiều ngày 23/8/2016 ông H thấy cánh tay phải bị bà N dùng Thanh tre vụt trúng bị đau nhức, không cử động được đã đến trạm xá Y và đến chụp X quang tại phòng khám Đa khoa 115 Cò Nòi, huyện M, tỉnh Sơn La. Kết quả ông H bị gẫy kín 1/3 xương cẳng tay phải. Ngày 25/8/2016 ông H đi điều trị tại Bệnh viên Đa khoa Y đến ngày 31/8/2016 thì ra viện.

- Tại biên bản ghi lời khai ngày 25/8/2016 (BL 22) bà N khai: “ Anh H lại cúi xuống nhặt viên gạch “Ba Vanh” lên định ném tôi, thấy vậy tôi mới nhặt lấy một đoạn tre dài khoảng 01m, to khoảng 02cm, tôi cầm đoạn tre đó bằng tay phải vụt 2-3 phát vào trong cổng, nhưng tôi khẳng định trúng một phát vào tay phải anh H.....” - Tại biên bản ghi lời khai ngày 19/9/2016 (BL 25) bà N cũng khai: “ Quá trình xảy ra sự việc tôi có sử dụng một thanh tre khô dài khoảng 1m, dầy 0,5cm, rộng khoảng 03cm bằng 02 ngón tay người lớn, đánh ba phát về phía anh H, trong đó có một phát trúng vào cạnh cẳng tay phải anh H...” - Tại biên bản ghi lời khai ngày 20/10/2016 (BL 27) bà Đỗ Thị N thừa nhận: “ Tôi cầm thanh tre bằng tay phải vụt theo tường hướng từ trên xuống dưới về phía anh H, anh H giơ tay phải lên đỡ và tôi vụt trúng cẳng tay phải của anh H.....” - Tại biên bản ghi lời khai ngày 12/10/2016 (BL 33) anh Phạm Bá D khai: “ Khi đó thấy anh H bê viên gạch Ba Vanh lên định ném mẹ tôi, tôi cũng lao vào làm động tác như ném một vật gì đó về phía anh H, anh H giơ tay phải lên ngang mặt đỡ, đồng thời mẹ tôi đứng ngoài cổng dùng 01 thanh tre vụt trúng cánh tay phải của anh H, vết thương ở cánh tay anh H là do mẹ tôi gây ra”.

Từ những căn cứ trên xác định bà Đỗ Thị N là người gây ra thương tích cho ông Đỗ Văn H bị gẫy kín 1/3 xương cánh tay phải phải nằm điều trị tại Bệnh viên Đa khoa huyện Y từ ngày 25/8/2016 đến ngày 31/8/2016 thì ra viện. Trong quá trình giải quyết vụ án cũng như tại phiên tòa nguyên đơn ông Đỗ Văn H đề nghị bà Đỗ Thị N phải bồi thường cho ông những chi phí mà ông phải bỏ ra trong quá trình điều trị như ông đã đề nghị trên đây tổng số tiền là 15.500.000đồng (Mười lăm triệu năm trăm nghìn đồng).

Xét đề nghị trên của ông H đối chiếu với quy định tại Điều 604 của Bộ luật dân sự năm 2005 quy định về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại thì thấy đề nghị trên của ông H là có cơ sở một phần vì các lẽ:

-Có thiệt hại thực tế xẩy ra về sức khỏe đối với ông H;

-Hành vi dùng gậy tre đập vào tay ông Hạnh của bà Đỗ Thị N là hành vi trái pháp luật;

- Người gây ra thiệt hại có lỗi là lỗi cố ý;

- Có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật của bà N và hậu quả xẩy ra đối với ông H.

