QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH "QUY ĐỊNH TẠM THỜI VỀ VIỆC THỰC HIỆN
CHẾ ĐỘ CẤP PHÉP THĂM DÒ, KHAI THÁC, HÀNH NGHỀ KHOAN NƯỚC NGẦM VÀ ĐĂNG KÝ CÔNG
TRÌNH KHAI THÁC NƯỚC NGẦM"
BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Căn cứ Nghị định 73/CP ngày
01/11/1995 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ
máy của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; - Căn cứ Quyết định 354/TTg
ngày 28/5/1996 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn
và tổ chức bộ máy của Cục quản lý nước và công trình thuỷ lợi - Bộ Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn;
Căn cứ Chỉ thị số 487/TTg ngày 30/7/1996 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường
quản lý Nhà nước đối với tài nguyên đất nước;
Căn cứ văn bản chỉ đạo số 5073/KTN ngày 18/10/1996 của Thủ tướng Chính phủ về
việc bàn giao nhiệm vụ quản lý Nhà nước nước dưới đất từ Bộ Công nghiệp sang Bộ
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Căn cứ biên bản bàn giao nhiệm vụ quản lý Nhà nước về nước dưới đất, ngày
30/10/1996 giữa Bộ Công nghiệp và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Căn cứ văn bản chỉ đạo số 487/KTN ngày 29/01/1997 của Thủ tướng Chính phủ về
việc ban hành quy định tạm thời việc cấp phép thăm dò, khai thác hành nghề
khoan nước ngầm;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục quản lý nước và công trình thuỷ lợi.
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1.
Nay ban hành kèm theo Quyết định này "Quy định tạm
thời về việc thực hiện chế độ cấp phép thăm dò, khai thác, hành nghề khoan nước
ngầm và đăng ký công trình khai thác nước ngầm" để thống nhất áp dụng
trong cả nước.
Điều 2.
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc
trung ương, Cục trưởng cục quản lý nước và Công trình thuỷ lợi; các tổ chức, cá
nhân thăm dò và khai thác và hành nghề khoan nước ngầm có trách nhiệm thi hành
Quyết định này.
Điều 3.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Các quy định
trước đây về thủ tục cấp phép thăm dò, khai thác nước ngầm trái với Quy định được
ban hành kèm theo Quyết định này đều bị bãi bỏ.
QUY ĐỊNH TẠM THỜI
VỀ VIỆC THỰC HIỆN CHẾ ĐỘ CẤP PHÉP THĂM DÒ, KHAI THÁC, HÀNH
NGHỀ KHOAN NƯỚC NGẦM VÀ ĐĂNG KÝ CÔNG TRÌNH KHAI THÁC NƯỚC NGẦM
(Ban hành kèm theo Quyết định số 357 ngày 13 tháng 3 năm 1997 của Bộ Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn)
Điều 1.
Quy định chung
Trong quy định này những thuật
ngữ dưới đây được hiểu như sau:
- Nước ngầm (nước dưới đất) là
nước thiên nhiên tồn tại và lưu thông trong lòng đất và có thể lộ ra trên mặt đất.
- Nước khoáng là nước thiên
nhiên dưới đất, có nơi lộ ra trên mặt đất, có chứa một số hợp chất có hoạt tính
sinh học với nồng độ cao theo quy định của tiêu chuẩn Việt Nam, hoặc tiêu chuẩn
nước ngoài được Nhà nước Việt Nam cho phép áp dụng.
- Nước nóng thiên nhiên là nước
thiên nhiên dưới đất, có nơi lộ ra trên mặt đất, luôn luôn có nhiệt độ theo quy
định tiêu chuẩn của Việt Nam, hoặc theo tiêu chuẩn nước ngoài được Nhà nước Việt
nam cho phép áp dụng.
- Khu vực khai thác là khu vực
được bố trí các công trình khai thác nước ngầm, bao gồm cả phạm vi mà mực nước
ngầm bị hạ thấp do bơm hút nước từ công trình khai thác gây ra.
- Công trình khai thác nước ngầm
là các giếng khoan, giếng đào, hang động hoặc hành lang khai thác nước, điểm lộ
được xây dựng hoặc sử dụng để khai thác nước ngầm.
