ĐỀ ÁN
NÂNG CAO HIỆU QUẢ QUẢN
LÝ, SỬ DỤNG TÀI SẢN NHÀ NƯỚC TẠI CÁC ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH SỰ NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN
TỈNH ĐỒNG NAI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1795/QĐ-UBND ngày 12 /6 /2013 của UBND
tỉnh Đồng Nai)
Tài sản nhà nước bao gồm: Đất khuôn viên trụ sở, cơ sở hoạt động sự
nghiệp, nhà, công trình xây dựng và các tài sản khác gắn liền với đất khuôn
viên; phương tiện giao thông vận tải; máy móc, trang thiết bị làm việc và các
tài sản khác được đầu tư, mua sắm từ nguồn ngân sách nhà nước hoặc có nguồn gốc
từ ngân sách nhà nước, hoặc hình thành từ những nguồn khác mà theo quy định của
pháp luật là tài sản của nhà nước, được nhà nước giao cho đơn vị trực tiếp quản
lý, sử dụng để phục vụ hoạt động của cơ quan, đơn vị.
I. SỰ CẦN THIẾT CỦA ĐỀ ÁN
Tài sản nhà nước có giá trị rất lớn và đóng vai trò quan trọng trong việc
phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong thời gian qua căn cứ vào quy
định của Nhà nước, chỉ đạo của UBND tỉnh, các sở, ban, ngành đã có nhiều cố
gắng trong việc tăng cường quản lý, sử dụng có hiệu quả tài sản công. Bên cạnh
những kết quả đạt được thì công tác quản lý tài sản công vẫn bộc lộ nhiều sơ
hở, yếu kém. Tình hình sử dụng đất đai không đúng mục đích; nhà ở thuộc sở hữu
Nhà nước quản lý lỏng lẻo, phát sinh tiêu cực, xe công được sử dụng vào mục
đích riêng...
Quản lý tài sản công là một phần trong công tác quản lý tài chính công, vì
vậy để đáp ứng yêu cầu chất lượng công tác quản lý tài chính công tại các đơn vị
sự nghiệp việc quản lý tài sản công là hết sức cần thiết để phát huy những kết
quả đã đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế và đáp ứng yêu cầu quản lý
tài sản công trong giai đoạn mới. Việc kê khai, quản lý tài sản công là một trong
những nhiệm vụ của công tác hướng dẫn, kiểm tra công tác kế toán trong toàn
ngành, để phát huy hiệu quả sử dụng của tài sản. Vì vậy cần thiết phải xây dựng
hoàn thiện các quy định về quản lý tài sản công và nâng cao hiệu quả quản lý,
sử dụng tài sản công tại các đơn vị HCSN trên địa bàn tỉnh Đồng Nai nhằm mang
lại hiệu quả cao nhất.
II. TÌNH HÌNH CÔNG TÁC QUẢN LÝ TÀI SẢN NHÀ NƯỚC TRÊN
ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI TRONG THỜI GIAN QUA
1. Về hệ thống
các văn bản pháp luật về quản lý, sử dụng TSNN
Sau khi Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước được Quốc hội thông qua, ngày
03/6/2009 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 52/2009/NĐ-CP quy định chi tiết và
hướng dẫn thi hành một số điều của Luật, đây được coi là văn bản khung, điều
chỉnh toàn bộ quá trình quản lý, sử dụng TSNN tại các cơ quan Nhà nước, đơn vị
sự nghiệp công lập từ khâu đầu tư xây dựng, mua sắm, thuê tài sản đến chế độ
bảo dưỡng, sửa chữa tài sản và thu hồi, điều chuyển, bán, thanh lý tài sản; chế
độ báo cáo, công khai, kiểm tra TSNN; sắp xếp lại, xử lý TSNN tại các cơ quan,
tổ chức, đơn vị. Bên cạnh các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành trước
khi Luật được thông qua đến nay vẫn còn hiệu lực thi hành, cùng với Nghị định
số 52/2009/NĐ-CP ngày 03/6/2009 của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn thi hành
đã tạo ra hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, sử dụng TSNN đầy
đủ và đồng bộ.
Trong phạm vi trách nhiệm quản lý của địa phương, Hội đồng nhân dân tỉnh
Đồng Nai đã ban hành Nghị quyết về phân cấp quản lý, sử dụng TSNN trên địa bàn
và trên cơ sở đó UBND tỉnh cũng đã ban hành Quyết định số 92/2009/QĐ-UBND ngày
30/12/2009 Quy định thẩm quyền, trách nhiệm quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước
thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Đồng Nai.
Đánh giá tình hình xây dựng, ban hành các văn bản pháp luật về quản lý, sử
dụng TSNN
- Thông
qua các quy định của Luật về phân công, phân cấp trách nhiệm của các cơ quan trong
quản lý, sử dụng TSNN; quyền và nghĩa vụ của cơ quan, đơn vị, tổ chức trực tiếp
sử dụng TSNN; ý thức trách nhiệm của các cơ quan quản lý và cơ quan, đơn vị
trực tiếp sử dụng TSNN được nâng lên rõ rệt; góp phần đưa công tác quản lý, sử
dụng TSNN đi vào nề nếp.
- Tạo hành lang pháp lý bảo đảm cho việc kiểm soát và định hướng thực hiện
các quan hệ về TSNN (đầu tư, mua sắm, sử dụng, bán, chuyển nhượng...) minh bạch,
công khai thông qua cơ chế đấu thầu, đấu giá, mua sắm tập trung.
- Tạo môi trường thuận lợi cho việc thực hiện cơ chế công khai dân chủ; nhất
là cơ chế giám sát của cộng đồng đối với quá trình quản lý, sử dụng TSNN của cơ
quan, đơn vị, tổ chức; nhằm phát hiện và ngăn chặn hành vi sử dụng lãng phí
hoặc làm thất thoát TSNN.
