BỘ
Y TẾ
-------
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------
|
Số:
4196/1999/QĐ-BYT
|
Hà
Nội, ngày 29 tháng 12 năm 1999
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH “QUY ĐỊNH VỀ CHẤT LƯỢNG, VỆ
SINH AN TOÀN THỰC PHẨM”
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ
Căn cứ vào Luật Bảo vệ sức
khoẻ nhân dân ngày 30/6/1989 và Điều lệ Vệ sinh ban hành kèm theo Nghị định số
23 - HĐBT ngày 24/01/1991 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ);
Căn cứ Nghị định số 68/CP ngày 11/10/1993 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm
vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Y tế;
Căn cứ Nghị định số 86/CP ngày 08/12/1995 của Chính phủ về việc phân công trách
nhiệm quản lý Nhà nước đối với chất lượng hàng hoá;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Y tế dự phòng, Chánh thanh tra - Bộ Y tế, Cục trưởng
Cục Quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Ban
hành kèm theo Quyết định này bản “Quy định về chất lượng, vệ sinh an toàn thực
phẩm”.
Điều 2.
Cục Quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm có trách
nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện Quy định này.
Điều 3.
Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký ban
hành.
Điều 4.
Các Ông, bà: Chánh văn phòng, Chánh thanh tra, Vụ trưởng
Vụ Y tế dự phòng, Vụ trưởng Vụ thuộc Bộ Y tế, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng
vệ sinh an toàn thực phẩm, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ và Giám đốc Sở Y
tế các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định
này.
|
BỘ
TRƯỞNG BỘ Y TẾ
Đỗ Nguyên Phương
|
QUY ĐỊNH
VỀ CHẤT LƯỢNG, VỆ SINH AN TOÀN THỰC PHẨM
(Ban
hành kèm theo Quyết định số 4196/1999/QĐ-BYT ngày 29 tháng 12 năm 1999 của Bộ
trưởng Bộ Y tế)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm
vi điều chỉnh.
Quy định này quy định về chất lượng,
vệ sinh an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất, chế biến, bảo quản, vận
chuyển, kinh doanh thực phẩm tại Việt Nam kể cả thực phẩm nhập khẩu.
Điều 2. Đối
tượng điều chỉnh.
Quy định này áp dụng đối với các
tổ chức và cá nhân sản xuất kinh doanh thực phẩm trên lãnh thổ Việt Nam, các tổ
chức và cá nhân nhập khẩu thực phẩm để bán tại thị trường Việt Nam.
Điều 3. Giải
thích từ ngữ.
Trong Quy định này, các từ ngữ
dưới đây được hiểu như sau:
1. "Thực phẩm"
là những đồ ăn, uống của con người ở dạng tươi, sống hoặc đã qua sơ chế, chế biến
bao gồm cả đồ uống, nhai, ngậm và các chất được sử dụng trong sản xuất, chế biến
thực phẩm.
2. "Cơ sở thực phẩm"
bao gồm nhà xưởng, kho tàng, thiết bị, cơ sở hạ tầng của các cơ sở sản xuất, chế
biến, kinh doanh thực phẩm, nhập khẩu thực phẩm, cơ sở dịch vụ ăn uống hoặc cơ
sở khác có bộ phận dịch vụ ăn uống.
3. "Thực phẩm đường phố"
là những thức ăn, đồ uống kể cả rau, hoa quả tươi có thể ăn ngay được bày bán
trên đường phố hoặc nơi công cộng.
4. "Làm sạch thực phẩm"
là việc loại bỏ các chất bẩn, cặn có trong thực phẩm.
5. "Quá trình chế biến
thực phẩm" là quá trình chế biến từ thực phẩm nguyên liệu tới thành phẩm
thực phẩm.
6. "Thực phẩm chiếu xạ"
là thực phẩm sử dụng các chất có hoạt tính phóng xạ nhằm bảo quản và ngăn ngừa
sự biến chất của thực phẩm.
