Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Kế hoạch 2151/KH-UBND 2021 tổ chức đợt cao điểm kiểm soát tình hình dịch COVID19 Hồ Chí Minh

Số hiệu: 2151/KH-UBND Loại văn bản: Kế hoạch
Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh Người ký: Nguyễn Thành Phong
Ngày ban hành: 28/06/2021 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2151/KH-UBND

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 28 tháng 6 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

TỔ CHỨC ĐỢT CAO ĐIỂM KIỂM SOÁT TÌNH HÌNH DỊCH COVID-19 TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
(Từ ngày 29 tháng 6 đến ngày 10 tháng 7 năm 2021)

Căn cứ Thông báo số 167/TB-VPCP ngày 23 tháng 6 năm 2021 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp trực tuyến về công tác phòng, chống dịch COVID-19;

Căn cứ chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy tại các Công văn số 193-CV/TU ngày 17 tháng 6 năm 2021 về tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và Công văn số 200-CV/TU ngày 23 tháng 6 năm 2021 về tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh;

Căn cứ Chỉ thị số 10/CT-UBND ngày 19 tháng 6 năm 2021 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố về siết chặt và tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh;

Ủy ban nhân dân Thành phố xây dựng Kế hoạch tổ chức đợt cao điểm kiểm soát tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích:

Huy động sức mạnh của toàn dân, toàn hệ thống chính trị trong việc phòng, chống dịch COVID-19 với tinh thần “chống dịch như chống giặc”; căn cứ tình hình diễn biến dịch để đề ra các giải pháp thiết thực, hiệu quả nhằm ngăn chặn, kiểm soát, đẩy lùi nhanh dịch bệnh, sớm ổn định tình hình, tiếp tục thực hiện thành công mục tiêu kép, bảo đảm an sinh xã hội trong thời gian 1 tuần.

Thực hiện nghiêm phương châm “5K + vắc xin” và tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch; kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa phòng ngừa và tấn công, trong đó phòng ngừa là cấp bách, chủ động tấn công quyết liệt và hiệu quả.

2. Yêu cầu

- Tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, thiếu kiên trì trong quá trình chống dịch COVID-19; phải dự báo được tình hình để vận dụng linh hoạt, sáng tạo vào hoàn cảnh cụ thể của địa phương, cơ quan, đơn vị mình.

- Quán triệt phương châm chống dịch “3 không”: không nói không có cơ chế, chính sách; không nói không có kinh phí; không nói không có vật tư, sinh phẩm, trang thiết bị y tế.

- Tăng cường vai trò chỉ đạo của quận, huyện, thành phố Thủ Đức theo phương châm 5 tại chỗ; siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch trên cơ sở mức độ diễn biến dịch bệnh và theo từng nhóm nguy cơ của quận, huyện, Thành phố Thủ Đức (nguy cơ rất cao, nguy cơ cao, nguy cơ).

- Khẩn trương, thần tốc, quyết liệt, đồng bộ, chủ động và đẩy mạnh tầm soát xét nghiệm diện rộng trên địa bàn thành phố.

- Triển khai đồng bộ, phân công nhiệm vụ cụ thể; phát huy tính chủ động trong phối hợp giữa các ngành, các cấp; có kiểm tra tiến độ và báo cáo hàng ngày các kết quả đã thực hiện.

- Kịp thời biểu dương, khen thưởng những nơi làm tốt, phổ biến những cách làm hay; kiểm điểm, xử lý nghiêm hành vi, biểu hiện vi phạm về phòng, chống dịch; tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực, lợi dụng dịch bệnh để trục lợi.