- Luật Quản lý, sử dụng TSNN lần đầu tiên được Quốc hội ban hành, tuy nhiên
do tính chất phức tạp và phạm vi điều chỉnh rộng nên mặc dù Luật và hệ thống
văn bản hướng dẫn thi hành đã quy định khá chi tiết và đồng bộ song vẫn còn một
số hạn chế sau đây:
+ Việc xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, sử dụng
TSNN thực hiện trong điều kiện nền kinh tế đang chuyển đổi hết sức mạnh mẽ,
luôn nảy sinh ra những vấn đề mới trong các mối quan hệ về quản lý, sử dụng TSNN,
các hình thức và phương thức mới trong đầu tư, mua sắm, xử lý TSNN và chịu sự
tác động của nền kinh tế thế giới; do đó, chính sách, chế độ về quản lý, sử dụng
TSNN cũng phải thường xuyên được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với xu thế phát
triển của đất nước, từ đó sự ổn định của chính sách cũng bị ảnh hưởng rất lớn.
+ Với các quy định mang đậm nét đổi mới tại Luật, thể hiện sự quyết tâm của
Nhà nước thay đổi về nhận thức và tư duy của các ngành, các cấp trong quản lý,
sử dụng TSNN nhằm phát huy tối đa hiệu quả của TSNN. Tuy nhiên, những đổi mới
này để mang lại sự thành công đòi hỏi phải có sự nỗ lực và cố gắng rất nhiều
của tất cả các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan và phải chịu sự kiểm tra,
giám sát của các tổ chức, các tầng lớp công chúng.
+ Còn có một số văn bản vẫn còn chậm được ban hành như hướng dẫn về tiêu chí
xác định đơn vị sự nghiệp công lập đủ điều kiện được Nhà nước xác định giá
trị tài sản để giao cho đơn vị quản lý theo cơ chế giao vốn cho doanh nghiệp…
nên tính hiệu lực thi hành của Luật cũng phần nào bị hạn chế.
2. Về tình hình
quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước
a) Về mua sắm tài
sản nhà nước:
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 170/2006/QĐ-TTg ngày
18/7/2006 về việc Quy định tiêu chuẩn, định mức trang thiết bị và phương tiện
làm việc của cơ quan và cán bộ, công chức, viên chức nhà nước; Quyết định số
59/2007/QĐ-TTg ngày 07/5/2007 và Quyết định số 61/2010/QĐ-TTg ngày 30/9/2010 về
việc quy định tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng phương tiện đi
lại trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, công ty nhà nước.
Bộ Tài chính cũng đã ban hành Thông tư số 68/2012/TT-BTC ngày 26/4/2012
Quy định việc đấu thầu để mua sắm tài sản nhằm duy trì hoạt động thường xuyên
của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức
chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp,
đơn vị vũ trang nhân dân (thay thế Thông tư số 63/2007/TT-BTC ngày 15/06/2007
và Thông tư số 131/2007/TT-BTC ngày 05/11/2007).
Thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” UBND
tỉnh đã ban hành Công văn số 3252/UBND-KT ngày 28/4/2010 về việc triển khai
thực hiện ưu tiên mua sắm tài sản trong nước trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, theo
đó yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị HCSN trên địa bàn tỉnh khi phê duyệt danh mục
dự toán mua sắm hàng hoá lưu ý: ưu tiên lựa chọn mua sắm hàng hoá được sản xuất
trong nước bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu công việc. Tránh đưa vào danh
mục mua sắm các loại hàng hoá nhập khẩu mà trong nước đã sản xuất được.
Thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an
sinh xã hội, ngày 24/02/2011 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP,
trong đó có chỉ đạo các Bộ, ngành và địa phương phải dừng trang bị mới xe ô-tô,
điều hòa nhiệt độ, thiết bị văn phòng; giảm tối đa chi phí điện, nước, điện
thoại, văn phòng phẩm, xăng dầu,....Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, UBND tỉnh
Đồng Nai đã bàn hành Quyết định số 621/QĐ-UBND ngày 11/3/2011 về việc ban hành
Chương trình hành động của UBND tỉnh, trong đó có chỉ đạo tạm dừng mua sắm xe ô
tô, thiết bị văn phòng…
UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các sở, ban,
ngành, địa phương triển khai các Công văn số 6932/BTC-QLCS ngày 23/05/2012 và
Công văn số 8473/BTC-QLCS ngày 22/06/2012 của Bộ Tài chính về hướng dẫn thực
hiện mua sắm tài sản từ nguồn ngân sách nhà nước năm 2011 và năm 2012 theo chỉ
đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 13/NQ-CP ngày 10/5/2012.
Triển khai Thông tư số 68/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính, UBND tỉnh cũng đã
ban hành Quyết định số 2071/QĐ-UBND ngày 01/8/2012 quy định phân cấp phê duyệt,
thẩm định hồ sơ đấu thầu mua sắm tài sản nhằm duy trì hoạt động thường xuyên
của các tổ chức, cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng
Nai và Sở Tài chính đã có văn bản số 2311/STC-GCS ngày 12/7/2012 hướng dẫn lập
hồ sơ trình duyệt kế hoạch đấu thầu mua sắm tài sản nhà nước.
Số liệu báo cáo tình hình thực hiện mua sắm tài sản nhà nước từ năm 2010
đến năm 2012 như sau:
- Năm 2010: UBND tỉnh phê duyệt cho 36 đơn vị, với 84 gói thầu, trị giá
mua sắm khoảng 163.026.891.700 đồng và Sở Tài chính Quyết định theo thẩm quyền
phê duyệt kế hoạch đấu thầu cho 19 đơn vị, với 26 gói thầu, trị giá khoảng
7.746.136.000 đồng. Trong đó, phê duyệt kế hoạch đấu thầu trang bị mới 17 xe ô
tô, phương tiện vận tải các loại.
- Năm 2011: UBND tỉnh phê duyệt cho 32 đơn vị với 61 gói thầu, trị giá mua
sắm khoảng 126.405.148.430 đồng, Sở Tài chính phê duyệt cho 19 đơn vị, với 26 gói
thầu, trị giá khoảng 8.972.971.410 đồng. Trong đó, phê duyệt kế hoạch đấu thầu
trang bị mới 02 xe ô tô (phê duyệt kế hoạch đấu thầu trước ngày Nghị quyết số
11/NQ-CP của Chính phủ được ban hành) và 04 phương tiện vận tải các loại.
- Năm 2012: UBND tỉnh phê duyệt cho 49 đơn vị, với 101 gói thầu, trị giá mua
sắm khoảng 265.076.930.000 đồng, Sở Tài chính phê duyệt 35 đơn vị, với 49 gói
thầu, trị giá khoảng 16.127.828.820 đồng. Trong đó, phê duyệt kế hoạch đấu thầu
trang bị mới 36 xe ô tô, và 03 phương tiện vận tải các loại.
