Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Quyết định 1930/QĐ-UBND 2022 phát triển nông nghiệp hữu cơ Vĩnh Phúc 2023 2025

Số hiệu: 1930/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Vĩnh Phúc Người ký: Nguyễn Văn Khước
Ngày ban hành: 27/10/2022 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH PHÚC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1930/QĐ-UBND

Vĩnh Phúc, ngày 27 tháng 10 năm 2022

QUYẾT ĐỊNH

VỀ PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP HỮU CƠ VÀ THEO HƯỚNG HỮU CƠ TỈNH VĨNH PHÚC GIAI ĐOẠN 2023-2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030”

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH PHÚC

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Nghị định 109/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ về Nông nghiệp hữu cơ;

Căn cứ Quyết định số 885/QĐ-TTg ngày 23/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 - 2030;

Căn cứ Thông tư số 16/2019/TT-BNNPTNT ngày 01/11/2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 109/2019/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ về nông nghiệp hữu cơ;

Sau khi xin ý kiến Thành viên UBND tỉnh tại công văn số 360/VP-NN2 ngày 28/9/2022 của Văn phòng UBND tỉnh về dự thảo Đề án “Phát triển nông nghiệp hữu cơ và theo hướng hữu cơ của tỉnh giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030”;

Theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại báo cáo giải trình số 403/BC-SNN&PTNT ngày 20/10/2022 và Tờ trình số 216/TTr- SNN&PTNT ngày 20/10/2022,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kèm theo quyết định này: Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ và theo hướng hữu cơ tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Thủ trưởng các Sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Khước

ĐỀ ÁN

PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP HỮU CƠ VÀ THEO HƯỚNG HỮU CƠ TỈNH VĨNH PHÚC GIAI ĐOẠN 2023-2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

Phần thứ nhất

SỰ CẦN THIẾT VÀ CĂN CỨ PHÁP LÝ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

I. SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

Nông nghiệp hữu cơ là hệ thống sản xuất bảo vệ tài nguyên đất, hệ sinh thái và sức khỏe con người, dựa vào các chu trình sinh thái, đa dạng sinh học thích ứng với điều kiện tự nhiên, không sử dụng các yếu tố gây tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái; là sự kết hợp kỹ thuật truyền thống và tiến bộ khoa học để làm lợi cho môi trường chung, tạo mối quan hệ công bằng và cuộc sống cân bằng cho mọi đối tượng trong hệ sinh thái.

Ở Việt Nam sản xuất nông nghiệp hữu cơ truyền thống đã có từ lâu, với việc sử dụng phân chuồng, phân bắc, phân xanh (bèo hoa dâu, cốt khí, muồng thanh,...) và phế phụ phẩm nông nghiệp. Tuy nhiên, do áp lực tăng nhanh của dân số, nhu cầu lương thực lớn,... nên sản xuất nông nghiệp đã chuyển mạnh theo hướng đầu tư thâm canh cao, chủ yếu sử dụng phân bón, thuốc BVTV hóa học,... để nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng nhằm đảm bảo an ninh lương thực. Việc lạm dụng quá mức phân bón, thuốc BVTV hóa học đã làm đất bị thoái hóa, nguồn nước bị ô nhiễm, đa dạng sinh học bị suy giảm, chất lượng sản phẩm hạn chế,... Vì vậy, sản xuất hữu cơ và theo hướng hữu cơ là cần thiết để hướng tới một nền sản xuất hiệu quả, chất lượng, nâng cao chuỗi giá trị và cải thiện môi trường.

Theo thống kê của FiBL (Viện Nghiên cứu nông nghiệp hữu cơ) và Tổ chức Nông nghiệp hữu cơ quốc tế (IFOAM) cho thấy, đến năm 2021 cả thế giới có hơn 71 triệu ha canh tác hữu cơ, tương đương khoảng 1,5% tổng diện tích canh tác. Một số quốc gia như: Hoa Kỳ, Úc và Liên minh châu Âu (EU) có tốc độ phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ rất nhanh, đến nay trên thế giới có 186 quốc gia phát triển sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.

Thực tế đã chứng minh sản xuất nông nghiệp hữu cơ không chỉ cung cấp thực phẩm an toàn, mà còn đảm bảo hệ sinh thái bền vững, tạo điều kiện cho sự chuyển hóa khép kín trong quá trình canh tác, góp phần bảo vệ môi trường. Vì vậy, Đảng và Nhà nước ta đã khuyến khích, tạo điều kiện để phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hữu cơ, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Văn kiện Hội nghị lần thứ 4, Ban chấp hành Trung ương khóa XII nêu rõ “Đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; tập trung ưu tiên phát triển nông nghiệp với các sản phẩm sạch, thân thiện với môi trường, nông nghiệp hữu cơ, có năng suất cao, có giá trị lớn và có khả năng xuất khẩu phù hợp với biến đổi khí hậu và môi trường sinh thái ”. Việc Chính phủ ban hành Nghị định 109/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 về Nông nghiệp hữu cơ, Quyết định số 885/QĐ-TTg ngày 23/6/2020 về Phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 -2030 với mục tiêu phát triển nền NNHC có giá trị gia tăng cao, bền vững, thân thiện với môi trường, gắn với kinh tế nông nghiệp tuần hoàn phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu càng thể hiện rõ hơn quyết tâm phát triển nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam. Đề án cũng xác định: Với những sản phẩm nông nghiệp hữu cơ được chứng nhận phù hợp với tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ của khu vực và thế giới sẽ đưa Việt Nam trở thành quốc gia có trình độ sản xuất nông nghiệp hữu cơ ngang bằng các nước tiên tiến trên thế giới.

Theo đó, để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, nhiều địa phương trong cả nước đã chú trọng phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, hữu cơ phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương; các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ và theo hướng hữu cơ bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với sản xuất thông thường và tạo được hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp. Theo Hiệp hội nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, đến nay cả nước đã có 46 tỉnh/63 tỉnh thành có hoạt động sản xuất nông nghiệp hữu cơ với diện tích canh tác hữu cơ và theo hướng hưu cơ đạt gần 240 nghìn ha, tập trung chủ yếu ở số địa phương như: Hà Nội, Hòa Bình, Sơn La, Hà Nam, Lâm Đồng, Thành phố Hồ Chí Minh, Ninh Thuận, Bến Tre,...

Thực hiện Nghị định 109/2018/NĐ-CP của Chính phủ về Nông nghiệp hữu cơ, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Quyết định số 2573/QĐ-UBND ngày 21/10/2019 về việc phê duyệt Kế hoạch sản xuất nông nghiệp hữu cơ và theo hướng hữu cơ giai đoạn 2020 -2022 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, hàng năm tỉnh hỗ trợ một phần phân bón hữu cơ, thuốc BVTV sinh học và thảo mộc để khuyến khích nông dân tổ chức sản xuất rau theo hướng hữu cơ, với diện tích khoảng 1.600 ha/năm, nhằm từng bước chuyển đổi phương thức canh tác theo hướng hữu cơ và hữu cơ để tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng phục vụ tiêu dùng đồng thời giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Qua hơn 02 năm thực hiện kế hoạch đã đạt được kết quả tương đối khả quan, đã làm thay đổi nhận thức của một bộ phận người sản xuất về phương thức canh tác an toàn, bền vững, thân thiện với môi trường. Tuy nhiên sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh vẫn còn những hạn chế như: Quy mô nhỏ lẻ, chủng loại sản phẩm chưa phong phú, chưa xứng đáng với tiềm năng và lợi thế của tỉnh,...

Xuất phát từ những lý do trên, để sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh được phát triển, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Việc xây dựng Đề án “Phát triển nông nghiệp hữu cơ và theo hướng hữu cơ tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030” là cần thiết để góp phần thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, bền vững.

II. CĂN CỨ PHÁP LÝ

1. Văn bản của Trung ương

- Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

- Nghị định 109/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ về Nông nghiệp hữu cơ;

- Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn;

- Nghị định 83/2018/NĐ-CP ngày 24/5/2018 của Chính phủ về Khuyến nông;

- Nghị định 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp;

- Quyết định số 885/QĐ-TTg ngày 23/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 -2030;

- Quyết định số 255/QĐ-TTg ngày 25/2/2021 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 -2025;

- Thông tư số 16/2019/TT-BNNPTNT ngày 01/11/2019 của Bộ Nông nghiệp và PTNT Quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 109/2019/NĐ - CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ về nông nghiệp hữu cơ;

- Thông tư số 75/2019/TT-BTC ngày 04/11/2019 của Bộ Tài chính Quy định quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách nhà nước thực hiện hoạt động khuyến nông;

- Chỉ thị số 117/CT-BNN-BVTV ngày 07/01/2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tăng cường phát triển và sử dụng phân bón hữu cơ.

- Chỉ thị số 653/CT-BNN-BVTV ngày 25/01/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về sử dụng phân bón tiết kiệm, cân đối và hiệu quả.

- Quyết định số 555/QĐ-BNN-TT ngày 26/01/2021 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc Đề án “Tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam đến năm 2025 và 2030”;

- Quyết định số 663/QĐ-BNN-KN ngày 03/02/2021 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về ban hành các định mức kinh tế - kỹ thuật khuyến nông Trung ương.

- Quyết định số 726/QĐ-BNN-KN ngày 24/02/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về ban hành các định mức kinh tế - kỹ thuật khuyến nông Trung ương.

- Quyết định số 1510/QĐ-BNN-TCCB ngày 26/4/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc Ban hành bộ Chương trình bồi dưỡng về nông nghiệp hữu cơ cho cán bộ quản lý các cấp, người sản xuất và người làm công tác tập huấn (TOT).

2. Văn bản của tỉnh Vĩnh Phúc

- Nghị quyết số 86/2019/NQ-HĐND ngày 11/12/2019 của HĐND tỉnh về việc quy định chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc;

- Nghị quyết số 87/2019/NQ-HĐND ngày 11/12/2019 của HĐND tỉnh về chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2020 -2025;

- Nghị quyết số 20/2020/NQ-HĐND ngày 14/12/2020 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho nông dân tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025;

- Quyết định số 3216/QĐ-UBND ngày 10/11/2015 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với chuyển đổi lao động nông thôn tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;

- Quyết định số 2075/QĐ-UBND ngày 10/9/2018 của UBND tỉnh về việc phê duyệt danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực cấp tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;

- Quyết định số 2573/QĐ-UBND ngày 21/10/2019 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc về việc phê duyệt Kế hoạch sản xuất nông nghiệp hữu cơ và theo hướng hữu cơ trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2020 -2022;

- Quyết định số 708/QĐ-UBND ngày 24/3/2021 của UBND tỉnh về việc Phê duyệt Đề án tập trung tháo gỡ điểm nghẽn, khơi thông các nguồn lực, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn ;

Phần thứ hai

THỰC TRẠNG SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP, NÔNG NGHIỆP HỮU CƠ TỈNH VĨNH PHÚC

I. THỰC TRẠNG SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP TỈNH VĨNH PHÚC GIAI ĐOẠN 2016-2021

1. Tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp

- Giai đoạn 2016-2021, tốc độ tăng trưởng ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản bình quân (theo giá so sánh 2010) đạt 2,54%/năm.

- Nông nghiệp vẫn là ngành đóng vai trò chủ đạo trong sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản của tỉnh. Năm 2021, GTSX ngành Nông nghiệp đạt 10.053,8 tỷ đồng, chiếm trên 91,9% tổng GTSX toàn ngành Nông, lâm nghiệp, thủy sản. Cơ cấu giá trị sản xuất ngành nông nghiệp đã chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng chăn nuôi từ 56,12% năm 2016 lên 56,94% năm 2021; giảm tỷ trọng trồng trọt từ 37,86% năm 2016 xuống 37,47% năm 2021. Trong nội bộ ngành nông nghiệp, dịch vụ cơ bản duy trì ở mức 5,6-6,0%.

- Cơ cấu ngành lâm nghiệp, thủy sản cơ bản ổn định (lâm nghiệp chiếm 1 - 1,1%, thủy sản 6,4 - 7,1%).

- Ngành chăn nuôi trở thành ngành sản xuất chính, cùng với ngành trồng trọt tạo ra động lực tăng trưởng ngành nông nghiệp.

2. Hiện trạng sử dụng đất nông nghiệp

Theo thống kê đất đai đến hết năm 2020, tổng diện tích đất tự nhiên tỉnh Vĩnh Phúc là 123.600 ha; trong đó: Diện tích đất nông nghiệp 91.447 ha (chiếm 73,99% diện tích tự nhiên của tỉnh), đất phi nông nghiệp 31.875 ha (chiếm 25,79%), đất chưa sử dụng 278 ha (chiếm 0,23%).

Cơ cấu diện tích đất nông nghiệp:

- Đất sản xuất nông nghiệp 54.214 ha (chiếm 59,28% trong cơ cấu đất nông nghiệp); gồm: Đất trồng cây hàng năm 40.475 ha (chủ yếu là đất trồng lúa 31.954 ha); đất trồng cây lâu năm 13.739 ha.

- Đất lâm nghiệp 31.601 ha (chiếm 34,56% trong cơ cấu đất nông nghiệp); gồm: Đất rừng sản xuất 11.942 ha; đất rừng phòng hộ 4.108 ha và đất rừng đặc dụng 15.551 ha.

- Đất nuôi trồng thủy sản 4.759 ha (chiếm 5,2% trong cơ cấu đất nông nghiệp).

- Đất nông nghiệp khác 873 ha (chiếm 0,95% trong cơ cấu đất nông nghiệp).

3. Sản xuất nông nghiệp

3.1. Trồng trọt

3.1.1. Cây hàng năm

Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm giảm dần từ 95,93 nghìn ha năm 2016 xuống 85,68 nghìn ha năm 2021 (giảm 10,25 nghìn ha); bình quân giai đoạn 2016-2021 giảm 2,02%/năm. Nguyên nhân do một phần diện tích đất chuyển sang xây dựng khu công nghiệp, hạ tầng giao thông, dịch vụ,...

Tuy diện tích giảm, nhưng năng suất hầu hết các loại cây trồng đều tăng dần qua các năm, cụ thể như sau:

- Cây lương thực có hạt: Tổng diện tích cây lương thực có hạt năm 2021 là 62,82 nghìn ha, giảm 11,57 nghìn ha so với năm 2016 (bình quân giảm 2,81%/năm); sản lượng lương thực có hạt năm 2021 đạt 365,23 nghìn tấn, tăng 4,13 nghìn tấn so với năm 2016. Trong đó:

+ Cây lúa: Diện tích năm 2021 là 53,64 nghìn ha, giảm 8,12% (-4,74 nghìn ha) so với năm 2016. Năng suất đạt 59,83 tạ/ha, tăng 18,61% (+9,39 tạ/ha) so với năm 2016. Sản lượng 320,9 nghìn tấn, tăng 8,97% (+26,43 nghìn tấn) so với năm 2016. Năng suất lúa trên địa bàn tỉnh tăng cao trong những năm vừa qua là do áp dụng các tiến bộ mới về giống, kỹ thuật canh tác; nhiều giống lúa mới có năng suất, chất lượng được đưa vào sản xuất (TBR225, BC15, Thiên ưu 8, RVT,...), tỷ lệ giống lúa chất lượng đến nay đạt trên 75%.

+ Cây ngô: Diện tích năm 2021 là 9,18 nghìn ha, giảm 42,65% ( -6,83 nghìn ha) so với năm 2016. Năng suất đạt 48,28 tạ/ha, tăng 16,0% (+6,66 tạ/ha) so với năm 2016. Sản lượng 44,32 nghìn tấn, giảm 33,47% ( -22,3 nghìn tấn) so với năm 2016.

- Cây rau quả các loại: Diện tích năm 2021 là 10,53 nghìn ha, tăng16,83% (+1,52 nghìn ha) so với năm 2016. Năng suất đạt 225,71 tạ/ha, tăng 17,16% (+33,06 tạ/ha) so với năm 2016. Sản lượng 237,78 nghìn tấn, tăng 36,88% (+64,07 nghìn tấn) so với năm 2016.

- Cây lạc: Diện tích năm 2021 là 2,19 nghìn ha, giảm 22,12% ( -0,62 nghìn ha) so với năm 2016. Năng suất đạt 21,58 tạ/ha, tăng 16,77% (+3,1 tạ/ha) so với năm 2016. Sản lượng 4,73 nghìn tấn, giảm 9,06% ( -0,47 nghìn tấn) so với năm 2016.

- Cây đậu tương: Diện tích năm 2021 là 0,8 nghìn ha, giảm 59,31% ( -1,17 nghìn ha) so với năm 2016. Năng suất đạt 20,35 tạ/ha, tăng 9,33% (+1,74 tạ/ha) so với năm 2016. Sản lượng 1,64 nghìn tấn, giảm 55,52% (-2,04 nghìn tấn) so với năm 2016.

- Cây khoai lang: Diện tích năm 2021 là 1,78 nghìn ha, giảm -19,0% (-0,42 nghìn ha) so với năm 2016. Năng suất đạt 118,34 tạ/ha, tăng 22,83% (+22,00 tạ/ha) so với năm 2016. Sản lượng 21,05 nghìn tấn, giảm 0,51% ( -0,11 nghìn tấn) so với năm 2016.

- Cây hàng năm khác: Diện tích năm 2021 là 6,34 nghìn ha, tăng 75,62% (+2,73 nghìn ha) so với năm 2016.

3.1.2. Cây lâu năm

Những năm vừa qua diện tích trồng cây lâu năm trên địa bàn tỉnh không có biến động lớn về diện tích. Năm 2021, tổng diện tích cây lâu năm trên địa bàn tỉnh đạt 8.383,1 ha (Gồm: Cây ăn quả: 7.874,1 ha, cây lâu năm khác: 509,0 ha) tăng 0,44% (+36,4 ha) so với năm 2016. Tuy nhiên diện tích một số loại cây ăn quả đã trồng từ lâu, chưa được cải tạo, có giá trị kinh tế thấp, diện tích có xu hướng giảm dần như: Xoài, nhãn, vải,...; một số cây ăn quả có giá trị kinh tế, diện tích có xu hướng tăng dần, như: Thanh long ruột đỏ, bưởi, chuối, ổi, na,...

3.2. Cây dược liệu

Cây dược liệu là một trong những cây lâm sản ngoài gỗ quan trọng của tỉnh, sản lượng thu hái hàng năm từ 300 -400 tấn/năm. Qua điều tra sơ bộ trên địa bàn tỉnh có 361 loài phân bố chủ yếu ở huyện Tam Đảo và nằm rải rác ở các huyện khác. Theo thống kê, tổng diện tích cây dược liệu năm 2021 trên địa bàn tỉnh đạt 288,89 ha (cây dược liệu hàng năm 85,22 ha, cây dược liệu lâu năm 203,67 ha); giảm 346,41 so với năm 2016 (Chủ yếu giảm diện tích cây thanh hao hoa vàng). Từ năm 2018 đến nay, diện tích cây dược liệu có xu hướng tăng dần, nhất là các cây dược liệu lâu năm có giá trị kinh tế cao như: Trà hoa vàng, ba kích, đinh lăng, cà gai leo, sâm các loại,…Tuy nhiên, hiện nay chưa có quy hoạch vùng sản xuất dược liệu. Do đó người dân vẫn còn sản xuất mang tính tự phát, quy mô nhỏ lẻ,...

