Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Quyết định 135/QĐ-UBND 2017 mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững Quảng Ngãi 2016 2020

Số hiệu: 135/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Ngãi Người ký: Trần Ngọc Căng
Ngày ban hành: 13/02/2017 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NGÃI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------

Số: 135/QĐ-UBND

Quảng Ngãi, ngày 13 tháng 02 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG TỈNH QUẢNG NGÃI GIAI ĐOẠN 2016-2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NGÃI

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Nghị quyết số 76/2014/QH13 ngày 24/6/2014 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020;

Căn cứ Nghị quyết số 100/2015/QH13 ngày 12/11/2015 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020;

Căn cứ Nghị quyết số 30a/2008/NQ- CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo;

Căn cứ Nghị quyết số 80/NQ-CP ngày 19/5/2011 của Chính phủ về định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ từ năm 2011 đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 1722/QĐ-TTg ngày 02/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020;

Căn cứ Nghị quyết số 37/2016/NQ-HĐND ngày 14/12/2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XII, kỳ họp thứ 4 về việc thông qua Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2016-2020;

Trên cơ sở ý kiến thống nhất của Thường trực HĐND tỉnh tại Công văn số 19/HĐND-DT ngày 06/02/2017 và xét đề nghị của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 04/TTr-SLĐTBXH ngày 06/01/2017 về việc phê duyệt Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2016-2020,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2016-2020 (Kế hoạch).

Điều 2. Căn cứ Quyết định này, Thủ trưởng các sở, ban ngành, đơn vị trực thuộc UBND tỉnh, UBND các huyện, thành phố và các cơ quan, tổ chức có liên quan triển khai thực hiện Kế hoạch đảm bảo đúng mục tiêu đề ra.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 4. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Thủ trưởng các sở, ban ngành, đơn vị trực thuộc UBND tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Quảng Ngãi; Giám đốc Kho bạc Nhà nước Quảng Ngãi; thành viên Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2016 - 2020 và Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- Văn phòng Chính phủ (báo cáo);
- Các Bộ: Lao động – TB&XH,
- Nông nghiệp và PTNT, Tài chính,
Kế hoạch và Đầu tư (báo cáo);
- TT Tỉnh ủy (báo cáo);
- TT HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- UBMTTQ Việt Nam tỉnh và
các Tổ chức chính trị-xã hội tỉnh;
- Văn phòng Tỉnh ủy và
các Ban đảng trực thuộc Tỉnh ủy;
- Văn phòng và các Ban HĐND tỉnh;
- Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh;
- Bảo hiểm xã hội tỉnh;
- Báo Quảng Ngãi; Đài PTTH tỉnh;
- VPUB: C,PCVP, các P.Ng/cứu, CBTH;
- Lưu
: VT.P.KTviệt73.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Trần Ngọc Căng

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG TỈNH QUẢNG NGÃI GIAI ĐOẠN 2016 - 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 135/QĐ-UBND ngày 13/02/2017 của UBND tỉnh)

Phần I

SỰ CẦN THIẾT VÀ CƠ SỞ PHÁP LÝ THỰC HIỆN

I. Sự cần thiết ban hành

Trong những năm qua, công tác giảm nghèo đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận, các Hội đoàn thể chính trị - xã hội tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện đạt được nhiều kết quả quan trọng, đã tác động tích cực và tạo điều kiện thuận lợi cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người nghèo, cơ sở hạ tầng của các huyện, xã, thôn nghèo được tăng cường, người nghèo đã từng bước tiếp cận được các dịch vụ xã hội cơ bản, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hàng năm đều đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Tuy nhiên, theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020, đến đầu năm 2016 tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo toàn tỉnh vẫn còn ở mức cao: 24,03% (trong đó tỷ lệ hộ nghèo 15,19%, tỷ lệ hộ cận nghèo 8,84%). Toàn tỉnh có 65 xã có tỷ lệ hộ nghèo từ 25% trở lên; có 06 huyện nghèo đang thụ hưởng chương trình theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ; có 19 xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; có 56 xã đặc biệt khó khăn và 46 thôn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc miền núi đang được hỗ trợ từ Chương trình 135.

Bên cạnh đó, các chính sách đầu tư phát triển đã hướng vào trợ giúp các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn nhưng chưa đủ mạnh và đồng bộ; cơ chế thực hiện chưa phù hợp với đặc thù vùng miền và đặc điểm văn hóa, tập quán của người dân. Một bộ phận người nghèo và chính quyền địa phương nhận thức chưa đầy đủ về ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác giảm nghèo, chưa chủ động, nỗ lực phấn đấu vươn lên thoát nghèo, còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước và cộng đồng.

Tiếp tục phát huy những thành quả đạt được, khắc phục những hạn chế trong thời gian qua, tạo sự đột phá trong công tác giảm nghèo theo hướng bền vững. Căn cứ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1722/QĐ-TTg ngày 02/9/2016 và thực trạng hộ nghèo đầu năm 2016, việc ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2016-2020 là hết sức cần thiết để làm cơ sở chỉ đạo triển khai thực hiện.

II. Căn cứ pháp lý

1. Nghị quyết số 76/2014/QH13 ngày 24/6/2014 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020.

2. Nghị quyết số 100/2015/QH13 ngày 12/11/2015 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020.

3. Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo.

4. Nghị quyết số 80/NQ-CP ngày 19/5/2011 của Chính phủ về định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ 2011 đến năm 2020.

5. Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020.

6. Quyết định số 204/QĐ-TTg ngày 01/02/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vào diện đầu tư của Chương trình 135 năm 2016.

7. Quyết định số 551/QĐ-TTg ngày 04/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình 135 về hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất cho các xã đặc biệt khó khăn, xã an toàn khu, các thôn đặc biệt khó khăn.

8. Quyết định số 75/QĐ-UBDT ngày 29/02/2016 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn vào diện đầu tư của Chương trình 135 năm 2016.

9. Nghị quyết số 73/NQ-CP ngày 26/8/2016 của Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư các Chương trình mục tiêu giai đoạn 2016 - 2020.

10. Quyết định số 1722/QĐ-TTg ngày 02/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020.

11. Quyết định số 41/2016/QĐ-TTg ngày 10/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế quản lý, điều hành thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.

12. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi lần thứ XIX.

13. Nghị quyết số 37/2016/NQ-HĐND ngày 14/12/2016 của HĐND tỉnh khóa XII - kỳ họp thứ 4 về việc thông qua Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2016- 2020.

14. Quyết định số 449/QĐ-UBND ngày 25/3/2016 của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi về việc chuẩn y kết quả Tổng điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2015 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

Phần II

ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU GIẢM NGHÈO NHANH VÀ BỀN VỮNG GIAI ĐOẠN 2011-2015

I. Thực trạng hộ nghèo và kết quả thực hiện công tác giảm nghèo giai đoạn 2011 - 2015

1. Thực trạng nghèo

a) Thực trạng nghèo đầu năm 2011

Thực hiện Quyết định số 09/2011/QĐ-TTg ngày 30/01/2011 của Thủ tướng Chính phủ ban hành chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo áp dụng cho giai đoạn 2011 - 2015; tính đến cuối năm 2010, toàn tỉnh có 75.034 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 23,92%. Trong đó, miền núi có 32.690 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 60,87%, đồng bằng 42.344 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 16,29%.

b) Thực trạng nghèo cuối năm 2015 (đầu năm 2016)

Kết quả Tổng điều tra hộ nghèo, cận nghèo vào cuối năm 2015 theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020:

- Toàn tỉnh có 52.100 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 15,19%. Trong đó, 06 huyện miền núi là 27.937 hộ, chiếm tỷ lệ 46,76%.

- Toàn tỉnh có 65 xã có tỷ lệ hộ nghèo từ 25% trở lên: Lý Sơn 01 xã, Tư Nghĩa 01 xã, Nghĩa Hành 01 xã, Trà Bồng 08 xã, Sơn Hà 14 xã, Sơn Tây 09 xã, Minh Long 05 xã, Ba Tơ 17 xã, Tây Trà 09 xã.

- Toàn tỉnh có 25.738 hộ nghèo người dân tộc thiểu số/48.235 hộ dân tộc thiểu số, chiếm tỷ lệ 53,36%.

- Toàn tỉnh có 74,18% hộ nghèo thuộc chính sách giảm nghèo trong tổng số hộ nghèo toàn tỉnh.

- Hộ nghèo thuộc đối tượng chính sách bảo trợ xã hội 13.451 hộ (là hộ không có thành viên nào có khả năng lao động), hộ nghèo thuộc chính sách giảm nghèo 38.649 hộ (là hộ có ít nhất 01 thành viên có khả năng lao động).

- Tỷ lệ thiếu hụt các chỉ số tiếp cận các dịch vụ cơ bản của hộ nghèo: Trình độ giáo dục người lớn 13,55%; tình trạng đi học của trẻ em 11,56%; tiếp cận dịch vụ y tế 10,99%; bảo hiểm y tế 29,13%; chất lượng nhà ở 30,85%; diện tích nhà ở 24,66%; nguồn nước sinh hoạt 30,85%; hố xí/nhà tiêu hợp vệ sinh 46,45%; sử dụng dịch vụ viễn thông 34,2%; tài sản phục vụ tiếp cận thông tin 11,85%.

- Toàn tỉnh có 06 huyện nghèo đang thụ hưởng chương trình theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ, có 19 xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo giai đoạn 2016-2020, có 56 xã đặc biệt khó khăn và 46 thôn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc miền núi đang được hỗ trợ từ Chương trình 135.

(Chi tiết từng địa phương theo phụ lục 01, 02, 03, 04 đính kèm).

2. Kết quả thực hiện công tác giảm nghèo giai đoạn 2011 - 2015

a) Về công tác chỉ đạo

Công tác giảm nghèo đã được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo và có sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, được cụ thể hóa bằng hệ thống các văn bản chỉ đạo, điều hành; tổ chức các cuộc họp; hội nghị, hội thảo; kiểm tra, sơ kết, tổng kết, đánh giá; huy động, tập trung nguồn lực để thực hiện công tác giảm nghèo, đặc biệt là tại 6 huyện nghèo và 43 xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc và miền núi và 21 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển.

b) Kết quả thực hiện các chính sách, chương trình giảm nghèo

- Kết quả huy động nguồn vốn thực hiện Chương trình

Tổng kinh phí thực hiện các chính sách dự án thuộc khung Chương trình giảm nghèo 5 năm (2011- 2015) khoảng: 6.705.817,08 triệu đồng. Trong đó: Vốn Trung ương: 4.245.510,29 triệu đồng (vốn Trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững: 1.815.651,11 triệu đồng; vốn Trung ương thực hiện các chính sách giảm nghèo khác: 2.429.859,18 triệu đồng); vốn địa phương: 191.454,79 triệu đồng; vốn tín dụng: 2.122.831 triệu đồng và vốn huy động: 146.021 triệu đồng.

- Kết quả thực hiện các chính sách, dự án giảm nghèo

+ Về các chính sách giảm nghèo chung của quốc gia theo Nghị quyết số 80/NQ-CP ngày 19/5/2011 của Chính phủ và các chính sách hỗ trợ đặc thù, an sinh xã hội khác với tổng kinh phí thực hiện 2.429,859 triệu đồng và vốn tín dụng 2.122,831 triệu đồng.

+ Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững (Quyết định số 1489/QĐ-TTg ngày 08/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ) với tổng kinh phí đầu tư 1.815,651 tỷ đồng.

II. Đánh giá chung

1. Kết quả thực hiện các chỉ tiêu, mục tiêu giảm nghèo

- Trong 5 năm (2011-2015) với việc tổ chức chỉ đạo triển khai, thực hiện đồng bộ các chính sách, dự án thuộc khung Chương trình mục tiêu giảm nghèo, các chính sách đặc thù đối với huyện nghèo, xã, thôn đặc biệt khó khăn, các chính sách đối với dân tộc nghèo miền núi và hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo, người nghèo; cùng với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, sự phối hợp thông qua các chương trình, hoạt động của Mặt trận, các hội đoàn thể và nỗ lực vươn lên của người nghèo, từ năm 2011 đến 2015 tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh bình quân hằng năm giảm 2,94%/năm; trong đó, tỷ lệ hộ nghèo của các huyện miền núi bình quân mỗi năm giảm 6,42% đạt chỉ tiêu theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đề ra (chỉ tiêu đề ra vùng đồng bằng giảm từ 2- 3%/năm; vùng miền núi giảm từ 4 -  5%/năm).

- Nhận thức, năng lực, trách nhiệm về thực hiện giảm nghèo tiếp tục được nâng lên cả trong cán bộ, đảng viên lẫn cộng đồng dân cư.

- Hầu hết các hộ nghèo đều được tiếp cận và thụ hưởng các chính sách giảm nghèo của Nhà nước, nhất là có cơ hội nhiều hơn để tiếp cận các dịch vụ sản xuất, tăng thu nhập và dịch vụ xã hội cơ bản.

- Chính sách luân chuyển, tăng cường cán bộ về xã và đảm nhận vị trí lãnh đạo chủ chốt đã phát huy hiệu quả giúp chính quyền cấp xã tổ chức triển khai, thực hiện ngày càng tốt hơn các chương trình mục tiêu, chính sách, dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Đặc biệt, đề án 600 trí thức trẻ đã góp phần ổn định về công tác cán bộ ở các xã nghèo.

2. Một số tồn tại, hạn chế

- Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn cao, kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững, tỷ lệ phát sinh nghèo và tái nghèo chưa giảm đáng kể.

- Có quá nhiều chính sách hỗ trợ trực tiếp, cho không, liên quan đến lợi ích trực tiếp của hộ nghèo, thôn, xã và huyện nghèo, kể cả chế độ của người dân và cán bộ ở địa phương nghèo, từ đó làm mất đi động lực phát triển, tạo nên tâm lý trông chờ, ỷ lại, không muốn thoát nghèo trong một bộ phận hộ nghèo, kể cả địa phương nghèo.

- Công tác truyền thông, công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác giảm nghèo ở một số địa phương, ngành chưa kịp thời, thiếu đồng bộ, không có kế hoạch, giải pháp giảm nghèo cụ thể cho từng nhóm hộ nghèo. Công tác kiểm tra, giám sát và hoạt động của Ban chỉ đạo giảm nghèo chưa thường xuyên; bộ máy tổ chức cán bộ làm công tác giảm nghèo chưa hoàn thiện, chưa chuyên trách, năng lực chưa đáp ứng yêu cầu.

3. Nguyên nhân

a) Nguyên nhân khách quan

- Điều kiện tự nhiên vùng núi cao, địa bàn rộng, hệ thống giao thông chưa thuận lợi, khí hậu, thời tiết, dịch bệnh diễn biến bất thường; điều kiện xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế nhiều mặt, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn.

- Nhận thức của người nghèo ở một số nơi chưa có sự thay đổi, vẫn giữ những phong tục tập quán lạc hậu; tư duy và các kỹ năng phát triển kinh tế hộ gia đình rất yếu, còn mang nặng tính tự cung, tự cấp.

- Nhiều hộ gia đình rơi vào cảnh nghèo đói do ảnh hưởng của thiên tai, mất mùa (lũ quét, gông lốc...) gây thiệt hại lớn về nhà cửa, hoa màu và con người làm cho đời sống của một bộ phận đồng bào ngày càng khó khăn hơn.

b) Nguyên nhân chủ quan

- Cấp ủy, chính quyền một số địa phương chưa thật sự quan tâm đến phát triển kinh tế trên địa bàn; thiếu những giải pháp đồng bộ, hữu hiệu để thu hút nguồn lực và sử dụng nguồn lực hiệu quả.

- Các chính sách, dự án giảm nghèo chưa phù hợp với từng vùng, miền, từng nhóm đối tượng đặc thù, mức hỗ trợ thấp, đầu tư dàn trải, đa phần mang tính hỗ trợ trực tiếp, chưa đáp ứng nhu cầu thực tế để đạt mục tiêu giảm nghèo bền vững, chưa có sự gắn kết, lồng ghép hiệu quả giữa một số chính sách, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội với chương trình giảm nghèo bền vững; một số cơ chế, chính sách ban hành nhưng bố trí nguồn lực thực hiện không kịp thời.

- Ngân sách Nhà nước còn hạn hẹp và việc huy động các nguồn lực khác trên địa bàn còn hạn chế.

4. Bài học kinh nghiệm

- Sự lãnh đạo chặt chẽ của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp đồng bộ của các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương trong chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện Chương trình giảm nghèo, gắn với việc xây dựng hệ thống chỉ tiêu, theo dõi, giám sát, đánh giá thực hiện ở các cấp để nâng cao hiệu quả chương trình.

- Đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng về đường lối, chủ trương của Đảng; cơ chế, chính sách hỗ trợ giảm nghèo của Nhà nước để nâng cao nhận thức của cộng đồng xã hội về tầm quan trọng, tính thiết thực trong công tác giảm nghèo để động viên toàn xã hội chăm lo cho người nghèo. Làm chuyển biến nhận thức của người nghèo, không trông chờ ỷ lại vào nhà nước, có ý thức tự lực phấn đấu vươn lên thoát nghèo là chính.

- Xây dựng lộ trình thực hiện các chính sách, cơ chế đặc thù, các biện pháp đột phá, nhằm thực hiện có hiệu quả công tác thực hiện giảm nghèo trên địa bàn.

- Cần mở rộng và tạo điều kiện để tăng cường sự tham gia của người dân về hoạt động của Chương trình giảm nghèo từ việc xác định đối tượng thụ hưởng đến việc lập kế hoạch, triển khai giám sát và đánh giá kết quả; thực hiện hiệu quả hỗ trợ phát triển sản xuất cần phải để cho người nghèo, người dân tộc thiểu số, phụ nữ tham gia. Coi người nghèo, người dân tộc thiểu số là đối tác của chính sách giảm nghèo.