Đánh giá tình hình trang bị, mua sắm tải sản nhà nước:
Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị đã ý thức được trách nhiệm trong việc quản lý,
sử dụng TSNN, tuân thủ đúng các thủ tục và trình tự mua sắm TSNN. Quá trình thẩm
định hoặc phê duyệt kế hoạch đấu thầu mua sắm tài sản, Sở Tài chính đã yêu cầu
thủ trưởng các đơn vị khi phê duyệt danh mục dự toán mua sắm hàng hoá ưu tiên
lựa chọn mua sắm hàng hoá được sản xuất trong nước bảo đảm chất lượng, đáp ứng
yêu cầu công việc và tránh mua sắm các loại hàng hoá nhập khẩu mà trong nước đã
sản xuất được.
Đến nay, việc trang bị xe ô tô cho các đơn vị hành chính, sự nghiệp trên
địa bàn tỉnh đảm bảo tiêu chuẩn, định mức theo quy định. Năm 2011 cũng đã thực
hiện tốt việc tạm dừng trang bị xe ô tô theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày
24/2/2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu kiềm chế lạm phát, ổn định
kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.
Bên cạnh kết quả đã đạt được nêu trên, công tác quản lý, mua sắm TSNN cũng
còn một số tồn tại, khó khăn như sau:
+ Thủ trưởng một số ít cơ quan, đơn vị chưa nhận thức đầy đủ mục
đích, ý nghĩa và tầm quan trọng trong việc thực hiện cuộc vận động “Người Việt
Nam dùng hàng Việt Nam”, khi duyệt danh mục, vẫn chọn đưa vào danh mục mua sắm
các loại hàng hoá nhập khẩu mà trong nước đã sản xuất được, việc trang bị tài
sản chưa căn cứ vào các tiêu chuẩn, định mức.
+ Nhiều đơn vị chưa ban hành Quy chế quản lý và sử dụng tài sản nhà nước, quy
chế quản lý và sử dụng xe ô tô; việc mua sắm tài sản, trang thiết bị chưa sát
với nhu cầu thực tế,... nên chưa phát huy tối đa công suất sử dụng tài sản đã
được trang bị, làm giảm hiệu quả sử dụng ngân sách.
+ Chất lượng đấu thầu mua sắm tài sản của một số đơn vị còn hạn chế
do khi lập phê duyệt hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu chưa đảm bảo yếu tố
cạnh tranh, chưa chặt chẽ về tiêu chuẩn chất lượng, nghiệm thu, chuyển giao
công nghệ.
+ Tỉnh Đồng Nai là địa phương có kinh tế - xã hội phát triển, nhu cầu sử
dụng xe ô tô để giải quyết nhiệm vụ công tác của các cơ quan hành chính, sự
nghiệp là tương đối lớn. Đối với cơ quan Văn phòng UBND cấp huyện, quy định
được trang bị tối đa không quá 03 xe ô tô hiện nay không còn phù hợp, không đảm
bảo phương tiện phục vụ công tác để giải quyết khối lượng lớn công việc phát
sinh; hoặc đối với đơn vị sự nghiệp mà thủ trưởng đơn vị có hệ số phụ cấp là
0,7, quy định được trang bị duy nhất 01 xe ô tô phục vụ công tác chung, qua
kiểm tra công tác quyết toán hàng năm, một số đơn vị phát sinh chi phí thuê xe
lên đến hơn 200 triệu đồng/năm (chi phí thuê xe 03 năm có thể mua được 01 xe ô
tô mới). Đề nghị Bộ Tài chính báo cáo và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sửa đổi,
bổ sung quy định về tiêu chuẩn, định mức trang bị xe ô tô cho phù hợp với tình
hình thực tế của địa phương, đơn vị.
+ Theo quy định hiện hành về thực hiện mua sắm tài sản là xe ô tô thì Thủ
trưởng các cơ quan, đơn vị phải thực hiện các thủ tục về đấu thầu lựa chọn nhà
cung cấp theo các hình thức mua sắm như: Đấu thầu rộng rãi, chào hàng cạnh
tranh …
Tuy nhiên, thực tế hiện nay việc đấu thầu mua sắm tài sản là xe ô tô sản
xuất, lắp ráp trong nước là không cần thiết do hãng sản xuất đã niêm yết giá
công khai; việc thực hiện đấu thầu làm thời gian bị kéo dài do thực hiện các
bước theo quy trình đấu thầu và làm tăng chi phí dẫn đến hiệu quả không cao. Đề
nghị Bộ Tài chính báo cáo và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép các địa
phương được thực hiện mua xe ô tô lắp ráp trong nước đã có giá bán thống nhất
trong cả nước bằng hình thức mua sắm trực tiếp hoặc chỉ định thầu (không thông
qua hình thức đấu thầu). Thủ trưởng đơn vị mua sắm hoặc chủ đầu tư quyết định
phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu đủ năng lực để thực hiện nhiệm vụ, đồng
thời chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
b) Về sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước:
Xuất phát từ thực tế sử dụng TSNN trong những năm qua, Thủ tướng Chính phủ
đã ban hành Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg ngày 19/01/2007 về việc sắp xếp lại,
xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước trên phạm vi cả nước.
