THỦ TƯỚNG CHÍNH
PHỦ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 1386/QĐ-TTg
|
Hà Nội, ngày 10
tháng 11 năm 2022
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ
DUYỆT CHỦ TRƯƠNG ĐẦU TƯ DỰ ÁN XÂY DỰNG ĐƯỜNG BỘ CAO TỐC TÂN PHÚ (TỈNH ĐỒNG NAI)
- BẢO LỘC (TỈNH LÂM ĐỒNG) THEO PHƯƠNG THỨC PPP
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6
năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật
Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công
tư ngày 18 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Luật Đầu tư công ngày 13 tháng 6 năm
2019;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18 tháng 6 năm 2014 và
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng ngày 17 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Luật Lâm nghiệp ngày 15 tháng 11 năm
2017;
Căn cứ Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03 tháng
3 năm 2021 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng;
Căn cứ Nghị quyết số 29/2021/QH15 ngày 28 tháng
7 năm 2021 của Quốc hội khóa XV về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn
2021 -2025;
Căn cứ Nghị định số 35/2021/NĐ-CP ngày 29 tháng
3 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật đầu tư
theo phương thức đối tác công tư;
Căn cứ Nghị định số 28/2021/NĐ-CP ngày 26 tháng 3
năm 2021 của Chính phủ quy định cơ chế quản lý tài chính dự án đầu tư theo
phương thức đối tác công tư;
Căn cứ Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 01 tháng
09 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường
bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050;
Căn cứ Báo cáo thẩm định số 3714/BC-HĐTĐLN ngày
15 tháng 6 năm 2021 của Hội đồng thẩm định liên ngành về việc kết quả thẩm định
Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Tân Phú
(tỉnh Đồng Nai) - Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) theo phương thức PPP và Báo cáo số
7802/BC-HĐTĐLN ngày 31 tháng 10 năm 2022 của Hội đồng thẩm định liên ngành về
việc quyết định chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Tân
Phú (tỉnh Đồng Nai) - Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) theo phương thức đối tác công tư;
Căn cứ Văn bản số 660/TTg-NN ngày 22 tháng 7 năm
2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng
thực hiện Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc;
Xét đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng về
việc phê duyệt Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Tân Phú (tỉnh
Đồng Nai) - Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) theo phương thức đối tác công tư.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt chủ
trương đầu tư Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Tân Phú (tỉnh Đồng Nai) - Bảo Lộc
(tỉnh Lâm Đồng) theo phương thức đối tác công tư (sau đây gọi là Dự án) với các
nội dung sau:
1. Mục tiêu dự án: Từng bước xây dựng hệ thống kết
cấu hạ tầng đồng bộ, nâng cao khả năng kết nối, rút ngắn thời gian kết nối các
tỉnh Tây Nguyên với khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam và các trung tâm kinh tế,
xã hội, công nghiệp dọc Quốc lộ 20. Nâng cao năng lực vận chuyển hàng hóa,
thông thương, đối ngoại, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng cao, giảm ùn tắc, tai nạn
giao thông cho Quốc lộ 20 đang trong tình trạng quá tải, đặc biệt là các điểm
đen về giao thông tại khu vực đèo Bảo Lộc.
Tạo động lực phát triển đột phá về kinh tế - xã hội,
thúc đẩy phát triển du lịch của tỉnh Lâm Đồng nói riêng và khu vực Tây Nguyên
nói chung; góp phần quan trọng trong việc mở rộng không gian, xây dựng, phát
triển thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng trở thành một vùng đô thị hiện đại.
2. Phạm vi, quy mô, địa điểm thực hiện dự án:
a) Phạm vi đầu tư: đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc
Tân Phú (tỉnh Đồng Nai) - Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) với tổng chiều dài khoảng 66
km, trong đó: trên địa phận tỉnh Đồng Nai khoảng 11 km (đi qua huyện Tân Phú);
tỉnh Lâm Đồng khoảng 55 km (đi qua huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Bảo Lâm và thành phố
Bảo Lộc). Điểm đầu Dự án tại Km60+100 (trùng với điểm cuối của Dự án đường bộ
cao tốc Dầu Giây - Tân Phú tại cầu vượt trực thông nút giao Quốc lộ 20) thuộc địa
phận xã Phú Trung, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai. Điểm cuối Dự án tại Km126+360,
giao với đường Nguyễn Văn Cừ, thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng.
b) Quy mô dự án:
- Đầu tư xây dựng tuyến đường theo tiêu chuẩn đường
cao tốc (TCVN 5729:2012), vận tốc thiết kế 80km/h.
