UỶ BAN THƯỜNG VỤ
QUỐC HỘI
********
|
CỘNG HOÀ XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
04/2002/PL-UBTVQH11
|
Hà Nội, ngày 04
tháng 11 năm 2002
|
PHÁP LỆNH
CỦA UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI SỐ 04/2002/PL-UBTVQH11 NGÀY 04
THÁNG 11 NĂM 2002 VỀ VIỆC TỔ CHỨC TOÀ ÁN QUÂN SỰ
Căn cứ vào Hiến pháp nước Cộng
hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị quyết
số 51/2001/QH10 ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Quốc hội khoá X, kỳ họp thứ 10;
Căn cứ vào Luật tổ chức Toà án nhân dân;
Pháp lệnh này quy định về tổ chức và hoạt động của các Toà án quân sự.
Chương 1:
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1
Các Toà án
quân sự là những cơ quan xét xử của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thuộc
hệ thống Toà án nhân dân được tổ chức trong Quân đội.
Trong phạm vi chức năng của
mình, các Toà án quân sự có nhiệm vụ bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa; bảo vệ
chế độ xã hội chủ nghĩa và quyền làm chủ của nhân dân; bảo vệ an ninh quốc
phòng, kỷ luật và sức mạnh chiến đấu của Quân đội; bảo vệ tài sản của Nhà nước,
của tập thể; bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, tài sản, tự do, danh dự, nhân phẩm của
quân nhân, công chức, công nhân quốc phòng và của các công dân khác.
Bằng hoạt động của mình, các Toà
án quân sự góp phần giáo dục quân nhân, công chức, công nhân quốc phòng trung
thành với Tổ quốc, chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật, điều lệnh của Quân đội,
tôn trọng những quy tắc của cuộc sống xã hội, ý thức đấu tranh phòng ngừa và chống
tội phạm, các vi phạm pháp luật khác.
Điều 2
1. Các Toà
án quân sự gồm có:
a) Toà án quân sự trung ương;
b) Các Toà án quân sự quân khu
và tương đương;
c) Các Toà án quân sự khu vực.
2. Căn cứ vào nhiệm vụ và tổ chức
của Quân đội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội quyết định thành lập, giải thể Toà án
quân sự quân khu và tương đương, Toà án quân sự khu vực theo đề nghị của Chánh
án Toà án nhân dân tối cao sau khi thống nhất với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Điều 3
Các Toà án
quân sự có thẩm quyền xét xử những vụ án hình sự mà bị cáo là:
1. Quân nhân tại ngũ, công chức,
công nhân quốc phòng, quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện hoặc
kiểm tra tình trạng sẵn sàng chiến đấu; dân quân, tự vệ phối thuộc với Quân đội
trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu và những người được trưng tập làm nhiệm vụ
quân sự do các đơn vị quân đội trực tiếp quản lý;
2. Những người không thuộc các đối
tượng quy định tại khoản 1 Điều này mà phạm tội có liên quan đến bí mật quân sự
hoặc gây thiệt hại cho Quân đội.
Điều 4
Đối với những
người không còn phục vụ trong Quân đội mà phát hiện hành vi phạm tội của họ đã
được thực hiện trong thời gian phục vụ trong Quân đội hoặc những người đang phục
vụ trong Quân đội mà phát hiện hành vi phạm tội của họ đã được thực hiện trước
khi vào Quân đội, thì Toà án quân sự xét xử những tội phạm có liên quan đến bí
mật quân sự hoặc gây thiệt hại cho Quân đội; những tội phạm khác do Toà án nhân
dân xét xử.
Điều 5
Trong trường
hợp vụ án vừa có bị cáo hoặc tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án quân sự,
vừa có bị cáo hoặc tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án nhân dân thì thẩm
quyền xét xử được thực hiện như sau:
1. Trong trường hợp có thể tách
vụ án thì Toà án quân sự xét xử những bị cáo và tội phạm theo quy định tại khoản
1 Điều 3 và Điều 4 của Pháp lệnh này; những bị cáo và tội phạm khác thuộc thẩm
quyền xét xử của Toà án nhân dân;
2. Trong trường hợp không thể
tách vụ án thì Toà án quân sự xét xử toàn bộ vụ án.
Điều 6
Chế độ bổ
nhiệm Thẩm phán được thực hiện đối với các Toà án quân sự.
