Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 114-TTg Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ Người ký: Võ Văn Kiệt
Ngày ban hành: 21/11/1992 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 114-TTg

Hà Nội, ngày 21 tháng 11 năm 1992

 

QUYẾT ĐỊNH

 VỀ NHỮNG BIỆN PHÁP CẤP BÁCH NHẰM NGĂN CHẶN VÀ BÀI TRỪ TỆ THAM NHŨNG VÀ BUÔN LẬU

I- TÌNH HÌNH VÀ NGUYÊN NHÂN

Từ sau khi Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ban hành Quyết định số 240-HĐBT ngày 16 tháng 6 năm 1990 về chống tham nhũng đến nay, các ngành, các cấp đã có nhiều cố gắng triển khai nhiều biện pháp để thực hiện, nhưng kết quả đạt được còn rất thấp.

Tệ tham nhũng tiếp tục xảy ra phổ biến, nghiêm trọng và có nhiều dạng tinh vi trong cơ quan doanh nghiệp Nhà nước ở các ngành, các cấp. Thực tế cho thấy tham nhũng thường gắn với buôn lậu, buôn lậu dựa vào tham nhũng; trong nhiều trường hợp, do lợi ích cục bộ ngành, địa phương mà dung túng cho buôn lậu, tham nhũng. Vì vậy, bài trừ tham nhũng phải gắn liền với bài trừ buôn lậu. Điều nghiêm trọng là hiện nay, tham nhũng và buôn lậu đã thành tổ chức, đường dây, dùng cả phương tiện của Nhà nước để thực hiện, chủ yếu là đục khoét tài sản, vốn và làm thất thoát nguồn thu của Nhà nước.

Những nguyên nhân chủ yếu của tình hình trên là:

1. Nhiệm vụ, chủ trương chống tiêu cực, tham nhũng, chống buôn lậu chưa thể hiện thành quyết tâm cao, quán triệt trong các cấp lãnh đạo từ trên xuống dưới bằng các biện pháp thật cụ thể, đồng bộ để thực hiện đến nới đến chốn. Việc xử lý bằng kỷ luật hành chính không nghiêm; việc xử lý bằng pháp luật cũng chưa kịp thời, thiếu nghiêm minh, chưa có tác dụng giáo dục, răn đe; có những vụ việc để kéo dài, không xử lý dứt điểm. Việc thi hành án không triệt để.

2. Thời gian qua, nhìn chung chưa xác định đầy đủ và không phân biệt rõ ràng trách nhiệm tập thể và cá nhân trong việc chống các tệ nạn tham nhũng, buôn lậu; chưa xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị quốc doanh trong việc quản lý và bảo vệ tài sản công và trách nhiệm đối với những cán bộ, nhân viên dưới quyền đã thoái hoá, biến chất, làm ăn bất chính.

3. Tệ tham nhũng phát triển dựa vào những thiếu sót của cơ chế, chính sách quản lý kinh tế - xã hội, những sơ hở của pháp luật hiện hành. Trong khi cơ chế chính sách theo đường lối đổi mới chưa hình thành đồng bộ, luật pháp chưa đủ chặt chẽ, thì tệ tham nhũng có điều kiện phát triển, bọn xấu càng có cơ hội lợi dụng khai thác để mưu lợi riêng.

4. Công tác cán bộ chưa gắn chặt với việc khắc phục tệ tham nhũng; việc xem xét, kỷ luật cán bộ tham nhũng thường thiếu nghiêm khắc, có những trường hợp né tránh, không nhất trí kéo dài, nhất là đối với cán bộ ở cấp lãnh đạo.

5. Các cơ quan bảo vệ pháp luật chưa đủ mạnh, có bộ phận tiêu cực; đặc biệt là sự phối hợp, kết hợp chưa chặt chẽ, có những trường hợp hạn chế lẫn nhau, hoặc kéo dài, không được kết luận rõ ràng.

II- CHỦ TRƯƠNG VÀ BIỆN PHÁP

Nhiệm vụ hiện nay là phải tiếp tục ngăn chặn, đẩy lùi, đi đến bài trừ tệ tham nhũng và buôn lậu, xây dựng bộ máy Nhà nước thật sự trong sạch, điều hành có hiệu lực. Đó là một nhân tố có ý nghĩa quyết định để xây dựng chính quyền vững mạnh, lấy lại lòng tin của nhân dân, phát huy các nhân tố tích cực, bảo vệ đội ngũ cán bộ cốt cán, trung kiên, đưa đất nước tiếp tục đi lên.

