ỦY BAN TRUNG ƯƠNG
MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM
BAN THƯỜNG TRỰC
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 70/HD-MTTW-BTT
|
Hà Nội, ngày 05
tháng 8 năm 2021
|
HƯỚNG DẪN
VIỆC
PHỐI HỢP GIÁM SÁT THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ NGƯỜI LAO ĐỘNG VÀ NGƯỜI SỬ DỤNG
LAO ĐỘNG GẶP KHÓ KHĂN DO ĐẠI DỊCH COVID-19
Căn cứ Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015;
Căn cứ Quyết định số 217/QĐ-TW , ngày 12/12/2013 của
Bộ Chính trị khóa XI về ban hành quy chế giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận
Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội;
Căn cứ Nghị quyết liên tịch số
403/2017/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTWMTTQ Việt Nam, ngày 15/6/2017 giữa Ủy ban Thường
vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt
Nam;
Căn cứ Nghị quyết số 68-NQ/CP,
ngày 01/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người
sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 (sau đây gọi tắt là Nghị quyết
số 68-NQ/CP);
Căn cứ Quyết định số
23/2021/QĐ/TTg, ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định việc thực hiện
một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn
do đại dịch Covid-19 (sau đây gọi tắt
là Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg);
Sau khi thống nhất với Tổng Liên đoàn
Lao động Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Trung ương Đoàn
Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Nông dân
Việt Nam, Trung ương Hội Cựu Chiến binh
Việt Nam và các cơ quan có liên quan; Ban Thường trực Ủy ban Trung ương
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hướng dẫn việc giám sát thực hiện chính sách hỗ trợ
người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, cụ thể như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
- Phát huy vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc
Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận trong giám sát nhằm kịp thời
đưa chủ trương của Đảng, Nhà nước về chính sách hỗ trợ người lao động và người
sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, góp phần giảm thiểu những
tác động tiêu cực của đại dịch, đảm bảo đời sống người lao động, ổn định và phục
hồi sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh.
- Thông qua hoạt động giám sát do Mặt trận Tổ quốc
Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội chủ trì, góp phần thúc đẩy và bảo đảm
các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do
đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết số
68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg được triển khai kịp thời, đúng đối tượng,
công bằng, chính xác; kịp thời phát hiện những tồn tại, hạn chế và ngăn chặn
các hành vi trục lợi, vi phạm trong thực hiện chính sách.
2. Yêu cầu
- Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị
- xã hội các cấp tổ chức việc giám sát đi đôi với đẩy mạnh công tác phổ biến,
tuyên truyền về chính sách hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động
bị ảnh hưởng dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số
23/2021/QĐ-TTg ; nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân phản ánh kịp
thời với cấp ủy, chính quyền.
- Động viên, khuyến khích giám sát trực tiếp của
người dân ở cộng đồng dân cư trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ; nêu cao
trách nhiệm của Ban Công tác Mặt trận, phát huy vai trò chủ trì, phối hợp của Mặt
trận Tổ quốc Việt Nam với các tổ chức tổ chức chính trị - xã hội, các thành
viên của Mặt trận để triển khai hiệu quả công tác giám sát.
- Công tác giám sát phải bảo đảm tính khách quan,
công tâm, trách nhiệm; đấu tranh với các biểu hiện tiêu cực, không công khai
minh bạch và các biểu hiện lợi dụng, trục lợi
chính sách.
- Trong quá trình giám sát, Mặt trận Tổ quốc Việt
Nam và các tổ chức chính trị - xã hội phải linh hoạt lựa chọn các hình thức
giám sát phù hợp với tình hình phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của địa phương,
đơn vị.
II. NỘI DUNG, ĐỐI TƯỢNG, CHỦ THỂ,
THỜI GIAN VÀ HÌNH THỨC GIÁM SÁT
1. Giám sát việc
triển khai chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
a- Nội dung giám sát: Giám sát cơ
quan có thẩm quyền trong việc thực hiện chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (quy định tại Mục 1, Phần II, Nghị quyết số 68-NQ/CP và từ Điều 1 đến Điều 3, Chương I, Quyết định số
23/2021/QĐ-TTg).
b- Đối tượng giám
sát: Bảo hiểm xã hội Việt Nam; Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh, huyện.
c- Chủ thể chủ trì
giám sát:
- Liên đoàn Lao động
cấp tỉnh giám sát chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn
lao động, bệnh nghề nghiệp ở cấp tỉnh.