Chế độ cử Hội thẩm quân nhân được
thực hiện đối với các Toà án quân sự quân khu và tương đương, các Toà án quân sự
khu vực.
Điều 7
Việc xét xử
của Toà án quân sự quân khu và tương đương, Toà án quân sự khu vực có Hội thẩm
quân nhân tham gia theo quy định của pháp luật tố tụng. Khi xét xử, Hội thẩm
quân nhân ngang quyền với Thẩm phán.
Điều 8
Khi xét xử,
Thẩm phán và Hội thẩm quân nhân độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.
Điều 9
Toà án
quân sự xét xử tập thể và quyết định theo đa số.
Thành phần Hội đồng xét xử ở mỗi
cấp xét xử do pháp luật tố tụng quy định.
Điều 10
Toà án
quân sự xét xử công khai, trừ trường hợp cần xét xử kín để giữ gìn bí mật nhà
nước, bí mật quân sự, thuần phong mỹ tục của dân tộc hoặc để giữ bí mật của
đương sự theo yêu cầu chính đáng của họ.
Điều 11
Toà án
quân sự xét xử theo nguyên tắc mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật,
không phân biệt nam, nữ, dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần xã hội, địa
vị xã hội; cá nhân, cơ quan, tổ chức, đơn vị vũ trang nhân dân và các cơ sở sản
xuất, kinh doanh thuộc mọi thành phần kinh tế đều bình đẳng trước pháp luật.
Điều 12
Toà án
quân sự bảo đảm quyền bào chữa của bị cáo, quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp
pháp của đương sự.
Điều 13
Toà án
quân sự bảo đảm cho những người tham gia tố tụng quyền dùng tiếng nói, chữ viết
của dân tộc mình trước Toà án.
Điều 14
1. Toà án
quân sự thực hiện chế độ hai cấp xét xử.
Bản án, quyết định sơ thẩm của
Toà án quân sự có thể bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của pháp luật tố tụng.
Bản án, quyết định sơ thẩm không
bị kháng cáo, kháng nghị trong thời hạn do pháp luật quy định thì có hiệu lực
pháp luật. Đối với bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị thì vụ
án phải được xét xử phúc thẩm. Bản án, quyết định phúc thẩm có hiệu lực pháp luật.
2. Đối với bản án, quyết định của
Toà án quân sự đã có hiệu lực pháp luật mà phát hiện có vi phạm pháp luật hoặc
có tình tiết mới thì được xem xét lại theo trình tự giám đốc thẩm hoặc tái thẩm
do pháp luật tố tụng quy định.
Điều 15
Bản án,
quyết định của Toà án quân sự đã có hiệu lực pháp luật phải được các đơn vị vũ
trang nhân dân, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội,
tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế và mọi người tôn
trọng.
Cá nhân, đơn vị, cơ quan, tổ chức
có nghĩa vụ chấp hành bản án, quyết định của Toà án quân sự phải nghiêm chỉnh
chấp hành.
Trong phạm vi chức năng của
mình, các cơ quan, tổ chức được giao nhiệm vụ thi hành bản án, quyết định của
Toà án quân sự phải nghiêm chỉnh thi hành và chịu trách nhiệm trước pháp luật về
việc thực hiện nhiệm vụ đó.
Điều 16
Trong trường
hợp cần thiết, cùng với việc ra bản án, quyết định, Toà án quân sự ra kiến nghị
yêu cầu thủ trưởng đơn vị vũ trang nhân dân, cơ quan, tổ chức hữu quan áp dụng
biện pháp khắc phục nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm hoặc vi phạm pháp
luật tại đơn vị, cơ quan, tổ chức đó. Thủ trưởng đơn vị vũ trang nhân dân, cơ
quan, tổ chức nhận được kiến nghị có trách nhiệm nghiên cứu thực hiện và trong
thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày nhận được kiến nghị phải thông báo cho Toà án
quân sự về việc đó.
Điều 17
Toà án
quân sự phối hợp với các đơn vị vũ trang nhân dân, các cơ quan, tổ chức trong
việc phát huy tác dụng giáo dục của phiên toà và tạo điều kiện thuận lợi cho việc
thi hành bản án, quyết định của Toà án quân sự.