Theo chính sách này, toàn bộ trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp,
cơ sở sản xuất kinh doanh được bố trí, sắp xếp lại theo nguyên tắc: Di dời các
cơ sở sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm môi trường ra các khu công nghiệp, khu
kinh tế. Cơ quan, đơn vị, tố chức được chủ động sắp xếp lại nhà, đất hiện có
theo đúng chức năng, nhiệm vụ, nhu cầu cho sản xuất kinh doanh và phù hợp với
quy hoạch sử dụng đất của địa phương; số nhà, đất dôi dư được phép bán nhà và
chuyển nhượng hoặc chuyển mục đích sử dụng, từ đó đã tạo ra nguồn tài chính mới
để đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp trụ sở làm việc hoặc được sử dụng để đầu
tư xây dựng cơ sở sản xuất kinh doanh mới, đầu tư chiều sâu, tăng thêm năng lực
sản xuất kinh doanh; giành quỹ đất có lợi thế thương mại cho hoạt động kinh
doanh, thương mại, dịch vụ, du lịch; đồng thời giành quỹ đất để xây dựng các
công trình phúc lợi xã hội như trường học, bệnh viện và các công trình phúc lợi
quan trọng khác của địa phương... góp phần chỉnh trang quy hoạch lại đô thị
theo hướng hiện đại.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, từ giữa năm 2009 đến cuối năm
2010, UBND tỉnh Đồng Nai đã thực hiện xong sắp xếp lại, xử lý các cơ sở nhà,
đất thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn tỉnh và đã có báo cáo Bộ Tài chính về
kết quả thực hiện, cụ thể việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà
nước thuộc phạm vi tỉnh quản lý đạt được như sau:
a) Khối sở, ban, ngành, hội, đoàn thể và các đơn vị trực thuộc tỉnh:
+ Giữ lại tiếp tục sử dụng 295/305 cơ sở nhà, đất của 199 đơn vị với tổng
diện tích nhà 768.937,24m2, tổng diện tích đất 4.706.450,92m2,
(chiếm tỷ lệ 96,72%).
+ Thu hồi 01 cơ sở nhà, đất của Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh do
dư dôi, sử dụng sai mục đích với diện tích đất 127.058m2.
+ Bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất 06 cơ sở nhà, đất
của 06 đơn vị với tổng diện tích đất 1.164,5m2, tổng diện tích nhà
1.670,49m2.
+ Xử lý khác 03 cơ sở nhà, đất của 03 đơn vị với tổng diện tích nhà
4.786,8 m2, tổng diện tích đất 4.324,8 m2 (di dời các hộ
dân ra khỏi khuôn viên trụ sở, điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp hiện trạng sử
dụng …).
b) Khối các đơn vị thuộc huyện, thị xã Long Khánh, TP. Biên Hòa:
+ Giữ lại tiếp tục sử dụng 2.534/2.576 cơ sở nhà, đất của 1.151 đơn vị với
tổng diện tích nhà 1.616.280,64m2, tổng diện tích đất 7.471.657,03m2
(chiếm tỷ lệ 98,37%).
+ Thu hồi 22 cơ sở nhà, đất của 15 đơn vị với tổng diện tích nhà 2.728,83m2,
diện tích đất 40.367,20m2.
+ Điều chuyển 04 cơ sở nhà, đất của 04 đơn vị với tổng diện tích nhà
717,34m2, diện tích đất 9.524m2.
+ Xử lý khác 16 cơ sở nhà, đất của 13 đơn vị (giao cho địa phương kiểm
tra, rà soát thu hồi đất đối với các cơ sở bị lấn chiếm; rà soát điều chỉnh
diện tích đất theo thực tế sử dụng; rà soát quy hoạch sử dụng đất, nhu cầu sử
dụng trụ sở làm việc tại địa phương để lập kế hoạch sử dụng) với tổng diện tích
nhà 4.306,58m2, tổng diện tích đất 38.279,30m2.
Đánh giá việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước:
+ Việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước theo Quyết định
số 09/2007/QĐ-TTg ngày 19/01/2007 của Thủ tướng Chính phủ được UBND tỉnh Đồng
Nai xác định là nhiệm vụ quan trọng cần thiết, và đã thành lập Ban chỉ đạo 09
để chỉ đạo các cấp, ngành tập trung thực hiện và thường xuyên tháo gỡ vướng mắc
trong quá trình thực hiện.
+ Về tiến độ thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước
của các cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh Đồng Nai nhìn chung đảm bảo theo Kế hoạch số
9029/BCĐ09 ngày 04/11/2009 của Ban Chỉ đạo 09 tỉnh đề ra.
+ Qua công tác sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước, Thủ trưởng
các cơ quan, đơn vị đã ý thức được trách nhiệm trong việc sử dụng đúng mục đích
các cơ sở nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước thuộc phạm vi mình quản lý, thực hiện
chấn chỉnh việc sử dụng sai mục đích, chấm dứt việc cho các tổ chức, cá nhân
thuê phần diện tích nhà, đất để sử dụng vào mục đích kinh doanh.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những hạn chế, tồn tại
như sau:
+ Thủ trưởng các đơn vị, Chủ tịch UBND cấp huyện chưa tích cực chỉ đạo,
đôn đốc các đơn vị trực thuộc thực hiện hoặc trong quá trình thực hiện các đơn
vị không chú trọng nội dung dẫn đến kê khai sơ sài, thiếu sót, các hồ sơ có
liên quan kèm theo không đầy đủ như quyết định giao đất, bảng vẽ thửa đất, hồ
sơ về nhà… vì vậy cần phải rà soát điều chỉnh, kê khai lại làm ảnh hưởng đến
tiến độ thực hiện.
+ Việc kê khai về đất: Các đơn vị được giao đất hoặc được bàn giao
từ đơn vị khác nhưng chưa liên hệ với cơ quan có thẩm quyền đo vẽ để làm thủ
tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên diện tích đất kê khai căn cứ theo
quyết định giao đất hoặc biên bản bàn giao nên diện tích đất báo cáo chưa chính
xác theo thực tế.
c) Tình hình
báo cáo kê khai TSNN
Căn cứ Thông tư số 35/2007/TT-BTC ngày 10/4/2007 của Bộ Tài chính về việc hướng
dẫn thực hiện Nghị định số 137/2006/NĐ-CP ngày 14/11/2006 của Chính phủ quy
định việc phân cấp quản lý nhà nước đối với tài sản nhà nước tại cơ quan hành
chính, đơn vị sự nghiệp công lập, tài sản được xác lập quyền sở hữu của nhà
nước.
Căn cứ Quyết định số 411/QĐ-BTC ngày 02/3/2009 của Bộ Tài chính về việc triển
khai áp dụng Chương trình quản lý đăng ký tài sản nhà nước phiên bản 1.0.
Sở Tài chính đã thực hiện chuyển mã các đơn vị và duyệt đăng ký quản lý sử
dụng tài sản nhà nước (nhà, đất, ô tô và tài sản khác có giá trị tên 500 triệu đồng),
cập nhật vào chương trình đăng ký tài sản nhà nước phiên bản 1.0 của Bộ Tài
chính số dư ban đầu. Tính đến nay đã đăng nhập xong vào chương trình trên 1.500
đơn vị (đạt 100% trên tổng số đơn vị cần đăng ký), định kỳ hàng năm cập nhật
các biến động về tăng, giảm tài sản vào chương trình.
