Bản án 01/2017/DS-PT ngày 30/10/2017 về tranh chấp chia di sản thừa kế

TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH SƠN LA

BẢN ÁN 01/2017/DS-PT NGÀY 30/10/2017 VỀ TRANH CHẤP CHIA DI SẢN THỪA KẾ

Ngày 30/10/2017 tại Trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Sơn La, xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 02/2017/TLPT - DS ngày 04 tháng 10 năm 2017 về Tranh chấp chia di sản thừa kế. Do Bản án dân sự sơ thẩm số: 52/2017/DSST ngày 16/08/2017 của Toà án nhân dân thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La bị kháng cáo. Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 02/2017/QĐPT ngày 06/10/2017 giữa các đương sự.

- Đồng nguyên đơn: Ông Lường Văn T, Lường Thị N đại diện hợp pháp cho ông Lường Văn Đ (đã chết), Tòng Văn H, Lường Thị H, Lường Thị L, Lường Văn H, địa chỉ: Đều trú tại Bản L, phường CL, thành phố SL, tỉnh Sơn La. Các đương sự đều có mặt.

Bà Lường Thị L, địa chỉ: Tổ X, phường CL, thành phố SL, tỉnh Sơn La. Có mặt.

Bà Cà Thị M, địa chỉ: Bản K, phường CL, thành phố SL, tỉnh Sơn La. Có mặt.

- Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đồng nguyên đơn: Ông Phan Ngọc T; ông Nguyễn Bá L là Luật sư Văn phòng luật sư P, thuộc Đoàn luật sư tỉnh Sơn La. Có mặt.

- Bị đơn: Bà Lù Thị C, đại diện hợp pháp cho ông Lường Văn Hinh (đã chết), địa chỉ: Bản L, phường CL, thành phố SL, tỉnh Sơn La. Có mặt.

- Người kháng cáo: Đồng nguyên đơn ông Lường Văn T, bà Lường Thị N, ông Tòng Văn H, bà Lường Thị H, bà Lường Thị L, ông Lường Văn H, bà Lường Thị L, bà Cà Thị M.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện, bản tự khai và đơn khởi kiện bổ sung, quá trình giải quyết vụ án, đồng nguyên đơn trình bày: Cụ Lường Thị N và cụ Lường Văn E sinh được 09 người con (hiện đã chết hai người là Lường Văn Đ và Lường Văn Hinh). Khi còn sống cụ E và cụ N đã thống nhất chia đất ở và đất nương rẫy cho tất cả 09 người con hiện đang sử dụng, không có tranh chấp. Cụ N chết ngày 10/11/2004, không để lại di chúc; cụ Lường Văn E chết ngày 26/11/2005 có để lại 01 bản di chúc. Di sản của hai cụ để lại gồm: 482,7m2 đất ruộng và đất ao. Đồng nguyên đơn thống nhất đề nghị Tòa án giải quyết chia phần di sản của hai cụ để lại 482,7m2 đất ruộng và đất ao. Phần đất này khi cụ E còn sống đã giao cho vợ chồng ông H, bà C quản lý, sử dụng để phụng dưỡng nuôi cụ.

Năm 2016 Nhà nước thu hồi toàn bộ phần đất này và hỗ trợ, bồi thường số tiền là 165.110.000đ; số đất phần trăm (đất tái định cư là 14,48 mét vuông) thành tiền là 94.126.500đ, tổng số tiền là 259.236.000đ (làm tròn số). Toàn bộ số tiền này bà Lù Thị C (vợ của ông H) đã thanh toán với Ban quản lý dự án thành phố SL, hiện đang giữ số tiền này. Đồng nguyên yêu cầu Tòa án chia di sản thừa kế số tiền 259.236.000đ, theo pháp luật thành 09 kỷ phần bằng nhau cho 09 người con của hai cụ. Phần đất ruộng và đất ao của bố mẹ không ghi rõ trong di chúc chia cho ông H, bà C được sở hữu mà chỉ chia cho ông H bà C 01 mảnh đất thổ cư có chiều rộng 3,7m x chiều dài 14m tại bản L và dụng cụ sinh hoạt trong gia đình của cụ để lại.