Điều 18
Toà án
quân sự cùng với Viện kiểm sát quân sự, Cơ quan điều tra hình sự của Quân đội,
Cơ quan an ninh của Quân đội và các cơ quan hữu quan khác nghiên cứu, thực hiện
những chủ trương biện pháp nhằm phòng ngừa và chống tội phạm, các vi phạm pháp
luật khác.
Điều 19
Cơ quan
chính trị quân khu và tương đương mỗi năm một lần tổ chức hội nghị đại biểu
quân nhân trong đơn vị mình và các đơn vị đóng quân trên địa bàn để nghe Toà án
quân sự cùng cấp báo cáo hoạt động của Toà án quân sự và trả lời những câu hỏi
của các đại biểu.
Toà án quân sự có trách nhiệm trả
lời chất vấn của đại biểu Hội đồng nhân dân về hoạt động của Toà án quân sự có
liên quan đến địa phương.
Điều 20
Toà án
nhân dân tối cao quản lý các Toà án quân sự về tổ chức có sự phối hợp chặt chẽ
với Bộ Quốc phòng.
Quy chế phối hợp giữa Toà án
nhân dân tối cao và Bộ Quốc phòng trong việc quản lý các Toà án quân sự về tổ
chức do Chánh án Toà án nhân dân tối cao trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội quy định.
Chương 2:
TỔ CHỨC, NHIỆM VỤ, QUYỀN
HẠN CỦA TOÀ ÁN QUÂN SỰ CÁC CẤP
Mục 1: TOÀ ÁN
QUÂN SỰ TRUNG ƯƠNG
Điều 21
1. Toà án
quân sự trung ương thuộc cơ cấu tổ chức của Toà án nhân dân tối cao.
2. Cơ cấu tổ chức của Toà án
quân sự trung ương gồm có:
a) Uỷ ban Thẩm phán Toà án quân
sự trung ương;
b) Các Toà phúc thẩm Toà án quân
sự trung ương;
c) Bộ máy giúp việc.
3. Toà án quân sự trung ương có
Chánh án, các Phó Chánh án, Thẩm phán, Thư ký Toà án.
Điều 22
1. Toà án
quân sự trung ương có thẩm quyền xét xử:
a) Phúc thẩm những vụ án hình sự
mà bản án, quyết định chưa có hiệu lực pháp luật của các Toà án quân sự cấp dưới
trực tiếp bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của pháp luật tố tụng;
b) Giám đốc thẩm, tái thẩm những
vụ án hình sự mà bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của các Toà án
quân sự cấp dưới bị kháng nghị theo quy định của pháp luật tố tụng.
2. Toà án quân sự trung ương
giám đốc việc xét xử của các Toà án quân sự cấp dưới.
Điều 23
1. Uỷ ban
Thẩm phán Toà án quân sự trung ương gồm có:
a) Chánh án, các Phó Chánh án
Toà án quân sự trung ương;
b) Một số Thẩm phán Toà án quân
sự trung ương được Chánh án Toà án nhân dân tối cao quyết định theo đề nghị của
Chánh án Toà án quân sự trung ương.
Tổng số thành viên Uỷ ban Thẩm
phán Toà án quân sự trung ương không quá bảy người.
2. Uỷ ban Thẩm phán Toà án quân
sự trung ương có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:
a) Căn cứ vào Nghị quyết của Hội
đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn cụ thể việc áp dụng thống nhất
pháp luật tại các Toà án quân sự;
b) Tổng kết kinh nghiệm xét xử của
các Toà án quân sự;
c) Thông qua báo cáo của Chánh
án Toà án quân sự trung ương về công tác của các Toà án quân sự để báo cáo với
Chánh án Toà án nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
3. Phiên họp của Uỷ ban Thẩm
phán Toà án quân sự trung ương phải có ít nhất hai phần ba tổng số các thành
viên tham gia. Quyết định của Uỷ ban Thẩm phán Toà án quân sự trung ương phải
được quá nửa tổng số thành viên biểu quyết tán thành.
Điều 24
1. Chánh
án Toà án quân sự trung ương có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:
a) Tổ chức công tác xét xử;
b) Chủ toạ các phiên họp của Uỷ
ban Thẩm phán Toà án quân sự trung ương;
c) Kháng nghị theo thủ tục giám
đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của các Toà án quân sự cấp
dưới theo quy định của pháp luật tố tụng;
d) Tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ
cho Thẩm phán, Hội thẩm quân nhân và cán bộ của các Toà án quân sự;
đ) Tổ chức việc kiểm tra công
tác của các Toà án quân sự cấp dưới;
e) Báo cáo công tác của các Toà
án quân sự với Chánh án Toà án nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng;
g) Thực hiện các công tác khác
theo quy định của pháp luật.