7. "Thực phẩm sử dụng
công nghệ gen" là những thực phẩm được chế biến từ những thực phẩm
nguyên liệu đã bị biến đổi do áp dụng công nghệ gen và không bao gồm các chất
phụ gia thực phẩm và chất hỗ trợ chế biến.
8. "Thực phẩm giả"
là những thực phẩm được lưu thông trên thị trường không đảm bảo chất lượng hoặc
nhãn hiệu hàng hoá như đã đăng ký.
9. "Chất lượng thực phẩm"
là sự phù hợp với các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm và các tiêu chuẩn về
thành phần, bao gói, ghi nhãn, bảo quản, vận chuyển thực phẩm.
10. "Vệ sinh an toàn thực
phẩm" là việc thực phẩm không gây hại cho sức khoẻ, tính mạng người sử
dụng; không bị hỏng, biến chất, bị giảm chất lượng hoặc chất lượng kém; không
chứa các tác nhân hoá học, sinh học hoặc vật lý quá giới hạn cho phép; không phải
là sản phẩm của động vật bị bệnh có thể gây hại cho người sử dụng.
11. "Quy định về thực phẩm"
là quy định áp dụng bắt buộc về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm do cơ
quan có thẩm quyền ban hành.
12. "Tiêu chuẩn thực phẩm"
là văn bản kỹ thuật về thực phẩm do cơ quan có thẩm quyền ban hành.
Chương II
YÊU CẦU ĐỐI VỚI CƠ SỞ THỰC
PHẨM
Điều 4. Vị
trí.
1. Cơ sở thực phẩm phải bố trí
cách xa các khu vực ô nhiễm bụi, chất độc hại, khói, vùng chất thải, nơi bị đọng
nước và các chất ô nhiễm khác ít nhất 50m.
2. Đường sá nội bộ trong cơ sở
thực phẩm phải được xây dựng đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh, có cống, rãnh thoát nước
tốt.
Điều 5. Thiết
kế.
1. Khu vực sản xuất, chế biến thực
phẩm phải được thiết kế theo quy tắc một chiều từ nguyên liệu đầu vào đến sản
phẩm cuối cùng để tránh ô nhiễm.
2. Kho, xưởng và thiết bị của
các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm phải được thiết kế nhằm hạn chế sự xâm
nhập của động vật.
3. Nơi chứa đựng và bảo quản thực
phẩm của các cơ sở kinh doanh, bầy bán thực phẩm được thiết kế phù hợp với yêu
cầu của từng loại thực phẩm và tránh sự xâm nhập của côn trùng, động vật.
4. Nhà vệ sinh không được mở cửa
trực tiếp vào khu vực sản xuất, chế biến kinh doanh thực phẩm.
5. Thiết kế cửa lấy các chất thải,
rác riêng biệt.
Điều 6. Cấu
trúc.
1. Kho, xưởng, thiết bị được bố
trí phù hợp và thuận lợi trong quá trình sản xuất, chế biến thực phẩm để dễ áp
dụng các biện pháp xử lý vệ sịnh.
a) Trần nhà: sáng mầu, không thấm
nước, không rạn nứt, tránh mốc và đọng nước và các chất bẩn.
b) Sàn nhà: sáng màu, làm bằng
các vật liệu không thấm nước, dễ rửa, không trơn, không gây độc đối với thực phẩm,
dễ lau chùi, khử trùng và thoát nước tốt.
c) Tường và góc tường nhà: Phẳng,
sáng mầu, không gây độc đối với thực phẩm không thấm nước, dễ cọ rửa và khử khuẩn.
d) Cửa ra vào: nhẵn, không thấm
nước tốt nhất là tự động mở, đóng và đóng kín. Trước cửa ra vào đối với các cơ
sở sản xuất thực phẩm đóng hộp, thực phẩm chế biến bao gói sẵn phải thiết kế chỗ
để nước sát trùng dùng ngâm ủng trước khi vào và ra.
e) Cửa sổ: có lưới bảo vệ tránh
sự xâm nhập của côn trùng và động vật. Lưới phải thuận tiện cho việc làm vệ
sinh thường xuyên.
