Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 124/2004/QĐ-UB Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Gia Lai Người ký: Phạm Thế Dũng
Ngày ban hành: 18/11/2004 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH GIA LAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 124/2004/QĐ-UB

Pleiku , ngày 18 tháng 11 năm 2004

 

QUYẾT ĐỊNH

''VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH BỒI THƯỜNG , HỖ TRỢ TÁI ĐỊNH CƯ KHI NHÀ NƯỚC THU HỒI ĐẤT TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ PLEIKU''

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH GIA LAI

- Căn cứ điều 10, Luật Tổ chức Hội đồng Nhân dân và Uỷ ban nhân dân năm 2003;
- Căn cứ Luật đất đai năm 2003;
- Xét đề nghị của Sở Tài chính tại Tờ trình số: 122/TT-TC, ngày 11/11/2004

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Ban hành quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn thành phố Pleiku.

Điều 2: Quyết định này áp dụng cho việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và mục đích phát triển kinh tế trong trường hợp xây dựng khu công nghiệp, khu kinh tế và các dự án đầu tư trên địa bàn thành phố Pleiku.

Điều 3: Chánh Văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh, Thủ trưởng các Sở , Ban , ngành , Chủ tịch UBND thành phố Pleiku, Trưởng ban Ban đền bù giải phóng mặt bằng và tái định cư tỉnh, chủ đầu tư của các dự án và các cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này .

Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký ./.

 

 

Nơi nhận:
- Như điều 3.
-VPCP (B/c).
- Bộ Tài chính, Cục QLCS (B/c).
- Bộ xây dựng (B/c).
- Bộ Tài nguyên - MT (B/c).
- Bộ Tư pháp (B/c)
- TTTU, TT HĐND tỉnh.
- Viện KSND tỉnh.
- Tòa án nhân dân tỉnh
- Lưu VT- CN - TH- NL - NC.

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Phạm Thế Dũng

 

QUY ĐỊNH

VỀ BỒI THƯỜNG, HỖ TRỢ VÀ TÁI ĐỊNH CƯ KHI NHÀ NƯỚC THU HỒI ĐẤT TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ PLEIKU
(Ban hành kèm theo Quyết định số:124/2004/QĐ – UB ngày 18 tháng 11 năm 2004 của UBND Tỉnh Gia Lai)

Chương I:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG.

Điều 1: Phạm vi áp dụng.

Bản quy định này quy định về bồi thường về đất, bồi thường về tài sản, các chính sách hỗ trợ, bố trí tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, xây dựng khu công nghiệp, khu khu kinh tế và thực hiện các dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn thành phố Pleiku đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh quyết định.

Điều 2: Các trường hợp không thuộc phạm vi áp dụng quyết định này:

1- Cộng đồng dân cư xây dựng, chỉnh trang các công trình phục vụ lợi ích chung của cộng đồng dân cư theo quy hoạch bằng nguồn vốn do nhân dân đóng góp hoặc Nhà nước có hỗ trợ.

2- Khi Nhà nước thu hồi đất không thuộc phạm vi quy định tại Điều 1 của quy định này.

Điều 3: Người bị thu hồi đất

Tổ chức, cộng đồng dân cư, cơ sở tôn giáo, hộ gia đình, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, cá nhân nước ngoài hoạt động đầu tư trên địa bàn thành phố Pleiku đang sử dụng đất bị Nhà nước thu đất gọi chung là người bị thu hồi đất .

Điều 4: Các trường hợp được mở rộng phạm vi thu hồi đất của dự án:

1- Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng, xây dựng đại lộ trong đô thị, đường vành đai trong đô thị .

2- Dự án xây dựng cầu, bến xe, đầu mối giao thông (Ngã 3, ngã 4...), xây dựng giao thông đường bộ qua khu dân cư .

3- Các dự án đầu tư khác do Ủy ban Nhân dân tỉnh quyết định.

Điều 5: Đối tượng phải chi trả bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.

1- Người được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để sử dụng vào mục đích quy định tại Điều 1, Điều 4 của quy định này có nghĩa vụ chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo quy định của quy định này.

2- Các tổ chức được nhà nước giao nhiệm vụ thu hồi đất theo quy định tại Điều 1, 4 của quy định này thì có nghĩa vụ chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo quy định của quy định này.

Điều 6: Đối tượng được bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.

Người bị thu hồi đất, bị thiệt hại tài sản gắn liền với đất bị thu hồi, được bồi thường về đất, tài sản, được hỗ trợ và bố trí tái định cư theo quy định của quy định này .

Điều 7: Tái định cư.

1-Tái định cư là việc bố trí nơi ở mới cho hộ gia đình, cá nhân bị Nhà nước thu hồi đất mà phải di chuyển chổ ở.

2-Người bị thu hồi đất mà phải di chuyển chỗ ở được bố trí tái định cư bằng các hình thức sau:

a- Bồi thường bằng nhà ở.

b- Bồi thường bằng giao đất ở mới.

c- Bồi thường bằng tiền để tự lo chỗ ở mới.

Điều 8: Phạm vi bồi thường, hỗ trợ

1- Bồi thường hoặc hỗ trợ đối với diện tích đất Nhà nước thu hồi .

2- Bồi thường hoặc hỗ trợ về tài sản hiện có gắn liền với đất và các chi phí đầu tư vào đất khi Nhà nước thu hồi.

3- Hỗ trợ di chuyển, hỗ trợ ổn định cuộc sống, hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề và hỗ trợ khác cho người bị thu hồi đất.

4- Hỗ trợ để ổn định sản xuất và đời sống tại khu vực tái định cư.

Chương II:

BỒI THƯỜNG, HỖ TRỢ VỀ ĐẤT.

Điều 9: Nguyên tắc bồi thường về đất cho người có đất bị thu hồi.

1- Người bị Nhà nước thu hồi đất có một trong các điều kiện được bồi thường về đất theo quy định tại Điều 10 của quy định này thì được bồi thường; nếu không có một trong các điều kiện bồi thường về đất thì không được bồi thường, trong trường hợp cần thiết Ủy ban Nhân dân tỉnh xem xét hỗ trợ.

