ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NAM ĐỊNH
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 126/KH-UBND
|
Nam Định, ngày 01
tháng 11 năm 2021
|
KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI MÔ HÌNH TRẠM Y TẾ LƯU ĐỘNG TRONG BỐI CẢNH DỊCH
COVID-19 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NAM ĐỊNH
Thực hiện Quyết định số
4042/QĐ-BYT , ngày 21/8/2021 của Bộ Y tế về việc Hướng dẫn tạm thời mô hình Trạm
Y tế lưu động trong bối cảnh dịch COVID-19 và Quyết định số 4377/QĐ-BYT ngày
11/9/2021 của Bộ Y tế về việc Ban hành Sổ tay hướng dẫn triển khai các nhiệm vụ
của Trạm Y tế lưu động. Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định ban hành Kế hoạch Triển
khai mô hình Trạm Y tế lưu động trong bối cảnh dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh,
như sau:
I. MỤC TIÊU
1. Phòng chống dịch một cách chủ
động và có kiểm soát.
2. Giảm quá tải cơ sở cách ly y
tế, giảm tải nhân lực y tế, giảm chi phí cách ly để tập trung nguồn lực chăm
sóc, quản lý cho những ca F0 có triệu chứng vừa và nặng; hạn chế đến mức thấp
nhất số mắc và tử vong do COVID-19.
3. Nhằm kết nối giữa chăm sóc,
quản lý người nhiễm COVID-19 tại nhà với chăm sóc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh,
phát hiện các trường hợp diễn biến nặng và chuyển tuyến kịp thời, cung cấp dịch
vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám bệnh, chữa bệnh, sơ cứu, chuyển tuyến kịp thời
các bệnh thông thường cho người dân trên địa bàn.
II. CHỨC
NĂNG, NHIỆM VỤ TRẠM Y TẾ LƯU ĐỘNG
1. Chức năng
- Trạm y tế xã/phường/thị trấn
lưu động (sau đây gọi là Trạm y tế lưu động) là một tổ chức thuộc Trung tâm y tế
tuyến huyện, chịu sự quản lý toàn diện, điều hành trực tiếp của Giám đốc Trung
tâm Y tế huyện, thành phố.
Trạm y tế lưu động có chức năng
triển khai các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 tại cộng đồng, kết nối giữa
chăm sóc, quản lý người nhiễm COVID-19 tại nhà với chăm sóc tại cơ sở khám bệnh,
chữa bệnh, phát hiện các trường hợp diễn biến nặng và chuyển tuyến kịp thời;
cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám bệnh, chữa bệnh, sơ cứu, chuyển
tuyến kịp thời các bệnh thông thường cho người dân trên địa bàn được giao.
2. Nhiệm vụ
2.1. Quản lý, theo dõi, chăm
sóc người nhiễm COVID-19 tại nhà và tại cộng đồng:
- Xác định, lập danh sách người
nhiễm COVID-19 trên địa bàn, danh sách người nhiễm COVID-19 cách ly tại nhà
theo khu vực được phân công;
- Hướng dẫn, tư vấn, thường
xuyên theo dõi sức khỏe và hỗ trợ chăm sóc người nhiễm COVID-19 được cách ly tại
nhà theo hướng dẫn của Bộ Y tế;
- Tổ chức khám bệnh, chữa bệnh
từ xa và tại nhà, hướng dẫn và cấp phát thuốc cho các trường hợp nhiễm COVID-19
cách ly tại nhà;
- Phát hiện, sơ cấp cứu và chuyển
tuyến kịp thời các trường hợp nhiễm COVID-19 có diễn biến nặng đến các cơ sở y
tế phù hợp với tình trạng bệnh của người bệnh;
- Tổng hợp các trường hợp nhiễm
COVID-19 trên địa bàn đã khỏi bệnh và các trường hợp nhiễm COVID-19 hết thời
gian cách ly tại nhà;
- Báo cáo cấp có thẩm quyền về
tình hình COVID-19 trên địa bàn phụ trách.
2.2. Xét nghiệm COVID-19
- Tổ chức xét nghiệm kháng
nguyên nhanh SARS-CoV-2 cho người dân trên địa bàn;
- Tổ chức lấy mẫu và gửi các
phòng xét nghiệm khẳng định bằng RT-PCR đối với các trường hợp nghi nhiễm
COVID-19 và trường hợp nhiễm COVID-19 cách ly tại nhà;
- Thông báo trả kết quả xét
nghiệm COVID-19, khi có kết quả xét nghiệm dương tính, tổ chức sàng lọc để cách
ly tại nhà các trường hợp đủ điều kiện; các trường hợp không đủ điều kiện cách
ly tại nhà thì chuyển đến cơ sở cách ly tập trung theo quy định;
- Hướng dẫn người dân tự làm
xét nghiệm kháng nguyên nhanh SARS-CoV-2 và cách xử trí khi có kết quả xét nghiệm
dương tính.