2. Phó Chánh án Toà án quân sự
trung ương giúp Chánh án làm nhiệm vụ theo sự phân công của Chánh án. Khi Chánh
án vắng mặt, một Phó Chánh án được Chánh án uỷ nhiệm thay mặt lãnh đạo công tác
Toà án. Phó Chánh án chịu trách nhiệm trước Chánh án về nhiệm vụ được giao.
Mục 2: TOÀ ÁN
QUÂN SỰ QUÂN KHU VÀ TƯƠNG ĐƯƠNG
Điều 25
1. Cơ cấu
tổ chức của Toà án quân sự quân khu và tương đương gồm có:
a) Uỷ ban Thẩm phán;
b) Bộ máy giúp việc.
2. Toà án quân sự quân khu và
tương đương có Chánh án, các Phó Chánh án, Thẩm phán, Hội thẩm quân nhân, Thư
ký Toà án.
Điều 26
Toà án
quân sự quân khu và tương đương có thẩm quyền xét xử:
1. Sơ thẩm những vụ án hình sự không
thuộc thẩm quyền của các Toà án quân sự khu vực và những vụ án hình sự thuộc thẩm
quyền của các Toà án quân sự khu vực nhưng Toà án quân sự quân khu và tương
đương lấy lên để xét xử;
2. Phúc thẩm
những vụ án hình sự mà bản án, quyết định chưa có hiệu lực pháp luật của các
Toà án quân sự cấp dưới bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của pháp luật tố
tụng;
3. Giám đốc thẩm,
tái thẩm những vụ án hình sự mà bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của
các Toà án quân sự cấp dưới bị kháng nghị theo quy định của pháp luật tố tụng;
4. Giải quyết
những việc khác theo quy định của pháp luật.
Điều 27
1. Uỷ ban
Thẩm phán Toà án quân sự quân khu và tương đương gồm có:
a) Chánh án, các Phó Chánh án
Toà án quân sự quân khu và tương đương;
b) Một số Thẩm phán Toà án quân
sự quân khu và tương đương được Chánh án Toà án quân sự trung ương quyết định
theo đề nghị của Chánh án Toà án quân sự quân khu và tương đương.
Tổng số thành viên Uỷ ban Thẩm
phán Toà án quân sự quân khu và tương đương không quá năm người.
2. Uỷ ban Thẩm phán Toà án quân
sự quân khu và tương đương có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:
a) Giám đốc thẩm, tái thẩm những
vụ án hình sự mà bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của các Toà án
quân sự cấp dưới bị kháng nghị theo quy định của pháp luật tố tụng;
b) Bảo đảm việc áp dụng thống nhất
pháp luật tại Toà án quân sự cấp mình và các Toà án quân sự cấp dưới;
c) Tổng kết kinh nghiệm xét xử;
d) Thông qua báo cáo của Chánh
án Toà án quân sự quân khu và tương đương về công tác của các Toà án quân sự
trong quân khu và tương đương để báo cáo với Chánh án Toà án quân sự trung
ương, Tư lệnh quân khu và tương đương.
3. Phiên họp của Uỷ ban Thẩm
phán Toà án quân sự quân khu và tương đương phải có ít nhất hai phần ba tổng số
thành viên tham gia. Quyết định của Uỷ ban Thẩm phán Toà án quân sự quân khu và
tương đương phải được quá nửa tổng số thành viên biểu quyết tán thành.
Điều 28
1. Chánh
án Toà án quân sự quân khu và tương đương có những nhiệm vụ và quyền hạn sau
đây:
a) Tổ chức công tác xét xử;
b) Chủ toạ các phiên họp của Uỷ
ban Thẩm phán Toà án quân sự quân khu và tương đương;
c) Kháng nghị theo thủ tục giám
đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của các Toà án quân sự cấp
dưới theo quy định của pháp luật tố tụng;
d) Tổ chức việc kiểm tra công
tác của các Toà án quân sự cấp dưới;
đ) Tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ
cho Thẩm phán, Hội thẩm quân nhân và cán bộ Toà án quân sự cấp mình và Toà án
quân sự cấp dưới;
e) Báo cáo công tác của các Toà
án quân sự trong quân khu và tương đương với Chánh án Toà án quân sự trung
ương, Tư lệnh quân khu và tương đương;
g) Thực hiện các công tác khác
theo quy định của pháp luật.