- Giai đoạn phân kỳ: Bố trí chiều rộng nền đường Bnền=17,0m
với 04 làn xe ô tô. Các đoạn nền đường đào sâu đắp cao tùy theo địa hình, địa
chất của từng đoạn nghiên cứu mở rộng mặt cắt ngang theo giai đoạn hoàn chỉnh với
bề rộng Bnền = 22,0m theo nguyên tắc đảm bảo tính kinh tế, kỹ thuật của dự án.
- Xây dựng các công trình phục vụ khai thác, trung
tâm điều hành, hệ thống giao thông thông minh, trạm thu phí, trạm kiểm tra kỹ
thuật dừng nghỉ trên tuyến… đảm bảo đồng bộ, hiệu quả theo tiêu chuẩn, quy chuẩn
hiện hành.
- Đoạn dừng xe khẩn cấp: bố trí không liên tục tuân
thủ theo TCCS 42:2022/TCĐBVN (đường ô tô cao tốc - thiết kế và tổ chức giao
thông trong giai đoạn phân kỳ đầu tư xây dựng).
- Giai đoạn hoàn chỉnh: quy mô mặt cắt ngang giai
đoạn hoàn chỉnh bề rộng nền đường Bnền = 22,0m (04 làn xe ô tô và 2 làn dừng xe
khẩn cấp liên tục).
c) Địa điểm thực hiện: tỉnh Đồng Nai và tỉnh Lâm Đồng.
3. Dự kiến thời gian thực hiện dự án:
- Giai đoạn phân kỳ: Chuẩn bị đầu tư, thực hiện Dự
án từ năm 2021 - 2026; hoàn thành và đưa vào khai thác năm 2026.
- Giai đoạn hoàn chỉnh: Thực hiện đầu tư phù hợp với
nhu cầu giao thông dự kiến sau năm 2035. Trong điều kiện cho phép về thu xếp vốn,
sẽ đẩy nhanh việc thực hiện đầu tư giai đoạn hoàn chỉnh để nâng cao chất lượng
dịch vụ cho tuyến cao tốc.
4. Dự kiến nhu cầu sử dụng đất và phương án giải
phóng mặt bằng:
Tổng nhu cầu sử dụng đất của Dự án dự kiến khoảng
455 ha (trong đó: tỉnh Đồng Nai khoảng 81 ha, tỉnh Lâm Đồng khoảng 374 ha). Phạm
vi giải phóng mặt bằng theo quy mô quy hoạch 4 làn xe cao tốc giai đoạn hoàn chỉnh
với nền đường rộng 22m.
Diện tích chuyển mục đích sử dụng rừng là 186,21 ha
(rừng tự nhiên 126,37 ha, rừng trồng 59,85 ha); trong đó: tỉnh Lâm Đồng là
144,78 ha (rừng tự nhiên 123,29 ha, rừng trồng 21,49 ha), tỉnh Đồng Nai là
41,43 ha (rừng tự nhiên 3,08 ha, rừng trồng 38,36 ha) đã được Thủ tướng Chính
phủ thống nhất với ý kiến thẩm định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
tại Văn bản số 660/TTg-NN ngày 22 tháng 7 năm 2022.
5. Dự kiến loại hợp đồng Dự án (giai đoạn phân kỳ):
Hợp đồng Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (Hợp đồng BOT).
6. Sơ bộ tổng mức đầu tư (giai đoạn phân kỳ):
17.200 tỷ đồng (bằng chữ: Mười bảy ngàn hai trăm tỷ đồng).
7. Sơ bộ phương án tài chính (giai đoạn phân kỳ):
a) Cơ cấu nguồn vốn:
- Phần vốn nhà nước tham gia dự án là 6.500 tỷ đồng,
trong đó: vốn ngân sách Trung ương 2.000 tỷ đồng (Theo Văn bản số 419/TTg-KTTH ngày
02 tháng 04 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ); vốn ngân sách tỉnh Lâm Đồng
4.500 tỷ đồng (Theo Nghị quyết số 35/NQ-HĐND ngày 08 tháng 11 năm 2021 của Hội
đồng nhân dân tỉnh Lâm Đồng).
