ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
--------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do- Hạnh phúc
----------------
|
Số:
19/2011/QĐ-UBND
|
Kon Tum, ngày 18 tháng 8 năm 2011
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIẾT MỔ, MUA BÁN, VẬN
CHUYỂN GIA SÚC, GIA CẦM VÀ SẢN PHẨM GIA SÚC, GIA CẦM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KON TUM
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng
nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Bảo vệ Môi trường
ngày 29/11/2005;
Căn cứ Luật Tiêu chuẩn và quy
chuẩn kỹ thuật ngày 29/6/2006;
Căn cứ Pháp lệnh Thú y ngày
29/4/2004;
Căn cứ các Nghị định của
Chính phủ: số 33/2005/NĐ-CP ngày 15/3/2005 về quy định chi tiết một số điều của
Pháp lệnh Thú y; số 59/2005/NĐ-CP ngày 04/5/2005 quy định ngành nghề sản xuất
kinh doanh có điều kiện; số 59/2006/NĐ-CP ngày 12/6/2006 quy định chi tiết Luật
thương mại về hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh
doanh có điều kiện; số 80/2006/NĐ-CP ngày 09/8/2006 về quy định chi tiết và hướng
dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ Môi trường; số 119/2008/NĐ-CP ngày
28/11/2008 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 33/2005/NĐ-CP ngày
15/3/2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh
thú y; số 29/2011/NĐ-CP ngày 18/4/2011 của Chính phủ quy định về đánh giá môi
trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường;
Căn cứ các Quyết định của Bộ
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: số 46/2005/QĐ-BNN ngày 27/5/2005 về việc
ban hành danh mục đối tượng kiểm tra vệ sinh thú y; danh mục đối tượng thuộc diện
phải kiểm tra vệ sinh thú y; danh mục đối tượng thuộc diện phải kiểm tra vệ
sinh thú y bắt buộc áp dụng tiêu chuẩn vệ sinh thú y; số 47/2005/QĐ-BNN ngày
25/7/2005 về việc quy định số lượng động vật, khối lượng sản phẩm động vật phải
kiểm dịch khi vận chuyển ra khỏi huyện và miễn kiểm dịch; số 87/2005/QĐ-BNN
ngày 26/12/2005 về việc ban hành Quy trình kiểm soát giết mổ động vật; số
15/2006/QĐ-BNN ngày 08/3/2006 ban hành quy định về trình tự, thủ tục kiểm dịch
động vật, sản phẩm động vật, kiểm tra vệ sinh thú y;
Căn cứ các Thông tư của Bộ
Nông nghiêp và Phát triển nông thôn: số 11/2009/TT-BNN ngày 04/3/2009 về việc sửa
đổi, bổ sung một số điều về quy trình, thủ tục kiểm dịch động vật, sản phẩm động
vật; kiểm tra vệ sinh thú y; số 60/2010/TT-BNNPTNT ngày 25/10/2010 quy định điều
kiện vệ sinh thú y đối với cơ sở giết mổ lợn và số 61/2010/TT-BNNPTNT ngày
25/10/2010 Quy định điều kiện vệ sinh thú y đối với cơ sở giết mổ gia cầm;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 69/TTr-SNN-NN ngày
20/7/2011,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định quản lý hoạt động giết mổ, mua bán,
vận chuyển gia súc, gia cầm và sản phẩm của gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh
Kon Tum”.
Điều 2.
Các Ông (Bà): Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum; Giám đốc các Sở:
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Tài Nguyên và Môi trường; Y tế; Công
thương; Giao thông-Vận tải; Kế hoạch và Đầu tư; Công an tỉnh; Chủ tịch Ủy ban
nhân dân các huyện, thành phố và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách
nhiệm thi hành Quyết định này.
Quyết định có hiệu lực sau 10
ngày, kể từ ngày ký ban hành./.
Nơi nhận:
- Như điều 2;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Nông nghiệp và PTNT;
- Bộ Tư pháp (Cục KTVBQPPL) ;
- Bộ Công thương;
- TT Tỉnh ủy;
- TT HĐND tỉnh;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh;
- Công báo của tỉnh;
- Cổng thông tin điện tử tỉnh;
- Lưu: VT, KTN 2, TH 1.
|
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH
Nguyễn Văn Hùng
|
QUY ĐỊNH
VỀ QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIẾT MỔ, MUA BÁN, VẬN CHUYỂN GIA SÚC, GIA
CẦM VÀ SẢN PHẨM GIA SÚC, GIA CẦM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM
(Ban hành kèm theo Quyết định số 19 /2011/QĐ-UBND ngày 18/8/2011 của Ủy
ban nhân dân tỉnh Kon Tum)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1.
Quy định này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến
việc giết mổ, mua bán, vận chuyển gia súc, gia cầm và sản phẩm của gia
súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
Điều 2.
Trong Quy định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Gia súc: trâu, bò, dê,
cừu, lợn, ngựa và một số loài gia súc khác sử dụng làm thực phẩm.
2. Gia cầm: Gà, vịt,
ngan, ngỗng, đà điểu, chim câu, chim cút và một số loài chim khác sử dụng làm
thực phẩm.
3. Sản phẩm gia súc, gia cầm:
Bao gồm những sản phẩm có nguồn gốc từ các loài gia súc, gia cầm được quy định
tại khoản 1, 2 của điều này ở dạng tươi sống và sơ chế.
4. Đại gia súc gồm: Trâu,
bò, lừa, la, ngựa.
5. Tiểu gia súc gồm: Heo
(lợn), dê, cừu, chó, mèo, thỏ.
6. Cơ sở giết mổ gia súc,
gia cầm: Là địa điểm cố định, được các cơ quan có thẩm quyền cho phép hoạt
động giết mổ gia súc, gia cầm, phải đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy
định.
7. Tiêu chuẩn vệ sinh thú
y cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm: Là những quy định về điều kiện
vệ sinh mà những điều kiện đó phù hợp với yêu cầu, đảm bảo an toàn
vệ sinh thực phẩm, ngăn ngừa sự lan truyền bệnh từ động vật sang
người, bảo vệ sức khỏe con người, không gây ô nhiễm môi trường.
8. Phương tiện vận chuyển:
Bao gồm các phương tiện được dùng để chuyên chở gia súc, gia cầm, sản
phẩm gia súc, gia cầm tươi sống và sơ chế.
9. Vệ sinh, khử trùng tiêu
độc: Là thực hiện các biện pháp cơ học, vật lý, hóa học để loại
bỏ, diệt mầm bệnh có thể làm lây truyền bệnh cho động vật hoặc gây ô nhiễm cho
sản phẩm động vật và môi trường.
Điều 3. Những
hành vi bị nghiêm cấm.
1. Vi phạm các quy định về giết
mổ, buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm.
2. Vận chuyển gia súc, gia cầm mẫn
cảm và sản phẩm của chúng từ vùng có dịch, vùng bị dịch uy hiếp ra các vùng
khác; vận chuyển gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc,
không có giấy kiểm dịch của cơ quan thú y, mang mầm bệnh chưa được xử lý; vận
chuyển gia súc, gia cầm sống trên các phương tiện công cộng chuyên chở hành
khách.
3. Trốn tránh việc kiểm dịch gia
súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm vận chuyển trong nước, xuất khẩu, nhập
khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, chuyển cửa khẩu, quá cảnh Việt Nam.
4. Đánh tráo gia súc, gia cầm, sản
phẩm gia súc, gia cầm đã được kiểm dịch bằng gia súc, gia cầm, sản phẩm gia
súc, gia cầm chưa được kiểm dịch.
5. Kinh doanh gia súc, gia cầm,
sản phẩm gia súc, gia cầm chưa qua kiểm dịch, chưa qua kiểm soát giết mổ, không
đủ tiêu chuẩn vệ sinh thú y; gia súc, gia cầm mắc bệnh, mang mầm bệnh truyền
nhiễm nguy hiểm hoặc gia súc, gia cầm chết bất thường chưa rõ nguyên nhân, sản
phẩm của gia súc, gia cầm bị bệnh, bị ngộ độc, bị ôi, bơm, chích nước hoặc sử dụng
các loại dịch lỏng, các chất tạo màu, tạo mùi, bảo quản gây hại cho người sử dụng.
