BAN CHẤP HÀNH
TRUNG ƯƠNG
*
|
ĐẢNG CỘNG SẢN
VIỆT NAM
---------------
|
Số 298-QĐ/TW
|
Hà Nội, ngày 09
tháng 6 năm 2025
|
QUY ĐỊNH
CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, TỔ CHỨC BỘ MÁY CỦA ĐẢNG ỦY CẤP TRÊN TRỰC
TIẾP CỦA TỔ CHỨC CƠ SỞ ĐẢNG Ở XÃ, PHƯỜNG, ĐẶC KHU
- Căn cứ Điều lệ Đảng và
Quy định thi hành Điều lệ Đảng;
- Căn cứ Quy chế làm việc
của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư khoá XIII,
Ban Bí thư quy định chức
năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của đảng ủy cấp trên trực tiếp của tổ chức cơ sở
đảng ở xã, phường, đặc khu (sau đây gọi chung là đảng ủy cấp trên cơ sở ở cấp
xã) như sau:
Điều
1. Vị trí, chức năng
Đảng ủy cấp trên cơ sở ở
cấp xã là cấp ủy trực thuộc tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương (gọi tắt là
cấp ủy cấp tỉnh) và là cấp ủy cấp trên trực tiếp của tổ chức cơ sở đảng, chi bộ
trực thuộc; chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp và thường xuyên của ban thường
vụ cấp ủy cấp tỉnh.
Đảng ủy cấp trên cơ sở ở
cấp xã có chức năng lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện ở cấp xã; lãnh đạo,
chỉ đạo các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống chính trị cấp xã và các cấp ủy, tổ
chức đảng trực thuộc theo quy định của Điều lệ Đảng, các quy định, hướng dẫn của
Trung ương và của cấp ủy cấp tỉnh.
Điều
2. Nhiệm vụ, quyền hạn của đảng ủy
1. Thực hiện nhiệm vụ,
quyền hạn của cấp ủy cấp trên trực tiếp của tổ chức cơ sở đảng theo quy định của
Điều lệ Đảng, các quy định, hướng dẫn của Trung ương, Lãnh đạo, chỉ đạo các cơ
quan, tổ chức thuộc hệ thống chính trị cấp xã và các cấp ủy, tổ chức đảng trực
thuộc và cán bộ, đảng viên thực hiện đúng đường lối, chủ trương, quy định của Đảng,
pháp luật của Nhà nước; lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương
theo quy định; cụ thể hoá các chủ trương, biện pháp triển khai thực hiện nghị
quyết của cấp ủy cấp trên trực tiếp, nghị quyết đại hội đảng bộ. Quyết định
chương trình làm việc, chương trình kiểm tra, giám sát toàn khoá, hằng năm của
đảng ủy; quy chế làm việc của đảng ủy, ủy ban kiểm tra đảng ủy. Căn cứ nội
dung, tính chất của từng lĩnh vực, đảng ủy ban hành văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo
thực hiện nhiệm vụ chính trị của đảng bộ.
2. Lãnh đạo, chỉ đạo, tổ
chức thực hiện và sơ kết, tổng kết các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, Bộ
Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy cấp tỉnh và nghị quyết của đảng ủy cấp xã. Tổ chức
triển khai thực hiện thí điểm các chủ trương, mô hình mới theo chỉ đạo của cấp
trên.
3. Lãnh đạo công tác xây
dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức. Tổ chức tuyên truyền, học tập, quán
triệt nghị quyết của Đảng, học tập lý luận chính trị, tổng kết thực tiễn và
nghiên cứu lý luận; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; cập nhật kịp thời các
quan điểm, chủ trương, chính sách mới, đấu tranh với các quan điểm sai trái,
thù địch, bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm, đường
lối của Đảng. Lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các quy định của Trung ương về chuẩn
mực đạo đức cách mạng; giáo dục cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; trách
nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý và
người đứng đầu các cấp ủy, cơ quan, tổ chức. Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng,
đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong cán bộ, đảng viên và nhân dân; phát huy
truyền thống yêu nước trong các tầng lớp nhân dân; xây dựng tình đoàn kết, gắn
bó, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau; xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh ở các cơ
quan, tổ chức, khu dân cư, tổ dân phố và từng gia đình. Tuyên truyền, nhân rộng
gương người tốt, việc tốt và những điển hình tiên tiến.