2. Hệ thống thông gió:
a) Hệ thống thông gió thích hợp
để loại hơi nước ngưng tụ, không khí nóng, khí bị ô nhiễm, mùi lạ và bụi.
b) Hướng của hệ thống thông gió
phải đảm bảo không được thổi gió từ khu vực nhiễm bẩn sang khu vực sạch.
c) Có lưới bảo vệ bằng các vật
liệu không gỉ, dễ tháo rời để làm vệ sinh.
3. Dụng cụ chứa chất thải và vật
phẩm không ăn được:
Dụng cụ chứa chất thải phải kín,
có nắp đậy tránh sự xâm nhập của động vật và được dọn rửa thường xuyên.
4. Hệ thống chiếu sáng:
a) Cơ sở thực phẩm phải luôn được
chiếu sáng đầy đủ:
- Nơi sản xuất có cường độ, ánh
sáng không dưới 200 lux.
- Nơi cần kiểm tra thực phẩm phải
đạt cường độ ánh sáng không dưới 540 lux.
b) Đèn trong khu vực cơ sở thực
phẩm phải có hộp hoặc lưới bảo vệ và được lau chùi thường xuyên.
5. Hệ thống cống, rãnh phải kín,
thoát nước tốt, dễ cải tạo, không gây ô nhiễm các vùng xung quanh.
6. Hệ thống nhà vệ sinh đầy đủ
được bố trí ở các vị trí thuận tiện cho tất cả mọi người trong cơ sở thực phẩm
và có đầy đủ các thiết bị đảm bảo vệ sinh.
7. Khu vực nuôi động vật (nếu
có) được bố trí ở cuối hướng gió chính và cách ly riêng biệt với khu vực sản xuất,
chế biến, kinh doanh thực phẩm.
Điều 7. Dụng
cụ chứa đựng thực phẩm và phương tiện vận chuyển.
1. Các dụng cụ dùng chứa đựng và
chế biến thực phẩm phải được làm từ nguyên liệu không độc, không gây mùi vị lạ
so với mùi vị của thực phẩm ban đầu, không hấp thụ, không thôi nhiễm vào thực
phẩm, không bị ăn mòn.
2. Dụng cụ chứa đựng và chế biến
thực phẩm phải nhẵn, không rạn nứt, dễ làm sạch và tẩy trùng bề mặt.
3. Các phương tiện vận chuyển phải
phù hợp với các tính chất đặc biệt của thực phẩm, dễ dàng cọ rửa và phải được
giữ gìn sạch sẽ thường xuyên để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
4. Các phương tiện vận chuyển sử
dụng trong quá trình chế biến, sản xuất kinh doanh, lưu thông thực phẩm không
được gây ô nhiễm, thay đổi mùi hoặc làm biến chất thực phẩm.
Điều 8. Khu
vực vệ sinh.
1. Có đầy đủ các thiết bị rửa
tay ở các vị trí thuận tiện trong khu vực chế biến sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
2. Nơi rửa tay trong khu vực sản
xuất phải cung cấp đầy đủ nước sạch, xà phòng, khăn lau tay sử dụng 1 lần hay
máy sấy khô tay.
3. Khu vực vệ sinh phải có hệ thống
chiếu sáng và hệ thống thông gió, thoát nước dễ dàng loại bỏ chất thải và đảm bảo
vệ sinh. Nhà vệ sinh phải được xây dựng sao cho hướng gió chính không thổi từ
khu vực nhà vệ sinh sang khu vực chế biến, bảo quản và bầy bán thực phẩm.
4. Khu vệ sinh phải cách ly hoàn
toàn với khu vực chế biến, bảo quản, bầy bán thực phẩm và có chỉ dẫn "Rửa
tay sau khi ra khỏi nhà vệ sinh".