2.3. Tiêm chủng vắc xin phòng,
chống COVID-19
- Quản lý danh sách người trên
địa bàn cần tiêm vắc xin phòng COVID-19;
- Tham gia là một điểm tiêm vắc
xin phòng COVID-19 hoặc phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện công tác
tiêm chủng vắc xin COVID-19 theo điều phối của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch
COVID-19 cấp huyện;
- Tổ chức theo dõi các phản ứng
sau tiêm chủng theo hướng dẫn của Bộ Y tế;
- Sơ cấp cứu và chuyển tuyến
các trường hợp có phản ứng muộn sau tiên vắcxin phòng COVID-19;
- Tư vấn chuyển tuyến các trường
hợp không đủ điều kiện tiêm chủng tại cộng đồng vào tiêm chủng tại các cơ sở y
tế theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
2.4. Truyền thông về COVID-19
- Tổ chức truyền thông về các
biện pháp dự phòng, tự xét nghiệm COVID19, tự chăm sóc tại nhà, tự phát hiện
các triệu chứng nghi ngờ mắc COVID-19;
- Cung cấp thông tin các điểm
cung cấp dịch vụ y tế và các điểm hỗ trợ an sinh xã hội trên địa bàn xã/phường;
2.5. Khám, điều trị, cấp thuốc
cho người mắc các bệnh khác
- Truyền thông lợi ích, những
điểm cần biết trước, trong và sau khi tiêm vắcxin phòng COVID-19; vận động người
dân đi tiêm chủng;
- Khám, điều trị các bệnh thông
thường, các bệnh mạn tính cho người dân trên địa bàn mà không thể chuyển lên
tuyến trên do tác động của dịch COVID-19;
- Sơ cấp cứu và chuyển tuyến
các bệnh thông thường;
- Phối hợp với các cơ sở y tế,
hỗ trợ cấp phát thuốc cho người dân mắc các bệnh mạn tính.
2.6. Thực hiện các nhiệm vụ
khác do Giám đốc Trung tâm y tế cấp huyện phân công
III. CƠ SỞ
LÀM VIỆC
1. Tùy theo điều kiện của địa bàn,
Ủy ban nhân dân cấp xã chọn một cơ sở phù hợp cho trạm y tế lưu động làm việc,
có thể lựa chọn nhà văn hóa tổ dân phố, trường học, trung tâm thể thao, cơ sở y
tế tư nhân trên địa bàn ... Trong trường hợp trên địa bàn không thể chọn được
các công trình sẵn có thì xem xét làm nhà dã chiến, nhà di động để phục vụ cho
trạm hoạt động.
2. Cơ sở làm việc tối thiểu phải
bố trí nơi trực, nơi tiếp đón, nơi khám và tư vấn, nơi nằm theo dõi trong trường
hợp cần thiết, khu vệ sinh, tắm rửa, có nước sạch, điện, có thu gom rác thải y
tế và có chỗ ngủ cho nhân viên y tế.
IV. SỐ LƯỢNG
TRẠM Y TẾ LƯU ĐỘNG
1. Số lượng Trạm Y tế lưu động
Tùy theo tình hình dịch
COVID-19 trên địa bàn, mỗi xã/phường/thị trấn có thể thiết lập một hoặc nhiều
Trạm y tế lưu động, đảm bảo mỗi cụm dân cư có khoảng 50-100 trường hợp nhiễm
COVID-19 được cách ly tại nhà thì có một trạm y tế lưu động. Cụ thể:
- Nếu trên địa bàn xã, phường,
thị trấn có từ 50 - 100 trường hợp nhiễm COVID-19 được cách ly theo dõi, chăm
sóc, điều trị tại nhà thành lập ít nhất 1 Trạm y tế lưu động.
- Nếu trên địa bàn xã, phường,
thị trấn có >100 trường hợp nhiễm COVID-19, thành lập từ 2 Trạm y tế lưu động
trở lên.
2. Địa bàn Trạm Y tế lưu động
phụ trách
Một Trạm y tế lưu động được
giao phụ trách một cụm dân cư, có thể là các tổ dân phố của các phường khác
nhau, không phụ thuộc địa giới hành chính. Nếu địa bàn các xã, phường, thị trấn
giáp ranh huyện: Nơi nào có trường hợp nhiễm COVID-19 nhiều hơn, có điều kiện về
nhân lực y tế hơn (như: địa bàn đó có Phòng khám đa khoa khu vực, lượng nhân
viên y tế nhiều hơn cả về số lượng và trình độ chuyên môn...) nơi đó thành lập
Trạm Y tế lưu động.
