Bản án 01/2016/LĐ-PT ngày 06/07/2016 về bồi thường thiệt hại giữa người lao động và người sử dụng lao động

TOÀ ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI ĐÀ NẴNG

BẢN ÁN 01/2016/LĐ-PT NGÀY 06/07/2016 VỀ BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI GIỮA NGƯỜI LAO ĐỘNG VÀ NGƯỜI SỬ DỤNG LAO ĐỘNG 

Ngày 06/7/2016 tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự, về việc“Bồi thường thiệt hại giữa người lao động và người sử dụng lao động” thụ lý số 01/2016/TLPT-LĐ ngày 08 tháng 01 năm 2016. Do bản án lao động sơ thẩm số 01/2011/LĐ-ST ngày 13/11/2015 của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Trị bị kháng cáo.

Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 01C/2016/QĐ-PT ngày 17 tháng 6 năm 2016 giữa các đương sự:

* Nguyên đơn: Công ty Cổ phần T Quảng Trị .

Địa chỉ: Huyện X, tỉnh Quảng Trị.

Đại diện theo pháp luật: Ông Nguyễn Văn A- Tổng giám đốc công ty; vắng mặt.

Đại diện theo ủy quyền: Bà Ngô Thị H; địa chỉ: Quận D, thành phố Hà Nội. (Theo văn bản ủy quyền ngày 02/01/2015); có mặt.

* Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn:

1. Ông Nguyễn Văn P- Luật sư thuộc Văn phòng Luật sư H - Đoàn Luật sư tỉnh Thừa Thiên Huế ; có mặt

2. Ông Nguyễn Đức Q- Luật sư thuộc VPLS ĐQ - Đoàn luật sư thành phố Hà Nội ; vắng mặt.

* Bị đơn: Ông Võ Văn T.

Địa chỉ: Đường X, Quận Y, Tp Hà Nội; có mặt.

* Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn ông Võ Văn T: Ông Lê Văn H - Luật sư thuộc Công ty Luật  X - Đoàn Luật sư tỉnh Quảng Trị ; có mặt.

Địa chỉ: Đường X, thành phố Y, tỉnh Quảng Trị.

*Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. Công ty TNHH một thành viên T Lào.

Địa chỉ: Bản X, huyện Y, tỉnh Chămpasak, Nước Cộng hòa dân chủ Nhân dân Lào.

Đại diện theo pháp luật: Ông Nguyễn Văn Đ- Giám đốc; vắng mặt

Đại diện theo ủy quyền: Bà Ngô Thị H; địa chỉ: Quận D, thành phố Hà Nội. (Theo văn bản ủy quyền ngày 05/01/2015); có mặt.

2. Công ty cổ phần TP.

Địa chỉ: Xã X, Huyện Y, tỉnh Quảng Trị.

Đại diện theo pháp luật: Ông Nguyễn Phương N- Giám đốc; vắng mặt

Đại diện theo ủy quyền: Ông Võ Văn T; địa chỉ: Đường X, Quận Y, Tp Hà Nội; có mặt.

3. Bà Nguyễn Thị T.

Địa chỉ: Đường X, Quận Y, Tp Hà Nội; (vắng mặt, có đơn xin xét xử vắng mặt).

NHẬN THẤY

*Theo đơn khỏi kiện ngày 13/8/2013, bản tự khai ngày 12/01/2015 và các biên bản trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa sơ thẩm người đại diện hợp pháp của nguyên đơn trình bày:

Công ty cổ phần T Quảng Trị (viết tắt: Công ty T Quảng Trị) được thành lập theo giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp do Phòng đăng ký kinh doanh - Sở Kế hoạch đầu tư tỉnh Quảng Trị cấp, đăng ký lần đầu ngày 17/11/2003 và đăng ký thay đổi lần thứ 17 ngày 03/4/2012; có vốn điều lệ 250.000.000.000 đồng. Ông Võ Văn T là cổ đông sáng lập của công ty và sở hữu 250.000 cổ phần tương ứng với 2.500.000.000 đồng chiếm 1 % vốn điều lệ. Ông T là thành viên Hội đồng quản trị, được bổ nhiệm chức danh Tổng giám đôc, là người đại diện theo pháp luật của công ty.

