NGHỊ ĐỊNH
QUY
ĐỊNH CHI TIẾT MỘT SỐ ĐIỀU VÀ BIỆN PHÁP THI HÀNH LUẬT CƯ TRÚ
Căn cứ Luật Tổ chức
Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa
đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền
địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Cư trú
ngày 13 tháng 11 năm 2020;
Căn cứ Luật Giao dịch
điện tử ngày 22 tháng 6 năm 2023;
Căn cứ Luật Căn cước
ngày 27 tháng 11 năm 2023;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công an;
Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một
số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị định này quy định chi tiết một số điều và biện
pháp thi hành Luật Cư trú về:
1. Nơi cư trú của người sinh sống, người làm nghề
lưu động trên tàu, thuyền hoặc phương tiện khác có khả năng di chuyển.
2. Nơi cư trú của người không có nơi thường trú,
nơi tạm trú.
3. Các loại giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp
pháp, giấy tờ, tài liệu chứng minh quan hệ nhân thân.
4. Đăng ký cư trú cho người chưa thành niên; một số
nội dung đăng ký, quản lý cư trú.
5. Hồ sơ, thủ tục xóa đăng ký thường trú.
6. Hồ sơ, thủ tục xóa đăng ký tạm trú.
7. Thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú, việc
xây dựng và quản lý Cơ sở dữ liệu về cư trú và thu thập, cập nhật, điều chỉnh,
quản lý, kết nối, chia sẻ, khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Nghị định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức và
công dân Việt Nam trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Chương II
NƠI CƯ TRÚ, ĐĂNG KÝ THƯỜNG
TRÚ, ĐĂNG KÝ TẠM TRÚ
Điều 3. Nơi cư trú của người
sinh sống, người làm nghề lưu động trên tàu, thuyền hoặc phương tiện khác có khả
năng di chuyển
1. Nơi cư trú của người sinh sống, người làm nghề
lưu động trên tàu, thuyền hoặc phương tiện khác có khả năng di chuyển và được
dùng để ở (sau đây gọi chung là phương tiện) là nơi đăng ký phương tiện hoặc nơi
phương tiện thường xuyên đậu, đỗ theo quy định tại khoản 1 Điều
16 Luật Cư trú.
2. Nơi thường xuyên đậu, đỗ của phương tiện là địa
điểm mà phương tiện đó thực tế đậu, đỗ, không thuộc địa điểm cấm, khu vực cấm
do chủ phương tiện tự xác định và đăng ký với Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Ủy
ban nhân dân cấp huyện ở nơi không có đơn vị hành chính cấp xã (sau đây viết gọn
là Ủy ban nhân dân cấp xã) nơi phương tiện đó đậu, đỗ. Trường hợp chủ phương tiện
đã có hợp đồng thuê bến bãi hoặc văn bản chấp thuận cho phương tiện đậu, đỗ của
cơ quan, tổ chức quản lý nơi đậu, đỗ thì không phải đăng ký.
3. Công dân nộp hồ sơ đăng ký cư trú và Tờ khai đề
nghị xác nhận nơi thường xuyên đậu, đỗ; sử dụng phương tiện vào mục đích để ở
(sau đây viết gọn là Tờ khai) theo Mẫu số 01 ban
hành kèm theo Nghị định này bằng phương thức trực tiếp, trực tuyến hoặc dịch vụ
bưu chính công ích đến cơ quan đăng ký cư trú. Cơ quan quan đăng ký cư trú có
trách nhiệm chuyển Tờ khai đến Ủy ban nhân dân cấp xã.
Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được
Tờ khai, Ủy ban nhân dân cấp xã xem xét, xác nhận, trường hợp từ chối giải quyết
thì phải trả lời bằng văn bản, nêu rõ lý do và chuyển các văn bản này cho cơ
quan đăng ký cư trú để xem xét, giải quyết đăng ký cư trú cho công dân.
4. Trường hợp chủ phương tiện thay đổi nơi thường
xuyên đậu, đỗ của phương tiện có trách nhiệm đăng ký lại theo quy định tại khoản
3 Điều này.
Điều 4. Nơi cư trú của người
không có nơi thường trú, nơi tạm trú
1. Người không có nơi thường trú, nơi tạm trú khai
báo thông tin về cư trú theo mẫu Tờ khai thay đổi thông tin cư trú và nộp trực
tuyến, trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính công ích đến cơ quan đăng ký cư trú
tại nơi ở hiện tại theo quy định tại Điều 19 Luật Cư trú.
Trường hợp chưa có thông tin hoặc thông tin không đầy
đủ, chính xác trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú
thì cơ quan đăng ký cư trú tại nơi ở hiện tại của công dân có trách nhiệm tiếp
nhận thông tin, hồ sơ của công dân, kiểm tra, xác minh và thực hiện thu thập, cập
nhật thông tin công dân theo quy định của pháp luật.
2. Trường hợp qua kiểm tra, rà soát, cơ quan đăng
ký cư trú phát hiện công dân thuộc trường hợp phải khai báo thông tin về cư trú
thì có trách nhiệm hướng dẫn và yêu cầu công dân đó thực hiện việc khai báo.
Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày cơ quan đăng ký cư trú yêu cầu công dân khai
báo thông tin về cư trú thì công dân có trách nhiệm thực hiện khai báo theo quy
định tại khoản 1 Điều này.
3. Trường hợp qua kiểm tra, xác minh xác định thông
tin về cư trú do công dân đã khai báo, cung cấp nhưng chưa đầy đủ, chính xác hoặc
không kiểm tra, xác minh được thông tin về công dân thì cơ quan đăng ký cư trú
có văn bản giấy hoặc văn bản điện tử từ chối tiếp nhận khai báo thông tin về cư
trú và đề nghị công dân đó khai báo lại để kiểm tra, xác minh theo quy định (trừ
trường hợp thông tin khai báo lại đúng với kết quả đã xác minh trước đó). Thời
hạn kiểm tra, xác minh lại được tính như thời hạn kiểm tra, xác minh lần đầu.
Qua kiểm tra, xác minh nếu có căn cứ xác định người
đến khai báo là công dân Việt Nam và thông tin mà công dân đó khai báo đầy đủ,
chính xác thì cơ quan đăng ký cư trú tiến hành thu thập, cập nhật thông tin
công dân đó vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để đề nghị cơ quan quản lý căn
cước Bộ Công an xác lập số định danh cá nhân của công dân Việt Nam theo quy định
của pháp luật. Cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm cấp giấy xác nhận thông
tin về cư trú khi công dân có nhu cầu.
