Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Quyết định 2109/QĐ-UBND thí điểm tổ chức chi trả chính sách trợ giúp xã hội qua bưu điện Phú Yên 2016

Số hiệu: 2109/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Phú Yên Người ký: Phan Đình Phùng
Ngày ban hành: 05/09/2016 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ YÊN

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2109/QĐ-UBND

Phú Yên, ngày 05 tháng 9 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

V/V PHÊ DUYỆT PHƯƠNG ÁN TỔ CHỨC CHI TRẢ CÁC CHÍNH SÁCH TRỢ GIÚP XÃ HỘI HÀNG THÁNG CHO ĐỐI TƯỢNG BẢO TRỢ XÃ HỘI QUA HỆ THỐNG BƯU ĐIỆN TỈNH PHÚ YÊN

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ về việc Quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 29/2014/TTLT-BLĐTBXH-BTC ngày 24/10/2014 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và Bộ Tài chính về việc hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 136/2013/NĐ-CP của Chính phủ;

Căn cứ Công văn số 8381/VPCP-KGVX ngày 14/10/2015 của Văn phòng Chính phủ về việc chi trả chính sách trợ giúp xã hội hàng tháng cho đối tượng bảo trợ xã hội qua hệ thống bưu điện và Công văn số 4517/LĐTBXH-BTXH ngày 04/11/2015 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội về việc hướng dẫn thực hiện chi trả chính sách trợ giúp xã hội;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (tại Tờ trình số: 1461/TTr-LĐTBXH ngày 31/8/2016),

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Phương án thí điểm tổ chức chi trả chính sách trợ giúp xã hội hàng tháng cho đối tượng bảo trợ xã hội qua hệ thống Bưu điện tỉnh Phú Yên giai đoạn 2016-2017, kèm theo Quyết định này.

Thời điểm triển khai thí điểm từ tháng 10/2016 đến hết tháng 12/2017.

Điều 2.

Giao Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với Bưu điện tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính và các sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan tổ chức triển khai thực hiện tốt nội dung của Phương án.

Giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội ký hợp đồng khung với Bưu điện tỉnh quy định trách nhiệm cụ thể của từng bên, công tác quản lý, theo dõi đối tượng và giải quyết những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện chi trả ... Đồng thời phối hợp cùng Sở Tài chính theo dõi triển khai thực hiện phương án; đề xuất sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh kịp thời; tổng hợp đánh giá kết quả thực hiện thí điểm, rút kinh nghiệm trình UBND tỉnh tiếp tục triển khai sau khi kết thúc giai đoạn thí điểm.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Bưu điện tỉnh, Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này, kể từ ngày ký./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ LĐTBXH (b/cáo);
- TT. Tỉnh ủy (b/c);
- TT HĐND tỉnh (b/cáo);
- CT, PCT UBND tỉnh;
- PVP. UBND tỉnh;
- Lưu: VT, KT, KgVx (Ty-2b).

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH





Phan Đình Phùng

 

PHƯƠNG ÁN

CHI TRẢ CÁC CHÍNH SÁCH TRỢ GIÚP XÃ HỘI ĐỐI VỚI ĐỐI TƯỢNG BẢO TRỢ XÃ HỘI QUA HỆ THỐNG BƯU ĐIỆN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH PHÚ YÊN
(Kèm theo Quyết định số: 2109/QĐ-UBND ngày 05/9/2016 của UBND tỉnh)

Chương I

ĐẶT VẤN ĐỀ

I. Sự cần thiết

Hiện nay, toàn tỉnh đang thực hiện chi trả trợ cấp thường xuyên tại cộng đồng cho 39.459 đối tượng Bảo trợ xã hội trên phạm vi toàn tỉnh. Trong đó: trẻ em mồ côi, không người nuôi dưỡng: 224 em, người cao tuổi 18.045 người, người khuyết tật: 17.348 người, người nhiễm HIV: 09 người, người đơn thân nuôi con nhỏ thuộc hộ nghèo: 949 người; chăm sóc, nuôi dưỡng người khuyết tật đặc biệt nặng: 2.805 người; hộ gia đình nhận nuôi trẻ mồ côi, bỏ rơi, người khuyết tật nặng và người cao tuổi cô đơn là 36 hộ, người từ 16-22 tuổi không có nguồn nuôi dưỡng đang học văn hóa, học nghề, cao đẳng, đại học là 43 người.