Điều 9. Vệ
sinh nhà xưởng.
1. Thực phẩm được chế biến, bảo
quản, bầy bán ở nơi sạch sẽ và hợp vệ sinh. Các chất bẩn, chất gây ô nhiễm phải
được loại trừ hay giảm tới mức không có khả năng gây nguy hại tới sức khoẻ của
con người.
2. Nơi chế biến thực phẩm, nơi bầy
bán thực phẩm phải sạch sẽ, không đọng dầu mỡ và các thực phẩm tồn đọng, được cọ
rửa, lau chùi hàng ngày.
3. Nơi bảo quản thực phẩm để bán
phải được sắp xếp gọn gàng, có từng khu riêng biệt cho mỗi loại thực phẩm để
tránh ô nhiễm chéo và luôn được giữ gìn sạch sẽ.
Điều 10.
Làm sạch và tẩy trùng các thiết bị, dụng cụ chế biến, sản xuất và bầy bán thực
phẩm.
1. Các thiết bị, dụng cụ được sử
dụng trong quá trình chế biến, bảo quản và bày bán thực phẩm phải được làm sạch
trước và ngay sau khi sử dụng. Chỉ sử dụng chất tẩy rửa dụng cụ chứa đựng thực
phẩm và chất tẩy trùng được Bộ Y tế cho phép.
2. Rửa bằng nước sạch nhiều lần
để loại bỏ hay làm giảm dư lượng chất tẩy rửa xuống dưới mức cho phép.
3. Nước sử dụng để rửa phải đảm
bảo theo quy định của Bộ Y tế.
4. Các thiết bị, dụng cụ chế biến
và sản xuất thực phẩm phải được khử khuẩn thường xuyên.
5. Các chất dùng để tẩy rửa và
sát trùng dụng cụ chứa đựng thực phẩm phải được đựng trong bao bì dễ nhận biết
và có hướng dẫn sử dụng phù hợp với đặc điểm kỹ thuật. Các chất tẩy rửa phải để
cách biệt với nơi chế biến, bảo quản hay bày bán thực phẩm.
Chương III
YÊU CẦU ĐỐI VỚI NGƯỜI ĐIỀU
HÀNH, NGƯỜI TRỰC TIẾP SẢN XUẤT, KINH DOANH THỰC PHẨM
Điều 11. Học
tập kiến thức vệ sinh và an toàn thực phẩm.
Chủ các cơ sở thực phẩm có trách
nhiệm liên hệ với cơ quan y tế địa phương tổ chức cho công nhân trực tiếp tham
gia vào quá trình sản xuất, chế biến hoặc bán thực phẩm học tập về các kiến thức
an toàn vệ sinh thực phẩm.
Điều 12. Sức
khoẻ người sản xuất.
1. Người tham gia trực tiếp vào
sản xuất, chế biến thực phẩm đều phải khám sức khoẻ trước khi tuyển dụng và định
kỳ kiểm tra lại theo quy định của Bộ Y tế.
2. Những người đang bị mắc các bệnh
truyền nhiễm theo danh mục quy định của Bộ Y tế không được tham gia trực tiếp
vào quá trình sản xuất hay chế biến thực phẩm.
3. Việc khám sức khoẻ phải được
tiến hành ở các cơ quan y tế từ cấp quận, huyện trở lên.
Điều 13. Vệ
sinh của người sản xuất và chế biến thực phẩm.
1. Người trực tiếp sản xuất hay
chế biến thực phẩm đều phải rửa tay sạch sẽ bằng nước sạch, có xà phòng:
a) Khi bắt đầu làm việc
b) Sau khi chế biến với các
nguyên vật liệu tươi sống.
c) Sau khi tiếp xúc với bề mặt bẩn.
d) Sau khi đi vệ sinh xong.
e) Trước khi tiếp xúc với thực
phẩm ăn ngay.