3.3. Chăn nuôi

Giai đoạn 2016-2021 tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ngành chăn nuôi tăng bình quân 3,98 %/năm, một phần do chất lượng giống vật nuôi ngày càng nâng cao, bên cạnh đó đàn bò sữa và gia cầm tăng khá mạnh. Năm 2016 đạt 5.024 tỷ đồng chiếm 56,12% giá trị sản xuất ngành nông nghiệp, năm 2021 đạt 5.724,2 tỷ đồng chiếm 56,94%. Chăn nuôi phát triển ở tất ở các huyện nhưng tập trung chủ yếu ở các huyện trung du miền núi gồm: Sông Lô, Lập Thạch, Tam Đảo, Tam Dương và huyện Đồng bằng Vĩnh Tường.

3.3.1. Chăn nuôi lợn

Giai đoạn 2016-2021, đàn lợn giảm từ 688.324 con xuống 466.200 con, bình quân giảm 7,5%/năm; sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng giảm từ 87.737 tấn xuống còn 75.095 tấn, bình quân giảm 3,06%/năm. Năm 2017, thịt lợn hơi giảm xuống thấp, người chăn nuôi thua lỗ nên e ngại trong tái đàn sản xuất. Năm 2019, xảy ra bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trên cả nước, trong đó có Vĩnh Phúc gây thiệt hại lớn về kinh tế đối với chăn nuôi lợn, số lượng lợn chết, tiêu hủy nhiều làm giảm số lượng đàn. Đến năm 2020, chăn nuôi lợn dần phục hồi trở lại; đến nay đàn lợn duy trì ổn định, đảm bảo nguồn cung ứng trong và ngoài tỉnh. Phương thức chăn nuôi nông hộ giảm mạnh tại các xã, huyện đồng bằng; chăn nuôi trang trại đang phát triển nhanh. Trên 90% số hộ chăn nuôi sử dụng thức ăn công nghiệp và công nghiệp phối trộn phụ phẩm nông nghiệp theo từng giai đoạn.

3.3.2. Chăn nuôi bò thịt

Giai đoạn 2016-2021, đàn bò thịt giảm từ 103.725 con xuống 88.100 co n, bình quân giảm 3,21%/năm. sản lượng thịt bò tăng từ 5.445 tấn lên 5.690 tấn, tăng bình quân 0,88%/năm. Chăn nuôi hầu hết là nhỏ lẻ, phân tán trong các hộ gia đình; chăn nuôi trang trại chiếm tỷ lệ rất nhỏ, từ 0,13% -0,46% so với tổng số hộ chăn nuôi bò thịt; 100% đàn bò thịt của tỉnh là bò lai các giống Brahman, Droughtmaster, Red Agus, BBB, …đây là các giống bò thịt cao sản đã được đưa vào lai tạo thông qua kỹ thuật thụ tinh nhân tạo. Hình thức chủ yếu nuôi nhốt kết hợp chăn thả; thức ăn cho bò ngoài thức ăn thô xanh, sản phẩm phụ trong nông nghiệp có bổ sung thức ăn tinh gồm cám gạo, bột ngô... Trong mấy năm gần đây trên địa bàn tỉnh đã phát triển mô hình chăn nuôi vỗ béo bò thịt chất lượng cao với quy mô từ 50-100 con/mô hình, thời gian vỗ béo từ 4-6 tháng đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi, đây là một hướng chăn nuôi bò thịt theo hướng hữu cơ hiệu quả có thể phát triển nhân rộng trong thời gian tới.

3.3.3. Chăn nuôi gia cầm

Hiện nay đàn gia cầm có 11,8 triệu con; trong đó đàn gà: 10,25 triệu con chiếm 86,9% tổng đàn; đàn thủy cầm (vịt, ngan, ngỗng): 1,55 triệu con chiếm 13,1% tổng đàn. Giai đoạn 2016 -2021 đàn gia cầm liên tục tăng, bình quân 4,24%/năm; sản lượng thịt gia cầm tăng từ 27.643,8 tấn lên 37.375,9 tấn, tăng bình quân 6,22%/năm. Chăn nuôi nông hộ xen ghép trong khu dân cư chiếm phần lớn, quy mô trang trại chiếm 2% số hộ chăn nuôi và chiếm 53% tổng số lượng đàn gà của tỉnh. Nhiều trang trại nuôi gà xây dựng chuồng kín có hệ thống làm mát, điều tiết nhiệt, sử dụng 100% thức ăn công nghiệp tuy nhiên chăn nuôi nông hộ vẫn chiếm số lượng lớn theo phương thức thả vườn, sử dụng thức ăn công nghiệp có kết hợp với sản phẩm nông nghiệp (ngô, thóc) theo từng giai đoạn.

3.4. Thủy sản

Giai đoạn 2016-2021, diện tích nuôi trồng thủy sản của tỉnh giảm bình quân 0,97%/năm (giảm từ 6.866,4 ha năm 2016 xuống 6.632,4ha năm 2021); sản lượng nuôi trồng tăng bình quân 3,4%/năm (năm 2016 đạt 17.284,2 tấn tăng lên 21.757,1 tấn năm 2021), năng suất nuôi trồng tăng bình quân 4,3%/năm (năng suất cá nuôi bình quân từ 2,6 tấn/ha năm 2016 lên 3,4 tấn/ha năm 2021); tốc độ tăng giá trị sản xuất thủy sản (giá SS 2010) đạt 3,2%/năm. Hiện nay hình thức nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh chủ yếu là nuôi ao, hồ, đầm và diện tích 1 lúa - 1 cá; việc phát triển nuôi các loài thủy sản trong bể hay lồng, bè trên hồ chứa và trên sông chưa nhiều. Phương thức nuôi thâm canh và bán thâm canh trên địa bàn tỉnh chiếm chủ yếu (khoảng 450 ha nuôi thâm canh và trên 3.500 ha nuôi bán thâm canh), còn lại nuôi quảng canh cải tiến.

4. Liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm

Thực hiện Nghị định 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 86/2019/NQ - HĐND ngày 11/12/2019 về việc quy định chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.

Tính đến thời điểm hiện tại trên địa bàn tỉnh đã hình thành nhiều mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Cụ thể:

- Trồng trọt: Có 12 mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm rau củ quả, gồm: HTX Dịch vụ Nông nghiệp và Kinh doanh nông sản An Hòa, HTX Rau an toàn Vĩnh Phúc, HTX Rau an toàn Vân Hội Xanh, HTX rau an toàn ViSa, HTX sản xuất rau an toàn Thanh Hà, HTX rau an toàn 3 cây, HTX nông nghiệp Đại Lải, HTX rau an toàn Đại Lợi, Công ty TNHH Đầu tư sản xuất phát triển nông nghiệp WinEco Tam Đảo, Công ty Cổ phần nông lâm nghiệp Vĩnh Hưng, Công ty TNHH Sản xuất và phân phối nông sản sạch OFP, Công ty TNHH Tâm Đức. Các mô hình liên kết này bước đầu đã tạo được sự liên kết giữa các thành viên để sản xuất rau quả cung cấp ra thị trường, cung ứng cho các trường học, khu công nghiệp, siêu thị và một số cửa hàng kinh doanh nông sản an toàn trên địa bàn tỉnh, thành phố Hà Nội và các tỉnh phía Bắc,... Tổng diện tích có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm đạt trên 124 ha, với sản lượng khoảng 8.670 tấn/năm. Các tổ chức, cá nhân đã cung cấp cho thị trường tiêu thụ trong và ngoài tỉnh các loại rau quả an toàn, truy xuất được nguồn gốc, xuất xứ.

- Cây dược liệu: Đã hình thành một số mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm: Trà hoa vàng, Ba kích, cà gai leo, sâm,… như: Công ty Cổ phần Dược liệu tỉnh Vĩnh Phúc, Viện Dược liệu, Công ty Cổ phần Á Đông Việt, Công ty TNHH MTV Minh Phúc An, Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại dịch vụ Tam Đảo, Công ty Cổ phần dược liệu Tâm Bình,...

- Chăn nuôi: Mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sữa bò tươi của Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam Vinamilk và Công ty sữa Cô gái Hà Lan hàng năm tiêu thụ khoảng 40 nghìn tấn cho 1.700 hộ chăn nuôi bò sữa trên địa bàn tỉnh; các mô hình liên kết chăn nuôi lợn thịt, gà thịt gia công của Công ty Dabaco, Công ty CP, Công ty Japfa Comfeed Việt Nam với 107 trang trại chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.

- Thủy sản: Hiện tại mới có 01 mô hình của HTX Dịch vụ tổng hợp và Nuôi trồng thủy sản Phú Đa (xã Phú Đa - huyện Vĩnh Tường) với diện tích 7 ha, sản lượng khoảng 35 tấn/năm.

Liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản có vai trò rất quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, giúp nâng cao lợi ích của các tác nhân tham gia chuỗi giá trị đặc biệt là đối với nông dân. Từ đó, tiến tới hạn chế tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, đồng thời góp phần tăng quy mô sản xuất hàng hóa, vừa cho phép áp dụng các quy trình sản xuất phù hợp, hiện đại, đảm bảo chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm và nâng cao năng lực quản lý, điều hành, vừa tổ chức sản xuất theo hợp đồng nhằm tránh tình trạng “được mùa mất giá”,... Tuy nhiên hoạt động liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh còn hạn chế về số lượng, chủng loại, quy mô, đối tượng,...

5. Ứng dụng khoa học kỹ thuật

Nhận thức rõ vai trò động lực của khoa học công nghệ trong việc thúc đẩy phát triển sản xuất. Được sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh, ngành Nông nghiệp & PTNT Vĩnh Phúc kết hợp với Sở Khoa học và công nghệ chỉ đạo các đơn vị trong ngành tích cực nghiên cứu, ứng dụng sâu rộng các tiến bộ kỹ thuật vào tất cả các lĩnh vực: trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp và đã đạt được những kết quả khả quan; qua đó đã g óp phần quan trọng trong thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, các TBKT được lựa chọn để nhân rộng vào sản xuất như:

- Sản xuất trồng trọt: Áp dụng kỹ thuật thủy canh, canh tác trên giá thể không đất; sử dụng cây trồng được sản xuất theo công nghệ nuôi cấy mô; sử dụng chất điều hòa sinh trưởng thực vật trong điều khiển cây trồng; sử dụng các chế phẩm vi sinh; áp dụng IPM, ICM, VietGAP trên cây trồng; ứng dụng biện pháp tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel… Đã hình thành hàng chục mô hình sản xuất trồng trọt ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất.

- Trong sản xuất chăn nuôi (lợn, gà, bò sữa) đã áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới, công nghệ tiên tiến vào sản xuất nhằm cải tạo giống vật nuôi, nâng cao năng suất, hạ giá thành để tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường như: Các giống vật nuôi cao sản; công nghệ nuôi chuồng kín giúp điều tiết tiểu khí hậu chuồng nuôi; sử dụng thức ăn công nghiệp; hệ thống máng ăn, uống tự động,...

- Đối với thủy sản: Những năm gần đây, người dân đã từng bước tiếp cận với khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ trong NTTS để tăng năng suất và nâng cao hiệu quả quả nuôi. Nhiều hộ đã đầu tư đồng bộ trang thiết bị máy móc: máy tạo oxy, máy cho ăn, điều khiển từ xa, tự động hóa... để nuôi thâm canh; đã có một số hộ ứng dụng công nghệ cao như: Sông trong ao, Biofloc, công nghệ cảm biến để nuôi thủy sản cho sản lượng, hiệu quả kinh tế cao, thân thiện với môi trường và thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu.

6. Bảo quản, chế biến sau thu hoạch

Theo thống kê của Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Vĩnh Phúc, đến nay trên địa bàn tỉnh có trên 1.000 cơ sở chế biến nông lâm thủy sản thuộc ngành nông nghiệp quản lý như: Chế biến chè, chế biến thịt, chế biến mật ong, chế biến đậu phụ, chế biến rau quả. Tuy nhiên số lượng doanh nghiệp chế biến nông lâm thủy sản quy mô lớn chưa nhiều, chủ yếu là các doanh nghiệp, cơ sở chế biến quy mô vừa và nhỏ, cụ thể:

- Chế biến chè:

+ Hiện có 8 cơ sở chế biến chè quy mô sản lượng từ 200 -1000 tấn chè/năm, trang thiết bị sản xuất chưa đồng bộ, tiên tiến. Nguyên liệu chè dùng chế biến là chè xanh, chè đen bán thành phẩm được mua tại các doanh nghiệp, cơ sở trên địa bàn các tỉnh Phú Thọ, Yên Bái, Sơn La, Thái Nguyên, Tuyên Quang.... Sản phẩm xuất khẩu sang một số nước như: Pakistan, Afganistan, Đài Loan,...

+ Đối với trà hoa vàng: Trên địa bàn tỉnh hiện có 03 doanh nghiệp sản xuất, sơ chế, chế biến trà hoa vàng. Tuy nhiên, sản lượng sản phẩm còn rất nhỏ do các doanh nghiệp này đang trong giai đoạn xây dựng vùng nguyên liệu. Hiện nay tổng diện tích trà hoa vàng cho khai thác chỉ khoảng 5 - 6 ha.

- Chế biến rau, củ, quả, hạt nông sản :

+ Có 05 doanh nghiệp chế biến các sản phẩm rau, quả như: Đậu phụ, tương, ớt muối, dưa chuột muối, các loại bột ớt, bột tiêu... với tổng công suất chế biến từ 150-200 tấn sản phẩm/năm. Ngoài ra trên địa bàn tỉnh có trên 500 cơ sở, hộ gia đình hoạt động chế biến sản phẩm từ rau củ quả, hạt nông sản như: chế biến đậu phụ, dưa muối quy mô sản lượng bình quân từ 10 -15 kg/ngày. Sản phẩm chủ yếu được tiêu thụ tại chỗ phục vụ tiêu dùng hàng ngày của người dân.

- Chế biến thịt: Hiện nay có 02 Công ty chế biến có quy mô lớn (Công ty TNHH Trung Anh-Trưng Trắc, Phúc Yên; Công ty TNHH Thắng Hải An - Phúc Yên) và trên 500 cơ sở, hộ gia đình có quy mô sản lượng vừa và nhỏ, sản lượng từ 10 -70kg/ngày chủ yếu là chế biến thịt lợn thành giò, chả, nem chua, xúc xích…. Các sản phẩm chế biến từ thịt chủ yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng trên địa bàn tỉnh.

- Lĩnh vực thủy sản: Hiện nay, chưa có nhà máy hoặc cơ sở chế biến thủy sản; thủy sản thương phẩm chủ yếu được các thương lái thu mua tại chỗ, vận chuyển tươi sống cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh, một lượng nhỏ thủy sản (40-50 tấn) được người dân huyện Lập Thạch chế biến thủ công theo cách truyền thống thành cá thính để cung ứng cho thị trường.

7. Sản xuất sản phẩm OCOP của tỉnh

- Đến nay Vĩnh Phúc có 61 sản phẩm OCOP được đánh giá, xếp hạng; trong đó: 17 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao, 44 sản phẩm đạt 3 sao. Nhiều sản phẩm OCOP đã và đang phát triển thị trường rất tốt như: Mật ong các loại của Công ty cổ phần ong Tam Đảo, nấm đùi gà của Công ty TNHH nấm Phùng Gia, các sản phẩm trà hoa vàng Tam Đảo của Công ty TNHH Trà hoa vàng Tam Đảo, sữa chua và bánh sữa đặc biệt của HTX chăn nuôi bò sữa Tam Đảo, Dưa chuột sạch của HTX Dịch vụ Nông nghiệp và Kinh doanh hàng nông sản An Hòa, Thanh long ruột đỏ Lập Thạch của HTX Thương mại dịch vụ và Sản xuất Thanh long Lập Thạch… chưa có sản phẩm nông nghiệp hữu cơ được xếp hạng OCOP.

- Công tác xúc tiến thương mại các sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh cũng được quan tâm, quảng bá, giới thiệu tại Trung tâm giao dịch, giới thiệu quảng bá các sản phẩm làng nghề - Hội Nông dân tỉnh, các trung tâm thương mại (GO, Co.opmart, hệ thống Winmart…); khu du lịch (Tam Đảo, Tây Thiên, Đại Lải…) và tại các hội chợ, triển lãm do các cơ quan trung ương tổ chức; vừa qua Sở Nông nghiệp & PTNT khai trương thêm 02 địa điểm giới thiệu sản phẩm tại Trạm chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp - Trung tâm Khuyến nông và Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc.

II. THỰC TRẠNG VÀ TIỀM NĂNG SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP HỮU CƠ, THEO HƯỚNG HỮU CƠ

1. Thực trạng sản nông nghiệp xuất hữu cơ và theo hướng hữu cơ

Với những thuận lợi điều kiện về tự nhiên, xã hội, vị trí địa lý,... Vĩnh Phúc là tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển nông nghiệp hữu cơ. Phương thức canh tác, sản xuất nông nghiệp hữu cơ và theo hướng hữu cơ đã xuất hiện trong những năm gần đây, tuy nhiên mới chỉ dừng lại ở mô hình, quy mô nhỏ lẻ, chủ yếu thực hiện sản xuất theo hướng hữu cơ.

1.1. Kết quả triển khai thực hiện Quyết định số 2573/QĐ-UBND ngày 21/10/2019 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Kế hoạch sản xuất nông nghiệp hữu cơ và theo hướng hữu cơ giai đoạn 2020 -2022 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc

1.1.1. Công tác tập huấn, tuyên truyền: Trong 03 năm (2020-2022), Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã tổ chức 98 lớp tập huấn, phổ biến kỹ thuật sản xuất hữu cơ, các văn bản của Trung ương, của tỉnh liên quan đến sản xuất nông nghiệp hữu cơ, các TCVN về hữu cơ,... cho 9.800 lượt người tham gia (Năm 2020: 40 lớp, năm 2021: 30 lớp, năm 2022: 28 lớp).

1.1.2. Triển khai các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ và theo hướng hữu cơ

- Xây dựng 02 mô hình sản xuất trồng trọt hữu cơ với quy mô 03 ha/mô hình (Gồm: 01 Mô hình sản xuất rau hữu cơ tại xã Định Trung - thành phố Vĩnh Yên; 01 mô hình sản xuất Ba kích hữu cơ tại xã Đại Đình - huyện Tam Đảo).

- Xây dựng 02 mô hình chăn nuôi hữu cơ, gồm 01 mô hình chăn nuôi lợn hữu cơ tại xã Văn Quán, huyện Lập Thạch, quy mô 200 con và 01 mô hình chăn nuôi gà Ri tại xã Đồng Quế, huyện Sông Lô, quy mô 2.000 con.

- Hỗ trợ sản xuất rau ăn lá theo hướng hữu cơ: Trong 3 năm, đến thời điểm hiện tại đã triển khai hỗ trợ 3.566,0 ha rau ăn lá theo hướng hữu cơ tại 71 xã, phường, thị trấn trên địa bàn 9 huyện, thành phố với sự tham gia của 20.990 hộ nông dân tham gia.

1.1.3. Đánh giá chung:

- Qua triển khai chương trình hỗ trợ sản xuất nông nghiệp hữu cơ và theo hướng hữu cơ đã giúp các hộ nông dân nắm được quy trình thực hành nông nghiệp tốt, quy trình canh tác hữu cơ, tích cực sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh, phân bón hữu cơ sinh học, thuốc BVTV sinh học, thảo mộc, giảm sử dụng phân bón, thuốc BVTV hóa học; đất trồng được cải tạo, bổ sung một lượng mùn lớn làm cho đất tơi xốp, số lượng các vi sinh vật tăng lên, cân bằng chất dinh dưỡng trong đất,… đồng thời bảo vệ môi trường sinh thái nông nghiệp.

