Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 2700/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Đắk Lắk Người ký: Nguyễn Thiên Văn
Ngày ban hành: 25/10/2024 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK LẮK

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2700/QĐ-UBND

Đắk Lắk, ngày 25 tháng 10 năm 2024

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH PHƯƠNG ÁN BẢO VỆ KHOÁNG SẢN CHƯA KHAI THÁC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẮK LẮK

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK LẮK

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Luật Khoáng sản ngày 17/11/2010;

Căn cứ Nghị định số 158/2016/NĐ-CP , ngày 29/11/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản;

Căn cứ Nghị định số 23/2020/NĐ-CP ngày 24/02/2020 của Chính phủ quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông;

Căn cứ Thông tư số 136/2017/TT-BTC ngày 22/12/2017 của Bộ Tài chính quy định lập, quản lý, sử dụng kinh phí chi hoạt động kinh tế đối với các nhiệm vụ chi về tài nguyên môi trường;

Căn cứ Quyết định số 334/QĐ-TTg ngày 01/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;

Căn cứ Quyết định số 673/QĐ-UBND ngày 28/3/2019 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk về việc phê duyệt các khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk;

Căn cứ Quyết định số 866/QĐ-TTg ngày 18/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Căn cứ Quyết định số 1227/QĐ-TTg ngày 01/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia;

Căn cứ Quyết định số 1626/QĐ-TTg ngày 15/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Căn cứ Quyết định số 1747/QĐ-TTg ngày 30/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Căn cứ Chỉ thị số 38/CT-TTg ngày 29/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường hiệu lực thực thi chính sách, pháp luật về khoáng sản;

Căn cứ Chương trình số 22/CTr-TU ngày 06/5/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 345/TT-STNMT ngày 14/10/2024 .

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk (có Phương án kèm theo).

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành và thay thế Quyết định số 381/QĐ-UBND ngày 22/02/2019 về việc ban hành Phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk; Quyết định số 1602/QĐ-UBND ngày 21/7/2022 của UBND tỉnh về việc điều chỉnh, bổ sung Phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk theo Quyết định số 381/QĐ-UBND ngày 22/02/2019 của UBND tỉnh.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Xây dựng, Thông tin và Truyền thông, Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Giám đốc Công an tỉnh; Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh; Cục trưởng Cục Thuế tỉnh; Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Đắk Lắk; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; Thủ trưởng đơn vị và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Văn phòng Chính phủ (báo cáo);
- Bộ Tài nguyên và Môi trường (báo cáo);
- Cục Khoáng sản Việt Nam;
- TT. Tỉnh ủy (báo cáo);
- TT. HĐND tỉnh (báo cáo);
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh (báo cáo);
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Lãnh đạo VPUBND tỉnh;
- Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh;
- TT CN và Cổng Thông tin điện tử tỉnh;
- Lưu: VT, NNMT
(Trung 15b).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Thiên Văn

PHƯƠNG ÁN

BẢO VỆ KHOÁNG SẢN CHƯA KHAI THÁC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẮK LẮK
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2700/QĐ-UBND ngày 25/10/2024 của UBND tỉnh)

Nhằm đảm bảo công tác quản lý, bảo vệ có hiệu quả tài nguyên khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh; ngăn chặn, xử lý các hoạt động khoáng sản trái phép, bảo vệ môi trường, sinh thái, đảm bảo an ninh trật tự trong khu vực; tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên khoáng sản; cụ thể hóa công tác bảo vệ tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh.

Thực hiện quy định tại chương III Luật Khoáng sản năm 2010; Điều 17, Điều 18 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản năm 2010, UBND tỉnh Đắk Lắk ban hành Phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh, như sau:

I. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU

1. Quan điểm

a) Khoáng sản là tài nguyên quan trọng, mang tính chiến lược, tuy nhiên khoáng sản là tài nguyên hữu hạn nên phải được quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm nhằm đạt hiệu quả kinh tế cao, tránh thất thoát nguồn tài nguyên và ngân sách nhà nước; đảm bảo môi trường sinh thái, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử, văn hóa danh lam thắng cảnh; đảm bảo an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội; góp phần tạo ra việc làm và đóng góp ngân sách phục vụ phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.

b) Bảo vệ khoáng sản chưa khai thác là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn thể quần chúng nhân dân. Trong đó quy định rõ trách nhiệm người đứng đầu chính quyền các cấp, các ngành trong bảo vệ khoáng sản chưa khai thác.

c) Chú trọng công tác phòng ngừa, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các tổ chức, cá nhân về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật, chiến lược của nhà nước về tài nguyên khoáng sản. Xử lý nghiêm các tổ chức cá nhân hoạt động khoáng sản trái pháp luật. Phòng chống tiêu cực trong công tác quản lý.

2. Mục tiêu

a) Đảm bảo quản lý, bảo vệ có hiệu quả tài nguyên khoáng sản chưa khai thác, ngăn chặn các hoạt động khoáng sản trái phép.

b) Tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động trong việc bảo vệ tài nguyên khoáng sản, quản lý bảo vệ, sử dụng hợp lý, có hiệu quả tài nguyên khoáng sản.

c) Phát huy trách nhiệm của các ngành, chính quyền địa phương các cấp trong việc bảo vệ khoáng sản chưa khai thác nhằm phục vụ chiến lược phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng trên địa bàn tỉnh.

II. TIỀM NĂNG KHOÁNG SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Theo tài liệu điều tra về địa chất, khoáng sản, trên địa bàn tỉnh đã phát hiện được các loại khoáng sản sau: Vàng, đá quý (sa phir, can xê đoan, granat, opan…); thạch anh tinh thể, chì-kẽm, sắt laterit, felspat, đá vôi, đá hoa, đá ốp lát, than bùn; đá xây dựng, sét, cát xây dựng.

- Felspat phát hiện ở các huyện Ea Kar, Ea H’leo (dạng điểm khoáng hóa).

- Đá làm vật liệu xây dựng thông thường phân bố hầu hết trên địa bàn 15 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh, đá khai thác được sử dụng cho xây dựng tại chỗ, không có giá trị xuất khẩu.

- Cát xây dựng: tập trung ở các sông lớn của tỉnh như Sông Krông Nô, Krông Ana, Krông Pắc, Srêpôk, Ea H’leo, Krông Bông.

- Sét sản xuất gạch ngói: tập trung nhiều ở các huyện Krông Ana, Krông Pắc, Ea Kar, Cư Kuin, Lắk, Krông Bông.

- Than bùn: có ở các huyện Cư M’gar, Krông Ana, Krông Pắc, Krông Búk, Krông Năng và rải rác ở một số huyện khác.

- Chì-kẽm: phát hiện ở xã Ea Nam, huyện Ea H’leo; Thạch anh tại xã Ea Trul, huyện Krông Bông đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường bàn giao khu vực nhỏ lẻ cho UBND tỉnh quản lý, cấp phép.

- Đá ốp lát là một trong những khoáng sản có triển vọng, có giá trị xuất khẩu, phân bố khá nhiều nơi trên địa bàn tỉnh như các huyện Ea H’leo, Ea Kar, Lắk, Krông Bông, M’Drắk, Buôn Đôn, hiện nay đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép thăm dò tại 06 khu vực nhưng chưa có khu vực nào được cấp Giấy phép khai thác.

