BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC HẢI QUAN
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 1399/QĐ-TCHQ
|
Hà Nội, ngày 15
tháng 7 năm 2022
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN
HÀNH CHƯƠNG TRÌNH THÍ ĐIỂM HỖ TRỢ, KHUYẾN KHÍCH DOANH NGHIỆP TỰ NGUYỆN TUÂN THỦ
PHÁP LUẬT HẢI QUAN
TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC HẢI QUAN
Căn cứ Luật Hải
quan số 54/2014/QH13 ngày 23 tháng 6 năm 2014;
Căn cứ Nghị định số 08/2015/NĐ-CP
ngày 21 tháng 01 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành
Luật hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra
giám sát hải quan, kiểm soát hải quan;
Căn cứ Nghị định số 59/2018/NĐ-CP
ngày 20 tháng 4 năm 2018 sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21 tháng 01 năm 2015 của
Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra
giám sát hải quan, kiểm soát hải quan;
Căn cứ Thông tư số 38/2015/TT-BTC
ngày 25 tháng 3 năm 2015 của Bộ Tài chính quy định về thủ tục hải quan; kiểm
tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với
hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu;
Căn cứ Thông tư số 39/2018/TT-BTC
ngày 20 tháng 4 năm 2018 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số Điều của
Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25 tháng 3
năm 2015 của Bộ Tài chính quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải
quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu,
nhập khẩu;
Căn cứ Thông tư số 81/2019/TT-BTC
ngày 15/11/2019 của Bộ Tài chính quy định quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp
vụ hải quan;
Căn cứ Quyết định số 1386/QĐ-BTC ngày 20 tháng 6 năm 2016 của Bộ trưởng
Bộ Tài chính quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục
Quản lý rủi ro trực thuộc Tổng cục hải quan;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý rủi ro.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành Chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích doanh
nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan.
Điều 2. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3. Thủ trưởng các đơn vị thuộc cơ quan Tổng cục Hải quan, Cục
trưởng Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách
nhiệm thi hành quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Đ/c Tổng cục trưởng (để b/c);
- Lưu: VT, QLRR (03 bản).
|
KT. TỔNG CỤC
TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG
Hoàng Việt Cường
|
CHƯƠNG TRÌNH
THÍ
ĐIỂM HỖ TRỢ, KHUYẾN KHÍCH DOANH NGHIỆP TỰ NGUYỆN TUÂN THỦ PHÁP LUẬT HẢI QUAN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1399/QĐ-TCHQ ngày 15 tháng 7 năm 2022 của Tổng
cục trưởng Tổng cục Hải quan)
I. QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Mục đích, yêu cầu, mục
tiêu Chương trình
1. Mục đích
a. Tạo thuận lợi thương mại, giảm chi phí cho doanh
nghiệp thông qua việc nâng cao mức độ tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp, giảm
tỷ lệ kiểm tra thực tế hàng hóa xuất nhập khẩu.
b. Hỗ trợ doanh nghiệp hạn chế, khắc phục các vướng
mắc, khó khăn trong thực hiện thủ tục hải quan, chủ động có biện pháp phòng,
tránh vi phạm pháp luật hải quan, nâng cao tính tự tuân thủ pháp luật của doanh
nghiệp.
c. Thiết lập mối quan hệ đối tác tin cậy giữa cơ
quan hải quan và doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu, quá cảnh làm cơ sở
tạo thuận lợi thương mại, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp.
2. Yêu cầu, mục tiêu Chương trình
a. Mục tiêu:
- Trên 80% doanh nghiệp tham gia Chương trình thí
điểm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan
(sau đây gọi tắt là Chương trình) được tăng mức tuân thủ hoặc giữ nguyên mức độ
tuân thủ cao.
- Trên 80% doanh nghiệp tham gia hài lòng về các biện
pháp hỗ trợ của cơ quan hải quan.
b. Yêu cầu:
- Sau 2 năm triển khai thực hiện, 100% doanh nghiệp
tham gia Chương trình không bị xử lý về các hành vi vi phạm pháp luật hải quan
thuộc Phụ lục VI Thông tư 81/2019/TT-BTC
ngày 15/11/2019, được đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật ở mức 2 (tuân thủ
cao), mức 3 (tuân thủ trung bình) theo quy định tại Thông tư 81/2019/TT-BTC ngày 15/11/2019.
