Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 137/2008/QĐ-TTg Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ Người ký: Hoàng Trung Hải
Ngày ban hành: 10/10/2008 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 137/2008/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 10 tháng 10 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT “ĐỀ ÁN TỔNG THỂ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG ĐẢO PHÚ QUỐC ĐẾN NĂM 2010 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020”

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Căn cứ Quyết định số 178/2004/QĐ-TTg ngày 05 tháng 10 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án phát triển tổng thể đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020”;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt “Đề án tổng thể bảo vệ môi trường đảo Phú Quốc đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020” (sau đây gọi tắt là Đề án) với những nội dung chủ yếu sau đây:

I. QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO:

1. Bảo vệ môi trường đảo Phú Quốc (sau đây gọi tắt là Đảo) được tiến hành trên nguyên tắc phát triển bền vững, quản lý tổng hợp và liên ngành, kết hợp giữa quản lý nhà nước với nâng cao ý thức, trách nhiệm và sự tham gia của cộng đồng.

2. Nội dung, nhiệm vụ và các yêu cầu bảo vệ môi trường của Đề án phải được lồng ghép chặt chẽ, hài hòa vào các quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội của Đảo.

3. Công tác bảo vệ môi trường trên Đảo phải được tiến hành, thực hiện thường xuyên, lâu dài, dựa trên nguyên tắc phòng ngừa là chính, kết hợp với kiểm soát ô nhiễm, khắc phục suy thoái và coi trọng việc ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến vào bảo vệ môi trường.

4. Hạn chế đến mức thấp nhất sự xâm hại của các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội đến môi trường tự nhiên của Đảo; không làm suy giảm diện tích rừng, chất lượng nước, chất lượng không khí, chất lượng nước biển ven bờ. Phát triển sản xuất công, nông, lâm, ngư nghiệp và dịch vụ trên Đảo phải bảo đảm là nền sản xuất sạch, thân thiện với môi trường, không hoặc ít gây ô nhiễm. Tất cả chất thải của quá trình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và sinh hoạt đều phải được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia trước khi thải ra môi trường xung quanh.

5. Xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường của huyện Đảo, phát huy tối đa nguồn lực của các cấp, các ngành, các tổ chức quần chúng, đoàn thể, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư, người dân và toàn xã hội; kết hợp giữa phát huy nội lực với tăng cường hợp tác quốc tế.

II. MỤC TIÊU:

A. MỤC TIÊU CHUNG:

Bảo tồn và bảo vệ các thành phần môi trường, cảnh quan thiên nhiên đảo Phú Quốc, phục vụ phát triển bền vững kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng Đảo thành một trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng, giao thương quốc tế lớn, hiện đại của vùng đồng bằng sông Cửu Long và từng bước hình thành một trung tâm du lịch, giao thương mang tầm cỡ khu vực và quốc tế.

B. MỤC TIÊU CỤ THỂ CHO TỪNG GIAI ĐOẠN:

1. Giai đoạn 2008 - 2010:

a) Tăng cường năng lực, thể chế, chính sách:

- Các quy hoạch chuyên ngành về bảo vệ môi trường của Đảo như: quy hoạch hệ thống thoát nước, xử lý nước thải, quản lý chất thải rắn; quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học; quy hoạch mạng lưới quan trắc và giám sát môi trường được xây dựng, thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện;

- Các quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội của Đảo được lập, thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện mới hoặc phê duyệt điều chỉnh phải lồng ghép chặt chẽ, hài hòa vấn đề bảo vệ môi trường, bảo đảm nguyên tắc phát triển bền vững huyện Đảo;

- Hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật môi trường của Đảo được ban hành đầy đủ theo hướng quy định chặt chẽ hơn so với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia.

b) Hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm:

- 100% các dự án ưu tiên, mô hình trọng điểm về bảo vệ môi trường được lập, thẩm định, phê duyệt và bố trí kinh phí đầy đủ để triển khai, thực hiện đạt hiệu quả, đúng tiến độ;

- 100% các dự án đầu tư phát triển phải được đánh giá tác động môi trường, lập cam kết bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật;

- 100% các cơ sở sản xuất mới xây dựng phải áp dụng công nghệ sạch, thân thiện với môi trường hoặc được trang bị các thiết bị giảm thiểu ô nhiễm, xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn môi trường;

- 70% hộ gia đình tại các khu đô thị, khu dân cư; 100% doanh nghiệp có dụng cụ phân loại rác thải tại nguồn; 100% khu vực công cộng có thùng đựng rác thải;

- 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh có sản phẩm xuất khẩu áp dụng hệ thống quản lý môi trường theo tiêu chuẩn ISO 14001;

- Tỷ lệ sử dụng năng lượng sạch (thủy điện, gió, mặt trời, sinh học,...) đạt từ 10% đến 20% tổng năng lượng tiêu thụ hàng năm trên toàn đảo.

c) Cải thiện chất lượng môi trường:

- Đoạn sông Dương Đông chảy qua thị trấn Dương Đông được cải tạo, khắc phục ô nhiễm môi trường;

- 100% người dân được cung cấp và sử dụng nước sạch;

- Các hoạt động xâm hại tới Vườn quốc gia và Khu bảo tồn biển Phú Quốc được ngăn chặn;

- 01 nhà máy xử lý chất thải rắn công suất 200 tấn/ngày đạt tiêu chuẩn môi trường được xây dựng và đi vào hoạt động.

2. Giai đoạn 2011 - 2020:

a) Tăng cường năng lực, thể chế, chính sách:

- Ban hành các văn bản cụ thể hóa các quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường có tính chất đặc thù, ưu đãi để áp dụng cho huyện đảo Phú Quốc;

- Đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật; tăng cường cán bộ chuyên môn, cán bộ quản lý về bảo vệ môi trường, lực lượng cảnh sát môi trường và kinh phí cho địa phương, bảo đảm tính hiệu lực và hiệu quả trong việc thực thi công tác bảo vệ môi trường tại huyện đảo Phú Quốc.

b) Hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm:

- 100% chất thải rắn sinh hoạt, công nghiệp, dịch vụ và bệnh viện được thu gom và xử lý theo đúng quy định;

- Thị trấn An Thới và thị trấn Dương Đông có hệ thống thu gom nước mưa và hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường;

- 100% lượng nước thải được thu gom và xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia trước khi thải ra môi trường;

- 100% hộ gia đình có dụng cụ phân loại rác thải tại nguồn.

c) Cải thiện chất lượng môi trường:

- 100% khu vực bị ô nhiễm môi trường nghiêm trọng (các điểm ô nhiễm nước thải, chất thải rắn, bụi, mùi xú uế độc hại cục bộ hiện nay) được khắc phục, xử lý;

- Độ che phủ rừng đạt tỷ lệ trên 75%;

- Diện tích mặt bằng phong phú về đa dạng sinh học của Vườn quốc gia và Khu dự trữ sinh quyển đảo Phú Quốc được bảo tồn theo đúng quy hoạch.

III. PHẠM VI CỦA ĐỀ ÁN:

1. Phạm vi không gian: toàn bộ phần đất liền và vùng biển ven bờ của huyện đảo Phú Quốc, bao gồm 08 xã, thị trấn và quần đảo Nam An Thới.

2. Phạm vi thời gian: triển khai, thực hiện từ năm 2008 đến năm 2020.

IV. CÁC NHIỆM VỤ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG ĐẢO PHÚ QUỐC:

1. Ban hành các văn bản cụ thể hóa các quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường có tính chất đặc thù, ưu đãi để áp dụng cho huyện đảo Phú Quốc:

a) Xây dựng và ban hành quy chế bảo vệ môi trường đảo Phú Quốc nhằm cụ thể hoá các quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường đối với huyện Đảo, tạo hành lang pháp lý cho công tác quản lý, cơ chế phối hợp liên ngành, công tác bảo tồn và bảo vệ đa dạng sinh học, phòng ngừa và khắc phục ô nhiễm, suy thoái môi trường góp phần thực hiện thành công các nội dung, nhiệm vụ của Đề án;

b) Thể chế hóa các cơ chế đặc thù, chính sách ưu đãi đối với hoạt động bảo vệ môi trường trên Đảo; xây dựng và áp dụng thí điểm một số cơ chế, chính sách mới, đặc thù trong lĩnh vực bảo vệ tài nguyên và môi trường, như chi trả dịch vụ môi trường, du lịch sinh thái, thu phí đối với các tiện ích công cộng về bảo vệ môi trường trên Đảo;

c) Ban hành một số quy định về hạn chế đầu tư hoặc cấm đầu tư đối với một số lĩnh vực, loại hình sản xuất không thân thiện với môi trường, huỷ hoại các nguồn tài nguyên thiên nhiên như: khai thác, đánh bắt các nguồn tài nguyên sinh vật bằng phương tiện, công cụ, phương pháp huỷ diệt, không đúng thời vụ và sản lượng; khai thác, kinh doanh, tiêu thụ, sử dụng các loài thực vật, động vật hoang dã; những lĩnh vực và loại hình sản xuất, kinh doanh sản phẩm gây nguy hại cho con người, sinh vật và hệ sinh thái; sản xuất, sử dụng nguyên liệu, vật liệu xây dựng chứa yếu tố độc hại vượt quá tiêu chuẩn cho phép;

d) Xây dựng và ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật môi trường đặc thù cho huyện Đảo.

2. Đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật; tăng cường cán bộ chuyên môn, cán bộ quản lý về bảo vệ môi trường, lực lượng cảnh sát môi trường và kinh phí cho hoạt động bảo vệ môi trường của huyện Đảo Phú Quốc:

a) Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tài nguyên và Môi trường tăng cường đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật cho các cơ quan, đơn vị làm công tác bảo vệ môi trường; bố trí bổ sung, tăng cường cán bộ chuyên môn, cán bộ quản lý về bảo vệ môi trường và lực lượng cảnh sát môi trường, đồng thời tăng thêm kinh phí cho Ủy ban nhân dân huyện đảo Phú Quốc (Phòng Tài nguyên và Môi trường, Công an huyện,...) để triển khai, thực hiện có hiệu quả các nội dung, nhiệm vụ bảo vệ môi trường của Đề án, cũng như đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra và đấu tranh, phòng, chống tội phạm về môi trường, các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường diễn ra trên huyện Đảo;

b) Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang căn cứ vào thẩm quyền, các quy định hiện hành của pháp luật và tình hình cụ thể của địa phương bố trí tăng cường cán bộ, bổ sung kinh phí chi trả cho công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường của các xã trên Đảo trong quá trình triển khai, thực hiện các nội dung, nhiệm vụ của Đề án;

c) Triển khai mô hình doanh nghiệp hoạt động phục vụ mục đích công ích về dịch vụ kỹ thuật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

3. Xây dựng, ban hành các quy hoạch chuyên ngành về bảo vệ môi trường:

a) Xây dựng, thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện quy hoạch hệ thống thoát nước, xử lý nước thải, quản lý chất thải rắn trên Đảo, trong đó bao gồm các nội dung: quy hoạch xây dựng hai trạm xử lý nước thải quy mô vừa (8.000 - 10.000 m3/ngày) cho hai đô thị cũ, đô thị mới (Đường Bào, Suối Lớn) và các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; quy hoạch xây dựng hệ thống tiêu thoát nước mưa tại hai đô thị nói trên; quy hoạch xây dựng nhà máy tái chế, xử lý rác thải sinh hoạt với công suất 200 tấn/ngày tại khu vực thị trấn An Thới; quy hoạch xây dựng các mô hình hầm khí sinh học (biogas), nhà vệ sinh hợp vệ sinh đối với các hộ gia đình nông thôn nhằm khắc phục triệt để tình trạng thải trực tiếp chất thải ra sông, suối, biển, đồng thời tận dụng tối đa năng lượng sinh học đáp ứng các nhu cầu sinh hoạt trên Đảo. Trong quá trình xây dựng quy hoạch cần chú ý nước thải sau xử lý phải đạt yêu cầu tưới cây về mùa khô, đạt tiêu chuẩn khi xả ra môi trường tiếp nhận về mùa mưa. Đối với các trung tâm cấp xã, tùy thuộc mật độ dân cư, áp dụng công nghệ xử lý phân tán, tại chỗ và sử dụng lại nước thải để tưới cây;

b) Xây dựng, thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học trên Đảo, trong đó lưu ý đến việc bảo tồn Vườn Quốc gia Phú Quốc, bảo vệ Khu dự trữ sinh quyển và Khu Bảo tồn biển Phú Quốc; hạn chế việc xây dựng các công trình lớn có ảnh hưởng tiêu cực đến Vườn Quốc gia; việc xây dựng các công trình gần hoặc trong Vườn Quốc gia (sân bay, hồ chứa nước, đường giao thông, ...) phải bảo đảm hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến môi trường và hệ sinh thái Vườn Quốc gia;

Các biện pháp bảo đảm việc thực hiện quy hoạch trên bao gồm:

- Tăng cường trồng lại rừng ngập mặn, chăm sóc bảo dưỡng rừng trồng trên đất úng chua phèn, trồng loại cây chịu được úng chua như keo lá tràm. Thực hiện các giải pháp làm giàu rừng ngập mặn bằng việc đa dạng hóa các loài thực vật, động vật thuỷ sinh, các loài chim và dơi. Tăng cường các biện pháp ngăn chặn cháy rừng tại các khu rừng tràm, khu rừng có nguy cơ cháy cao; bổ sung trồng dặm, trồng bổ sung những khoảnh rừng tràm đã mất;

- Tiến hành quy hoạch khoanh vùng các rạn san hô, thảm cỏ biển, tiến tới xây dựng khu bảo tồn san hô, cỏ biển; tiến hành các biện pháp quản lý, giám sát diện tích hệ sinh thái san hô và cỏ biển; thực hiện chế độ chăm sóc, bảo dưỡng, phục hồi lại rạn san hô, thảm cỏ biển khi có sự cố xảy ra;

- Tổ chức quy hoạch các tuyến, điểm du lịch sinh thái trong phạm vi khu Vườn Quốc gia và vùng đệm. Bảo vệ nguyên trạng các hệ sinh thái rừng tự nhiên, rừng phòng hộ đầu nguồn của các hệ suối đổ ra các cụm dân cư Bãi Thơm, Cửa Cạn. Tổ chức, bổ sung và hoàn thiện hệ thống các trạm bảo vệ rừng. Hỗ trợ kỹ thuật và phương tiện cho cộng đồng dân cư trong việc bảo vệ rừng;

- Bảo vệ các hệ sinh thái rạn san hô, hệ sinh thái cỏ biển, hệ sinh thái rừng ngập mặn;

c) Xây dựng, thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện quy hoạch mạng lưới quan trắc và giám sát môi trường; theo đó đến năm 2010, sẽ tiến hành quan trắc nước mặt lục địa tại 18 điểm, nước mặt ven bờ tại 26 điểm, nước dưới đất tại 09 điểm, không khí tại 10 điểm, tiếng ồn tại 10 điểm, đất tại 16 điểm. Mở rộng số điểm quan trắc, thiết lập hệ thống quan trắc tự động nước mặt lục địa tại 03 điểm, nước biển ven bờ tại 05 điểm, không khí tại 02 điểm vào năm 2020.

4. Rà soát và nghiên cứu, điều chỉnh một số nội dung của các đề án, quy hoạch, kế hoạch phát triển đã được phê duyệt cho phù hợp với mục tiêu, nội dung và nhiệm vụ bảo vệ môi trường huyện Đảo của Đề án này:

a) Nghiên cứu, điều chỉnh Quy hoạch phát triển giao thông bền vững đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang giai đoạn đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 đã được phê duyệt theo hướng giảm quy mô xây dựng làn đường, không mở rộng những tuyến đường đi qua Vườn Quốc gia, Khu dự trữ sinh quyển (giữ nguyên hiện trạng, chỉ nâng cấp và bê tông hoá); chú trọng phát triển đường cho xe đạp và người đi bộ phù hợp với mục tiêu xây dựng Phú Quốc thành một trung tâm du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng. Tổ chức xây dựng một số đoạn đường theo phương án cầu cạn để động vật qua lại dễ dàng giữa hai phía và vùng lõi của Vườn Quốc gia Phú Quốc. Nghiên cứu, xây dựng hệ thống giao thông ô tô chạy điện, xe gas, xe đạp;

b) Nghiên cứu, điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2020 đã được phê duyệt theo hướng cân nhắc giảm số lượng sân golf đã được quy hoạch, không xây dựng sân golf tại các khu vực gần Vườn Quốc gia, Khu dự trữ sinh quyển, khu vực phía Bắc Đảo nơi có tính nhạy cảm về sinh thái; đề xuất phương án thay thế phương án xây dựng trường đua ngựa để phù hợp với mục tiêu du lịch sinh thái; quy hoạch lại mốc giới được phép xây dựng các công trình hợp lý trên bãi biển làm không gian công cộng nhằm tạo cảnh quan du lịch, tránh tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu. Điều chỉnh phương án quy hoạch hệ thống hồ chứa n­ước và bảo đảm nguồn n­ước theo hướng không xây dựng hoặc giảm quy mô xây dựng hồ chứa nước Cửa Cạn; nâng cấp và mở rộng quy mô chứa nước của hồ Dương Đông về phía hạ lưu và xây dựng nhiều đập tràn nhỏ (hồ nhỏ) phân tán ở các dòng suối của Đảo, không lấn chiếm đất rừng và làm chết các dòng suối phía dưới. Điều chỉnh ph­ương án quy hoạch trạm xử lý n­ước thải tập trung ở vịnh Đầm và tuyến cống thu gom nước thải riêng (D600 - 2000) chảy xuyên qua các đô thị và khu du lịch để đưa toàn bộ nước thải về một khu xử lý tập trung, đặc biệt lưu ý tính chất phân tán và địa hình Đảo không bằng phẳng của các khu đô thị;

c) Nghiên cứu, điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang thời kỳ 2006 - 2020 đã được phê duyệt; lập quy hoạch chi tiết phát triển du lịch đảo Phú Quốc theo hướng tập trung đầu tư, tu bổ, tôn tạo cảnh quan đối với các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử ở huyện Đảo có vai trò quan trọng đối với cộng đồng; phát triển và cải thiện môi trường các làng nghề truyền thống có vai trò lớn trong việc phát triển du lịch, tiêu biểu là các làng chài Hàm Ninh, Bãi Thơm, Rạch Tràm, Gành Dầu, Cửa Cạn, Mũi Chùa, Hòn Thơm. Tổ chức gắn nhãn sinh thái đối với các sản phẩm nổi tiếng của Phú Quốc nhằm thu hút và hấp dẫn sự quan tâm của du khách như: nước mắm Phú Quốc, hồ tiêu, rượu Sim,... góp phần xây dựng một hình ảnh riêng về du lịch Phú Quốc trong tương lai. Kết hợp bảo vệ môi trường với phát triển các mô hình du lịch sinh thái, gắn việc khuyến khích cộng đồng tham gia phát triển du lịch sinh thái, du lịch miệt vườn, du lịch làng nghề và du lịch ẩm thực với việc thực thi quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học ở huyện Đảo, đặc biệt bảo tồn các hệ sinh thái và đa dạng sinh học ở Vườn Quốc gia và đa dạng sinh học biển;

d) Nghiên cứu, điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất đảo Phú Quốc theo hướng lồng ghép với các yếu tố môi trường, quy hoạch lãnh thổ và thích ứng với biến đổi khí hậu, cụ thể: xem xét, điều chỉnh hạ thấp tỷ lệ chuyển đổi đất quy hoạch nông nghiệp và lâm nghiệp có rừng sang mục đích sử dụng khác; giảm tỷ lệ đất chưa sử dụng và tăng cường chuyển đổi mục đích sử dụng, đặc biệt phục vụ cho các hoạt động du lịch; quy hoạch các vị trí thích hợp cho xây dựng hệ thống hồ chứa nước nhỏ và trung bình phân tán; thay thế phương án quy hoạch 15 ha vùng vịnh Đầm để xây dựng khu xử lý nước thải tập trung bằng phương án xây dựng khu xử lý nước thải phân tán ở những địa điểm phù hợp;

đ) Giám sát chặt chẽ các tác động môi trường (theo kết quả đánh giá môi trường chiến lược) khi triển khai các quy hoạch. Các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, phát triển ngành đã được đánh giá môi trường chiến lược, trong quá trình triển khai cần phải theo dõi diễn biến của các tác động môi trường để nếu cần thiết có thể điều chỉnh kịp thời.

5. Phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm môi trường:

a) Thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu và kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là các nguồn thải đối với nước mặt, nước dưới đất và nước biển ven bờ. Mở rộng mạng lưới cấp nước tại các khu vực đô thị, đặc biệt tại hai thị trấn Dương Đông và An Thới. Tổ chức quy hoạch và xây dựng một số trạm cấp nước quy mô nhỏ; xây dựng hồ chứa, các bể chứa nước mưa quy mô phù hợp ngay tại các hộ gia đình, bảo đảm cung cấp đủ nước cho mùa khô. Áp dụng các phương án tái sử dụng nước, sử dụng nước tuần hoàn nhằm giảm thiểu lượng nước tiêu thụ và lượng nước thải cần phải xử lý. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng và áp dụng các phương pháp tưới tiêu tiên tiến nhằm hạn chế việc khai thác, sử dụng quá mức tài nguyên nước nội địa;

b) Kiểm soát chất lượng môi trường nước; áp dụng hệ thống quản lý môi trường theo tiêu chuẩn ISO 14001 đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; áp dụng sản xuất sạch hơn trong các xí nghiệp và cụm công nghiệp; ban hành quy chuẩn kỹ thuật môi trường đối với nước thải đô thị, các khách sạn, nhà nghỉ ven bờ biển theo hướng chặt chẽ hơn quy chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia. Kiểm soát tất cả các nguồn thải xả ra môi trường xung quanh. Hoàn thiện từng bước hệ thống tiêu thoát nước trong hai thị trấn Dương Đông, An Thới và các trung tâm xã. Phát triển, mở rộng hệ thống các nhà vệ sinh công cộng tại các chợ, bến cảng và xây dựng mô hình quản lý điển hình. Thực hiện thường xuyên việc thu gom rác thải, thực vật trôi nổi trên dòng sông, kênh rạch, mương nước và vùng biển phía Nam thị trấn An Thới. Triển khai và bảo đảm hoạt động thường xuyên của mạng lưới quan trắc môi trường nước của Đảo;

c) Nghiên cứu, áp dụng các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm trong quá trình hoạt động của Nhà máy phát điện diezen tới môi trường xung quanh. Phát triển và sử dụng nguồn năng lượng sạch. Xây dựng hệ thống thiết bị thu hút khí và lọc mùi, khử mùi trước khi thải ra ngoài. Phát triển xe ô tô điện và xe gas, xe đạp làm phư­ơng tiện giao thông chính của Đảo.

6. Đẩy mạnh chuyển giao công nghệ xử lý ô nhiễm, công nghệ sản xuất thân thiện với môi trường:

a) Ban hành cơ chế khuyến khích và chính sách ưu đãi đối với các hoạt động chuyển giao công nghệ xử lý ô nhiễm, công nghệ sản xuất thân thiện với môi trường. Phát triển hệ thống các cơ quan nghiên cứu khoa học, triển khai công nghệ về môi trường;

b) Thực hiện các chương trình, đề tài nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ xử lý ô nhiễm, công nghệ sản xuất thân thiện với môi trường, phục vụ đắc lực cho nhu cầu thực tiễn và công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trên Đảo.

7. Giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu:

a) Dựa trên các kịch bản về biến đổi khí hậu tính toán cho toàn quốc và từng vùng, dự báo tác động của biến đổi khí hậu đối với huyện Đảo. Cảnh báo các vùng bị tác động mạnh, đặc biệt là mực nước biển dâng để phục vụ cho các quy hoạch phát triển;

b) Đề xuất các phương án, giải pháp phù hợp cho các ngành nhằm giảm thiểu, thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu. Các giải pháp giảm thiểu bao gồm: giảm thiểu phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính từ các nguồn bằng các công nghệ thân thiện môi trường, đẩy mạnh trồng rừng,... Các giải pháp thích ứng trước hết là việc lồng ghép tác động của biến đổi khí hậu vào các quy hoạch phát triển, có các giải pháp bảo vệ đê, kè,... ở các khu vực nhạy cảm; cảnh báo các khu vực đất thấp, dễ bị tác động của mực nước biển dâng.

8. Tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức và trách nhiệm của cộng đồng về bảo vệ môi trường:

a) Phát động các phong trào cộng đồng dân cư tham gia bảo vệ môi trường; ban hành tiêu chí xã, phường, thị trấn, hộ gia đình đạt tiêu chuẩn xanh, sạch, đẹp và an toàn, lồng ghép với cuộc vận động xây dựng khu dân cư, gia đình văn hoá; hàng năm tiến hành xét công nhận danh hiệu và khen thưởng xã, phường, thị trấn, hộ gia đình có thành tích tốt trong công tác bảo vệ môi trường;

b) Tổ chức các đội tuyên truyền lưu động về công tác bảo vệ môi trường; đưa nội dung bảo vệ môi trường thành một trong những chương trình phát thanh thường xuyên tại các xã, phường, thị trấn; phổ cập và nâng cao hiểu biết về môi trường, cung cấp thông tin về bảo vệ môi trường cho nhân dân; cổ động liên tục cho các phong trào cộng đồng dân cư tham gia bảo vệ môi trường, nêu gương và nhân rộng các điển hình tiên tiến trong hoạt động bảo vệ môi trường.

9. Phê duyệt về nguyên tắc 16 dự án ưu tiên thuộc 3 nhóm nội dung chính (Phụ lục kèm theo) để triển khai, thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ môi trường huyện đảo Phú Quốc của Đề án.

Tổng kinh phí để triển khai, thực hiện 16 dự án ưu tiên của Đề án trong thời gian 12 năm (2008 - 2020) dự kiến khoảng 800 tỷ đồng (tám trăm tỷ đồng), được huy động từ các nguồn: ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, vốn đầu tư của các doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh và dịch vụ trên huyện Đảo, vốn vay ưu đãi hoặc tài trợ từ Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam, vốn viện trợ không hoàn lại, vốn vay tín dụng ưu đãi và sự hỗ trợ, tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Tổng kinh phí trên đây được xác định trên cơ sở tổng hợp kinh phí của từng dự án cụ thể được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo đúng quy định hiện hành của pháp luật.

V. CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN:

1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức và trách nhiệm của cộng đồng dân cư, các cấp chính quyền, đoàn thể, các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân trong việc bảo vệ môi trường huyện Đảo.

2. Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành trong quá trình triển khai, thực hiện các nội dung của Đề án theo quan điểm phát triển bền vững. Gắn kết chặt chẽ và lồng ghép các yêu cầu bảo vệ môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học và cảnh quan thiên nhiên của huyện Đảo vào quá trình lập, thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện các quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội của đảo Phú Quốc. Quá trình hoạch định các cơ chế, chính sách, xây dựng các quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển nhất thiết phải có sự tham gia, phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan chuyên môn, quản lý về bảo vệ môi trường với các cơ quan, ban, ngành có liên quan, bảo đảm tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, đồng thời ban hành cơ chế phối hợp trong đó quy định rõ trách nhiệm của cơ quan chủ trì và các cơ quan phối hợp trong việc thực hiện các nội dung, nhiệm vụ của Đề án.

3. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hoạt động trên huyện Đảo, kịp thời phát hiện các vi phạm về bảo vệ môi trường và xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.

4. Tăng cường sự tham gia của người dân vào công tác bảo vệ môi trường huyện Đảo, ban hành các cơ chế, chính sách để người dân được chủ động tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường, đưa nội dung bảo vệ môi trường vào sinh hoạt thường xuyên của các khu dân cư, cộng đồng dân cư và phát huy mạnh mẽ vai trò tích cực của các tổ chức xã hội này. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường để huy động tối đa các nguồn lực của xã hội nhằm thực hiện có hiệu quả các nội dung, nhiệm vụ của Đề án.

5. Tăng cường và đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân cho việc thực hiện các nội dung, nhiệm vụ của Đề án. Ngân sách nhà nước (trung ương, địa phương) bố trí đủ và kịp thời vốn cho các dự án ưu tiên, kết hợp với việc thu hút thêm các nguồn vốn đầu tư đa dạng khác từ doanh nghiệp, cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cho việc thực hiện các nội dung, nhiệm vụ của Đề án. Thành lập và phát triển Quỹ Bảo vệ môi trường Phú Quốc. Quản lý các nguồn vốn đầu tư cho bảo vệ môi trường huyện Đảo theo hướng tiết kiệm, hiệu quả, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, manh mún và hiệu quả thấp.

6. Tăng cường hợp tác quốc tế để triển khai, thực hiện có hiệu quả các nội dung, nhiệm vụ của Đề án. Xây dựng các chương trình, dự án hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường mang tính chất vùng, đặc biệt cần có sự phối hợp với các nước lân cận như Thái Lan và Campuchia, chú ý tập trung vào các lĩnh vực có lợi thế của đảo Phú Quốc như: thành lập các khu bảo tồn biển, bảo vệ đa dạng sinh học biển. Tăng cường hợp tác với các quốc gia trong khu vực về chuyển giao công nghệ; đẩy mạnh cung cấp thông tin môi trường, hình thành mạng lưới thông tin môi trường khu vực. Xây dựng các dự án nghiên cứu khoa học có sự đầu tư của các tổ chức quốc tế, đặc biệt ưu tiên các vấn đề đa dạng sinh học vùng biển, bảo vệ môi trường cảnh quan khu du lịch và chống xuống cấp các di tích lịch sử.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

1. Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang:

a) Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ, ngành liên quan tổ chức thực hiện có hiệu quả các nội dung, nhiệm vụ của Đề án, định kỳ hàng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện hoặc kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ các biện pháp, cơ chế, chính sách để giải quyết những vấn đề mới phát sinh, các khó khăn, vướng mắc vượt quá thẩm quyền trong quá trình triển khai, thực hiện Đề án;

b) Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang căn cứ vào pháp luật hiện hành và tình hình thực tế của địa phương, ban hành các văn bản cụ thể hóa các quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, cơ chế đặc thù, chính sách ưu đãi để áp dụng cho đảo Phú Quốc phù hợp với Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp, bảo đảm tăng cường đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật cho các cơ quan, đơn vị làm công tác bảo vệ môi trường và tăng thêm cán bộ chuyên môn, cán bộ quản lý về bảo vệ môi trường, lực lượng cảnh sát môi trường và kinh phí cho Ủy ban nhân dân huyện Phú Quốc nhằm thực hiện thành công các nội dung, nhiệm vụ của Đề án;

c) Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng và ban hành các quy hoạch chuyên ngành về bảo vệ môi trường huyện Đảo và tổ chức triển khai, thực hiện; nghiên cứu, điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất đảo Phú Quốc cho phù hợp với nội dung bảo vệ môi trường của Đề án;

d) Phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu sửa đổi và đề xuất các nội dung cần điều chỉnh trong các quy hoạch ngành đã được phê duyệt, bảo đảm phù hợp với yêu cầu bảo vệ môi trường của Đề án;

đ) Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ, ngành liên quan xây dựng, thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện có hiệu quả, đúng tiến độ 11 dự án ưu tiên được phân công chủ trì trong Đề án.