- Mọi trường hợp lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, thiếu trách nhiệm, thực hiện không nghiêm các quy định, chỉ đạo về phòng, chống dịch bệnh phải được xác định trách nhiệm tập thể và cá nhân để xử lý nghiêm theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

II. NỘI DUNG, PHÂN CÔNG THỰC HIỆN

1. Tăng cường điều tra, truy vết, khoanh vùng, dập dịch

Trong áp dụng biện pháp khoanh vùng, phong tỏa, giãn cách xã hội cần xác định phạm vi phù hợp trên cơ sở căn cứ dịch tễ, không máy móc áp dụng theo đơn vị hành chính; kiểm soát chặt chẽ bên trong các khu vực phong tỏa, giãn cách, cách ly, tránh lây nhiễm chéo; phát huy vai trò của Tổ COVID cộng đồng trong giám sát việc thực hiện.

- Tiến hành xác định khu vực khoanh vùng trong vòng 01 giờ hoặc sớm hơn nữa sau khi có xét nghiệm khẳng định nhiễm COVID-19 trên nguyên tắc khoanh vùng nhanh để lấy mẫu xét nghiệm trên diện rộng và phong tỏa hẹp để vừa truy vết khẩn trương, thần tốc vừa ngăn chặn dịch; trong đó ưu tiên xét nghiệm kiểm tra theo chuỗi tiếp xúc gần, có nguy cơ lây nhiễm cao với phương châm “thần tốc, có trọng tâm, trọng điểm” có kết quả trong vòng 12 giờ để nhanh chóng tầm soát các ca nhiễm: giao Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố chủ trì, phối hợp chính quyền địa phương để thực hiện.

- Ban hành Hướng dẫn tạm thời việc tổ chức thực hiện cách ly y tế vùng có dịch COVID-19 nhằm chuẩn hóa quy mô, quy trình, định mức nhân lực và trang thiết bị y tế đối với việc khoanh vùng, cách ly y tế toàn bộ vùng có dịch: giao Sở Y tế phối hợp Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố trình Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành, hoàn thành trước ngày 01 tháng 7 năm 2021.

- Trên cơ sở phân tích, đánh giá tình hình dịch bệnh của Sở Y tế, tạm thời phân loại các đơn vị như sau:

+ Nhóm nguy cơ rất cao gồm các quận, huyện: 8, Bình Tân, Tân Phú, Hóc Môn, Bình Chánh và một phần của thành phố Thủ Đức (quận Thủ Đức cũ);

+ Nhóm nguy cơ cao gồm các quận, huyện: 1, 4, 5, 12, Gò vấp, Tân Bình, Bình Thạnh, Củ Chi và một phần của thành phố Thủ Đức (Quận 2, 9 cũ):

+ Nhóm nguy cơ: các quận, huyện còn lại.

Giao Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận, huyện căn cứ tình hình diễn biến dịch trên địa bàn quản lý để điều chỉnh mức độ nguy cơ, chỉ đạo Tổ Công tác đặc biệt hỗ trợ phòng chống dịch theo Công văn số 2152/UBND-VX ngày 29 tháng 6 năm 2021 của Ủy ban nhân dân thành phố và quyết định các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn.

2. Tổ chức và tăng cường năng lực xét nghiệm

Tăng cường công tác lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc COVID-19 cho người dân, người lao động tại tất cả các quận, huyện, thành phố Thủ Đức, trong đó tập trung lấy mẫu toàn bộ người dân tại các quận, huyện đang có nhiều ca nhiễm như: Quận 8, quận Bình Tân, quận Tân Phú, huyện Hóc Môn, huyện Bình Chánh. Công tác lấy mẫu, bảo quản, vận chuyển mẫu xét nghiệm phải tuân thủ các quy định của pháp luật về an toàn sinh học, thực hiện đúng quy trình, kỹ thuật theo quy định của Bộ Y tế đối với dịch bệnh nhóm A.