6. Buôn bán gia súc, gia cầm, sản
phẩm của gia súc, gia cầm không đúng nơi quy định.
7. Giết mổ gia súc, gia cầm thuộc
diện cấm giết mổ theo quy định tại Điều 39 của Nghị định số 33/2005/NĐ-CP ngày
15/3/2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh
Thú y.
8. Sử dụng dấu kiểm soát giết mổ,
tem kiểm tra vệ sinh thú y giả hoặc không đúng mã số của cơ sở giết mổ, sơ chế
sản phẩm gia súc, gia cầm.
9. Các hành vi vi phạm khác theo
quy định của pháp luât.
Chương II
ĐIỀU KIỆN GIẾT MỔ GIA
SÚC, GIA CẦM
Điều 4. Điều
kiện về môi trường
1. Đối với các Dự án xây dựng cơ
sở giết mổ gia súc có công suất thiết kế từ 500 con/ngày trở lên; giết mổ
gia cầm có công suất thiết kế từ 5.000 con/ngày trở lên phải lập Báo cáo
đánh giá tác động môi trường.
2. Đối với các cơ sở giết mổ
công suất thiết kế dưới 500 con gia súc/ngày hoặc dưới 5.000 con gia cầm/ngày
phải lập Bản cam kết bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ
môi trường.
Điều 5. Điều
kiện vệ sinh Thú y đối với cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm:
1. Yêu cầu đối với cơ sở hạ tầng:
1.1. Địa điểm:
a) Theo quy hoạch của địa phương
và được cơ quan có thẩm quyền cấp phép;
b) Cách biệt với khu dân cư, xa
các trang trại chăn nuôi và các nguồn gây ô nhiễm (bãi rác, nhà máy thải bụi và
hóa chất độc hại, đường quốc lộ);
c) Được xây dựng ở nơi có nguồn
cung cấp điện và nước ổn định;
d) Thuận tiện đường giao thông,
cách xa sông suối là nguồn cung cấp nước sinh hoạt.
1.2. Thiết kế và bố trí:
a) Có tường rào bao quanh xây
cao tối thiểu 2 m;
b) Đường nhập gia súc, gia cầm sống
và xuất thịt phải riêng biệt, không vận chuyển gia súc, gia cầm sống đi qua khu
sạch;
c) Có hố sát trùng hoặc phương
tiện khử trùng xe và người ra vào khu giết mổ;
d) Có hệ thống xử lý chất thải rắn
và chất thải lỏng phù hợp với công suất giết mổ;
e) Bố trí thành 2 khu vực riêng
biệt gồm khu vực hành chính và khu vực sản xuất;
f) Tại khu vực sản xuất phải có
phòng làm việc cho cán bộ thú y.
2. Yêu cầu đối
với nơi nhập gia súc, gia cầm và chuồng nuôi nhốt gia súc, gia cầm trước khi giết
mổ:
2.1. Yêu cầu đối với
nơi nhập gia súc và chuồng nuôi nhốt gia súc trước khi giết mổ:
2.1.1. Nơi nhập
gia súc phải có trang thiết bị đảm bảo việc chuyển động vật xuống an toàn tránh
gây thương tích cho động vật;
2.1.2. Chuồng nuôi nhốt gia súc
trước khi giết mổ:
a) Có mái che, nền
được làm bằng các vật liệu chắc chắn, chống trơn trượt, dễ thoát nước, dễ vệ
sinh tiêu độc, khử trùng, được chia thành các ô chuồng khác nhau;
b) Có diện tích để
nuôi nhốt số lượng động vật gấp đôi công suất giết mổ bình quân/ngày của cơ sở
giết mổ;
c) Có hệ thống
cung cấp nước cho gia súc uống.
2.1.3. Có lối
đi cho cán bộ thú y kiểm tra gia súc trước khi giết mổ;
2.1.4. Có các
đường thu gom nước thải đổ thẳng vào nơi xử lý chất thải lỏng, các đường thoát
thải này không được chảy qua khu vực giết mổ;
2.1.5. Có chuồng
cách ly gia súc nghi bị mắc bệnh.
2.2. Yêu cầu đối với
khu vực nhập gia cầm và nhốt gia cầm chờ giết mổ:
2.2.1. Nơi nhập
gia cầm có trang thiết bị đảm bảo việc chuyển gia cầm xuống được an toàn;
2.2.2. Khu nuôi
nhốt gia cầm chờ giết mổ phải phù hợp với quy mô giết mổ và đặc điểm của từng
loại gia cầm:
a) Có mái che mưa,
che nắng, thoáng mát, không bị dột hoặc mưa tạt;
b) Nền lát bằng vật
liệu chắc chắn, chống trơn trượt, dễ thoát nước, dễ vệ sinh khử trùng và dốc về
rãnh thoát nước thải;
2.2.3. Có lối
đi cho cán bộ thú y kiểm tra gia cầm trước khi giết mổ;
2.2.4. Có hệ thống
cung cấp nước để làm vệ sinh phương tiện vận chuyển gia cầm và khu vực nhốt gia
cầm chờ giết mổ.
3. Yêu cầu đối
với khu vực giết mổ gia súc, gia cầm:
3.1. Được thiết kế bảo đảm quá
trình giết mổ theo nguyên tắc một chiều từ khu bẩn đến khu sạch. Khu bẩn và khu
sạch phải cách biệt nhau, giữa hai khu phải có hố hoặc máng sát trùng.
3.2. Mái, hoặc trần:
a) Đối với khu vực giết mổ gia
súc: được làm bằng vật liệu bền, khoảng cách từ sàn đến trần hoặc mái nhà tối
thiểu là 3,6m tại nơi tháo tiết, 4,8m tại nơi đun nước nóng và làm lông, 3m tại
nơi pha lóc thịt. Cơ sở có dây chuyền giết mổ treo, khoảng cách từ thiết bị
treo đến trần hoặc mái ít nhất là 1m. Tuyệt đối không được giết mổ gia súc, gia
cầm trực tiếp trên mặt nền;
b) Đối với khu vực giết mổ gia cầm:
Mái hoặc trần phải kín, không bị
dột, được làm bằng vật liệu bền, không thấm nước, dễ vệ sinh khử trùng.
3.3. Tường phía trong khu giết mổ:
được làm bằng vật liệu chắc chắn, bền, chịu nhiệt, nhẵn, chống ẩm mốc, dễ vệ
sinh và khử trùng. Phía trên tường có kính chắn bụi, lưới ngăn chim và côn trùng
xâm nhập. Chân tường, nơi tiếp giáp giữa mặt sàn và góc cột được xây tròn hay ốp
nghiêng.
3.4. Được bố trí đầy đủ hệ thống
bồn rửa tay cho công nhân, bồn rửa và khử trùng dụng cụ giết mổ, bảo hộ lao động
tại những vị trí thuận tiện cho việc làm sạch và khử trùng.
3.5. Sàn khu vực giết mổ:
a) Được làm bằng vật liệu bền,
không thấm nước, chống trơn trượt, dễ vệ sinh và khử trùng.
b) Thiết kế dốc về phía hệ thống
thu gom chất thải, bảo đảm thoát nước tốt và không đọng nước trên sàn.
3.6. Giết mổ treo:
a) Đối với gia súc: Có giá treo
hay giá đỡ đảm bảo thân thịt cao hơn mặt sàn ít nhất 0,3m. Nếu lấy phủ tạng
trên bệ mổ, bệ phải cao hơn sàn ít nhất 0,4m;
b) Đối với gia cầm: chiều cao từ
sàn đến trần phải đảm bảo không gây ảnh hưởng đến an toàn thực phẩm của thịt.
Dây chuyền giết mổ treo phải thấp hơn trần ít nhất 1m;
Nếu giết mổ thủ công, phải có
bàn hoặc bệ lấy phủ tạng. Chiều cao của bàn, bệ lấy phủ tạng ít nhất 0,9m và được
làm bằng vật liệu bền, không thấm nước, dễ vệ sinh và khử trùng.