- Sau 2 năm triển khai thực hiện, các dữ liệu, chỉ
tiêu thông tin liên quan đến hoạt động quản lý, theo dõi, báo cáo thực hiện
Chương trình cũng như các hoạt động tương tác với doanh nghiệp tham gia Chương
trình phải cơ bản được thực hiện trên nền tảng số, đáp ứng các yêu cầu chuyển đổi
số công tác nghiệp vụ của ngành hải quan theo Quyết định số 707/QĐ-TCHQ ngày 4/5/2022 về phê duyệt Kế hoạch
chuyển đổi số ngành hải quan đến năm 2025 định hướng đến năm 2030.
- Sau 5 năm thực hiện Chương trình, thông qua các
hoạt động hỗ trợ và việc tự nguyện tuân thủ của doanh nghiệp, phấn đấu tăng tỷ
lệ doanh nghiệp tuân thủ mức 2, mức 3 đạt trên 20% tổng số doanh nghiệp hoạt động
xuất nhập khẩu.
Điều 2. Giải thích từ ngữ
1. Hoạt động hỗ trợ tuân thủ pháp luật hải quan
là các hoạt động tư vấn, trả lời vướng mắc, cung cấp thông tin, cảnh báo rủi ro
của cơ quan hải quan các cấp (quy định cụ thể tại Điều 5 dưới đây) cho doanh
nghiệp trong quá trình hoạt động xuất nhập khẩu, quá cảnh nhằm mục đích tạo thuận
lợi thương mại, giúp doanh nghiệp phòng, tránh các vi phạm, khuyến khích doanh
nghiệp tự nguyện nâng cao mức tuân thủ pháp luật hải quan.
2. Đối tác tin cậy là doanh nghiệp thành
viên Chương trình được cơ quan hải quan đánh giá, ghi nhận có sự tự nguyện nâng
cao ý thức tuân thủ, đồng thời có những đóng góp, hợp tác tích cực với cơ quan
hải quan trong khuôn khổ thực hiện Chương trình.
3. Rủi ro trong nội bộ của doanh nghiệp trong hoạt
động xuất nhập khẩu là các hành vi tiềm ẩn gây ra thiệt hại, hoặc vi phạm bị
cơ quan hải quan xử lý trong quá trình hoạt động xuất nhập khẩu mà doanh nghiệp
phải gánh chịu do nhân viên hoặc các đối tượng xấu lợi dụng sự sơ hở, thiếu sót
trong quá trình quản lý, kiểm soát chuỗi cung ứng nội bộ của doanh nghiệp để
buôn lậu, trốn thuế, vi phạm pháp luật. (Ví dụ: nhân viên lợi dụng chữ ký,
con dấu của công ty hoặc các đối tượng xấu lợi dụng pháp nhân, hóa đơn hồ sơ chứng
từ của doanh nghiệp để buôn lậu, vi phạm pháp luật: lô hàng hóa xuất nhập khẩu
của doanh nghiệp bị nhân viên hoặc đối tượng xấu lợi dụng để cất giấu ma túy,
hàng cấm; nhân viên xuất nhập khẩu vận tải rút ruột container hàng xuất khẩu...)
4. Xu hướng rủi ro về an ninh chuỗi cung ứng
là xu hướng các mối đe dọa về an ninh, khủng bố, trộm cắp hàng hóa xuất nhập khẩu,
vi phạm bản quyền, dịch bệnh và an toàn môi trường...đối với chuỗi cung ứng vận
chuyển hàng hóa toàn cầu được Liên hợp quốc, Tổ chức cảnh sát quốc tế
(Interpol), Tổ chức hải quan thế giới (WCO)...và các cơ quan, tổ chức có trách
nhiệm trong và ngoài nước khuyến nghị, cảnh báo nhằm giúp doanh nghiệp hợp tác
với cơ quan hải quan và cơ quan nhà nước khác, chủ động có biện pháp ngăn ngừa,
phòng, tránh đảm bảo an ninh cho hoạt động vận chuyển hàng hóa toàn cầu.