- Liên đoàn Lao động
cấp huyện giám sát chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn
lao động, bệnh nghề nghiệp ở cấp huyện, cấp xã.
d- Hình thức giám
sát: Căn cứ điều kiện thực tế, có thể giám sát thông qua
nghiên cứu bằng văn bản hoặc tổ chức Đoàn giám sát tại các cơ quan bảo hiểm xã
hội cùng cấp.
2. Giám sát việc
triển khai chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động tạm dừng
đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất
a- Nội dung giám sát: Giám sát cơ
quan có thẩm quyền trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ người
lao động và người sử dụng lao động tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất (quy
định tại Mục 2, Phần II, Nghị quyết số
68-NQ/CP và từ Điều 4 đến Điều 8, Chương II, Quyết định
số 23/2021/QĐ-TTg).
b- Đối tượng giám
sát: Bảo hiểm xã hội Việt Nam; Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh, huyện.
c- Chủ thể giám sát:
- Liên đoàn Lao động
cấp tỉnh giám sát triển khai chính sách hỗ trợ người lao động
và người sử dụng lao động tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất ở cấp tỉnh.
- Liên đoàn Lao động
cấp huyện giám sát triển khai chính sách hỗ trợ người lao
động và người sử dụng lao động tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất ở cấp
huyện, xã.
d- Hình thức giám
sát: Căn cứ điều kiện thực tế, có thể giám sát thông qua
nghiên cứu bằng văn bản hoặc tổ chức Đoàn giám sát tại các cơ quan bảo hiểm xã
hội cùng cấp.
3. Giám sát việc
triển khai chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng
cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động
a- Nội dung giám sát: Giám sát cơ
quan có thẩm quyền trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ người sử
dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc
làm cho người lao động (quy định tại Mục
3, Phần II, Nghị quyết số 68-NQ/CP và từ Điều
9 đến Điều 12, Chương III, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg).
b- Đối tượng giám
sát: Sở Lao động - Thương binh và xã hội; Phòng Lao động-Thương
binh và xã hội ở cấp huyện; Bảo hiểm xã hội Việt Nam các cấp.
c- Chủ thể chủ trì
giám sát:
- Đoàn Thanh niên Cộng
sản Hồ Chí Minh cấp tỉnh triển khai giám sát chính sách hỗ
trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để
duy trì việc làm cho người lao động ở cấp tỉnh;
- Đoàn Thanh niên Cộng
sản Hồ Chí Minh cấp huyện giám sát triển khai chính sách hỗ
trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để
duy trì việc làm cho người lao động ở cấp huyện, xã.
d- Hình thức giám
sát: Căn cứ điều kiện thực tế, có thể giám sát thông qua
nghiên cứu bằng văn bản hoặc tổ chức Đoàn giám sát tại các cơ quan Lao động-Thương
binh và xã hội, cơ quan Bảo hiểm xã hội cùng cấp.
4. Giám sát việc
triển khai chính sách hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động,
nghỉ việc không hưởng lương
a- Nội dung giám sát: Giám sát cơ
quan có thẩm quyền trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ người
lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương (quy
định tại Mục 4, Phần II, Nghị quyết số
68-NQ/CP và từ Điều 13 đến Điều 16,
Chương IV, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg).
b- Đối tượng giám
sát: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân cấp huyện.
c- Chủ thể chủ trì
giám sát: Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh chủ trì giám sát việc triển khai chính sách hỗ trợ người
lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương.
d- Hình thức giám
sát: Căn cứ điều kiện thực tế của mỗi địa phương, có thể
giám sát thông qua nghiên cứu bằng văn bản hoặc tổ chức Đoàn giám sát tại Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; giám sát việc tiếp
nhận hồ sơ ở Ủy ban nhân dân cấp huyện.