2- Người bị thu hồi đất nào thì được bồi thường tính bằng tiền theo giá đất có cùng mục đích sử dụng tại thời điểm có quyết định thu hồi. Trường hợp bồi thường bằng việc giao đất mới hoặc bằng nhà, nếu có chênh lệch về giá trị, thì phần chênh lệch đó được thực hiện thanh toán bằng tiền.

3- Trường hợp người sử dụng đất được bồi thường khi nhà nước thu hồi đất mà chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai theo quy định của Pháp luật thì phải trừ đi khoản tiền phải thực hiện nghĩa vụ tài chính vào số tiền được bồi thường, hỗ trợ để hoàn trả Ngân sách Nhà nước.

Điều 10: Điều kiện để được bồi thường, hỗ trợ về đất.

Người bị Nhà nước thu hồi đất, có một trong các điều kiện sau đây thì được bồi thường thiệt hại về đất:

1- Có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của Pháp luật về đất đai.

2- Có quyết định giao đất của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định của Pháp luật về đất đai.

3- Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ổn định, được Ủy ban Nhân dân xã, phường xác nhận không có tranh chấp mà có một trong các loại giấy tờ sau:

a/ Những giấy tờ về quyền sử dụng đất đai trước ngày 15/10/1993 do cơ quan có thẩm quyền cấp trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chính phủ lâm thời Cộng hòa Miền nam Việt Nam và nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

b/ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tạm thời được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp hoặc có tên trong sổ đăng ký ruộng đất, sổ địa chính;

c/ Giấy tờ hợp pháp về thừa kế , tặng, cho quyền sử dụng đất hoặc tài sản gắn liền với đất; giấy tờ giao nhà tình nghĩa gắn liền với đất theo đúng quy định của Pháp luật.

d/ Giấy tờ chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua bán nhà ở gắn liền với đất ở trước ngày 15/10/1993, nay được Ủy ban Nhân dân xã, phường xác nhận là đất sử dụng trước ngày 15/10/1993;

đ/ Giấy tờ về thanh lý, hóa giá nhà ở gắn liền với đất ở theo quy định của Pháp luật bao gồm:

- Có giấy tờ thanh lý, hóa giá nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước của thủ trưởng cơ quan hành chính sự nghiệp, đơn vị lực lượng vũ trang, tổ chức đoàn thể và doanh nghiệp Nhà nước là đơn vị được giao quản lý, sử dụng nhà thuộc sở hữu Nhà nước hoặc nhà được tạo lập bằng vốn có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước trước ngày 05/7/1994, kể cả các trường hợp mua thanh lý, hóa giá nhà nhưng giấy tờ không ghi thu tiền sử dụng đất hoặc giá trị đất;

- Có giấy tờ mua nhà thuộc sở hữu Nhà nước do cơ quan hành chính sự nghiệp, đơn vị lực lượng vũ trang, tổ chức đoàn thể và doanh nghiệp Nhà nước hoặc tổ chức quản lý nhà thuộc sở hữu Nhà nước bán theo quy định của Chính phủ về mua bán và kinh doanh nhà ở.

e/ Giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền thuộc chế độ cũ cấp cho người sử dụng đất.

4- Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất có một trong các loại giấy tờ quy định tại Khoản 3 Điều này mà trên giấy tờ đó ghi tên người khác, kèm theo giấy tờ về việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất có chữ ký của các bên có liên quan, nhưng đến trước ngày 01/7/2004 chưa thực hiện thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy định của Pháp luật, nay được Ủy ban Nhân dân xã, phường xác nhận là đất không tranh chấp.

5- Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nay được Ủy ban Nhân dân xã phường nơi có đất xác nhận là đã sử dụng đất ổn định, không tranh chấp.

6- Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có các loại giấy tờ tại Khoản 1, 2, 3 Điều này, nhưng đã sử dụng ổn định từ trước ngày 15/10/1993, nay được Ủy ban Nhân dân xã, phường xác nhận là đã sử dụng đất ổn định, không tranh chấp bao gồm:

- Đất đã sử dụng trước ngày 15/10/1993 không phải là đất lấn chiếm trái phép và từ đó đến khi thu hồi đất nằm ngoài phạm vi quy hoạch, ngoài phạm vi hành lang bảo vệ công trình, được Ủy ban Nhân dân cấp xã xác nhận đất đó không tranh chấp.

- Đất đang nằm trong phạm vi quy hoạch hoặc hành lang bảo vệ công trình, nhưng là đất đã sử dụng trước ngày 15/10/1993 mà tại thời điểm sử dụng đất Nhà nước chưa quy hoạch, chưa lập hành lang bảo vệ công trình và cắm mốc; sau ngày 15/10/1993, Nhà nước có quy hoạch lập hành lang bảo vệ công trình và cắm mốc, nhưng chưa thực hiện thu hồi đất và bồi thường cho người có đất, được Ủy ban Nhân dân xã xác nhận là đất đó không tranh chấp.

7- Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất không có các loại giấy tờ quy định tại khoản 1, 2, 3 Điều này nhưng đã sử dụng từ ngày 15/10/1993 đến trước ngày 01/7/2004, mà tại thời điểm sử dụng không vi phạm quy hoạch; không vi phạm hành lang bảo vệ công trình, được cấp có thẩm quyền phê duyệt đã công bố công khai, cắm mốc; không phải là đất lấn chiếm trái phép và được Ủy ban Nhân dân xã, phường xác nhận là đã sử dụng đất ổn định, không tranh chấp.

8- Hộ gia đình, cá nhân được sử dụng đất theo bản án hoặc quyết định của Tòa án nhân dân, quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án hoặc quyết định giải quyết tranh chấp đất đai của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đã được thi hành.

9- Người khai hoang đất (Đất chưa bao giờ được dùng vào sản xuất đất đã bỏ hoang ít nhất 5 năm) để sử dụng vào mục đích nông nghiệp mà đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép hoặc phù hợp với quy hoạch và quy định của Pháp luật, được Ủy ban Nhân dân xã, phường nơi có đất bị thu hồi xác nhận đất đó không tranh chấp thì được bồi thường về đất.