Trong thời gian làm Tổng giám đốc vì động cơ vụ lợi cá nhân nên ông Võ Văn T đã có những hành vi gây thiệt hại cho Công ty T Quảng Trị như dùng thủ đoạn thành lập Công ty cố phần TP (viết tắt: Công ty TP) hoạt động kinh doanh cùng lĩnh vực với Công ty T Quảng Trị để thực hiện một số thương vụ mua bán hàng hóa nhằm mục đích chuyển lợi nhuận của công ty sang lợi ích cá nhân. Ông T đã điều động ông Nguyễn Phương N - Phó phòng kinh doanh của Công ty TQuảng Trị sang làm Giám đốc Công ty TP, còn ông T giữ chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị. Cụ thể như sau:

- Vụ thứ nhất: Ngày 11/2/2011 ông T đã cho ký hợp đồng kinh tế số: 110205/BNĐ để Công ty TQuảng Trị bán 76.800 kg (76,8 tấn) cà phê cho Công ty TP trị giá 6.566.400.000 đồng, theo đơn giá 85.500 đồng/kg, số lượng cà phê này Công ty T Quảng Trị mua từ ông Trịnh S tại Lâm Đồng và Công ty T Lâm Đồng. Sau khi cộng chi phí vận chuyển, quản lý, chi phí sản xuất, giá thành là 117.509  đồng/kg.  Như  vậy,  tổng  giá  thành:  76,8  tấn  x  117.509  đồng/kg  = 9.024.691.200 đồng, hành vi bán cà phê dưới giá thành đã làm lợi cho Công ty TP là 2.458.291.200 đồng (9.024.691.200 đồng- 6.566.400.000 đồng). Trước những biểu hiện sai trái của ông T, Công ty cổ phần tập đoàn T Việt Nam (viết tắt: Tập đoàn T Việt Nam) đã tổ chức thanh tra nội bộ, xác định ông T có những sai phạm nghiêm trọng nên ngày 21/11/2011 Tập đoàn T Việt Nam đã cho ông T thôi giữ chức vụ Tổng giám đốc. Ông T biết sai phạm nên từ ngày 9/12/2011 đến ngày 31/12/2011 ông T đã chỉ đạo Công ty TP nộp trả lại cho Công ty T Quảng Trị số tiền 1.906.222.577 đồng. Công ty TQuảng Trị yêu cầu ông T bồi thường (2.458.291.200 đồng - 1.906.222.577 đồng)  số tiền là 552.068.623 đồng.

- Vụ thứ hai: Ông T đã tự ý bán cà phê của công ty T Lào gửi tại kho công ty T Quảng Trị mà không được sự đồng ý của công ty T Lào hoặc Tập đoàn T Việt Nam.

Ngày 6/5/2011 công ty T Lào và công ty T Quảng Trị đã đối chiếu hàng hoá xuất và còn gửi tại kho công ty T Quảng Trị với số lượng 169,2 tấn cà phê đã qua chế biến. Ông T đã tự ý bán lô hàng 126.995 kg, trong đó có 24.000 kg cà  phê  phế  phẩm,  còn  lại  102.995  kg  ông  T  bán  giá  30.000  đồng/kg  là 3.089.850.000 đồng, với giá trị cà phê của Công ty T Lào lúc nhập vào là 73.053,885 đồng/kg, tính tổng thành tiền là 7.524.093.000 đồng, sau khi đối trừ ông T phải hoàn lại cho Công ty T Quảng Trị là 4.434.243.000 đồng.

- Vụ thứ ba: Ông Võ Văn T ký mua hàng của Công ty TP 6.463kg cà phê với giá 100.000 đồng/kg nhưng giá thành hàng trong kho chỉ 70.000 đồng/kg. Như vậy, ông T đã tự ý mua đội giá lên 30.000 đồng/kg cà phê. Việc mua đội giá này đã làm lợi cho công ty TP và gây thiệt hại cho Công ty T Quảng Trị là 6.463 kg x 30.000 đồng/kg = 193.890.000 đồng.

- Vụ thứ tư: Ông T thu mua lô hàng 74.905 kg cà phê của Doanh nghiệp tư nhân Đình T với số tiền 7.178.795.000 đồng, theo đơn giá 95.839 đồng/ kg.

Sau khi cộng thêm chi phí vận chuyển, chế biến, sản xuất, giá thành của lô cà phê này là 7.512.409.848 đồng với đơn giá là 101.218 đồng/kg. Ông T đã tự ý bán cho Công ty P tại Hà Nội số lượng 16.620 kg với đơn giá 70.000 đồng/kg, thấp hơn giá thành là: 101.218 đồng/kg - 95.839 đồng/kg = 31.218 đồng/kg.

