ỦY BANNHÂN DÂN
TỈNH TÂY NINH
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
51/2024/QĐ-UBND
|
Tây Ninh, ngày 15
tháng 10 năm 2024
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN
HÀNH QUY ĐỊNH HỖ TRỢ ĐÀO TẠO NGHỀ, CHUYỂN ĐỔI NGHỀ VÀ TÌM KIẾM VIỆC LÀM CHO NGƯỜI
CÓ ĐẤT THU HỒI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TÂY NINH
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TÂY NINH
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày
19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật
Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm
2019;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật
ngày 22 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật
Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Luật Giáo dục nghề nghiệp ngày 27 tháng
11 năm 2014;
Căn cứ Luật Đất đai ngày 18 tháng 01 năm 2024;
Căn cứ Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng
7 năm 2015 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc
gia về việc làm;
Căn cứ Nghị định số 74/2019/NĐ-CP ngày 23 tháng
9 năm 2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số
61/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 7 năm 2015 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ
trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm;
Căn cứ Nghị định số 88/2024/NĐ-CP ngày 15 tháng
7 năm 2024 của Chính phủ quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước
thu hồi đất;
Căn cứ Quyết định số 46/2015/QD-TTg ngày 28
tháng 9 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ đào tạo
trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng;
Căn cứ Quyết định số 12/2024/QĐ-TTg ngày 31
tháng 7 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách giải quyết việc
làm và hỗ trợ đào tạo nghề cho người có đất thu hồi;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Lao động Thương
binh và Xã hội tại Tờ trình số 158/TTr-SLĐTBXH-DN ngày 15/10/2024.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo
Quyết định này Quy định hỗ trợ đào tạo nghề, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc
làm cho người có đất thu hồi trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.
Điều 2. Quyết định có hiệu
lực từ ngày 25 tháng 10 năm 2024.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy
ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở: Lao động, Thương binh và xã hội, Tài nguyên
và Môi trường, Tài chính; Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh; Chủ tịch Ủy ban
nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường,
thị trấn; các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành
Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ: Lao động-Thương binh và Xã hội,
Tài nguyên và Môi trường, Tài chính;
- Cục Kiểm tra VBQPPL (Bộ Tư pháp);
- Vụ Pháp chế (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội);
- T.T: Tỉnh ủy, HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Các Ban: KTNS, VHXH-HĐND tỉnh;
- Như Điều 3;
- LĐVP;
- Phòng: KGVX, TH, TTCBTH;
- Lưu: VT, VP.UBND tỉnh. Trình
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Hồng Thanh
|
QUY ĐỊNH
HỖ
TRỢ ĐÀO TẠO NGHỀ, CHUYỂN ĐỔI NGHỀ VÀ TÌM KIẾM VIỆC LÀM CHO NGƯỜI CÓ ĐẤT THU HỒI
TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TÂY NINH
(Kèm theo Quyết định số 51/2024/QĐ-UBND ngày 15 tháng 10 năm 2024 của
Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh)
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy định này quy định mức hỗ trợ đào tạo nghề, chuyển
đổi nghề và tìm kiếm việc làm cho người có đất thu hồi trên địa bàn tỉnh Tây
Ninh.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Người lao động thuộc hộ gia đình, cá nhân trực
tiếp sản xuất nông nghiệp có đất thu hồi (gọi chung là người có đất nông nghiệp
thu hồi) và không thuộc các trường hợp sau đây:
a) Cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan tại ngũ,
quân nhân chuyên nghiệp, công chức quốc phòng, công nhân và viên chức quốc
phòng, sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân công an, người làm công tác cơ yếu và người
làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu hưởng lương từ ngân sách nhà nước;
b) Người hưởng lương hưu;
c) Người nghỉ mất sức lao động, thôi việc được hưởng
trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng;
d) Người lao động có hợp đồng lao động không xác định
thời hạn.
2. Người lao động thuộc hộ gia đình, cá nhân có đất
thu hồi là đất ở kết hợp kinh doanh, dịch vụ mà phải di chuyển chỗ ở (gọi chung
là người có đất kinh doanh thu hồi).
Điều 3. Nguyên tắc hỗ trợ
1. Thực hiện hỗ trợ đúng đối tượng được quy định tại
Điều 2 của Quy định này.
2. Đảm bảo nguyên tắc công khai và minh bạch.
3. Thực hiện chính sách hỗ trợ theo phương án đào tạo,
chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm được Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt.
Điều 4. Mức hỗ trợ đào tạo nghề
Người có đất thu hồi được hỗ trợ tham gia đào tạo
nghề thực hiện theo Điều 5 của Quyết định số 12/2024/QĐ-TTg ngày 31 tháng 7 năm
2024 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách giải quyết việc làm và đào tạo
nghề cho người có đất thu hồi. Riêng đối với người có đất thu hồi tham gia đào
tạo nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng được hỗ trợ theo quy định của Thủ
tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới
03 tháng. Cụ thể như sau:
a) Hỗ trợ chi phí học nghề: Theo mức cụ thể của nghề,
tối đa không quá 1.900.000 đồng/người/khoá học.
b) Hỗ trợ tiền ăn: 30.000 đồng/người/ngày thực học.
c) Hỗ trợ tiền đi lại: mức 200.000 đồng/người/khóa
học nếu địa điểm đào tạo ở xa nơi cư trú từ 15 km trở lên.