5. Giám sát việc
triển khai chính sách hỗ trợ người lao động ngừng việc
a- Nội dung giám sát: Giám sát cơ
quan có thẩm quyền trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ người
lao động ngừng việc (quy định tại Mục 5, Phần II, Nghị quyết số 68-NQ/CP và từ
Điều 17 đến Điều 20, Chương V, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg).
b- Đối tượng giám
sát: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân cấp huyện.
c- Chủ thể chủ trì
giám sát: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh chủ
trì giám sát việc khai chính sách hỗ trợ người lao động tạm
hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương.
d- Hình thức giám
sát: Căn cứ điều kiện thực tế của mỗi địa phương, có thể
giám sát thông qua nghiên cứu bằng văn bản liên quan hoặc tổ chức Đoàn giám sát
trực tiếp việc triển khai chính sách hỗ trợ người lao động
ngừng việc tại Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, hoặc giám
sát việc tiếp nhận hồ sơ ở Ủy ban nhân dân cấp
huyện.
6. Giám sát việc
triển khai chính sách hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động nhưng
không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp
a- Nội dung giám sát: Giám sát cơ
quan có thẩm quyền trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ người
lao động chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp
thất nghiệp (quy định tại Mục 6, Phần II, Nghị quyết số 68-NQ/CP và từ
Điều 21 đến Điều 24, Chương VI, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg).
b- Đối tượng giám
sát: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Sở Lao động-Thương
binh và xã hội.
c- Chủ thể chủ trì
giám sát: Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
cấp tỉnh chủ trì giám sát việc khai chính sách hỗ trợ người
lao động chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp
thất nghiệp.
d- Hình thức giám
sát: Căn cứ điều kiện thực tế của mỗi địa phương, có thể
giám sát thông qua nghiên cứu bằng văn bản liên quan hoặc tổ chức Đoàn giám sát
việc triển khai chính sách hỗ trợ người lao động ngừng
việc tại Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, hoặc giám sát việc tiếp nhận hồ
sơ tại Sở Lao động-Thương binh và xã hội địa phương.
7. Giám sát việc
triển khai chính sách hỗ trợ đối với trẻ em và người đang điều trị Covid-19,
cách ly y tế
a- Nội dung giám sát: Giám sát cơ
quan có thẩm quyền trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ đối
với trẻ em và người đang điều trị Covid-19, cách ly y tế (quy
định tại Mục 7, 8 Phần II của Nghị quyết số
68-NQ/CP và từ Điều 25 đến Điều 27,
Chương VII, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg).
b- Đối tượng giám
sát: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân cấp
huyện.
c- Chủ thể chủ trì
giám sát: Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp tỉnh chủ trì giám sát
việc triển khai chính sách hỗ trợ đối với trẻ em và
người đang điều trị Covid-19, cách ly y tế theo quy định.
d- Hình thức giám
sát: Căn cứ điều kiện thực tế của mỗi địa phương, có thể
giám sát thông qua nghiên cứu bằng văn bản liên quan hoặc tổ chức Đoàn
giám sát tại Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, hoặc giám sát việc tiếp nhận
hồ sơ tại Ủy ban nhân dân cấp huyện.
8. Giám sát việc
triển khai chính sách hỗ trợ viên chức hoạt động nghệ thuật và người lao động
là hướng dẫn viên du lịch
a- Nội dung giám sát: Giám sát cơ
quan có thẩm quyền trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ đối
với viên chức hoạt động nghệ thuật và người lao động là hướng dẫn viên du lịch (quy định tại Mục 9, Phần
II của Nghị quyết số 68-NQ/CP và từ Điều
28 đến Điều 34, Chương VIII, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg).
b- Đối tượng giám
sát: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Sở Văn hóa, Thể
thao và Du lịch/Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch (sau đây gọi chung
là cơ quan chuyên môn về văn hóa, du lịch cấp tỉnh).
c- Chủ thể chủ trì
giám sát: Hội Cựu chiến binh Việt Nam cấp tỉnh chủ trì giám sát việc triển
khai chính sách hỗ trợ viên chức hoạt động nghệ thuật và
người lao động là hướng dẫn viên du lịch.
d- Hình thức giám
sát: Căn cứ điều kiện thực tế của mỗi địa phương, có thể
giám sát thông qua nghiên cứu bằng văn bản liên quan hoặc tổ chức Đoàn
giám sát tại Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; giám
sát việc tiếp nhận hồ sơ tại cơ quan chuyên môn về văn
hóa, du lịch cấp tỉnh.