- Thiết lập cơ chế phân bổ ngân sách công bằng, minh bạch và có tính khuyến khích cao, tạo điều kiện cho các địa phương chủ động trong việc huy động nguồn lực tại chỗ cũng như lồng ghép với các nguồn khác, tránh hỗ trợ cho đối tượng mang tính cào bằng. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng nguồn lực, bảo đảm đúng mục tiêu, đúng đối tượng, không thất thoát; kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân sử dụng nguồn kinh phí của chương trình không đúng mục đích, không có hiệu quả.

- Hằng năm, tổ chức hội nghị sơ kết; 5 năm tổ chức hội nghị tổng kết để đánh giá, rút kinh nghiệm quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện chương trình giảm nghèo; kịp thời khen thưởng để động viên những nhân tố tích cực, góp phần tổ chức thực hiện chương trình tốt hơn cho những năm tiếp theo.

Phần III

MỤC TIÊU, NỘI DUNG VÀ GIẢI PHÁP KẾ HOẠCH THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG TỈNH QUẢNG NGÃI GIAI ĐOẠN 2016 - 2020

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo; góp phần tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân, đặc biệt là ở các địa bàn nghèo, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận thuận lợi các dịch vụ xã hội cơ bản (y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, tiếp cận thông tin), góp phần hoàn thành mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2016-2020 theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi lần thứ XIX và Nghị quyết số 19/2015/NQ-HĐND ngày 14/12/2015 của HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 đã đề ra.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh bình quân 1,5 - 2%/năm, (riêng các huyện miền núi giảm 4%/năm; hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 3- 4%/năm) theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020.

b) Cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người nghèo, bảo đảm thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo cả tỉnh cuối năm 2020 tăng lên 1,5 lần so với cuối năm 2015 (riêng hộ nghèo ở các huyện nghèo, xã nghèo, thôn đặc biệt khó khăn, hộ dân tộc thiểu số tăng gấp 2 lần).

c) Thực hiện đồng bộ, có hiệu quả cơ chế, chính sách giảm nghèo để cải thiện điều kiện sống và tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người nghèo.

d) Cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội ở các huyện nghèo, xã nghèo, thôn đặc biệt khó khăn được tập trung đầu tư đồng bộ theo tiêu chí nông thôn mới, trước hết là hạ tầng thiết yếu như giao thông, trường học, trạm y tế, thủy lợi nhỏ, nước sinh hoạt; tạo điều kiện cho người dân tham gia thực hiện các hoạt động của Chương trình để tăng thu nhập thông qua tạo việc làm nhằm phát huy hiệu quả các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu được đầu tư, góp phần giảm rủi ro thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, cải thiện tiếp cận thị trường.

3. Các chỉ tiêu chủ yếu

a) Phấn đấu 50% số huyện nghèo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ; 30% số xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn; 20-30% số xã, thôn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc và miền núi thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn.

b) Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất và dân sinh, trên địa bàn các huyện, xã, thôn thuộc Chương trình phù hợp quy hoạch dân cư và quy hoạch sản xuất, đảm bảo phục vụ có hiệu quả đời sống và phát triển sản xuất của người dân, trong đó:

- 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa đảm bảo tiêu chuẩn và cấp kỹ thuật theo quy định của Bộ Giao thông vận tải.

- Từ 70% - 80% thôn có đường trục giao thông được cứng hóa đảm bảo tiêu chuẩn và cấp kỹ thuật theo quy định của Bộ Giao thông vận tải.

- Tư 60% - 70% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế; 100% trạm y tế cấp xã có đủ điều kiện khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế.

- 100% xã có mạng lưới trường mầm non, phổ thông, trung tâm học tập cộng đồng đủ để đáp ứng nhu cầu học tập và phổ biến kiến thức cho người dân; 80% số xã có cơ sở vật chất trường học đạt chuẩn nông thôn mới.

- 75% hộ gia đình được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.

- Các công trình thủy lợi nhỏ được đầu tư đáp ứng 75% - 80% nhu cầu tưới tiêu cho diện tích cây trồng hằng năm.

c) Thu nhập của hộ gia đình tham gia dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo có hiệu quả tăng 20% - 25%/năm; bình quân mỗi năm có ít nhất 15% hộ gia đình tham gia dự án thoát nghèo, thoát cận nghèo.

d) Hỗ trợ đào tạo nghề và giáo dục định hướng cho 1.200 lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số, trong đó từ 60%-70% lao động đi làm việc ở nước ngoài.

đ) 100% cán bộ làm công tác giảm nghèo cấp xã, trưởng thôn được tập huấn kiến thức, kỹ năng cơ bản về quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình, chính sách, dự án giảm nghèo; lập kế hoạch có sự tham gia; xây dựng kế hoạch phát triển cộng đồng.

e) 100% cán bộ cấp xã làm công tác thông tin và truyền thông được đào tạo nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ thông tin tuyên truyền cổ động; 50% các xã nghèo có điểm thông tin, tuyên truyền cổ động ngoài trời; có 06 huyện, 57 xã được trang bị bộ phương tiện tác nghiệp tuyên truyền cổ động.

g) 90% các hộ dân thuộc địa bàn huyện nghèo, xã nghèo được tiếp cn, cung cấp thông tin về chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; kinh nghiệm sản xuất; tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước thông qua các các hình thức báo chí, các xuất bản phẩm và các sản phẩm truyền thông khác; hỗ trợ phương tiện nghe - nhìn để nghe và xem các chương trình phát thanh - truyền hình của Trung ương và địa phương cho khoảng 200 hộ nghèo thuộc dân tộc thiểu số và hộ nghèo sống ở tại các xã đặc biệt khó khăn.

(Dự kiến huyện nghèo, xã, thôn đặc biệt khó khăn thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn; lộ trình thực hiện các chỉ tiêu và lộ trình giảm nghèo giai đoạn 2016-2020 theo các phụ lục 5,6,7,8 đính kèm).

II. ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG, PHẠM VI ĐIỀU CHỈNH VÀ THỜI GIAN THỰC HIỆN

1. Đối tượng áp dụng

a) Hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trên phạm vi toàn tỉnh; ưu tiên hộ nghèo dân tộc thiểu số, phụ nữ thuộc hộ nghèo.

b) Người dân và cộng đồng trên địa bàn các huyện nghèo, xã nghèo.

c) Huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; xã an toàn khu, xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc và miền núi theo quyết định phê duyệt của cấp có thẩm quyền.

d) Các tổ chức, cá nhân có liên quan.

2. Phạm vi điều chỉnh

Chương trình được thực hiện trên phạm vi cả tỉnh, khuyến khích các địa phương vận dụng các chính sách, cơ chế giảm nghèo đặc thù áp dụng cho đối tượng nghèo trên địa bàn bằng nguồn lực của địa phương; ưu tiên nguồn lực cho các địa bàn nghèo, bao gồm: huyện nghèo; xã nghèo (xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc và miền núi; xã an toàn khu; xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo) và thôn đặc biệt khó khăn.

3. Thời gian thực hiện: Từ năm 2016 đến năm 2020.

III. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020

a) Dự án 1 (Chương trình 30a)

Tổng vốn thực hiện Chương trình 30a: 1.633.497 triệu đồng. Trong đó: Ngân sách Trung ương: 1.354.043 triệu đồng (vốn đầu tư: 957.673 triệu đồng, vốn sự nghiệp: 396.370 triệu đồng), ngân sách tỉnh 217.454 triệu đồng (vốn đầu tư: 141.065 triệu đồng, vốn sự nghiệp: 76.389 triệu đồng); ngân sách huyện 37.200 triệu đồng; ngân sách xã và đóng góp của hộ dân 24.800 triệu đồng.

- Tiểu Dự án 1: Hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng các huyện nghèo

+ Mục tiêu: Tăng cường cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ cho sản xuất và dân sinh ở các huyện nghèo, thực hiện đạt mục tiêu theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ đề ra đến năm 2020, tăng cường năng lực, tạo điều kiện để người dân và cộng đồng tham gia thực hiện, tạo việc làm công nhằm phát huy hiệu quả các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu được đầu tư, góp phần giảm rủi ro thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, cải thiện tiếp cận thị trường.

+ Đối tượng: Các huyện nghèo theo quyết định phê duyệt của cấp có thẩm quyền, được hưởng các cơ chế, chính sách hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP.

+ Nội dung hỗ trợ: Đường giao thông từ huyện đến trung tâm các xã và hệ thống giao thông trên địa bàn xã; các công trình phục vụ nhu cầu về hoạt động văn hóa trên địa bàn xã, gồm: Trạm chuyển tiếp phát thanh xã, nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng xã, thôn, ấp; các công trình y tế đạt chuẩn; các công trình giáo dục đạt chuẩn; các công trình phục vụ nước sinh hoạt cho người dân; cải tạo, xây mới các công trình thủy lợi; các loại công trình hạ tầng khác do cộng đồng đề xuất, phù hợp với phong tục, tập quán, nhu cầu của cộng đồng, phù hợp với mục tiêu của Chương trình và quy định của pháp luật, ưu tiên công trình cho các cộng đồng nghèo, công trình có nhiều người nghèo, phụ nữ hưởng lợi; duy tu, bảo dưỡng công trình hạ tầng cơ sở trên địa bàn các huyện nghèo.

+ Phân công thực hiện: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan chỉ đạo tổ chức thực hiện Dự án trên địa bàn; kiểm tra, giám sát, đánh giá và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện Dự án theo định kỳ, đột xuất.

+ Vốn và nguồn vốn: Tổng nhu cầu vốn thực hiện: 1.060.155 triệu đồng, trong đó: Ngân sách Trung ương: 925.673 triệu đồng (vốn đầu tư: 852.773 triệu đồng, vốn sự nghiệp 72.900 triệu đồng); ngân sách tính: 134.482 triệu đồng (vốn đầu tư: 123.891 triệu đồng, vốn sự nghiệp 10.591 triệu đồng).

- Tiểu Dự án 2: Hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo.

+ Mục tiêu: Tăng cường cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ cho sản xuất và dân sinh ở các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo theo hướng tăng cường năng lực, tạo điều kiện để người dân và cộng đồng tham gia thực hiện, tạo việc làm công nhằm phát huy hiệu quả các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu được đầu tư, góp phần giảm rủi ro thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, cải thiện tiếp cận thị trường.

+ Đối tượng: Các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo theo quyết định phê duyệt của cấp có thẩm quyền.

+ Nội dung hỗ trợ: Đường giao thông nông thôn phục vụ sản xuất, kinh doanh và dân sinh; các công trình đảm bảo cung cấp điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất; các công trình phục vụ nhu cầu về hoạt động văn hóa thể thao; trạm y tế đạt chuẩn; trường, lớp học đạt chuẩn; bến cá, bờ bao chống triều cường, kè, công trình thủy lợi, trạm bơm cấp nước biển cho nuôi trồng thủy sản hoặc làm muối; công trình phục vụ nước sinh hoạt cho người dân; các loại công trình hạ tầng quy mô nhỏ khác do cộng đồng đề xuất, phù hợp với phong tục, tập quán, nhu cầu của cộng đồng, phù hợp với mục tiêu của Chương trình và quy định của pháp luật, ưu tiên công trình cho các cộng đồng nghèo, công trình có nhiều người nghèo, phụ nữ hưởng lợi; duy tu, bảo dưỡng các công trình hạ tầng cơ sở trên địa bàn.

+ Phân công thực hiện: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan, UBND cấp huyện chỉ đạo tổ chức thực hiện Dự án trên địa bàn; kiểm tra, giám sát, đánh giá và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện Dự án theo định kỳ, đột xuất.

+ Vốn và nguồn vốn: Tổng nhu cầu vốn thực hiện: 130.587 triệu đồng, trong đó: Ngân sách Trung ương: 112.215 triệu đồng (vốn đầu tư: 104.900 triệu đồng, vốn sự nghiệp 7.315 triệu đồng); ngân sách tỉnh: 18.372 triệu đồng (vốn đầu tư: 17.174 triệu đồng, vốn sự nghiệp 1.198 triệu đồng).

- Tiểu Dự án 3. Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo.

+ Mục tiêu: Hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với quy hoạch sản xuất; khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương; góp phần giảm rủi ro thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu; góp phần tăng thu nhập và nâng cao đời sống cho người dân trên địa bàn; hỗ trợ đa dạng các hình thức sinh kế phi nông nghiệp, ngành nghề dịch vụ, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa bàn; nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả; tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận các chính sách, nguồn lực, thị trường.

+ Đối tượng: Người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, ưu tiên hộ nghèo dân tộc thiểu số và phụ nữ thuộc hộ nghèo; nhóm hộ, cộng đồng dân cư trên địa bàn; tổ chức và cá nhân có liên quan; tạo điều kiện để người lao động là đối tượng sau cai nghiện ma túy, đối tượng nhiễm HIV/AIDS, phụ nữ bị buôn bán trở về... thuộc hộ nghèo được tham gia dự án.

+ Nội dung hỗ trợ:

* Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế:

Hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp: Tập huấn, chuyển giao kỹ thuật; giống cây trồng, vật nuôi; thiết bị, vật tư, dụng cụ sản xuất; phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, thú y...

Hỗ trợ tạo đất sản xuất gồm: khai hoang, phục hóa, tạo ruộng bậc thang.

Hỗ trợ phát triển ngành nghề và dịch vụ: nhà xưởng; máy móc thiết bị; vật tư sản xuất; dạy nghề, hướng nghiệp, tiếp cận thị trường, tạo việc làm.

Hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết với người nghèo trong phát triển sản xuất, phát triển ngành nghề, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

Hỗ trợ các hoạt động đa dạng hóa sinh kế khác do cộng đồng đề xuất, phù hợp với phong tục, tập quán, nhu cầu của cộng đồng; phù hợp với mục tiêu của Chương tình và quy định của pháp luật.

* Nhân rộng mô hình giảm nghèo:

Nhân rộng các mô hình giảm nghèo có hiệu quả, mô hình liên kết phát triển sản xuất, phát triển ngành nghề, bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm giữa hộ nghèo, cận nghèo, cộng đồng với doanh nghiệp; mô hình giảm nghèo gắn với an ninh, quốc phòng.

Xây dựng và nhân rộng mô hình tạo việc làm công thông qua thực hiện đầu tư các công trình hạ tầng quy mô nhỏ ở thôn; mô hình sản xuất nông, lâm kết hợp, tạo việc làm cho người nghèo gắn với trồng và bảo vệ rừng; mô hình giảm rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu.

+ Phân công thực hiện: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các sở, ban, ngành liên quan chỉ đạo tổ chức thực hiện Dự án trên địa bàn; kiểm tra, giám sát, đánh giá và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện Dự án theo định kỳ, đột xuất.

+ Vốn và nguồn vốn: Tổng nhu cầu vốn thực hiện: 433.657 triệu đồng, trong đó: Ngân sách Trung ương: 309.657 triệu đồng (vốn sự nghiệp); ngân sách tỉnh 62.000 triệu đồng, ngân sách huyện 37.200 triệu đồng; ngân sách xã và đóng góp của hộ dân 24.800 triệu đồng.

- Tiểu Dự án 4: Hỗ trợ cho lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài

+ Mục tiêu: Tăng số lượng, nâng cao chất lượng lao động tham gia xuất khẩu lao động tại các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập và giảm nghèo bền vững.

+ Đối tượng: Lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số, lao động cư trú dài hạn trên địa bàn các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; ưu tiên đối tượng lao động là thanh niên chưa có việc làm, đặc biệt là thanh niên thuộc hộ dân tộc thiểu số nghèo, phụ nữ thuộc hộ nghèo.

+ Nội dung hỗ trợ:

Hỗ trợ học nghề, ngoại ngữ và giáo dục định hướng để đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; hỗ trợ tiền ăn, sinh hoạt phí, tiền ở trong thời gian tham gia đào tạo; hỗ trợ tiền đi lại, đồ dùng cá nhân thiết yếu; hỗ trợ chi phí khám sức khỏe; làm hộ chiếu, Visa và lý lịch tư pháp để đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.

Nâng cao năng lực cán bộ làm công tác đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài và tuyên truyền viên cơ sở; hỗ trợ hoạt động tư vấn người lao động đi làm việc ở nước ngoài; tư vấn, giới thiệu việc làm sau khi người lao động về nước tại cơ sở.

+ Phân công thực hiện: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan, UBND cấp huyện chỉ đạo tổ chức thực hiện Dự án trên địa bàn; kiểm tra, giám sát, đánh giá và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện Dự án theo định kỳ, đột xuất.

+ Vốn và nguồn vốn: Tổng nhu cầu vốn thực hiện: 9.098 triệu đồng, trong đó: Ngân sách Trung ương: 6.498 triệu đồng (vốn sự nghiệp); ngân sách tỉnh: 2.600 triệu đồng (vốn sự nghiệp).

b) Dự án 2 (Chương trình 135)

Tổng vốn thực hiện Chương trình 135 là: 551.580 triệu đồng. Trong đó: Ngân sách Trung ương: 502.520 triệu đồng (vốn đầu tư: 368.940 triệu đồng, vốn sự nghiệp 133.580 triệu đồng); ngân sách tỉnh 30.060 triệu đồng (vốn đầu tư: 9.355 triệu đồng, vốn sự nghiệp 20.705 triệu đồng) ngân sách huyện 11.400 triệu đồng; ngân sách xã và đóng góp của hộ dân 7.600 triệu đồng.

- Tiểu Dự án 1: Hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn, xã an toàn khu; các thôn đặc biệt khó khăn.