2. Bộ Tài nguyên và Môi trường:

a) Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang, các Bộ, ngành liên quan xây dựng, thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện có hiệu quả, đúng tiến độ 04 dự án ưu tiên được phân công chủ trì trong Đề án;

b) Phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang, các Bộ, ngành liên quan tổ chức thực hiện có hiệu quả các nội dung, nhiệm vụ của Đề án; định kỳ hàng năm phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện hoặc kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ các biện pháp, cơ chế, chính sách để giải quyết những vấn đề mới phát sinh, các khó khăn, vướng mắc vượt quá thẩm quyền trong quá trình triển khai, thực hiện Đề án;

c) Phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang xây dựng, ban hành các quy hoạch chuyên ngành về bảo vệ môi trường và nghiên cứu, điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất đảo Phú Quốc phù hợp với nội dung của Đề án.

3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính có trách nhiệm cân đối, bố trí vốn để thực hiện có hiệu quả, đúng tiến độ các dự án ưu tiên về bảo vệ môi trường huyện Đảo của Đề án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

4. Các Bộ: Xây dựng, Giao thông vận tải, Văn hoá, Thể thao và Du lịch căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và phạm vi quản lý nhà nước của ngành mình, chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang, Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, điều chỉnh một số nội dung trong các Quy hoạch về xây dựng, phát triển giao thông bền vững, phát triển du lịch đảo Phú Quốc đã được phê duyệt cho phù hợp với nhiệm vụ bảo vệ môi trường huyện Đảo của Đề án.

5. Các Bộ, ngành khác, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và phạm vi quản lý nhà nước của ngành mình phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang, Bộ Tài nguyên và Môi trường để tổ chức thực hiện các nội dung, nhiệm vụ có liên quan trong Đề án.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- VP BCĐTW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của QH;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- UB Giám sát tài chính QG;
- BQL KKTCKQT Bờ Y;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, KGVX (5b). XH

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Hoàng Trung Hải


PHỤ LỤC

DANH MỤC 16 DỰ ÁN ƯU TIÊN THUỘC “ĐỀ ÁN TỔNG THỂ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG ĐẢO PHÚ QUỐC ĐẾN NĂM 2010 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020”

(Ban hành kèm theo Quyết định số 137/2008/QĐ-TTg ngày 10 tháng 10 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ)

STT

Tên dự án

Mục tiêu dự án

Nội dung chính

Sản phẩm dự kiến

Thời gian thực hiện

Đơn vị chủ trì và phối hợp thực hiện

Chủ trì thực hiện

Phối hợp thực hiện

I

Nhóm Quy hoạch

 

 

 

1

Quy hoạch khai thác, sử dụng bền vững và bảo vệ tài nguyên nước, các hồ chứa nước đảo Phú Quốc.

Xây dựng được Quy hoạch khai thác, sử dụng bền vững và bảo vệ tài nguyên nước, các hồ chứa nước đảo Phú Quốc.

- Khảo sát, đánh giá hiện trạng khai thác, sử dụng tài nguyên nước đảo Phú Quốc;

- Quy hoạch khai thác, sử dụng bền vững và bảo vệ tài nguyên nước, các hồ chứa nước đảo Phú Quốc.

Bản Quy hoạch khai thác, sử dụng bền vững và bảo vệ tài nguyên nước, các hồ chứa nước đảo Phú Quốc.

2009 -2010

Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang.

 

Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

2

Quy hoạch hệ thống các trạm xử lý nước thải cho các đô thị, khu du lịch và dịch vụ của đảo Phú Quốc.

Xây dựng được Quy hoạch hệ thống các trạm xử lý nước thải cho các đô thị, khu du lịch và dịch vụ của đảo Phú Quốc.

- Khảo sát, đánh giá hiện trạng hệ thống các trạm xử lý nước thải của các đô thị, khu du lịch và dịch vụ của đảo Phú Quốc;

- Xây dựng Quy hoạch hệ thống các trạm xử lý nước thải cho các đô thị, khu du lịch và dịch vụ của đảo Phú Quốc.

Bản Quy hoạch hệ thống các trạm xử lý nước thải cho các đô thị, khu du lịch và dịch vụ của đảo Phú Quốc.

 

2009 -2010

Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang.

 

Bộ Xây dựng,

Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương.

3

Đề án điều chỉnh Quy hoạch chuyên ngành trên đảo Phú Quốc theo hướng lồng ghép với các yêu cầu bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Các Quy hoạch chuyên ngành được điều chỉnh theo hướng lồng ghép với các yêu cầu bảo vệ môi trường và phát triển bền vững:

- Quy hoạch chung xây dựng đảo Phú Quốc;

- Quy hoạch Giao thông bền vững;

- Quy hoạch Du lịch;

- Quy hoạch sử dụng đất.

Rà soát, điều chỉnh các Quy hoạch chuyên ngành theo hướng lồng ghép với các yêu cầu bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Đề xuất một số nội dung cần điều chỉnh trong các Quy hoạch đã được phê duyệt.

2009 -2010

- Bộ Xây dựng;

- Bộ Giao thông vận tải;

- Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch;

- Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang.

Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn.

 

 

 

4

Quy hoạch quản lý chất thải rắn theo mô hình phân loại chất thải tại nguồn (giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng) cho đảo Phú Quốc.

- Chất thải rắn được quản lý theo quy hoạch đề xuất, giúp đảo Phú Quốc giảm thiểu ô nhiễm nước mặt và nước ngầm;

- Xây dựng được mô hình xử lý chất thải rắn theo hướng giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng chất thải cho đảo Phú Quốc.

- Khảo sát, đánh giá hiện trạng xử lý chất thải rắn đảo Phú Quốc;

- Xây dựng Quy hoạch quản lý chất thải rắn cho đảo Phú Quốc nhằm giảm thiểu ô nhiễm nước mặt và nước ngầm;

- Xây dựng mô hình xử lý chất thải rắn theo hướng giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng chất thải cho đảo Phú Quốc.

- Quy hoạch quản lý chất thải rắn cho đảo Phú Quốc được phê duyệt;

- Mô hình xử lý chất thải rắn giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng cho đảo Phú Quốc.

 

2009 -2010

Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang.

 

Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng.

II

Hoàn thiện thể chế, tăng cường năng lực

 

 

 

5

Xây dựng các cơ chế, chính sách và ban hành quy chế về bảo vệ môi trường đảo Phú Quốc.

Các cơ chế đặc thù, chính sách ưu đãi về bảo vệ môi trường cho đảo Phú Quốc; quy chế bảo vệ môi trường; các tiêu chuẩn, quy chế được ban hành làm cơ sở cho các hoạt động quản lý bảo vệ môi trường đảo Phú Quốc.

 

- Rà soát, đánh giá hiện trạng các văn bản cơ chế, chính sách về bảo vệ môi trường đảo Phú Quốc;

- Nghiên cứu cơ sở khoa học, phương pháp luận xây dựng các chính sách về bảo vệ môi trường đảo Phú Quốc;

- Xây dựng, đề xuất ban hành các cơ chế đặc thù, chính sách ưu đãi về bảo vệ môi trường đảo Phú Quốc;

- Xây dựng quy chế bảo vệ môi trường; các tiêu chuẩn, quy chế cho đảo Phú Quốc.

- Các cơ chế đặc thù, chính sách ưu đãi về bảo vệ môi trường đảo Phú Quốc được các cấp có thẩm quyền phê duyệt;

- Quy chế bảo vệ môi trường đảo Phú Quốc được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2009 -2010

Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang.

 

Bộ Tài nguyên và Môi trường.

6

Tăng cường năng lực về cán bộ, cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị và kinh phí hoạt động cho các cơ quan, đơn vị làm công tác bảo vệ môi trường của đảo Phú Quốc.

 

- Tăng cường đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật cho các cơ quan, đơn vị làm công tác bảo vệ môi trường của huyện Đảo;

- Bổ sung, tăng cường thêm cán bộ chuyên môn, cán bộ quản lý về bảo vệ môi trường và lực lượng cảnh sát môi trường, tăng thêm kinh phí cho Ủy ban nhân dân huyện Phú Quốc (Phòng Tài nguyên và Môi trường, Công an huyện,...) để triển khai, thực hiện có hiệu quả các nội dung, nhiệm vụ bảo vệ môi trường của Đề án;

- Tăng cường năng lực chung cho các cơ quan bảo vệ môi trường đảo Phú Quốc, đáp ứng xu thế phát triển kinh tế - xã hội.

- Điều tra, khảo sát đánh giá nhu cầu, đặc thù trong công tác bảo vệ môi trường của đảo Phú Quốc về: cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị, cán bộ chuyên môn, cán bộ quản lý về bảo vệ môi trường, lực lượng cảnh sát môi trường, kinh phí cho hoạt động bảo vệ môi trường;

- Tổ chức các lớp tập huấn, phổ biến nâng cao nhận thức cộng đồng về luật pháp, về kỹ năng quản lý, tác nghiệp... trong công tác bảo vệ môi trường đảo Phú Quốc; đào tạo nhân lực phục vụ công tác bảo vệ môi trường đảo Phú Quốc; in ấn các ấn phẩm thông tin về tuyên truyền công tác bảo vệ môi trường đảo Phú Quốc;

- Tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị phục vụ quản lý: máy tính, internet, trang thiết bị thông tin, liên lạc; tăng cường trang thiết bị quan trắc môi trường.

- Các cơ quan, đơn vị bảo vệ môi trường Phú Quốc được đầu tư, nâng cấp về cơ sở vật chất kỹ thuật; được tăng cường thêm cán bộ chuyên môn, cán bộ quản lý về bảo vệ môi trường, lực lượng cảnh sát môi trường và được bổ sung thêm kinh phí cho hoạt động bảo vệ môi trường của Đảo;

- Các khoá tập huấn, đào tạo;

- Các ấn phẩm thông tin;

- Hệ thống trang thiết bị phục vụ quản lý và quan trắc môi trường.

2009 - 2010

Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang.

Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nội Vụ, Bộ Công an.

 

7

Xây dựng chương trình quản lý tổng hợp lưu vực sông Dương Đông, bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường nước, đặc biệt là khu vực hạ lưu sông.

 

 

 

 

 

 

 

- Bảo đảm sự phát triển bền vững trên lưu vực sông Dương Đông, làm mô hình thí điểm để quản lý các lưu vực sông khác trên đảo;

- Ngăn chặn sự suy giảm chất lượng nước sông và đề xuất các giải pháp nhằm quản lý tích hợp tài nguyên nước sông Dương Đông (bao gồm cả lưu lượng và chất lượng);

- Xây dựng mối quan hệ hợp tác với các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực quản lý lưu vực sông và phục hồi chất lượng nước sông.

- Đánh giá chi tiết về hiện trạng chất lượng nước, tình hình xả thải, hiện trạng sử dụng đất, hiện trạng hệ sinh thái, hệ đệm thực vật ven sông trên lưu vực và đánh giá tác động đến tài nguyên nước trên sông Dương Đông;

- Dự báo nhu cầu khai thác nước trên sông Dương Đông trong tương lai và đánh giá tác động do việc nâng cấp hồ chứa Dương Đông đối với khu vực hạ lưu;

- Xây dựng mô hình dự báo diễn biến chất lượng nước sông Dương Đông đến năm 2020;

- Đề xuất các giải pháp bảo vệ lưu vực sông.