4. Nội dung giấy xác nhận thông tin về cư trú bao gồm
các thông tin cơ bản về công dân: Họ, chữ đệm và tên, số định danh cá nhân;
ngày, tháng, năm sinh; giới tính; quốc tịch; dân tộc; tôn giáo; quê quán; nơi
đăng ký khai sinh; nơi ở hiện tại; ngày, tháng, năm khai báo cư trú; họ, chữ đệm
và tên chủ hộ; quan hệ với chủ hộ; số định danh cá nhân chủ hộ.
5. Công dân đã được cấp giấy xác nhận thông tin về
cư trú có trách nhiệm đăng ký thường trú hoặc đăng ký tạm trú ngay khi đủ điều
kiện, thủ tục theo quy định của Luật Cư trú;
trường hợp chưa đủ điều kiện đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú nhưng có thay
đổi về thông tin cá nhân, thông tin nhân thân thì phải khai báo lại với cơ quan
đăng ký cư trú nơi đã cấp giấy xác nhận thông tin về cư trú để kiểm tra, xác
minh, rà soát, cập nhật, điều chỉnh thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về
dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú.
Điều 5. Giấy tờ, tài liệu,
thông tin chứng minh chỗ ở hợp pháp
1. Công dân cung cấp thông tin chứng minh về chỗ ở
hợp pháp cho cơ quan đăng ký cư trú khi nộp hồ sơ đăng ký cư trú, cơ quan đăng
ký cư trú có trách nhiệm khai thác thông tin này trong căn cước điện tử, tài
khoản định danh điện tử trên hệ thống định danh và xác thực điện tử qua Ứng dụng
định danh quốc gia hoặc trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về
cư trú, Kho quản lý dữ liệu điện tử tổ chức, cá nhân trên Cổng dịch vụ công quốc
gia, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh hoặc cơ
sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác.
Trường hợp không khai thác được thông tin chứng
minh về chỗ ở hợp pháp trong cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin hoặc ứng dụng định
danh quốc gia thì cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm kiểm tra, xác minh để
giải quyết thủ tục về cư trú; công dân có trách nhiệm cung cấp bản sao, bản chụp,
bản điện tử một trong các giấy tờ, tài liệu chứng minh về chỗ ở hợp pháp khi cơ
quan đăng ký cư trú có yêu cầu.
2. Giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp để
đăng ký thường trú là một trong các giấy tờ, tài liệu sau:
a) Giấy tờ, tài liệu chứng nhận về quyền sử dụng đất,
quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất do cơ quan có thẩm quyền cấp qua các thời
kỳ theo quy định của pháp luật về đất đai và nhà ở;
b) Giấy phép xây dựng nhà ở hoặc giấy phép xây dựng
nhà ở có thời hạn đối với trường hợp phải xin giấy phép xây dựng theo quy định
của pháp luật về xây dựng;
c) Giấy tờ mua bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước hoặc
giấy tờ về hóa giá, thanh lý nhà ở gắn liền với đất ở thuộc sở hữu nhà nước
theo quy định của pháp luật;
d) Hợp đồng mua bán nhà ở hoặc giấy tờ chứng minh
việc đã bàn giao nhà ở hoặc đã nhận nhà ở của doanh nghiệp kinh doanh bất động
sản đầu tư xây dựng để bán;
đ) Giấy tờ về mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa
kế, nhận góp vốn, nhận đổi nhà ở phù hợp với quy định của pháp luật về đất đai
và nhà ở;
e) Giấy tờ về giao tặng nhà tình nghĩa, nhà tình
thương, nhà đại đoàn kết, cấp nhà ở, đất ở cho cá nhân, hộ gia đình;
g) Giấy tờ của Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm
quyền giải quyết cho được sở hữu nhà ở đã có hiệu lực pháp luật;
h) Giấy tờ, tài liệu chứng minh về việc thế chấp, cầm
cố quyền sở hữu chỗ ở hợp pháp;
i) Xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về nhà ở, đất
ở sử dụng ổn định, không có tranh chấp và không thuộc địa điểm không được đăng
ký thường trú mới theo Mẫu số 02 ban hành kèm theo
Nghị định này;
k) Giấy tờ, tài liệu chứng minh về đăng ký, đăng kiểm
phương tiện thuộc quyền sở hữu, xác nhận đăng ký nơi thường xuyên đậu, đỗ của
phương tiện trừ trường hợp không phải đăng ký nơi thường xuyên đậu đỗ theo quy
định tại khoản 2 Điều 3 Nghị định này;
l) Hợp đồng, văn bản về việc cho thuê, cho mượn,
cho ở nhờ được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật;
m) Một trong các loại giấy tờ, tài liệu khác để xem
xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với
đất theo quy định của pháp luật về đất đai, nhà ở qua các thời kỳ.
3. Giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp để
đăng ký tạm trú là một trong các giấy tờ, tài liệu sau:
a) Một trong những giấy tờ, tài liệu quy định tại
khoản 2 Điều này, trừ trường hợp giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp là
văn bản cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ chỗ ở hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá
nhân thì văn bản đó không phải công chứng hoặc chứng thực;
b) Văn bản cam kết của công dân về việc có chỗ ở
thuộc quyền sử dụng của mình, không có tranh chấp về quyền sử dụng và đang sinh
sống ổn định, lâu dài tại chỗ ở đó nếu không có một trong các giấy tờ, tài liệu
quy định tại điểm a khoản này. Nội dung văn bản cam kết bao gồm: Họ, chữ đệm và
tên; ngày, tháng, năm sinh; số định danh cá nhân; nơi cư trú; thông tin về chỗ ở
đề nghị đăng ký tạm trú và cam kết của công dân;
c) Giấy tờ, tài liệu của chủ sở hữu cơ sở lưu trú
du lịch, cơ sở khác có chức năng lưu trú cho phép cá nhân được đăng ký tạm trú
tại cơ sở đó;
d) Giấy tờ của cơ quan, tổ chức quản lý khu công
nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế cho phép người lao động được đăng ký tạm trú
tại chỗ ở thuộc quyền sở hữu hoặc quản lý theo quy định của pháp luật;
đ) Giấy tờ của cơ quan, tổ chức quản lý công trình,
công trường xây dựng, ký túc xá, làng nghề, cơ sở, tổ chức sản xuất kinh doanh
cho phép người lao động được đăng ký tạm trú tại chỗ ở thuộc quyền sở hữu hoặc
quản lý theo quy định của pháp luật.