Điều 3. Nguyên tắc, phạm vi
thực hiện
Cơ quan hải quan thực hiện hoạt động hỗ trợ tuân thủ
pháp luật hải quan đối với doanh nghiệp tham gia Chương trình theo các nguyên tắc,
phạm vi, hình thức sau:
1. Nguyên tắc thực hiện
a. Trong quá trình thực hiện Chương trình, các hoạt
động của cơ quan hải quan và thành viên tham gia phải đảm bảo tuân thủ các quy
trình, quy định của pháp luật.
b. Các hoạt động trong khuôn khổ Chương trình không
gây phát sinh thủ tục hành chính, không gây thiệt hại và phát sinh công việc
không cần thiết cho doanh nghiệp.
c. Trong 24 giờ kể từ khi cơ quan hải quan tiếp nhận
yêu cầu, đề nghị hỗ trợ của doanh nghiệp thành viên, thông tin sẽ được chuyển đến
đơn vị chuyên môn để nghiên cứu giải quyết và trả lời sớm nhất. Trường hợp bất
khả kháng không thể thực hiện được thì công chức được phân công giải quyết phải
thông báo, giải thích lý do cho doanh nghiệp.
2. Phạm vi chương trình
a. Cơ quan hải quan thực hiện hoạt động hướng dẫn,
hỗ trợ đối với doanh nghiệp thành viên chương trình về các nội dung liên quan đến
lĩnh vực áp dụng quản lý rủi ro, tuân thủ pháp luật hải quan và thực hiện thủ tục
hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, quá cảnh.
b. Trong khuôn khổ Chương trình, cơ quan hải quan
không thực hiện việc hỗ trợ, tư vấn, cung cấp thông tin đối với vụ việc đã được
cơ quan nhà nước có thẩm quyền thông báo về việc đang điều tra, khởi tố, thanh
tra.
c. Chương trình được thực hiện theo 2 giai đoạn:
c.1. Giai đoạn thí điểm: thực hiện trong thời gian
2 năm kể từ khi ban hành, kết thúc giai đoạn thí điểm sẽ tổng kết thí điểm để
đo lường, đánh giá và sửa đổi, bổ sung Chương trình để phù hợp với yêu cầu thực
tế.
c.2. Giai đoạn triển khai chính thức: Triển khai
sau khi kết thúc giai đoạn thí điểm, tổ chức sơ kết 1 năm/1 lần, sau 5 năm
Chương trình tổ chức tổng kết đo lường, đánh giá kết quả việc thực hiện các mục
tiêu Chương trình và phương hướng triển khai trong giai đoạn tiếp theo.
3. Hình thức thực hiện
Trong khuôn khổ Chương trình, cơ quan hải quan có
thể triển khai các hình thức hoạt động sau:
a. Ký kết Biên bản ghi nhớ với doanh nghiệp đăng ký
tham gia Chương trình để cam kết thực hiện các nội dung hợp tác, hỗ trợ và nâng
cao tuân thủ pháp luật, phòng tránh vi phạm pháp luật hải quan.
b. Tổ chức các chương trình quan hệ đối tác, chương
trình phối hợp với các Hiệp hội doanh nghiệp, các cơ quan chức năng, tổ chức
liên quan, doanh nghiệp xuất nhập khẩu để trao đổi cung cấp thông tin, hỗ trợ
các hoạt động nâng cao tuân thủ, phòng, tránh vi phạm pháp luật hải quan.
c. Tổ chức các hội nghị, hội thảo, chương trình tập
huấn, đào tạo để doanh nghiệp chủ động nâng cao tuân thủ pháp luật, phòng tránh
các nguy cơ, rủi ro về vi phạm pháp luật hải quan.
d. Hoạt động hướng dẫn, hỗ trợ cho doanh nghiệp
thành viên Chương trình có thể được thực hiện bằng điện thoại, thư điện tử hoặc
bằng văn bản tùy yêu cầu của doanh nghiệp và tính chất vụ việc. Kết quả thực hiện
các hoạt động phải được ghi nhận, báo cáo đầy đủ để đảm bảo việc theo dõi, đánh
giá chất lượng Chương trình.
e. Các hình thức thực hiện có thể triển khai thí điểm
hoặc theo từng thời điểm, giai đoạn cụ thể phù hợp với nguồn lực và yêu cầu
nghiệp vụ của cơ quan hải quan.
