Bản án 01/2017/LĐ-PT ngày 18/01/2017 về tranh chấp tiền lương, bảo hiểm xã hội và trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK LẮK

BẢN ÁN 01/2017/LĐ-PT NGÀY 18/01/2017 VỀ TRANH CHẤP VỀ TIỀN LƯƠNG, BẢO HIỂM XÃ HỘI VÀ TRỢ CẤP KHI CHẤM DỨT HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG 

Ngày 18/01/2017, Toà án nhân dân tỉnh Đắk Lắk xét xử phúc thẩm vụ án Lao động thụ lý số: 03/2016/LĐPT ngày 25/11/2016 về tranh chấp về tiền lương, bảo hiểm xã hội và trợ cấp chấm dứt hợp đồng lao động. Do Bản án lao động sơ thẩm số 01/2016/LĐ-ST ngày 30/9/2016 của Toà án nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 04/2016/QĐPT – LĐ ngày 21 tháng 12 năm 2016 và Quyết định hoãn phiên tòa số 01/2017/QĐST-LĐ ngày 10/01/2017 giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Ông Đỗ Thanh C, địa chỉ cư trú: đường X, thành phố Y, tỉnh Đăk Lăk, có mặt tại phiên toà.

2. Bị đơn:

2.1.  Sở tư pháp tỉnh Đ; địa chỉ: đường N, thành phố Y, tỉnh Đắk Lắk.

Người đại diện theo pháp luật: Ông Trần Minh A - Chức vụ: Giám đốc Sở tư pháp.

Người đại diện theo ủy quyền: Bà Lê Thị Nguyệt B – Chức vụ Trưởng phòng  tổ  chức  tham  gia  tố  tụng  (theo  giấy  uỷ  quyền  số  02/GUQ,  ngày 08/12/2016), vắng mặt (có đơn xin xét xử vắng mặt).

2.2.  Phòng công chứng số 1 tỉnh Đ; địa chỉ: đường N, thành phố Y, tỉnh Đắk Lắk.

Người đại diện theo pháp luật: Ông Nguyễn Ngọc K - Chức vụ: Trưởng Phòng công chứng tham gia tố tụng, vắng mặt (có đơn xin xét xử vắng mặt).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Quá trình tham gia tố tụng tại Toà án các đương sự trình bày:

- Nguyên đơn ông Đỗ Thanh C trình bày:  Từ năm 2005 đến tháng 3/2009 ông C và Sở tư pháp tỉnh Đ ký hợp đồng lao động có thời hạn 01 năm. Ngày 09/3/2009 Sở tư pháp tỉnh Đ ra Quyết định số 34/QĐ-STP về việc chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn với ông C nhưng không thông báo hoặc giao quyết định này cho ông C. Ông C cho rằng việc Sở tư pháp cung cấp cho Tòa án nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột Quyết định số 34/QĐ-STP ngày 09/3/2009 về việc chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn đối với ông C là không đúng pháp luật, ông C không biết quyết định này. Quá trình tham gia tố tụng tại Tòa án ông C mới được biết Quyết định số 34/QĐ-STP ngày 09/3/2009. Nay ông C yêu cầu Sở tư pháp phải trả cho ông các khoản tiền như sau:

+  Tiền  lương  từ  tháng  5/2009  đến  tháng  5/2016  với  tổng  số  tiền  là 138.719.000 đồng. Căn cứ hợp đồng lao động ngày 04/10/2006 ông C ký với Sở tư pháp là hợp đồng thứ 2, thời hạn 12 tháng, do vậy căn cứ vào Điều 22 Bộ luật Lao động thì ông C đã ký 2 hợp đồng lao động theo mùa vụ, và tiếp tục được làm việc nên Sở tư pháp phải ký hợp đồng không xác định thời hạn. Đến ngày 05/5/2009, ông C ký hợp đồng lao động số 3 với Phòng công chứng số 1 (trực thuộc Sở tư pháp tỉnh Đ) và được trả lương từ Phòng công chứng số 1 nhưng không được hưởng lương từ Sở tư pháp tỉnh Đ từ năm 2009 đến nay. Vì vậy, ông C yêu cầu Sở tư pháp tỉnh Đ phải trả tiền lương này.

+ Tiền trợ cấp mất việc làm là 2.415.000 đồng x 12 tháng = 28.980.000 đồng.

+ Tiền đóng bảo hiểm xã hội từ tháng 10/2005 đến tháng 5/2016 là 34.984.770 đồng.