V. NHÂN LỰC
Trung tâm y tế tuyến huyện tham
mưu Ban Chỉ đạo huyện, thành phố điều động nhân lực và phối hợp lực lượng hỗ trợ
bố trí đủ nhân lực cho Trạm y tế lưu động hoạt động.
- Mỗi trạm y tế lưu động có tối
thiểu 05 nhân viên y tế, trong đó có ít nhất 01 bác sỹ phụ trách, còn lại là điều
dưỡng và các nhân viên y tế khác; có tối thiểu 01 nhân viên y tế thôn nắm rõ địa
bàn dân cư được giao.
Ngoài nhân viên y tế trong biên
chế, có thể huy động sự tham gia của đội ngũ y tế tư, nhân viên y tế đã nghỉ
hưu trên địa bàn.
- Trong trường hợp nguồn nhân lực
y tế tại địa phương không đáp ứng đủ, Trung tâm Y tế huyện, thành phố báo cáo về
Sở Y tế để huy động hỗ trợ thêm nhân viên y tế và các tình nguyện viên từ địa
phương khác.
- Chính quyền cấp xã có trách
nhiệm huy động thêm các nhân lực khác trên địa bàn, như: Hội Chữ thập đỏ, Hội
Phụ nữ, Đoàn Thanh niên phường, Tổ dân phố,... để tham gia hỗ trợ nhân viên y tế
về dẫn đường, trực điện thoại, kết nối với các hộ gia đình và các hoạt động cần
thiết khác của Trạm y tế lưu động.
VI. DANH MỤC
TRANG THIẾT BỊ VÀ THUỐC
(có
phụ lục kèm theo)
VII. CƠ CHẾ
TÀI CHÍNH
1. Ngân sách nhà nước thanh
toán chi phí khám chữa bệnh cho người bệnh COVID-19 theo quy định của pháp luật.
2. Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán
chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế theo quy định
hiện hành của pháp luật về bảo hiểm y tế.
3. Các nguồn kinh phí hợp pháp
khác
4. Trung tâm Y tế huyện, thành
phố có trách nhiệm chỉ đạo các bộ phận trực thuộc và liên quan tổng hợp dự trù
kinh phí trình các cơ quan thẩm quyền phê duyệt, phân bổ và tổ chức triển khai
thực hiện.
VIII. TRÁCH
NHIỆM THỰC HIỆN
1. Ủy ban nhân
dân các huyện, thành phố
- Ban hành Quyết định thành lập
Trạm y tế lưu động, quyết định này đồng thời là Giấy phép hoạt động của Trạm y
tế lưu động;
- Chỉ đạo, triển khai mô hình
trạm y tế lưu động trên địa bàn quản lý. Hỗ trợ, điều động phương tiện vận chuyển
người bệnh đến cơ sở khám chữa bệnh có đủ điều kiện cấp cứu và tiếp nhận, điều
trị COVID-19. Chỉ đạo xây dựng phương án huy động nguồn nhân lực để tổ chức thực
hiện, kể cả nguồn nhân lực y tế tư nhân.
- Báo cáo về Chỉ đạo phòng, chống
dịch COVID-19 tỉnh khi có khó khăn, vướng mắc để tháo gỡ kịp thời.
- Chỉ đạo Trung tâm Y tế huyện,
thành phố:
+ Phối hợp đơn vị liên quan
tham mưu xây dựng kế hoạch thiết lập các Trạm Y tế lưu động. Chuẩn bị sẵn sàng
các điều kiện để thành lập Trạm Y tế lưu động trên địa bàn khi cần.
+ Làm đầu mối tổ chức triển
khai tổ chức các Trạm Y tế lưu động theo kế hoạch được phê duyệt.
+ Tổ chức tập huấn, hướng dẫn
chuyên môn cho các trạm y tế lưu động. Hướng dẫn, triển khai các nhiệm vụ cụ thể
của Trạm Y tế lưu động theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại Quyết định số 4377/QĐ-BYT
ngày 11/9/2021 của Bộ Y tế.
+ Đảm bảo nhân lực, trang thiết
bị khám chữa bệnh thông thường (bố trí các trang thiết bị trong danh mục trang
thiết bị thiết yếu dành cho Trạm Y tế xã/phường/thị trấn), hậu cần và các điều
kiện cần thiết để triển khai.