+ Mục tiêu: Tăng cường cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và dân sinh ở các xã đặc biệt khó khăn, xã an toàn khu; các thôn đặc biệt khó khăn theo hướng tăng cường năng lực, tạo điều kiện để người dân và cộng đồng tham gia thực hiện, tạo việc làm công nhằm phát huy hiệu quả các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu được đầu tư, góp phần giảm rủi ro thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu, cải thiện tiếp cận thị trường.

+ Đối tượng: Các xã đặc biệt khó khăn, xã an toàn khu; các thôn đặc biệt khó khăn theo quyết định phê duyệt của cấp có thẩm quyền.

+ Nội dung hỗ trợ: Các công trình giao thông nông thôn phục vụ sản xuất, kinh doanh và dân sinh; các công trình cung cấp điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thôn; trạm chuyển tiếp phát thanh xã; nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng; trạm y tế xã đạt chuẩn; các công trình trường, lớp học đạt chuẩn; cải tạo, xây mới các công trình thủy lợi nhỏ; các công trình phục vụ nước sinh hoạt cho người dân; các loại công trình hạ tầng quy mô nhỏ khác do cộng đồng đề xuất, phù hợp với phong tục, tập quán, nhu cầu của cộng đồng, phù hợp với mục tiêu của Chương trình và quy định của pháp luật; ưu tiên công trình cho các cộng đồng nghèo, công trình có nhiều người nghèo, phụ nữ hưởng lợi; duy tu, bảo dưỡng công trình hạ tầng cơ sở trên địa bàn.

+ Phân công thực hiện: Ban Dân tộc tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan, UBND cấp huyện tổ chức thực hiện Dự án trên địa bàn; kiểm tra, giám sát, đánh giá và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện Dự án theo định kỳ, đột xuất.

+ Vốn và nguồn vốn: Tổng nhu cầu vốn thực hiện: 396.906 triệu đồng, trong đó: Ngân sách Trung ương: 387.090 triệu đồng (vốn đầu tư: 368.940 triệu đồng, vốn sự nghiệp 18.150 triệu đồng); ngân sách tỉnh: 9.816 triệu đồng (vốn đầu tư: 9.355 triệu đồng, vốn sự nghiệp 461 triệu đồng).

- Tiểu Dự án 2: Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn, xã an toàn khu; các thôn đặc biệt khó khăn.

+ Mục tiêu:

Hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với quy hoạch sản xuất; khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương; góp phần giảm rủi ro thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu; góp phần tăng thu nhập và nâng cao đời sống cho người dân trên địa bàn.

Hỗ trợ đa dạng các hình thức sinh kế phi nông nghiệp, ngành nghề dịch vụ, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa bàn.

Nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả; tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận các chính sách, nguồn lực, thị trường.

+ Đối tượng: Người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, ưu tiên hộ nghèo dân tộc thiểu số và phụ nữ thuộc hộ nghèo; nhóm hộ, cộng đồng dân cư trên địa bàn; tổ chức và cá nhân có liên quan; tạo điều kiện để người lao động là đối tượng sau cai nghiện ma túy, đối tượng nhiễm HIV/AIDS, phụ nữ bị buôn bán trở về... thuộc hộ nghèo được tham gia dự án.

+ Nội dung hỗ trợ:

* Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế:

Hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản: Tập huấn, chuyển giao kỹ thuật; giống cây trồng, vật nuôi; thiết bị, vật tư, dụng cụ sản xuất; phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, thú y...

Hỗ trợ tạo đất sản xuất gồm: khai hoang, phục hóa, tạo ruộng bậc thang.

Hỗ trợ phát triển ngành nghề và dịch vụ: nhà xưởng; máy móc thiết bị; vật tư sản xuất; dạy nghề, hướng nghiệp, tiếp cận thị trường, tạo việc làm.

Hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết với người nghèo trong phát triển sản xuất, phát triển ngành nghề, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

Hỗ trợ các hoạt động đa dạng hóa sinh kế khác do cộng đồng đề xuất, phù hợp với phong tục, tập quán, nhu cầu của cộng đồng; phù hợp với mục tiêu của Chương trình và quy định của pháp luật.

* Nhân rộng mô hình giảm nghèo:

Nhân rộng các mô hình giảm nghèo có hiệu quả, mô hình liên kết phát triển sản xuất, phát triển ngành nghề, bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm giữa hộ nghèo, cận nghèo, cộng đồng với doanh nghiệp; mô hình giảm nghèo gắn với an ninh, quốc phòng; đặc biệt ưu tiên nhân rộng các mô hình giảm nghèo liên quan đến sinh kế bản địa, các kiến thức bản địa, giá trị văn hóa tộc người.

Xây dựng và nhân rộng mô hình tạo việc làm công thông qua thực hiện đầu tư các công trình hạ tầng quy mô nhỏ ở thôn; mô hình sản xuất nông, lâm kết hợp, tạo việc làm cho người nghèo gắn với trồng và bảo vệ rừng; mô hình giảm rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu.

+ Phân công thực hiện: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban Dân tộc tỉnh, các sở, ban, ngành liên quan và UBND cấp huyện chỉ đạo tổ chức thực hiện Dự án trên địa bàn; kiểm tra, giám sát, đánh giá và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện Dự án theo định kỳ, đột xuất.

+ Vốn và nguồn vốn: Tổng nhu cầu vốn thực hiện: 133.000 triệu đồng, trong đó: Ngân sách Trung ương: 95.000 triệu đồng (vốn sự nghiệp), ngân sách tỉnh 19.000 triệu đồng; ngân sách huyện 11.400 triệu đồng; ngân sách xã và đóng góp của hộ dân 7.600 triệu đồng.

- Tiểu Dự án 3: Nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở các xã đặc biệt khó khăn, xã an toàn khu; các thôn đặc biệt khó khăn.

+ Mục tiêu: Nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở các xã đặc biệt khó khăn, xã an toàn khu; các thôn đặc biệt khó khăn.

+ Đối tượng: Cộng đồng, cán bộ cơ sở các xã đặc biệt khó khăn, xã an toàn khu; các thôn đặc biệt khó khăn.

* Đối với cộng đồng: Ban giám sát cộng đồng xã; cán bộ thôn; đại diện cộng đồng; lãnh đạo tổ, nhóm; cán bộ chi hội đoàn thể; cộng tác viên giảm nghèo; các tổ duy tu và bảo dưỡng công trình hạ tầng tại thôn; người có uy tín trong cộng đồng và người dân; ưu tiên người dân tộc thiểu số và phụ nữ trong các hoạt động nâng cao năng lực.

* Đối với cán bộ cơ sở: Tập trung nâng cao năng lực cán bộ xã và thôn về tổ chức triển khai Kế hoạch thực hiện Chương trình, cán bộ khuyến nông/thú y cấp xã và thôn; ưu tiên cán bộ dân tộc thiểu số, cán bộ nữ trong các hoạt động nâng cao năng lực.

+ Nội dung hỗ trợ:

Nâng cao năng lực cho cán bộ cơ sở các xã đặc biệt khó khăn, xã an toàn khu; các thôn đặc biệt khó khăn về quy trình, kỹ năng tổ chức thực hiện chương trình 135 và các vấn đề khác có liên quan trong công tác giảm nghèo.

Nâng cao năng lực cho cộng đồng các xã đặc biệt khó khăn, xã an toàn khu; các thôn đặc biệt khó khăn để đảm bảo tăng cường sự tham gia của cộng đồng vào các khâu lập kế hoạch, tổ chức thực hiện và giám sát cộng đồng với các hoạt động của Kế hoạch.

+ Phân công thực hiện: Ban Dân tộc tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan, UBND cấp huyện chỉ đạo tổ chức thực hiện Dự án trên địa bàn; kiểm tra, giám sát, đánh giá và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện Dự án theo định kỳ, đt xuất.

+ Vốn và nguồn vốn: Tổng nhu cầu vốn thực hiện: 21.674 triệu đồng, trong đó: Ngân sách Trung ương: 20.430 triệu đồng (vốn sự nghiệp), ngân sách tỉnh: 1.244 triệu đồng (vốn sự nghiệp).

c) Dự án 3 (Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các xã ngoài Chương trình 30a và Chương trình 135).

- Mục tiêu:

+ Hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp gắn với tạo việc làm theo hướng sản xuất hàng hóa trên cơ sở quy hoạch sản xuất nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương; góp phần giảm rủi ro thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu; góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân trên địa bàn.

+ Hỗ trợ đa dạng các hình thức sinh kế phi nông nghiệp, ngành nghề dịch vụ, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa bàn.

+ Nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả; tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận các chính sách, nguồn lực, thị trường.

- Đối tượng:

Người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, ưu tiên hộ nghèo dân tộc thiểu số và phụ nữ thuộc hộ nghèo; nhóm hộ, cộng đồng dân cư; tổ chức và cá nhân có liên quan; tạo điều kiện để người lao động là đối tượng sau cai nghiện ma túy, đối tượng nhiễm HIV/AIDS, phụ nữ bị buôn bán trở về... thuộc hộ nghèo được tham gia dự án.

- Nội dung hỗ trợ:

+ Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế:

Hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp: Tập huấn, chuyển giao kỹ thuật; giống cây trồng, vật nuôi; thiết bị, vật tư, dng cụ sản xuất; phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, thú y...

Hỗ trợ tạo đất sản xuất gồm: khai hoang, phục hóa, tạo ruộng bậc thang.

Hỗ trợ phát triển ngành nghề và dịch vụ: nhà xưởng; máy móc thiết bị; vật tư sản xuất; dạy nghề, hướng nghiệp, tiếp cận thị trường, tạo việc làm.

Hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết với người nghèo trong phát triển sản xuất, phát triển ngành nghề, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

Hỗ trợ các hoạt động đa dạng hóa sinh kế khác do cộng đồng đề xuất, phù hợp với phong tục, tập quán, nhu cầu của cộng đồng; phù hợp với mục tiêu của Chương trình và quy định của pháp luật.

+ Nhân rộng mô hình giảm nghèo:

Nhân rộng các mô hình giảm nghèo có hiệu quả, mô hình liên kết phát triển sản xuất, phát triển ngành nghề, bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm giữa hộ nghèo, cận nghèo, cộng đồng với doanh nghiệp; mô hình giảm nghèo gắn với an ninh, quốc phòng.

Xây dựng và nhân rộng mô hình tạo việc làm công thông qua thực hiện đầu tư các công trình hạ tầng quy mô nhỏ ở thôn, bản; mô hình sản xuất nông, lâm kết hợp, tạo việc làm cho người nghèo gắn với trồng và bảo vệ rừng; mô hình giảm rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu.

+ Phân công thực hiện: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các sở, ban, ngành liên quan, UBND cấp huyện chỉ đạo tổ chức thực hiện Dự án trên địa bàn; kiểm tra, giám sát, đánh giá và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện Dự án theo đnh kỳ, đột xuất.

+ Vốn và nguồn vốn: Tổng nhu cầu vốn thực hiện: 6.550 triệu đồng, trong đó: Ngân sách Trung ương: 4.550 triệu đồng (vốn sự nghiệp); ngân sách tỉnh 1.000 triệu đồng; ngân sách huyện 600 triệu đồng; ngân sách xã và đóng góp của hộ dân 400 triệu đồng.

d) Dự án 4 (Truyền thông và giảm nghèo về thông tin).

- Mục tiêu:

+ Truyền thông, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội về công tác giảm nghèo nhằm khơi dậy tinh thần tự lực vươn lên thoát nghèo và huy động nguồn lực để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.

+ Xây dựng, củng cố hệ thống thông tin cơ sở nhằm nâng cao khả năng tiếp cận của người dân trên địa bàn nghèo; rút ngắn khoảng cách về đảm bảo và thụ hưởng thông tin giữa các vùng miền, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.

- Đối tượng:

+ Người dân, cộng đồng dân cư.

+ Các tổ chức và cá nhân có liên quan.

- Nội dung hỗ trợ:

+ Truyền thông về giảm nghèo:

Xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình, sản phẩm truyền thông về công tác giảm nghèo.

Xây dựng, phát triển mạng lưới cán bộ tuyên truyền viên, báo cáo viên về giảm nghèo từ tỉnh tới cơ sở.

Tổ chức các hoạt động đối thoại chính sách về giảm nghèo định kỳ ở các cấp, các ngành, nhất là cơ sở.

Tổ chức các hoạt động truyền thông giảm nghèo theo hình thức sân khấu hóa để thúc đẩy giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm giữa các thôn, xã, huyện thực hiện Chương trình.

Phát triển, tăng cường hoạt động Trang thông tin điện tử về giảm nghèo.

+ Giảm nghèo về thông tin:

Đào tạo kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác thông tin và truyền thông tại cơ sở; ưu tiên cho cán bộ cấp xã và cấp thôn.

Hỗ trợ sản xuất, biên tập, phát hành, phát sóng, lưu trữ, quảng bá, phục vụ người đọc các ấn phẩm truyền thông để phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; phổ biến các kinh nghiệm, gương điển hình.

Hỗ trợ phương tiện nghe, xem cho các hộ nghèo tại các đảo xa bờ, vùng sâu, vùng xa.

Trang bị phương tiện tác nghiệp phục vụ thông tin cổ động tại huyện, xã.

Xây dựng các điểm tuyên truyền, cổ động cố định ngoài trời; điểm công cộng cung cấp thông tin qua phương thức Internet.

Xây dựng nội dung chương trình cổ động cho các đội thông tin cơ sở.

+ Phân công thực hiện: Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các sở, ban, ngành liên quan, UBND cấp huyện chỉ đạo tổ chức thực hiện Dự án trên địa bàn; kiểm tra, giám sát, đánh giá và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện Dự án theo định kỳ, đột xuất; trong đó, Sở Thông tin và Truyền thông trực tiếp chỉ đạo tổ chức thực hiện hoạt động giảm nghèo về thông tin, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trực tiếp chỉ đạo hoạt động truyền thông về giảm nghèo.

+ Vốn và nguồn vốn: Tổng nhu cầu vốn thực hiện: 2.300 triệu đồng, trong đó: Ngân sách Trung ương: 1.900 triệu đồng (vốn sự nghiệp), ngân sách tỉnh: 400 triệu đồng (vốn sự nghiệp).

e) Dự án 5 (Nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình).

- Mục tiêu: Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo ở các cấp; thiết lập hệ thống giám sát, đánh giá đồng bộ, toàn diện đáp ứng yêu cầu quản lý Chương trình.

- Đối tượng:

+ Hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, cộng đồng dân cư.

+ Đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp.

+ Các tổ chức và cá nhân có liên quan.

- Nội dung hỗ trợ:

+ Xây dựng tài liệu và đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ, cho đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo.

+ Tập huấn cho cán bộ công tác giảm nghèo tại huyện miền núi, xã, thị trấn thuộc huyện miền núi biết và sử dụng tiếng dân tộc thiểu số tại từng địa phương.

+ Tổ chức học tập, trao đổi kinh nghiệm trong và ngoài tỉnh; tổ chức hội thảo, hội nghị về giảm nghèo.

+ Xây dựng khung theo dõi, giám sát; hệ thống các mục tiêu, chỉ tiêu đánh giá kết quả thực hiện các chính sách, chương trình, dự án giảm nghèo tiếp cận đa chiều.

+ Kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện các chính sách, chương trình, dự án giám nghèo định kỳ, hằng năm hoặc đột xuất (khi cần thiết).

+ Rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hằng năm; tổ chức điều tra, đánh giá đầu kỳ, giữa kỳ và cuối kỳ ở các cấp.

+ Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu và phần mềm quản lý dữ liệu giảm nghèo ở các cấp.

+ Phân công thực hiện: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan, UBND cấp huyện chỉ đạo tổ chức thực hiện Dự án trên địa bàn; kiểm tra, giám sát, đánh giá và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện Dự án theo định kỳ, đột xuất.

+ Vốn và nguồn vốn: Tổng nhu cầu vốn thực hiện: 3.190 triệu đồng, trong đó: Ngân sách Trung ương: 2.750 triệu đồng (vốn sự nghiệp), ngân sách tỉnh: 440 triệu đồng (vốn sự nghiệp).

2. Các chính sách giảm nghèo chung

a) Chính sách về tín dụng ưu đãi.

- Mục tiêu: Cung cấp tín dụng cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo có sức lao động, có nhu cầu về vốn để phát triển sản xuất, tăng thu nhập và tự thoát nghèo.

- Nội dung: Cung cấp tín dụng ưu đãi, chủ yếu là tín dụng quy mô nhỏ cho các hộ gia đình nghèo với thủ tục vay và thu hồi vốn đơn giản, thuận tiện, nhanh chóng, phù hợp với người nghèo. Áp dụng linh hoạt phương thức cho vay, cho vay qua tổ tiết kiệm và vay vốn, ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội quản lý. Món vay và thời gian vay phù hợp với chu kỳ sản xuất kinh doanh.

Kết hợp chặt chẽ giữa tín dụng với hoạt động tiết kiệm giúp hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững. Đồng thời, thực hiện giám sát chặt chẽ việc sử dụng vốn vay thông qua tổ nhóm tín dụng - tiết kiệm để hạn chế tình trạng nợ đọng và sử dụng vốn vay không hiệu quả.

b) Chính sách hỗ trợ dạy nghề cho người nghèo, người cận nghèo, người dân tộc thiểu số.

- Mục tiêu: Trợ giúp người nghèo có được tay nghề cần thiết để tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập thông qua các khoá dạy nghề ngắn hạn để họ tìm việc làm tại các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ; đi lao động xuất khẩu hoặc tự tạo việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững.