Ngày 05/5/2009, ông C và Phòng công chứng số 1 tỉnh Đ ký hợp đồng lao động có thời hạn 01 năm. Sau đó ký tiếp các hợp đồng khác với thời hạn khác nhau. Tháng 9/2015 Phòng công chứng số 01 thông báo cho ông C không tiếp tục ký hợp đồng lao động do Phòng công chứng chuyển trụ sở và có bảo vệ khác nên không có nhu cầu ký hợp đồng tiếp với ông C. Ông C đã nhận lương hết tháng 9/2015. Trong quá trình thực hiện hợp đồng lao động Phòng công chứng số 01 không đóng bảo hiểm cho ông C nên ông C không được hưởng các chế độ. Vì vậy, ông C yêu cầu Phòng công chứng số 01 có nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm cho ông từ tháng 5/2009 tới nay bao gồm: Bảo hiểm xã hội 17.688.000 đồng, bảo hiểm y tế 2.736.000 đồng, trợ cấp mất việc là là 9.600.000 đồng.

- Đại diện Sở tư pháp tỉnh Đ trình bày: Ngày 22/9/2004, Sở tư pháp tỉnh Đ ký hợp đồng lao động với ông C thời hạn 03 tháng, lương khoán, không có các chế độ khác. Sau khi ký hợp đồng đầu tiên hết thời hạn thì Sở tư pháp ký tiếp các hợp đồng lao động với ông C từ năm 2005 đến năm 2009, với mức lương khoán và hợp đồng có thời hạn 01 năm. Theo hợp đồng cuối cùng mà Sở tư pháp đã ký với ông C ngày 06/1/2009, thời hạn là 12 tháng, đến ngày 01/01/2010 thì hết hạn hợp đồng.

Về chế độ bảo hiểm: Quá trình ký hợp đồng ông C đã thỏa thuận ký hợp đồng với Sở tư pháp với mức lương khoán, không có chế độ gì, vì vậy Sở tư pháp không có nghĩa vụ đóng tiền bảo hiểm cho ông C.

Ngày 09/3/2009 Sở tư pháp tỉnh Đ đã ban hành Quyết định số 34/QĐ-STP, về việc chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn đối với ông C.

Ngày 05/5/2009 ông C đã ký hợp đồng lao động với Phòng công chứng số 01 thuộc Sở tư pháp tỉnh Đ với công việc, thời gian, địa điểm trùng lặp với hợp đồng đã ký với Sở tư pháp trước đó, mà Phòng công chứng là đơn vị có thu, có con dấu và tài khoản riêng nên có quyền ký hợp đồng lao động với người lao động không phụ thuộc vào Sở tư pháp. Vì vậy, Sở tư pháp không còn nghĩa vụ và trách  nhiệm  gì  với  ông  C  từ  tháng  5/2009  tới  nay  nên  không  đồng  ý  trả 138.719.000đ tiền lương cho ông C.

Về việc làm: Sau khi ông C chấm dứt hợp đồng lao động với Sở tư pháp, ngày 05/5/2009 ông C đã ký hợp đồng lao động với Phòng công chứng số 01 nên ông C không bị mất việc làm. Sở tư pháp không đồng ý với yêu cầu khởi kiện này của ông C.

Về thời hiệu: Căn cứ khoản 2 Điều 202 Bộ luật Lao động và điểm h khoản 1 Điều 192 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 sửa đổi, bổ sung năm 2011 thì vụ việc này đã hết thời hiệu khởi kiện, do đó Sở tư pháp kiến nghị Tòa án Nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột đình chỉ giải quyết vụ án do hết thời hiệu khởi kiện.

- Đại diện Phòng công chứng số 01 tỉnh Đ trình bày: Căn cứ vào các hợp đồng lao động đã ký kết có thể hiện tại Điều 3, mục 1 mức lương chính hoặc tiền công thực hiện là mức lương khoán nên không có bất kỳ chế độ nào, ông C đã ký kết hợp đồng mà không có bất kỳ khiếu nại hoặc thắc mắc gì. Trong bảng lương mà ông C đã ký nhận hàng tháng số tiền lương đúng như trong hợp đồng không có khoản nào khác.

Về chế độ bảo hiểm xã hội: Ông C yêu cầu Phòng công chứng có nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội là không có căn cứ, hơn nữa ông C đã yêu cầu Sở tư pháp có nghĩa vụ đóng bảo hiểm cho ông từ tháng 10/2005 đến tháng 5/2016, mà còn tiếp tục yêu cầu Phòng công chứng đóng bảo hiểm từ tháng 5/2009 đến tháng 8 năm 2015 là không hợp lý.

Về yêu cầu tiền trợ cấp mất việc làm: Phòng công chứng số 01 không đồng ý trả, bởi lẽ ông C có đơn tố cáo, khiếu nại ảnh hưởng đến lãnh đạo Sở tư pháp, nên Sở tư pháp chỉ đạo chấm dứt hợp đồng lao động với ông C và có thông báo nghỉ trước cho ông C.