2. Ủy ban nhân
dân cấp xã
- Chịu trách nhiệm tổ chức về
trụ sở làm việc; hỗ trợ nhân lực, trang thiết bị, phương tiện vận chuyển cho Trạm
y tế lưu động hoạt động.
- Bố trí phương tiện vận chuyển
hoặc tham mưu Ban chỉ đạo huyện/thành phố bố trí; huy động xã hội hóa, đảm bảo
mỗi Trạm y tế lưu động có 01 xe ô tô có gắn bình oxy, có xe đẩy hoặc băng-ca để
vận chuyển người nhiễm COVID-19 đi cấp cứu kịp thời.
- Trường hợp không thể sắp xếp
được xe, cần phối hợp với hệ thống vận chuyển cấp cứu trên địa bàn (Bệnh viện
huyện/thành phố, Trung tâm Y tế có giường bệnh,...) để vận chuyển kịp thời các
trường hợp nhiễm COVID-19 trở nặng đến các cơ sở y tế phù hợp nhanh nhất.
3. Trạm Y tế
lưu động
- Thực hiện các nhiệm vụ tại phần
II;
- Trực cấp cứu 24/7 để đáp ứng
nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh của nhân dân trên địa bàn;
- Lập hồ sơ khám chữa bệnh của
người bệnh gửi Trạm y tế cấp xã trên địa bàn để thực hiện thanh toán chi phí
khám bệnh, chữa bệnh (kể cả khám chữa bệnh thanh toán bảo hiểm y tế).
4. Trạm y tế cấp
xã
- Tổng hợp chi phí khám bệnh,
chữa bệnh bảo hiểm y tế theo quy định tại Quyết định số 6556/QĐ-BYT ngày
30/10/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành Mẫu Bảng kê chi phí khám bệnh,
chữa bệnh sử dụng tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và Phụ lục hướng dẫn cách
ghi chép bảng kê chi phí khám bệnh, chữa bệnh. Mỗi người bệnh chỉ lập một bảng
kê.
- Tiếp nhận, lập, lưu trữ hồ sơ
khám bệnh, chữa bệnh do Trạm y tế lưu động chuyển đến; tổng hợp chi phí khám bệnh,
chữa bệnh gửi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (nơi đã ký hợp đồng với cơ quan bảo hiểm
xã hội để tổ chức khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại trạm y tế cấp xã đó).
5. Cơ sở khám
bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế - Nơi đã ký hợp đồng với cơ quan bảo hiểm xã hội
(Bệnh viện huyện, thành phố và Trung tâm Y tế có giường bệnh) để tổ chức khám bệnh,
chữa bệnh bảo hiểm y tế tại trạm y tế cấp xã:
- Gửi Quyết định thành lập Trạm
y tế lưu động đến cơ quan bảo hiểm xã hội;
- Tổng hợp chi phí khám bệnh,
chữa bệnh gửi cơ quan bảo hiểm xã hội;
- Quyết toán chi phí khám chữa
bệnh bảo hiểm y tế với cơ quan bảo hiểm xã hội;
- Cung cấp thuốc, vật tư y tế
cho Trạm Y tế lưu động.
6. Cơ quan Bảo
hiểm xã hội - Nơi ký hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế với cơ sở khám
bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế để tổ chức khám bệnh, chữa y bệnh bảo hiểm y tế tại
trạm y tế cấp xã:
- Phối hợp với cơ sở khám bệnh,
chữa bệnh bảo hiểm y tế nêu trên để thực hiện bổ sung hợp đồng khám bệnh, chữa
bệnh bảo hiểm y tế;
- Tạm ứng, thanh toán, quyết
toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế
(nơi đã ký hợp đồng với cơ quan bảo hiểm xã hội để tổ chức khám bệnh, chữa bệnh
bảo hiểm y tế tại trạm y tế cấp xã).
- Thanh toán chi phí khám bệnh,
chữa bệnh của trạm y tế lưu động.
Trên đây là Kế hoạch Triển khai
mô hình Trạm Y tế lưu động trong bối cảnh dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Nam Định.
Yêu cầu UBND các huyện, thành phố căn cứ Kế hoạch này và tình hình dịch bệnh thực
tế tại địa phương tổ chức thực hiện./.
Nơi nhận:
- BCĐQG PC dịch COVID-19; (để b/c)
- Bộ Y tế; (để b/c)
- TT Tỉnh ủy; HĐND tỉnh; (để b/c)
- Đ/c Chủ tịch UBND tỉnh;
- Các đ/c PCT UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể;
- Thành ủy, Huyện ủy;
- UBND các huyện, thành phố.
- Lưu: VP1, VP2, VP6, VP7.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Trần Lê Đoài
|