Tuy vậy, đây là một tệ nạn có nguồn gốc sâu xa, cuộc đấu tranh rất phức tạp và phải tiến hành kiên trì. Trong năm 1993, phải tập trung sức tạo ra một bước chuyển biến quan trọng. Tập trung phát hiện, điều tra truy tố và xét xử các tội tham ô, hối lộ, buôn lậu, lợi dụng chức vụ để làm trái pháp luật. Phải nhằm vào những nơi có điều kiện tham nhũng lớn, như cấp phát vốn đầu tư xây dựng cơ bản và giao nhận thầu xây dựng, cho phép xuất, nhập khẩu, quản lý tài chính, thu thuế, hoá giá nhà, cấp đất, v.v... Đối tượng chủ yếu phải tập trung xử lý thật nghiêm khắc là những vụ nghiêm trọng mà người vi phạm là các cá nhân có chức, có quyền. Cần phải phân tích kỹ các nguyên nhân, các kẽ hở gây ra tham nhũng để có biện pháp và bước đi thích hợp, giải quyết tận gốc.

Trong tình hình hiện nay, việc khắc phục tệ tham nhũng, buôn lậu phải bảo đảm các yêu cầu sau đây:

1. Cuộc đấu tranh sẽ diễn ra trên một diện rộng, vì vậy phải phân biệt các đối tượng để có biện pháp xử lý thích hợp, theo phương châm nghiêm trị thẳng tay bọn ngoan cố và khoan hồng, độ lượng đối với người tự giác hối cải. Đối với số vụ việc đã phát hiện (từ trước khi có quyết định này), thì chọn lựa một số vụ nghiêm trọng và xử lý thật nghiêm. Đối với số đông còn lại, nếu tự thấy khuyết điểm, tự khai báo và hoàn trả lại tài sản cho Nhà nước thì được khoan hồng tuỳ theo tính chất, mức độ sai phạm, thái độ thành khẩn và sửa chữa; thời hạn khai báo là 3 tháng kể từ khi có quyết định này; nếu quá thời hạn mà không tự giác khai báo, thì khi phát hiện phải đưa ra xử lý nghiêm khắc. Đối với số người từ nay trở đi vẫn cố tình vi phạm thì phải xử lý thật nghiêm khắc theo pháp luật.

2. Cuộc đấu tranh phải tiến hành rất khẩn trương, kiên quyết, nhưng không gây ra không khí nặng nề, căng thẳng, mà phải tạo ra động lực cho các hoạt động đúng pháp luật, tạo môi trường trong sạch, ổn định cho các hoạt động kinh doanh trong nước cũng như thu hút đầu tư từ bên ngoài, góp phần thúc đẩy thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, không để kẻ địch, bọn xấu lợi dụng.

3. Quá trình đấu tranh khắc phục tệ tham nhũng, buôn lậu và các tiêu cực khác là quá trình làm trong sạch bộ máy Nhà nước, sắp xếp lại tổ chức, bố trí lại cán bộ của hệ thống cơ quan Nhà nước ở các ngành, các cấp, và của các doanh nghiệp Nhà nước.

4. Cuộc đấu tranh này đòi hỏi phải khẩn trương xây dựng hệ thống pháp luật hành chính, tiếp tục hoàn chỉnh hệ thống pháp luật về kinh tế, luật hình sự, dân sự,.v.v... thiết lập trật tự kỷ cương theo pháp luật trên tất cả các mặt hoạt động kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng và đối ngoại.

5. Thông qua các yêu cầu nêu trên, cuộc đấu tranh này phải bảo đảm tiếp tục củng cố vững chắc lòng tin của quần chúng đối với sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước, động viên được quần chúng tích cực tham gia phát hiện và đấu tranh chống tệ tham nhũng, buôn lậu.

Dưới đây là một số biện pháp chủ yếu:

1. Soát xét, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới để hoàn chỉnh hệ thống cơ chế, chính sách, đặc biệt là hệ thống pháp luật có liên quan để khắc phục tệ tham nhũng và buôn lậu.

a) Đối với cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý kinh tế, cần rà soát, sửa đổi, bổ sung ngay những điều không còn phù hợp, có nhiều sơ hở, đã bị lợi dụng; đặc biệt chú trọng luật pháp, thể chế bảo vệ và bảo toàn tài sản của Nhà nước. Khẩn trương thực hiện chương trình nghiên cứu, soạn thảo, ban hành Luật thương mại, sửa đổi, bổ sung Luật đất đai, Luật đầu tư nước ngoài, Luật hành chính, Quy chế công chức, Quy chế công vụ, v.v...

b) Bộ Tư pháp chủ trì cùng các ngành hoàn thành sớm để trình kỳ họp thứ 2 Quốc hội khoá IX thông qua những điểm sửa đổi, bổ sung các điều khoản của Bộ Luật hình sự, Bộ Luật tố tụng hình sự liên quan đến chống tham nhũng và buôn lậu như: bổ sung các tội danh về tham nhũng, buôn lậu, quy định hình phạt nghiêm khắc hơn, bảo đảm cho việc xử lý chính xác, nhanh chóng, kịp thời.

c) Nghiên cứu ban hành Luật hoặc Pháp lệnh buộc kê khai tài sản đối với những đối tượng có nghi vấn, kể cả những người có chức, có quyền.

d) Các Bộ, Uỷ ban Nhà nước rà soát, bãi bỏ ngay các quy định, thủ tục phiền hà trong các lĩnh vực quản lý hành chính, trước hết là việc cấp các loại giấy phép và các loại giấy tờ khác.

2. Xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan hành chính Nhà nước và chính quyền các cấp.

ở mỗi Bộ, ngành, Bộ trưởng, Thủ trưởng phải là người chịu trách nhiệm chính kiểm tra, xem xét trong cơ quan mình phụ trách có tham nhũng, buôn lậu không, có ở bộ phận nào, ai là người vi phạm; trước hết, phải xử lý nghiêm khắc kỷ luật hành chính đối với những người vi phạm; trường hợp tội đáng truy tố thì kịp thời, chủ động giao cho các cơ quan bảo vệ pháp luật xử lý tiếp. Động viên cán bộ nào đã mắc khuyết điểm thì tự giác kiểm điểm (không cần công bố công khai) và hoàn trả lại tài sản cho Nhà nước để được hưởng sự khoan hồng.

Bộ trưởng, Thủ trưởng ngành phải có biện pháp đồng bộ ngăn chặn tham nhũng, buôn lậu trong Bộ, ngành mình.

- Ở các cấp chính quyền tỉnh (thành phố trực thuộc Trung ương), huyện (quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh), xã (phường, thị trấn), người chịu trách nhiệm chính là Chủ tịch Uỷ ban nhân dân.

- Ở các Cục, Vụ, Viện, Trường, Sở, Tổng công ty, Công ty, Xí nghiệp, người đứng đầu cũng phải chịu trách nhiệm chính khi có tham nhũng và buôn lậu xảy ra ở cơ quan, đơn vị mình.

Người lãnh đạo các cấp chính quyền, các cơ quan, tổ chức nói trên nếu không làm đủ trách nhiệm chống tham nhũng và buôn lậu thì phải bị thi hành kỷ luật hành chính; nếu có hành vi bao che, cản trở, gây khó khăn cho các cơ quan pháp luật thi hành nhiệm vụ, v.v... thì phải bị kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Người lãnh đạo cấp trên trực tiếp cũng phải liên đới chịu trách nhiệm đối với sai phạm của cán bộ cấp dưới do mình quản lý.

3. Kiện toàn và tăng cường các cơ quan bảo vệ pháp luật; tăng cường các công tác điều tra, truy tố, xét xử.

a) Kiện toàn các cơ quan bảo vệ pháp luật, đặc biệt phải làm trong sạch nội bộ, loại ra khỏi cơ quan những người không đủ phẩm chất, năng lực, đồng thời bổ sung đủ cán bộ có năng lực và phẩm chất tốt, trước hết là cho các bộ phận trực tiếp chống tham nhũng và buôn lậu.

Tăng cường cơ sở vật chất, bổ sung đủ phương tiện kỹ thuật, phương tiện làm việc, đi lại cần thiết.

Rà soát lại các chế độ lương, thù lao, trợ cấp, khen thưởng, khắc phục hiện tượng chỉ muốn xử phạt hành chính để được trích thưởng, có thưởng mới làm. Bổ sung thêm kinh phí, nhất là cho các nơi, bộ phận trọng yếu, cho việc điều tra, xử lý các vụ án có tính chất nghiêm trọng. Cần nghiên cứu một chế độ trợ cấp đặc biệt đối với cán bộ của các ngành bảo vệ pháp luật trực tiếp giải quyết các vụ tham nhũng, buôn lậu phức tạp.

Các cơ quan bảo vệ pháp luật không được tổ chức kinh doanh các loại dịch vụ liên quan đến chức năng của mình.

Cần bố trí các phiên toà xét xử ở nơi đủ bảo đảm mức độ tôn nghiêm, tạo cho người vi phạm và người dự phiên toà có đầy đủ ý thức tôn trọng pháp luật. Nghiên cứu trang phục cho cán bộ xét xử tại phiên toà.

Xây dựng quy chế phối hợp, kết hợp công tác của các ngành bảo vệ pháp luật, nhất là giữa thanh tra, nội vụ, kiểm sát, toà án trong công tác chống tham nhũng và buôn lậu.

Củng cố và tăng cường tổ chức thanh tra của các ngành, các cấp: Chọn người đủ phẩm chất và năng lực để thanh tra, phát hiện kịp thời các vụ việc tham nhũng, buôn lậu, lãng phí để xử lý kỷ luật hành chính kịp thời; nếu có dấu hiệu phạm tội thì chuyển sang truy cứu trách nhiệm hình sự.