- Nội dung: Nghiên cứu, đánh giá nhu cầu học nghề của người nghèo. Xây dựng kế hoạch đào tạo và tổ chức đào tạo nghề ngắn hạn phù hợp để người nghèo có thể tự tạo ra cơ hội việc làm, ưu tiên các nghề có thể sử dụng tại chỗ hoặc được thu nhận vào các khu công nghiệp, doanh nghiệp và đi lao động ở nước ngoài. Gắn đào tạo nghề với tạo việc làm và cung cấp tín dụng, người học nghề được trợ giúp giới thiệu việc làm miễn phí.

c) Chính sách hỗ trợ về y tế.

- Mục tiêu: Hỗ trợ người nghèo tiếp cận dịch vụ y tế khi ốm đau thuận lợi, bình đẳng hơn; giảm thiểu rủi ro, khó khăn cho người nghèo.

- Nội dung:

+ Củng cố mạng lưới y tế cơ sở, nhất là y tế xã, thôn. Đầu tư toàn diện cơ sở vật chất cho các trạm y tế xã, đào tạo đội ngũ y, bác sỹ về làm việc ở y tế cơ sở. Thực hiện đẩy mạnh các hoạt động xã hội hoá chăm sóc sức khoẻ tại cộng đồng.

+ Mua bảo hiểm y tế cho người nghèo, người cận nghèo, người dân tộc thiểu số và người sống ở xã đặc biệt khó khăn.

+ Hỗ trợ một phần chi phí khám chữa bệnh cho người thuộc hộ nghèo, người đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống ở xã thuộc vùng khó khăn theo quy định hiện hành, người thuộc diện được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng theo quy định của pháp luật và người đang được nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội của Nhà nước, người mắc bệnh ung thư, chạy thận nhân tạo, mổ tim hoặc các bệnh hiểm nghèo khác gặp khó khăn do chi phí cao mà không đủ khả năng chi trả viện phí.

d) Chính sách hỗ trợ về giáo dục cho người nghèo, cận nghèo.

- Mục tiêu: Hỗ trợ con em hộ nghèo được tới trường học tập bình đẳng như các trẻ em khác, góp phần nâng cao trình độ văn hóa của người nghèo, giảm nghèo bền vững.

- Nội dung: Thực hiện chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập đối với con em hộ nghèo theo học ở cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính phủ Quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, chi phí học tập từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021.

Củng cố cơ sở vật chất cho các cơ sở giáo dục, đặc biệt là hệ thống trường, lớp, thiết bị dạy học... cho các địa phương thuộc vùng có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, vùng nông thôn, miền núi... đáp ứng điều kiện cơ sở vật chất cho dạy và học.

e) Chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở.

- Mục tiêu: Hỗ trợ cho hộ nghèo có nhà ở ổn định, an toàn, từng bước nâng cao mức sống.

- Nội dung: Thực hiện chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định số 33/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ hoàn thành và kết thúc vào năm 2020. Các địa phương chủ động, tích cực huy động nguồn lực của cộng đồng xã hội, doanh nghiệp, gia đình, dòng họ cùng với nguồn cho vay vốn tín dụng ưu đãi để hỗ trợ hộ nghèo cải thiện nhà ở. Ưu tiên giải quyết trước đối tượng hộ nghèo là hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số, hộ gia đình đang sống ở thôn, xã đặc biệt khó khăn, vùng khó khăn.

g) Chính sách trợ giúp pháp lý miễn phí cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và người được trợ giúp pháp lý khác.

- Mục tiêu: Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số góp phần đảm bảo công lý và công bằng cho người nghèo trong việc tiếp cận với pháp luật; nâng cao hiểu biết pháp luật cho người nghèo để họ thực hiện pháp luật, tham gia phát triển kinh tế, thực hiện dân chủ ở cơ sở.

- Nội dung: Thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo, xã nghèo, thôn đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016-2020 và hỗ trợ những vụ việc tham gia tố tụng có tính chất phức tạp hoặc điển hình theo Quyết định số 32/2016/QĐ-TTg ngày 08/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ.

h) Các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo, đối tượng yếu thế.

- Mục tiêu: Đảm bảo 100% đối tượng người nghèo, đối tượng yếu thế, dân tộc thiểu số thuộc diện đều được thụ hưởng các chính sách theo quy định của Nhà nước.

- Nội dung: Trợ cấp tiền điện cho người nghèo, đối tượng chính sách xã hội theo quy định; trợ cấp bảo trợ xã hội kể cả trợ cấp đột xuất, trợ cấp thường xuyên tại cộng đồng và nuôi dưỡng tập trung trong các cơ sở bảo trợ xã hội theo Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với các đối tượng bảo trợ xã hội.

IV. TỔNG NGUỒN VỐN THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH

1. Tổng kinh phí thực hiện: 10.407.774 triệu đồng, trong đó:

a) Ngân sách Trung ương: 9.736.653 triệu đồng.

b) Ngân sách tỉnh: 398.321 triệu đồng.

c) Ngân sách huyện: 99.240 triệu đồng.

d) Ngân sách xã và đóng góp của hộ dân: 32.800 triệu đồng.

đ) Vốn huy động khác: 140.760 triệu đồng.

2. Chia theo chương trình, dự án

a) Kinh phí thực hiện các dự án thuộc Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững: 2.197.117 triệu đồng, trong đó:

- Ngân sách Trung ương: 1.865.763 triệu đồng (vốn đầu tư 1.326.613 triệu đồng, vn sự nghiệp 539.150 triệu đồng);

- Ngân sách tỉnh: 249.354 triệu đồng (vốn đầu tư 150.420 triệu đồng, vốn sự nghiệp 98.934 triệu đồng),

- Ngân sách huyện: 49.200 triệu đồng;

- Ngân sách xã và đóng góp của hộ dân: 32.800 triệu đồng.

b) Kinh phí thực hiện các chính sách giảm nghèo chung: 8.210.657 triệu đồng, bao gồm:

- Vốn tín dụng ưu đãi: 3.406.294 triệu đồng (vốn tín dụng ưu đãi dư nợ 2015 chuyển sang 2.543.033 triệu đồng, vốn tăng trưởng qua các năm 863.261 triệu đồng), trong đó:

+ Ngân sách Trung ương: 3.212.627 triệu đồng;

+ Ngân sách tỉnh: 143.627 triệu đồng.

+ Ngân sách huyện: 50.040 triệu đồng.

- Kinh phí thực hiện các chính sách giảm nghèo khác: 4.804.363 triệu đồng, trong đó:

+ Ngân sách trung ương: 4.658.263 triệu đồng.

+ Ngân sách tỉnh: 5.340 triệu đồng.

+ Vốn huy động khác: 140.760 triệu đồng.

3. Cơ cấu huy động ngân sách địa phương

- Đối với các dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo (Tiểu dự án 3 của Dự án 1, Tiểu dự án 2 của Dự án 2 và Dự án 3) ngân sách địa phương phải đảm bảo tỷ lệ bằng 50% ngân sách Trung ương.

Trong tỷ lệ 50% ngân sách địa phương huy động, bao gồm:

+ Ngân sách cấp tỉnh chiếm tỷ lệ 50%;

+ Ngân sách cấp huyện chiếm tỷ lệ 30%;

+ Ngân sách cấp xã và đóng góp của hộ dân chiếm tỷ lệ 20%.

- Phần ngân sách địa phương trong thực hiện đối với các dự án, chính sách còn lại của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tỉnh do ngân sách cấp tỉnh cân đối.

(Chi tiết nguồn vốn của từng chính sách theo phụ lục 09 đính kèm).

V. CÁC GIẢI PHÁP CHỦ YẾU THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH

1. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, chỉ đạo của chính quyền, phối hợp và giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các Hội đoàn thể để nâng cao nhận thức, trách nhiệm để tổ chức thực hiện tốt công tác giảm nghèo bền vững, đặc biệt là công tác điều tra, rà soát xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo:

a) Các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận tổ quốc và các Hội, đoàn thể nhân dân: Đẩy mạnh tuyên truyền mục tiêu giảm nghèo bằng nhiều hình thức, hoạt động phong phú để nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về thực hiện giảm nghèo bền vững, khơi dậy ý chí chủ động, trách nhiệm tự lực vươn lên của người nghèo, nâng cao năng lực cộng đồng, quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, của cộng đồng để thoát nghèo bền vững. Mỗi hộ nghèo, người nghèo, địa phương nghèo phải tích cực học tập, tìm việc làm, nỗ lực phấn đấu vươn lên thoát nghèo bền vững.

Chính quyền cần tập trung chỉ đạo quyết liệt thực hiện tốt các chương trình, dự án, chính sách giảm nghèo nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bn vững. Tùy nguồn lực huy động và ngân sách địa phương, có thể ban hành chính sách hỗ trợ giảm nghèo mới hoặc nâng định mức hỗ trợ của các dự án, chính sách giảm nghèo của Trung ương và của tỉnh để phù hợp với công tác giảm nghèo của địa phương.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các Hội đoàn thể tích cực phát động các phong trào hỗ trợ, giúp đỡ hộ nghèo để thoát nghèo bền vững; tổ chức vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp cùng chung tay hỗ trợ, sẻ chia để người nghèo vươn lên thoát nghèo. Phát động phong trào xây dựng khu, cụm dân cư không có hộ nghèo đồng thời có chính sách hỗ trợ cho các hộ nghèo không có khả năng lao động đảm bảo thu nhập, ổn định cuộc sống.

b) Điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo có ý nghĩa quan trọng, vừa là cơ sở để đánh giá thực trạng và kết quả thực hiện công tác giảm nghèo, vừa là cơ sở để thực hiện các cơ chế, chính sách và giải pháp giảm nghèo. Vì vậy, cần phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện theo đúng quy định và khách quan, không áp đặt chỉ tiêu giảm nghèo, không bỏ sót hộ nghèo, cận nghèo hoặc đưa vào danh sách những hộ không đủ điều kiện và phải đào tạo, tập huấn đội ngũ điều tra viên chuyên nghiệp để cùng với cán bộ xã, thôn thực hiện tốt điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo.

2. Về cơ chế huy động vốn

Thực hiện đa dạng hóa nguồn vốn huy động để triển khai thực hiện Chương trình, bảo đảm huy động đầy đủ, kịp thời theo đúng cơ cấu vốn đã được quy định; bố trí vốn đối ứng từ ngân sách địa phương để thực hiện chương trình và các nguồn huy động đóng góp hợp pháp của doanh nghiệp và vận động tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; vốn đối ứng, tham gia đóng góp của người dân, đối tượng thụ hưởng.

- Vốn ngân sách nhà nước (vốn hỗ trợ trực tiếp cho chương trình hoặc lồng ghép từ các chính sách, chương trình, dự án khác).

- Vốn tín dụng (nguồn vốn Trung ương và nguồn vốn địa phương bố trí kịp thời để thực hiện các tốt chính sách tín dụng ưu đãi).

- Vốn huy động cộng đồng (bao gồm cả tiền, hiện vật và ngày công lao động) và doanh nghiệp được thực hiện trên tinh thần tự nguyện, hợp lý, có tính đến đặc điểm kinh tế - xã hội, mức độ khó khăn của từng địa phương, đảm bảo các nguyên tắc công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình theo quy định.

3. Lồng ghép việc thực hiện các chính sách hỗ trợ giảm nghèo nói chung và các chính sách giảm nghèo đặc thù với các dự án thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững ở các huyện nghèo, xã nghèo, thôn đặc biệt khó khăn.

4. Cơ chế thực hiện

- Áp dụng cơ chế đặc thù rút gọn đối với một số dự án đầu tư có quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp, Nhà nước chỉ hỗ trợ đầu tư một phần kinh phí, phần còn lại do nhân dân đóng góp, có sự tham gia giám sát của nhân dân.

- Thực hiện cơ chế hỗ trợ trọn gói về tài chính, phân cấp, trao quyền cho địa phương, cơ sở, tăng cường sự tham gia của người dân trong suốt quá trình xây dựng và thực hiện chương trình. Khuyến khích và mở rộng hoạt động tạo việc làm công cho lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và người dân trên địa bàn thông qua các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn.

- Căn cứ tiêu chí, nguyên tắc phân bổ vốn chương trình cho các huyện nghèo, xã, thôn đặc biệt khó khăn do UBND tỉnh quyết định, trong đó ưu tiên phân bổ nguồn lực cho các huyện, xã, thôn đặc biệt khó khăn dự kiến thoát khỏi huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn do UBND tỉnh phê duyệt hàng năm và dựa trên nhu cầu phát triển và kế hoạch cụ thể của các huyện nghèo, xã nghèo, thôn đặc biệt khó khăn chứ không phân bổ bình quân hàng năm.

- Thúc đẩy tinh thần tự lực, tự cường của người dân và cộng đồng trong giảm nghèo; áp dụng cách tiếp cận giảm nghèo dựa vào cộng đồng; mở rộng và tạo điều kiện để tăng cường sự tham gia của người dân về các hoạt động của Chương trình từ việc xác định đối tượng thụ hưởng đến việc lập kế hoạch; triển khai, giám sát và đánh giá kết quả thực hiện. Bảo đảm tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong suốt quá trình thực hiện chương trình.

- Thực hiện cơ chế hỗ trợ tạo sinh kế cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo thông qua dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt dựa trên quy hoạch sản xuất của địa phương; hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tự nguyện đăng ký tham gia dự án thông qua nhóm hộ, cộng đồng; nguồn vốn thực hiện dự án từ ngân sách nhà nước, vốn vay ngân hàng chính sách xã hội, nguồn vốn lồng ghép thực hiện các chính sách, chương trình, dự án, nguồn vốn đối ứng của hộ gia đình; thu hồi, luân chuyển trong cộng đồng một phần chi phí hỗ trợ hoặc vật nuôi (từ nguồn vốn ngân sách nhà nước) phù hợp với từng dự án và điều kiện cụ thể của từng đối tượng được hỗ trợ, nhằm nhân rộng mô hình dự án cho nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo khác được tham gia; xây dựng mô hình tổ hợp tác tại các huyện miền núi trong việc hỗ trợ hộ nghèo sản xuất hàng hoá.

5. Về nguồn nhân lực thực hiện Chương trình

- Thành lập Văn phòng giảm nghèo tỉnh đặt tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trên cơ sở biên chế hiện có; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội sắp xếp, bố trí cán bộ Văn phòng giảm nghèo tỉnh nhưng không tăng biên chế. Văn phòng giảm nghèo tỉnh giúp việc cho Ban Chỉ đạo điều phối, thực hiện Chương trình trên địa bàn.

- Tiếp tục thực hiện chính sách tăng cường, luân chuyển cán bộ đảm bảo năng lực cho các xã nghèo.

- Tiếp tục thực hiện chính sách khuyến khích trí thức trẻ tình nguyện về nhận công tác ở các huyện nghèo, xã nghèo.

- Sử dụng cán bộ đoàn thể ở cơ sở làm cộng tác viên giảm nghèo. Giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh quyết định về tổ chức mạng lưới, cơ chế hoạt động, chức năng nhiệm vụ, phụ cấp bổ sung (nếu có) cho đội ngũ cộng tác viên làm công tác giảm nghèo từ nguồn ngân sách địa phương.

6. Điều hành, quản lý Chương trình

- Ở tỉnh: Thực hiện theo Quyết định số 2507/QĐ-UBND ngày 05/12/2016 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc Thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2016-2020.

- Ở huyện, xã: Chủ tịch UBND huyện, xã thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn với cơ cấu, thành phần, phân công nhiệm vụ theo hướng thống nhất chung từ cấp tỉnh đến cấp xã.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các sở, ban, ngành hướng dẫn cụ thể về cơ chế, chính sách, xây dựng chương trình khung và kế hoạch hằng năm cho cấp huyện; tổng hợp kế hoạch và phân bổ nguồn lực công khai, tạo chủ động cho địa phương theo nguyên tắc, tiêu chí và định mức quy định; giao mục tiêu, nhiệm vụ và kinh phí hỗ trợ (bao gồm cả vốn đầu tư phát triển và vốn sự nghiệp) cho các địa phương; tổ chức giám sát, đánh giá quá trình thực hiện chương trình; công bố tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh; hướng dẫn lồng ghép lập kế hoạch thực hiện Chương trình 05 năm và hằng năm với quá trình lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở cấp xã và có sự tham gia của các cán bộ chuyên môn cấp xã, các tổ chức, đoàn thể và của cộng đồng. Lồng ghép các yếu tố thị trường, bình đẳng giới, giảm rủi ro thiên tai và thích ứng biến đổi khí hậu trong quá trình lập kế hoạch.

2. Trách nhiệm của các sở, ban ngành

Theo chức năng của từng ngạnh và nhiệm vụ được phân công có trách nhiệm xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện và phối hợp với UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện các chính sách, dự án hỗ trợ hộ nghèo, xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn, huyện nghèo do ngành quản lý, theo dõi; cụ thể:

a) Sở Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan quản lý Kế hoạch thực hiện Chương trình có trách nhiệm:

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố tổ chức triển khai Kế hoạch thực hiện Chương trình theo quy định.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính và các Sở, ngành liên quan tổ chức triển khai thực hiện các Dự án thành phần của Kế hoạch thực hiện Chương trình, phân bổ các nguồn vốn Trung ương theo đúng quy định.

- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, các sở, ban ngành liên quan và các địa phương phân bổ vốn ngân sách theo nguyên tắc, tiêu chí, định mức quy định và quy định tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020.

- Phối hợp với Ban Dân tộc, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Thông tin và Truyền thông và các sở, ban ngành liên quan hướng dẫn quy trình, tổ chức thực hiện giám sát, đánh giá Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020; tổng hợp, báo cáo kết quả định kỳ, đột xuất cho cơ quan tổng hợp Kế hoạch thực hiện Chương trình, UBND tỉnh, Trung ương.