- Vàng được phát hiện tại địa bàn các huyện Ea Kar, M’Drắk, Ea H’leo, Krông Năng với quy mô nhỏ, chủ yếu dạng sa khoáng, chưa được điều tra đánh giá chi tiết.

- Đá vôi được phát hiện tại dãy núi Chư Minh, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn có chất lượng thấp, chưa được điều tra đánh giá chi tiết.

- Sắt laterit tại các huyện Cư M’gar, Ea H’leo, Ea Kar, Krông Búk, Krông Năng, thị xã Buôn Hồ có trữ lượng khá lớn tuy nhiên quặng có chất lượng thấp, hiện đã được khoanh định và công bố khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia.

III. THỰC TRẠNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ

1. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy và chính quyền các cấp

Thời gian qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, công tác quản lý hoạt động khai thác, chế biến, vận chuyển khoáng sản trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, cơ bản đã đi vào nền nếp. Các Sở, ngành, địa phương đã quan tâm, hướng dẫn và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân hoàn thiện thủ tục pháp lý về cấp phép thăm dò, khai thác, kinh doanh, chế biến khoáng sản cũng như các thủ tục về đất đai, giải phóng mặt bằng, cấp phép xây dựng.

Công tác quản lý hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng khoáng sản trên địa bàn tỉnh đã được tăng cường; có sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành, các cấp chính quyền địa phương để triển khai thực hiện các nội dung chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh một cách đồng bộ, thống nhất, có hiệu quả trong công tác quản lý đối với hoạt động khoáng sản.

2. Công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, ban hành các văn bản quản lý hoạt động và bảo vệ khoáng sản

a) Văn bản quy phạm pháp luật về quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

Thực hiện Luật Khoáng sản năm 2010 và văn bản hướng dẫn thi hành luật, UBND tỉnh ban hành các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh:

- Quyết định số 49/2014/QĐ-UBND ngày 31/12/2014 của UBND tỉnh ban hành quy chế phối hợp thực hiện bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; thanh tra, kiểm tra và bảo vệ môi trường trong lĩnh vực khoáng sản trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk;

- Quyết định số 10/2018/QĐ-UBND ngày 15/5/2018 của UBND tỉnh ban hành quy chế phối hợp trong công tác thu ngân sách nhà nước đối với hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản trên địa bàn Tỉnh Đắk Lắk;

- Quyết định số 31/2020/QĐ-UBND ngày 20/10/2020 của UBND tỉnh ban hành bảng giá tính thuế tài nguyên đối với nhóm, loại tài nguyên có tính chất lý, hóa giống nhau áp dụng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk;

- Quyết định số 05/2022/QĐ-UBND ngày 10/01/2022 của UBND tỉnh ban hành Quy định quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk;

- Quyết định số 50/2022/QĐ-UBND ngày 21/12/2022 của UBND tỉnh quy định tỷ lệ quy đổi từ số lượng khoáng sản thành phẩm ra số lượng khoáng sản nguyên khai làm căn cứ tính phí bảo vệ môi trường đối với từng loại khoáng sản trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

b) Văn bản tăng cường công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, định hướng đến năm 2045; Quyết định số 334/QĐ-TTg ngày 01/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045; Luật Khoáng sản năm 2010 và các văn bản hướng dẫn thi hành luật, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản về công tác quản lý hoạt động khoáng sản:

- Chương trình số 22-CTr/TU ngày 06/05/2022 Chương trình của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 10/02/2022 của Bộ chính trị về "Định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;

- Chỉ thị số 07/2014/CT-UBND ngày 09/10/2014 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk; Chỉ thị số 17/CT-UBND ngày 14/11/2017 của Chủ tịch UBND tỉnh về nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh; Chỉ thị 01/CT-UBND ngày 18/01/2018 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc tăng cường các biện pháp thu ngân sách nhà nước năm 2018 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk; Chỉ thị số 08/CT-UBND ngày 07/7/2022 của UBND tỉnh về việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản và hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh;

- Quyết định số 2210/QĐ-UBND ngày 23/9/2014 của UBND tỉnh về việc Phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản tỉnh Đắk Lắk đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 490/QĐ-UBND ngày 25/02/2022 của UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung Quyết định số 2210/QĐ-UBND ngày 23/9/2014 của UBND tỉnh về Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản tỉnh Đắk Lắk đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;

- Quyết định số 750/QĐ-UBND ngày 27/3/2015 của UBND tỉnh về việc Phê duyệt danh mục các khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk; Quyết định số 1485/QĐ-UBND ngày 16/6/2021 về việc điều chỉnh các khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản tại Quyết định số 750/QĐ-UBND ngày

27/3/2015 của UBND tỉnh; Quyết định số 2084/QĐ-UBND ngày 16/9/2022 của UBND tỉnh về việc điều chỉnh, bổ sung khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản tại Quyết định số 750/QĐ-UBND ngày 27/3/2015 của UBND tỉnh;

- Quyết định số 381/QĐ-UBND ngày 22/02/2019 của UBND tỉnh về việc ban hành Phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk; Quyết định số 1602/QĐ-UBND ngày 21/7/2022 của UBND tỉnh về việc điều chỉnh, bổ sung Phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk theo Quyết định số 381/QĐ-UBND ngày 22/02/2019 của UBND tỉnh;

- Quyết định số 673/QĐ-UBND ngày 28/3/2019 của UBND tỉnh về việc phê duyệt các khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk;

- Quyết định số 2024/QĐ-UBND ngày 12/9/2022 của UBND tỉnh về việc ban hành Đề án nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực khoáng sản nhằm chống thất thu Ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk;

- Kế hoạch số 1752/KH-UBND ngày 03/3/2021 của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện Kế hoạch tổng thể phòng chống sạt lở bờ sông, bờ suối đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk; Kế hoạch số 145/KH-UBND ngày 07/9/2023 thực hiện Chương trình số 22-CTr/TU ngày 06 tháng 5 năm 2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 10 tháng 02 năm 2022 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Kế hoạch số 97/KH-UBND ngày 24/5/2024 của UBND tỉnh về việc tăng cường công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực khoáng sản trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

c) Văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh về quản lý, bảo vệ khoáng sản

- Công văn số 2119/UBND-NNMT ngày 19/3/2019 của UBND tỉnh về việc lắp đặt trạm cân, camera giám sát; đăng ký, đăng kiểm tàu thuyền và bãi tập kết cát;

- Công văn số 3551/UBND-NNMT ngày 06/5/2019 của UBND tỉnh về việc cung cấp thông tin, số liệu khoáng sản qua trạm cân, camera giám sát tại các mỏ khoáng sản;

- Công văn số 5839/UBND-NNMT ngày 07/7/2020 của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện Nghị định số 23/2020/NĐ-CP ngày 24/02/2020 của Chính phủ quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông;

- Công văn số 10288/UBND-NNMT ngày 16/11/2020 của UBND tỉnh về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh;

- Công văn số 8163/UBND-NNMT ngày 27/8/2021 của UBND tỉnh về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước về khoáng sản, tài nguyên nước, đê điều, phòng chống thiên tai trên trên địa bàn tỉnh;

- Công văn số 5475/UBND-NNMT ngày 04/7/2022 của UBND tỉnh về việc tăng cường phối hợp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về khoáng sản;

- Công văn số 4444/UBND-NNMT ngày 29/5/2023 của UBND tỉnh về việc tình hình sạt lở dọc bờ sông Krông Nô trên địa bàn xã Nam Kar, huyện Lắk;