Thời gian qua cán bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cấp xã thực hiện chi trả trợ cấp cho các đối tượng do cán bộ Lao động Thương binh và xã hội cấp xã thực hiện và thanh quyết toán kinh phí cơ bản đảm bảo đúng theo quy định, cán bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cấp xã là người địa phương nắm rõ đối tượng như những tâm tư, tình cảm, nhu cầu, thăm hỏi đối tượng kịp thời, chi đúng, chi đủ cho đối tượng.

Tuy nhiên, hiện nay chính sách Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện ở cấp xã khá đa dạng, như: thực hiện chính sách cứu trợ xã hội đột xuất; chi trả trợ cấp cho người có công, thực hiện các chính sách về giảm nghèo, xóa nhà ở tạm, chính sách về giải quyết việc làm, dạy nghề, chính sách chăm sóc nâng cao mức sống người có công …; ngoài ra còn phải kiêm nhiệm một số công việc khác. Hàng tháng, cán bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cấp xã đến nhận tiền trực tiếp tại phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện để về chi trả cho đối tượng. Phần lớn đối tượng bảo trợ xã hội là những người cao tuổi, người khuyết tật đặc biệt nặng và nặng không thể đến trực tiếp nhận tiền nên cán bộ làm công tác phải chi trả trực tiếp cho đối tượng tại gia đình, do đó việc đi chi trả trợ cấp cho đối tượng hàng tháng mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện các chính sách khác trên địa bàn. Hơn nữa, cần có sự tách bạch giữa lĩnh vực quản lý nhà nước và các dịch vụ xã hội, đảm bảo tính minh bạch, công khai và ngăn ngừa các yếu tố tiêu cực có thể xảy ra.

Xuất phát từ thực trạng trên, phương án chi trả thông qua cơ quan cung cấp dịch vụ Bưu điện là cần thiết, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương cũng như xu hướng chung của cả nước, đảm bảo việc thực hiện chi trả mang tính chuyên nghiệp, bền vững, chính xác, nhanh chóng, ít rủi ro, công khai, minh bạch trong công tác chi trả, đồng thời giảm áp lực công việc cho cán bộ Lao động- Thương binh và Xã hội để tập trung thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước trên địa bàn.

II. Mục tiêu, yêu cầu, phạm vi, đối tượng, thời gian thực hiện

1. Mục tiêu và yêu cầu

- Quản lý thực hiện chi trả chính sách trợ giúp đối với đối tượng bảo trợ xã hội của địa phương đúng chính sách, đúng chế độ, kịp thời đến tận tay đối tượng được hưởng.

- Bố trí nơi chi trả thuận lợi, thống nhất và ổn định tại 1 địa điểm để tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng khi nhận trợ cấp.

- Đảm bảo an toàn tiền mặt (trên đường vận chuyển, tại nơi chi trả, phương án bảo quản tiền qua đêm…).

- Đảm bảo chất lượng phục vụ (bằng hoặc tốt hơn phương thức trước đây).

2. Phạm vi triển khai

Dịch vụ chi trả bảo trợ xã hội qua hệ thống Bưu điện được triển khai trên địa bàn toàn tỉnh do hệ thống Bưu điện tuyến huyện quản lý. Riêng địa bàn thành phố Tuy Hòa do Bưu điện Trung tâm thành phố Tuy Hoà quản lý.

3. Đối tượng, số lần chi trả trợ cấp xã hội

Bưu điện tổ chức thực hiện công tác chi trả các chính sách trợ giúp xã hội cho các đối tượng bảo trợ xã hội theo danh sách chi trả do cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội bàn giao, bao gồm:

- Các đối tượng nhận tiền trợ cấp xã hội hàng tháng như:

+ Trẻ em dưới 16 tuổi không có nguồn nuôi dưỡng;

+ Người từ 16 tuổi đến 22 tuổi đang học phổ thông, học nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học;

+ Trẻ em bị nhiễm HIV thuộc hộ nghèo; người bị nhiễm HIV thuộc hộ nghèo không còn khả năng lao động mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công hàng tháng, trợ cấp hàng tháng khác;

+ Người đơn thân nghèo đang nuôi con;

+ Người cao tuổi…;

+ Trẻ em khuyết tật, người khuyết tật;

- Hộ gia đình, cá nhân nhận chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng.

- Chi phí mai táng.

Số lần chi trả trong năm: Mỗi tháng 01 lần, chi trả 12 tháng trong năm.

4. Thời gian triển khai

- Giai đoạn 1: Từ kỳ chi trả tháng 10/2016 đến hết năm 2017, triển khai thí điểm công tác chi trả các chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội qua hệ thống Bưu điện. Đến tháng 12/2017 tổng kết, rút kinh nghiệm.