2. Phương thức hỗ trợ: người có đất thu hồi có nhu
cầu học nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng đăng ký với cơ sở giáo dục
nghề nghiệp đủ điều kiện hoạt động theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp
hoặc Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện nơi có hộ khẩu thường trú
để đăng ký học nghề.
Điều 5. Mức hỗ trợ đi làm việc ở
nước ngoài theo hợp đồng
1. Kinh phí hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp
đồng quy định tại khoản 1 Điều này được xây dựng trong phương án đào tạo, chuyển
đổi nghề và tìm kiếm việc làm và được tính trong chi phí đầu tư của dự án hoặc
tổng kinh phí của phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
2. Mức hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng
a) Hỗ trợ chi phí đào tạo ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến
thức cần thiết
Đào tạo ngoại ngữ: Theo mức cụ thể của từng khóa học
và thời gian học thực tế, tối đa không quá 4.000.000 đồng/người/khóa học.
Bồi dưỡng kiến thức cần thiết: Theo chi phí thực tế,
tối đa không quá 530.000 đồng/người/khóa học.
Hỗ trợ tiền ăn, sinh hoạt phí trong thời gian đào tạo:
Mức 50.000 đồng/người/ngày thực học.
Hỗ trợ tiền ở trong thời gian đào tạo: 400.000 đồng/người/tháng.
Hỗ trợ tiền đi lại (01 lượt đi và về): mức 200.000
đồng/người/khóa học nếu địa điểm đào tạo ở xa nơi cư trú từ 15 km trở lên.
b) Hỗ trợ chi phí làm thủ tục để đi làm việc ở nước
ngoài
Lệ phí cấp hộ chiếu, giấy thông hành, giấy phép xuất
cảnh: mức chi thực hiện theo quy định tại Thông tư số 25/2021/TT-BTC ngày 07
tháng 4 năm 2021 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và
sử dụng phí, lệ phí trong lĩnh vực xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú tại
Việt Nam.
Phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp: mức chi
theo quy định tại Thông tư số 244/2016/TT-BTC ngày 11 tháng 11 năm 2016 của Bộ
Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí cung cấp
thông tin lý lịch tư pháp.
Lệ phí làm thị thực (visa) theo quy định hiện hành
của nước tiếp nhận lao động.
Chi phí khám sức khỏe theo giá dịch vụ khám bệnh,
chữa bệnh của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, mức hỗ trợ tối đa không quá 750.000 đồng/người.
3. Người có đất thu hồi được hỗ trợ đi làm việc ở
nước ngoài theo hợp đồng một lần theo chính sách quy định tại Điều này.
Điều 6. Tổ chức thực hiện
1. Trách nhiệm của Sở Lao động Thương binh và Xã
hội
a) Chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan, Ủy ban
nhân dân cấp huyện triển khai thực hiện quy định này; định kỳ tổng hợp, báo cáo
Ủy ban nhân dân tỉnh về kết quả đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người có đất
thu hồi;
b) Tổ chức tuyên truyền, phổ biến các chế độ chính
sách liên quan đến các đối tượng thụ hưởng;
c) Hướng dẫn Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã,
thành phố, Phòng Lao động - Thương binh và xã hội, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp,
các doanh nghiệp tiếp nhận lao động có đất thu hồi vào học nghề, giải quyết việc
làm, đi làm việc ở nước ngoài;
d) Chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan kiểm
tra, giám sát việc thực hiện các chính sách hỗ trợ theo Quy định này.
2. Trách nhiệm của Sở Tài chính: Phối hợp Sở
Kế hoạch và Đầu tư có ý kiến về phân bổ kế hoạch vốn đầu tư công ủy thác ngân
sách cấp tỉnh hàng năm qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Tây Ninh
để thực hiện cho vay đối với người có đất thu hồi.
3. Trách nhiệm của Sở Kế hoạch và Đầu tư: Chủ
trì, phối hợp với Sở Lao động Thương binh và Xã hội (cơ quan tham mưu về giải
quyết việc làm, chính sách an sinh, xã hội), Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh
Tây Ninh để tham mưu trình cấp có thẩm quyền phân bổ kế hoạch vốn đầu tư công ủy
thác ngân sách cấp tỉnh qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Tây Ninh
theo quy định.
4. Trách nhiệm của Ngân hàng Chính sách xã hội
chi nhánh tỉnh Tây Ninh
a) Triển khai kịp thời, đầy đủ các văn bản hướng dẫn
cho vay vốn của Tổng Giám đốc Ngân Chính sách xã hội.
b) Tổ chức thực hiện cho vay vốn đối với người có đất
thu hồi trên địa bàn tỉnh đúng quy định;
c) Phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan tuyên
truyền chính sách về tín dụng đối với người có đất thu hồi.
5. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các huyện, thị
xã, thành phố
a) Có trách nhiệm lập và tổ chức thực hiện phương
án đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm cho người có đất thu hồi;
b) Tổ chức các lớp đào tạo nghề trình độ sơ cấp,
đào tạo dưới 3 tháng theo Điều 4 của Quy định này và gắn với giải quyết việc
làm cho người lao động có đất thu hồi trên địa bàn phù hợp với phát triển kinh
tế xã hội tại địa phương./.