Điều 4. Đối tượng, điều kiện
tham gia Chương trình
1. Đối tượng tham gia
a. Cơ quan hải quan hoạt động với vai trò chủ trì
quản lý và tổ chức thực hiện Chương trình.
b. Các doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu có trụ
sở đăng ký hoạt động tại Việt Nam được cơ quan hải quan lựa chọn và tự nguyện
đăng ký tham gia Chương trình với vai trò thành viên (sau đây gọi là doanh nghiệp
thành viên Chương trình).
c. Các Hiệp hội doanh nghiệp xuất nhập khẩu tham
gia với vai trò thành viên danh dự để hỗ trợ, tư vấn cho Chương trình.
2. Điều kiện tham gia
a. Doanh nghiệp thực hiện đầy đủ việc cập nhật
thông tin theo quy định Thông tư 81/2019/TT-BTC
ngày 15/11/2019 và được cơ quan hải quan xác minh, cập nhật trên hệ thống thông
tin nghiệp vụ hải quan.
b. Doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu trên
365 ngày và được cơ quan hải quan đánh giá cần khuyến khích nâng cao mức độ
tuân thủ.
c. Doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp được cơ quan
hải quan gửi văn bản mời tham gia Chương trình và tự nguyện đăng ký tham gia
Chương trình.
II. NỘI DUNG CỤ THỂ
Điều 5. Các hoạt động cụ thể của
cơ quan hải quan
1. Các hoạt động hỗ trợ
a. Thực hiện tư vấn, hỗ trợ hướng dẫn theo các cam
kết tại Biên bản ghi nhớ đối với doanh nghiệp thành viên Chương trình khi có
yêu cầu.
b. Ghi nhận tư cách thành viên, quá trình tham gia
Chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp
luật hải quan trên hồ sơ doanh nghiệp và các hệ thống thông tin nghiệp vụ của
cơ quan hải quan đối với doanh nghiệp tham gia Chương trình để đảm bảo việc thực
hiện các hoạt động hỗ trợ kịp thời, hiệu quả, đúng đối tượng.
c. Phân công, bố trí công chức, chuyên gia nghiệp vụ
hải quan các cấp trực tiếp hỗ trợ, tư vấn liên lạc giải quyết các vướng mắc
trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, quá
cảnh của doanh nghiệp thành viên.
d. Trao đổi thông tin, cảnh báo các yếu tố làm giảm
mức độ tuân thủ của doanh nghiệp; cảnh báo doanh nghiệp xu hướng rủi ro về an
ninh chuỗi cung ứng, xâm phạm sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, các
rủi ro nội bộ của doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu theo các khuyến
nghị từ các cơ quan có thẩm quyền, tổ chức có trách nhiệm trong nước và trên thế
giới.
e. Phối hợp với cộng đồng doanh nghiệp và các cơ
quan liên quan tổ chức các hội thảo về các nội dung nêu tại điểm d nêu trên, đồng
thời tư vấn, hỗ trợ các biện pháp để doanh nghiệp hợp tác với cơ quan hải quan,
chủ động phòng, tránh các lỗi vi phạm pháp luật hải quan, phòng tránh rủi ro
trong chuỗi cung ứng xuất nhập khẩu, đảm bảo duy trì hoặc cải thiện mức độ tuân
thủ pháp luật.
f. Ưu tiên xem xét, tạo điều kiện thuận lợi trong
việc áp dụng biện pháp kiểm tra bằng máy soi khi doanh nghiệp đề nghị hỗ trợ, tạo
điều kiện để tháo gỡ khó khăn, giảm chi phí đối với việc thực hiện thủ tục xuất
nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa của doanh nghiệp.
g. Trường hợp đặc
biệt, theo đề nghị của doanh nghiệp, cơ quan hải quan có thể phối hợp với các
cơ quan liên quan hỗ trợ, tư vấn cho doanh nghiệp các biện pháp khắc phục, giảm
thiểu hậu quả các lỗi, vi phạm cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục
hải quan, đảm bảo đúng quy định của pháp luật.
h. Tổ chức các chương trình hợp tác, đào tạo nâng
cao tuân thủ để doanh nghiệp kịp thời cập nhật, nắm vững và tuân thủ các quy định
mới liên quan đến hoạt động quản lý rủi ro hải quan nói riêng và lĩnh vực xuất
nhập khẩu, quá cảnh nói chung.