Tại bản tự khai và tại phiên tòa, bị đơn bà Lù Thị C trình bày: Bà xác nhận quan hệ hôn nhân, huyết thống, ngày mẹ chết, bố chết và tài sản để lại trước khi chết đúng như nguyên đơn trình bày. Bà C xác định năm 1983 về làm dâu, vợ chồng sống chung với bố mẹ được 06 năm thì ra ở riêng. Tháng 11 năm 2004, sau khi cụ N chết, cả gia đình họp bàn và quyết định cho vợ chồng bà (ông H bà C) đến ở chung với cụ E, được cụ chia đất và được hưởng toàn bộ tài sản đồ dùng trong sinh hoạt trong gia đình; quản lý, sử dụng đất ruộng và đất ao để phục vụ sinh hoạt chung trong gia đình. Vợ chồng bà có trách nhiệm chăm sóc và phụng dưỡng cụ lúc tuổi già, khi cụ qua đời có trách nhiệm tổ chức đám tang cho cụ, xây dựng mồ mả cho hai cụ theo di chúc lập ngày 16/5/2005.

Thực tế vợ chồng bà trực tiếp phụng dưỡng và chăm sóc bố không để lại tai tiếng gì. Do bị tai biến cụ E đã qua đời vào ngày 26/11/2005, vợ chồng bà đã làm đúng theo di chúc của cụ để lại như việc tổ chức đám tang, xây mồ mả, hàng năm tổ chức cúng bố mẹ theo phong tục.

Ngày 30/10/2006 chồng bà là ông Lường Văn H chết, tháng 12 năm 2016, Nhà nước thu hồi đất ruộng và đất ao (của cụ N và cụ E để lại) tổng diện tích là 482,7m2 theo dự án thoát lũ dòng suối Nậm La. Do chồng bà đã chết nên bà trực tiếp làm thủ tục thanh toán với Nhà nước, tất cả các con của cụ đều biết và không ai có ý kiến gì. Số tiền hỗ trợ và bồi thường đúng như nguyên đơn đã trình bày, tổng số tiền là 259.236.000đ. Bà C không nhất trí chia số tiền trên thành 09 kỷ phần bằng nhau, lý do vợ chồng bà đã được bố (cụ E) giao cho toàn quyền quản lý, sử dụng tài sản của bố đang sử dụng và sinh hoạt với điều kiện. Vợ chồng bà có nghĩa vụ chăm lo cho cụ khi còn sống, lúc qua đời có trách nhiệm chăm sóc mồ mả, cúng giỗ cho cả hai cụ sau này. Thực tế khi còn sống bố mẹ đã chia đều tài sản gồm đất ở, đất nương rẫy đầy đủ cho từng đứa con, không ai thắc mắc. Vợ chồng bà được giao ở với cụ E, có trách nhiệm chăm lo cuộc sống cho cụ, quản lý, sử dụng (đất ao cá và ruộng lúa) được 12 năm nên được hưởng tài sản còn lại của cụ theo di chúc.

Tại bản án số: 52/2017/DSST ngày 16/8/2017 của Tòa án nhân dân thành phố Sơn La xét xử và quyết định: Áp dụng các Điều 624, 626, 627, 630, 649, 650, khoản 1 Điều 651 của Bộ luật Dân sự; khoản 1, 2 Điều 147 của Bộ luật Tố tụng dân sự; điểm a khoản 7 Điều 27 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 14.

1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện chia di sản thừa kế của đồng nguyên đơn ông Lường Văn T, bà Cà Thị M, bà Lường Thị N (đại diện hợp pháp cho Lường Văn Đ), ông Tòng Văn H, bà Lường Thị H, bà Lường Thị L, ông Lường Văn H, bà Lường Thị L.