Như vậy, khi bán số lượng 16.620 kg cà phê ông T đã gây thiệt hại cho công ty với số tiền : 16.620 kg X 31.218 đồng/kg = 518.843.160 đồng.

- Vụ thứ năm: Khi thanh lý hợp đồng mua bán tài sản số 01/HĐTLTS ngày 24/10/2009 với Doanh nghiệp tư nhân Đình T, Ông T đã tự ý tính lãi cho Doanh nghiệp Đình T với số tiền là: 654.302.112 đồng. Mặc dù tại hợp đồng không có điều khoản nào quy định về tính lãi khi chậm thanh toán. Tại biên bản thanh lý hợp đồng mua bán tài sản gắn liền với đất cũng không có nêu là phải tính lãi cho Doanh nghiệp Đình T. Nên ông Võ Văn T phải chịu trách nhiệm hoàn trả lại số tiền lãi này.

- Vụ thứ sáu: Ông T đã tự ý chi trả lương lần 2 không đúng với quy định của công ty, khi không đủ điều kiện được trả lương lần 2. Theo 7 phiếu chi trả lương thì ông T đã tự ý chi trả lương cho mình trái quy định, chiếm dụng bất hợp pháp của công ty số tiền 210.000.000 đồng.

Nguyên đơn yêu cầu bị đơn có trách nhiệm bồi thường thiệt hại của 06 vụ nói trên với số tiền 6.563.346.895 đồng (sáu tỷ năm trăm sáu mươi ba triệu ba trăm bốn mươi sáu ngàn tám trăm chín mươi lăm đồng).

Ngoài ra, các yêu cầu như khoản tiền thiệt hại một phần đối với lô hàng 169.224kg cà phê là 1.278.602.636 đồng; khoản tiền yêu cầu bồi thường 03 máy phát điện và dây chuyền sản xuất mì tôm là 343.000.000 đồng; khoản tiền do tự ý điều chuyển máy móc, thiết bị và chiếm dụng tấm lợp là 280.000.000 đồng. Tổng cộng là 1.901.602.636 đồng; ngày 08/10/2015 người đại diện theo pháp luật của Công ty cổ phần T Quảng Trị là ông Nguyễn Văn A có đơn xin rút một phần yêu cầu khởi kiện, trong đó có tài sản của cá nhân ông Nguyễn Văn A, không yêu cầu Tòa án giải quyết.

* Tại văn bản ghi ý kiến ngày 02/12/2013 và các lời khai, các biên bản trong quá trình giải quyết vụ án cũng như tại phiên tòa sơ thẩm bị đơn ông Võ Văn T trình bày:

Về tố tụng: Ông T không góp vốn vào Công ty T Quảng Trị nên ông T không phải là thành viên công ty theo Điều 84 của Luật doanh nghiệp. Vì vậy, đây không phải là vụ án KDTM tranh chấp giữa công ty với thành viên công ty, đề nghị đình chỉ vụ án, trả lại đơn khởi kiện. Nếu không thì chuyển sang thụ lý vụ án tranh chấp lao động theo Điều 31 Bộ luật tố tụng dân sự .

Về nội dung: Bị đơn phản bác toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn, cụ thể:

- Vụ thứ nhất: Lô hàng 76,8 tấn cà phê Công ty TQuảng Trị bán cho Công ty TP theo hợp đồng mua bán số 110250/BNĐMN ngày 11/2/2011, xuất kho vào ngày 26/3/2011, số lượng cà phê này không đúng như nguyên đơn trình bày là mua của ông Trịnh S và Công ty T Lâm Đồng, thực chất lô cà phê này Công ty TQuảng Trị mua từ Đắc Lắk, Gia Lai có giá thành 75.424.119 đồng/tấn và giá xuất bán 85.500.000 đồng/tấn. Vì vậy, việc bán lô cà phê này không gây thiệt hại cho Công ty T Quảng Trị.

- Vụ thứ hai: Nguyên đơn yêu cầu ông T bồi thuờng thiệt hại do tự ý bán 126,995 tấn trong lô cà phê 169,2 tấn cà phê của Công ty TLào gửi tại kho của Công ty TQuảng Trị.

Cơ quan cảnh sát điều tra và Viện kiếm sát nhân dân tỉnh Quảng Trị có quyết định kết luận: Ông Võ Văn T không có lỗi và không gây thiệt hại là chứng cứ nhằm phản bác yêu cầu của nguyên đơn.