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành và địa phương thực hiện điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo; tổ chức thực hiện các chính sách, dự án giảm nghèo theo quy định của Chính phủ, phân công của UBND tỉnh và hướng dẫn của các Bộ ngành Trung ương.

- Chủ trì thực hiện Dự án 1 và Dự án 5; theo dõi, giám sát, tổng hợp kết quả thực hiện Kế hoạch, báo cáo kết quả định kỳ, đột xuất cho cơ quan tổng hợp Kế hoạch thực hiện Chương trình, UBND tỉnh và Trung ương.

b) Ban Dân tộc tỉnh là cơ quan chủ trì thực hiện Dự án 2; theo dõi, kiểm tra, giám sát, tổng hợp kết quả thực hiện dự án và báo cáo cơ quan quản lý Chương trình để tổng hợp chung báo cáo với cơ quan tổng hợp Chương trình, UBND tỉnh và Trung ương.

c) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh các giải pháp về giải quyết các chỉ số thiếu hụt đa chiều về nước sạch và vệ sinh thông qua việc tăng tỷ lệ người dân, nhất là hộ nghèo, cận nghèo về sử dụng nước sạch, đặc biệt quan tâm đến khu vực nông thôn miền núi, vùng khó khăn; chủ trì thực hiện Dự án 3; theo dõi, kiểm tra, giám sát, tổng hợp kết quả thực hiện dự án và báo cáo cơ quan quản lý Kế hoạch thực hiện Chương trình, UBND tỉnh và Trung ương.

d) Sở Thông tin và Truyền thông: Chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh các giải pháp giải quyết các chỉ số thiếu hụt đa chiều về thông tin thông qua việc tăng cường khả năng tiếp cận về thông tin cho người dân, đặc biệt là hộ nghèo, cận nghèo; chủ trì thực hiện Dự án 4; theo dõi, kiểm tra, giám sát, tổng hợp kết quả thực hiện dự án và báo cáo cơ quan quản lý Kế hoạch thực hiện Chương trình, UBND tỉnh và Trung ương.

đ) Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Thực hiện chức năng cơ quan tổng hợp Kế hoạch thực hiện Chương trình.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính tổng hợp, cân đối, bố trí vốn thẩm định nguồn vốn đầu tư theo tiến độ và kế hoạch đầu tư trung hạn, hàng năm trình UBND tỉnh quyết định; phân bổ nguồn vốn Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và các nguồn vốn khác có liên quan trong Kế hoạch thực hiện Chương trình (vốn đầu tư phát triển của Trung ương và địa phương); hướng dẫn việc quản lý, sử dụng nguồn vốn đầu tư thực hiện chương trình; đề xuất cân đối nguồn vốn địa phương giai đoạn 5 năm và hằng năm.

- Hướng dẫn cơ quan quản lý chương trình, cơ quan thực hiện dự án, địa phương xây dựng kế hoạch thực hiện, báo cáo kết quả huy động nguồn lực, báo cáo đánh giá kết quả thực hiện chương trình hàng năm, giữa kỳ và giai đoạn 5 năm; Hướng dẫn quy trình lập kế hoạch đầu tư trên địa bàn cấp xã có sự tham gia của cộng đồng vào thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; hướng dẫn các đơn vị, địa phương lồng ghép nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và các Chương trình, dự án khác.

- Kiểm tra, đánh giá định kỳ và đột xuất hiệu quả việc sử dụng vốn đầu tư cho Chương trình giảm nghèo; chủ trì tổng hợp và đề xuất phương án xử lý các vấn đề phát sinh vượt thẩm quyền trong quản lý điều hành chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo trình cấp thẩm quyền quyết định.

e) Sở Tài chính

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan hướng dẫn thực hiện cơ chế tài chính, hướng dẫn sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 theo thẩm quyền quy định.

- Chủ trì bố trí kinh phí sự nghiệp (kinh phí Trung ương và địa phương) cho Kế hoạch thực hiện Chương trình.

- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư bố trí vốn đầu tư trung hạn và hằng năm cho Kế hoạch thực hiện Chương trình.

- Chủ trì giao dự toán chi ngân sách nhà nước hằng năm (vốn đầu tư, vốn sự nghiệp) thực hiện Chương trình trong dự toán ngân sách nhà nước và hướng dẫn lập, phân bổ, sử dụng, thanh quyết toán nguồn kinh phí thực hiện chương trình, chính sách giảm nghèo và tổng hợp quyết toán kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo báo cáo cấp thẩm quyền.

- Tổ chức kiểm tra định kỳ và đột xuất tình hình sử dụng kinh phí các chính sách, dự án thuộc Chương trình của các sở, ban ngành, địa phương thực hiện.

- Theo dõi, tổng hợp báo cáo kết quả giải ngân nguồn vốn ngân sách nhà nước thực hiện chương trình gửi Trung ương, Sở Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan quản lý chương trình để tổng hợp.

- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững hằng năm, định kỳ, kết thúc giai đoạn hoặc đột xuất theo nội dung quy định.

g) Sở Y tế: Chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh các giải pháp giải quyết các chỉ số thiếu hụt đa chiều về y tế, hố xí hợp vệ sinh thông qua việc nâng cao khả năng tiếp cận của người dân và người nghèo, cận nghèo về sử dụng hố xí hợp vệ sinh, dịch vụ khám chữa bệnh nhất là miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng bãi ngang ven biển, hải đảo; giải pháp tăng độ bao phủ tham gia bảo hiểm y tế; giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh cho người dân.

h) Sở Giáo dục và Đào tạo: Chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh các giải pháp giải quyết các chỉ số thiếu hụt đa chiều về giáo dục thông qua việc tăng tỷ lệ trẻ em đến trường đúng độ tui theo từng cấp học, giảm tỷ lệ bỏ học, lưu ban; tăng tỷ lệ biết chữ của người lớn, vận động thực hiện phổ cập Trung học cơ sở cho người từ 15 đến dưới 30 tuổi chưa tốt nghiệp Trung học cơ sở; tổ chức thực hiện chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân theo quy định.

i) Sở Xây dựng: Chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh các giải pháp giải quyết các chỉ số thiếu hụt đa chiều về nhà ở cho hộ nghèo thông qua việc hỗ trợ cho hộ nghèo để có nhà ở, đảm bảo về diện tích và chất lượng thông qua thực hiện tốt chính sách hỗ trợ nhà ở phòng, tránh bão, lụt theo Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo.

k) Sở Tư pháp: Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương liên quan thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo theo Quyết định số 32/2016/QĐ-TTg ngày 08/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ.

l) S Nội vụ: Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan nghiên cứu, xây dựng, trình ban hành chính sách thu hút cán bộ, trí thức trẻ tình nguyện đến công tác ở các huyện, xã có tỷ lệ hộ nghèo cao; ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng để chuẩn hóa đội ngũ cán bộ ở các xã nghèo và các huyện nghèo để triển khai đồng bộ, kịp thời, đúng quy định các giải pháp, cơ chế, chính sách, chế độ đối với hộ nghèo, cận nghèo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo nhanh, bền vững; hướng dẫn tiêu chí khen thưởng đối với hộ nghèo, huyện, xã, thôn có thành tích trong công tác giảm nghèo bền vững.

m) Sở Công Thương: Có trách nhiệm phối hợp với các sở ngành liên quan hướng dẫn chính sách khuyến công, chính sách thu hút đầu tư vào các ngành, nghề, làng nghề trên địa bàn xã đặc biệt khó khăn, huyện nghèo. Tổ chức hướng dẫn thực hiện vấn đề xúc tiến thương mại, quảng bá giới thiệu sản phẩm đặc trưng và xây dựng giải pháp tìm đầu ra cho sản phẩm hàng hoá cho các vùng nghèo, người nghèo, các làng nghề truyền thống để giúp phát triển kinh tế - xã hội giảm nghèo bền vững cho các địa phương trên địa bàn tỉnh, góp phần chuyn dịch cơ cấu lao động nông thôn ngày càng vững chắc.

n) Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh: Xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình quân dân y kết hợp; mô hình giảm nghèo gắn với an ninh, quốc phòng để hỗ trợ sản xuất, tạo thu nhập cho người nghèo, tăng cường cán bộ, vận động thanh niên, trí thức trẻ tình nguyện đến công tác, giúp dân xây dựng nếp sống mới.

o) Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Quảng Ngãi: Chỉ đạo Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội, các Ngân hàng Thương mại trên địa bàn tỉnh và phối hợp các sở, ban, ngành liên quan thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng ưu đãi khác theo quy định.

p) Đề nghị Bảo hiểm Xã hội tỉnh phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố hướng dẫn việc thay đổi, cấp mới thẻ bảo hiểm y tế cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số, người dân xã đặc biệt khó khăn hàng năm trên địa bàn tỉnh.

3. Để phát huy vai trò tích cực của các tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu giảm nghèo tỉnh; đồng thời, phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh với Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia các huyện, thành phố, tập trung chỉ đạo giúp đỡ, hỗ trợ các xã nghèo, thôn nghèo, hộ nghèo:

a) Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh chủ trì, phối hợp với các hội, đoàn thể và ngành chức năng tổ chức tuyên truyền, vận động toàn dân tích cực tham gia Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, lồng ghép trong Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh ” và Cuộc vận động ‘‘Ngày vì người nghèo”; phối hợp tổ chức phát động thi đua “Quảng Ngãi chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”  thực hiện hỗ trợ, động viên hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững; tổ chức giám sát việc thực hiện Kế hoạch.

b) Đề nghị các Hội, đoàn thể tỉnh và tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục duy trì và phát huy những kết quả đã đạt được, tích cực giúp đỡ những hội, đoàn viên nghèo, yếu thế của tổ chức mình trong việc tiếp cận các chính sách ưu đãi, nhất là chính sách tín dụng đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến các chủ trương chính sách của Nhà nước về Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu giảm nghèo của tỉnh; hướng dẫn các cấp hội, đoàn thể, hội viên tham gia các mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất giảm nghèo; tích cực tuyên truyền, vận động, giúp đỡ các hội viên nghèo biết cách làm ăn, tham gia phát triển sản xuất, tăng thu nhập giúp thoát nghèo bền vững, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo đã được xác định.

4. Báo Quảng Ngãi và Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh phối hợp với các ngành, các cấp, các tổ chức đoàn thể tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Nhà nước về giảm nghèo bền vững, phát hiện và tuyên truyền những mô hình giảm nghèo tốt ở các địa phương trong tỉnh và mở chuyên mục về công tác giảm nghèo, qua đó tạo sự đồng thuận và nâng cao trách nhiệm của toàn xã hội trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo của tỉnh.

5. Trách nhiệm của UBND cấp huyện và cấp xã

- Xây dựng Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu giảm nghèo của địa phương giai đoạn 2016-2020 và kế hoạch hàng năm để làm cơ sở tổ chức triển khai thực hiện trên địa bàn.

- Huy động nguồn lực và tổ chức triển khai Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu giảm nghèo theo chỉ đạo của UBND tỉnh và hướng dẫn chuyên môn của các sở, ban ngành tỉnh; phân công rõ trách nhiệm của các phòng, ban ngành cùng cấp và UBND cấp xã trong việc tổ chức thực hiện theo nguyên tắc tăng cường phân cấp cho cơ sở và đề cao tinh thần trách nhiệm của từng địa phương, đơn vị trên địa bàn, phát huy tính dân chủ ở cơ sở.

- Tạo điều kiện cho các Hội, đoàn thể cùng cấp tổ chức thực hiện một số công việc phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, góp phần thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tại địa phương.

- Tổ chức theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Kế hoạch; báo cáo đánh giá kết quả thực hiện định kỳ hoặc đột xuất theo quy định.

- Chịu trách nhiệm sử dụng kinh phí của các dự án, chính sách thuộc Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo theo mục tiêu, nhiệm vụ được giao trên địa bàn có hiệu quả, không để thất thoát; đảm bảo việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch, phù hợp với các tiêu chuẩn, định mức phân bổ vốn theo quy định; chịu trách nhiệm quản lý và thực hiện thanh toán, quyết toán theo quy định về tài chính hiện hành./.

 

PHỤ LỤC 01

XÃ CÓ TỶ LỆ HỘ NGHÈO TRÊN 25%
(Kèm theo quyết định số 135/QĐ-UBND ngày 13/02/2017 của UBND tỉnh Quảng Ngãi)

STT

Đơn vị / Địa phương

Hộ nghèo đầu kỳ 01/01/2016

Tổng số hộ trên địa bàn

Nghèo

Cận nghèo

Tổng số hộ

Tỷ lệ hộ nghèo

Tổng số hộ

Tỷ lệ hộ cận nghèo

1

2

3

4

5

6

7

 

Lý Sơn

 

 

 

 

 

1

Xã An Bình

120

72

60,00

7

5,83

 

Tư Nghĩa

 

 

 

 

 

1

Xã Nghĩa Thọ

370

124

33,51

128

34,59

 

Nghĩa Hành

 

 

 

 

 

1

Xã Hành Tín Tây

1.233

317

25,71

131

10,62

 

Trà Bồng

8.636

4.154

48,10

1.813

20,99

1

Xã Trà Bình

1.428

371

25,98

358

25,07

2

Xã Trà Sơn

1.153

814

70,60

60

5,20

3

Xã Trà Thủy

810

556

68,64

100

12,35

4

Xã Trà Giang

126

102

80,95

5

3,97

5

Xã Trà Lâm

432

348

80,56

42

9,72

6

Xã Trà Hiệp

441

351

79,59

55

12,47

7

Xã Trà Tân

548

460

83,94

14

2,55

8

Xã Trà Bùi

473

432

91,33

4

0,85

 

Sơn Hà

20.722

8.063

38,91

2.770

13,37

1

Thị trấn Di Lăng

2.335

825

35,33

150

6,42

2

Xã Sơn Hạ

2.671

1.272

47,62

596

22,31

3

Xã Sơn Thành

2.286

785

34,34

306

13,39

4

Xã Sơn Nham

1.298

481

37,06

288

22,19

5

Xã Sơn Bao

1.014

349

34,42

201

19,82

6

Xã Sơn Linh

1.473

611

41,48

219

14,87

7

Xã Sơn Giang

1.340

609

45,45

100

7,46

8

Xã Sơn Trung

986

349

35,40

152

15,42

9

Xã Sơn Thượng

1.186

378

31,87

92

7,76

10

Xã Sơn Cao

1.372

646

47,08

176

12,83

11

Xã Sơn Hải

902

331

36,70

151

16,74

12

Xã Sơn Thủy

1.197

391

32,66

131

10,94

13

Xã Sơn Kỳ

1.643

623

37,92

126

7,67

14

Xã Sơn Ba

1.019

413

40,53

82

8,05

 

Sơn Tây

5.191

3.117

60,05

412

7,94

1

Xã Sơn Dung

1034

554

53,58

52

5,03

2

Xã Sơn Long

554

344

62,09

34

6,14

3

Xã Sơn Mùa

740

419

56,62

88

11,89

4

Xã Sơn Liên

401

262

65,34

16

3,99

5

Xã Sơn Bua

395

271

68,61

50

12,66

6

Xã Sơn Tân

764

428

56,02

23

3,01

7

Xã Sơn Màu

394

307

77,92

16

4,06

8

Xã Sơn Tinh

600

332

55,33

100

16,67

9

Xã Sơn Lập

309

200

64,72

33

10,68

 

Minh Long

4.851

2.298

47,37

433

8,93

1

Xã Long Môn

373

204

54,69

31

8,31

2

Xã Thanh An

908

450

49,56

95

10,46

3

Xã Long Hiệp

1.149

448

38,99

111

9,66

4

Xã Long Mai

1.116

561

50,27

112

10,04

5

Xã Long Sơn

1.305

635

48,66

84

6,44

 

Ba Tơ

15.837

6.709

42,36

1.883

11,89

1

Xã Ba Khâm

526

319

60,65

60

11,41

2

Xã Ba Cung

612

170

27,78

34

5,56

3

Xã Ba Tiêu

643

316

49,14

6

0,93

4

Xã Ba Trang

594

291

48,99

74

12,46

5

Xã Ba Tô

1.591

739

46,45

353

22,19

6

Xã Ba Bích

599

224

37,40

112

18,70

7

Xã Ba Vì

1.242

477

38,41

51

4,11

8

Xã Ba Lê

441

282

63,95

30

6,80

9

Xã Ba Nam

254

203

79,92

19

7,48

10

Xã Ba Xa

1.273

905

71,09

139

10,92

11

Xã Ba Giang

439

351

79,95

10

2,28

12

Xã Ba Đin

417

142

34,05

16

3,84

13

Xã Ba Vinh

1.248

522

41,83

111

8,89

14

Xã Ba Thành

844

259

30,69

149

17,65

15

Xã Ba Dinh

1.229

403

32,79

289

23,52

16

Xã Ba Liên

339

116

34,22

62

18,29

17

Xã Ba Ngạc

769

389

50,59

38

4,94

 

Tây Trà

4.508

3.596

79,77

389

8,63

1

Xã Trà Phong

1.008

786

77,98

77

7,64

2

Xã Trà Tho

495

333

67,27

63

12,73

3

Xã Trà Lãnh

478

399

83,47

37

7,74

4

Xã Trà Nham

480

370

77,08

23

4,79

5

Xã Trà Xinh

522

457

87,55

18

3,45

6

Xã Trà Thanh

494

390

78,95

70

14,17

7

Xã Trà Quân

439

349

79,50

60

13,67

8

Xã Trà Khê

434

397

91,47

11

2,53

9

Xã Trà Trung

158

115

72,78

30

18,99

 