3.7. Có hệ thống hút hơi nước
ngưng tụ hoạt động tốt.
3.8. Nơi làm sạch:
3.8.1. Đối với gia súc: nơi làm
sạch lòng trắng, dạ dày phải tách biệt với nơi để lòng đỏ và thịt để tránh làm
vấy nhiễm chéo.
3.8.2. Đối với gia cầm: nơi làm
sạch và khám thân thịt gia cầm phải đảm bảo:
a) Thoáng mát, hợp vệ sinh, có
lưới chống côn trùng và động vật gây hại;
b) Có dụng cụ chứa thân thịt
chưa sạch lông, dính dị vật, bị trầy xước hoặc không đủ tiêu chuẩn chờ xử lý;
3.9. Nơi kiểm tra thân thịt lần
cuối:
3.9.1. Đối với gia súc: được
bố trí cuối dây chuyền giết mổ treo hoặc sau vị trí rửa lần cuối để kiểm tra
thân thịt, đóng dấu kiểm soát giết mổ trước khi đưa thịt ra khỏi cơ sở.
3.9.2. Đối với gia cầm:
a) Có bàn để kiểm tra thân thịt
hoặc bố trí nơi khám thân thịt tại cuối dây chuyền giết mổ treo;
b) Nếu giết mổ thủ công, phải có
bàn hoặc bệ để xếp thân thịt gia cầm chờ kiểm soát của Thú y.
3.10. Yêu cầu về làm lạnh và bảo
quản lạnh thịt tại cơ sở (nếu có):
a) Thịt tươi: sau khi làm nguội,
đóng gói và bảo quản ở nhiệt độ 0-5oC.
b) Thịt đông lạnh: sau khi làm
nguội, cấp đông ở nhiệt độ-40oC đến -50oC, bảo quản ở nhiệt độ-18oC đến -20oC.
4. Yêu cầu đối với hệ thống
thoát nước thải và xử lý chất thải
4.1. Hệ thống thoát nước thải :
a) Có hệ thống cống thoát nước
thải tại tất cả các khu vực bốc dỡ, khu chờ giết mổ và khu giết mổ;
b) Cống thoát nước thải có nắp đậy,
có đường kính phù hợp để có thể thoát tất cả các chất thải trong quá trình giết
mổ, làm vệ sinh nhà xưởng, xe vận chuyển;
c) Hệ thống thoát nước được lắp
đặt để nước có thể chảy từ khu sạch đến khu bẩn, đảm bảo không có nước đọng
trên sàn;
d) Nước thải từ khu vệ sinh công
nhân được dẫn trực tiếp ra hệ thống nước thải chung bên ngoài, tách biệt với hệ
thống thoát nước thải khu giết mổ;
e) Có lưới chắn rác và bể tách mỡ
vụn, phủ tạng trước khi đổ vào hệ thống xử lý nước thải;
f) Nước thải của cơ sở sau khi xử lý phải đạt
QCVN 24:2009/BTNMT đối với một số chỉ tiêu sau: BOD, COD, Coliforms, pH, NH3,
H2S, TN, TP, TSS theo Phụ lục số 3 của Thông tư số
60/2010/TT-BNNPTNT ngày 25/10/2010 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
4.2. Thu gom và xử lý chất thải
rắn:
a) Có nơi xử lý gia súc, gia cầm
chết, phủ tạng hoặc các phần của thân thịt có nghi ngờ mang mầm bệnh truyền nhiễm;
b) Trong trường hợp không có nơi
xử lý chất thải rắn thì cơ sở phải ký hợp đồng với tổ chức được cấp phép hành
nghề thu gom chất thải;
c) Các thùng đựng phế phụ phẩm
phải có nắp đậy và được phân biệt theo chức năng sử dụng (màu sắc, ký
hiệu), để không làm vấy nhiễm chéo;
d) Phân, rác thải hữu cơ phải được
xử lý;
e) Thường xuyên thu gom, dọn sạch
chất thải rắn sau mỗi ca giết mổ.
5. Yêu cầu đối với thiết bị
chiếu sáng và thông khí:
5.1. Thiết bị chiếu sáng và cường
độ ánh sáng:
a) Cường độ ánh sáng trắng phải
đạt tối thiểu tại nơi giết mổ và pha lóc thịt là 300Lux, nơi lấy nội tạng, nơi
khám thịt của cán bộ thú y và kiểm tra lần cuối là 500Lux, nơi đóng gói và đông
lạnh là 200Lux;
b) Bóng đèn phải có lưới hoặc chụp
bảo vệ.
5.2. Thông khí:
a) Hệ thống thông khí phải được thiết
kế đảm bảo không khí lưu thông từ khu sạch sang khu bẩn;
b) Cửa thông gió của cơ sở phải
có lưới bảo vệ chống côn trùng và động vật gây hại.
6. Yêu cầu đối với nước sử dụng
trong cơ sở giết mổ:
6.1. Nước và nước nóng trong cơ
sở giết mổ:
a) Nước và nước nóng cung cấp
cho hoạt động giết mổ và vệ sinh phải đầy đủ;
b) Phải có quy định về giám sát
chất lượng nước và bảo trì hệ thống cung cấp nước dùng cho hoạt động giết mổ. Hồ
sơ phải lưu tại cơ sở;
c) Nước dùng cho hoạt động giết
mổ phải đạt QCVN 01:2009/BYT.
6.2. Nước đá và bảo quản nước đá
trong cơ sở giết mổ gia cầm:
a) Chỉ sử dụng nước đá có nguồn
gốc rõ ràng, có hợp đồng cung cấp nước đá giữa cơ sở giết mổ và cơ sở sản xuất
nước đá;
b) Nước sử dụng làm nước đá
trong cơ sở giết mổ phải đạt QCVN 01: 2009/BYT.
c) Nước và nước đá phải được
phân tích về các chỉ tiêu vi sinh và lý hóa phải được thực hiện 6 tháng một lần;
d) Việc vận chuyển, bảo quản nước
đá phải đảm bảo không bị vấy nhiễm từ bên ngoài.
7. Yêu cầu đối với tiện nghi
vệ sinh cho công nhân:
7.1. Có đủ phòng vệ sinh, phòng
thay quần áo cho công nhân;
7.2. Nhà vệ sinh được trang bị đầy
đủ dụng cụ vệ sinh cá nhân, trong tình trạng hoạt động tốt, thông thoáng, sạch
sẽ và cách biệt hoàn toàn với khu vực giết mổ, không được mở cửa trực tiếp vào
khu giết mổ;
7.3. Có nơi bảo quản quần áo và
đồ dùng cá nhân cách biệt với khu vực giết mổ.
8. Yêu cầu đối với trang thiết
bị và bảo dưỡng:
8.1. Trang thiết bị:
a) Trang thiết bị sử dụng cho giết
mổ được làm bằng vật liệu bền, không rỉ, không bị ăn mòn, không độc;
b) Dụng cụ và đồ dùng được sử dụng
riêng rẽ cho mỗi khu vực;
c) Dao và dụng cụ cắt thịt được
vệ sinh trước và sau khi sử dụng,và được bảo quản đúng chỗ qui định;
d) Có đủ bồn rửa và xà phòng để
công nhân rửa tay và dụng cụ ở các khu vực khác nhau.
8.2. Bảo dưỡng:
a) Có chương trình bảo dưỡng định
kỳ các thiết bị để đảm bảo không làm thịt bị ô nhiễm chéo. Hồ sơ bảo dưỡng được
lưu giữ đầy đủ;
b) Việc bảo dưỡng, sửa chữa các
thiết bị, máy móc chỉ được tiến hành sau ca giết mổ, khi thịt đã được chuyển đi
hết.
9. Yêu cầu đối với hệ thống
kho:
9.1. Kho bảo quản:
a) Nơi bảo quản, dự trữ dụng cụ
giết mổ phải riêng biệt với nơi để hóa chất; chống ẩm mốc, mưa dột và sự phá hoại
của động vật gây hại;
b) Bao bì và vật liệu bao gói được
bảo quản riêng, sạch sẽ.