- Báo cáo tổng hợp dự án “Xây dựng chương trình quản lý tổng hợp lưu vực sông Dương Đông, bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường nước, đặc biệt là khu vực hạ lưu sông”;

- Các phụ lục, bản đồ kèm theo Báo cáo;

- Mô hình dự báo diễn biến chất lượng nước sông Dương Đông;

- Các giải pháp bảo vệ, phục hồi chất lượng nước khu vực hạ lưu sông Dương Đông.

2010 - 2015

 

 

 

Bộ Tài nguyên và Môi trường.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang.

 

8

Đầu tư xây dựng nhà máy xử lý, tái chế chất thải rắn đảo Phú Quốc công suất 200 tấn/ngày.

Bảo đảm 100% chất thải rắn trên đảo Phú Quốc được xử lý đạt tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia.

- Điều tra, khảo sát, quy hoạch vị trí xây dựng nhà máy;

- Lập dự án nghiên cứu khả thi, tiến hành đánh giá tác động môi trường của dự án, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, quyết định đầu tư;

- Trình phê duyệt thiết kế kỹ thuật và tổng dự toán;

- Triển khai xây dựng nhà máy.

Nhà máy xử lý chất thải rắn đảo Phú Quốc công suất 200 tấn/ngày được xây dựng và đi vào hoạt động, bảo đảm các tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật môi trường theo quy định.

2009 -2010

Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính,

Bộ Xây dựng,

Bộ Tài nguyên và Môi trường.

9

Đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường ở hai đô thị An Thới và Dương Đông.

Các thị trấn: An Thới và Dương Đông có hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường và hệ thống thu gom nước mưa.

- Điều tra, khảo sát, quy hoạch vị trí xây dựng trạm xử lý nước thải sinh hoạt tập trung tại thị trấn An Thới và thị trấn Dương Đông;

- Lập dự án nghiên cứu khả thi, tiến hành đánh giá tác động môi trường của dự án, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, quyết định đầu tư;

- Trình phê duyệt thiết kế kỹ thuật và tổng dự toán;

- Triển khai xây dựng trạm.

Hai trạm xử lý nước thải sinh hoạt tập trung tại An Thới và Dương Đông được xây dựng và đi vào hoạt động, bảo đảm các tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật môi trường theo quy định.

2011-2012

Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính,

Bộ Xây dựng,

Bộ Tài nguyên và Môi trường.

III

Phòng ngừa, cải thiện chất lượng môi trường

 

 

 

10

Điều tra, nghiên cứu điều kiện môi trường, đa dạng sinh học và nguồn lợi thuỷ sinh vật vùng nước ven biển quanh đảo Phú Quốc, đề xuất các giải pháp khai thác và sử dụng hợp lý.

Có được dẫn liệu mới, đầy đủ về điều kiện môi trường, sinh thái và nguồn lợi sinh vật biển ven bờ quanh đảo Phú Quốc, phục vụ quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ chủ quyền an ninh quốc gia của huyện Đảo.

- Điều tra, đánh giá hiện trạng môi trường nước, trầm tích biển ven bờ, tình trạng thuỷ sinh vật; thống kê hiện trạng phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là nghề cá của vùng huyện đảo Phú Quốc;

- Nghiên cứu, đánh giá tình trạng một số hệ sinh thái tiêu biểu: san hô, cỏ biển, rừng ngập mặn và xác định các nguyên nhân, nguồn gây ô nhiễm môi trường, các yếu tố gây suy thoái hệ sinh thái và đa dạng thuỷ sinh vật vùng nước ven bờ;

- Dự báo diễn biến của chúng với các kịch bản phát triển kinh tế - xã hội;

- Đề xuất các giải pháp sử dụng, khai thác hợp lý và bảo vệ môi trường, nguồn lợi thuỷ sinh vật và các hệ sinh thái ven biển tiêu biểu.

- Bộ tư liệu, dữ liệu thu thập về điều kiện môi trường và tài nguyên sinh vật biển ven bờ quanh đảo Phú Quốc và điều kiện kinh tế - xã hội;

- Báo cáo tổng hợp về các kết quả điều tra, nghiên cứu và đề xuất các giải pháp khai thác và sử dụng hợp lý sinh vật biển kèm theo các sơ đồ, bản đồ trình diễn các số liệu;

- Các báo cáo chuyên đề: môi trường nước, tài nguyên sinh vật biển, các giải pháp khai thác và sử dụng hợp lý;

- Cơ sở dữ liệu về điều kiện môi trường nước, trầm tích và tài nguyên thủy sinh vật vùng nước ven đảo Phú Quốc.

2010 -2015

Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang,

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

11

Dự án quy hoạch phát triển rừng ngập mặn phục vụ mục đích phát triển bền vững đảo Phú Quốc.

- Có được bộ cơ sở dữ liệu hoàn chỉnh về điều kiện tự nhiên, đa dạng sinh học, phân bố của rừng ngập mặn đảo Phú Quốc;

- Xác định được các nguyên nhân gây suy thoái rừng ngập mặn đảo Phú Quốc;

- Xác định được (bằng định tính và định lượng) vai trò của rừng ngập mặn đối với phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường đảo Phú Quốc: khả năng chắn sóng, chống xói mòn, giảm bồi tụ phù sa,...;

- Xây dựng, lựa chọn và đề xuất các phương án, giải pháp quản lý, sử dụng và phát triển hợp lý rừng ngập mặn cho việc phát triển bền vững đảo Phú Quốc;

- Quy hoạch phát triển rừng ngập mặn.

- Khảo sát, đánh giá hiện trạng điều kiện tự nhiên, vùng phân bố, đa dạng sinh học rừng ngập mặn Phú Quốc; đánh giá vai trò của rừng ngập mặn trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường đảo Phú Quốc; xác định các nguyên nhân gây suy thoái rừng ngập mặn Phú Quốc;

- Đánh giá ảnh hưởng của hoạt động du lịch, xây dựng và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội trên đảo đối với hệ sinh thái rừng ngập mặn;

- Dự báo xu thế biến động nguồn lợi rừng ngập mặn Phú Quốc;

- Xây dựng, lựa chọn các phương án quy hoạch phát triển rừng ngập mặn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường trên quan điểm chi phí lợi ích.

- Bộ cơ sở dữ liệu đầy đủ về điều kiện tự nhiên, đa dạng sinh học, vùng phân bố, các đặc điểm sinh thái rừng ngập mặn Phú Quốc;

- Các đánh giá bằng định tính và định lượng về vai trò của rừng ngập mặn trong công tác bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai cho huyện đảo Phú Quốc (khả năng chắn sóng, chống xói mòn, giảm bồi tụ phù sa,...);

- Bộ tài liệu hướng dẫn, bao gồm các phương án, giải pháp (đi kèm với phân tích chi phí lợi ích) quản lý, sử dụng và phát triển hợp lý rừng ngập mặn phục vụ phát triển bền vững đảo Phú Quốc;

- Mô hình bảo tồn và sử dụng bền vững rừng ngập mặn Phú Quốc;

- Bản Quy hoạch phát triển rừng ngập mặn đảo Phú Quốc.

2010 -2015

Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,

Bộ Tài nguyên và Môi trường.

12

Dự án bảo tồn, phát triển san hô và cỏ biển Phú Quốc, nghiên cứu đề xuất phương pháp bảo vệ rạn san hô và thảm cỏ biển Phú Quốc.

 

- Đánh giá được giá trị kinh tế của san hô và cỏ biển Phú Quốc;

- Xây dựng bộ cơ sở dữ liệu đầy đủ, cập nhật về điều kiện tự nhiên, đa dạng sinh học của các quần xã rạn san hô và thảm cỏ biển quần đảo Phú Quốc;

- Xác định được các nguyên nhân gây suy thoái hệ sinh thái rạn san hô và thảm cỏ biển khu vực đảo Phú Quốc;

- Đề xuất các phương án bảo tồn và sử dụng bền vững hệ sinh thái rạn san hô và thảm cỏ biển đảo Phú Quốc.

- Khảo sát, đánh giá hiện trạng điều kiện tự nhiên, môi trường và kinh tế - xã hội có ảnh hưởng đến sự tồn tại và phát triển của hệ sinh thái rạn san hô và thảm cỏ biển; đánh giá đa dạng sinh học và nguồn lợi hải sản trên rạn san hô và thảm cỏ biển quần đảo Phú Quốc;

- Đánh giá thực trạng và tầm quan trọng của rạn san hô và thảm cỏ biển Phú Quốc;

- Lượng giá được kinh tế san hô và cỏ biển Phú Quốc;

- Nghiên cứu phân vùng đa dạng sinh học các rạn san hô và thảm cỏ biển quần đảo Phú Quốc;

- Nghiên cứu thử nghiệm áp dụng một số mô hình bảo tồn và phục hồi rạn san hô và thảm cỏ biển;

- Đề xuất giải pháp bảo vệ rạn san hô và thảm cỏ biển Phú Quốc.

- Bộ dữ liệu về điều kiện tự nhiên, môi trường sinh thái, điều kiện kinh tế - xã hội;

- Báo cáo lượng giá kinh tế san hô và cỏ biển Phú Quốc;

- Bản đồ phân vùng đa dạng sinh học rạn san hô và thảm cỏ biển Phú Quốc tỷ lệ 1/50.000;

- Các giải pháp bảo tồn và sử dụng bền vững (mô hình quản lý, trồng phục hồi rạn san hô,…);

- Đề xuất giải pháp bảo vệ rạn san hô và thảm cỏ biển Phú Quốc;

- Dự án được phê duyệt.

2015 - 2020

Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang.

Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

 

13

Dự án xây dựng hệ thống quan trắc, giám sát ô nhiễm môi trường và sự cố thiên tai huyện đảo Phú Quốc trên cơ sở ứng dụng công nghệ viễn thám và GIS.

- Xây dựng bản đồ hiện trạng và biến động tài nguyên thiên nhiên nhằm đáp ứng đầy đủ hơn các nhu cầu về thông tin cho công tác theo dõi, lập kế hoạch và đề xuất các biện pháp sử dụng tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường, dự báo thiên tai ở đảo Phú Quốc;

- Ứng dụng công nghệ viễn thám và GIS xây dựng hệ thống giám sát ô nhiễm môi trường và sự cố thiên tai phục vụ phát triển bền vững kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh huyện đảo Phú Quốc.