2. Người chế biến thực phẩm phải
thực hiện các yêu cầu sau:
a) Mặc trang phục riêng khi chế
biến hoặc bán thực phẩm. Ngoài ra, trong những trường hợp cần thiết, người sản
xuất, chế biến thực phẩm phải đội mũ và đi găng tay hay đeo khẩu trang sạch.
b) Giữ móng tay ngắn, sạch sẽ và
không đeo đồ trang sức khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm ăn ngay.
c) Không ăn uống trong khu vực sản
xuất thực phẩm.
d) Không khạc nhổ, hút thuốc lá
trong khu vực chế biến.
Chương IV
YÊU CẦU VỀ CHẤT LƯỢNG, VỆ
SINH AN TOÀN THỰC PHẨM
Điều 14.
Trách nhiệm thực hiện yêu cầu về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.
1. Các cơ sở sản xuất, kinh
doanh thực phẩm chỉ được sản xuất, chế biến, nhập khẩu, kinh doanh thực phẩm đạt
các tiêu chuẩn về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn cho người sử dụng.
2. Nghiêm cấm việc sản xuất, chế
biến, nhập khẩu, tồn trữ hay bán thực phẩm giả.
Điều 15. Nước,
nước đá và hơi nước.
1. Có đủ lượng nước phân phối
cho toàn bộ khu vực sản xuất.
2. Nước sử dụng cho chế biến thực
phẩm phải sạch và không chứa các chất ô nhiễm khác, đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh
an toàn nước để uống và sinh hoạt theo quy định của Bộ Y tế.
3. Cơ sở sản xuất phải có đầy đủ
nước sạch, đủ áp lực cung cấp cho quá trình làm sạch, chế biến thực phẩm. Thiết
bị chứa nước phải được thiết kế phù hợp cho việc dự trữ và sử dụng hợp vệ sinh.
4. Nước đá dùng cho ăn uống phải
được sản xuất từ nguồn nước sạch, hợp vệ sinh theo quy định của Bộ Y tế.
5. Nước đá dùng cho ăn uống và bảo
quản thực phẩm phải được bảo quản, vận chuyển hợp vệ sinh theo quy định của Bộ
Y tế.
6. Hơi nước sử dụng trực tiếp để
sản xuất thực phẩm hay tiếp xúc với thực phẩm phải hợp vệ sinh, phù hợp với mục
đích sử dụng và không gây nguy hại đến sức khoẻ con người.
7. Nước dùng để sản xuất hơi nước,
làm lạnh, phòng cháy chữa cháy hay sử dụng với mục đích khác phải có đường ống
riêng, sơn màu riêng để dễ phân biệt và không được nối với hệ thống nước sử dụng
cho sản xuất và chế biến thực phẩm.
Điều 16. Phụ
gia thực phẩm.
1. Phụ gia thực phẩm nằm ngoài
danh mục cho phép của Bộ Y tế, trước khi nhập khẩu hoặc đưa vào sử dụng phải được
Bộ Y tế cho phép bằng văn bản.
2. Nghiêm cấm việc nhập khẩu, chế
biến, bảo quản, sử dụng, quảng cáo hay bán phụ gia thực phẩm nằm ngoài danh mục
được Bộ Y tế cho phép.
3. Nghiêm cấm việc sản xuất, nhập
khẩu, chế biến, bảo quản và bán thực phẩm có chứa phụ gia thực phẩm vượt quá giới
hạn an toàn cho phép của Bộ Y tế.
Điều 17.
Các chất bổ sung.
1. Việc sử dụng các chất bổ sung
mới phải được Bộ Y tế cho phép bằng văn bản.
2. Nghiêm cấm việc sản xuất, chế
biến, nhập khẩu, cất giữ và bán thực phẩm có chứa các chất bổ sung ở nồng độ vượt
quá giới hạn an toàn cho phép theo quy định hiện hành.
Điều 18. Thực
phẩm sử dụng công nghệ gen.