Chủ động tấn công bằng cách nâng cao năng lực xét nghiệm, tại các khu cách ly, khu phong tỏa, tổ chức lấy mẫu xét nghiệm hàng ngày, phân tích tình hình các ca (F0) và các F1 để xác định nguyên nhân (do ủ bệnh hay do lây nhiễm chéo) và có giải pháp phòng chống dịch phù hợp; trường hợp test nhanh âm tính thì tiến hành xét nghiệm mẫu gộp 5, 10 bằng Realtime-PCR; phấn đấu thực hiện 1 triệu mẫu gộp/ngày: giao Sở Y tế phối hợp với các cơ quan y tế của Thành phố và đơn vị Trung ương đóng trên địa bàn Thành phố đẩy nhanh tiến độ thực hiện đến ngày 05 tháng 7 năm 2021 phải đảm bảo năng lực xét nghiệm theo chỉ tiêu đã giao và theo tiến độ đã quy định tại Kế hoạch số 2142/KH-UBND ngày 26 tháng 6 năm 2021 của Ủy ban nhân dân Thành phố.

- Tăng cường lấy mẫu và xét nghiệm sàng lọc ở các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao trên địa bàn Thành phố theo hướng dẫn tại Quyết định số 2787/QĐ-BYT ngày 05 tháng 6 năm 2021 của Bộ Y tế về ban hành “Hướng dẫn các phương án phòng, chống dịch khi có trường hợp mắc COVID-19 tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu công nghiệp”; đảm bảo trả kết quả nhanh (dưới 12 giờ): giao Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố phối hợp Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp Thành phố, Ban Quản lý Khu công nghệ cao Thành phố hoàn thành trước ngày 04 tháng 7 năm 2021.

- Tổ chức triển khai tự test nhanh COVID-19 cho công nhân, trong đó khuyến khích các doanh nghiệp tự chi trả chi phí mua test nhanh và xét nghiệm cho người lao động 01 lần/tuần: giao Ban Quản lý Khu công nghệ cao Thành phố chịu trách nhiệm chọn và vận động doanh nghiệp thực hiện; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố hướng dẫn kỹ thuật cho các doanh nghiệp, hoàn thành trước ngày 04 tháng 7 năm 2021.

3. Tăng cường kiểm tra, giám sát đối với các nhóm có nguy cơ cao

3.1. Đối với các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao và các doanh nghiệp có qui mô lớn

- Siết chặt công tác phòng, chống dịch tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại Quyết định số 2787/QĐ-BYT ngày 05 tháng 6 năm 2021 về hướng dẫn phương án phòng, chống dịch khi có trường hợp mắc COVID-19 tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu công nghiệp; tổ chức phân luồng ra vào, phân ca làm việc phù hợp tại cơ sở sản xuất, nhà máy, xí nghiệp: giao Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp Thành phố, Ban Quản lý Khu công nghệ cao Thành phố hướng dẫn các đơn vị xây dựng phương án theo hướng dẫn, hoàn thành trước ngày 01 tháng 7 năm 2021.

- Thành lập Bộ phận kiểm tra, giám sát phòng chống dịch COVID-19 Thành phố và thành lập 100 đoàn kiểm tra (mỗi quận/huyện thành lập ít nhất 03 đoàn; thành phố Thủ Đức thành lập ít nhất 05 đoàn; Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp Thành phố thành lập ít nhất 10 đoàn; Ban Quản lý Khu công nghệ cao Thành phố thành lập ít nhất 05 đoàn; Công ty TNHH MTV Phát triển công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) thành lập ít nhất 03 đoàn; Sở Công Thương thành lập ít nhất 04 đoàn; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành lập ít nhất 04 đoàn và Liên đoàn Lao động Thành phố thành lập ít nhất 06 đoàn) hướng dẫn điều kiện an toàn phòng, chống dịch COVID-19 trong sản xuất tại các doanh nghiệp trong các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, công viên phần mềm Quang Trung và các doanh nghiệp có nhiều lao động trên địa bàn Thành phố: giao Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp Thành phố chịu trách nhiệm chính, phối hợp với các đơn vị có liên quan đồng loạt ra quân kiểm tra vào ngày 05 tháng 7 năm 2021. Riêng Ban Quản lý Khu công nghệ cao Thành phố, Công ty TNHH MTV Phát triển công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) thành lập các đoàn kiểm tra và lập danh sách các doanh nghiệp thuộc quyển quản lý để thực hiện kiểm tra.