 

- Thành lập bộ bản đồ hiện trạng và biến động chuyên đề khu vực đảo Phú Quốc. Phân tích sự biến động tài nguyên thiên nhiên khu vực đảo Phú Quốc;

- Hoàn thiện và cập nhật cơ sở dữ liệu địa lý nền huyện đảo Phú Quốc đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế;

- Xây dựng và cập nhật cơ sở dữ liệu, tư liệu viễn thám vùng biển đáp ứng nhu cầu giám sát ô nhiễm môi trường và sự cố thiên tai huyện đảo Phú Quốc;

- Nghiên cứu xây dựng quy trình và nhiệm vụ giám sát ô nhiễm môi trường và sự cố thiên tai huyện đảo Phú Quốc trên cơ sở ứng dụng các công nghệ xử lý ảnh viễn thám kết hợp với công nghệ GIS;

- Nghiên cứu, lựa chọn và ứng dụng các công nghệ xử lý ảnh viễn thám kết hợp với công nghệ GIS nhằm xử lý thông tin đáp ứng nhu cầu giám sát ô nhiễm môi trường và sự cố thiên tai huyện đảo Phú Quốc;

- Đào tạo, chuyển giao công nghệ mới, trao đổi dữ liệu viễn thám và chuyên đề với các tổ chức quốc tế của các nước có công nghệ viễn thám tiên tiến trên thế giới;

- Tăng cường trang thiết bị, công nghệ phần cứng, phần mềm bảo đảm xây dựng hệ thống giám sát sự cố ô nhiễm môi trường và thiên tai huyện đảo Phú Quốc;

- Xây dựng cho huyện đảo Phú Quốc một phòng cơ sở dữ liệu và viễn thám.

- Cơ sở dữ liệu địa lý nền huyện đảo Phú Quốc đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế và được cập nhật;

- Cơ sở dữ liệu, tư liệu viễn thám huyện đảo Phú Quốc;

- Quy trình và nhiệm vụ giám sát ô nhiễm môi trường và sự cố thiên tai huyện đảo Phú Quốc trên cơ sở ứng dụng các công nghệ xử lý ảnh viễn thám kết hợp với công nghệ GIS;

 

- Đào tạo, chuyển giao công nghệ mới, trao đổi dữ liệu viễn thám và chuyên đề với các tổ chức quốc tế của các nước có công nghệ viễn thám tiên tiến trên thế giới như Mỹ, Canađa, Ý, Nga, Nhật Bản,...;

- Xây dựng cho huyện đảo Phú Quốc một phòng cơ sở dữ liệu và viễn thám.

 

2010 - 2015

Bộ Tài nguyên và Môi trường.

 

Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang,

Bộ Quốc phòng,

Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn.

14

Dự án tính toán phân vùng ngập lụt cho các kịch bản cực đoan của biến đổi khí hậu và nước biển dâng dị thường nhằm xây dựng hành lang an toàn phục vụ phát triển bền vững. Đánh giá dự báo ảnh hưởng của mực nước biển dâng cao đối với môi trường, các hệ sinh thái vùng biển và ven đảo Phú Quốc và đề xuất các giải pháp giảm thiểu và thích ứng.

 

- Phân vùng ngập lụt cho các kịch bản cực đoan biến đổi khí hậu và nước biển dâng dị thường;

- Phân vùng, xác định hành lang an toàn cho phát triển kinh tế và các vùng sinh thái nhạy cảm;

- Dự báo được những biến động về môi trường và các hệ sinh thái biển, ven đảo Phú Quốc theo các kịch bản mực nước biển dâng cao;

- Đánh giá được những tổn thất về kinh tế - xã hội có liên quan và đề xuất được chiến lược, giải pháp giảm thiểu và thích ứng;

- Rà soát, đánh giá thiệt hại do biến đổi khí hậu và nước biển dâng dị thường cho các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội;

- Đề xuất điều chỉnh quy hoạch theo hướng phát triển bền vững.

- Điều tra, khảo sát và thu thập cơ sở dữ liệu về: khí tượng thủy văn, hải văn, sóng, dòng chảy, địa hình ven biển đảo Phú Quốc, biến đổi khí hậu, hiện trạng và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội;

- Khảo sát, đánh giá hiện trạng các yếu tố môi trường, các hệ sinh thái nhạy cảm với hiệu ứng mực nước biển dâng cao. Đánh giá độ nhạy cảm, tổn thương môi trường và các hệ sinh thái do mực nước biển dâng cao;

- Tính toán, xây dựng bản đồ ngập lụt cho các kịch bản biến đổi khí hậu và nước dâng dị thường; xây dựng hành lang an toàn phục vụ công tác quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội;

- Lượng giá tổn thất tài nguyên các hệ sinh thái theo các kịch bản mực nước biển dâng cao;

- Đề xuất chiến lược và các giải pháp nhằm giảm thiểu, thích nghi và ứng phó theo các kịch bản.

- Bộ cơ sở dữ liệu hoàn chỉnh về: khí tượng thủy văn, dòng chảy, sóng và địa hình khu vực ven biển Phú Quốc;

- Các bản đồ: phân vùng ngập lụt, phân bố các đối tượng bị ảnh hưởng và cảnh báo ảnh hưởng cho các vùng sinh thái nhạy cảm;

- Các báo cáo chuyên đề: hiện trạng điều kiện tự nhiên, dự báo điều kiện khí tượng thủy văn, hệ sinh thái,…;

- Bộ tư liệu về hiện trạng các yếu tố môi trường, các hệ sinh thái nhạy cảm với mực nước biển dâng cao;

 

- Các kết quả phân tích, đánh giá biến động môi trường và các hệ sinh thái theo các kịch bản mực nước biển dâng cao;

- Kết quả lượng giá tổn thất tài nguyên các hệ sinh thái;

- Chiến lược và các giải pháp thích ứng;

- Bộ bản đồ hiện trạng và dự báo mức độ tổn thương, suy thoái các hệ sinh thái tỷ lệ 1/25.000;

- Các giải pháp dự kiến cho quy hoạch phát triển bền vững.

2010 -2015

Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang.

15

Điều tra, khảo sát, đề xuất phương án sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường lưu vực sông Cửa Cạn, đảo Phú Quốc.

Xác định cơ sở khoa học và thực tiễn, đề xuất phương án sử dụng hợp lý, tiết kiệm các dạng tài nguyên thiên nhiên cơ bản (đất, nước, rừng, hệ sinh thái,...) các biện pháp bảo vệ môi trường (đất, nước, không khí, đa dạng sinh học,...) của lưu vực sông Cửa Cạn, đảo Phú Quốc, nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội Phú Quốc theo định hướng phát triển bền vững, đáp ứng yêu cầu của Phú Quốc trở thành một trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng cao cấp và giao thương quốc tế.

 

- Điều tra, khảo sát các dạng tài nguyên thiên nhiên cơ bản (đất, nước, rừng, hệ sinh thái,...) của lưu vực sông Cửa Cạn, đảo Phú Quốc; xác định các đặc trưng của lưu vực; khảo sát, đo đạc các thông số môi trường và đánh giá môi trường nền của lưu vực;

- Phân tích, đánh giá quy mô, đặc điểm, giá trị và tiềm năng sử dụng các dạng tài nguyên thiên nhiên;

- Đề xuất các phương án sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường lưu vực sông Cửa Cạn, đảo Phú Quốc;

- Chuyển giao phương thức quản lý tài nguyên và môi trường với sự tham gia của cộng đồng phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của lưu vực sông Cửa Cạn;

- Trình diễn và áp dụng phương thức quản lý theo lưu vực để quản lý tổng hợp tài nguyên và môi trường trên toàn lưu vực sông Cửa Cạn.

- Báo cáo tổng hợp dự án “Điều tra, khảo sát, đề xuất phương án sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường lưu vực sông Cửa Cạn, đảo Phú Quốc”;

- Bản đồ phân bố tài nguyên cơ bản (đất, nước, rừng, hệ sinh thái,...) của lưu vực sông Cửa Cạn, đảo Phú Quốc tỷ lệ 1/50.000;

- Quy hoạch và kế hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường lưu vực sông Cửa Cạn đến năm 2020.

 

 

 

2010 - 2015

Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang.

Bộ Tài nguyên và Môi trường,

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

16

Dự án truyền thông nâng cao nhận thức, ý thức và trách nhiệm bảo vệ môi trường kết hợp với quảng bá sản phẩm du lịch đảo Phú Quốc.

Nâng cao nhận thức, ý thức và trách nhiệm bảo vệ môi trường cho toàn xã hội và quảng bá sản phẩm du lịch đảo Phú Quốc.

- Tổ chức các chiến dịch truyền thông về bảo vệ môi trường kết hợp quảng bá sản phẩm du lịch của Phú Quốc;

- Xây dựng các mô hình quản lý bảo vệ môi trường với sự tham gia tích cực của cộng đồng dân cư trên Đảo.

 

- Các mô hình quản lý bảo vệ môi trường với sự tham gia của cộng đồng dân cư;

- Các chiến dịch truyền thông về bảo vệ môi trường kết hợp quảng bá sản phẩm du lịch của Phú Quốc được tổ chức.

2009 -2015

Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang.

Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch.

 

 

THE PRIME MINISTER
-----

SOCIALIST REPUBLIC OF VIET NAM
Independence - Freedom - Happiness
----------

No. 137/2008/QD-TTg

Hanoi, October 10, 2008

 

DECISION

APPROVING THE OVERALL SCHEME ON ENVIRONMENTAL PROTECTION ON PHU QUOC ISLAND UP TO 2010. WITH ORIENTATIONS TOWARD 2020

THE PRIME MINISTER

Pursuant to the December 25, 2001 Law on Organization of the Government;
Pursuant to the November 29, 2005 Law on Environmental Protection:
Pursuant to the Prime Minister's Decision No. 178/2004/QD-TTg of Octobers. 2004. approving the overall Scheme on development of Phu Quoc island, Kien Giang province, up to 2010. with a vision toward 2020;
At the proposal of the Minister of Natural Resources and Environment and the president of the People's Committee of Kien Giang province,

DECIDES:

Article 1. - To approve the overall scheme on environmental protection on Phu Quoc island up to 2010 and orientations toward 2020 (below referred to as the Scheme) with the following principal contents:

I. GUIDING VIEWPOINTS

1. To protect the environment of Phu Quoc island (below referred to as the island) on the principle of sustainable development, integrated and inter-sectoral management and combination between performance of state management and enhancement of communities' awareness, responsibility and participation.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. To protect the island's environment in a regular and long-term manner, taking prevention as the main measure while controlling pollution, remedying deterioration and emphasizing the application of scientific and technological advances to environmental protection.