Mọi thực phẩm sử dụng công nghệ
gen hoặc các nguyên liệu sử dụng công nghệ gen phải ghi nhãn tiếng Việt
"có sử dụng công nghệ gen".
Điều 19. Dư
lượng thuốc bảo vệ thực vật và thuốc thú y.
Nghiêm cấm việc sản xuất, chế biến,
nhập khẩu và bán các thực phẩm có chứa thuốc bảo vệ thực vật hoặc thuốc thú y
vượt quá dư lượng cho phép theo quy định của Bộ Y tế.
Điều 20. Vi
sinh vật và độc tố của vi sinh vật.
Nghiêm cấm việc sản xuất, chế biến,
nhập khẩu hay bán các thực phẩm bị nhiễm vi sinh vật hay các độc tố của chúng
vượt quá giới hạn an toàn theo quy định của Bộ Y tế.
Điều 21. Thực
phẩm chiếu xạ.
1. Thực phẩm chiếu xạ phải được
sản xuất, chế biến theo tiêu chuẩn CODEX và phải ghi nhãn bằng tiếng Việt.
2. Nghiêm cấm việc sản xuất, chế
biến, nhập khẩu hoặc bán các thực phẩm chiếu xạ ngoài danh mục những thực phẩm
được phép chiếu xạ do cơ quan có thẩm quyền ban hành.
Điều 22.
Yêu cầu về vệ sinh an toàn đối với thực phẩm đường phố.
1. Thực phẩm đường phố phải được
bày bán trên giá cao không thấp hơn 1m.
2. Thức ăn đã chế biến phải được
bày bán trong các vật dụng đảm bảo tránh bụi, côn trùng, động vật, các nguồn ô
nhiễm khác và phải để riêng rẽ với các thực phẩm tươi sống hoặc sơ chế.
3. Thức ăn đã chế biến để ăn
nóng phải luôn được giữ ở nhiệt độ không thấp hơn 60oC, thức ăn đã chế biến để
ăn lạnh phải luôn được giữ ở nhiệt độ không quá 5oC trong thời gian bảo quản và
bán thực phẩm.
4. Phải có dụng cụ riêng để chọn,
gắp, lấy thức ăn đã chế biến.
Điều 23. Áp
dụng các biện pháp đảm bảo chất lượng thực phẩm trong quá trình sản xuất.
Khuyến khích các cơ sở sản xuất,
chế biến thực phẩm áp dụng hệ thống đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm
theo HACCP, GMP, ISO hoặc các hệ thống đảm bảo chất lượng thực phẩm tương đương
khác.
Chương V
QUY ĐỊNH VỀ CHẤT LƯỢNG,
VỆ SINH AN TOÀN THỰC PHẨM ĐỐI VỚI BAO GÓI, DÁN NHÃN VÀ QUẢNG CÁO THỰC PHẨM
Điều 24.
Bao gói thực phẩm.
1. Việc sử dụng các vật liệu bao
gói mới đều phải được Bộ Y tế thẩm định và cấp phép.
2. Các vật liệu bao gói thực phẩm
được sản xuất, chế biến, đóng gói phải bảo đảm tránh bụi, côn trùng và các nguồn
ô nhiễm khác.
3. Nghiêm cấm việc đóng gói thực
phẩm bằng các bao gói có nguy cơ gây độc, gây hại, không đảm bảo chất lượng và
an toàn hoặc gây hư hỏng thực phẩm.
Điều 25.
Ghi nhãn thực phẩm.
1. Việc ghi nhãn thực phẩm phải
tuân thủ "Quy chế ghi nhãn hàng hoá lưu thông trong nước và hàng hoá xuất
khẩu, nhập khẩu" ban hành kèm theo Quyết định số 178/1999/QĐ - TTg ngày
30/8/1999 của Thủ tướng Chính phủ.
2. Nghiêm cấm việc tự thay đổi
nhãn thực phẩm, thay đổi hạn sử dụng của thực phẩm đã lưu hành.