- Tăng cường kiểm tra, giám sát và nhắc nhở đối với công nhân tại các khu nhà trọ, nơi lưu trú của công nhân thực hiện nghiêm yêu cầu 5K, không tập trung đông người, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh ngoài giờ làm việc: giao Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận, huyện thực hiện.

- Khẩn trương triển khai hướng dẫn 22 doanh nghiệp theo đề xuất của Ban Quản lý khu chế xuất, khu công nghiệp với 25.000 lao động để tổ chức vừa cách ly, vừa sản xuất; các doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện:

+ Đã thực hiện ký Bản cam kết đảm bảo thực hiện các biện pháp an toàn phòng, chống dịch COVID-19; đã đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 tại nơi làm việc và kết quả đánh giá xếp loại nhóm nguy cơ lây nhiễm đạt: rất ít nguy cơ lây nhiễm hoặc nguy cơ lây nhiễm thấp.

+ Bảo đảm nơi ở tập trung (nơi lưu trú tập trung hoặc nơi lưu trú dã chiến tại doanh nghiệp) cho người lao động đáp ứng các điều kiện quy định.

+ Tất cả người lao động phải có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19 trước khi được đưa đến nơi ở tập trung và không đi khỏi nơi ở tập trung và nơi làm việc trong suốt quá trình doanh nghiệp thực hiện việc vừa cách ly, vừa tổ chức sản xuất.

Giao Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp Thành phố, Ban Quản lý Khu công nghệ cao Thành phố phối hợp với Sở Y tế, Công an Thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận, huyện thực hiện.

3.2. Nhóm nguy cơ trong bệnh viện

Thực hiện nghiêm ngặt việc kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm chéo tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo hướng dẫn Quyết định số 468/QĐ-BYT ngày 19 tháng 02 năm 2020 của Bộ Y tế về việc phòng và kiểm soát lây nhiễm bệnh COVID-19 trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng hộ cho các cán bộ y tế trực tiếp tham gia khám, điều trị, chăm sóc người bệnh: giao Sở Y tế chỉ đạo và kiểm tra việc thực hiện của các bệnh viện.

3.3. Nhóm nguy cơ tại chợ đầu mối, chợ truyền thống

Đối với chợ đầu mối Hóc Môn, Bình Điền, Thủ Đức thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch theo Hướng dẫn số 3246/SCT-QLTM ngày 26 tháng 6 năm 2021 của Sở Công Thương về tăng cường các biện pháp ứng phó khẩn cấp trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 đối với các chợ đầu mối trên địa bàn Thành phố.

Đối với các chợ truyền thống thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch theo Hướng dẫn số 3247/SCT-QLTM ngày 26 tháng 6 năm 2021 của Sở Công Thương về tăng cường các biện pháp ứng phó khẩn cấp trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 đối với các chợ truyền thống trên địa bàn Thành phố.

Yêu cầu Ban Quản lý các chợ đầu mối, chợ truyền thống thực hiện nghiêm các Bộ chỉ số an toàn phòng, chống dịch của Thành phố và tổ chức cho tiểu thương ký cam kết phòng chống dịch. Trường hợp không đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch, giao Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận, huyện phối hợp Sở Công Thương tạm dừng hoạt động các chợ đầu mối, chợ truyền thống.

3.4. Các nhóm nguy cơ khác

- Đối với người nhập cảnh, các chuyến bay quốc tế đến Thành phố bao gồm cả thành viên các tổ bay quốc tế, nhân viên sân bay: tiếp tục tăng cường giám sát chặt chẽ theo quy định của Bộ Y tế và kiểm tra sức khỏe nhằm phát hiện các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh: giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố phối hợp với Công an thành phố thực hiện nghiêm việc kiểm dịch y tế

- Đối với các chuyến bay nội địa, các chuyến tàu lửa; thuyền viên, hành khách, tàu thuyền nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, chuyển cảng, phương tiện thủy nội địa đến, đi và hoạt động tại cửa khẩu cảng biển Thành phố; các ca bệnh sau xuất viện, chuyên gia nhập cảnh sau khi hoàn thành cách ly tập trung và các trường hợp sau khi hoàn thành cách ly tập trung trở về địa phương; người trở về từ các địa phương có dịch; tiểu thương các chợ truyền thống, chợ đầu mối,..: giao Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố phối hợp với Cảng vụ Hàng không miền Nam, Cảng vụ Hàng hải Thành phố, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Thành phố, Đường sắt Việt Nam (Ga Sài Gòn), Sở Công Thương triển khai tầm soát ngẫu nhiên.