Kiên quyết đấu tranh chống các hiện tượng nể nang, né tránh, ô dù, bao che, coi đây là hành vi tiếp tay cho những kẻ tham nhũng, buôn lậu và phải bị xử lý nghiêm khắc, bất kỳ người bao che ở cấp nào.

b) Tăng cường điều tra, truy tố, xét xử các tội tham nhũng và buôn lậu.

Thủ tục tố tụng cần tiến hành nhanh chóng, kịp thời, nhất là khâu điều tra lập hồ sơ. Các toà án cần áp dụng mức cao trong khung hình phạt tương ứng với mức độ của hành vi phạm tội tham nhũng và buôn lậu, đồng thời bắt bồi thường, bồi hoàn, phạt tiền, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản; không được áp dụng án treo đối với các trường hợp phạm tội nghiêm trọng hoặc ngoan cố, không khai báo thành khẩn, hoặc tái phạm. Xét xử theo thủ tục sơ thẩm đồng thời là chung thẩm đối với các trường hợp phạm tội nghiêm trọng đã có chứng cứ đầy đủ, rõ ràng; trước mắt cần tiến hành xét xử ngay một số vụ án nghiêm trọng (kể cả các vụ đã xét xử, nhưng cần giám đốc thẩm) theo một thủ tục đặc biệt phù hợp với luật pháp, có tác dụng thúc đẩy cuộc đấu tranh khắc phục tham nhũng, chống buôn lậu.

Hiệu lực và hiệu quả của việc xét xử là ở khâu thi hành án. Cần nâng cao tỷ lệ các vụ án đã xét xử được thi hành án xong hoàn toàn; thu hồi lại tài sản, kiên quyết bắt giam những kẻ phạm tội đã bị kết án. Theo quy định mới của pháp luật thì công tác thi hành án do Chính phủ đảm trách. Bộ Tư pháp cùng các ngành liên quan nghiên cứu các văn bản để trình Thủ tướng về vấn đề này.

III- VỀ CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN

Nhận được quyết định này các ngành, các cấp cần lập ngay chương trình cụ thể tiến hành các biện pháp ngăn chặn và bài trừ tệ tham nhũng và buôn lậu ở cơ quan, tổ chức của mình. Phải tập trung vào những ngành đang có điều kiện lợi dụng tham nhũng và có vấn đề nổi cộm về tham nhũng, vào những đơn vị kinh doanh hoặc cơ quan quản lý Nhà nước đang có dấu hiệu vi phạm lớn.

Chương trình này là một nội dung chủ yếu trong chương trình hành động của các cơ quan hành chính Nhà nước các cấp để thực hiện chương trình hành động của Chính phủ đã báo cáo trước kỳ họp thứ nhất của Quốc hội. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ và cơ quan thuộc Chính phủ trực tiếp xây dựng chương trình chống tham nhũng và buôn lậu trong phạm vi mình phụ trách và báo cáo với Thủ tướng Chính phủ; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân báo cáo chương trình này trước Hội đồng nhân dân cung cấp (Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải đồng thời báo cáo Chính phủ).

Các ngành bảo vệ pháp luật theo chức năng cần xúc tiến việc nghiên cứu để hoàn chỉnh hệ thống pháp luật hiện hành, phối hợp thật chặt chẽ, thống nhất quan điểm xét xử, làm nòng cốt cho cuộc đấu tranh chống tham nhũng và buôn lậu. Chính phủ cùng với Viện Kiểm sát và Toà án nhân dân tối cao chỉ đạo tập trung, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ các ngành thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, tổ chức cán bộ.

Chính phủ cùng với Mặt trận, các đoàn thể nhân dân phối hợp chặt chẽ thành mặt trận đấu tranh khắc phục tệ tham nhũng và buôn lậu; kịp thời biểu dương những nơi làm tốt, bảo vệ và phát huy những nhân tố tích cực.

Các phương tiện thông tin đại chúng tăng cường đưa tin, bài về khắc phục tệ tham nhũng, buôn lậu, biểu dương các điển hình làm ăn đúng pháp luật, có hiệu quả.

Đấu tranh khắc phục tệ tham nhũng và buôn lậu là một cuộc đấu tranh phức tạp, lâu dài, nhưng thời gian tới, phải coi là một công tác trọng tâm, có sự chỉ đạo tập trung, kết hợp nhiều biện pháp giáo dục, kinh tế, hành chính, pháp luật, để tạo nên chuyển biến rõ nét, góp phần bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội.

 

 

Võ Văn Kiệt

(Đã ký)

 

 

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 114-TTg ngày 21/11/1992 về biện pháp cấp bách nhằm ngăn chặn và bài trừ tệ tham nhũng và buôn lậu do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


4.741

DMCA.com Protection Status
IP: 3.17.74.153
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!