Điều 26. Quảng
cáo.
Quảng cáo thực phẩm phải đúng sự
thật và phải thực hiện theo đúng quy định của Pháp luật về quảng cáo.
Chương VI
THỰC PHẨM NHẬP KHẨU VÀ
XUẤT KHẨU
Điều 27.
Yêu cầu đối với thực phẩm nhập khẩu.
1. Thực phẩm nhập khẩu vào Việt
Nam phải đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn theo quy định của Pháp luật.
2. Cơ sở nhập khẩu thực phẩm phải
chịu trách nhiệm về chất lượng, vệ sinh an toàn của thực phẩm nhập khẩu.
3. Thực phẩm nhập khẩu thuộc
Danh mục phải kiểm tra Nhà nước phải có giấy xác nhận đạt chất lượng, vệ sinh
an toàn thực phẩm của cơ quan có thẩm quyền trước khi nhập khẩu và tiêu thụ tại
Việt Nam.
4. Thực phẩm nhập khẩu không thuộc
Danh mục phải kiểm tra Nhà nước vẫn phải kiểm tra nếu phát hiện có dấu hiệu
không bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn.
5. Thực phẩm nhập khẩu không đạt
yêu cầu về chất lượng, vệ sinh an toàn thì phải tái chế, huỷ bỏ hoặc tái xuất
theo quyết định của cơ quan thẩm quyền.
Điều 28. Thực
phẩm xuất khẩu.
1. Thực phẩm xuất khẩu phải bảo
đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm theo yêu cầu của nước nhập khẩu.
2. Khi có yêu cầu của nước mua
hàng Bộ Y tế sẽ xét cấp giấy chứng nhận về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm
và giấy chứng nhận sản phẩm thực phẩm lưu hành tự do trong nước cho các mặt
hàng thực phẩm đã được Bộ Y tế hoặc các Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương cấp số đăng ký.
Chương VII
QUY ĐỊNH VỀ NGỘ ĐỘC THỰC
PHẨM, THỰC PHẨM BỊ THU HỒI VÀ THỬ NGHIỆM MẪU
Điều 29.
Lưu mẫu thức ăn, báo cáo về ngộ độc, bệnh do ô nhiễm thực phẩm.
1. Các cơ sở, đơn vị tổ chức bữa
ăn phục vụ từ 30 người trở lên đều phải lưu mẫu thức ăn và chịu sự giám sát của
cơ quan y tế địa phương về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Các mẫu thức
ăn phải được lưu giữ ít nhất 24 giờ.
2. Người phát hiện hoặc nghi ngờ
có ngộ độc và các bệnh do ô nhiễm thực phẩm gây ra có trách nhiệm thông báo
ngay với các cơ quan y tế gần nhất.
3. Cơ quan y tế địa phương phải
báo cáo các trường hợp có ngộ độc thực phẩm hoặc nghi ngờ có biểu hiện các bệnh
do ô nhiễm thực phẩm lên cơ quan y tế cấp trên trong thời gian không quá 24 giờ
khi nhận được thông báo.
4. Các cơ quan y tế địa phương
phối hợp với Cục Quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm để tổ chức chỉ đạo
điều tra và xử lý các vụ ngộ độc do thực phẩm khi được thông báo.
5. Số liệu liên quan đến các bệnh
do ô nhiễm thực phẩm phải được Bộ Y tế thu thập, đánh giá và công bố trên cơ sở
đảm bảo thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật Nhà nước.
6. Người có thực phẩm hoặc người
chế biến, cung cấp, bán thực phẩm gây ngộ độc phải bị xử phạt theo quy định của
pháp luật về xử lý vi phạm hành chính đồng thời trả các chi phí cho việc điều
tra, tìm nguyên nhân và chi phí điều trị cho người bị ngộ độc. Nếu gây thiệt hại
cho người tiêu dùng phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Điều 30. Thực
phẩm bị thu hồi.