- Hiệu quả sản xuất nông nghiệp hữu cơ và theo hướng hữu cơ đạt cao hơn hẳn so với sản xuất thông thường, cụ thể :

+ Mô hình sản xuất rau hữu cơ: Theo báo cáo của Hợp tác xã Thương mại và Dịch vụ Định Trung, năng suất rau hữu cơ đạt từ 300-350 tạ/ha/năm, giá trị ước đạt 520 triệu/ha/năm. Chủng loại rau đa dạng, phong phú như: Rau muống, cải các loại, rau ngót, rau dền, rau mùng tơi, rau bí, mướp, bầu, dưa chuột, đậu đũa, đậu khế,... và các loại rau gia vị khác. Sản lượng cung ứng ra thị trường hàng ngày bình quân 300 kg, phân phối tại thị trường Hà Nội (Thông qua hợp đồng tiêu thụ với Công ty Cổ phần VietGarden 150 kg/ngày), tại 10 cửa hàng của hệ thống siêu thị Winmart và một số nhà hàng trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên như: Sông Hồng Thủ Đô, Westlake, Á Đông, Cafe xanh,… Mô hình ba kích dự kiến có sản phẩm thu hoạch vào cuối năm 2022.

+ Mô hình sản xuất rau theo hướng hữu cơ, năng suất đạt bình quân 420 tạ/ha, sản lượng đạt trên 63,0 nghìn tấn/năm. Theo đánh giá của người sản xuất, giá bán rau theo hướng hữu cơ cao hơn rau thông thường 1.500 - 2.000 đồng/kg, giá trị thu nhập tăng thêm cho người dân khoảng 94,5 tỷ đồng/năm. Hình thành các vùng sản xuất rau ổn định ở các huyện: Vĩnh Tường, Yên Lạc, Tam Dương, Tam Đảo,... sản phẩm rau được sản xuất theo hướng hữu cơ đảm bảo an toàn thực phẩm đã thu hút các doanh nghiệp, thương lái đến thu mua, nông dân phấn khởi và đã góp phần thay đổi nếp nghĩ, cách làm theo tư duy sản xuất hàng hóa trong cơ chế thị trường.

+ Mô hình chăn nuôi lợn hữu cơ cho lãi 542,0 triệu đồng, cao hơn phương thức nuôi thông thường 228 triệu đồng; mô hình chăn nuôi gà cho lãi 169 triệu đồng, cao hơn so với chăn nuôi thông thường 50 triệu đồng.

1.2. Một số mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ khác

- Năm 2020, Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Trung tâm Khuyến nông triển khai 03 mô hình chăn nuôi lợn thịt theo hướng hữu cơ, quy mô 350 con tại các huyện Bình Xuyên, Yên Lạc. Hiệu quả các mô hình đều đạt cao hơn chăn nuôi thông thường 20 -30%.

- Năm 2022, Trung tâm Giống nông nghiệp Vĩnh Phúc đang triển khai 15 mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ với diện tích 300 ha (20 ha/mô hình) tại các huyện: Tam Dương, Vĩnh Tường, Yên Lạc, Lập Thạch, Sông lô, Bình Xuyên; 06 mô hình chăn nuôi lợn thịt theo hướng hữu cơ với số lượng 1.500 con (250 con/mô hình) tại các huyện: Tam Đảo, Phúc Yên, Yên Lạc, Lập Thạch.

- Ngoài ra, một số doanh nghiệp, HTX liên kết với các hộ dân trên địa bàn tỉnh thực hiện các mô hình sản xuất trồng trọt hữu cơ và theo hướng hữu cơ, như: Công ty TNHH Một thành viên Quế Lâm Phương Bắc liên kết, triển khai với diện tích 120,4 ha trên các đối tượng cây trồng như lúa, rau su su, dưa lê, thanh long ruột đỏ; Hợp tác xã Nhân Lý - xã Phú Xuân - huyện Bình Xuyên liên kết với các hộ dân trên địa bàn sản xuất lúa theo hướng hữu cơ với quy mô trên 150 ha/năm. Theo đánh giá của các đơn vị triển khai, giá các sản phẩm hữu cơ và theo hướng hữu cơ cao hơn sản phẩm thông thường 10 - 15%. Công ty cổ phần Hoàng Anh- Agritech liên kết các hộ dân tại xã Thanh Vân huyện Tam Dương đã triển khai 03 mô hình chăn nuôi gà đẻ trứng theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học với quy mô 25 nghìn con. Hiệu quả tương đối tốt, bình quân 1.000 con gà đẻ trứng có lãi cao hơn 22 triệu đồng so với chăn nuôi thông thường.

2. Tiềm năng phát triển nông nghiệp hữu cơ

2.1. Điều kiện tự nhiên

2.1.1. Vị trí địa lý

- Vĩnh Phúc là tỉnh thuộc vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, phía Bắc giáp tỉnh Thái Nguyên và Vĩnh Phúc, phía Tây giáp Phú Thọ, phía Đông và phía Nam giáp Thủ đô Hà Nội. Tỉnh Vĩnh Phúc có 9 đơn vị hành chính bao gồm: 02 thành phố: Vĩnh Yên, Phúc Yên, 07 huyện: Bình Xuyên, Lập Thạch, Sông Lô, Tam Dương, Tam Đảo, Vĩnh Tường, Yên Lạc. Tỉnh có diện tích tự nhiên 1.235,87 km2, dân số trung bình năm 20 21 là 1.191.782 người, mật độ dân số bình quân 964 người/km2. Trung tâm hành chính của Vĩnh Phúc là thành phố Vĩnh Yên, cách trung tâm thủ đô Hà Nội 50 km và cách sân bay quốc tế Nội Bài 25 km.

- Vĩnh Phúc nằm trên Quốc lộ số 2, tuyến đường sắt và cao tốc Hà Nội - Lào Cai, là cầu nối giữa vùng Trung du miền núi phía Bắc với thủ đô Hà Nội; liền kề cảng hàng không quốc tế Nội Bài, qua đường quốc lộ số 5 thông với cảng Hải Phòng và trục đường 18 thông với Cảng nước sâu Cái Lân. Vĩnh Phúc có vị trí quan trọng đối với vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, đặc biệt đối với thủ đô Hà Nội: Kinh tế Vĩnh Phúc phát triển sẽ góp phần cùng thủ đô Hà Nội thúc đẩy tiến trình đô thị hóa, phát triển công nghiệp, giải quyết việc làm, giảm sức ép về đất đai, dân số, các nhu cầu về xã hội, du lịch, dịch vụ của thủ đô Hà Nội. Quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong các năm qua đã tạo cho Vĩnh Phúc những lợi thế mới về vị trí địa lý kinh tế, tỉnh đã trở thành một bộ phận cấu thành của vùng thủ đô Hà Nội. Đồng thời, sự phát triển các tuyến hành lang giao thông quốc tế và quốc gia liên quan đã đưa Vĩnh Phúc xích gần hơn với các trung tâm kinh tế, công nghiệp và những thành phố lớn của quốc gia và quốc tế thuộc hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, QL2 Việt Trì - Hà Giang - Trung Quốc, hành lang đường 18 và trong tương lai là đường vành đai IV thủ đô Hà Nội,...

- Với vị trí địa lý nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, gần thủ đô Hà Nội; hệ thống hạ tầng giao thông đã và đang được đầu tư hiện đại,… nên Vĩnh Phúc có nhiều thuận lợi trong liên kết, giao thương hàng hóa, công nghệ, lao động kỹ thuật,... với các tỉnh khác trong cả nước và quốc tế.

2.1.2. Khí hậu

Vĩnh Phúc nằm trong vành đai nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm mưa nhiều, có mùa đông lạnh. Nhiệt độ trung bình năm vào khoảng 23,2 -250C (riêng vùng núi Tam Đảo với độ cao trên 900m có nhiệt độ trung bình 18,3 0C), cao nhất vào các tháng 6, 7, 8 và thấp nhất vào các tháng 12, 1 và tháng 2.

- Lượng mưa trong năm từ 1.500-1.700 mm, lượng mưa tập trung chủ yếu vào tháng 6, 7, 8 chiếm trên 60% lượng mưa cả năm.

- Tổng số giờ nắng trong năm từ 1.500 - 1.600 giờ (Tam Đảo 1.000 - 1.200 giờ). Mùa hè có số giờ nắng cao, các tháng cuối mùa đông có số giờ nắng thấp.

- Hàng năm có hai mùa gió chính: Gió mùa Đông Bắc và gió mùa Đông Nam. Gió mùa Đông Bắc từ tháng 10 năm trước đến tháng 3 năm sau thường kèm theo sương muối ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Gió mùa Đông Nam từ tháng 4 đến tháng 9 mang theo hơi nước và gây mưa rào.

2.1.3. Địa hình, thổ nhưỡng

- Địa hình: Vĩnh Phúc là tỉnh đồng bằng nhưng có ba vùng sinh thái đồng bằng, trung du và miền núi như sau:

+ Vùng Đồng bằng: Bao gồm tiểu vùng phù xa mới ven Sông Hồng và Sông Lô có địa hình khá bằng phẳng, chạy dài từ các xã thuộc huyện Sông Lô, Vĩnh Tường, Yên Lạc và tiểu vùng phù xa cũ chạy theo hướng Tây bắc Đông Nam, từ Bắc huyện Vĩnh Tường, Yên Lạc và Nam Vĩnh Yên.

+ Vùng Trung Du: Tập trung các huyện Lập Thạch, Bắc Bình Xuyên, Tam Dương và một phần thành phố Vĩnh Yên.

+ Vùng đồi núi tập trung ở phía Bắc của tỉnh chạy theo hướng Đông Bắc - Tây Nam, từ Quang Yên (Sông Lô) đến Ngọc Thanh (Phúc Yên).

- Đặc điểm thổ nhưỡng: Địa hình của tỉnh khá phức tạp đã tạo nên sự đa dạng phân loại chất lượng đất như: đất phù sa, glay, đất cát, loang lổ, đất xám, đất tầng mỏng.

Đất đai của Vĩnh Phúc đa dạng về phân loại đất nhưng được phân bố khá tập trung, là điều kiện thuận lợi để có thể phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng vừa đa canh, vừa chuyên canh với nhiều loại cây trồng khác nhau như: Cây lương thực, cây lương thực ngắn ngày, cây rau, cây dược liệu, cây lâm nghiệp,...

2.1.4. Tài nguyên nước

a) Nguồn nước mặt

Nguồn nước mặt có trữ lượng khá phong phú nhờ hệ thống sông chính là sông Hồng, sông Lô và các sông Phó Đáy, sông Phan, sông Cà Lồ. Ngoài ra còn có nhiều đầm, hồ lớn, có tới 184 hồ chứa nước (Đại Lải, Xạ Hương, Vân Trục, Đầm Vạc,.....), với tổng dung tích khoảng 79,13 triệu m3; hệ thống đầm, hồ, ao tự nhiên, tổng dung tích khoảng 26,4 triệu m3; trữ lượng nước các sông, suối, khe lạch khoảng 5,5 triệu m3.

b) Nguồn nước ngầm

- Nguồn nước ngầm có trữ lượng không lớn, đạt khoảng 1 triệu m3/ngày - đêm. Hiện nay nguồn nước ngầm đang được khai thác ở thành phố Vĩnh Yên và Thành phố Phúc Yên với lưu lượng 28.000 m3/ngày đêm nhưng đòi hỏi phải xử lý tốn kém. Tại một số vùng nông thôn, nhân dân khai thác nước ngầm từ các giếng khoan (với lưu lượng khoảng 15.000 m3/ngày đêm) nhưng chất lượng hạn chế.

- Mặc dù nguồn nước của tỉnh khá phong phú song phân bố không đều trong năm. Về mùa khô vẫn có thời điểm thiếu nước, đặc biệt là các huyện vùng núi cao và trung du (Lập Thạch, Sông Lô, Tam Dương, Bình Xuyên). Để đảm bảo hài hòa nguồn nước cho phát triển kinh tế, cần quan tâm xây dựng thêm các công trình điều tiết nước và có biện pháp khai thác nước ngầm bổ sung.

2.2. Điều kiện kinh tế - xã hội

2.2.1. Điều kiện kinh tế

- Giai đoạn 2016-2021, GRDP của tỉnh tăng trưởng bình quân 8,7%/năm. Trong đó: Công nghiệp và Xây dựng có mức tăng cao nhất, đạt 13,0%/năm; dịch vụ tăng 7,26%/năm; nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,89%/năm. Năm 2021, do ảnh hưởng của đại dịch Covid -19, tuy nhiên mức tăng trưởng GRDP của tỉnh vẫn duy trì mức tăng trưởng khá, tăng 8,0% so với năm 2020; tuy nhiên ngành dịch vụ có mức tăng trưởng thấp, tăng 3,0% so với năm 2020.

- Chuyển dịch cơ cấu kinh tế có diễn biến tích cực theo hướng tăng tỷ trọng CN-XD, giảm tỷ trọng NLN-TS và giữ ổn định tỷ trọng Du lịch - dịch vụ: năm 2016 giá trị sản xuất CN-XD chiếm 40,4%, đến năm 2021 chiếm 49,4%; Sản xuất NLN-TS năm 2016 chiếm 7,0%, giảm dần qua các năm và đến năm 2021 còn 5,7%; Thuế trừ trợ cấp sản phẩm giảm từ 31,8% năm 2016 xuống 25,3% năm 2021; Du lịch - Dịch vụ năm 2016 chiếm 20,7% và giữ ổn định qua các năm, năm 2021 giảm nhẹ còn 19,6% do tác động của dịch bệnh Covid-19.

Nhìn chung, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh luôn đạt mức cao so với các tỉnh, thành trong cả nước. Đây là điều kiện thuận lợi để có nguồn lực đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong đó có nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

2.2.2. Điều kiện xã hội

a. Dân số và phân bố dân cư

Năm 2021 tỉnh Vĩnh Phúc có 1.191.782 người, 9 đơn vị hành chính trong đó có 2 thành phố: Vĩnh Yên, Phúc Yên và 7 huyện với 15 phường, 16 thị trấn và 105 xã. Các huyện có diện tích tự nhiên cao nhất gồm Tam Đảo (234,7km2), Lập Thạch (172 km2), Sông Lô (150,67 km2), Bình Xuyên (148 km2); thấp nhất là TP Vĩnh Yên với 50,39 km 2. Các huyện có dân số đông như Vĩnh Tường là huyện có dân số cao nhất trong tỉnh với 212.518 người, Yên Lạc 160.922 người, Lập Thạch 139.998 người, thấp nhất là huyện Tam Đảo với 86.145 người.

b. Về lao động

Năm 2021, số người trong độ tuổi lao động đang làm việc của tỉnh là 570.048 người chiếm 98,6% tổng số người trong độ tuổi lao động có khả năng lao động. Trong đó lao động ở thành thị 1 66.127 người chiếm 29,14 %, lao động ở nông thôn 403.921 người chiếm 70,85%. Tỷ lệ lao động trong độ tuổi đang làm việc đã qua đào tạo là 34,69%, tăng 10,59% so với năm 2016; tỷ lệ chưa qua đào tạo là 65,3%. Như vậy, số người trong tuổi lao động đang làm việc được đào tạo của tỉnh đang có xu hướng ngày càng tăng. Lao động ở thành thị có xu thế tăng dần và lao động ở nông thôn có xu hướng giảm dần, phù hợp với kết quả điều tra chung của cả nước. Tuy nhiên nông thôn vẫn là khu vực có số lượng lao động tập trung cao của tỉnh.

Chia theo ngành sản xuất chính, năm 2021 phân bố lao động trong độ tuổi đang làm việc trong 3 ngành sản xuất có sự khác biệt: Ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ lệ thấp nhất 13,52% tương đương 77.048 người, ngành công nghiệp và xây dựng chiếm tỷ lệ cao nhất 51,44% tương đương 293.216 người và ngành dịch vụ chiếm 35,05% tương đương 199.784 người. Phân bố lao động phân theo khu vực kinh tế có sự chuyển dịch mạnh từ ngành nông lâm nghiệp và thủy sản sang ngành dịch vụ, công nghiệp và xây dựng.

2.3. Hạ tầng thủy lợi

- Đến nay, hệ thống công trình thủy lợi đã được hình thành rộng khắp trên địa bàn tỉnh và cơ bản đáp ứng được yêu cầu phục vụ sản xuất nông nghiệp. Toàn tỉnh hiện có 441 hồ đập với tổng dung tích 102 triệu m3; có 383 trạm bơm điện với tổng công suất điện lắp đặt 19.467 KW; có khoảng 2.387 km kênh mương các loại (Trong đó kênh loại I: 78 km, kênh loại II: 437 km, kênh loại III: 985 km và khoảng 887 km kênh nội đồng). Thực hiện chương trình kiên cố kênh mương, toàn tỉnh đã kiên cố được 1.414 km kênh mương các loại, góp phần nâng cao năng lực phục vụ tưới cho sản xuất nông nghiệp.

- Tổng diện tích tưới thiết kế đạt 55.452 ha, thực tế tưới trong vụ Đông Xuân có diện tích canh tác lớn nhất khoảng 38.000 ha đạt, do vậy công tác tưới trên địa bàn tỉnh cơ bản được đảm bảo.

2.4. Hạ tầng Thương mại

Trong những năm qua, hạ tầng thương mại của tỉnh khá phát triển. Hệ thống các siêu thị và trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm tại khác khu vực trung tâm sản xuất và tiêu thụ hàng hóa, các chợ đầu mối nông sản, các trung tâm phân phối lớn, trung tâm bán buôn theo ngành hàng nông sản; hệ thống chợ truyền thống được quy hoạch lại, nâng cấp, cải tạo và xây dựng mới, nhất là các chợ nông thôn. Hệ thống hạ tầng thương mại đã từng bước góp phần hình thành nên kênh phân phối thông suốt theo hướng văn minh hiện đại, bắt đầu áp dụng các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường… phục vụ tốt cho nhu cầu sản xuất và đời sống của người dân.

Đến hết năm 2021 trên địa bàn tỉnh có 126 chợ các loại: 04 chợ hạng I, 12 chợ hạng II, 109 chợ hạng III và 01 chợ đầu mối nông sản thực phẩm tại xã Tân Tiến - huyện Vĩnh Tường chợ đầu mối nông sản Đồng Tâm - Vĩnh Yên; có 07 siêu thị, gồm: 02 siêu thị chuyên doanh, 05 siêu thị tổng hợp (Siêu thị GO, Siêu thị Co.opmart, hệ thống Winmart, Siêu thị Lan Chi Mart Vĩnh Yên, Siêu thị Lan chi Mart Phúc Yên, Siêu thị Trang Đạt). Các hệ thống chợ, siêu thị này đã đóng vai trò rất quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Ngoài ra, còn hơn 1.252 cửa hàng tạp hóa, bán hàng ăn uống và các dịch vụ khác.

Hạ tầng bán buôn và Logistic: Trung tâm Logistic ICD Vĩnh Phúc đầu tiên của tỉnh đang được xây dựng trên địa bàn thị trấn Hương Canh và xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên với mục tiêu là xây dựng cơ sở hạ tầng bền vững, Logistics thông suốt với trung tâm ngang tầm quốc tế, giảm chi phí cho doanh nghiệp, tăng sức cạnh tranh của chuỗi cung ứng và phát triển nguồn nhân lực cho Vĩnh Phúc và các tỉnh lân cận. Hiện Dự án đang được triển khai giải phóng mặt bằng.