- Khẩn trương ban hành Quy chế quản lý, kiểm tra, giám sát thuyền viên, hành khách, tàu thuyền nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, chuyển cảng, phương tiện thủy đến, đi và hoạt động tại cửa khẩu cảng biển Thành phố trong công tác phòng, chống dịch Covid-19: giao Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Thành phố tiếp thu ý kiến các sở, ngành, quận huyện, Thành phố Thủ Đức hoàn chỉnh Quy chế, trình Ủy ban nhân dân thành phố trước ngày 04 tháng 7 năm 2021.

4. Tăng cường năng lực cách ly

- Rà soát năng lực các khu cách ly tập trung hiện tại để xây dựng kế hoạch khảo sát, mở rộng các khu cách ly tập trung để đáp ứng khi có số lượng các ca F1 tăng nhanh. Các khu cách ly tập trung bố trí mỗi phòng chứa tối đa 2 người, theo nguyên tắc cùng đặc điểm dịch tễ, giường được xếp đảm bảo khoảng cách 2 mét và có nhà vệ sinh riêng. Phòng cách ly không có máy lạnh và được mở cửa cho thông thoáng. Công tác vệ sinh khử khuẩn các khu vực chung được tăng cường ít nhất 2 lần/ngày. Đảm bảo các khu cách ly đều có camera giám sát sự tuân thủ quy định của người cách ly. Truyền thông cho người cách ly nguy cơ lây nhiễm chéo, đeo khẩu trang thường xuyên, tự vệ sinh cá nhân và phòng cách ly, hạn chế tiếp xúc người trong phòng, cấm giao lưu với các phòng khác. Đối với các phòng có người nhiễm bệnh đã chuyển đi thì dán cảnh báo đỏ, theo dõi sức khỏe sát những người cách ly còn lại: giao Bộ Tư lệnh Thành phố chủ trì, phối hợp với Sở Y tế thực hiện.

- Rà soát và nâng cao năng lực cách ly tập trung thuộc địa bàn thành phố Thủ Đức và các quận, huyện (không tiếp tục sử dụng trường học làm nơi cách ly tập trung); vận động các khách sạn đủ điều kiện trên địa bàn tổ chức cách ly cho các trường hợp F1 có nhu cầu trả phí: giao Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận, huyện rà soát năng lực cách ly tối đa có thể đáp ứng và báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố vào ngày 05 tháng 7 năm 2021.

- Tổ chức thí điểm cách ly y tế tại nhà cho các trường hợp F1 theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại Công văn số 5152/BYT-MT của BYT ngày 27 tháng 6 năm 2021: giao Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố tham mưu triển khai thí điểm tại một số khu vực của Thành phố, hoàn thành kế hoạch trình Ủy ban nhân dân Thành phố trước ngày 03 tháng 7 năm 2021.

5. Tăng cường năng lực điều trị

Chủ động sẵn sàng các phương án, nguồn lực để mở rộng khả năng thu dung người bệnh, kịp thời ứng phó khi dịch bệnh lan rộng và bùng phát; chủ động sẵn sàng kịch bản ứng phó của khối điều trị trong tình huống Thành phố Hồ Chí Minh có 10.000 ca nhiễm; nhanh chóng thực hiện chuyển đổi công năng của các bệnh viện trực thuộc Thành phố đảm bảo đủ điều kiện điều trị bệnh nhân COVID-19: giao Sở Y tế rà soát và hoàn chỉnh kế hoạch, báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố trong ngày 01 tháng 7 năm 2021.