Theo số liệu báo cáo của các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã Long
Khánh và TP. Biên Hòa đến ngày 31/12/2012 thì TSNN có đến ngày 31/12/2011 như
sau:
- Đất: 10.312.274 m2 với giá trị là 10.480 tỷ đồng;
- Nhà: có 5.647 ngôi nhà với tổng diện tích 2.291.761 m2 với
nguyên giá 3.149 tỷ đồng và giá trị còn lại là 2.041 tỷ đồng. Về cơ cấu nhà chủ
yếu là nhà cấp IV với 4.439 ngôi và diện tích 881.818 m2 chiếm 78%
trên tổng số ngôi nhà báo cáo.
- Xe ô tô: 586 chiếc, trong đó xe phục vụ chức danh là 04 chiếc; xe dùng
chung là 373 chiếc, xe chuyên dùng là 209 chiếc với nguyên giá là 260 tỷ đồng,
giá trị còn lại 82 tỷ đồng.
- Tài sản khác có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên: Có 221 đơn vị tài sản
với nguyên giá 320 tỷ đồng và giá trị còn lại là 163 tỷ đồng. Về cơ cấu tài sản
khác chủ yếu là tài sản máy móc, trang thiết bị y tế với 156 đơn vị tài sản
chiếm 70% trên tổng số tài sản khác báo cáo.
Đánh giá tình
hình báo cáo kê khai TSNN
- Đây là lần đầu tiên ứng dụng triển khai tin học vào công tác quản lý
TSNN; việc ứng dụng Chương trình ĐKTS 1.0 để xây dựng CSDL quốc gia về TSNN đã
góp phần trang bị đồng bộ hơn các công cụ phục vụ công tác quản lý TSNN theo
yêu cầu của Luật quản lý, sử dụng TSNN. Chương trình là công cụ có hiệu quả
phục vụ xây dựng thành công CSDL quốc gia về TSNN. Lần đầu tiên tỉnh Đồng Nai
có một CSDL về TSNN trong đó chứa đựng khá đầy đủ thông tin về TSNN thuộc phạm
vi quản lý. CSDL là một kênh thông tin đắc lực giúp các cơ quan nhà nước có
thẩm quyền đưa ra các biện pháp quản lý, xử lý TSNN phù hợp hơn ; góp phần
nâng cao hiệu quản lý, sử dụng TSNN.
- Thực hiện ứng dụng Chương trình ĐKTS 1.0 vào công tác quản lý TSNN đã
tạo ra bước đột phá mới về đổi mới phương thức quản lý theo hướng hiện đại,
nhanh nhạy, kịp thời và có hiệu quả cao; dần thay thế cho phương pháp quản lý
truyền thống (kiểm kê, báo cáo giấy, …) tốn kém, thông tin thiếu kịp thời. Sử
dụng CSDL để quản lý TSNN đã góp phần thiết thực vào công tác hiện đại hoá công
tác quản lý của ngành Tài chính; đẩy mạnh thực hiện chủ trương cải cách thủ tục
hành chính của Chính phủ.
- Thông qua việc vận hành Chương trình, thực hiện các tác nghiệp nghiệp vụ
của CSDL từng bước hình thành được đội ngũ cán bộ quản lý công sản tại Sở Tài chính,
các sở, ban, ngành và địa phương có trình độ ngày càng chuyên nghiệp hơn. Bên
cạnh đó, ý thức trách nhiệm của các đối tượng trực tiếp quản lý, sử dụng TSNN
và các cơ quan quản lý đã có chuyển biến tích cực nhờ các thông tin được cung
cấp đầy đủ, công khai, kịp thời từ CSDL.
Kết quả đã đạt được nêu trên là đáng kể. Tuy nhiên đến nay cơ sở dữ liệu
vẫn còn một số hạn chế sau:
+ Thông tin tại CSDL chưa phản ánh được toàn bộ TSNN tại 100% cơ quan, tổ
chức, đơn vị phải thực hiện kê khai đăng ký theo quy định của Chính phủ và Bộ
Tài chính. Nguyên nhân do các cơ quan, đơn vị không thực hiện nghiêm túc việc
lập và gửi Tờ khai đăng ký TSNN đến Sở Tài chính để cập nhật số liệu vào CSDL.
+ Ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý TSNN phương thức quản lý mới,
đòi hỏi người sử dụng phải được tập huấn kỹ năng sử dụng. Song trên thực tế,
hiện tượng cán bộ đã được tập huấn không được làm mà giao người khác (không
được tập huấn) thực hiện làm ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng số liệu cập
nhật vào CSDL của địa phương.
+ Hiện tượng TSNN không có hồ sơ ban đầu hoặc có nhưng thông tin không đủ
hoặc thông tin bị sai lệch so với thực tế (nhất là nhà đất) còn lớn, ảnh hưởng
đến tính chính xác số liệu của CSDL.
3. Nhận xét
chung:
Kể từ khi Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước và các văn bản quy phạm
pháp luật dưới Luật đã được ban hành, công tác quản lý TSNN từ chỗ thụ động với
công tác lập và chấp hành ngân sách nhà nước thì nay đã chủ động gắn với công
tác lập và chấp hành ngân sách nhà nước, việc xây dựng dự toán ngân sách nhà
nước được căn cứ trên cơ sở nhu cầu đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản phục vụ
hoạt động của các cơ quan, đơn vị. Đồng thời, TSNN bước đầu đã gắn giá trị với
hiện vật, đảm bảo phù hợp với quá trình đầu tư xây dựng mới, mua sắm và sử dụng
tài sản.
Thực hiện phân cấp rõ ràng nhiệm vụ quản lý Nhà nước đối với TSNN giữa
tỉnh, huyện và xã; giữa các cơ quan có chức năng quản lý Nhà nước về tài sản
(Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường và các Sở chuyên ngành)
và các cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý, sử dụng TSNN; đồng thời xác định rõ
thẩm quyền, trách nhiệm của từng cấp trong quản lý, trách nhiệm của từng đơn vị
trong sử dụng tài sản đảm bảo cho việc sử dụng TSNN đi dần vào nề nếp, kỷ cương
và minh bạch.