2.5. Vật tư đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp hữu cơ

Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 07 doanh nghiệp, HTX sản xuất phân bón hữu cơ với sản lượng 73.200 tấn/năm, gồm: Công ty TNHH MTV Biotech Quế Lâm, Công ty TNHH MTV Quế Lâm Phương Bắc, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại và đầu tư An Hưng, Công ty Cổ phần Hoàng anh Agritech, Công ty TNHH Sản xuất & Thương mại Phú Điền, Công ty TNHH Dịch vụ Ngọc Anh, HTX Tài Yên. Ngoài ra hàng năm có khoảng 1,4 triệu tấn chất thải rắn trong chăn nuôi gia súc, gia cầm có khả năng chế biến làm phân bón hữu cơ. Đây là tiềm năng, lợi thế lớn về phân bón để phát triển sản xuất trồng trọt hữu cơ trên địa bàn tỉnh.

2.6. Việc ứng dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất

- Việc áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), quy trình canh tác cải tiến (SRI) trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có truyền thống và trở thành tập quán của một bộ phận lớn nông dân. Trong giai đoạn từ 2018 đến nay đã có 2.275 nông dân được huấn luyện về IPM; diện tích sản xuất nông nghiệp áp dụng theo IPM, SRI, GAP, theo hướng hữu cơ tiếp tục được mở rộng (Năm 2018: 57.500 ha, năm 2019: 58.000 ha, năm 2020: 60.000 ha, năm 2021: 62.500 ha). Qua việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật này đã nâng trình độ canh tác của nông dân trong sản xuất trồng trọt, người dân đã sử dụng lượng giống ít hơn theo định mức; sử dụng phân bón và thuốc BVTV một cách cân đối, hợp lý có hiệu quả góp phần giảm chi phí sản xuất, nâng cao thu nhập.

- Việc triển khai, áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP), theo hướng hữu cơ, hữu cơ trên địa bàn tỉnh được quan tâm, khuyến khích phát triển trong những năm gần đây. Tính đến thời điểm hiện tại đã có 196 mô hình sản xuất nông nghiệp được chứng nhận Viet GAP (Trồng trọt: 39 cơ sở, diện tích: 246 ha; chăn nuôi: 138 cơ sở; thủy sản: 19 cơ sở, diện tích 145,5 ha). Diện tích sản xuất theo rau củ quả theo hướng hữu cơ đạt khoảng 1.660 ha/năm. Đã xây dựng được 24 mã số vùng trồng với diện tích 154 ha.

3. Đánh giá chung

3.1. Thuận lợi

- Sự đa dạng về địa hình (đồng bằng, trung du và miền núi), khí hậu và đất đai thích hợp với nhiều loại cây trồng nông, lâm nghiệp có giá trị kinh tế cao.

- Là tỉnh có vị trí địa lý gần thủ đô Hà Nội và các vùng kinh tế trọng điểm do vậy rất thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.

- Vĩnh Phúc có nhiều khu du lịch và di tích nổi tiếng như thị trấn Tam Đảo, Hồ Đại Lải, danh lam thắng cảnh Tây Thiên -Tam Đảo, di tích kiến trúc nghệ thuật Tháp Bình Sơn, di tích kiến trúc nghệ thuật Đình Thổ Tang, Di chỉ Đồng Đậu, khu nghỉ dưỡng Sông Hồng thủ đô Resort, Vĩnh Thịnh Resort… hàng năm lượng khách đến tham quan Vĩnh Phúc ngày càng tăng tạo điều kiện cho Vĩnh Phúc phát triển du lịch, đây là động lực thúc đẩy sản xuất các mặt hàng nông, lâm sản; yêu cầu đối với các sản phẩm đạt tiêu chuẩn ATVSTP ngày càng cao, vì vậy nông sản hữu cơ có tiềm năng tiêu thụ lớn ngay trên địa bàn tỉnh.

- Sự thuận lợi của hệ thống giao thông, các khu công nghiệp ngày càng được mở rộng và hình thành mới ; các cơ sở hạ tầng về thủy lợi, hệ thống chợ; sự phát triển của hệ thống trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản; hệ thống các kênh tiêu thụ đa dạng sẽ góp phần tích cực thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm hữu cơ.

- Sản xuất nông nghiệp đã chuyển biến theo hướng phát triển toàn diện, đa dạng hóa sản phẩm, đang dần hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Phát triển sản xuất nông nghiệp đã góp phần khai thác tiềm năng về đất đai, lao động, nguồn vốn của các thành phần kinh tế nông thôn, làm tăng hiệu quả sản xuất, tăng sản phẩm xã hội.

- Trên địa bàn tỉnh đã có một số doanh nghiệp, HTX (Công ty TNHH MTV Quế Lâm Phương Bắc, HTX Nông nghiệp Nhân Lý - xã Phú Xuân, huyện Bình Xuyên, HTX Sản xuất Thương mại Định Trung, HTX Nông nghiệp Đại Lải,...) đầu tư, liên kết vào sản xuất nông nghiệp an toàn, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ gắn với du lịch sinh thái. Vai trò HTX nông nghiệp kiểu mới cùng các loại hình dịch vụ nông thôn đã được phát huy, hỗ trợ có hiệu quả cho người sản xuất.

- Thực hiện Quyết định số 2573/QĐ-UBND ngày 21/10/2019 của UBND Tỉnh Vĩnh Phúc về việc phê duyệt Kế hoạch sản xuất nông nghiệp hữu cơ và theo hướng hữu cơ trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2020 - 2022; hàng năm tỉnh hỗ trợ trên 1.600 ha sản xuất rau ăn lá theo hướng hữu cơ và hỗ trợ thí điểm một số mô hình sản xuất trồng trọt, chăn nuôi hữu cơ,… qua đánh giá sơ bộ, các mô hình này đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người sản xuất, hạn chế ô nhiễm môi trường,... đây là tiền đề để tổ chức, đánh giá rút kinh nghiệm triển khai trong thời gian tới.

3.2. Khó khăn, thách thức

- Sự biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét, các hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra với tần suất nhiều hơn; nguy cơ xuất hiện các loại dịch bệnh mới khó kiểm soát hơn, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp nói chung và đặc biệt là nông nghiệp hữu cơ nói riêng. Quá trình hội nhập quốc tế bên cạnh những cơ hội cũng gia tăng sự cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu cùng loại.

- Nhận thức về nông nghiệp hữu cơ, các quy định, các tiêu chuẩn về sản xuất nông nghiệp hữu cơ của cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật và người sản xuất còn hạn chế, chưa đầy đủ.

- Tỉnh Vĩnh Phúc chưa có quy hoạch, quy định về các vùng sản xuất hữu cơ; phần lớn các doanh nghiệp và hộ sản xuất nông nghiệp hữu cơ có quy mô nhỏ; việc thiếu quỹ đất là thách thức lớn đối với sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo hướng hàng hóa hiện nay. Diện tích đất sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là diện tích các cây trồng thuộc đối tượng chính sản xuất hữu cơ lâu nay đã bị canh tác bằng phân bón, thuốc trừ sâu hóa học, cần phải có thời gian cải tạo đất mới đủ điều kiện sản xuất hữu cơ, áp lực về thu nhập nên người dân thường tận dụng tối đa thời gian sử dụng đất bằng giải pháp tăng vụ nên việc chuyển ngay sang canh tác hữu cơ rất khó khăn, đòi hỏi nhiều thời gian.

- Các quy trình, mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên các cây trồng, vật nuôi có tiềm năng sản xuất hữu cơ chưa được nghiên cứu, đánh giá để nhân rộng, chuyển giao cho sản xuất. Hiện tại, đa số nông dân chưa muốn chuyển đổi sang sản xuất nông nghiệp hữu cơ do sức hấp dẫn về thu nhập chưa được chứng minh, thị trường không được cam kết. Quy trình sản xuất khắt khe, phức tạp, cần có thời gian chuyển đổi.

- Chi phí chứng nhận sản xuất hữu cơ cao, chưa có nhiều tổ chức tham gia chứng nhận. Người tiêu dùng chưa tin tưởng, khó phân biệt giữa sản phẩm sản xuất hữu cơ và các sản phẩm thông thường khác. Vì vậy, tuy nhu cầu thị trường cao nhưng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ vẫn khó tiêu thụ; quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ nên khó khăn trong việc sản xuất quy mô lớn, chi phí đầu tư cao.

- Thị trường tiêu thụ các sản phẩm hữu cơ trong nước chưa phổ biến, mới ở phạm vi hẹp chủ yếu tập trung tại các siêu thị lớn, thị trường sản phẩm hữu cơ các nước trên thế giới có tiềm năng nhưng chưa được tiếp cận nhiều, đầu ra cho sản phẩm hữu cơ còn nhiều khó khăn, nhất là khi sản xuất quy mô lớn, khó cạnh tranh với sản phẩm cùng loại; chưa có sự liên kết chuỗi từ khâu sản xuất, chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Công tác xúc tiến thương mại, giới thiệu, quảng bá sản phẩm hữu cơ chưa được thực hiện rộng rãi, chủ yếu do doanh nghiệp tự tìm kiếm thị trường.

Phần thứ ba

QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP HỮU CƠ VÀ THEO HƯỚNG HỮU CƠ GIAI ĐOẠN 2023- 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

I. QUAN ĐIỂM PHÁT TRIỂN

- Phù hợp với định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và phát huy tiềm năng thế mạnh về nông nghiệp hữu cơ tại các địa phương trên địa bàn tỉnh.

- Phát triển nông nghiệp hữu cơ theo chuỗi giá trị, gắn với nông nghiệp tuần hoàn, bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học.

- Phát triển nông nghiệp hữu cơ ở các quy mô, cấp độ từ hộ gia đình, tổ hợp tác, HTX, doanh nghiệp, tăng cường liên kết sản xuất, tạo ra sản phẩm hàng hóa có giá trị gia tăng cao, trên cơ sở có sự tham gia của nhà quản lý, nhà khoa học và các thành phần kinh tế.

- Tiếp tục đẩy mạnh sản xuất theo hướng hữu cơ, tăng dần diện tích, sản phẩm hữu cơ được chứng nhận theo tiêu chuẩn của Việt Nam và thế giới.

- Không phát triển nông nghiệp hữu cơ theo phong trào mà phải dựa trên điều kiện thổ nhưỡng khí hậu tài nguyên đất, tài nguyên nước; sản xuất phải gắn với nhu cầu của thị trường; xác định, lựa chọn loại sản phẩm cây trồng, vật nuôi có lợi thế và thuận lợi cho việc áp dụng quy trình sản xuất hữu cơ để tập trung phát triển.

II. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN

1. Mục tiêu chung

Phát triển nông nghiệp hữu cơ trên cơ sở lựa chọn sản phẩm nông nghiệp chủ lực, có lợi thế cạnh tranh của tỉnh; đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ; áp dụng quy trình sản xuất, chế biến hữu cơ tiên tiến, hiện đại; kiểm soát tốt các nguy cơ mất an toàn thực phẩm nhằm tạo ra các sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn cho người sử dụng,... hướng đến phát triển nền nông nghiệp có giá trị tăng cao, bền vững, thân thiện với môi trường.

2. Mục tiêu cụ thể

2.1. Đến năm 2025

- Diện tích đất trồng trọt hữu cơ đạt khoảng 1% tổng diện tích đất trồng trọt với các cây trồng chủ lực: Lúa, rau các loại, cây ăn quả (Chuối, bưởi, thanh long ruột đỏ, ổi, na).

- Tỷ lệ sản phẩm thịt lợn, thịt gà hữu cơ đạt khoảng 1,0% tính trên tổng sản phẩm chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.

- Diện tích nuôi trồng thủy sản hữu cơ đạt khoảng 0,5% tổng diện tích nuôi trồng thủy sản.

- Đối với sản phẩm dược liệu từ tự nhiên, tỷ lệ sản lượng hữu cơ trên tổng sản lượng đạt khoảng 90%, đối với hình thức thâm canh (sử dụng môi trường rừng để sản xuất) tỷ lệ sản lượng hữu cơ trên tổng sản lượng đạt khoảng 75 %.

- Hiệu quả sản xuất hữu cơ trên một đơn vị diện tích đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản cao hơn khoảng 1,3 lần so với sản xuất phi hữu cơ.

2.2. Đến năm 2030

- Diện tích đất trồng trọt hữu cơ đạt khoảng 2% diện tích đất trồng trọt với các cây trồng chủ lực: Lúa, rau các loại, cây ăn quả (Chuối, bưởi, thanh long ruột đỏ, ổi, na).

- Tỷ lệ sản phẩm thịt lợn, thịt gà hữu cơ đạt khoảng 1,5% tính trên tổng sản phẩm chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.

- Diện tích nuôi trồng thủy sản hữu cơ đạt khoảng 1,0% tổng diện tích nuôi trồng thủy sản.

- Đối với sản phẩm dược liệu từ tự nhiên, tỷ lệ sản lượng hữu cơ trên tổng sản lượng đạt khoảng 9 5%, đối với hình thức thâm canh (sử dụng môi trường rừng để sản xuất) tỷ lệ sản lượng hữu cơ trên tổng sản lượng đạt khoảng 80%.

- Hiệu quả sản xuất hữu cơ trên một đơn vị diện tích đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản cao hơn khoảng 1,5 lần so với sản xuất phi hữu cơ.

III. PHẠM VI ĐIỀU CHỈNH, ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG

1. Phạm vi điều chỉnh

Lựa chọn một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực, có lợi thế, thuận lợi với việc áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ để tập trung phát triển, trong đó ưu tiên các sản phẩm:

- Sản phẩm trồng trọt: Lúa, rau các loại, cây ăn quả (Thanh long ruột đỏ, bưởi, chuối, na, ổi), cây dược liệu (Trà hoa vàng, ba kích ).

- Sản phẩm chăn nuôi: Lợn thịt, gà thịt.

- Sản phẩm thủy sản: Cá truyền thống (Trắm, chép, mè, rô).

2. Đối tượng áp dụng

Các doanh nghiệp, Hợp tác xã, Tổ hợp tác, Trang trại hoặc hộ, nhóm hộ sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp hữu cơ; các tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc (gọi tắt là tổ chức, cá nhân).

IV. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP HỮU CƠ

1. Sản phẩm trồng trọt

- Lúa, tại các huyện: Vĩnh Tường, Yên Lạc, Lập Thạch, Sông Lô.

- Rau các loại, tại các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh.

- Chuối, tại các huyện: Vĩnh Tường, Yên Lạc, Sông Lô.

- Bưởi, tại các huyện, thành phố: Vĩnh Tường, Yên Lạc, Phúc Yên.

- Thanh long, tại các huyện: Lập Thạch, Sông Lô.

- Na, tại huyện Tam Đảo.

- Ổi, tại các huyện: Sông Lô, Tam Đảo.

2. Sản phẩm dược liệu: Tập trung phát triển các cây có giá trị: Trà hoa vàng, Ba kích, Cát sâm,... tại các huyện, thành phố như: Tam Đảo, Phúc Yên, Lập Thạch.

3. Sản phẩm chăn nuôi

- Lợn thịt, tại các huyện: Tam Đảo, Lập Thạch, Sông Lô, Tam Dương, Yên Lạc, Vĩnh Tường.

- Gà thịt tại các huyện: Tam Đảo, Lập Thạch, Sông Lô, Tam Dương, Yên Lạc, Vĩnh Tường.

4. Thủy sản: Tại các huyện: Vĩnh Tường, Yên Lạc, Lập Thạch, Sông Lô,...

V. NHIỆM VỤ CHỦ YẾU

1. Giai đoạn 2023-2025

1.1. Xác định vùng sản xuất hữu cơ: Thực hiện điều tra, khảo sát, lựa chọn các vùng sản xuất hữu cơ để xác định, khoanh vùng phát triển và thông báo rộng rãi để các tổ chức, cá nhân có kế hoạch, nhu cầu đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ biết, triển khai thực hiện (Theo quy định tại Điều 68, Luật Trồng trọt).

1.2. Tập huấn các quy định, quy trình về nông nghiệp hữu cơ :

- Tổ chức tập huấn các quy định, quy trình về sản xuất nông nghiệp hữu cơ cho đội ngũ cán bộ quản lý, kỹ thuật cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã làm công tác quản lý, chỉ đạo sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

- Mở các khóa tập huấn, hướng dẫn người sản xuất thực hiện, áp dụng các tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) về sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

1.3. Xây dựng các mô hình điểm về sản xuất nông nghiệp hữu cơ: Xây dựng các mô hình sản xuất được chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ để đánh giá, phát triển nhân rộng, gồm các đối tượng cây trồng : Cây ăn quả (Thanh long, bưởi, chuối, ổi, na...); cây dược liệu (Trà hoa vàng, ba kích),...

1.4. Phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ: Đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ đối với một số sản phẩm chủ yếu, có quy mô sản lượng lớn như : Lúa, rau, lợn thịt, gà thịt nhằm từng bước chuyển đổi đất trồng để chuẩn bị vùng cho sản xuất lúa, rau đạt chuẩn hữu cơ; thu thập cơ sở dữ liệu phục vụ xây dựng các quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ phù hợp vừa đáp ứng TCVN vừa phù hợp với điều kiện của địa phương.

1.5. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất hữu cơ và theo hướng hữu cơ: Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; ứng dụng các chế phẩm sinh học, thảo mộc, phân hữu cơ vi sinh - sinh học,... thay thế các loại phân bón, thuốc BVTV hóa học, kháng sinh trong sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; các chế phẩm sinh học xử lý môi trường nông nghiệp.

1.6. Đẩy mạnh ứng dụng quy trình canh tác thân thiện với cây trồng, vật nuôi và môi trường: Ứng dụng quy trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), quản lý cây trồng tổng hợp (ICM), quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) trong sản xuất trồng trọt; quy trình canh tác tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp, thủy sản.

1.7. Rà soát, lựa chọn các giống cây trồng, vật nuôi bản địa, có năng suất, chất lượng, kháng sâu bệnh, phù hợp với sản xuất hữu cơ.

1.8. Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, cung ứng vật tư đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

2. Giai đoạn 2026-2030

2.1. Tiếp tục tập huấn, cập nhật các quy định, quy trình mới về sản xuất nông nghiệp hữu cơ cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý, kỹ thuật sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

2.2. Phát triển, nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp được chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ trên địa bàn tỉnh. Hỗ trợ chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn hữu đối với 15-20 cơ sở sản xuất nông nghiệp.

2.3. Xây dựng 10-15 mô hình liên kết chuỗi sản xuất, sơ chế, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh.

2.4. Xây dựng quy trình sản xuất hữu cơ trên các loại cây trồng (lúa, rau, quả, cây ăn quả,...); vật nuôi (lợn thịt, gà thịt, bò thịt, bò sữa,...), thủy sản (cá truyền thống, một số thủy đặc sản,...), cây dược liệu (trà hoa vàng, ba kích,...) triển khai các mô hình thí điểm sản xuất nông nghiệp hữu cơ gắn với chuỗi giá trị và từng bước nhân rộng mô hình.

2.5. Thu hút, khuyến khích các tổ chức và cá nhân tham gia sản xuất, chế biến, tiêu thụ các sản phẩm hữu cơ theo chuỗi liên kết tại các vùng sản xuất tập trung, các sản phẩm đặc sản bản địa khai thác từ tự nhiên.

2.6. Phát triển các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư đầu vào (giống, phân bón hữu cơ truyền thống hoặc các chế phẩm phân bón hữu cơ, phân bón sinh học, thức ăn chăn nuôi, thủy sản,...) đáp ứng tiêu chuẩn hữu cơ.

2.7. Nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù về phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ của tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2026-2030.

2.8. Xây dựng thương hiệu và phát triển thị trường sản phẩm nông nghiệp hữu cơ: Tổ chức chứng nhận, xây dựng và đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu, mã số, mã vạch, mã vùng nuôi, trồng cho các sản phẩm hữu cơ theo quy định. Xây dựng các kênh phân phối, thị trường tiêu thụ nông nghiệp hữu cơ.

I. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Thông tin tuyên truyền

1.1. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức, quy định pháp luật và các chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp hữu cơ và theo hướng hữu cơ

- Thông tin, tuyên truyền sâu rộng nội dung Đề án nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ và người dân, doanh nghiệp thực hiện phát triển nông nghiệp hữu cơ, xây dựng nông thôn mới. Thường xuyên cập nhật, phổ biến các mô hình, các điển hình tiên tiến, sáng kiến và kinh nghiệm hay, có hiệu quả về phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh để nhân rộng.

- Tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn và thực thi các chính sách, pháp luật, các tiêu chuẩn TCVN về nông nghiệp hữu cơ để tạo niềm tin cho người tiêu dùng, nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp, người sản xuất và nhà quản lý về việc tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất, giám sát, chứng nhận nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp hữu cơ.

- Tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp hữu cơ và các chính sách khác có liên quan: Nghị định số 109/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ về nông nghiệp hữu cơ; Nghị định 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; Nghị quyết số 86/2019/NQ-HĐND ngày 11/12/2019 của HĐND tỉnh về việc quy định chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc; Nghị quyết số 87/2019/NQ-HĐND ngày 11/12/2019 của HĐND tỉnh về chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2020-2025, Nghị quyết số 20/2020/NQ- HĐND ngày 14/12/2020 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho nông dân tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021- 2025,...

- Đa dạng hóa các hình thức, nội dung truyền thông để nâng cao nhận thức của người sản xuất, người tiêu dùng về sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.

1.2. Tổ chức các hoạt động hỗ trợ, chứng nhận và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ

- Tổ chức các hình thức tăng cường liên kết sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực và cơ sở vật chất hiện có của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia Đề án.

- Triển khai các chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.

- Tổ chức các hoạt động tuyên truyền kết quả phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ tại các địa phương; kết nối các doanh nghiệp phân phối, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu, các hộ kinh doanh,... với các cơ sở, vùng sản xuất đã được chứng nhận, nhằm đẩy mạnh và thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.

- Tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp tư vấn, chứng nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ trong các hoạt động tư vấn về chuyên môn kỹ thuật giúp các cơ sở sản xuất sản phẩm nông nghiệp tiếp cận các quy trình canh tác, phương thức tổ chức sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

2. Đào tạo, tập huấn

- Tập huấn cho cán bộ làm công tác quản lý nông nghiệp từ tỉnh đến cơ sở; lực lượng lao động trong ngành nông nghiệp và các ngành, tổ chức, cá nhân có liên quan về các kiến thức tổ chức sản xuất, chế biến, tiêu thụ và quản lý nhà nước về nông nghiệp hữu cơ.

- Đẩy mạnh công tác phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao có trình độ, có khả năng làm chủ khoa học, công nghệ, trình độ quản lý kinh tế ở các doanh nghiệp, HTX, THT để phục vụ phát triển sản phẩm nông nghiệp hữu cơ; Chú trọng công tác nâng cao chất lượng đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn, tập trung đào tạo nghề sản xuất sản phẩm nông nghiệp hàng hóa đối với lao động trong các doanh nghiệp, HTX.

- Tổ chức thăm quan, học tập các mô hình, phương pháp sản xuất, chế biến, xúc tiến thương mại và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.

3. Đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, công nghệ cao và hoạt động khuyến nông

- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học, vật liệu mới, công nghệ số, cơ khí hóa, tự động hóa, công nghệ tưới tiết kiệm, ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ mới, nông nghiệp thông minh trong ngành trồng trọt, chăn nuôi thủy sản. Sản xuất, sử dụng giống cây trồng vật nuôi mới có năng suất, chất lượng cao, thích ứng biến đổi khí hậu, có sức đề kháng cao với sâu bệnh hại trên cây trồng, dịch bệnh trên đàn vật nuôi; đẩy mạnh áp dụng quy trình sản xuất an toàn, chất lượng. Mở rộng quy mô diện tích, sản lượng sản xuất các sản phẩm theo tiêu chuẩn hữu c ơ; áp dụng hiệu quả công nghệ sau thu hoạch, chế biến và bảo quản sản phẩm… Hỗ trợ, khuyến khích và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trực tiếp tham gia nghiên cứu khoa học, tiếp nhận chuyển giao và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất nông nghiệp.

- Đẩy mạnh công tác khuyến nông, tập trung nguồn lực hỗ trợ công tác khuyến nông thực hiện mô hình, quy trình sản xuất. Phát triển hình thức liên kết công - tư, khuyến khích xã hội hóa tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng và cung cấp dịch vụ nông nghiệp cho phát triển sản phẩm hữu cơ. Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực từ ngân sách và các thành phần kinh tế để tập trung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị sản xuất, chế biến nông sản.

- Xây dựng quy trình sản xuất hữu cơ trên một số đối tượng cây trồng, vật nuôi để tổ chức tuyên truyền, đào tạo, tập huấn, hướng dẫn cho các tổ chức, cá nhân áp dụng vào thực tiễn sản xuất.

- Đẩy mạnh xây dựng các mô hình liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản giữa doanh nghiệp và nông dân trong đó doanh nghiệp hoặc HTX giữ vai trò nòng cốt.

4. Xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm

- Tập trung xây dựng và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, đảm bảo ưu thế cạnh tranh trên thị trường. Rà soát, tăng cường quản lý chặt chẽ, hiệu quả nhãn hiệu tập thể và chỉ dẫn địa lý. Xây dựng và thực thi qui định về quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm mang thương hiệu của tỉnh.

- Gắn xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm nông nghiệp hữu cơ với sản phẩm OCOP để nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường của sản phẩm; hợp tác liên kết giữa doanh nghiệp, HTX, nông hộ trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; kết hợp xây dựng và quảng bá thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm với các hoạt động văn hóa, du lịch; đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm với nhiều hình thức thiết thực, hiệu quả: Có kế hoạch tổ chức hội thảo, hội chợ đối với các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ; thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, HTX tham gia các chương trình xúc tiến thương mại sản phẩm hữu cơ ở trong và ngoài tỉnh.

5. Phát triển và nâng cao hiệu quả các hình thức tổ chức sản xuất

- Thiết lập mối quan hệ bền chặt và hiệu quả giữa “4 nhà” với sự phân công cụ thể: Nhà Nước: hoạch định các chính sách, xây dựng các cơ chế; Nhà Nông: tổ chức sản xuất và trực tiếp sản xuất các sản phẩm có chất lượng, đáp ứng nhu cầu của thị trường; Nhà Khoa học: nghiên cứu, chuyển giao các giống mới, qui trình sản xuất, chế biến tiên tiến; Nhà Doanh nghiệp: Kết nối thị trường, xây dựng mối liên kết giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

- Rà soát, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, hợp tác xã liên quan đến các hoạt động nông lâm nghiệp và thủy sản, hiện có.

- Khuyến khích, hỗ trợ để đẩy mạnh thành lập mới các doanh nghiệp, hợp tác xã tại các vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ xây dựng và thực hiện hiệu quả các dự án hợp tác, liên kết giữa doanh nghiệp, HTX, nông hộ trong sản xuất, chế biến tiêu thụ sản phẩm gắn với chuỗi cung ứn g thực phẩm an toàn.

- Cơ quan quản lý nhà nước hướng dẫn, kết nối các đơn vị có chức năng có thẩm quyền chứng nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đến các tổ chức, cá nhân tổ chức sản xuất trên địa bàn tỉnh theo quy định.

- Phát huy, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực và cơ sở vật chất hiện có của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia Đề án.

- Nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp chủ yếu có lợi thế gắn với xây dựng, quảng bá thương hiệu và phát liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị là những giải pháp căn cơ, bền vững, đảm bảo ổn định giá cả và hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm.

6. Tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ và hữu cơ

- Khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia tổ chức triển khai sản xuất nông nghiệp hữu cơ trong các vùng canh tác hữu cơ đã lựa chọn.

- Phát triển đa dạng các hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp hữu cơ gắn với chuỗi liên kết; Phát triển sản xuất nông nghiệp hữu theo vùng và khuyến khích các tổ chức, cá nhân mở rộng phạm vi nghiên cứu, triển khai đầu tư, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh. Mời gọi các tổ chức, cá nhân đang kinh doanh sản phẩm nông nghiệp an toàn, sản phẩm có chứng nhận để hỗ trợ liên kết tiêu thụ đối với những sản phẩm hữu cơ.

- Khuyến khích thành lập mới các doanh nghiệp, HTX, THT... hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm hữu cơ; Đầu tư phát triển công nghệ thu hoạch, sơ chế, chế biến, đóng gói, bảo quản các sản phẩm hữu cơ và phát triển các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư đầu vào đáp ứng tiêu chuẩn hữu cơ: phân bón hữu cơ truyền thống hoặc các chế phẩm phân bón hữu cơ, phân bón sinh học,.. Đẩy mạnh việc liên kết trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ gắn với công tác kiểm soát chặt chẽ an toàn thực phẩm và truy suất nguồn gốc.

- Rà soát kết cấu hạ tầng dùng chung, triển khai đầu tư hoặc hỗ trợ đầu tư các vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ đảm bảo tính đồng bộ và thuận lợi trong việc áp dụng các tiến bộ khoa học trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

- Xây dựng và phát triển các mô hình liên kết giữa người bán hàng và người sản xuất để hình thành chuỗi áp dụng được truy suất, xuất xứ nguồn gốc.

7. Vốn và tín dụng

- Để thực hiện Đề án đạt hiệu quả, hoàn thành các mục tiêu đề ra, cần huy động nguồn vốn từ mọi thành phần kinh tế như nguồn vốn từ ngân sách (Trung ương và địa phương), vốn tín dụng đầu tư, vốn từ doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân, vốn đầu tư nước ngoài và từ các nguồn huy động hợp pháp khác.

- Vốn ngân sách nhà nước tập trung hỗ trợ cho công tác đào tạo, tập huấn; hỗ trợ xây dựng, chứng nhận thương hiệu sản phẩm, chi phí vật tư phục vụ sản xuất..., khảo sát, đánh giá xác định vùng sản xuất hữu cơ.

- Ưu tiên nguồn vốn sự nghiệp khoa học công nghệ cho việc triển khai các nhiệm vụ khoa học và chuyển giao công nghệ về nông nghiệp hữu cơ.

- Kêu gọi vốn đầu tư từ các tổ chức, cá nhân, các thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia đầu tư vào các dự án thuộc Danh mục các dự án ưu tiên của Đề án.

- Các ngân hàng tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, các nông hộ, trang trại, hợp tác xã vay vốn đầu tư vào phát triển nông nghiệp hữu cơ. Thực hiện hiệu quả chính sách ưu đãi tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho tổ chức, cá nhân được tiếp cận với các nguồn vốn, nhất là khi sản xuất nông nghiệp gặp khó khăn về thiên tai, dịch bệnh, giá cả thị trường.

- Quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện các nhiệm vụ của Đề án áp dụng theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và các quy định có liên quan.

8. Nâng cao quản lý nhà nước về nông nghiệp hữu cơ

8.1. Quản lý vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ

- Tổ chức đánh giá thực trạng sản xuất, tính chất lý hóa của đất, nguồn nước, cơ sở hạ tầng tại các vùng sản xuất để duy trì vùng sản xuất hữu cơ phù hợp quy định và có tính ổn định lâu dài.

- Thực hiện tốt các quy định về canh tác trong vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ trong đó có các biện pháp giám sát, kiểm soát chặt chẽ về chất lượng môi trường sản xuất.

- Trong từng thời kỳ, giai đoạn triển khai Đề án, các vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ có thể được điều chỉnh, bổ sung phù hợp với tình hình thực tế.

8.2. Quản lý đầu vào trong sản xuất hữu cơ

- Quản lý chặt chẽ vật tư đầu vào trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý các vi phạm theo quy định, chú trọng công tác hậu kiểm và kiểm tra đột xuất:

+ Quản lý giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản phù hợp với tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ.

+ Quản lý chặt chẽ vật tư được sử dụng trong sản xuất hữu cơ như: Phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, chất bảo quản, chất phụ gia, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản.

- Quản lý nguồn nước sử dụng cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ: Nước tưới cho cây trồng, nước dùng cho vật nuôi, nuôi trồng thủy sản...

- Quản lý các quy trình canh tác cây trồng hữu cơ, quy trình chăm sóc vật nuôi và thủy sản hữu cơ.

8.3. Quản lý sản phẩm nông nghiệp hữu cơ

- Quản lý chặt chẽ việc sử dụng các nhãn hiệu nông nghiệp hữu cơ, đảm bảo minh bạch thị trường, tránh trà trộn sản phẩm không đạt chuẩn hữu cơ.

- Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ các quy định trong sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.

- Thiết lập hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm hữu cơ tại từng công đoạn sản xuất, bảo quản,sơ chế, chế biến và tiêu thụ. Hỗ trợ kỹ thuật tham gia sàn thương mại điện tử cho sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.

- Thực hiện thu hồi và xử lý sản phẩm hữu cơ bị thu hồi theo quy định tại Điều 13, Nghị định 109/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ về Nông nghiệp hữu cơ và các quy định khác của pháp luật.

9. Cơ chế chính sách

9.1. Giai đoạn 2023-2025

- Hỗ trợ 100% kinh phí mở các lớp tập huấn các quy định, quy trình về sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo Nghị định số 83/2018/NĐ-CP ngày 24/5/2018 của Chính phủ về Khuyến nông.

- Hỗ trợ 100% kinh phí để điều tra, khảo sát xác định các vùng, khu vực đủ điều kiện sản xuất hữu cơ trên địa bàn tỉnh theo Nghị định số 109/2018/NĐ- CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ về nông nghiệp hữu cơ.

- Hỗ trợ xây dựng mô hình điểm về sản xuất nông nghiệp hữu cơ:

+ Đối với các mô hình sản xuất cây ăn quả: Hỗ trợ 50% chi phí mua phân bón nhưng không quá 20,0 triệu đồng/ha theo Nghị quyết số 20/2020/NQ- HĐND ngày 14/12/2020 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ cơ cấu lại ngành nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho nông dân tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025.

+ Đối với các mô hình sản xuất dược liệu hữu cơ: Hỗ trợ 50% phân bón theo Nghị định số 83/2018/NĐ-CP ngày 24/5/2018 của Chính phủ về Khuyến nông.

+ Hỗ trợ 100% chi phí đào tạo, tập huấn hội nghị tổng kết mô hình theo Nghị định số 83/2018/NĐ-CP ngày 24/5/2018 của Chính phủ về Khuyến nông.

+ Hỗ trợ 100% chi phí cấp Giấy chứng nhận sản phẩm phù hợp TCVN về nông nghiệp hữu cơ theo Nghị định số 109/2018/NĐ-CP ngày 19/8/2018 của Chính phủ về Nông nghiệp hữu cơ.

- Hỗ trợ sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ :

+ Sản xuất lúa theo hướng hữu cơ: Hỗ trợ 50% chi phí mua giống, phân bón theo Nghị định số 83/2018/NĐ-CP ngày 24/5/2018 của Chính phủ về Khuyến nông. Định mức vật tư tính theo Quyết định số 726/QĐ-BNN-KN ngày 24/02/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành Định mức kinh tế kỹ thuật khuyến nông trung ương.

+ Sản xuất rau quả theo hướng hữu cơ: Hỗ trợ 50% chi phí mua phân bón nhưng không quá 10,0 triệu đồng/ha theo Nghị quyết số 20/2020/NQ-HĐND ngày 14/12/2020 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ cơ cấu lại ngành nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho nông dân tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021 -2025.

+ Chăn nuôi lợn thịt theo hướng hữu cơ : Hỗ trợ 50% chi phí thức ăn chăn nuôi, chế phẩm sinh học, vacxin theo Nghị định số 83/2018/NĐ-CP ngày 24/5/2018 của Chính phủ về Khuyến nông. Định mức vật tư tính theo Quyết định số 663/QĐ-BNN-KN ngày 03/02/2021 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành Định mức kinh tế kỹ thuật khuyến nông trung ương.

+ Chăn nuôi gà thịt theo hướng hữu cơ: Hỗ trợ 50% chi phí mua giống, thức ăn chăn nuôi, chế phẩm sinh học, vacxin theo Nghị định số 83/2018/NĐ- CP ngày 24/5/2018 của Chính phủ về Khuyến nông. Định mức vật tư tính theo Quyết định số 663/QĐ -BNN-KN ngày 03/02/2021 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành Định mức kinh tế kỹ thuật khuyến nông trung ương.

- Hỗ trợ xây dựng các chuỗi liên kết hợp tác sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ: Thực hiện theo Nghị quyết số 86/2019/NQ-HĐND ngày 11/12/2019 của HĐND tỉnh về việc quy định chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.

- Hỗ trợ thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp hữu cơ: Thực hiện theo Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và Nghị quyết số 87/2019/NQ-HĐND ngày 11/12/2019 của HĐND tỉnh về chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2020 -2025.

9.2. Giai đoạn 2026-2030

Tiếp tục vận dụng thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh theo Nghị định số 109/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ về Nông nghiệp hữu cơ, Nghị định số 83/2018/NĐ-CP ngày 24/5/2018 của Chính phủ về Khuyến nông; Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Nghị định 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Đồng thời căn cứ các cơ chế, chính sách mới ban hành của Trung ương tiếp tục rà soát, xây dựng trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành cơ chế, chính sách đặc thù của Tỉnh về phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh.

10. Tăng cường hợp tác Quốc tế trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ và theo hướng hữu cơ

Trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ và theo hướng hữu cơ cần có sự đồng hành, hỗ trợ của các nhà tài trợ, đối tác quốc tế, đặc biệt là các tổ chức nông nghiệp quốc tế, nhóm Tư vấn các Tổ chức Nghiên cứu nông nghiệp quốc tế (CGIAR) cùng hợp tác nghiên cứu khoa học và công nghệ, thúc đẩy ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp hữu cơ và theo hướng hữu cơ để tổ chức sản xuất đáp ứng tiêu chuẩn hữu cơ của các nước trên thế giới nhằm tiến tới xuất khẩu sản phẩm hữu cơ của tỉnh.

Phối hợp với các Viện nghiên cứu nông nghiệp, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp của các địa phương hợp tác hữu nghị với tỉnh Vĩnh Phúc như Chungcheongbuk, Hàn Quốc; tỉnh Akita, tỉnh Tochigi, Nhật Bản trong phát triển nông nghiệp của tỉnh.

VII. KHÁI TOÁN KINH PHÍ, NGUỒN KINH PHÍ HỖ TRỢ

1. Khái toán kinh phí

Khái toán tổng kinh phí thực hiện các nhiệm vụ giai đoạn 2023 -2025 của đề án là: 134.840,9 triệu đồng. Trong đó:

- Ngân sách tỉnh hỗ trợ: 29.352,9 triệu đồng (21,8%).

- Người sản xuất tự đầu tư và đối ứng : 105.488,0 triệu đồng (78,2%).

2. Nguồn kinh phí hỗ trợ: Nguồn ngân sách tỉnh.

3. Phân kỳ kinh phí hỗ trợ

Tổng kinh phí ngân sách hỗ trợ thực hiện đề án 03 năm là 29.352,90 triệu đồng, trong đó:

- Năm 2023: 9.921,50 triệu đồng.

- Năm 2024: 9.467,90 triệu đồng.

- Năm 2025: 9.963,50 triệu đồng.