- Hộ khai thác nước ngầm là tổ
chức hoặc cá nhân được làm chủ giấp phép khai thác nước hợp pháp.
- Hộ thi công là doanh nghiệp
Nhà nước, doanh nghiệp tư nhân hoặc cá nhân được Nhà nước cho phép thi công
công trình khai thác nước ngầm.
- Quy định này chỉ áp dụng cho
nước ngầm là loại nước nhạt, nước lợ (không áp dụng cho nước khoáng và nước
nóng thiên nhiên).
Điều 2.
Khai thác nước ngầm không phải xin phép
- Khai thác nước lưu lượng nhỏ bằng
sức người do mục đích ăn uống sinh hoạt gia đình từ các giếng đào, giếng khoan
có chiều sâu nhỏ hơn 30 m và đường kính nhỏ hơn 90 mm.
- Trong trường hợp kích thước giếng
vượt quá giới hạn cho phép dưới đây thì phải đăng ký tại Uỷ ban nhân dân xã,
phường:
+ Giếng đào có đường kính lớn
hơn 2 m, hoặc chiều sâu cột nước trong giếng mùa kiệt lớn hơn 5 m;
+ Giếng khoan có đường kính giếng
lớn hơn 50mm, hoặc chiều sâu cột nước trong giếng lớn hơn 20m.
Điều 3.
Khai thác nước ngầm cho mọi mục đích, trong mọi trường
hợp, trừ quy định ở Điều 2, đều phải xin phép.
Điều 4.
Việc cho phép khai thác nước ngầm phải tuân theo các
nguyên tắc dưới đây:
4.1. Nước ngầm có chất lượng tốt
được ưu tiên cho ăn uống sinh hoạt, nếu còn thừa mới được sử dụng cho các mục
đích khác.
4.2. Lượng nước ngầm được phép
khai thác trong một vùng không được vượt quá trữ lượng có thể khai thác được của
vùng, đồng thời phải phù hợp với kế hoạch khai thác hàng năm và kế hoạch khai
thác của vùng.
4.3. Ở vùng khai thác nước ngầm
đã đạt tới trữ lượng có thể khai thác được thì phải quản lý chặt chẽ hơn việc
khai thác, không được mở rộng việc khai thác nước. Nghiêm cấm việc khai thác nước
ngầm ở vùng đã khai thác vượt quá mức quy định mà chưa được bổ sung nhân tạo.
4.4. Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Công nghiệp, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành
phố trực thuộc trung ương khoanh định các vùng khai thác nước ngầm vượt mức và
khu vực cấm khai thác nước ngầm nếu chưa được bổ sung nhân tạo để trình Chính
phủ phê duyệt.
4.5. Khi cấp giấy phép thăm dò
và khai thác nước ngầm phải dựa trên kết quả đánh giá các đề án thăm dò và báo
cáo trữ lượng của các đơn vị chuyên môn hoặc của Hội đồng chuyên môn (Bộ Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ có quy định cụ thể về vấn đề này).
Điều 5.
Thẩm quyền cấp phép:
5.1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn chịu trách nhiệm cấp phép và tổ chức thực hiện quản lý, theo dõi việc
cấp phép ở các địa phương về thăm dò, khai thác nước ngầm và hành nghề khoan
khai thác nước ngầm trong phạm vi cả nước.
5.2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn điều chỉnh, cấp và thu hồi giấy phép khai thác nước ngầm đối với các
công trình khai thác nước tập trung với lưu lượng bằng và lớn hơn 1000 m3/ngày.
5.3. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là Uỷ ban nhân dân tỉnh) điều chỉnh,
cấp và thu hồi giấy phép đối với các công trình thăm dò, khai thác nước ngầm
đơn lẻ quy mô nhỏ, lưu lượng khai thác nhỏ hơn 1000m3/ngày.
(Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn và Uỷ ban nhân dân tỉnh sẽ quy định cụ thể trong việc phân cấp quản
lý đối với Cục quản lý nước và Công trình thuỷ lợi, Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn hoặc cơ quan có chức năng về công việc này).