2. Các hoạt động tuyên truyền, triển khai
quan hệ đối tác
a. Phối hợp với các tổ chức, Hiệp hội doanh nghiệp
tổ chức các hội nghị tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá Chương trình.
b. Định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết, hội nghị đối
thoại để đo lường, đánh giá sự hài lòng, tiếp thu các kiến nghị, ý kiến bổ sung
sửa đổi các cam kết thực hiện trong khuôn khổ Chương trình.
c. Thực hiện các nội dung tuyên truyền trên các
phương tiện thông tin đại chúng, phổ biến, đăng tải hoạt động, kết quả của
Chương trình lên các website của ngành như: https://customs.gov.vn, https://haiquanonline.com.vn
3. Các hoạt động khác
a. Theo dõi, đánh giá quá trình các hoạt động trong
khuôn khổ Chương trình. Tổ chức tuyên dương, khen thưởng các doanh nghiệp tuân
thủ tốt, có đóng góp tích cực cho Chương trình đồng thời cảnh báo, nhắc nhở,
thu hồi tư cách doanh nghiệp thành viên Chương trình đối với các trường hợp
không thực hiện hoặc vi phạm cam kết.
b. Tham gia nghiên cứu, hợp tác quốc tế liên quan đến
các hoạt động chương trình đối tác, tạo thuận lợi doanh nghiệp.
Điều 6. Cơ chế công nhận, thu hồi
tư cách thành viên Chương trình
1. Trên cơ sở phân tích, đánh giá thông tin doanh
nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu, cơ quan hải quan thực hiện việc lựa chọn đối
tượng doanh nghiệp thuộc diện cần hỗ trợ, khuyến khích nâng cao mức độ tuân thủ
theo từng phạm vi, giai đoạn cụ thể để chủ động mời doanh nghiệp tham gia
Chương trình.
2. Trường hợp đồng ý tham gia Chương trình, doanh
nghiệp thông báo cho cơ quan hải quan để phối hợp tổ chức thực hiện việc ký kết
Biên bản ghi nhớ, công nhận tư cách thành viên Chương trình.
3. Cơ quan hải quan tổ chức các hội nghị tiếp xúc
doanh nghiệp để ký kết Biên bản ghi nhớ với doanh nghiệp đồng ý tham gia Chương
trình về các cam kết đảm bảo việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mỗi bên
trong khuôn khổ Chương trình và theo quy định của pháp luật. Biên bản ghi nhớ
được hai bên ký kết là văn bản công nhận tư cách thành viên Chương trình của
doanh nghiệp tham gia.
4. Trong quá trình thực hiện, cơ quan hải quan tiến
hành thu hồi tư cách thành viên và các quyền lợi của doanh nghiệp tham gia
chương trình trong các trường hợp sau:
a. Bị cơ quan hải quan đánh giá có nguy cơ, rủi ro
cao liên quan đến hoạt động tội phạm, buôn lậu, trốn thuế, vi phạm pháp luật về
môi trường.
b. Bị xử lý về các hành vi vi phạm hải quan theo Phụ
lục VI Thông tư 81/2019/TT-BTC ngày
15/11/2019.
c. Không thực hiện hoặc vi phạm các cam kết theo
Biên bản ghi nhớ.
d. Không có ý thức hợp tác với cơ quan hải quan
trong việc nâng cao tuân thủ, để xảy ra vi phạm sau khi cơ quan hải quan đã nhiều
lần cảnh báo, nhắc nhở.
e. Các trường hợp doanh nghiệp giải thể, phá sản,
ngừng hoạt động hoặc có văn bản xin không tiếp tục tham gia Chương trình.