2. Phần của các đồng thừa kế được tính theo trị giá bồi thường và hỗ trợ của Nhà nước, cụ thể chia như sau:

* Đồng nguyên đơn: Ông Lường Văn T, bà Cà Thị M, bà Lường Thị N (đại diện hợp pháp cho ông Lường Văn Đ), ông Tòng Văn H, bà Lường Thị H, bà Lường Thị L, ông Lường Văn H, bà Lường Thị L được hưởng di sản thừa kế của cụ Lường Thị N để lại mỗi người là 12.790.000đ (mười hai triệu bảy trăm chín mươi ngàn đồng), do bà Lù Thị C có trách nhiệm thanh toán.

Cụ Lường Văn E, ông Lường Văn H được hưởng di sản thừa kế của cụ Lường Thị N để lại mỗi người là 12.790.000đ (mười hai triệu bảy trăm chín mươi ngàn đồng). Cụ Lường Văn E, ông Lường Văn H đã chết nên phần di sản của cụ E và ông H giao cho bà Lù Thị C (đại diện hợp pháp cho ông Lường Văn Hinh) trực tiếp quản lý và sử dụng.

* Bị đơn: Bà Lù Thị C (đại diện hợp pháp cho ông Lường Văn Hinh) được hưởng di sản thừa kế của hai cụ Lường Thị N và Lường Văn E để lại là 153.480.000đ và được hưởng tiền bồi thường giá trị hoa màu trên đất do bà có công sức trồng cấy là 3.405.000đ. Tổng cộng, bà Lù Thị C được hưởng tổng số tiền là 156.885.000đ (một trăm năm mươi sáu triệu tám trăm tám lăm ngàn đồng). Số tiền trên bà C đang giữ.

Ngoài ra án sơ thẩm còn tuyên về án phí và quyền kháng cáo cho các bên đương sự.

Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 28/8/2017 đồng nguyên đơn có đơn kháng cáo không nhất trí với toàn bộ bản án sơ thẩm. Di chúc của cụ E chỉ giao cho vợ chồng ông H, bà C phần tài sản theo biên bản họp gia đình, không có đất ruộng và đất ao. Ngày 20/10/2017 đồng nguyên đơn có đơn kháng cáo bổ sung với nội dung ông H, bà C chỉ ở cùng cụ E, còn việc chăm nom, thờ cúng đều do các anh chị em trong nhà cùng làm. Hình thức và nội dung di chúc của cụ E không đúng với quy định của pháp luật.

Tại phiên tòa phúc thẩm: Ý kiến tranh luận của Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn trình bày: Lời di chúc của ông Lường Văn E lập ngày 16/5/2005 có sự vi phạm cả về hình thức và nội dung, không đúng theo quy định của pháp luật. Đề nghị tuyên hủy bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân thành phố Sơn La, giao hồ sơ về Tòa án cấp sơ thẩm để điều tra, xét xử lại.

Ý kiến tranh luận bổ sung của nguyên đơn: Nhất trí với đề nghị của Luật sư, không có ý kiến tranh luận bổ sung.

Ý kiến tranh luận của bị đơn: Không nhất trí với đề nghị của Luật sư, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn. Đề nghị giữ nguyên bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân thành phố Sơn La.

Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Sơn La phát biểu về quá trình thực hiện tố tụng của Thẩm phán chủ tọa phiên tòa, Hội đồng xét xử và những người tham gia tố tụng; quan điểm giải quyết vụ án của Kiểm sát viên.

Về tố tụng: Tòa án cấp sơ thẩm có sự vi phạm, di chúc nộp cho Tòa án không phải là bản gốc, bản phô tô không được công chứng, chứng thực.

Tòa án cấp sơ thẩm xác định ngày kháng cáo không đúng, đơn kháng cáo đề ngày 26/8/2017, Tòa án tỉnh Sơn La nhận đơn ngày 28/8/2017, chuyển cho Tòa án cấp sơ thẩm nhận ngày 31/8/2017. Đến ngày 05/9/2017 đương sự nộp đơn kháng cáo cho Tòa án cấp sơ thẩm và được Tòa án cấp sơ thẩm xác định là ngày kháng cáo. Trong trường hợp này xác định ngày kháng cáo là ngày 31/8/2017, nếu xác định ngày 05/9/2017 là vượt quá thời hạn kháng cáo. Di chúc không ghi cụ thể di sản để lại gồm những tài sản gì, tài sản đó ở đâu. Đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ khoản 2 Điều 308, 309 Bộ luật Tố tụng dân sự, sửa 01 phần bản án sơ thẩm về chia thừa kế và án phí.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án; căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên toà, Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận định:

 [1] Về tố tụng: Đối với bản di chúc giao nộp không được công chứng, chứng thực, tại cấp phúc thẩm đã được khắc phục. Việc xác định ngày kháng cáo Tòa án cấp sơ thẩm xác định ngày 05/9/2017 là không đúng, ngày kháng cáo là ngày Tòa án nhân dân tỉnh nhận đơn, ngày 28/8/2017. Tuy nhiên, việc xác định ngày kháng cáo không đúng không ảnh hưởng đến quyền của người kháng cáo nên cần rút kinh nghiệm.

 [2] Xét kháng cáo của đồng nguyên đơn cho rằng di chúc của ông Lường Văn E lập ngày 16/5/2005, về hình thức và nội dung không đúng quy định của pháp luật thấy rằng: Tại cấp sơ thẩm và phúc thẩm đồng nguyên đơn đều thừa nhận chữ viết và chữ ký ghi trong lời di chúc lập ngày 16/5/2005 đúng là chữ viết của cụ E, thể hiện người lập di chúc tự viết và tự ký.

Về hình thức: Di chúc bằng văn bản không có công chứng, chứng thực chỉ được coi là hợp pháp khi có đủ điều kiện “người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép; nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật”. Bản di chúc này khi cụ E lập lúc đang còn minh mẫn không có ai biết, sau khi lập xong không giao lại di chúc cho ai quản lý mà để trong cặp. Đến khi cụ mất các con gái của cụ kiểm tra cặp thấy có di chúc mới đưa cho ông H, bà C quản lý nên được coi là hợp pháp.

Về nội dung: Di chúc lập có ngày tháng năm, họ tên của người lập di chúc, người được giao hưởng di sản của cụ tiếp theo. Tòa án cấp sơ thẩm đã xác định di chúc phần di sản của cụ E để lại là hợp pháp theo quy định tại Điều 630 Bộ luật Dân sự năm 2015 là có căn cứ, đúng pháp luật.

 [3] Tại phiên tòa phúc thẩm những người thừa kế của cụ đều thống nhất cách hiểu nội dung di chúc “Mới tài sản” là do người dân tộc Thái nói ngọng nên viết ngọng. Nghĩa đúng theo nội dung của di chúc “mấy tài sản trong gia đình, bố mẹ chỉ đủ dùng trong sinh hoạt hàng ngày, tôi giao cho vợ chồng ông H, Cong quản lý và sử dụng tiếp theo”. Diện tích đất ruộng được HTX bản Lầu giao cho quản lý, sử dụng, đất ao cá là đất tự khai phá, không nằm trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của cụ E, cụ N được cấp. Khi cụ E còn sống diện tích đất này giao cho ông H, bà C quản lý, sử dụng. Tòa án cấp sơ thẩm xử giao ½ di sản là diện tích đất ruộng, ao cá phần của cụ E cho vợ chồng ông H, bà C được hưởng là có căn cứ, đúng pháp luật.

 [4] Đối với khối tài sản chung của cụ Lường Văn E, cụ Lường Thị N để lại đang có tranh chấp là 482,7m2 trị giá 255.830.000đ, nguyên đơn yêu cầu chia đều cho 09 người con thành 09 kỷ phần bằng nhau. Do cụ N chết trước không có di chúc, cụ E chết sau có để lại di chúc cho vợ chồng ông H, bà C được xác định là hợp pháp. Tòa án cấp sơ thẩm chia đôi phần tài sản chung của vợ chồng làm hai phần, trong đó ½ di sản là của cụ E, ½ di sản là của cụ N, phần của cụ N được chia đều cho cả cụ E và 09 người con, tổng là 10 kỷ phần, mỗi kỷ phần trị giá 12.790.000đ (làm tròn số). Phần của cụ E được giao cho bà C được hưởng là có căn cứ, đúng pháp luật.