Tuy nhiên khi ấn định mức bồi thường cần phải xem xét đánh giá về các khoản yêu cầu bồi thường của ông H theo quy định của pháp luật là có căn cứ hay không. Qua xem xét đối chiếu với quy định của pháp luật và nghị quyết số: 03/2006/NQ-HĐT ngày 08 tháng 7 năm 2006 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao, hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật dân sự năm 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thì yêu cầu của ông Đỗ Văn H có những khoản yêu cầu bồi thường, Tòa án không có cơ sở chấp nhận vì ông H không có chứng từ hoặc giấy biên nhận hợp lệ về các khoản chi phí hợp lý theo quy định của pháp luật, cụ thể như sau:

- Khoản chi phí khám và điều trị tại phòng khám Ngọc Châu ông H nêu ra phải chi phí hết 900.000đồng. Qua xem xét các chứng từ thể hiện trong hồ sơ vụ án ông H mua thuốc tại đơn thuốc ngày 23/8/2016 là 360.000đồng; phiếu thu tiền dịch vụ X Quang 100.000đồng; phiếu thu tiền dịch vụ thủ thuật 250.000đồng. Tổng cộng 710.000đồng là số tiền mà Hội đồng xét xử có căn cứ để chấp nhận;

-Tiền tàu xe đi về của ông H và một người thân từ nhà đi viện và từ viện về nhà ông H chi hết 600.000đồng, nhưng trong quá trình giải quyết vụ án cũng như tại phiên tòa ông H không có căn cứ chứng minh chi phí tàu xe hết số tiền như trên. Tuy nhiên việc ông H và một người đi viện điều trị là có thực tế và đương nhiên phải bỏ ra chi phí tàu xe, theo quãng đường từ Kim Sơn đến Bệnh viện huyện Y nếu đi xe máy thì chi phí khoảng 150.000đồng/ người cả lượt đi và về. Do đó Tòa chỉ chấp nhận tiền tàu xe 300.000đồng, buộc bà N phải bồi thường cho ông H.

-Tiền thuốc điều trị tại Bệnh viện và chi phí khác 2.000.000đồng, ông H đề nghị bà N phải bồi thường số tiền trên. Tại bảng kê chi phí khám, chữa bệnh nội trú do ông H xuất trình tại tòa án thể hiện số tiền mà người bệnh phải chi trả cho bệnh viện 2.006.784đồng, nhưng ông H có tham gia bảo hiểm Y tế nên quỹ bảo hiểm đã chi trả cho ông H 1.605.426đồng. Ông H chỉ phải nộp cho bệnh viện 477.158đồng. Như vậy khoản tiền thuốc và chi phí khác tại bệnh viện cần buộc bà N bồi thường cho ông H là 477.158đồng. Ngoài khoản trên tòa không có cơ sở để chấp nhận.

-Tiền ăn uống 6 ngày điều trị tại bệnh viện của 02 người là ông H và người thân chăm sóc 1.800.000đồng, khoản chi phí này tòa không chấp nhận vì ở đâu thì người nhà và người bệnh đều phải ăn uống sinh hoạt, tuy nhiên khoảng thời gian này do bị đánh gây thương tích và phải nghỉ việc đi điều trị và một người thân phải nghỉ việc chăm sóc, theo quy định tại điểm b, c khoản 1 Điều 609 Bộ luật dân sự năm 2005 thì thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm gồm:“ b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại c) Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị;

Theo quy định trên đây thì ông H là người bị thiệt hại phải nằm điều trị tại bệnh viện, không lao động được (Thu nhập bị mất) và người thân là ông Đỗ Văn T phải nghỉ việc (Thu nhập bị mất) để chăm sóc ông H tại bệnh viện trong thời gian 06 ngày, khoản thu nhập bị mất này của ông H và ông T, bà Đỗ Thị N phải bồi thường. Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 609 Bộ luật dân sự năm 2005 thì thu nhập thực tế của ông H, ông T không ổn định và không xác định được cần áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại. Căn cứ xác định mức thu nhập trung bình của ông H, 110.000đồng/ngày vì tại biên bản xác minh về thu nhập của ông H tại địa phương có ý kiến cho là 120.000đồng/ngày. Còn ý kiến khác là 100.000đồng /ngày, tòa lấy mức trung bình của hai ý kiến trên là: 220.000đồng : 2 = 110.000đồng/ngày. Vậy bà Đỗ Thị N phải có trách nhiệm bồi thường phần thu nhập bị mất của ông H 6 ngày điều trị tại bệnh viện: 110.000đồng x 06 ngày = 660.000đồng. Tại phiên tòa ông Đỗ Văn T không yêu cầu bồi thường khoản tiền ông nghỉ việc để chăm sóc ông Hạnh trong 06 ngày ông H nằm viện, vậy Hội đồng xét xử không xem xét.