5. Trường hợp doanh nghiệp sau khi bị thu hồi tư
cách thành viên Chương trình có đơn đăng ký xin tham gia lại, cơ quan hải quan
chỉ xem xét tiếp nhận sau 1 năm kể từ khi doanh nghiệp bị thu hồi tư cách thành
viên. Việc công nhận lại tư cách thành viên trên cơ sở đánh giá quá trình tự khắc
phục, sửa chữa các lỗi, vi phạm cam kết và quá trình tuân thủ pháp luật hải
quan của doanh nghiệp.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 7. Phân công nhiệm vụ và
cơ chế giám sát kiểm tra, đánh giá
1. Tại Tổng cục Hải quan
a. Cục Quản lý rủi ro:
a.1. Chủ trì đầu mối tiếp nhận, điều phối thông tin
liên quan và phối hợp thực hiện các hoạt động quy định tại Điều 4, Điều 5, Điều
6 Quyết định này.
a.2. Nghiên cứu xây dựng tiêu chí và thực hiện việc
rà soát lựa chọn, đề xuất doanh nghiệp tham gia Chương trình.
a.3. Tổ chức hội nghị giới thiệu, gửi giấy mời, tiếp
nhận, thẩm định thông tin, thông báo kết quả cho doanh nghiệp về việc tham gia
Chương trình.
a.4. Đại diện cơ quan hải quan thực hiện các thủ tục
ký kết Biên bản ghi nhớ, công bố, thu hồi tư cách thành viên đối với doanh nghiệp
tham gia Chương trình.
a.5. Xây dựng quy trình, văn bản hướng dẫn việc thực
hiện các hoạt động trong khuôn khổ Chương trình.
a.6. Theo dõi, đánh giá hoạt động của doanh nghiệp
cũng như việc thực hiện các hoạt động hỗ trợ của cơ quan cấp Cục, Chi cục trong
khuôn khổ Chương trình.
a.7. Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ việc theo
dõi, tổng hợp dữ liệu đánh giá tuân thủ, phân loại mức độ rủi ro đối với doanh
nghiệp thành viên Chương trình.
a.8. Đề xuất, tổ chức việc kiểm tra, hướng dẫn định
kỳ đối với các đơn vị thực hiện.
a.9. Phối hợp với Công nghệ thông tin & Thống
kê hải quan triển khai ứng dụng công nghệ, số hóa các thông tin, dữ liệu liên
quan trong khuôn khổ Chương trình để đáp ứng yêu cầu về việc theo dõi, đánh giá
tuân thủ đối với doanh nghiệp thành viên, cụ thể:
- Quản lý dữ liệu hồ sơ doanh nghiệp tham gia
Chương trình trên cơ sở chuyển đổi số; đảm bảo việc quản lý tình hình hoạt động,
quá trình sản xuất của doanh nghiệp từ khâu đầu đến khâu cuối (ngành nghề kinh
doanh, chủ sở hữu, người đại diện theo pháp luật, hoạt động nhập khẩu, sản xuất,
xuất khẩu, tiêu thụ nội địa, xử lý phế liệu, phế phẩm, nhân công, dây chuyền sản
xuất, đối tác, quy mô, nhà xưởng, nơi lưu giữ vật tư, năng lực sản xuất, tiêu
thụ năng lượng, việc chấp hành pháp luật hải quan và pháp luật khác có liên
quan).
- Trên cơ sở nội dung trên, thực hiện việc số hóa
quy trình quản lý, tiếp nhận thông tin và phản hồi các yêu cầu hỗ trợ của doanh
nghiệp; nghiên cứu, ứng dụng công nghệ để tự động theo dõi, phân tích, đánh giá
quá trình tự nguyện tuân thủ của doanh nghiệp làm cơ sở để cơ quan hải quan thực
hiện việc mời tham gia, công nhận, thu hồi tư cách thành viên Chương trình đối
với doanh nghiệp.
b. Vụ Pháp chế, Cục Giám sát quản lý về hải quan, Cục
Thuế xuất nhập khẩu, Cục Kiểm định hải quan.
b.1. Tiếp nhận, xử lý thông tin và trực tiếp hướng
dẫn doanh nghiệp khi được Cục Quản lý rủi ro chuyển thông tin doanh nghiệp cần
hỗ trợ, giải quyết theo lĩnh vực phụ trách.