- Giai đoạn 2: Từ năm 2018, chính thức triển khai công tác chi trả các chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội qua hệ thống Bưu điện.

Chương II

NĂNG LỰC CỦA BƯU ĐIỆN TỈNH

I. Tổng quan về Bưu điện tỉnh Phú Yên

1. Mô hình tổ chức của Bưu điện tỉnh Phú Yên

Bưu điện tỉnh Phú Yên được thành lập theo Quyết định số 568/QĐ-TCCB/HĐQT ngày 06/12/2007 của Hội đồng Quản trị Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam, là đơn vị thành viên hạch toán phụ thuộc Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam (nay là Tổng công ty Bưu điện Việt Nam). Bưu điện tỉnh Phú Yên có 09 đơn vị trực thuộc, là các Bưu điện huyện, thị xã, thành phố. Cơ quan tham mưu của Bưu điện tỉnh Phú Yên là Khối Quản lý gồm 04 phòng chức năng: Phòng Kế hoạch Kinh doanh, phòng Tổ chức Hành chính, phòng Kế toán Thống kê Tài chính và phòng Kỹ thuật Nghiệp vụ.

Hệ thống các đơn vị trực thuộc Bưu điện tỉnh Phú Yên

TT

Tên đơn vị

Địa chỉ

Số điện thoại

1

BĐTT TP Tuy Hòa

206A Trần Hưng Đạo, TP Tuy Hòa

057.3823200

2

BĐH Đông Hòa

Thị trấn Hòa Vinh, huyện Đông Hòa

057.3558667

3

BĐH Tây Hòa

Thị trấn Phú Thứ, huyện Tây Hòa

057.3578222

4

BĐTX Sông cầu

Thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên

057.3875200

5

BĐH Tuy An

Thị trấn Chí Thạnh, huyện Tuy An

057.3767777

6

BĐH Đồng Xuân

Thị trấn La Hai, huyện Đồng Xuân

057.3872121

7

BĐH Sơn Hòa

Thị trấn Củng Sơn, huyện Sơn Hòa

057.3506236

8

BĐH Sông Hinh

Thị trấn Hai Riêng, h.Sông Hinh

057.3505050

9

BĐH Phú Hòa

Thị trấn Phú Hòa, huyện Phú Hòa

057.3887555

2. Chức năng và nhiệm vụ

Bưu điện tỉnh Phú Yên là đơn vị thành viên, hạch toán phụ thuộc Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (sau đây gọi tắt là Tổng công ty), là một bộ phận cấu thành của mạng bưu chính công cộng, hoạt động kinh doanh và hoạt động công ích cùng các đơn vị thành viên khác trong một dây chuyền công nghệ bưu chính, chuyển phát liên hoàn, thống nhất cả nước, có mối liên hệ với nhau về tổ chức mạng lưới lợi ích kinh tế, tài chính, phát triển dịch vụ để thực hiện những mục tiêu của Nhà nước do Tổng công ty giao. Chức năng, nhiệm vụ chính của Bưu điện tỉnh Phú Yên:

- Thiết lập, quản lý, khai thác và phát triển mạng bưu chính công cộng trên địa bàn tỉnh; Cung cấp các dịch vụ bưu chính công ích theo quy hoạch, kế hoạch phát triển bưu chính của Tổng công ty và những nhiệm vụ công ích khác do Tổng công ty giao hoặc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền yêu cầu.

- Kinh doanh các dịch vụ bưu chính dành riêng theo quy định của của Nhà nước; Kinh doanh các dịch vụ bưu chính, chuyển phát, phát hành báo chí, tài chính, ngân hàng trong và ngoài nước trên địa bàn tỉnh.

- Hợp tác với các doanh nghiệp viễn thông cung cấp, kinh doanh các dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh. Tư vấn, nghiên cứu, đào tạo và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực bưu chính, chuyển phát.

- Tổ chức kinh doanh các ngành nghề khác theo quy định của pháp luật và được Tổng công ty cho phép.

II. Kinh nghiệm kinh doanh, cung cấp dịch vụ

Bưu điện tỉnh Phú Yên là doanh nghiệp nhà nước sở hữu một thương hiệu lớn và uy tín trên thị trường với bề dày truyền thống trên 70 năm hình thành và phát triển. Từ năm 2008 đến nay hoạt động theo mô hình tổ chức mới, Bưu điện tỉnh Phú Yên đã và đang từng ngày phát triển mạnh mẽ cả về chiều rộng lẫn chiều sâu với những diện mạo mới, điều này được thể hiện qua việc hoàn thành các chỉ tiêu về doanh thu, lợi nhuận, đời sống cán bộ, công nhân viên được cải thiện đáng kể.