5.4. Trong các vùng trọng điểm,
việc cấp giấy phép thăm dò, khai thác nước ngầm phải quản lý chặt chẽ hơn. Bộ
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ thoả thuận với Uỷ ban nhân dân các tỉnh,
thành phố có các khu vực nêu trên để quy định cụ thể cấp lưu lượng dùng trong
việc phân cấp cấp phép ở các vùng này.
Điều 6.
Mọi công trình khai thác nước ngầm đều phải đăng ký tại
cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép (điểm 5.2 và 5.3 của Điều 5).
Điều 7.
Khai thác nước ngầm từ các hố khoan, giếng đào hoặc các dạng
công trình khai thác thay thế các hố khoan, giếng đào hoặc các công trình khai
thác đã bị hư hỏng hoặc giảm công suất khai thác có lưu lượng hút và mực nước hạ
thấp nhỏ hơn giới hạn cho phép, nằm trong khu vực bãi giếng đã được xác định
trong giấy phép thì không phải xin phép, nhưng phải có hồ sơ gửi đến cơ quan cấp
giấy phép.
Điều 8.
Các công trình khai thác nước mới, hoặc mở rộng nhất
thiết phải trình cơ quan cấp phép để xin giấy phép khai thác nước. Hộ khai thác
phải trình dự kiến xin phép khai thác nước trước khi lập Dự án khả thi.
Điều 9.
Hồ sơ xin phép thăm dò, khai thác nước ngầm gồm:
a. Đơn xin phép thăm dò nước ngầm
(nếu vùng chưa có tài liệu thăm dò):
+ Đơn xin thăm dò;
+ Đề án thăm dò đã được cơ quan
có thẩm quyền xét duyệt;
+ Công văn của Uỷ ban nhân dân địa
phương thoả thuận, cho phép sử dụng đất để thăm dò, hoặc bản sao quyền sử dụng
đất tại nơi thăm dò;
+ Các văn bản pháp luật liên
quan khác.
b. Đơn xin phép khai thác nước
ngầm: (Phụ lục 1, 2, 3 kèm theo Quy định này).
+ Đơn xin phép khai thác nước ngầm;
+ Dự án khai thác nước ngầm;
+ Bản đồ khu vực và vị trí giếng
khai thác nước.
Các tài liệu kèm theo gồm:
+ Kết quả đánh giá chất lượng nước
ngầm của sở Y tế hoặc cơ quan y tế có thẩm quyền hoặc các phòng thí nghiệm được
các cơ quan có thẩm quyền cho phép đánh giá;
+ Báo cáo thăm dò đánh giá trữ
lượng nước ngầm;
+ Bản sao quyền sử dụng đất tại
nơi đặt giếng khai thác (nếu như nơi đặt giếng khai thác không thuộc quyền sử dụng
đất của hộ khai thác thì phải có văn bản thoả thuận quyền sử dụng đất giữa hộ
khai thác và hộ được quyền sử dụng đất có xác nhận của Uỷ ban nhân dân địa
phương).
+ Các văn bản có liên quan làm
căn cứ cấp phép: Giấy chấp thuận của hộ dùng nước khác nếu việc khai thác nước
có ảnh hưởng tới các hộ này (có xác nhận của Uỷ ban nhân dân địa phương)
Điều 10.
Đối với chương trình khai thác nước ngầm cho ăn uống
sinh hoạt nông thôn, cơ quan thực hiện chương trình có trách nhiệm làm thủ tục
xin khai thác nước ngầm theo Dự án, kế hoạch theo sự hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế, được Uỷ ban nhân dân tỉnh và các cấp thẩm quyền
duyệt hàng năm.
Hồ sơ xin khai thác nước ngầm gửi
về Uỷ ban nhân dân tỉnh hoặc cơ quan được Uỷ ban nhân dân tỉnh uỷ quyền, gồm:
- Đơn xin khai thác nước ngầm;
- Dự án khai thác nước ngầm;
- Sơ đồ bố trí công trình khai
thác và vị trí khu vực công trình khai thác nước ngầm;
- Bảng tổng hợp thống kê vị trí
công trình và tên hộ được đặt công trình khai thác nước ngầm;
Điều 11.