(Chi tiết tại phụ lục 7, 8 kèm theo)

VIII. HIỆU QUẢ CỦA ĐỀ ÁN

1. Hiệu quả kinh tế

1.1. Hiệu quả kinh tế trực tiếp đến giá trị sản phẩm

- Việc sản xuất các sản phẩm hữu cơ đạt tiêu chuẩn được chứng nhận góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, củng cố và phát triển thương hiệu. Nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm hữu cơ từ 15%-20% giá trị trên một đơn vị sản phẩm trở lên so với sản xuất theo phương thức thông thường.

- Sản xuất ra các sản phẩm hữu cơ đạt tiêu chuẩn giúp mở rộng thị trường sản phẩm không những trong và ngoài tỉnh mà có thể mở rộng ra thị trường ngoài nước trong đó có các thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản,... đặc biệt là các sản phẩm có tiềm năng của tỉnh như rau quả, cây ăn quả; cây dược liệu: trà hoa vàng, ba kích; chăn nuôi: sản phẩm gà thịt, lơn thịt;, thủy sản,... nâng giá trị đóng góp vào GDP của ngành nông nghiệp trong cơ cấu nền kinh tế, góp phần thực hiện thành công tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh.

1.2. Hiệu quả kinh tế gián tiếp của sản xuất hữu cơ

- Đối với hoạt động sản xuất trồng trọt: Theo ước tính, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc cần phải sử dụng khoảng 110.000 tấn phân bón vô cơ các loại để bón cho cây trồng và khoảng 70 tấn thuốc BVTV hóa học. Như vậy lượng phân bón thất thoát không được cây trồng hấp thu có thể lên đến 35.000-45.000 tấn và khoảng 7,0 tấn thuốc BVTV tồn dư trong vỏ bao gói sau sử dụng cùng hàng chục tấn vỏ bao gói thuốc BVTV sau sử dụng phát thải ra môi trường. Lượng phân bón và thuốc BVTV thất thoát trên không những làm ảnh hưởng tới môi trường mà còn là một trong những nguyên nhân làm tăng chi phí sản xuất lên rất lớn, là một trong những nguyên nhân làm nông dân không còn mặn mà với đồng ruộng nhất là khi “được mùa rớt giá”, giá cả vật tư đầu vào tăng cao (năm 2021, giá hầu hết các loại phân bón vô cơ tăng đến 2 lần so với các năm trước).

- Sản xuất hữu cơ không sử dụng phân bón vô cơ và thuốc BVTV hóa học mà sử dụng các loại phân bón hữu cơ, thuốc BVTV thân thiện với môi trường hơn, người sản xuất có thể tự sản xuất được (ủ phân hữu cơ, dùng phân xanh, tự chế thuốc BVTV thảo mộc, nhân thả thiên địch,...) nên sẽ góp phần giúp giảm được các chi phí sản xuất đầu vào. Diện tích 1-2,0% sản xuất hữu cơ theo mục tiêu của Đề án giúp giảm được ít nhất 2.000 tấn phân vô cơ và 1,4 tấn thuốc BVTV hóa học/năm tại các vùng sản xuất trồng trọt sẽ giúp nông dân tiết kiệm được hàng chục tỷ đồng/năm. Bên cạnh đó, việc giảm sử dụng phân bón vô cơ, thuốc BVTV hóa học sẽ đi đôi với việc giảm phát thải các loại hóa chất độc hại ra ngoài môi trường, từ đó giảm được các mối đe dọa và nguy cơ ô nhiễm môi trường, ngân sách nhà nước và người dân sẽ giảm được các chi phí để khắc phục các sự cố môi trường, các điểm ô nhiễm môi trường.

- Đối với sản xuất chăn nuôi và thủy sản, sản xuất hữu cơ sẽ giúp giảm đáng kể việc bùng phát và lây lan các loại dịch bệnh nguy hiểm (bệnh dịch tả lợn Châu Phi trên lợn, bệnh cúm trên gia cầm,...) từ đó sẽ giúp giảm đáng kể ngân sách nhà nước có thể lên đến hàng trăm tỷ đồng (chi phí cho hoạt động chống dịch, hỗ trợ cho người sản xuất khi phải tiêu hủy,...) và chi phí sản xuất của người nông dân (chi phí cho hoạt động phòng, chống dịch, chi phí tái đàn,....). Đồng thời sản xuất hữu cơ sẽ giúp giảm lượng phát thải các loại chất thải rắn nguy hại, nước thải từ hoạt động chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, từ đó cũng giúp giảm được các chi phí để xử lý, khắc phục các sự cố môi trường.

- Đối với cây dược liệu, sản xuất hữu cơ sẽ tạo ra những vùng nguyên liệu an toàn, đáp ứng những yêu cầu nghiêm ngặt của các vùng nguyên liệu phục vụ chế biến dược phẩm từ đó góp phần thúc đẩy phát triển ngành chế biến dược phẩm và các sản phẩm bảo vệ sức khỏe của tỉnh.

1.3. Hiệu quả đối với ngành, nghề thuộc lĩnh vực kinh tế khác

- Sản xuất nông nghiệp hữu cơ là phương thức sản xuất thuận tự nhiên, gần gũi, thân thiện với tự nhiên vì vậy sẽ tạo được môi trường lành mạnh, trong sạch. Vì vậy phát triển nông nghiệp hữu cơ là một trong những tiền đề, có khả năng tạo được những điểm nhấn thu hút du khách thông qua các hoạt động du lịch trải nghiệm thực tế, từ đó góp phần phát triển ngành du lịch, dịch vụ của tỉnh, nâng cao thu nhập của người dân địa phương.

- Việc phát triển sản xuất hữu cơ sẽ góp phần nâng tầm uy tín, thương hiệu của các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh, từ đó tăng khả năng thu hút các nguồn vốn đầu tư của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân vào sản xuất, góp phần thúc đẩy, là trụ đỡ cho các ngành nghề kinh tế khác.

2. Hiệu quả xã hội

- Sản xuất hữu cơ góp phần chuyển biến tích cực trong tư duy sản xuất của người dân từ việc khai thác triệt để tài nguyên thiên nhiên và lạm dụng quá mức các loại hóa chất hướng đến sử dụng vật liệu tổng hợp từ bên ngoài trong sản xuất sang khai thác bền vững, hợp lý hệ sinh thái, đa dạng sinh học và các chu trình khác phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương nhằm thống sản xuất duy trì được lâu dài sức khỏe của đất, hệ sinh thái và con người. Thực tế đã chứng minh các loại hóa chất độc hại, các loại thuốc kháng sinh, vi sinh vật có hại tồn dư trong nông sản có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe con người do có khả năng gây ra các bệnh nguy hiểm (ngô độc thực phẩm, tiêu chảy, ung thư,…).

- Trong sản xuất trồng trọt, sản xuất dược liệu hữu cơ không sử dụng phân bón hóa học, thuốc kích thích sinh trưởng, thuốc bảo vệ thực vật hóa học đặc biệt là thuốc trừ cỏ, sản phẩm được kiểm soát chặt chẽ về hàm lượng kim loại nặng, hóa chất và vi sinh vật có hại sẽ tạo ra sản phẩm sạch, an toàn bảo vệ sức khỏe con người.

- Trong ngành chăn nuôi: Từng bước thay đổi tư duy sản xuất của người chăn nuôi trong việc duy trì sức khỏe của vật nuôi bằng miễn dịch tự nhiên, lựa chọn con giống bản địa thích ứng với điều kiện khí hậu, sử dụng thức ăn thu được từ canh tác hữu cơ, không sử dụng chất cấm, hạn chế tối đa sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi, tạo ra các sản phẩm sạch, có chất lượng cao, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

- Sản xuất hữu cơ theo vùng tập trung tạo mối liên kết chặt chẽ giữa những người sản xuất với nhau tạo sức mạnh lan tỏa lớn trong cộng đồng.

Ngoài ra, trong sản xuất nông nghiệp hiện nay cần phải nâng cao nhận thức của người sản xuất về ý thức, trách nhiệm xã hội là cần tạo ra những sản phẩm đảm bảo an toàn, tốt cho sức khỏe con người. Triển khai sản xuất nông nghiệp hữu cơ với phương châm nói không với các loại hóa chất độc hại, thuốc kháng sinh ngoài việc sẽ là cung cấp cho con người những sản phẩm an toàn từ đó sẽ góp phần đáng kể trong việc lan tỏa, thay đổi tư duy, nhận thức của người trực tiếp sản xuất cũng như người tiêu dùng về tạo ra và sử dụng các sản phẩm an toàn, đảm bảo sức khỏe.

3. Hiệu quả môi trường

- Trong sản xuất trồng trọt: Sản xuất hữu cơ không sử dụng phân bón hóa học, thuốc kích thích sinh trưởng, thuốc bảo vệ thực vật hóa học đặc biệt là thuốc trừ cỏ. Theo tính toán, cứ 1 -2% diện tích trồng trọt của tỉnh được áp dụng sản xuất hữu cơ sẽ giúp giảm được ít nhất 2.000 tấn phân vô cơ và 1,4 tấn thuốc BVTV hóa học/năm; qua đó sẽ góp phần giảm được hàm lượng các kim loại nặng, hóa chất độc hại, khí thải gây ô nhiễm môi trường.

- Việc tăng sử dụng các loại phân bón hữu cơ, áp dụng các biện pháp canh tác an toàn thân thiện với môi trường sẽ giúp cải tạo các đặc tính lý, hóa của đất, hạn chế sự xói mòn, bạc màu của đất do việc lạm dụng quá mức các loại phân bón vô cơ gây ra.

- Sản xuất nông nghiệp hữu cơ giúp tạo dựng được hệ sinh thái cân bằng, ổn định; việc khai thác một cách hài hòa, tôn trọng tự nhiên giúp bảo vệ sự đa dạng sinh học, nhất là bảo vệ các nguồn gen bản địa quý hiếm, đặc hữu; bảo tồn, khuyến khích sự gia tăng mật số các loài sinh vật có lợi, hàn gắn các mắt xích bị đứt gãy trong quá trình sản xuất thâm canh quá mức hiện nay; giảm được nguy cơ bùng phát của các loài sinh vật có hại hoặc sự xâm nhập, phát sinh gây hại của các đối tượng gây hại.

- Trong sản xuất chăn nuôi và thủy sản: Sản xuất hữu cơ giúp hạn chế sử dụng kháng sinh, không sử dụng chất cấm, không sử dụng cám công nghiệp; mật độ nuôi và xử lý các loại nước thải đúng quy trình đảm bảo mức phát thải các chất độc hại trong môi trường nước ở mức thấp nhất. Bên cạnh đó các sản xuất hữu cơ giúp hạn chế mức thấp nhất các loại chất thải rắn nguy hại, khí thải độc hại ra môi trường.

Việc quản lý tốt nguồn chất thải, nước thải trong hoạt động sản xuất chăn nuôi và thủy sản góp phần hạn chế đáng kể các dịch bệnh lây truyền, truyền nhiễm trên các loại vật nuôi, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường sống lành mạnh, hạn chế sự lây lan dịch bệnh từ vật nuôi sang con người.

Phần thứ tư

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Là cơ quan thường trực, chủ trì triển khai thực hiện Đề án có trách nhiệm:

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các địa phương, đơn vị liên quan triển khai thực hiện các nội dung của đề án.

- Phân công, giao nhiệm vụ và chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai thực hiện Đề án đảm bảo hiệu quả, đúng quy định.

- Thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, thực hiện giám sát an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc và xử lý sản phẩm hữu cơ không đảm bảo chất lượng.

- Phối hợp với các Sở: Công Thương, Thông tin và truyền thông đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, quảng bá sản phẩm nông nghiệp đạt chứng nhận hữu cơ của tỉnh.

- Căn cứ nội dung Đề án được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt, vào thời điểm lập dự toán ngân sách hàng năm, tổng hợp kinh phí thực hiện Đề án gửi Sở Tài chính thẩm định, báo cáo UBND tỉnh bố trí kinh phí.

- Tổ chức sơ kết, tổng kết Đề án; tổng hợp báo cáo kết quả triển khai Đề án với UBND tỉnh và Bộ Nông nghiệp &PTNT theo quy định.

2. Sở Tài chính

Căn cứ vào khả năng cân đối ngân sách hàng năm, chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu với UBND tỉnh trình HĐND bố trí kinh phí thực hiện Đề án theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan tham mưu, đề xuất UBND tỉnh ưu tiên cân đối, bố trí kinh phí hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo quy định của pháp luật về đầu tư công.

4. Sở Tài nguyên và Môi trường

Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, các địa phương liên quan đánh giá, xác định vùng, khu vực đủ điều kiện sản xuất hữu cơ; quy định việc thực hiện bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học gắn với việc xây dựng, phát triển các vùng canh tác nông nghiệp hữu cơ.

5. Sở Công thương

- Tổ chức hội chợ, hỗ trợ xúc tiến thương mại các sản phẩm hữu cơ, tạo điều kiện cho các sản phẩm được lưu thông trên thị trường; Phối hợp với các địa phương xây dựng hệ thống các điểm giới thiệu và bán sản phẩm nông nghiệp hữu cơ trong và ngoài tỉnh.

- Khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh xây dựng các điểm bán sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, tạo điều kiện cho người tiêu dùng tiếp cận được nguồn thực phẩm an toàn, đảm bảo chất lượng.

6. Cục Quản lý thị trường

Phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, kiểm soát các cơ sở kinh doanh sản phẩm nông nghiệp hữu cơ nhằm kịp thời phát hiện các trường hợp gian lận để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người sản xuất, người tiêu dùng các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.

7. Sở Khoa học và Công nghệ

Tổng hợp, tham mưu đề xuất cơ quan có thẩm quyền phê duyệt hoặc phê duyệt theo thẩm quyền các nhiệm vụ khoa học và công nghệ liên quan đến phát triển nông nghiệp hữu cơ; Hướng dẫn các doanh nghiệp, Hợp tác xã, các tổ chức, cá nhân áp dụng hệ thống quản lý chất lượng, hệ thống truy xuất nguồn gốc; Quản lý thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm từ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ theo chuỗi sản xuất, cung ứng trên địa bàn tỉnh; Hướng dẫn đăng ký quyền sở hữu công nghiệp, xây dựng mã số mã vạch, tiêu chuẩn cơ sở cho các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ theo quy định; Giới thiệu, kết nối các nhà khoa học với các tổ chức cá nhân tham gia sản xuất nông nghiệp hữu cơ khi có yêu cầu.

8. Sở Y tế

- Thực hiện quản lý nhà nước đối với sản phẩm dược liệu hữu cơ, mỹ phẩm hữu cơ, thực phẩm hữu cơ thuộc thẩm quyền quản lý theo quy định.

- Phối hợp với các Sở Nông nghiệp và PTNT, Tài nguyên &MT, UBND các huyện, thành phố xác định các vùng sản xuất dược liệu theo tiêu chuẩn hữu cơ phù hợp với các điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của từng vùng, đồng thời nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách phát triển dược liệu theo tiêu chuẩn hữu cơ trên địa bàn tỉnh.

- Phối hợp với các đơn vị có liên quan nghiên cứu khảo sát phát triển các sản phẩm y học cổ truyền, thực phẩm bảo vệ sức khỏe từ các nguyên liệu dược liệu hữu cơ.

9. Sở Thông tin và Truyền thông

Chủ trì, phối hợp với các Sở, Ngành liên quan và các huyện, thành phố tuyên truyền Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ và theo hướng hữu cơ tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030; các quy định về quản lý, chính sách hỗ trợ nông nghiệp hữu cơ của Trung ương, của tỉnh để các các tổ chức, cá nhân có liên quan biết, thực hiện.

10. Sở Xây dựng

Chủ trì, phối hợp với các Sở, Ngành liên quan và các huyện, thành phố hướng dẫn các tổ chức, cá nhân triển khai các dự án liên quan đến sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp hữu cơ phù hợp với quy hoạch xây dựng trên địa bàn tỉnh; thực hiện thẩm định thiết kế xây dựng, cấp phép xây dựng theo quy định.

11. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

- Căn cứ nội dung của Đề án lập Chương trình, dự án, kế hoạch... cấp huyện về phát triển sản phẩm nông nghiệp hữu cơ của địa phương theo chuỗi giá trị để phát huy cao hơn nữa lợi thế của sản phẩm.

- Phối hợp với các cơ quan liên quan của tỉnh rà soát, điều tra, khảo sát đánh giá chất lượng đất, nước để xác định vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ, lựa chọn các vùng canh tác đủ điều kiện sản xuất hữu cơ, khoanh vùng quản lý; Lựa chọn đối tượng sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn thuộc thẩm quyền quản lý.

- Phối hợp các cơ quan liên quan của tỉnh hoặc chủ trì xây dựng, thực hiện nhân rộng các mô hình hữu cơ và hướng dẫn chứng nhận sản phẩm hữu cơ trên địa bàn.

- Phối hợp các cơ quan liên quan của tỉnh tổ chức tập huấn, tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân và người dân trên địa bàn tham gia thực hiện sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

- Tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất, tiêu thụ sản phẩm hữu cơ, tham gia các chương trình Xúc tiến thương mại trong, ngoài nước.

- Bố trí nguồn ngân sách địa phương, lồng ghép các nguồn vốn hợp pháp khác trên địa bàn để đầu tư, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh các sản phẩm hữu cơ.

- Định kỳ theo quy định tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện Đề án về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Nông nghiệp và PTNT) để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Đề án.

12. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các đoàn thể, hội nghề nghiệp cấp tỉnh

- Theo chức năng, nhiệm vụ, chủ động phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, các địa phương và các cơ quan liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các nội dung của Đề án. Chỉ đạo các cấp hội phối hợp chặt chẽ với chính quyền các cấp tích cực tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên hưởng ứng và tích cực tham gia phát triển nông nghiệp hữu cơ...

- Đề xuất các chương trình, dự án, mô hình sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ phù hợp với nội dung, mục tiêu của Đề án, trình các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện theo quy định hiện hành.

13. Các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp

Phối hợp với với các cơ quan hữu quan thực hiện các nội dung của Đề án; Tham gia sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh; Tham gia thực hiện các mô hình, dự án..., hoạt động chuyển giao khoa học công nghệ trong sản xuất, chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.

Để thực hiện thành công Đề án góp phần thực hiện thành công tái cơ cấu ngành nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp cần xác định rõ quan điểm về phát huy ưu thế sản xuất làm động lực phát triển, trong đó phát triển sản xuất sản phẩm sạch, an toàn đạt tiêu chuẩn làm cơ sở để phát triển. Với sự ủng hộ mạnh mẽ của các cơ quan Trung ương, sự đồng thuận nhất trí của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh, sự hưởng ứng tham gia từ các doanh nghiệp, HTX, người sản xuất... việc thực hiện Đề án “Phát triển nông nghiệp hữu cơ và theo hướng hữu cơ tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030” thành công sẽ tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, tích cực đối với sản xuất nông nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc./.