10- Cộng đồng dân cư đang sử dụng đất có các công trình là đình, đền, miếu, am, từ đường, nhà thờ họ được Ủy ban Nhân dân xã, phường nơi có đất xác nhận là đất sử dụng chung cho cộng đồng và không tranh chấp.

11- Tổ chức sử dụng đất trong các trường hợp sau đây:

a- Đất được Nhà nước giao có thu tiền sử dụng đất mà tiền sử dụng đất đã nộp không có nguồn gốc từ Ngân sách Nhà nước.

b- Đất nhận chuyển nhượng của người sử dụng đất hợp pháp mà tiền nhận chuyển nhượng không có nguồn gốc từ Ngân sách Nhà nước.

c- Đất sử dụng có nguồn gốc hợp pháp từ hộ gia đình, cá nhân.

Điều 11: Người bị thu hồi đất nhưng không được bồi thường về đất.

Người bị Nhà nước thu hồi đất không có một trong các điều kiện quy định tại Điều 10 của quy định này và trái với Pháp luật thì không được bồi thường về đất.

Điều 12: Diện tích đất ở, giá đất để tính bồi thường, mức bồi thường, hỗ trợ và chi phí đầu tư vào đất còn lại.

1- Diện tích đất ở được bồi thường:

a-Diện tích đất được tính bồi thường là diện tích thực tế thu hồi nhưng không vượt quá diện tích đất ở ghi trên giấy tờ quy định tại khoản 1,2,3,4 Điều 10; Phần chênh lệch lớn hơn giữa diện tích đất ở thực tế thu hồi và diện tích đất ở ghi trên giấy tờ được coi là đất vườn liền kề ,đất nông nghiệp và tính bồi thường theo quy định tại Điều 13 của quy định này.

b- Trường hợp không có giấy tờ theo quy định tại khoản 1,2,3,4 Điều 10 thì diện tích đất ở được tính bồi thường là diện tích được xác định theo thực tế thu hồi nhưng không quá 200m 2 đối với đất nội thị, 300m 2 đối với đất vùng ven.

2- Giá đất để tính bồi thường:

Giá đất để tính bồi thường là giá đất tại thời điểm có quyết định thu hồi đất do Ủy ban Nhân dân tỉnh công bố theo quy định của Chính phủ.

- Trường hợp trả tiền bồi thường bị chậm do chủ dự án gây ra mà giá đất tại thời điểm bồi thường do Ủy ban Nhân dân tỉnh công bố có sự thay đổi cao hơn so với giá đất tại thời điểm có quyết định thu hồi đất thì bồi thường theo giá đất tại thời điểm trả tiền bồi thường; nếu giá đất tại thời điểm bồi thường thấp hơn giá đất tại thời điểm có quyết định thu hồi thì bồi thường theo giá đất tại thời điểm có quyết định thu hồi.

- Trường hợp trả tiền bồi thường bị chậm do người bị thu hồi đất gây ra, mà giá đất tại thời điểm bồi thường do Ủy ban Nhân dân tỉnh công bố có sự thay đổi cao hơn so với giá đất tại thời điểm có quyết định thu hồi đất, thì bồi thường theo giá đất tại thời điểm có quyết định thu hồi; nếu giá đất tại thời điểm bồi thường thấp hơn giá đất tại thời điểm có quyết định thu hồi thì bồi thường theo giá đất tại thời điểm bồi thường.

3- Xác định mức bồi thường, hỗ trợ về đất, nếu hình thức bồi thường, hỗ trợ được thực hiện giá trị bằng tiền:

a- Bồi thường 100% tiền sử dụng đất đối với các trường hợp nêu tại khoản 1,2,3,4,5,6,8,9,10,11 tại Điều 10 của quy định này.

b- Chỉ bồi thường 60% tiền sử dụng đất đối với trường hợp nêu tại khoản 7 Điều 10 của quy định này.

4- Chi phí đầu tư vào đất còn lại là các chi phí thực tế người sử dụng đất đã đầu tư vào đất theo mục đích sử dụng đất được phép sử dụng có đầy đủ chứng từ, căn cứ minh chứng mà đến thời điểm Nhà nước thu hồi đất còn chưa thu hồi được, bao gồm:

- Tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đã nộp trước (có chứng từ, hoá đơn nộp tiền) còn lại sau khi trừ đi số tiền tương ứng với số năm đã sử dụng đất;

- Các khoản chi phí đã đầu tư vào đất như chi phí san lấp mặt bằng, chi phí tôn tạo đất theo hiện trạng của đất khi được giao, được thuê; các chi phí này phải có căn cứ xác định hoặc có chứng từ chứng minh; phần chí phí còn lại phải được xác định ứng với thời gian sử dụng đất còn lại.

Điều 13: Bồi thường đối với đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân.

1- Hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất nông nghiệp được bồi thường bằng đất cùng mục đích sử dụng. Nếu không có đất để bồi thường thì bồi thường bằng tiền theo giá đất cùng mục đích sử dụng quy định tại Điều 12 của quyết định này. Cụ thể như sau:

- Trường hợp bồi thường bằng việc giao đất mới có cùng mục đích sử dụng thì tuỳ vào thực tế quỹ đất ở địa phương, mức giao đất mới cho mỗi hộ gia đình không vượt quá diện tích đất thu hồi và đảm bảo tổng diện tích đất nông nghiệp của hộ không vượt quá hạn mức giao đất nông nghiệp tại địa phương.

- Trường hợp bồi thường bằng việc giao đất mới có giá đất thấp hơn giá đất bị thu hồi, thì người bị thu hồi đất được bồi thường bằng tiền phần giá trị chênh lệch đó;

- Trường hợp bồi thường bằng việc giao đất mới có giá đất cao hơn giá đất bị thu hồi, thì bồi thường bằng giá trị quyền sử dụng đất của đất bị thu hồi; phần giá trị quyền sử dụng đất bị thu hồi không được bồi thường bằng việc giao đất mới thì được bồi thường bằng tiền.

2- Đất nông nghiệp trong nội thành, đất vườn ao liền kề với đất ở trong khu dân cư nông thôn, ngoài việc được bồi thường theo giá đất nông nghiệp cùng loại còn được hỗ trợ thêm 30% đối với đất nội thành, 20% đối với đất vùng ven và nông thôn được tính chênh lệch giữa giá bồi thường đất ở và giá bồi thường đất nông nghiệp theo diện tích thực tế thu hồi nhưng không quá hạn mức giao đất nông nghiệp theo Điều 70 của Luật đất đai năm 2003.

3- Hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất nông nghiệp đang sử dụng vượt hạn mức trước ngày 01/01/1999, thì việc bồi thường được thực hiện như sau:

a- Trường hợp diện tích đất vượt hạn mức do được thừa kế, tặng, cho, nhận chuyển nhượng từ người khác, tự khai hoang theo quy hoạch được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt thì được bồi thường thiệt hại về đất.

b- Diện tích đất vượt hạn mức của các trường hợp khác không được bồi thường thiệt hại về đất, chỉ được bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại.

4- Hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp có nguồn sống chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp bị thu hồi đất nông nghiệp, không đủ điều kiện để bồi thường về đất theo quy định tại quy định này, mà sau khi bị thu hồi không còn đất để sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp thì Ủy ban Nhân dân tỉnh xem xét hỗ trợ từng trường hợp cụ thể và không quá 10 triệu đồng cho một hộ; nếu còn quỹ đất sẽ giải quyết giao đất hoặc cho thuê đất mới.

Điều 14: Bồi thường đối với đất phi nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân.

1- Đất làm mặt bằng cơ sở sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp của hộ gia đình cá nhân đang sử dụng ổn định lâu dài được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất theo quy định tại Khoản 4 Điều 66 Luật đất đai 2003, khi Nhà nước thu hồi được bồi thường theo giá đất cuả loại đất đã được công nhận quyền sử dụng đất.

2- Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất phi nông nghiệp có thời hạn do nhận chuyển nhượng, nhận thưà kế, được tặng cho hoặc do Nhà nước giao có thu tiền sử dụng đất được bồi thường về đất theo giá đất phi nông nghiệp; trường hợp sử dụng đất do Nhà nước hoặc do Ủy ban nhân dân cấp xã, phường cho thuê, thì khi Nhà nước thu hồi chỉ được bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại.

Điều 15: Bồi thường đối với đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp của tổ chức

1- Tổ chức đang sử dụng đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp được Nhà nước giao đã nộp tiền sử dụng đất hoặc nhận chuyển nhượng từ người sử dụng đất hợp pháp, mà tiền sử dụng đất đã nộp, tiền nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã trả không có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước thì khi Nhà nước thu hồi được bồi thường về đất.

2- Tổ chức được Nhà nước cho thuê đất hoặc giao đất không phải nộp tiền sử dụng đất hoặc đã nộp tiền sử dụng đất bằng tiền có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước, thì khi Nhà nước thu hồi đất không được bồi thường về đất, chỉ được bồi thường chi phí đầu tư còn lại nếu tiền đầu tư đó không có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước.

3- Cơ sở của tổ chức tôn giáo đang sử dụng ổn định trước ngày 01/7/2004, khi Nhà nước thu hồi thì được bồi thường về đất. Trường hợp được Nhà nước giao đất sau ngày 01/7/2004 thì tuỳ từng trường hợp cụ thể được bồi thường, hỗ trợ phù hợp với hình thức giao đất.

Điều 16: Bồi thường đối với đất phi nông nghiệp là đất ở

1- Người bị thu hồi đất ở mà phải di chuyển chỗ ở được bồi thường bằng nhà ở, giao đất ở mới tại khu tái định cư hoặc bồi thường bằng tiền theo đề nghị của người có đất bị thu hồi, phù hợp với thực tế ở địa phương như sau:

a- Đất ở bị thu hồi tại nội đô thị thì bồi thường bằng giao đất ở mới, nhà ở hoặc bằng tiền;

b- Đất ở bị thu hồi tại nông thôn thì được bồi thường bằng giao đất ở mới hoặc bằng tiền.

2- Mức bồi thường bằng giao đất ở mới cho người có đất bị thu hồi tối đa bằng hạn mức giao đất ở theo quyết định của Ủy ban Nhân dân tỉnh. Trong trường hợp đất ở bị thu hồi có diện tích lớn hơn hạn mức giao đất ở mới, thì tuỳ theo quỹ đất của địa phương và số nhân khẩu của hộ gia đình bị thu hồi đất, Ủy ban Nhân dân tỉnh có thể quyết định giao thêm một phần diện tích đất ở cho người bị thu hồi đất, nhưng không vượt quá diện tích của đất bị thu hồi.

Điều 17: Xử lý một số trường hợp cụ thể về đất ở .

1- Trường hợp diện tích đất ở còn lại sau thu hồi nhỏ hơn hạn mức giao đất ở mới theo quy định của địa phương, nếu chủ sử dụng đất có nhu cầu tiếp tục sử dụng thì được giữ lại, nhưng phải sử dụng theo quy hoạch; trường hợp phần diện tích đất ở còn lại không đủ để xây dựng nhà ở, thì khuyến khích họ chuyển nhượng cho hộ lân cận hoặc yêu cầu Nhà nước thu hồi phần diện tích này và khi Nhà nước thu hồi được bồi thường theo quy định của quyết định này.

2- Người bị thu hồi đất ở thuộc đối tượng không được bồi thường về đất, nếu không còn nơi ở nào khác thì được Ủy ban Nhân dân tỉnh xem xét giải quyết cho mua, thuê nhà ở hoặc giao đất ở mới và phải trả tiền mua nhà, thuê nhà, nộp tiền sử dụng đất theo quy định. Trường hợp nếu gia đình thuộc diện hộ nghèo được cơ quan có thẩm quyền xác nhận thì được giao đất tại khu tái định cư và được trả chậm tiền thu sử dụng đất.

Điều 18: Bồi thường đối với đất thuộc hành lang an toàn khi xây dựng công trình công cộng có hành lang bảo vệ an toàn.

1- Khi Nhà nước thu hồi đất nằm trong hành lang bảo vệ an toàn xây dựng công trình công cộng có hành lang bảo vệ an toàn, thì người có đất bị thu hồi được bồi thường, hỗ trợ về đất, tài sản gắn liền với đất có trước khi công bố quy hoạch hành lang an toàn của công trình theo quy định của quy định này.