Tại bản án lao động sơ thẩm số 01/2016/LĐ-ST, ngày 30/9/2016 của Toà án nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột đã quyết định:

- Áp dụng điểm b, d khỏan 1 Điều 32, điểm c khoản 1 Điều 35; Điều 220, khỏan 2 Điều 227, khỏan 1 Điều 228, Điều 266, Điều  271, Điều 273, Điều 278 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

- Áp dụng Điều 15, Điều 16, Điều 22, Điều 36, Điều 49 và Điều 186  Bộ lụât Lao động.

- Áp dụng điểm a khỏan 1 Điều 18, khỏan 1, 2 Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội.

-  Áp  dụng  Pháp  lệnh  số  10/2009/UBTVQH12  ngày  27/02/2009  của UBTVQH quy định về án phí, lệ phí Tòa án.

Tuyên xử: Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông C về việc “Thanh toán bảo hiểm xã hội và trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động”.

- Buộc Sở tư pháp tỉnh Đ phải trả cho ông C số tiền bảo hiểm xã hội là 3.730.000 đồng.

- Buộc Phòng công chứng số 1 tỉnh Đ phải trả cho ông C số tiền bảo hiểm xã hội và trợ cấp mất việc làm là 18.730.000 đồng.

Về án phí: Sở tư pháp tỉnh Đ phải chịu 200.000 đồng  án phí lao động sơ thẩm và Phòng công chứng số 1 tỉnh Đ phải chịu 561.900 đồng án phí lao động sơ thẩm.

Ngoài ra Tòa án cấp sơ thẩm còn tuyên quyền kháng cáo cho đương sự theo quy định của pháp luật.

Ngày 10/10/2016, ông C kháng cáo đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm buộc Sở tư pháp tỉnh Đ trả tiền lương tính từ năm 2009 đến tháng 10/2016, tiền mất việc làm, tiền bảo hiểm các loại với tổng số tiền là 179.770.000 đồng.

Ngày 25/10/2016, Sở tư pháp tỉnh Đ kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.

Trong vụ án này còn có đồng bị đơn là Phòng công chứng số 1 nhưng không có kháng cáo và kháng nghị.

Tại phiên toà phúc thẩm ông C giữ nguyên đơn khởi kiện và đơn kháng cáo; bị đơn Sở tư pháp tỉnh Đ giữ nguyên nội dung kháng cáo.

Tại phiên tòa đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk phát biểu quan điểm:

Về thủ tục tố tụng: Tòa án cấp sơ thẩm xác định quan hệ tranh chấp giữa các đương sự trong vụ án là tranh chấp về tiền lương, bảo hiểm xã hội và trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động. Đối với tranh chấp lao động về tiền lương theo quy định tại khoản 1 Điều 201 Bộ luật Lao động thì bắt buộc phải thông qua thủ tục hòa giải của Hòa giải viên lao động trước khi Tòa án thụ lý vụ án. Tuy nhiên, vụ án chưa thông qua thủ tục hòa giải của Hòa giải viên lao động mà Tòa án cấp sơ thẩm đã thụ lý và giải quyết vụ án là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.

Về nội dung: Việc Sở tư pháp tỉnh Đ ký kết nhiều hợp đồng lao động có thời hạn 01 năm (05 lần liên tiếp), là vi phạm quy định tại Điều 22 Bộ luật Lao động.  Bởi lẽ, theo quy định tại khoản 2 Điều 22 Bộ luật Lao động thì khi hợp đồng lao động xác định thời hạn hết thời hạn, mà người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì được ký tối đa không quá 02 hợp đồng xác định thời hạn, nếu người lao động có nhu cầu tiếp tục làm việc thì các bên phải ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn. Đối với Quyết định chấm dứt hợp đồng lao động số 34/QĐ- STP ngày 09/03/2009 của Sở tư pháp tỉnh Đ, không đóng dấu Cơ quan và không giao cho ông C là không đúng quy định (không có giá trị pháp lý). Do vậy, đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ khoản 3 Điều 308; Điều 310 Bộ luật Tố tụng dân sự.

Hủy một phần bản án lao động sơ thẩm số 01/2016/DS-ST ngày 30/9/2016 của Tòa án Nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk về phần tranh chấp về tiền lương, bảo hiểm xã hội và trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động giữa ông C với Sở tư pháp tỉnh Đ. Giao hồ sơ vụ án cho cấp sơ thẩm hướng dẫn cho đương sự làm đầy đủ các thủ tục tố tụng để giải quyết theo quy định của pháp luật.