Không có sự việc T Lào gửi 169,2 tấn cà phê tại T Quảng Trị. Ngược lại 02 đơn vị này đã ký hợp đồng mua bán ngoại thương và chuyển tiền thanh toán từ Ngân hàng nông nghiệp phát triển nông thôn chi nhánh huyện Đ cho Công ty T Lào. Hợp đồng này đương nhiên đã được thanh lý không ai nợ ai. Đối với văn bản ký gửi 169,2 tấn cà phê là ý chí của chủ tịch HĐQT không mang tính chất quan hệ giữa doanh nghiệp này với doanh nghiệp khác; do đó, công ty T Quảng Trị không có quyền yêu cầu ông T bồi thường thiệt hại về khoản này.

- Vụ thứ ba: Việc Công ty T Quảng Trị mua 6.463 kg cà phê của Công ty TP với giá cao hơn thị trường, nay công ty yêu cầu bồi thường thiệt hại 193.890.000 đồng, về lô cà phê này ông Hoàng Văn B có địa chỉ tại Nông trường Y, huyện N, tỉnh Nghệ An là người bán cho Công ty T Quảng Trị nhưng vì ông B là cá nhân không xuất được hoá đơn; vì vậy, phải thông qua Công ty TP để hợp thức hoá thủ tục tài chính ghi hoá đơn VAT đầu vào để làm thủ tục xuất bán cho Công ty T Quảng Trị. Tại thời điểm giữa tháng 5/2011 thì cà phê xuất xứ từ Lào bán cho Nhật Bản giá 120.000 đồng/kg. Vì vậy, giá mua của ông B100.000 đồng/kg là ngang với giá thị trường và có lãi, trong lúc nguyên đơn đưa ra giá thành hạch toán cà phê tại thời điểm tháng 10/2010 với giá 70.000 đồng/kg là không có căn cứ.

- Vụ thứ tư: Việc bán cho Công ty P 16.620 kg cà phê dưới giá mua vào gây thiệt hại cho Công ty T Quảng Trị 518.843.160 đồng. Vấn đề này đã xin ý kiến của ông Nguyễn Văn A, ông T có đề nghị ông A bán cà phê cho đối tác Nhật Bản 130.000 đồng/kg nhưng ông A không đồng ý, ông A tự ý hủy lệnh bán. Sau đó, cà phê trên thị trường thế giới rớt giá xuống còn 75.000 đồng/kg, ông T có xin ý kiến thì ông A chỉ thị: "Giao cho công ty tính toán, quyết định" . Thực hiện chỉ thị của ông A, ông T chỉ đạo bán cho đổi tác Nhật Bản 58 tấn, còn lại 16.620 kg bán cho Công ty P. Việc rớt giá là lỗi của ông A nên người bồi thường là ông A.

- Vụ thứ năm: Nguyên đơn cho rằng ông T tự ý tính lãi không có căn cứ khi thanh lý họp đồng mua bán tài sản với Doanh nghiệp tư nhân Đình T gây thiệt hại cho công ty số tiền 654.302.112 đồng, về việc này ông T trình bày: Vào ngày 24/10/2009 theo sự chỉ đạo của ông A, Công ty T Quảng Trị đã ký họp đồng mua bán nhà máy chế biến cà phê của DNTN Đình T với giá 4.200.000.000 đồng. Công ty đặt cọc 1.200.000.000 đồng để thực hiện hợp đồng, Doanh nghiệp Đình T đã giao nhà máy cho công ty sử dụng. Đến đầu năm 2011, do không có tiền để thanh toán nên công ty đã đơn phương chấm dứt hợp đồng. Theo quy định của pháp luật thì công ty phải mất toàn bộ số tiền đã đặt cọc, nhưng sau khi thương thảo với Doanh nghiệp Đình T số tiền còn lại 545.697.887 đồng, hai bên thống nhất tính tiền lãi khấu trừ vào số tiền đã đặt cọc. Ông T phản bác yêu cầu này.

- Vụ thứ sáu: về phần tiền lương thì ông T đề nghị Tòa án xem xét, trong đó lương của tháng 12 năm 2010 công ty chưa thanh toán cho tôi.

Ngoài ra, các yêu cầu phản tố về tiền trợ cấp thất nghiệp và tiền trợ cấp thôi việc là 470.000.000 đồng; ngày 16/10/2015 ông T đã có đơn xin rút, không yêu cầu Tòa án giải quyết.