 


 

PHỤ LỤC 2

PHÂN TÍCH HỘ NGHÈO THEO CÁC NHÓM ĐỐI TƯỢNG
(Kèm theo quyết định số 135/QĐ-UBND ngày 13/02/2017 của UBND tỉnh Quảng Ngãi)

TT

Khu vực/ Đơn vị

Tổng số hộ dân cư

Số hộ DTTS

Hộ nghèo theo các nhóm đối tượng

Tổng số hộ

Tỷ lệ

Số hộ DTTS

Tỷ lệ

Hộ nghèo thuộc đối tượng chính sách

Tỷ lệ

Hộ nghèo thuộc chính sách giảm nghèo

Tổng số hộ

Tỷ lệ

Trong đó

Hộ nghèo có thành viên thuộc đối tượng C/S người có công

Tỷ lệ

Hộ nghèo có thành viên thuộc đối tượng C/S BTXH

Tỷ lệ

A

B

C

D

E

F

G

H=G/E

I

J=I/E

K

L=K/E

M

N=M/K

O

P=O/K

 

Toàn tỉnh

342.986

48.235

52.100

15,19

25.738

49,40

13.451

25,82

38.649

74,18

2.101

5,44

10.028

25,95

 

Đồng bằng

283.241

1.162

24.163

8,53

393

1,63

10.955

45,34

13.208

54,66

789

5,97

7.205

54,55

1

TP. Quảng Ngãi

65.091

0

2.361

3,63

0

0,00

1192

50,49

1.169

49,51

16

1,37

495

42,34

2

Lý Sơn

5.892

1

889

15,09

0

0,00

396

44,54

493

55,46

37

7,51

266

53,96

3

Bình Sơn

54.206

170

6.175

11,39

0

0,00

3344

54,15

2.831

45,85

498

17,59

1226

43,31

4

Sơn Tịnh

25.265

3

1.660

6,57

1

0,06

940

56,63

720

43,37

8

1,11

316

43,89

5

Tư Nghĩa

35.563

693

1.882

5,29

136

7,23

889

49,24

993

52,76

0

0,00

429

43,20

6

Nghĩa Hành

24.571

288

3.370

13,72

249

7.39

1007

29,88

2.363

70,12

48

2,03

829

35,08

7

Mộ Đức

34.504

7

4.068

11,79

7

0,17

1370

33,68

2.698

66,32

135

5,00

1750

64,86

8

Đức Phổ

38.149

0

3.758

9,85

0

0,00

1817

48,35

1.941

51,65

47

2,42

1894

97,58

 

Miền Núi

59.745

47.073

27.937

46,76

25.345

90,72

2.496

8,93

25.441

91,07

1.312

5.16

2.823

11,10

9

Trà Bồng

8.636

3.763

4.154

48,10

3009

72,44

674

16,23

3.480

83,77

215

6,18

740

21,26

10

Sơn Hà

20.722

17.415

8.063

38,91

7248

89,89

882

10,94

7.181

89,06

376

5,24

749

10,43

11

Sơn Tây

5.191

4.658

3.117

60,05

3117

100,00

68

2,18

3.049

97,82

207

6,79

135

4,43

12

Minh Long

4.851

3.689

2.298

47,37

1979

86,12

396

17,23

1.902

82,77

220

11,57

369

19,40

13

Ba Tơ

15.837

13.173

6.709

42,36

6407

95,50

286

4,26

6.523

95,74

126

1.96

286

4,45

14

Tây Trà

4.508

4.375

3.596

79,77

3585

99,69

190

5.28

3.406

94,72

168

4,93

544

15,97

 

PHỤ LỤC 03

PHÂN TÍCH HỘ NGHÈO THEO MỨC ĐỘ THIẾU HỤT CÁC DỊCH VỤ XÃ HỘI CƠ BẢN
(Kèm theo Quyết định số 135/QĐ-UBND ngày 13/02/2017 của UBND tỉnh Quảng Ngãi)

TT

Khu vực/Đơn vị

Tổng số hộ nghèo

Trong đó số hộ nghèo thiếu hụt các chỉ số về:

Tỷ lệ thiếu hụt các chỉ số so với tổng số hộ nghèo

1

2

3

4

5

6

7

8

9

10

1

2

3

4

5

6

7

8

9

10

 

Toàn tỉnh

52.100

7.060

6.021

5.724

15.176

15.880

12.848

16.075

24.199

17.817

11.971

13,55

11,56

10,99

29,13

30,48

24,66

30,85

46,45

34,20

22,98

 

Đồng bằng

24.163

1.745

462

2.538

8.514

6.483

3.555

5.328

7.266

8.599

2.864

7,22

1,91

10,50

35,24

26,83

14,71

22,05

30,07

35,59

11,85

1

TP. Quảng Ngãi

2.361

258

65

106

1706

308

236

138

682

816

269

10,93

2,75

4,49

72,26

13,05

10,00

5,84

28,89

34,56

11,39

2

Lý Sơn

889

173

8

106

1

185

21

97

98

192

70

19,46

0,90

11,92

0,11

20,81

2,36

10,91

11,02

21,60

7,87

3

Bình Sơn

6.175

165

165

652

1909

1661

439

2209

1827

2671

975

2,67

2,67

10,56

30,91

26,90

7,11

35,77

29,59

43,26

15,79

4

Sơn Tịnh

1.660

37

41

108

1196

386

253

413

802

740

299

2,23

2,47

6,51

72,05

23,25

15,24

24,88

48,31

44,58

18,01

5

Tư Nghĩa

1.882

109

23

120

1338

474

212

374

550

829

224

5,79

1,22

6,38

71,09

25,19

11,26

19,87

29,22

44,05

11,90

6

Nghĩa Hành

3.370

528

56

597

1517

1089

869

703

1093

1412

422

15,67

1,66

17,72

45,01

32,31

25,79

20,86

32,43

41,90

12,52

7

Mộ Đức

4.068

430

79

443

1051

1469

1133

875

1244

1407

447

10,57

1,94

10,89

25,84

36,11

27,85

21,51

30,58

34,59

10,99

8

Đức Phổ

3.758

303

90

512

1502

1219

628

657

1652

1348

427

8,06

2,39

13,62

39,97

32,44

16,71

17,48

43,96

35,87

11,36

 

Miền núi

27.937

5.315

5.559

3.186

6.662

9.397

9.293

10.747

16.933

9.218

9.107

19,02

19,90

11,40

23,85

33,64

33,26

38,47

60,61

33,00

32,66

9

Trà Bồng

4.154

659

99

360

261

1944

2056

1772

3243

876

537

15,86

2,38

8,67

6,28

46,80

49,49

42,66

78,07

21,09

12,92

10

Sơn Hà

8.063

990

89

66

27

3487

2770

2041

6527

2230

2299

12,28

1,10

0,82

0,33

43,25

34,35

25,31

80,95

27,66

28,51

11

Sơn Tây

3.117

1277

505

 

567

1165

1574

2040

2250

1029

1360

40,97

16,20

0,00

18,19

37,38

50,50

65,45

72,18

33,01

43,63

12

Minh Long

2.298

262

70

79

68

743

992

1135

1568

837

372

11,40

3,05

3,44

2,96

32,33

43,17

49,39

68,23

36,42

16,15

13

Ba Tơ

6.709

1641

4712

2546

5604

60

16

764

127

2618

2540

24,46

70,23

37,95

83,53

0,89

0,24

11,39

1,89

39,92

37,86

14

Tây Trà

3.596

486

84

135

135

1998

1885

2995

3218

1568

1999

13,52

2,34

3,75

3,75

55,56

52,42

83,29

89,49

43,60

55,59

Ghi chú: CÁC CHỈ SỐ THIẾU HỤT DỊCH VỤ XÃ HỘI CƠ BẢN

Cột 1: Trình độ giáo dục người lớn (Hộ gia đình có ít nhất 01 thành viên từ 15 đến dưới 30 tuổi không tốt nghiệp THCS và hiện không đi học; không tính các trường hợp khuyết tật nặng trở lên hoặc đang bị bệnh/chấn thương nặng, đang chữa bệnh bắt buộc phải nghỉ học)

Cột 2: Tình trạng đi học của trẻ em (Hộ gia đình có ít nhất 01 thành viên từ 05 đến dưới 15 tuổi hiện không đi học)

Cột 3: Tiếp cận dịch vụ y tế (Hộ gia đình có người ốm/bệnh nặng nhưng không đi khám chữa bệnh trong vòng 12 tháng qua)

Cột 4: Bảo hiểm y tế (Hộ gia đình có ít nhất 01 thành viên từ 6 tuổi trở lên không có BHYT)

Cột 5: Chất lượng nhà ở (Hộ gia đình đang ở trong nhà thiếu kiên cố hoặc nhà đơn sơ)

Cột 6: Diện tích nhà ở (Hộ gia đình đang ở trong nhà thiếu kiên cố hoặc nhà đơn sơ)

Cột 7: Nguồn nước sinh hoạt (Hộ gia đình không được tiếp cận nguồn nước hợp vệ sinh; nước hợp vệ sinh gồm: nước máy, nước giếng khoan, nước giếng đào có thành bảo vệ, nước khe mó được bảo vệ. nước mưa chứa trong bể chứa được bảo vệ)

Cột 8: Hố xí/nhà tiêu hợp vệ sinh (Hộ gia đình không sử dụng hố xí/nhà tiêu hợp vệ sinh; Hố xí hợp vệ sinh gồm các loại: tự hoại, bán tự hoại, thấm dội nước, hai ngăn)

Cột 9: Sử dụng dịch vụ viễn thông (Hộ gia đình không có thành viên nào sử dụng điện thoại và đông thời cũng không sử dụng kết nối internet thông qua máy tính hoặc bất kỳ thiết bị điện tử nào)

Cột 10: Tài sản phục vụ tiếp cận thông tin (Hộ gia đình không có 01 trong 03 tài sản sau: tivi, đài (radio) và máy tính và đông thời cũng không nghe được loa truyền thanh của thông/xã)

 

PHỤ LỤC 04

XÃ ĐẶC BIỆT KHÓ KHĂN VÙNG BÃI NGANG VEN BIỂN VÀ HẢI ĐẢO (19 XÃ); XÃ ĐẶC BIỆT KHÓ KHĂN, XÃ BIÊN GIỚI, XÃ AN TOÀN KHU VÀ THÔN ĐẶC BIỆT KHÓ KHĂN CỦA CHƯƠNG TRÌNH 135; HUYỆN NGHÈO DỰ KIẾN ĐẾN NĂM 2020 THOÁT KHỎI HUYỆN NGHÈO, XÃ NGHÈO, THÔN ĐBKK

Bảng 1. Xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo (19 xã)

(Kèm theo quyết định số 135/QĐ-UBND ngày 13/02/2017 của UBND tỉnh Quảng Ngãi)

TT

Danh sách xã đặc biệt khó khăn vùng   bãi ngang ven biển

1. Tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo (%)

2. Thực trạng công trình CSHT tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản

3. Thực trạng công trình cơ sở hạ tầng phục vụ dân sinh

4. Thực trạng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất

Tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo (%)

Trong đó

Xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế theo quy định của Bộ Y tế (đạt, chưa đạt)

Tỷ lệ % trường đạt chuẩn quốc gia

Tỷ lệ thôn trở lên chưa có phòng học kiên cố cho nhà trẻ, lớp mẫu giáo (%)

Trung tâm sinh hoạt văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí cho người dân của xã (Chưa có, chưa được đầu tư)

Tỷ lệ thôn trở lên chưa có nhà sinh hoạt thôn (%)

Tỷ lệ hộ được dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh (%)

Tỷ lệ hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh theo quy chuẩn của Việt Nam quy định của Bộ Y tế (%)

Tỷ lệ km có đường trục xã, liên xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa đạt chuẩn theo cấp kỹ thuật của Bộ GTVT (%)

Tỷ lệ km được trục thôn, xóm được cứng hóa đạt chuẩn theo cấp kỹ thuật của Bộ GTVT (%)

Tỷ lệ km đường trục chính nội đồng được cứng hóa, xe cơ giới đi lại thuận tiện (%)

Tỷ lệ km kênh mương do xã quản lý được kiên cố hóa (%)

Đường ra bến cá (có, chưa có)

Trạm bơm cho nuôi trồng thủy sản, sản xuất muối, hệ thng thoát nước (có, chưa có

Bờ bao, kè đáp ứng được nhu cầu (%)

Tỷ lệ hộ nghèo (%)

Tỷ lệ hộ cận nghèo (%)

Trường mẫu giáo (%)

Trường tiểu học (%)

Trường Trung học cơ sở (%)

I

Huyện Bình Sơn

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

1

Xã Bình Chánh

25,24

16,61

8,63

Chưa đạt

50

50

50

66

Chưa có

66

98

99,7

61

32,73

10,33

3,5

Chưa có

Chưa có

45

2

Xã Bình Thạnh

26,83

16,76

10,07

Đạt

0

50

0

75

Chưa có

50

100

80

97,63

19,93

0

0

Chưa có

0

3

Xã Bình Thuận

27,76

15,24

12,52

Đạt

50

0

100

80

Chưa có

60

90

57,14

5,08

1,9

0

0

Chưa có

Chưa có

10

4

Xã Bình Châu

27,59

16,06

11,53

Đạt

0

0

0

62,5

Chưa có

100

90

47

67,59

58,68

18,12

12,6

Chưa có

30

5

Xã Bình Đông

26,12

15,06

11,06

Đạt

0

0

100

66

Chưa có

66

80

56

100

0

0

0

Chưa có

Chưa có

20

6

Xã Bình Hải

28,23

16,22

12,01

Chưa đạt

0

0

0

75

Chưa có

0

87

51,91

59,3

9,37

0,44

44,15

Chưa có

Chưa có

10

II

Huyện Đức Phổ

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

7

Xã Phổ Châu

34,46

18,37

16,09

Chưa đạt

0

100

100

75

Chưa có

100

90

95

30

11,18

0

65

Chưa có

Chưa có

0

8

Xã Phổ Khánh

26,43

17,21

9,22

Chưa Đạt

0

100

100

71,43

Chưa có

71,43

97

97

52,19

13,05

33,33

72,29

Chưa có

Chưa có

0

9

Xã Phổ An

27,86

15,83

12,03

Chưa Đạt

0

100

100

75

Chưa có

0

90

90

100

57,3

20,61

58,93

Chưa có

Chưa có

0

10

Xã Phổ Quang

25,49

13,41

12,08

Chưa Đạt

0

100

100

100

Chưa có

75

97

97

96,19

29,88

20

34,8

Chưa có

Chưa có

25

III

Huyện Lý Sơn

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

11

Xã An Vĩnh

19,45

14,10

5,35

Chưa đạt

0

50

100

50

Chưa có

0

36,3

40

50

40,3

40

70

Chưa có

40

12

Xã An Bình

65,83

60

5,83

Chưa đạt

0

0

0

100

Chưa có

100

100

55

100

58,7

41,7

70

Chưa có

20

13

Xã An Hải

20,54

14,21

6,33

Chưa đạt

0

0

0

67

0

42,3

50

52

58

45

70

Chưa có

40

IV

Huyện Mộ Đức

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

14

Xã Đức Lợi

23,37

15,29

8,08

Chưa đạt

100

100

100

75

Chưa được đầu tư

50

99,9

55

98,6

15,78

12,03

20,4

Chưa có

Chưa có

10

15

Xã Đức Chánh

22,48

15,48

7

Chưa đạt

0

66,7

50

66,7

Chưa có

16,67

95,1

55

64,11

28,53

6,1

39,36

Chưa có

Chưa có

0

16

Xã Đức Phong

26,44

15,94

10,5

Chưa đạt

0

100

100

80

Chưa có

0

95,2

50

79,62

26,64

0

7,7

Chưa có

Chưa có

0

17

Xã Đức Minh

25,68

15,66

10,01

Chưa đạt

100

0

0

100

Chưa có

0

97,7

58,6

73,28

35,97

0

33,3

Chưa có

Chưa có

0

18

Xã Đức Thắng

35,04

16,54

18,5

Đạt

0

100

100

71,4

Chưa có

57,1

94,2

55

77,84

34,2

0

18,6

Chưa có

Chưa có

0

IV

TP.Quảng Ngãi

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

19

Xã Tịnh Kỳ

18,21

13,52

4,69

Đạt

100

100

0

66,66

Chưa có

66,66

80

60

100

55

0

0

Chưa có

0

 


Bảng 2.  Xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu của Chương trình 135 (56 xã)

Số TT

Huyện, xã

Tổng số hộ dân

Hộ nghèo

Hộ cận nghèo

Số hộ

Tỷ lệ (%)

Số hộ

Tỷ lệ (%)

I

HUYỆN BA TƠ (14 xã)

 

 

 

 

 

1

Xã Ba Chùa

487

108

22,18

94

19,30

2

Xã Ba Động

780

127

16,28

 

0,00

3

Xã Ba Bích

599

224

37,40

112

18,70

4

Xã Ba Điền

417

142

34,05

16

3,84

5

Xã Ba Giang

439

351

79,95

10

2,28

6

Xã Ba Khâm

526

319

60,65

60

11,41

7

Xã Ba Lế

441

282

63,95

30

6,80

8

Xã Ba Nam

254

203

79,92

19

7,48

9

Xã Ba Ngạc

769

389

50,59

38

4,94

10

Xã Ba Tiêu

643

316

49,14

6

0,93

11

Xã Ba Thành

844

259

30,69

149

17,65

12

Xã Ba Trang

594

291

48,99

74

12,46

13

Xã Ba Vinh

1248

522

41,83

111

8,89

14

Xã Ba Xa

1273

905

71,09

139

10,92

II

HUYỆN MINH LONG (4 xã)