1. Các doanh nghiệp nhập khẩu,
cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm phải có hệ thống sổ sách theo dõi ghi chép đầy
đủ và sẵn sàng cung cấp cho các cơ quan có thẩm quyền khi được yêu cầu.
2. Thực phẩm bị thu hồi là những
thực phẩm nhập khẩu, sản xuất, lưu thông trên thị trường không đảm bảo chất lượng
và không đúng với hồ sơ đã đăng ký. Thanh tra Vệ sinh an toàn thực phẩm và các
cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm thu hồi những thực phẩm này.
3. Thực phẩm bị thu hồi phải được
giữ ở những nơi thích hợp và riêng biệt.
4. Thực phẩm bị thu hồi phải được
cơ sở thực phẩm tái chế hoặc huỷ bỏ theo các trình tự được pháp luật quy định.
5. Nếu cơ sở thực phẩm không tự
tiêu huỷ thực phẩm thì cơ quan có thẩm quyền tại địa phương sẽ tiêu huỷ và cơ sở
thực phẩm phải có trách nhiệm trả toàn bộ chi phí cho việc tiêu huỷ hoặc xử lý
thực phẩm.
Điều 31. Thử
nghiệm mẫu.
1. Bộ Y tế chỉ định cơ quan có
chức năng thử nghiệm mẫu thực phẩm thu thập được.
2. Đơn vị thu thập mẫu phải giao
mẫu thực phẩm cho cơ quan thử nghiệm mẫu trong thời gian sớm nhất. Mẫu phải được
ghi nhãn đầy đủ, rõ ràng theo đúng quy định và đảm bảo không có bất kỳ thay đổi
nào về vật lý, hoá học, vi sinh vật so với thời điểm lấy mẫu.
3. Phương pháp lấy mẫu, lưu mẫu,
bảo quản mẫu, vận chuyển mẫu phải phù hợp với quy định hiện hành của Việt Nam.
4. Cục Quản lý chất lượng vệ
sinh an toàn thực phẩm, các Sở Y tế tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương có
trách nhiệm tiến hành kiểm tra, giám sát cơ sở thực phẩm theo phân cấp và lấy mẫu
kiểm tra khi có nghi ngờ không đảm bảo về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.
Chương
VIII
KIỂM TRA, THANH TRA VÀ XỬ
LÝ VI PHẠM
Điều 32. Kiểm
tra vệ sinh an toàn thực phẩm.
Cục Quản lý chất lượng vệ sinh
an toàn thực phẩm phối hợp với Thanh tra Bộ Y tế, các Vụ và cơ quan có liên
quan để tổ chức kiểm tra, thanh tra việc thực hiện Quy định vệ sinh an toàn thực
phẩm đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong phạm vi
cả nước.
Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương có trách nhiệm tổ chức kiểm tra, thanh tra việc thực hiện Quy định vệ
sinh an toàn thực phẩm đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực
phẩm trong địa phương.
Điều 33.
Thanh tra Vệ sinh an toàn thực phẩm.
Thanh tra Nhà nước về y tế
chuyên ngành vệ sinh được tổ chức theo Điều lệ Thanh tra Nhà nước về y tế ban
hành theo Nghị định số 23/HĐBT ngày 24/1/1991 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là
Chính phủ) chịu trách nhiệm thanh tra việc chấp hành pháp luật về chất lượng, vệ
sinh an toàn thực phẩm, được quyền xử phạt vi phạm hành chính về chất lượng, vệ
sinh an toàn thực phẩm theo quy định của Pháp luật về xử phạt vi phạm hành
chính. Việc thanh tra chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm do đoàn thanh tra
hoặc thanh tra viên thực hiện.
Điều 34. Xử
lý vi phạm.
Tổ chức, cá nhân vi phạm quy định
này, tuỳ theo tính chất mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành
chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường
theo quy định của pháp luật.