Hiện nay, Bưu điện tỉnh Phú Yên đang hợp tác triển khai đạt hiệu quả các dịch vụ hành chính công như sau: cung cấp dịch vụ chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH; Cung cấp dịch vụ thu BHYT qua hệ thống Bưu điện; cung cấp dịch vụ chuyển phát Hồ sơ và kết quả giải quyết thủ tục hồ sơ BHXH; cung cấp dịch vụ thu, nộp hộ tiền phạt và chuyển phát giấy tờ bị tạm giữ trong lĩnh vực giao thông đường bộ; cung cấp dịch vụ thu hộ, chi hộ; ...

III. Năng lực phục vụ

1. Mạng lưới: Bưu điện tỉnh Phú Yên có mạng lưới các điểm phục vụ rộng khắp trong toàn tỉnh. Hệ thống điểm phục vụ của Bưu điện gồm có:

- Bưu cục: là điểm giao dịch tiêu chuẩn của Bưu điện được chia thành 3 cấp theo vị trí địa lý và qui mô. Tổng cộng có 17 bưu cục, trong đó:

+ Cấp 1: 01 Bưu cục giao dịch tại trung tâm tỉnh;

+ Cấp 2: 08 Bưu cục giao dịch tại trung tâm các huyện;

+ Cấp 3: 08 Bưu cục tại các địa bàn xã/phường trên phạm vi toàn tỉnh;

- Điểm Bưu điện văn hóa xã: là điểm giao dịch của Bưu điện, là một thiết chế tại nông thôn, với cơ sở vật chất được đầu tư khang trang, cung cấp các dịch vụ Bưu chính, viễn thông cơ bản kết hợp với tổ chức đọc sách báo miễn phí. Hiện nay toàn tỉnh có 66 điểm Bưu điện văn hóa xã đang phục vụ.

- Các đại lý Bưu điện: có 4 điểm.

2. Nhân lực: Bưu điện tỉnh có đội ngũ CBCNV năng động nhiệt tình, yêu ngành, yêu nghề và có nhiều kinh nghiệm trong việc cung cấp dịch vụ bưu chính và tài chính bưu chính. Tính đến ngày 31/10/2015, toàn Bưu điện tỉnh Phú Yên có 238 CBCNV, trong đó cán bộ quản lý có 65 người (Lãnh đạo Bưu điện tỉnh, Lãnh đạo và nhân viên các phòng chức năng, Lãnh đạo các đơn vị cơ sở), đội ngũ trực tiếp tham gia vào quá trình sản xuất 173 người. Trình độ trên đại học 03 người, đại học 82 người, cao đẳng 25 người, trung cấp 75 người và công nhân 53 người. Ngoài lực lượng lao động chính thức nêu trên còn có lực lượng mở rộng gồm 150 người, bao gồm: nhân viên Điểm Bưu điện Văn hóa xã, Bưu tá xã được huấn luyện nghiệp vụ và kỹ năng giao tiếp với khách hàng. Mỗi Bưu điện huyện đều phân công CBCNV chịu trách nhiệm quản lý về dịch vụ và hoạt động tài chính.

3. Cơ sở vật chất kỹ thuật

- Nhà cửa, công trình kiến trúc: Trụ sở Bưu điện tỉnh, Bưu điện cấp huyện, các Bưu cục, điểm Bưu điện văn hóa xã đều nằm tại vị trí trung tâm; thuận tiện về giao thông và có điều kiện cơ sở vật chất tốt để đón tiếp các đối tượng đến giao dịch. Toàn bộ nhà được xây dựng mái bằng bê tông, hệ thống cửa an toàn và gần trụ sở UBND xã /phường.

- Công cụ bảo quản, giao dịch tiền mặt: Tại các Bưu cục có đầy đủ quầy/bàn giao dịch, công cụ sản xuất được trang bị đầy đủ các loại thiết bị như: máy tính, máy in, két sắt, tủ sắt, đầu đọc mã vạch, máy đếm tiền, máy soi tiền,…. đảm bảo chất lượng kỹ thuật.

- Phương tiện vận chuyển: Tất cả các Bưu điện huyện đều được trang cấp xe ôtô chuyên dùng. Tổng số xe ôtô chuyên dùng của Bưu điện tỉnh là 16 xe (từ 4 →16 chỗ), luôn đảm bảo vận chuyển người, tiền, vật phẩm an toàn mọi lúc, mọi nơi.