- Công văn 6495/UBND-NNMT ngày 01/8/2023 của UBND tỉnh về việc chủ động phòng chống sạt lở, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân trước và trong mùa mưa lũ;

- Công văn số 7702/UBND-NNMT ngày 08/9/2023 của UBND tỉnh về việc tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về khoáng sản;

- Công văn số 9152/UBND-NNMT ngày 19/10/2023 của UBND tỉnh về việc tăng cường công tác quản lý khai thác khoáng sản cát, sỏi lòng sông;

- Công văn số 8022/UBND-NNMT ngày 18/9/2023 của UBND tỉnh về việc dừng hoạt động khai thác cát trên sông Krông Ana tại các đoạn sông bị sạt lở;

- Công văn số 2783/UBND-NNMT ngày 04/4/2024 của UBND tỉnh về việc quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác và triển khai các dự án khai thác khoáng sản;

- Công văn số 7405/UBND-NNMT ngày 14/8/2024 của UBND tỉnh về việc tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực khoáng sản;

- Công văn số 7626/UBND-NNMT ngày 20/8/2024 của UBND tỉnh về việc lắp đặt, vận hành trạm cân, camera giám sát tại các mỏ khoáng sản trên địa bàn tỉnh.

d) Phối hợp với UBND tỉnh Đắk Nông, UBND tỉnh Lâm Đồng để ban hành Quy chế về phối hợp công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản khu vực giáp ranh:

- Quy chế số 01/QCPH-UBND ngày 09/12/2015 Phối hợp công tác quản lý khoáng sản khu vực giáp ranh giữa hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông (điều chỉnh, bổ sung tại Quy chế số 430/QCPH-UBND ngày 28/3/2018);

- Quy chế số 5745/QCPH-UBND ngày 24/9/2024 phối hợp công tác quản lý khoáng sản khu vực giáp ranh giữa hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông

- Quy chế số 11/QCPH-UBND ngày 17/3/2017 Phối hợp trong công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản khu vực giáp ranh giữa hai tỉnh Đắk Lắk và Lâm Đồng.

Các văn bản được ban hành cơ bản đáp ứng được các yêu cầu về tính đồng bộ, kịp thời, phù hợp với các quy định của pháp luật, đảm bảo tính khả thi trong quá trình triển khai thực hiện. Công tác phối hợp trong công tác quản lý, trao đổi thông tin về khai thác, vận chuyển và sử dụng cát sỏi trên sông với các tỉnh giáp ranh đã xác định được nội dung, nguyên tắc, trách nhiệm trong quan hệ phối hợp hoạt động giữa các cơ quan quản lý nhà nước nhằm thực hiện có hiệu quả, thống nhất.

3. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoáng sản

Việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoáng sản trên địa bàn tỉnh được tổ chức thường xuyên thông qua các phương tiện thông tin đại chúng (báo, đài phát thanh truyền hình tỉnh, cổng thông tin điện tử); công tác thanh tra, kiểm tra; các văn bản hướng dẫn và trực tiếp hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện trình tự thủ tục hành chính, các quy định pháp luật trong hoạt động khoáng sản.

Tổ chức tập huấn nghiệp vụ quản lý tài nguyên môi trường (trong đó có quản lý khoáng sản) cho các đối tượng là cán bộ ngành tài nguyên và môi trường cấp huyện.

UBND tỉnh tổ chức các Hội nghị gặp gỡ, trao đổi thông tin, đối thoại trực tiếp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, trong đó bao gồm cả các doanh nghiệp hoạt động khoáng sản.

4. Tình hình hoạt động khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND tỉnh

Công tác cấp phép hoạt động khoáng sản theo thẩm quyền của UBND tỉnh được thực hiện phù hợp với quy hoạch, đảm bảo đúng quy trình, quy định của pháp luật. Các hồ sơ hoạt động khoáng sản đều có ý kiến thống nhất của UBND cấp huyện và các ngành có liên quan. Công tác tiếp nhận, thẩm định hồ sơ cấp phép hoạt động khoáng sản theo hướng cải cách thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khoáng sản. Đến ngày 01/8/2024 trên địa bàn tỉnh có 70 Giấy phép khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền UBND tỉnh cấp phép còn hiệu lực, trong đó có 47 Giấy phép khai thác đá làm vật liệu xây dựng thông thường có sử dụng vật liệu nổ, 21 Giấy phép khai thác cát làm vật liệu xây dựng thông thường, 01 Giấy phép khai thác sét sản xuất gạch, 01 Giấy phép khai thác tại bãi thải công trình thủy điện; 07 Bản xác nhận đăng ký khai thác mỏ vật liệu phục vụ dự án cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột (chi tiết tại Phụ lục I).

5. Tình hình hoạt động khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường

Đối với các khu vực thăm dò khoáng sản đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã phối hợp tốt trong công tác xác định khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản để thỏa thuận cấp phép theo quy định. Hiện tại trên địa bàn tỉnh đã có 06 khu vực được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy phép thăm dò khoáng sản. Các Giấy phép thăm dò đều đã hết hạn, trong đó đã có 04 khu vực được phê duyệt trữ lượng tuy nhiên chưa có khu vực nào được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy phép khai thác khoáng sản. (các khu vực đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy phép thăm dò khoáng sản, phê duyệt trữ lượng khoáng sản nằm trong Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Ghi chú trong Phụ lục III)

6. Về công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND tỉnh

UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn trên địa bàn tỉnh năm 2022 tại Quyết định số 2133/QĐ-UBND ngày 23/9/2022, theo nhu cầu sử dụng khoáng sản của địa phương với 48 khu vực, diện tích 304,61 ha (trong đó có 12 khu vực đá xây dựng; 13 khu vực sét sản xuất gạch; 22 khu vực đất cấp phối san lấp công trình; 01 khu vực than bùn) để triển khai tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản theo quy định.

7. Thông tin về khu vực cấm, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh.

Thực hiện quy định của pháp luật về khoáng sản với mục tiêu hoạt động khai thác khoáng sản gắn với đảm bảo an ninh quốc phòng, bảo vệ di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên và bảo vệ các khu vực khoáng sản chưa khai thác. Đề án khoanh định khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý về kết quả khoanh định tại Công văn số 169/TTg-CN ngày 12/02/2019; đồng thời, ủy quyền cho Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt, công bố khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Ngày 28/3/2019 UBND tỉnh ban hành Quyết định số 673/QĐ-UBND về việc phê duyệt các khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Theo đó có 2.007 khu vực, 2.187 vị trí, điểm với tổng diện tích 590.043,59 ha thuộc khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản (Chi tiết tại Phụ lục II và Bản đồ khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản theo Quyết định số 673/QĐ-UBND).