4. Lãnh đạo, chỉ đạo các
tổ chức đảng trực thuộc thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật
của Nhà nước về công tác dân vận, dân tộc, tôn giáo, thực hiện dân chủ ở cơ sở;
tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của
Đảng, pháp luật của Nhà nước, các nhiệm vụ của địa phương và kịp thời nắm bắt
tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Lãnh đạo, phát huy vai
trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, sức mạnh của nhân dân
để tham gia xây dựng Đảng, bảo vệ đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng,
pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ chính trị của địa phương; xây dựng hệ thống
chính trị trong sạch, vững mạnh. Thực hiện nghiêm cơ chế kiểm tra, giám sát của
tổ chức đảng, giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức
chính trị - xã hội và của nhân dân về phẩm chất, đạo đức, lối sống của cán bộ,
đảng viên; chống tư tưởng cơ hội, thực dụng, cục bộ, bè phái, gia trưởng, dòng
họ, bảo thủ và các tệ nạn xã hội.
5. Lãnh đạo, chỉ đạo xây
dựng các tổ chức đảng trực thuộc trong sạch, vững mạnh; công tác bảo vệ chính
trị nội bộ, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng
và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; công tác phát triển đảng viên. Quyết định
chủ trương, giải pháp về xây dựng, quản lý, sắp xếp tổ chức bộ máy, biên chế.
6. Lãnh đạo công tác tổ
chức, cán bộ, thực hiện chính sách cán bộ trong đảng bộ, bảo đảm đúng nguyên tắc,
nội dung, quy trình, thủ tục, thẩm quyền theo quy định của Trung ương, cấp ủy cấp
tỉnh. Căn cứ quy định, hướng dẫn của Trung ương, cấp ủy cấp tỉnh, thảo luận,
quyết định số lượng ủy viên ban thường vụ, ủy viên ủy ban kiểm tra; xem
xét, giới thiệu và đề nghị chỉ định ủy viên ban chấp hành đảng bộ, ủy viên ban
thường vụ, bí thư, phó bí thư, ủy ban kiểm tra, chủ nhiệm, phó chủ nhiệm
ủy ban kiểm tra.
7. Lãnh đạo việc đổi mới,
kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Quyết định thành lập, sáp nhập,
chia tách, giải thể, hợp nhất các tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị trực thuộc; quyết
định chuyển giao, tiếp nhận tổ chức đảng theo thẩm quyền và theo quy định, hướng
dẫn của cấp trên. Lãnh đạo thực hiện quy trình, thủ tục thành lập, giải thể,
sáp nhập, chia tách, điều chỉnh địa giới, đổi tên đơn vị hành chính cấp mình;
thành lập, tổ chức lại, giải thể, đặt tên, đổi tên thôn, tổ dân phố; xây dựng
và thực hiện có hiệu quả các mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư theo chủ trương
của cấp trên và quy định của pháp luật.
8. Căn cứ quy định, hướng
dẫn của Trung ương và cấp ủy cấp tỉnh, xây dựng kế hoạch tổ chức đại hội đảng bộ
và lãnh đạo, chỉ đạo đại hội các tổ chức đảng thuộc đảng bộ; chuẩn bị nội dung
và quyết định triệu tập đại hội đại biểu đảng bộ hoặc hội nghị đại biểu giữa
nhiệm kỳ theo quy định của Trung ương.
9. Thực hiện tự phê bình
và phê bình, chất vấn và tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh cán
bộ lãnh đạo, quản lý theo quy định. Cho ý kiến về kết quả kiểm điểm, tự phê
bình và phê bình hằng năm của ban thường vụ.
10. Lãnh đạo, chỉ đạo và
tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng, công tác đấu
tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy
thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn
biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ. Lãnh đạo, chỉ đạo công tác
tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với tổ chức đảng, đảng viên
và giải quyết vấn đề đảng tịch theo Điều lệ Đảng và các quy định của Trung
ương.