- Phần vốn chủ sở hữu của các Nhà đầu tư: Khoảng
1.605 tỷ đồng.
- Vốn huy động khác: Khoảng 9.095 tỷ đồng từ các
nguồn huy động hợp pháp. b) Sử dụng vốn nhà nước trong dự án:
Phần vốn nhà nước chi trả kinh phí bồi thường, giải
phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư, hỗ trợ xây dựng công trình tạm và hỗ trợ
xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng khoảng 6.500 tỷ đồng.
Phương thức quản lý và sử dụng vốn nhà nước bồi thường,
giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư; hỗ trợ công trình tạm và hỗ trợ xây dựng
công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng thực hiện theo quy định tại Điều
70 và Điều 72 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật PPP).
c) Dự kiến khung giá, phí sản phẩm dịch vụ sử dụng
đường bộ: được xác định theo nguyên tắc xác định cụ thể mức giá khởi điểm và mức
giá cho từng thời kỳ bảo đảm lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư, doanh nghiệp Dự
án PPP và người sử dụng; tạo điều kiện để Nhà đầu tư, doanh nhiệp dự án PPP thu
hồi vốn và có lợi nhuận phù hợp theo quy định của pháp luật về giá, pháp luật về
PPP. Nhà đầu tư thực hiện đầu tư, quản lý vận hành, duy tu bảo dưỡng công trình
trong suốt thời gian khai thác dự án và thu phí theo hình thức thu phí kín.
8. Ưu đãi và bảo đảm đầu tư: Nhà đầu tư, Doanh nghiệp
dự án PPP được hưởng các ưu đãi và bảo đảm đầu tư theo quy định tại Luật PPP và
quy định pháp luật khác có liên quan.
9. Cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu: Dự án
không áp dụng cơ chế chia sẻ phần doanh thu giảm so với phương án tài chính của
dự án. Phần doanh thu tăng sẽ được tính toán ở bước tiếp theo theo quy định tại
khoản 1 Điều 82 Luật PPP và được cụ thể tại Hợp đồng dự án.
10. Nhóm dự án: Dự án nhóm A.
11. Tên cơ quan có thẩm quyền và tên Nhà đầu tư đề
xuất dự án:
- Cơ quan có thẩm quyền: Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng
- Tên nhà đầu tư đề xuất dự án: Liên danh các Nhà đầu
tư gồm Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả, Công ty cổ phần Tập đoàn Hưng Thịnh và
Công ty cổ phần Tập đoàn Nam Miền Trung (do Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả làm
đại diện Liên danh các Nhà đầu tư).
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng:
- Chịu trách nhiệm toàn diện về các thông tin, số
liệu trong Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án, cũng như các thông tin báo
cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của các Bộ, ngành có liên quan; thực hiện đăng
tải thông báo mời khảo sát sự quan tâm của nhà đầu tư đối với Dự án theo quy định
tại Điều 25 Nghị định số 35/2021/NĐ-CP ngày 29 tháng 3 năm
2021 của Chính phủ;
- Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh tỉnh Đồng
Nai triển khai Dự án theo quy định pháp luật;
- Bảo đảm cân đối, bố trí đủ, kịp thời vốn ngân
sách địa phương tham gia Dự án;
- Chịu trách nhiệm thực hiện việc chuyển mục đích sử
dụng rừng theo quy định pháp luật; Thực hiện nội dung kiến nghị của Bộ Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn tại Văn bản số 3721/BNN-TCLN ngày 10 tháng 6 năm
2022 trong việc chuyển mục đích sử dụng rừng của Dự án;
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên
quan tổ chức lập Báo cáo nghiên cứu khả thi của Dự án, triển khai thủ tục thẩm
định, phê duyệt Dự án theo quy định pháp luật; tổ chức triển khai thực hiện Dự
án theo đúng quy hoạch được duyệt và các quy định pháp luật có liên quan;
- Trong bước triển khai tiếp theo, tính toán, chuẩn
xác phần vốn nhà nước tham gia trong Dự án, các chi phí chuẩn bị Dự án theo quy
định tại khoản 1 Điều 73 của Luật PPP để làm cơ sở triển
khai thực hiện; quy định rõ trong hồ sơ mời thầu lựa chọn nhà đầu tư về trách
nhiệm của nhà đầu tư được lựa chọn phải hoàn trả các chi phí chuẩn bị Dự án
theo quy định tại khoản 1 Điều 73 của Luật PPP;
- Chỉ đạo cơ quan chức năng rà soát, kiểm tra kỹ,
hoàn thiện đầy đủ hồ sơ đề nghị chuyển mục đích sử dụng rừng; rà soát nhu cầu