Bên cạnh kết quả đã đạt được nêu trên, công tác quản lý TSNN cũng còn một
số tồn tại, yếu kém chưa đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu như:
+ Vẫn còn tình trạng sử dụng TSNN sai mục đích, lãng phí, thể hiện
tập trung ở:
- Một bộ phận đất đai, trụ sở làm việc của các cơ quan Nhà nước, đơn vị sự
nghiệp, nhất là tại các đô thị còn bị sử dụng sai mục đích như: Bỏ trống, cho thuê,
sử dụng để kinh doanh, dịch vụ... Một số trường hợp thực hiện mua sắm, điều chuyển,
thanh lý... TSNN sai thẩm quyền, sai tiêu chuẩn, chế độ dẫn đến thất thoát
TSNN.
- Trong đầu tư xây dựng mới, mua sắm tài sản: Tình trạng đầu tư, mua sắm
vượt tiêu chuẩn định mức, vượt mức giá cho phép vẫn còn tồn tại mặc dù đã hạn
chế đáng kể. Tình trạng sử dụng TSNN lãng phí, sai mục đích còn lớn.
+ Chế tài xử lý những
sai phạm về quản lý, sử dụng trụ sở làm việc; mua sắm sử dụng xe ô tô công,
trang thiết bị... còn chưa kịp thời, có trường hợp còn dùng quỹ công để bồi
thường thiệt hại do việc mua sắm, sử dụng tài sản sai dẫn đến tác dụng răn đe
bị hạn chế.
+
Đa số các địa phương, mà cụ thể là tại các Phòng TC-KH các huyện, thị xã, thành
phố mới chỉ bố trí được 01 cán bộ làm công tác quản lý công sản, song song đó kiêm
thêm công tác quản lý giá, từ đó dẫn đến thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về
TSNN còn nhiều hạn chế, thiếu tính chuyên nghiệp, bị động. Tổ chức bộ máy cơ
quan thực thi nhiệm vụ quản lý Nhà nước về TSNN chưa được chú trọng kiện toàn.
4. Nguyên nhân
của những hạn chế, tồn tại
a) Nguyên nhân khách
quan
Một thời gian dài việc
quản lý TSNN trong khu vực HCSN ảnh hưởng bởi cơ chế tập trung bao cấp. Việc lãng phí TSNN trong khu vực HCSN đã
là căn bệnh trầm kha. Khi chuyển sang nền kinh tế thị trường có sự quản lý của
Nhà nước và xu hướng hội nhập quốc tế thì cơ chế quản lý TSNN trong khu vực HCSN
chưa bắt nhịp kịp thời. Do vậy, cơ chế chính sách ban hành thiếu tính thực tiễn,
việc buông lỏng quản lý, thiếu sự kiểm tra kiểm soát đối với TSNN trải qua thời
kỳ dài của nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung đã thành thói quen tập quán; do
đó việc chuyển biến cả về tư tưởng, nhận thức và tổ chức thực hiện là cả một
quá trình lâu dài.
b) Nguyên nhân chủ quan
- Chính quyền các cấp
chưa thực hiện đầy đủ chức năng quản lý nhà nước đối với TSNN:
+ Một số đơn vị, tổ chức chưa nhận thức đầy đủ, sâu sắc về mục đích, ý
nghĩa và tầm quan trọng của công tác quản lý TSNN. Việc nhận thức về thực hành
tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý TSNN chưa tương xứng với bản chất của
nó nên chưa ban hành đồng bộ, kịp thời các cơ chế, chính sách để thống nhất
quản lý TSNN và thiếu quyết tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện.
+ Các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp trực tiếp quản lý, sử dụng
TSNN tự do, tuỳ tiện trong việc bố trí sử dụng tài sản, chưa tự giác chấp hành đầy
đủ chế độ báo cáo sự biến động của tài sản và thậm chí chưa tổ chức theo dõi về
số lượng, giá trị của các tài sản được giao, thiếu nghiêm túc trong việc triển
khai thực hiện các quy định của Nhà nước về quản lý TSNN.
- Công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các cơ chế, chính sách
về quản lý TSNN chưa được thực hiện nghiêm túc. Sở Tài chính, Phòng Tài chính
các huyện, thị xã, thành phố (cơ quan được giao trực tiếp quản lý công sản ở
địa phương) chưa thực hiện triệt để vai trò kiểm tra, kiểm soát về việc thực
hiện chính sách chế độ cũng như kiểm tra định kỳ thường xuyên để phát hiện nhưng
sai phạm trong thực thi chính sách và tổ chức thực hiện của các đơn vị trực
tiếp sử dụng TSNN. Các vi phạm trong quản lý, sử dụng TSNN chưa được phát hiện
và xử lý kịp thời hoặc các trường hợp sai phạm đã được xử lý, song chưa được xử
lý dứt điểm, thiếu kiên quyết hoặc có sai phạm đã xử lý nhưng còn mang nặng
tính hình thức, hành chính nên tác dụng giáo dục và ngăn chặn còn hạn chế.
- Chuyển biến nhận thức
về quản lý TSNN của hệ thống các cơ quan Nhà nước nói chung còn chậm. Trong
quá trình đổi mới cơ chế quản lý TSNN còn hạn chế về mặt tư duy bao cấp, nhận
thức về việc quản lý TSNN còn đơn giản, thiếu trách nhiệm vì vậy cơ chế quản lý
chưa có những bước đột phá phù hợp với cơ chế thị trường và cơ chế quản lý nhà
nước bằng pháp luật.