-Tiền thuốc nam đắp tay 1.200.000đồng có giấy biên nhận của thầy thuốc đây là khoản chi phí hợp lý cần chấp nhận;

-Tiền thuê người làm trong thời gian ông H không lao động được 60 ngày mỗi ngày 150.000đồng tổng cộng 9.000.000đồng: Khoản tiền thuê người làm mà ông H đề nghị trên, Hội đồng xét xử thấy không có cơ sở để chấp nhận toàn bộ nội dung đề nghị trên, vì lẽ: ông Đỗ Văn H không chứng minh được ông H bị bó bột ở tay trong thời gian dài 60 ngày không lao động được, làm thu nhập của ông bị mất và phải thường xuyên thuê người làm thay, tại Tòa án ông H cũng có xuất trình một số biên nhận của một số người nêu ra là đã làm thuê cho ông H trong thời gian khoảng từ 5 đến 23 ngày, tuy nhiên các giấy tờ trên là do người theo yêu cầu của ông H viết biên nhận theo ý của ông H, chứ không có chứng cứ khác xác định tính chân thực của các giấy tờ trên, nên các giấy tờ mà ông H cung cấp cho Tòa án không có tính thuyết phục. Hơn nữa về nội dung trong biên nhận không thống nhất với kết quả xác minh của Tòa án đó là: Lò Thị T làm thuê cho ông H vào tháng 10 năm 2016 là 20 công đã nhận tiền 3.000.000đồng, nhưng tại biên bản xác minh của Tòa án bà T lại nói làm thuê cho ông H một lần 03 ngày và được nhận số tiền 660.000đồng; Vì Thanh T làm thuê cho ông H 20 công được ông H trả công 3.000.000đồng, nhưng theo biên bản xác minh của Tòa án thì ông T lại khai làm thuê cho ông H 10 công và được ông H trả tiền 2.000.000đồng; tương tự như vậy bà T là mợ của ông H làm giấy biên biên nhận làm thuê cho ông H 10 công và được ông H trả 1.500.000đồng, nhưng theo biên bản xác minh của Tòa án ngày 06/11/2017 thì bà T đi làm thuê được ông H trả công 1.300.000đồng.

Từ những căn cứ nêu trên, Hội đồng xét xử không có căn cứ chấp nhận nội dung yêu cầu bồi thường của ông Đỗ Văn H như đề nghị trên đây là 9.000.000đồng, mà tòa chỉ chấp nhận một phần nào hỗ trợ cho ông H điều trị, khăc phục hậu quả thiêt hại về sức khỏe. Hơn nữa khi hai bên xẩy ra xô sát qua kết luận của cơ quan Công an cũng như ý kiến xác định của người chứng kiến sự việc sáng ngày 23/8/2016 không phải do lỗi hoàn toàn do bà N gây ra, mà lỗi một phần cũng do gia đình ông H, L kích động chửi bới, xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm đồng thời ông H cũng cầm gậy, đá dọa nạt, chống trả phía bên bà N làm cho bà N thiếu kiềm chế, gây bức xúc, kích động mạnh nên bà N đã dùng gậy tre đánh vào tay ông H gây ra thương tích. Theo quy định tại Điều 617 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định về bồi thường thiệt hại trong trường hợp người bị thiệt hại có lỗi: “ Khi người bị thiệt hại cũng có lỗi trong việc gây thiệt hại thì người gây thiệt hại chỉ phải bồi thường phần thiệt hại tương ứng với mức độ lỗi của mình”. Tại phiên tòa ông H cũng có ý kiến thay đổi về khoản bồi thường này vì lý do: Mặc dù ông phải nghỉ việc như ông đã nêu trên nhưng ông không có chứng cứ xác đáng để chứng minh, nên tại phiên tòa ông đề nghị HĐXX xem xét buộc phía bà N bồi thường hợp lý thì ông chấp nhận, ông không thắc mắc gì. Chính vì thế về khoản bồi thường này tòa chấp nhận buộc bà N bồi thường tiền công lao động bị mất ( Công lao động ông H không lao động được trong thời gian 20 ngày) là hợp lý. ( 20 ngày x 110.000đồng = 2.200.000đồng).