4. To minimize adverse impacts of socio­economic development on the island's natural environment: to refrain from reducing forest areas and the quality of water, air and inshore seawater. To develop clean and environmentally friendly industrial, agricultural, forestry and fishery production and services which cause no or less pollution. All wastes from production, business, service and daily-life activities must be treated up to national environmental technical standards before being discharged into the environment.

5. To mobilize all resources for environmental protection activities on the island, making the fullest use of resources of various authorities, branches, mass organizations, association, enterprises, population community, people and the entire society; to combine promotion of internal sources with enhancement of international cooperation.

II. OBJECTIVES:

A. GENERAL OBJECTIVES:

To preserve and protect environmental elements and natural landscape on Phu Quoc island to serve sustainable socio-economic development and contribute to building the island into a large and modern center for international tourism, resort and trade in the Mekong River Delta and, step by step, into a tourist and trade center of regional and international caliber.

B. SPECIFIC TARGETS FOR EACH PERIOD:

1.The 2008-2010 period:

a/ Building capacity and perfecting institutions and policies:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- To closely and harmoniously incorporate environmental protection contents in newly elaborated or adjusted socio-economic development plannings, plans and projects for appraisal, approval and implementation so as to ensure the sustainable development.

- To promulgate a system of environmental standards and technical regulations stricter than national standards and technical regulations for application in the island:

b/ Restricting the increase of environmental pollution:

- All priority projects and key models on environmental protection shall be formulated, appraised, approved and allocated sufficient capital so that they can be implemented effectively and on schedule:

- Environmental impact assessment and environmental protection commitment shall be made for all development investment projects under law;

- All newly built production establishments shall apply clean and environmentally friendly technologies or have equipment to minimize environmental pollution and treat wastes up to environmental standards;

- 70% households in urban centers and residential quarters and 100% enterprises shall have devices for sorting garbage at source: 100% public places will have waste bins;

- All production and business establishments which have products for export shall apply ISO 14001 environmental management standard;

- Clean energy (hydropower, wind power, solar power, bio-energy etc.) will account for 10-20% of total annual energy consumption in the island;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- Duong Dong river section running through Duong Dong township shall be upgraded to tackle its environmental pollution:

- All inhabitants will have access to clean water;

- Encroachment upon Phu Quoc National Park and Marine Conservation Zone will be prevented;

- A solid waste treatment facility of a capacity of 2(X) tons/day will be built and put into operation.

2. The 2011-2020 period:

a/ Building capacity, institutions and policies:

- To promulgate documents to specify legal provisions on environmental protection, setting particular and incentive policies for application to Phu Quoc island district;

- To make investment to upgrade material and technical foundations, increase environmental protection specialists and managers and the environment police force and allocate more funds to localities in order to ensure effective environmental protection activities in Phu Quoc island district.

b/ Restricting the increase of environmental pollution:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- Rainwater-collecting systems and daily-life wastewater treatment systems up to environmental standards will be built in An Thoi and Duong Dong townships:

- Wastewater shall be collected and treated up to national technical regulations before being discharged into the environment:

- All households shall have devices for sorting garbage at source.

c/ Improving environmental quality:

- All heavily polluted areas (points currently polluted with wastewater, solid wastes, dust or hazardous fetid odor) shall be treated:

- The forest coverage will be 75% or higher;

- The biodiversity area of Phu Quoc island national park and biosphere reserve zone on the island will be conserved in accordance with planning.

III. SCOPE OF THE SCHEME

1. Spatial scope: The whole land and inshore sea area of Phu Quoc island district, encompassing 8 communes and townships and south An Thoi archipelago.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



IV. ENVIRONMENTAL PROTECTION TASKS OF PHU QUOC ISLAND:

1. Promulgating documents to specify legal provisions on environmental protection with particular and incentive regulations for application to Phu Quoc island district:

a/To formulate and promulgate a Regulation on environmental protection on Phu Quoc island in order to specify legal provisions on environmental protection, creating a legal framework for management work and a mechanism for inter-branch coordination, biodiversity conservation and protection, and environmental pollution and deterioration prevention and remedy so as to contribute to the successful implementation of the Scheme's contents and tasks;

b/ To institutionalize particular mechanisms and incentive policies applicable to environmental protection activities in the island; to formulate and apply on a trial basis some new and particular mechanisms and policies in the domain of natural resources and environment protection such as payment of expenses for environmental services and eco-tourism and collection of charges for public-utility services on environmental protection on the island;

c/ To promulgate regulations to restrict or ban investment in some production sectors and types which are unfriendly to the environment or destroy natural resources such as exploiting or catching natural living creatures by destructive tools or methods, or in improper seasons and with excessive quantities; exploiting, trading in, consuming or using wild plants or animals; and production and business sectors and types which cause harms to humans, organisms and the local ecosystem; production and use of construction materials containing toxic elements exceeding the permitted level:

d/ To formulate and promulgate particular environmental standards and technical regulations for application in the island.

2. Making investment to upgrade material and technical foundations; increasing environmental protection specialists and managers and the environment police force and allocating more funds for environmental protection activities in Phu Quoc island district:

a/ The People's Committee of Kien Giang province shall assume the prime responsibility for, and coordinate with the Ministry of Home Affairs and the Ministry of Natural Resources and Environment in. intensifying investment to upgrade material and technical foundations of environmental protection agencies and units; increase environmental protection specialists and managers and the environment police force and, at the same time, increase funds for the People's Committee of Phu Quoc island district (the district-level Natural Resources and Environment section and police office) so as to effectively implement the Scheme's environmental protection contents and tasks and promote the examination, inspection, prevention and combat of environment-related crimes and violations of the law on environmental protection in the island district;

b/ The People's Committee of Kien Giang province shall, based on its competence, current legal provisions and the local situation, appoint more staff and allocate additional funds for state management of environmental protection in the island communes in the course of implementing the Scheme's contents and tasks:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. Elaborating and promulgating specialized plannings on environmental protection:

a/To elaborate, appraise, approve and organize the implementation of a planning on water drainage, wastewater treatment and solid waste management systems, covering the following contents: the building of two medium-sized wastewater treatment stations (8.000-10,000 m3/day) for two urban centers (Duong Bao and Suoi Lon) and industrial parks and clusters; the building of rainwater drainage systems in these two urban centers; the building of a daily-life garbage recycling and treatment plant of a capacity of 200 tons/day in An Thoi township: the development of models of biogas tanks and hygienic toilets for rural households in order to thoroughly stop the direct discharge of excrements into rivers, streams and the sea and. at the same time, make the fullest use.of bio-energy to meet daily-life needs of the island. In the course of elaborating the planning, it is necessary to ensure that wastewater, after being treated, must be qualified for watering crops in the dry season and being discharged into the environment in the rainy seasons. In commune-level centers, on the basis of the population density, to apply technologies to treat and reuse wastewater for watering crops;

b/To elaborate, appraise, approve, and organize the implementation of. a planning on conservation of the island's biodiversity, paying attention to the conservation of Phu Quoc national park and the protection of Phu Quoc biosphere reserve zone and marine conservation zone; to restrict the construction of large-sized facilities which cause adverse impacts on the national park; and to minimize impacts on the environment and ecosystem of the national park caused by the construction of works (airports, reservoirs, roads, etc.) inside or near the national park;

Measures to ensure the implementation of the above-said planning include:

- Re-planting submerged forests, tending forests planted on waterlogged alkaline soil, planting trees which can stand waterlogging such as acacia tree. Applying solutions for enriching submerged forests by diversifying species of aquatic animals and plants, birds and bats. Taking measures for preventing fires in cajeput forests and fire-prone forests; re-planting plots of cajeput forests which have been cut down;

- Planning and zoning coral reef and seagrass areas, then forming a coral and seagrass conservation zone; taking measures for managing and supervising coral and seagrass ecosystems; tending, nurturing and restoring coral reefs and seagrass upon occurrence of incidents;

- Formulating plannings on eco-tourist routes and sites in the national park and its buffer zone. Preserving the original state of ecosystems in natural forests and headwater protective forests of streams flowing to Bai Thorn and Cua Can residential quarters. Organizing, further building and perfecting the system of forest protection stations. Providing technical support and facilities to the community for forest protection:

- Protecting the ecosystems of coral reefs seagrass and submerged forests:

c/To elaborate, appraise, approve, and organize the implementation of, a planning on environmental observation and supervision networks, by 2010. continental surface water observation will be carried out at 18 points, inshore surface water observation at 26 points, ground water observation at 9 points, air observation at 10 points noise observation at 10 points and earth observation at 16 points. To increase observation points and set up an automatic observation system, consisting of 3 points for continental surface water, 5 points for inshore seawater and 2 points for air, by 2020.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



a/ To study and adjust the approved planning on sustainable transport development in Phu Quoc island, Kien Giang province, up to 2010 and orientations toward 2020 along the line of reducing the number of road lanes and not expanding road sections running through the national park and the biosphere reserve zone (which will only be upgraded and concreted); to attach importance to the building of roads for bicycles and pedestrians in conformity with the objective of developing Phu Quoc island into an eco-tourist and resort center. To build viaducts at some road sections so that animals can easily pass the core zone of Phu Quoc national park. To study and build a traffic system of tramcars, gas-fuelled vehicles and bicycles.

b/ To study ana adjust the approved master plan on the construction of Phu Quoc island. Kien Giang province, up to 2020 along the line of reducing the number of golf courses already planned and not building golf courses in areas adjacent to the national park and the biosphere reserve zone and the ecologically delicate area north of the island; to propose a new plan to supersede the plan on construction of a horse race course in conformity with ecotourism purposes; to re-plan the permitable limit for construction of public facilities on the beach so as to create tourist landscape and avoid adverse impacts of natural disasters and climate change. To adjust the planning on the reservoir system and water sources in the direction of stopping the building of or reducing the scope of Cua Can reservoir, upgrading and expanding Duong Dong reservoir toward the lower basin in order to increase its water-bearing capacity and building scattered small spillways (reservoirs) at streams in the island so as to ensure non-encroachment upon forest land and the flow of lower streams. To adjust the planning on the construction of a wastewater treatment facilities in Dam bay and a separate sluice network (D600-2000) running through urban centers and tourist resorts to gather all wastewater to a single treatment center, paying special attention to the fact that urban centers in the island are built scatteredly on uneven terrain;

c/ To study and adjust the approved master plan on tourism development in Phu Quoc island. Kien Giang province, during 2006-2020; to formulate a detailed planning on tourism development in Phu Quoc island in the direction of making intensive investment to restore and embellish beauty spots and historical relics of important significance to the community; to develop and improve the environment in traditional trade villages which play an important role in tourism development, for example, Ham Ninh, Bai Thorn, Rach Tram, Ganh Dau, Cua Can, Mui Chua and Hon Thom fishing villages. To affix the ecological mark to well-known products of Phu Quoc island such as fish sauce, pepper and Sim (myrtle) Brandy in order to attract tourists' attention and contribute to creating a distinct image of Phu Quoc tourism in the future. To combine environmental protection with the development of eco-tourism models and encourage the community to participate in the development of eco-tourism. countryside tourism, craft village tourism and gastronomical tourism while implementing the planning on conservation of biodiversity in the island, especially the conservation of ecosystems and biodiversity in the national park and marine biodiversity;

d/To study and adjust the planning on the use of land in Phu Quoc island, incorporating environmental elements, territorial planning and adaptations to climate change. Specifically, to consider and reduce the proportion of agricultural land and forest land to be used for other purposes, reduce the proportion of unused land and further change the use purposes of land, especially for tourist activities: plan appropriate locations for the construction of small- and medium-sized reservoirs; and replace the plan on zoning a 15-hectare land area in Dam bay to build a concentrated wastewater treatment facilitv bv a plan on the construction of several wastewater treatment facilities in appropriate locations:

e/To closely monitor environmental impacts (according to the results of strategic environmental assessment) in the course of implementation of plannings. To monitor environmental impacts in the course of implementation of socio-economic development plannings and branch plannings for which strategic environmental assessment has been carried out so as to make timely adjustment, if necessary.