Đối với tranh chấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp mất việc làm giữa Phòng công chứng số 1 tỉnh Đ và ông C:  Bản án sơ thẩm đã tuyên buộc Phòng công chứng số 1 tỉnh Đ phải trả cho ông C 18.730.000 đồng, do không có kháng cáo và không bị kháng nghị nên có hiệu lực pháp luật.

Căn cứ vào các chứng cứ, tài liệu thu thập được có trong hồ sơ vụ án, được thẩm tra tại phiên toà, căn cứ kết quả tranh luận tại phiên toà, ý kiến của các đương sự, Kiểm sát viên tại phiên toà phúc thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Về thủ tục tố tụng: Tòa án cấp sơ thẩm xác định quan hệ tranh chấp giữa các đương sự trong vụ án là tranh chấp về tiền lương, bảo hiểm xã hội, trợ cấp và chấm dứt hợp đồng lao động. Theo quy định tại khoản 1 Điều 201 Bộ luật Lao động: Tranh chấp lao động về tiền lương bắt buộc phải thông qua thủ tục hòa giải của Hòa giải viên lao động trước khi Tòa án thụ lý vụ án. Nhưng Tòa án cấp sơ thẩm không thông qua thủ tục hòa giải của Hòa giải viên lao động, đã thụ lý vụ án là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, tại phiên toà phúc thẩm không thể khắc phục được.

[2] Về nội dung: Trong quá trình giải quyết vụ án, Tòa án cấp sơ thẩm không tiến hành điều tra xác minh, thu thập chứng cứ việc Sở tư pháp tỉnh Đ ký kết nhiều hợp đồng có thời hạn 01 năm (05 lần liền) có đúng quy định Điều 21 và Điều 22 Bộ luật Lao động không; Quyết định chấm dứt hợp đồng lao động với ông C có đúng pháp luật không (vì tại Quyết định số 34/QĐ-STP ngày 09/3/2009 của Sở tư pháp về việc chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn với ông C nhưng Sở tư pháp không giao quyết định này cho ông C) mà Tòa án cấp sơ thẩm đã chấp nhận đơn khởi kiện của ông C để giải quyết vụ án là không có căn cứ. Do đó, căn cứ khoản 3 Điều 308; Điều 310 Bộ luật Tố tụng dân sự chấp nhận kháng cáo của ông C và Sở tư pháp tỉnh Đ. Tuyên hủy một phần bản án lao động sơ thẩm số 01/2016/DS-ST ngày 30/9/2016 của Tòa án nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk về tranh chấp về tiền lương, bảo hiểm xã hội, trợ cấp và chấm dứt hợp đồng lao động giữa ông C và Sở tư pháp tỉnh Đ. Giao hồ sơ cho Tòa án nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột hướng dẫn cho đương sự làm đầy đủ thủ tục hòa giải của Hòa giải viên lao động trước khi Tòa án thụ lý vụ án để giải quyết.

Đối với tranh chấp khoản tiền bảo hiểm xã hội và trợ cấp mất việc làm giữa ông C và Phòng công chứng số 1 tỉnh Đ, bản án sơ thẩm đã tuyên buộc Phòng công chứng số 1 tỉnh Đắk Lắk phải trả cho ông C 18.730.000 đồng, nhưng không có kháng cáo và không bị kháng nghị nên đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Vì các lẽ trên:

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào khoản 3 Điều 308; Điều 310 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

Căn cứ Điều 21, Điều 22, khoản 1 Điều 201 Bộ luật Lao động.

Chấp nhận kháng cáo của ông Đỗ Thanh C và Sở tư pháp tỉnh Đ. Hủy một phần bản án lao động sơ thẩm số 01/2016/DS-ST ngày 30/9/2016 của Tòa án nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk về tranh chấp về tiền lương, bảo hiểm xã hội và trợ cấp chấm dứt hợp đồng lao động giữa ông C và Sở tư pháp tỉnh Đ. Giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột hướng dẫn đương sự làm đầy đủ thủ tục hòa giải của Hòa giải viên lao động, trước khi Tòa án thụ lý vụ án để giải quyết.

Y án sơ thẩm về phần tranh chấp khoản  tiền bảo hiểm xã hội và trợ cấp mất việc làm giữa Phòng công chứng số 1 tỉnh Đ và ông Đỗ Thanh C. Phòng công chứng số 1 tỉnh Đ phải trả cho ông C 18.730.000 đồng.

Về án phí: Ông C và Sở tư pháp tỉnh Đ không phải chịu án phí lao động phúc thẩm.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

1346
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 01/2017/LĐ-PT ngày 18/01/2017 về tranh chấp tiền lương, bảo hiểm xã hội và trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động

Số hiệu:01/2017/LĐ-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Đà Nẵng
Lĩnh vực:Lao động
Ngày ban hành:18/01/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về