ỦY BAN NHÂN
DÂN
TỈNH AN GIANG
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 349/QĐ-UBND
|
An Giang, ngày
25 tháng 02 năm 2021
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC QUY ĐỊNH TIÊU CHÍ LỰA CHỌN SÁCH GIÁO KHOA SỬ DỤNG
TRONG CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC PHỔ THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH AN GIANG
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương
ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức
Chính phủ và Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Thông tư số
32/2018/TT-BGDĐT ngày 26 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Chương trình giáo dục phổ thông, Chương
trình tổng thể và Chương trình môn học/hoạt động giáo dục;
Căn cứ Thông tư số
25/2020/TT-BGDĐT ngày 26 tháng 8 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và
Đào tạo ban hành Quy định về việc lựa chọn sách giáo
khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo
tại Tờ trình số 369/TTr-SGDĐT ngày 08 tháng 02 năm 2021.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa sử dụng trong các cơ
sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh An Giang.
Điều 2. Giao Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các cơ sở giáo dục phổ
thông đề xuất lựa chọn sách giáo khoa và sử dụng sách giáo khoa theo quy định tại
Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT ngày 26 tháng 8 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục
và Đào tạo và đảm bảo phù hợp với các tiêu chí nêu tại Điều 1.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở
Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố và Thủ
trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định
này./.
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Lê Văn Phước
|
QUY ĐỊNH
TIÊU CHÍ LỰA CHỌN
SÁCH GIÁO KHOA SỬ DỤNG TRONG CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC PHỔ THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH AN
GIANG
I. MỤC TIÊU
Tiêu chí lựa
chọn sách giáo khoa là căn cứ để các cơ sở giáo dục phổ thông lựa chọn
sách giáo khoa thuộc danh mục sách giáo khoa đã được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và
Đào tạo phê duyệt đưa vào sử dụng từ năm học 2021-2022 và những năm tiếp theo trong
cơ sở giáo dục phổ thông.
II. TIÊU CHÍ LỰA CHỌN SÁCH GIÁO KHOA
1. Phù hợp với
đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương
Cấu trúc và nội
dung sách giáo khoa có tính mở, tạo điều kiện để địa phương và các cơ sở giáo dục
phổ thông chủ động, linh hoạt trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục
nhà trường theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực người học; phù hợp
với việc dạy học 02 buổi/ngày hoặc 01 buổi/ngày; trong đó, hình thức và nội
dung của sách giáo khoa đảm bảo các yêu cầu sau đây:
1.1. Cấu trúc,
nội dung tạo cơ hội để nhà trường, tổ/nhóm chuyên môn và giáo viên có thể bổ
sung những nội dung và hoạt động đặc thù thích hợp, sát với thực tế của địa
phương, đơn vị; đảm bảo tính khả thi, tính mềm dẻo, có thể điều chỉnh để phù
hợp với khả năng học tập của nhiều nhóm đối tượng học sinh.
1.2. Đảm bảo
tính kế thừa ngôn ngữ và cách thức thể hiện phù hợp với truyền thống văn hóa, lịch
sử, địa lý của Việt Nam nói chung và của địa phương An Giang nói riêng.
1.3. Được thiết
kế, trình bày phù hợp cho cha mẹ học sinh dễ nắm bắt và theo dõi việc học tập của
con em mình nhằm góp phần giúp học sinh đạt được mục tiêu học tập, giáo dục
theo yêu cầu của giáo viên và nhà trường.
1.4. Giúp nhà
trường, tổ/nhóm chuyên môn và giáo viên chủ động, sáng tạo trong việc xây dựng
và thực hiện kế hoạch giáo dục dưới sự hướng dẫn của các cơ quan quản lý giáo dục
ở từng địa phương.
1.5. Đảm bảo
tính khoa học, tính hiệu quả, phù hợp với trình độ của học sinh, điều kiện, đặc
điểm của các vùng khác nhau trong tỉnh.