b.2. Phối hợp Cục Quản lý rủi ro đánh giá việc chấp
hành pháp luật và thực hiện các cam kết của doanh nghiệp tham gia Chương trình.
b.3. Phối hợp thực hiện việc kiểm tra, hướng dẫn định
kỳ đối với các đơn vị thực hiện.
b.4. Phối hợp với Cục Quản lý rủi ro xây dựng các
tài liệu đào tạo, hướng dẫn và tổ chức hội nghị, hội thảo theo quy định tại khoản
2 Điều 5.
c. Cục Điều tra chống buôn lậu, Cục Kiểm tra sau
thông quan, Vụ Thanh tra - kiểm tra.
c.1. Cục Điều tra chống buôn lậu
Phối hợp trao đổi, cung cấp thông tin với Cục Quản
lý rủi ro theo các nội dung trong khuôn khổ Chương trình.
c.2. Cục Kiểm tra sau thông quan
Trao đổi, cung cấp thông tin kế hoạch, kết quả kiểm
tra sau thông quan cho Cục Quản lý rủi ro liên quan đến doanh nghiệp tham gia
Chương trình để có cơ sở quản lý, đánh giá.
c.3. Vụ Thanh tra - kiểm tra:
- Trao đổi, cung cấp với Cục Quản lý rủi ro về kết
luận thanh tra liên quan đến doanh nghiệp đã được thanh tra có tham gia Chương
trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải
quan.
- Hỗ trợ đào tạo tập huấn phổ biến kiến thức liên
quan đến pháp luật thanh tra, giải quyết tố cáo.
d. Ban Cải cách hiện đại hóa hải quan.
Phối hợp với Cục Quản lý rủi ro và các đơn vị thực
hiện:
d.1. Nghiên cứu, đề xuất đối tượng tham gia Chương
trình.
d.2. Thông báo, phổ biến tới các Hiệp hội doanh
nghiệp về nội dung Chương trình.
d.3. Phối hợp, đo lường mức độ hài lòng của các doanh
nghiệp đã tham gia vào Chương trình và các chỉ số về mục tiêu Chương trình.
e. Cục Công nghệ thông tin & Thống kê hải quan
Phối hợp với Cục Quản lý rủi ro đảm bảo hạ tầng
thông tin phục vụ triển khai thực hiện Chương trình.
f. Văn phòng Tổng cục, Báo Hải quan, Trường Hải
quan Việt Nam
Phối hợp thực hiện các hoạt động tổ chức hội nghị,
hội thảo, tập huấn và các hoạt động đối tác, tuyên truyền theo quy định tại Điều
5 Chương trình này.
2. Cục Hải quan tỉnh, thành phố
a. Đơn vị chuyên trách Quản lý rủi ro thực hiện vai
trò đầu mối tại cấp Cục:
a.1. Tiếp nhận, xử lý, điều phối thông tin, theo
dõi, đôn đốc báo cáo đánh giá việc thực hiện Chương trình tại địa bàn cấp Cục.
a.2. Đề xuất Trưởng nhóm chuyên trách về loại hình,
lĩnh vực và đối tượng doanh nghiệp cụ thể mời tham gia thành viên theo yêu cầu,
điều kiện của Chương trình.
a.3. Kịp thời nắm tình hình, báo cáo về hoạt động
xuất nhập khẩu, quá cảnh, tình hình vi phạm của doanh nghiệp tham gia Chương
trình khi có yêu cầu.
a.4. Trên cơ sở Chương trình này, chủ động đề xuất
triển khai các hoạt động hỗ trợ đối với doanh nghiệp thuộc Chương trình đối tác
của đơn vị theo đặc thù lĩnh vực, địa bàn quản lý.
b. Các đơn vị nghiệp vụ
liên quan:
b.1. Trực tiếp hoặc phối hợp, chỉ đạo, hướng dẫn
Chi cục: hỗ trợ, tư vấn cho doanh nghiệp thành viên về các vướng mắc, kiến nghị
theo lĩnh vực nghiệp vụ khi nhận được yêu cầu từ đơn vị quản lý rủi ro cấp Cục.
b.2. Phối hợp với đơn vị quản lý rủi ro cấp Cục đề
xuất thực hiện nội dung tại các điểm a.2, a.4 khoản 2 nêu trên.