9. Giám sát việc
triển khai chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh
a- Nội dung giám sát: Giám sát cơ
quan có thẩm quyền trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ hộ kinh
doanh (quy định tại Mục 10, Phần II
của Nghị quyết số 68-NQ/CP và từ Điều
35 đến Điều 37, Chương IX, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg).
b- Đối tượng giám
sát: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện,
cấp xã; Chi cục Thuế.
c- Chủ thể chủ trì
giám sát: Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp tỉnh, cấp huyện chủ trì giám sát việc triển khai chính sách hỗ trợ
hộ kinh doanh.
d- Hình thức giám
sát: Tùy điều kiện thực tế của mỗi địa phương, có thể giám sát thông qua nghiên
cứu bằng văn bản liên quan hoặc tổ chức Đoàn giám sát đến
việc triển khai chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh tại Ủy ban
nhân dân cấp tỉnh; Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp huyện giám sát
việc tiếp nhận hồ sơ tại Ủy ban nhân dân cấp huyện; và
giám sát cấp xã trong việc tiếp nhận, xử lý hồ sơ đề nghị hỗ trợ của hộ kinh doanh tại Ủy ban nhân dân cấp xã.
10. Giám sát
việc triển khai chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương
ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất
a- Nội dung giám sát: Giám sát cơ
quan có thẩm quyền trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ người sử
dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất (quy
định tại Mục 11, Phần II của Nghị quyết số
68-NQ/CP và từ Điều 38 đến Điều 43,
Chương X, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg).
b- Đối tượng giám
sát: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam ở trung
ương và địa phương.
c- Chủ thể chủ trì
giám sát:
- Nếu cần thiết, Ban Thường trực Ủy
ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ
trì giám sát tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong việc cấp bổ sung nguồn vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội và
giám sát việc phân bổ nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách
xã hội Việt Nam cho Ngân hàng Chính sách xã hội các địa phương.
- Hội Nông dân cấp tỉnh
chủ trì giám sát việc hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng
việc, trả lương phục hồi sản xuất của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, huyện.
d- Hình thức giám
sát: Căn cứ điều kiện thực tế của mỗi địa phương, có thể
giám sát thông qua nghiên cứu bằng văn bản liên quan hoặc tổ chức Đoàn giám
sát tại các cơ quan được giám sát.
11. Giám sát
việc triển khai hỗ trợ đối với lao động không có giao kết hợp đồng lao động
(lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác (nếu có)
- Nội dung giám sát: Giám sát cơ
quan có thẩm quyền trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ đối với
lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng
đặc thù khác (nếu có) (quy định tại Mục
12, Phần II của Nghị quyết số 68-NQ/CP).
- Đối tượng giám
sát: Ủy ban nhân dân các cấp
- Chủ thể chủ trì
giám sát: Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh chủ trì
giám sát.
- Hình thức giám
sát: Căn cứ điều kiện thực tế của mỗi địa phương, có thể
giám sát thông qua nghiên cứu bằng văn bản liên quan hoặc tổ chức Đoàn
giám sát tại Ủy ban nhân dân các cấp.
III.
QUY TRÌNH, CÁC BƯỚC TRIỂN KHAI GIÁM SÁT
Thực hiện theo quy định
tại Nghị quyết liên tịch số 403/2017/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTWMTTQ VN,
ngày 15/6/2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban
Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Thông tri số 23/TTr-MTTW-BTT , ngày
21/7/2017 của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về hướng
dẫn quy trình giám sát và quy trình phản biện xã hội của Mặt trận tổ quốc Việt
Nam.