4. Giấy tờ, tài liệu chứng minh bảo đảm diện tích
nhà ở tối thiểu để đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ
quy định tại khoản 3 Điều 20 Luật Cư trú là một trong các loại
giấy tờ sau:
a) Giấy tờ, tài liệu quy định tại khoản 2 Điều này
trong đó có thể hiện diện tích nhà ở;
b) Xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về điều kiện
diện tích bình quân bảo đảm theo quy định của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố
trực thuộc trung ương theo Mẫu số 02 ban hành kèm
theo Nghị định này.
Điều 6. Giấy tờ, tài liệu,
thông tin chứng minh quan hệ nhân thân
1. Công dân cung cấp thông tin về quan hệ nhân thân
với chủ hộ, thành viên hộ gia đình cho cơ quan đăng ký cư trú khi nộp hồ sơ
đăng ký cư trú; cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm khai thác thông tin này
trong căn cước điện tử, tài khoản định danh điện tử trên hệ thống định danh và
xác thực điện tử qua Ứng dụng định danh quốc gia hoặc trong Cơ sở dữ liệu quốc
gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú, Kho quản lý dữ liệu điện tử tổ chức, cá
nhân trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục
hành chính cấp bộ, cấp tỉnh hoặc cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên
ngành khác khác.
Trường hợp không khai thác được thông tin chứng
minh về quan hệ nhân thân trong các cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin thì cơ
quan đăng ký cư trú có trách nhiệm kiểm tra, xác minh để giải quyết thủ tục về
cư trú; công dân có trách nhiệm cung cấp bản sao, bản chụp, bản điện tử một
trong các giấy tờ, tài liệu chứng minh về quan hệ nhân thân khi cơ quan đăng ký
cư trú yêu cầu.
2. Trường hợp không khai thác được thông tin theo
quy định tại khoản 1 Điều này thì giấy tờ, tài liệu chứng minh quan hệ nhân
thân thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 Điều 20 Luật
Cư trú, bao gồm:
a) Giấy tờ, tài liệu để chứng minh quan hệ vợ, chồng:
Giấy chứng nhận kết hôn; giấy xác nhận tình trạng hôn nhân; thẻ căn cước (sử dụng
thông tin mã hóa, lưu trữ trong bộ phận lưu trữ trên thẻ căn cước); xác nhận của
Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú về quan hệ vợ, chồng;
b) Giấy tờ, tài liệu để chứng minh quan hệ cha, mẹ,
con: Giấy khai sinh; chứng nhận hoặc quyết định việc nuôi con nuôi; quyết định
việc nhận cha, mẹ, con; xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú; thẻ căn
cước (sử dụng thông tin mã hóa, lưu trữ trong bộ phận lưu trữ trên thẻ căn cước);
quyết định của Tòa án, trích lục hộ tịch hoặc văn bản của cơ quan y tế, cơ quan
giám định về quan hệ cha, mẹ với con;
c) Ngoài các giấy tờ nêu trên, cơ quan, tổ chức nơi
công dân đó đang công tác, sinh hoạt, học tập căn cứ vào hồ sơ, lý lịch cá nhân
để xác nhận mối quan hệ vợ chồng, quan hệ cha, con cho cán bộ, nhân viên, thành
viên thuộc tổ chức mình.
3. Trường hợp không khai thác được thông tin theo
quy định tại khoản 1 Điều này thì giấy tờ, tài liệu chứng minh nhân thân, mối
quan hệ nhân thân của người thuộc trường hợp quy định tại điểm
b, điểm c khoản 2 Điều 20 Luật Cư trú, bao gồm:
a) Giấy tờ, tài liệu để chứng minh mối quan hệ anh,
chị, em ruột: Giấy khai sinh, xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú hoặc
xác nhận của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về hộ tịch;
b) Giấy tờ, tài liệu chứng minh mối quan hệ cụ nội,
cụ ngoại, ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, cô, dì, chú, bác, cậu ruột,
cháu ruột: Giấy khai sinh; xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú hoặc
xác nhận của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về hộ tịch;
c) Giấy tờ, tài liệu chứng minh mối quan hệ người
giám hộ: Quyết định cử người giám hộ; trích lục đăng ký giám hộ; thẻ căn cước
công dân, thẻ căn cước; xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú;
d) Giấy tờ, tài liệu chứng minh không còn cha, mẹ:
Giấy chứng tử của cha, mẹ hoặc quyết định của Tòa án tuyên bố cha, mẹ mất tích,
chết; xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú về việc cha, mẹ đã chết;
đ) Giấy tờ chứng minh là người cao tuổi: Giấy khai
sinh, thẻ căn cước công dân, thẻ căn cước (sử dụng thông tin mã hóa, lưu trữ
trong bộ phận lưu trữ trên thẻ căn cước); Thẻ hội viên Hội người cao tuổi Việt
Nam; Hộ chiếu; Sổ Bảo hiểm xã hội, Thẻ bảo hiểm y tế hoặc xác nhận của Ủy ban
nhân dân cấp xã về ngày, tháng, năm sinh;
e) Giấy tờ chứng minh là người khuyết tật đặc biệt
nặng, người khuyết tật nặng, người không có khả năng lao động, người bị bệnh
tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành
vi: Chứng nhận của cơ sở y tế cấp huyện trở lên hoặc xác nhận của Ủy ban nhân
dân cấp xã tại nơi cư trú;
g) Giấy tờ chứng minh là người chưa thành niên gồm:
Giấy khai sinh, thẻ căn cước công dân, thẻ căn cước (sử dụng thông tin mã hóa,
lưu trữ trong bộ phận lưu trữ trên thẻ căn cước); Hộ chiếu; Thẻ bảo hiểm y tế
hoặc xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã tại nơi cư trú về ngày, tháng, năm
sinh.