* Ý kiến trình bày của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Công ty TNHH MTV T Lào:

Thống nhất ý kiến trình bày và yêu câu khởi kiện của nguyên đơn về việc buộc bị đơn phải hoàn trả lại khoản tiền gây thiệt hại do tự ý bán lô hàng cà phê 126,995 tấn trong lô cà phê 169,2 tấn cà phê của Công ty T Lào gửi tại kho của Công ty T Quảng Trị.

* Ngưòi đại diện theo ủy quyền của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan của Công ty cổ phần TP trình bày:

Ngày 01/10/2015 công ty CP TP đã có văn bản rút yêu cầu về việc công ty T Quảng Trị hoàn trả lại số tiền 1.906.222.577 đồng, không yêu cầu Tòa án giải quyết. Công ty T Quảng Trị có đơn yêu cầu Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Trị kê biên nhà máy chế biến cà phê của Công ty cổ phần TP tại xã X, huyện Y, tỉnh Quảng Trị thì nhà máy này mua của DNTN Đình T được thể hiện tại họp đồng mua bán số 990/HĐGD ngày 02/6/2011 và kê biên chiếc xe ô tô Fortuner sản xuất năm 2012, biển kiêm soát 74A - 00844 đăng ký tại Công an tỉnh Quảng Trị. Cả hai tài sản này thuộc sở hữu của Công ty TP mà không thuộc sở hữu của ông Võ Văn T là bị đơn trong vụ án; hơn nữa, các tài sản này đã được thế chấp tại Ngân hàng thương mại cô phần SH, chi nhánh Hà Đông trước thời điểm Tòa án ra Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; như vậy, việc kê biên là không đúng pháp luật. Ngày 21/10/2015 công ty cổ phần TP có đơn đề nghị hủy bỏ biện pháp khấn cấp tạm thời đối với tài sản bị kê biên.

*Tại  văn  bản  phản  bác  nội  dung  khởi  kiện  của  nguyên  đơn  ngày 01/11/2013, ngày 18/12/2014 và tại phiên tòa sơ thẩm người đại diện theo ủy quyền của ngưòi có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Nguyễn Thị T trình bày:

Thửa đất diện tích 30.1 m2  tại đường Y, Quận X, thành phố Hà Nội đã được UBND quận Y cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 29/12/2008 cho vợ chồng ông Võ Văn T và bà Nguyễn Thị T. Trên đất có ngôi nhà 02 tầng diện tích sử dụng 60.2 m2. Toàn bộ tài sản này đã được thế chấp tại Ngân hàng thương mại cổ phần SH, chi nhánh Hà Đông ngày 14/6/2013. Thế nhưng, ngày 22/8/2013 Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Trị ban hành Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời kê biên tài sản của vợ chồng ông  T, bà T. Ngày 20/10/2015 ông T, bà T có đơn đề nghị Tòa án hủy bỏ Quyết định kê biên số 04/2013/QĐ-BPKCTT ngày 22/8/2013.

Tại bản án lao động sơ thẩm số 01/2016/DS-ST ngày 13/11/2015, Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Trị quyết định:

Áp dụng điểm b khoản 1 Điều 31, khoản 1 Điều 131 của BLTTDS; Điều 15, Điều 23, Điều 90 của Bộ luật lao động; Điều 27 pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án. Xử:

Tuyên xử: Quan hệ tranh chấp lao động “ về bồi thường thiệt hại giữa người lao động và người sử dụng lao động".

Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Công ty cổ phần T Quảng Trị.

Buộc bị đơn ông Võ Văn T có nghĩa vụ hoàn trả lại số tiền 996.399.369 đồng (chín trăm chín mươi sáu triệu ba trăm chín mươi chín ngàn ba trăm sáu mươi chín đồng) cho nguyên đơn Công ty cổ phần T Quảng Trị;

Không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn Công ty cổ phần T Quảng Trị về việc yêu cầu bị đơn ông Võ Văn T hoàn trả số tiên 5.566.947.526 đồng (Năm tỷ năm trăm sáu mươi sáu triệu chín trăm bốn mươi bảy ngàn năm trăm hai mươi sáu đồng).

Ngoài ra, Tòa án sơ thẩm còn quyết định về án phí và quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Sau khi án xử sơ thẩm, ngày 27/11/2015 nguyên đơn công ty T kháng cáo yêu  cầu  buộc  ông  T  phải  bồi  thường  đối  với  lô  hàng  76,8  tấn  cà  phê  là 481.873.423 đồng và lô hàng cà phê 102,995 tấn là 4.434.243.000 đồng;  đồng thời ra quyết định kê biên tài sản của ông T và bà Nguyễn Thị T để đảm bảo việc thi hành án.