IV. THỜI GIAN
GIÁM SÁT
- Thời gian giám sát: Từ ngày
15/8/2021 đến ngày 30/6/2022. Căn cứ vào thời gian, tiến độ triển khai hỗ trợ
cho các đối tượng được hỗ trợ của các cơ quan có thẩm quyền, các cơ quan chủ
trì giám sát xây dựng kế hoạch và tổ chức giám sát phù hợp.
- Thời hiệu giám sát: Giám sát việc
triển khai hỗ trợ từ khi Nghị quyết số 68-NQ/CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg có hiệu lực.
V. KINH PHÍ THỰC HIỆN
1. Đề nghị Trung ương các tổ
chức chính trị - xã hội hướng dẫn trong hệ thống tổ chức chủ động bố trí kinh
phí giám sát theo nhiệm vụ được phân công.
2. Đề nghị Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp xây dựng kế hoạch và dự trù
kinh phí, thống nhất với Ủy ban nhân dân cùng cấp đảm bảo
kinh phí thực hiện nhiệm vụ này; trước mắt để kịp thời triển
khai nhiệm vụ, đề nghị sử dụng kinh phí giám sát trong dự toán được giao đầu
năm.
3. Việc bố trí, sử dụng và quyết toán khoản
kinh phí giám sát này thực hiện theo Thông tư số 337/2016/TT-BTC ngày
28/12/2016 của Bộ Tài chính.
VI. TỔ CHỨC THỰC
HIỆN
1. Ban Thường trực Ủy ban Trung
ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
- Ban hành hướng dẫn
việc phối hợp giám sát thực hiện chính sách hỗ trợ người
lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
- Làm việc với Bộ Lao động - Thương binh và xã hội,
Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam, Bảo hiểm
xã hội Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài
chính kịp thời cung cấp thông tin về việc triển khai chính sách hỗ trợ để Mặt
trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị
- xã hội thực hiện nhiệm vụ giám sát.
- Chủ trì tổ chức giám sát tại các
cơ quan Trung ương thực hiện chính sách hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng
lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 (giám sát tại Bộ Lao động-Thương
binh và xã hội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt
Nam, Bảo hiểm xã hội Việt Nam…).
- Chủ trì, phối hợp tổ chức
đoàn liên ngành kiểm tra công tác giám sát ở 03 địa phương (dự kiến tỉnh Đắk Lắk,
Đắk Nông, Bình Phước).
Thành phần đoàn kiểm tra gồm đại diện Ban Thường trực
Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đại diện các tổ chức chính trị- xã
hội và đại diện một số bộ, ngành liên quan.
- Thành lập tổ liên ngành hướng dẫn, xử lý tình huống
phát sinh trong quá trình giám sát của các địa phương.
- Tổng hợp chung kết quả giám sát của
các tổ chức chính trị - xã hội và các địa phương về việc giám sát thực
hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do
đại dịch Covid-19 của các cơ quan chức năng, địa phương.
2. Đối với các tổ chức chính trị - xã hội
- Hướng dẫn, chỉ đạo và đôn đốc các cấp
hội ở địa phương triển khai giám sát theo phân công tại mục II của Hướng dẫn
này; có văn bản hướng dẫn các cấp trong hệ thống phối hợp chặt chẽ với Mặt
trận Tổ quốc cùng cấp để triển khai nhiệm vụ.
- Chủ trì tổ chức đoàn liên
ngành kiểm tra công tác giám sát ở các địa phương (dự kiến: Tổng
Liên đoàn Lao động Việt Nam kiểm tra tại Đồng Nai, Bình Dương; Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam kiểm tra tại: Đà Nẵng,
Thừa Thiên Huế; Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng
sản Hồ Chí Minh kiểm tra tại Hải Phòng, Hải Dương; Trung
ương Hội Nông dân Việt Nam kiểm tra tại Đồng Tháp, Vĩnh Long; Trung ương Hội Cựu chiến binh
Việt Nam kiểm tra tại Nghệ An, Hà Tĩnh).
Thành phần đoàn kiểm tra gồm đại diện các các tổ chức
chính trị - xã hội; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đại diện một số
bộ, ngành liên quan.