Điều 7. Đăng ký cư trú cho người
chưa thành niên
1. Trường hợp người chưa thành niên đăng ký thường
trú, đăng ký tạm trú tại nơi thường trú, nơi tạm trú của cha, mẹ hoặc cha hoặc
mẹ thì cha hoặc mẹ hoặc người giám hộ thực hiện kê khai, xác nhận ý kiến vào Tờ
khai thay đổi thông tin cư trú.
Trường hợp người chưa thành niên đăng ký thường
trú, đăng ký tạm trú tại nơi thường trú, nơi tạm trú không phải là nơi thường
trú, nơi tạm trú của cha, mẹ hoặc người giám hộ thì cha hoặc mẹ hoặc người giám
hộ thực hiện kê khai, xác nhận ý kiến vào Tờ khai thay đổi thông tin cư trú.
Trường hợp người chưa thành niên được Tòa án quyết định giao cho cha hoặc mẹ
chăm sóc, nuôi dưỡng thì người được giao chăm sóc, nuôi dưỡng kê khai, xác nhận
ý kiến vào Tờ khai thay đổi thông tin cư trú.
2. Trong thời hạn tối đa 60 ngày, kể từ ngày người
chưa thành niên được đăng ký khai sinh thì cha hoặc mẹ hoặc chủ hộ hoặc người
giám hộ có trách nhiệm thực hiện thủ tục đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú,
khai báo thông tin về cư trú cho người chưa thành niên. Trường hợp cha, mẹ của
người chưa thành niên có nơi thường trú nhưng không phải nơi đang thực tế sinh
sống thì người chưa thành niên được đăng ký thường trú tại nơi thường trú của
cha, mẹ.
3. Trường hợp cha, mẹ của người chưa thành niên
không có cả nơi thường trú, nơi tạm trú thì thực hiện khai báo thông tin về cư
trú cho người chưa thành niên theo quy định tại Điều 4 Nghị định
này.
4. Trường hợp đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú lần
đầu cho người chưa thành niên theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này thì
cơ quan đăng ký cư trú không phải thực hiện kiểm tra, xác minh điều kiện về
tính hợp pháp của chỗ ở và tình trạng cư trú.
Điều 8. Một số nội dung đăng
ký, quản lý cư trú
1. Trường hợp công dân đăng ký thường trú vào chỗ ở
hợp pháp thuộc quyền sở hữu của mình mà chỗ ở hợp pháp đó có nhiều hơn một chủ
sở hữu thì không cần có ý kiến đồng ý của những người đồng sở hữu.
2. Trường hợp đăng ký thường
trú theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 20 Luật Cư trú
mà chỗ ở hợp pháp có nhiều hơn một chủ sở hữu thì chỉ
cần ý kiến đồng ý của ít nhất một chủ sở hữu.
3. Trường hợp đăng ký thường trú không thuộc điểm a khoản 2 Điều 20 Luật Cư trú mà chỗ ở hợp pháp có nhiều
hơn một chủ sở hữu thì khi đăng ký thường trú phải có ý kiến đồng ý của các chủ
sở hữu hoặc người được chủ sở hữu ủy quyền bằng văn bản có công chứng hoặc chứng
thực theo quy định pháp luật.
4. Trường hợp đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp
của chủ sở hữu là người bị mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong
nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định của Bộ
luật Dân sự, người dưới 18 tuổi, người bị tuyên bố mất tích, người đã chết
thì chỉ cần lấy ý kiến đồng ý của một trong những người đại diện hợp pháp, người
thừa kế của chủ sở hữu theo quy định của pháp luật.
5. Việc lấy ý kiến đồng ý của chủ hộ, chủ sở hữu chỗ
ở hợp pháp, người đại diện hợp pháp, người thừa kế theo quy định pháp luật,
cha, mẹ, người giám hộ được thực hiện bằng một trong các hình thức sau:
a) Ghi rõ nội dung đồng ý và ký, ghi rõ họ tên vào Tờ
khai thay đổi thông tin cư trú;
b) Xác nhận nội dung đồng ý thông qua Ứng dụng định
danh quốc gia hoặc dịch vụ công trực tuyến hoặc cơ quan đăng ký cư trú trao đổi,
lấy ý kiến trực tiếp thông qua việc kiểm tra, xác minh cư trú;
c) Có ý kiến đồng ý bằng văn bản.
6. Trường hợp hộ gia đình chuyển nơi cư trú mới thì
chủ hộ chỉ thực hiện đăng ký cư trú đối với bản thân mình theo điều kiện, thủ tục
của Luật Cư trú và kê khai, đăng ký cư trú
kèm theo cho các thành viên khác của hộ gia đình trong Tờ khai thay đổi thông
tin cư trú.
7. Trường hợp một hoặc nhiều thành viên trong hộ
gia đình chuyển nơi cư trú mới thì một trong các thành viên đó thực hiện đăng
ký cư trú đối với bản thân mình theo điều kiện, thủ tục của Luật Cư trú; người thực hiện thủ tục được kê
khai, đăng ký cư trú kèm theo cho các thành viên khác của hộ gia đình trong Tờ
khai thay đổi thông tin cư trú, không phải nộp hồ sơ và thực hiện thêm các thủ
tục đăng ký cư trú khác cho thành viên hộ gia đình.
8. Cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm hướng dẫn,
tiếp nhận, giải quyết yêu cầu đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú đối với trường
hợp công dân đến sinh sống tại chỗ ở hợp pháp ngoài nơi cư trú đã đăng ký, khai
báo theo quy định của Luật Cư trú. Trường hợp
công dân không đủ điều kiện đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú tại chỗ ở mới
thì cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm cập nhật thông tin nơi ở hiện tại của
công dân vào Cơ sở dữ liệu về cư trú, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
9. Công dân đăng ký tạm trú về với hộ gia đình thuộc
trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 20 Luật Cư trú khi chủ
hộ, chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đồng ý và không phải xuất trình, cung cấp giấy tờ
chứng minh chỗ ở hợp pháp. Khi hết thời hạn tạm trú, đại diện thành viên hộ gia
đình được kê khai, đăng ký gia hạn tạm trú cho bản thân hoặc các thành viên
khác trong hộ gia đình khi được chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đồng ý, không phải xuất
trình, cung cấp giấy tờ chứng minh chỗ ở hợp pháp.