Từ sự phân tích nêu trên, không có căn cứ chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn, đề nghị của Luật sư; quan điểm giải quyết vụ án của Kiểm sát viên. Giữ nguyên bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân thành phố Sơn La.

Các quyết định khác của bản án sơ thẩm, không có kháng cáo, không bị kháng nghị có hiệu lực pháp luật.

 [5] Về án phí: Đồng nguyên đơn phải chịu án phí dân sự phúc thẩm, do kháng cáo không được chấp nhận.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự;

Không chấp nhận kháng cáo của đồng nguyên đơn ông Lường Văn T, bà Lường Thị N, ông Tòng Văn H, bà Lường Thị H, bà Lường Thị L, ông Lường Văn H, bà Lường Thị L, bà Cà Thị M. Giữ nguyên bản án sơ thẩm số: 52/2017/DSST ngày 16/8/2017 của Tòa án nhân dân thành phố Sơn La như sau:

1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện chia di sản thừa kế của đồng nguyên đơn ông Lường Văn T, bà Cà Thị M, bà Lường Thị N (đại diện hợp pháp cho Lường Văn Đ), ông Tòng Văn H, bà Lường Thị H, bà Lường Thị L, ông Lường Văn H, bà Lường Thị L.

2. Phần của các đồng thừa kế được tính theo trị giá bồi thường và hỗ trợ của Nhà nước, cụ thể chia như sau:

- Đồng nguyên đơn: Ông Lường Văn T, bà Cà Thị M, bà Lường Thị N (đại diện hợp pháp cho ông Lường Văn Đ), ông Tòng Văn H, bà Lường Thị H, bà Lường Thị L, ông Lường Văn H, bà Lường Thị L được hưởng di sản thừa kế của cụ Lường Thị N để lại mỗi người là 12.790.000đ (mười hai triệu bảy trăm chín mươi ngàn đồng), do bà Lù Thị C có trách nhiệm thanh toán hoàn trả.

- Cụ Lường Văn E, ông Lường Văn H được hưởng di sản thừa kế của cụ Lường Thị N để lại mỗi người là 12.790.000đ (mười hai triệu bảy trăm chín mươi ngàn đồng). Cụ Lường Văn E, ông Lường Văn H đã chết nên phần di sản của cụ E và ông H giao cho bà Lù Thị C (đại diện hợp pháp cho ông Lường Văn Hinh) trực tiếp quản lý và sử dụng.

* Bị đơn: Bà Lù Thị C (đại diện hợp pháp cho ông Lường Văn Hinh) được hưởng di sản thừa kế của hai cụ Lường Thị N và Lường Văn E để lại là 153.480.000đ (một trăm năm mươi ba triệu bốn trăm tám mươi ngàn đồng) và được hưởng tiền bồi thường giá trị hoa màu trên đất do bà có công sức trồng cấy là 3.405.000đ (ba triệu bốn trăm linh năm ngàn đồng). Tổng cộng, bà Lù Thị C được hưởng tổng số tiền là 156.885.000đ (một trăm năm mươi sáu triệu tám trăm tám lăm ngàn đồng). Số tiền trên bà C đang giữ.

3. Về án phí: Buộc ông Lường Văn T, bà Cà Thị M, bà Lường Thị L, bà Lường Thị N, ông Tòng Văn H, bà Lường Thị H, bà Lường Thị L, ông Lường Văn H phải chịu án phí dân sự phúc thẩm mỗi người là 300.000đ (ba trăm nghìn đồng) được khấu trừ vào số tiền tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp, theo biên lai thu số 04564; 04565; 04566; 04567; 04568; 04569; 04571; 04572 ngày 06/9/2017, tại Chi cục thi hành án dân sự thành phố Sơn La.

4. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm về án phí dân sự sơ thẩm, không có kháng cáo, không bị kháng nghị có hiệu lực pháp luật thi hành.

Bản án dân sự phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án (ngày 30/10/2017).

 “Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự, thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự”.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

578
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 01/2017/DS-PT ngày 30/10/2017 về tranh chấp chia di sản thừa kế

Số hiệu:01/2017/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Sơn La
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 30/10/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về