2- Trường hợp Nhà nước không thu hồi đất, thì người có đất nằm trong phạm vi hành lang an toàn được bồi thường thiệt hại do hạn chế khả năng sử dụng đất, thiệt hại tài sản gắn liền với đất như sau:

a- Làm thay đổi mục đích sử dụng đất thì được bồi thường bằng tiền theo mức chênh lệch về giá trị quyền sử dụng đất;

b- Không làm thay đổi mục đích sử dụng đất nhưng làm hạn chế khả năng sử dụng đất thì được bồi thường bằng tiền theo mức thiệt hại thực tế. Mức bồi thường thiệt hại thực tế do Ủy ban Nhân dân tỉnh quyết định cho phù hợp đối với từng trường hợp cụ thể.

c- Nhà ở, công trình xây dựng khác và các tài sản nằm trong phạm vi hành lang an toàn bị thiệt hại do giải toả thì được bồi thường theo mức thiệt hại thực tế.

Chương III:

BỒI THƯỜNG, HỖ TRỢ VỀ TÀI SẢN.

Điều 19: Nguyên tắc bồi thường về tài sản.

1- Tài sản gắn liền với đất khi Nhà nước thu hồi đất mà bị thiệt hại, thì được bồi thường.

2- Tài sản gắn liền với đất khi Nhà nước thu hồi đất mà đất đó thuộc đối tượng không được bồi thường về đất, thì tuỳ từng trường hợp cụ thể được bồi thường hoặc hỗ trợ về tài sản.

3- Nhà, công trình khác gắn liền với đất được xây dựng sau khi quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất công bố mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép xây dựng thì không được bồi thường.

4- Nhà, công trình khác gắn liền với đất được xây dựng sau ngày 01/7/2004 mà tại thời điểm xây dựng đã trái với mục đích sử dụng đất đã được xác định trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thì không được bồi thường.

5- Tài sản gắn liền với đất được tạo lập sau khi có quyết định thu hồi đất được công bố thì không được bồi thường.

6- Hệ thống máy móc, dây chuyền sản xuất có thể tháo dời và di chuyển được, thì chỉ được bồi thường chi phí tháo dỡ, vận chuyển, lắp đặt và thiệt hại khi tháo dỡ, vận chuyển, lắp đặt (nếu có). Mức bồi thường do Ủy ban Nhân dân tỉnh quy định phù hợp với từng trường hợp cụ thể.

Điều 20: Bồi thường về nhà, công trình xây dựng trên đất

1- Đối với nhà ở, vật kiến trúc, công trình phục vụ sinh hoạt của gia đình, cá nhân, được bồi thường bằng giá trị xây dựng mới của nhà, công trình có tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương. Giá trị xây dựng mới của nhà, công trình được tính theo diện tích xây dựng của nhà, công trình nhân với đơn giá xây dựng mới của nhà, công trình do Ủy ban Nhân dân tỉnh ban hành theo quy định của Chính phủ.

2- Đối với nhà, công trình xây dựng không thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này được bồi thường theo mức sau:

Mức bồi thường nhà, công trình = Giá trị hiện có nhà, công trình bị thiệt hại cộng một khoản tiền tính bằng tỷ lệ % theo giá trị hiện có của nhà, công trình.

Giá trị hiện có của nhà, công trình bị thiệt hại được xác định bằng tỷ lệ % chất lượng còn lại của nhà, công trình đó nhân với đơn giá xây dựng mới của nhà, công trình có tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương.

Mức cụ thể khoản tiền cộng thêm do Ủy ban Nhân dân tỉnh quy định, nhưng mức bồi thường tối đa không lớn hơn 100% giá trị xây dựng mới của nhà, công trình có tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương với nhà, công trình bị thiệt hại.

- Đối với công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật, mức bồi thường bằng giá trị xây dựng mới của công trình có tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương; nếu công trình không sử dụng được hoặc thực tế không sử dụng nữa thì không bồi thường.

3- Đối với công trình bị phá dỡ một phần, mà phần còn lại không sử dụng được, thì được bồi thường toàn bộ nhà, công trình. Trường hợp nhà, công trình xây dựng bị phá dỡ một phần, nhưng vẫn tồn tại và sử dụng được phần còn lại, thì được bồi thường phần giá trị công trình bị phá dỡ và chi phí để sửa chữa, hoàn thiện phần còn lại theo tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương của nhà, công trình trước khi phá dỡ.

Điều 21: Xử lý các trường hợp bồi thường, hỗ trợ cụ thể về nhà, công trình:

1- Nhà, công trình khác có giấy phép xây dựng thì được bồi thường theo quy định tại Điều 20 của quy định này.

2- Nhà, công trình xây dựng khác không có giấy phép xây dựng thì tùy theo mức độ, tính chất hợp pháp của đất và công trình được bồi thường hoặc hỗ trợ như sau:

a- Nhà, công trình xây dựng khác trên đất có đủ điều kiện bồi thường về đất theo quy định tại Điều 10 của quy định này, thì mức bồi thường hoặc hỗ trợ như sau:

- Tại thời điểm xây dựng chưa có quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hoặc xây dựng phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, không vi phạm hành lang bảo vệ công trình đã được cắm mốc thì được bồi thường theo quy định tại Điều 20 của quy định này.

- Tại thời điểm xây dựng đã vi phạm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt, công bố và cắm mốc, vi phạm hành lang bảo vệ các công trình thì không được bồi thường. Tùy theo trường hợp cụ thể xem xét hỗ trợ tối đa bằng 30% mức bồi thường quy định tại Điều 20 của quy định này.

b- Nhà, công trình khác xây dựng trên đất không đủ điều kiện bồi thường về đất theo quy định tại Điều 10 của quy định này, nhưng tại thời điểm xây dựng mà chưa có quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hoặc xây dựng phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, không vi phạm hành lang bảo vệ công trình thì được hỗ trợ tối đa bằng 80% mức bồi thường quy định tại Điều 20 của quy định này.

c- Nhà, công trình xây dựng trước ngày 01/7/2004 trên đất không được bồi thường về đất theo quy định tại Điều 10 của quy định này, mà khi xây dựng vi phạm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được công bố và cắm mốc hoặc vi phạm hành lang bảo vệ công trình đã được cắm mốc thì không bồi thường. Tùy từng trường hợp cụ thể sẽ xem xét hỗ trợ tối đa bằng 10% mức bồi thường theo quy định tại Điều 20 của quy định này.

d- Nhà, công trình xây dựng xây dựng sau ngày 01/7/2004 trên đất không được bồi thường về đất theo quy định tại Điều 10 của quy định này mà khi xây dựng vi phạm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được công bố và cắm mốc hoặc vi phạm hành lang bảo vệ công trình đã được cắm mốc thì không bồi thường.