Nghiên cứu tiến hành khảo sát, thiết kế, xây dựng dự toán, huy động mọi nguồn lực từ tất cả các bệnh viện, bao gồm các giường trống, hệ thống trang thiết bị máy móc, nhân lực y tế để sẵn sàng thành lập bệnh viện dã chiến tại Nhà thi đấu Phú Thọ (số 01 Lữ Gia, Phường 15, Quận 11), Trung tâm An ninh quốc phòng Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và Ký túc xá khu A Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh: giao Sở Y tế phối hợp với các cơ quan chuyên môn hoàn chỉnh kế hoạch và báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố trong ngày 03 tháng 7 năm 2021.

Rà soát, thống kê lượng oxy dự trữ, trang thiết bị y tế và mua sắm bổ sung một số trang thiết bị phục vụ cho việc điều trị COVID-19 (máy ECMO, máy thở chức năng cao, máy lọc liên tục, máy X-Quang di động kỹ thuật số...): giao Sở Y tế báo cáo số liệu cụ thể cho Ủy ban nhân dân Thành phố trong ngày 02 tháng 7 năm 2021.

Hình thành Tổ mua sắm trang thiết bị phục vụ phương án thành phố có 10.000 giường điều trị các ca nhiễm COVID-19 (thành phần gồm Sở Y tế, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, Sở Tài chính).

6. Thực hiện chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19

6.1. Công tác đàm phán và mua vắc xin:

Khẩn trương làm việc với các đối tác, đàm phán với nhà sản xuất vắc xin để đẩy nhanh tiến độ mua và nhập khẩu vắc xin theo nhu cầu của Thành phố: giao Tổ Công tác đàm phán và mua vắc xin Thành phố thực hiện, chậm nhất trong cuối quý III phải tiếp nhận lô vắc xin đầu tiên.

6.2. Công tác tiêm vắc xin:

- Tổ chức sơ kết, rút kinh nghiệm việc triển khai thực hiện chiến dịch tiêm chủng Đợt 4 của Thành phố: thực hiện trong ngày 30 tháng 6 năm 2021.

- Chủ động xây dựng kế hoạch, lộ trình và thời gian tiêm vắc xin cho người dân Thành phố (nguồn vắc xin Thành phố đàm phán và nguồn vắc xin do Trung ương phân phối cho Thành phố) đảm bảo đúng quy định và lộ trình phù hợp; phấn đấu đến cuối năm 2021, có 2/3 người dân Thành phố được tiêm vắc xin: giao Tổ Công tác cung ứng và tiêm vắc xin của Thành phố thực hiện, báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố trước 10 tháng 7 năm 2021.

7. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin

- Thành lập Trung tâm phân tích dữ liệu đặt tại Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố, thực hiện nhiệm vụ kết nối, phân tích dữ liệu phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống dịch COVID-19: Giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp Sở Y tế và Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố thực hiện.

- Kiểm tra, mở rộng hệ thống camera giám sát lắp đặt tại 46 khu cách ly tập trung và một số điểm tiêm chủng trên địa bàn Thành phố; hệ thống này được kết nối với hệ thống giám sát tập trung của Bộ Thông tin và Truyền thông: giao Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông thực hiện, hoàn thành trước ngày 03 tháng 7 năm 2021.

- Triển khai các giải pháp khai báo y tế điện tử, hỗ trợ điều tra dịch tễ bằng mã QR nhằm giúp các cơ quan y tế, địa phương quản lý thông tin của tất cả người từng đi đến các địa điểm, từ đó hỗ trợ công tác truy vết, điều tra dịch tễ nhanh chóng, chính xác khi có phát hiện trường hợp nghi nhiễm Covid-19; dữ liệu được liên thông với hệ thống của Bộ Y tế, Trung tâm Dữ liệu quốc gia: giao Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp Sở Y tế thực hiện trong tháng 7 năm 2021.