10. Cơ quan đăng ký cư trú giải quyết thủ tục đăng
ký thường trú, đăng ký tạm trú hoặc thủ tục khác về cư trú nhưng không đúng thẩm
quyền, không đúng đối tượng và điều kiện theo quy định của Luật Cư trú thì phải hủy kết quả đã giải quyết,
phục hồi lại trạng thái, thông tin cư trú trước đây và thông báo bằng văn bản
cho người đã đăng ký, nêu rõ lý do.
11. Trường hợp công dân có nơi thường trú, nơi tạm
trú và đã bị xóa đăng ký thường trú, xóa đăng ký tạm trú nhưng không xác định
được nơi hiện đang cư trú thì cơ quan đăng ký cư trú nơi đã xóa đăng ký thường
trú, xóa đăng ký tạm trú có trách nhiệm tiếp tục thực hiện biện pháp quản lý cư
trú đối với những trường hợp này.
12. Xác nhận về điều kiện diện tích bình quân nhà ở
để đăng ký thường trú vào chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ; nhà ở, đất ở không có
tranh chấp quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở, không thuộc địa điểm không
được đăng ký thường trú mới theo quy định tại điểm i khoản 2, điểm
b khoản 4 Điều 5 Nghị định này:
a) Công dân nộp 01 hồ sơ đề nghị xác nhận bằng
phương thức trực tuyến, trực tiếp, dịch vụ bưu chính công ích tới Ủy ban nhân
dân cấp xã nơi cư trú;
b) Hồ sơ đề nghị xác nhận gồm: Tờ khai đề nghị xác
nhận theo Mẫu số 02 ban hành kèm theo Nghị định
này;
c) Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận
đủ hồ sơ quy định tại điểm b khoản này, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú xem
xét xác nhận và trả kết quả cho công dân; trường hợp từ chối giải quyết thì phải
trả lời bằng văn bản, nêu rõ lý do;
d) Trường hợp công dân nộp hồ sơ đề nghị xác nhận tới
cơ quan đăng ký cư trú cùng hồ sơ đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, cơ quan
đăng ký cư trú có trách nhiệm chuyển hồ sơ đề nghị xác nhận đến Ủy ban nhân dân
cấp xã xem xét, giải quyết.
Điều 9. Hồ sơ, thủ tục xóa đăng
ký thường trú
1. Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày hộ gia đình
có người thuộc diện xóa đăng ký thường trú thì người thuộc diện xóa đăng ký thường
trú hoặc đại diện hộ gia đình có trách nhiệm thực hiện thủ tục xóa đăng ký thường
trú.
2. Hồ sơ xóa đăng ký thường trú gồm: Tờ khai thay đổi
thông tin cư trú và giấy tờ, tài liệu chứng minh thuộc một trong các trường hợp
xóa đăng ký thường trú.
3. Người thực hiện thủ tục nộp 01 hồ sơ bằng phương
thức trực tuyến, trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính công ích đến cơ quan đăng
ký cư trú.
4. Trường hợp người bị đề nghị xóa đăng ký thường
trú chưa có thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoặc thông tin về
người đó trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư không đầy đủ, chính xác thì cơ
quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thu thập, cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc
gia về dân cư.
5. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận
được hồ sơ hợp lệ thì cơ quan đăng ký cư trú thực hiện xóa đăng ký thường trú đối
với công dân và cập nhật việc xóa đăng ký thường trú vào Cơ sở dữ liệu về cư
trú, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
6. Trường hợp người thuộc diện xóa đăng ký thường
trú hoặc đại diện hộ gia đình không thực hiện thủ tục xóa đăng ký thường trú
thì cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm kiểm tra, xác minh, lập biên bản về
việc công dân, đại diện hộ gia đình không thực hiện thủ tục xóa đăng ký thường
trú và thực hiện xóa đăng ký thường trú đối với công dân.
7. Cơ quan, đơn vị quản lý người học tập, công tác,
làm việc trong lực lượng vũ trang nhân dân có văn bản đề nghị cơ quan đăng ký
cư trú trên địa bàn đóng quân xóa đăng ký thường trú đối với người thuộc đơn vị
mình quản lý. Văn bản đề nghị cần nêu rõ họ, chữ đệm và tên khai sinh; ngày,
tháng, năm sinh; số định danh cá nhân hoặc chứng minh nhân dân 09 số của người
thuộc trường hợp xóa đăng ký thường trú; lý do đề nghị xóa đăng ký thường trú.
8. Trong thời hạn 01 ngày làm việc, kể từ ngày Cơ sở
dữ liệu quốc gia về dân cư tiếp nhận thông tin phản ánh về người thuộc trường hợp
bị xóa đăng ký thường trú quy định tại khoản 1 Điều 24 Luật Cư
trú, cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm kiểm tra, xác minh, thực hiện
xóa đăng ký thường trú đối với công dân và cập nhật việc xóa đăng ký thường trú
vào Cơ sở dữ liệu về cư trú, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
9. Sau khi thực hiện việc xóa đăng ký thường trú,
cơ quan đăng ký cư trú thông báo bằng văn bản giấy hoặc bản điện tử hoặc hình
thức điện tử khác cho người bị xóa đăng ký thường trú hoặc đại diện hộ gia
đình.
Điều 10. Hồ sơ, thủ tục xóa
đăng ký tạm trú
1. Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày hộ gia đình
có người thuộc diện xóa đăng ký tạm trú thì người thuộc diện xóa đăng ký tạm
trú hoặc đại diện hộ gia đình có trách nhiệm thực hiện thủ tục xóa đăng ký tạm
trú.
2. Hồ sơ xóa đăng ký tạm trú gồm: Tờ khai thay đổi
thông tin cư trú và giấy tờ, tài liệu chứng minh thuộc một trong các trường hợp
xóa đăng ký tạm trú.
3. Người thực hiện thủ tục nộp 01 hồ sơ bằng phương
thức trực tuyến, trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính công ích đến cơ quan đăng
ký cư trú.
4. Trường hợp người bị đề nghị xóa đăng ký tạm trú
chưa có thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoặc thông tin về người
đó trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư không đầy đủ, chính xác thì cơ quan
đăng ký cư trú có trách nhiệm thu thập, cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về
dân cư.
5. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận
được hồ sơ hợp lệ thì cơ quan đăng ký cư trú phải xóa đăng ký tạm trú đối với
công dân và cập nhật việc xóa đăng ký tạm trú vào Cơ sở dữ liệu về cư trú, Cơ sở
dữ liệu quốc gia về dân cư.