4. Hệ thống tài khoản ngân hàng

Hiện nay, Bưu điện sử dụng hệ thống tài khoản mở tại ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn từ cấp tỉnh đến huyện để thực hiện việc điều chuyển tiền hằng ngày, với lưu lượng tiền khoảng 5,178 tỷ đồng/ngày. Cùng với ứng dụng công nghệ thông tin, các báo cáo thu nộp tiền của các dịch vụ được thực hiện nhanh chóng, đảm bảo sự theo dõi, quản lý sát sao về các nguồn tiền phát sinh trên toàn hệ thống thông qua phần mềm CFM, theo đó dòng tiền chi trả bảo trợ xã hội cũng được quản lý và điều hành như trên.

5. Hệ thống công nghệ thông tin: Trong hệ thống các điểm giao dịch của Bưu điện tỉnh Phú Yên có 29 điểm giao dịch có kết nối mạng online. Hiện nay, để vận hành, quản lý các dịch vụ, Bưu điện tỉnh Phú Yên đang sử dụng các phần mềm ứng dụng: Mạng chuyển tiền, mạng dịch vụ Tiết kiệm Bưu điện, mạng dịch vụ thu hộ - chi hộ, mạng quản lý dịch vụ Bảo hiểm, mạng quản lý bưu phẩm, bưu kiện…

Chương III

PHƯƠNG ÁN TỔ CHỨC CHI TRẢ

I. Mô hình tổ chức dịch vụ

Căn cứ Quyết định phê duyệt Phương án của UBND tỉnh và Hợp đồng khung giữa Sở Lao động - Thương binh và Xã hội với Bưu điện tỉnh, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội được UBND cấp huyện giao dự toán chi ngân sách nhà nước thực hiện chính sách trợ giúp xã hội trực tiếp ký Hợp đồng chi tiết về việc chi trả chế độ chính sách trợ giúp xã hội với Bưu điện huyện để tổ chức dịch vụ chi trả trên địa bàn huyện.

Nội dung Hợp đồng nêu rõ trách nhiệm và quyền lợi của mỗi bên; quy trình chuyển tiền và thanh quyết toán; quy trình, địa điểm, thời gian chi trả và mức phí chi trả. Việc ký kết, thực hiện hợp đồng và xử lý tranh chấp hợp đồng về việc chi trả chế độ chính sách trợ giúp xã hội được thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Riêng địa bàn thành phố Tuy Hòa do Bưu điện thành phố Tuy Hòa chưa có đủ tư cách pháp nhân (không có con dấu riêng) nên Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Tuy Hòa sẽ trực tiếp ký hợp đồng với Bưu điện tỉnh Phú Yên để cung cấp dịch vụ trên địa bàn thành phố Tuy Hòa.

II. Tổ chức mạng lưới chi trả

1. Tổ chức mạng lưới điểm chi trả

a) Phạm vi cung cấp dịch vụ: trên địa bàn toàn tỉnh bao gồm 7 Bưu điện huyện, 1 Bưu điện thị xã Sông Cầu, 1 Bưu điện Trung tâm thành phố Tuy Hòa.

b) Hình thức chi trả:

- Chi trả trực tiếp bằng tiền mặt cho đối tượng bảo trợ xã hội hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng; chế độ đối với hộ gia đình, cá nhân nhận chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng; tiền truy lĩnh và hỗ trợ chi phí mai táng của đối tượng bảo trợ xã hội tại điểm Bưu cục hoặc điểm Bưu điện - Văn hóa cấp xã theo danh sách do phòng Lao động- Thương binh và Xã hội cấp huyện cung cấp.

- Chi trả tại gia đình đối với những trường hợp đặc biệt như: các đối tượng hưởng không thể tự đến điểm chi trả như: người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng, người cao tuổi không có người nhận trợ cấp thay (có xác nhận của UBND xã/phường/thị trấn nơi cư trú).

c) Thời gian chi trả:

- Việc chi trả được thực hiện ngay sau ngày nhận được tiền và danh sách chi trả của phòng Lao động - Thương binh và Xã hội.

- Thời gian chi trả từ ngày 05 đến ngày 10 hàng tháng. Trường hợp kinh phí Trung ương, tỉnh cấp chưa kịp thời thì Bưu điện tỉnh sẽ xem xét số tiền cần ứng trước và khả năng đáp ứng của Bưu điện tỉnh để giải quyết (nếu có thể).

- Chi tiết phương án tổ chức mạng chi trả: Trên cơ sở số liệu khảo sát thực tế mạng lưới điểm chi trả hiện hành, Bưu điện tỉnh xây dựng phương án chi tiết tổ chức các điểm chi trả cho từng địa bàn phục vụ.