Ngày 27/11/2015, bị đơn ông Võ Văn T kháng cáo không chấp nhận việc hoàn trả số tiền như án sơ thẩm đã quyết định.

Sau khi nghe người kháng cáo trình bày nội dung và các căn cứ kháng cáo, ý kiến của các bên liên quan đến nội dung kháng cáo và tranh luận tại phiên tòa. Sau khi thảo luận và nghị án.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Tại phiên tòa phúc thẩm nguyên đơn không rút đơn khởi kiện; nguyên đơn và bị đơn không rút đơn kháng cáo mà vẫn giữ nguyên đơn kháng cáo với nội dung như trên, các bên không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án và yêu cầu Tòa án giải quyết.

Xét các yêu cầu kháng cáo của Công ty cổ phần T Quảng Trị (sau đây gọi tắt là công ty T) thì thấy:

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và trình bày của các đương sự tại phiên tòa thì các bên đều thừa nhận án sơ thẩm xác định ông Võ Văn T không phải là thành viên của Công ty T do ông T không góp vốn vào công ty là đúng. Như vậy quan hệ và trách nhiệm giữa ông T và Công ty T được xác lập thông qua các hợp đồng lao động theo Bộ luật lao động và trách nhiệm của Giám đốc, Tổng giám đốc được quy định trong Luật doanh nghiệp cụ thể như sau: Hợp đồng lao động số 648-09/TH-HĐLĐ ngày 31/8/2009 được ký kết giữa Công ty cổ phần Tập đoàn T do ông Nguyễn Văn A Chủ tịch Hội đồng quản trị làm đại diện với ông Võ Văn T. Theo hợp đồng này thì ông Võ Văn T giữ chức vụ giám đốc công ty TNHH T Quảng Trị thời hạn 3 năm kể từ ngày 1/9/2009 đến 30/8/2012.

Hợp đồng lao động  không số -2010/THQT-HĐLĐ ngày 31/12/2010  được ký kết giữa Công ty cổ phần  T Quảng Trị do ông Nguyễn Văn A Chủ tịch Hội đồng quản trị làm đại diện với ông Võ Văn T. Theo hợp đồng này thì ông Võ Văn T giữ chức vụ Tổng giám đốc công ty cổ phần T Quảng Trị thời hạn 3 năm kể từ ngày 1/1/2011 đến 31/12/2013. Khoản 4 Điều 116 Luật doanh nghiệp năm 2005 quy định: “ Giám đốc hoặc Tổng giám đốc phải điều hành công việc kinh doanh hàng ngày của công ty theo đúng quy định của pháp luật, Điều lệ công ty, hợp đồng lao động ký với công ty  và quyết định của Hội đồng quản trị. Nếu điều hành mà trái với quy định này mà gây thiệt hại cho công ty thì Giám đốc hoặc Tổng giám đốc phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và phải bồi thường thiệt hại cho công ty” .

Công ty T cho rằng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ Tổng giám đốc của công ty T ông Võ Văn T đã có hành vi gây thiệt hại cho Công ty số tiền là 6.563.346.895 đồng (trong đó: 4 vụ mua bán cà phê với các đối tác khác thông qua các HĐKT gây thiệt hại 5.699.044.783 đồng; 01 vụ thanh lý hợp đồng mua bán  tài  sản  gây  thiệt  hại  654.302.112  đồng;  trả  nhận  lương  sai  quy  định 210.000.000 đồng). Án sơ thẩm số 01/2015 ngày 13/11/2015 của TAND tỉnh Quảng Trị chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện buộc ông T phải hoàn trả số tiền 996.399.369 đồng. Sau khi án xử sơ thẩm công ty T kháng cáo yêu cầu buộc ông T phải bồi thường đối với lô hàng 76,8 tấn cà phê là 481.873.423 đồng và lô hàng cà phê 102,995 tấn là 4.434.243.000 đồng, đồng thời ra quyết định kê biên tài sản của ông T và bà Nguyễn Thị T để đảm bảo việc thi hành án. Bị đơn kháng cáo không chấp nhận việc hoàn trả số tiền như án sơ thẩm đã quyết dịnh.