- Thực hiện quy trình tiếp nhận và chuyển các cơ quan liên quan để xử lý phản ánh của người dân về các hành vi vi phạm phòng, chống dịch COVID-19, các góp ý, hiến kế của người dân, tổ chức và doanh nghiệp để góp phần thực hiện hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch qua Cổng thông tin 1022: giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, thực hiện trong tháng 7 năm 2021.

- Cập nhật thường xuyên bản đồ số COVID-19 để người dân chủ động phòng tránh những địa điểm, khu vực có liên quan đến dịch COVID-19: giao Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện.

- Xây dựng triển khai ứng dụng quản lý nguồn lực xã hội hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19 tại Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố với các chức năng chính: quản lý các nguồn thu, chi; tổng hợp, thống kê, trích xuất báo cáo và công khai thông tin về kết quả sử dụng các nguồn hỗ trợ, các hoạt động trên các trang thông tin điện tử: giao Sở Thông tin và Truyền thông và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố thực hiện trong tháng 7 năm 2021.

8. Tăng cường kiểm tra việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 10/CT-UBND ngày 19 tháng 6 năm 2021 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố

- Kiểm tra việc thực hiện phòng, chống dịch tại các siêu thị, chợ đầu mối, chợ truyền thống; cương quyết đóng cửa tạm thời đối với các chợ đầu mối và chợ truyền thống không đảm bảo an toàn theo các quy định của Bộ Tiêu chí của Thành phố và chỉ cho phép mở lại khi đã khắc phục các hạn chế: Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận, huyện phối hợp Sở Công Thương thực hiện.

- Kiểm tra việc thực hiện của các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh trên lĩnh vực giao thông vận tải trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trong quá trình hoạt động: giao Sở Giao thông vận tải chịu trách nhiệm thực hiện.

- Kiểm tra hoạt động của các khách sạn phục vụ cách ly: giao Sở Du lịch chủ trì phối hợp chính quyền địa phương thực hiện.

- Kiểm tra việc không tụ tập trên 03 người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tuân thủ triệt để quy tắc 5K của Bộ Y tế; yêu cầu thực hiện khoảng cách tối thiểu 1,5 mét giữa người với người tại các địa điểm công cộng; tăng cường xử lý nghiêm các hành vi vi phạm công tác phòng, chống dịch COVID-19 của các cá nhân, tổ chức: giao Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận, huyện chịu trách nhiệm thực hiện.

9. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền

- Đề nghị Ban Tuyên giáo Thành ủy chủ trì, làm việc với các cơ quan báo chí để định hướng trong công tác tuyên truyền, thông tin tình hình và các biện pháp phòng, chống dịch của Thành phố, tuyên truyền đến người dân đồng thuận, chia sẻ cùng những khó khăn của Thành phố, tuyên truyền về các kết quả và nỗ lực của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.

- Giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ động phối hợp với Sở Y tế, Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố để cung cấp thông tin tuyên truyền cho các cơ quan báo chí, định kỳ 02 lần/tuần.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Giao các sở, ngành, quận, huyện, Thành phố Thủ Đức phải xác định công tác phòng, chống dịch COVID-19 là nhiệm vụ chính trị ưu tiên, quan trọng hàng đầu trong giai đoạn hiện nay; tạm dừng các hoạt động, sự kiện, hội họp chưa thật cần thiết để tập trung cao nhất lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai công tác phòng, chống dịch nhằm ngăn chặn, kiểm soát dịch trong 7 - 10 ngày tới.

2. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức tuyên truyền, vận động người dân chấp hành các quy định về phòng, chống dịch COVID-19; tiếp tục đóng góp các nguồn quỹ để chăm lo cho các trường hợp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

3. Giao Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Thủ Đức và các quận, huyện chịu trách nhiệm và chủ động đề ra các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương theo phương châm 5 tại chỗ:

Giao Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp Thành phố, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Thành phố và Công ty TNHH MTV Phát triển công viên phần mềm Quang Trung chịu trách nhiệm và chủ động đề ra các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp với tình hình thực tế của khu vực mình quản lý.