9.2. Kho lạnh, công-ten-nơ lạnh
(nếu có): Có nhiệt kế và bộ phận điều chỉnh nhiệt độ gắn trực tiếp
hoặc điều khiển từ xa cho mỗi thiết bị lạnh.
10. Yêu cầu đối với làm sạch
và khử trùng:
10.1. Có quy trình vệ sinh và khử
trùng bao gồm: danh sách thiết bị, máy móc, các bước và tần suất làm sạch và khử
trùng; loại hóa chất, nồng độ hóa chất được sử dụng;
10.2. Phải duy trì thường xuyên
quy trình vệ sinh và khử trùng trong cơ sở;
10.3. Kiểm tra lại vệ sinh nhà
xưởng, thiết bị, dụng cụ trước khi bắt đầu mỗi ca giết mổ. Chỉ khi nhà xưởng,
thiết bị, dụng cụ đạt yêu cầu vệ sinh thì mới được bắt đầu giết mổ. Tiêu chuẩn
vệ sinh dụng cụ thiết bị theo Phụ lục số 2 của Thông tư số 60/2010/TT-BNNPTNT
ngày 25/10/2010 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
10.4. Định kỳ kiểm tra vệ sinh đối
với dụng cụ giết mổ. Kết quả kiểm tra và các hành động khắc phục được lưu vào hồ
sơ của cơ sở.
11. Yêu cầu đối việc kiểm
soát côn trùng và động vật gây hại:
11.1. Có quy trình và biện pháp
hữu hiệu và hợp lý chống côn trùng và động vật gây hại trong cơ sở;
11.2. Chỉ sử dụng bẫy hoặc các hóa chất cho phép
theo quy định hiện hành để chống côn trùng và động vật gây hại trong cơ sở;
11.3. Không được
nuôi chim, chó, mèo và bất kỳ động vật nào khác trong khu vực
giết mổ.
Điều 6. Yêu cầu đối
với vệ sinh công nhân:
1. Yêu cầu về sức
khỏe:
a) Người trực tiếp
giết mổ gia súc, gia cầm được khám sức khỏe trước khi tuyển dụng và định kỳ 6
tháng một lần theo quy định của Bộ Y tế;
b) Những người
đang mắc các bệnh truyền nhiễm, bệnh ngoài da theo danh mục quy định của Bộ Y tế
không được tham gia trực tiếp vào quá trình giết mổ.
2. Vệ sinh cá
nhân trong cơ sở giết mổ:
a) Người giết mổ
phải mang bảo hộ lao động. Bảo hộ lao động phải được làm sạch trước và sau mỗi
ca giết mổ;
b) Những người có vết
thương hở phải băng bó bằng vật liệu chống thấm;
c) Duy trì vệ sinh
cá nhân: sử dụng bảo hộ đúng cách, không mang trang sức khi làm việc;
d) Không được ăn uống,
hút thuốc, khạc nhổ trong khu vực giết mổ;
đ) Không được mang
thực phẩm vào khu vực giết mổ;
e) Rửa tay bằng xà
phòng trước khi giết mổ, sau khi đi vệ sinh hoặc tiếp xúc những vật liệu bị ô
nhiễm.
Điều 7. Yêu cầu đối với khách tham quan:
Tất cả khách tham quan phải mang
đầy đủ bảo hộ và tuân thủ các hướng dẫn vệ sinh và khử trùng của cơ sở.
Điều 8. Yêu
cầu đối với chủ cơ sở giết mổ:
1. Phải có giấy chứng nhận đăng
ký kinh doanh;
2. Xây dựng cơ sở giết mổ đảm bảo
yêu cầu, điều kiện quy định tại Điều 4 và Điều 5 của Quy định này.
3. Chấp hành sự kiểm tra và thực
hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo yêu cầu của cấp có thẩm
quyền và cơ quan chuyên môn.
4. Chấp hành xử lý kỹ thuật đối
với gia súc, gia cầm mắc bệnh và sản phẩm gia súc, gia cầm kém chất lượng theo
yêu cầu của cơ quan thú y.
5. Thực hiện đúng, đầy đủ các nội
dung trong báo cáo đánh giá tác động môi trường, bản cam kết bảo vệ môi trường
hoặc đề án bảo vệ môi trường đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, xác nhận.
6. Điều hành hoạt động giết mổ
gia súc, gia cầm theo đúng nội dung được nêu trong quy định này và chấp hành sự
hướng dẫn của nhân viên thú y được phân công làm nhiệm vụ kiểm soát giết mổ tại
cơ sở.
7. Chỉ cho phép những cá nhân
đủ điều kiện theo quy định Điều 7 của bản quy định này vào làm việc trong
khu vực giết mổ.
8. Chịu trách nhiệm về hoạt động
của các cá nhân làm việc tại cơ sở giết mổ.
9. Lập sổ nhật ký theo dõi hoạt
động của cơ sở theo biểu mẫu của cơ quan thú y và phải ghi chép đầy đủ các
thông tin mỗi ngày theo hướng dẫn.
10. Thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ
liên quan đến đóng thuế, nộp phí, lệ phí đối với hoạt động giết mổ tại cơ sở,
phí kiểm tra vệ sinh thú y định kỳ và các loại phí phát sinh khác theo quy định
của pháp luật hiện hành.
11. Trực tiếp quản lý, điều hành
đội ngũ công nhân giết mổ thực hiện đúng quy trình giết mổ theo hướng dẫn của
cơ quan thú y.
12. Chấp hành các nội dung khác
có liên quan theo quy định của pháp luật.
Điều 9. Yêu
cầu về vận chuyển:
1. Vận chuyển gia súc, gia cầm sống
đến cơ sở giết mổ:
a) Vận chuyển gia súc, gia cầm đến
cơ sở giết mổ phải có giấy chứng nhận kiểm dịch hợp lệ hoặc giấy chứng nhận
tiêm phòng theo quy định;
b) Phương tiện vận chuyển gia
súc, gia cầm làm bằng vật liệu bền, dễ làm sạch và khử trùng, sàn phương tiện
kín, đảm bảo không bị rơi phân, chất thải trên đường vận chuyển;
c) Sau khi vận chuyển, phương tiện
phải được vệ sinh, khử trùng tiêu độc.
2. Vận chuyển thịt và phủ tạng đến
nơi tiêu thụ:
a) Thịt và phủ tạng trước khi
đưa ra khỏi cơ sở giết mổ phải có dấu kiểm soát giết mổ hoặc tem vệ sinh thú y;
b) Thùng xe vận chuyển thịt được
làm bằng vật liệu bền, không thấm nước, dễ làm vệ sinh khử trùng và có cửa đóng
kín;
c) Không dùng xe chở gia súc,
gia cầm sống, phân, hóa chất hoặc chất thải để chuyên chở thịt;
d) Thùng xe chứa thịt phải được
làm sạch và khử trùng trước khi xếp thịt lên xe;
e) Thùng xe phải đóng kín trong
suốt quá trình vận chuyển;
g) Phương pháp xếp dỡ thịt đảm bảo
hạn chế tối đa sự ô nhiễm.
Điều 10.
Yêu cầu đối với gia súc, gia cầm được đưa vào giết mổ:
1. Gia súc, gia cầm được nhập
vào phải có hồ sơ hợp lệ.
2. Gia súc, gia cầm phải được
nghỉ ngơi đảm bảo thời gian theo quy định (tối thiểu 6 giờ) trước khi giết mổ.
3. Gia súc, gia cầm khỏe mạnh,
không có triệu chứng bệnh hoặc không nghi nhiễm bệnh; nếu phát hiện gia súc bệnh,
nghi mắc bệnh phải tiến hành cách ly ngay và xử lý theo đúng quy định của từng
bệnh.
4. Việc lấy phủ tạng phải được
kiểm soát để hạn chế tối đa ô nhiễm vào thân thịt.
5. Ít nhất 15 ngày kể từ ngày
tiêm phòng vắc xin lần sau cùng.