Theo các báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh (bút lục 1169) và phụ lục hoạt động SXKD (bút lục 1187)  năm 2011 của công ty T Quảng Trị thì trong năm 2011 công ty kinh doanh bị lỗ 24,542 tỷ đồng (nếu trừ lợi nhuận khác là 6,171 tỷ thì còn lỗ 18,370 tỷ). Cũng theo các báo cáo này thì thấy: Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ là 385, 844 tỷ (lấy số tròn); chi phí sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ là 385,302 tỷ; chi phí tài chính (chi phí lãi tiền vay dùng cho sản xuất kinh doanh) là 28,246 tỷ thì thấy rằng trong quá trình tổ chức kinh doanh để có doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ là 385, 844 tỷ (lấy số tròn) thì nguồn vốn để kinh doanh của công ty chủ yếu là vốn vay nên nguyên nhân lỗ trong kinh doanh chính là chi phí 28,246 tỷ đồng lãi tiền vay. Việc tổ chức kinh doanh là một quá trình diễn ra liên tục và chỉ được hạch toán lỗ, lãi khi kết thúc năm tài chính kinh doanh của Doanh nghiệp chứ không thể hạch toán riêng từng giao dịch để tính lời lỗ. Trong vụ án này công ty T để có doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ là 385, 844 tỷ đồng thì phải có rất nhiều các hợp đồng mà công ty đã ký kết với các đối tác khác nhưng công ty chỉ đưa ra 4 hợp đồng mà công ty cho rằng ông T với tư cách là Tổng giám đốc của công ty đã mua cà phê giá cao nhưng bán giá thấp và ngược lại nên đã gây thiệt hại cho công ty số tiền 5.699.044.783 đồng và phải bồi thường số tiền này cho công ty trong khi chưa xác định nguyên nhân cụ thể về các thương vụ kinh doanh này.

Như đã nhận định ở trên thì quan hệ và trách nhiệm của ông T đối với công ty T là các quan hệ thông qua các hợp đồng lao động mà hai bên đã giao kết. Giữa công ty T và ông T không có hợp đồng trách nhiệm như quy định tại khoản 2 Điều 130 của Bộ luật lao động nên công ty cũng không có căn cứ để buộc ông T phải bồi thường theo hợp đồng trách nhiệm được. Việc bồi thường theo hợp đồng lao động về nội dung phải được tuân thủ theo các Điều, khoản của Hợp đồng mà các bên đã cam kết cũng như các quy định tại Điều 130 Bộ luật lao động. Về nguyên tắc và trình tự, thủ tục xử lý bồi thường thiệt hại phải tuân thủ đúng quy định tại Điều 131 Bộ luật lao động. Việc khiếu nại, khởi kiện việc bồi thường phải theo quy định tại Điều 132 Bộ luật lao động.