8. Thông tin về Quy hoạch khoáng sản trên địa bàn tỉnh

a) Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1747/QĐ-TTg ngày 30/12/2023. Phương án thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản được tích hợp vào Quy hoạch tỉnh theo đó bao gồm: 195 khu vực đất san lấp; 136 khu vực đá làm vật liệu xây dựng thông thường; 40 khu vực cát làm vật liệu xây dựng; 26 khu vực sét sản xuất gạch ngói; 01 khu vực đất sản xuất vật liệu xây dựng; 01 khu vực mỏ chì, kẽm; 01 khu vực mỏ thạch anh; 01 khu vực than bùn (Phụ lục XX Quyết định số 1747/QĐ-TTg ngày 30/12/2023; chi tiết tọa độ, diện tích các khu vực tại Phụ lục 9 Báo cáo tổng hợp quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 kèm theo Quy hoạch tỉnh)

b) Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1626/QĐ-TTg ngày 15/12/2023. Theo đó trên địa bàn tỉnh có 20 khu vực với diện tích 1.292,69 ha trong đó đã cấp phép thăm dò 06 khu vực, phê duyệt trữ lượng 04 khu vực (chi tiết tại Phụ lục III).

c) Khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1227/QĐ-TTg ngày 01/11/2023. Theo đó trên địa bàn tỉnh có 06 khu vực với diện tích 591,4 ha (chi tiết tại Phụ lục IV).

d) Khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ đã được Bộ Tài nguyên và môi trường khoanh định và công bố tại Quyết định số 2038/QĐ-BTNMT ngày 12/8/2015; Quyết định số 2326/QĐ-BTNMT ngày 28/9/2017. Theo đó tỉnh Đắk Lắk có 02 khu vực với diện tích 14 ha (chi tiết tại phụ lục V).

9. Công tác thanh tra, kiểm tra

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, công tác thanh tra, kiểm tra đã được các sở, ngành, địa phương quan tâm, thực hiện. Qua thanh tra, kiểm tra, nhiều hành vi vi phạm pháp luật về khoáng sản và môi trường trong hoạt động khoáng sản đã bị phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời, góp phần chấn chỉnh hoạt động khoáng sản, đưa hoạt động khoáng sản ngày càng đi vào nền nếp, cụ thể:

- Trong năm 2019: Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường và khoáng sản tại 09 đơn vị khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh; phối hợp với Cục Kiểm soát hoạt động khoáng sản Miền Nam thực hiện nhiệm vụ kiểm tra việc chấp hành pháp luật về khoáng sản và môi trường trong hoạt động khoáng sản đối với 17 đơn vị hoạt động khai thác khoáng sản. Từ kết quả kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính đối với 02 tổ chức khai thác khoáng sản vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác khoáng sản với tổng số tiền 200 triệu đồng, UBND tỉnh đình chỉ hoạt động khai thác đối với 10 mỏ đá do vi phạm trong việc chấp hành thực hiện việc lắp đặt trạm cân và camera giám sát; đình chỉ khai thác 10 mỏ cát do vi phạm chưa hoàn thành thủ tục bãi tập kết, đăng ký, đăng kiểm tàu khai thác, lắp đặt trạm cân, camera giám sát. Ngoài ra, đã tiến hành kiểm tra, xử lý truy thu giá trị bằng tiền đối với khối lượng khoáng sản khai thác trái phép với số tiền 1.076,65 triệu đồng.

Bên cạnh đó, lực lượng Công an tỉnh đã mở nhiều đợt cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm đối với hoạt động khai thác, vận chuyển trái phép khoáng sản trên địa bàn tỉnh và tiến hành khởi tố 01 vụ khai thác cát trái phép trên địa bàn huyện Lắk.

- Trong năm 2020: Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường và khoáng sản tại 14 đơn vị khai thác khoáng sản đá làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh. Từ kết quả kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính đối với 04 tổ chức khai thác khoáng sản vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác khoáng sản với tổng số tiền 315 triệu đồng.

Bên cạnh đó, lực lượng công an tỉnh đã phát hiện, xử lý tổng số: 213 vụ, 259 cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính, 02 vụ xử lý hình sự, khởi tố 04 đối tượng trên lĩnh vực khoáng sản. Cụ thể: tổng số vụ việc phát hiện bao gồm: 115 vụ cát, 12 vụ đá, 85 vụ đất, 01 vụ về tập kết bến bãi kinh doanh khoáng sản với số tiền phạt: 1,91 tỷ đồng.

- Trong năm 2021: Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức kiểm tra việc triển khai lắp bảng thông báo khu vực hoạt động khai thác cát, lắp đặt định vị cho phương tiện khai thác vận chuyển cát, đối với các đơn vị hoạt động khai thác cát trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản đối với 04 đơn vị hoạt động khai thác khoáng sản với số tiền 2.010.000.000 đồng.

Ngoài ra trên địa bàn các huyện: UBND huyện M’Drắk đã tổ chức kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về hoạt động khoáng sản; tổ chức kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản trái phép (đất, đá, cát, vàng...); xử phạt vi phạm hành chính về khai thác trái phép 05 đối tượng với số tiền xử phạt là 20,5 triệu đồng. Trên địa bàn huyện Krông Ana năm 2021 đã xử lý 15 vụ việc, tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính là 40 triệu đồng (Trong đó: Xã Ea Bông 07 vụ, xử phạt 16 triệu đồng; xã Quảng Điền 02 vụ, xử phạt 06 triệu đồng; xã Bình Hòa 02 vụ, xử phạt 04 triệu đồng; thị trấn Buôn Trấp 04 vụ, xử phạt 14 triệu đồng). Trên địa bàn huyện Krông Bông năm 2021 phát hiện và xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động khoáng sản đối với 09 trường hợp, nộp ngân sách nhà nước số tiền 24,85 triệu đồng.

- Trong năm 2022: Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức kiểm tra và ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản đối với 11 đơn vị hoạt động khai thác khoáng sản với số tiền 1.965.000.000 đồng. Ngoài ra, Công an tỉnh Đắk Lắk đã phát hiện 123 vụ việc, với tổng số tiền phạt: 288.377.000 đồng. Tịch thu 38,26 m³ cát và nộp số tiền là 45.080.000 đồng vào ngân sách nhà nước.

- Trong năm 2023: Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức kiểm tra và tham mưu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản đối với 06 đơn vị hoạt động khai thác khoáng sản với số tiền 620.000.000 đồng. Ngoài ra, Công an tỉnh Đắk Lắk đã phát hiện nhiều vụ việc, với tổng số tiền phạt: 3.643.169.000 đồng và một số vụ việc vi phạm về thăm dò, khai thác tài nguyên đã được khởi tố theo quy định.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động khoáng sản vẫn còn một số hạn chế: Công tác phối hợp thực hiện giữa các cơ quan có lúc chưa đồng bộ, vẫn chủ yếu mang tính chất ngành nào quản lý, ngành đó sẽ kiểm tra theo lĩnh vực, do vậy hiệu lực, hiệu quả các đợt thanh tra, kiểm tra đôi khi chưa đem lại kết quả cao. Cụ thể các cơ quan chức năng chưa xử lý nghiêm đối với các tàu thuyền khai thác vận chuyển cát trên sông không gắn bảng hiệu, bảng tên; vi phạm về thời gian khai thác, vận chuyển cát trên sông theo cam kết đã ký (không khai thác, vận chuyển cát vào ban đêm); khai thác cát gây sạt lở bờ sông; giải tỏa các đơn vị sử dụng đất nông nghiệp để làm bãi tập kết cát; giải tỏa các bãi tập kết cát thuộc chỉ giới hành lang an toàn cầu, chưa có biện pháp phối hợp tốt trong việc kiểm soát sản lượng khai thác thực tế.

10. Tình hình quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác

Trên cơ sở quy định của Luật Khoáng sản năm 2010, Nghị định số 158/2016 /NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản, UBND tỉnh đã ban hành Phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác tại quyết định số 381/QĐ-UBND ngày 22/02/2019, điều chỉnh, bổ sung tại Quyết định số 1602/QĐ-UBND ngày 21/7/2022. Trong đó quy định rõ trách nhiệm của các sở, ngành, chính quyền địa phương các cấp.