thực tế, xác định vị trí, ranh giới, diện tích, hiện trạng rừng, đảm bảo thống
nhất giữa hồ sơ và thực địa, phù hợp với chỉ tiêu đất rừng đã được cấp thẩm quyền
phê duyệt; chỉ đạo chủ đầu tư thực hiện nghiêm nghĩa vụ trồng rừng thay thế khi
chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác theo đúng quy định của pháp luật;
rà soát, bổ sung vào Quy hoạch tỉnh, Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030,
kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2021 - 2025 của tỉnh đảm bảo đáp ứng nhu cầu sử dụng
đất để triển khai Dự án, đúng quy định của pháp luật; việc quyết định chuyển mục
đích và tổ chức chuyển mục đích sử dụng đối với diện tích rừng được nêu ở khoản
4 Điều 1 Quyết định này chỉ được thực hiện sau khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện
theo quy định tại Điều 19, 23 Luật Lâm nghiệp, quy hoạch, kế
hoạch sử dụng đất của địa phương được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định
của pháp luật đất đai, quy hoạch và đảm bảo tuân thủ đúng, đầy đủ các quy định
của pháp luật có liên quan; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm;
- Tổ chức công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư
và hoàn thành các thủ tục giao đất, cho thuê đất, bàn giao mặt bằng thuộc phạm
vi quản lý để thực hiện Dự án theo quy định của pháp luật về đất đai quy định tại
Điều 56 và Điều 72 Luật PPP;
- Chịu trách nhiệm trước pháp luật, Chính phủ, Thủ
tướng Chính phủ về việc chuyển mục đích sử dụng rừng, đảm bảo công khai, minh bạch,
sử dụng rừng, đất tiết kiệm, hiệu quả, đúng và đầy đủ theo quy định của pháp luật,
không làm thất thoát tài sản, ngân sách nhà nước, tham nhũng và gây khiếu kiện
mất trật tự xã hội.
2. Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai:
- Phối hợp chặt chẽ với Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng
trong quá trình triển khai Dự án và chuyển mục đích sử dụng rừng theo quy định
pháp luật;
- Thực hiện nội dung kiến nghị của Bộ Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn tại Văn bản số 3721/BNN-TCLN ngày 10 tháng 6 năm 2022
trong việc chuyển mục đích sử dụng rừng của Dự án;
- Chỉ đạo cơ quan chức năng rà soát, kiểm tra kỹ,
hoàn thiện đầy đủ hồ sơ đề nghị chuyển mục đích sử dụng rừng; rà soát nhu cầu
thực tế, xác định vị trí, ranh giới, diện tích, hiện trạng rừng, đảm bảo thống
nhất giữa hồ sơ và thực địa, phù hợp với chỉ tiêu đất rừng đã được cấp thẩm quyền
phê duyệt; chỉ đạo chủ đầu tư thực hiện nghiêm nghĩa vụ trồng rừng thay thế khi
chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác theo đúng quy định của pháp luật;
rà soát, bổ sung vào Quy hoạch tỉnh, Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030,
kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2021 - 2025 của tỉnh đảm bảo đáp ứng nhu cầu sử dụng
đất để triển khai Dự án, đúng quy định của pháp luật; việc quyết định chuyển mục
đích và tổ chức chuyển mục đích sử dụng đối với diện tích rừng được nêu ở khoản
4 Điều 1 Quyết định này chỉ được thực hiện sau khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện
theo quy định tại Điều 19, 23 Luật Lâm nghiệp, quy hoạch, kế
hoạch sử dụng đất của địa phương được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định
của pháp luật đất đai, quy hoạch và đảm bảo tuân thủ đúng, đầy đủ các quy định
của pháp luật có liên quan; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm;
- Tổ chức công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư
và hoàn thành các thủ tục giao đất, cho thuê đất, bàn giao mặt bằng thuộc phạm
vi quản lý để thực hiện Dự án theo quy định của pháp luật về đất đai quy định tại
Điều 56 Luật PPP;
- Chịu trách nhiệm trước pháp luật, Chính phủ, Thủ
tướng Chính phủ về việc chuyển mục đích sử dụng rừng, đảm bảo công khai, minh bạch,
sử dụng rừng, đất tiết kiệm, hiệu quả, đúng và đầy đủ theo quy định của pháp luật,
không làm thất thoát tài sản, ngân sách nhà nước, tham nhũng và gây khiếu kiện
mất trật tự xã hội.