6. Đảm bảo đủ thời gian ngưng sử
dụng thuốc (điều trị, phòng bệnh…) theo hướng dẫn của nhà sản xuất trước khi giết
mổ.
7. Lợn được tắm trước khi giết mổ,
kỹ thuật chích điện và thời gian lấy huyết phải được thực hiện như sau:
a) Phải chích sốc điện gia súc
trước khi giết mổ; thời gian chích sốc không quá 15 giây; tránh chích điện tại
vùng mặt, bộ phận sinh dục và vùng hậu môn;
b) Thời gian lấy huyết không quá
2 phút.
8. Cơ sở phải định kỳ tập huấn
quy trình giết mổ và các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm cho từng nhóm công
nhân.
Điều 11.
Yêu cầu về quy trình giết mổ và kiểm soát giết mổ:
Việc giết mổ, lấy phủ tạng và kiểm
soát giết mổ phải được thực hiện theo đúng quy trình quy định tại Điều 19 của
Thông tư số 60/2010/TT-BNNPTNT và Điều 18 của Thông tư số 61/2010/TT-BNNPTNT
ngày 25/10/2010 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Điều 12.
Yêu cầu về quản lý kỹ thuật trong giết mổ:
1. Cơ sở phải bố trí một người
chịu trách nhiệm về vệ sinh thú y bảo đảm an toàn thực phẩm trong hoạt động giết
mổ.
2. Nhân viên kỹ thuật phải chịu
trách nhiệm kiểm soát việc thực hiện quy trình giết mổ và điều kiện vệ sinh thú
y trong cơ sở.
Chương III
ĐIỀU KIỆN MUA BÁN, VẬN
CHUYỂN GIA SÚC, GIA CẦM VÀ SẢN PHẨM GIA SÚC, GIA CẦM
Điều 13.
Quy định số lượng gia súc, gia cầm và khối lượng sản phẩm gia súc, gia cầm phải
kiểm dịch khi vận chuyển ra khỏi huyện, thành phố: Số lượng gia súc, gia cầm
và khối lượng sản phẩm gia súc, gia cầm phải kiểm dịch khi vận chuyển ra khỏi
huyện, thành phố thực hiện theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn.
Điều 14. Điều
kiện vận chuyển gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm:
1. Điều kiện vận chuyển gia súc,
gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm xuất, nhập tỉnh Kon Tum:
a) Phải có giấy chứng nhận kiểm
dịch hợp lệ, xác nhận bằng thủ tục phúc kiểm tại các trạm Kiểm dịch Động vật
đầu mối giao thông theo đúng quy định;
b) Trong trường hợp cơ quan
chức năng có hướng dẫn, quy định cụ thể về tuyến đường vận chuyển
thì phải thực hiện việc vận chuyển gia súc, gia cầm và sản phẩm gia
súc, gia cầm theo đúng tuyến đường;
c) Đối với gia súc, gia cầm dùng
để giết thịt: chỉ được vận chuyển trực tiếp đến các cơ sở giết mổ tập trung.
Khi đến cơ sở giết mổ phải thông báo cho trạm Thú y địa phương hoặc cán bộ làm
kiểm soát giết mổ tại cơ sở giết mổ biết để kiểm tra, tháo niêm phong trước khi
nhập vào cơ sở giết mổ;
d) Đối với gia súc, gia cầm dùng
để chăn nuôi, làm giống: khi đến cơ sở chăn nuôi phải thông báo cho trạm Thú y
địa phương, biết để kiểm tra, tháo niêm phong, theo dõi và hướng dẫn các biện
pháp cách ly, nhập đàn phòng dịch bệnh.
2. Điều kiện vận chuyển gia súc,
gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm ra khỏi huyện, thành phố vận chuyển trong
tỉnh:
a) Phải có giấy chứng nhận kiểm
dịch vận chuyển của trạm thú y nơi xuất phát;
b) Đối với gia súc, gia cầm dùng
để giết thịt: Chỉ được chuyển trực tiếp đến các cơ sở giết mổ động vật tập
trung trên địa bàn tỉnh. Chủ cơ sở phải báo ngay cho nhân viên thú y được phân
công phụ trách kiểm soát giết mổ biết để kiểm tra;
c) Đối với gia súc, gia cầm dùng
để chăn nuôi, làm giống: khi đến cơ sở chăn nuôi phải thông báo cho thú y cấp
xã để được kiểm tra, theo dõi và hướng dẫn các biện pháp cách ly, nhập đàn.
3. Trách nhiệm của chủ gia súc,
gia cầm; sản phẩm gia súc, gia cầm và chủ phương tiện vận chuyển:
a) Chấp hành nghiêm túc các quy
định về kiểm dịch vận chuyển của cơ quan thú y, thực hiện nộp đầy đủ phí và lệ
phí theo quy định;
b) Phải chịu trách nhiệm về hàng
hóa vận chuyển (gồm: nguồn gốc, chất lượng, số lượng, khối lượng, chủng loại);
c) Sử dụng phương tiện vận chuyển
chuyên dùng để vận chuyển gia súc, gia cầm; sản phẩm gia súc, gia cầm.
Điều 15. Điều
kiện kinh doanh sản phẩm gia súc, gia cầm:
1. Đối với người trực tiếp kinh
doanh phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau:
a) Có giấy chứng nhận đăng ký
kinh doanh phù hợp với ngành nghề kinh doanh;
b) Có giấy chứng nhận đã tham
gia lớp tập huấn về an toàn vệ sinh thực phẩm;
c) Có giấy chứng nhận khám sức
khỏe định kỳ 06 tháng/lần của cơ quan Y tế cấp huyện trở lên;
d) Không mắc bệnh truyền nhiễm,
bệnh ngoài da;
đ Có trang phục bảo hộ cá nhân:
tạp dề, mũ, găng tay, khẩu trang phù hợp.
2. Điều kiện về địa điểm kinh
doanh:
a) Có địa điểm kinh doanh cố định
và được cấp có thẩm quyền cho phép;
b) Phải đảm bảo vệ sinh, cách xa
bãi chứa chất thải, nhà vệ sinh, bệnh viện, cơ sở sản xuất thải nhiều khói bụi
và các nguồn gây ô nhiễm khác làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm;
c) Các cá nhân, tổ chức kinh
doanh sản phẩm gia súc, gia cầm trong chợ phải có khu riêng tách biệt với các mặt
hàng hóa khác để tránh gây ô nhiễm;
d) Không được bày bán trên vỉa
hè, dọc đường lộ, các vị trí sai qui định.
3. Điều kiện về quầy, sạp, dung
cụ:
a) Mặt quầy, sạp bằng phẳng,
không có khe hở, phải làm bằng vật liệu không gỉ, không thấm nước, dễ làm vệ
sinh và cách mặt đất tối thiểu 0,8m;
b) Dụng cụ phục vụ kinh doanh phải
bằng vật liệu không gỉ, không làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm;
c) Vật dụng dùng để bao gói phải
hợp vệ sinh và không gây độc hại;
d) Nơi mua bán và các vật dụng
phải được giữ sạch sẽ và vệ sinh cọ rửa mỗi ngày.
4. Điều kiện về sản phẩm gia
súc, gia cầm kinh doanh:
a) Sản phẩm gia súc, gia cầm
kinh doanh phải có nguồn gốc rõ ràng, có dấu kiểm soát giết mổ hoặc tem vệ sinh
thú y;
b) Nghiêm cấm kinh doanh sản phẩm
gia súc, gia cầm kém chất lượng, chứa hóa chất, phẩm màu không được phép sử dụng;
bị bơm nước hoặc chích các loại dịch lỏng gây hại cho người sử dụng và có nguồn
gốc từ gia súc, gia cầm nhiễm bệnh, chết…
Điều 16. Điều
kiện kinh doanh gia súc, gia cầm sống:
1. Đối với người kinh doanh: Phải
đảm bảo theo quy định tại khoản 1, Điều 16 Quy định này.