11. Lãnh đạo chính quyền
cấp xã thực hiện đúng chủ trương, đường lối, nghị quyết, quy định, kết luận của
Đảng và pháp luật của Nhà nước. Quyết định các chủ trương, biện pháp quan trọng
thực hiện nhiệm vụ chính trị của cấp xã. Định hướng theo thẩm quyền những vấn đề
quan trọng để Hội đồng nhân dân quyết định. Xác định nhiệm vụ trọng tâm, đột
phá, các chương trình, đề án, dự án trọng điểm, mục tiêu, chỉ tiêu, phương hướng,
nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu về phát triển kinh tế-xã hội, công tác quốc phòng,
an ninh và đối ngoại; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội trung hạn và dài hạn;
định kỳ xem xét, cho ý kiến về tình hình phát triển kinh tế - xã hội và định hướng
nhiệm vụ tiếp theo.
12. Lãnh đạo thực hiện
nhiệm vụ quốc phòng toàn dân, công tác quân sự địa phương và chính sách hậu
phương quân đội; giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa
bàn.
13. Quyết định các vấn đề
liên quan đến quản lý tài chính, tài sản của cấp ủy và đảng bộ theo thẩm quyền;
xem xét, cho ý kiến về công tác tài chính đảng hằng năm và cuối nhiệm kỳ.
14. Xem xét, cho ý kiến về
những công việc ban thường vụ đã giải quyết giữa hai kỳ hội nghị đảng ủy; quyết
định những vấn đề quan trọng khác do ban thường vụ trình.
15. Thực hiện các nhiệm vụ
khác do cấp ủy cấp trên giao.
Điều
3. Nhiệm vụ, quyền hạn của ban thường vụ đảng ủy
1. Quyết định triệu tập hội
nghị cấp ủy; chỉ đạo chuẩn bị nội dung, chương trình, báo cáo, đề án, dự thảo
nghị quyết, kết luận trình cấp ủy về những vấn đề thuộc thẩm quyền của cấp ủy
quy định tại Điều 2 Quy định này. Chủ động đề xuất những vấn
đề lớn, quan trọng của địa phương để cấp ủy xem xét, quyết định. Quyết định
chương trình, kế hoạch công tác của ban thường vụ.
2. Lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm
tra, giám sát việc triển khai, tổ chức thực hiện các nghị quyết của Đảng, của cấp
ủy cấp trên và cấp ủy cấp mình; định kỳ sơ kết, tổng kết theo quy định.
3. Quyết định các chủ
trương, nhiệm vụ, giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác
chính trị, tư tưởng. Chỉ đạo công tác học tập, nghiên cứu lý luận chính trị, tổng
kết thực tiễn; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan
điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc, bịa đặt. Lãnh đạo, chỉ đạo trung tâm chính
trị (nếu có) thực hiện chức năng, nhiệm vụ, phục vụ chung công tác đào tạo, bồi
dưỡng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên, người lao động
của các địa phương trong địa bàn tỉnh, thành phố theo quy định.
4. Lãnh đạo công tác tổ
chức, cán bộ và quản lý cán bộ:
a) Quyết định phân công
công tác đối với các đồng chí ủy viên ban chấp hành đảng bộ, ủy viên ban thường
vụ đảng ủy.
b) Lãnh đạo, chỉ đạo đổi
mới, sắp xếp tổ chức bộ máy và quản lý biên chế, cán bộ của các cơ quan Đảng,
chính quyền, đoàn thể thuộc hệ thống Chính trị cấp xã theo quy định, hướng dẫn
của Trung ương và cấp ủy cấp tỉnh. Quyết định chủ trương, giải pháp về sắp xếp
tổ chức bộ máy, biên chế và chính sách cán bộ thuộc thẩm quyền.
c) Lãnh đạo trực tiếp,
toàn diện công tác cán bộ và thống nhất quản lý đội ngũ cán bộ, công chức, viên
chức; quyết định nhận xét, đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, giới
thiệu cán bộ ứng cử, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật
cán bộ và thực hiện chính sách cán bộ cấp xã theo phân cấp quản lý, bảo đảm
đúng nguyên tắc, nội dung, quy trình, thủ tục, thẩm quyền.
d) Lãnh đạo, chỉ đạo công
tác bảo vệ chính trị nội bộ; quyết định thẩm tra, xác minh, kết luận về tiêu
chuẩn chính trị đối với cán bộ, đảng viên theo quy định của Trung ương.