2. Tổ chức nhân lực: Trên cơ sở số liệu khảo sát thực tế về số lượng đối tượng hưởng, số tiền hưởng, lịch chi trả, số người tham gia chi trả hiện hành và phương án tổ chức mạng lưới, Bưu điện tỉnh tổ chức bố trí lao động phục vụ công tác chi trả.

III. Tổ chức đảm bảo an toàn chi trả

1. Phương án vận chuyển tiền: Dùng ô tô chuyên ngành để vận chuyển tiền từ Kho bạc về Bưu điện cấp huyện, Bưu điện Trung tâm. Sau đó, tiến hành phân chia tiền theo từng điểm chi trả. Trong quá trình vận chuyển phải có nhân viên chi trả và nhân viên bảo vệ để đảm bảo an toàn.

2. Phương án lưu giữ tiền qua đêm: Kết thúc đợt chi trả, tổng số tiền còn lại chưa trả hết sẽ được nhân viên chi trả kiểm đếm và vận chuyển về nộp vào quỹ của Bưu điện huyện và lưu tại quỹ của Bưu điện huyện, Bưu điện Trung tâm để lưu quỹ theo quy định. Đối với các điểm thuộc vùng sâu, vùng xa thì chuyển nộp về lưu tại két của Bưu cục 3 gần nhất.

IV. Qui trình chi trả và quản lý đối tượng

1. Chuyển tiền thực hiện chi trả

Thời gian làm thủ tục chuyển tiền và danh sách chi trả cho Bưu điện huyện theo Hợp đồng đã ký được thực hiện từ ngày 01 đến ngày 04 hàng tháng;

Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện đối chiếu và hoàn chỉnh danh sách đến ngày 30 hàng tháng, căn cứ danh sách đối tượng thụ hưởng (bao gồm đối tượng tăng, giảm so với tháng trước) chuyển giao cho Bưu điện cấp huyện

Kinh phí: chi trả chính sách trợ giúp xã hội trong tháng bao gồm cả tiền chi trả trợ cấp xã hội hàng tháng; chế độ đối với hộ gia đình, cá nhân nhận chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng; tiền truy lĩnh và mai táng phí của đối tượng bảo trợ xã hội.

Làm thủ tục: chuyển tiền, rút tiền dự toán tại Kho bạc Nhà nước, lập ủy nhiệm chi chuyển tiền cho tổ chức dịch vụ chi trả và chuyển danh sách chi trả cho tổ chức dịch vụ chi trả.

2. Quy trình thực hiện chi trả

a) Căn cứ danh sách chi trả hàng tháng do Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cung cấp, Bưu điện huyện lập danh sách chi trả cho các hộ gia đình tại điểm giao dịch gần nơi đối tượng cư trú (thuận tiện cho đối tượng đến nhận tiền) và chuyển danh sách đối tượng cho các điểm chi trả trên địa bàn xã, phường, thị trấn được phân công chi trả;

b) Các điểm chi trả thực hiện chi trả và yêu cầu đối tượng nhận tiền hoặc người được ủy quyền nhận tiền ký nhận và ghi rõ họ và tên vào danh sách chi trả; đồng thời, nhân viên chi trả ký xác nhận vào sổ theo dõi lĩnh tiền trợ cấp của đối tượng. Trường hợp người nhận tiền không có khả năng ký nhận được dùng ngón tay để điểm chỉ. Trường hợp hộ gia đình không đến lĩnh tiền trợ cấp hoặc trường hợp Bưu điện đến chi trả tại nhà nhưng không có người nhận, nhân viên chi trả nộp lại số kinh phí chưa chi trả cho Bưu điện huyện để quyết toán chuyển trả vào tháng sau;

c) Trường hợp trong tháng chi trả đối tượng không nhận tiền, cán bộ chi trả có trách nhiệm phối hợp với UBND cấp xã, cán bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tìm hiểu nguyên nhân. Nếu do đối tượng chết, mất tích hoặc chuyển khỏi địa bàn, tổ chức dịch vụ chi trả có trách nhiệm thông báo cho UBND cấp xã và Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội biết để làm các thủ tục cắt trợ cấp hoặc tạm dừng chi trả trợ cấp theo quy định.