6. Trường hợp hộ gia đình chỉ có 01 người hoặc người
thuộc diện xóa đăng ký tạm trú hoặc đại diện hộ gia đình không thực hiện thủ tục
xóa đăng ký tạm trú thì cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm kiểm tra, xác
minh, lập biên bản về việc công dân, đại diện hộ gia đình không thực hiện thủ tục
xóa đăng ký tạm trú và thực hiện xóa đăng ký tạm trú đối với công dân.
7. Cơ quan, đơn vị quản lý người học tập, công tác,
làm việc trong lực lượng vũ trang nhân dân có văn bản đề nghị cơ quan đăng ký
cư trú trên địa bàn đóng quân xóa đăng ký tạm trú đối với người thuộc đơn vị
mình quản lý. Văn bản đề nghị cần nêu rõ họ, chữ đệm và tên khai sinh; ngày,
tháng, năm sinh; số định danh cá nhân hoặc Chứng minh nhân dân 09 số của người
cần xóa đăng ký tạm trú; lý do đề nghị xóa đăng ký tạm trú.
8. Trong thời hạn 01 ngày làm việc, kể từ ngày hệ
thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư tiếp nhận thông tin quy định tại khoản 1 Điều 29 Luật Cư trú thông qua kết nối, chia sẻ, đồng bộ
dữ liệu từ cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, cơ sở dữ liệu
khác do cơ quan, tổ chức quản lý, cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm kiểm
tra, xác minh, thực hiện xóa đăng ký tạm trú đối với công dân và cập nhật việc
xóa đăng ký tạm trú vào Cơ sở dữ liệu về cư trú, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân
cư.
9. Sau khi thực hiện việc xóa đăng ký tạm trú, cơ
quan đăng ký cư trú thông báo bằng văn bản giấy hoặc bản điện tử hoặc hình thức
điện tử khác cho người bị xóa đăng ký tạm trú hoặc đại diện hộ gia đình.
Chương III
CƠ SỞ DỮ LIỆU VỀ CƯ TRÚ
Điều 11. Thông tin trong Cơ sở
dữ liệu về cư trú của công dân
Thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú của công
dân gồm:
1. Số hồ sơ cư trú.
2. Thông tin quy định tại khoản 1 đến
khoản 15, khoản 21 đến khoản 25 Điều 9 và khoản 4 Điều 15 Luật Căn cước.
3. Tên gọi khác.
4. Nơi thường trú, thời gian bắt đầu đến thường trú;
lý do, thời điểm xóa đăng ký thường trú.
5. Nơi tạm trú, thời gian bắt đầu đến tạm trú, thời
gian tạm trú; lý do, thời điểm xóa đăng ký tạm trú.
6. Tình trạng khai báo tạm vắng, đối tượng khai báo
tạm vắng, thời gian tạm vắng, nơi đến trong thời gian tạm vắng, thời gian kết
thúc tạm vắng.
7. Nơi ở hiện tại, thời gian bắt đầu đến nơi ở hiện
tại.
8. Nơi lưu trú, thời gian lưu trú.
9. Tiền án.
10. Tiền sự.
11. Biện pháp ngăn chặn bị áp dụng.
12. Xóa án tích.
13. Số, tên cơ quan, người có thẩm quyền ban hành,
ngày, tháng, năm ban hành của văn bản cho nhập quốc tịch Việt Nam, cho thôi quốc
tịch Việt Nam, tước quốc tịch Việt Nam, hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt
Nam.
14. Số, ngày, tháng, năm, cơ quan ra quyết định
truy nã, truy tìm, đình nã.
15. Thông tin khác về công dân được tích hợp, chia
sẻ từ các cơ sở dữ liệu khác.
Điều 12. Yêu cầu xây dựng và
quản lý Cơ sở dữ liệu về cư trú
1. Cơ sở dữ liệu về cư trú được xây dựng và quản lý
tập trung, thống nhất tại cơ quan quản lý căn cước của Bộ Công an.
2. Cơ sở dữ liệu về cư trú được xây dựng theo tiêu
chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật công nghệ thông tin, định mức kinh tế - kỹ thuật, bảo
đảm kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu quốc gia,
chuyên ngành có liên quan, hoạt động ổn định, liên tục.
3. Bảo đảm an ninh, an toàn thông tin, bảo vệ dữ liệu
cá nhân, thuận lợi cho việc thu thập, cập nhật, điều chỉnh, khai thác, sử dụng.
4. Bảo đảm quyền khai thác thông tin của cơ quan, tổ
chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.
5. Bảo đảm việc thu thập, cập nhật, điều chỉnh
thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời; lưu trữ đầy đủ thông tin của người dân tại
các lần thu thập, cập nhật, điều chỉnh trong cơ sở dữ liệu.
Điều 13. Thu thập, cập nhật,
điều chỉnh, quản lý, kết nối, chia sẻ, khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu
về cư trú
1. Thông tin trong Cơ sở dữ liệu
về cư trú được thu thập, cập nhật, điều chỉnh từ các nguồn sau đây:
a) Thông tin được chia sẻ, đồng bộ từ Cơ sở dữ liệu
quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước và cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ
liệu chuyên ngành khác;
b) Từ tàng thư do lực lượng Công an nhân dân quản
lý; hồ sơ đăng ký, quản lý cư trú; kết quả giải quyết thủ tục hành chính, dịch
vụ công;
c) Thông tin được số hóa, cung cấp bởi tổ chức, cá
nhân;
d) Thông tin từ các nguồn khác theo quy định pháp
luật.
2. Việc thu thập, cập nhật, điều chỉnh thông tin về
công dân vào Cơ sở dữ liệu về cư trú phải bảo đảm các yêu cầu sau:
a) Các thông tin về công dân khi được thu thập, cập
nhật, điều chỉnh vào Cơ sở dữ liệu về cư trú phải đảm bảo tính chính xác;
b) Trường hợp thông tin về công dân được thu thập,
cập nhật từ nhiều nguồn khác nhau mà không thống nhất về nội dung thông tin thì
khi thu thập, cập nhật thông tin về công dân, Công an cấp xã có trách nhiệm phối
hợp với cơ quan đăng ký hộ tịch, cơ quan có liên quan hoặc công dân để kiểm tra
tính pháp lý của các thông tin đó và chịu trách nhiệm về nội dung thông tin trước
khi thu thập, cập nhật vào Cơ sở dữ liệu về cư trú.