 

 

 

 

 

15

Xã Long Mai

1116

561

50,27

112

10,04

16

Xã Long Môn

373

204

54,69

31

8,31

17

Xã Long Sơn

1305

635

48,66

84

6,44

18

Xã Thanh An

908

450

49,56

95

10,46

III

HUYỆN SƠN HÀ(11 xã)

 

 

 

 

 

19

Xã Sơn Ba

1019

413

40,53

82

8,05

20

Xã Sơn Bao

1014

349

34,42

201

19,82

21

Xã Sơn Cao

1372

646

47,08

176

12,83

22

Xã Sơn Giang

1340

609

45,45

100

7,46

23

Xã Sơn Hải

902

331

36,70

151

16,74

24

Xã Sơn Kỳ

1643

623

37,92

126

7,67

25

Xã Sơn Linh

1473

611

41,48

219

14,87

26

Xã Sơn Nham

1298

481

37,06

288

22,19

27

Xã Sơn Thủy

1197

391

32,66

131

10,94

28

Xã Sơn Thượng

1186

378

31,87

92

7,76

29

Xã Sơn Trung

986

349

35,40

152

15,42

IV

HUYỆN SƠN TÂY (9 xã)

 

 

 

 

 

30

Xã Sơn Mùa

740

419

56,62

88

11,89

31

Xã Sơn Bua

395

271

68,61

50

12,66

32

Xã Sơn Dung

1034

554

53,58

52

5,03

33

Xã Sơn Lập

309

200

64,72

33

10,68

34

Xã Sơn Liên

401

262

65,34

16

3,99

35

Xã Sơn Long

554

344

62,09

34

6,14

36

Xã Sơn Màu

394

307

77,92

16

4,06

37

Xã Sơn Tân

764

428

56,02

23

3,01

38

Xã Sơn Tinh

600

332

55,33

100

16,67

V

HUYỆN TÂY TRÀ (9 xã)

 

 

 

 

 

39

Xã Trà Khê

434

397

91,47

11

2,53

40

Xã Trà Linh

478

399

83,47

37

7,74

41

Xã Trà Nham

480

370

77,08

23

4,79

42

Xã Trà Phong

1008

786

77,98

11

7,64

43

Xã Trà Quân

439

349

79,50

60

13,67

44

Xã Trà Thanh

494

390

78,95

70

14,17

45

Xã Trà Thọ

495

333

67,27

63

12,73

46

Xã Trà Trung

158

115

72,78

30

18,99

47

Xã Trà Xinh

522

457

87,55

18

3,45

VI

HUYỆN TRÀ BỒNG (8 xã)

 

 

 

 

 

48

Xã Trà Bùi

473

432

91,33

4

0,85

49

Xã Trà Giang

126

102

80,95

5

3,97

50

Xã Trà Hiệp

441

351

79,59

55

12,47

51

Xã Trà Lâm

432

348

80,56

42

9,72

52

Xã Trà Phú

1196

274

22,91

470

39,30

53

Xã Trà Sơn

1153

814

70,60

60

5,20

54

Xã Trà Tân

548

460

83,94

14

2,55

55

Xã Trà Thủy

810

556

68,64

100

12,35

 

HUYỆN TƯ NGHĨA (1 xã)

 

 

 

 

 

56

Xã Nghĩa Thọ

370

124

33,51

128

34,59

 

Bảng 3. Thôn đặc biệt khó khăn thuộc diện đầu tư của Chương trình 135 (46 thôn)

TT

Huyện, xã

Thôn đặc biệt khó khăn (46 thôn)

Tổng số hộ dân

Hộ nghèo

Hộ cận nghèo

Số hộ

Tỷ lệ (%)

Số hộ

Tỷ lệ(%)

I

Ba Tơ (18 thôn)

 

 

 

 

 

 

 

Thị trấn Ba Tơ

 

 

 

 

 

 

1

 

Tổ dân phố Vã Nhăn

138

83

60,14

22

15,94

2

 

Tổ dân phố Kon Dung

259

163

62,93

44

16,99

3

 

Tổ dân phố Uy Năng

159

67

42,14

45

28,30

 

Ba Cung

 

 

 

 

 

 

4

 

Thôn Đồng Dâu - Kon Kua

122

41

33,61

1

0,82

5

 

Thôn Làng Giấy - Dốc Mốc 1

136

28

20,59

1

5,15

 

Ba Dinh

 

 

 

 

 

 

6

 

Làng Măng

256

81

31,64

50

19,53

7

 

Kà La

106

38

35,85

37

34,91

8

 

Nước Tiên

157

56

35,67

71

45,22

9

 

Đồng Dinh

195

43

22,05

6

3,08

10

 

Nước Lang

181

55

30,39

51

28,18

 

Ba Liên

 

 

 

 

 

 

11

 

Núi Ngang

90

29

32,22

18

20,00

 

Ba Tô

 

 

 

 

 

 

12

 

Mang Lùng 1

272

160

58,82

12

4,41

13

 

Mang Lùng 2

176

94

53,41

34

19,32

14

 

Trà Nô

200

122

61,00

69

34,50

15

 

Làng Mạ

205

78

38,05

44

21,46

16

 

Làng Xi

279

140

50,18

66

23,66

 

Ba Vì

 

 

 

 

 

 

17

 

Thôn Nước Ui

127

36

28,35

17

13,39

18

 

Thôn Nước Xuyên

123

51

41,46

0

0,00

II

Bình Sơn (1 thôn)

 

 

 

 

 

 

 

Bình An

 

 

 

 

 

 

19

 

Thọ An

172

39

22,67

16

9,30

III

Minh Long (4 thôn)

 

 

 

 

 

 

 

Long Hiệp

 

 

 

 

 

 

20

 

Thiệp Xuyên

130

60

46,15

9

6,92

21

 

Dục Ái

75

30

40,00

12

16,00

22

 

Hà Liệt

144

63

43,75

20

13,89

23

 

Hà Bôi

168

84

50,00

12

7,14

IV

Sơn Hà (9 thôn)

 

 

 

 

 

 

 

Di Lăng

 

 

 

 

 

 

24

 

Đồi Ráy

114

84

73,68

3

2,63

25

 

Nước Nia

75

75

100,00

 

-

26

 

Cà Đáo

407

148

36,36

44

10,81

 

Sơn Hạ

 

 

 

 

 

 

27

 

Trường Ka

492

230

46,75

117

23,78

28

 

Đèo Gió

325

164

50,46

99

30,46

29

 

Đồng Reng

132

73

55,30

32

24,24

 

Sơn Thành

 

 

 

 

 

 

30

 

Hoăn Vậy

157

79

50,32

18

11,46

31

 

Gò Gạo

465

160

34,41

65

13,98

32

 

Làng Vẹt

87

41

47,13

8

9,20

V

Trà Bồng (3 thôn)

 

 

 

 

 

 

 

Thị trấn Trà Xuân

 

 

 

 

 

 

33

 

Tổ Dân phố III

139

20

14,39

86

61,87

34

 

Tổ Dân phố 7

191

74

38,74

99

51,83

 

Trà Bình

 

 

 

 

 

 

35

 

Thôn Bình Trung

331

87

26,28

115

34,74

VI

Nghĩa Hành (4 thôn)

 

 

 

 

 

 

 

Hành Tín Đông

 

 

 

 

 

 

36

 

Trường Lệ

167

66

39,52

29

17,37

37

 

Khánh Giang

195

43

22,05

52

26,67

 

Hành Tín Tây

 

 

 

 

 

 

38

 

Trũng Kè I

92

88

95,65

4

4,35

39

 

Trũng Kè II

77

63

81,82

12

15,58

VII

Đức Phổ (3 thôn)

 

 

 

 

 

 

 

Phổ Nhơn

 

 

 

 

 

 

40

 

Thôn An Điền

122

17

13,93

3

2,46

 

Phổ Phong

 

 

 

 

 

 

41

 

Thôn Trung Liêm

27

4

14,81

1

3,70

42

 

Thôn Vĩnh Xuân

352

47

13,35

11

3,13

VIII

Sơn Tịnh (4 thôn)

 

 

 

 

 

 

 

Tịnh Hiệp

 

 

 

 

 

 

43

 

Vĩnh Tuy

561

149

26,56

44

7,84

 

Tịnh Đông

 

 

 

 

 

 

44

 

Tân An

239

34

14,23

8

3,35

45

 

Hưng Nhượng Bắc

160

23

14,38

4

2,50

 

Tịnh Giang

 

 

 

 

 

 

46

 

Đông Hòa

525

27

5,14

14

2,67


 

PHỤ LỤC 5

LỘ TRÌNH HUYỆN NGHÈO, XÃ ĐBKK, THÔN ĐBKK THOÁT KHỎI TÌNH TRẠNG ĐBKK
GIAI ĐOẠN 2016-2020
(Kèm theo Quyết định số 135/QĐ-UBND ngày 13/02/2017 của UBND tỉnh Quảng Ngãi)

TT

 Xã ĐBKK, thôn

Tổng tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo

NĂM 2017

NĂM 2018

NĂM 2019

NĂM 2020

A

Huyện nghèo thoát khỏi tình trạng ĐBKK

 

 

 

 

3

1

Sơn Hà

52,28

 

 

 

X

2

Ba Tơ

54,25

 

 

 

X

3

Minh Long

56,30

 

 

 

X

B

Danh sách xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển thoát khỏi tình trạng ĐBKK

 

 

 

 

6

1

Xã Bình Thạnh

26,84

 

 

 

X

2

Xã Phổ An

27,86

 

 

 

X

3

Xã An Hải

20,54

 

 

 

X

4

Xã Đức Chánh

22,48

 

 

 

X

5

Xã Đức Phong

26,44

 

 

 

X

6

Xã Đức Thắng

35,03

 

 

 

X

C

Dự kiến xã ĐBKK vùng dân tộc và miền núi thoát khỏi trình trạng ĐBKK

 

2

2

4

5

I

Huyện Ba Tơ

 

 

 

 

 

1

Xã Ba Ngạc

55,50

X

 

 

 

2

Xã Ba Dinh

56,30

 

 

X

 

3

Xã Ba Bích

56,10

 

X

 

 

II

Huyện Sơn Hà

 

 

 

 

 

4

Xã Sơn Linh

56,40

 

X

 

 

5

Xã Sơn Nham

59,30

 

 

X

 

6

Xã Sơn Cao

59,90

 

 

 

X

III

Huyện Sơn Tây

 

 

 

 

 

7

Xã Sơn Dung

58,60

 

 

X

 

8

Xã Sơn Tân

59,00

 

 

 

X

IV

Huyện Minh Long

 

 

 

 

 

9

Xã Long Sơn

55,10

X

 

 

 

10

Xã Thanh An

60,00

 

 

X

 

11

Xã Long Mai

60,30

 

 

 

X

V

Huyện Trà Bồng

 

 

 

 

 

12

Xã Trà Phú

62,20

 

 

 

X

VI

Huyện Tư Nghĩa

 

 

 

 

 

13

Xã Nghĩa Thọ

68,10

 

 

 

X

D

Dự kiến thôn ĐBKK vùng dân tộc và miền núi thoát khỏi tình trạng ĐBKK

 

 

 

 

 

I

Huyện Ba Tơ

 

2

3

5

8

1

Thôn K Rầy xã Ba Tiêu

55,03

X

 

 

 

2

Thôn Làng Huy xã Ba Vinh

55,27

 

 

X

 

3

Thôn Nước Lá xã Ba Vinh

55,13

 

X

 

 

4

Thôn Huy Dui xã Ba Vinh

55,56

 

 

X

 

5

Thôn Nước Y xã Ba Vinh

55,20

X

 

 

 

6

Thôn Nước Nẻ xã Ba Vinh

56,19

 

 

X

 

7

Thôn Mang Đen xã Ba Vì

56,00

 

 

 

X

II

Huyện Minh Long

 

 

 

 

 

8

Thôn Thiệp Xuyên xã Long Hiệp

55,38

 

X

 

 

9

Thôn Hà Liệt xã Long Hiệp

55,56

 

 

 

X

III

Huyện Sơn Hà

 

 

 

 

 

10

Thôn Làng Rê xã Sơn Giang

55,46

 

 

X

 

11

Thôn Tà Bi xã Sơn Thủy

56,07

 

 

 

X

12

Thôn Bồ Nung xã Sơn Kỳ

57,23

 

X

 

 

13

Thôn Làng Chai xã Sơn Ba

56,36

 

 

 

X

14

TDP Nước Rạc TT Di Lăng

56,00

 

 

 

X

IV

Huyện Trà Bồng

 

 

 

 

 

15

Thôn Bình Trung xã Trà Bình

56,05

 

 

X

 

V

Huyện Sơn Tịnh

 

 

 

 

 

16

Thôn Hương Nhượng Bắc xã Tịnh Đông

57,60

 

 

 

X

17

Thôn Tân An xã Tịnh Đông

55,30

 

 

X

 

VI

Huyện Bình Sơn

 

 

 

 

 

18

Thôn Thọ An

56,05

 

 

 

X

 

PHỤ LỤC 6

KẾ HOẠCH LỘ TRÌNH GIẢM HỘ NGHÈO QUA CÁC NĂM 2016 – 2020
(Kèm theo Quyết định số 135/QĐ-UBND ngày 13/02/2017 của UBND tỉnh Quảng Ngãi)

TT

Tiêu chí năm

ĐVT

Cả tỉnh

Chia ra

Miền núi

Đồng bằng

1

Đầu năm 2016

 

 

 

 

 

Tổng số hộ dân cư

hộ

342.986

59.745

283.241

 

Số hộ nghèo

hộ

52.100

27.937

24.163

 

Trong đó:

 

 

 

 

 

- Hộ nghèo BTXH

hộ

13.451

2.496

10.955

 

- Hộ nghèo CSGN

hộ

38.649

25.441

13.208

 

Tỷ lệ hộ nghèo

%

15,19

46,76

8,53

 

Trong đó:

 

 

 

 

 

- Tỷ lệ hộ nghèo BTXH

%

3,92

4,18

3,87

 

- Tỷ lệ hộ nghèo CSGN

%

11,27

42,58

4,66

2

Cuối năm 2016

 

 

 

 

 

Số hộ nghèo

hộ

45.260

25.392

19.868

 

Tỷ lệ hộ nghèo

%

13,06

41,93

6,94

3

Cuối năm 2017

 

 

 

 

 

Số hộ nghèo

hộ

38.941

22.610

16.331

 

Tỷ lệ hộ nghèo

%

11,21

36,39

5,73

4

Cuối năm 2018

 

 

 

 

 

Số hộ nghèo

hộ

33.779

19.477

14.302

 

Tỷ lệ hộ nghèo

%

9,62

30,92

4,97

5

Cuối năm 2019

 

 

 

 

 

Số hộ nghèo

hộ

28.423

16.188

12.235

 

Tỷ lệ hộ nghèo

%

8,02

25,44

4,21

6

Cuối năm 2020

 

 

 

 

 

Số hộ nghèo

hộ

22.918

12.831

10.087

 

Trong đó:

 

 

 

 

 

- Hộ nghèo BTXH

hộ

12.325

9.621

2.704

 

- Hộ nghèo CSGN

hộ

10.593

3.210

7.383

 

Tỷ lệ hộ nghèo

%

6,40

19,965

3,43

 

Trong đó:

 

 

 

 

 

- Tỷ lệ hộ nghèo BTXH

%

3,44

14,97

0,92

 

- Tỷ lệ hộ nghèo CSGN

%

2,96

4,99

2,51

*

Tổng số hộ nghèo giảm 5 năm

hộ

29.182

15.106

14.076

 

Tổng tỷ lệ giảm 5 năm

%

8,79

26,79

5,10

 

Tỷ lệ giảm bình quân/năm

%

1,76

5,36

1,02


PHỤ LỤC 7

LỘ TRÌNH GIẢM HỘ NGHÈO CHI TIẾT THEO HUYỆN, TP QUA CÁC NĂM 2016-2020
(Kèm theo Quyết định số 135/QĐ-UBND ngày 13/02/2017 của UBND tỉnh Quảng Ngãi)

TT

Huyện, Thành phố

Hộ nghèo đầu năm 2016

Năm 2016

Năm 2017

Năm 2018

Năm 2019

Năm 2020

Số hộ nghèo (hộ)

Trong đó:

Tỷ lệ hộ nghèo (%)

Số hộ nghèo (hộ)

Trong đó:

Tỷ lệ hộ nghèo (%)

Số hộ nghèo (hộ)

Trong đó:

Tỷ lệ hộ nghèo (%)

Số hộ nghèo (hộ)

Trong đó:

Tỷ lệ hộ nghèo (%)

Số hộ nghèo (hộ)

Trong đó:

Tỷ lệ hộ nghèo (%)

Số hộ nghèo (hộ)

Trong đó:

Tỷ lệ hộ nghèo (%)