2. Đối với địa điểm kinh doanh:
a) Có địa điểm kinh doanh cố định,
cách xa khu dân cư, các công trình công cộng và được cấp có thẩm quyền cho
phép. Không được kinh doanh động vật sống tại địa điểm nằm trong khu vực nội
thành, nội thị;
b) Tại các chợ ở khu vực nông
thôn: địa điểm kinh doanh phải bố trí khu vực riêng, cách biệt với các loại
hàng hóa khác;
c) Nghiêm cấm mua bán gia súc,
gia cầm sống: tại các chợ; trên các vỉa hè, lề đường, trước cổng chợ;
d) Địa điểm kinh doanh gia súc,
gia cầm sống phải được vệ sinh, tiêu độc khử trùng mỗi ngày ngay sau khi kết
thúc.
3. Đối với gia súc, gia cầm sống:
a) Có nguồn gốc rõ ràng, không
có xuất xứ từ vùng dịch; phải có giấy chứng nhận kiểm dịch hợp lệ theo quy định
(đối với gia súc, gia cầm nhập tỉnh, nhập huyện), giấy chứng nhận nguồn gốc,
tình trạng sức khỏe và điều kiện vệ sinh thú y của Ban thú y xã (đối với gia
súc, gia cầm có nguồn gốc trong phạm vi huyện, thành phố);
b) Nghiêm cấm mua bán gia súc,
gia cầm mắc bệnh;
c) Trong thời gian kinh doanh nếu
phát hiện gia súc, gia cầm chết hoặc có dấu hiệu bệnh phải báo ngay cho thú y
xã, trạm Thú y hoặc Chi cục Thú y kiểm tra, hướng dẫn xử lý.
Điều 17. Điều
kiện cơ sở chế biến, đóng gói sản phẩm gia súc, gia cầm:
1. Đối với người tham gia sản xuất:
Phải đảm bảo theo quy định tại: khoản 1, Điều 16 của bản Quy định này.
2. Đối với địa điểm cơ sở:
a) Có địa điểm cố định, phù hợp
với quy hoạch của địa phương và được cấp có thẩm quyền cho phép;
b) Phải đảm bảo vệ sinh, cách xa
bãi chứa chất thải, nhà vệ sinh, bệnh viện, cơ sở sản xuất thải nhiều khói bụi
và các nguồn gây ô nhiễm khác làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.
3. Điều kiện cơ sở vật chất:
a) Nhà xưởng phải chống được bụi
và sự xâm nhập của các loài động vật gây hại, thuận tiện cho việc vệ sinh tiêu
độc, khử trùng;
b) Phải có kho bảo quản sản phẩm
gia súc, gia cầm;
c) Trang thiết bị, dụng cụ dùng
trong sơ chế phải làm bằng vật liệu không gỉ, không làm ảnh hưởng đến chất lượng
sản phẩm và dễ làm vệ sinh;
d) Có hệ thống xử lý nước thải,
chất thải phù hợp với công suất của cơ sở;
đ) Nước sử dụng trong sơ chế phải
là nguồn nước sạch, đảm bảo các chỉ tiêu về vi sinh, sinh lý, sinh hóa và không
làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm gia súc, gia cầm sau chế biến.
4. Điều kiện về sản phẩm gia
súc, gia cầm để chế biến, đóng gói:
Phải đảm bảo theo quy định tại
khoản 4, Điều 16 Quy định này.
Điều 18. Điều
kiện đối với phương tiện vận chuyển gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm
1. Những tiêu chuẩn chung:
1.1. Khoang chứa gia súc, gia cầm;
sản phẩm gia súc, gia cầm:
a) Được thiết kế, chế tạo chắc
chắn, an toàn phù hợp với việc vận chuyển gia súc, gia cầm và có khả năng chịu
được trọng tải của gia súc, gia cầm hoặc sản phẩm gia súc, gia cầm sau giết mổ;
b) Kết cấu thuận tiện cho việc bốc
dỡ, kiểm tra, xử lý, thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng trong quá trình vận
chuyển;
c) Sàn được làm từ vật liệu chắc
chắn, chống thấm, chống sự ăn mòn của các chất thải, chất tẩy rửa, không ảnh hưởng
đến sức khỏe gia súc, gia cầm, chất lượng sản phẩm gia súc, gia cầm, dễ dàng vệ
sinh, cọ rửa;
d) Sàn phải được làm kín, bề mặt
sàn không trơn trượt, dễ thoát nước hoặc sàn có thể được thiết kế có rãnh thoát
nước; có thể sử dụng sàn 2 đáy hoặc hầm chứa để thu hồi chất thải nhằm không
gây ảnh hưởng môi trường trong quá trình vận chuyển;
đ) Khoang chứa gia súc, gia cầm,
sản phẩm gia súc, gia cầm phải tách biệt với khoang người điều khiển, được thiết
kế đảm bảo đủ diện tích, chiều cao để gia súc, gia cầm có thể đứng ở vị trí tự
nhiên trong quá trình vận chuyển;
e) Chiều cao của thành xe đảm bảo
gia súc, gia cầm không thoát ra ngoài trong thời gian vận chuyển;
Trường hợp gia súc, gia cầm được
vận chuyển bằng công ten nơ thì phải được đánh dấu bằng biểu tượng chỉ sự có mặt
của gia súc, gia cầm sống và ký hiệu chỉ chiều đứng của gia súc, gia cầm.
1.2. Che chắn (mui, bạt), thông
khí:
a) Mui, bạt được sử dụng để hạn
chế những ảnh hưởng của thời tiết khắc nghiệt đối với gia súc, gia cầm, sản phẩm
gia súc, gia cầm;
b) Mui, bạt được làm từ vật liệu
không thấm nước;
c) Chiều cao của mui, bạt phải đảm
bảo cho gia súc, gia cầm đứng ở vị trí tự nhiên, tránh va chạm;
d) Đảm bảo sự thông khí đầy đủ tới
toàn bộ khu vực nhốt giữ gia súc, gia cầm trong quá trình vận chuyển;
đ) Đối với phương tiện vận chuyển
gia súc, gia cầm kín, hệ thống thông khí có thể điều chỉnh tùy theo điều kiện
thời tiết bên ngoài;
e) Đối với phương tiện vận chuyển
sản phẩm gia súc, gia cầm phải có hệ thống thông khí phù hợp với từng đối tượng
sản phẩm và có thể điều chỉnh tùy theo điều kiện thời tiết bên ngoài.
1.3. Dụng cụ, thiết bị sử dụng
trong quá trình vận chuyển gia súc, gia cầm; sản phẩm gia súc, gia cầm:
a) Dụng cụ nhốt gia súc, gia cầm
(lồng, hộp, cũi):
- Đảm bảo chắc chắn, bảo vệ được
gia súc, gia cầm trong quá trình vận chuyển;
- Không có những cạnh sắc nhọn để
tránh gây thương tích cho gia súc, gia cầm trong quá trình vận chuyển;
- Đảm bảo cung cấp đủ không gian
để gia súc, gia cầm có thể đứng, nằm ở vị trí tự nhiên, có độ thông thoáng
thích hợp và dễ dàng cho việc kiểm tra, thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng.
b) Dụng cụ, bao bì chứa đựng sản
phẩm gia súc, gia cầm tươi sống, sơ chế:
- Bền, chắc đủ để bảo vệ và
không gây hư hỏng sản phẩm, không thấm ướt, không bị ăn mòn, dễ vệ sinh, tiêu độc
khử trùng;
- Đảm bảo vệ sinh, luôn sạch sẽ,
được làm từ các vật liệu chống thấm, chống ăn mòn, không ảnh hưởng đến chất lượng
sản phẩm và người tiêu dùng.
c) Trang thiết bị, dụng cụ khác:
- Trường hợp hành trình vận chuyển
gia súc, gia cầm qua ngày phải được trang bị dụng cụ khám, chữa bệnh và thuốc
thú y;
- Dụng cụ để chứa đựng thức ăn,
nước uống trong quá trình vận chuyển phải đạt tiêu chuẩn vệ sinh thú y và được
cọ rửa, vệ sinh sạch sẽ sau mỗi lần sử dụng;
- Có thiết bị chiếu sáng cầm tay
để có thể kiểm tra, chăm sóc gia súc, gia cầm vào ban đêm;
- Các chất độn lót phải sạch sẽ,
khô ráo, được khử trùng tiêu độc trước khi vận chuyển. Trong quá trình vận chuyển,
nếu cần thay chất độn lót thì các chất độn lót cũ phải được thu gom và xử lý đảm
bảo yêu cầu vệ sinh thú y tại địa điểm thích hợp với sự giám sát của cơ quan
thú y địa phương;
- Đối với thiết bị treo sản phẩm
gia súc, gia cầm:
+ Nếu treo hàng trên trần của
phương tiện vận chuyển thì kết cấu của hệ thống treo hàng phải chịu được gấp 2
lần trọng lượng làm việc lớn nhất theo đơn vị đo chiều dài.