Trường hợp công dân phát hiện thông tin của mình hoặc
thành viên trong hộ gia đình chưa đầy đủ, chưa chính xác trong Cơ sở dữ liệu về
cư trú thì cung cấp thông tin, hồ sơ và đề nghị cơ quan Công an cấp xã nơi cư
trú để xem xét, cập nhật, điều chỉnh theo quy định pháp luật và thông báo kết
quả cho công dân;
c) Các thông tin về công dân đã được thu thập, cập
nhật vào Cơ sở dữ liệu về cư trú phải được lưu trữ đầy đủ, thể hiện được quá
trình lịch sử các lần cập nhật, thay đổi, điều chỉnh.
3. Các thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu về
cư trú được chia sẻ cho Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư gồm:
a) Nơi thường trú, thời gian bắt đầu đến thường
trú; lý do, thời điểm xóa đăng ký thường trú;
b) Nơi tạm trú; thời gian bắt đầu đến tạm trú, thời
gian tạm trú; lý do, thời điểm xóa đăng ký tạm trú;
c) Tình trạng khai báo tạm vắng;
d) Nơi ở hiện tại;
đ) Họ, chữ đệm và tên, số định danh cá nhân, chứng
minh nhân dân 09 số của chủ hộ và các thành viên hộ gia đình;
e) Thông tin chủ hộ, quan hệ với chủ hộ;
g) Thông tin khác theo quy định pháp luật.
4. Việc kết nối, chia sẻ thông tin giữa Cơ sở dữ liệu
về cư trú với hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu khác được thực hiện trên cơ sở
thống nhất giữa Bộ Công an với cơ quan chủ quản hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu
khác để phục vụ công tác quản lý theo chức năng, nhiệm vụ được giao; bảo đảm bảo
mật, an ninh, an toàn thông tin, bảo vệ dữ liệu cá nhân.
5. Các trường hợp được khai thác thông tin, tài liệu
trong Cơ sở dữ liệu về cư trú:
a) Cơ quan tiến hành tố tụng được khai thác thông
tin, tài liệu trong Cơ sở dữ liệu về cư trú để phục vụ hoạt động tố tụng theo
chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao;
b) Cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu chuyên ngành, cơ
quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội được khai thác
thông tin, tài liệu trong Cơ sở dữ liệu cư trú để phục vụ công tác theo chức
năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao;
c) Công dân được khai thác thông tin, tài liệu của
mình trong Cơ sở dữ liệu về cư trú;
d) Tổ chức và cá nhân không thuộc quy định tại điểm
a, b và điểm c khoản này khi khai thác thông tin cá nhân khác trong Cơ sở dữ liệu
về cư trú phải được sự đồng ý của cơ quan đăng ký cư trú và cá nhân là chủ thể
của thông tin được khai thác. Trường hợp khai thác thông tin của người bị mất
năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi
theo quy định của Bộ luật Dân sự, người dưới
14 tuổi, người bị tuyên bố mất tích, người đã chết phải được sự đồng ý của cơ
quan đăng ký cư trú và một trong những người đại diện hợp pháp, người thừa kế
theo quy định tại điểm đ khoản này;
đ) Người bị mất năng lực hành vi dân sự, người có
khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định của Bộ luật Dân sự, người dưới 14 tuổi khai thác
thông tin của mình thông qua người đại diện hợp pháp.
Việc khai thác thông tin của người bị tuyên bố mất
tích do người đại diện hợp pháp của người đó quyết định.
Việc khai thác thông tin của người đã chết do người
được xác định là người thừa kế của người đó quyết định.
6. Khai thác thông tin, tài liệu của công dân trong
Cơ sở dữ liệu về cư trú
a) Cơ quan, tổ chức, cá nhân quy định tại khoản 5
Điều này được khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú thông qua văn bản
yêu cầu khai thác thông tin;
b) Cơ quan, tổ chức, cá nhân có văn bản yêu cầu
khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú gửi cơ quan đăng ký cư trú
nơi công dân cư trú;
c) Văn bản yêu cầu cung cấp thông tin phải nêu rõ mục
đích, nội dung, phạm vi thông tin cần khai thác trong Cơ sở dữ liệu về cư trú
và cam đoan về việc chịu trách nhiệm trong sử dụng thông tin khi được khai
thác; đối với trường hợp khai thác thông tin theo quy định tại điểm d, điểm đ
khoản 5 Điều này phải thể hiện rõ ý kiến đồng ý của chủ thể thông tin cần khai
thác;
d) Trong thời hạn 01 ngày làm việc, thủ trưởng cơ
quan đăng ký cư trú nơi công dân cư trú xem xét, phê duyệt, cung cấp thông tin
trong Cơ sở dữ liệu về cư trú cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có yêu cầu;
đ) Trường hợp không đồng ý cung cấp thông tin thì
phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.
Chương IV
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 14. Trách nhiệm của Ủy
ban nhân dân cấp xã
1. Tiếp nhận, giải quyết yêu cầu xác nhận nơi thường
xuyên đậu, đỗ; sử dụng phương tiện vào mục đích để ở hoặc văn bản chấp thuận
cho phương tiện đậu, đỗ.
2. Xác nhận thông tin quan hệ nhân thân, đối tượng
thuộc điểm b, điểm c khoản 2 Điều 20 Luật Cư trú, thông tin
về chỗ ở hợp pháp, không có tranh chấp, bảo đảm diện tích bình quân để đăng ký
thường trú cho công dân trên cơ sở đề xuất của công chức tư pháp - hộ tịch, địa
chính, Công an cấp xã.
3. Cập nhật thông tin về hộ tịch, cấp giấy tờ liên
quan đến nhân thân cho công dân theo thẩm quyền bảo đảm chính xác, kịp thời,
phù hợp, thống nhất với thông tin của công dân trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về
dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú.
Điều 15. Hiệu lực thi hành
1. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 10
tháng 01 năm 2025.
2. Nghị định số 62/2021/NĐ-CP
ngày 29 tháng 6 năm 2021 quy định chi tiết một số điều Luật Cư trú hết hiệu lực kể từ ngày Nghị định
này có hiệu lực thi hành.