2. Phó Chánh án giúp Chánh án
làm nhiệm vụ theo sự phân công của Chánh án. Khi Chánh án vắng mặt, một Phó
Chánh án được Chánh án uỷ nhiệm thay mặt lãnh đạo công tác Toà án. Phó Chánh án
chịu trách nhiệm trước Chánh án về nhiệm vụ được giao.
Mục 3: TOÀ ÁN
QUÂN SỰ KHU VỰC
Điều 29
1. Toà án quân
sự khu vực có Chánh án, Phó Chánh án, Thẩm phán, Hội thẩm quân nhân, Thư ký Toà
án.
Toà án quân sự khu vực có bộ máy
giúp việc.
2. Toà án quân sự khu vực có thẩm
quyền xét xử sơ thẩm những vụ án hình sự về những tội phạm theo quy định của Bộ
luật tố tụng hình sự mà bị cáo khi phạm tội hoặc khi bị khởi tố có quân hàm từ
Trung tá trở xuống hoặc là người có chức vụ từ Trung đoàn trưởng hoặc tương
đương trở xuống; giải quyết những việc khác theo quy định của pháp luật.
Điều 30
1. Chánh
án Toà án quân sự khu vực có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:
a) Tổ chức công tác xét xử;
b) Báo cáo công tác của Toà án
quân sự khu vực với Chánh án Toà án quân sự cấp trên trực tiếp;
c) Thực hiện các công tác khác
theo quy định của pháp luật.
2. Phó Chánh án giúp Chánh án
làm nhiệm vụ theo sự phân công của Chánh án và chịu trách nhiệm trước Chánh án
về nhiệm vụ được giao.
Chương 3:
THẨM PHÁN VÀ HỘI THẨM
QUÂN NHÂN
Điều 31
1. Sĩ
quan Quân đội tại ngũ có đủ tiêu chuẩn theo quy định của Pháp lệnh Thẩm phán và
Hội thẩm Toà án nhân dân thì có thể được tuyển chọn và bổ nhiệm làm Thẩm phán
Toà án quân sự khu vực hoặc Thẩm phán Toà án quân sự cấp quân khu hoặc Thẩm
phán Toà án quân sự trung ương.
2. Quân nhân tại ngũ, công chức,
công nhân quốc phòng có đủ tiêu chuẩn theo quy định của Pháp lệnh Thẩm phán và
Hội thẩm Toà án nhân dân thì có thể được cử làm Hội thẩm quân nhân Toà án quân
sự khu vực hoặc Hội thẩm quân nhân Toà án quân sự quân khu và tương đương.
Điều 32
Thủ tục
tuyển chọn, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Thẩm phán; thủ tục cử, miễn nhiệm,
bãi nhiệm Hội thẩm quân nhân; quyền và nghĩa vụ của Thẩm phán, Hội thẩm quân
nhân; nhiệm kỳ của Thẩm phán, Hội thẩm quân nhân của Toà án quân sự mỗi cấp được
thực hiện theo quy định của Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm Toà án nhân dân.
Điều 33
Thẩm
phán, Hội thẩm quân nhân chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm
vụ, quyền hạn của mình và phải giữ bí mật công tác theo quy định của pháp luật;
nếu có hành vi vi phạm pháp luật thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử
lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Điều 34
Thẩm
phán, Hội thẩm quân nhân trong khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình mà
gây thiệt hại, thì Toà án nơi Thẩm phán, Hội thẩm quân nhân đó thực hiện nhiệm
vụ xét xử phải có trách nhiệm bồi thường và Thẩm phán, Hội thẩm quân nhân đã
gây thiệt hại có trách nhiệm bồi hoàn cho Toà án quân sự theo quy định của pháp
luật.
Điều 35
1. Chánh
án, Phó Chánh án Toà án quân sự trung ương do Chủ tịch nước bổ nhiệm, miễn nhiệm,
cách chức.