đ) Đề nghị hoặc cho ý kiến
về việc xét tặng các danh hiệu cao quý của Nhà nước theo quy định. Quyết định
khen thưởng tổ chức đảng, đảng viên theo quy định của Điều lệ Đảng và quy định,
hướng dẫn của Trung ương.
e) Chỉ đạo đại hội, cho ý
kiến nội dung văn kiện và phê duyệt phương án nhân sự đại hội các đảng bộ, chi
bộ trực thuộc.
g) Căn cứ quy định, hướng
dẫn của cấp trên, lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc xây dựng
quy chế làm việc, cụ thể hoá chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công
tác của các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc của Đảng ủy theo quy định.
h) Lãnh đạo, chỉ đạo, tổ
chức thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh cán bộ Lãnh đạo,
quản lý theo quy định; việc kiểm điểm và đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm
đối với tập thể, cá nhân theo thẩm quyền được phân cấp. Lãnh đạo, chỉ đạo công
tác xây dựng, củng cố, nâng cao chất lượng tổ chức đảng và đảng viên; chất lượng
sinh hoạt đảng, tự phê bình và phê bình; quyết định việc kết nạp, kết nạp lại,
công nhận đảng viên chính thức, xoá tên đảng viên và rà soát, sàng lọc, đưa những
đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng theo quy định.
5. Lãnh đạo, chỉ đạo và tổ
chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng; công tác đấu tranh
phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về
tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến",
"tự chuyển hoá" trong nội bộ; kiểm tra việc thực hiện các quy định về
trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản
lý và người đứng đầu các cấp theo Điều lệ Đảng và các quy định của Đảng.
6. Lãnh đạo, chỉ đạo đổi
mới công tác dân vận, thực hiện dân chủ ở cơ sở; xây dựng khối đại đoàn kết
toàn dân; phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng,
xây dựng chính quyền của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội;
chăm lo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, công chức, viên chức,
người lao động trong phạm vi lãnh đạo.
7. Lãnh đạo, chỉ đạo việc
chuẩn bị và tổ chức đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã
hội cấp xã; cho ý kiến nội dung văn kiện, phương án nhân sự và giới thiệu nhân
sự các chức danh thuộc diện ban thường vụ quản lý để Mặt trận Tổ quốc và các tổ
chức chính trị - xã hội cấp xã bầu theo quy định. Cho ý kiến định hướng những nội
dung quan trọng đối với hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã
hội.
8. Cho ý kiến về nội dung
các kỳ họp Hội đồng nhân dân cấp xã. Lãnh đạo chính quyền cấp xã thực hiện đúng
chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật; xây dựng chính quyền
cùng cấp vững mạnh, hoạt động theo hướng dẫn chủ, công khai, minh bạch, chuyên
nghiệp; thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống tham nhũng, lãng phí,
tiêu cực, quan liêu, hách dịch, cửa quyền; cải cách hành chính, chuyển đổi số,
đổi mới phương pháp, lề lối làm việc; tạo môi trường thuận lợi để các thành phần
kinh tế phát triển; quản lý, sử dụng có hiệu quả tài nguyên, đất đai khoáng sản,
ngân sách, các khoản đóng góp của nhân dân và các nguồn hỗ trợ khác để phát triển
kinh tế, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, xây dựng địa phương
giàu đẹp, hiện đại, văn minh
9. Lãnh đạo, chỉ đạo những
nhiệm vụ trọng tâm của xã, cho chủ trương về những vấn đề quan trọng, những vấn
đề hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, thường trực đảng ủy báo cáo:
a) Về công tác quy
hoạch, kế hoạch phát triển địa phương, các ngành, lĩnh vực, địa bàn trọng yếu;
việc thực hiện các chương trình, dự án quan trọng, cơ chế, chính sách có ảnh hưởng
đến đời sống nhân dân; chủ trương, cơ chế, chính sách huy động nguồn lực xã hội
phục vụ phát triển; chủ trương đầu tư các dự án lớn, quan trọng, nhạy cảm; dự
án liên quan đến quốc phòng, an ninh. Cho ý kiến về sử dụng các nguồn huy động,
hỗ trợ, vay ở trong, ngoài nước; nguồn vượt thu dự toán ngân sách, nguồn tăng
thu ngân sách.