Điều 16. Trách nhiệm thi hành
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng
cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc
trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT,
các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, KSTT (2). TVT.
|
TM. CHÍNH PHỦ
KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG
Nguyễn Hòa Bình
|
Phụ
lục
(Kèm theo Nghị định
số 154/2024/NĐ-CP ngày 26 tháng 11 năm 2024 của Chính phủ)
Mẫu số 01
|
Tờ khai đề nghị xác nhận nơi thường xuyên đậu, đỗ;
sử dụng phương tiện vào mục đích để ở
|
Mẫu số 02
|
Tờ khai xác nhận tình trạng chỗ ở hợp pháp, diện
tích nhà ở tối thiểu để đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú
|
Mẫu
số 01
UBND (1)
…..
(2) ………..
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
TỜ KHAI
Đề nghị xác nhận nơi thường xuyên đậu, đỗ; sử dụng
phương tiện vào mục đích để ở
Kính gửi(2):……………
I. THÔNG TIN NGƯỜI ĐỀ NGHỊ
1. Họ, chữ đệm và tên:………………………………………………………..
2. Ngày, tháng, năm sinh:.../.../……….
3. Số định danh cá nhân:………………………………………………….
4. Nơi cư trú: …………………………………………………………..
5. Quan hệ với phương tiện(3)
:………………………………………………..
II. THÔNG TIN VỀ PHƯƠNG TIỆN
1. Tên phương tiện: ……………………………………………………………
2. Loại: ………………………………………………………………………..
3. Số hiệu phương tiện (nếu có): ………………………………………………
4. Biển số/Số đăng ký phương tiện (nếu có):
……………………………….
5. Thông tin chủ sở hữu phương tiện: ……………………………………
- Họ, chữ đệm và tên: ……………………………………………………….
- Ngày, tháng, năm sinh:.../.../……; Số định danh cá
nhân: ………………..
- Nơi cư trú: …………………………………………………………………
………………………………………………………………………………….
III. NỘI DUNG ĐỀ NGHỊ UBND …………….. XÁC NHẬN:
1. Phương tiện thường xuyên đậu, đỗ tại(4):
………………………………….
………………………………………………………………………………….
2. Phương tiện được sử dụng vào mục đích để ở.
|
……, ngày….tháng…năm…
Người đề nghị xác nhận
(Ký và ghi rõ họ tên)
|
XÁC NHẬN CỦA(2):……………………
1. Phương tiện(5)………………..thường xuyên đậu,
đỗ của phương tiện tại địa chỉ(4):…………
………………………………………………………………………………….
2. Phương tiện (5)………………………được sử dụng
vào mục đích để ở.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN……..
(Ký tên, đóng dấu)
|
Chú thích:
(1) Ủy ban nhân dân cấp trên của nơi công dân gửi đề
nghị xác nhận;
(2) Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban nhân dân cấp huyện
nơi không có đơn vị hành chính cấp xã;
(3) Chủ sở hữu/người thuê, mượn, ở nhờ;
(4) Ghi địa chỉ cụ thể thuộc đơn vị hành chính cấp
xã hoặc cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã;
(5) Tên; số hiệu (nếu có); Biển số/Số đăng ký (nếu
có).
* Trường hợp nộp hồ sơ qua dịch vụ công trực tuyến,
công dân kê khai thông tin vào biểu mẫu điện tử, những thông tin của công dân
đã có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ được tự động điền vào biểu mẫu Tờ
khai. Người kê khai không phải ký vào biểu mẫu điện tử.
Mẫu
số 02
UBND (1)
…..
(2) ………..
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
TỜ KHAI
Xác nhận tình trạng chỗ ở hợp pháp, diện tích
nhà ở tối thiểu để đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú
Kính gửi(2):…………………….
I. THÔNG TIN NGƯỜI ĐỀ NGHỊ
1. Họ, chữ đệm và tên: ………………………………………………………..
2. Ngày, tháng, năm sinh:.../.../…..
3. Số định danh cá nhân: ………………………………………………..
4. Nơi cư trú: ………………………………………………………….
II. THÔNG TIN VỀ CHỖ Ở HỢP PHÁP
1. Địa chỉ chỗ ở hợp pháp: …………………………………………………….
………………………………………………………………………………….
2. Thông tin về nhà ở:
- Diện tích thửa đất: ……………..Diện tích xây dựng:
……….Diện tích sàn: ……..
- Tổng số người đang đăng ký thường trú:
……………………………………….
- Diện tích sàn còn lại được đăng ký thường trú khi
cho thuê, mượn, ở nhờ: ……….
III. NỘI DUNG ĐỀ NGHỊ UBND………….. XÁC NHẬN:
1. Tình trạng chỗ ở để đăng ký thường trú, tạm trú:
………………………………………………………………………………….
………………………………………………………………………………….
2. Diện tích nhà ở để đăng ký thường trú khi cho
thuê, mượn, ở nhờ:
Tổng số người thuê, mượn, ở nhờ: …………………………………….
Tổng số diện tích chỗ ở hợp pháp thuê, mượn, ở nhờ:…………………………
……………………………………………………………………………………..
|
……, ngày….tháng…năm…
Người đề nghị
|
XÁC NHẬN CỦA UBND
……………………….(1)
Nội dung xác nhận(3):
………………………………………………….
………………………………………………………………………………….
………………………………………………………………………………….
………………………………………………………………………………….
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN……..
(Ký tên, đóng dấu)
|
Chú thích:
(1) Ủy ban nhân dân cấp trên của nơi công dân gửi đề
nghị xác nhận;
(2) Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban nhân dân cấp huyện
nơi không có đơn vị hành chính cấp xã;
(3) Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban nhân dân cấp huyện
nơi không có đơn vị hành chính cấp xã có trách nhiệm xác nhận đầy đủ nội dung:
chỗ ở đang sử dụng ổn định, không có tranh chấp và không thuộc địa điểm không
được đăng ký thường trú mới quy định tại Điều 23 Luật Cư trú.
* Trường hợp nộp hồ sơ qua dịch vụ công trực tuyến,
công dân kê khai thông tin vào biểu mẫu điện tử, những thông tin của công dân
đã có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ được tự động điền vào biểu mẫu Tờ
khai. Người kê khai không phải ký vào biểu mẫu điện tử.