Hộ nghèo chính sách BTXH

Hộ nghèo chính sách BTXH

Hộ nghèo chính sách BTXH

Hộ nghèo chính sách BTXH

Hộ nghèo chính sách BTXH

Hộ nghèo chính sách BTXH

I

Đồng bằng

24.163

10.955

8,53

19.868

9.621

6,94

16.331

10.955

5,73

14.302

9.621

4,97

12.235

9.621

4,21

10.087

9.621

3,43

1

TP. Quảng Ngãi

2.361

1.192

3,63

1.869

987

2,83

1.674

1.192

2,57

1.480

987

2,25

1.283

987

1,93

1.081

987

1,61

2

Lý Sơn

889

396

15,09

770

359

12,95

650

396

10,87

560

359

9,27

468

359

7,67

374

359

6,07

3

Bình Sơn

6.175

3.344

11,39

5.414

2.829

9,77

4.144

3.344

7,52

3.740

2.829

6,72

3.328

2.829

5,92

2.908

2.829

5,12

4

Sơn Tịnh

1.660

940

6,57

1.245

568

4,96

1.038

940

4,11

895

568

3,51

750

568

2,91

601

568

2,31

5

Tư Nghĩa

1.882

889

5,29

1.711

591

4,77

1.566

889

4,36

1.291

591

3,56

1.011

591

2,76

725

591

1,96

6

Ng Hành

3.370

1.007

13,72

2.450

1.242

9,96

2.110

1.007

8,47

1.829

1.242

7,27

1.543

1.242

6,07

1.250

1.242

4,87

7

Mộ Đức

4.068

1.370

11,79

3.286

1.482

9,50

2.626

1.370

7,61

2.269

1.482

6,51

1.904

1.482

5,41

1.497

1.482

4,21

8

Đức Phổ

3.758

1.817

9,85

3.123

1.563

8,10

2.523

1.817

6,58

2.238

1.563

5,78

1.948

1.563

4,98

1.651

1.563

4,18

II

Miền núi

27.937

2.496

46,76

25.392

2.704

41,93

22.610

2.496

36,39

19.477

2.704

30,92

16.188

2.704

25,44

12.831

2.704

19,97

9

Trà Bồng

4.154

674

48,10

3.741

740

42,73

3.322

674

37,41

2.828

740

31,41

2.311

740

25,41

1.783

740

19,41

10

Sơn Hà

8.063

882

38,91

7.251

890

34,39

6.472

882

30,20

5.454

890

25,10

4.389

890

20,00

3.302

890

14,90

11

Sơn Tây

3.117

68

60,05

2.906

85

55,09

2.733

68

51,23

2.501

85

46,23

2.253

85

41,23

1.999

85

36,23

12

Mi Long

2.298

396

47,37

2.037

392

40,98

1.776

396

35,02

1.544

392

30,02

1.299

392

25,02

1.050

392

20,02

13

Ba Tơ

6.709

286

42,36

6.041

486

37,96

5.071

286

30,16

4.102

486

24,06

3.093

486

17,96

2.063

486

11,86

14

Tây Trà

3.596

190

79,77

3.416

111

75,08

3.236

190

70,39

3.048

111

65,39

2.843

111

60,39

2.634

111

55,39

(I+II)

52.100

13.451

15,19

45.260

12.325

13,06

38.941

13.451

11,21

33.779

12.325

9,62

28.423

12.325

8,02

22.918

12.325

6,40

 

PHỤ LỤC 8

LỘ TRÌNH THỰC HIỆN CÁC CHỈ TIÊU CHỦ YẾU QUA TỪNG NĂM TRONG GIAI ĐOẠN 2016 – 2020
(Kèm theo Quyết định số 135/QĐ-UBND ngày 13/02/2017 của UBND tỉnh Quảng Ngãi)

TT

Các chỉ tiêu 1

Đơn vị

Năm 2015

Ước năm 2016

KH đến năm 2020

Năm 2017

Năm 2018

Năm 2019

Năm 2020

1

Xã có đường ô tô đến trung tâm xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa theo tiêu chuẩn và theo cấp kỹ thuật của Bộ Giao thông Vận tải (184 xã)

 

 

 

 

 

 

 

 

- Số xã đạt theo tiêu chuẩn

60

132

163

179

181

184

 

- Tỷ lệ số xã đạt

%

32,61

71,74

88,59

97,28

98,37

100

2

Thôn có đường trục giao thông được cứng hóa theo tiêu chuẩn và theo cấp kỹ thuật của Bộ Giao thông Vận tải (1.128 thôn)

 

 

 

 

 

 

 

 

- Số thôn đạt tiêu chuẩn

Thôn

643

703

743

788

843

903

 

- Tỷ lệ số thôn đạt

%

57,00

62,32

65,87

69,86

74,73

80,05

3

Xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế

 

 

 

.

 

 

 

 

- Số xã đạt theo tiêu chuẩn

129

141

152

163

174

184

 

- Tỷ lệ số xã đạt

%

70,11

76,63

82,61

88,59

94,57

100

4

Xã có Trạm y tế cấp xã có đủ điều kiện khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế

 

 

 

 

 

 

 

 

- Số xã đạt theo tiêu chuẩn

163

165

184

184

184

184

 

- Tỷ lệ số xã đạt

%

88,59

89,67

100

100

100

100

5

Các công trình thủy lợi nhỏ được đầu tư đáp ứng nhu cầu tưới tiêu cho diện tích cây trồng hằng năm

%

60

65

70

73

75

80

6

Đào tạo nghề và giáo dục định hướng cho lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số, trong đó từ 70 % -80% lao động đi làm việc ở nước ngoài.

 

 

 

 

 

 

 

 

- Số người đào tạo nghề và giáo dục định hướng

Người

1.104

250

230

230

240

250

 

Trong đó có người lao động đi nước ngoài

%

70

60

65

65

70

80

7

Xã nghèo có điểm thông tin, tuyên truyền cổ động ngoài trời

 

 

 

 

 

 

 

 

- Số xã đạt theo tiêu chuẩn

5

5

15

25

30

38

 

- Tỷ lệ số xã đạt

%

6,67

6,67

20,00

33,33

40,00

50,67

8

Huyện, xã có trang bị bộ phương tiện tác nghiệp tuyên truyền cổ động

 

 

 

 

 

 

 

 

- Số huyện được trang bị

Huyện

1

1

2

3

4

6

 

- Số xã được trang bị

10

20

30

40

50

57

9

Hộ gia đình được sử dụng nước hợp vệ sinh

%

69,15

74,15

79,15

84,15

89,15

95

10

Hỗ trợ cho hộ nghèo dân tộc thiểu số phương tiện nghe-nhìn để xem các chương trình phát thanh truyền hình của Trung ương và địa phương

Hộ

 

 

50

100

150

200


 

PHỤ LỤC 9

TỔNG HỢP NHU CẦU VỐN CHƯƠNG TRÌNH GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG GIAI ĐOẠN 2016-2012
(Kèm theo Quyết định số 135/QĐ-UBND ngày 13/02/2017 của UBND tỉnh Quảng Ngãi)

ĐVT: Triệu đồng

TT

NỘI DUNG

NHU CẦU VỐN 2016 - 2020

Tổng cộng

2016

2017

2018

2019

2020

A

Dự án thực hiện Chương trình giảm nghèo

306.546

446.878

462.955

480.641

500.097

2.197.117

 

- Ngân sách trung ương

306.546

367.593

381.453,00

396.699,00

413.472,00

1.865.763

 

- Ngân sách tỉnh

-

58.785

61.002

63.442

66.125

249.354

 

- Ngân sách huyện

-

12.300

12.300

12.300

12.300

49.200

 

- Ngân sách xã và đóng góp của hộ dân

-

8.200

8.200

8.200

8.200

32.800

I

Dự án 1: Chương trình 30a.

223.898

326.635

342.712

360.398

379.854

1,633.497

 

- Ngân sách trung ương

223.898

260.325

274.185,00

289.431,00

306.204,00

1.354.043

 

- Ngân sách tỉnh

-

50.810

53.027

55.467

58.150

217.454

 

- Ngân sách huyện

-

9.300

9.300

9.300

9.300

37.200

 

- Ngân sách xã và đóng góp của hộ dân

-

6.200

6.200

6.200

6.200

24.800

1

Tiểu dự án 1: Hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng các huyện nghèo

140.580

204,129

220,206

237.892

257.348

1.060,155

 

- Ngân sách trung ương

140.580

174.062

187.922

203.168

219.941

925.673

 

- Ngân sách tỉnh

 

30.067

32.284

34.724

37.407

134.482

2

Tiểu dự án 2: Hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo.

20.363

27.556

27.556

27.556

27.556

130.587

 

- Ngân sách trung ương

20.363

22.963

22.963

22.963

22.963

112.215

 

- Ngân sách tỉnh

 

4.593

4.593

4.593

4.593

18.372

3

Tiểu dự án 3. Hỗ trợ phát triển sản xuất trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo.

61.657

93,000

93.000

93.000

93,000

433.657

 

- Ngân sách trung ương

61.657

62.000

62.000

62.000

62.000

309.657

 

- Ngân sách tỉnh

 

15.500

15.500

15.500

15.500

62.000

 

- Ngân sách huyện

 

9.300

9.300

9.300

9.300

37.200

 

- Ngân sách xã và đóng góp của hộ dân

 

6.200

6.200

6.200

6.200

24.800

4

Tiểu dự án 4: Hỗ trợ cho lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.

1.298

1.950

1.950

1.950

1.950

9.098

 

- Ngân sách trung ương

1.298

1.300

1.300

1.300

1.300

6.498

 

- Ngân sách tỉnh

 

650

650

650

650

2.600

II

Dự án 2: Chương trình 135

81.248

117.583

117.583,00

117.583

117.583

551.580

 

- Ngân sách trung ương

81.248

105.318

105.318

105.318

105.318

502.520

 

- Ngân sách tỉnh

-

7.515

7.515

7.515

7.515

30.060

 

- Ngân sách huyện

-

2.850

2.850

2.850

2.850

11.400

 

- Ngân sách xã và đóng góp của hộ dân

-

1.900

1.900

1.900

1.900

7.600

1

Tiểu dự án 1: Hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu; các thôn, bản đặc biệt khó khăn.

59.858

84.262

84.262

84.262

84.262

396.906

 

- Ngân sách trung ương

59.858

81.808

81.808

81.808

81.808

387.090

 

- Ngân sách tỉnh

 

2.454

2.454

2.454

2.454

9.816

2

Tiểu dự án 2: Hỗ trợ phát triển sản xuất các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu; các thôn, bản đặc biệt khó khăn.

19.000

28.500

28.500

28.500

28.500

133.000

 

- Ngân sách trung ương

19.000

19.000

19.000

19.000

19.000

95.000

 

- Ngân sách tỉnh

 

4.750

4.750

4.750

4.750

19.000

 

- Ngân sách huyện

 

2.850

2.850

2.850

2.850

11.400

 

- Ngân sách xã và đóng góp của hộ dân

 

1.900

1.900

1.900

1.900

7.600

3

Tiểu dự án 3: Nâng cao năng lực cho cộng đồng vì cán bộ cơ sở các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu; các thôn bản đặc biệt khó khăn.

2.390

4.821

4.821

4,821

4.821

21.674

 

- Ngân sách trung ương

2.390

4.510

4.510

4.510

4.510

20.430

 

- Ngân sách tỉnh

 

311

311

311

311

1.244

III

Dự án 3: Hỗ trợ sản xuất tăng thu nhập, đa dạng hóa sinh kế, giảm nghèo dựa vào cộng đồng, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững trên địa bàn các xã ngoài Chương trình 30a và Chương trình 135.

550

1.500

1.500

1.500

1.500

6.550

 

- Ngân sách trung ương

550

1.000

1.000

1.000

1.000

4.550

 

- Ngân sách tỉnh

 

250

250

250

250

1.000

 

- Ngân sách huyện

 

150

150

150

150

600

 

- Ngân sách xã và đóng góp của hộ dân

 

100

100

100

100

400

IV

Dự án 4: Truyền thông và giảm nghèo về thông tin.

300

500

500

500

500

2.300

 

- Ngân sách trung ương

300

400

400

400

400

1.900

 

- Ngân sách tỉnh

 

100

100

100

100

400

V

Dự án 5: Nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình.

550

660

660

660

660

3.190

 

- Ngân sách trung ương

550

550

550

550

550

2.750

 

- Ngân sách tỉnh

 

110

110

110

110

440

6

CÁC CHÍNH SÁCH GIẢM NGHÈO CHUNG

997.160

1.148.537

1.172.528

1.189.141

1.160.258

8.210.657

 

- Ngân sách trung ương

954.461

1.092.409

1.109.468

1.126.031

1.104.155

7.870.890

 

- Ngân sách tỉnh

21.577

20.953

20.916

20.966

20.928

148.967

 

- Ngân sách huyện

7.000

7.000

7.000

7.000

7.000

50.040

 

- Vốn huy động khác

14.122

28.175

35.144

35.144

28.175

140.760

1

Vốn tín dụng

 

 

 

 

 

 

 

Vốn giai đoạn 2011-2015 chuyển qua 2.543.033 triệu đồng (dư nợ hàng năm)

2.673.444

2.888.144

3.089.474

3.275.514

3.406.294

3.406.294

 

- Ngân sách trung ương

2.587.777

2.775.477

2.949.807

3.108.847

3.212.627

3.212.627

 

- Ngân sách tỉnh

63.627

83.627

103.627

123.627

143.627

143.627

 

- Ngân sách huyện

22.040

29.040

36.040

43.040

50.040

50.040

 

Số tăng trưởng hàng năm

130.411

214.700

201.330

186.040

130.780

863.261

 

- Ngân sách trung ương

103.411

187.700

174.330

159.040

103.780

728.261

 

- Ngân sách tỉnh

20.000

20.000

20.000

20.000

20.000

100.000

 

- Ngân sách huyện

7.000

7.000

7.000

7.000

7.000

35.000

-

Cho vay hộ nghèo

-33.607

-144.000

-133.000

-101.000

-93.000

-504.607

 

+ Cho vay thông thường

-42.253

-151.000

-140.000

-108.000

-100.000

-541.253

 

+ Cho vay hộ nghèo theo Nghị quyết 30a

8.646

7.000

7.000

7.000

7.000

36.646

-

Cho vay hộ cận nghèo

123.557

150.000

117.000

100.000

50.000

540.557

-

Cho vay HSSV có hoàn cảnh khó khăn

-264

-50.000

40.000

-30,000

-20.000

-140.264

-

Cho vay đối tượng đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài

5.889

7.000

6.000

3.000

4.000

25.889

-

Cho vay Chương trình nước sạch VSMT nông thôn

26.491

68.000

70.000

35.000

14.000

213.491

-

Cho vay hộ gia đình SXKD tại vùng khó khăn (theo Quyết định số 31)

91.777

100.000

100.000

100.000

100.000

491.777

-

Cho vay hộ đồng bào DTTS tại vùng khó khăn (theo Quyết định số 32)

19.059

13.000

13.000

13.000

13.000

71.059

-

Cho vay hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở (theo QĐ 33)

62.238

29.100

29.000

28.900

28.800

178.038

-

Cho vay hộ mới thoát nghèo (QĐ 28/2015)

71.754

50.000

50.000

50.000

60.000

281.754

2

Các chính sách giảm nghèo chung khác

866.749

933.837

971.198

1.003.101

1.029.478

4.804.363

 

- Ngân sách trung ương

851.050

904.709

935.138

966.991

1.000.375

4.658.263

 

- Ngân sách tỉnh

1.577

953

916

966

928

5.340

 

- Vốn huy động khác

14.122

28.175

35.144

35.144

28.175

140.760

a)

Chính sách hỗ trợ làm nhà ở theo QĐ 33/2015/QĐ-TTg

14.199

28.328

35.335

35.335

28.328

141.525

 

- Ngân sách trung ương

 

 

 

 

 

 

 

- Ngân sách tỉnh

77

153

191

191

153

765

 

- Vốn huy động khác

14.122

28.175

35.144

35.144

28.175

140.760

b)

Chính sách miễn, giảm học phí và hỗ trợ học tập

80.000

84.000

88.200

92.600

97.200

442.000

 

Nguồn Trung ương

80.000

84.000

88.200

92.600

97.200

442.000

c)

Chính sách mua bảo hiểm y tế cho người nghèo, người cận nghèo, DTTS và người sống ở xã ĐBKK, huyện đảo

404.994

449.869

472.363

495.981

520.780

2.343.987

 

Nguồn trung ương

404.994

449.869

472.363

495.981

520.780

2.343.987

d)

Chính sách dạy nghề cho người nghèo, người cận nghèo, người DTTS thuộc hộ nghèo, người nghèo ở xã, thôn, bản ĐBKK thông qua đồ án dạy nghèo cho LĐNT

1.000

1.100

775

675

675

4.225

 

- Ngân sách trung ương

100

900

650

500

500

2.650

 

- Ngân sách tỉnh

900

200

125

175

175

1.575

e)

Chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo, người DTTS

600

600

600

600

600

3.000

 

- Ngân sách trung ương

 

 

 

 

 

-

 

- Ngân sách tỉnh

600

600

600

600

600

3.000

g)

Hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo, hộ chính sách xã hội

35.956

32.940

29.925

26.910

23.895

149.626

 

- Ngân sách trung ương

35.956

32.940

29.925

26.910

23.895

149.626

h)

Trợ cấp bảo trợ xã hội theo Nghị định 136/2013/NĐ-CP

330.000

337.000

344.000

351.000

358.000

1.720.000

 

- Ngân sách trung ương

330.000

337.000

344.000

351.000

358.000

1.720.000

 

TỔNG CỘNG (A+B)

1.303,706

1.595.415

1.635.483

1.669.782

1.660.355

10.407.774

 

Trong đó

 

 

 

 

 

 

 

- Ngân sách trung ương

1.261.007

1.460.002

1.490.921

1.522.730

1.517.627

9.736.653

 

- Ngân sách tỉnh

21.577

79.738

81.918

84.408

87.053

398.321

 

- Ngân sách huyện

7.000

19.300

19.300

19.300

19.300

99.240

 

- Ngân sách xã và đóng góp của hộ dân

-

8.200

8.200

8.200

8.200

32.800

 

- Vốn huy động khác

14.122

28.175

35.144

35.144

28.175

140.760

 

 

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 135/QĐ-UBND ngày 13/02/2017 phê duyệt Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2016-2020

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


3.408

DMCA.com Protection Status
IP: 18.188.101.251
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!