1.6. Có thể
triển khai tốt với điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị và các điều kiện dạy
học khác hiện có tại địa phương, đơn vị (vận dụng thiết bị, đồ dùng dạy học hiện
có; thiết bị, đồ dùng dạy học đi kèm đơn giản, dễ làm, dễ tìm kiếm).
1.7. Chất lượng
của sách giáo khoa phải đảm bảo sử dụng được lâu dài nhằm tiết kiệm kinh phí,
tránh lãng phí cho nhà trường và cha mẹ học sinh;
có giá cả phù hợp với điều kiện mua sắm
của số đông cha mẹ học sinh.
2. Phù hợp với
điều kiện tổ chức dạy và học tại cơ sở giáo dục phổ thông
2.1. Tạo
điều kiện cho giáo viên đổi mới hình thức tổ chức, phương pháp dạy học và kiểm
tra đánh giá
- Các bài học/chủ
đề trong sách giáo khoa được thiết kế, trình bày với đa dạng các hoạt động tạo
điều kiện thuận lợi cho giáo viên trong việc lựa chọn phương án, hình thức tổ
chức và phương pháp dạy học tích cực.
- Có đầy đủ
các nội dung, chủ đề kiến thức liên môn giúp giáo viên có thể thực hiện dạy học
tích hợp, gắn kết bài học với thực tiễn cuộc sống; phù hợp với năng lực đội ngũ
giáo viên và điều kiện cơ sở vật chất hiện có của nhà trường.
- Nội dung thể
hiện rõ, đủ các yêu cầu về mức độ cần đạt, đảm bảo mục tiêu phân hóa, giúp giáo
viên có thể lựa chọn công cụ, hình thức và phương pháp đánh giá được mức độ đáp
ứng yêu cầu về phẩm chất, năng lực của học sinh.
- Nội dung
sách tạo điều kiện để nhà trường, tổ/nhóm chuyên môn và giáo viên xây dựng kế
hoạch kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh phù hợp với kế hoạch giáo
dục, hoạt động giáo dục nhà trường theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực
người học.
2.2. Phù
hợp với năng lực học tập của học sinh
- Sách giáo
khoa được trình bày cân đối, hài hòa, phù hợp giữa kênh chữ và kênh hình, đảm bảo
tính thẩm mĩ, tạo được sự hứng thú cho học sinh và phù hợp với đặc trưng môn học; kênh chữ rõ
ràng, ngữ nghĩa cụ thể, dễ hiểu.
- Cấu trúc, nội
dung các bài học trong sách giáo khoa thiết kế từ dễ đến khó, từ đơn giản đến
phức tạp tạo cơ hội thúc đẩy học sinh học tập tích cực, rèn luyện các kỹ năng,
kích thích tư duy sáng tạo, độc lập; đồng thời phải mang tính phát triển đồng
tâm đối với các cấp học.
- Nội dung
sách giáo khoa đảm bảo tính khoa học, với các hoạt động học tập phong phú được
chỉ dẫn rõ ràng, có tính kế thừa các mạch kiến thức, có tính thực tiễn, dễ hiểu,
phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi và trình độ hiểu biết của học sinh, giúp học
sinh xác định được mục tiêu học tập, đáp ứng các yêu cầu cần đạt.
- Nội dung,
hình thức trình bày sách giáo khoa đảm bảo cho học sinh có khả năng tự học, tự
tìm tòi kiến thức, bồi dưỡng phẩm chất, năng lực, vận dụng kiến thức và kỹ năng
thông qua giải quyết nhiệm vụ học tập đặt ra trong mỗi bài học.
Trong quá
trình thực hiện Quy định này, khi có phát sinh khó khăn, vướng mắc hoặc không
phù hợp với thực tế xét thấy cần thiết phải điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung; các
cơ quan, đơn vị kịp thời phản ánh về Sở Giáo dục và Đào tạo để tổng hợp báo cáo
Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.