3. Báo cáo và quyết toán: Hàng tháng, tổ chức dịch vụ chi trả tổng hợp danh sách đối tượng đã nhận tiền, số tiền đã chi trả, danh sách đối tượng chưa nhận tiền và chuyển chứng từ (danh sách đã ký nhận). Quyết toán kinh phí đã chi trả và chuyển trả phần kinh phí không chi hết cho Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội sau khi chi trả xong cho đối tượng (chậm nhất là ngày 20 hàng tháng) để làm cơ sở quyết toán ngân sách nhà nước.

4. Giải quyết xử lý khiếu nại: Công tác tiếp nhận và giải quyết khiếu nại được qui định cụ thể như:

- Tất cả các giao dịch viên có trách nhiệm tiếp nhận các yêu cầu khiếu nại của khách hàng.

- Giao dịch viên thực hiện tra cứu ngay những trường hợp đối tượng hưởng có khiếu nại về việc nhận tiền trong tháng, phát nhầm tiền… Trường hợp phải tra cứu hồ sơ chứng từ của các tháng trước, cán bộ bưu cục quản lý phải tiếp nhận và trả lời trong thời gian nhanh nhất.

- Đối với các trường hợp yêu cầu giải quyết các chế độ chính sách, số tiền lĩnh… nhân viên đầu mối tại Bưu điện huyện liên hệ với Phòng Lao động- Thương binh và Xã hội huyện hoặc Phòng Kỹ thuật nghiệp vụ Bưu điện tỉnh để giải quyết.

- Trong những trường hợp ngoài phạm vi xử lý, Bưu điện tỉnh sẽ liên hệ với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thông qua các đầu mối liên hệ để phối hợp giải quyết.

5. Phối hợp kiểm tra, giám sát, giải quyết các vướng mắc phát sinh khác

- Bưu điện tỉnh, Bưu điện cấp huyện chủ động xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát và phối hợp với cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội định kỳ hàng quý/năm hoặc đột xuất thực hiện kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện chi trả tại các điểm chi trả.

- Bưu điện huyện, thị xã chủ động nắm bắt thông tin liên quan đến chế độ của người được hưởng, phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện giải quyết kịp thời, nhanh chóng các khiếu nại, vướng mắc cho người hưởng chế độ.

- Mọi vấn đề vướng mắc phát sinh trong quá trình từ thương thảo ký kết hợp đồng chi trả cho đến khi thực hiện chi trả tuỳ thuộc vào nội dung, tính chất của vấn đề sẽ được giải quyết thông qua đầu mối của hai bên trên tinh thần hợp tác cùng phát triển.

V. Xây dựng mức chi phí cung cấp dịch vụ

1. Mức phí chi trả cho đơn vị cung cấp dịch vụ: Mức phí chi trả cho đơn vị cung cấp dịch vụ thực hiện công tác chi trả trợ cấp xã hội hàng tháng cho đối tượng bảo trợ xã hội như sau:

- Đối với xã, phường, thị trấn có từ 250 đối tượng trở xuống là 500.000 đồng/tháng/xã;

- Đối với những xã, phường, thị trấn có trên 250 đối tượng, thì từ đối tượng thứ 251 được thanh toán thêm 2.500 đồng/tháng/đối tượng, nhưng mức chi trả tối đa không quá 1.000.000 đồng/tháng/xã.

2. Kinh phí thực hiện: Kinh phí chi trả dịch vụ cho đơn vị thực hiện công tác chi trả trợ cấp xã hội hàng tháng cho đối tượng bảo trợ xã hội do ngân sách cấp huyện đảm bảo và được bố trí trong dự toán chi sự nghiệp đảm bảo xã hội cấp huyện.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Lao động-Thương binh và Xã hội

- Căn cứ Quyết định phê duyệt phương án chi trả trợ cấp xã hội qua hệ thống Bưu điện của UBND tỉnh Phú Yên, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm phối hợp với Bưu điện tỉnh Phú Yên tiến hành ký Hợp đồng khung quy định cụ thể trách nhiệm của từng bên trong quá trình thực hiện; phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo, hướng dẫn phòng Lao động - Thương binh và Xã hội ký hợp đồng chi tiết với Bưu điện cấp huyện; phối hợp với cơ quan cung cấp dịch vụ Bưu điện để tổ chức thực hiện theo đúng quy định pháp luật; điều phối các hoạt động của phương án; kiểm tra, giám sát các nội dung của phương án,... nghiên cứu, đề xuất, sửa đổi bổ sung phương án chi trả, đảm bảo phù hợp và hiệu quả.

- Tham gia tổ chức đào tạo nghiệp vụ cho đội ngũ nhân viên thực hiện công tác chi trả trợ cấp xã hội; tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm, tổng hợp báo cáo UBND tỉnh về kết quả thực hiện.