3- Nhà, công trình vật kiến trúc xây dựng trên đất không được bồi thường về đất theo quy định tại Điều 10 của quy định này, mà khi xây dựng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thông báo không được phép xây dựng thì không được bồi thường, không được hỗ trợ. Người có công trình xây dựng trái phép đó buộc phải phá dỡ.

Điều 22: Bồi thường nhà, công trình đối với người đang sử dụng nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước.

Người đang sử dụng nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước không được bồi thường đối với phần diện tích nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước và diện tích cơi nới trái phép. Chỉ được bồi thường chi phí tự cải tạo, cơi nới, sửa chữa, nâng cấp mà được cơ quan có thẩm quyền cho phép cải tạo, cơi nới, sửa chữa, nâng cấp. Được mua nhà ở, thuê nhà ở tại nơi tái định cư với diện tích không thấp hơn nơi ở cũ theo mức giá bán nhà hoặc giá thuê nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước theo quy định của Chính phủ về mua bán và kinh doanh nhà ở và được hỗ trợ di chuyển chổ ở.

Điều 23: Bồi thường đối với công trình văn hóa, di tích lịch sử, cơ sở tôn giáo, nhà thờ, đình, am, miếu.

Đối với các dự án khi thu hồi đất có các công trình văn hóa, di tích lịch sử, cơ sở tôn giáo, nhà thờ, đình, miếu, am trong trường hợp phải di chuyển thì việc bồi thường cho việc di chuyển các di tích lịch sử, công trình văn hóa, cơ sở tôn giáo, nhà thờ, đình, am, miếu do chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh quyết định đối với các công trình do địa phương quản lý .

Điều 24: Xử lý tiền bồi thường đối với tài sản thuộc sở hữu nhà nước.

 Trong các trường hợp sau đây tiền bồi thường về tài sản phải nộp vào Ngân sách địa phương:

- Tiền bồi thường đối với công trình văn hóa, di tích lịch sử thuộc Nhà nước quản lý;

- Tiền bồi thường đối với công trình hạ tầng kỹ thuật - xã hội phục vụ lợi ích công cộng được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước;

- Tiền bồi thường đối với cây rừng trồng bằng nguồn vốn Ngân sách nhà nước, sau khi trừ đi giá trị thu hồi và hỗ trợ cho người bảo quản, chăm sóc ;

- Tiền bồi thường đối với nhà, công trình xây dựng và tài sản khác gắn liền với đất bị thu hồi được đầu tư bằng tiền từ Ngân sách Nhà nước;

Điều 25: Bồi thường đối với cây trồng vật nuôi :

1- Mức bồi thường cụ thể đối với cây trồng, vật nuôi được xác định theo mức thiệt hại thực tế và áp dụng theo đơn giá quy định của Ủy ban Nhân dân tỉnh để xác định giá trị bồi thường.

2- Cây trồng, vật nuôi (nuôi trồng thủy sản) trên đất đủ điều kiện bồi thường hay không đủ điều kiện bồi thường về đất thì được bồi thường theo quy định tại khoản 1 của Điều này.

Điều 26: Bồi thường về di dời mồ mả.

Đối với việc di chuyển mồ mả, mức bồi thường được tính cho chi phí về đào, bốc, di chuyển, xây dựng lại và các chi phí hợp lý khác có liên quan trực tiếp theo đơn giá quy định của UBND tỉnh theo từng thời điểm để xác định giá trị bồi thường.

Chương IV:

CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ.

Điều 27: Hỗ trợ di chuyển, ổn định cuộc sống và sản xuất, chuyển đổi nghề nghiệp và hỗ trợ khác.

1- Hỗ trợ di chuyển :

a- Mỗi hộ di chuyển chỗ ở mới trong phạm vi tỉnh được hỗ trợ 3.000.000 đồng/hộ gia đình. Mỗi hộ di chuyển chỗ ở mới sang tỉnh khác phải được chính quyền địa phương nơi ở mới xác nhận thì được hỗ trợ 5.000.000 đồng/hộ gia đình . Hỗ trợ di chuyển về phần đất còn lại 1.000.000 đồng/hộ gia đình.

b- Hỗ trợ di chuyển đúng kế hoạch, tiến độ: Những hộ gia đình di chuyển đến nơi ở mới đúng kế hoạch đề ra được hỗ trợ thêm 5 triệu đồng/hộ. Những hộ gia đình di chuyển về phần đất còn lại đúng kế hoạch được hỗ trợ 2 triệu đồng/hộ. Kế hoạch di chuyển theo thông báo của Ban đền bù giải phóng mặt bằng và tái định cư đề ra.

c- Tổ chức có đủ điều kiện bồi thường thiệt hại về đất và tài sản khi bị thu hồi mà phải di chuyển cơ sở được hỗ trợ toàn bộ chi phí thực tế về di chuyển, tháo dỡ và lắp đặt.

d- Người bị thu hồi đất ở, không còn chỗ ở khác; trong thời gian tạo lập chỗ ở mới (bố trí vào khu tái định cư), thì được hỗ trợ tiền thuê nhà ở trong vòng 03 tháng, mỗi tháng 500.000 đồng/hộ.