- Tham gia các đoàn giám sát tại
các cơ quan Trung ương thực hiện chính sách hỗ trợ cho người lao động và người
sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 do Ban Thường trực Ủy ban
Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì.
- Cử cán bộ cấp vụ tham gia tổ liên ngành hướng dẫn,
xử lý tình huống phát sinh trong quá trình giám sát của các địa phương.
- Báo cáo kết quả giám sát của các tổ chức hội theo nội dung
phân công gửi về Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt
Nam để tổng hợp.
3. Đối với
Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố
- Chủ trì, phối hợp với các tổ chức chính trị - xã
hội ở địa phương báo cáo Thường trực cấp ủy và xây dựng kế hoạch chi tiết, phân
công nội dung giám sát, chủ trì đoàn giám sát cho các tổ chức chính trị xã hội
để tổ chức giám sát phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức (theo phân
công tại Mục II của Hướng dẫn này).
- Làm việc với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố;
các cơ quan liên quan kịp thời cung cấp thông tin về việc triển khai chính sách
hỗ trợ để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ
chức chính trị - xã hội ở địa phương thực hiện nhiệm vụ giám sát.
- Chủ trì phối hợp chặt chẽ với các tổ chức thành
viên để thống nhất nội dung giám sát; phát huy trách nhiệm của Ban công tác Mặt
trận khu dân cư, phối hợp chặt chẽ với trưởng thôn, trưởng khu phố trong công
tác quản lý địa bàn và vận động nhân dân tham gia giám sát tại địa bàn.
- Sau giám sát, trong vòng 03 ngày làm việc, đại diện
đoàn giám sát cấp xã, cấp huyện có báo cáo kết quả giám sát gửi cấp ủy, chính
quyền cùng cấp và Mặt trận Tổ quốc cấp trên trực tiếp. Trong trường hợp không
thành lập đoàn giám sát, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên của Mặt trận
ở cấp xã, cấp huyện có trách nhiệm giám sát bằng văn bản việc lập danh sách, việc
tiếp nhận, giải quyết hồ sơ và chi trả kinh phí hỗ trợ cho các đối tượng được hỗ
trợ của các cơ quan chức năng và báo cáo với cấp ủy, chính quyền cùng cấp và Ủy
ban Mặt trận Tổ quốc Việt nam cấp trên trực tiếp.
- Chậm nhất 15 ngày, sau khi kết
thúc đợt giám sát hỗ trợ theo Nghị quyết của Chính phủ và Quyết
định của Thủ tướng Chính phủ, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh,
thành phố báo cáo kết quả giám sát về Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
* Lưu ý: Đối với các địa
phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo nội dung Chỉ thị số 16/CT-TTg , ngày
31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ thì tập trung phối hợp với các cơ quan
chức năng của địa phương triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19;
sau khi dịch bệnh đã được kiểm soát thì triển khai công tác giám sát theo nội
dung Hướng dẫn.
4. Giao cho Ban Phong trào
tham mưu giúp Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực
hiện nhiệm vụ quy định tại mục 1, phần VI của Hướng dẫn này; là đầu mối tham
mưu và giúp Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì
phối hợp tổ chức hoạt động giám sát.
Nơi nhận:
- Đồng chí Thủ tướng
Chính phủ (để báo cáo);
- Đồng chí Thường trực Ban Bí
thư (để báo cáo);
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội (để báo cáo);
- BTT UBTWMTTQ Việt Nam (để chỉ đạo);
- Các bộ: LĐTB&XH, VHTT&DL, KH&ĐT, TC;
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
- Bảo hiểm Xã hội Việt Nam;
- Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam;
- Trung ương các tổ chức CT-XH (để phối
hợp);
- VPTW Đảng, Ban DVTW,
VPCP;
- Tỉnh ủy, UBND các tỉnh, thành
phố;
- Ủy ban MTTQ VN các tỉnh,
thành phố (để thực hiện)
- Lưu: VT, PT.
|
TM.
BAN THƯỜNG TRỰC
PHÓ CHỦ TỊCH
Trương Thị Ngọc Ánh
|