- Phối hợp với Bưu điện tỉnh thực hiện kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện chi trả tại các địa phương.

2. Bưu điện tỉnh Phú Yên

- Căn cứ Quyết định phê duyệt phương án chi trả trợ cấp xã hội qua hệ thống Bưu điện của UBND tỉnh Phú Yên, phối hợp cùng với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiến hành ký Hợp đồng khung và chỉ đạo Bưu điện cấp huyện ký Hợp đồng chi tiết với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội để cung cấp dịch vụ, đảm bảo công tác chi trả an toàn, hiệu quả và thuận lợi nhất cho đối tượng.

- Hướng dẫn các Bưu điện cấp huyện tổ chức thực hiện qui trình nghiệp vụ chi trả theo đúng yêu cầu của cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội và phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo công tác chi trả đúng đối tượng, đúng số tiền và đúng theo các mẫu biểu quy định.

- Chịu trách nhiệm toàn diện khi đơn vị, cá nhân thuộc Bưu điện các cấp để xảy ra mất tiền trong khi chi trả dù bất kỳ trường hợp nào do nguyên nhân chủ quan hay khách quan, chi trả không đúng người hưởng, không đúng thời gian quy định, không đúng số tiền theo danh sách chi trả do cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội chuyển sang hoặc qua công tác thanh tra, kiểm tra của các cơ quan có thẩm quyền phát hiện việc chi trả không đúng thì phải thu hồi, bồi hoàn cho người hưởng hoặc cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội.

- Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức đào tạo nghiệp vụ chi trả trợ cấp xã hội, tổ chức sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm công tác chi trả.

- Tổng hợp và gửi báo cáo về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội về tình hình chi trả cùng thời gian với phòng Lao động - Thương binh và Xã hội để thuận lợi trong việc theo dõi, tổng hợp báo cáo.

- Thông báo đầu mối tiếp nhận, phối hợp và xử lý thông tin liên quan với cơ quan Lao động -Thương binh và Xã hội.

3. Sở Tài chính

Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND các huyện, thị xã, thành phố bố trí nguồn kinh phí trong dự toán ngân sách hàng năm cho các địa phương theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thực hiện. Hướng dẫn các đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch, dự toán kinh phí hàng năm, đảm bảo thực hiện tốt các nội dung của phương án này.

4. Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố

- Chỉ đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội ký kết Hợp đồng với cơ quan cung cấp dịch vụ (Bưu điện cấp huyện) theo đúng phương án đã phê duyệt để triển khai thực hiện; tiếp nhận và thẩm định hồ sơ đề nghị trợ cấp xã hội của cấp xã; quản lý đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn; hướng dẫn và kiểm tra, giám sát cấp xã trong việc xác định và quản lý đối tượng; hàng tháng lập, gửi danh sách chi trả trợ cấp cho đơn vị cung cấp dịch vụ; lập dự toán đề nghị Kho bạc nhà nước cấp huyện chuyển kinh phí cho đơn vị cung cấp dịch vụ để thực hiện chi trả đến đối tượng; phối hợp và theo dõi đơn vị cung cấp dịch vụ trong việc triển khai công tác chi trả trợ cấp cho đối tượng; tổng hợp, báo cáo định kỳ và đột xuất tình hình, kết quả thực hiện chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội theo quy định.

- Đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra UBND cấp xã trong việc xác định đối tượng, xét duyệt hồ sơ, công khai minh bạch về đối tượng và đề nghị cấp có thẩm quyền giải quyết theo đúng quy định; quản lý đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn, thường xuyên cập nhật danh sách, theo dõi sự biến động của đối tượng; phối hợp với đơn vị cung cấp dịch vụ trong việc chi trả trợ cấp; chế độ tổng hợp, báo cáo theo đúng quy định.

- Phối hợp với Sở Tài chính, các ngành, đơn vị liên quan chỉ đạo các phòng, ban chức năng đảm bảo nguồn kinh phí để kịp thời chi trả trợ cấp cho các đối tượng trên địa bàn và kinh phí chi trả các chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội qua hệ thống Bưu điện được hướng dẫn, quy định tại Phương án này./.

 

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 2109/QĐ-UBND ngày 05/09/2016 phê duyệt Phương án thí điểm tổ chức chi trả chính sách trợ giúp xã hội hàng tháng cho đối tượng bảo trợ xã hội qua hệ thống Bưu điện tỉnh Phú Yên

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


1.273

DMCA.com Protection Status
IP: 3.148.102.90
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!