2- Hỗ trợ ổn định sản xuất, đời sống:

a- Hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp khi bị Nhà nước thu hồi toàn bộ diện tích đất nông nghiệp đang quản lý sử dụng trong vùng dự án, được hỗ trợ ổn định đời sống trong thời gian 3 tháng nếu không di chuyển chỗ ở và trong thời gian 6 tháng nếu di chuyển chỗ ở. Trong trường hợp phải di chuyển đến các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, thì thời gian hỗ trợ tối đa là 12 tháng. Mức hỗ trợ bằng tiền cho 01 nhân khẩu/01 tháng tương đương 30Kg gạo tính theo giá trị tại thời điểm hỗ trợ.

b- Khi Nhà nước thu hồi đất của các tổ chức kinh tế, hộ sản xuất kinh doanh có đăng ký kinh doanh, mà bị ngừng sản xuất kinh doanh, thì được hỗ trợ tối đa bằng 30% một năm thu nhập sau thuế, theo mức thu nhập bình quân của 3 năm trước đó được cơ quan thuế xác nhận.

3- Hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, đào tạo việc làm: Hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp khi bị thu hồi toàn bộ diện tích đất nông nghiệp đang quản lý sử dụng trong vùng dự án thì được hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người trong độ tuổi lao động. Mức hỗ trợ cụ thể như sau: Đối với những lao động nông nghiệp đang trong độ tuổi lao động (từ 18 đến 55 tuổi đối với nam và từ 18 đến 50 tuổi đối với nữ) phải chuyển đổi sang nghề nghiệp khác do bị thu hồi đất thì được hỗ trợ đạo tạo nghề nghiệp trong vòng 9 tháng với mức hỗ trợ 300.000đồng/tháng/lao động.

4- Chính sách hỗ trợ khác: Hộ gia đình có người đang hưởng chính sách trợ cấp xã hội của Nhà nước (có xác nhận của Phòng Nội vụ, Lao động thành phố ) phải di chuyển chỗ ở đến nơi khác được hỗ trợ một lần như sau:

- Người hoạt động cách mạng trước 1945, Anh hùng lực lượng vũ trang, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lao động, thương binh, bệnh binh và người được hưởng chính sách như thương bệnh binh bị mất sức lao động từ 81% trở lên, thân nhân liệt sỹ đang hưởng tiền tuất nuôi dưỡng hàng tháng được hỗ trợ 5 triệu đồng/hộ.

- Thương binh, người được hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh bị mất sức lao động từ 61% đến 80% được hỗ trợ 4 triệu đồng/hộ.

- Thương binh, người được hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh bị mất sức lao động từ 41% đến 60% được hỗ trợ 3 triệu đồng/hộ.

- Gia đình liệt sỹ, người có công giúp đỡ cách mạng đang hưởng trợ cấp hàng tháng, thương binh, người được hưởng chính sách như thương binh bị mất sức lao động từ 21% đến 40% được hỗ trợ 2 triệu đồng/hộ.

- Những hộ gia đình có người đang hưởng trợ cấp xã hội khác của Nhà nước và các trường hợp đặc biệt khác được hỗ trợ 1 triệu đồng/hộ.

Chương V:

CHÍNH SÁCH TÁI ĐỊNH CƯ.

Điều 28: Bố trí tái định cư.

1- Cơ quan (tổ chức) được Ủy ban Nhân dân tỉnh giao trách nhiệm bố trí tái định cư phải thông báo cho từng hộ gia đình bị thu hồi đất, phải di chuyển chỗ ở về dự kiến phương án bố trí tái định cư và niêm yết công khai phương án này tại trụ sở đơn vị, tại trụ sở Ủy ban Nhân dân xã phường nơi có đất bị thu hồi và tại nơi tái định cư trong thời gian 20 ngày trước khi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt phương án bố trí tái định cư. Nội dung thông báo gồm:

a- Địa điểm, quy mô quỹ đất, quỹ nhà tái định cư, thiết kế, diện tích từng lô đất, căn hộ, giá đất, giá nhà, giá cho thuê nhà tái định cư.

- Giá đất tính thu tiền sử dụng đất tại khu tái định cư do Ủy ban Nhân dân tỉnh quyết định theo quy định của Chính phủ về phương pháp xác định giá đất và khung giá các loại đất; giá bán nhà tái định cư do Ủy ban Nhân dân tỉnh quyết định trên cơ sở đơn giá xây dựng và thực tế tại địa phương.

- Giá cho thuê nhà do Ủy ban Nhân dân tỉnh quyết định.

- Diện tích giao đất ở mới tại khu tái định cư cho các hộ gia đình, cá nhân không vượt quá hạn mức đất ở theo quy hoạch của khu tái định cư được Ủy ban Nhân dân tỉnh phê duyệt.

- Trường hợp đối với những hộ di chuyển chỗ ở nhưng không đủ khả năng mua nhà, đất tại khu tái định cư thì được mua nợ tiền đất trả trước 50%, phần còn lại 50% được trả tối đa không quá 5 năm;

- Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được giao đất, mua nhà, thuê nhà tại khu tái định cư phải nộp tiền sử dụng đất, tiền mua nhà, tiền thuê nhà do Ủy ban Nhân dân tỉnh quy định và được trừ vào tiền bồi thường, nếu có chênh lệch thì thực hiện thanh toán bằng tiền phần chênh lệch theo quy định.

- Tổ chức được giao nhiệm vụ thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư có trách nhiệm thu tiền sử dụng đất, tiền mua nhà của người được bố trí tái định cư.

b- Dự kiến bố trí các hộ vào khu tái định cư.

2- Ưu tiên tái định cư tại chỗ cho người bị thu hồi đất tại nơi có dự án tái định cư, ưu tiên vị trí thuận lợi cho các hộ sớm thực hiện giải phóng mặt bằng, hộ có vị trí thuận lợi tại nơi ở cũ, hộ gia đình chính sách.

Điều 29: Quyền và nghĩa vụ của người bị thu hồi đất phải di chuyển chỗ ở.

1- Quyền:

a- Đăng ký đến ở khu tái định cư bằng văn bản;

b- Được ưu tiên chuyển trường học và đăng ký hộ khẩu cho bản thân, các thành viên khác trong gia đình về nơi ở mới trong phạm vi tỉnh Gia Lai;

c- Được cấp giấy chứng nhận QSDĐ, đăng ký quyền sở hữu tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất, thực hiện các quyền đối với đất đai, tài sản theo quy định của pháp luật; được miễn nộp lệ phí địa chính, lệ phí cấp giấy phép xây dựng tại nơi ở mới trong phạm vi tỉnh Gia Lai;

d- Được cung cấp mẫu thiết kế nhà miễn phí;

2- Nghĩa vụ:

a- Thực hiện di chuyển theo đúng thời gian quy định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền;

b- Xây dựng nhà, công trình theo đúng quy hoạch và thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật;

c- Nộp tiền mua nhà ở hoặc tiền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

Chương VI.