Nhìn chung, công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh đã được triển khai đảm bảo theo văn bản chỉ đạo của Trung ương sát với tình hình, điều kiện thực tế của tỉnh. UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý hoạt động khoáng sản, thực hiện các biện pháp bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, ngăn chặn, giải tỏa hoạt động khoáng sản trái phép, thanh tra, kiểm tra hoạt động khoáng sản; xử lý nghiêm theo thẩm quyền và quy định của pháp luật đối với các hành vi khai thác, buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ khoáng sản trái phép trên địa bàn. Chủ tịch UBND cấp huyện phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép kéo dài trên địa bàn quản lý.

Thường xuyên trao đổi các thông tin liên quan đến công tác quản lý nhà nước về hoạt động khoáng sản tại khu vực giáp ranh giữa tỉnh Đắk Lắk với tỉnh Đắk Nông; giữa tỉnh Đắk Lắk với tỉnh Lâm Đồng nhằm thực hiện tốt quy chế phối hợp bảo vệ khoáng sản khu vực giáp ranh đã ký kết.

11. Tồn tại, hạn chế và nguyên nhân

a) Những tồn tại, hạn chế.

Hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, lợi dụng việc san gạt, cải tạo mặt bằng để khai thác, vận chuyển, sử dụng khoáng sản; mua bán, tàng trữ vận chuyển khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp vẫn còn xảy ra nhưng chưa kịp thời phát hiện, ngăn chặn gây dư luận không tốt trong nhân dân; Việc chấp hành pháp luật của các đơn vị được cấp phép hoạt động khoáng sản chưa thực hiện kịp thời, đầy đủ theo quy định.

Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ khoáng sản chưa khai thác đã được các ngành, các cấp thực hiện, tuy nhiên chưa đi vào chiều sâu và chưa được duy trì thường xuyên, chủ yếu tập trung vào đối tượng là cán bộ quản lý, các tổ chức hoạt động khoáng sản, chưa tuyên truyền sâu rộng đến mọi người dân.

Một số cấp ủy, chính quyền địa phương cấp xã chưa chủ động phát hiện và ngăn chặn kịp thời hoạt động khai thác khoáng sản trái phép. Công tác kiểm tra, xử lý các hành vi khai thác khoáng sản trái phép hiệu quả chưa cao. Hoạt động khai thác khoáng sản trái phép vẫn còn diễn ra ở nhiều địa phương nhất là khai thác cát lòng sông và đất san lấp, đặc biệt ở những nơi thưa thớt dân cư, ít người qua lại, trong đất rẫy của bà con nhân dân.

Một số điểm nóng về tình trạng khai thác khoáng sản trái phép:

- Cát xây dựng: Khu vực sông Krông Pắc đoạn qua địa bàn các xã Ea Ô, Ea Păl, và sông Krông Năng đoạn qua địa bàn các xã Ea Sar, Ea Sô; các xã Ea M’doal và Cư Prao huyện M’Drắk; xã Khuê Ngọc Điền, Cư Kty, Hòa Phong, Hòa Lễ huyện Krông Bông; xã Cư Kbang huyện Ea Súp; xã Ea H’leo huyện Ea H’leo.

- Sét sản xuất gạch: Thị trấn Buôn Trấp, xã Ea Bông huyện Krông Ana; xã Ea Yiêng, Ea Uy, Vụ Bổn huyện Krông Pắc.

- Đất san lấp: Xã Ea Tu, Cư Êbur, Hòa Khánh, Hòa Phú thành phố Buôn Ma Thuột; xã Cư Êlang, Ea Ô, thị trấn Ea Knốp huyện Ea Kar; xã Ea Bar, Krông Na, Ea Wer, Ea Huar huyện Buôn Đôn; xã Ea Rốk, Ia Jlơi, Ia Rvê, Cư K’bang huyện Ea Súp.

- Đá Granit, bazan làm đá chẻ: Xã Yang Reh, Hòa Sơn, thị trấn Krông Kmar huyện Krông Bông; thị trấn M’Drắk huyện M’Drắk; xã Hòa Phú, Hòa Khánh thành phố Buôn Ma Thuột.

- Vàng: Xã Cư Yang huyện Ea Kar; xã Ea M’doal, Krông Á, Cư Króa huyện M’Đrắk.

b) Nguyên nhân.

- Nguyên nhân khách quan: Việc áp dụng các quy định của pháp luật về quản lý bảo vệ khoáng sản liên quan đến nhiều Luật (đất đai, khoáng sản, môi trường, đầu tư, xây dựng…), các quy định tại các Luật còn chồng chéo, thường xuyên thay đổi, điều chỉnh, bổ sung. Trong khi Luật Khoáng sản năm 2010 chưa được sửa đổi thay thế gây khó khăn trong công tác quản lý, hướng dẫn triển khai đồng bộ giữa các luật có liên quan. Nhu cầu về vật liệu xây dựng thời gian qua tăng mạnh do trên địa bàn tỉnh nhiều công trình dự án quy mô lớn cùng triển khai đồng thời (cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma thuột, dự án đường Đông Trường Sơn, dự án đường tránh Đông thành phố Buôn Ma Thuột…). Lợi nhuận từ khai thác khoáng sản trái phép lớn (do không thực hiện nghĩa vụ tài chính, thiết bị khai thác đơn giản)

- Nguyên nhân chủ quan: Công tác phối hợp để giám sát, kiểm tra xử lý vi phạm của các Sở, ngành, các cấp chính quyền địa phương còn hạn chế; chưa thực hiện đồng bộ các giải pháp trong công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác. Lực lượng quản lý mỏng, thiếu trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác.

Ý thức chấp hành pháp luật của một số tổ chức, cá nhân còn hạn chế, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt đồng bào dân tộc, thuộc địa bàn các xã vùng sâu, vùng xa; địa bàn quản lý rộng, một số loại khoáng sản nằm lộ thiên, phân bố không tập trung dễ khai thác, không đòi hỏi máy móc thiết bị phức tạp; công tác phối hợp, trao đổi thông tin liên quan đến công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, ngăn chặn hoạt động khoáng sản trái phép giữa các địa phương giáp ranh trên địa bàn tỉnh còn hạn chế.

Một số cấp ủy chính quyền địa phương, nhất là chính quyền cấp xã chưa thực sự quan tâm trong công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác. Chưa xây dựng quy chế phối hợp bảo vệ khoáng sản khu vực giáp ranh với các địa phương lân cận.

Trình tự, thủ tục cấp phép hoạt động khoáng sản phức tạp, kéo dài (Mỏ đất cũng như mỏ Vàng) nên chưa thu hút được tổ chức, cá nhân tham gia. Nhất là đối với đất san lấp, nhu cầu là rất lớn trong khi trữ lượng được cấp phép khai thác chưa đáp ứng được nên phát sinh tình trạng khai thác trái phép.