b) Cụ thể hoá, triển khai
tổ chức thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Trung ương, cấp ủy cấp tỉnh và
của đảng ủy trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục và đào tạo, y tế, dân số, bảo vệ
và chăm sóc sức khoẻ nhân dân, khoa học - công nghệ, chuyển đổi số, cải cách
hành chính, phát triển nguồn nhân lực và bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên
tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.
10. Lãnh đạo, chỉ đạo triển
khai thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, đối ngoại; xây dựng nền quốc phòng
toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, thế
trận lòng dân vững chắc; công tác phòng, chống tội phạm; công tác tiếp công
dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; giải quyết kịp thời, hiệu quả những vấn đề
phức tạp trên địa bàn, nhất là các tình huống đột xuất liên quan đến an ninh
chính trị, trật tự, an toàn xã hội, dân tộc, tôn giáo.
11. Lãnh đạo, chỉ đạo và
thực hiện công tác quản lý, sử dụng tài chính, tài sản của cấp ủy, đảng bộ theo
đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
12. Tham gia ý kiến với cấp
trên trong việc xây dựng, ban hành chủ trương, chính sách, nghị quyết, chỉ thị,
quy định, quyết định, kết luận, quy chế của Đảng, nhất là những vấn đề liên
quan đến địa phương.
13. Ủy quyền cho thường
trực đảng ủy thực hiện một số công việc cụ thể thuộc thẩm quyền của ban thường
vụ đảng ủy, đồng thời thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện.
14. Thực hiện các nhiệm vụ
khác do cấp trên giao.
Điều
4. Tổ chức bộ máy, biên chế và điều kiện bảo đảm hoạt động
1. Số lượng, cơ cấu ủy
viên ban chấp hành, ủy viên ban thường vụ, bí thư, phó bí thư, ủy viên ủy ban
kiểm tra:
Số lượng ủy viên ban chấp
hành, ủy viên ban thường vụ, ủy viên ủy ban kiểm tra theo quy định, hướng dẫn của
Trung ương; định hướng cơ cấu ban thường vụ theo quy định của Bộ Chính trị tại
Chỉ thị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng
mỗi nhiệm kỳ.
2. Đảng ủy cấp trên cơ sở
ở xã, phường được lập 03 cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc, gồm: Văn
phòng, ban xây dựng đảng, cơ quan ủy ban kiểm tra đảng ủy. Đảng ủy xã, phường
nơi có trụ sở trung tâm chính trị cấp huyện hiện nay được lập thêm 01 đơn vị sự
nghiệp của đảng ủy.
Đảng ủy cấp trên cơ sở ở
đặc khu được lập tối đa 04 cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc, gồm: Văn
phòng, ban tổ chức, ban tuyên giáo và dân vận, cơ quan ủy ban kiểm tra và trung
tâm chính trị (đơn vị sự nghiệp của đảng ủy).
3. Biên chế cán bộ lãnh đạo,
công chức, viên chức các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc, đơn vị sự
nghiệp của đảng ủy cấp xã thực hiện theo quy định, hướng dẫn của Trung ương, do
ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương xem xét, quyết định trong
tổng số biên chế được cấp có thẩm quyền giao.
4. Đảng ủy cấp xã có trụ
sở làm việc đặt tại trung tâm chính trị - hành chính xã, có con dấu và tài khoản
riêng, được cấp kinh phí, trang bị cơ sở vật chất, phương tiện hoạt động theo
quy định.