Thủ tục trình duyệt:
11.1. Trình tự xin phép và cấp
phép:
- Hộ khai thác nước phải gửi đơn
nêu dự kiến khai thác và xin thăm dò nước ngầm, kèm theo đề án thăm dò nước ngầm
và các hồ sơ cần thiết khác (theo Điều 9a) tới cơ quan quản lý nước.
- Sau khi nhận được đơn nêu dự
kiến khai thác và xin thăm dò nước ngầm, Cục Quản lý nước và công trình thuỷ lợi
hoặc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm xem xét kiểm tra thực
tế hiện trường, chuẩn bị văn bản trình Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn hoặc Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định.
11.2. Sau khi kết thúc công tác
thăm dò và khai thác thử, có đầy đủ tài liệu thực tế về địa chất thuỷ văn, hộ
khai thác phải nộp đầy đủ các tài liệu thực tế, các hồ sơ cần thiết (theo điều
9b) cho cơ quan tiếp nhận hồ sơ để tổ chức đánh giá và xét duyệt, trình cấp
trên có thẩm quyền ra quyết định cho phép khai thác nước và thi công khai thác
nước.
11.3. Đối với các công trình xin
khai thác nước ngầm đã có trước (giếng khoan cải tạo từ lỗ khoan tìm kiếm thăm
dò nước ngầm, đã có đầy đủ tài liệu địa chất, địa chất thuỷ văn - cột địa tầng
địa chất thuỷ văn, kết quả bơm hút thí nghiệm và kết quả phân tích thành phần
hoá học và vi trùng của nước...) thì cơ quan tiếp nhận hồ sơ chuẩn bị văn bản
trình cấp trên ra quyết định cho phép khai thác.
11.4. Khi hộ xin khai thác nước
ngầm trình bản Dự án khả thi công trình khai thác nước phải có ý kiến thoả thuận
bằng văn bản của cơ quan quản lý nước thì hộ khai thác mới được phép thi công.
11.5. Sau khi thi công công trình
khai thác nước và bơm khai thác thử, hộ khai phải gửi văn bản phê duyệt dự án
khả thi, nộp hồ sơ tài liệu về các giếng khai thác và tài liệu bơm khai thác thử,
chất lượng nước tới cơ quan quản lý nước. Cơ quan quản lý nước sẽ xem xét tài
liệu để cấp giấy phép chính thức cho phép khai thác nước.
Điều 12.
Nếu việc xin phép khai thác nước ngầm gây ra tranh
chấp hoặc tố tụng thì cơ quan cấp phép phải thông báo bằng văn bản cho hộ xin
phép. Việc tranh chấp hoặc tố tụng sau khi được giải quyết theo pháp luật thì hộ
xin phép khai thác nước phải làm đơn và xin phép lại.
Điều 13.
Các hộ xin phép khai thác nước đã qua thẩm tra, phê
chuẩn và đã được cấp giấy phép khai thác nước thì được ghi vào trong tập đăng
ký được phép khai thác nước và định kỳ thông báo chung.
Điều 14.
Trường hợp hồ sơ xin phép khai thác nước ngầm không đầy
đủ hoặc chưa đúng thủ tục, cơ quan quản lý nước yêu cầu hộ xin phép phải hoàn
chỉnh hồ sơ.
Điều 15.
Trong thời hạn 1 tháng kể từ ngày nhận được đơn và đủ hồ
sơ xin thăm dò khai thác nước ngầm cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm xem
xét thẩm định, chuẩn bị văn bản trình cấp có thẩm quyền quyết định.
Trong trường hợp phải kéo dài để
bổ sung hoàn chỉnh hồ sơ, tổ chức kiểm tra thực địa, xử lý các tranh chấp thì
thời hạn trên do hai bên nhận đơn và nộp đơn thoả thuận nhưng không được quá 3
tháng.
Nếu đơn không đựơc chấp thuận
thì cơ quan nhận đơn phải trả lời bằng văn bản giải thích rõ lý do cho bên nộp
đơn.
Điều 16.