IV. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Đối tượng cần bảo vệ

Đối tượng cần bảo vệ trong Phương án này là khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh bao gồm: khoáng sản ở trong và ngoài khu vực đã được cấp Giấy phép thăm dò, Giấy phép khai thác; khoáng sản khác được phát hiện trong ranh giới khu vực đã được cấp Giấy phép thăm dò, khai thác nhưng chưa được cơ quan thẩm quyền cho phép khai thác, hoặc khoáng sản đi kèm đã được cơ quan thẩm quyền cho phép thu hồi nhưng chưa thu hồi được, khoáng sản chưa khai thác trong diện tích đất đang sử dụng, khoáng sản tại khu vực đã được quy hoạch xây dựng công trình, kể cả khoáng sản ở bãi thải của mỏ đã đóng cửa mỏ; khoáng sản tại các khu vực nêu tại mục 4,5,6,7 và 8 phần III phương án này; khoáng sản đã được điều tra phát hiện; khoáng sản tại các khu vực, vị trí có tiềm năng khoáng sản có thể khai thác nhưng chưa được điều tra, quy hoạch cần được quản lý, bảo vệ nghiêm ngặt.

2. Các giải pháp để bảo vệ khoáng sản chưa khai thác

- Ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành pháp luật về khoáng sản theo thẩm quyền đảm bảo kịp thời, nội dung phù hợp với quy định pháp luật và yêu cầu thực tiễn.

- Thường xuyên thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về khoáng sản, bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác. Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, tổ chức phổ biến sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân.

- Tổ chức, chỉ đạo phối hợp kịp thời, chặt chẽ, có hiệu quả các lực lượng trên địa bàn để thường xuyên kiểm tra; chủ động ngăn chặn, xử lý, giải tỏa kịp thời theo quy định của pháp luật đối với hoạt động khoáng sản trái phép và các hành vi bao che của cán bộ, công chức đối với vi phạm liên quan đến hoạt động khoáng sản trái phép. Kiên quyết xử lý nghiêm người đứng đầu chính quyền địa phương các cấp nếu để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép tái diễn trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý.

- Định kỳ 1 năm/lần tổ chức lập, bổ sung kế hoạch, phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện ở từng địa phương và trên địa bàn toàn tỉnh, rút ra bài học kinh nghiệm, phổ biến cách làm hiệu quả, phù hợp với từng địa phương, cơ quan, đơn vị.

- Công khai rộng rãi các quy hoạch khoáng sản được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản, khu vực được cấp phép hoạt động khoáng sản đến toàn thể nhân dân để tham gia giám sát, tố giác các hành vi vi phạm trong hoạt động khoáng sản.

V. TRÁCH NHIỆM PHỐI HỢP BẢO VỆ KHOÁNG SẢN CHƯA KHAI THÁC VỚI ĐỊA PHƯƠNG LIÊN QUAN Ở KHU VỰC GIÁP RANH

1. Chính quyền địa phương cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh Đắk Lắk; các địa phương giáp ranh giữa các huyện trong và ngoài tỉnh, giữa các xã trong và ngoài huyện phải có trách nhiệm phối hợp, cung cấp thông tin trong trường hợp phát hiện hoạt động khoáng sản trái phép; phối hợp, tổ chức lực lượng trong công tác ngăn chặn hoạt động khoáng sản trái phép khi có đề nghị của địa phương giáp ranh.

2. UBND cấp huyện triển khai bảo vệ khoáng sản chưa khai thác theo quy định tại phương án này và Kế hoạch bảo vệ khoáng sản chưa khai thác theo địa giới hành chính trên địa bàn các huyện; xây dựng chương trình phối hợp trong công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác với các địa phương liên quan ở khu vực giáp ranh, trong đó quy định rõ cách thức phối hợp, cơ quan thường trực là đầu mối chịu trách nhiệm liên hệ, cung cấp thông tin trong công tác phối hợp; triển khai cụ thể chương trình phối hợp tới UBND cấp xã; hàng năm kiểm tra, cập nhật thông tin, rà soát để điều chỉnh, bổ sung Kế hoạch bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn, gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, báo cáo, đề xuất UBND tỉnh bổ sung, điều chỉnh Phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn toàn tỉnh phù hợp với thực tế.

3. Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan thường trực tham mưu cho UBND tỉnh các vấn đề liên quan đến cung cấp thông tin và phối hợp trong công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác với các cơ quan đồng cấp của tỉnh giáp ranh.

VI. TRÁCH NHIỆM THỰC HIỆN PHƯƠNG ÁN

1. Sở Tài nguyên và Môi trường

a) Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và UBND cấp huyện tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành pháp luật về khoáng sản theo thẩm quyền đảm bảo kịp thời, nội dung phù hợp với quy định pháp luật và yêu cầu thực tiễn; xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về khoáng sản, bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh.

b) Hàng năm kiểm tra, rà soát, cập nhật thông tin để điều chỉnh Phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh; thực hiện thanh tra, kiểm tra công tác quản lý nhà nước về khoáng sản của UBND cấp huyện; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật trong hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh; kiên quyết xử lý nghiêm hoặc kiến nghị xử lý đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm.

c) Tham mưu UBND tỉnh giải quyết các nội dung liên quan đến công tác cấp phép hoạt động khoáng sản, quản lý hoạt động khoáng sản; giải quyết các khó khăn, vướng mắc của tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản; kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi các bất cập trong quy định của pháp luật về khoáng sản.

d) Tăng cường thanh tra, kiểm tra các tổ chức, cá nhân được cơ quan có nhà nước có thẩm quyền cấp phép hoạt động khoáng sản về trách nhiệm bảo vệ khoáng sản tại khu vực được cấp phép, việc chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường khu vực khai thác nhất là đối với hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông.

đ) Tiến hành thanh tra, kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm hoặc theo đơn, thư phản ánh của các tổ chức cá nhân hoặc có sự chỉ đạo của cơ quan Nhà nước cấp trên trong trường hợp cần thiết.

e) Tham mưu, đề xuất UBND tỉnh về các biện pháp bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; phối hợp với Công an tỉnh, các sở, ngành liên quan và UBND cấp huyện trong công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, ngăn chặn hoạt động khoáng sản trái phép.

2. Sở Công Thương

a) Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về thủy điện, công trình năng lượng, dầu khí. Chỉ đạo các đơn vị quản lý, vận hành các công trình nêu trên thực hiện công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trong phạm vi công trình. Khi phát hiện có hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trong phạm vi bảo vệ các công trình này phải ngăn chặn, thông báo và phối hợp với cơ quan chức năng, chính quyền địa phương để kịp thời xử lý.

b) Quản lý hoạt động vật liệu nổ công nghiệp trong hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản nhằm ngăn chặn lợi dụng sử dụng vật liệu nổ công nghiệp để khai thác khoáng sản trái phép.

3. Sở Xây dựng

Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các sở ngành, đơn vị liên quan trong thực hiện thủ tục đăng ký khai thác, thu hồi khoáng sản trong diện tích dự án công trình xây dựng theo quy định của pháp luật. Chỉ đạo các chủ đầu tư, nhà thầu thực hiện nghiêm túc công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác. Khi phát hiện có hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trong phạm vi dự án được giao quản lý phải ngăn chặn và thông báo, phối hợp với cơ quan chức năng để kịp thời xử lý.

4. Sở Giao thông vận tải

a) Chủ trì, phối hợp Công an tỉnh trong việc quản lý các phương tiện khai thác cát trên sông theo quy định của pháp luật (đăng ký, đăng kiểm phương tiện khai thác, vận chuyển trên sông).

b) Thường xuyên kiểm tra nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời và phối hợp với cơ quan chức năng trong việc xử lý hoạt động khai thác khoáng sản trái phép làm ảnh hưởng đến kết cấu hạ tầng đường bộ trên các tuyến đường được giao quản lý.

5. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Chỉ đạo thực hiện công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trong phạm vi, chức năng nhiệm vụ của ngành đối với các khu vực nằm trong hành lang bảo vệ công trình thủy lợi, phòng chống thiên tai, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, khu bảo tồn. Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với các địa phương, chủ rừng thực hiện có hiệu quả công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác. Không để các tổ chức, cá nhân lợi dụng diện tích đất, rừng được giao quản lý, sử dụng để khai thác, tập kết khoáng sản trái phép; lợi dụng hoạt động cải tạo đất sản xuất nông nghiệp để khai thác khoáng sản trái phép. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý các tổ chức, cá nhân khai thác, tập kết khoáng sản gây ảnh hưởng đến rừng, đất sản xuất nông lâm nghiệp, đất nuôi trồng thủy sản, khả năng thoát lũ của sông suối, phạm vi công trình thủy lợi, đê điều để giảm nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ quét, ngập úng.

6. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về di sản văn hóa, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh. Khi phát hiện có hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trong khu vực bảo vệ phải thông báo và phối hợp với cơ quan chức năng, chính quyền địa phương để kịp thời xử lý.

7. Sở Tài chính

a) Hướng dẫn việc xây dựng dự toán kinh phí và thẩm định dự toán chi cho nhiệm vụ bảo vệ khoáng sản chưa khai thác theo quy định. Căn cứ khả năng cân đối ngân sách để tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh phân bổ nguồn kinh phí cho công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác.

b) Quyết toán dự án công trình hoàn thành theo đúng quy định của pháp luật hiện hành về công tác quyết toán dự án công trình.

8. Sở Thông tin và Truyền thông

Chỉ đạo các cơ quan báo chí tại địa phương; Trung tâm Công nghệ và Cổng thông tin điện tử tỉnh; Đài Truyền thanh và Truyền hình cấp huyện tăng cường công tác tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng để các tổ chức, cá nhân nắm rõ trách nhiệm trong công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác theo quy định của Luật Khoáng sản và theo Phương án này.

9. Công an tỉnh

a) Chỉ đạo thực hiện bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trong khu vực đất dành riêng cho an ninh, các khu vực quy hoạch đất an ninh.

b) Chủ động đấu tranh, phòng chống tội phạm và các vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động khoáng sản.

c) Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan chức năng liên quan kiểm tra các hoạt động khai thác, mua bán, vận chuyển, sử dụng khoáng sản trái phép trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là hoạt động khai thác cát trái phép trên các tuyến sông, suối.

d) Tăng cường kiểm tra, xử lý những phương tiện có cấu trúc đặc thù bơm hút cát như gắn đầu khuấy, đầu khoan; phương tiện hoạt động khai thác, vận chuyển cát không đăng ký, đăng kiểm theo quy định; việc chấp hành về thời gian hoạt động khai thác, vận chuyển cát trên sông.

đ) Chỉ đạo Công an cấp huyện phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường, UBND cấp xã tổ chức kiểm tra, xử lý hoạt động khoáng sản trái phép trên địa bàn huyện theo thẩm quyền.

e) Công khai số điện thoại đường dây nóng, bố trí lực lượng thường trực để tiếp nhận, kiểm tra, xử lý các phản ánh về hoạt động khoáng sản trái phép trên địa bàn tỉnh.

f) Phối hợp bố trí lực lượng tham gia giải tỏa, ngăn chặn hoạt động khoáng sản trái phép. Trường hợp có dấu hiệu vi phạm hình sự do khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép gây ra, tổ chức điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

10. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh

a) Chỉ đạo Ban Chỉ huy quân sự các huyện, thị xã, thành phố phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng liên quan, chính quyền địa phương trong công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn; phát hiện, đấu tranh và phối hợp với cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm hoạt động khai thác, chế biến, vận chuyển, tiêu thụ khoáng sản trái phép trong khu vực quản lý.

b) Phối hợp với cơ quan chức năng, chính quyền địa phương thực hiện công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác tại các khu vực đất quy hoạch cho mục đích quốc phòng, khu vực địa hình ưu tiên cho nhiệm vụ quốc phòng thuộc khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản. Thẩm định về mặt quốc phòng đối với hồ sơ cấp phép hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh.

c) Phối hợp trong công tác giải tỏa, xử lý các điểm nóng về hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn tỉnh khi có chỉ đạo của UBND tỉnh và đồng ý của Bộ Tư lệnh Quân khu 5.

11. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh

a) Phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn các hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản trái phép trong khu vực biên giới, hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép khoáng sản qua biên giới. Kịp thời báo cáo cơ quan chức năng về tình trạng hoạt động khoáng sản trái phép để phối hợp xử lý.

b) Tham gia thẩm định, tham mưu về chủ trương, chính sách, chương trình quy hoạch, kế hoạch các dự án thuộc diện khoáng sản chưa khai thác ở khu vực biên giới liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ giữ gìn an ninh chính trị-trật tự an toàn xã hội.

12. Cục Thuế tỉnh

a) Tăng cường công tác quản lý nguồn thu, chống thất thu trong lĩnh vực tài nguyên khoáng sản. Qua công tác quản lý thuế, trường hợp các tổ chức, cá nhân có hành vi mua, bán khoáng sản không rõ nguồn gốc; khai thác khoáng sản khi chưa đăng ký với cơ quan có thẩm quyền, thực hiện chuyển thông tin đến cơ quan chức năng để tham mưu, xử lý theo đúng thẩm quyền.

b) Chủ trì tổ chức thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra quyết toán thuế đối với hoạt động khai thác khoáng sản; Chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng nắm bắt thông tin về khu vực mỏ vật liệu cát, đá, đất,..) về diện tích, trữ lượng, công suất của các đơn vị được cấp phép khai thác phục vụ cho các Dự án, công trình để triển khai các biện pháp thu kịp thời, đúng quy định.

c) Phối hợp với các cơ quan chức năng trong công tác kiểm tra tình hình khai thác tài nguyên trên địa bàn, rà soát các thông tin về hoạt động khai thác khoáng sản của người nộp thuế để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản.

13. Cục Quản lý Thị trường Đắk Lắk

Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra, ngăn chặn việc mua bán, vận chuyển, tiêu thụ khoáng sản không có nguồn gốc; xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật.

14. UBND cấp huyện

a) Chủ động tổ chức kiểm tra, xử lý các trường hợp khai thác khoáng sản trái phép; kiểm tra, xử lý các bến bãi kinh doanh khoáng sản trái phép trên địa bàn quản lý; tạm giữ, tịch thu phương tiện, tang vật vi phạm khai thác khoáng sản trái phép theo quy định của pháp luật hiện hành. Trường hợp vụ việc vượt thẩm quyền thì báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo, xử lý theo quy định. Đối với trường hợp vi phạm nghiêm trọng như vi phạm nhiều lần không khắc phục, khai thác vào khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản hoặc có dấu hiệu vi phạm hình sự do khai thác khoáng sản trái phép gây ra thì chuyển cơ quan điều tra xử lý theo quy định của pháp luật.

b) Tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoáng sản và các quy định của tỉnh đến các tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản và nhân dân trên địa bàn.

c) Chỉ đạo UBND cấp xã thực hiện các biện pháp bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; huy động và chỉ đạo các lực lượng phối hợp để giải tỏa, ngăn chặn hoạt động khoáng sản trái phép trên địa bàn.

d) Chỉ đạo Công an huyện, Phòng Tài nguyên và Môi trường, các phòng, ban có liên quan của huyện phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, xử lý và ngăn chặn hoạt động khoáng sản trái phép trên địa bàn quản lý.