c. Chi cục Hải quan:
c.1. Lãnh đạo, công chức được phân công có trách
nhiệm theo dõi, đôn đốc việc thực hiện tại Chi cục các yêu cầu của đầu mối cấp
Tổng cục, cấp Cục về việc hỗ trợ doanh nghiệp thành viên Chương trình.
c.2. Thực hiện chế độ tổng hợp báo cáo định kỳ
trong khuôn khổ Chương trình.
c.3. Thực hiện việc tiếp nhận, thẩm định và cập nhật
thông tin doanh nghiệp lên hệ thống nghiệp vụ đối với “Phiếu cung cấp, bổ sung
thông tin hồ sơ doanh nghiệp” do doanh nghiệp thành viên cập nhật tại Hệ thống
Dịch vụ công trực tuyến HQ36a, địa chỉ https://pus.customs.gov.vn.
c.4. Kịp thời đề xuất phương án xử lý, giải quyết,
khắc phục tại hiện trường hoặc báo cáo, trao đổi kịp thời lên cấp trên đối với
các trường hợp ngoài thẩm quyền hoặc khó xử lý đối với các vướng mắc liên quan
trực tiếp đến hàng hóa xuất nhập khẩu của doanh nghiệp tham gia Chương trình
khi phát sinh tình huống doanh nghiệp thành viên Chương trình cần hỗ trợ.
Điều 8. Nhóm chuyên trách thực
hiện Chương trình
Để triển khai các nhiệm vụ được phân công nêu trên
tại các cấp, Tổng cục Hải quan thành lập Nhóm chuyên trách thực hiện Chương
trình để làm đầu mối tiếp nhận, điều phối thông tin; trực tiếp tư vấn, hỗ trợ,
hướng dẫn cho doanh nghiệp thành viên Chương trình. Thành phần Nhóm chuyên
trách cụ thể như sau:
1. Trưởng nhóm: 01 Lãnh đạo Cục Quản
lý rủi ro phụ trách hoạt động của nhóm chuyên gia; Chịu trách nhiệm tổ chức triển
khai, điều phối, kiểm tra, hướng dẫn việc thực hiện các hoạt động hỗ trợ trong
toàn ngành theo Điều 5, Điều 6, Điều 7 Chương trình.
2. Thành viên:
a. Cục Quản lý rủi ro: Phòng Quản lý tuân thủ là
đơn vị đầu mối tiếp nhận thông tin, theo dõi tổng hợp báo cáo việc triển khai
thực hiện Chương trình.
b. Vụ Pháp chế, Ban CCHĐH: 01 Lãnh đạo Vụ và 01 công
chức chuyên trách.
c. Cục Giám sát quản lý về hải quan, Cục Thuế xuất
nhập khẩu, Cục Kiểm định hải quan: Mỗi đơn vị 01 Lãnh đạo Phòng nghiệp vụ và 01
công chức chuyên trách.
d. Các Cục Hải quan tỉnh, thành phố:
- 01 Lãnh đạo Cục phụ trách đảm bảo việc điều phối,
thực hiện Chương trình tại địa bàn Cục.
- Trưởng đơn vị chuyên trách quản lý rủi ro, công
chức chuyên trách về quản lý tuân thủ.
Nhóm chuyên trách thực hiện Chương trình sẽ được
thành lập theo Quyết định của Tổng cục và tự giải thể khi kết thúc Chương
trình.
Điều 9. Trách nhiệm của đơn vị,
công chức hải quan
1. Đơn vị, công chức hải quan thực hiện tốt chức
trách nhiệm vụ trong khuôn khổ Chương trình, được cộng đồng doanh nghiệp đánh
giá cao sẽ được tuyên dương, khen thưởng theo quy định.
2. Đơn vị, công chức hải quan được giao nhiệm vụ tiếp
nhận thông tin, thực hiện hỗ trợ, tư vấn cho doanh nghiệp nếu bị phát hiện có
hành vi sách nhiễu, cố ý làm sai hoặc không thực hiện đầy đủ, đúng trách nhiệm,
để xảy ra hậu quả sẽ bị kiểm điểm, xử lý kỷ luật theo quy định của ngành và
pháp luật./.