PHỤ LỤC

Phụ lục 01: Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản giai đoạn 2016 -2021

TT

Chỉ tiêu

Đơn vị tính

Năm 2015

Giai đoạn 2016-2021

Tăng trưởng BQ/ năm (%)

2016

2017

2018

2019

2020

2021

1

GTSX nông, lâm nghiệp và thủy sản (giá SS 2010)

Tỷ đồng

9.409,1

9.665,1

9.995,7

10.417,5

10.105,0

10.431,2

10.936,3

2,54

- Nông nghiệp

Tỷ đồng

8.684,0

8.951,9

9.255,4

9.643,8

9.291,4

9.581,1

10.053,8

2,47

Trong đó:

+ Trồng trọt

Tỷ đồng

3.620,9

3.388,9

3.610,5

3.701,5

3.689,2

3.694,9

3.767,3

0,66

+ Chăn nuôi

Tỷ đồng

4.528,8

5.024,0

5.102,3

5.398,0

5.067,4

5.337,7

5.724,2

3,98

+ Dịch vụ NN

Tỷ đồng

534,3

539,0

542,6

544,3

534,8

548,5

562,2

0,85

- Lâm nghiệp

Tỷ đồn g

93,7

98,7

101,4

105,4

109,5

113,9

117,7

3,87

- Thủy sản:

Tỷ đồng

631,4

614,5

638,9

668,3

704,1

736,3

764,8

3,25

2

Cơ cấu GTSX nông, lâm nghiệp và thủy sản (giá SS 2010)

%

100

100

100

100

100

100

100

- Nông nghiệp

%

92,29

92,62

92,59

92,57

91,95

91,85

91,93

Trong đó:

+ Trồng trọt

%

41,70

37,86

39,01

38,38

39,71

38,56

37,47

+ Chăn nuôi

%

52,15

56,12

55,13

55,97

54,54

55,71

56,94

+ Dịch vụ NN

%

6,15

6,02

5,86

5,64

5,76

5,73

5,59

- Lâm nghiệp

%

1,00

1,02

1,01

1,01

1,08

1,09

1,08

- Thủy sản:

%

6,71

6,36

6,39

6,42

6,97

7,06

6,99

(Nguồn: Cục thống kê Vĩnh Phúc)

Phụ lục 02: Hiện trạng sử dụng đất tỉnh Vĩnh Phúc

(Đến ngày 31/12/2020)

TT

Loại đất

Tổng số (ha)

Cơ cấu (%)

Tổng diện tích đất tự nhiên (1+2 +3)

123.600

100,00

1

Đất nông nghiệp

NNP

91.447

73,99

1.1

Đất sản xuất nông nghiệp

SXN

54.214

59,28

1.1.1

Đất trồng cây hàng năm

CHN

40.475

1.1.1.1

Đất trồng lúa

LUA

31.954

1.1.1.2

Đất trồng cây hàng năm khác

HNK

8.521

1.1.2

Đất trồng cây lâu năm

CLN

13.739

1.2

Đất lâm nghiệp

LNP

31.601

34,56

1.2.1

Đất rừng sản xuất

RSX

11.942

1.2.2

Đất rừng phòng hộ

RPH

4.108

1.2.3

Đất rừng đặc dụng

RDD

15.551

1.3

Đất nuôi trồng thủy sản

NTS

4.759

5,20

1.4

Đất nông nghiệp khác

NKH

873

0,95

2

Đất phi nông nghiệp

PNN

31.875

25,79

3

Đất chưa sử dụng

CSD

278

0,23

(Nguồn : Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Phúc)

Phụ lục 03. Diện tích sản xuất cây hàng năm giai đoạn 2016 -2021

ĐVT: 1000 ha

TT

Loại cây trồng

Năm 2016

Năm 2021

BQ giai đoạn 2016-2021 (%)

1

Lúa

58,38

53,64

-1,41

2

Ngô

16,01

9,18

-8,93

3

Lạc

2,81

2,19

-5,15

4

Đậu tương

1,98

0,80

-17,44

5

Khoai lang

2,20

1,78

-6,27

6

Sắn

1,93

1,21

-7,39

7

Rau các loại

9,02

10,53

2,77

8

CHN khác

3,61

6,34

11,55

Cộng:

95,93

85,68

-2,02

(Nguồn: Cục Thống kê Vĩnh Phúc)

Phụ lục 04: Tăng trưởng kinh tế tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2016 -2021

(GRDP theo giá so sánh năm 2010)

STT

Sản phẩm ngành kinh tế

Năm 2015

Chia ra các năm

Tăng trưởng BQ/ năm (%)

2016

2017

2018

2019

2020

2021

I

Tổng số GRDP (tỷ đồng)

57.400,4

62.256,2

66.913,3

72.369,4

78.301,3

80.624,1

87.094,1

108,70

1

NLN-TS

4.275,8

4.377,0

4.513,2

4.689,2

4.556,6

4.704,6

4.931,0

102,54

2

CN-XD

23.330,3

25.161,9

27.983,9

32.568,6

36.293,7

38.055,1

42.992,8

113,00

3

Dịch vụ

12.045,9

12.891,3

13.964,3

15.062,7

16.350,0

16.609,8

17.100,7

107,26

4

Thuế trừ trợ cấp SP

17.748,4

19.826,0

20.452,0

20.048,8

21.101,0

21.254,5

22.069,6

104,45

II

Cơ cấu (%)

100,0

100,0

100,0

100,0

100,0

100,0

100,0

1

NLN-TS

7,4

7,0

6,7

6,5

5,8

5,8

5,7

2

CN-XD

40,6

40,4

41,8

45,0

46,4

47,2

49,4

3

Dịch vụ

21,0

20,7

20,9

20,8

20,9

20,6

19,6

4

Thuế trừ trợ cấp SP

30,9

31,8

30,6

27,7

26,9

26,4

25,3

(Nguồn: Cục thống kê Vĩnh Phúc )

Phụ lục 05: Diện tích, dân số và các đơn vị hà nh chính trên địa bàn tỉnh năm 2021

STT

Đơn vị HC

Diện tích (km2)

Dân số (người)

Đơn vị HC cấp xã

1

Vĩnh Yên

50,39

123.353

7 phường, 2 xã

2

Phúc Yên

119,49

110.295

8 phường, 2 xã

3

Vĩnh Tường

144,01

212.518

3 thị trấn, 25 xã

4

Yên Lạc

107,65

160.922

1 thị trấn, 16 xã

5

Bình Xuyên

148,48

137.907

5 thị trấn, 8 xã

6

Tam Dương

108,25

117.980

1 thị trấn, 12 xã

7

Tam Đảo

234,7

86.145

3 thị trấn, 6 xã

8

Sông Lô

150,67

102.664

1 thị trấn, 16 xã

9

Lập Thạch

172,36

139.998

2 thị trấn, 18 xã

Tổng cộng:

1.236,00

1.191.782

15 phường, 16 thị trấn, 105 xã

(Nguồn: Cục thống kê Vĩnh Phú )

Phụ lục 06. Dân số, mật độ dân số tỉnh Vĩnh Phúc năm 2021

STT

Đơn vị hành chính

Diện tích (km2)

Dân số TB (người)

Mật độ dân số (người/km2)

1

Vĩnh Yên

50,39

123.353

2.448

2

Phúc Yên

119,49

110.295

923

3

Vĩnh Tường

144,01

212.518

1.476

4

Yên Lạc

107,65

160.922

1.495

5

Bình Xuyên

148,48

137.907

929

6

Tam Dương

108,25

117.980

1.090

7

Tam Đảo

234,7

86.145

367

8

Sông Lô

150,67

102.664

681

9

Lập Thạch

172,36

139.998

812

Tổng cộng:

1.236,00

1.191.782

(Nguồn: Cục thống kê Vĩnh Phúc)

Phụ lục 07: Tổng hợp kinh phí thực hiện giai đoạn 2023 -2025

ĐVT: Triệu đồng

TT

Nội dung

ĐVT

Số lượng

Định mức

Thành tiề n

Trong đó:

Ghi chú:

NS Nhà nước hỗ trợ

Người sản xuất đóng góp

I

Xác định vùng sản xuất hữu cơ

1.600,0

1.600,0

0,0

Chi tiết tại Biểu 01

II

Tập huấn kiến thức nông nghiệp hữu cơ cho cán bộ, công chức cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã

Lớp

10,0

10,00

100,0

100,0

0,0

Chi tiết tại Biểu 02

III

Xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp đạt chuẩn hữu cơ

10,0

2.882,0

3.980,0

2.480,0

1.500,0

1

Mô hình cây ăn quả hữu cơ

6,0

2.230,0

2.676,0

1.596,0

1.080,0

Mô hình sản xuất thanh long hữu cơ

Mô hình

2,0

446,00

892,0

532,0

360,0

Chi tiết tại Biểu 03

Mô hình sản xuất bưởi hữu cơ

Mô hình

1,0

446,00

446,0

266,0

180,0

Chi tiết tại Biểu 03

Mô hình sản xuất chuối hữu cơ

Mô hình

1,0

446,00

446,0

266,0

180,0

Chi tiết tại Biểu 03

Mô hình sản xuất ổi hữu cơ

Mô hình

1,0

446,00

446,0

266,0

180,0

Chi tiết tại Biểu 03

Mô hình sản xuất na hữu cơ

Mô hình

1,0

446,00

446,0

266,0

180,0

Chi tiết tại Biểu 03

2

Mô hình dược liệu hữu cơ

4,0

652,0

1.304,0

884,0

420,0

Mô hình sản xuất trà hoa vàng hữu cơ

Mô hình

2,0

326,00

652,0

442,0

210,0

Chi tiết tại Biểu 03

Mô hình sản xuất ba kích hữu cơ

Mô hình

2,0

326,00

652,0

442,0

210,0

Chi tiết tại Biểu 03

IV

Hỗ trợ sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ

127.763,0

23.775,0

103.988,0

1

Trồng trọt

Ha

2.000,0

123.110,0

22.205,0

100.905,0

Sản xuất lúa

Ha

600,0

45,35

27.210,0

8.205,0

19.005,0

Chi tiết tại Biểu 04

Sản xuất rau quả

Ha

1.400,0

68,50

95.900,0

14.000,0

81.900,0

Chi tiết tại Biểu 04

2

Chăn nuôi

Mô hình

10,0

4.653,0

1.570,0

3.083,0

Chăn nuôi lợn thịt

Mô hình

5,0

635,60

3.178,0

937,5

2.240,5

Chi tiết tại Biểu 04

Chăn nuôi gà thịt

Mô hình

5,0

295,00

1.475,0

632,5

842,5

Chi tiết tại Biểu 04

V

Chi khác (Chi phí quản lý,...)

%

5,0

27.955,0

1.397,9

1.397,9

0,0

Tổng:

134.840,9

29.352,9

105.488,0

Phụ lục 8: Phân kỳ kinh phí ngân sách hỗ trợ giai đoạn 2023-2025

ĐVT: Triệu đồng

TT

Nội dung

Tổng kinh phí hỗ trợ

Trong đó:

Năm 2023

Năm 2024

Năm 2025

1

Xác định vùng sản xuất hữu cơ

1.600,0

1.600,0

0,0

0,0

2

Tập huấn các quy định, quy trình về sản xuất nông nghiệp hữu cơ

100,0

100,0

0,0

0,0

3

Xây dựng mô hình sản xuất hữu cơ

2.480,0

700,0

340,0

1.440,0

Mô hình sản xuất cây ăn quả hữu cơ

1.596,0

456,0

240,0

900,0

Mô hình sản xuất cây dược liệu hữu cơ

884,0

244,0

100,0

540,0

4

Hỗ trợ sản xuất theo hướng hữu cơ

23.775,0

7.049,0

8.677,0

8.049,0

Sản xuất lúa, rau theo hướng hữu cơ

22.205,0

6.735,0

7.735,0

7.735,0

Chăn nuôi lợn thịt, gà thịt theo hướng hữu cơ

1.570,0

314,0

942,0

314,0

5

Chi phí quản lý (5% )

1.397,9

472,5

450,9

474,5

Tổng:

29.352,9

9.921,5

9.467,9

9.963,5

Biểu 01. Dự toán kinh phí xác định vùng canh tác hữu cơ

TT

Nội dung

Đơn vị

Số lượng

Giá (1.000đ)

Thành tiền (1.000 đ)

Căn cứ

Ghi chú

I

Chi xây dựng phương án, nội dung nhiệm vụ, dự toán

dự án

1

20.000,00

20.000,0

TT 109/2016/TT-BTC

II

Thu thập tài liệu thứ cấp

15.600,0

Công thu thập

Công

12

200,00

2.400,0

TT 109/2016/TT-BTC (Điều 3)

2 người x2 ngày/huyện x 9 huyện

Phụ cấp lưu trú

Ngày/Người

12

200,00

2.400,0

Thông tư 40/2017/TT-BTC

2 người x2 ngày/huyện x 9 huyện

Thuê phòng nghỉ

Ngày/Người

6

300,00

1.800,0

Thuê xe ô tô (khoán)

Ngày

6

1.500,00

9.000,0

Thực tế

III

Khảo sát xác định các vùng sản xuất hữu cơ

185.000,0

1

Chi phí khảo sát vùng sản xuất hữu cơ trên địa bàn 9 huyện, thành phố

111.000,0

Chi phí công điều tra khảo sât đánh giá vùng canh tác hữu cơ

Công

120

200,00

24.000,0

TT 109/2016/TT-BTC

Phụ cấp lưu trú

Ngày/Người

120

200,00

24.000,0

Thông tư 40/2017/TT-BTC

3 người x 9huyện x 10 ngày/huyện

Thuê phòng nghỉ

Ngày/Người

60

300,00

18.000,0

Thông tư 40/2017/TT-BTC

3 người x 9 huyện x 9 đêm

Thuê xe ô tô (khoán)

Ngày

30

1.500,00

45.000,0

Thực tế

2

Chi phí khảo sát lấy mẫu đất, nước mặt, nước ngầm

74.000,0

2.1

Chi phí khảo sát lấy mẫu nước mặt, nước ngầm

44.400,0

QCVN 08-MT: 2015/BTNMT

Phụ cấp lưu trú

Công

30

200,00

6.000,0

2 người/nhóm x 4 nhóm x 10 ngày

Thuê phòng nghỉ

Ngày/Người

30

300,00

9.000,0

2 người/nhóm x 4 nhóm x 9 đêm

Công lấy mẫu

Ngày/Người

30

230,00

6.900,0

TT 20/2017/TT-BTNMT

2 người/nhóm x 4 nhóm x 10 ngày

Thuê xe đi lấy mẫu

ngày

15

1.500,00

22.500,0

Thực tế

2.2

Chi phí khảo sát lấy mẫu đất

29.600,0

QCVN 03:2015/BTNMT và QCVN 15:2008/BTNMT

Phụ cấp lưu trú

Công

20

200,00

4.000,0

2 người/nhóm x 3 nhóm x 9 ngày

Thuê phòng nghỉ

Ngày/Người

20

300,00

6.000,0

2 người/nhóm x 3 nhóm x 8 đêm

Công lấy mẫu

Ngày/Người

20

230,00

4.600,0

TT 20/2017/TT-BTNMT

2 người/nhóm x 3 nhóm x9 ngày

Thuê xe đi lấy mẫu

ngày

10

1.500,00

15.000,0

Thực tế

IV

Chi phí nội nghiệp

1.236.600,0

1

Chi phí phân tích mẫu

1.103.000,0

Chi phí phân tích mẫu nước mặt

mẫu

40

12.900,00

516.000,0

QCVN 08-MT: 2015/BTNMT; TT 20/2017/TT-BTNMT

36 Chỉ tiêu

Chi phí phân tích mẫu nước ngầm

mẫu

15

12.200,00

183.000,0

QCVN 08-MT: 2015/BTNMT; TT 20/2017/TT-BTNMT

32 Chỉ tiêu

Chi phí phân tích mẫu đất

mẫu

40

10.100,00

404.000,0

QCVN 03-MT: 2015/BTNMT; TT 20/2017/TT-BTNMT

Tổng 45 chỉ tiêu trong đó 6 chỉ tiêu KLN, 39 chỉ tiêu thuốc BVTV

2

Chi phí xây dựng sơ đồ, bản đồ

133.600,0

2.1

Chi phí xây dựng sơ đồ vùng sản xuất hữu cơ

52.000,0

Rà soát phạm vi ranh giới hành chính trên bản đồ đơn vị cấp xã

Công

80

180,00

14.400,0

Trích thửa thành các vùng sản xuất hữu cơ tập trung

Công

80

180,00

14.400,0

Sau khi điều tra ngoại nghiệp rà soát khoanh vẽ, chỉnh lý nội nghiệp vào sơ đồ đối với các khu vực có biến động

Công

40

230,00

9.200,0

Biên tập chỉnh lý

Công

50

280,00

14.000,0

2.2

Chi phí xây dựng bản đồ hiện trạng các vùng canh tác hữu cơ năm 2020 (tỷ lệ 1/100.000) (Nội nghiệp)

38.000,0

a

Chỉnh lý bản đồ hiện trạng đất sản xuất nông nghiệp

14.000,0

QĐ 07/2006/QĐ-BNN

Chỉnh lý các yếu tố cơ sở địa lý

Công

15

280,00

4.200,0

M3 công chức A1 bậc lương 3,66

Chỉnh lý các khoanh đất có biến động

Công

20

280,00

5.600,0

M3 công chức A1 bậc lương 3,66

Lập trích lục bản đồ hiện trạng đất sản xuất nông nghiệp

Công

15

280,00

4.200,0

M3 công chức A1 bậc lương 3,66

b

Chuyển vẽ các nội dung biến động sang bản đồ hiện trạng các vùng canh tác hữu cơ 2020

24.000,0

QĐ 07/2006/QĐ-BNN

Chuyển vẽ sang bản đồ hiện trạng các vùng canh tác hữu cơ (bản nháp)

Công

20

280,00

5.600,0

M3 công chức A1 bậc lương 3, 66

Chuyển sang bản đồ hiện trạng các vùng canh tác hữu cơ (bản gốc)

Công

30

230,00

6.900,0

M4 công chức loại B bậc lương 3,06

Số hóa bản đồ

Công

50

230,00

11.500,0

M4 công chức loại B bậc lương 3,06

2.3

Xây dựng bản đồ phân bố các vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn Vĩnh Phúc đến năm 2030

43.600,0

Xây dựng bản đồ phân bố các vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn Vĩnh Phúc đến năm 2030 (bản đồ gốc)

Công

60

420,00

25.200,0

M2 công chức loại A2 bậc lương 5,42

Số hóa bản đồ phân bố các vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn Vĩnh Phúc đến năm 2030

Công

80

230,00

18.400,0

M4 công chức loại B bậc lương 3,06

V

Chi phí khác (bao gồm: Văn phòng phẩm, photo in ấn, tài liệu bản đồ, thông tin liên lạc…)

2.000,0

Thực tế

Tổng (I) + (II) + (III) + (IV) + (V)

1.457.200,0

VAT (tư vấn)

142.800,0

Tổng:

1.600.000,0

Biểu 02. Dự toán tổ chức 01 lớp tập huấn NNHC cho cán bộ cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã

ĐTV: 1.000 đồng

TT

Nội dung

ĐVT

Số lượng

Đơn giá

Thành tiền

Căn cứ áp dụng

1

Thuê chuẩn bị hội trường, loa đài, khánh tiết…

Ngày

1,0

3.000,0

3.000,0

Thông tư 75/2019/TT- BTC; NQ 38/2018/NQ- HĐND

2

Phô tô tài liệu tập huấn

Bộ

50,0

25,0

1.250,0

3

Vở, bút, túi đựng tài liệu cho học viên

Người

50,0

20,0

1.000,0

4

Thù lao giảng viên (02 buổi/ngày/người)

Buổi

2,0

1.000,0

2.000,0

5

Thù lao trợ giảng (02 buổi/ngày/người)

Buổi

2,0

300,0

600,0

6

Giải khát giữa giờ

Người

50,0

20,0

1.000,0

NQ 48/2017/NQ-HĐND

7

Thuê xe đưa đón giảng viên, trợ giảng (2 lượt/ngày)

Lượt

2,0

500,0

1.000,0

Theo thực tế

8

Chi khác

Lớp

1,0

150,0

150,0

Cộng:

10.000,0

Biểu 03. Dự toán triển khai các mô hình sản xuất nông nghiệp đạt chuẩn hữu cơ (Thực hiện trong 3 năm: Từ 2023-2025)

ĐVT: 1.000 đồng

TT

Hạng mục

ĐVT

Lượng

Đơn giá

Thành tiền

Ngân sách hỗ trợ

Người sản xuất

Căn cứ áp dụng

Mức (%)

Thành tiền

Mức (%)

Thành tiền

I

MÔ HÌNH CÂY ĂN QUẢ HỮU CƠ

Mô hình

1,0

446.000,0

266.000,0

180.000,0

1

Chi phí mua phân bón, thuốc BVTV và nhân công lao động 02 ha, thực hiện trong 3 năm

Năm

3,0

100.000,0

300.000,0

120.000,0

180.000,0

Dự toán chi phí 02 ha

Ha

2,0

100.000,0

40.000,0

60.000,0

Phân hữu cơ vi sinh/01 ha

Kg

1.000,0

7,5

7.500,0

50,0

3.750,0

50,0

3.750,0

83/2018/NĐ-CP ;NQ 20/2020/NQ-HĐND , Quyết định số 07/2021/QĐ- UBND

Phân hữu cơ sinh học/01 ha

Kg

3.250,0

10,0

32.500,0

50,0

16.250,0

50,0

16.250,0

Thuốc BVTV sinh học, thảo mộc/01 ha

Ha

1,0

1.000,0

1.000,0

0,0

0,0

100,0

1.000,0

Công lao động/01 ha

Công

60,0

150,0

9.000,0

0,0

0,0

100,0

9.000,0

2

Tập huấn kiến thức về nông nghiệp hữu cơ

Lớp

1,0

36.000,0

36.000,0

100,0

36.000,0

0,0

0,0

Chi tiết tại phụ biểu 01

3

Hội nghị tổng kết mô hình

Hội nghị

1,0

20.000,0

20.000,0

100,0

20.000,0

0,0

0,0

Chi tiết tại phụ biểu 02

4

Chứng nhận mô hình đạt chuẩn hữu cơ

Mô hình

1,0

90.000,0

90.000,0

100,0

90.000,0

0,0

0,0

Chi tiết tại phụ biểu 03

II

MÔ HÌNH CÂY DƯỢC LIỆU HỮU CƠ

Mô hình

1,0

326.000,0

221.000,0

105.000,0

1

Chi phí mua phân bón, thuốc BVTV và nhân công lao động 01 ha, thực hiện trong 3 năm

Năm

3,0

60.000,0

180.000,0

75.000,0

105.000,0

Dự toán chi phí 01 ha

Ha

1,0

60.000,0

25.000,0

35.000,0

Phân hữu cơ vi sinh

Kg

2.000,0

7,5

15.000,0

50,0

7.500,0

50,0

7.500,0

NĐ 83/2018/NĐ-CP

Phân hữu cơ sinh học

Kg

3.500,0

10,0

35.000,0

50,0

17.500,0

50,0

17.500,0

Thuốc BVTV sinh học, thảo mộc

Ha

1,0

1.000,0

1.000,0

0,0

0,0

100,0

1.000,0

Công lao động

Công

60,0

150,0

9.000,0

0,0

0,0

100,0

9.000,0

2

Tập huấn kiến thức về nông nghiệp hữu cơ

Lớp

1,0

36.000,0

36.000,0

100,0

36.000,0

0,0

0,0

Chi tiết tại phụ biểu 01

3

Hội nghị tổng kết mô hình

Hội nghị

1,0

20.000,0

20.000,0

100,0

20.000,0

0,0

0,0

Chi tiết tại phụ biểu 02

4

Chứng nhận mô hình đạt chuẩn hữu cơ

Mô hình

1,0

90.000,0

90.000,0

100,0

90.000,0

0,0

0,0

Chi tiết tại phụ biểu 03

Biểu 04. Dự toán triển khai các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ

ĐVT: 1.000 đồng

TT

Hạng mục

ĐVT

Lượng

Đơn giá

Thành tiền

Ngân sách hỗ trợ

Người sản xuất

Căn cứ á p dụng

Mức (%)

Thành tiền

Mức (%)

Thành tiền

I

MÔ HÌNH TRỒNG TRỌT

1

Sản xuất lúa theo hướng hữu cơ

ha

1,0

45.350,0

13.675,0

31.675,0

Giống/01 ha

Kg

50,0

35,0

1.750,0

50,0

875,0

50,0

875,0

726/QĐ-BNN-KN ngày 24/02/2022; Nghị định 83/2018/NĐ-CP ngày 24/5/2018

Phân hữu cơ vi sinh

Kg

2.000,0

7,5

15.000,0

50,0

7.500,0

50,0

7.500,0

Phân hữu cơ sinh học

Kg

1.000,0

10,0

10.000,0

50,0

5.000,0

50,0

5.000,0

Thuốc BVTV sinh học, thảo mộc

ha

1,0

600,0

600,0

50,0

300,0

50,0

300,0

Công lao động

Công

120,0

150,0

18.000,0

0,0

0,0

100,0

18.000,0

2

Sản xuất rau theo hướng hữu cơ

ha

1,0

68.500,0

10.000,0

58.500,0

Phân hữu cơ vi sinh

Kg

2.500,0

7,5

18.750,0

50,0

9.375,0

50,0

9.375,0

83/2018/NĐ-CP ;NQ 20/2020/NQ-HĐND , Quyết định số 07/2021/QĐ-UBND

Thuốc BVTV sinh học, thảo mộc

Ha

1,0

1.250,0

1.250,0

50,0

625,0

50,0

625,0

Phân hữu cơ sinh học

Kg

1.400,0

10,0

14.000,0

0,0

0,0

100,0

14.000,0

Công lao động

Công

230,0

150,0

34.500,0

0,0

0,0

100,0

34.500,0

II

MÔ HÌNH CHĂN NUÔI

1

Chăn nuôi lợn thịt theo hướng hữu cơ (50 con/lứa x 2 lứa/năm)

588.000,0

187.500,0

400.500,0

Giống (10 kg/con)

con

50,0

1.800,0

90.000,0

0,0

0,0

100,0

90.000,0

QĐ số 663/QĐ-BNN-KN ngày 03/02/2021; Nghị định 83/2018/NĐ- CP ngày 24/5/2018

Thức ăn cho lợn thịt giai đoạn 10kg-XC (225kg/con)

Kg

11.250,0

16,0

180.000,0

50,0

90.000,0

50,0

90.000,0

Vacxin (6 liều/con)

Liều

300,0

20,0

6.000,0

50,0

3.000,0

50,0

3.000,0

Chất sát trùng đã pha loãng theo quy định (20 lít/con)

Lít

1.000,0

1,0

1.000,0

50,0

500,0

50,0

500,0

Men chế phẩm khử mùi trong chăn nuôi (0,1kg/con)

Kg

5,0

100,0

500,0

50,0

250,0

50,0

250,0

Công lao động

Công

110,0

150,0

16.500,0

0,0

0,0

50,0

16.500,0

2

Chăn nuôi gà thịt theo hướng hữu cơ (1.000 con/lứa x 2 lứa/năm)

283.000,0

126.500,0

156.500,0

Gà giống thương phẩm

con

1.000,0

18,0

18.000,0

50,0

9.000,0

50,0

9.000,0

QĐ số 663/QĐ-BNN-KN ngày 03/02/2021; Nghị định 83/2018/NĐ- CP ngày 24/5/2018

Thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh (6kg/con)

Kg

6.000,0

16,0

96.000,0

50,0

48.000,0

50,0

48.000,0

Vacxin cho gà thương phẩm (7 liều/con)

liều

7.000,0

1,0

7.000,0

50,0

3.500,0

50,0

3.500,0

Chất sát trùng đã pha loãng theo quy định (0,5 lít/con)

Lít

500,0

1,0

500,0

50,0

250,0

50,0

250,0

Men chế phẩm khử mùi trong chăn nuôi (0,05kg/con)

Kg

50,0

100,0

5.000,0

50,0

2.500,0

50,0

2.500,0

Công lao động

Công

100,0

150,0

15.000,0

0,0

0,0

100,0

15.000,0

Phụ biểu 01. Dự toán tổ chức 01 lớp tập huấn NNHC cho các hộ nông dân

ĐTV: 1.000 đồng

TT

Nội dung

ĐVT

Số lượng

Đơn giá

Thành tiền

Căn cứ áp dụng

1

Thuê chuẩn bị hội trường, loa đài, khánh tiết…

Ngày

2,0

1000,0

2000,0

Thông tư 75/2019/TT- BTC; NQ 38/2018/NQ- HĐND

2

Phô tô tài liệu tập huấn

Bộ

100,0

20,0

2000,0

3

Vở, bút, túi đựng tài liệu cho học viên

Người

100,0

15,0

1500,0

4

Thù lao giảng viên (02 buổi/ngày/người x 2 ngày = 4 buổi)

Buổi

4,0

1000,0

4000,0

5

Thù lao trợ giảng (02 buổi/ngày/người x 2 ngày =4 buổi)

Buổi

4,0

300,0

1200,0

6

Giải khát giữa giờ (100 người x 2 ngày = 200 lượt người)

Lượt người

200,0

15,0

3000,0

NQ 48/2017/NQ-HĐND

7

Hỗ trợ tiền ăn cho học viên (100 người x 2 ngày = 200 lượt người)

Lượt người

200,0

100,0

20000,0

8

Thuê xe đưa đón giảng viên, trợ giảng (2 lượt/ngày x 2 ngày = 4 lượt)

Lượt

4,0

500,0

2000,0

Theo thực tế

9

Chi khác

Lớp

1,0

300,0

300,0

Cộng:

36000,0

Phụ biểu 02. Dự toán tổ chức 01 hội nghị tổng kết mô hình nông nghiệp hữu cơ

ĐTV: 1.000 đồng

TT

Nội dung

ĐVT

Số lượng

Đơn giá

Thành tiền

Căn cứ áp dụng

1

Phục vụ hội trường, loa đài, khánh tiết,…

Ngày

1,0

1.000,0

1.000,0

Theo thực tế

2

Hỗ trợ tiền ăn cho đại biểu

Người

100,0

100,0

10.000,0

Điểm c khoản 4 Điều 12 TT40/2017/TT-BTC

3

Nước uống cho đại biểu

Người

100,0

20,0

2.000,0

NQ 48/2017/NQ-HĐND

4

Phô tô tài liệu

Bộ

100,0

20,0

2.000,0

Theo thực tế

5

Thuê xe

Ca

2,0

1.500,0

3.000,0

Theo thực tế

6

Bảng biển

Chiếc

2,0

500,0

1.000,0

Theo thực tế

7

Báo cáo viên

Người

1,0

300,0

300,0

Khoản 2, phần II, phần B, QĐ 918/QĐ-BNN-BTC

8

Chi khác

Hội nghị

1,0

700,0

700,0

Theo thực tế

Cộng:

20.000,0

Phụ biểu 03. Dự toán kinh phí chứng nhận mô hình sản xuất trồng trọt đạt tiêu chuẩn hữu cơ

ĐVT: 1.000 đồng

TT

Nội dung

ĐVT

Số lượng

Đơn giá

Thành tiền

Căn cứ áp dụng

TỔNG CHI PHÍ

90.000,0

1

Chi tư vấn, đào tạo

36.839,0

1.1

Điều tra, khảo sát, đánh giá thiếu hụt các nông hộ tham gia dự án theo yêu cầu của tiêu chuẩn và lập báo cáo

5.700,0

Ngày công chuyên gia

Công

2,0

800,0

1.600,0

Thông tư: 02/2015/TT-BLĐTBXH tại điều 3 khoản 3 điểm a

Công tác phí của chuyên gia

Công

2,0

200,0

400,0

Thông tư: 40/2017/TT-BTC tại điểm 1điều 6 chương II

Chi phí lưu trú của chuyên gia

Ngày

2,0

450,0

900,0

Thông tư: 40/2017/TT-BTC tại điểm 2b điều 7 chương II

Chi phí đi lại của chuyên gia trọn gói

gói thầu

1,0

1.200,0

1.200,0

Tính theo chi phí thực tế

1.2

Biên soạn và ban hành tài liệu theo yêu cầu của tiêu chuẩn dựa trên vùng sản xuất thực tế

Công

2,0

800,0

1.600,0

Thông tư: 02/2015/TT-BLĐTBXH tại điều 3 khoản 3 điểm a

1.3

Tổ chức đào tạo, tập huấn các chương trình theo yêu cầu của tiêu chuẩn cho các nông hộ sản xuất (6 nội dung x 2 ngày)

6.539,0

Ngày công Giảng viên

Công

2,0

800,0

1.600,0

Thông tư: 02/2015/TT-BLĐTBXH tại điều 3 khoản 3 điểm a

Công tác phí của chuyên gia

Công

2,0

200,0

400,0

Thông tư: 40/2017/TT-BTC tại điểm 1 điều 6 chương II

Chi phí lưu trú của chuyên gia

Ngày

2,0

450,0

900,0

Thông tư: 40/2017/TT-BTC tại điểm 2b điều 7 chương II

Chi phí đi - lại của chuyên gia trọn gói

gói thầu

1,0

1.500,0

1.500,0

Theo chi phí thực tế

Chi phí khác (Thuê địa điểm, máy chiếu,Nước uống,...)

gói thầu

1,0

2.139,0

2.139,0

Theo chi phí thực tế

1.4

Hướng dẫn, kiểm tra quá trình áp dụng các hệ thống tài liệu đã ban hành vào thực tế, hướng dẫn xây dựng phần cứn g và ghi chép hồ sơ, lưu hồ sơ

18.300,0

Ngày công chuyên gia

Công

10,0

800,0

8.000,0

Thông tư: 02/2015/TT-BLĐTBXH tại điều 3 khoản 3 điểm a

Công tác phí của chuyên gia

Công

10,0

200,0

2.000,0

Thông tư: 40/2017/TT-BTC tại điểm 1điều 6 chương II

Chi phí lưu trú của chuyên gia

Ngày

10,0

450,0

4.500,0

Thông tư: 40/2017/TT-BTC tại điểm 2b điều 7 chương II

Chi phí đi - lại của chuyên gia trọn gói

gói thầu

1,0

3.800,0

3.800,0

Tính theo chi phí thực tế

1.5

Hướng dẫn và thực hiện đánh giá nội bộ

3.650,0

Ngày công chuyên gia

Công

2,0

800,0

1.600,0

Thông tư: 02/2015/TT-BLĐTBXH tại điều 3 khoản 3 điểm a

Công tác phí của chuyên gia

Công

2,0

200,0

400,0

Thông tư: 40/2017/TT-BTC tại điểm 1 điều 6 chương II

Chi phí lưu trú của chuyên gia

Ngày

1,0

450,0

450,0

Thông tư: 40/2017/TT-BTC tại điểm 2b điều 7 chương II

Chi phí đi - lại của chuyên gia trọn gói

gói thầu

1,0

1.200,0

1.200,0

Tính theo chi phí thực tế

1.6

Khắc phục lỗi sau đánh giá

2.650,0

Ngày công chuyên gia

Công

1,0

800,0

800,0

Thông tư: 02/2015/TT-BLĐTBXH tại điều 3 khoản 3 điểm a

Công tác phí của chuyên gia

Công

1,0

200,0

200,0

Thông tư: 40/2017/TT-BTC tại điểm 1 điều 6 chương II

Chi phí lưu trú của chuyên gia

Ngày

1,0

450,0

450,0

Thông tư: 40/2017/TT-BTC tại điểm 2b điều 7 chương II

Chi phí đi - lại của chuyên gia trọn gói

gói thầu

1,0

1.200,0

1.200,0

Tính theo chi phí thực tế

2

Chi phí kiểm nghiệm

21.711,0

2.1

Phân tích mẫu đất

11.713,0

Asen (As)

Chỉ tiêu

1,0

700,0

700,0

QCVN 03-MT:2015/BTNMT

Cadimi (Cd)

Chỉ tiêu

1,0

700,0

700,0

Chì (Pb)

Chỉ tiêu

1,0

700,0

700,0

Đồng (Cu)

Chỉ tiêu

1,0

600,0

600,0

Kẽm (Zn)

Chỉ tiêu

1,0

600,0

600,0

Crom(Cr)

Chỉ tiêu

1,0

600,0

600,0

Đa dư lượng thuốc BVTV

Chỉ tiêu

1,0

7.813,0

7.813,0

2.2

Phân tích mẫu nước

785,0

Asen (As)

Chỉ tiêu

1,0

140,0

140,0

QCVN 08-MT:2015/BTNMT

Cadimi (Cd)

Chỉ tiêu

1,0

130,0

130,0

Chì (Pb)

Chỉ tiêu

1,0

130,0

130,0

Thủy ngân (Hg)

Chỉ tiêu

1,0

140,0

140,0

e.coli

Chỉ tiêu

1,0

140,0

140,0

Coliforms

Chỉ tiêu

1,0

105,0

105,0

2.3

Phân tích mẫu sản phẩm

9.213,0

Dư lượng thuốc BVTV nhóm Clo

Chỉ tiêu

1,0

2.750,0

2.750,0

QCVN 08-2:2011/BYT

Dư lượng thuốc BVTV nhóm Cúc

Chỉ tiêu

1,0

1.713,0

1.713,0

Dư lượng thuốc BVTV nhóm Carbamate

Chỉ tiêu

1,0

1.700,0

1.700,0

Dư lượng thuốc BVTV nhóm Lân

Chỉ tiêu

1,0

1.650,0

1.650,0

Chì (Pb)

Chỉ tiêu

1,0

700,0

700,0

Cadimi (Cd)

Chỉ tiêu

1,0

700,0

700,0

3

Chi phí đánh giá, chứng nhận

31.450,0

3.1

Chi phí đăng ký đánh giá chứng nhận năm thứ 1 (chứng nhận vùng đủ điều kiện sản xuất hữu cơ)

Hồ sơ

1,0

10.000,0

10.000,0

Căn cứ theo tổ chức đánh giá chứng nhận

3.2

Chi phí đánh giá chứng nhận (Chứng nhận mô hình đạt tiêu chuẩn hữu cơ)

21.450,0

Ngày công chuyên gia đánh giá

Công

3,0

2.400,0

7.200,0

Thông tư: 02/2015/TT-BLĐTBXH tại điều 3 khoản 3 điểm a

Công tác phí của chuyên gia

Ngày

3,0

200,0

600,0

Thông tư: 40/2017/TT-BTC tại điểm 1 điều 6 chương II

Chi phí lưu trú của chuyên gia

Ngày

3,0

450,0

1.350,0

Chi phí đi - lại của chuyên gia (thuê xe ô tô) (thuê xe 1 lượt/250.000/Ngày) đến các điểm đánh giá

Lượt

3,0

250,0

750,0

Tính theo chi phí thực tế

Chi phí thẩm xét hồ sơ chứng nhận, hoàn tất thủ tục

Công

3,0

1.000,0

3.000,0

Thông tư: 02/2015/TT-BLĐTBXH tại điều 3 khoản 3 điểm a

Chi phí VPP, in giấy chứng nhận

Bộ

1,0

550,0

550,0

Tính theo chi phí thực tế

Chi phí quản lý của cơ quan đánh giá chứng nhận

Hồ sơ

1,0

8.000,0

8.000,0

Tính theo chi phí thực tế

Trang cuối./.

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 1930/QĐ-UBND ngày 27/10/2022 phê duyệt Đề án "Phát triển nông nghiệp hữu cơ và theo hướng hữu cơ tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030"

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


2.003

DMCA.com Protection Status
IP: 3.16.137.229
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!