2. Chánh án, Phó Chánh án Toà án
quân sự quân khu và tương đương, Toà án quân sự khu vực do Chánh án Toà án nhân
dân tối cao bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức sau khi thống nhất với Bộ trưởng Bộ
Quốc phòng.
3. Nhiệm kỳ của Chánh án, Phó
Chánh án Toà án quân sự các cấp là năm năm, kể từ ngày được bổ nhiệm.
Điều 36
Chánh án
Toà án quân sự trung ương là Phó Chánh án Toà án nhân dân tối cao.
Thẩm phán Toà án quân sự trung
ương là Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao.
Điều 37
Số lượng
Thẩm phán của Toà án quân sự mỗi cấp; số lượng Hội thẩm quân nhân của các Toà
án quân sự quân khu và tương đương, Toà án quân sự khu vực do Uỷ ban thường vụ
Quốc hội quyết định theo đề nghị của Chánh án Toà án nhân dân tối cao sau khi
thống nhất với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Chương 4:
BẢO ĐẢM HOẠT ĐỘNG CỦA
TOÀ ÁN QUÂN SỰ
Điều 38
1. Tổng
biên chế của Toà án quân sự trung ương và các Toà án quân sự quân khu và tương
đương, Toà án quân sự khu vực do Uỷ ban thường vụ Quốc hội quyết định theo đề
nghị của Chánh án Toà án nhân dân tối cao sau khi thống nhất với Bộ trưởng Bộ
Quốc phòng.
2. Chánh án Toà án nhân dân tối
cao phối hợp chặt chẽ với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định biên chế cho từng
Toà án quân sự quân khu và tương đương, Toà án quân sự khu vực.
Điều 39
Để bảo đảm
cho các Toà án quân sự thực hiện chức năng, nhiệm vụ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng
quyết định:
1. Điều động Thẩm phán từ Toà án
quân sự này đến làm nhiệm vụ tại Toà án quân sự khác cùng cấp sau khi thống nhất
với Chánh án Toà án nhân dân tối cao;
2. Biệt phái Thẩm phán từ Toà án
quân sự này đến làm nhiệm vụ có thời hạn tại Toà án quân sự khác cùng cấp.
Điều 40
Bộ máy
giúp việc của Toà án quân sự trung ương, Toà án quân sự quân khu và tương
đương, Toà án quân sự khu vực do Chánh án Toà án nhân dân tối cao quy định sau
khi thống nhất với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội
phê chuẩn.
Điều 41
1. Quân
nhân, công chức, công nhân quốc phòng làm việc tại Toà án quân sự có các quyền
và nghĩa vụ theo chế độ của Quân đội; được hưởng chế độ phụ cấp đối với ngành
Toà án.
Thẩm phán Toà án quân sự được hưởng
chế độ ưu tiên đối với Thẩm phán theo quy định của Pháp lệnh Thẩm phán và Hội
thẩm Toà án nhân dân.
2. Trang phục, giấy chứng minh đối
với quân nhân, công chức, công nhân quốc phòng làm việc tại các Toà án quân sự
do Uỷ ban thường vụ Quốc hội quy định.
Điều 42
1. Kinh
phí hoạt động của các Toà án quân sự do Bộ Quốc phòng phối hợp với Toà án nhân
dân tối cao lập dự toán và đề nghị Chính phủ trình Quốc hội quyết định.
2. Việc quản lý, cấp và sử dụng
kinh phí được thực hiện theo pháp luật về ngân sách nhà nước.
3. Nhà nước ưu tiên đầu tư phát
triển công nghệ thông tin và các phương tiện khác để bảo đảm cho các Toà án
quân sự hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ của mình.
Điều 43
Lực lượng
cảnh vệ trong Quân đội có nhiệm vụ canh giữ bị cáo, áp giải bị cáo đến phiên
toà, bảo vệ phiên toà và nơi làm việc của Toà án quân sự.
Chương 5:
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 44
Pháp lệnh
này có hiệu lực từ ngày 15 tháng 11 năm 2002.
Pháp lệnh này thay thế Pháp lệnh
tổ chức Toà án quân sự ngày 19 tháng 4 năm 1993.
Những quy định trước đây trái với
Pháp lệnh này đều bãi bỏ.
Điều 45
Chính phủ,
Toà án nhân dân tối cao trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm
hướng dẫn thi hành Pháp lệnh này.