[5] Về việc anh Phạm Bá D có gây thiệt hại cho ông H hay không:

Như HĐXX đã nhận định trên đây, việc gây thiệt hại về sức khỏe cho ông H là do bà N gây ra, nên một mình bà N phải chịu trách nhiệm bồi thường những khoản tiền chi phí thực tế theo pháp luật mà Tòa án đã có cơ sở để chấp nhận như đã nêu trên. Còn theo ông H nêu trong đơn khởi kiện cho rằng thương tích của ông là do anh D gây ra là không có căn cứ, vì lẽ các chứng cứ có trong hồ sơ vụ án cũng như kết quả tranh tụng tại phiên tòa xác định bà N là người gây ra thương tích cho ông H.

[6] Các vấn đề bà Đỗ Thị N yêu cầu tại phiên tòa:

-Trong quá trình giải quyết vụ án bà Đỗ Thị N và gia đình cung cấp thêm cho Tòa án một số nội dung cho rằng trong quá trình sống với nhau ở bản, giữa hai gia đình có những khúc mắc với nhau trong cuộc sống sinh hoạt thường ngày không tự giải quyết với nhau được và được Chi bộ và chính quyền bản nhiều lần đứng ra giải quyết xác định lỗi là do gia đình ông H gây ra, bà N đề nghị Tòa án xem xét giải quyết việc gia đình ông H hay tạo ra nguyên cớ làm mất trật tự trị an tại địa phương -Việc bà T sáng đến gọi gia đình bà N dậy đến nhà H, L là có ý đồ gì đề nghị tòa xem xét.

- Gia đình ông H vu khống anh D bắn chết con ngan là oan, đề nghị tòa xem xét bồi thường danh dự.

Toàn bộ các ý kiến trên đây phía bà N đã có văn bản giao nộp cho Tòa án, tuy nhiên những vấn đề nêu trên không phải là ý kiến phản tố, hơn nữa sự việc trên chưa gây thiệt hại gì cho phía bà N, một số việc đã được chính quyền giải quyết hòa giải, nên Tòa chỉ xem xét giải quyết các vấn đề trong phạm vi đơn khởi kiện của ông H. Tòa án sẽ xem xét giải quyết bằng vụ án dân sự khác nếu bà N, anh D xác định có thiệt hại và có yêu cầu.

[7] Về án phí: Bà Đỗ Thị N phải chịu án phí sơ thẩm dân sự theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 24; khoản 4 Điều 26 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 12 nghị quyết trên, ông Đỗ Văn H không phải chịu án phí sơ thẩm dân sự.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào khoản 1 Điều 604, khoản 1 Điều 609, Điều 617 Bộ luật dân sự năm 2005; Căn cứ Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35, Điều 147 Bộ luật tố tụng dân sự; Căn cứ nghị quyết số: 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08 tháng 7 năm 2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; Căn cứ điểm d khoản 1 Điều 12, điểm b khoản 1 Điều 24 và khoản 4 Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tuyên xử:

1.Chấp nhận một phần nội dung đơn khởi kiện của ông Đỗ Văn H. Buộc bà Đỗ Thị N phải bồi thường các khoản chi phí thuốc men, tiền tàu xe, tiền thu nhập bị mất cho ông Đỗ Văn H với số tiền là 5.547.158 đồng (Năm triệu năm trăm bốn mươi bảy nghìn một trăm năm mươi tám đồng).

“Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành án xong, tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi xuất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015” 2. Anh Phạm Bá D không phải bồi thường thiệt hại về sức khỏe cho ông Đỗ Văn H.

3. Về án phí: Bà Đỗ Thị N phải chịu án phí sơ thẩm dân sự 300.000 đồng ( Ba trăm nghìn đồng). Ông Đỗ Văn H không phải chịu án phí sơ thẩm dân sự.

Trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án ngày 22 tháng 11 năm 2017 các đương sự được quyền kháng cáo lên Tòa án nhân dân tỉnh Sơn La.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án Dân sự, thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, Điều 7 và 9 Luật thi hành án dân sự, thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 luật thi hành án dân sự. 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

820
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 01/2017/ST-DS ngày 22/11/2017 về tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

Số hiệu:01/2017/ST-DS
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Yên Châu - Sơn La
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành:22/11/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về