đ) Hàng năm, xây dựng kế hoạch, bố trí kinh phí để thực hiện công tác kiểm tra, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác theo quy định tại Điều 20 Luật Khoáng sản năm 2010; phân bổ kinh phí hàng năm cho UBND cấp xã để thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác.

e) Chủ tịch UBND cấp huyện chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, hoạt động khoáng sản trái phép trên địa bàn. Trường hợp, nếu để xảy ra hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn quản lý kéo dài quá 03 tháng sẽ bị xem xét, xử lý trách nhiệm theo quy định.

15. UBND cấp xã

a) Chịu trách nhiệm chính trong công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác thuộc địa phương quản lý.

b) Tổ chức lực lượng, chủ động trong công tác kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời hoạt động khai thác khoáng sản trái phép; khi phát hiện hoạt động khoáng sản trái phép thì tạm giữ phương tiện, tang vật, xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo UBND cấp huyện để chỉ đạo, xử lý theo quy định.

c) Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoáng sản và các quy định của tỉnh đến các thôn xóm, nhân dân địa phương, vận động nhân dân địa phương không khai thác, tàng trữ, vận chuyển khoáng sản trái phép, phát hiện và tố giác tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản trái phép.

d) Hàng năm xây dựng kế hoạch, dự toán kinh phí tổ chức kiểm tra, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn xã.

đ) Chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm cử lực lượng tham gia cùng các cơ quan có liên quan trong công tác kiểm tra hoạt động khoáng sản trái phép; chịu trách nhiệm giữ phương tiện, tang vật vi phạm trong hoạt động khoáng sản khi được bàn giao.

e) Chủ tịch UBND cấp xã chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND cấp huyện về bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, hoạt động khoáng sản trái phép trên địa bàn quản lý.

f) Định kỳ 6 tháng báo cáo tình hình bảo vệ khoáng sản chưa khai thác tại địa phương cho Ủy ban nhân dân cấp huyện.

16. Trưởng thôn, buôn, khu dân cư

a) Tuyên truyền, vận động nhân dân cùng tham gia giám sát, kịp thời phản ánh các hành vi vi phạm, bao che trong việc quản lý, khai thác, chế biến, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, tập kết khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp trên địa bàn.

b) Tích cực giám sát, cung cấp thông tin, báo cáo UBND cấp xã những hành vi vi phạm trong việc quản lý, khai thác khoáng sản để thực hiện các biện pháp ngăn chặn kịp thời hoạt động khoáng sản trái phép.

17. Các tổ chức, cá nhân được cấp Giấy phép thăm dò khoáng sản, Giấy phép khai thác khoáng sản

a) Bảo vệ khoáng sản trong diện tích được cấp Giấy phép thăm dò khoáng sản, Giấy phép khai thác khoáng sản theo quy định; thu hồi tối đa các loại khoáng sản được phép khai thác; nếu phát hiện khoáng sản mới phải báo cáo ngay cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy phép.

b) Cắm mốc các điểm khép góc khu vực hoạt động khoáng sản theo tọa độ ghi trong Giấy phép. Tổ chức quản lý, bảo vệ khu vực được cấp phép, không để xảy ra hoạt động khoáng sản trái phép trong khu vực được phép hoạt động khoáng sản. Khi phát hiện có hoạt động khoáng sản trái phép ở ngoài ranh giới khu vực được phép hoạt động khoáng sản phải báo cáo ngay cho cấp có thẩm quyền để xử lý theo quy định.

c) Tổ chức, cá nhân được phép khai thác khoáng sản có trách nhiệm lưu giữ, bảo vệ khoáng sản đã khai thác nhưng chưa sử dụng; khoáng sản tại bãi thải hoặc khoáng sản đi kèm nhưng chưa thu hồi trong quá trình khai thác.

d) Trước khi khai thác khoáng sản đi kèm quy định tại khoản 2 Điều 2 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP , tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải gửi thông báo bằng văn bản đến cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về khoáng sản để xem xét, quyết định.

đ) Tuân thủ các quy định của pháp luật có liên quan trong quá trình hoạt động khoáng sản, bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn khu vực khai thác, thực hiện trách nhiệm với địa phương, người dân nơi có hoạt động khai thác khoáng sản quy định tại Khoản 2 Điều 5 Luật Khoáng sản.

18. Trách nhiệm phối hợp trong việc cung cấp, xử lý thông tin và giải tỏa hoạt động khai thác khoáng sản trái phép

a) Sở Tài nguyên và Môi trường cung cấp thông tin, số liệu liên quan về hoạt động khoáng sản cho các sở, ngành, UBND cấp huyện theo quy định của pháp luật; chịu trách nhiệm phối hợp với các sở, ngành, UBND cấp huyện tham mưu cho UBND tỉnh giải quyết các nội dung liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác.

b) Các sở ngành, đơn vị khi phát hiện có hoạt động khoáng sản trái phép trong khu vực được giao quản lý bảo vệ phải kịp thời ngăn chặn, xử lý giải tỏa theo quy định của pháp luật; đồng thời thông báo cho UBND cấp xã nơi xảy ra hoạt động khoáng sản trái phép được biết và phối hợp. Tích cực phối hợp với các đơn vị chức năng trong kiểm tra, xử lý vi phạm.

c) Khi phát hiện hành vi hoạt động khoáng sản trái phép xảy ra trên địa bàn, UBND xã, phường, thị trấn phải chỉ đạo lực lượng chức năng đến hiện trường kiểm tra cụ thể, ngăn chặn kịp thời. Báo cáo, đề xuất UBND cấp huyện các biện pháp xử lý.

d) Khi nhận được thông tin từ UBND cấp xã, UBND cấp huyện phải chỉ đạo và cử lực lượng chức năng phối hợp với UBND cấp xã thực hiện các biện pháp ngăn chặn, xử lý theo đúng thẩm quyền, trách nhiệm được giao. Báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường.

VII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Yêu cầu Thủ trưởng các sở, ngành, đơn vị liên quan; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; các tổ chức, cá nhân được cấp Giấy phép thăm dò khoáng sản, Giấy phép khai thác khoáng sản, và các tổ chức, cá nhân có liên quan tổ chức thực hiện nghiêm túc Phương án này.

2. UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện Phương án này; định kỳ trước ngày 15 tháng 12 hàng năm, báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh thông qua Sở Tài nguyên và Môi trường.

3. Nguồn kinh phí thực hiện công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác từ nguồn ngân sách nhà nước, được bố trí từ nguồn thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo phân cấp ngân sách hiện hành và quy định của Luật Ngân sách. Hàng năm (cùng thời điểm xây dựng dự toán ngân sách nhà nước) các sở, ban, ngành, địa phương xây dựng dự toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ bảo vệ khoáng sản chưa khai thác theo quy định hiện hành gửi Sở Tài chính thẩm định, trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt theo quy định.

4. Giao Sở Tài nguyên và Môi trường làm đầu mối, thường xuyên theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện Phương án này, tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện của năm; định kỳ hằng năm tổ chức sơ kết, ba năm một lần tổ chức tổng kết, rút kinh nghiệm trong công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn./.

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 2700/QĐ-UBND ngày 25/10/2024 về Phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


261

DMCA.com Protection Status
IP: 3.15.14.245
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!