TỔ CHỨC THỰC HIỆN BỒI THƯỜNG, HỖ TRỢ VÀ TÁI ĐỊNH CƯ

Điều 30: Trách nhiệm của Ban đền bù giải phóng mặt bằng và tái định cư tỉnh.

1- Ban đền bù giải phóng mặt bằng và tái định cư tỉnh có nhiệm vụ, quyền hạn như Điều 2 theo Quyết định số 105/2004/QĐ-UB ngày 06/10/2004 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai.

2- Ban đền bù giải phóng mặt bằng và tái định cư tỉnh chịu trách nhiệm về tính chính xác, hợp lý của số liệu kiểm kê, tính pháp lý của đất đai, tài sản được bồi thường, hỗ trợ hoặc không được bồi thường, hỗ trợ trong phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Hoàn thiện phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư trình Ủy ban Nhân dân tỉnh phê duyệt.

Điều 31: Trách nhiệm của chủ đầu tư:

1- Chủ đầu tư có trách nhiệm phối hợp với Ban giải phóng mặt bằng và tái định cư tỉnh lập phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư ; bảo đảm kinh phí để chi trả kịp thời tiền bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.

2- Đối với những dự án đầu tư mà chủ đầu tư có thể thỏa thuận với người bị thu hồi đất về mức bồi thường, hỗ trợ theo quy định của quy định này thì được thực hiện theo mức thỏa thuận đó.

Điều 32. Trách nhiệm của UBND các cấp:

1-UBND thành phố Pleiku có trách nhiệm:

a. Chỉ đạo, tổ chức, vận động, tuyên truyền mọi tổ chức, các nhân về chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Phối hợp cùng ban đền bù giải phóng mặt bằng và tái định cư tỉnh, chủ đầu tư thực hiện giải phóng mặt bằng theo đúng quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

b. Phối hợp cùng với các cơ quan chức năng tổ chức việc cưỡng chế theo đúng quyết định của cơ quan có thẩm quyền; ra quyết định cưỡng chế và tổ chức cưỡng chế đối với các trường hợp thuộc thẩm quyền.

c- Lập thủ tục giao đất cho các hộ tái định cư khi có danh sách nhận đền bù về đất của Ban đền bù giải phóng mặt bằng và tái định cư tỉnh.

2-UBND cấp xã phường có trách nhiệm:

a. Tổ chức tuyên truyền về mục đích thu hồi đất, chính sách bồi thường , hỗ trợ và tái định cư của dự án.

b. Phối hợp với ban đền bù giải phóng mặt bằng và tái định cư tỉnh , chủ đầu tư thực hiện xác nhận đất đai, tài sản của người bị thu hồi.

c. Phối hợp và tạo điều kiện hỗ trợ cho việc chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ và bố trí tái định cư cho người bị thu hồi đất và tạo điều kiện cho việc giải phóng mặt bằng.

Điều 33: Trách nhiệm của các Sở, Ban, Ngành cấp tỉnh.

Các Sở, ban, ngành theo chức năng nhiệm vụ đã được quy định, có trách nhiệm phối hợp cùng với Ban đền bù giải phóng mặt bằng và tái định cư để tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Điều 34: Chi phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất.

1- Ban đền bù giải phóng mặt bằng và tái định cư tỉnh, chủ đầu tư có trách nhiệm lập dự toán chi phí cho công tác này của từng dự án như sau:

a- Đối với các khoản chi đã có định mức, tiêu chuẩn, đơn giá do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định thì thực hiện theo quy định hiện hành.

b- Đối với các khoản chi chưa hoặc không có trong định mức, tiêu chuẩn, đơn giá tùy đặc điểm của từng dự án; căn cứ thực tế Ban đền bù giải phóng mặt bằng và tái định cư tỉnh, chủ đầu tư lập gởi Sở Tài chính và trình Ủy ban Nhân dân tỉnh phê duyệt.

c- Chi phí in ấn tài liệu, xăng xe, hậu cần phục vụ cho bộ máy quản lý được tính theo nhu cầu thực tế của từng dự án.

2- Kinh phí đảm bảo cho việc lập phương án đền bù, tổ chức bồi thường , hỗ trợ được tính bằng 3% tổng số kinh phí bồi thường, hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất. Việc chi tiêu thanh quyết toán thực hiện theo quy định của Pháp luật hiện hành.

Điều 35: Khiếu nại và giải quyết khiếu nại.

Người bị thu hồi đất nếu chưa đồng ý với quyết định về bồi thường , hỗ trợ và tài định cư thì được khiếu nại theo quy định của Pháp luật hiện hành. Trách nhiệm giải quyết khiếu nại, thời hiệu khiếu nại và trình tự giải quyết khiếu nại thực hiện theo quy định tại Điều 138 của Luật đất đai và Pháp luật hiện hành về khiếu nại, tố cáo. Trong khi chờ giải quyết khiếu nại vẫn phải chấp hành quyết định thu hồi đất , giao đất đúng kế hoạch và thời gian đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định.

Chương VII:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH.

Điều 36: Chánh Văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh, Thủ trưởng các Sở, ban ngành, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Pleiku, Trưởng Ban đền bù giải phóng mặt bằng và tái định cư tỉnh, chủ đầu tư của các dự án , các tổ chức cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quy định này.

Đối với những dự án, hạng mục đã thực hiện xong việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; những dự án, hạng mục đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư hoặc đang thực hiện chi trả bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo phương án đã được phê duyệt trước khi quy định này có hiệu lực thi hành, thì thực hiện theo phương án đã được phê duyệt, không áp dụng hoặc điều chỉnh của quy định này./.

 

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 124/2004/QĐ-UB ngày 18/11/2004 ban hành Quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn thành phố Pleiku do Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


2.389

DMCA.com Protection Status
IP: 3.144.187.103
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!