IV. MỘT SỐ GIẢI
PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG TÀI SẢN CÔNG TẠI CÁC
ĐƠN VỊ HCSN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI TỪ NAY ĐẾN NĂM 2015
1. Tập huấn hướng dẫn chế độ chính sách về quản lý,
sử dụng tài sản Nhà nước và công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy
định của Nhà nước trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công
Triển khai cho tất cả các đội ngũ cán bộ làm công tác tài chính, kế toán
đơn vị HCSN trên địa bàn tỉnh, bước đầu tập trung triển khai cho các cán bộ tài
chính, kế toán cấp xã việc thi hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước,
như; Nghị định số 52/2009/NĐ-CP ngày 03/6/2009 của Chính phủ quy định chi tiết
và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý, sử dụng TSNN, Thông tư số
245/2009/TT-BTC ngày 31/12/2009 của Bộ Tài chính quy định thực hiện một số nội
dung của Nghị định số 52/2009/NĐ-CP, Thông tư số 89/2010/TT-BTC ngày 16/6/2010
của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ báo cáo công khai quản lý, sử dụng TSNN tại
CQNN, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức được giao quản lý, sử dụng TSNN, Quyết
định số 32/2008/QĐ-BTC ngày 29/5/2008 của Bộ Tài chính về việc ban hành chế độ
quản lý, tính hao mòn tài sản cố định trong các cơ quan nhà nuớc, đơn vị sự
nghiệp công lập và các tổ chức có sử dụng ngân sách nhà nước và Quyết định số
92/2009/QĐ-UBND ngày 30/12/2009 của UBND tỉnh ban hành Quy định thẩm quyền,
trách nhiệm quản lý, sử dụng tài sản nhà nước thuộc phạm vi quản lý của tỉnh
Đồng Nai.
Đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị thực hiện công khai, minh bạch trong quản
lý, sử dụng tài sản công (công khai cả dự toán, hình thức mua, giá trị mua...);
không chỉ được tiến hành theo định kỳ mà phải làm thường xuyên tránh trường hợp
lãng phí, gây thất thoát.
Phổ biến, quán triệt Nghị định số 66/2012/NĐ-CP ngày
06/9/2012 của Chính phủ quy định việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực
quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; Thông tư số 14/2013/TT-BTC ngày 05/02/2013
của Bộ Tài chính quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị
định số 66/2012/NĐ-CP ngày 06/9/2012 của Chính phủ.
Thường xuyên triển khai công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra
việc thực hiện các cơ chế, chính sách về quản lý TSNN tại các đơn vị HCSN. Cơ
quan tài chính các cấp thực hiện triệt để vai trò kiểm tra, kiểm soát về việc
thực hiện chính sách chế độ cũng như kiểm tra định kỳ thường xuyên để phát hiện
những sai phạm trong thực thi chính sách và tổ chức thực hiện của các đơn vị
trực tiếp sử dụng TSNN. Phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm trong quản lý,
sử dụng TSNN, đặc biệt phải xứ lý kiên quyết và xử lý dứt điểm các trường hợp
sai phạm trong việc sử dụng nhà, đất không đúng mục đích được giao, nhằm giáo
dục và ngăn chặn những trường hợp tương tự.
- Thời gian dự kiến tổ chức tập huấn vào khoảng giữa quý
II/2013.
- Kinh phí thực hiện: Từ nguồn ngân sách tỉnh do Sở Nội vụ thực
hiện thanh toán theo các quy định hiện hành.
2. Trình UBND tỉnh ban hành quyết định
về quy chế phối hợp kiểm tra, đối chiếu thông tin và sử dụng thông tin trong cơ
sở dữ liệu quốc gia về tài sản Nhà nước trên địa bàn tỉnh Đồng Nai
Quy chế này quy định mối quan hệ phối hợp giữa các sở, ban, ngành
cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, tổ chức, đơn vị
được giao quản lý, sử dụng tài sản nhà nước với Sở Tài chính trong việc cung cấp
thông tin để kiểm tra, đối chiếu kết quả đăng nhập dữ liệu tài sản nhà nước thuộc
diện phải kê khai đăng ký (trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp; xe ô tô
các loại; tài sản khác có nguyên giá theo sổ sách kế toán từ 500 triệu đồng trở
lên/01 đơn vị tài sản) vào phần mềm quản lý đăng ký tài sản nhà nước và sử dụng
thông tin lưu giữ trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản nhà nước vào các mục
đích: Thực hiện báo cáo tình hình quản lý, sử dụng tài sản nhà nước hàng năm
theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước và các báo cáo khác
theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; lập dự toán, xét duyệt quyết
toán, quyết định, kiểm tra, kiểm toán, thanh tra việc đầu tư xây dựng, mua sắm,
nâng cấp cải tạo, sửa chữa, sử dụng, xử lý (thu hồi, bán, điều chuyển, thanh
lý, tiêu hủy) tài sản nhà nước.
3. Thực hiện rà soát, chuẩn hóa dữ
liệu trong cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản nhà nước theo hướng dẫn của Bộ Tài
chính
Qua kiểm tra số liệu trong CSDL còn có những bất hợp lý, sai
sót, chưa phản ánh đầy đủ, chính xác thực trạng và biến động của tài sản nhà nước.
Việc rà soát, chuẩn hóa dữ liệu nhằm chuẩn xác lại toàn bộ dữ liệu, nâng cao
chất lượng dữ liệu trong CSDL quốc gia về tài sản nhà nước. Dữ liệu sau khi được
rà soát, chuẩn hoá sẽ là số liệu chính thức về tài sản nhà nước của cả tỉnh, của
từng sở, ban, ngành, địa phương và đơn vị để phục vụ công tác báo cáo, quản lý,
điều hành của các cấp, các ngành về tài sản nhà nước.
Thực hiện rà soát, chuẩn hoá dữ liệu một cách toàn diện các
trường thông tin trong CSDL quốc gia về tài sản nhà nước, từ danh mục đơn vị
đến từng loại tài sản, cụ thể: Chuẩn hoá dữ liệu về đất: Gồm các nội dung về
loại đất, diện tích đất, giá trị quyền sử dụng đất và hiện trạng sử dụng; Chuẩn
hoá dữ liệu về nhà: gồm các nội dung về cấp hạng nhà, thời gian sử dụng được
sau kê khai ban đầu (thời điểm 31/12/2008), giá trị còn lại; Chuẩn hóa dữ liệu
về xe ô tô: Gồm các nội dung về cách phân loại xe (chức danh, phục vụ chung,
chuyên dùng); Chuẩn hóa dữ liệu về tài sản khác có nguyên giá từ 500 triệu đồng
trở lên/1 đơn vị tài sản.
- Thời gian thực hiện từ nay đến hết quý IV/2013.
- Kinh phí thực hiện: Từ nguồn ngân sách tỉnh do Sở Tài
chính thực hiện thanh toán theo quy định tại Khoản 2, Điều 11, Thông tư số
123/2011/TT-BTC ngày 31/8/2011 và hướng dẫn tại Công văn số 10809/BTC-QLCS ngày
10/8/2012 của Bộ Tài chính về kinh phí nhập, duyệt, chuẩn hóa dữ liệu về Tài
sản nhà nước.