3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư:
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính rà soát, cân đối
kịp thời bố trí vốn ngân sách nhà nước cho Dự án để triển khai thực hiện theo
đúng quy định của pháp luật;
- Thực hiện chức năng của cơ quan quản lý nhà nước
về đầu tư theo phương thức đối tác công tư và cơ quan thường trực Hội đồng thẩm
định liên ngành, thực hiện theo dõi, kiểm tra việc tiếp thu, giải trình đối với
các nội dung tại Báo cáo kết quả thẩm định số 3714/BC-HĐTĐLN ngày 15 tháng 6
năm 2021, Báo cáo số 7802/BC-HĐTĐLN ngày 31 tháng 10 năm 2022; chịu trách nhiệm
kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quyết định này, kịp thời báo cáo Thủ tướng
Chính phủ nếu phát hiện các vấn đề ảnh hưởng đến mục tiêu và hiệu quả của Dự
án.
4. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
- Chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật, Chính
phủ, Thủ tướng Chính phủ về nội dung thẩm định, tính đầy đủ, chính xác, hợp lệ
của hồ sơ, tài liệu, số liệu và các nội dung trình Thủ tướng Chính phủ về việc
đề xuất chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện
Dự án;
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường
và các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn Ủy ban nhân dân tỉnh
Lâm Đồng và Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai thực hiện; kiểm tra, giám sát chặt chẽ
việc chuyển mục đích sử dụng diện tích rừng để thực hiện Dự án theo đúng Chỉ thị
số 13- CT/TW ngày 12 tháng 01 năm 2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo
của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng và quy định của
pháp luật hiện hành.
5. Bộ Tài nguyên và Môi trường:
Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
chỉ đạo, hướng dẫn Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng và Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng
Nai thực hiện; kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng diện
tích rừng để thực hiện Dự án theo đúng Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12 tháng 01 năm
2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản
lý, bảo vệ và phát triển rừng và quy định của pháp luật hiện hành”.
6. Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Ủy ban nhân
dân tỉnh Lâm Đồng và Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai và các cơ quan liên quan
trong quá trình triển khai thực hiện dự án.
7. Các Bộ: Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Xây
dựng, Quốc phòng, Công an theo chức năng nhiệm vụ, hướng dẫn Ủy ban nhân dân tỉnh
Lâm Đồng và Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai thực hiện các nội dung Dự án bảo đảm
tuân thủ quy định của pháp luật.
8. Hội đồng nhân dân tỉnh Lâm Đồng và Hội đồng nhân
dân tỉnh Đồng Nai chịu trách nhiệm giám sát chặt chẽ việc đề xuất chủ trương và
tổ chức thực hiện chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để triển khai
Dự án.
Điều 3. Điều khoản thi hành
1. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban
hành.
2. Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính,
Giao thông vận tải, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn, Công an, Quốc phòng; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh: Lâm Đồng, Đồng
Nai; Liên danh Nhà đầu tư đề xuất dự án và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên
quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ: KHĐT, TC, GTVT, XD, TNMT, NNPTNN, TP, CA, QP;
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
- HĐND, UBND tỉnh Đồng Nai;
- HĐND, UBND tỉnh Lâm Đồng;
- Liên danh Nhà đầu tư đề xuất dự án;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, các Vụ: TH, NN, KTTH, PL, QHĐP, NC;
- Lưu: VT, CN (3) TTH.
|
KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG
Lê Văn Thành
|