Tất cả các hội đang khai thác nước ngầm thuộc diện
phải xin phép mà chưa có giấy phép thì phải làm thủ tục đăng ký công trình khai
thác nước ngầm tại cơ quan quản lý nước để xin cấp giấy phép khai thác nước (nhỏ
hơn 1000m3/ngày thì đăng ký tại Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố; Từ 1000m3/ngày
trở lên thì đăng ký tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Trong vòng 3
tháng sau khi quy định này có hiệu lực mà không đăng ký thì sẽ bị xử lý và đình
chỉ khai thác nước.
Điều 17.
Khi có một trong các tình huống dưới đây thì Bộ Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc Uỷ ban nhân dân tỉnh có thể quyết định giảm
thấp hoặc hạn chế lượng khai thác nước của hộ đã được cấp giấy phép khai thác
nước:
16.1. Do nguyên nhân tự nhiên
khiến nguồn nước không đủ thoả mãn việc cấp nước bình thường của vùng đó.
16.2. Khai thác nước ngầm quá mức
gây sụt lún mặt đất hoặc nhiễm bẩn nguồn nước ngầm.
16.3. Tổng lượng nước khai thác
do yêu cầu chung tăng lên mà không có nguồn nước khác hoặc biện pháp bổ sung.
Điều 18.
Quyền và nghĩa vụ của hộ được phép khai thác nước ngầm:
1. Hộ được cấp giấy phép khai thác nước ngầm có quyền khai thác nước theo quy định
của giấy phép và có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các điều quy định trong giấy
phép và các quy định về bảo vệ nước ngầm, các quy định về kỹ thuật và các luật
pháp khác có liên quan.
2. Hộ khai thác nước ngầm phải lắp
đặt thiết bị đo lường theo quy định, ghi chép và báo cáo lượng nước khai thác,
mực nước hạ thấp từng thời kỳ theo quy định.
3. Khi cơ quan quản lý nước kiểm
tra tình hình khai thác nước, hộ khai thác nước phải có trách nhiệm hợp tác, hỗ
trợ và cung cấp trung thực các thông tin liên quan về tình trạng khai thác nước.
4. Khi phát hiện thấy các thay đổi
lớn về số lượng, chất lượng nước ngầm và môi trường thì hộ khai thác phải báo
cáo kịp thời tới cơ quan quản lý nước.
Điều 19.
Quyền và nghĩa vụ của hộ được phép thăm dò nước ngầm:
- Tiến hành thăm dò theo Dự án
được duyệt;
- Thực hiện các quy định trong
giấy phép thăm dò, các quy định về bảo vệ nước ngầm, các quy phạm kỹ thuật và
luật pháp khác có liên quan;
- Khi cơ quan quản lý nước kiểm tra
tình hình thăm dò, hộ thăm dò phải có trách nhiệm hợp tác, hỗ trợ, cung cấp
trung thực các thông tin về tình hình thăm dò;
- Trình duyệt báo cáo thăm dò;
- Sau khi hoàn thành nhiệm vụ
thăm dò phải nộp một bộ báo cáo vào Lưu trữ Địa chất Nhà nước và một bộ cho Bộ
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
- Trong trường hợp muốn thay đổi
phương án thăm dò so với dự án được duyệt phải được sự đồng ý của Bộ Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn hoặc Uỷ ban nhân dân tỉnh.
Điều 20.
Nếu có một trong các tình huống dưới đây thì cơ quan cấp
giấy phép khai thác nước ra quyết định cho hộ khai thác nước trong thời hạn nhất
định phải khắc phục:
- Không khai thác nước theo quy
định;
- Không lắp đặt thiết bị đo lường
trong thời gian quy định;
- Không cung cấp đầy đủ các số
liệu liên quan hoặc cung cấp số liệu giả;
- Không chấp hành quyết định giảm
bớt hoặc hạn chế lượng khai thác nước của cơ quan quản lý nước.
- Không chấp hành các quy định về
bảo vệ môi trường;
- Khi nguồn nước ngầm bị cạn kiệt,
thì phải điều chỉnh việc khai thác theo yêu cầu của cơ quan quản lý.
Điều 21.
Các hộ chưa được cấp giấy phép, nếu tự ý khai thác nước
thì cơ quan quản lý nước ra quyết định đình chỉ khai thác nước.
Điều 22.
Thủ tục đăng ký công trình khai thác nước ngầm
Hồ sơ đăng ký gồm:
- Bản đăng ký công trình khai
thác nước ngầm;
- Bản đồ khu vực và vị trí công
trình khoan đào và khai thác nước.