Điều
5. Mối quan hệ công tác
1. Với cấp ủy cấp tỉnh
a) Chấp hành nghiêm sự
lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của cấp ủy cấp tỉnh, mà trực tiếp và thường xuyên
là ban thường vụ, thường trực cấp ủy cấp tỉnh.
b) Thực hiện chế độ thông
tin, báo cáo theo quy định. Kịp thời báo cáo, xin ý kiến ban thường vụ cấp ủy cấp
tỉnh về những vấn đề phức tạp, đột xuất phát sinh, nhất là những vấn đề liên
quan đến quốc phòng, an ninh, đối ngoại, dân tộc, tôn giáo hoặc những vấn đề vượt
thẩm quyền.
2. Với các cơ quan
chuyên trách tham mưu, giúp việc của cấp uỷ, các cấp ủy, đơn vị trực thuộc cấp ủy
cấp tỉnh và các cơ quan, tổ chức khác ở cấp tỉnh
a) Thực hiện sự hướng dẫn,
kiểm tra, giám sát về chuyên môn, nghiệp vụ của các cơ quan chuyên trách tham
mưu, giúp việc của cấp ủy cấp tỉnh theo quy định.
b) Phối hợp với các đảng ủy
trực thuộc cấp uỷ cấp tỉnh (các cơ quan đảng tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh, quân đội,
công an...), các đơn vị sự nghiệp của cấp ủy cấp tỉnh, Mặt trận tổ quốc Việt
Nam, các tổ chức chính trị-xã hội cấp tỉnh, các cơ quan, tổ chức khác trong việc
thực hiện nhiệm vụ chính trị, công tác tổ chức cán bộ và các công tác khác theo
quy định và chỉ đạo của cấp trên.
c) Phối hợp với các đảng ủy
cấp xã để thực hiện các nhiệm vụ được giao theo quy định.
3. Với Hội đồng nhân
dân, Ủy ban nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức Chính trị - xã hội
cấp xã
Đảng ủy, ban thường vụ đảng
ủy lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp và toàn diện đối với tổ chức và hoạt động của hội
đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức
chính trị-xã hội cấp xã.
Hội đồng nhân dân, Ủy ban
nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội cấp xã chấp
hành, tổ chức thực hiện nghiêm túc các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, kết luận
của đảng ủy, ban thường vụ đảng ủy cấp xã.
4. Với các cơ quan
chuyên trách tham mưu, giúp việc, đơn vị sự nghiệp và các cấp ủy, tổ chức đảng
trực thuộc
a) Đảng ủy, trực tiếp và
thường xuyên là ban thường vụ đảng uỷ cấp xã lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan
chuyên trách tham mưu, giúp việc, đơn vị sự nghiệp và các cấp ủy, tổ chức đảng
trực thuộc theo quy định, hướng dẫn của Trung ương.
b) Các cơ quan chuyên
trách tham mưu, giúp việc, đơn vị sự nghiệp và các cấp ủy, tổ chức đảng trực
thuộc chấp hành nghiêm sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của cấp ủy cấp xã, mà trực
tiếp và thường xuyên là ban thường vụ, thường trực cấp uỷ cấp xã; thực hiện
nghiêm chế độ thông tin báo cáo theo quy định.
Điều
6. Tổ chức thực hiện
1. Đảng ủy cấp xã căn cứ
Quy định này để ban hành quy chế làm việc, trên cơ sở cụ thể hoá chức năng, nhiệm
vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác, phù hợp với tình hình thực tiễn.
2. Ban Tổ chức Trung ương
tham mưu Ban Bí thư ban hành quy định, hướng dẫn cụ thể tổ chức bộ máy, biên chế
các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc của đảng ủy cấp xã.
3. Quy định này có hiệu lực
kể từ ngày 01/7/2025.
Trong quá trình thực hiện,
nếu có vướng mắc phát sinh, Ban Tổ chức Trung ương tổng hợp, báo cáo Ban Bí thư
xem xét, bổ sung, sửa đổi khi cần thiết.
Nơi nhận:
- Các tỉnh ủy, thành ủy,
- Các ban đảng, đảng ủy trực thuộc Trung ương,
- Các đảng ủy đơn vị sự nghiệp Trung ương,
- Các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương
Đảng,
- Lưu Văn phòng Trung ương Đảng.
|
T/M BAN BÍ THƯ
Trần Cẩm Tú
|