Đối với những nơi có nguy cơ cao như sân bay, bến cảng, bến xe, nhà ga... sẽ do Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Thành phố trực tiếp chỉ đạo.

- Các sở, ngành, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận, huyện căn cứ các nội dung trong Kế hoạch để đề ra biện pháp, tiến độ cụ thể, phân công nhiệm vụ rõ ràng, phát huy tính đồng bộ, chủ động trong công tác phối hợp; kịp thời báo cáo Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.

4. Giao Sở Y tế là cơ quan chủ lực trong đợt cao điểm phòng, chống dịch, chịu trách nhiệm là đầu mối theo dõi tiến độ, đôn đốc kiểm tra việc thực hiện đối với các nội dung thuộc chức năng, nhiệm vụ của ngành Y tế; chuẩn bị sẵn sàng các phương án, kịch bản ứng phó với dịch bệnh, trình Ủy ban nhân dân Thành phố thông qua; cân đối nguồn lực thành lập Tổ Công tác đặc biệt để hỗ trợ về chuyên môn cho Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận, huyện, Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp Thành phố, Ban Quản lý Khu công nghệ cao Thành phố và Công ty TNHH MTV Phát triển công viên phần mềm Quang Trung, phân tích và đánh giá tình hình dịch bệnh trên địa bàn để đề ra biện pháp chống dịch hiệu quả, sát với thực tế tình hình của địa phương.

5. Giao Thành Đoàn huy động lực lượng tình nguyện viên hỗ trợ trực chốt, trực các khu cách ly, hỗ trợ lấy mẫu và điều phối người dân tham gia lấy mẫu và tiêm chủng.

6. Giao Công an Thành phố chỉ đạo lực lượng Công an thành phố Thủ Đức và các quận, huyện tăng cường, hỗ trợ lực lượng thực hiện nhiệm vụ tại các khu vực phong tỏa, khu cách ly, quán triệt cán bộ chiến sĩ nâng cao tinh thần cảnh giác, phòng chống dịch.

7. Giao Bộ Tư lệnh Thành phố chịu trách nhiệm quản lý các khu cách ly tập trung của Thành phố, điều động tăng cường lực lượng hỗ trợ và quản lý các khu vực phong tỏa, khu cách ly tập trung.

8. Giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì làm việc với Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Thành phố và các Công ty có chức năng thu gom rác thải y tế để điều phối và thực hiện thu gom tại các khu cách ly, khu phong tỏa, không để ứ đọng rác thải y tế.

9. Chế độ báo cáo: đề nghị các đơn vị căn cứ nhiệm vụ được phân công thực hiện báo cáo theo tiến độ đã đề ra trong Kế hoạch.

Ủy ban nhân dân Thành phố yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành Thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận, huyện nghiêm túc triển khai thực hiện Kế hoạch tổ chức đợt cao điểm kiểm soát tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh; chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố nếu để chậm tiến độ và xảy ra sai sót trong quá trình thực hiện các nội dung trọng tâm./.

 


Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ; ể báo cáo)
- Ban Chđạo Quốc gia; ể báo cáo)
- Bộ Y tế; ể báo cáo)
- Thường trực Thành ủy; ể báo cáo)
- Thường trực HĐND TP; ể báo cáo)
- TTUB: CT, các PCT;
- Ủy ban MTT
QVN Thành phố;
- Văn phòng Thành ủy;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể Thành phố;
- UBND Thành phố Thủ Đức và các quận, huyện;
- Trung tâm Báo chí Thành phố;
- VPUB: CPVP;
- Các phòng NCTH;
- Lưu: VT, (VX-VNga).

CHỦ TỊCH




Nguyễn Thành Phong

 

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Kế hoạch 2151/KH-UBND ngày 28/06/2021 về tổ chức đợt cao điểm kiểm soát tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh (Từ ngày 29 tháng 6 đến ngày 10 tháng 7 năm 2021)

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


2.270

DMCA.com Protection Status
IP: 3.15.186.78
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!