Đối chiếu với các nhận định trên đây thì thấy trong vụ án này ban đầu công ty T cho rằng ông T đã có hành vi gian dối trong việc xuất bán cà phê để chiếm đoạt phần chênh lệch giá và tự ý bán các loại tài sản của công ty khi chưa được phép của chủ sở hữu để chiếm đoạt nên có đơn tố cáo ông T đến cơ quan điều tra về hành vi: “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” của ông T. Sau khi có quyết định không khởi tố vụ án hình sự của Cơ quan cảnh sát điều tra tỉnh Quảng Trị (Quyết định số 06/ QĐ-PC46 ngày 8/2/2013) thì ngày 13/8/2013 công ty T làm đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án tỉnh Quảng Trị buộc ông T phải bồi thường thiệt hại cho Công ty số tiền là 6.563.346.895 đồng trong đó: 4 vụ mua bán cà phê với các đối tác khác thông qua các hợp đồng kinh tế gây thiệt hại 5.699.044.783 đồng; 01 vụ thanh lý hợp đồng mua bán tài sản gây thiệt hại 654.302.112 đồng; trả nhận lương sai quy định 210.000.000 đồng. Án sơ thẩm số 07/2014/KDTM-ST ngày 10/4/2014 của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Trị xác định vụ án “Tranh chấp giữa công ty với thành viên công ty”,  từ đó quyết định chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc ông Võ Văn T phải bồi thường khoản tiền 4.460.201.000 đồng cho Công ty cổ phần T Quảng Trị. Sau khi xét xử sơ thẩm cả nguyên đơn, bị đơn đều kháng cáo. Án phúc thẩm số 36/2014/ KDTM- PT ngày 04/9/2014 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng quyết định: Hủy bản án sơ thẩm số 07/2014/KDTM-ST ngày 10/4/2014 của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Trị. Giao hồ sơ vụ án về Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Trị giải quyết lại vụ án. Sau khi thụ lý để giải quyết lại vụ án và xác định đây là tranh chấp lao động “Về bồi thường thiệt hại giữa người lao động với người sử dụng lao động”. Trong qua trình thụ lý giải quyết vụ án thì tại thời điểm này Bộ luật lao động năm 2012 đã có hiệu lực pháp luật, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12/1/2015 Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật lao động (sau đây gọi tắt là Nghị định số 05) và như đã nhận định ở trên nếu xác định đây tranh chấp lao động “Về bồi thường thiệt hại giữa người lao động với người sử dụng lao động”, thì sẽ thuộc trường hợp chưa đủ điều kiện khởi kiện được quy định tại điểm d khoản 1 Điều 168 Bộ luật tố tụng dân sự vì: Việc bồi thường theo hợp đồng lao động về nội dung phải được tuân thủ theo các điều khoản của Hợp đồng mà các bên đã cam kết cũng như các quy định tại Điều 130 Bộ luật lao động. Về nguyên tắc và trình tự, thủ tục xử lý bồi thường thiệt hại phải tuân thủ đúng quy định tại Điều 131 Bộ luật lao động và các Điều 32, Điều 33 của Nghị định số 05 nhưng công ty T trước khi khởi kiện yêu cầu ông T phải bồi thường các thiệt hại đã chưa thực hiện đúng các quy định về xử lý bồi thường thiệt hại đối với người lao động theo các quy định của Bộ luật lao động và Nghị định số 05 đã viện dẫn ở trên trong đó đặc biệt có nội dung  chỉ được khởi kiện ra Tòa án (tranh chấp trả nhận lương sai quy định 210.000.000 đồng) khi đã thông qua thủ tục hòa giải theo quy định tại khoản 1 Điều 201 Bộ luật lao động. Án sơ thẩm khi thụ lý giải quyết lại vụ án nhưng không trả lại đơn khởi kiện cho công ty T là không thực hiện đúng quy định tại điểm d khoản 1 Điều 168 Bộ luật tố tụng dân sự nên phải hủy án sơ thẩm, đình chỉ vụ án và trả lại đơn khởi kiện cho công ty T để công ty T thực hiện   nguyên tắc và trình tự, thủ tục xử lý bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 131 Bộ luật lao động và các Điều 32, Điều 33 của Nghị định số 05.

Do án sơ thẩm bị hủy nên kháng cáo của ông Võ Văn T hội đồng xét xử không xem xét nữa.

Do hủy án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án nên tiền tạm ứng án phí sẽ được hoàn trả cho nguyên đơn, người liên quan. Người kháng cáo không phải chịu án phí phúc thẩm.

Từ những nhận định trên.

Căn cứ khoản 4 Điều 308 và Điều 311 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

QUYẾT ĐỊNH

1/Hủy bản án sơ thẩm số 01/2015/LĐ-ST ngày 13/11/2015 của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Trị và đình chỉ giải quyết vụ án giữa:

Nguyên đơn: Công ty cổ phần T Quảng Trị. Bị đơn: Ông Võ Văn T.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

+ Công ty TNHH một thành viên T Lào.

+ Công ty cổ phần TP.

+ Bà Nguyễn Thị T.

2/ Về án phí:

- Hoàn trả lại cho Công ty cổ phần T Quảng Trị 58.975.000 đồng tiền tạm ứng án phí sơ thẩm và 200.000 đồng tiền tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp tại các biên lai số 0125 ngày 29/8/2013 và số 0448 ngày 09/12/2015 của Cục thi hành án dân sự tỉnh Quảng Trị.

- Hoàn trả lại cho Công ty cổ phần TP 21.062.000 đồng tiền tạm ứng án phí sơ thẩm đã nộp tại biên lai số 0137 ngày 09/12/2013 và của Cục thi hành án dân sự tỉnh Quảng Trị.

- Hoàn trả lại cho ông Võ Văn T 200.000 đồng tiền tạm ứng án phí phúc thẩm tại biên lai số 0447 ngày 10/12/2015 của Cục thi hành án dân sự tỉnh Quảng Trị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

2237
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 01/2016/LĐ-PT ngày 06/07/2016 về bồi thường thiệt hại giữa người lao động và người sử dụng lao động

Số hiệu:01/2016/LĐ-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Lao động
Ngày ban hành:06/07/2016
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về