- Kết quả đánh giá chất lượng nước
của Sở y tế hoặc của cơ quan có thầm quyền tương đương.
- Báo cáo đánh giá trữ lượng và
tình hình khai thác nước;
- Văn bản đánh giá trữ lượng nước
ngầm (nếu có);
- Bản sao quyền sử dụng đất, nơi
đặt công trình khai thác ngầm. Nếu khu vực đất đặt công trình khai thác không
thuộc quyền sử dụng của của hộ khai thác thì phải có văn bản thoả thuận giữa hộ
khai thác nước và hộ được quyền sử dụng đất có xác nhận của Uỷ ban nhân dân địa
phương.
Trong vòng 30 ngày kể từ khi nhận
được đầy đủ hồ sơ đăng ký, cơ quan tiếp nhận hồ sơ phải có trách nhiệm xem xét,
kiểm tra thực tế hiện trường, chuẩn bị văn bản trình Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn hoặc Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố quyết định.
Điều 23.
Quy định về việc hành nghề khoan khai thác nước ngầm:
- Mọi tổ chức, cá nhân không có
giấy phép hành nghề khoan nước ngầm do cơ quan quản lý Nhà nước về tài nguyên
nước cấp đều không có quyền khoan các hố khoan thăm dò và khai thác nước ngầm
(kể cả các hố khoan tay).
- Tổ chức hoặc cá nhân được cấp
giấy phép hành nghề khoan thăm dò và khai thác nước ngầm phải có tiêu chuẩn sau
đây:
Người chỉ đạo kỹ thuật phải tốt
nghiệp đại học các ngành về địa chất, khoan với một năm kinh nghiệm trong công
tác khoan giếng; hoặc tốt nghiệp trung cấp các ngành địa chất, khoan với 3 năm
kinh nghiệm trong công tác khoan giếng.
Điều 24.
Thẩm quyền cấp giấy phép hành nghề khoan giếng:
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn cấp giấy phép đăng ký hành nghề khoan thăm dò, khai thác nước ngầm
cho các doanh nghiệp trực thuộc Trung ương và các doanh nghiệp hộ tư nhân có phạm
vi hoạt động trên địa bàn từ hai tỉnh trở lên.
- Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố
trực thuộc Trung ương cấp giấy phép hành nghề khoan thăm dò và khai thác nước
ngầm cho các doanh nghiệp trực thuộc tỉnh và đơn vị, cá nhân có phạm vi hoạt động
trên địa bàn tỉnh mình.
Điều 25.
Quyền và nghĩa vụ của hộ, doanh nghiệp được cấp giấy
phép hành nghề khoan giếng:
- Tuân thủ các quy trình kỹ thuật
khoan, các quy định trong giấy phép và bảo vệ tầng chứa nước.
- Báo cáo định kỳ hàng năm cho
cơ quan cấp giấy phép về tình hình khoan thăm dò, khai thác nước ngầm của đơn vị
mình.
Điều 26.
Các đơn vị đã được cấp giấy phép hành nghề khoan nước ngầm
do các cơ quan khác cấp phải trình giấy phép tới cơ quan quản lý nước để được cấp
lại. Các đơn vị chưa có giấy phép hành nghề khoan nước ngầm phải làm thủ tục
xin cấp giấy phép tại cơ quan có thẩm quyền cấp phép theo quy định ở Điều 23.
Trong thời hạn 3 tháng kể từ
ngày ban hành Quy định này, mọi tổ chức, cá nhân khoan giếng thăm dò, khai thác
nước ngầm không có giấy phép hành nghề khoan nước ngầm do cơ quan quản lý nước
cấp đều không được hành nghề khoan thăm dò, khai thác nữa.
Điều 27.
Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung
ương căn cứ vào những quy định trên đây để xây dựng nguyên tắc thực hiện chi tiết
hơn cho địa phương mình và không trái với nội dung, nguyên tắc của Quy định
này.
Điều 28.
Quy định này có hiệu lực từ ngày ký quyết định. Những
quy định trước đây trái với Quy định này đều bị bãi bỏ.