+ Vật liệu sử dụng làm hệ thống
treo hàng phải bền, chống thấm, chống ăn mòn và không ảnh hưởng đến chất lượng
sản phẩm.
+ Hàng hóa được xếp theo chiều dọc
của phương tiện để thuận tiện cho việc kiểm tra, sản phẩm động vật được treo
trên phương tiện không được tiếp xúc với nhau; sản phẩm cách thành phương tiện
ít nhất là 20cm và khoảng cách từ sàn đến sản phẩm được treo ít nhất là 30cm.
1.4. Vệ sinh, tiêu độc khử
trùng:
a) Phương tiện vận chuyển, dụng
cụ chứa đựng và trang thiết bị khác phải được vệ sinh, tiêu độc khử trùng trước
và sau khi vận chuyển gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm;
b) Đối với phương tiện vận chuyển
sản phẩm gia súc, gia cầm sử dụng làm thực phẩm: việc tiêu độc, khử trùng phải
đảm bảo không ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm và người tiêu dùng;
c) Tùy theo đối tượng vận chuyển,
khoảng thời gian giữa hai lần vận chuyển phải có đủ thời gian để thực hiện việc
vệ sinh, tiêu độc khử trùng theo quy định;
d) Sau khi vận chuyển, toàn bộ
chất thải phải được thu gom và xử lý đảm bảo vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường.
2. Phương tiện vận chuyển gia
súc, gia cầm:
2.1. Phương tiện vận chuyển đại
gia súc:
a) Chiều cao của thành xe tối
thiểu tương đương với chiều cao của gia súc.
Trường hợp hành trình vận chuyển
gia súc kéo dài trên 24 giờ, khoang chứa gia súc phải có lối đi để cung cấp thức
ăn, nước uống cho gia súc;
b) Khung, gióng được để cố định
và bảo vệ gia súc: chiều cao của gióng tính từ sàn tương đương với chiều cao của
vai gia súc; khung, gióng được thiết kế thành những ô nhỏ có thể chứa đựng được
từ 5-10 gia súc tùy theo loại phương tiện vận chuyển.
c) Cũi nhốt gia súc: được cố định
chắc chắn với phương tiện trong quá trình vận chuyển. Sau khi vận chuyển, cũi
phải được vệ sinh, tiêu độc khử trùng hoặc tiêu hủy.
2.2. Phương tiện vận chuyển tiểu
gia súc, gia cầm:
a) Phương tiện vận chuyển được
thiết kế thành nhiều tầng thì các tầng trên phải chắc chắn có khả năng chịu được
gấp 2 lần trọng lượng thiết kế. Sàn của tầng trên phải kín đảm bảo các chất thải
không bị thoát xuống gây nhiễm bẩn cho động vật ở tầng dưới. Trường hợp cần thiết
có thể thiết kế các rãnh thoát nước riêng và có biện pháp thu hồi nước thải;
b) Gia súc non, gia cầm cần được
nhốt giữ trong các lồng, hộp để bảo vệ chúng trong quá trình vận chuyển. Các lồng,
hộp phải được xếp đặt sao cho có khoảng cách cần thiết để đảm bảo thông khí tại
mọi vị trí trên phương tiện vận chuyển.
3. Phương tiện vận chuyển sản
phẩm gia súc, gia cầm:
3.1. Phương tiện vận chuyển sản
phẩm gia súc, gia cầm tươi sống, sơ chế sử dụng làm thực phẩm:
a) Khoang chứa hàng phải kín để
ngăn ngừa sự tác động của môi trường đến chất lượng sản phẩm. Khoang chứa hàng
được làm từ vật liệu chống thấm, chống sự ăn mòn, an toàn về mặt kỹ thuật bảo
quản để đảm bảo chất lượng của sản phẩm động vật không bị ảnh hưởng trong quá
trình vận chuyển;
b) Mặt trong của vật dụng chứa đựng
sản phẩm gia súc, gia cầm phải được làm bằng vật liệu không rỉ sét, nhẵn, chống
thấm, chống ăn mòn, không độc, không mùi, không ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm
và dễ vệ sinh, tiêu độc khử trùng;
c) Đối với phương tiện vận chuyển
đẳng nhiệt: Được thiết kế, chế tạo đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành. Hệ
thống làm lạnh đáp ứng các yêu cầu về nhiệt độ bảo quản đối với từng loại sản
phẩm. Có hệ thống thông khí thích hợp ngăn ngừa sự ngưng đọng hơi nước. Trường
hợp khoang chứa hàng có hệ thống thoát nước thì thiết bị thoát nước phải có bộ
phận đóng kín được điều khiển từ bên ngoài.
3.2. Phương tiện vận chuyển sản
phẩm gia súc, gia cầm không sử dụng làm thực phẩm:
Phải có sàn kín, đảm bảo không để
rơi vãi sản phẩm ra môi trường bên ngoài trong quá trình vận chuyển, dễ vệ
sinh, tiêu độc khử trùng.
3.3. Phương tiện vận chuyển chất
lỏng (dầu mỡ gia súc, gia cầm, bơ, sữa):
a) Thùng chứa phải được thiết kế,
chế tạo để có thể chịu được áp lực của chất lỏng trong quá trình vận chuyển;
b) Thùng chứa và các thiết bị
như ống dẫn, ống nối, van, thiết bị làm nóng (để chống đông) được làm từ các vật
liệu chống thấm, chống ăn mòn, không ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.
Chương IV
QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ
Điều 19. Chứng
nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y:
1. Cơ sở: giết mổ gia súc, gia cầm;
kinh doanh gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm; cơ sở sơ chế, bảo quản
sản phẩm gia súc, gia cầm phải được cơ quan thú y kiểm tra và cấp Giấy chứng nhận
đủ điều kiện vệ sinh thú y 2 năm một lần.
2. Trình tự, quy trình kiểm tra,
đánh giá phân loại điều kiện vệ sinh thú y của các cơ sở: giết mổ gia súc, gia
cầm; kinh doanh gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm; sơ chế, bảo quản sản
phẩm gia súc, gia cầm theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Điều 20.
Thanh tra, kiểm tra:
1. Cơ sở: giết mổ gia súc, gia cầm;
kinh doanh gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm; sơ chế, bảo quản sản phẩm
gia súc, gia cầm phải tự kiểm tra và chịu sự thanh tra, kiểm tra định kỳ hoặc đột
xuất của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền.
2. Việc tiến hành thanh tra, kiểm
tra và xử lý vi phạm phải tuân theo quy định của pháp luật hiện hành.
Chương V
TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ
QUAN, ĐƠN VỊ
Điều 21.
Trách nhiệm của các sở, ngành có liên quan:
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn:
a) Chủ trì phối hợp với các sở,
ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức triển khai thực
hiện Quy định này.
b) Chỉ đạo Chi cục Thú y:
- Phối hợp cùng Ủy ban nhân dân
các huyện, thành phố hướng dẫn thực hiện nội dung Quy định này đến các tổ chức,
cá nhân có liên quan biết để thực hiện;
- Chịu trách nhiệm tổ chức, thực
hiện kiểm tra, thẩm định và cấp các Giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y
theo đúng quy định;
c) Chỉ đạo Thanh tra Sở Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp cùng Chi cục Thú y và các đơn vị liên
quan kiểm tra, xử lý vi phạm về hoạt động giết mổ, mua bán, vận chuyển gia
súc, gia cầm và sản phẩm của gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
2. Sở Tài nguyên và Môi trường:
a) Hướng dẫn việc thực hiện điều
kiện môi trường đối với hoạt động của cơ sở giết mổ tập trung gia súc, gia cầm;
b) Chủ trì, phối hợp với các ngành
chức năng kiểm tra xử lý các trường hợp vi phạm các quy định trong lĩnh vực môi
trường;
c) Tổ chức thẩm định về điều kiện
môi trường đối với trường hợp phải lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc
xác định cam kết bảo vệ môi trương có tính chất và quy mô tương ứng .