5. Preventing and controlling environmental pollution:

a/ To set up a database on and closely control polluting sources, especially sources of wastes discharged into surface water, ground water and inshore seawater. To expand the water supply network in urban centers, especially in Duong Dong and An Thoi townships. To plan and build some small-sized water supply stations; build rainwater tanks of proper sizes right at inhabitants' homes to ensure the adequate supply of water in the dry season. To apply measures for re-using and circulating water in order to reduce the volume of consumed water and wastewater to be treated. To change crop structure and apply advanced irrigation methods so as to restrict overexploitation and overuse of water resources;

b/To control the quality of water environment: to apply ISO 14001 environmental management standard to production, business and service establishments: introduce cleaner production methods in factories and industrial clusters: promulgate environmental technical regulations stricter than national technical regulations for application to wastewater of urban centers as well as hotels and guest-houses located along the beach.

To control all sources of wastes discharged into the environment. To step by step complete the water drainage systems in Duong Dong and An Thoi townships and commune centers. To develop and expand the system of public toilets in marketplaces and wharves and work out a typical management model. To regularly collect garbage and vegetation floating on rivers, canals and ditches and the sea area south of An Thoi township. To develop and ensure the regular operation of the network of water environment observation in the island;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



6 Accelerating the transfer of pollution treatment technologies and environmentally friendly production technologies:

a/ To promulgate encouraging mechanisms and incentive policies to encourage the transfer of pollution treatment technologies and environmentally friendly production technologies. To develop a system of environmental science and technology research and application agencies;

b/ To implement programs and schemes on research and development of pollution treatment technologies and environmentally friendly production technologies to meet practical and state management requirements regarding environmental protection in the island.

7. Mitigating and adapting to climate change:

a/ On the basis of climate change scenarios outlined for the whole country and each region, to forecast impacts of climate change on the island. To anticipate newly affected areas, especially those affected by sea level rise, in order to serve the elaboration of development plannings;

b/ To propose plans and solutions suitable to each industry aiming to mitigate and adapt to impacts of climate change. Mitigating solutions include: reducing greenhouse gas emissions through the application of environmentally friendly technologies, promoting afforestation, etc. Adapting solutions cover the incorporation of impacts of climate change into development plannings. formulation of measures to protect dykes and dams in sensitive areas: and issuance of warning for lowland areas prone to the impacts of sea level rise.

8. Conducting communication and education to raise the community's awareness about, sense of and responsibility for environmental protection:

a/ To launch campaigns to involve the population in environmental protection activities; to promulgate criteria on green, clean, beautiful and safe commune, ward, township and house, incorporating them in the campaign of developing cultured residential quarters and families; annually, to award and commend communes, wards, townships and families which record outstanding achievements in environmental protection:

b/ To organize mobile propaganda teams to conduct public information on environmental protection: to regularly introduce environmental protection contents in public-addressing programs in communes, wards and townships; to disseminate and raise public awareness about environmental issues and provide them with information on environmental protection; constantly advocate the community's campaigns on environmental protection, praise and expand advanced models in environmental protection.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



The total fund for the implementation of 16 priority projects under the Scheme for 12 years (2008-2020) is estimated at about VND 800 (eight hundred) billion which will be raised from the central budget, local budgets, investment capital of production, business and service enterprises on the island, concessional loans or donations from the Vietnam Environmental Protection Fund, non­refundable aid, preferential credit capital and supports and donations of domestic and overseas organizations and individuals. This total fund level has been determined on the basis of the fund of each specific project approved by competent authorities in accordance with law.

V. IMPLEMENTATION SOLUTIONS:

1. To promote dissemination and education work so as to raise the community's awareness about and sense of responsibility for environmental protection in the island district-administrations at various levels, mass organizations, enterprises, organizations and individuals.

2. To enhance coordination among agencies and branches in the course of implementation of the Scheme according to the viewpoint of sustainable development. To closely combine requirements on protection of the island's environment, biodiversity and natural landscape and incorporate them into the elaboration, appraisal, approval and implementation of plannings, plans and projects on socio-economic development of the island. Specialized and managerial agencies in charge of environmental protection shall elaborate mechanisms and policies as well as formulate development plannings and projects together with relevant agencies and branches in accordance with the environmental protection law. At the same time, to work out a coordination mechanism, clearly identifying responsibilities of managing agencies and coordinating agencies in implementing the Scheme's contents and tasks.

3. To increase regular and irregular examination and inspection of production, business and service establishments in the island so as to promptly detect and strictly handle violations in environmental protection in accordance with law.

4. To promote people's participation in environmental protection activities in the island, promulgate mechanisms and policies to enable people to actively participate in environmental protection, integrate environmental protection issues into regular activities of population quarters and communities and bring into full play the role of these social entities. To accelerate the mobilization of all social resources for environmental protection for the effective implementation of the Scheme's contents and tasks.

5. To increase and diversify investment capital from the state budget, enterprises, communities, organizations and individuals for the implementation of the Scheme's contents and tasks. To timely and adequately allocate capital from the state budget (central budget and local budgets) for the priority projects while attracting investment capital from enterprises, communities, domestic and overseas organizations and individuals for the implementation of the Scheme's contents and tasks. To set up and develop Phu Quoc Environmental Protection Fund. To manage investment capital for environmental protection in the island in an economical and efficient manner, avoiding extensive and inefficient investment.

6. To increase international cooperation so as to effectively implement the Scheme's contents and tasks. To work out programs and projects on regional cooperation in environmental protection,

which need cooperation with neighboring countries such as Thailand and Cambodia, paying attention to areas in which Phu Quoc island has advantages such as setting up of sea conservation zones and protection of marine biodiversity. To enhance cooperation with regional countries in technology transfer; boost the sharing of environmental information and form a network on regional environment information. To formulate scientific research projects to be funded by international organizations, giving special priority to manors concerning marine biodiversity, protection of environment and landscape in tourist sites and prevention of the deterioration of historical relics.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. The People's Committee of Kien Giang province:

a/To assume the prime responsibility for. and coordinate with the Ministry of Natural Resources and Environment and concerned ministries and branches in. organizing the implementation of the Scheme's contents and tasks, annually report the implementation results or propose to the Prime Minister measures, mechanisms and policies to deal with new problems, difficulties and troubles arising in the implementation of the Scheme beyond its competence;

b/ The People's Council and the People's Committee of Kien Giang province shall, based on current legal provisions and local practical situation, promulgate documents specifying legal documents on environmental protection, setting particular mechanisms and preferential policies for exclusive application to Phu Quoc island in accordance with the Law on Organization of People's Councils and People's Committees, increase investment capital, upgrade material and technical foundations for environmental protection agencies and units and increase environmental protection officials and managers and the environment police force, and allocate more funds to the People's Committee of Phu Quoc district, aiming to successfully implement the Scheme's contents and tasks:

c/To assume the prime responsibility for. and coordinate with the Ministry of Natural Resources and Environment in. elaborating and promulgating specialized plannings on environmental protection in the island and organizing their implementation: to study and adjust the land-use planning of Phu Quoc island in conformity with environmental protection contents set out in the Scheme.

d/ To coordinate with relevant ministries and branches in studying amendments and proposing adjustments to approved branch plannings in conformity with this Scheme's environmental protection requirements;

e/To assume the prime responsibility for, and coordinate with the Ministry of Natural Resources and Environment and concerned ministries and branches in, elaborating, appraising, approving and organizing the implementation of 11 assigned priority projects in an effective and timely manner.

2. The Ministry of Natural Resources and Environment:

a/To assume the prime responsibility for, and coordinate with the People's Committee of Kien Giang province and concerned ministries and branches in, elaborating, appraising, approving and organizing the implementation of 4 priority projects assigned to the Ministry under the Scheme in an effective and timely manner;

b/To coordinate with the People's Committee of Kien Giang province and relevant ministries and branches in. organizing the implementation of the Scheme's contents and tasks: annually, coordinate with the People's Committee of Kien Giang province in reporting to the Prime Minister implementation results or proposing to the Prime Minister measures, mechanisms and policies to deal with new problems, difficulties and troubles arising in the course of implementation the Scheme beyond its competence;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. The Ministry of Planning and Investment and the Ministry of Finance shall balance and allocate capital to ensure the effective and timely implementation of the approved priority projects on environmental protection on the island.

4. The Ministries of Construction; Transport; and Culture, Sports and Tourism shall, based on their functions, tasks and state management scope, assume the prime responsibility for, and coordinate with the People's Committee of Kien Giang province and the Ministry of Natural Resources and Environment in. studying and adjusting a number of contents of the approved plannings on construction, sustainable traffic development and tourism development on Phu Quoc island in conformity with this Scheme's environmental protection tasks.

5. Other ministries and branches shall, based on their functions, tasks and state management scope, coordinate with the People's Committee of Kien Giang province and the Ministry of Natural Resources and Environment in organizing the implementation of this Scheme's relevant contents and tasks.

Article 2.- This Decision takes effect 15 days after its publication in "CONG BAO."

Article 3.- Ministers, heads of ministerial-level agencies, heads of government-attached agencies and the president of the People's Committee of Kien Giang province shall implement this Decision.

 

 

FOR THE PRIME MINISTER
DEPUTY PRIME MINISTER





Hoang Trung Hai

 

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 137/2008/QĐ-TTg ngày 10/10/2008 phê duyệt “Đề án tổng thể bảo vệ môi trường đảo Phú Quốc đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020” do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


5.748

DMCA.com Protection Status
IP: 18.217.67.225
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!