4 Triển khai ứng dụng phần mềm quản lý
tài sản cố định đến tất cả các đơn vị HCSN thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Đồng
Nai
Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 411/QĐ-BTC ngày
02/03/2009 về việc áp dụng thống nhất phần mềm quản lý đăng ký TSNN trên phạm
vi cả nước để hình thành CSDL quốc gia về tài sản nhà nước. Theo đó các TSNN
phải kê khai báo cáo gồm: Đất, nhà thuộc trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự
nghiệp; Xe ô tô các loại; các tài sản khác có nguyên giá theo sổ kế toán từ 500
triệu đồng/ 1 đơn vị tài sản trở lên.
Như vậy, đối với tài sản còn lại (có nguyên giá dưới 500
triệu đồng/ một đơn vị tài sản) thì chưa có phần mềm quản lý đồng bộ trên phạm
vi toàn tỉnh, các đơn vị hiện nay chủ yếu theo dõi, tổng hợp báo cáo trên sổ
sách kế toán hoặc công cụ hỗ trợ đơn giản là phần mềm Microsoft Excel. Từ đó,
công tác tổng hợp báo cáo tất cả các tài sản nhà nước gặp nhiều khó khăn; hơn
nữa, số lượng tài sản có nguyên giá dưới 500 triệu đồng/ một đơn vị tài sản tại
các đơn vị HCSN trong phạm vi quản lý của tỉnh là rất lớn. Vì vậy, đòi hỏi phải
có phần mềm quản lý tài sản cố định triển khai đến tất cả các đơn vị hành chính
sự nghiệp trên địa bàn tỉnh để thống nhất quản lý, tổng hợp và kịp thời báo cáo
theo quy định và góp phần cải cách hành chính trong lĩnh quản lý tài sản công.
- Thời gian thực hiện bắt đầu từ Quý II/2014 đến Quý
IV/2015.
- Kinh phí thực hiện: Đối với các đơn vị quản lý nhà nước
chi từ nguồn ngân sách tỉnh; đối với các đơn vị sự nghiệp chi từ kinh phí được
giao tự chủ hàng năm hoặc nguồn Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Tài chính có trách nhiệm:
a) Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan, UBND
các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa triển khai thực hiện Đề án
này, định kỳ báo cáo kết quả thực hiện cho UBND tỉnh.
b) Tổ chức sơ kết việc thực hiện Đề án tháng 06 năm 2014 và
tổng kết vào cuối năm 2015.
c) Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc Sở
Tài chính tổng hợp, báo cáo, đề xuất UBND tỉnh xem xét, bổ sung sửa đổi cho phù
hợp.
2. Sở Tài nguyên và Môi trường có
trách nhiệm:
a) Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và địa phương
đẩy nhanh việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các đơn vị sử dụng
nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước trên địa bàn tỉnh.
b) Phối hợp Sở Tài chính và Sở Xây dựng định kỳ thực hiện
kiểm tra việc sử dụng đất của các đơn vị nhằm kịp thời phát hiện các trường hợp
sử dụng nhà, đất không đúng mục đích được giao để báo cáo, đề xuất UBND tỉnh xử
lý theo thẩm quyền.
3. Sở Xây dựng có trách nhiệm:
a) Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và địa phương
đẩy nhanh việc thực hiện lập hồ sơ quản lý công sở theo quy định tại Quyết định
số 213/2006/QĐ-TTg ngày 25/9/2006 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số
01/2007/TT-BXD ngày 31/01/2007 của Bộ Xây dựng nhanh chóng liên hệ với cơ quan
tài nguyên môi trường để được hướng dẫn việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng
đất.
b) Phối hợp Sở Tài chính và Sở Tài nguyên và Môi trường định
kỳ thực hiện kiểm tra việc sử dụng nhà của các đơn vị nhằm kịp thời phát hiện các
trường hợp sử dụng nhà, đất không đúng mục đích được giao để báo cáo, đề xuất
UBND tỉnh xử lý theo thẩm quyền.
4. Sở Nội vụ có trách nhiệm:
Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và UBND các huyện, thị xã
Long Khánh, thành phố Biên Hòa kiểm tra, rà soát tình hình biên chế cán bộ làm công
tác quản lý tài sản công tại các đơn vị. Trên cơ sở nội dung Đề án và các quy
định của pháp luật hiện hành, tham mưu UBND tỉnh kiện toàn tổ chức bộ máy cơ
quan thực thi nhiệm vụ quản lý Nhà nước về TSNN trên địa bàn tỉnh.
5. Các sở, ban, ngành thuộc tỉnh và UBND
các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa có trách nhiệm:
Trong phạm vi quản lý của mình, xây dựng và tổ chức thực hiện
kế hoạch hoàn thiện công tác quản lý, sử dụng tài sản nhà nước theo tiến độ
chung của Đề án. Chí đạo, đôn đốc bộ phận quản lý công sản, bộ phận kế toán của
cơ quan và các đơn vị trực thuộc tổ chức thực hiện tốt các nội dung của Đề án
trong quá trình triển khai thực hiện, đặc biệt là công tác báo cáo, rà soát, chuẩn
hóa dữ liệu tài sản ... nhằm đảm bảo thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án.
6. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị trực tiếp
sử dụng, quản lý tài sản công có trách nhiệm: Thực
hiện nghiêm túc, đầy đủ và đúng thời gian yêu cầu các nội
dung của đơn vị chủ trì triển khai Đề án như: Tham gia và cử cán bộ tham gia
lớp tập huấn, lập hồ sơ công sở, liên hệ với cơ quan Tài nguyên - Môi trường
hoàn tất thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, báo cáo số liệu số liệu
rà soát, chuẩn hóa về tài sản nhà nước trong dữ liệu quốc gia... Ngoài ra, chấp
hành tốt các quy định của Luật Quản lý tài sản Nhà nước năm 2008 và các quy
định khác của pháp luật có liên quan, bảo đảm sử dụng tài sản nhà nước đúng mục
đích, tiêu chuẩn, định mức, chế độ và hiệu quả, tiết kiệm.
Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc các đơn
vị báo cáo đề xuất gửi về Sở Tài chính để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh xem xét,
bổ sung sửa đổi cho phù hợp theo quy định./.