3. Sở Y tế:
a) Chỉ đạo tổ chức khám và cấp
giấy chứng nhận sức khoẻ cho các cá nhân hành nghề theo đúng quy định;
b) Phối hợp với các sở, ngành
liên quan: tổ chức tập huấn kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm; biện pháp bảo
hộ lao động tại cơ sở cho các cơ sở giết mổ, mua bán, vận chuyển gia súc, gia cầm,
sản phẩm gia súc, gia cầm; kiểm tra, kiểm soát ô nhiễm vi sinh vật và tồn dư
hóa chất trong thực phẩm lưu thông trên thị trường;
c) Chỉ đạo tổ chức quản lý và phối
hợp kiểm tra việc mua bán sản phẩm gia súc, gia cầm theo quy định của Pháp lệnh
Vệ sinh an toàn thực phẩm;
d) Phối hợp với Sở Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn tổ chức tuyên truyền sâu rộng cho nhân dân về các biện
pháp phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và lây nhiễm trên người.
4. Sở Công thương:
Chủ trì phối hợp với Công an tỉnh,
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ủy ban nhân dân cấp huyện tiến hành
kiểm tra và xử lý các trường hợp vi phạm trong hoạt động giết mổ, mua bán, vận
chuyển gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh theo quy
định của pháp luật.
5. Sở Giao thông - Vận tải:
Phối hợp với Công an tỉnh kiểm
tra các phương tiện vận chuyển gia súc, gia cầm và các sản phẩm của chúng lưu
thông xuất, nhập tỉnh.
6. Công an tỉnh:
a) Chủ trì phối hợp với Sở Giao
thông-Vận tải và cơ quan thú y kiểm tra các phương tiện vận chuyển gia súc, gia
cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm;
b) Phối hợp với các sở, ngành
liên quan kiểm tra, xử lý vi phạm trong việc chấp hành các điều kiện vệ sinh an
toàn thực phẩm, vệ sinh thú y; kiểm soát giết mổ, vận chuyển, mua bán gia súc,
gia cầm.
7. Sở Kế hoạch và Đầu tư:
Phối hợp với các đơn vị liên
quan thẩm định các dự án quy hoạch cơ sở giết mổ, buôn bán gia súc, gia cầm và
sản phẩm gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh.
8. Sở Thông tin và Truyền
thông; Báo Kon Tum; Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh:
Phối hợp xây dựng các chuyên
trang, chuyên mục tuyên truyền và kịp thời phát hiện, đưa tin biểu dương các tổ
chức, cá nhân thực hiện tốt quy định trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Đồng thời kịp thời phản ánh các tổ chức, cá nhân thiếu trách nhiệm hoặc có hành
vi vi phạm trong công tác quản lý, kinh doanh các hoạt động giết mổ gia súc,
gia cầm; vận chuyển, mua bán, gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm trên
địa bàn tỉnh Kon Tum.
Điều 22. Ủy
ban nhân dân cấp huyện:
1. Chịu trách nhiệm toàn diện về
thực hiện các qui định quản lý hoạt động giết mổ, vận chuyển, mua bán gia súc,
gia cầm và sản phẩm từ gia súc, gia cầm trên địa bàn quản lý.
2. Tổ chức hướng dẫn, tuyên truyền,
vận động các chủ cơ sở giết mổ, người buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm và
sản phẩm gia súc, gia cầm phải đăng ký kinh doanh, kinh doanh đúng nội dung
đăng ký và chấp hành nghiêm túc các quy định của nhà nước và của tỉnh về công
tác kiểm tra, kiểm soát giết mổ, vận chuyển, buôn bán gia súc, gia cầm.
3. Phối hợp với các ngành chức
năng chuyên môn tổ chức quy hoạch, công bố quy hoạch địa điểm giết mổ, tổ chức
hướng dẫn hoạt động giết mổ tại các cơ sở giết mổ tập trung.
4. Thực hiện cấp giấy phép đăng
ký kinh doanh cho các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, mua bán gia súc gia cầm,
sản phẩm gia súc, gia cầm theo quy định.
5. Chỉ đạo các phòng chuyên môn
hướng dẫn việc thực hiện điều kiện môi trường đối với các điểm mua bán gia súc,
gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm thuộc địa bàn quản lý.
6. Chỉ đạo tổ chức thực hiện
công tác kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trong hoạt động giết mổ, mua bán,
vận chuyển gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc gia cầm trên địa bàn quản lý theo
quy định của pháp luật.
Chương VI
LỘ TRÌNH, XỬ LÝ VI PHẠM
VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 23. Lộ
trình thực hiện:
1. Đối với các cơ sở giết
mổ:
a) Đối với các cơ sở giết
mổ được xây dựng sau ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành phải đảm bảo
các yêu cầu từ Điều 4 đến Điều 12 của Quyết định này;
b) Đối với các cơ sở giết
mổ đã được xây dựng trước khi ban hành Quyết định này và phù hợp với
Quy hoạch phải thực hiện nâng cấp, sửa chữa để đảm bảo các yêu cầu
theo quy định chung;
c) Đối với các địa bàn xa trung
tâm thành phố, thị trấn trên 10 km nếu có nhu cầu kinh doanh giết mổ, UBND xã bố
trí, quy hoạch và xây dựng theo hướng dẫn của cơ quan thú y, song phải đảm bảo
vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường và phòng chống dịch bệnh; phải chấp hành đầy
đủ các quy định của pháp luật về Thú y và các pháp luật có liên quan khác;
d) Từ ngày 31 tháng 12 năm
2012, các cơ sở giết mổ không đảm bảo các yêu cầu tại Quyết định này phải
chấm dứt hoạt động, mọi vi phạm đều phải xử lý theo đúng quy định của Pháp luật
hiện hành.
2. Đối với các cơ sở kinh
doanh, phương tiện vận chuyển gia súc, gia cầm, sản phẩm sản phẩm gia súc, gia
cầm:
a) Các chủ cơ sở, phương tiện vận
chuyển gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh phải chủ động
kiểm tra, sửa chữa, nâng cấp hoặc trang bị phương tiện vận chuyển mới phù hợp với
các nội dung được quy định tại quyết định này;
b) Từ ngày 31/12/2012 trở đi
các cơ sở kinh doanh gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm; phương tiện dùng
vận chuyển gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm không đảm bảo các điều
kiện nêu trên phải chấm dứt hoạt động, mọi vi phạm đều phải xử lý theo đúng
quy định của Pháp luật hiện hành.
Điều 24. Xử
lý vi phạm:
1. Các tổ chức, cá nhân vi phạm
Quy định này, tùy theo mức độ sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật hiện
hành.
2. Thanh tra các sở, ngành: Nông
nghiêp và Phát triển nông thôn, Y tế, Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi
trường, Khoa học và Công nghệ, Lao động - Thương binh và Xã hội, Kế hoạch và Đầu
tư, Giao thông-Vận tải; các lực lượng Công an, Quản lý thị trường; Chủ tịch Ủy
ban nhân dân các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền
hạn của mình tiến hành thanh tra, kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm theo
qui định của pháp luật.
Điều 25. Tổ
chức thực hiện:
1. Giám đốc Sở Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan, Ủy ban
nhân dân các huyện, thành phố tổ chức thực hiện nghiêm Quyết định này.
2. Trong quá trình thực hiện, nếu
có những vấn đề phát sinh cần phải sửa đổi, bổ sung, Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn chủ trì, phối hợp với các ngành, đơn vị có liên quan tổng hợp đề xuất
trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định./.